Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
555
123.168.866
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 32

Đức Giáo Tông còn biết thêm những chi tiết gây nên trong lòng ông nỗi đau đớn khôn tả. Ngọc Nhựt phải chống đỡ với những cơn đau đớn dữ dội trong nhà tù bao nhiêu thì Đức Giáo Tông cũng nghe như chính mình đang chịu đựng điều “nhọc nhằn đau thảm” mà con trai phải chịu đựng. Khi Ngọc Nhựt  rời khỏi khám Catina thì anh đã kiệt sức và mất trí. Ngọc Nhựt cố chống đỡ những cơn đau, cố dùng lý trí áp đảo sự suy sụp thần kinh của mình bằng một nghị lực phi thường. Ngay cả tên trùm mật thám Nam Kỳ cũng không ngờ đến sức mạnh tinh thần  của Ngọc Nhựt dữ dội đến mức có thể làm phản tác dụng của liều hóa chất mà hắn đã cho tiêm vào người anh. Hôm ấy, chúng tập trung số tù nhân cộng sản trí thức vừa mới bắt đựợc cho học tập, dụ dỗ. Những luận điệu, bài nói đã quen thuộc, cũ rích của chúng đập vào tiềm thức của Ngọc Nhựt. Một luồng ánh sáng chiếu vào, đập mạnh, chống lại tiềm thức ấy trong mớ ký ức hỗn độn của Ngọc Nhựt. Anh cố trấn tĩnh cơn đau đầu đang hoành hành, lừng lững đi lên bục giảng. Giữa lúc tên mật thám còn chưa định thần được thì Ngọc Nhựt đã cầm lấy nùi giẻ chầm chậm lau sạch tựa đề: “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”. Sau giây phút ngơ ngác tìm viên phấn, gương mặt anh chìm trong sự nghiêm trang, thành kính khác thường. Anh bình thản, chậm rải, lặng lẽ, cẩn trọng viết to trên bảng, từng nét một. Theo sự di chuyển của bàn tay cầm phấn trắng của anh,  hàng chữ “Hồ Chí Minh” được kẻ to, lấp đầy tấm bảng  đen… Tên mật thám trợn tròn mắt nhìn anh. Sau phút choáng váng, hắn ra lệnh:

 

- Giải tán. Ngọc Nhựt, anh điên rồi!

 

Lạ kỳ thay, hắn càng gào lên phẫn nộ, càng ra sức  cho Ngọc Nhựt đã điên rồ thì tiếng vổ tay của những người tù vẫn không ngừng vang lên…

 

Ngọc Nhựt đã dùng sức mạnh lý trí áp đảo những cơn đau đầu làm anh bị điên loạn. Nhưng rồi thần kinh thép của anh dần rệu rã trước sức công phá của độc dược, trước sự suy sụp thể xác… Trong những nơ-ron thần kinh đang gắng gượng chống đỡ sự công phá của độc dược trong Ngọc Nhựt, những vùng sáng, tối đan xen trong quá khứ và hiện tại, giữa một nước Pháp xa xôi đầy ánh sáng và tuyết giá với vùng đồng nước nổi mênh mông bạt ngàn sen hồng, sen trắng của Đồng Tháp Mười; giữa những gương mặt thân quen, đậm chất Á đông  của bà Giàu, người mẹ thân yêu của an; của Ngọc Yến, Ngọc Nguyệt… những người chị hiền thục, thân yêu của anh  với với làn da trắng, chiếc mũi ngoại lai, đôi mắt xanh của  Clodine; giữa gương mặt Pháp lai Ấn của tên trùm mật thám Nam Kỳ Bazin  và Boyer  De La Tour với gương mặt hồng nhuận, nghiêm trang của người cha Đức Giáo Tông; giữa cô gái để hở bộ ngực căng tràn, ngồn ngộn, gợi tình trong phòng hỏi cung với những người mẹ, người chị trong chiến khu phải chèo chống, gánh gồng; giữa gương mặt đầy ẩn ức, giấu kín nỗi buồn  vào trong  của Ngọc Bích- người anh trai bị lưu đày trên đất Pháp với  bộ mặt kiêu hãnh, đầy tự hào về một “ Nước mẹ đại Pháp” của papa Clodine đang cầm trên tay pip xì –gà hão hạng trong văn phòng công ty ở Paris;  giữa ngôi nhà lá trên bờ kênh lộng gió trong chiến khu Đồng Tháp Mười với ngôi biệt thự  đầy hoa hồng của anh và Clodine ở ngoại ô Paris. Trong dòng hỗn độn những ký ức, kỳ lạ thay, anh nhìn thấy lại một đêm Noel lạnh giá ở Paris. Đêm ấy mất điện, Paris chìm trong tăm tối. Bé Noel đang hấp hối. Bàn tay anh run rẩy đốt lên ngọn nến. Vầng ánh sáng nhạt nhòa, khi mờ khi tỏ đủ để anh nhìn thấy gương mặt đẫm nước mắt của Clodine cúi xuống gương mặt trắng bệch, lạnh giá của con trai. Anh lại nhìn thấy đôi môi đỏ chót của “ Ma-đam Xuân” mỉm cười. Rồi tiếng đàn da diết, thổn thức của Clodine ngày tiễn biệt vang lên. Buổi sáng hôm ấy, Clodine thức dậy rất sớm. Cô đã ngồi bên cây đàn dương cầm tự lúc nào, gương mặt tràn ngập nỗi đau khổ, đôi bàn tay búp măng lướt trên phím. Dù vô cùng đau đớn khi Ngọc Nhựt nhất quyết ra đi nhưng tự đáy lòng, cô vẫn mong người đàn ông cô đơn trong “Sonate ánh trăng” của L.V Beethoven dù có chìm trong đêm tối mịt mùng, cuối cùng vẫn đi đến chân trời có bình minh tỏa sáng. Clodine không muốn gặp Ngọc Nhựt giờ tiễn biệt, bởi cô biết điều đó sẽ làm cô thêm đau lòng và Ngọc Nhựt thêm khó xử. Tiếng đàn của cô đã gửi gắm tất cả… Bỗng anh nghe như có một tiếng nổ rung chuyển mặt đất, căn nhà bị tung lên, người đàn bà mang thai gần ngày sinh cũng tung lên. Máu từ đầu chị tuôn ra, ướt đẫm thân mình. Đứa bé không còn được mẹ truyền hơi thở vẫy vùng, làm bụng chị rung lên từng đợt… Ngọc Nhựt hét lên đau đớn. Những hình ảnh tương phản ấy không ngừng xuất hiện, xâu xé, trỗi dậy  trong mớ những nơ ron thần kinh đã méo mó, đứt vỡ trong anh… Anh sẽ vô tư nếu được điên rồ hẳn. Nhưng anh luôn chống lại sự điên rồ ấy bằng những nơ-ron thần kinh trước kia vốn quá hoàn hão. Vì vậy mà xen lẫn với những cơn điên rồ là trạng thái tỉnh táo một cách khác thường của Ngọc Nhựt. Vì quá tỉnh táo mà anh nhận thức được hoàn cảnh bi đát của mình. Trong lúc tỉnh táo, anh luôn cố chống lại sự suy sụp và rệu rã do liều hỗn hợp độc dược đã tác động lên thần kinh. Chính  sự cố gắng phi thường ấy khiến anh trở thành một người điên vô cùng đau khổ… Trong những ngày ấy, những người chị của Ngọc Nhựt thay phiên vào Nhà thương thăm em trai. Vào một buổi chiều Mặt Trời khuất sớm dưới rặng dừa xanh phía Tây của chân trời, Ngọc Nguyệt  đến Nhà Thiên Lý Mật Truyền gặp Đức Giáo Tông. Cố kiềm nén xúc động, cô nói:

 

- Thưa papa, sáng ngày mai  con sẽ đi Biên Hòa thăm em con…

 

Lồng ngực Đức Giáo Tông chợt đau thắt. Ông lặng lẽ chống cây gậy trúc đã bóng ngời nước thời gian, khó nhọc lần từng bước đi đến kệ sách, lấy ra một quyển kinh  ghi những lời dạy của Đức Chí Tôn trao cho Ngọc Nguyệt  căn dặn:

 

- Con đưa quyển này cho em, biểu nó đọc kỹ chương Thích ca Mâu Ni thành Đạo…

 

Ngọc Nguyệt nghẹn ngào nói:

 

- Papa ơi, giờ này… Ngọc Nhựt không còn đọc được những thứ này đâu! Em con… Em con…

 

Đức Giáo Tông  đăm đắm nhìn vào đôi môi Ngọc Nguyệt. Ông thúc giục:

 

- Em con… Em con… nó bị làm sao rồi?!

 

Không kìm nén được nữa, Ngọc Nguyệt  òa khóc, nức nở:

 

- Em con… Em con… đã bị chích thuốc hóa rồ rồi, papa ơi!

 

Đức Giáo Tông buông rơi thân mình xuống chiếc ghế đơn. Vì không muốn để Ngọc Ngọc Nguyệt  kinh động, lo lắng,  ông cố nén lại cơn đau thắt đến với ông lần nữa. Đức Giáo Tông vận “ Chơn thần” nén lại cơn bão lòng đang  trỗi dậy mãnh liệt. Ông nói với con gái mà như nói với chính mình:

 

- Vậy là  em con đã hoàn thành sứ mạng! Papa biết kết cuộc này rồi sẽ đến. Nó đã điên rồi… Papa biết nhưng… Nhưng con cứ đưa cho Ngọc Nhựt quyển kinh này, nói với nó đây là hình ảnh của papa… Biết đâu nhìn thấy quyển sách, em con sẽ bình tâm trở lại. Papa đã gửi lời cầu nguyện cho Ngọc Nhựt trong đó…

 

Sự kiềm nén cảm xúc của Đức Giáo Tông truyền sang trái tim vốn nhạy cảm và tinh tế của Ngọc Nguyệt. Nỗi đau dâng lên đầy ắp trong lòng cô, vỡ ra thành nước mắt. Cô quỳ xuống dưới chân Đức Giáo Tông, ôm lấy mặt, òa khóc nức nở:

- Papa!…

 

                                *

 

Vào những ngày ấy, trong Tòa nhà Thiên lý Mật Truyền, Đức Giáo Tông  cũng đang tập trung sức lực chống lại từng cơn đau đang xâu xé thể xác mình. Trái tim vốn chịu đựng quá nhiều nỗi “nhọc nhằn đau thảm” của chính cuộc đời ông, của hàng trăm ngàn môn đệ của ông đã quá sức chịu đựng. Đức Giáo Tông lắng nghe từng nhịp đập khác thường trong trái tim bé nhỏ của mình. Ông cảm nhận được từng cái nhói buốt như có bàn tay ai nắm lấy trái tim bứt ra khỏi lồng ngực, có khi là cảm giác của hòn Thái Sơn làm tức thở, trĩu nặng… Hơn ai hết, Đức Giáo Tông biết được giờ khắc ra đi của mình. Đã hơn  bốn năm qua, kể từ ngày Ngọc Bích bị trục xuất khỏi tổ quốc, Đức Giáo Tông đã âm thầm chuẩn bị cho ngày nhập diệt của mình. Ông sẽ nhịn ăn để khởi sự cho chuyến ra đi vĩnh viễn của mình. Từ giữa năm Canh Dần ( 1950 ) cho đến đầu năm Tân Mão ( 1951 ), Đức Giáo Tông càng khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đi xa… Những chức sắc nam nữ  nơi Tòa Thánh  An Hội được Đức Giáo Tông dời lên Tòa nhà Thiên Lý Mật truyền để dạy việc. Trong từng công việc ông ủy thác, chỉ bảo, trong từng lời nói cẩn trọng, những môn đệ của Đức Giáo Tông cảm nhận như lời trăn trối. Họ bước ra khỏi Tòa nhà Thiên Lý Mật truyền với gương mặt trĩu nặng nỗi buồn và ướt đẫm nước mắt. Đức Giáo Tông nhẹ nhàng trách:

 

- Tệ huynh  được Ơn trên cho ra tịnh là điều hồng phúc, sao các em lại khóc. Trước lúc đi xa, Anh sắp đặt lại mọi việc lớn, nhỏ trong Hội Thánh cũng là lẽ giản đơn thôi. Có thương Anh, các em hãy lau nước mắt mà làm tròn bổn phận…

 

Và ngày đêm, âm thầm chống lại những cơn đau, Đức Giáo Tông bắt tay vào hàng núi công việc. Ông cho lập hồ sơ từng chức sắc một cách chi tiết, cẩn trọng, ghi chú những điều bí mật bên lề… Có những điều bí mật liên quan từng cá nhân mà ông biết một cách thấu đáo, cặn kẻ cần cho người đời sau hiểu rõ để phán xử, chọn lựa. Ông cân đối lại tiền quỷ của Tòa Thánh, khẩn trương in lại kinh sách; cho xây lại hồ bằng bê tông chứa nước mưa để Hội Thánh đủ dùng vào những tháng nước biển tràn vào cửa sông… Đức Giáo Tông không cho phép mình chậm trể trong việc khẩn trương cho xây lại những phần mộ của các chức sắc đã quá cố… Còn vài việc cá nhân, Đức Giáo Tông cho gọi Ngọc Nguyệt, cô con gái út ở Nhà Trung thừa nữ đến căn dặn:

 

- Con hãy lấy phần tiền riêng của gia đình mua vải trắng để dành cho ngày nhập diệt của papa. À, còn việc này nữa, rất hệ trọng, con hãy thay papa mà gánh lấy trọng trách sửa sang lại hết thảy  mồ mã của ông bà thân thuộc…

 

Đức Giáo Tông trao cho Ngọc Nguyệt cuộn giấy được cột lại cẩn thận bằng dãy lụa màu đỏ thắm, mắt đượm buồn:

 

- Đây là sơ đồ phần mộ của gia tộc ta. Sửa sang như thế nào papa đã ghi rõ. Xưa nay, việc chăm sóc tổ miếu, phần mộ ông bà là dành cho con trai nhưng…

 

Đức Giáo Tông ngậm ngùi, đưa tay chặn trên ngực, cố ngăn lại một cái gì đang trào nghẹn:

 

- Nhưng … Đất nước lâm nguy, con gái của papa cũng biết rõ rồi, các anh con người phiêu bạt nơi cuối trời, em trai út con đang bị giam cầm chốn hang hùm nọc rắn. Thôi thì quyền biến, con ở lại ráng chu đáo phận sự với tổ tiên…

 

Rồi Đức Giáo Tông lặng lẽ nhìn Ngọc Nguyệt… Chợt ông cất tiếng hỏi:

 

- À này, hôm trước đi thăm Ngọc Nhựt, con có đưa quyển kinh  của papa cho nó không?!

 

-  Thưa papa, con đã đưa tận tay cho Ngọc Nhựt quyển kinh ấy!

 

Trên môi Đức Giáo Tông nở nụ cười mãn nguyện:

 

- Vậy là nó đã nhìn thấy papa! Nó sẽ biết papa luôn ở bên cạnh nó!

 

Ngọc Nguyệt  quỳ xuống, ôm lấy chân Đức Giáo Tông, đôi   vai mảnh mai của cô run lên bần bật. Những môn đệ có mặt bên Đức Giáo Tông lúc ấy cũng không ngăn được nước mắt… Đức Giáo Tông cố làm ra vẻ bình thản, trấn an các môn đệ của mình:

 

- Kìa, các em của ta. Tệ huynh phải lo những việc nhỏ nhặt ấy trước, để khi ra tịnh, mắc lo việc lớn của Đạo, rồi thì ta  không có thì giờ để lo các việc ấy nữa…

 

Không muốn cho Tòa Nhà Thiên Lý Mật Truyền của Hội Thánh trở nên quá bi thương, ảm đạm trước dự cảm chia ly vĩnh viễn của người Anh  Cả, Đức Giáo Tông trấn tĩnh nói thêm:

 

- Tệ huynh được Ơn trên  chọn ngày nhập diệt có lẽ không xa nữa. Chuyện đó, cả ta và các em đã chuẩn bị từ lâu. Ta muốn được ra đi nhẹ nhàng, trong tiếng cười đưa tiễn của các em chớ không phải là những giọt nước mắt. Các em có tin lời ta nói chăng?!

 

- Tin!

Các môn đệ của Đức Giáo Tông đồng thanh đáp. Họ cố gắng mỉm cười nhưng nước mắt vẫn  rơi …

Chương : 1    7    8    14    24    25    26    27    28    29    30    31    32  
Trầm Hương
Số lần đọc: 1542
Ngày đăng: 16.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên