Và đó cũng chính là nguyên nhân để Clodine xuất hiện trong căn phòng Vào tịnh của Đức Giáo Tông trong Tòa nhà Thiên Lý Mật Truyền. Với cô, giờ đây chỉ có tính mạng của Ngọc Nhựt là điều tối trọng. Còn Đức Giáo Tông, dù khi dấn thân vào con đường hành đạo, phải chịu nhiều nỗi nhọc nhằn đau thảm, đã “ly gia cắt ái” gần như suốt mấy mươi năm nhưng trong đáy lòng ông cảm thấy rất ấm áp, yên tâm về gia đạo, bởi ông biết vợ con ông đang tồn tại một cách tốt đẹp, cùng song hành trong con đường hành đạo của ông. Rồi bỗng dưng Ngọc Bích bị trục xuất sang Paris, nỗi đau của người cha thường tình trong con người của Đức Giáo Tông trỗi dậy mãnh liệt. Và cũng chưa bao giờ, trong đáy lòng Đức Giáo Tông bị thôi thúc bởi những đợt sóng của lòng ái quốc bị nén giử một cách dữ dội. Nỗi đau cha con ly biệt cộng hưởng với nỗi đau vì bàn thờ tổ quốc bị xâm phạm, vì nền đạo bị lung lay bởi những người Anh Cả của Đạo bị quân đội Pháp mua chuộc và kích động. Nỗi đau ấy chưa nguôi thì chỉ chưa đầy 3 năm sau, Đức Giáo Tông nhận được hung tin về Ngọc Nhựt. Hung tin ấy bay về Tòa Thánh Bến Tre đã làm cõi lòng Đức Giáo Tông cồn lên những đợt sóng thần trong bảo dữ. Một Đức Giáo Tông đã được đắc đạo kể từ ngày 25.2 năm Nhâm Ngọ, đang hướng tới để hoàn tất phần Phật Đạo, dành toàn tâm ý để lo Đạo Pháp, Nội dung bí truyền của Đạo, để làm tròn sứ mệnh cứu rổi đối với nhơn sanh chợt trở về với nỗi đau trần thế, một nỗi đau hết sức cụ thể, được cảm nhận một cách rõ ràng, là máu, là xương, là thịt trong một cơ thể bị chặt đứt, bức lìa. Một nỗi đau ông đã nén chịu, đã giấu tận đáy lòng giờ bộc phát dữ dội, có sức lay động khủng khiếp… Nó mạnh đến nỗi trong vô thức, đã bao lần Đức Giáo Tông đã cầm lên cây bút chấm vào nghiên mực…
“ Viết những dòng bảo lãnh cho con ?!”. Điều đó thật quá dễ. Trong căn phòng Vào tịnh, dưới ngọn nến khắc khoải cháy thâu đêm, Đức Giáo Tông đã bao lần đọc lá thư đầy “thiện ý” của viên tướng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Kỳ bàn về số phận của Ngọc Nhựt. “ Hãy cầm bút lên, viết vài dòng tri ân, viết vài dòng bảo lãnh, rằng với tư cách và uy tín của một Đức Giáo Tông, ông cam đoan sẽ giáo dục đứa con trai yêu quý của ông không làm chính trị, tuyệt giao với cộng sản, rằng mọi hành vi trước kia của con trai ông là lầm lạc, là xuẩn ngốc. Ông vô cùng cảm tạ sự bao dung của quân đội Pháp trước những trí thức đã ngây thơ, lầm đường…”. Ừ, thì có khó gì đâu vài dòng phúc đáp cho ngài tư lệnh… Đức Giáo Tông chấm cây bút vào nghiên mực. Nhưng kỳ lạ thay, ngòi bút vừa chạm vào lá thư phúc đáp kia dừng lại ở chữ “ Đức” rồi đùn lại một giọt mực to, đen ngòm. Giọt mực ấy loang ra, thấm vào từng thớ giấy… Dưới ngọn nến, màu đen của giọt mực chợt lớn dần, biến thành đại dương đỏ ngòm máu. Đức Giáo Tông thấy mình đang ngự trên ngọn núi đá lởm chởm, trần trụi. Trong lúc ông còn đang loay hoay tìm một chỗ an toàn, thì một thế lực vô hình xô ông xuống biển máu. Và cùng với sự sụp đổ chiếc ngai Đức Giáo Tông kia, ông đã kéo theo hàng hà sa số sinh linh rơi vào biển máu đang sôi sục… Tứ chi Đức Giáo Tông bủn rủn, rã rời, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm “Đạo phục”…
Trời đang ấm mà Đức Giáo Tông có cảm giác rét run. Một tiếng nói khác từ trên chín tầng cao thăm thẳm dội xuống thiên đình ông, âm âm, nhức nhối: “ Không. Đó không chỉ đơn thuần là những dòng bảo lãnh cho sinh mệnh đứa con trai yêu quý nhất đời ta. Đằng sau những dòng chữ đen ngòm ấy là một biển máu, có nghĩa là ta đã ký một hiệp ước bất thành văn đi cùng người Pháp để quay lưng với bàn thờ tổ quốc, có nghĩa là ta sẽ xô đẩy hàng trăm ngàn tín đồ của mình vào cuộc chiến đẫm máu huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt!”. Những cảnh hành quyết, sát phạt, máu chảy do những người Anh Lớn ở Cao Đài Tây Ninh gây ra hiển hiện mồn một trước mắt Đức Giáo Tông, rõ đến nỗi ông có cảm giác vạt “ Đạo phục” của mình đang thấm máu… Một tiếng nói từ chính lương tâm Đức Giáo Tông trỗi dậy. “ Không, ta thà cam lòng nén chịu nỗi đau thương riêng mình để giử tròn danh nghĩa Đạo. Khi bàn tay của người cầm giềng mối Đạo đã nhuộm máu, lương tâm ta có còn trong trắng, thanh thản, ta có còn đủ quyền năng để phổ hóa Đạo Đức và độ đời nữa không?!”.
Clodine trao lá thư của Boyer De La Tour cho Đức Giáo Tông, nhìn ông bằng đôi mắt khẩn cầu, bằng tất cả lòng kỳ vọng, thể như sự tồn tại của cả vũ trụ này đều dồn lại trong bàn tay đang cầm lấy cây bút của Đức Giáo Tông. Tình yêu của một người vợ khiến Clodine chỉ nhìn thấy hạnh phúc của mình chứa đựng trong ngôi biệt thự xinh xắn ở Paris. Chỉ ở nơi đó, Ngọc Nhựt mới được an toàn, mới thuộc về cô mãi mãi… Và Đức Giáo Tông là cứu cánh cuối cùng để cứu vãn tình thế đang hết sức tàn khốc, căng thẳng. Trong một khoảnh khắc, bàn tay cầm bút của Đức Giáo Tông bất động…
Chợt hiển hiện trước mắt ông ngày Hội Vạn Linh năm nào. Hôm ấy, hàng trăm ngàn tín đồ đã bỏ phiếu tín nhiệm ông vào ngôi Đức Giáo Tông. Ông đã xúc động, nghẹn ngào bày tỏ lòng tri ân của mình đến các tín đồ vì đức tin dành cho ông. Hội Vạn Linh năm ấy đã ủy nhiệm toàn bộ tài sản cho người cầm giêng mối Đạo đứng bộ. Đức Giáo Tông còn là cây cao bóng cả, chịu trách nhiệm trước phần hồn của hàng trăm ngàn môn đệ của mình. Vậy mà giờ đây… Cuối cùng rồi thì Đức Giáo Tông cũng phải hành động. Cây bút trên bàn tay hồng nhuận của ông di chuyển chầm chậm từ trên chiếc bàn gổ đến nghiên mực rồi trở về nơi khởi đầu của tờ giấy bảo lãnh… Clodine cơ hồ nín thở, đôi mắt xanh còn ướt đẫm lệ nhìn chằm chằm vào bàn tay cầm bút của Đức Giáo Tông, lòng ngập tràn hy vọng. Những hàng chữ màu đen, sắc nét lăn dần, rõ mồn một trên trang giấy, đập thẳng vào mắt cô: “…Con trai tôi đã trưởng thành. Tôi không thể dùng quyền lực người cha ép buộc nó. Nó có sứ mạng của nó!”. Dấu chấm than đặt cuối câu như lời khẳng định, sẵn sàng đương đầu, chấp nhận mọi bi kịch, mất mát, những điều xấu nhất sẽ đến, có nghĩa là Đức Giáo Tông đã chọn lựa… Clodine mở to mắt, sửng sốt vì đau đớn tột độ kêu lên:
- Đức Giáo Tông…
Clodine như cố kiềm nén một điều gì đó bên trong đang dâng lên lồng ngực làm cô nấc nghẹn. Cô lao ra khỏi căn phòng Vào tịnh của Tòa nhà Thiên Lý Mật truyền bằng những bước chân gấp gáp, dồn dập như lúc cô lao vào gặp ông với niềm kỳ vọng tràn ngập trong lòng…
“ Đức Giáo Tông…”. Tiếng kêu tuyệt vọng thoát ra từ cửa miệng Clodine như những hòn đá tảng dội ngược vào lồng ngực ông. Chưa bao giờ Đức Giáo Tông thấy mình rơi vào vực sâu của nỗi bi thảm, cô đơn như thế. Ngọn nến in bóng Đức Giáo Tông trên bức tường căn phòng Vào tịnh. Chiếc bóng trùm lên nỗi cô đơn của Đức Giáo Tông. “ Là một người cha, ta hành xử như vậy có đúng không?!”. Đức giáo Tông tự hỏi mình. Từ trong sâu thẳm, những giọt nước mắt chợt ứa trào, rơi lặng lẽ trên gương mặt ngỡ như đã hóa đá của Đức Giáo Tông …