Một: Rồng Xanh
Cuộc đời có quá nhiều sự quyến rũ!
Xưa nay sự quyến rũ có quyền năng vô hạn. Nó có thể làm người ta bừng sáng, thăng hoa đến tót vời, nó cũng có thể đè người ta bẹp dí, nghiền nát, hoặc nhấn xuống tận đáy của sự nhơ nhớp. Nhưng quyền năng vô hạn đó không chỉ có hai mặt, mà mặt thứ ba mới là thực tế: Có những kẻ đang bị sự quyến rũ chết người nhấn xuống tận đáy của nhơ nhớp lại cứ ngỡ mình đang thăng hoa, đang vinh quang, tuyệt vời sung sướng. Thằng Thăng cháu nội ông Nguyễn Kỳ Hòa là kẻ như thế. Nó đang sung sướng lắm! Trời ban cho nó vóc dáng cao lớn, vạm vỡ, điển trai, mắt to đuôi dài rất đa tình. Hồi nó mới mười ba tuổi, đã thèm xe Honda, ông bà nội mua cho liền! Nó cúp cua đi chơi Thủ Đức, Biên Hòa, Vũng Tàu, Đà Lạt, đi bằng xe Honda, và đua với bạn. Cuộc đua nào nó cũng về nhất. Rồi nó mê bơi lội, mê tennis. Nó kiếm được chân nhặt banh trên sân tennis Tri Âm sát sông Sài Gòn. Tại đây, nó nhanh chóng học được môn thể thao này. Nó quan sát những người chơi, nghe họ trò chuyện về những chốn ăn chơi, những cô gái đẹp ở những chốn ấy và hiểu ra rằng những người đàn ông trong nhà nó không là… cái đinh gì, bởi họ không hề biết thưởng thức cuộc đời (câu mà nó thường được nghe đại ca X.O nói)! Chú Hùng Tâm của nó xem ra cũng máu ăn chơi, thế nhưng thằng Thăng ghét Tâm, nó coi Tâm chẳng ra ký lô nào bởi cái tội chảnh chọe với cháu! Chỉ có ông Ba Đào, người mà đàn em tôn vinh là đại ca X.O, và những người bạn của ông ta trên sân Tri Âm mới hiểu đời, biết thưởng thức cuộc sống…
Thằng Thăng lớn nhanh như Phù Đổng Thiên Vương sau khi được dân làng góp gạo thổi cơm cho ăn. Mười lăm tuổi mà đã có ria mép, thân hình lực lưỡng như trai mười bảy bẻ gẫy sừng trâu. Sừng trâu thì nó chưa bẻ gẫy, nhưng nó đã hơn một lần làm nát đời con gái người ta. Không phải nó ác, mà bởi nó đam mê, nó bị sự quyến rũ ngự trị; và nhất là tại các em choai choai thèm lăn xả với nó. Con gái nhìn nó một lần là muốn được lao vào vòng tay nó, dù có chết cũng cam lòng! Bước vô tuổi mười lăm, nó đã cao một mét bảy mươi lăm, người nở nang cân đối và rắn như thép cường độ cao. Nó thông minh, nhưng chán học, triền miên trốn học vì… bị nhiều cô gái đẹp quyến rũ, hay chính nó tạo ra sự quyến rũ không biết. Các cô gái được nó cho thưởng thức mùi đời, biến thành đàn bà thời ấy là bạn học cùng lớp, cùng trường, cùng tuổi choai choai, cùng khao khát ăn chơi, cùng biết xài tiền như nước và cùng thích tốc độ. Băng của thằng Thăng có tám cặp, chỉ có nó đang học lớp tám, còn những đứa kia học lớp mười đến lớp mười hai. Tất nhiên thằng Thăng được tôn làm thủ lãnh. Không làm thủ lãnh sao được khi mà nó chơi bạo nhất, đẹp trai nhất, to cao nhất, nhiều tiền nhất, đa tình nhất, nhiều ý tưởng sáng tạo điên rồ nhất! Ngoài những cái nhất ấy, thằng Thăng còn mang vào chốn giang hồ những tư chất của một kẻ được gia đình chăm sóc, giáo dục kỹ lưỡng: không bao giờ nói tục, không bao giờ chửi thề, ngày đánh răng ba lần, sau khi đi cầu là phải tắm rửa, sau khi đi tiểu dứt khoát dùng giấy vệ sinh thấm… thằng nhỏ, và rửa tay thật kỹ trước khi rời toilet!… Những điều vừa kể đã ngấm vào máu thằng Thăng. Nó thực hiện như một phản xạ bản năng. Bởi thế mà đám đệ tử thấy thằng Thăng như một người của thế giới khác lạ, chúng rất khâm phục.
Không biết vì sao Nguyễn Quốc Thăng lại được đám choai choai kêu bằng biệt danh Rồng Xanh? Có lẽ ngẫu nhiên chăng? Vào sinh nhật thứ mười sáu của thằng Thăng, ngày 30 tháng Tư, sau khi ăn chơi nhảy nhót từ sáng tới tối, rồi lao vào chuyện chăn gối đến rã rời cơ bắp, chúng nó vào cuộc đua mới. Không biết là cuộc đua thứ bao nhiêu rồi? Trời cũng chịu, không nhớ nổi! Đêm ấy, băng Rồng Xanh đua với băng Ó Trắng. Tất nhiên là xe phân khối lớn. Tất nhiên là tháo bỏ dây thắng1. Tất nhiên là tay đua nào cũng có một em mặc mini jupe khoe cặp chân dài như chân Julia Robert ngồi quặp chặt sau lưng. Điểm xuất phát và đích là cầu Sài Gòn. Rồng Xanh về đích trước tiên. Hai giờ sáng, đúng vào lúc xe thằng Thăng bay tới điểm đích thì bất ngờ xuất hiện chiếc xe đạp của một nữ công nhân đi làm ca đêm về… Người đàn bà xấu số ấy chết không toàn thây!
Cả nhà ông Hòa như vừa bị khủng bố. Ai nấy mặt mày dớn dác, cắt không ra giọt máu.
Mùa Xuân 1985, đại tá Hòa - nổi tiếng hào hoa, giao thiệp rộng - nhận được quyết định: không trực tiếp chỉ huy đơn vị pháo binh nữa, ông được điều về giữ một trọng trách ở Quân khu. Khi nhận quyết định này, Hòa vừa khấp khởi mừng, vừa lo. Ông hy vọng cấp trên giao cho ông phụ trách thanh tra để rồi thăng lên cấp tướng?! Nhưng, nếu không phải vậy thì… ông lo vì mình đã bước vào tuổi sáu mươi rồi, không được lên tướng thì chỉ còn nước lên làng nướng mà nhậu, nghĩa là về hưu!
Quân đội luôn luôn là nguồn cung cấp cán bộ cho các ngành khác. Sau năm 1975, tại miền Nam, hầu hết những cán bộ khung của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra, thuế, hải quan… đều xuất thân quân đội. Trong đội ngũ ấy, có rất nhiều người là bạn thân hoặc là cấp dưới của Hòa. Hòa làm việc ở Quân khu được hai năm, lập được một vài công tích thì tiếng tăm bay tới cấp trên. Nạn tham nhũng đã và đang hiển hiện. Đại tá Hòa, chưa được lên tướng, nhưng được trên cử làm Phó Ban chống tham nhũng!
Hòa bận tối mày tối mặt vì nạn tham nhũng ngày càng hoành hành. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nào cũng nhan nhản tin, ảnh, bài điều tra về các vụ án tham nhũng rần rần trong các ngành các cấp… Ngành nào, địa phương nào cũng có quan tham lại nhũng… Đồng tiền làm tha hóa một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Tham nhũng không chỉ làm suy yếu đảng và bộ máy công quyền. Tham nhũng thực sự làm băng hoại nền tảng đạo lý, văn hóa… Chống tham nhũng thực chất là chống ai? Nông dân, công nhân, những người lao động… làm thế nào có cơ hội để tham nhũng? Làm sao có thể chống tham nhũng tận gốc, triệt để? Làm sao để mọi người bình đẳng trước pháp luật? Làm sao không còn chuyện cán bộ cỡ nào thì phải ra tòa, cỡ nào thì được xử lý nội bộ? Và cỡ nào nữa thì… lơ! Hơ! Hơ! Hơ! Ông Hòa suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm của mình.
Đúng vào lúc nước sôi lửa bỏng của cuộc chiến chống tham nhũng, thì xảy ra chuyện cháu nội ông Hòa đua xe cán chết người. Ngó nó bự con, lừng lững thế kia, ai mà tin nó còn tuổi vị thành niên! May mà ở cương vị mới, ông có thế mạnh ghê gớm, đồng thời trước đó, ông lại quen biết rất rộng những nhân vật VIP1 của ngành nội chính, thế nên việc chạy chọt cho thằng Thăng khỏi lâm vào lao lý đã được thực hiện… Gia đình bà Lịch đã phải bồi thường một khoản tiền lớn để lạy van gia đình nạn nhân bãi nại!
Đó là vết nhơ đầu tiên trong lịch sử gia đình cụ Nguyễn! Sự việc tồi tệ này khiến cha con cụ Nguyễn xung khắc với nhau, cả hai đều cho rằng người kia đã chiều chuộng thằng Thăng quá mức nên nó hư đốn! Đây là lần đầu tiên hai cha con cự nhau quyết liệt. Rồi cụ Nguyễn lâm bệnh, sức khoẻ suy sụp, kỳ dị nhất là hai tai cụ thỉnh thoảng bị ù, mỗi lần vài phút, không đau nhức nhưng khiến cụ rất khó chịu. Sau mỗi lần như thế, từ trong tai đùn ra rất nhiều ráy tai như cứt dơi, đen ngòm và rất hôi… Nửa năm sau, cụ Nguyễn bị điếc hẳn một tai...
Chuyện đó xảy ra đã lâu rồi. Thăng quên lẹ lắm! Mỗi ngày nó có một sự quyến rũ mới, hơi đâu mà nhớ ba cái phọt phẹt, lẻ tẻ. Từ năm mười sáu đến năm mười chín tuổi, thằng Thăng liên tiếp lập chiến tích, chiến tích sau luôn luôn hơn hẳn chiến tích trước (ấy là nói theo ngôn ngữ của văn báo cáo)! Cái vụ đua xe gây tai nạn bể đầu vỡ sọ, gãy chân gãy tay cho người đi đường rồi bỏ chạy là chuyện vặt! Những chuyện ấy sá gì với tư thế của thằng Thăng, cháu đích tôn ông đại tá, rất có uy ở xứ này! Uy mạnh đến nỗi nó đua xe gây tai nạn, không may bị cớm tóm thì chỉ cần một cú phone của bà nội nó xưng danh ông nội nó là OK! Tự do, vô tư! Trò đời, đã bỏ học được một ngày đi chơi là muốn bỏ nữa, bỏ nữa rồi bỏ luôn! Trò đời, đã chôm tiền nhà đi chơi được một lần là còn chôm tiếp, lần sau nhiều hơn lần trước, không chỉ chôm tiền mặt vớ vẩn mà còn chôm đồ, rồi lựa cái gì quý nhất mới chôm! Trò đời, đã ở trong nhà hàng, quán rượu, quán bia ôm… bước ra, con người ngỡ như được nâng cao vị thế, oai phong lẫm lẫm! Trước đó, bọn bạn bè, đệ tử tâng bốc nó hết lời, bởi nó chi tiền, chi sộp, chi đẹp, thỏa mãn mọi nhu cầu của lũ choai choai mà! Trò đời, đã bóp v…, sờ l… con gái một lần là làm tới, làm tới, làm quá hóa ghiền, rồi lao vào tình dục như con thiêu thân, lúc nào cũng ham hố trác táng, khát khao trụy lạc…
Hai mươi tuổi, thằng Thăng nếm mùi quyến rũ của gái một con! Chuyện diễn ra sau khi nó bị đuổi khỏi nhà máy Z007, rồi nó bỏ nhà đi mướn chỗ trọ, rồi nó gặp Tiên, ngụp lặn trong vũng tình dục ngọt hơn mật, rồi nó chán. Nó chán Tiên rồi nhớ Tiên! Đến khi Tiên đổi đời, bán nhà dọn đi nơi khác thì nó đứt liên lạc. Một buổi chiều, nó đang lê gót trước khách sạn Caravelle thì, nó không tin ở mắt mình nữa: Tiên mặc áo đầm trắng, lộng lẫy như một nữ hoàng, từ trên xe hơi bước xuống, đi cùng một người châu Âu bự con, bự gấp rưỡi thằng Thăng.
Tự nhiên nó thấy buồn!
Đất nước mở cửa, người nước ngoài vô làm ăn, bỏ ra vài vé, vài tờ xanh1 là mua ráo trọi những kiều nữ con Rồng cháu Tiên! Không hiểu sao nó cảm thấy bị sỉ nhục! Làm như nó có tinh thần dân tộc cao lắm! Nhưng trong túi không còn một xu thì duy trì tinh thần tự tôn dân tộc bằng cách nào đây? Nó lại phải nghĩ cách xoay tiền bà nội, hoặc bắt mấy thằng ôn dịch dưới trướng nôn ra. Bằng mọi giá, nó phải có vài vé để vô động Thủy Cung, kêu một lúc ba em xinh như mộng, bắt chước phim con heo làm tình nhoay nhoáy đến vã mồ hôi hột, đến bã người ra… để trả thù đời!
Mười lăm tuổi, lần đầu tiên nó xem phim con heo, rồi ngay trong lúc xem phim, nó biết mùi con gái trinh là thế nào. Nó bị quyến rũ ghê gớm! Nó ghiền gái trinh, gái đẹp. Mười sáu tuổi, mỗi tháng nó thay một em, em nào cũng mới toanh, cũng thơm ngon! Mười chín tuổi, nó trở thành tay ăn chơi phá phách cộm cán. Ông bà nội cưng nó, cho nó phương tiện ăn chơi thì nó phải biết thưởng thức cuộc đời chứ!
- Mười chín tuổi rồi, Thăng! Ở tuổi ấy, anh ruột tao, anh hai Nguyễn Kỳ Dũng, đã tham gia Nam Kỳ Khởi nghĩa, hy sinh như một anh hùng vì sự nghiệp kháng Pháp giải phóng dân tộc. Mày hiểu chưa, thằng giặc kia! Bác Hai mày là liệt sỹ, cha mày là liệt sỹ, chết như những anh hùng! Vậy mà mày nỡ chà đạp lên truyền thống gia đình và giòng họ Nguyễn, mày đang trét c…t vào mặt tao, mặt bà nội mày là Mẹ Việt Nam Anh hùng đó, mày hiểu không?
Đại tá Hòa rống lên chứ không còn là nói! Thằng Thăng ngồi đó, mặt tỉnh queo, nó nhịp nhịp chân, miệng phì phèo thuốc lá, rồi nó bịt tai vì tiếng rống của ông nội khiến nó khó chịu. Nó muốn nói với nội rằng: Bài học truyền thống này nó nghe quen quá trời, nhàm quá trời! Có ai mang cái truyền thống ấy ra mà ăn, mà thưởng thức cuộc sống như đại ca X.O thường nói được đâu! Mấy cái bằng Tổ quốc ghi công chỉ để trên bàn thờ cho nhện giăng tơ. Thiết gì! Mấy năm qua, cứ thấy mặt ông nội là nó lại phải nghe bài ca truyền thống, trách nhiệm, giòng họ, nhân cách, đạo đức cách mạng… hệt như mỗi lần vô quán bia ôm, mấy em cave lại ca bài em ở quê lên nhà nghèo dzữ lắm mới phải đi làm như dzầy. Má em đang bệnh thập tử nhất sanh. Anh Hai bô trai ghê, em yêu anh Hai đến hụt hơi nè, nhớ bo cho em thiệt xịn nghe, em chìu hết mình… Thằng Thăng mấy lần suýt cười hộc ra khi nghe ông nội nó ca về đạo đức cách mạng! Nội ơi, con biết tỏng tòng tong từ khuya rồi, ít nhất cũng từ ngày đi bụi, lượm banh trên sân Tri Âm, cái gọi là phẩm chất, đạo đức… rồi. Nó thúi lắm lắm! Không chỉ thúi, nó còn đầy giòi bọ nữa! Biết bao ông bụng bự mặt lớn, mũ cao áo dài… mà thực ra toàn bọn đểu cáng, ăn bẩn, tham nhũng, mê gái, rồi tàn hại lẫn nhau! Người ta nói một đường mần một nẻo! Đời mà, nói dzậy chứ không phải dzậy đâu nội ơi! Nội có sống cuộc đời thực bao giờ đâu! Hổng tin, nội cứ ra sân tennis này lượm banh với con chừng vài tuần lễ là nội hay đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện thâm cung bí sử của trào trước, rồi trào hiện đại, đến chuyện mua bán gái tơ, các ngón nghề dành cho những vị tai to mặt lớn hết xí quách, khi được đàn em dâng cho gái tơ mọng mẩy!
Đã bao nhiêu lần cụ Nguyễn chứng kiến cảnh con trai mình cuồng nộ chửi thằng chắt nội. Cụ nhìn bàn chân nó nhịp nhịp khi nghe ông nội giảng đạo lý, ngó cái bản mặt nhâng nháo của nó… Cụ Nguyễn không thể hiểu thằng Thăng đang nghe nội nó dạy bảo hay nó đang nghĩ gì. Cụ đâu có dè nó không hề nghe, không thèm nghe mà chỉ cười vào mũi ông nội. Bằng tuổi nó, ngày trước cha cụ đã là chiến binh dưới trướng cụ Nguyễn Tri Phương phòng thủ Đại đồn Chí Hòa rồi. Ở tuổi nó, cụ Nguyễn đã thông kinh sử, đã đi làm thầy thiên hạ rồi. Bây giờ… nó sướng quá hóa cuồng, hóa phản. Cụ nhìn nó vừa giận, vừa xót xa… Ngày xưa, khi con trai đầu lòng của cụ bị giặc Pháp giết hại tháng 11-1940, cụ cũng đau khổ và xót xa như thế này. Ngày xưa, khi người vợ đầu gối tay ấp vô vàn thương yêu của cụ qua đời - bỏ mẹ để cứu con - khi sanh thằng Kỳ Khoa, cụ cũng đau khổ và xót xa như vầy…
Gia đình cụ Nguyễn rất quý người! Họ dùng mọi cách khuyên nhủ, dạy dỗ cháu đích tôn Nguyễn Quốc Thăng. Họ rất kiên trì, nhưng trễ rồi, quá trễ rồi. Ước mong cho cháu hoàn lương không thành. Càng ước mong, càng vô vọng. Đến khi thằng Thăng chôm chiếc Cub tám mốt của Phương Nam, cô ruột nó, đem cầm thì không ai còn có thể kiên nhẫn được nữa! Ông Hòa tuyên bố: Hạn trong hai tháng mà không sửa đổi tâm tánh, cải tà quy chánh thì sẽ từ nó, không coi nó là cháu nữa! Ông ra lệnh cho vợ là bà Lịch phải cắt cầu, nghĩa là không chu cấp tiền bạc cho nó nữa. Nó hận quá. Ông Hòa từ chỗ cưng chiều cháu hết cỡ, nay thường xuyên đe nẹt, chửi mắng. Nó hận quá. Hơn một lần ông Hòa đe rằng nếu mày không hối cải thì ông từ mày, tống mày đi trại phục hồi nhân phẩm! Nó hận quá. Nó chỉ còn mỗi bà Lịch là bà nội nó lâu lâu lén nhét tiền cho nó. Nó hận lắm. Cô Phương Nam ngày trước thương nó quá trời, bây giờ cũng về hùa với ông nội. Nó hận lắm!
Thế là nó chơi ma túy, nhưng nó không hạp! Phúc đức tổ tông nhà nó để lại chắc là lớn! Kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi, bọn đệ tử trong băng Rồng Xanh bỏ tiền ra lo cho nó chu đáo. Một thằng mang đến mấy gói bột trắng1. Thằng Thăng đang hận vì bị cắt cầu, bị dạy bảo, mắng chửi thường xuyên, thấy gói bột trắng, chơi liền. Sau ba lần ói mửa ra mật xanh mật vàng, nó ớn đến tận tủy. Nó bảo: Cơ địa tao không hợp thứ này! Tụi bay xài líp, tao chỉ cần gái! Nói sao làm vậy, mãi đến sau này, không bao giờ thằng Thăng rờ tới bột trắng hay bất cứ chất gây nghiện nào, trừ gái. Đối với nó, gái là ma túy! Gái có sự quyến rũ đặc biệt, tối thượng!
Đầu năm 1995, trong một chiến dịch làm sạch thành phố, thằng Thăng bị bắt khi đang cùng đồng bọn trụy lạc trong động Thủy Cung. Khi cớm ập tới, động này có bốn mươi mốt em, toàn mười bảy, mười tám, toàn khỏa thân. Trong phòng rộng chừng bốn chục mét vuông, mười thằng choai choai cùng mười hai đứa con gái không một mẩu vải trên người đang điên cuồng nhảy nhót, chúng vừa chơi nhau vừa chơi heroin. Khốn nạn cho thằng Thăng bị cớm moi từ trong túi quần nó ra ba bịch bột trắng. Nó bị chụp cho tội buôn bán heroin!
Thời điểm đó, gia đình ông Hòa làm lễ đại thượng thọ cho cụ Nguyễn, tròn một trăm tuổi. Tứ đại đồng đường, bốn đời sống trong một mái nhà, lẽ ra đại gia đình cụ Nguyễn phải là gia đình hạnh phúc nhất, nếu như không có chuyện thằng Thăng nổi loạn. Cụ Nguyễn tuyệt vọng về thằng chắt đích tôn, đau lòng nói vậy!
Bị bắt năm ngày, nó trốn, rồi lại bị bắt, lại trốn! Cứ thế, trong sáu tháng, nó trốn bảy lần tất cả. Bà nội và cô ruột nó thay nhau vô trại tiếp tế. Thương cháu đến phát rồ phát dại, bà Lịch lén chồng mang tiền đi chạy. Thằng Thăng ra trại. Thằng Thăng được về, ông nội nó rất mừng, nhưng vẫn lớn tiếng chì chiết vợ:
- Bà chiều nó quá nên nó mới hư! Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà! Nay nó đi cải tạo mới mong hoàn lương, vậy mà bà lại tiếp tục hại cháu tôi, bà hiểu không? - Ông Hòa gầm lên, không cần giữ gìn sợ cha nghe thấy như những năm qua nữa!
Ông Hòa tuyên bố ly thân với bà Lịch! Nhưng bi kịch của gia đình này đâu chỉ dừng lại ở đó.
Thằng Thăng không thể hội nhập với gia đình. Nó đã thuộc về một thế giới khác!
Đã trở thành quy luật của dân bụi, để có tiền, thằng Thăng sẵn sàng làm liều, bất chấp tất cả. Nó đã nhiều lần ăn cắp tiền bạc vàng vòng của bà nội, rinh hai chiếc bình tỳ bà từ đời Càn Long, rinh bộ lư đồng trên bàn thờ là vật báu gia truyền, rồi đến dàn máy nghe nhạc của gia đình, rinh tiếp bộ computer của cô ruột đem bán lấy tiền quậy phá. Đến nỗi bộ đồ uống trà Thái Đức màu gan gà, vật cưng của cụ Nguyễn, cụ dùng hàng ngày, nay phải đưa vô phòng riêng, ra khóa vào mở, chìa khóa cụ Nguyễn giữ rịt! Rồi thằng Thăng bảo kiếm được việc làm. Nó ra điều kiện: cho nó tiền mua nhà ở riêng thì nó mới đi làm!
Điều kiện mà thằng Thăng nêu ra, nó không dám nói trực tiếp mà nhờ cô ruột nói. Trong lòng nó, nó rất tin cô ruột. Nó nghĩ, chỉ có cô ruột là thực sự thương và không coi rẻ nó. Nó cần tình thương yêu và sự trân trọng! Nó có mẹ mà như không! Cả hai điều đó - mẹ và tình thương yêu - chỉ có nơi người cô trẻ đẹp và giàu lòng nhân ái như nữ thánh của nó.
Phương Nam hiểu được ba má cô đã từng nuôi niềm kì vọng vào cháu Thăng, nay thì ba má thất vọng đến nhường nào. Cô cưng cháu lắm, nên khi thằng Thăng nổi loạn, cô đau khổ vô cùng, đau khổ vì bất lực, không biết làm gì để cứu cháu thoát khỏi sự quyến rũ của sa đọa, trụy lạc.
- o"o -
Phương Nam đẹp, có duyên ngầm khiến cho những người khó nết nhất, khi gặp cô cũng phải thầm khen ngợi: Không biết cha mẹ nào mà sinh được người dễ thương đến thế!
Người ta nói con cái hưởng phúc đức của cha mẹ. Điều đó rất đúng với Phương Nam. Cô thừa hưởng từ cha mẹ không chỉ phúc đức mà còn cả ngoại hình nữa. Ông Nguyễn Kỳ Hòa, cha cô, sanh tại Sài Gòn, hậu duệ của những người nông dân họ Nguyễn ở Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi. Ba Hòa cao một mét tám, thời còn là học sinh Pétrus Ký1 đã nổi tiếng đẹp trai, hào hoa và ngang tàng. Mẹ cô là con gái xứ quan họ Bắc Ninh, cao một mét sáu lăm, mắt bồ câu, da trắng, cằm chẻ, nhân trung sâu, eo nhỏ, tóc dài. Phương Nam tuổi Kỷ Dậu, sanh tại thủ đô Hà Nội vào mùa Thu năm 1969. Bảy tuổi, Nam vô sống với ba má tại Sài Gòn, lớn lên trong đất, nước, khí trời phương Nam. Về ngoại hình, cô thừa hưởng những nét đẹp của cha mẹ. Phải chăng những điều vừa kể đã hun đúc nên vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, vô cùng quyến rũ của cô? Phương Nam có miệng rộng nhưng không rộng quá, cặp môi dày mà không dày quá, răng trắng, đều như hạt bắp, khi cười sáng bừng gương mặt trái xoan, đôi mắt đen láy và cái mũi thẳng thanh tú. Những ai đã từng một lần nhìn vào đôi mắt bồ câu của cô, hẳn sẽ chẳng thể nào quên… Đôi mắt tỏa sáng sự tinh anh, nhạy cảm của một người có nội tâm phong phú, thánh thiện. Cha mẹ sinh ra cô thật khéo: chiều cao một mét sáu tám, da trắng hồng, chân thẳng, eo nhỏ và bộ ngực bánh dầy… Những điều ấy sao lại tập trung cả vào một người hả Trời!
Con gái út, con gái rượu đẹp vậy mà chưa khi nào ông Hòa thấy con dẫn bạn trai về ra mắt. Sao vậy cà? Hay là con mình vô duyên? Trong nhà ông Hòa, không ai hay rằng không phải vậy. Thực ra Phương Nam có rất nhiều người theo đuổi, không phải cô kén cá chọn canh, nhưng cô chưa vừa ý ai.
Rồi đến ngày cái điều ấy xảy ra. Người có diễm phúc được Phương Nam yêu là Nguyễn Thành Đạt. Đạt đang ở giai đoạn sung mãn của lứa tuổi trung niên. Vào một sáng mát trong như mùa thu, tay trong tay, họ dắt nhau vào tiệm cà phê đẹp nhất đường Đồng Khởi, lên lầu một, nơi có những phòng sang trọng dành cho việc thư giãn, tâm tình của những người tri kỷ. Đạt cúi xuống, nhìn vào đáy mắt người con gái nhỏ hơn mình mười bảy tuổi. Vẻ trân trọng, nâng niu, ngời sáng tình thương yêu hiện rõ trên gương mặt, trong từng cử chỉ của Đạt. Anh hôn suối tóc dài đen huyền. Hai bàn tay to khỏe, ấm áp với những ngón thon dài của anh âu yếm vuốt ve cái cổ cao ba ngấn trắng ngần, bờ vai mềm và cái eo nhỏ xinh như eo của thiếu nữ nước Sở1. Gương mặt người con gái ngước lên, ánh mắt lóng lánh tình yêu và nỗi khát khao, đôi môi hé mở như chờ đón, như thôi thúc… Cô đứng trên mười ngón chân, gót nhón cao để có thể dán chặt bộ ngực bánh dầy nóng hổi, phập phồng của mình vào bộ ngực vạm vỡ của người yêu. Họ chỉ rời môi nhau khi cả hai đã gần như hụt hơi…
- Có nhất thiết anh phải ra mắt hôm nay?
- Không thể trễ hơn, anh à! Em đã nói với ông nội rồi. Hôm nay là sinh nhật thứ một trăm của nội! Mẹ từ Hà Nội cũng vừa bay vào. Ba, mẹ sẽ bất ngờ, nhưng không sao… Ba, mẹ, má Lịch, luôn chiều em mà anh!
- Anh e rằng chúng mình sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt của ba mẹ em…
- Vì sao?
- Anh vừa ra tù. Anh hơn em gần hai chục tuổi…
- Anh kỳ quá hà! Em đã nói với anh biết bao nhiêu lần rồi! Tình yêu bất chấp tất cả! Miễn là người mình yêu phải xứng để cho mình trao thân gửi phận… Anh bị tù oan chứ có phải tham nhũng đâu!
- Đành là vậy. Nhưng… đó là quan niệm của em, của anh. Còn ba mẹ em, còn má em, và cả ông nội em nữa…
- Không nói nữa anh! Chúng mình chỉ còn vài giờ nữa để chuẩn bị, nếu anh muốn mua bông tặng nội…
Vẻ kiên quyết hiện rõ trong ánh mắt thông minh, quyến rũ của Phương Nam. Cô vẫn nhón gót, ngước lên say đắm nhìn Đạt. Đạt ngồi xuống salon, ôm chặt Phương Nam. Gương mặt hồng hào với vầng trán nở đầy đặn, sống mũi thẳng, cái miệng rộng khi cười rất tươi của Đạt ngang tầm bộ ngực chắc nịch đang tỏa hương quấn quýt anh. Đạt ghì chặt người yêu. Mùi hương từ da thịt Phương Nam hút hồn anh đã gần một năm rồi. Xa em một ngày anh đã thấy nhớ da diết cái mùi hương ấy. Ba tháng trong trại tạm giam, anh nhớ đến ngẩn ngơ, nhớ đến tê tái cõi lòng khuôn mặt đẹp như tiên nữ, giọng nói trong vắt ngọt ngào và mùi hương da thịt em. Anh ao ước được có em. Nếu không có tình yêu của em, không biết anh có còn đến hôm nay hay đã chết rũ trong tù vì tuyệt vọng, vì mất niềm tin vào cuộc đời? Ơn Trời, đã ban em cho anh! Chính tình yêu của em đã giúp anh trụ vững, không nản chí, luôn yêu đời, tin tưởng vào công lý suốt một năm qua…
Hồi ấy, Đạt theo học chương trình tiếng Anh để lấy chứng chỉ C. Công ty của Đạt vừa xây dựng xong công trình kho lạnh và nhà máy đông lạnh cho Tập đoàn khai thác thủy sản Viễn Đông Liên Xô. Chỉ qua hai hợp đồng này, công ty đã thu lãi ròng hơn hai triệu đôla Mỹ. Công việc ở miền Viễn Đông nước Nga đòi hỏi Đạt bay tới bay lui nhiều lần. Anh phải nghỉ học. Mỗi lần bỏ học, anh lại phải tìm cô giáo Phương Nam để hỏi bài. Cô tốt nghiệp hạng ưu cùng lúc hai bằng: Cử nhân Anh văn và Cử nhân Ngữ văn. Vào thời điểm 1990-1991, những sinh viên học cùng lúc hai trường, hai khoa là rất hiếm hoi. Phải thật suất sắc mới được đặc cách như thế! Phương Nam giỏi Anh văn, môn sinh ngữ thứ hai là tiếng Pháp cô cũng đứng đầu khóa. Ra trường, cô được thông báo sẽ giữ lại trường giảng dạy, rồi may mắn được chọn trong nhóm sinh viên đi tu nghiệp ba tháng tại London thủ đô nước Anh. Về nước, tưởng được ở lại trường giảng dạy, nhưng không, cái chân ấy không thuộc về cô nữa! Chưa xin được việc làm, cô vào dạy tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ đại học Sư phạm, lớp của Đạt. Buổi học đầu tiên, cô giáo kiểm tra trình độ học viên. Không hiểu sao cô lại gọi Đạt, học viên lớn tuổi nhất lớp! Đạt đáp trôi chảy những câu hỏi của Phương Nam. Từ sau lần đó, anh thấy mình như đang tương tư cô giáo trẻ! Những lần đi công tác ở Nga về, anh thường mua sôcôla làm quà cho cô giáo. Cô giáo trẻ nhiệt tình giúp Đạt luyện nghe, nói, hai kỹ năng cốt yếu của việc học ngoại ngữ để ứng dụng trong việc giao tiếp cho doanh nhân. Mãi về sau này Đạt mới nói rằng ngay từ hồi đó, anh đã đem lòng yêu thương cô giáo, là thương vụng nhớ thầm thôi, chứ người như thế ai thèm thương anh chàng quá đát, đã từng có gia đình! Cũng mãi về sau này anh mới biết: Mỗi chiều, tối cô chạy sô dạy hai lớp, để có tiền theo học chương trình thạc sỹ Văn chương Anh Mỹ của trường Harvard Hoa Kỳ. Cô không phiền đến ba má. Cô đang ở với ba má tại căn nhà trên đường Hàm Nghi. Còn mẹ đẻ của cô, bà Hải Yến vẫn ở Hà Nội.
Cha cô, ông Nguyễn Kỳ Hòa là bộ đội tập kết, mang theo đứa con trai thứ hai (tức thứ ba, theo cách gọi của Nam Bộ) là Nguyễn Trung Thành. Năm 1959, khi phong quân hàm, ông được mang lon trung úy. Trung úy Hòa sống trong cảnh ngày Bắc đêm Nam, không nguôi thương nhớ vợ và đứa con trai cùng người cha thân yêu ở Sài Gòn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, Ba Hòa được giáo dục theo tinh thần của Khổng giáo. Nhân - nghĩa lễ - trí - tín cùng Tam bất là những bài học nằm lòng: Bần tiện bất năng di. Phú quý bất năng dâm. Uy vũ bất năng khuất1. Lớn lên theo học ở nhà trường của nền giáo dục Pháp, Hòa được tiếp thu văn hóa văn minh châu Âu, từ nếp sinh hoạt đến phong cách đi đứng nói năng, lối sống… Ngày đánh răng ba lần, thường xuyên tắm rửa sạch sẽ, đi toilet xong là rửa ráy kỹ càng, trước khi ăn phải rửa tay, áo sơ mi luôn luôn bỏ trong quần, đi ra ngoài đường là mang giày, không giày thì cũng xăng đan, luôn luôn biết cám ơn và xin lỗi… Những gì là tốt đẹp nhất trui rèn nhân cách một con người, Hòa biến thành máu thịt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng bất di bất dịch.
Đẹp trai, khỏe như lực sỹ, lại hào hoa phong nhã, trung úy Hòa khiến bao cô gái nơi đơn vị trú quân như Thanh Hóa, Nghệ An rồi Hà Nội mê tơi! Thời gian đầu, kỷ luật quân đội và những bài học về đạo đức cách mạng đã giúp ông Hòa đứng vững trước những khóe mắt, nụ cười tình tứ của các thanh nữ Bắc Hà. Nhưng rồi… bản tánh lãng tử hào hoa quá, cuộc sống ngày Bắc đêm Nam cô quạnh quá, cầm lòng chẳng đặng, ông đã không ít lần đáp lại sự tha thiết của các cô gái dễ thương, hiền dịu. Hòa biết rằng nếu sự việc vỡ lở, sẽ bị tổ chức kỷ luật rất nặng! Nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ! Ông Hòa có chính kiến riêng về lãnh vực này! Theo ông, những cuộc tình bay bướm ấy chẳng phương hại gì đến lý tưởng, đến sự nghiệp, không gây hại gì cho phe Xã hội Chủ nghĩa, và càng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Ông bị kiểm điểm hoài về chứng đa tình, đã hơn một lần bị kỷ luật, từng bị cảnh cáo trong Đảng và trong trung đoàn!
Còn nhớ lần đầu tiên bị chi bộ kiểm điểm, đó là thời kỳ mới ra Bắc, Hòa ngồi im thin thít cắn răng chịu trận sỉ vả suốt hai tiếng đồng hồ của các đồng chí. Toàn những người mà bấy lâu nay anh quý mến, tin cậy, thường xuyên tâm sự sẻ chia vui buồn, ăn nhậu bù khú... Vậy mà, chỉ có mỗi một chuyện anh ngủ với cô gái đẹp nhất làng, đang là Phó bí thư Xã đoàn, mà họ quay ngoắt lại mạt sát anh, quy chụp anh là tha hóa, sa đọa, trác táng, vi phạm đạo đức cách mạng, làm mất danh dự của đơn vị, làm suy yếu hàng ngũ của Đảng, rạn nứt tình quân dân vốn đang như cá với nước, và như thế sẽ làm cản trở sự nghiệp cách mạng!… Đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt rồi tức điên lên, anh muốn cho mỗi người một chưởng để họ im cái miệng nói bậy nói bạ, sỉ nhục đồng đội. Nhưng trong cái khí thế kiểm điểm đằng đằng sát khí phân rõ địch ta như vậy, anh thu mình lại như con ốc sên gặp nguy. Bí thư chi bộ là Đại đội phó của anh, người gốc Quảng Nam nhưng định cư ở Bảy Hiền từ hồi trước cách mạng tháng Tám, căn vặn anh đủ điều, toàn những chuyện không thể nói ra được. Đàn ông với nhau, sao lại kỳ cục thế! Trai gái đã bén hơi nhau thì dù chỉ một giây một phút thôi cũng là tuyệt vời rồi, cớ gì mà văn vẹo:
- Đồng chí đã ngủ với đồng chí Mơ mấy lần? Khai thiệt ra hỉ, khai thiệt thì mới mong được khoan hồng!
Anh ta là người hễ mở miệng ra là đồng chí. Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai gồm anh, em, chị, cô, bác, ông… không có trong miệng Bí thư chi bộ! Không hiểu răng mà rứa! Hễ mở miệng ra là anh ta dùng từ đồng chí. Trong sinh hoạt Đảng mà xài từ này thì quá chuẩn, còn trong sinh hoạt hàng ngày, cả chuyện riêng tư ở trên giường, anh ta cũng xài đồng chí thì rõ là man rồi! Ở Việt Nam, theo như sự đọc của Hòa, ông biết rằng người đầu tiên xài từ đồng chí là vua Minh Mạng. Năm Canh Dần 1830, trong bài Tổng thuyết, Minh Mạng viết:
"Thánh Thán bất phùng, tàn yên tản mạn,
Hoa đường dĩ viễn, phá bích tiêu điều,
Sở đương mịch kỳ di biên, cáo chư đồng chí
Truyền hình tả chiếu ly tảo trích hoa…"1
Thánh tổ Nhân Hoàng đế ngự chế
Lúc đó Nguyễn Du đã chết, mà văn bản chính thức của truyện Kiều do Nguyễn Du viết thì không còn. Vua Minh Mạng viết điều này khuyến khích bề tôi đi tìm văn bản ấy mà khắc in, phổ biến cho những người đồng chí, cùng chí hướng văn chương, cùng tâm trạng thưởng lãm!... Hòa miên man nghĩ, Bí thư chi bộ hỏi ba lần, Hòa vẫn câm như hến. Đến lần thứ tư, anh ta quát lớn:
- Đồng chí có chịu khai không? Đồng chí dám coi thường tổ chức, coi thường Đảng?
Bất đắc dĩ, Hòa phải cất lời, không muốn để anh chàng này thóa mạ mình thêm một giây nào nữa. Hòa đứng dậy, nói rõ từng lời một:
- Cô Mơ chưa chồng, cô ấy thương tôi, tôi cũng thích cổ. Nếu người ta có chồng mà tôi nhào vô thì mới là chuyện bậy bạ, vi phạm đạo lý làm người! Vợ tôi ở Nam, tôi rất nhớ vợ và rất thèm vợ… nên chúng tôi ngủ với nhau. Vậy thôi, không phương hại gì đến cách mạng, đến Đảng. Cô Mơ không kiện, gia đình cô Mơ không bắt thường, hà cớ gì các anh xía vô. Tôi nhắc lại: Tôi không bao giờ chơi bậy! Đây chẳng qua chỉ là chuyện sinh hoạt, là nhu cầu chính đáng của con người. Tùy, các anh muốn làm gì, muốn kỷ luật cỡ nào, tùy! Tôi nhắc lại: Tôi không bao giờ chơi bậy! Các anh hiểu chưa? Chắc các anh không thể hiểu điều đó! Vậy thì ráng mà hiểu!
Dứt lời, Hòa nói rằng anh đau bụng, xin phép cho anh đi… cầu! Anh không nhịn được nữa, nó ra tới nơi rồi!
Ngoài cái vụ thường xuyên bị các cô gái trẻ tia và sẵn sàng tia lại, Hòa là một trang nam nhi có nhân cách, tôn trọng nhân - nghĩa - lễ - trí - tín như bài học khai tâm, vỡ lòng cha ông đã dạy khi lần đầu tiên ông học chữ thánh hiền.
Năm 1960, ông đứt liên lạc với gia đình ở Sài Gòn. Năm 1962, ông nhận được tin dữ: Trần Thanh Lịch, vợ ông, bị bắt và bị tra tấn đến chết trong tù! Mất vợ, có lúc ông không còn thiết sống nữa! Ông dành hết tình cảm, tâm huyết nuôi dạy con trai Nguyễn Trung Thành. Ông tìm mọi cách liên lạc với cha và con trai trưởng Nguyễn Anh Trung, nhưng bặt vô âm tín. Thế rồi ông gặp Hải Yến, người xứ Kinh Bắc, làm việc tại nhà hàng Thủy tạ Bờ Hồ. Hải Yến xinh đẹp, hát quan họ cực hay. Dòng máu văn hóa Kinh Bắc, dòng máu quan họ chảy rần rật trong người cô. Gặp Hòa, cô say mê liền! Hải Yến nhận ra đây chính là người đàn ông mà cô ao ước, Hòa như là hiện thân của một tinh thần trong sạch trong một cơ thể cường tráng! Tại một bờ cỏ dày và mịn như nhung trên đê Yên Phụ, trong một đêm sông Hồng giữa mùa mưa đầy ắp nước đỏ cuồn cuộn đổ về đông, Yến tự nguyện và mãnh liệt dâng hiến cho Hòa, hết đợt này tiếp đợt khác. Nếu không vì kỷ luật sắt của quân đội thì họ đã qua đêm với nhau trên đê Yên Phụ! Quá giờ vào cổng một tiếng mất rồi! Hòa gấp áo mưa, soi đèn pin cho Yến tìm quần lót, ông mỉm cười mãn nguyện khi thấy chiếc khăn mui xoa trắng tinh có những giọt đỏ hồng. Thảm cỏ dày như thế mà bây giờ đã nát như sân Hàng Đẫy sau một trận banh nảy lửa giữa hai đội Công an Hà Nội và Thể Công! Chưa bao giờ ông được con gái mê như cách của Hải Yến!
Sau lần đầu tiên gặp cô, Hòa cứ ngỡ như mình chiêm bao, người cứ lâng lâng hệt như mới sáng bảnh mắt đã nốc hết ba xị rượu Làng Vân cháy cổ. Hồn vía Hòa bị Yến rút mất tự bao giờ! Đẹp người lại đẹp nết, thông minh, Hải Yến hết lòng yêu thương cưng chiều Trung Thành. Bé Thành quấn quýt cô Yến chẳng khác nào mẹ con ruột. Cầm lòng sao đặng? Ông yêu Yến như chưa bao giờ biết yêu! Ông quyết định gắn bó đời mình với người con gái quan họ. Cưới vợ năm 1964, năm 1965 ông có con trai, đặt tên Kinh Bắc, quê vợ. Đúng lúc đó, ông nhận được tin Thanh Lịch, vợ ông không chết mà đã được trả tự do! Thằng Hai Trung, con trai đầu, ngay sau khi vợ ông bị bắt đã bỏ học, vào biệt động Sài Gòn.
Trong đơn vị có người trùng tên Nguyễn Kỳ Hòa, chỉ khác là quê Biên Hòa, vì thế anh em đặt cho ông Hòa biệt danh Hai Sài Gòn. Thời đó, với những đồng đội quê miền Bắc, danh từ anh Hai Sài Gòn, anh Hai Nam Bộ mang ý nghĩa đẹp: bản lĩnh, ngang tàng, hiệp khách, hào hoa phong nhã, chịu chơi! Hòa là típ người ấy, ông thứ ba, nhưng anh Hai của ông đã chết, ông thành con trai trưởng, thế nên anh em kêu ông là Hai Sài Gòn. Hòa rất thích biệt danh này. Vợ Hai Sài Gòn còn sống là tin mừng, nhưng oái oăm thay lại trở thành án kỷ luật của ông! Trung úy Hai Sài Gòn bị kỷ luật vì lấy vợ hai trong khi vợ trong Nam còn sống! Bởi vậy, cái lon trung úy bám trên vai ông suốt từ năm 1959 đến năm 1969, ông xung phong vô chiến trường mới được phong đại úy. Vừa hành quân tới Khe Sanh, ông bị viêm ruột dư cấp và bị bục. May mà gặp nữ bác sỹ giỏi đã cứu ông thoát chết. Tại nơi này, ông đã để lại một hòn máu của mình trong lòng bác sỹ Thanh Việt, nhưng chiến trường hồi ấy ác liệt vô cùng, ông quên mất! Chính điều này về sau khiến ông tự giằn vặt mình, cho mình là tên đốn mạt! Vào tới B2, sau một trận đánh, tiểu đoàn ông lập công, ông mới được thăng thiếu tá. Rồi cũng vì quá đa cảm, đa tình, hay quan tâm săn sóc, chiều chuộng mấy em giao liên, cứu thương… ông cứ bị kiểm điểm hoài, đánh giặc giỏi, chỉ huy tài nhưng mãi không được thăng cấp! Năm 1975, khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, ông mới được đeo lon trung tá.
Đêm trước ngày ông Hòa dắt con trai đi tập kết, ông tìm cách về thành, yêu vợ suốt đêm! Có vài tiếng đồng hồ mà ông cuồng nhiệt yêu vợ tới ba lần. Lần nào ông cũng cùng với vợ đạt tới sự… tót vời! Trong cơn khoái ngất thứ ba, bà Lịch ghé hàm răng đều như hạt bắp cắn vào hai bên vai ông, để lại trên đó hai vầng trăng non. Hòa đê mê khi vợ cắn, chợt nhớ ngày mới cưới, ông hỏi vợ:
- Vì sao em yêu anh?
- Xạo vừa thôi nghe! Biết rồi còn hỏi cầu cơ!
- Thì nói nghe chơi!
- Thì bởi… tại cái tinh thần anh trong trẻo, và anh mạnh… như cọp!
Bà Lịch rời hàm răng đều như hạt bắp khỏi vai chồng thì chuông đồng hồ điểm bốn tiếng!
- Lẹ dễ sợ! Đã bốn giờ rồi sao? - Hòa thốt lên!
Họ bật dậy! Hai vợ chồng bịn rịn mãi, cho đến khi cụ Nguyễn dắt thằng Ba Thành từ trên lầu xuống, hối như lửa cháy:
- Lẹ lên con ơi! Bộ muốn tụi mật thám xét giấy sao?