Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
616
123.241.986
 
Nắng quái
Trầm Hương
Chương 39

- Em sẽ phải sinh mổ.

 

Thật khó khăn Phượng mới thốt lên được với Thân điều cô sắp quyết định:

 

- Em sẽ về Sài Gòn sinh con. Dù sao, với những ca sinh nở phức tạp, bệnh viện lớn cũng đảm bảo độ an toàn hơn.

 

Thân đăm chiêu :

 

- Sắp vào bầu cử rồi. Anh trong danh sách ứng cử vào Hội đồng Nhân dân. Công việc vô cùng bề bộn, nào là phải ra mắt cử tri, đưa những chương trình hoạt động… Em sinh con trong thời điểm này thật…

 

Nỗi buồn tủi dâng lên khiến mắt Phượng cay xè. Cô hờn dỗi :

 

- Em sẽ về Sài Gòn một mình. Anh cứ toàn tâm toàn ý với Hội đồng bầu cử của anh. Chắc chắn kỳ này anh sẽ được trao chức chủ tịch huyện. Từ huyện lên tỉnh rồi còn cao hơn nữa, em nghĩ anh sẽ không ngừng thăng tiến.

 

Thân cười khẩy :

 

- Em bao giờ cũng rất giỏi mỉa mai và nhạo báng anh. Anh làm tất cả những điều ấy là vì em, vì con. Chẳng lẽ em không cần một người chồng có địa vị, con em không cần có một người cha quyền cao chức trọng sao ?

 

- Thế còn những đứa bé sinh ra trong những gia đình lao động nghèo khổ, bình thường thì sao ? Em nghĩ con em sẽ như   bao đứa bé khác. Nó không cần quá nhiều tham vọng như anh đâu !

 

Thân cố nén. Anh ta đấu dịu :

 

- Phụ nữ mang thai dễ xúc động. Anh hiểu điều đó. Nhưng thật lòng là em có miệng lưỡi không dễ chịu chút nào. Thôi được, anh sẽ đưa em về Sài Gòn. Nếu gần ngày sinh, anh sẽ đợi. Vợ, con đối với anh bao giờ cũng là điều quan trọng nhất, phải không ?

 

Phượng không cười được trước câu nịnh đầm vô duyên, gượng gạo của Thân. Dù sao, cô cũng muốn Thân và Lãm gặp nhau. Ngôi nhà Hoàng rất vui mừng đón vợ chồng Phượng. Lãm thầm khen vợ chồng Phượng đẹp đôi. Tuy nhiên, Lãm vẫn giữ vẻ kín đáo, chừng mực trong lúc trò chuyện với Thân. Hơn mười năm qua, cõi lòng ông đã khép lại trong sự trầm mặc. Gương mặt Lãm ngày càng mang dáng dấp của một triết gia. Bữa tiệc hội ngộ được dọn lên trong căn phòng khách, với những món ăn Phượng ưa thích. Vẫn hoa, rượu và những món ăn ngày cũ nhưng giờ đây mọi cái đã khác xưa. Bất giác Phượng nhớ đến Sài Gòn những năm 70, cũng trong căn phòng khách này, Lãm và Đạm hay bàn cãi, tranh luận việc chính trị. Hoàng đã từng ứa nước mắt vì những món ăn nàng dày công chuẩn bị bị bỏ quên, bởi những người đàn ông luôn nghĩ đến những chuyện lớn lao trọng đại. Giờ đây Đạm không còn. Phượng đã trở thành đàn bà.  Kim và Tuấn đã trở thành những cô gái, chàng trai hẳn hoi. Hoàng già dặn hơn xưa và lãm thu mình trong vỏ ốc của mặc cảm người đứng bên lề thời cuộc. Bất giác, Phượng nhận ra sự viên mãn, hồ hởi, hãnh tiến của Thân trở nên thật lỗi điệu trong bữa tiệc ngày hội ngộ. Lãm không khỏi xót xa cho những gì đã xảy ra với Phượng. Trong thâm tâm, ông luôn mong những điều tốt đẹp đến với cô cháu gái mồ côi. Dù không mặn mà khi trò chuyện với Thân nhưng ông vẫn thầm mừng cho hạnh phúc của Phượng. Ông nghĩ dù sao Phượng cũng đã yên bề…

 

Hoàng và Thân đưa Phượng đến bệnh viện sản. Cô không khỏi nhói lòng nhớ đến những năm tháng đầy ắp kỷ niệm khi đến đây thực tập. Giờ đây, cô không còn một thân một mình với nỗi buồn tủi khi đến đây sinh con. Nhưng tự dưng Phượng có cảm giác nếu Thân đừng có mặt, cô sẽ dễ chịu hơn. Thật oái ăm, người khám cho cô lại chính là bác sĩ Trung Thành. Phượng nhận ra gương mặt anh già và buồn hơn. Anh cay đắng :

 

- Giá như… Mà thôi, có lẽ em cũng hiểu anh định nói với em điều gì. Cuộc đời của chúng ta đã trôi theo những dòng khác nhau…

 

Phượng cười buồn :

 

- Nhưng rồi ổn cả. Ngày ấy em có cảm giác mất anh em sẽ không sống được. Và em cũng có ảo tưởng ngược lại.

 

- Anh đã tìm em. Em không cho anh cơ hội để thuyết phục, hoà giải.

 

- Em nghĩ rằng anh không thể vượt qua được ba-ri-e đó. Em không muốn làm anh khó xử. Có lẽ tại số phận…

 

Nước mắt Phượng lăn dài trên má. Trung Thành cuống quít :

 

- Đừng Phượng. Em đừng làm lòng anh tan nát thêm. Em sắp bước vào ca mổ, hãy tự tin và vui tươi lên. Anh biết là em sẽ không bao giờ quên anh. Bàn taycủa anh đã theo suốt cuộc đời em. Lại một lần nữa anh lại chạm đến vết sẹo cũ của em. Anh sẽ cố gắng làm cho nó đẹp…

 

Và cũng như hơn tám năm xưa, kíp mổ đã sẵn sàng. Phượng được đưa vào phòng mổ. Vẫn người mổ là Trung Thành, vẫn quay quanh Phượng một màu trắng toát. Vẫn là căn phòng ấy, chỉ những trang thiết bị là hiện đại và đẹp hơn. Bàn tay tài hoa của Trung Thành vô cùng thuần thục theo thời gian. Anh nhẹ nhàng lấy đứa bé ra…

 

- Con trai !

 

Tiếng khóc to, khỏe của đứa bé vang động căn phòng mổ. Bé nhanh chóng được nữ hộ sinh chăm sóc sau khi rời bụng mẹ bằng những thao tác quen thuộc rồi đưa bé vào phòng dưỡng nhi. Phượng được đưa vào phòng hồi sức. Hoàng đứng bên ngoài phòng mổ, cố giấu một tâm trạng đầy giằng xé. Nàng nhớ đến “ Chân mày vẽ” cũng đã chào đời trong phòng mổ này. Nhưng bé đã sớm rời khỏi vòng tay mẹ vì tương lai của Phượng. Tương lai ấy giờ đây thuộc về đứa em của nó. Nhìn gương mặt rạng rỡ của Thân khi biết Phượng sinh con trai, đột ngột Hoàng cảm thấy khó chịu. Nàng nhận ra sự vô lý của mình, cố nở nụ cười trên gương mặt đang đắm chìm vào một thế giới xa xăm :

 

- Chúc mừng. Con trai !

 

Thân nồng nhiệt siết chặt bàn tay người dì vợ :

 

- Cháu rất cảm ơn dì.

 

Hoàng chợt cau mày :

 

- Kìa, sao chúng ta còn đứng đây làm gì.

 

Nàng nhận ra chiếc xe đẩy Phượng phủ drap trắng vào phòng hồi sức. Thân làm theo lời Hoàng như cái máy. Bác sĩ Trung Thành chạm mặt Thân ngay trước cửa phòng hồi sức. Anh thầm nghĩ : “ Chà, thằng cha này trông thật đẹp trai. Có thể Phượng lấy anh ta vì điều đó. Nhưng không biết là em có hạnh phúc với sự chọn lựa ấy không ?”. Anh lại chế nhạo sự đa cảm của mình. “ Mà ta lại lo bò trắng răng. Có lẽ họ hạnh phúc lắm !Anh ta đẹp trai, con nhà giàu, đường công danh đang thăng tiến. Họ đã có với nhau đứa con trai. Chắc hẳn là em rất hạnh phúc. Em quên ta là chuyện hẳn nhiên rồi !” Bác sĩ Trung Thành cố nở nụ cười trong cõi lòng đắng xót, chìa bàn tay thon dài cho Thân :

 

- Chúc mừng người cha hạnh phúc. Chúc mừng mẹ tròn con vuông.

 

Thân lịch sự đáp lễ bác sĩ. Trung Thành cười nói :

 

- Thời sinh viên, tôi là giáo viên hướng dẫn của Phượng thực tập lâm sàng. Tôi còn là đồng hương của Phượng…

 

Thân buông một câu xã giao :

 

- Thì ra vậy. Rất hân hạnh được biết anh. Phượng vẫn thường kể cho tôi nghe về anh. Thật tuyệt vời, tốt lắm !

 

Thuốc mê chưa tan, Phượng vẫn còn thiếp đi. Thân yên tâm vì Phượng không nghe những lời khách sáo của anh như một thói quen trong ứng xử…

Chương : 37    38    39   40   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1579
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh