Thằng Hùng và cái Thoa thay nhau đến nhà tìm Diệp ba bốn ngày liền đều thấy cửa sắt khóa chặt. Hai đứa biết anh Tuấn cần gặp chị Diệp gấp lắm mới sai chúng nó đi kiếm nhiều lần như thế. Tuấn ra viện được một tháng rồi, vết thương đã gần lành. Đúng ngày hẹn, Tuấn trở lại bệnh viện để cắt chỉ. Bác sĩ bảo sức khỏe của Tuấn rất tốt, nếu được bồi dưỡng, chỉ mười ngày sau là có thể làm việc bình thường. Nhưng lấy gì mà bồi dưỡng? Gạo ăn cho má và ba anh em còn chưa có, làm sao kiếm ra tiền đây?
Từ viện về nhà, Tuấn xuống xe lam dọc đường, cố sức lội bộ đến thăm Diệp. Nỗi nhớ Diệp cồn cào khiến Tuấn không thể không gặp Diệp. Cửa sắt không khóa ngoài. Tuấn mừng quá, nhấn chuông liền ba bốn cái. Chờ năm sáu phút vẫn không thấy ai mở cửa, Tuấn giơ tay định nhấn chuông tiếp thì có tiếng hỏi từ trong vọng ra, giọng đàn ông, lạnh lùng, hách dịch:
- Ai đó?
- Dạ, thưa...
- Cậu kiếm ai?
- Dạ, thưa chú, cháu kiếm Diệp ạ.
Cửa mở. Chiếc xe Honda 67 bóng loáng và một bộ mặt phương phi, râu ria cạo rất kỹ đập vào mắt Tuấn. Tuấn hiểu, đây chính là người đàn ông mà Diệp căm thù, đã liên quan đến bi kịch của Diệp. Có tiếng má Diệp vọng từ lầu một xuống:
- Ai vậy anh?
- Có cậu này kiếm bé Diệp.
- Để em xuống. Anh lên nghỉ đi.
Lần đầu tiên, Tuấn thấy mặt người má của Diệp. Phải cố dằn lòng, Tuấn mới khỏi kêu lên. Người mẹ và con gái giống nhau như hai giọt nước.
- Cậu hỏi con Diệp? Cậu tên gì? Làm nghề gì?
- Dạ... thưa, cháu tên Tuấn. Cháu chạy xích lô...
- Á à... Thì ra là mày! - Người đàn bà đột ngột nổi cơn thịnh nộ. Bao nhiêu ấm ức về tội lỗi với chồng, với con bỗng nhiên biến thành lời căm giận, khinh bỉ trút xuống Tuấn - Thì ra là mày! Thằng Sở Khanh! Đồ lưu manh! Mày đã lường gạt con gái tao, mày đã cướp đời con gái của nó. Nó có bầu, nó bỏ nhà đi cả tháng nay rồi. Đồ... đồ... đồ chó đẻ. Bây giờ mày còn vác xác đến đây nữa à?
Tuấn bàng hoàng, không tin ở những lời mình vừa nghe. Chẳng lẽ những cơn mê sảng trong nhà thương, hình ảnh Diệp bị cưỡng hiếp... lại là sự thật sao? Mãi Tuấn mới bình tâm được:
- Có lẽ thím nhầm rồi. Cháu mới tới đây có hai lần.
- Đừng nói láo! Mày ngủ với con gái tao vào đúng dịp chồng tao đi cấp cứu, rồi ông ấy chết. Sau đó, mày lại tới, lên phòng con gái tao lần nữa... Làm sao qua được mặt tao. Cả tháng nay, nó bỏ nhà đi phá thai, đi làm gái rồi. Trời cao đất dày ơi!
Người đàn bà ngửa mặt, giơ hai tay lên, làm như muốn đối thoại với ông trời, rồi khóc. Càng la, càng khóc, thị cảm thấy lòng mình nguôi ngoai đi phần nào mặc cảm tội lỗi. Nghĩa tình với chồng, tình mẫu tử đã bị chính thị chà đạp nhưng lâu lâu vẫn le lói. Vào lúc này, thị thấy xót xa, thị phải khóc, phải chửi, phải rủa thằng đốn mạt này. Làm như không phải thị, mà chính thằng đạp xích lô này đã gây ra đau khổ cho gia đình thị.
Đứng giữa cầu thang lên lầu một, Thượng quan sát màn kịch. Thượng nhận thấy đúng là thằng con trai kia vô tội. Ngó bộ nó còn rất hiền lành. Thằng này chưa thể làm điều gì ác nhơn. Có lẽ phải sử dụng nó. Thượng có thói quen đã gặp ai là tính ngay đến chuyện có xài hay không xài người đó.
Bị chửi rủa dữ dội, Tuấn không còn cơ hội để cất tiếng. Tin dữ về Diệp làm Tuấn bàng hoàng. Tuấn chợt nhận ra Thượng đang chăm chăm nhìn mình. Thượng hơi mỉm cười và hất đầu ra hiệu cho Tuấn ra khỏi cửa. Tuấn vẫn đứng chết gí tại chỗ. Thượng đưa mắt ra hiệu lần nữa, mặt đanh lại, rồi chạy xuống vỗ về người đàn bà cốt cho Tuấn rút êm:
- Thôi, lên lầu đi em. Việc lỡ rồi...
*
* *
Phụ trách cơ quan bài trừ tệ nạn xã hội là một phụ nữ đã ngoài năm mươi tuổi. Bà Tư được rất nhiều người ở Trường Cai ma túy và Trường Phục hồi nhân phẩm gọi là Mẹ, là Má. Bà là người đã tham gia hai thời kháng chiến. Đối với các đồng chí của mình, bà rất có uy tín. Đối với những thanh niên, thiếu niên lỡ lầm, bà rất nhân từ. Nhìn gương mặt phúc hậu của bà, người ta thấy có thể tin cậy trút hết nỗi lòng. Ở bên bà, có cảm giác như được người chị, người mẹ chở che.
Sáu giờ, bà Tư từ sở về, ăn vội bữa cơm tối, rồi vô bàn đọc bản báo cáo của ngành Công an vừa gửi đến. Những con số thanh niên phạm pháp, số gái mại dâm, số ghiền xì ke năm nay tăng hơn năm ngoái, tháng sau nhiều hơn tháng trước... làm bà lặng người. Có cảm giác như chính người thân của bà đang sa đọa. Bà Tư lấy chiếc xe đạp của đứa cháu và ra đi. Đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh(1) từ cổng công viên Tao Đàn, ngang qua Sở Y tế đông nghẹt người: gái mại dâm và khách mua hương, dân chạy xích lô và những tay mặt rô cò mồi dắt mối xen kẽ với đám phi đổng, chơi sabô(2)... Một cái "chợ" ầm ĩ, huyên náo, công khai. Công viên ở quảng trường Thống Nhất, công viên Văn Lang, công viên mới xây dựng mang tên Chiến Thắng(3) ở gần sân bay, khu ga Sài Gòn, v.v. Cả thành phố có tới hàng chục tụ điểm lộ thiên hoạt động về đêm, từ sáu giờ chiều tới mười một mười hai giờ khuya. Bà Tư nhìn những bé gái độ mười bảy mười tám, thảng hoặc mới có gái ngoài ba chục. Lòng bà tê tái. Tuổi đẹp nhất của đời con gái mà phung phí như vậy sao?
Một bé gái cỡ mười bảy tuổi, mặt còn non choẹt, mặc bộ đồ bằng vải katê mỏng dính, nhàu nát... đang lả lơi mời khách: "Dù đi anh! Chỗ của em gần thôi, chắc chắn mà! Mười đồng. Không chịu à? Thì đi ngồi vậy! Năm đồng! Chịu không?". Cô bé tót lên ngồi sau xe đạp của người đàn ông. Chúng nó chở nhau đi về phía đường Huyền Trân Công Chúa, phía sau dinh Độc Lập. Đường tối om. Trên lề đường, dưới chân hàng rào có hàng cây rậm rạp, và dưới những gốc cây dầu là từng cặp, từng cặp... Có tiếng la, rồi tiếng chửi tục: "Đ. mẹ thằng chó đẻ giật tiền nè! Tụi bay ơi! Thằng già dê này chơi tao rồi tính quỵt nè!". Tiếng người đàn ông đáp lại: "Đồ đĩ thối! Nhỏ xíu mà mang bệnh. Ai thèm chơi!". Một bầy gái xúm lại. Đám đông hiếu kỳ gồm những người qua đường xúm lại. Bọn con gái lao vào đấm, cấu xé người đàn ông. Chân ông ta không còn dép nữa. Cái xe đạp mất biến. Một vết cào trên mặt, máu rỉ ra. Ông này nắm được tóc của cô gái mà ông vừa ôm ấp, đập đầu cô vào gốc cây dầu. Một mảng áo bị xé toang, lộ rõ cái vú vừa mới nhú lên chưa kịp căng tròn đã nhàu nát. "Cảnh sát!", có tiếng la thất thanh từ đầu đường vọng tới. Một chiếc xe cảnh sát phóng đến. Nhưng không còn ai để mà bắt cả.
Bà Tư lắc đầu thở dài não ruột nhìn theo chiếc xe cảnh sát vừa đi khuất. Phải tìm cách ngăn ngừa tận gốc, chứ đi hốt kiểu này phỏng có ích gì!
Trước năm bảy mươi lăm, Sài Gòn có hàng trăm ngàn gái mại dâm cùng hàng trăm ngàn người ghiền xì ke. Nhưng hồi đó, chúng ở trong "động", trong "ổ", chứ đâu có tràn ra lề đường, công khai như vầy.
Bà Tư vừa suy tư, vừa đạp xe về hướng ga Sài Gòn. Khu ga và con đường Lê Lai nổi tiếng là nơi hành nghề của bọn giựt đồ và bọn chích choác. Một cô gái trẻ nhớn nhác vừa đi vừa nhìn vào những chỗ đậu nhiều xe xích lô. Bà Tư nhận ra vẻ thất thần trên gương mặt cô bé. Khuôn mặt thật dễ coi. Có lẽ cô bé không phải gái làm tiền. Cô đang tìm kiếm ai ở nơi này mà cứ đăm đăm nhìn vô những nơi đậu xích lô? Chiếc xe xích lô nào chạy ngang, cô cũng đau đáu ngó theo. Bà Tư đi gần đến nhà hàng Lê Lai, thì từ nơi bà gặp cô bé ban nãy vang lên tiếng kêu cứu: "Cướp! Cướp!". Một chiếc xe đạp lao vút qua mặt bà Tư. Một nhân viên bảo vệ của nhà hàng Lê Lai lao ra. Chiếc xe đạp đổ kềnh giữa đường. Thằng bé con bỏ xe, chạy như tên bắn, chui qua lỗ hổng, tọt vào khu ga và mất dạng. Cô bé khóc lóc thảm thiết, chạy tới:
- Nó giựt sợi dây chuyền của cháu. Dạ. Một chỉ ạ. Giựt xong nó còn tát vào mặt cháu mà nói: "Đẹp quá, đi ngủ với anh đi!". Cháu chưa kịp la lên, nó đã ném chiếc dây chuyền cho thằng bé vừa đạp xe tới rồi biến mất. Đúng là cái xe đạp này.
- Cháu đi đâu mà dám một mình ra đây giờ này? - Bà Tư hỏi.
- Dạ, cháu... cháu đi kiếm người quen.
- Kiếm ở đâu?
- Dạ, anh ấy đạp xích lô.
- Tên là gì? - Người bảo vệ của nhà hàng Lê Lai hỏi.
- Dạ thưa, ảnh tên là Tuấn!
- Nó ngồi ở quán cà phê kìa.
Một thanh niên được kêu tới. Cô gái nói:
- Thưa... Không phải anh này! - Cô gái khóc òa lên.
- Cháu về nhà đi. Không nên ở đây một mình, nghe không. - Bà Tư ái ngại nhìn cô gái, đưa tay vuốt tóc cô.
- Bọn xì ke ở trong ga lột cả quần áo của người đi đường nữa đó. Cô cẩn thận đấy! - Người bảo vệ nói.
Cô gái nhìn bà Tư hồi lâu, rồi cúi đầu bước đi.
*
* *
Diệp thẫn thờ ngồi xuống ghế đá ở công viên giữa quảng trường Thống Nhất. Sau lưng cô, dinh Độc Lập sừng sững và tối om; chỉ có hai ngọn đèn nhỏ ở cổng chính là bật sáng. Cô nhìn thấy có hai ba chiếc xích lô đậu ở phía đường Hàn Thuyên. Mệt mỏi và chán chường, cô đứng lên, đi tới, cố bấu víu vào niềm hy vọng gặp lại Tuấn. Nhưng bất ngờ cô bị túm lấy tóc giật ngược lại, giọng con gái xóe xóe hạch hỏi:
- Mày là đứa nào? Ai cho mày tới đây?
Trời tối, không có đèn đường nên Diệp không nhìn rõ mặt người đối diện, chỉ thấy mùi son phấn, nước hoa rẻ tiền và mùi hôi từ miệng nó phả ra khi nói.
- Tôi đi kiếm người quen.
- Há há! Mới đi bụi(1) hả? Ai cho phép mày tới giành khách của tao? Cút ngay!
Có hai ba đứa nữa chạy tới.
- Tẩn cho nó một trận.
- Lột quần nó ra, cho nó chừa thói đá lộn sân.
- Mẹ kiếp, từ chiều tới giờ chưa dù được cái nào.
- Đ.m, gặp con nhỏ này xui thiệt!
- Tao biểu mày lột quần lột áo nó ra mà!
Bốp, bốp! Diệp ăn hai cái tát và bị đẩy ngã lăn trên bãi cỏ.
- Xin tha cho tôi! Tôi đâu có phải... - Diệp rên rỉ.
- Thôi tụi bay! Nó la lên, tụi cớm bu lại thì vô trại cả đám. Rút đi!
- Đâu có phải. Hự! Đâu có phải. Hự!
Diệp ăn thêm hai quả đấm nữa. Đứa đánh cô vừa nhại "đâu có phải", vừa đấm vào người cô. Một chiếc xe hơi quẹo cua, ánh đèn pha lướt qua. Diệp nhìn rõ mặt đứa đánh mình. Mặt nó bì bì, loại mặt mâm, có vết thẹo ngay chỗ tóc mai bên trái, môi nó thâm sì, mắt trắng dã. Nó nhổ vào Diệp rồi lỉnh mất.
Diệp lồm cồm bò dậy. Bài học nhập môn vào thế giới bụi đời đến với cô dồn dập quá. Cô không tiêu hóa nổi. Một cái gì giống hệt như trái chanh từ dưới bụng đùn ngược lên cổ cô. Diệp nôn thốc nôn tháo ra. Không có gì cả, toàn nước dãi. Cô chưa ăn uống gì. Suốt thời gian qua, cô ăn ngủ thất thường, chỉ mong gặp Tuấn. Cô làm gì còn ai khác ngoài Tuấn. Bên ngoại, bên nội không còn ai cả. Cô nghĩ đến Phi. Đã nhiều lần, cô toan đến nhà nó, nhưng lại bủn rủn cả tay chân khi nhớ lại cái đêm hôm ấy, cái đêm Nhân đại bàng chiếm đoạt đời con gái của cô.
Diệp có cảm giác như ai đó thò tay qua cuống họng moi hết ruột gan cô ra ngoài. Bụng cô đau thắt, mắt nổ đom đóm, đầu nhức nhối. Cô nôn hết giọt nước cuối cùng trong bụng, loạng choạng đứng lên. Nhưng đứng không nổi, cô lại ngồi thụp xuống bãi cỏ. Một bóng người đi tới. Đàn ông. Bàn tay hắn ham hố, rờ rẫm trên người cô:
- Sao, đi chứ cô em?
Diệp chẳng buồn trả lời.
- Mệt rồi hả? Mấy "ca" rồi mà đừ vậy? - Bàn tay hắn lần vào ngực cô, rồi hắn ghì chặt cô vào lòng - Trời ơi, cô em! Ngực cô em còn ngon lành quá! Nhưng sao mà nóng rực như than vậy. Bệnh à? Chết cha!
Hắn đứng dậy phủi tay đi thẳng, như tránh một con hủi.
Diệp thấy hai ba người đàn ông đi tới. Cô rùng mình. Phải thoát khỏi nơi đây ngay! Cô lết ra mặt đường. Chiếc xích lô dừng lại. Diệp nhìn. Không phải Tuấn mà là ông già tóc đã bạc. Diệp lên xe, tay giữ chặt cổ áo vì đã bị đứt tới hai nút từ bao giờ. Ông lão hỏi Diệp về đâu. Cô lưỡng lự giây lát rồi nói địa chỉ của Phi bên quận Tư. Cô không thể về nhà, không thể để má thấy hình hài cô như thế này.
Thằng Hòa chạy đi mua hủ tiếu về tới, thì Phi cũng vừa lấy nước nóng lau mặt, lau người cho Diệp xong. Phi ép Diệp ngồi dậy ăn hủ tiếu cho lại sức. Diệp vừa nuốt được mấy sợi hủ tiếu, chiêu một ngụm nước thì lại nôn thốc ra.
- Mày có bầu hả Diệp?
- Sao mày biết?
- Trước, tao y hệt vầy.
- Có lẽ đúng. Má tao bảo tao đi phá thai.
- Sao chưa đi?
- Tao sợ. Phá thai là làm sao? Nạo là làm sao?
- À, mấy tháng rồi mày?
- Tao không biết.
- Khỉ thật, mày không nhớ... với ai à? Tắt kinh từ ngày nào?
- Tao có biết gì đâu. Từ cái đêm ngủ ở nhà mày đến giờ.
- Vậy hả? Trời đất! Thằng bồ của tao nó hại mày rồi. Thôi được, tao sẽ có cách.
Phi lẩm nhẩm tính rồi reo lên:
- A! Như vậy mới chỉ ba bốn chục ngày là cùng! Êm rồi. Mày cứ ngủ cho khỏe. Sáng mai, tao dắt mày đến chỗ làm mới của tao. Khỏi cần nạo niếc chi cả. Mày chỉ uống một viên vào. Thế là xong. Nếu mày chịu, tao bảo ông chủ một tiếng là ổng nhận mày vô liền. Sướng lắm!
- Làm chi vậy Phi? Làm đầy tớ cho ông chủ à?
- Không. Mày đẹp, người ta làm đầy tớ cho mày thì có.
- Tao không tin.
- Thôi ngủ đi. Mai đến rồi khắc biết.
- Phi à.
- Chi vậy Diệp?
- Mày... trông chừng giùm tao.
- Yên chí lớn đi. Đêm nay sẽ an toàn. Nhân đại bàng đang đi làm ăn ở xa.
Bảy giờ sáng, Diệp mới thức dậy. Cô thấy Phi đang lúi húi giặt đồ. Phi nói:
- Tao thấy mày ngủ say như chết, khỏe được chút chút rồi hả? Nào, đi tắm đi. Lấy đồ của tao mà bận. Tao ủi sẵn rồi đó. Đồ tây, đồ đầm, có vài bộ thôi, tùy mày lựa.
Diệp lựa cái quần jean đã bạc thếch và chiếc áo pull màu hoàng yến. Cô mặc vừa khít, như là đồ của chính mình. Nghe lời Phi, cô ráng nhai được nửa ổ bánh mì với ly sữa đậu nành thằng Hòa vừa mua về. Phi và Diệp vừa ra khỏi nhà, bên hàng xóm có tiếng chửi: "Đồ đĩ rài đĩ rạc, đồ xì ke... Sao Trời không tru diệt chúng mày!". Diệp sững người, Phi nắm tay Diệp kéo đi.
Căn nhà ông chủ thấp lè tè, lợp ngói ống, bề ngang có ba mét nhưng sâu hun hút. Trên xe lam, Phi đã kể cho Diệp nghe về ông chủ Nam Hải. Ông Nam Hải năm nay sáu hai tuổi, nhưng còn rất "gân". Ông có tất cả ba người vợ, mười hai đứa con. Ông với người vợ thứ ba ở lại, còn tất cả đã đi Mỹ từ năm bảy sáu. Họ sống ở Chicago và rất giàu có. Người vợ ba chết năm ngoái vì tai nạn xe hơi. Ông Nam Hải buồn lắm. Ông gặp Phi tại "động" Nhạn Trắng, và Phi đã nhận lời về làm cho ông. Công việc của Phi chỉ đơn giản như vầy: Sáng, tám giờ có mặt, chuẩn bị sẵn bàn đèn chờ ông chủ thức dậy, tiêm liền ba điếu thuốc phiện cho ông chủ. Thế là xong việc buổi sáng. Chiều, bốn giờ có mặt, chuẩn bị sẵn bàn đèn chờ ông chủ thức dậy, tiêm liền ba điếu cho ông chủ. Thế là xong việc buổi chiều. Toàn bộ việc ăn uống bếp núc đã có một chị bếp vừa câm vừa điếc, nghe nói là cháu ruột ông Nam Hải, lo toan. Chị bếp rất khéo tay và nhanh nhẹn, suốt ngày chỉ cười. Ông chủ khen - cười; chửi - cũng cười; mà tạt tai - cũng cười. Muốn chị bếp khỏi phiền hà gì, muốn được chị cho tiền thì cần nhớ một điều: Tất cả sái thuốc không được đụng tới. Chị bếp ghiền sái. Chị hút về đêm, khi xong mọi việc. Ông Nam Hải trả lương rất hậu! Gấp mười lần chủ "động" Nhạn Trắng trả cho Phi. Đó là chưa kể một tuần vài lần - vào đúng hai ngày thứ hai và thứ sáu - ông chủ bảo Phi tắm cho ông chủ và sau đó... ngủ với ông. Ông Nam Hải hút thuốc phiện và ngủ với đàn bà không quá cữ, sai lịch bao giờ. Mỗi lần ngủ với ổng, kéo dài ghê gớm, nếu ráng chịu đựng, biết chiều ổng thì ổng trả cho bằng cả tháng lương. Phi khoe:
- Đã có nhiều đứa đến đây nhưng ít đứa biết chiều ông chủ. Riêng tao, tao có cách. Ông mê tao và tử tế với tao. Hôm nay là đúng lịch ông ngủ với tao.
- Vậy mày đưa tao đến đó à? - Diệp chột dạ - Thôi, kêu xe cho tao xuống.
- A, mày quên? - Phi chỉ vào bụng Diệp.
Mặt Diệp đỏ bừng. Cô nhìn quanh, xe lam lên tới mười bốn người, không có ai để ý tới cô và Phi.
- Ngoan đi cưng! Tao sẽ giải quyết êm "cái của nợ" đó cho.
*
* *
Sau khi được ông Nam Hải cho thẩu(1) một cục á phiện nguyên chất, Diệp rơi vào trạng thái mà trong đời cô, cô chưa hề được nghe ai nói tới bao giờ. Đầu cô âm âm, u u. Rồi cô như bay lên cao với tốc độ kinh khủng, có lúc như bị cả một trái núi đè nát. Mồ hôi ướt dầm người. Tới nửa đêm, "cái của nợ" đã được giải thoát.
Chị bếp vừa cười vừa lau rửa cho Diệp. Ông Nam Hải khuyên Phi nên để Diệp nằm lại. Diệp không chịu. Phi xin phép ở lại cùng, Diệp mới chịu.
Một tuần liền, theo lệnh ông chủ, chị bếp nấu cho Diệp món ăn đặc biệt - mà theo lối Phi nói - có tổ yến xào tần với chim câu rất bổ.
Chẳng biết yến xào tần với chim câu bổ như thế nào. Chỉ biết rằng, khi Diệp ra mắt ông chủ vào ngày thứ mười lăm, tức là hai tuần lễ sau, thì ông chủ xúc động lắm. Ông nhìn Diệp mơn mởn, nõn nà trong chiếc váy mỏng màu hồng mà ông vừa sai Phi đi mua về. Miệng ông, mắt ông, chân tay ông như tê dại cả đi, giống hệt như trạng thái sau khi Phi tiêm cho ông điếu thứ ba vậy. Thấy ông Nam Hải cứ ngó mình trân trân, Diệp vòng tay lễ phép:
- Thưa ông! Con xin cám ơn ông đã giúp con...
- Ha ha ha...
Tiếng cười sảng khoái của ông chủ cất lên. Ông bảo Diệp ngồi xuống ghế, kề bên chiếc sập cẩm lai nơi ông đang nằm. Ông đưa mắt cho Phi. Phi hiểu ý, leo lên sập bắt đầu xoa bóp cho ông chủ. Bàn tay ông chủ mơn trớn cặp đùi của Phi, nhưng đôi mắt ông lại xoáy vào ngực, vào mặt Diệp. Ông nhận ra phản ứng của Diệp trước cách vuốt ve, xoa bóp. Ông mỉm cười, mãn nguyện:
- Ta biết, ta biết là em đang rất cô đơn! Hãy ở lại với ta, em sẽ sung sướng. Từ nay, ta sẽ có cả Phi và Diệp. Ta sẽ không để em vất vả. Em đã học nghề bồi tiêm thuốc cho ta hút rồi chứ? Nào, hãy tiêm cho ta một điếu nào. Ta đang thèm...
Diệp ngó Phi, bối rối. Phi đưa mắt ra hiệu cho Diệp hãy làm thật ngon lành. Mấy ngày qua, Phi đã truyền nghề cặn kẽ cho Diệp. Vốn là một cô bé sáng dạ, Diệp vào nghề bồi tiêm chẳng khó khăn gì. Phi tắt đèn. Căn phòng chỉ còn độc ngọn đèn ngủ. Diệp run bắn lên, cố trấn tĩnh bật quẹt gas châm đèn dầu lạc. Ánh sáng vàng vọt, lung linh, hư ảo chập chờn. Ông Nam Hải lim dim mắt nhìn Diệp đang hành nghề, bàn tay ông thôi không vuốt ve cặp đùi của Phi nữa. Ông có cảm giác như đang ở miền Thiên Thai. Một tiên nữ đang dùng ngực trần của mình "xoa bóp" khắp người ông. Một tiên nữ khác đang dùng cây tiêm cẩn thận lấy thuốc từ cái hộp bằng đồng rồi nướng trên ngọn lửa. Bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại xoay xoay cây tiêm như đang múa. Xèo! Xèo! Xèo! Mùi thơm nồng nồng quyện lẫn một chút vị khét thật quyến rũ. Diệp ngạc nhiên là tại sao mình lại quen được với mùi thuốc lẹ thế. Nhớ lại trạng thái sau khi thẩu viên thuốc phiện, cô thấy rợn người. Nhưng cô biết ơn Phi, ơn ông chủ, ơn loại thần dược đã giúp cô thoát khỏi cái bầu mà không phải vô nhà thương nạo niếc chi cả. Tự nhiên, cô thấy muốn quên tất cả, để an phận tại đây, với công việc thật nhẹ nhàng, lại được chiều chuộng. Bên cô còn có Phi nữa. Phi bảo Diệp: "Chơi á phiện sẽ thành tiên, sướng hơn tiên. Mày đẹp, hấp dẫn, sẽ được ông chủ tôn làm hoàng hậu".
Diệp nuốt nước miếng. Đầu cây tiêm tỏa ra làn khói trắng. Diệp nhớ lời Phi: Như thế tức là thuốc vừa chín tới. Diệp không nướng nữa, tiếp tục dùng đầu tiêm lấy thêm thuốc trong hộp, rồi lại nướng đều tứ phía cho đến khi chất khói trắng tỏa hương. Diệp nâng cái hộp bằng đồng nhãn hiệu Con Rồng Xanh(1) lên, lại quệt đầu tiêm vào lấy thuốc lần thứ ba. Lại nướng. Lại lấy thêm lần thứ tư và nướng tiếp cho đến khi điếu thuốc vừa cữ đã chín tỏa hương ngào ngạt. Lần đầu tiên Diệp hầu ông chủ, quá lo lắng nên mồ hôi vã ra trên trán. Ông chủ đang đắm mình trong đê mê, hít căng lồng ngực mùi thuốc thơm, chợt ngồi dậy, lấy khăn mặt để sẵn trên đĩa ở đầu sập, thấm mồ hôi cho Diệp. Diệp nhìn vào mắt ông chủ. Mặt cô ửng hồng bên ánh lửa chập chờn. Cô nâng tẩu dọc lên, hơ qua nồi trên lửa cho ấm, lại hơ cây tiêm lần cuối trên lửa và nặn điếu thuốc trên mặt nồi. Diệp khéo léo vê điếu thuốc tròn, thon dài, vừa khít miệng tẩu. Với động tác này, Phi dạy: "Phải nhanh tay hẳn lên, vì nếu không khéo, không linh hoạt, thuốc sẽ quá lửa mất ngon. Không có một món ăn nào của khoa nữ công gia chánh lại khó làm như món á phiện này. Nướng thuốc là cả một nghệ thuật!". Diệp tra điếu thuốc vào nhĩ, cho nó lọt vào tận đáy nồi rồi mới rút cây tiêm ra. Cô dùng cả hai tay nâng ống hút dâng cho Nam Hải. Ông chủ ra hiệu cho cô nằm xuống cạnh ông, rồi mở miệng ngậm lấy đầu ống hút. Điếu thuốc xèo xèo cháy trên ngọn lửa. Ống hút của Nam Hải ro ro rền vang như tiếng nổ liên thanh của AR15. Tuy tuổi đã cao nhưng ông chủ còn sung sức lắm. Bao nhiêu khói bị nhốt cả vào lồng ngực. Một lát sau, Nam Hải mới giải phóng khói bằng cách nhả ra thật chậm, thật chậm qua lỗ mũi. Phi nhổm dậy nhìn ấm trà ra hiệu cho Diệp. Chờ cho không còn một sợi khói nào bị nhốt trong ngực ông chủ, Diệp mới rót từ chiếc ấm Thái Đức màu gan gà ra chiếc chén nhỏ xíu loại nước trà xanh ngặt, thơm lừng - trà Tân Cương được chế xuất tại Hồng Kông. Nam Hải ực một tiếng cạn chén trà, rồi khà một tiếng mãn nguyện.
Phi đưa cho Diệp chiếc quạt nhỏ nhắn bằng lụa điều, rồi nhón gót đi vào phòng trong. Còn lại một mình, Diệp phe phẩy chiếc quạt cho ông chủ nằm thưởng thức khoái lạc của nàng tiên nâu... Thế rồi cô ngủ thiếp đi lúc nào không biết! Tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm trong vòng tay ông chủ, trên người không còn chiếc váy hồng mới mua nữa. Ông chủ thấy cô động cựa, liền lên tiếng:
- Khắp vùng Chợ Lớn này có chừng hơn trăm người chơi á phiện cỡ tuổi ta, nhưng ta tự hào chỉ có ta là người còn "đàn ông" nhất xứ. Ta đã thỏa mãn vì thân thể em. Và chắc hẳn, ta đã làm em... thỏa chí! Ta rất vui vì em biết chiều ta. Ta thưởng cho em nè! - Ông chủ tháo chiếc nhẫn hột xoàn ở tay mình đeo vào tay Diệp, nói tiếp - Gọi là để nhớ ngày hôm nay, nghe cưng!
*
* *
Thằng Ngọ vừa trúng quả. Quả lớn chứ chẳng phải tầm thường. Nó nhận lệnh của Nhân đại bàng và thực hiện xuất sắc. Vụ đột nhập tiến hành đúng bài bản, nhanh, gọn và êm. Thằng Ngọ lẻn vô nhà mai phục. Đêm, nó xịt thuốc mê vào giường ngủ của hai mẹ con chủ nhà, rồi mở tủ. Nó không ham những đồ cồng kềnh khó tiêu, dễ lộ. Nó chỉ ham hai thứ: tiền, vàng. Chủ nhân có chồng vượt biên, tháng nào cũng gửi đồ về cho vợ và con gái. Bà vợ đang độ hồi xuân, có tiền nhiều, rửng mỡ, sinh ra bồ bịch. Nhân đại bàng được "trinh sát" báo cho địa chỉ con mồi. Nó nghiên cứu địa thế và quyết định đánh. Khi thuốc mê đã ngấm, thằng Ngọ mở cửa cho Nhân đại bàng. Thằng Ngọ là chuyên gia mở khóa, một chuyên gia thượng hạng. Trong khi nó lục tìm nơi cất giấu vàng và tiền, thì Nhân đại bàng ngẩn ngơ cạnh giường chủ nhân. Nó lột sạch dây, khâu, vòng trên người chủ nhân. Gương mặt người đàn bà dâm đãng quá, thân thể bà ta chọc tức nó... Cẩn thận, nó bấm vào huyệt - ngón nghề này là bí quyết - để cho người đàn bà luôn luôn ở trạng thái mê mệt suốt ba bốn giờ liền. Thằng Ngọ hớn hở reo lên: "Trúng rồi đại ca! Em xong nhiệm vụ!". Nhưng đại ca của nó đang "hành sự". Nó đứng sững nhìn, và... nó qua phòng của cô con gái. Cô bé còn nhỏ, chỉ mười bốn mười lăm là cùng. Nó chặc lưỡi, để nguyên bao tay rờ rẫm cô bé. Đúng vào lúc dục vọng của nó lên đến tột đỉnh thì nó phát hiện đôi mắt con bé chớp chớp như muốn hé mở. Nhanh như cắt, nó ấn ngay miệng bình thuốc mê vào mũi cô bé. Cô bé giãy giụa một lát trong hai cánh tay gồng chặt của thằng Ngọ rồi nằm bất động. Nhân đại bàng bước vào. Nó nhìn thằng Ngọ, nhìn con bé và giơ ngón tay cái lên trời, nhếch mép cười. Hai thằng cẩn thận xóa sạch dấu vết. Chúng đóng chặt cửa trước khi ra khỏi nhà. Về tới "căn cứ" chúng chia nhau: Nhân đại bàng một cây với hai trăm ngàn; thằng Ngọ một cây; thằng "trinh sát" năm chỉ. Nhân đại bàng lờ số nữ trang mà nó lột trên người chủ nhân, coi đó là chuyện không đáng gì.
Sáng hôm sau, gần mười giờ thằng Ngọ mới thức dậy. Mấy đứa em nó cùng lũ trẻ hàng xóm đang đánh bài, cãi lộn chí chóe. Thằng Ngọ quát em nó, rồi bước ba bước ra tới mép sàn nhà. Nó vươn vai làm vài động tác thể dục rồi nhảy tòm xuống sông. Con rạch Thị Nghè buổi sáng đầy nước. Thằng Ngọ bơi lặn thỏa thuê. Nó có tài bơi lội còn hơn tài mở khóa. Nhờ tài ấy mà nó gặp Nhân đại bàng. Nó leo lên sàn, chui vào xó nhà kê cái giường xếp của riêng nó, lôi món đồ cướp được đêm qua ra ngắm. Lát nữa, nó sẽ thắng bộ đồ vía của nó vào, lấy chiếc 67 phóng đến cơ sở tiêu thụ bí mật. Tiền bạc rủng rỉnh, nó lại được ăn xài xả láng cho đến khi đánh quả mới. Nghĩ đến con bé đêm qua, bất giác nó huýt sáo vang nhà. Dù sao thì cũng không "đã" bằng..., giống như ngủ với người chết! Dở ẹc! - Nó nghĩ. Được cái làm ăn kết hợp kiểu này, chủ nhà ít khi dám trình báo cảnh sát. Nếu trình báo sự tình thì sau này còn ai dám lấy con gái bà chủ nữa!
Có tiếng em nó:
- Anh Ngọ! Có anh Tuấn kiếm nè.
Thằng Ngọ bước ra, lừ mắt nhìn em nó và quát ầm lên:
- Tụi bay cút xéo để tao tiếp khách. Đồ con nít mà bài bạc! Tuấn, vô đây mày! Mày có vẻ bết quá hả? - Nó nhìn Tuấn xanh xao, tỏ vẻ thương hại.
- Lão chủ xích lô đưa đơn thưa tao ở phường. Hôm nay tao phải lên phường.
- Nó bắt mày thường bao nhiêu?
- Ba chỉ.
- Trời đất! Xe gì mà dữ vậy?
- Xe "xịn". Tao mướn xe "xịn" mà!
- Tại mày nghèo mà bày đặt!
Tuấn nín lặng. Thằng Ngọ thọc hai chân vào chiếc quần jean mới toanh, quay qua Tuấn hỏi:
- A! Tao quên chưa hỏi, mày đã trình cảnh sát chưa?
- Vụ xe ấy à?
- Ừ.
- Rồi.
- Xe số bao nhiêu?
Tuấn nói số sườn và bảng đăng ký. Thằng Ngọ gật gù nín lặng. Đúng rồi. Đúng là chiếc xe đó. Chính mắt thằng Ngọ nhìn thấy chiếc xe đó bị làm thịt. Nó có trí nhớ ghê gớm. Một năm sau, nếu gặp cô bé đêm qua nó vẫn nhận ra mặt. Kể cũng lạ. Nhân đại bàng coi nó như đệ tử ruột là nhờ trí nhớ kinh khủng đó cùng tài mở khóa và tài bơi lặn. Tất cả các loại con số - số điện thoại, số nhà, số xe... - chỉ cần nói một lần là Ngọ nhớ như in. Ít khi nó đánh sai điểm.
- Mày kẹt?
Tuấn không nói gì. Mày biết rõ gia cảnh nhà tao còn hỏi gì nữa. Đã bao lần mày rủ tao vào hội của mày. Nay tao dẫn xác đến nộp cho mày đây. Còn bày đặt lục vấn nữa.
Thằng Ngọ móc túi lấy vàng tính đưa cho Tuấn. Nghĩ sao, nó lại thôi. Đây là số vàng mới trúng quả hồi hôm. Cẩn tắc vô áy náy, đưa vàng cho thằng này lộ bem như chơi. Bảo Tuấn ngồi chờ, nó chui vào xó nhà, lịch kịch một lát rồi ra, đưa cho Tuấn một nắm tiền:
- Chỗ này mua được bốn chỉ. Mày trả nợ, còn lại giữ mà xài.
- Có điều kiện gì không? - Tuấn hỏi, chưa cầm tiền.
- Không! Cầm lấy, đi lo cho êm vụ đó đi.
- Tao... có lúc tao nghĩ xấu về mày. Tao bậy. Cám ơn mày!
- Xì, chuyện vặt! - Thằng Ngọ búng tay tách một cái, nghiêng đầu, lắc vai y hệt cử chỉ của Nhân đại bàng.
Tuấn bước ra đến cửa, thằng Ngọ gọi giật lại:
- Này, tao đi công chuyện một lát. Một tiếng đồng hồ nữa, mày đi chơi với tao nghe. Tao bao mày một chầu. Mày ốm quá, Tuấn à.
Thằng Ngọ phóng xe đi "chuyển hóa" chiến lợi phẩm đêm qua thành tiền mặt. Nó định bụng ngày hôm nay sẽ xài hết phân nửa số tiền này vào mục đích mua đứt thằng Tuấn. Nó vào nhà Tuấn. Căn nhà cùng một hẻm với nhà nó, làm cùng một kiểu nhà sàn trên rạch Thị Nghè: mặt trước trổ ra hẻm, mặt sau là rạch Thị Nghè. Vào mùa mưa, nước dâng tới mặt sàn, đầy rác rưởi, muỗi mòng, rắn rít. Vào mùa kiệt, rạch cạn queo, khi nắng gắt, mùi nước thải bốc lên buồn ói. Hàng ngàn con người chen chúc nhau sống trên hai bờ con rạch này. Thằng Ngọ không biết gia đình nó với gia đình Tuấn về đây ở từ bao giờ. Nó chỉ nhớ rằng, lúc nó còn nhỏ xíu, nó đã đánh nhau với trẻ con cùng hẻm, trong đó có thằng Tuấn; và trong hẻm này chỉ có nó với Tuấn là bơi lội giỏi nhất.
Ngọ lao xe như tên bắn, thắng khựng lại trước nhà Tuấn, chân trái nó gạt cái chống phụ xe 67, rồi bước vào nhà. Tuấn đợi sẵn:
- Đi liền chứ?
"Rõ ràng là Tuấn không muốn cho mình vô nhà. Càng hay", Ngọ nghĩ nhanh và đáp:
- Ừ. Đi!
Ngọ đưa Tuấn đến một nhà hàng loại sang nhất ở Chợ Lớn. Nó muốn tỏ cho Tuấn biết nó là kẻ ăn chơi sành điệu. Nó gật đầu và cố cười duyên dáng với mấy em tiếp viên của nhà hàng. Nó quen khắp lượt các em. "Tao chỉ cần nháy mắt làm hiệu là mấy con đĩ nửa mùa này dắt tao đi ngủ liền". Tuấn thoáng nhăn mặt. Sao mày dám khi người ta vậy? Có phải vì mày có chút tiền, muốn mua ai cũng được sao?
Bàn tiệc toàn những món ăn đắt tiền: súp đuôi bò, tôm nướng, gân nai hầm ngọc dương và thuốc bắc, cua rang muối... Nhiều quá. Món nào cũng ngon đến mức Tuấn chưa hề mơ thấy. Nhưng lạ thay, Tuấn ăn không được. Đầu óc Tuấn lởn vởn những dằn vặt: Mình đang tự bán mình. Tuấn chỉ uống nhâm nhi. Chai rượu ngoại loại thượng hạng với những chữ viết tắt "VSOP" mà Tuấn hiểu nghĩa là "sản phẩm đặc biệt lâu năm" đã cạn gần hết. Tuấn mới uống có hai ly; chứng tỏ thằng Ngọ uống dữ quá. Càng uống, mặt nó càng trắng bợt ra, không sạm đen như bản mặt vốn có. Vừa ăn uống, nó vừa rỉ tai Tuấn những chuyện về gái. Nó khoe, nó được rất nhiều em coi là "thần tượng". Tuấn thờ ơ với tất cả: những món ăn ngon, chai rượu thượng hạng với những chữ viết tắt "VSOP", những cô em mỹ miều của Ngọ, chiều chuộng Ngọ đủ cỡ đủ cách... Trong đầu Tuấn lúc này hiển hiện ảnh hình của Ngọc Diệp. Chẳng lẽ Ngọc Diệp lại trở thành gái mại dâm? Nhưng cô đã bỏ nhà ra đi. Làm sao không tin được những lời má cô nói. Ngọc Diệp ơi! Mấy tháng qua, anh đi tìm em trong nỗi nhớ thương tuyệt vọng. Anh sẽ tìm em suốt cuộc đời. Cho dù em có hư hỏng, có tàn lụi, anh vẫn tìm em. Đêm nào anh cũng nhớ đến em, ôm em trong mơ, nhớ những âm thanh thốt ra từ miệng em trong lần gặp gỡ cuối cùng: "Anh đi làm đi, chiều rồi đó. Khi nào rảnh, anh đến em nghe!". "Anh sẽ đến. Ngày mai được không?". "Đúng hẹn nghe anh! Đừng thất hẹn như lần trước, em nghỉ chơi à!".
Tuấn biết, từ lần gặp gỡ thứ hai và cũng là lần chót ấy, trong lòng anh sẽ mãi mãi khắc ghi ảnh hình Ngọc Diệp. Tuấn ước mong sao gặp được nhiều khách để anh chở họ, anh kiếm ra tiền, nhiều tiền, nuôi má, nuôi em và... mời Diệp đi chơi. Người ta chở người yêu bằng xe hơi, xe Honda, xe Vespa. Còn Tuấn, Tuấn sẽ chở Diệp bằng chiếc xe xích lô lúc nào cũng láng coóng của mình...
Nhưng điều ấy chỉ là ảo vọng. Khi những ước vọng giản dị, nhỏ bé nhất trở thành ảo vọng thì con người sẽ rơi vào tuyệt vọng. Tuấn chẳng còn gì để mà vui, mà hy vọng nữa. Trước mắt Tuấn chỉ còn một lối thoát: theo Ngọ. Tuấn không có quyền chọn lựa. Tuấn không còn gì để chọn lựa. Tuấn nghĩ: "Định mệnh đã buộc ta vào với Ngọ. Muốn nuôi được má và thằng Hùng, nhỏ Thoa ăn học, chỉ còn cách: theo Ngọ. "Cũng liều nhắm mắt đưa chân...", hình như có người nào đó đã viết như thế về tâm trạng của một cô gái phải bán mình". Tuấn ham đọc sách văn học lắm, từ ngày còn đi học cơ, chứ bấy lâu nay lo kiếm sống, Tuấn đâu có đọc được gì. Phải chăng em cũng "liều nhắm mắt đưa chân" hả Diệp? Vì sao trên cõi đời này con người ta lại không thương yêu nhau mà lại bội bạc với nhau như má của em đối với chồng con? Vì sao trên cõi đời này người ta lại phải cách trở, phải nhớ nhau trong tuyệt vọng như anh và em? Không lẽ chỉ vì tiền?
Thằng Ngọ búng tay đánh tách một cái, cô tiếp viên ỏn ẻn chạy đến, cúi thật sát vào Ngọ:
- Anh kêu thêm chi anh?
- Đủ rồi. Tính tiền đi cưng.
Ngọ rút ra một xấp bạc mới cứng đưa cho cô gái, mắt nó dâm đãng nhìn vào mắt cô ta:
- Khỏi thối nghe cưng.
- Anh Hai chơi... điệu quá xá. Cám ơn anh Hai nghe!
- Có chi đâu.
- Khi nào cần... anh Hai kêu em nghe! - Cô ta hạ giọng.
Có lẽ điều thằng Ngọ nói là đúng. Tuấn không hiểu ở tất cả các nhà hàng, các cô tiếp viên có kiểu tiếp khách như vầy không. "Khi nào cần... anh Hai kêu em nghe!". Cần gì? Sao lại chào hàng một cách trắng trợn đến thế? Tuấn nhìn theo người con gái đang tưng tẩy cố tình đánh mông, lắc ngực để khêu gợi. Ngọ nắm tay Tuấn kéo đi, ghé sát vào tai:
- Nóng máy rồi hả? Đi theo tao!
Thằng Ngọ đã chủ tâm từ trước. Nó sẽ dẫn Tuấn vô xóm nghèo trước. Coi thái độ Tuấn thế nào, nếu Tuấn đam mê, nó sẽ dẫn đến "động xịn" của nó.
Đó là một khu phố nghèo, nằm phía bên tay trái của đường Lê Hồng Phong. Hơn chục năm về trước, đây còn là vùng đất hoang, bãi rác. Sau đó, thương phế binh đến và dựng "nhà", chốt luôn tại khu vực bến xe này. Ngoại trừ một số nhà ngoài mặt tiền đường Lê Hồng Phong có nghề sản xuất hoặc buôn bán, còn lại đa số gia đình trong những con hẻm nhỏ là ổ chứa gái mại dâm. Mỗi nhà chứa tối thiểu hai cô, có nhà tới tám mười cô thường trực. Đó là chưa kể các cô đứng đường lâu lâu dẫn khách đi dù. Phần lớn số gái mại dâm ở xóm này là gái mang bệnh, bị các chủ "động" sang, thải hồi. Tại đây, giá chơi được coi là rẻ mạt. Bởi thế, chủ chứa hầu như không cần đầu tư một chút xíu gì cho phương tiện "kinh doanh". Thường, chỉ là một manh chiếu trải trên sàn gỗ của gác xép, gác lửng. Giữa các manh chiếu là những tấm các tông hoặc ri đô bẩn thỉu ngăn cách. Không hề có một chút gì để bảo đảm vệ sinh tối thiểu. Khi Ngọ dẫn Tuấn leo lên một gác xép như thế, Tuấn suýt nữa thì nôn thốc nôn tháo ra tất cả những gì vừa ăn ở nhà hàng. Thằng Ngọ đang cười cợt, đùa giỡn với con bé mà nó kêu bằng Liễu xệ. Có lẽ đó là con bé khá nhất ở nơi này. Tuấn ngồi im, hai tay bó gối, mắt đờ ra nhìn cô gái đã cởi bỏ hết áo quần nằm tô hô cạnh Tuấn. Chờ mãi không thấy khách vào cuộc, cô gái cầm tay Tuấn lắc lắc:
- Yêu em đi!
-...
- Nào... Để em khởi động cho.
-...
- Bị liệt dương à?
-...
Thấy Tuấn vẫn yên lặng, gạt tay không để cho mình rờ rẫm, cô gái liền đổi thái độ, đổi giọng:
- Này, nói cho biết, đằng nào cũng phải trả tiền nghe không! Nếu anh không trả là không xong với tôi đâu!
Có tiếng của Ngọ vang lên:
- Yên chí đi cô em. Qua sẽ trả tiền sòng phẳng mà!
- Chả không chơi mà anh dắt tới đây làm gì? - Vừa mặc quần áo vào, cô gái vừa hỏi lại như gắt.
- Thôi, được rồi mà. Qua sẽ trả tiền. Chơi hay không là quyền của bạn anh chớ. Em qua đây đi nào!
Thằng Ngọ ra hiệu cho cô gái vén tấm vải bẩn thỉu ngăn cách hai manh chiếu lên rồi... nằm xuống. Nó cố ý muốn cho Tuấn nhìn cảnh nó ngủ với hai cô gái. Tuấn không muốn nhìn tiếp nữa. Tuấn xuống nhà dưới. Cái cầu thang lâu ngày quá bị sập dưới chân Tuấn. May mà Tuấn không té nhào xuống vì nhanh tay túm được thanh vịn ở trên. Mấy cô gái ở dưới nhà nhốn nháo. Chúng nó túa ra vây chặt Tuấn. Mỗi đứa một câu độc địa:
- Trông bảnh ra phết mà đần.
- Thằng này liệt rồi bay ơi.
- Ông anh ăn phải thứ gì mà chê gái hả?
- Sao không sập thang chết mất đất cho rồi!
Tuấn thấy nghẹn đắng nơi cuống họng. Anh cúi đầu đi như chạy ra ngoài đường chờ Ngọ.
Mười lăm phút sau Ngọ mới ra. Nó chẳng nói chẳng rằng, qua bên kia đường lấy xe rồi đạp cho máy nổ. Lúc lên xe rồi, nó mới mở miệng:
- Mày ghê sợ phải không?
Tuấn không trả lời.
- Tao biết. Mày ghê là phải. Tởm lắm!
Thằng Ngọ vẫn rủ rỉ. Tiếng của nó vừa đủ cho Tuấn nghe. Chiếc xe Honda 67 lao như lướt trên mặt đường Lý Thái Tổ, quẹo vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi thẳng tuốt vô trung tâm Chợ Lớn.
- Mày chưa chung chạ với đám này, mày ghê tởm và khinh bỉ chúng nó. Còn tao, tao đã từng ngủ cả đêm với bầy gái cỡ đó! Chúng nó chỉ cần tiền. Mỗi lần tiếp khách, giá mười đồng, chúng chỉ được chủ thí cho ba đồng. Một ngày, thân thể tàn tạ ấy lại kiếm được bao nhiêu. Chúng nó cần tiền. Một đồng bạc chúng cũng sẵn sàng ngửa hênh ra. Ở đó, chỉ có một thứ có quyền uy tối thượng. Ấy là đồng tiền. Thằng đàn ông nào có tiền, vô đó, có thể làm "vua". Hắn có thể sai khiến mỗi con gái điếm mút một ngón chân của hắn. Bây giờ, tao sẽ cho mày biết thế nào là loại điếm "cao cấp", điếm "quý tộc". Sắp tới rồi. Ngon lành nghe. Hôm nay, phải, chỉ hôm nay thôi, mày sẽ hiểu hết giới gái mại dâm Sài Gòn.
Ngọ cho xe dừng lại trước một rạp hát lớn. Nó chưa xuống xe đã có một thằng nhóc ra mời chào:
- Anh Hai đưa xe em cất giùm.
Thằng Ngọ ừ một tiếng rồi giao xe cho thằng nhỏ, giống như nó vừa quăng một đầu mẩu thuốc lá vậy. Tuấn ngạc nhiên:
- Mày cho tao vô coi hát à?
- Ồ, không! Coi thứ này mê ly hơn nhiều.
Rạp hát nằm liền vách với một tòa nhà ba lầu. Ngọ dắt Tuấn leo lên lầu ba. Đó là một căn hộ có ba phòng, không kể nhà bếp. Phòng ngoài là phòng khách, rất sang trọng. Hai phòng trong, phòng nào cũng có tivi, tủ lạnh, cassette, giường nệm, xa lông và toa lét riêng.
Chủ nhà, một người đàn bà đã ngoài tứ tuần nhưng trang điểm rất khéo, thân thể hơ hớ rực lửa, ra tiếp khách:
- Mời hai anh ngồi nghỉ! Các em đâu, có khách tới nè. Mở máy lạnh lên nào!
Quay lại Ngọ, chủ nhà đon đả:
- Lâu rồi mới thấy anh Hai lại chơi! Bọn em nhớ anh Hai ghê.
Tuấn suýt bật cười vì mụ ta xưng hô "anh em" ngọt xớt với Ngọ.
- Lo làm ăn mà em! - Ngọ đáp - Hôm nay có bạn anh tới, o bế ngon lành nghe, cô Ba!
- Dạ, nay chỉ có ba em thôi. Tùy hai anh...
Ý mụ chủ nói tùy hai anh chọn lựa. Nhưng hai từ "chọn lựa" mụ nói bằng mắt với Ngọ. Mụ nhìn xoáy vào Tuấn như muốn nói: "Nào, cậu em, hãy mạnh bạo lên mà tận hưởng chớ". Tuấn quan sát căn phòng khách được bày biện toàn đồ đắt tiền, những bức tranh sơn dầu, những đồ uống ngoại quốc chất đầy tủ ly, và tấm thảm len sạch bóng dưới chân Tuấn. Máy điện thoại đặt ở cái đôn bên cạnh ghế chủ nhân ngồi. Ngay cả bộ xa lông cũng là loại nhập cảng. Người vẽ kiểu xa lông cố ý để cho người ngồi ghế trong tình trạng hết sức thoải mái, những phần cơ thể tế nhị nhất lại phô cả ra. Tuấn nhìn nữ chủ nhân. Bà ta mặc chiếc rốp bằng vải đắt tiền, nền in bông rất nhã. Khi bà ta ngồi ghế xa lông, phần ngực và đùi ưỡn cả ra phía khách.
Cô Ba - nữ chủ nhân - rút ngăn kéo bàn xa lông lấy hai tấm ảnh chụp hai cô gái "nghèo", trên người chỉ có duy nhất một mẩu vải:
- Hai em Tuyết và Mai đó, tùy hai anh!
Ngọ đưa hai tấm ảnh cho Tuấn. Tuấn suýt la lên. Một người giống y hệt Ngọc Diệp. Nhưng không phải. Đôi mắt Ngọc Diệp không phải mắt một mí như cô gái này. Trong lòng Tuấn nhói lên nỗi đau: "Giờ này, Diệp ở đâu, em ơi? Em rơi vào một ổ điếm ghê tởm như xóm Vườn Lài, hay là em vào một "động" quí phái như nơi anh đang ngồi đây?". Có lẽ tình cảm đặc biệt của Tuấn khi nghĩ về Diệp đã hiện rõ trên mặt Tuấn, điều đó khiến Ngọ hiểu lầm. Ngọ cho là Tuấn đã mê tít cô gái mắt một mí. Nó nói như ra lệnh:
- Rồi, cô Ba mời anh bạn của anh vô phòng em Tuyết.
- Dạ. Xin mời! Tuyết em! Rước phu quân của em vô nào!
Tuấn ngước lên nhìn Tuyết. Cô gái cúi xuống, sát kề đến nỗi đầu vú cô một chút nữa là cọ vào mặt Tuấn. Tuấn đứng dậy, như người máy bước vô phòng trong. Sau khi Tuyết đóng cửa phòng, chủ nhân ôm lấy Ngọ. Vẫn giọng ra lệnh, Ngọ phán:
- Anh chơi "nhất dạ đế vương" để bao bạn. Cô Ba chú ý giùm nghe. Cần phải làm cho anh bạn của anh nhập cuộc.
- Dạ, thưa quân vương! Tiện thiếp xin sẵn lòng!
Nữ chủ nhân quỳ xuống ôm chặt lấy đầu Ngọ áp vào bộ ngực đồ sộ của mình, rồi gọi:
- Mai em! Ra đây mời quân vương ngự ngai vàng!
Cô Ba bước ra ngoài hành lang, bê chậu kiểng từ trên bờ tường của hành lang để xuống đất. Đó là tín hiệu không tiếp khách suốt đêm mà đệ tử của cô Ba từ dưới đường có trách nhiệm thông báo lại cho khách đến sau.
*
* *
Tuấn đạp xe phom phom trên đường. Đây là chiếc xích lô mới toanh mà thằng Ngọ dẫn Tuấn đi mua. Sau lần cho Tuấn chơi "nhất dạ đế vương", thấy Tuấn cứ băn khoăn mãi về chuyện tiền bạc, Ngọ nói:
- Tao cho mày mượn. Làm ăn khá sẽ trả tao, kẹt thì thôi. Với tao, hai ba chỉ có nhằm nhò gì. Tao mong giúp mày.
- Mày không đặt điều kiện gì thật sao?
- Không!
- Tao cám ơn mày. Tao nhớ ơn mày suốt đời.
Và cuộc đời lại tươi đẹp trong mắt Tuấn. Có tiền trang trải xong nợ nần, có chút tiền kiếm được hàng ngày, gia đình Tuấn đã có cơm ăn no. Tuấn lại lo đi tìm Diệp. Mỗi đêm, sau khi tìm Diệp đến khuya mà không thấy, Tuấn buồn bã đạp xe về, không sao ngủ được. Những đêm sau đó, Tuấn biết tìm cách nguôi ngoai cõi lòng: Kiếm một cô gái có vẻ trẻ và sạch sẽ nhất trong tụ điểm gái chơi Tao Đàn, chở trên xe xích lô, tấp vào một xó kín nào đó... Với kiểu cách ấy, Tuấn về đến nhà mệt rã rời, nằm xuống là ngủ thiếp đi luôn cho đến bảy giờ sáng hôm sau.
Đời một phu xích lô không bao giờ có tiền để dành. Tuấn vất vả lắm mới kiếm đủ tiền nuôi má và hai em. Rồi má Tuấn chết. Ngọ lại đến đúng lúc. Nó bỏ tiền ra cho Tuấn lo tang lễ. Tuấn không ngờ thằng Ngọ chí cốt với Tuấn đến vậy. Người mẹ mù lòa đáng thương của Tuấn được mồ yên mả đẹp. Tuấn mang ơn Ngọ suốt đời.
Tuấn đã hứa với má trước khi bà nhắm mắt lìa đời là sẽ nuôi hai em ăn học thành người. Bà mẹ nghe con trai nói câu đó rồi trút hơi thở tàn. Thằng Hùng, cái Thoa rất ngoan và siêng học. Trong con hẻm này, ai cũng tấm tắc khen hai anh em nó. Chúng nó không bao giờ chửi thề. Chúng nó đến trường hàng ngày, không bao giờ chơi bài bạc, không hề ăn cắp vặt. Đó là những điểm khác hẳn với trẻ con trong hẻm.
Má Tuấn chết được một tuần, Ngọ mua gà, rượu và trái cây về cho Tuấn cúng tuần. Đêm ấy, hai đứa uống nhiều. Lúc Ngọ ra về, Tuấn nắm tay Ngọ:
- Ngọ ơi, tôi... biết lấy gì đền ơn Ngọ?
- Có chi, có chi. Thôi, ngủ đi cho khỏe, mai chạy xe. Độ này tao thấy mày xuống sức quá. Tao thương mày, Tuấn à.
- Tại tôi mất ngủ vì thương má. - Tuấn rơm rớm nước mắt.
- Tao biết. Ngày ba má tao chết trận, tao còn bé, chả biết gì. Dù sao, má mày chết đi... đỡ cực cho... bà ấy. - Ngọ toan nói đỡ "cực cho mày" nhưng kịp sửa lại - Mày có nhớ con bé mắt một mí đó không?
Tuấn cười, gật đầu, lấy tay lau nước mắt.
- Sáng mai, đến thăm các em cho khuây khỏa nghe. Cứ sầu thảm mãi như vầy, còn làm ăn gì được!
Chín giờ sáng, Ngọ đến nhà Tuấn. Nó đi bộ.
- Xe Honda đâu? - Tuấn ngạc nhiên hỏi.
- Lâu lâu, mày chở tao coi!
- Ồ! Còn gì bằng. Mày sẽ thấy tao chạy xe tuyệt vời.
Tuấn chạy xe quả là tuyệt vời. Qua cầu Thị Nghè, Tuấn co người đạp. Xe xích lô của Tuấn vượt qua tất cả các loại xe, trừ xe hơi. "Nếu không có cảnh sát, tao qua mặt cả xe hơi". Tuấn thấy hứng. Nó tự hào khoe với Ngọ. Nó cảm thấy hãnh diện được phục vụ Ngọ, người mà nó hàm ơn.
Hai đứa chơi trò "nhất nhật đế vương". Hôm nay không phải chỉ ba em mà tới sáu em phục vụ. Tắm hơi, xoa bóp, làm tình, ăn uống, đùa giỡn, coi bói, coi phim con heo, lại xoa bóp, lại ăn uống, lại vừa làm tình vừa coi phim con heo. Tuấn cảm thấy cuộc đời có lý quá. Tội gì mà suy tư. Cứ mặc sức tận hưởng. Cao hứng, nó còn đọc thơ Lý Bạch, bài "Tương Tiến Tửu":
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!
Nó đọc thơ bằng âm Hán-Việt, rồi dịch nghĩa một cách sành sỏi khiến các em phục nó, tán tụng nó là "thi sĩ trứ danh". Khi Tuấn vừa giảng giải xong hai câu thơ trên: "Đời người khi đắc ý nên tận hưởng niềm vui. Đừng để chén vàng cạn trơ dưới ánh trăng", thì các em reo lên, chúc rượu Tuấn. Em Tuyết cầm lon bia Heineken rót vào vai Tuấn cho chảy tràn xuống ngực, và cô gái mắt một mí ấy uống bia trên ngực Tuấn. Đúng lúc ấy, chuông điện thoại réo. Nữ chủ nhân giơ tay ra hiệu cho tất cả im lặng.
- Hello! Xin lỗi, ai đầu dây đó ạ?
-...
- A! Anh Năm! Good morning Mr Năm. How are you?(1)
Tuấn thấy mụ ta phát âm tiếng Anh khá hay. Bên kia đầu dây nói gì đó, mụ cười ré lên, đáp lại:
- I'm fine, thanks.(2)
-...
- Sao? Ngay bây giờ à? Mấy người? Ba người à? Nhân vật rất quan trọng à? Ông lớn à? Rất tiếc! Em không tiếp khách hôm nay. Hẹn đến tối được không? Dạ. Dạ. Em chờ anh Năm mà! Không tiện đi ban đêm? Dạ. Sáng mai vậy. Dạ. Em chờ mà cưng. Dạ. See you tomorrow morning. Good-bye.(3)
Mụ buông ống nghe, thở dài nói với Ngọ và Tuấn:
- Lại phải tiếp mấy thằng cha chuyên đi chùa(4) không hà. Không tiếp là bị "hốt ổ" ngay! Mấy em chuẩn bị nghen. Sáng mai, anh Năm đưa khách bự tới đó! Phải chiều khách hết ga nghen.
Tuyết lên tiếng:
- Cái gì bự hả cô Ba? Em sợ nhất là mấy lão bụng bự thôi. Nó đè em nghẹt thở mà chẳng làm nên trò gì. Mấy lão bụng bự đáng đem bắn bỏ!
- Không phải bụng bự mà là "ghế" bự, hiểu chưa? Làm trái ý mấy ông lớn là rũ tù cả đám nghe không?
- Dạ nghe ạ. Cái gì bự cũng ô kê, trừ cái bụng!
Cả bọn phá lên cười. Tuyết lao vào Tuấn, lôi Tuấn vô phòng riêng.
Năm giờ chiều, hai đứa rời "động" Cô Ba. Ngọ hỏi Tuấn:
- Mày có đói không?
- Có.
- Đi ăn nghe?
- Đừng vô nhà hàng, mắc mà không ngon.
- Ừ. Mày thích ăn gì?
- Vô tiệm lẩu dê.
- Số dách. Mày giống tao y chang.
Hai đứa ăn uống no say. Ngọ bảo Tuấn bằng cái giọng tự nhiên như nói một câu chuyện bình thường:
- Mày về nhà ngủ. Ngủ cho ngon. Đúng ba giờ sáng, dậy đạp xích lô đến đón tao tại... - Nó ghé sát tai Tuấn nói địa chỉ - Mày biết nơi đó chớ?
- Chỗ đó là nhà ai?
- Nhà bồ của tao!
- Sao phải đón sớm vậy?
- Giờ đó mày đi là giờ người ta chạy xe ba bánh đi Chợ Lớn rồi, không sớm đâu. Cố gắng đến địa chỉ vào ba giờ hai mươi nghe.
- Được. Tao đúng hẹn mà.
- Ô kê. Mày dông đi.
Công việc đầu tiên mà Ngọ nhờ, cái hẹn đầu tiên mà Ngọ hẹn, Tuấn chỉ lo ngủ quên. Tuấn vặn đồng hồ lúc hai giờ ba mươi đổ chuông. Cẩn thận hơn, Tuấn dặn các em, nếu thấy chuông đổ thì kêu dậy.
Đặt lưng xuống giường, Tuấn ngủ say như chết. Tuấn ngủ mà không hề mộng mị. Tuấn không mơ thấy Diệp nữa. Khi chuông đồng hồ reo, Tuấn nghe mang máng bên tai nhưng không tài nào mở mắt nổi. Sức lực bỏ ra chạy xích lô suốt ngày quả là không thấm gì so với sức lực trút vào các em ở "động" Cô Ba. Tuấn mệt rã nhưng cũng đầy thỏa mãn. Nó tự hào vì đã được thỏa sức tận hưởng. Hồi chuông đồng hồ hết giây, im lặng trở lại. Chợt Tuấn giật mình vì tiếng lịch kịch bên nhà ông Tư hàng xóm. Bà Tư bán xôi ở chợ Thị Nghè. Sáng nào, bà cũng dậy rất sớm, dậy đúng vào lúc ba giờ mười lăm để nấu xôi. Tuấn vùng dậy. Chết rồi! Trễ hẹn thì còn mặt mũi nào nhìn Ngọ nữa. Tuấn đạp xe như điên trên đường. Nhờ tốc độ cực lớn, nó đến địa chỉ chậm có năm phút. Có hai bóng đen ở gốc cây me xuất hiện. Ngọ vẫy tay gọi Tuấn. Xe đến, hai người lên xe. Ngọ bảo đây là bạn nó, bị bệnh, nó cần đưa bạn đến ông thầy lang ở Biên Hòa bằng chuyến tàu sớm. Tuấn chỉ cần chạy đến ga Hòa Hưng là được.
Tuấn không hề hay rằng, người ngồi trên xe, đội nón, quấn khăn kín đầu kia chính là Nhân đại bàng. Nhân và Ngọ vừa thực hiện một quả đầy khó khăn. Không hiểu thuốc mê dởm hay sao mà khi Ngọ đang mở khóa, Nhân đại bàng đang làm thịt cô con gái thì bố cô ta tỉnh dậy. Ông ta cầm cây gậy có sẵn ở đầu giường phang vào đầu Nhân. May mà vì sức yếu, cú đánh thượng của ông già không nhằm nhò gì. Cũng rất may là ông già không kêu la mà chỉ hành động. Ngọ nhào tới. Nó bóp cổ cho ông già há miệng ra rồi nhét khăn vào. Sau đó, nó ấn cả hũ thuốc mê cho ông già thiếp đi. Toàn bộ số tiền hai bố con ông già vừa bán thùng đồ mới nhận, bị Ngọ và Nhân vét sạch. Hai đứa xóa dấu vết. Chờ mãi không thấy Tuấn, Nhân đang hằm hè chửi Ngọ thì Tuấn đến.
Tuấn đưa Ngọ và người bệnh đến ga Hòa Hưng.
Ngọ bảo Tuấn:
- Đi liền đi.
- Để tôi phụ anh đưa ảnh lên tàu.
- Tao biểu đi liền đi! - Ngọ quát.
Ga Hòa Hưng là nơi thuận lợi nhất đối với Nhân và Ngọ. Từ đây, chúng có thể tẩu tán rất nhanh theo con đường nhỏ dần về khu Cống Bà Sếp, hoặc leo tàu đi đến bất cứ nơi nào chúng cần xuống. Ở Cống Bà Sếp, Nhân có một người mẹ già. Hai đứa chia tiền rồi chia tay. Nhân bảo Ngọ nhớ cho Tuấn tiền.
- Dạ. Đại ca khỏi lo!
- Lâu lâu, hãy cho nó nhập cuộc để nó quen dần...
- Dạ.
Tuấn còng lưng đạp xe suốt ngày hôm đó được mười lăm đồng bạc. Về tới nhà, hai đứa em đang chờ Tuấn. Chỉ có một nồi cơm, chưa có thức ăn. Tuấn đưa tiền cho Thoa chạy ra chợ mua rau về nấu canh chua với tôm khô. Ba anh em ăn cơm, trò chuyện vui vẻ. Thằng Hùng khoe nó được cấp giấy khen. Cái Thoa kể với hai anh chuyện nó được thầy hiệu trưởng khen ngợi trước toàn trường trong lễ chào cờ đầu tuần. Ngọ đến. Nó đưa cho Tuấn một ngàn đồng.
- Tiền gì đây? Anh cho tôi vay hoài sao?
- Không. Của anh bạn gửi cho đó.
- Anh bạn sáng nay à?
Ngọ gật đầu.
- Ảnh đang bệnh mà! Sao anh còn nhận?
- Nghe tao kể về gia cảnh mày, ảnh thương, ảnh gửi cho.
Tuấn cầm tiền, cúi đầu, cảm động không nói nên lời. Ngọ nhỏ nhẹ:
- Tao đã biểu mày từ lâu, vô hội ăn chơi của tao là yên chí lớn. Mày sẽ thấy mọi người đối xử rất sòng phẳng và nghĩa khí. Thôi, tao về nghe. Mày lo may sắm quần áo cho cả ba anh em. Mày ăn mặc lùi xùi quá. Mai mốt, tao còn dẫn mày đi tiêu khiển ở "động" đặc biệt, mang lại hứng thú gấp ngàn lần những thứ mày đã biết. Đến đó rồi, mày sẽ muốn tới đó suốt đời...
*
* *
Điều Ngọ hứa với Tuấn chính là ma túy.
Vào những năm trận mạc ác liệt nhất tại Việt Nam, đội quân viễn chinh Mỹ thực thi sứ mệnh "bảo vệ tự do" tại xứ sở nhiệt đới này đã thực sự là nguồn quảng bá và tiêu thụ xì ke rất lớn. Cùng với bom đạn, chất độc hóa học, việc quảng bá xì ke, lối sống hưởng lạc, người Mỹ quả là đã làm được một kỳ tích: hủy hoại nền tảng đạo lý của dân bản xứ, đặc biệt là giới trẻ.
Có một người, vào thời kỳ ấy, nhìn thấy Đức Mẹ hiển hiện... Người ta liền cho xây ở nơi Đức Mẹ giáng trần một nhà thờ lớn, mang tên "Fatima", và kế đó là nhiều tòa nhà đồ sộ dùng làm trường học của giáo xứ - gần ga Bình Triệu, Thủ Đức. Dân mộ đạo trong miền nườm nượp về đây để cầu nguyện và cúng quả. Trên con đường từ quốc lộ dẫn vào nhà Chúa, người ta cho dựng ở giữa tim đường liên tiếp những bức tượng miêu tả cảnh Chúa Giêsu khổ nạn, vác cây thánh giá lên ngọn đồi chịu hành hình. Giáo xứ Fatima có lẽ đã động lòng Chúa ở trên cao, cho nên... hòa bình đã được vãn hồi. Sau năm 1975, một phần cơ sở giáo hội Fatima, tức là trường đào tạo các tu sĩ, đã được Nhà nước sử dụng vào mục đích y tế.
Ngày 23 tháng mười một năm 1975, một trung tâm chữa trị bệnh ghiền ma túy mang tên "Trường Phục hồi nhân phẩm" được thành lập. Dân ghiền Sài Gòn không chịu nổi cái danh "Trường Phục hồi nhân phẩm". Họ căm thù cái tên ấy và những nhân viên của nó. Họ gọi vắn tắt bằng "bọn Fatima". Họ xa lánh "bọn Fatima" như xa lánh quỷ sứ. Họ liên kết với nhau để khủng bố nhân viên Fatima khi có điều kiện. Họ bố trí "trinh sát" thường trực ở Sở Công an, Sở Thương binh - Xã hội và đặc biệt là ở trung tâm cai xì ke Fatima để thông tin cấp kì về những biện pháp, những chiến dịch "gom quét" dân ghiền, đĩ điếm.
Ở Fatima luôn luôn có một ngàn dân ghiền được chữa trị. Lớp cũ chưa ra, lớp mới đã vô. Có lúc, tại Fatima, con số "học viên" lên tới một ngàn năm trăm người.
Đứng đầu ban giám đốc Fatima là một người tầm vóc nhỏ bé, đã gần năm mươi tuổi: ông Quang.
Ông Quang làm việc trong một căn phòng rộng chưa đầy chín mét vuông, chỉ vừa đủ kê một bộ xa lông, một chiếc bàn làm việc giống y hệt cái bàn nhỏ của học trò. Tất cả đồng nghiệp của ông đều làm việc trong những ô vuông rất nhỏ. Toàn bộ diện tích được nhường cho việc chữa trị, ăn ở, vui chơi, lao động của học viên. Ở đây có mấy từ bị cấm ngặt: không được gọi "dân ghiền", gọi "con nọ", "thằng kia". Chỉ được gọi "anh, chị, em học viên" mà thôi. Nhân viên Fatima nào lỡ lời nói nặng với học viên sẽ bị kỷ luật.
Ông Quang và các đồng nghiệp của ông ăn cơm cùng bếp tập thể với học viên, cùng chén đũa, bàn ghế tại nhà ăn tập thể. Thức ăn, đồ uống y hệt của học viên.
Thành phố Sài Gòn đang lâm nạn đói. Bữa ăn tại Fatima vô cùng kham khổ. Ông Quang se lòng, không nuốt nổi chén cơm độn hai phần ba hạt bo bo, khi nhìn thấy các em học viên của ông bỏ ăn vì không ai ăn nổi. Những thân hình tiều tụy, răng long tóc rụng, lở ghẻ cùng mình, môi thâm, vai so lại, chân tay run rẩy, mang theo đủ thứ bệnh lậu, phổi, thận, gan, mục xương, nhiễm trùng máu, v.v. đang lặng lẽ đi qua trước mặt ông. Ông Quang cảm thấy mình có tội.
Ở gốc cây điệp, một học viên ôm đàn ghi ta hát bài ca anh tự sáng tác. Anh vốn là một nhạc sĩ:
Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm
Nụ cười ta đánh rơi mất khi còn thơ
Từng niềm tin vỡ tan, bước xa mộng mơ...
Lời ca thật não nùng, oán than... Ông Quang buông đũa đứng dậy. Ông Tình - phó giám đốc - hỏi:
- Anh không ăn được sao?
- Ông ăn đi, tôi thấy mệt quá.
Ông Quang ra ngoài. Trưa nắng chói chang. Ở dọc lối đi của vườn hoa, hàng trăm học viên đang ngồi. Họ cởi trần. Người nào cũng mang trên ngực, trên lưng, trên cánh tay những dấu chàm: "Hận kẻ bạc tình", "Cô đơn", "Đàn bà là rắn độc", "Lỗi đạo làm con", "Xa quê nhớ mẹ hiền", "Khi ta chết, ai xây mồ?", "Hận đời đen bạc", "Sanh nhầm thế kỷ", hình vẽ trái tim bị dao găm đâm thủng tóe máu... Mấy năm qua, ông Quang đã thấy hàng ngàn lần những dòng chữ, hình vẽ ấy trên thân thể tiều tụy của học viên. Đến mức, ông chỉ cần nhìn thoáng là biết dấu chàm ấy mang nghĩa gì. Những người này đang thiếu một thứ, theo ông Quang, không phải chỉ thiếu thuốc. Họ đang thiếu tình thương. Chính những dấu chàm khắc trên ngực, trên lưng, trên cánh tay của họ đã biểu hiện một điều: Họ thiếu tình thương. Ông rất đồng ý với bà Tư giám đốc Sở khi bà nói rằng: "Phải đối xử với học viên như người mẹ đối với con; như người chị, người anh đối với em...". Vậy, liệu có nên chăng cứ duy trì lực lượng cảnh sát canh gác quanh trường như hiện nay? Đây là trường học trở lại làm người, chứ đâu phải nhà tù? Những biện pháp vũ trang bảo vệ đâu có mấy tác dụng. Học viên vẫn tìm cách trốn trường. Vẫn có chuyện đánh lộn, nhảy lầu tự vẫn. Vẫn có băng đưa thuốc vào buôn bán trong trường. Vậy để cảnh sát canh gác làm chi?
Cai ma túy hữu hiệu nhất là phương pháp tự mình. Vậy cai quản cái trường này không gì hơn là để chính học viên tự quản. Không tin làm sao thương? Nói thương các em nhưng lại không tin, nhốt như nhốt tù, ai mà chịu?
Rồi còn chuyện ăn uống. Cực khổ quá. Phải cải thiện bữa ăn. Bằng cách nào? Ngân sách thành phố cấp ít quá, chưa đủ mua gạo, mua chất đốt. Giá chợ tăng với tốc độ vũ trụ... Để các em đói rách như vầy, làm sao mà phục hồi nhân phẩm được? Chính các em học viên đã nhiều lần đề xuất việc này.
A, thôi trúng rồi! Để các em tự quản! Tại sao không cho các em quyền được lao động, làm ra tiền của để sống? Lao động và hiệu quả của nó sẽ giúp các em giành lại niềm ham sống, niềm tin yêu...
Chiều hôm đó, ông Quang trao đổi với ông Tình, với các đồng sự của ông. Ông điện thoại cho giám đốc Sở.
- Chị Tư à, tôi muốn đề xuất với chị hai việc. Không biết có nên nói qua telephone không?
- Chuyện về mấy em, mấy cháu thì cứ nói. Tôi chắc là chú không nói gì ngoài chuyện đó.
- Thưa chị, đúng vậy! Tôi đề nghị cho phép nhà trường thực hiện chế độ tự quản, chuyển đơn vị cảnh sát đi nơi khác...
Thấy ông Quang ngừng lại như để thăm dò phản ứng của mình, bà Tư giục:
- Chú nói tiếp đi.
- Mấy năm nay, các em học viên phản ứng rất nhiều về chuyện cảnh sát giám sát các em như cai ngục với tội nhân...
- Rồi. Tôi hiểu. Còn đề xuất thứ hai là gì?
- Tôi muốn liên hệ với công ty lương thực của chị Ba nhận gạo về gia công bánh tráng, bún. Cũng tương tự, tôi sẽ ký một số hợp đồng sản xuất gia công may mặc, đồ gỗ và nhạc cụ... Tay nghề các em ở đây phong phú lắm. Cốt sao các em được lao động, trực tiếp làm ra của cải... Một công đôi việc, vừa giáo dục các em, vừa để các em tự cải thiện đời sống...
- Ăn uống cực khổ quá, tôi hiểu. Tôi đồng ý với chú về cả hai đề nghị. Ngày mai, chú sẽ nhận được văn bản chính thức của Sở chấp thuận hai đề xuất đó. Vấn đề là... nếu xảy ra sự cố? Chú đã tính đến chuyện đó chưa?
- Dạ rồi.
- Có chủ quan không?
- Thưa chị, tôi tin các em. Ngay cả các em mới vào hung dữ nhất, cũng chỉ là những nạn nhân. Chúng chỉ là nạn nhân... Chị biết đó. Tôi coi các em như em, như cháu, như... con của mình.
Giọng ông Quang lộ rõ xúc động. Bà Tư hiểu tâm trạng của đồng chí mình. Bà ân cần:
- Thôi nhé. Sáng mai, tôi sẽ xuống trường. Chị em ta sẽ bàn bạc cụ thể phương cách thực hiện. Chú đã trao đổi với các đồng chí trong ban giám đốc chưa?
- Dạ rồi, ai cũng nhất trí.
*
* *
Đêm đã khuya lắm, căn phòng nhỏ của ông Quang vẫn sáng đèn.
Lạnh.
Ông Quang co ro trong chiếc áo bờ lu bằng vải nội màu xanh biển, hai tay ông chống cằm, chân xếp bằng trên ghế. Cuốn sổ tay mở sẵn nằm trên mặt bàn, cây viết bic kẹp ở giữa. Ông đang nghĩ ngợi. Vào những lúc như thế, có ai nhìn thấy ông, hẳn sẽ rất thương ông. Hai má ông hóp lại, vầng trán hằn bao nếp nhăn, mái tóc đã bạc nhiều. Duy có đôi mắt nhân từ là vẫn sáng, ấm áp. Ngay cả lúc ông đang tư duy một mình, đôi mắt ấy vẫn chan chứa tình người, hệt như trước mặt ông không phải là căn phòng trống vỏn vẹn chín mét vuông, mà là những học viên, những người được gọi là dân ken, dân ghiền, dân bụi đời, những người bị đồng loại xa lánh, bị cha mẹ, vợ con, anh chị em oán trách, căm giận, bạn bè khinh rẻ... Ông Quang đang nghĩ về họ - những con người tự làm đồi bại nhân cách và sự sống của mình. Xót xa lắm thay! Ông Quang chưa bao giờ giận họ, khi rẻ họ. Theo ông, con người mà không thương nhau thì không bằng con vật. Con vật còn biết thương nhau nữa là...
Ngày mai, ông sẽ trình bày trước bà Tư. Ông kính trọng bà, coi bà như người chị của mình. Ông sẽ trình bày một cách chi tiết phương án tự quản và phương án sản xuất của trường. Đêm nay, ông duyệt lại lần cuối những điều đã suy nghĩ suốt thời gian qua.
Phải xây dựng một lực lượng bảo vệ, gọi là đội hay là gì? Nòng cốt của đội bảo vệ phải là những học viên tiến bộ nhất, có sức khỏe, có văn hóa. Các lớp, các tổ học viên cần được chấn chỉnh lại đội ngũ lớp trưởng, tổ trưởng. Đội văn nghệ, câu lạc bộ phải được nâng cao chất lượng. Phải có phim mới, phim hay, sách báo hấp dẫn giới trẻ. Việc giáo dục về mặt tư tưởng còn cứng nhắc, giáo điều quá, ít sức thuyết phục. Nên mời các đồng chí thường đi nước ngoài đến nói chuyện thời sự, mời các nhà văn đến nói chuyện văn thơ. Vở kịch - do ông tự sáng tác - cần được dàn dựng kỹ hơn; tốt nhất, nên mời đạo diễn chuyên nghiệp. Cần xã hội hóa đội văn nghệ của trường. Đưa đội văn nghệ ra ngoài trình diễn có tác dụng tuyên truyền ngăn ngừa tệ nạn ghiền ma túy, chống bọn buôn lậu. Phát động thành phong trào người người, nhà nhà cùng chống ma túy, cả xã hội cùng chống ma túy. Ở Mã Lai, người ta dùng hình án nặng nhất - tử hình - đối với bọn buôn bán ma túy. Ở Thái Lan, chính phủ treo giá năm triệu bạt(1) cho ai bắt được "vua thuốc phiện" Khunsa. Khunsa có đội quân mười lăm ngàn người chuyên buôn thuốc phiện. Hắn tuyên bố: "Thật vô ích, không bao giờ họ bắt được tôi, vì kẻ nào đã nắm trong tay thuốc phiện, kẻ đó sẽ có ảnh hưởng quốc tế. Chính phủ Thái Lan phải tính đến điều đó". Ở Colombia, mỗi năm có hàng trăm sĩ quan, binh lính, nhà báo bị hy sinh trong các cuộc truy quét bọn buôn lậu và các ổ ma túy. Tại Liên Xô, đã có tới cả trăm ngàn người nghiện ma túy rồi. Nước Mỹ có tới hàng chục triệu người nghiện cần sa, cocaine (cô-ca-in) và bạch phiến. Ma túy đã trở thành nạn dịch của nhân loại, thành cơn lốc cuốn hút lớp trẻ.
Tại Sài Gòn, đã xuất hiện một thế hệ ghiền mới. Đó là những người ghiền từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Đâu còn có thể đổ hết lỗi cho "tàn dư chế độ cũ" được nữa.
Cần một đội bảo vệ gồm toàn những người có năng lực, có tấm lòng. Để học viên tự quản! Đó là một phương cách thích hợp đối với một trường giáo dục lấy tình thương làm nền tảng. Nhưng ai xứng đáng làm đội trưởng? Nên để các em học viên bầu ra, hay là ban giám đốc cử ra?
Ông Quang lấy bút chì ghi vào sổ tay tên của ba học viên: Tín Tạczăng, Hùng xả láng, Ca sóc.
Hùng xả láng là người được dân ken Sài Gòn kính nể bởi có một quá khứ oanh liệt. Sinh ra trong một gia đình khá giả, Hùng được học hành đến nơi đến chốn, trở thành nhân viên thuế quan tại phi trường Tân Sơn Nhất. Với mã ngoài rất điển trai, Hùng được nhiều cô gái mê. Hùng lấy vợ sớm, theo ý cha mẹ. Vợ chồng Hùng có ba con. Hồi đó, sếp của Hùng chính là Trần Thiện Khởi, em ruột thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Nhằm phục vụ tối đa cho quân đội viễn chinh Hoa Kỳ, chính phủ Sài Gòn đã ra công văn mật số 139/BXH/VP/N ngày 27-7-1965, quyết định thiết lập các trung tâm giải trí cho quân nhân Mỹ. Ngay lập tức tại Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng... mọc lên nhan nhản các giải trí trường. Thực chất của các trung tâm giải trí là các ổ xì ke và gái mại dâm. Không có một thứ gì trên trần gian này kinh doanh có lời to bằng xì ke và gái. "Hùng xả láng" là biệt danh của giới ăn chơi đặt. Hùng được tuyển lựa vào đội quân tiếp vận ma túy cho các trung tâm giải trí nói trên. Hùng xài tiền như nước, bồ bịch cả trăm, đi Viêng Chăn, Băng Cốc, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột... như đi chợ. Hùng được giao thực hiện nhiều công vụ đặc biệt. Chính Hùng đã từng bay đến Chiềng Mai(1), rồi từ đó bí mật đến gặp tướng Đoàn Sĩ Văn tại Mesalong để đàm phán về việc chuyển thuốc phiện bằng cầu không vận trực tiếp từ Mesalong đến Tân Sơn Nhất, không cần chở qua Lào như trước nữa. Đoàn Sĩ Văn nguyên là chỉ huy đạo quân số Năm của Tưởng Giới Thạch, bị Hồng quân Trung Quốc đánh tan và bị bắt ở Vân Nam sau thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc năm 1949. Đoàn Sĩ Văn đã cùng bọn tàn binh trốn sang vùng Tam Giác Vàng, và trở thành đội quân thổ phỉ, buôn lậu khét tiếng ở vùng này. Cũng chính Hùng xả láng đã hai lần đến gặp Khunsa, trùm thuốc phiện ở vùng giáp giới Thái Lan - Miến Điện, để ký hợp đồng mua thuốc.
Các ông lớn của chính phủ Sài Gòn rất tin cậy Hùng. Đây là thời huy hoàng nhất đời Hùng xả láng. Giám đốc sân bay, giám đốc thuế quan tại Tân Sơn Nhất, đô trưởng Sài Gòn, cảnh sát trưởng, v.v. đều biết Hùng và rất vị nể Hùng. Năm 1970, vì giành giật với một đại úy phi công Mỹ một cô gái bán bar cực kỳ xinh đẹp, Hùng đã đâm chết viên đại úy Mỹ và bị xử tù chung thân. Các ông lớn đã can thiệp. Án tù rút xuống còn mười năm, nhưng Hùng bị đày ra Côn Đảo.
Hùng ra Côn Đảo một năm thì được tin mẹ chết. Cha Hùng rất buồn khổ, lâm bệnh nặng. Hùng nhớ vợ, nhớ con và rất thương cha. Trong tù, Hùng không còn héroine để chơi. Hùng nuối tiếc quãng đời oanh liệt... Đêm đêm, Hùng ao ước được tự do, được tiếp tục ăn chơi xả láng cuộc đời. Những lúc ấy, Hùng chỉ mong được bay ngay về Sài Gòn, được nhìn thấy người thân dù chỉ một phút. Hùng thương nhất đứa con gái đầu lòng; nó đẹp, giống Hùng như đúc.
Nằm ngục năm năm thì Côn Đảo được giải phóng, Hùng được Cách mạng phóng thích.
Bước chân xuống đất Sài Gòn, Hùng không về nhà vội, mà đi thẳng đến hẻm Nhạn Trắng để nằm lì tại đó chích suốt hai ngày. Chích đã đời, Hùng mới lết về nhà và mới biết tin: Vợ đã cặp bồ với người khác để di tản. Ba đứa con Hùng bơ vơ, ông già của Hùng lâm bệnh suyễn rất nặng.
Thất vọng, Hùng lại lao vào ma túy tìm quên lãng. Hùng về, không có tiền, chà đồ nhôm(1) đem bán dần. Rồi trong nhà không còn vật gì đáng giá để bán nữa. Cha Hùng khuyên giải thế nào Hùng cũng không nghe. Cái chết đến với người cha gần kề. Ông còn chiếc nhẫn cuối cùng - nhẫn cưới - đưa cho Hùng bán để mua thuốc. Hùng ra đi khi ông đang nghẹt thở. Bán được nhẫn, lẽ ra Hùng phải đi mua thuốc cho cha thì lại lao vào hẻm Nhạn Trắng. Hùng chơi ba xê đúp một lần. Sáng, Hùng chơi một cữ, nằm lì đến trưa lại chơi tiếp một cữ. Tối, Hùng chích cữ thứ ba và rơi vào giấc ngủ vùi trong vòng tay của một cô gái cũng là dân ken thứ thiệt, sau khi hai đứa làm tình với nhau. Cô gái chờ cho Hùng ngủ mê mệt, vét sạch số tiền còn lại trong túi Hùng rồi dông. Hùng tỉnh dậy, về đến nhà, cha Hùng đã tắt thở. Đờm vít chặt phế quản của cha. Hùng hiểu, chỉ cần có viên thuốc suyễn kịp thời, cha Hùng chưa chết.
Ân hận dày vò, Hùng chỉ còn biết tự giết mình bằng độc dược: ma túy. Hùng bán nhà lấy tiền chích. Ba đứa con, Hùng bắt chúng nó đi ăn xin. Mỗi ngày, cha con gặp nhau tại bùng binh Sài Gòn. Mỗi đứa con đều phải nộp tiền cho Hùng. Nhận tiền của các con, Hùng vô hẻm Nhạn Trắng "cúng" hết.
Vào một buổi chiều mưa tầm tã, đứa con gái lớn của Hùng đã mười lăm tuổi dẫn hai đứa em thất thểu chạy về gặp cha ở mái che của trạm xe buýt bùng binh Sài Gòn. Nó không có tiền đưa cho Hùng. Nó vừa bị một thằng lớn hơn trấn lột sạch. Hùng đánh con, cho là nó nói láo. Hùng co cẳng đạp con té sấp, lăn ra mặt đường. Con bé khóc rú lên thảm thiết, lồm cồm bò dậy rồi... bỏ đi luôn. Mấy ngày sau, nó gặp lại Hùng. Nó đưa cho Hùng một xấp tiền. Hùng cầm tiền lao ngay đến hẻm Nhạn Trắng. Mãi ba ngày sau đó, đứa con thứ ba mới nói cho Hùng biết:
- Chị Hai đi làm gái để lấy tiền đưa cho ba!
Hùng nhận được tin này khi đang tỉnh. Hùng gào khóc thảm thiết, giữa ban ngày, giữa trạm chờ xe buýt:
- Tôi là thằng khốn nạn! Tôi đã giết cha, đã đẩy con gái đi làm đĩ để hút chích. Trời ơi là trời! Hãy phanh thây tôi ra. Tôi là thằng khốn nạn...
Vừa gào khóc, Hùng vừa đập đầu vào cột xi măng của nhà chờ xe. Máu vọt ra từ mang tai, từ trán Hùng.
Ông Quang đang chờ xe đi Bình Triệu. Ông đã đến nâng Hùng dậy.
Hùng theo ông vào trường, coi ông Quang như cha của mình.
Sau ba năm ở trường, sau ba lần đi phép "thử thách", Hùng kiên tâm không chơi ma túy nữa. Bây giờ, các con của Hùng đã có chỗ ở, được chòm xóm cưu mang, được đi học lớp ban đêm. Hùng vẫn dành tiền gửi về nuôi con. Đứa con gái lớn đã trở thành nhân viên kế toán của nông trường Phú Văn. Ông Quang quyết định cử Hùng làm đội phó đội bảo vệ.
Ca sóc còn rất trẻ, chỉ bằng nửa tuổi Hùng. Ca được mang biệt danh "Ca sóc" vì quả là nó lẹ như con sóc; làm bất kỳ việc gì, cũng chỉ một loáng là xong. Nó đi bộ bằng các cô gái đạp xe đạp. Ca là "dân bụi thủ đô". Nó vẫn tự gọi mình như thế. Bố nó làm to lắm, chuyên xét duyệt người đi nước ngoài. Ca phát hiện ra bố nó thường nhận của hối lộ. Ai có vàng lo lót cho bố nó thì được đi. Nó bảo: "Bố phải từ bỏ việc làm đó. Sao bố dạy con hay thế, còn bố thì... tồi...". Hai bố con cãi nhau. Bố nó đuổi đánh nó. Nó đến thẳng cơ quan nói ầm lên mọi chuyện với chứng cớ hẳn hoi: bà nào, ông nào đến vào ngày giờ nào, lo lót cho bố nó bao nhiêu... Rồi nó bỏ nhà ra đi. Nó nghĩ, bố nó là đảng viên Cộng sản, chức vụ to thế mà còn ăn hối lộ, tức là ăn cắp, thì nó ăn cắp có xấu gì. Thà tự mình đi ăn cắp để sống, còn hơn phải sống bằng đồ ăn cắp của bố!
Ca lên tàu Thống Nhất và bắt đầu hành nghề. Nó rất nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân. Cú đầu tiên, vớ ngay được chiếc va li, trong đó có hai kí lô thuốc phiện. Nó rất sành thuốc phiện. Ông nội nó trước đây vẫn hút. Nó làm bồi tiêm cho ông nội. Ông nó mới chết được một năm.
Nó vô Sài Gòn dò tìm ra mối bán thuốc. Nó gặp được người đã từng bán thuốc cho ông nội. Lão ta tên là Thượng. Thượng trả tiền nó sòng phẳng. Ca gia nhập giới bụi đời Sài Gòn. Nó không để ai xí gạt bao giờ. Nó tự hào là "dân bụi thủ đô", ăn chơi sành điệu. Thấy dân ken Sài Gòn chích xì ke vào gân máu, nó cũng chích. Sợ đếch gì. "Dân bụi thủ đô" cơ mà! Có lẽ vì cái bệnh sĩ ấy mà ở Sài Gòn được hai tuần lễ, nó đã chơi xì ke đều đều rồi. Xài hết số tiền bán hai kí thuốc phiện, nó đi phi đổng, bấm vàng. Có một mình, nó sống phây phây.
Đến năm 1979, nó bị bắt trong một ổ xì ke ở quận Tư. Đây là một sự ngẫu nhiên. Không dễ gì công an khám phá ra ổ chích choác này. Chủ nhân rải bọn đàn em canh chèo(1) từ rất xa. Khi có động, chủ nhân phi tang liền. Lần đó, Ca đột nhập khách sạn Cửu Long(2), xách được cái máy ảnh của một khách nước ngoài. Công an phải sử dụng chó nghiệp vụ. Và con chó tinh khôn ấy đã dẫn công an đến thẳng quận Tư, leo lên lầu hai của căn hộ ở đường Nguyễn Tất Thành. Ca đổi cái máy ảnh cho chủ "ổ", lấy bốn cữ hai xê đúp. Nó đang nằm một xó thả hồn phiêu du trong cơn phê thì công an đến. Ca lẹ như sóc nên thoáng một cái là phóng được xuống mặt đường. Công an ở dưới đường tóm được nó. Chủ nhân khai mua máy ảnh của Ca. Ca bị bắt và bị phạt tù. Trong tù, nó lên cơn vã, bị sốt rét, bị đau gan... Người ta đem Ca đi cấp cứu, rồi đưa nó vào Fatima. Ca sóc năm nay mới hai mươi tuổi. Đó là một chàng trai thông minh. Ông Quang đánh giá về nó như thế. Ca và Hùng đã tỏ ra rất dũng cảm trong các đợt truy quét ổ chích choác. Ông Quang quyết định cử Ca sóc làm đội phó đội bảo vệ, đặc trách việc truy quét các ổ buôn bán ma túy.
Tín Tạczăng là một nhân vật đặc biệt. Nhà Tín thuộc loại nghèo, nhưng cha mẹ cố công cho hai chị em Tín ăn học. Chị ruột Tín đang học năm thứ hai Đại học Luật khoa thì lọt vào "mắt xanh" của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ đã có vợ. Chị Tín chấp nhận là "bồ nhí", hai người bí mật sống với nhau như vợ chồng. Tín thi rớt tú tài, bị bắt lính. Tín trốn lính, tự phong cho mình biệt hiệu "Tạczăng" rồi trở thành trùm băng cướp. Tín Tạczăng chuyên thi hành những vụ cướp nhà băng, những vụ tống tiền nhằm vào các nhà giàu, giới có quyền cao chức trọng của chế độ Sài Gòn. Mỗi lần trúng quả, Tín có bạc triệu. Đệ tử của Tín rất mê Tín, coi Tín như vị thánh và rất trung thành với Tín. Cảnh sát trưởng Sài Gòn treo giải thưởng lớn để bắt Tín Tạczăng. Hai lần bị bắt, cả hai lần Tín đều "biến" rất tài tình. Lần thứ ba, Tín bị vô khám Chí Hòa. Nằm khám được một tuần, đệ tử của Tín lại lo cho Tín thoát. Những vụ trấn lột tiếp tục diễn ra. Tín thường thuê loại xe hơi đắt tiền; có nhiều lần, dùng cả xe của tướng Kỳ để trấn lột. Nhân viên của các nhà băng lớn, thư ký của một số hãng buôn, hãng xuất nhập cảng đều là tai mắt của Tín. Tín thuê biệt thự và sống như hoàng đế không ngai. Lâu lâu, Tín mới ghé thăm nhà, ở với vợ con một hai đêm... Trong một cuộc bắt cóc tống tiền không thành, Tín bị bắt. Lần này, Tín phải nằm nhà lao khá lâu. Ra tù, Tín phải đăng lính. Lại trốn lính; Tín bị bắt làm lao công đào binh và bị đưa ra vùng Một chiến thuật.
Khi quân Giải phóng tiến vào Huế, Tín theo đám tàn quân của Lê Quang Trưởng chạy vào Đà Nẵng. Tại bãi biển Mỹ Khê, Tín Tạczăng bị trúng đạn, máu chảy quá nhiều. Sáu tiếng đồng hồ sau, người ta mới tìm thấy Tín, khi nước thủy triều lên và sóng biển sắp cuốn xác Tín ra khơi. Rất may là viên đạn không vào chỗ hiểm. Tín chỉ bị cắt mấy đoạn ruột và một phần bao tử. Các bác sĩ của quân Giải phóng đã cứu Tín Tạczăng.
Lành bệnh, Tín về Sài Gòn. Bệnh ghiền héroine làm cho Tín ngốn sạch tiền của trong nhà. Vợ con Tín không dám khuyên ngăn. Căn nhà bị bán... Vợ con Tín về quê ngoại. Tín lang thang kiếm sống để chích. Trong đợt truy quét đầu năm 1976, Tín bị hốt vào trường Fatima. Tín hung hăng như một con cọp. Tín căm thù tất cả nhân viên của trường. Tín vượt tường rào, bị bắt, Tín đánh lại cảnh sát, cướp được súng. Tín bấm huyệt viên cảnh sát, dùng anh ta như lá chắn, rồi cầm súng khống chế những người xung quanh để mở lối thoát ra khỏi trường. Đúng lúc đó, ông Quang xuất hiện. Ông Quang nói với Tín:
- Anh quyết tâm trở lại với ma túy, với cái chết sao? Nếu anh quyết như vậy, cứ đi đi. Không ai giữ anh ở lại đâu. Không ai ngăn cản anh đâu. Nhưng tôi, nhân danh một con người, tôi mong anh hãy ở lại. Đây là nơi giúp những người ghiền trở lại cuộc sống con người. Đây không phải nhà tù...
- Không phải nhà tù, sao có cảnh sát canh gác ngày đêm? Không phải nhà tù, sao mà đi tiểu cũng phải xin phép? Nói là tự do mà sao muốn ra ngoài không được? Các ông là bọn Việt Cộng chỉ quen nói láo, nói một đằng, làm một nẻo. Tôi thù các ông!
Ông Quang vẫn kiên nhẫn:
- Anh mới vô trường. Thực tế ở đây anh chưa hiểu hết đâu. Hãy nán lại thêm một thời gian nữa, anh Tín à. Chừng nào, anh thấy chúng tôi quả là bọn nói láo, nói một đường, làm một nẻo, lúc đó, anh ra đi cũng chưa muộn.
Nghĩ đến quá khứ của mình, một trùm băng cướp, có nhiều tiền án tiền sự, Tín Tạczăng lo sợ bị trả thù, bị vô tù trở lại... Bởi thế, Tín nhất quyết thoát ra khỏi đây:
- Không nhiều lời. Né ra cho tôi đi. Nếu không, tôi bắn chết.
Ông Quang cười, bình tĩnh tiến đến trước họng súng của Tín Tạczăng:
- Cách mạng đã cứu sống anh một lần ở bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng. Nay, Cách mạng muốn cứu anh thoát khỏi ma túy. Thiện chí là thế. Không lẽ anh lại xóa sạch ơn nghĩa đó sao?
Tín Tạczăng đứng đó, mắt mở trừng, lặng người đi. Ông Quang xòe hai bàn tay, nhìn vào mắt Tín. Tín như một đứa bé bị thôi miên, lặng lẽ và ngoan ngoãn đưa khẩu AK báng gấp cho ông Quang.
Từ ngày đó, Tín Tạczăng trở thành một con người hoàn toàn khác. Tín đi đầu, hăng hái trong lao động, rèn luyện. Tín được tập thể bầu là trưởng ban trật tự. Mỗi kỳ đi phép, bao giờ Tín cũng đưa về trường được mươi người ghiền. Đã ba lần, Tín tham gia chống bọn buôn lậu ma túy. Đích thân Tín bắt được hai tên chuyên buôn bán ma túy cỡ bự tại Sài Gòn. Ông Quang cho Tín ra trường, về nhà với vợ con; Tín xin ở lại trường làm nhân viên. Tín coi ông Quang là cha nuôi của mình...
Ông Quang lập danh sách đội bảo vệ: Số một, Trần Trung Tín (Tín Tạczăng) - đội trưởng. Số hai, Nguyễn Hùng (Hùng xả láng) - đội phó. Số ba, Phạm Văn Ca (Ca sóc) - đội phó...