Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
755
116.540.165

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cần có những tư duy mới trong công tác đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền
Gần một nửa thế kỉ qua, sự nghiệp đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền trong các trường văn hoá nghệ thuật của cả nước đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn lao. Những thành tựu đó bước đầu đã được đúc kết để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho các thế hệ kế tiếp không ngừng phát huy trong sự nghiệp đào tạo của mình.

Gần một nửa thế kỉ qua, sự nghiệp đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền trong các trường văn hoá nghệ thuật của cả nước đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn lao.

Những thành tựu đó bước đầu đã được đúc kết để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho các thế hệ kế tiếp không ngừng phát huy trong sự nghiệp đào tạo của mình.     

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại một cách nghiêm túc về chặng đường đã qua thì vấn đề đào tạo âm nhạc dân tộc cổ truyền còn nhiều điều bất cập. Những điều bất cập này đã thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tầm, nghiên cứu, các nhà lí luận, các nhà sư phạm cũng như các nghệ sĩ có uy tín trong cả nước.

Từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX cũng đã có một số hội nghị mang tính chất trao đổi, bàn bạc về những nội dung trên. Tuy nhiên, những ý kiến tranh luận đó đã không được kịp thời giải quyết một cách thấu đáo mà cứ để kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Cách nhìn nhận và lối tư duy trong thời kì đó còn lúng túng, thụ động, chưa theo kịp thời đại, chưa có phương hướng giải quyết một cách rõ ràng bởi nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Chúng tôi nhất trí với những ý kiến của các nhà khoa học là cần phải có một hội thảo khoa học mang tầm quốc gia nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bất cập mà từ trước tới nay đã gây nhiều tranh luận. Đó là vấn đề bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền như thế nào? Kết hợp việc đào tạo âm nhạc phương Tây với âm nhạc dân tộc cổ truyền ra làm sao? Liều lượng bài bản và tỉ lệ các môn học cũng như hệ thống đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền trong tình hình hiện nay như thế nào? .v.v...

Tuy nhiên, để đi tới thống nhất những vấn đề trên không phải là điều khó khăn và phức tạp mà chỉ cần chúng ta thay đổi cách nhìn và lối tư duy sao cho phù hợp với xu thế của thời đại hiện nay.

Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi không có tham vọng giải quyết tất cả những vấn đề vừa nêu trên mà chỉ xin đề cập một số ý kiến về cách nhìn và lối tư duy mới trong công tác đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền.

1. Về âm nhạc dân tộc cổ truyền cải biên(1).

Thể loại này chiếm ưu thế hơn, nó bao trùm trên một bình diện khá rộng trong sự nghiệp đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền cuả chúng ta gần một nửa thế kỉ qua.

Cho tới tận ngày hôm nay chúng ta vẫn không thể phủ nhận sự tồn tại một thực tế khách quan về loại hình đào tạo này bởi tính hiệu quả và tính thực hành xã hội của nó. Những học sinh, sinh viên ở các trường văn hoá nghệ thuật, các nhạc viện trong cả nước sau khi được đào tạo ra trường đã phục vụ rất tốt cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp văn hoá của Đảng trong thời kì chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

a. Về ưu điểmThời gian đào tạo có thể nhanh hơn so với lối học công phu và tinh tế theo kiểu nghệ nhân truyền ngôn, truyền nghề, các học sinh, sinh viên được trang bị những kĩ thuật diễn tấu ở một trình độ cao. Với trình độ kĩ thuật đó họ có thể biểu diễn các tác phẩm âm nhạc dân tộc cải biên, các tác phẩm Việt Nam cũng như của nước ngoài đương đại một cách thuần thục.

Để đạt tới một trình độ diễn tấu với kĩ thuật điêu luyện như vậy, các học sinh, sinh viên cần phải được trang bị những môn kiến thức âm nhạc như lí thuyết, xướng âm, hoà thanh, phân tích âm nhạc .v.v...

Điều này không có gì là mâu thuẫn với việc đào tạo học sinh nhạc cụ dân tộc mà lại học các môn lí thuyết của âm nhạc phương Tây. Do tính đặc thù của nền âm nhạc dân tộc cổ truyền ở mỗi nước trên thế giới có khác nhau nên từng quốc gia họ lại có những phương thức đào tạo riêng khác hẳn với mô hình đào tạo của chúng ta. Một số nước ở Đông Nam Á như Trung Quốc, ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, .v.v... họ có trường đại học hay học viện riêng chuyên đào tạo và nghiên cứu vấn đề bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền ở nước họ. Những nhạc cụ độc đáo ở một số quốc gia trên như Sita, Kôtô, Gagaku hoặc chiếc đàn do Khổng Minh biểu diễn, họ vẫn bảo tồn nguyên vẹn cho tới ngày hôm nay và thường có một số bản nhạc riêng để chuyên biểu diễn cho các loại nhạc cụ này.

Ngược lại, một số quốc gia ở châu Âu có nền dân ca mang những nét tương đồng với âm điệu của âm nhạc cổ điển này, các nhạc cụ dân tộc của họ khi diễn tấu những tác phẩm nước ngoài sẽ không xảy ra tình trạng lạc lõng, khó hoà nhập.

b. Về nhược điểm

Ngoài những ưu điểm như đã nêu ở trên, việc đào tạo âm nhạc dân tộc cổ truyền theo kiểu cải biên còn tồn tại một số điều bất cập như sau:

Học sinh, sinh viên được đào tạo theo mô hình này khi ra trường chưa hoà nhập một cách nhanh chóng với môi trường nghệ thuật mới (các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp). Do yêu cầu thực tế về chuyên môn của đoàn nên có khi họ lại cần phải mất một số thời gian đào tạo thêm thì mới có thể biểu diễn được các bài bản trong sân khấu tuồng, chèo hay cải lương.

Trong khi còn học tập ở nhà trường, các học sinh, sinh viên chưa được trang bị một cách đầy đủ về phong cách âm nhạc dân tộc cổ truyền nên khi biểu diễn chưa toát lên được cái thần, cái hồn của tác phẩm mặc dù trình độ kĩ thuật của họ rất cao.

Việc trang bị những tri thức về văn hoá âm nhạc dân tộc cổ truyền, hệ thống lí thuyết như thang âm, điệu thức, tiết tấu, quãng đặc trưng, kĩ thuật luyến láy, nhấn nhá còn bị hạn chế nhiều trong quy trình đào tạo. Hệ quả đó đã dẫn đến tình trạng khi học sinh, sinh viên biểu diễn những sáng tác theo kiểu cải biên thì rất tốt nhưng khi trình diễn những bản nhạc cổ thì lại tỏ ra lúng túng, thiếu tự tin bởi vì họ không nắm được đầy đủ về phong cách của thể loại này.

Khi biểu diễn những tác phẩm âm nhạc dân tộc cải biên hoặc âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên ở nước ngoài hay cho người nước ngoài nghe thì việc quan trọng đầu tiên là phải giải thích tỉ mỉ và cặn kẽ để tránh tình trạng họ hiểu sai về âm nhạc dân tộc cổ truyền của Việt Nam. Qua hiện tượng này, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có cách nhìn và lối tư duy mới khi truyền bá vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền của Việt Nam ra nước ngoài, tránh tình trạng mẹ hát con khen hay. Lại càng không nên chủ quan, tự mãn cho rằng âm nhạc dân tộc cổ truyền của chúng ta là hay nhất, độc đáo. Muốn có được cách nhìn mới, lối tư duy mới chúng ta cần tránh tư tưởng ngộ nhận, tư tưởng tự tôn dân tộc thì mới có thể hội nhập được với quốc tế và khu vực. Chúng ta có quyền tự hào về nền âm nhạc dân tộc cổ truyền đã tồn tại và phát triển theo chiều dài lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Trên cơ sở đó mới có thể học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của nước ngoài để bổ sung cho việc bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền của chúng ta ngày càng tốt hơn.

Từ năm 1995 trở lại đây, với cách nhìn mới và lối tư duy đa chiều, Nhạc viện Hà Nội đã thực hiện chủ trương đổi mới đào tạo (đặc biệt là khoa Nhạc cụ dân tộc), nhằm tìm ra hướng đi cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong xu thế hội nhập và phát triển. Khoa Nhạc cụ dân tộc cổ truyền cũng đã nhanh chóng nắm bắt tinh thần này nên trong chương trình đào tạo đã có những bước cải tiến đáng kể về chương trình, giáo trình, lượng bài bản và lượng tác phẩm cho các cấp học.

Ngoài những kiến thức chung cho toàn trường, Nhạc viện Hà Nội đã tăng cường môn hát dân ca, dần dần từng bước đưa thể nghiệm một số môn lí thuyết âm nhạc dân tộc cổ truyền vào chương trình giảng dạy. Ngoài ra còn mời một số nghệ nhân có uy tín và trình độ chuyên môn cao đến giảng dạy nhằm nâng cao vốn hiểu biết về hơi, điệu, kĩ thuật nhấn nhá, luyến láy để khi biểu diễn thực hành có thể toát lên được cái hồn trong âm nhạc dân tộc cổ truyền. Một số hội thảo khoa học về âm nhạc cổ truyền cũng đã tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các giáo sư đầu ngành trong việc khắc phục những mặt chưa được trước đây và bổ sung những nhân tố mới mang tính cập nhật vào quy trình đào tạo. Và cuối cùng cũng đã thống nhất được một quan điểm là cần nhanh chóng bổ sung phương pháp học nghệ nhân theo lối truyền ngôn, truyền nghề vào chương trình đào tạo. Hai phương pháp giảng dạy âm nhạc dân tộc cải biên và phương pháp học nghệ nhân sẽ bổ sung cho nhau tạo ra một diện mạo mới có sức hấp dẫn và phấn chấn trong đào tạo.

So với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của việc đào tạo ngành âm nhạc dân tộc cổ truyền thì việc làm này tuy có muộn nhưng còn đáng quý hơn là không làm gì trong những thập kỉ của các thế hệ tiếp theo.

2. Về cải tiến nhạc cụ

Đây cũng là một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất của các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các nghệ nhân và các nhà sư phạm khi trực tiếp ngồi ở hội nghị để nghiệm thu các nhạc cụ cải tiến. Trong xu thế bảo tồn, phát triển và hội nhập thì việc cải tiến nhạc cụ là một nhu cầu cần thiết và quan trọng, nhưng cải tiến như thế nào? Hiệu quả ra sao? Giá trị thực tiễn và tính khả thi ở mức độ nào lại là điều cần tranh luận và bàn bạc đến nơi đến chốn. Mục đích của việc cải tiến nhạc cụ là làm phong phú thêm hàng âm, nâng cao trình độ và mở rộng phạm vi kĩ thuật diễn tấu của người nghệ sĩ chứ không làm mất đi cái âm thanh thật hoặc phá vỡ cái cấu trúc khoa học vốn sẵn có của nó. Trong những năm qua đã có rất nhiều nhạc cụ dân tộc cổ truyền được cải tiến, nhưng hiệu quả sử dụng trong đào tạo và biểu diễn không đạt được như mong muốn. Một số đã bị mất đi trong quên lãng, một số lại được cải tiến bằng cách dùng hệ thống điện tử để khuyếch đại âm thanh hoặc thay thế hệ thống thang 5 âm bằng 7 âm có biến âm để có thể biểu diễn được những tác phẩm đương đại hoặc tác phẩm nước ngoài. Có thể coi đây là việc làm phản khoa học, phản thẩm mĩ bởi vì những nhạc cụ này khi biểu diễn tác phẩm nước ngoài thường rơi vào tình trạng “nhại lại” gây cảm giác khó chịu cho người nghe.

Nếu lấy hiện tượng anh Mác Tuyên cải tiến đàn Lạc cầm làm thí dụ thì có thể coi đây là một việc làm cần phê phán chứ không phải là khích lệ rồi bỏ phiếu nghiệm thu để bảo tồn ở trong kho. Có lần tiếp xúc và làm việc với nghệ nhân người Lào tên là Xỉnh Khăm ở cố đô Luông – Pha – Băng chúng tôi được biết ông đang cải tiến đàn Lanạt (đàn thuyền) theo yêu cầu của Bộ Văn hoá Lào. Qua trao đổi, ông Xỉnh Khăm cho biết là muốn cho Lanạt kêu hay, âm thanh trong trẻo và đảm bảo độ chuẩn của hàng âm thì phải cải tiến chủng loại gỗ để làm phím đàn, nhưng tuyệt đối không làm thay đổi hình dáng và cấu trúc của đàn. Hoặc khi thăm quan Học viện Nghệ thuật ở tỉnh Côn Minh, Trung Quốc, chúng tôi thấy các nghệ nhân đã cải tiến chiếc đàn của Khổng Minh bằng cách bổ sung hệ thống lắp dây để âm thanh vang hơn mà không cần dùng micro hay bộ khuyếch đại âm thanh để biểu diễn ở những chỗ đông người.

Qua hai hiện tượng trên, chúng tôi cảm nhận được rằng: cải tiến nhạc cụ là một việc làm đáng trân trọng, giúp cho công tác bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền trong đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn. Nhưng kết quả của việc cải tiến nhạc cụ cần phải đảm bảo được cái giá trị thực tiễn, giá trị khoa học và tính khả thi. Đặc biệt, không nên làm biến dạng quá nhiều về cấu trúc hoặc làm mất đi cái âm thanh mượt mà, đẹp đẽ vốn sẵn có trong nó từ bao đời nay và lại càng không nên bắt nó phải biểu diễn những tác phẩm âm nhạc theo kiểu thang âm bình quân, có nhiều biến âm và những tác phẩm hiện đại vốn không phải là sở trường của loại nhạc cụ đó...

3. Về vấn đề sưu tầm và nghiên cứu

Ở bài báo này chúng tôi chỉ xin trình bày một số ý kiến nhỏ về công tác sưu tầm và nghiên cứu vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền để ứng dụng vào công tác đào tạo trong các trường Văn hoá nghệ thuật chứ không có tham vọng đi sâu vào những vấn đề khác.

Công việc sưu tầm và nghiên cứu là hai vấn đề then chốt trong việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền mà gần nửa thế kỉ qua các thế hệ cán bộ của Viện Âm nhạc đã và đang làm. Mục đích của công tác sưu tầm là tìm kiếm, phát hiện (giống như người đi tìm quặng) những giai tầng âm nhạc dân gian đặc sắc và độc đáo của các tộc người, các vùng miền khác nhau còn tiềm ẩn trong dân gian chưa được ghi chép lại bằng truyền khẩu hay bằng phương tiện ghi âm hiện đại.

Bước tiếp theo là bảo quản những tư liệu quý giá đó không phải để nằm trong kho mà phải xử lí để biến chúng thành những “vật thể sống” để có thể ứng dụng vào công tác đào tạo, biểu diễn, sáng tác và nghiên cứu. Những kết quả của quá trình nghiên cứu như thang âm, điệu thức, tiết tấu, cấu trúc, làn điệu, quãng đặc trưng .v.v... cần phải được sớm ứng dụng vào công tác đào tạo ở các Nhạc viện, các Viện và các trường Văn hoá nghệ thuật trong cả nước, thậm chí còn ở cả nước ngoài nữa. Trong nhiều thập kỉ qua, chúng ta chưa làm được điều này, nếu có thì chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, tự phát, không có định hướng.

Bởi vậy, giữa công tác sưu tầm và nghiên cứu không có sự gắn bó chặt chẽ với công tác đào tạo theo một định hướng rõ ràng. Điều bất cập này đã từng kéo dài trong một thời gian khá lâu, các cấp lãnh đạo ngành văn hoá bây giờ cũng đã nắm được thực trạng này nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách hữu hiệu.

Trong thời gian từ 5 – 6 năm trở lại đây, Viện Âm nhạc đã thực sự khởi sắc bởi một guồng máy làm việc năng động, công tác sưu tầm, nghiên cứu và xử lí tư liệu đã được đẩy mạnh với một tốc độ nhanh chóng.

Ban lãnh đạo Viện đã thực hiện phương châm chiêu hiền đãi sĩ nhằm tập hợp các nhà nghiên cưú, các giáo sư đầu ngành cùng đến với một mái nhà chung là Viện Âm nhạc để trao đổi, bàn bạc, hỗ trợ cho Viện hoàn thành được một khối lượng công trình khoa học mà từ trước tới nay chưa từng có. Tuy nhuận bút chưa thoả đáng, nhưng các nhà khoa học cũng rất nhiệt tình cộng tác với Viện để ra được một số đầu sách nghiên cứu, một số công trình có giá trị thực tiễn cao, gây được uy tín trong ngành.

Bước đầu một phần nghiên cứu đó đã được ứng dụng thể nghiệm trong công tác đào tạo ở các Nhạc viện, các trường Văn hoá nghệ thuật trong cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn Viện Âm nhạc cần có cách nhìn và lối tư duy mới trong việc ứng dụng những thành quả nghiên cứu vào sự nghiệp đào tạo vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền ở một bình diện rộng hơn, đa dạng hơn. Mặt khác, Viện cũng cần có định hướng trong việc nghiên cứu mang tính chuyên sâu cho phù hợp với chức năng của mình.

Có như vậy thì sự hợp tác chặt chẽ giữa viện âm nhạc với các cơ sở đào tạo sẽ mở ra những phương hướng mới cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền như sau:

Thứ nhất: Trong tình hình hiện nay, vẫn cần thiết phải duy trì và phát triển kiểu đào tạo âm nhạc dân tộc cổ truyền cải biên nhưng phải có định hướng rõ ràng. Cần có cách nhìn mới và tư duy mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cải tiến chương trình, giáo trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Song song với phương thức đào tạo âm nhạc dân tộc cải biên cần bổ sung lối đào tạo theo kiểu nghệ nhân truyền nghề (đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên). Cần có cách nhìn mới và tư duy mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cải tiến chương trình, giáo trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Song song với phương thức đào tạo âm nhạc dân tộc cải biên cần bổ sung lối đào tạo theo kiểu nghệ nhân truyền nghề (đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên). Cần phải đặt hai hình thức đào tạo này ở vị trí bình đẳng để chúng có thể bổ sung cho nhau tạo thành mối liên kết chặt chẽ trong một quy trình đào tạo mang tính đồng bộ.

Thứ hai: Đề nghị nhà nước cấp kinh phí để thành lập một trường Đại học hay Học viện âm nhạc dân tộc cổ truyền để nghiên cứu và đào tạo mang tính đặc thù chuyên sâu. Lối đào tạo này sẽ khác hẳn với lối đào tạo ở các Nhạc viện hay các trường Văn hoá nghệ thuật.

Thực ra phương án này cũng đã được đề cập và bàn bạc từ những năm 60 của thế kỉ XX, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh và nguồn kinh phí khó khăn nên nhà nước chưa có điều kiện triển khai.

Bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền không phải là khẩu hiệu chung chung mà phải trở thành những định hướng mang tính khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi trong xu thế phát triển chung của thời đại. Nếu không có cách nhìn mới và lối tư duy mới thì chúng ta sẽ bị lạc hậu so với nhu cầu phát triển của thế giới và khu vực.

Chúng ta cần thăm quan và học tập kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Nam Á có những nét tương đồng với nền âm nhạc dân tộc cổ truyền của chúng ta như: Trung Quốc, ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, .v.v... Ở các quốc gia này nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc biệt để họ có thể bảo tồn những di sản văn hoá dân tộc và không ngừng phát triển với một tốc độ nhanh chóng.

Sự phát triển của họ được kế thừa một cách có chọn lọc những tinh hoa của truyền thống, bổ sung nhiều nhân tố mới mang tính cập nhật trong xu thế phát triển chung của nền văn hoá tiên tiến của nhân loại.

Chúng tôi tin tưởng rằng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng trong xu thế phát triển một nền văn hoá nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc sẽ là một định hướng mới cho việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của đất nước. Vận dụng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng vào thời kì mới chúng ta cần phải có cách nhìn và lối tư duy mang tính cập nhật trong việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền trong sự nghiệp đào tạo, sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn và sáng tác. Trên cơ sở đó chúng ta mới có thể hội nhập với quốc tế và khu vực trong thế kỉ chấn hưng văn hoá dân tộc này. Thế kỉ của việc bảo tồn những di sản văn hoá của các quốc gia trên thế giới, trong đó có âm nhạc cổ truyền.

Phạm Minh Khang - Dân tộc học Việt Nam
Tin tức khác