Thấm thoắt mà năm học mới đã trôi qua được hơn hai tháng. Chỉ có khoảng 60 ngày mà chẳng hiểu sao tôi cảm thấy gắn bó với cái tổ ấm 12A9 này lạ. Dường như lớp chẳng có ngày nào bình yên ( nói như cách nói của cô chủ nhiệm). Hôm nay cũng thế. Mới vào đầu tiết sinh hoạt lớp, sau khi nghe lớp trưởng báo cáo tình hình lớp thì những "tội nhân" của tuần qua đã đứng lên "phân giải".
- Thưa cô, đường nhà em bị ngập nước nên em không bận áo dài được chứ không phải em cố tình vi phạm nội quy đâu ạ.
- Em cũng vậy đó cô.
- Thưa cô, nhà nó ở thị trấn đâu có ngập nước gì đâu. Cô đừng tin nó.
Thôi thì mạnh ai nấy nói. Cô phải gõ mạnh cây thước xuống bàn mới lập lại được trật tự. Tôi ngạc nhiên với từ ngập nước thật mới lạ.
- Sao nhà nó lại bị ngập nước vậy Bích?
- Nhà mi đúng là dân miền Đông chẳng hiểu gì cả. Ở miền tây này có mùa nước đổ bắt đầu từ tháng 7 nước nhảy lên đồng. Nước từ thượng nguồn ở tuốt Campuchia đổ về. Mi không nhìn thấy nước tháng này đổi màu sao? Dòng nước đỏ ngầu chứa đầy phù sa và tôm cá. Nước ngập đầy đồng và nếu lớn nữa sẽ ngập cả đường nữa. Người ta gọi là mùa nước nổi. Nhà mấy đứa kia ở trong vùng sâu nên bị nước ngập là phải, còn có đứa lợi dụng mùa nước để ăn theo khỏi bận áo dài đến trường nữa…
À thì ra là vậy. Nhà tôi cũng ở thị trấn nên tôi chưa có dịp biết thế nào là cảnh nước ngập. Nghe tivi thì năm nay nước lớn hơn mọi năm. Mực nước ở thượng nguồn đang dâng cao ở mức báo động.
- Ê, sao không ghi chép đi nhỏ. Nghĩ lung tung gì vậy?
Tôi giật mình khi nghe tiếng nhắc nhở của nhỏ Bích. Mãi nghĩ tôi đã quên vai trò của một thư ký lớp. Mà buổi sinh hoạt nào dường như cũng giống nhau. Những tội phạ, của các mục đi trễ, không thuộc bài, trốn chào cờ, bị điểm đen toàn rơi vào những người quen thuộc như Trân ca ca (gọi nó là ca ca vì nó rất giống Trư bát giới) Tài thôi miên (bạn này có tài ngủ gật ở mọi nơi), Hoàng, Hà… Lần nào cô hỏi lý do họ cũng nói tương tự như nhau. Khi cô thông báo sẽ đến gia đình thì lập tức bọn họ thi nhau hứa hẹn, khắc phục được phân nửa tội, còn chừa phân nửa để từ từ sửa chữa. Lớp tôi thuộc loại học yếu nhưng khi cán sự bộ môn lên sửa bài thì chỉ có một số ít lắng nghe, số còn lại lo giỡn. Nhỏ Bích đã từng bực mình cằn nhằn Hiệp lớp trưởng:
- Hơi đâu mà ông lo cho bọn ác đó. Cho nó rớt hết đi.
- Nói như bạn thì còn gì là tập thể lớp nữa…
Và hôm nay cũng vậy, không thể ngồi chờ những lời hứa hen suông của những người đã có "tiền án", cô chủ nhiệm đành phải gác công việc lại thân chinh cùng bọn tôi đến nhà Tài thôi miên. Mặc cho anh chàng đưa ra hàng lô những lý do để mong trì hoãn chuyến đến thăm bất đắc dĩ của cô: Nào là nhà em rất xe, tuốt bên cù lao, nào là phải đi qua mấy cây cầu khỉ… Cô chỉ cười và trả lời rất gọn : Xa mấy cô cũng tới.
Đúng 14h chiều, cô chở Hiệp trên chiếc xe DH màu đỏ quen thuộc còn Bích chở tôi trên chiếc xe Chaly cùng xuất phát. Hóa ra nhà Tài cũng qua sông thật nhưng nó chỉ là con kênh đã được thổi cát lấp từ lâu. Nhà Tài cũng qua cầu thật nhưng không phải là cầu khỉ cong cong mà là cây cầu được cất bằng bêtông hẳn hoi. Đúng là anh chàng láu cá thật. Nhà Tài chẳng hề nghèo mà trái lại còn khá giàu là khác. Tài là con trai một được cưng như trứng mỏng thế mà vô lớp anh chàng viện lý do phải phụ buôn bán gia đình nên đi học trễ. Tiếp cô và chúng tôi là mẹ của Tài. Bà nghe những lý do mà Tài đã nói ở lớp vừa mắc cười vừa bực mình. Bà không ngờ con trai mình lại liến láu như vậy. Bà chỉ còn biết lắc đầu than thở.
- Đấy cô coi, gia đình tôi có thiếu thốn gì đâu. Nó xin tiền đóng học phí, mua sách học tôi đều cho hết vậy mà bây giờ hỏi ra thì chưa đóng đồng nào. Lại còn chuyên môn đi học trễ, không thuộc bài nữa. Thôi tôi cám ơn cô đã đến thăm và cho tôi hay. Để lát nữa ổng về tôi sẽ nói lại và dạy dỗ nó cho đàng hoàng. Cô cứ yên tâm. Có gì cô nói qua Hiệp rồi Hiệp đi ngang báo cho bác biết nghe con.
Vậy hóa ra nhà Hiệp cũng ở gần đây. Như vậy là nhà Hiệp cách xa trường cũng gần 4Km. Hèn gì lần nào tới lớp, tôi cũng thấy lưng áo trắng của Hiệp ướt mồ hôi. Tôi chợt phì cười khi nghĩ cảnh Tài đến trường bằng xe Honda mà hôm nào cũng trễ, còn nhà Hiệp ở xa hơn, lại đi bằng xe đạp mà hôm nào Hiệp cũng tới sớm.
- Nhà em ở tuốt trong ngọn. Nếu cô và các bạn không bận, em mời cô và các bạn ghé nhà em cho biết ạ.
- Ừ, hôm nay cô cũng rảnh. Mình ghé nhà Hiệp nha các em.
Bọn tôi hưởng ứng lời cô với tất cả sự tò mò: không biết nhà của anh chàng hiệp sĩ này như thế nào đây. Bích thì thào:
- Học với nhau ba năm rồi mà có khi nào nó mời bọn mình về nhà nó chơi đâu. Chắc bữa nay có cô, nó mới mời đó…
Xe chạy một hồi tôi mới hiểu thế nào là từ trong ngọn. Cuộc sống của người dân càng vào sâu trong kinh dường như càng khó khăn hơn. Bọn tôi phải gởi xe ở nhà người quen rồi lội cầu khỉ mới vào được nhà Hiệp.Con đường làng nhỏ bé như bị chìm trong biển nước mênh mông. Nhà Hiệp là căn nhà sàn bằng gỗ tuy nhỏ nhưng sàn nhà được lau sạch bóng, gọn gàng. Hiệp cười lúng túng như thanh minh:
- Cô và các bạn đi cực quá…
Tôi chợt thấy lòng mình nao nao. Bọn tôi mới chỉ đi có một lần, nào có thấm gì với nỗi cực nhọc mỗi ngày đến trường của Hiệp. Nhà Hiệp không có ai ở nhà. Cậu ta nhanh nhẹn pha trà mời khách. Tôi đã nhanh chóng nhìn thấy góc học tập của Hiệp và nhìn thấy cả cây đàn ghi ta treo trên vách nên buột miệng nói:
- Hiệp biết chơi đàn ghi ta nữa à…
- À, tui cũng mới tập đàn thôi mà…
- Đàn thử một bài nghe chơi coi Hiệp. Nhỏ Bích phụ họa làm khuôn mặt Hiệp đỏ bừng cô chủ nhiệm cũng động viên Hiệp:
- Em đàn thử cho các bạn nghe đi. Chẳng mấy khi có dịp rãnh rỗi như vậy.
Hiệp vừa bẻ ngón tay rốp rốp vừa phân trần:
- Em tự học nên đàn cũng chẳng hay gì lắm, nếu cô không chê thì em sẽ đàn nhưng Bích và Mai phải hát mới được.
A thì ra anh chàng này cũng láu lỉnh ra trò. Nhỏ Bích la oai oái:
- Thôi đi ông, từ nhỏ đến giờ tôi có biết hát hò là gì đâu. Tôi mà hát lên thì gà vịt, chó mèo gì đó thi nhau chạy toán loạn hết bây giờ.
- Bạn giấu nghề hoài, ca sĩ đạt huy chương vàng mà nói vậy. Hay bạn chê tôi đàn dở.
Nhỏ Bích không có cách nào từ chối nên khi tôi nói tên bài " Phượng Hồng" thì mấy ngón tay của Hiệp đã lướt nhanh trên phím đàn và từ đó những âm thanh trầm bổng toát ra từ cây ghi ta thùng nghe trầm ấm lạ lùng. Tiếng đàn của Hiệp như hòa trong tiếng sóng nước vỗ ì oặp đâu đây như một bản hòa tấu kỳ diệu của vùng sông nước này.
- Bích ca hay quá. Vậy là lớp mình có thêm một đôi song ca thật tuyệt .
Tôi và cô vỗ tay tán thuởng khi bản nhạc đã hết . Hóa ra Hiệp là anh chàng giấu nghề . Đệm được như vậy đâu phải là dân mới học đàn . Chẳng bù cho tôi bỏ tiền ra theo học đàn cả năm nay mà chẳng nên trò trống gì cả .
- Cô ơi , cô ngồi chờ em một chút . Em có món quà này tặng cô và các bạn .
Hiệp máng cây đàn lên vách rồi bươc ra sàn nước tháo dây xuồng . Nhỏ Bích khoái chí la to :
- Cho bọn tôi theo với .
Thế là cả cô và chúng tôi xuống xuồng . Anh chàng Hiệp trổ tài của con nhà sông nươc . Hiệp là anh hai trong nhà , sau Hiệp còn một đứa em gái học lớp 8 nên Hiệp tỏ ra đảm đng vai trò của một ông anh hai . Ba mẹ Hiệp đều làm nghề nông nên Hiệp rất thạo việc đồng áng .
- Vậy hàng ngày em đi học vào lúc nào hở Hiệp ?
- Dạ em học vào buổi tối là chính . Còn ban ngày thương thì em phụ tiếp ba mẹ em mần ruộng . Mùa nước này thì ba má em đăng lưới làm cá nên cũng bận lắm . Đi hết con rạch voi này là ra ngã ba , một ngã ra sông Cái , một ngã ra đồng .
- Ủa sau lại gọi là rạch voi ?
Nhỏ Bích bật hỏi cắc cớ nhưng Hiệp đã từ tốn giải thích:
- Tôi nghe ba tôi nói hồi xa xưa , con rạch nay là đường đi của những con voi ra sông Cái uống nước . Chúng đi thành từng đàn và đi từ năm này sang năm khắc riết mà con đường lún xuống thành con rạch đó, bạn nhìn xem , con rạch này ngoằn nghèo chứ không thẳng hàng , đúng là đường của voi đi …
Tôi nhìn lại con rạch cong queo và thấy lời giải thích của Hiệp cũng có lý . Thì ra trong cái anh chàng hai lúa này như chất chứa cả một niềm tin yêu gắn bó với vùng quê nghèo , nơi anh ta đã được sinh ra và lơn lên .
- Mai nhìn thấy những chùm bông vàng vàng kia không? Đó là bông điên điển. Nó chỉ xuất hiện khi mùa nước nổi thôi. Bông đó ăn rất ngon đó còn cái bông tim tím kia là bông ô môi.
Tôi tròn mắt nhìn theo hướng tay Hiệp chỉ. Bông điên điển vàng rực như trang điểm thêm cho con rạch voi với truyền thuyết thật oai linh của vùng rừng núi xa xưa. Hiệp lại say sưa kể về cánh đồng Ô Long Vỹ trong huyền thoại xa xưa. Nghe nói hồi đó có một con rồng bay ngang vùng này, vì khát nước nên nó đáp xuống cánh đồng để kiếm nước uống. Cánh đồng đó in dấu một con rồng trong tư thế nằm nghỉ nên mang tên Ô Long Vỹ tới tận bây giờ.
- Cô về làm dâu ở vùng này mười mấy năm bây giờ mới được nghe Hiệp kể truyền thuyết này đó. Rồi còn cánh đồng Ô Long Vỹ nữa, rồi dãy Thất Sơn… chắc bữa nào rảnh phải tổ chức cho lớp mình đi tham quan một bữa.
- Đúng đó cô, đi vui lắm cô.
Nhỏ Bích vỗ tay làm con đò chòng chành Hiệp vừa cười vừa chống xuồng.
- Lớp mình mà nghe đi chơi là bàn vô liền đó cô. Mai muốn hái bông điên điển không?
Hiệp chống xuồng cặp vào bờ kênh để bọn tôi và cô quằng những cây điên điển xuống hái bông. Vừa hái Bích vừa nói như tâm sự:
- Có đi hái như thế tui mới biết hết cái nhọc nhằn của những người đi bán bông điên điển. Phải kéo bao nhiêu cành mới được 1 kg b6ng đội đi bán. Hiệp nhỉ?
- Ừ, con nhà nghèo như tụi tui thì cực lắm.
Hiệp nói bình thường như câu nói hàng ngày mà sao tôi nghe như có cái gì đó xót xa. Cô vừa tuốt bông điên điển vừa nói với Hiệp như một lời động viên chân tình:
- Ở đời hơn nhau chính là nghị lực em ạ. Dẫu cho cuộc sống có khó khăn cỡ nào nhưng có ý chí và nghị lực thì con người cũng sẽ vượt qua khó khăn được thôi.
Hiệp khẽ dạ và vui vẻ chống xuồng đi tiếp xuồng đã vượt qua ngã ba và tiến vào đồng ruộng. Cả cánh đồng mênh mông đều ngập nước. Phía xa xa là dãy núi Thất Sơn ẩn hiện trong lớp mây mờ có lẽ thấy tôi tròn mắt nhìn cảnh vật, Hiệp khẽ cười:
- Lạ lắm hả Mai. Mai nhìn những hàng lưới giăng xa xa kia không, đó là những cái đăng để người ta bắt cá đó. Nhà tui cũg đăng lưới để bắt cả. Xứ này vào mùa nước nổi, cá nhiều đến nỗi ăn không hết phải làm mắm, làm khô đó. Bây giờ tui gỡ mấy cái lợp tôm cho cô và các bạn coi nha.
Hiệp vừa bơi xuồng vừa gỡ lưỡi câu bắt cá. Đến chỗ đặt lợp, cậu ta nhảy xuống nước lặn rồi tháo từng cái lợp để lên xuồng. Cái lợp nào cũng dính tôm. Bọn tôi thi nhau trút tôm vào khoang xuồng.
- Nhà em đặt vớn ở trong kia, cá nhiều lắm nhưng vô đó xa. Thôi chiều rồi, mình về ha cô.
Chúng tôi quay xuồng trở về. Tôi nhấm nháp bông điên điển ở đầu lưỡi nghe mùi vị đăng đắng chan chát của đồng quê. Nhìn nhữn ngọn rau muống đồng non mượt trên đồng nước, tôi mới cảm thấy hết bao điều thú vị của cuộc sống nơi đây. Cô nói hồi mới về đây, cô cũng không quen ăn món bông điên điển xào tép nhưng bây giờ thì ghiền cái vị đăng đắng ngòn ngọt của nó. Nhứt là khi dùng nó để làm nhân của món bánh xèo hoặc làm ghém của món lẩu mắm thì thật tuyệt. Nhỏ Bích xuýt xoa:
- Cô đừng nhắc nữa, em thèm.
Về đến nhà, Hiệp bỏ hết bông điên điển cùng tôm cá cho vào bịch tặng cho cô và bọn tôi. Giọng của anh chàng thật chân thành:
- Đây là món quà đồng quê, cô đừng từ chối. Nhà em còn cả một cánh đồng đầy tôm cá kia, chừng nào muốn ăn là ra gỡ đem về. Cô và các bạn đừng lo.
Hiệp nói đùa và tôi cảm thấy buổi chiều nơi đây thật thú vị. Tôi không chỉ khám phá bao điều mới lạ về cuộc sống trong mùa nước nổi mà còn hiểu thêm bao điều mới lạ về Hiệp, về anh chàng Hai lúa đa tài này.