Từ quận về, Phi Hùng ghé trụ sở tề gặp đại diện Xã Hoành. Thời Pháp làm xã trưởng dân quen gọi tên kèm theo chức. Xã Hoành phưỡn bộ mặt tròn căng bóng đon đảchào:
– Ngài cảnh sát thiếu úy trưởng đồn về gặp ông chú quận trưởng có gì mới khôn - Có vụ xử máy chém coi rùng rợn quá! - Phi Hùng vừa yên vị, tiếp lấy tách trà, đáp - Khu trù mật Thành Thới đang ráo riết làm cho xong, nay mai Ngô tổng thống xuống làm lễ khánh thành. Nghe đâu dân họ kêu rêu, gọi là “khu…trù mạt”.
Xã Hoành bỗng dưng cười khớ khớ. Phi Hùng nghiêm giọng:
– Cho nên tôi hỏi ông đại diện của dân nghen. Vậy ông muốn dân yên hay dân loạn?
– Thiếu úy hỏi kỳ. Dân yên ai hổng muốn.
– Muốn dân yên tại sao ông đi đòi lại ruộng đất hồi đó Việt Minh cấp, để họ kéo lên làm ì xèo?
– Ruộng đất của tôi, tôi đòi lại chớ sao? Tôi không truy thu lúa ruộng là nhơn đức lắm rồi đó.
– Bây giờ tôi đề nghị ông xù chuyện đó đi.
– Ý ý. Đâu có được! Tôi còn phải nuôi vợ nuôi con tôi chớ!
– Vậy chớ lâu nay ông không có mấy chục mẫu đất đó, tôi thấy ông như giàu thêm. Trong chợ Mỏ Cày có nhà lầu, đường bộ có chiếc xe khách, đường sông có chiếc đò máy. Đó là chưa kể ông có ruộng đất ở những nơi nào khác nữa.
Bị lật tẩy, Xã Hoành cười hì hì. Phi Hùng rấn tới kích tật hiếu danh:
– Cái xã Phước Hiệp trọng yếu nầy, ông nắm chánh trị, tôi: quân sự. Phải biết kết hợp, chánh trị: bàn tay nhung; quân sự: bàn tay sắt. Nhưng tùy lúc tôi cũng dùng bàn tay nhung. Rồi xã mình bình định dân yên cho coi. Ông đại diện, đúng ra chức danh là Chủ tịch Hội đồng hương chính, tại dân họ gọi vậy, chừng đó thượng cấp khen là khen chánh trị. Yên dân là nhờ chánh trị. Còn quân sự dùng súng ống làm sao yên. Đúng không?
Động tác tự tin, Phi Hùng đứng lên chìa tay ra và Xã Hoành liền bắt rất chặt.
Thuyết phục được Xã Hoành nghe theo, Phi Hùng vui ra mặt, lên Vespa ra cổng, thay vì quẹo trái theo con lộ đất về đồn, hắn băng luôn qua khu chợ. Chợ vườn nhưng cũng có nhà lồng nền đúc, lợp ngói, hai bên hai dãy phố lá, cửa hiệu, tiệm buôn coi có vẻ thị tứ lắm. Chợ đang tan, nhưng thớt thịt, sạp vải vẫn lai rai còn người mua bán. Rề rề xe theo con đường đất giữa phố và chợ, Phi Hùng dòm ngó dân tình với vẻ thân thiện, thỉnh thoảng đưa tay chào đáp lễ những gương mặt mến mộ ngài cảnh sát trẻ trai. Hết vòng chợ, hắn trở ra con lộ đất chạy về hướng bờ sông, rẻ phải vào cổng đồn.
Vào phòng làm việc, Phi Hùng cho gọi đồn phó vào để nghe tình hình. Tư Râu Xồm vênh râu hí hởn:
– Báo cáo xếp! Hai Rô mò tôm rồi. Thiếu úy hổng tin tôi cho lính lặn xuống sông cắt cái lỗ tai nó đem lên.
– Thôi khỏi. Chỉ lo ném đá giấu tay không kịp.
– Xin lấy đầu tôi bảo đảm! Tin đồn đã được loang rằng: Hai Rô đi làm khu trù mật rồi bỏ trốn mất. Còn việc bắt hai anh em thằng Ba Vàng đã xong, tra nó chưa khai.
Phi Hùng mở xắc lấy ra gói quà trao cho đồn phó:
– Gởi anh cái nầy đem về cho chị Tư và sắp nhỏ. Anh mời hai anh em Ba Vàng lên tôi nói chuyện. Mời tử tế nghe.
Khi Ba Vàng, Tư Đỏ vào, Phi Hùng mời ngồi salon ngang hàng, sai lính pha càphê sữa, đem thuốc Rubi mời mọc ân cần, mở lời khiêm nhường:
– Tôi không dè đi vắng có mấy hôm, ở nhà ông đồn phó tự tiện bắt bớ, bậy hết sức! Anh Ba, anh Tư dùng càphê đi! Anh Ba coi trẻ, chắc bằng tuổi tôi; hăm lăm, đúng không?
– Dà, Đúng. - Trước cung cách lễ độ, Ba Vàng cũng đáp lại lễ độ.
Tư Đỏ day mặt hướng khác, nhạo anh mình: “Dà đúng!”
– Còn anh Tư Đỏ? - Phi Hùng cười lấy lòng khoe hàm răng khít rim - Chắc mới hăm ba chớ gì?
– Tôi quên mất tuổi rồi! - Tư Đỏ hậm hực - Bị đồn phó đánh bầm mình không còn nhớ tuổi.
– Trời đất! Thôi, trót dĩ lỡ. Mũi dại, lái chịu đòn. - Từ vẻ bất bình Phi Hùng chuyển thái độ lượng cả- Hai anh cho tôi xin lỗi! Để xí xóa, giờ hai anh có thể về. Cho tôi xin lỗi bà má Năm. Ờ mà hai anh dùng càphê đi!
Vừa nghe vậy, Tư Đỏ xăng xái ra về. Ba Vàng hơi hoài nghi, còn trù trừ. Phi Hùng ra hiệu anh ngồi lại, thiết yếu:
– Anh Ba không dùng càphê vị tình tơi sao? Thôi để Tư Đỏ về trước cho gia đình mừng. Anh ngồi nán lại chút, tôi cho anh xem cái nầy và có chuyện muốn nói.
Ba Vàng bưng ly càphê nhấp môi lấy lòng, hơi nhăn mặt, vừa tiếp lấy xấp ảnh xem…
2
Thoạt trông thấy Tư Đỏ bước vào sân, Má Năm chạy bươn ra vừa mừng vừa khóc, giọng hãi sợ, hỏi:
– Còn anh Ba mầy đâu con?
– Ảnh còn uống càphê với trưởng đồn! - Mồ hôi nhể nhại trên vẻ mặt bậm trợn, Tư Đỏ buông nặng lời - Đảng viên mà cầu an bảo mạng!
– Đừng nói hổn với anh, con!
Tư Đỏ vẫn còn hầm hừ, bước lại mái hiên múc gáo nước mưa uống ừng ực một hơi. Má Năm bước theo con vào nhà dở áo xem những vết đòn tra, vừa lấy dầu xoa những vết tím bầm, vừa khóc kể:
– Con tôi nuôi từ nhỏ đến lớn, giơ cao đánh nhẹ. Giờ họ đánh con tôi bầm mình bầm mẫy thế nầy!…
Út Hường đi làm khu trù mật vừa về tới, quăng gói đồ lên ván, đến mừng anh Tư, không thấy anh Ba, cô lo lắng hỏi. Sẵn đang nực ông anh “xuống gà” trước đồn trưởng, Tư Đỏ đáp cộc cằn:
– Về sau!
– Còn anh Hai Rô? - Tư Đỏ sầm mặt làm thinh, Út Hường càng sốt ruột hỏi tới - Hỏi anh có gặp anh Hai Rô bị bắt không? Hôm tụi nó lùa dân đi làm khu trù mật, thấy ảnh đi sau mà rồi kiếm cùng không gặp! Có người đồn ảnh trốn. Nhưng nghi ảnh bị bắt quá! Anh có gặp anh Hai Rô bị bắt trên đồn không? Hả? Sao cứ làm thinh hoài vậy, trời!
Nhìn mặt em gái thiểu não, thương quá, Tư Đỏ nói ra không nổi, lắc lắc đầu rồi kiếm cớ rút lui:
– Đi tắm cái. Mấy ngày ở tù hôi hám quá!
Bị tưng hửng, Út Hường mặt bùng thụng, nhưng làm tươi lại ngay để tiếp chị Năm Tâm vừa bước vào.
Năm Tâm khoảng hăm hai tuổi, người rỏng rảnh, trắng trẻo, mặt thanh nhã đầy đặn, ăn mặc theo truyền thống phụ nữ Nam Bộ thời chín năm: tóc bới thấp, áo bà ba cổ trái tim, tay bài lai ( cửa tay rộng và xéo). Chị là Đảng viên Chi bộ B (hợp pháp); người yêu của Ba Vàng. Nghe Tư Đỏ về, đến nhằm hỏi tin anh Ba, nhưng giữ phép, hỏi qua Út Hường:
– Em đi làm khu trù mật về, thấy tình hình ở đó thế nào?
– Tụi nó đốc thúc làm hối hả cho kịp ngày Ngô Đình Diệm xuống làm lễ khánh thành, đánh đập tàn nhẫn. Nó bắt bứng dừa tơ vừa có trái khiêng ra trồng dài theo con đường mới đắp, cho có vẻ trù phú. Cứ bốn người khiêng một cây, khiêng không nổi xin thêm người thì nó bớt ra còn ba; khiêng không nổi nữa thì đấm đá ọc ọc. Ốm ròm như ông Sáu Quýt hộc máu liền tại chỗ! Ôi, xáo canh, xáo cư, xáo trộn mồ mả, dân tình ta thán kêu rêu; kêu là “khu…trù mạt”.
– Còn nghe Tư Đỏ bị bắt mới về, đâu rồi?
– Ảnh đi tắm. Thái độ coi bộ kỳ kỳ?
– Sao? Còn anh Ba Vàng? - Vẻ mặt Năm Tâm thóang lo âu.
– Không thấy anh Ba Vàng về! Hỏi nói mờ ớ. Hỏi có gặp anh Hai Rô bị bắt không, cũng nói mờ ớ?
Chợt Ba Vàng buớc vào. Mọi người đỗ dồn mừng anh. Má Năm đến vuốt ve rờ rẵm xem những vết bị đòn tra, rồi vừa xoa dầu vừa khóc kể như với Tư Đỏ. Ba Vàng an ủi má:
– Tại trưởng đồn đi vắng, đồn phó làm càn…
– Không phải vậy đâu! - Bất chợt Tư Đỏ xuất hiện, cãi lại - Trưởng đồn bày mưu đốc sự rồi chạy làng tránh tiếng.
Ba Vàng giả tảng, đến đưa cho Út Hường cái bao thư:
– Phi Hùng gởi cho em. Mấy tấm ảnh chớ chẳng có gì.
– Không thèm! - Út Hường mặt giận - Đáng lẽ anh đừng nhận đem về!
– Cũng khó cho anh. Nó còn đòi…- Ba Vàng mặt buồn hiu, ngập ngừng…
Má Năm tiếp lấy cái phong thư giở ra xem mấy bức ảnh: ảnh Út Huờng chèo ghe trên sông, ảnh Út Hường tươi cười với Tư Râu Xồm trên ghe mạ, ảnh cận cảnh Út Hường mắt long lanh nhìn thẳng…Xem chưa hết, gương mặt phúc hậu bỗng sa sầm, má Năm giọng mắc mỏ:
– Con gái con đứa mà cười cợt với lính thế nầy, biểu sao thằng trưởng đồn nó không ló mòi cho được!
– Má! - Út Hường qùng quằng giựt xấp ảnh hấp tấp xem, giọng ấm ức - Hôm bữa chở mạ gặp lính xét, nóng ruột công cấy ở nhà, thì cũng lấy lòng để nó cho qua, ai dè trưởng đồn nó chụp lén! - Trở ảnh bề lưng thấy ghi dòng chữ: “Tặng em Út Hường thân yêu!”, Út Hường hét lên - Thân yêu gì mầy! - Rồi xé toang hết những bức ảnh không để ai kịp xem.
Ba Vàng thở dài ủ dột, nói tiếp câu bỏ lửng:
– Trưởng đồn còn đòi anh Ba là người tác thành hôn nhân cho nó và Út Hường. Rồi thì xí xóa hết chuyện tình nghi chứa chấp Hai Thành…
– Không đời nào! - Út Hường phản ứng nhanh lẹ - Không đời nào! Mà tại sao lại gài chuyện anh Hai Thành vào đây?
– Kể ra…- Bản chất thật thà, Ba Vàng chưa kịp nhận ra mình cả tin, biện hộ - Tay trưởng đồn nầy mặt coi khôi ngô tuấn tú. Nó lên án luật mười năm chín là tội ác; tán thành hiệp nghị Giơ-neo, xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc, tổng tuyển cử thống nhứt nước nhà. Cụ thể, nó nói từ nay ruộng đất nhà ai vẫn nguyên canh, nguyên cư như hồi đó Việt Minh cấp, không phải lo chuyện truy thu hay đong lúa tô gì hết.
– Trời ơi! Nó mị dân đó! Anh Đảng viên mà cũng ngây thơ vậy sao?- Tư Đỏ bậm trợn nhìn anh - Bộ anh không nhìn thấy Hai Rô bị chúng nó neo đá xuống sông rồi sao?!
– Anh nói gì? - Út Hường rú lên trố mắt nhìn anh Tư - Hả? Anh nói gì?
– Hai Rô bị neo đá quăng xuống sông! - Long cặp mắt tròn đỏ ngầu, Tư Đỏ lập lại rồi vừa nói vừa quay bước - Tôi phải qua cho bác Bảy hay để tối nay ra mò xác Hai Rô về chôn.
– Đó là cái thế bị động.
– Thế yếu! Để tồn tại thì phải như cây sậy cây đế. Không thì cho võ trang đi?
– Võ trang bây giờ là manh động. Có nơi làm lén diệt ác ôn, sau lộ bị kỷ luật khai trừ Đảng, Chi bộ đưa tay biểu quyết mà nước mắt chảy ròng ròng!
– Vậy thì uốn theo chiều gió với tay đồn trưởng có ý tưởng tiến bộ nầy sao gọi là cầu an bảo mạng? - Ba Vàng thường hơi nhu nhược, giờ đâm lý sự - Nếu cho võ trang thì anh dám cầm súng chiến đấu chết bỏ, thử coi nhuệ khí Đảng viên có ngon không?
Đều cùng Đảng viên Chi bộ B, Năm Tâm, Ba Vàng được kết nạp trước khi các anh đi tập kết, trình độ còn hạn hẹp. Muốn phân tích gì thêm Năm Tâm cũng cạn lý lẽ, vả lại con người ảnh hiền lành đến mức thật thà, bị lâm vào cái thế kẹt tay trong hom giỏ, nhìn đến gương mặt thảm sầu cũng đủ rơi nước mắt. Năm Tâm nghe mũi mình cay nồng, ngậm ngùi:
– Thôi! Em thông cảm với anh rồi! Em chỉ lo cho số phận Út Hường! Mà anh Ba là người bị tên trưởng đồn lợi dụng bắc cầu qua sông!
Nỗi buồn tê tái, Ba Vàng khẽ ôm vai người yêu quay về phía mình:
– Biết liệu làm sao bây giờ, em ơi!…Ôi, ta mong muốn hòa bình biết bao! Vậy mà hòa bình trong đen tối! Giết chóc! Máu chảy đầu rơi!…
Bốn mắt nhìn nhau rưng rưng. Trong tâm tưởng hai người chừng cùng thức dậy những kỷ niệm buổi đầu yêu nhau. Bao giờ trở lại những đêm trăng chơi thuyền trên sông Hàm Luông, con nước lớn đầy, lần ghe luồn luồn trong rừng bần mọc trên cồn Ốc, cồn Đeo nổi lên giữa dòng sông, hái bần dốt chấm muối ớt chua cay ăn nhăn mặt hít hà. Ấn tượng ngọt ngào dẫn đến tình yêu là những lần xã tổ chức metting ngày lễ: sinh nhựt Cụ Hồ, Quốc khánh…, Ba Vàng đàn mandoline tập Năm Tâm hát để lên sân khấu giúp vui. Những bài hát cách mạng và cả thời tiền chiến, như : Ai yêu Bác Hồ Chí Minh, Mơ Liên Xô, Chiến sĩ Việt Nam, Mùa Đông Binh sĩ, rồi Đêm đông, Lỡ chuyến đò, Thiên Thai, Hòn Vọng Phu…Ôi, những bài hát lời ca trữ tình quyện giai điệu mượt mà, hào hùng cùng lãng mạn, thâm lặm hồn trẻ hăng say dấn thân theo con đường cha anh. Cha anh giờ đi tập kết miền Bắc, mong mỏi xiết bao ngày về!…
3
Ngôi nhà lá nhỏ nép mình dưới rặng dừa. Một ông già tuổi chừng bảy mươi ngoài, khệ nệ bưng thúng đất ra đổ xuống mương. Xách cái thúng không, ông đứng lên hạ đôi mày chổi xể nheo mắt nhìn quanh. Tóc ông bạc muối nhiều hơn tiêu, bới sau ót thượng cái đầu tóc bằng trái chanh. Chòm râu dưới càm hơi dài, cũng bạc như tóc, nhưng vòng râu môi trên còn đen mun. Nét tráng kiện còn biểu lộ ở khuôn mặt chữ điền nâu đỏ cùng đôi mắt quắc thước tiềm ẩn một năng lực túc trí đa mưu. Chợt trông thấy từ xa một chú trai vạm vỡ đang hơ hải đi tới, ông đứng chờ, cũng vừa kịp nhận ra đó là Tư Đỏ.
– Bác Bảy! - Tư Đỏ kêu như mắc nghẹn, nhào tới ôm ông già.
– Trời! - Bác Bảy buông rơi cái thúng ôm chầm Tư Đỏ - Mầy được về rồi! Vô nhà! Vô nhà!
– Bác Bảy ơi! - Chưa kịp vào nhà, Tư Đỏ đã nghẹn ngào - Hai Rô bị tụi thằng Tư Râu Xồm neo đá quăng xuống sông bên đồn Phước Hiệp rồi!
Ông Bảy lặng im bê trái dừa đựng bình nước trên bàn thờ vợ, để qua bên bàn tròn, rót tách nước trà nóng đưa choTư Đỏ, vừa ấn nhẹ anh ngồi xuống cái ghế đẫu đặt cạnh bàn cùng ba cái nữa đặt xung quanh. Bưng tách trà rồi để xuống, Tư Đỏ gục xuống bàn khóc lặng, nhưng chỉ phút chốc ngẩng lên, nói nhanh:
– Khuya nay, khoảng ba giờ bác cùng đi ra đó gác lính cho tụi cháu mò xác Hai Rô đem về chôn cất, kẻo thi thể nó làm mồi cho tôm cá sao nở, bác ơi!
Bất thần, từ trong buồng, một người lực điền nhào ra ôm cứng Tư Đỏ từ phía sau, rít giọng ồ ề:
– Ngồi im! Cục cựa tao bắn bể đầu!
Thất thế, Tư Đỏ vùng vẫy quyết liệt, tuy không thoát nổi nhưng láng máng nhận ra hai cánh tay gọng kềm của Hai Rô, bỗng dưng bủn rủn tay chân, nói hết ra hơi:
– Trời ơi! Ma! Hồn ma Hai Rô!
Hai Rô cười sục sục. Bác Bảy rầy:
– Buông nó ra! Không thương nó khóc mầy sao mà giỡn nhây vậy?
Hai người bạn chí cốt bấy giờ ôm nhau trào nước mắt. Tư Đỏ rủa:
– Đồ quỉ! Rõ ràng trong đồn nhìn ra tao thấy mầy bị neo đá quăng xuống sông.
– Đúng vậy! Nhưng ở đời: ở hiền gặp lành. Có quí nhơn độ mạng. Ờ để tao kể mầy nghe về quí nhơn còn ẩn mặt đó. Hình như đó là một cơ sở binh vận của mình cài vô. Trong lúc tên lính kia đi bê tảng đá thì có một bàn tay rất nhanh, ấn con dao vào bàn tay tao bị trói quặt ra sau lưng, để bề lưỡi trở ra. Khi tảng đá dằn lên bụng, hai ba thằng phụ lực xúm đè và quấn sợi dây luộc cột tảng đá vào người tao. Tất nhiên có một đường dây qua ngang lưỡi dao. Khi bị quăng xuống sông, tao chỉ cần ngọ nguậy cán dao là sợi dây đứt tung, rồi co chân lên cắt dây trói chân, lặn một hơi qua sông, trừng êm lên sát mé bờ, rút vô một hốc lá, lừa thế cắt luôn dây trói tay, rút giẻ nhét miệng. Đêm đó cũng nhờ trời mưa to, tao lội sông về nhà an toàn.
– Vậy tao phải chạy về cho con Út hay. Nó nghe tao nói mầy bị neo đá, nó xỉu! - Nói xong Tư Đỏ dợm chạy đi; bác Bảy kịp chụp tay rị lại:
– Đừng, cháu ơi! Cảnh sát Phi Hùng khử lén Hai Rô là để chiếm đoạt Út Hường. Cho Út Hường hay thì nó thôi khổ sầu, nhưng rồi xóm riềng biết. Tai vách, mạch rừng, tụi đồn sẽ biết. Tánh mạng Hai Rô thế nào? Thôi cứ coi như thằng Hai Rô chết rồi!
– Tội nghiệp Út Hường quá! - Hai Rô rên lên thảm thiết.
– Bác với nó đang đào hầm bí mật. - Bác Bảy nói - Nó sẽ làm hồn ma cái kiểu như vừa rồi với cháu vậy. Để rồi làm lén diệt ác mà không biết ai.
Tư Đỏ nghe khoái chí, ôm Hai Rô, cùng hát lên nho nhỏ bài Kỵ binh Việt Nam:
Dưới ánh ô vàng, rầm rầm đoàn hồng quân ta tiến,cuốn gió cát!…