Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
603
116.532.838

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Một cuốn sách quý về văn hoá dân gian
Gần đây, những công trình về văn hóa học được xuất bản đều đặn, có cuốn rất có giá trị, nhằm khỏa lấp khoảng trống kiến thức về văn hóa dân tộc và văn hóa đương đại thế giới đối với bạn đọc. Tuy nhiên, về văn hóa dân gian thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, sự xuất hiện cuốn Văn hóa dân gian Việt Nam - Những phác thảo, được trân trọng đón nhận.

Tác giả của nó là PGS, TS Nguyễn Chí Bền, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đã nhiều năm sống lăn lộn với nhân dân ở xứ Dừa Bến Tre và ở nhiều vùng quê trù phú khác của Nam Bộ, đã tích lũy được một khối lượng không nhỏ tư liệu về văn hóa dân gian vùng đất mới và đã có một phương pháp khảo sát khả thủ.

Cuốn sách gồm 37 tiểu luận, có thể gồm ba nội dung chính, phân theo loại hình: Lễ hội dân gian; Phong tục làng Việt ở Nam Bộ và những môtíp về truyện Trạng. Ở nội dung đầu, tác giả khảo sát lễ hội ở một số địa phương thuộc Sơn Nam Thượng và xứ Đoài (Hà Tây bây giờ), một địa bàn đậm đặc lễ hội hàng năm; tín ngưỡng thờ mẫu; tục thờ cúng các nữ thần người Việt; tục thờ cúng Thành hoàng làng ở Bắc Bộ, nghi thức tôn vinh thành hoàng của người Việt ở Nam Bộ, tục cúng cá voi của người ven biển Bến Tre.v.v... Cũng như nhiều nhà nghiên cứu folklore khác, Nguyễn Chí Bền thường sử dụng phương pháp miêu thuật, so sánh, kết luận những hiện tượng lễ hội ở từng không gian và thời gian xuất hiện, nhưng tác giả đã biết vượt thoát chất liệu để đi tìm cái chung, và trong từng cái chung đã ẩn chứa nhiều cái riêng, và cái riêng nào cũng là thành tố thuộc tính của cái chung nhất định. Ví dụ: tục thờ Thành hoàng người Việt ở Nam Bộ là hiện tượng đời sống tâm linh của những lưu dân khai phá vùng đất mới hoang vu thành miền đất trù phú hôm nay. Về hình thức tổ chức và diễn biến lễ hội, về thiết chế thờ cúng thành hoàng có nhiều nét đặc thù so với tục thờ thành hoàng ở đồng bằng sông Hồng, nhưng về xuất xứ là bắt nguồn từ tục thờ thành hoàng nơi gốc rễ phát sinh là Bắc Bộ, tức là tôn thờ những người có công với dân với nước, một tín ngưỡng đẹp của những người nông dân quanh năm sống với nghề trồng lúa nước và nghề thủ công. Ở đây tính hội tụ đã chi phối tính lan tỏa văn hóa, đó là một hiện tượng nói lên tính thống nhất - đa dạng của văn hóa Việt đã có từ lâu đời. Không sa đà vào việc miêu tả, Nguyễn Chí Bền bắt đầu có ý thức làm rõ ý nghĩa thực tiễn của lễ hội. Quan niệm của chúng tôi: lễ là tín ngưỡng; hội là vui chơi, ứng diễn nghệ thuật. Tín ngưỡng là niềm tin, còn vui chơi là chuyện thế tục. Vậy mà hai hình thái văn hóa này tưởng như đối nghịch nhau, giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa duy lý và duy cảm lại hòa quyện vào nhau tạo nên luồng giao lưu tâm linh giữa người với người trong cộng đồng để hướng tới cái thiện, cái mỹ. Chính hạt nhân hợp lý này làm cho hai dòng nghịch lưu hòa nhập làm một tạo nên dòng chảy văn hóa lễ hội mang ý nghĩa xã hội rộng lớn.

Cụm bài viết về đặc trưng, về phong tục của làng Việt ở Nam Bộ, dù đó là ở An Giang - một miền biên ải phên dậu của đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre - cù lao cửa sông, sát biển hay ở Tiền Giang với nhiều cồn và kênh rạch và cả những món ăn thảo dã của người Việt hay tài năng kiến trúc, điêu khắc các ngôi chùa ở vùng sông nước phương Nam.v.v... đã phản ánh trí tuệ, tài năng truyền thống yêu nước và chủ nghĩa nhân văn của hàng chục triệu người dân Nam Bộ đã đứng lên chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi, bám đất, bám làng để sản xuất và phát triển sản xuất. Ngoài những bài viết về truyện Trạng ở miền Bắc, Truyện ông Ó ở Nam Bộ giúp người đọc hiểu thêm một môtíp trạng, một kiểu trạng Quỳnh ở một vùng đất lạ: “Ông Ó và Truyện ông Ó là sự tiếp nối tự nhiên của nhân vật trạng và hệ thống truyện trạng từ Bắc vào Nam, là mắt xích trong chuỗi nhân vật Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Xiển Ngộ, Ba Giai, Tú Xuất, Thủ Thiệm, Ba Phi.v.v...” (tr.178). Khảo sát các truyện kể hấp dẫn về đề tài Cọp (hổ), tác giả đã phản ánh tinh thần lao động cần cù, sự hy sinh cao cả của người dân vùng đất mới, nơi có nhiều “Cá sấu và cọp dữ” để khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt, chống thú dữ, mối đe dọa thường xuyên đối với con người và thành quả lao động của họ. Qua những chất liệu văn hóa dân gian, cuốn sách chứng minh được sự giao thoa của văn hóa Việt với văn hóa Chăm, Khơme, Hoa trong tiến trình lịch sử, phản ánh sự cộng cư hòa đồng đầy tính thân ái, trọng nghĩa của người Việt và các dân tộc này.

Văn hóa dân gian Việt Nam - Những phác thảo quy tụ nhiều tư liệu quý về địa phương chí, nhân vật chí được viết với văn phong vừa chân phương khoa học, vừa như những hoài niệm của tác giả đã có một thời gắn bó với những vùng đất lịch sử này. Cuốn sách không chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu văn hóa sử, mà có thể còn bổ ích cho nhiều độc giả muốn hướng về cội nguồn văn hóa dân gian.

Hồ Sĩ Vịnh - Hội dân tộc học Việt Nam
Tin tức khác