Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
823
123.167.405
 
Trả giá
Triệu Xuân
Chương 7 - Chương 1

Ngọn cờ phục vụ sự nghiệp dầu khí đã tập hợp được lực lượng, tạo nên sức mạnh cho Liên hiệp Dịch vụ Biển. Điều đó giúp cho đơn vị không bị bó tay trong hoàn cảnh mà sự  thiếu thốn, trì trệ bao trùm cả đất nước.

Trong một thời gian dài, giám đốc Hòa đau đầu vì vấn đề nhân công. Người có nhiều mà việc không chạy. Ấy là hậu quả nặng nề của lối tuyển dụng nhân công theo kiểu cũ: “nhất thân nhì thế”; chọn lựa cán bộ không căn cứ vào năng lực, trình độ chuyên môn mà chủ yếu bằng lý lịch: thành phần gia đình. Thành tích của quá khứ thường là tiêu chuẩn quyết định, dù cho con người ấy không có một chút khả năng nào về hoạt động du lịch. Việc “gửi” con em của cán bộ cấp trên, bất kể hình thức, vóc dáng ra sao khiến cho ông Hòa không biết xếp người đó vào việc gì, kể cả việc tạp dịch. Bởi vì trong môi trường du lịch, người làm việc tạp dịch cũng đòi hỏi phải có sự hiểu biết và trình độ giao tiếp lịch sự, văn minh… Đó là chưa nói tới quan niệm quá lỗi thời về nghề nghiệp. Bất cứ người nào cũng có gốc gác xuất thân từ chân lấm tay bùn, xuất thân từ miền đồng ruộng hẻo lánh. Vậy mà không ít người lại tỏ ra khinh miệt công việc tạp dịch, coi nó là nghề thấp hèn. Có lẽ họ bị nhiễm vào máu thịt cái quan niệm cho rằng “Vạn ban giai hạ phẩm, duy ngã độc thư cao”(1) chăng? Điều này không chỉ tồn tại trong tư duy của những người ít học mà ngay cả những kỹ sư.

- Tại sao tôi là kỹ sư mà lại bắt tôi cầm búa, cầm kìm?

- Tại sao tôi tốt nghiệp đại học kinh tế kế hoạch mà lại bắt tôi làm công việc của một cô kế toán thống kê?

- Tại sao tôi là kỹ sư hóa thực phẩm mà lại giao tôi giữ kho đông lạnh?

v.v...

Một đất nước mà tất cả kỹ sư đều ngồi bàn giấy cả, đều làm lãnh đạo cả, chỉ biết ra lệnh theo kiểu chỉ tay năm ngón thì làm nên trò trống gì đây? Một nước nông nghiệp mà có được một ông kỹ sư nào cũng nhét hết vào sở, vào phòng, còn ở đồng ruộng thì mặc kệ nó! Chả trách ông chủ tịch tỉnh mỗi lần đi thăm đồng mà trống rong cờ mở, hàng chục xe du lịch tháp tùng, báo chí địa phương đưa tin và ảnh lên trang nhất! Tâm lý của người sản xuất nhỏ, lạc hậu, nghèo đói từ bao đời hằn sâu trong tâm óc, thúc giục người ta chỉ mong có địa vị, ăn trên ngồi trước, thích được người khác cung phụng, suy tôn, mà không nghĩ mình phải làm việc như thế nào. Làm du lịch mà phân công chạy bàn, bưng bê, rót mời cho khách, không chịu làm. Nhiều ông bố thấy con kêu ca, gọi điện thoại như ra lệnh: “Ông Hòa này, con gái mình nó mới hai mươi tuổi đấy, chẳng lẽ không còn việc gì xứng với cháu hay sao mà bắt cháu đi hầu người ta?”. Thật kỳ lạ! Muốn được người khác tôn trọng mà lại tự coi mình cao hơn, coi người khác thấp hơn. Âu cũng là căn bệnh của sự đói nghèo, do hoàn cảnh tù túng, bị bưng bít, ít giao tiếp với thế giới mà ra. Có đúng không Trầm? Nhưng không thể một lúc mà thay toàn bộ số nhân viên có sẵn - kết quả của lối tuyển dụng, tiếp nhận cũ - bằng nhân viên mới. Cũng không thể ngay một lúc làm đổi mới nhân sinh quan, tác phong lao động, phương cách tư duy của họ. Chính lao động sẽ hoàn thiện họ. Thời tiền sử, lao động đã biến vượn thành người. Ngày nay, lao động vẫn đóng vai trò quyết định cho sự hoàn thiện nhân cách con người...

Hai người nằm trên bãi tắm vắng.

Thời gian gần đây, ông Hòa thường đến rủ Trầm đi tắm. Họ tắm ở bãi Dâu, dưới chân núi Lớn, ngay khúc đường lên chùa Phong Lan Tự. Nắng đã tắt. Mặt trời, vào những giây phút cuối cùng trước khi lặn xuống biển, đỏ thẫm lại; có thể cảm nhận bằng mắt sự di chuyển của nó. Biển lúc hoàng hôn đẹp và thật buồn.

Trầm vẫn theo dõi câu chuyện của giám đốc Hòa. Nghe ông Hòa nói đến tác động của lao động và nhân cách con người, Trầm nghĩ ngay tới cha. Giờ này ba đang ở đâu? Ba làm gì? Cả đời ba lao động vất vả, cả đời ba gắn liền với biển cả, nay bị bứt ra khỏi biển, khỏi công việc, liệu ba có chịu nổi không? Con biết, những người như ba, coi lao động là niềm say mê, là niềm vui lớn nhất của đời người. Niềm say mê ấy ba đã truyền cho anh Đước, truyền cho con. Vậy mà... thằng Phái, nó dám lăng nhục ba, nó dám kết tội ba là kẻ bóc lột... Trầm nhớ tới một bài ca ca ngợi lòng mẹ mênh mông như biển. Má Trầm mất lúc Trầm còn nhỏ, ba anh đã dành cho anh cùng lúc cả tình phụ tử và tình mẫu tử. Lòng ba còn mênh mông hơn biển gấp bội, ba ơi! Giờ này ba ở đâu?         

Không muốn để ông Hòa nhận ra nỗi lòng mình, Trầm lao xuống nước. Anh bơi ếch thành thục như một vận động viên. Ra cách xa bờ hơn ba trăm mét, anh nằm ngửa, nhìn những vì sao đang hiện lên trên nền trời xanh ngắt. “Lao động đóng vai trò quyết định cho sự hoàn thiện nhân cách con người”. Anh nói đúng, anh Hòa ạ. Nhưng vấn đề là phải chăm lo đến bản thân người lao động như thế nào. Mồ hôi, sức lực đổ ra sẽ giành được cái gì? Suốt bao ngày đi miền Tây tìm cha, Trầm đã thấy hết sự thiếu thốn cực khổ của người dân. Ở thành phố cũng vậy. Người ta chịu cực, chăm làm mà không đủ ăn! Hợp tác xã mây tre lá, nơi Trầm xin cho bé Tư vô làm, được báo chí nói nhiều, nhưng thu nhập của xã viên thì quá tệ.

Bé Tư càng lớn càng đẹp, da trắng hồng, mắt như hạt nhãn. Đối với Trầm, bé Tư như một đứa em gái côi cút mà anh không thể nào không cưu mang. Một thứ duyên nợ vô hình, một loại nghĩa vụ tự nguyện. Nhiều đêm, Trầm thao thức, chợt nghĩ đến chuyện những cô gái trong khu Cống Bà Phán vẫn lén lút dẫn khách về nhà để kiếm tiền. Thật đau xót! Trầm thương bé Tư bằng tình cảm đặc biệt mà anh không thể cắt nghĩa nổi. Có lẽ thương con cũng như vậy chăng? Có lần, bé Tư theo Trầm xuống Vũng Tàu. Trước biển cả, cô thổ lộ tình cảm của mình với anh, rồi cô yêu cầu Trầm đọc thơ cho cô nghe. Trầm thuyết phục bé Tư làm thợ xây tại Vũng Tàu. Cô gái đồng ý, nhưng hỏi lại:

- Còn má em thì sao, anh Hai? Má em mù lòa, ai cho má ăn uống, anh Hai?

Câu hỏi như mũi dùi xoáy vào gan ruột. Không lẽ số phận đã bắt cô bé chịu nỗi bất hạnh lớn lao của cả gia đình?

Ông Hòa thấy Trầm bơi ở mãi tít ngoài xa, vội ra để kêu Trầm về. Trời tối rồi. Từ trên sân thượng của căn nhà nhỏ sát chùa Phong Lan Tự, có một cô gái đẹp đang lặng lẽ, say mê nhìn Trầm bơi dưới biển. Cô thầm ước ao được bơi đôi với anh. Cô hình dung ra hai người đua nhau bơi trên biển mỗi buổi sớm mai khi mặt trời vừa thức dậy. Thiền Lan chỉ tắm biển buổi sáng. Biết đến bao giờ, bằng cách nào mình mới được bơi với anh? Nhà mình ở đây, anh còn chưa biết kia mà. Ôi! Đã mấy lần rồi mình đứng đây ngó trộm anh bơi? Thật mắc cỡ! Nếu má biết? Nếu anh biết? Trầm ơi! Sao anh vô tình đến thế? Tình yêu là cái gì mà làm cho mình khổ như thế này?...

Ở dưới bãi tắm, hai người đàn ông rời biển. Họ bước vào căn nhà lợp tôn ở sát mép biển để xối nước ngọt rồi về. Trầm cầm lái, ông Hòa ngồi đằng sau ôm ngang lưng Trầm, chiếc xe Honda 67 màu đen của Trầm lao vút đi. Quả là anh ấy không hề để ý đến mình, anh ấy không cần biết ở bãi tắm này có một ngôi chùa, có một người con gái. Thiền Lan tự vò xé lòng. Má ơi! Má tưới những giò phong lan ấy để làm gì? Cô nhìn người mẹ đang chăm chú phun nước lên những giò lan. Trong cảnh trời nhập nhoạng tối, bóng người mẹ lặng lẽ tưới hoa bằng chiếc bình phun nhỏ giữa ngôi chùa vắng vẻ đầy gió, khiến Thiền Lan liên tưởng tới những vũ điệu huyền bí của bộ lạc người cổ đại mà cô mới xem trong bộ phim gần đây. Thiền Lan rùng mình, có thể vì gió lạnh, cũng có thể vì chính cảm giác trống vắng trong lòng. Chiếc rốp trắng cô mặc, may bằng hàng mútsơlin theo kiểu hở cổ, hở lưng; chỉ có hai sợi dây mảnh vắt qua vai để giữ lấy phần vải ôm từ ngực trở xuống, gấu váy viền đăng ten chấm ngang đầu gối, với họa tiết lớp lớp sóng biển cuồn cuộn. Gió từ biển thổi thốc lên dán lớp vải mỏng vào thân hình, làm cô nổi da gà. Cô rùng mình lần thứ ba mới chịu đi vào nhà choàng chiếc áo len mỏng lên người.

- Thưa má! - Thiền Lan đến bên người mẹ đang lặng lẽ tưới cây - Tối nay con xin phép má...

- Sao? Con đi học tiếng Nga vào thứ hai, tư, sáu kia mà.

Thiền Lan chưa hề nói dối mẹ điều gì. Cô đang học thêm tiếng Nga là sinh ngữ thứ ba. Hai thứ tiếng Anh và Pháp cô đã sử dụng thành thạo. Cô học tiếng Nga rất nhanh, một phần nhờ sự thông minh, trí nhớ tốt; một phần nhờ đã giỏi hai ngoại ngữ Anh, Pháp rồi. Đêm nay là đêm thứ bảy, khách sạn Thanh Bình có khiêu vũ. Cô rất ít tới đây, nhưng đêm nay cô thấy cần phải đến. Không giấu nổi sự bồn chồn trong dạ, cô nói với mẹ:

- Con xin phép má cho con đi coi khiêu vũ!

Người mẹ ngừng tay, nhìn con thảng thốt. Đây là lần đầu tiên con gái bà xin phép đi “coi” khiêu vũ. “Coi” là thế nào? Người ta đến đó cùng với bạn để nhảy đầm, chứ “coi” là “coi” cách gì?

Trong cái im lặng của ánh mắt mẹ nhìn con, Thiền Lan đọc hết được sự lo âu của má đối với mình. Cô ngoan ngoãn lặng im cho mẹ nhìn mình và chờ nghe mẹ nói. Thực lòng, đã hai năm nay, kể từ  khi con gái bà xin vô làm ở khách sạn Thanh Bình, bà rất lo. Là người mẹ, bà hiểu con gái mình như chính mình. Con gái bà đẹp, có phần đẹp hơn bà. Tuổi mùi, năm nay con bà đã bước vào tuổi hai mươi lăm. Ngay từ hồi con bà học năm thứ nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn, bà đã tiếp bao nhiêu là bạn bè của con rồi. Các cậu trai mê sắc đẹp đã đành, lại càng say mê hơn khi người đẹp thông minh. Đang học dở dang thì giải phóng vào, con bà nghỉ học. Bà giữ rịt con ở nhà vì lo sợ cho con trong những ngày đầu đổi thay thời thế. Rồi hai mẹ con đi dò hỏi tin tức ông Mực. Bặt vô âm tín. Không biết hỏi ai nữa! Đành chịu. Với bà, đã “trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”, thì cuộc đời còn lại độc nhất đứa con gái, ngôi chùa nhỏ với những giò lan.

Ngày con gái trở thành nhân viên hướng dẫn du lịch, bà sống trong tình trạng thấp thỏm. Sự yên ắng của ngôi chùa không còn, mà sự tĩnh lặng trong lòng bà cũng không còn. Tuần nào cũng một hai lần, con gái bà dẫn khách nước ngoài đến thăm chùa. Nhìn con gái có vẻ đẹp rất quyến rũ đứng giữa hàng chục người nước ngoài cao to, mắt nhìn như thôi miên cô gái đẹp; nghe con gái nói, bà mường tượng ra những chuyện không hay rồi sẽ xảy đến. Nhưng vượt lên trên cái lo lắng ấy là niềm tự hào. Bà đã nghe được rất nhiều lần, khách nước ngoài khen con gái bà trước mặt bà là “người hướng dẫn du lịch tuyệt vời”. Bà thấy con mang về nhà bằng khen. Sự lo lắng dần dần bị niềm vui lấn lướt. Rồi chỉ còn niềm vui, niềm tự hào.

Một lần, cũng tại ngôi chùa này, một đoàn khách du lịch dừng lại gần ba giờ đồng hồ. Một người Pháp, một là Việt kiều tên Long. Họ cùng là tiến sĩ sinh học và là bạn thân của nhau. Con gái bà hướng dẫn đoàn khách này đi thăm thành phố đã bốn ngày. Ngày cuối cùng, Thiền Lan dẫn khách đến viếng các chùa. Điểm dừng cuối cùng là Phong Lan Tự, đúng vào lúc trời xế chiếu, mặt trời sắp lặn, người mẹ đang tưới phong lan bằng chiếc bình phun nước nhỏ. Họ là tiến sĩ sinh học nên tỏ ra rất am hiểu phong lan, Thiền Lan hầu như không phải chỉ dẫn điều gì. Hai người khách trao đổi với nhau.

- Bạn thân mến của tôi ơi! - Người Pháp nói với người Việt - Tại sao trong những bức họa bạn vẽ về Tổ quốc, quê hương mình, tôi thấy toàn cảnh buồn và những bà mẹ còng lưng, lam lũ? Chẳng lẽ cái đất nước lúc bạn rời nó ra đi năm hai mươi tuổi, cho đến nay bạn đã năm mươi bảy tuổi rồi, vẫn là vậy sao?

Tiến sĩ Long không trả lời, chỉ nhún vai và thở dài buồn bã. Ông ta bỏ dở tách cà phê đen là thức uống ông ta ghiền, mắt đau đáu nhìn ra biển lúc hoàng hôn, rồi nhìn người mẹ đang lặng lẽ tưới phong lan. Ông Long nhìn bạn rồi nói bằng tiếng Pháp; ông không ngờ rằng người mẹ ấy biết nói tiếng Pháp giỏi từ thuở còn con gái.

- Một người mẹ Việt Nam đang đứng ở trước mặt bạn đó. Tôi có vẽ sai đâu! Có gì thay đổi đâu! Cho dù bà ta hồi còn trẻ có lẽ rất đẹp, nhưng bạn thấy đấy, những nếp nhăn kia, ánh mắt kia chứng tỏ bà ta đã đau khổ quá nhiều...

- Nhưng không lẽ cả một dân tộc lại chỉ là một gương mặt ấy?

- Những họa sĩ ở đất nước này không đồng ý với tôi, và có lẽ họ sẽ xé tranh của tôi, vứt nó vào sọt rác. Nhưng dù sao, đó vẫn là sự thật. Cũng có thể dùng hình ảnh thanh gươm và lưỡi cày chìa vôi để khái quát dân tộc tôi. Bạn thân mến ạ! Thanh gươm và lưỡi cày chìa vôi! Cả ngàn năm nay, dân tộc này là hình ảnh đó. Nhưng tôi thì tôi thích vẽ bà mẹ hơn. Bà mẹ lưng còng gập xuống đám ruộng, những rảnh mạ vàng hoe. Từng giọt mồ hôi rỏ xuống bùn đen...

- Ôi... Xin bạn đừng làm hỏng buổi chiều tà tuyệt diệu này bên cạnh người đẹp. Hình ảnh bạn vẽ nên thảm thương quá! Thật tội nghiệp cho cả một dân tộc. Có phải không, cô Thiền Lan? - Người Pháp nhìn Thiền Lan bằng đôi mắt xanh lơ, lộ rõ ý mai mỉa.

Bà mẹ hồi hộp chờ câu trả lời của con gái mình. Nó sẽ nói gì? Người ta vừa xúc phạm đến mẹ nó, đến cả dân tộc mình. Nó sẽ nói gì? Nó sẽ đóng vai trò người hướng dẫn du lịch như thế nào đây? Và ngay lập tức, giọng thanh thanh của con gái bà chuẩn như người Pari chính cống cất lên:

- Thưa hai ông tiến sĩ. Người mẹ ở bất cứ quốc gia nào cũng là hiện thân của sự chịu đựng và... khổ đau, kể cả người mẹ Pháp, người mẹ Italia. Tôi đã thấy trong nhiều bức danh họa của các nước phương Tây. Các ông đã nói rất đúng về một khía cạnh của người mẹ ở xứ sở này. Nhưng, thưa hai ông, còn nhiều biểu hiện khác mà ông Long, xin lỗi ông, thật đáng tiếc là ông chưa nắm bắt được để vẽ...

Đột ngột, cô quay qua má mình và cất tiếng gọi:

- Má ơi! Xin mời má lại đây! - Cô nắm lấy bàn tay mẹ bằng hai bàn tay búp măng nõn nà của mình và nói tiếp - Đây là má của tôi! 

Hai người khách giật mình, kinh ngạc.

- Má tôi cũng giống như hàng ngàn bà mẹ của đất nước tôi. Người lấy chồng năm hai mươi tuổi. Chồng của người là một thanh niên đi biển rất giỏi. Ông đã rời biển để đi chiến đấu chống lại quân đội xâm lược. Người mẹ này đã nuôi đứa con trai và đứa con gái, vượt qua hai cuộc chiến tranh cho chồng yên lòng ra đi. Năm 1954, ba tôi đi tập kết. Má tôi bị cưỡng bức ly khai ba tôi để lấy chồng mới, nếu không ly khai thì phải chết. Nhưng người mẹ đang ngồi trước mặt hai ông đây đã chọn cái chết. Má tôi ẵm đứa con gái nhỏ bỏ trốn về thành phố này, lên núi, ở ngôi chùa này, quét chùa, chăm sóc những giò lan, nuôi đứa con gái đặt tên là Thiền Lan, đêm ngày sống với những kỷ niệm của người chồng, giữ lòng mình trinh bạch suốt những năm khốn khó của hai cuộc chiến tranh... Cho đến bây giờ, má tôi vẫn hy vọng ngày ba tôi trở về... mặc dù từ năm 1954 đến nay, má tôi không hề biết ba tôi ở đâu nữa. Người mẹ với cuộc đời như thế, sống với niềm hy vọng thủy chung như thế, thưa hai ông, chỉ có thể làm đẹp thêm buổi chiều trên biển, chứ có lẽ nào lại làm hỏng mất buổi chiều của du khách. Thưa hai ông?

Câu chuyện làm cho hai người khách sững sờ. Tiến sĩ Long tái mặt, ngơ ngác không biết nói gì. Ông ta nhìn người mẹ, rồi đột ngột quì xuống, chắp hai tay lại:

- Thưa bà! Tôi thật có lỗi! Tôi tiếc là đến những năm chót đời, mới nhìn được chân xác nhất về người mẹ Việt Nam quê hương tôi.

Người mẹ mang đến cho hai vị khách một sự kinh ngạc nữa khi bà đỡ tiến sĩ Long đứng lên và nói với ông ta bằng tiếng Pháp:

- Kìa ông Long! Tôi nghĩ rằng, bất cứ người mẹ nào trên dải đất hình chữ S này cũng rất vui lòng khi được đón những đứa con lưu lạc trở về... - Đôi mắt người mẹ tỏa ra sự ấm áp, bao dung.

Tiến sĩ Long không kìm được những giọt nước mắt. Ông cúi xuống, mái tóc bạc phất phơ trong gió biển. Lúc ông bước theo từng bậc đá để xuống đường, lưng và vai ông như còng hẳn xuống. Hai người khách đã bỏ quên lại trên chùa mấy giò lan quí họ mua ngay từ lúc mới đến. Người mẹ lặng lẽ xách những giò lan xuống trao tận tay họ.

Chuyện ấy xảy ra cuối năm ngoái. Cách ứng xử của con gái trong hoàn cảnh ấy làm bà rất yên lòng về con mình. Nó đã trưởng thành. Bà nghĩ vậy. Nhưng từ ngày Thiền Lan được giao phụ trách tổ lễ tân của Thanh Bình, đây là lần đầu tiên, bà thấy con gái xin phép bà đi khiêu vũ. Phải chăng con bà đã có bạn trai? Ai vậy? Liệu có được người tử tế không?

- Con có bạn mời đi à?

- Dạ, con đi một mình má à!

Người mẹ nhìn vào mắt con gái một lát như để xác  định, rồi nói:

- Con đi đi, nhớ đi đường cẩn thận nghe con. Đèn đường hư hết rồi, trời tối lắm đó.

- Dạ! Má yên tâm, con lớn rồi mà! 

Thiền Lan nhào tới ôm lấy má, vuốt ve mái tóc má, rồi thoăn thoắt  đi vô phòng mình. Mười phút sau, cô xuống đường. Cô mặc toàn màu trắng. Cô biết rằng, trên sàn nhảy, người nào mặc đồ trắng sẽ nổi bật. Thiền Lan mặc chiếc áo pun tay dài, cổ áo không quá rộng, để lộ cái cổ cao và khoảng ngực trắng hồng. Chiếc váy ngắn ôm lấy cặp chân thon thon đi vớ màu trắng ngà. Đôi giày cô mang bằng loại da mềm, cũng màu trắng, gót nhọn, đế lót bằng loại mủ xốp rất êm.

Ở khách sạn Thanh Bình, việc được mở khiêu vũ là kết quả của quá trình đấu tranh rất gay gắt giữa Liên hiệp Dịch vụ Biển với ngành chủ quản của địa phương. Người ta lo sợ rằng, việc nhảy nhót sẽ làm ô nhiễm tinh thần của nhân dân thành phố! Ông Hòa phải gặp cả trăm người, nói rát cả họng mới đạt được ý định. Quản đốc khách sạn cho phép  nhân viên được mặc đồng phục trong giờ làm việc vào phòng khiêu vũ; nhưng khiêu vũ ngoài giờ trực phải mặc đồ đẹp và khi nhảy phải làm gương cho khách về lịch sự văn minh.

Khi Thiền Lan xuất hiện ở cửa ra vào thì phòng nhảy xôn xao. Cả nam lẫn nữ, ai cũng nhìn cô. Cô nhìn hoài không thấy gương mặt cần tìm. Đúng vào lúc cô thất vọng thì giọng của Trầm đã vang lên vừa đủ cho cô nghe:

- Xin chào người đẹp Vũng Tàu!

- Kìa anh Trầm! Anh vừa nói với ai đó? - Thiền Lan đỏ mặt, hỏi lại.

- Với tôi, danh xưng ấy chỉ đúng với Thiền Lan mà thôi!

Thiền Lan chưa kịp nói gì thì nhạc vừa dứt, bản tănggô “Tình yêu là vô giá” nổi lên. Trầm nghiêng người đúng điệu mời người đẹp. Họ dìu nhau ra sàn nhảy. Và cả phòng nhảy nhìn ngắm họ. Họ nhảy thật đẹp. Thiền Lan sung sướng thả hồn theo bản nhạc. Mắt cô sáng long lanh ngước nhìn Trầm:

- Anh Trầm chiều nào cũng đi bơi với giám đốc à?

- Thỉnh thoảng thôi. Tôi bận công chuyện, ít đi biển lắm!

- Nhưng anh bơi rất đẹp.

- Thế à? Sao cô Lan biết?

- Em nghe người ta nói!

- Người ta là ai vậy? Có phải cái người đứng ở chùa Phong Lan Tự không?

- Ôi ! Mắc cỡ quá, anh thấy à?

- Thấy gì?

- Thấy người từ trên chùa ngó trộm.

- Không! Linh tính thôi!...

- Anh... tệ lắm!

- Sao?

- Anh biết nhà em ở đó mà không thèm lên chơi.

- Ủa! Khách không mời mà đến, chủ nhà đuổi đi thì sao?

- Anh Trầm! Người ta nói rằng... anh có bồ đẹp lắm.

- Lại người ta...

- Đúng không?

- Bản này sắp dứt. Tiếp theo là bản nhạc mà tôi rất mê, mà mê nhất là lúc này. Chúng ta nhảy tiếp được không?

- Bản gì vậy anh?

- “Em đẹp nhất trong đêm khiêu vũ”. Đúng là “em đẹp nhất”!

- Anh nói chuyện hay quá! Người ta mê là phải.

- Lại người ta... Trong đó, chắc là không có cô, phải không Thiền Lan?

Trầm cúi nhìn thật gần gương mặt tuyệt đẹp của Thiền Lan. Anh không kìm nổi sự xúc động, hôn nhẹ lên mái tóc cô gái. Và họ say sưa lướt trên sàn nhảy trong bản nhạc mới.

Đêm ấy, họ chỉ nhảy có hai bản, và đó là đêm mà mãi đến sau này, họ vẫn còn nhớ như in trong lòng.

Bản nhạc “Em đẹp nhất trong đêm khiêu vũ” vừa dứt, Trầm dìu Thiền Lan về chỗ. Anh mời cô uống nước cam và lặng lẽ ngắm nhìn... Thiền Lan cảm nhận được cái nhìn của anh; và cô biết rằng có nhiều cặp mắt đang nhìn mình. Một, rồi hai người nước ngoài đến mời cô nhảy. Thiền Lan biết không thể nào ngồi đây mà từ chối được mãi, cô nói với Trầm:

- Má nhắc em về sớm. Em xin phép anh!

- Vậy à! Tôi... - Trầm đứng dậy và nắm lấy bàn tay cô gái - Thiền Lan vui lòng cho tôi dẫn về nhà chứ?

- Không dám phiền anh, em đi được mà!

Nói vậy, nhưng cô vẫn đưa tay cho Trầm. Họ đi ra cửa. “Em chỉ muốn đi với anh, một mình anh thôi, anh biết không? Em chỉ muốn ra sàn nhảy với anh chứ không với ai khác, anh biết không?”. Vừa đi, Thiền Lan vừa thầm nghĩ. Cô cảm thấy chiếc Honda của Trầm êm ả lướt đi như  bay. Một thoáng đụng chạm làm cô nổi da gà… Hay là tại gió biển về đêm se lạnh? Không, cô không cắt nghĩa nổi, cô không muốn cắt nghĩa. Cô để cho toàn bộ hệ thần kinh thư dãn và đắm đuối trong cảm xúc của lần đầu tiên đi chơi đêm với một người đàn ông mà bấy lâu thầm mong nhớ! Trong những lúc như thế này, các nhà văn thường tả thiên nhiên đồng cảm với con người. Sẽ có vầng trăng! Và ô kìa! Lạ như một phép màu, vầng trăng thượng tuần đột ngột hiện ra khi đám mây vừa bay đi. Trăng non đẹp nhưng sắp sửa lặn xuống biển rồi. Phút chốc, cả đại dương bát ngát ánh trăng. Không phải là nước biển nữa, mà là cả một biển toàn bạc vàng! Mặt trăng làm đẹp cho biển cả. Mặt trăng làm đẹp cho tình yêu của con người.

Trầm không nói gì, im lặng lái xe. Nếu dừng xe lại thì rõ ra là người lợi dụng cơ hội “đưa em về nhà” để tán tỉnh. Nếu cứ đi, thì chỉ vài phút nữa, ta sẽ xa em, người đẹp nhất Vũng Tàu, người được rất nhiều con mắt đắm say... Rồi Trầm nhìn thấy sự xuất hiện của vầng trăng như một phép màu gỡ bí cho anh!

- Trăng đẹp quá! Thiền Lan ưa ngắm trăng lắm?

- Dạ! Nhưng mặt trăng sắp lặn rồi anh!

- Không sao! Trăng lặn ở đây để nơi khác con người thấy vầng trăng mọc. Bởi vậy, có người mới nói rằng, trăng lặn trên biển đẹp hơn là trăng mọc. Mặt trời lặn đẹp hơn mặt trời mọc. Ta dừng xe đứng nhìn trăng lặn được không?

- Dạ!

Đến lúc này Thiền Lan chợt nhận ra rằng nãy giờ tay cô luôn luôn níu chặt lấy tay Trầm. Như là tình yêu đã có tự bao giờ, như là thương nhau ghê lắm! Ôi! Trăng lặn đẹp quá! Nhưng... sao anh không nói gì về tình yêu. Những người con trai ở trong tiểu thuyết, trong thời khắc này thường nói rất hay về tình yêu kia mà. Còn anh, anh nắm lấy bàn tay mình, siết chặt, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời, Nơi ấy, vành trăng như một chiếc lá nhỏ xíu đang bị biển nuốt dần.

Biển trời chìm trong ánh sáng mờ mờ, đêm không ra đêm. Khoảnh khắc của đất trời khi trăng vừa lặn thật lạ lùng. Trầm vẫn đờ đẫn nhìn như hút vào cái nơi vành trăng vừa khuất và nhớ tới ba. Ba ơi! Ba đi đâu? Từ ngày ba đi, con giống như mặt đất này tối tăm u ám khi mặt trăng mặt trời lặn, không bao giờ mọc trở lại...

Gió se lạnh. Trầm giật mình khi cảm thấy bờ vai người con gái nép sát vào người anh. Mùi thơm cực kỳ quyến rũ của da thịt trinh nữ, của mái tóc trinh nữ ôm tỏa quanh anh. Anh quay lại tìm đôi mắt Thiền Lan:

- Xin lỗi Thiền Lan, tôi đang mải nghĩ ngợi lung tung... Ta về kẻo Thiền Lan lạnh. Đêm khuya rồi.

- Anh nghĩ gì vậy? Anh nhớ ai quên cả người mà anh nhận đưa về nhà? - Giọng cô gái lộ rõ vẻ hờn giận.

- Anh xin lỗi rồi mà. Nào, ta về đi.

Trầm nổ máy xe, ngồi lên, anh chờ mãi không thấy cô gái lên xe. Trầm quay lại, Thiền Lan vẫn đứng nhìn ra biển. Màu trắng tinh khiết từ thân hình cô toát ra làm sáng bừng nơi cô đứng. Bốn bề đã chìm vào màn đêm huyền bí. Đèn đường không có. Thành phố xài điện từ máy phát mà dầu thì thiếu, không ai nghĩ tới thắp sáng những con đường. Trầm dựng xe, đến bên Lan. Đúng vào lúc ấy, Thiền Lan thoăn thoắt bước về phía chiếc xe. Cô đã tỉnh ra. Cô biết rằng, với anh, cô chưa có quyền hờn dỗi. Một chút cảm mến của anh bộc lộ trong buổi đêm nay chưa là cái gì cả. Nó chưa phải là tình yêu, chưa phải là cái mà cô hằng ao ước...

Trầm nắm tay cô gái dắt lên mười chín bậc thang lát đá xanh đã bóng lên vì thời gian, chờ cho cô gái vào trong nhà rồi mới quay về. Hương vị tuyệt vời của mái tóc, của da thịt người con gái như còn đằm thắm mãi, thấm sâu vào lồng ngực của Trầm. Nhưng đầu óc anh quá nặng nề. Càng về đêm, anh càng nhớ ba, nhất là khi đặt lưng xuống giường. Có thể nào phụng sự một chế độ mà vì nó, cha mình đã bị tước đoạt tất cả, bị khủng bố, buộc phải bỏ đi biệt tích?

Trầm đau xót vì câu hỏi ấy.

 

(Còn tiếp)



(1)  Vạn nghề đều thấp hèn. Duy chỉ có nghề đọc sách, (sáng tạo văn chương, khoa học xã hội và nhân văn) là cao quí.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7  
Triệu Xuân
Số lần đọc: 2367
Ngày đăng: 31.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)