Như đã hẹn, chiều nay tôi đến nhà nhỏ Bích để cùng học. Đã hẹn từ trước thế mà nhỏ Bích còn đi công chuyện gì đó. Thấy tôi, bác chín - má của nhỏ Bích vừa cười xởi lởi:
- Con vào nhà chờ nó chút đi. Nó chạy đi đâu đó, chút xíu về hà.
Tôi vội chào má của Bích rồi bước vào góc học tập của nó để chờ. Góc học tập của tôi hay góc học tập của Bích đều là nơi quen thuộc với cả hai đứa tôi vì mỗi khi đến nhà nhau, nơi bọn tôi thường ngồi chính là góc học tập này. Trên bàn học tập của Bích và tôi đều có tấm hình hai đứa chụp chung nhưng bữa nay chẳng thấy tấm hình đâu. Hay là nó rớt xuống đất rồi. Tôi loay hoay tìm dưới đất cũng không có, mở hộc bàn cũng không. Hay là Bích cất đi chỗ nào rồi. Chờ đã 10 phút mà chẳng thấy Bích về, tôi đành lôi tập vở ra học. Không đem theo sách giáo khoa, nên tôi mở hộc bàn học lấy sách của Bích. Lục tìm sách, tôi chợt thấy tấm hình của hai đứa được kẹp trong trong cuốn sổ bìa cứng màu xanh. Nhìn những dòng chữ của Bích ghi trong đó, tôi biết đó là nhật ký nên vội vàng xếp lại. Tôi ngồi thẫn thờ với bao điều ngổn ngang đang diễn ra trong đầu : có nên đọc nhật ký của Bích không vì nhật ký là điều rất riêng tư của tâm hồn con người. Nhưng trong cuốn nhật ký ấy lại có rất nhiều trang viết tên tôi, đặc biệt là thái độ giận dỗi của Bích đối với tôi. Không nén được tò mò, tôi lật nhật ký của Bích ra đọc.
Ngày… tháng… năm…
Hôm nay cùng Mai và cô đến thăm Hiệp, mình mới hiểu nhiều hơn về Hiệp. Hóa ra Hiệp chơi đàn hay thật. Mình đã hát và Hiệp đệm đàn rất ăn ý. Nhưng sao Hiệp lại có vẻ rất quan tâm đến Mai ? Tình bạn thân thiết giữa mình và Hiệp suốt hai năm qua hình như chẳng để lại điều gì trong tim Hiệp cả.
Ngày… tháng… năm…
Tụi bạn trong lớp cáp đôi Hiệp và Mai. Mai đều chối phăng mỗi khi mình như vô tình chọc Mai với Hiệp. Còn Hiệp, hình như anh ta có tình ý gì với Mai nên tụi nó mới cáp đôi. Những sự quan tâm của Hiệp, ánh mắt nhìn của Hiệp đối với Mai rất lạ. Mình chẳng là gì trong mắt Hiệp cả.
Ngày… tháng… năm…
Hôm nay mình bị điểm 5 môn Văn - lần đầu tiên trong đời. Thế mà Mai chẳng thèm quan tâm gì đến mình, cả Hiệp nữa. Họ đều được 9 điểm. Cô chấm không công bằng. Hiệp cũng coi sách tham khảo mà. Chẳng ai còn quan tâm đến mình nữa. Vậy thì mình cũng chẳng cần Mai, chẳng cần Hiệp nữa…
Tôi vội xếp lại cuốn nhật ký của Bích và nghe lòng trĩu nặng. Thì ra Bích đã chơi thân với Hiệp từ lâu. Giữa họ đã có một tình bạn thân thiết và Bích đã giành nhiều tình cảm đặc biệt cho Hiệp. Thế mà tôi lại không biết điều đó. Sự xuất hiện của tôi đã làm thay đổi mối quan hệ của Hiệp và Bích chăng? Hiệp có tình ý gì với tôi như lời Bích nói không? Tôi chợt nhớ lại những bài thơ "con cóc" của Hiệp đã gởi cho mình và giật mình khi nhận ra một điều tai hại : toàn bộ những bài thơ của Hiệp gởi tôi đều qua khâu "trung chuyển" là Bích. Hiệp đã không nhận tình cảm của Bích dành cho mình mà lại còn gởi thơ cho tôi qua Bích. Có lẽ Hiệp chỉ nghĩ đơn giởn Bích là bạn thân của tôi mà thôi. Vì thế Hiệp gởi bài thơ "nàng tiên áo trắng" ghi lại kỉ niệm tôi Bích và Hiệp cùng đến nhà nhỏ An ở cù lao khi An bị bệnh, Bích đã gọi tôi là nàng tiên. Lúc ấy tôi còn đùa Bích: Ai là tiên trong mắt Hiệp? Bài thơ có đoạn:
" Em hiện ra giữa cù lao sông nước
Từ thủy cung hay tiên nữ giáng trần
Em tung tăng , hồn ngập tràn mộng ước
Ao trắng trinh nguyên mang dáng dấp thiên thần ".
Không nén nổi tò mò, tôi lại lật tiếp nhật ký của Bích ra đọc:
Ngày… tháng… năm…
Ta đã khóc vì Hiệp ư?Đúng là trẻ con. Như vậy gọi là thất tình hay là yêu đơn phương? Ta không biết nhưng chỉ cảm thấy buồn ghê gớm. Không muốn khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Ta không muốn phấn đấu gì nữa… Không muốn hoạt động gì nữa…. Không muốn hoạt động gì cả…
Ngày…. Tháng… năm…
Ta cứ tưởng bạn thân của mình là Mai nhưng người thấu hiểu tâm trạng của mình lại là Diễm Hằng. Diễm Hằng hiểu nỗi khổ đau đang dằn vặt trong lòng mình và những lời nói của Hằng đều có lý. Hiệp không đẹp trai, nhà cũng chẳng giàu có gì, thế mà mắc chứng gì phải đau khổ vì Hiệp chứ? Trong khi đó Phong lại hơn hẳn Hiệp mọi điều, Phong lại đeo theo đuổi mình.Mình cũng chẳng biết nữa nhưng đi chơi với Phong mình cứ cảm thấy lo lo thế nào ấy…
Tôi xếp cuốn nhật ký của Bích trả lại chỗ cũ. Hèn gì dạo này Bích học xuống hẳn. Những buổi học chung giữa tôi và Bích cứ thưa dần. Tôi cảm thấy Bích như đang tìm mọi cách xa lánh tôi. Điều này không làm tôi lo bằng mối quan hệ giữa Bích, Diễm Hằng và Phong. Phong vốn là chàng trai con nhà buôn bán khá giả ở thị trấn. Họ học chung với nhau từ năm lớp 11 nhưng Phong học yếu, bị thi lại và không qua nổi nên Phong bị ở lại lớp 11. Có lẽ vì quê với bạn bè nên cậu ta đã bỏ học luôn. Cứ nhìn mái tóc nhuộm vàng giống kiểu ca sĩ nổi tiếng cũng đủ thấy tính cách ăn chơi của Phong. Phong lại kết với Hằng cho nên Diễm Hằng nói tốt cho Phong là điều tất nhiên.Tôi buồn cho Bích vì tính cả nể của nó. Không biết Diễm Hằng nói những gì mà Bích thường xuyên đi với nó, la cả ở các quán nước, quán chè. Hay là Bích muốn cặp bồ với Phong để thỏa mãn tính tự ái. Tôi biết làm gì để giúp Bích hiểu và giải tỏa được những hiểu lầm đang đè nặng trong lòng Bích đây. Tôi chỉ còn cách bàn với Hiệp và trình bày với cô vấn đề của Bích để mong cô và Hiệp giúp đỡ. Sau khi nghe tôi trình bày hết mọi vấn đề, cô và Hiệp đều thống nhất với những phán đoán của tôi. Bích đang hiểu lầm quan hệ của tôi và Hiệp nên chúng tôi cố gắng đừng gây thêm sự hiểu lầm để Bích tránh đi mặc cảm. Mặc khác, tôi sẽ tìm mọi cách để kéo Bích về với tình bạn của chúng tôi, tránh xa Phong càng sớm càng tốt. Đến khi ra về, Hiệp còn dặn nhỏ:
- Mai nhớ theo sát Bích nha. Mình thấy Phong không phải là tay vừa đâu.
Tôi gật đầu nhưng trong lòng đầy lo lắng. Phải làm gì đây để giúp Bích tỉnh ngộ. Tôi đem những băn khơan ấy tâm sự với bố, ai ngờ bố cũng nhận thấy sự thay đổi của Bích. Bố cũng thắc mắc như tôi:
- Cỡ này nó lạ ghê lắm. Không thèm tâm sự với tụi mình, toàn đi chơi với Hằng tóc đỏ thôi.
Tôi cũng xin nói thêm là Hằng có lần đã nhuộm cả mái tóc màu đỏ theo môđen nhưng sau đó Ban giám hiệu đã bắt Hằng phải đi nhuộm đen trở lại nếu không sẽ bị đuổi học. Mái tóc đỏ của Hằng đã trở lại với bản gốc của nó nhưng Hằng đã chết danh " Hằng tóc đỏ" ( giống nhân vật Xuân tóc đỏ trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) Sau khi nghe kế hoạch bám sát đối tượng của tôi, nhỏ Bố đã đồng ý hợp tác. Bố chịu trách nhiệm theo dõi Phong vì nhà Bố gần nhà Phong và chủ yếu là gần mấy cái quán cà phê vườn mà Phong thường tới. Còn tôi phụ trách việc theo dõi Bích. Nghe kế hoạch của bọn tôi, Hiệp cười chọc ghẹo:
- Có cần đặt tên là phương án " Ba bông điên điển" không hở hai điệp viên " không không thấy".
- Ông đừng có đùa. Bổn phận của ông là hỗ trợ tác chiến khi cần thiết đó.
- Trời ơi cần gì tui. Chỉ cần 1 cú đá "song phi cước" của võ sĩ đai xanh là tên Phong đủ nhớ đời rồi…
- Cho ông nhớ đời nè…
Nhỏ Hồng bật dậy tấn công Hiệp nhưng Hiệp đã nhanh chân chạy mất. Được cái nhỏ Hồng chẳng giận ai lâu với tấm lòng hiệp sĩ nên "vụ án" này Hồng tham dự rất hào hứng. Và dịp may đã đến. Sau hơn 10 ngày theo dõi tích cực, một buổi trưa nhỏ Hồng đã gọi điện thoại "nóng" cho tôi:
- Ê nhỏ, thằng trời đánh đang ngồi hát karaoke ôm đó mày. Quán đó gần nhà tao. Làm sao bây giờ.
Sau một hồi cần nhắc, suy tính, tôi bàn kế để nhỏ Hồng lại rủ Bích đến quán hát Karaoke. Đây cũng là điều kiện tốt để Bích nhận ra bộ mặt ăn chơi trác táng của Phong để sẽ rời xa nó. Còn tôi sẽ lại quán nhưng ẩn ở vị trí nào đó để có tiếp ứng với Hồng khi cần thiết. Kế hoạch bàn xong nhưng chưa tìm được lý do nào hợp lý để họ xuất hiện ở quán "mây tím" đó đây.
- Nè Bố, nhỏ Bích có biết sinh nhật của Bố không?
- Hình như không?
- Trời ơi, việc hệ trọng đó. Bố phải xác định rõ là biết hay không?
- Chắc là không, vì từ hồi đó tới giờ ta có tổ chức sinh nhật sinh nháo gì đâu.
-Tốt rồi. Bố lấy cớ sinh nhật muốn đi ca thử nên rủ Bích cùng đi. Tui sẽ giấu mặt nha và đến điều nghiên trước nha.
- Ô kê, duyệt.
Thế rồi chẳng biết Hồng có tài ăn nói như thế nào mà đã rủ rê được nhỏ Bích tới quán Karaoke " Mây tím" . Tôi đến quán trước và có nhiệm vụ quan trọng là phải xác định Phong đang hát ở phòng số mấy, đánh dấu để nhỏ Hồng trong vai diễn đi tìm phòng đã vô tình vào phòng của Phong để Bích tận mắt chứng kiến. Và khi Hồng mở cửa căn phòng số 6 thì Bích đã nhìn thấy chàng Phong hào hoa vừa ôm hai em tiếp viên vừa ca mấy bài hát tình tứ bằng cái giọng đâm hơi của hắn. Bích đã bật khóc và bỏ chạy. Vai diễn của Hồng đã thành công. Cũng may mấy ngày sau, Phong lại dính vào một vụ đánh nhau theo kiểu xã hội đen và cả bọn Phong đều bị mời về đồn. Lần này thi hình tượng hào hoa của Phong công tử đã sụp đổ. Bích không khóc trước mặt tôi nhưng tính hồn nhiên vô tư của nó đã bị thay thế bằng bộ mặt trầm buồn. Theo lời cô, Hiệp và Hồng, tôi đã gần gũi Bích, rủ Bích tham dự những hoạt động Đoàn, đi thăm gia đình những bạn khó khăn, đi dự sinh nhật… Nói chung là không để Bích có thời gian buồn phiền mà tham gia những hoạt động vì lớp vì Đoàn. Tôi và Hồng còn đến nhà Bích ngủ để cùng học đêm với nó. Ai đó đã nói : " Thời gian như liều thuốc chữa lành mọi vết thương". Với Bích, tình bạn chân thành của bọn tôi đã là liều thuốc tốt nhất để giúp Bích trở lại là người bạn dễ thương như thuở nào.