Từ ngày thằng Thăng lộ rõ bản chất nghịch tặc, cụ Nguyễn buồn quá hóa bệnh, rồi sau cơn bệnh thì điếc đặc tai bên trái. Ai muốn thưa chuyện với cụ, phải nói thật lớn.
Vợ chồng ông Hòa lên lầu một rót rượu mời cha, cụ Nguyễn cầm ly rượu hít một hơi thật sâu, thơm bỏng mũi, rồi nhẩn nha uống từng chút, từng chút. Con trai hỏi:
- Ba à, ba hài lòng với ngôi nhà mới chứ?
- Hả?
- Ba thấy nhà mình thế nào?
- Anh nói sao, thằng Thăng lại làm chuyện bậy bạ chi đây?
Bà Lịch đến bên cụ Nguyễn, nói từng tiếng chậm rãi, và cụ Nguyễn hiểu ra câu hỏi của Hòa.
Cụ nhìn xung quanh căn phòng riêng của mình, nhìn cách bài trí trong phòng, gật gật đầu.
- Ai dè cái thằng ngật ngà ngật ngưỡng chán học ham chơi mà chí thú lạ! - Cụ đang nói về Hùng Tâm, cháu nội, con thằng út của mình - Nó là đứa có hiếu!
Cụ Nguyễn rất hài lòng. Căn nhà cổ trước đây suốt ngày phải mở đèn, nếu không thì tối om như hũ nút, nay trở thành một tòa nhà đúc, thuộc loại đẹp nhất đường Hàm Nghi, trong hàng nhà phố. Ngày ngôi nhà cũ bị đập phá, cụ Nguyễn thức trắng đêm. Cụ nhớ lại thời trai trẻ, hai vợ chồng hết lòng thương yêu chiều chuộng nhau và chiều chuộng các con. Ngôi nhà cổ trở nên một phần đời của cụ! Nó từng là nơi cụ dạy chữ, dạy làm người cho hàng trăm học trò. Nó từng là cơ sở liên lạc của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nó tiếp tục là cơ sở của cách mạng những năm kháng chiến chín năm và kháng chiến chống Mỹ. Con trai trưởng hy sinh như một anh hùng trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Con trai kế là đại tá. Lẽ ra nó phải lên tướng từ lâu rồi kia. Bị cái nó đào hoa tưng bừng! Tiếng thế chứ cụ biết đại tá Hòa con cụ rất thương vợ thương con, nó đâu phải loại đàn ông không nhân cách! Hai cháu nội của cụ là liệt sỹ. Con dâu của cụ là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Con trai út của cụ là bác sỹ ngoại khoa danh tiếng nhất Sài Gòn, đang làm việc ở một bệnh viện lớn của Hoa Kỳ. Cụ vui, thiệt vui! Tứ đại đồng đường! Cháu nội cụ: hai đứa Trung, Thành đã xả thân vì nước! Cháu Hùng Tâm, cháu gái Phương Nam đều thông minh, hiền thảo, học thành tài. Cụ vô cùng biết ơn Tổ tiên, Trời Phật đã cho cụ đại gia đình tuyệt vời và cho cụ sức khỏe phi thường! Cụ thọ chín mươi chín tuổi, da đỏ au, râu tóc trắng như tuyết, ăn uống ngon miệng, đi đứng thẳng thớm, không bệnh tật gì ngoại trừ cái tai cụ bị ù, nói nhỏ không nghe rõ. Cụ vẫn thả bộ mỗi buổi sáng từ nhà mình ra bến Bạch Đằng để nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm thành phố đang đổi thay rất lẹ… Sáng nào cụ cũng đi bộ trên đường Hàm Nghi ra bến Bạch Đằng tập thể dục một tiếng, từ năm giờ đến sáu giờ. Tối thì tập nửa tiếng, cũng bên bờ sông Sài Gòn. Ngày nào cũng thế.
Người sống qua ba thế kỷ như cụ là quá hiếm. Sống thanh thản và hạnh phúc như cụ lại càng hiếm hoi.
Mùa Xuân năm 1995, sau Tết Nguyên đán mười ngày là tới ngày mà một trăm năm trước cụ Nguyễn Quang Minh cất tiếng khóc oa oa chào đời. Gia đình ông Hòa tổ chức lễ đại thượng thọ mừng cụ Nguyễn tròn trăm tuổi.
Cụ Nguyễn hồng hào trong bộ quần áo thượng thọ bằng lụa đỏ. Ngôi nhà đầy bông: bông hồng, bông cúc, bông lan... quá trời bông! Có lẵng hoa của Chủ tịch thành phố; lẵng hoa của Mặt trận Tổ quốc thành phố. Có lẵng hoa của Hội người cao tuổi Việt Nam. Có lẵng hoa của Bộ Tư lệnh thành. Có một đài hoa kết từ một trăm bông hồng Đà Lạt, cao tới hai mét. Đó là đài hoa của cháu gái Nguyễn Phương Nam tặng ông nội. Từ sáng sớm, bạn bè của các con, các cháu thi nhau chụp ảnh, quay phim. Phương Nam trong chiếc áo dài trắng, giản dị mà đẹp mê hồn. Cô hướng dẫn khách lên phòng khách ở lầu một để chúc thọ cụ Nguyễn. Phòng khách này được thiết kế đặc biệt sang trọng, rộng tới sáu chục mét vuông, mang dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn in đậm hồn Việt! Phần nghi lễ chúc thọ cụ Nguyễn diễn ra tại phòng khách này. Bữa tiệc mừng thọ tiếp một trăm rưởi thực khách được chia làm hai nơi: tại phòng khách có sáu bàn tiệc, dành cho các vị khách từ trung niên trở lên. Trên sân thượng có mái che thiết kế rất điệu, được xây dựng thành một sàn nhảy hiện đại, kê hai dãy bàn làm tiệc đứng, dành cho lớp trẻ. Thực đơn của bữa tiệc là cả một câu chuyện dài. Xin tóm tắt như sau: Ông Hòa bảo đón khách chúc thọ xong thì mời quý khách sang nhà hàng ở kế nhà mình, thực đơn ra sao thì tùy, nhưng phương châm là không xa hoa, không lãng phí, phải tiết kiệm kẻo người ta cười cho! Đồng bào vùng lũ lụt đang đói nhăn răng mà mình hoang phí là có tội! Phương Nam nhìn cha, thầm nghĩ: Đúng là phương pháp tư duy của một sỹ quan quân đội! Bà Thanh Lịch thì nói:
- Phải làm cho xôm tụ, nhưng làm tại nhà. Tôi sẽ kêu bà Tư Mắm là người nấu tiệc cưới nổi tiếng Sài Gòn hiện giờ, mang đồ ăn, bàn ghế chén dĩa đến phục vụ tại nhà! Chỉ hai trăm ngàn một bàn mười hai người, chưa kể đồ uống! Rẻ rề!
Phương Nam nghe má nói, rùng mình nhớ đến những bữa tiệc cưới mà tuần nào cô cũng phải đi dự, mở đầu thế nào cũng có món gỏi: đầu heo luộc làm từ sớm, chua lòm, tôm với thịt gà Mỹ thì nhũn nhùn nhùn, ăn vào đau bụng, kế đó là món xúp lõng bõng không biết nấu bằng thứ gì, cua hay là giả cua? Rồi gà công nghiệp hấp cải bẹ xanh ăn với bánh bao, hoặc là vịt hầm nấm, rồi cá lóc nướng cuốn bánh tráng, và kết thúc là cái lẩu tả pí lù ăn với bún xì xà xì xụp! Cả bữa ăn, bói không ra một chén nước mắm ngon, rặt nước tương y hệt người Tiều, người Quảng. Nghĩ đến là hết muốn ăn rồi! Hùng Tâm nhìn chị Nam đang rợn mình nổi da gà, liền lên tiếng:
- Thưa ba bác! - Giọng Tâm oang oang, nhưng ấm áp.
Từ ngày mới giải phóng, ông Hòa đã luôn coi thằng cháu Tâm như con đẻ. Khi ba má nó xuất ngoại, nó không đi mà ở lại vì yêu Sài Gòn, ông Hòa và cụ Nguyễn bảo đúng là con giòng cháu giống! Truyền thống yêu nước thương nòi của gia đình cụ Nguyễn xem ra truyền từ đời này sang đời khác. Bà Lịch cũng yêu quý cháu Tâm như con, nhất là khi các con trai bà lần lượt bỏ bà mà đi… Bà thấy mình bớt cô độc giữa cuộc đời khi nhìn trước nhìn sau còn có cháu Thăng là đích tôn, Tâm là cháu kêu bằng bác, và, tất nhiên là con gái Phương Nam. Chuyện thằng Thăng hư đốn là bi kịch thường xuyên của gia đình, nó khiến vợ chồng bà nhiều phen căng thẳng, tưởng muốn xa nhau. Chuyện ghen tuông với bà hai xứ Kinh Bắc ngày mới giải phóng cũng không đến nỗi khiến bà Lịch căng thẳng với chồng như thế. Chồng bà đẹp trai, tài ba, số đào hoa, năm thê bảy thiếp là đương nhiên, ổng có một bà Yến là giỏi quá trời, là thương bà hết sảy rồi, ghen tuông là dại dột, là hổng biết điều! Vả lại, việc ổng lấy vợ hai là vấn đề của lịch sử, hoàn cảnh lịch sử nó buộc như thế chứ thực ra ổng vẫn rất nhớ thương mình! Ảnh đã sống trong cảnh ngày Bắc đêm Nam từ khi tập kết đến tận năm 1965 kia mà. Nếu không được hung tin vợ bị bắt rồi mất tích thì đâu đến nỗi! Bà Lịch tự an ủi mình như thế!
- Theo cháu, - Tâm sôi nổi, gương mặt chữ điền, cằm bạnh, đôi mắt thì không thể lẫn đi đâu được, y hệt ông nội và bác ba Hòa! - như ý của bác Ba là trúng! Gia đình ta phải quán triệt ý kiến chỉ đạo của bác Ba (Tâm bắt chước giọng nói của ông Hòa) là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí! Nghĩa là làm món gì thì khách ăn phải thấy ngon miệng và ăn kỳ hết, không dư! Thế mới là hiếu khách và thật sự tiết kiệm…
Nhìn khắp lượt, biết mọi người chú ý nghe mình nói, Tâm rút trong túi quần ra tờ giấy in từ computer. Nhìn tờ giấy A4 trong tay Tâm, ông Hòa, bà Lịch và bà Yến đều cùng nghĩ như nhau: À, thì ra cháu mình nó chuẩn bị sẵn cả rồi! Bọn trẻ bây giờ chu đáo quá trời!
- Lễ đại thượng thọ ông nội tròn trăm tuổi là dịp cực kỳ quan trọng, nó là phúc đức của gia đình và giòng họ ta! Đồng thời, đây cũng là dịp mừng tân gia nữa! Và… nếu con không lầm thì từ ngày nghỉ hưu đến giờ, mấy tháng rồi, bác Ba chưa có dịp tiếp bạn bè cũ để hàn huyên! Vậy, con đề nghị bữa tiệc hôm nay phải quán triệt tinh thần tiết kiệm, nhưng phải lịch sự, ngon miệng, đồng thời phải đậm đà bản sắc dân tộc! Con nhấn mạnh: phải thật lịch sự và ngon miệng, phải làm sao để khách ăn hết tất cả các món ăn, ăn rồi về nhà rồi cứ tấm tắc khen hoài, đi bất cứ bữa tiệc nào cũng cứ phải nhớ đến, nhắc đến bữa tiệc này! Nào, chị gái xinh đẹp, - Tâm đưa tờ giấy cho Phương Nam - xin chị đọc lớn lên cho cả nhà nghe!
Phương Nam thoáng ngạc nhiên nhận tờ thực đơn, hắng giọng rồi đọc:
Món đầu tiên: Gà ác tiềm thuốc Bắc. Yêu cầu: Đúng là thuốc Bắc chính hiệu Tàu, phải tiềm trong thố, cách thủy, dọn ăn cho mỗi người một thố. Món này bổ và sang, khai vị bằng món này có sức thuyết phục rất lớn! Thứ hai: Xôi vò, thịt gà mái dầu luộc. Xôi vò nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng miền Bắc, đậu xanh miền Bắc. Thịt gà mái dầu luộc, phải đúng gà mái dầu, mới rớt tám hột. Gà tơ chưa đẻ thì thịt nhão, không ngọt. Gà đẻ hai ba lứa thì là gà già. Phải là gà đã đẻ tám trứng, mới thơm, vừa đủ mềm mà dai, ngọt, ngon số dách, đúng là nhất hạng thế giới gà! Hai món trên, thực ra là ba món, vừa rất bổ dưỡng, vừa rất là bản sắc dân tộc! Ăn hết ba món này, bụng lưng lửng rồi, mời quý khách tiếp tục cụng ly, uống rượu, trò chuyện trong khi chờ món thứ tư. Tiệc có nhiều món, cho nên mỗi món dọn ra với dung lượng vừa phải, để quý khách không bỏ sót những món sau! Món thứ tư thì mời quý khách thưởng thức bằng mắt trước: thịt nai ướp các loại gia vị đặc biệt, phải ướp đủ hai tiếng đồng hồ, nướng xèo xèo trên hỏa lò than đước rừng U Minh, nướng ở bàn bên cạnh, không làm nóng và khói không ảm vào tóc tai quần áo quý khách! Món này ăn với bánh tráng cuốn rau sống và thảo hương. Rau sống, thảo hương (tức rau thơm) phải là rau sạch gồm đúng mười một loại: ba trái, tám lá! Đó là dưa leo, chuối xanh, khế không chua quá (xắt thiệt mỏng), xà lách, rau húng quế, rau húng cay, rau húng dũi, rau dấp cá, rau kinh giới, rau tía tô và ngò gai (miền Bắc kêu bằng mùi tàu). Bánh tráng phải là bánh Trảng Bàng phơi sương (tối kỵ loại bánh tráng như giấy pơ luya rất dởm!). Món thứ năm là chả cá Lã Vọng, phải làm bằng cá lăng tươi, đúng cách Lã Vọng cổ điển là phải nướng trên hỏa lò chứ không xào. Món này là số dách, ai cũng thèm. Cuối cùng, có một món ăn mà đố ai kêu ngán! Món này gồm bốn năm thứ sánh vai nhau, gắn khăng khít với nhau: cơm trắng nấu bằng nàng thơm chợ Đào hoặc tám thơm miền Bắc, cá rô mề kho tộ kèm dưa cải chua, canh chua cá bông lau (dành cho người thích ăn món Nam), canh cua đồng rau đay mồng tơi mướp, cà pháo mắm tôm (dành cho người thích ăn món Bắc). Yêu cầu của tổ hợp món ăn này là phải nóng, canh cua đồng phải là cua giã bằng chày, cối đá chứ không được dùng cua xay máy, cua xay máy còn dính nhiều bùn, lại chưa lột yếm, lấy phổi, hoi và dơ bẩn lắm, không đúng kiểu! Tráng miệng gồm bưởi Năm Roi, vải Thiều Thanh Hà. Đồ uống (con đã có mối sẵn, là bạn con chuyên kinh doanh rượu Tây, giá phải chăng và đúng rượu thứ thiệt) sẽ dọn đủ sáu loại ly: ly uống sâm banh, ly uống vang đỏ, ai thích uống vang trắng thì tùy nghi, ly uống Cognac Henneesy, ly uống Whisky Scotch loại đầu bảng là Chivas Regal, cuối cùng là ly uống bia Heineken và ly uống nước ngọt. Về chi phí, lẽ ra con không kê ra, nhưng biết rằng thế nào các bác cũng hỏi nên con xin trình bày: Toàn bộ chi phí cho bữa tiệc nói trên, tưởng là mắc hóa ra không mắc nếu so với đặt tiệc tại nhà hàng. Bình quân mỗi bàn mười người chỉ hết bảy trăm ngàn đồng. Dạ, chỉ bảy trăm ngàn đồng là nhòe1! Phải tạo ra không khí gia đình ấm cúng trong bữa tiệc. Chén bát đĩa, ly tách phải là đồ sứ Minh Long, sứ cao cấp, có kiểu dáng và hoa văn mang đậm hồn Việt, đã và đang danh tiếng trên thế giới. Phục vụ phải là nam thanh niên, trẻ khỏe, đồng phục sơ mi trắng tay cài măng sét, thắt cà vạt, quần tây, đi giày da đen, vớ đen. Con đề nghị bác Lịch mời nhà nấu đến thương thảo, nếu đáp ứng mọi nhu cầu trên thì đặt, bằng không thì chỉ đặt những món Nam, còn những món Bắc, để con nhờ đệ tử trong công ty con, quen thân với nhà nấu từ Hà Nội vô làm ăn tại Sài Gòn đã hai năm nay rồi, đông khách tưng bừng!
Giọng trong vắt, diễn cảm của Phương Nam vừa dứt, ông Hòa nhìn bà Lịch, bà Lịch nhìn bà Yến, bà Yến nhìn chồng. Họ không còn biết nói gì! Đúng lúc đó Phương Nam lên tiếng:
- Con ủng hộ đề án của Tâm! Đó là một đề án hết sảy! Nếu Tâm đồng ý, Nam sẽ công bố đề án này là Luận án tiến sỹ văn hóa ẩm thực, với các món ăn đậm đà bản sắc Việt Nam!
Bà Lịch mắng yêu:
- Nói chuyện ăn nhậu thì chị em bay hạp nhau như cá lóc hấp cuốn bánh tráng chấm mắm nêm còn gì! Quả là em hát chị khen hay! - Nói rồi quay sang bà Yến - Mẹ Yến tính sao? Con nó vẽ rồng vẽ rắn như vầy, tôi thấy khó mà quán triệt tinh thần của ba nó là tiết kiệm…
Nói rồi, bà Lịch nhìn chồng cười rất duyên. Phải thừa nhận rằng bà Lịch không thua chồng về cái nụ cười… chết người! Năm xưa, cậu học sinh trường Petrus Ký đeo dính bà Lịch như sam chính là vì nụ cười và mái tóc của bà. Bà Lịch năm nay sáu mươi bảy tuổi nhưng da mặt vẫn đầy đặn, đôi mắt vẫn đen và tinh anh, nụ cười rất tươi. Nhìn vào gương mặt bà, thấy ngời ngời nhân hậu. Trong khi bà Lịch nói, bà Yến rót nước mời chồng và mời chị Lịch, mặt rạng ngời, miệng tủm tỉm cười, không biết nói gì!
Ông Hòa nhìn cả nhà vui vẻ, mà lòng ông xót xa khi nhớ tới thằng Thăng hư đốn, giờ này nó đang quậy phá nơi nào. Từ ngày bị đuổi khỏi Z007, nó rất ít khi ăn cơm nhà, nó tránh mặt mọi người trong nhà. Đêm khuya thật khuya nó mới mò về, leo lên phòng riêng để nguyên quần áo giày vớ mà ngủ như thằng chết rồi. Hòa miên man suy nghĩ, quên phắt mất rằng hai vợ và các con đang chờ ông quyết.
Tâm ơi, cháu có ý chí, thông minh, chu đáo, sắc sảo, hiếu thảo đến thế. Còn thằng Thăng, nó được cả nhà chăm bẵm dạy dỗ từng ly từng tí, lại thành phá gia chi tử là sao? Bố giỏi giang, anh hùng mà con thì lêu lổng, chỉ quen hưởng lạc, là sao hả Trời? Người ta bảo, nhà nào cũng phải có một đứa lạc loài. Thằng Thăng kể như trái độc!
Thấy chồng không nói gì, đôi mắt nhìn như vô định, bà Lịch nhắc:
- Kìa, ba quyết đi chớ!
- Vậy sao? Tôi phải quyết sao? Thôi, tôi già rồi, lạc hậu rồi, từ ngày xây nhà mới đến giờ, tôi thấy con cháu khôn ngoan, trưởng thành, tôi vui lắm lắm, hai bà biết không? - Ông Hòa đưa hai bàn tay đặt lên vai hai người vợ hiền của mình - Thôi để chị em Tâm, Nam quyết chuyện này, hai bà nghĩ sao?
- Em nhất trí!
Vẫn giọng bà Lịch, còn bà Yến chỉ cười, cười rất tươi. Gương mặt của người đàn bà xứ Kinh Bắc đẹp một cách nền nã, hiền thảo, khiến bà Lịch cứ muốn ngó hoài!
Ông Hòa tuồng như không biết hai bà vợ của mình đang trò chuyện gì sau đó, ông chìm vào luồng suy tư về những đứa con của mình. Nguyễn Anh Trung và Nguyễn Trung Thành, con gái rượu Nguyễn Phương Nam xinh đẹp nết na, và thằng cháu Hùng Tâm tẩm ngẩm mà thương ông thương bác sâu nặng… Cha con ông, tức cụ Nguyễn và ông rất tự hào. Con hơn cha là nhà có phúc! Cha ơi! Cha sống trăm tuổi, thấy các con các cháu thành đạt, chắc chắn cha sẽ thọ nhiều hơn nữa, nếu như gia đình ta không gặp quả đắng, thằng Thăng!
Cuối năm 1994, Hai Sài Gòn về hưu, việc đầu tiên ông đã làm được là lo việc làm cho thằng Thăng. Ông chưa kịp tự thưởng cho mình về thành công ấy thì thằng Thăng đánh nhân viên bảo vệ gãy be sườn, bị đuổi khỏi nhà máy, phải bồi thường cho nạn nhân để xin bãi nại. Chưa đầy hai tháng sau, thằng Thăng lại đua xe gây tai nạn nghiêm trọng. Một thanh niên đang trên đường chở người yêu đi gửi thiệp mời đám cưới, bị xe của thằng Thăng đụng chính diện, xe của băng Rồng Xanh từ phía sau cán tiếp. Chàng trai gãy cả hai chân, còn cô gái thì bị chấn thương sọ não! Hai chục cây vàng Hùng Tâm đưa cho bác, thế là nướng cả vào chuyện bồi thường, chăm sóc cho nạn nhân. Tai tiếng rần rần trên mặt báo, trong cuộc họp giao ban của Ban nội chính thành phố, người ta đòi nghiêm trị những tên đua xe gây rối, gây tội ác.
Thà cứ cho nó ngồi tù lại đỡ đau lòng hơn, đỡ xấu hổ với bạn bè đồng chí!
Ông Hòa nghĩ vậy, cho nên khi bà Lịch cãi ông, tự ý chạy chọt cho thằng Thăng, hai người thề không bao giờ nhìn nhau!
Nhưng lần này thằng Thăng phải ngồi tù thật! Nó đã hết tuổi vị thành niên, mười tám tuổi, phải lãnh án ba năm tù ở. Bà Lịch lại chạy chọt, mãi mới giảm được án xuống còn một năm. Tóc ông Hòa gần như bạc trắng, tóc bà Lịch thì trắng xóa từ lâu rồi. Cú này, ông Hòa mâu thuẫn vô cùng gay gắt với bà Lịch. Trước vụ này, ngay sau khi thằng Thăng bị đuổi khỏi nhà máy, ông Hòa đã quyết định cho cái thằng trời gầm đi trại cải tạo lần thứ hai, nhập trại ở miền Bắc, nhưng bà Lịch không nghe! Bà thương cháu côi cút, vẫn lén ông Hòa cung phụng tiền bạc cho nó. Ông Hòa phát hiện ra. Quả là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà! Các cụ nói có bao giờ sai. Vợ chồng ông Hòa cãi nhau, không thèm nhìn mặt nhau, không thèm ngồi ăn chung bàn. Mẹ thằng Thăng, sau cú sốc này phải đi nằm viện, lâm bệnh ung thư buồng trứng. Còn đại tá Hòa, sau một trận cãi cọ nảy lửa với bà Lịch, bay ra Hà Nội ở lỳ ngoài đó suốt hai tháng, đến khi con gái út bay ra năn nỉ mãi ông mới trở lại Sài Gòn để tổ chức lễ đại thượng thọ cho cha!
- o"o -
Sống trên cõi nhân gian này, phần đông con người ta lạc vô cõi mê chứ có mấy ai thường xuyên tỉnh táo nhìn lại những bước đi của mình? Chỉ khi nào anh phải vô nhà thương điều trị vài tháng, hoặc bị bồ đá, hoặc là khi gia đình lủng củng, cơm không lành canh không ngọt, thì lúc ấy, anh mới chịu nhìn lại mình.
Hai tháng trời ở Hà Nội, ông Hòa đi đây đi đó gặp lại nhiều cố nhân, vui nhiều, nhưng đêm về, ông nhìn lại những năm đã qua…
Khi Nguyễn Kỳ Hòa tham gia Thanh niên Tiền phong, khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc cách mạng tháng Tám 1945 tại Sài Gòn thì cũng là lúc Trần Thanh Lịch đang học những ngày đầu tiên của trường Gia Long1. Khí thế cách mạng sôi sục, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân Sài Gòn, Chợ Lớn. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa quân cách mạng đang còn trứng nước với thực dân Pháp dẫn đến việc quân ta lần lượt rút ra khỏi thành phố. Cha mẹ Lịch hy sinh cùng một ngày! Thanh Lịch mới mười bảy tuổi, chôn cất cha mẹ xong, nén đau thương đi tiếp tế cho Việt Minh. Lịch gặp Kỳ Hòa bô trai, phong trần… đúng là típ người mà các nữ sinh thành phố mong ước. Còn Thanh Lịch, mang đặc trưng người gốc Hà Nội, da trắng tóc dài, mặt trứng ngỗng, mũi cao, gương mặt toát lên vẻ dịu dàng đôn hậu, nhìn vào là thấy tin tưởng. Tình yêu nảy nở vô cùng lãng mạn…
Năm 1947, họ thành vợ chồng. Thằng Trung, thằng Thành lần lượt chào đời. Đầu năm 1955, Hòa đi tập kết, tháng Chạp năm Ất Mùi, Thanh Lịch sinh con trai thứ ba, ông nội đặt tên Nguyễn Ngọc Bảo. Hai thằng lớn giống cả cha lẫn mẹ, duy có thằng út giống mẹ nhiều hơn, không cao lớn như cha, chỉ giống cha ở đôi mắt và cái miệng. Số nó vắn, chỉ sống được hơn một năm thì qua đời! Cha con không biết mặt nhau! Khi ông Hòa tập kết ra Bắc, cấp trên cho phép mang một đứa con đi cùng. Thằng Trung không chịu đi, nó bảo để nó ở Sài Gòn chăm ông nội và phụ giúp má. Thế là thằng Thành đi tập kết. Chủ nhật nào Hòa cũng cho con ra hồ Hoàn Kiếm ăn kem. Thằng Thành có thể ăn hết một lúc cả chục cây kem. Nó có thể ăn kem trừ cơm, ngày nào ăn cũng được! Năm 1964, vì thường đi công tác xa, Hòa gửi con vào nội trú ở trường học sinh miền Nam. Thành mê học và học rất giỏi. Được tin vợ bị giết hại trong tù, đến năm 1965, ông mới tục huyền cùng cô gái xứ Kinh Bắc tên là Hải Yến.
… Hai Sài Gòn xếp hàng mua bia hơi. Hàng người dài quá mà bia hơi chỉ có vài bom1. Còn năm sáu người nữa mới tới lượt Hòa thì từ trong quầy hàng vang lên giọng nói ngọt như mía lùi:
- Xin quý khách thông cảm, đã hết bia rồi ạ!
Khát nước rát cả họng nhưng nghe giọng nói của cô nhân viên, tự nhiên Hòa thấy người khác hẳn. Hòa tiến đến quầy, sát liền cô gái, chỉ cách một vách ngăn thấp bằng lưới mắt cáo sơn xanh. Đó là một khuôn mặt lạ lùng: không trang điểm gì mà má hồng môi đỏ, mắt đen lay láy, cười rất tinh nghịch. Chiếc quần phíp đen cộc hẫng cộc hờ vì chủ của nó cao tới một mét sáu mươi sáu. Cái quần phíp cộc giúp Hòa nhận ra bàn chân thon, đầy đặn, mu bàn chân dày, cái gót chân hồng trên đôi guốc nhọn gót. Hết bia, Hòa mua một ly cà phê đá. Hai bàn tay cô gái trắng nõn nà thoăn thoắt đập đá và quậy cà phê cho sủi bọt lên như bọt bia. Nụ cười thật tươi, hàm răng thật đều, cổ cao ba ngấn, và… chao ôi bộ ngực gọn, căng tròn như chỉ chực bứt tung ra khỏi chiếc áo vải phin trắng cổ lá sen, cũng cộc hững cộc hờ như chiếc quần đen! Cái eo nhỏ quá!
- Em ơi, em tên chi dzậy em? - Giọng Nam Bộ, trầm và ấm như rót vô tai cô gái trẻ.
Cô gái ngước đôi mắt bồ câu đen nhánh lên nhìn người đàn ông, cười rất tươi:
- Anh đã nhìn tên em thêu trên ngực áo mà còn hỏi!
Cái cằm chẻ khiến khi nói, miệng cô gái cuốn hút người nghe bởi cái duyên ngầm và giọng nói trong trẻo, ngọt ngào.
- Em có mái tóc đẹp quá!
- Anh quá khen! Em gọi anh thế nào? Cà phê em pha có ngon không?
- Ngon, rất thơm và đậm đà! Anh là Nguyễn Kỳ Hòa, Ba Hòa, Hai Sài Gòn, em kêu tên nào cũng được! Anh Hai của anh hy sinh rồi nên trong đơn vị mọi người cho anh cái biệt danh: Hai Sài Gòn.
- Kỳ Hòa? Tên lạ nhỉ! Em đoán anh là bộ đội tập kết. Quê anh ở đâu?
- Nhà anh ở đường Hàm Nghi, trung tâm Sài Gòn.
- Chắc anh Hòa nhớ vợ con lắm nhỉ!
Mắt Hòa chợt như có đám mây xám kéo đến, nỗi buồn dâng lên ngập lòng. Nhận ra vẻ mặt buồn rười rượi của người đối diện, cô gái tên Yến hạ giọng như muốn nói riêng cho anh nghe:
- Anh buồn thế? Em xin lỗi, chắc là gia đình anh…
- Vợ anh chết trong tù rồi, chỉ còn cha anh và hai đứa con trai ở trỏng1.
- Cho hai cốc cà phê đá đây! - Giọng ồm ồm của một khách hàng cắt ngang câu chuyện của hai người.
Sau lần đầu tiên gặp Hải Yến, Kỳ Hòa như bị cô hút hồn. Ngay ngày hôm sau, Hòa ra Thủy tạ và được Yến nhận lời: Sau giờ làm việc tối nay, anh đưa Yến đi dạo.
Hòa đã chở Yến lên đê Yên Phụ. Độ ấy, sông Hồng đầy ắp nước đang đe dọa những đoạn đê xung yếu. Đêm ấy họ cuồng nhiệt hòa quyện vào nhau! Tình yêu sét đánh là thế! Từ đó, Hòa thường xuyên ra nhà hàng Thủy tạ, anh không còn phải xếp hàng nữa! Một bên là mặt hồ long lanh mây trời, in hình tháp Bút, đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, một bên là… Hải Yến, ngực bánh dầy mông dưa hấu, cổ cao ba ngấn trắng ngần, cằm chẻ và giọng ngọt trong, như có men làm say lòng Hòa. Hòa thường ưa ngồi ở sân lộ thiên, bên chiếc bàn con sát mép tường ngăn với hồ. Hòa ngồi đó, lặng lẽ ngắm em thoăn thoắt phục vụ khách hàng, chiếc quần phíp ống nhỏ, cộc hẫng cộc hờ khi em bước đi, hai gót chân như có cánh, phô ra cặp giò dài và thẳng, mông tròn và cong… Hòa lặng lẽ chiêm ngưỡng cho đến khi nhà hàng đóng cửa, anh đưa Yến lên đê Yên Phụ hoặc ra công viên hồ Bảy Mẫu… Có nhiều đêm đang yêu nhau thì trời đổ mưa rào, mưa ngoài Bắc dai như đỉa. Cả hai ướt như chuột lột cứ sùng sục trong chiếc áo mưa nhà binh. Kệ. Càng lạnh yêu nhau càng đậm đà, càng thú vị… Sáng chủ nhật, Hòa tới điểm hẹn, đèo1 Yến trên chiếc xe đạp Điamăng do Đông Đức sản xuất. Thời ấy, sỹ quan quân đội từ thiếu tá trở lên, còn cấp úy thì ưu tiên miền Nam tập kết, mới được phân phối loại xe này! Họ đi ăn phở, phở ngon và rẻ: ba hào một bát, rồi tới công viên Thống Nhất ngồi bên nhau, nhâm nhi cái kẹo dồi2 và kể cho nhau nghe chuyện miền Nam, chuyện hát quan họ, hội Lim… Một cuộc tình đầy thơ mộng trong không khí sục sôi chống Mỹ, mỗi người làm việc bằng hai chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Đơn vị đứng ra làm đám cưới cho hai người. Họ có con trai đầu lòng. Hòa đi B, Yến sanh Phương Nam năm Kỷ Dậu, một mình nuôi con, chờ chồng…
... Tiếng là ra Hà Nội nhưng thực ra ông Hòa chỉ ở bên bà Yến được đúng năm ngày. Thời gian còn lại ông đi đâu, làm gì? Ở Sài Gòn, bà Lịch vừa giận ông, vừa đau đáu nhớ thương ông, và tất nhiên, máu Hoạn Thư tưởng như đã tắt từ thuở nào nay lại trỗi dậy vô cùng dữ dội. Thế rồi, chính bà Yến chứ không phải ai khác đã thường xuyên thông tin cho bà Lịch về chương trình đi thăm thú các nơi của ông đại tá. Bà Lịch chả còn cớ gì để ghen khi mà cứ đi tới đâu, ông Hòa lại điện thoại về nói chuyện với cụ Nguyễn và với con gái rượu! Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, ông Hòa ở nhà hai ngày để… ngủ! Ông ngủ như chết, bà Yến lay gọi cách nào ông cũng không thể mở mắt. Suốt cả tháng trời, vì thằng cháu mất dạy, ông đã trắng đêm. Mắt thâm quầng, má hóp, da tái xám, ông mà vác cái mặt như vầy đi đây đi đó để bạn bè họ cười cho thối mũi chứ chơi à. Ở trên máy bay ông nghĩ thế và ông đã quyết định là phải ngủ liền tù tì một tuần cho lại sức rồi thì đi ngao du sơn thủy cho nó thanh cái tâm. Bà Yến nấu cháo cá quả1 thì là cho ông ăn. Nồi cháo hâm đi hâm lại ba lần, ông vẫn ngủ vùi. Rồi cháo tim gan, tôm he hấp bia, rồi canh cua rau đay mồng tơi mướp ăn với cà pháo chấm mắm tôm, rồi ốc thả lá gừng, ốc hấp thuốc bắc, chả cá Lã Vọng, cá song hấp nấm, gừng… tùm lum đồ ăn ngon, khoái khẩu một thời của đại tá Hòa. Vậy mà ông ngủ li bì đúng hai ngày hai đêm. Đến mười giờ sáng ngày thứ ba ông thức dậy, và ông ăn. Có lẽ chưa bao giờ ông đói ngấu và ăn khỏe như hùm beo vậy! Ông ăn gì cũng thấy ngon! Ông ăn suốt ngày hôm đó, vừa ăn vừa kể cho bà Yến nghe chuyện thằng Thăng, chuyện cãi cọ với bà Lịch, chuyện bán đất mà có nhà, rồi chuyện xây lại nhà Hàm Nghi, chuẩn bị làm lễ đại thượng thọ cho cha… Ông không để cho bà Yến kịp hỏi, kịp nói câu nào. Bà Yến chỉ có việc đi chợ, nấu ăn, nhìn ông ăn, và nghe ông nói. Ngủ đêm thứ ba ở Hà Nội, sáng sớm ngày thứ tư, một ông đại tá đang làm ở Bộ Tổng Tham mưu đưa ông đi Hải Dương thăm đền Kiếp Bạc, Côn Sơn. Kế đó ông đi Hải Phòng và lên Yên Tử, rồi xuống Hạ Long. Ông nghỉ ở Bãi Cháy ba đêm, đi thăm các đảo vùng Đông Bắc. Ông ra Móng Cái, tắm biển Mũi Ngọc, sang Đông Hưng (Trung Quốc) chơi một ngày, ngủ một đêm, rồi từ Móng Cái đi theo đường biên ngược lên Cao Bằng, về Lạng Sơn, lại tạt sang Bằng Tường (Trung Quốc) chơi hai ngày. Về lại Lạng Sơn, ông đi Sa Pa, lên Điện Biên Phủ, phóc sang Vân Nam. Xuôi Hà Nội, ông không về với bà Yến mà đi thẳng lên Hòa Bình, coi cái thủy điện Sông Đà nó ra răng mà người ta ca nó nhiều rứa. Ông ngủ một đêm với mấy ông bạn ở tỉnh đội Hòa Bình, uống rượu cần tại một bản Mường dưới chân dốc Cun, uống thâu đêm, uống chay, vừa uống vừa dán mắt vào ngực và mông mấy cô gái Mường làm du lịch… Từ Hòa Bình, ông về Hà Tây đi một loạt chùa: chùa Đậu, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Tây Phương. Từ Hà Đông, ông quẹo tay mặt sang Quốc lộ số Một trực chỉ Thanh Hóa, tắm ở Sầm Sơn một cái rồi lại trực chỉ Cửa Lò thành phố Vinh. Khi ông rời thành Vinh để ra Hà Nội, cuốn sổ tay của ông có dòng chữ: Hòa đã xa Sài Gòn ngày thứ hai mươi sáu! Trước khi vô Sài Gòn, ông ăn cơm với bà Yến được ba bữa trưa, ngủ ở nhà một đêm, còn toàn đàn đúm bạn bè bởi đã lâu quá không gặp lại… Những người bạn từ thuở tóc xanh, nay đã bạc phơ, con cháu đùm đề, vồ được ông, họ như trúng số độc đắc, níu kéo ăn nhậu, bắt ngủ lại để chuyện trò cho đã, cho bõ những ngày xa cách! Gặp lại bạn hữu, được đi thăm các danh lam thắng cảnh của đất nước, Hòa đạt được chỉ tiêu đề ra là thanh tâm, hồi sức! Ông như hồi xuân, cười nói rổn rảng, bia rượu thoải mái, hò hát í ới, y như ngày xưa, trẻ trung và vô tư cực kỳ. Ông xa bạn bè, xa Hà Nội từ năm 1969, hai mươi sáu năm trời còn gì!
Nghe chồng kể chuyện thằng Thăng, bà Yến khóc, suốt đêm khóc bên chồng vì thương nhớ thằng Thành mà bà coi như con đứt ruột đẻ ra. Không ngờ hòn máu duy nhất Trung Thành để lại cho gia đình, cho cuộc đời này lại trở thành nghịch tử! Đau quá! Trong khi vợ khóc, ông Hòa ngủ mê mệt, ngáy ầm ầm y hệt hai ngày đầu vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sáng mai ông vô Sài Gòn rồi. Hai mươi sáu năm mới trở lại Thủ đô mà ông đi biền biệt, chả ở gần bà được trọn một ngày, về tới nhà tắm rửa xong, ăn uống xong, mới trò chuyện được một lát là lăn ra ngủ liền như đứa trẻ thế kia!
Chả bù cho ngày mới quen nhau! Ngày ấy, ông Hòa đeo bà Yến như sam. Cưới nhau, hầu như chả đêm nào ông để cho bà ngủ. Sáng ra, ăn sáng xong, mệt quá bà ngủ thiếp đi, cũng bị ông dựng dậy để rồi cứ sùng sục sùng sục yêu nhau cả ngày. Bà Yến sung sướng vì được ông yêu thương đắm đuối, tự hào về sức khỏe của chồng. Không ít ngày ông yêu bà tới hai mươi mốt lần trong vòng hai mươi bốn giờ! Thế nên bà phải nhắc ông giữ gìn sức khỏe:
- Chiến tranh ngày càng ác liệt, anh phải điều độ để mà giữ sức còn chiến đấu chứ!
Ông Hòa cười phá lên, nói tếu táo:
- Ngày nào anh cũng chào đón em bằng hai mươi mốt phát đại bác mà!
Ánh mắt Hòa chan chứa tình yêu thương và niềm vui, nhào tới ẵm bà Yến lên giường, vừa hôn như mưa trên mặt, trên người bà, vừa thì thào: Chiến đấu chứ! Chiến đấu chứ!...
Chỉ đến khi bà Yến báo tin vui cho chồng: Em cấn thai rồi anh! thì ông Hòa mới chịu điều độ…
Mùa xuân 1965, con trai đầu lòng Nguyễn Kinh Bắc chào đời. Càng lớn nó càng giống cha: cao ráo, vai rộng, miệng rộng, mũi cao, gáy phẳng lỳ, nhưng nó lại giống mẹ ở làn da trắng mịn, đôi mắt có đuôi dài rất sáng và tinh anh. Miền Bắc vừa phải đương đầu với chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa dốc sức cho chiến trường miền Nam; cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bà Yến chăm chút cho hai đứa con Thành và Bắc từng ly từng tý. Thành đi học về là giúp mẹ cơm nước tắm rửa cho em. Nhưng thằng bé không được khỏe, giống như hàng triệu trẻ em trên miền Bắc hồi đó, nó thiếu dinh dưỡng. Bắc ốm đau luôn. Cuối năm 1965, Bắc chưa đầy tuổi, ông Hòa đi chiến đấu ở chiến trường C1. Năm 1967, ông Hòa lại được điều về khu Bốn, thỉnh thoảng mới tranh thủ về Hà Nội thăm vợ con. Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, tình hình miền Nam vô cùng khó khăn, nhiều đơn vị quân đội chỉ còn vài người! Đến mùa Xuân năm 1969, Hòa cùng đơn vị pháo của mình đi B. Mùa Thu năm Kỷ Dậu ấy, con gái rượu Phương Nam ra đời. Mỹ tiếp tục ném bom ác liệt Hà Nội, Hải Phòng. Sơ tán rồi lại hồi cư, lại sơ tán… Vừa đi làm vừa nuôi dạy ba đứa con, chồng cứ xa biền biệt… vậy nhưng chưa bao giờ bà Yến kêu ca phàn nàn một câu. Đêm mười tám rạng ngày mười chín tháng Mười hai năm 1972, bom Mỹ sát hại thằng con trai yêu quý của Hải Yến. May mà thằng Thành ở trường chứ nếu nó ở nhà thì bà mất trắng cả hai con trai rồi! Hai anh em nó quấn túm nhau như hình với bóng. Thằng Thành đào một hố tăng xê ngay dưới gầm giường, thật rộng, đủ chỗ cho bà Yến với con gái út, còn hai anh em nó, khi có còi báo động chạy ào ra hầm tránh bom công cộng, khá kiên cố, cách nhà hơn chục mét. Đêm ấy, trong hầm có mười ba người cả thảy, toàn trẻ nít và cụ già… Xác mọi người bật tung lên sau loạt bom đầu, rồi lại bị loạt bom thứ hai, thứ ba hủy diệt tiếp. Bởi thế nên thi thể thằng Nguyễn Kinh Bắc bảy ngày sau mới kiếm ra. Tang tóc trùm lên cả khu phố. Bà Yến đứt từng khúc ruột, tưởng chết theo con… Nhìn Thành và con gái út khóc nức nở trước mộ thằng Bắc, bà trỗi dậy, bà quyết không gục ngã lúc này. Hai đứa con trở thành điểm tựa cho bà trụ vững.
Bây giờ nằm bên ông, nhớ lại, bà Yến chợt rùng mình nghĩ: Tại sao hồi đó mình làm được những việc đó?
Chồng vẫn ngủ ngon, bà Yến nép sát vào người ông Hòa, không làm ông thức giấc, bà tự trả lời: Vì em yêu anh, yêu sự trong trẻo của tâm hồn anh, và yêu cái chất đàn ông trong anh, mạnh kinh khủng! Anh biết không?
Đúng là chỉ có tình yêu thương chồng con mới giúp cho bà Yến có nghị lực vượt qua những năm tháng khốn khó ấy… Ngắm chồng, tự nhiên nỗi nhớ thằng Bắc lại trào dâng trong lòng bà.
Gia đình Hòa Yến hồi ấy sống trong căn nhà chật chội ở khu nhà tập thể bãi Thiên Phúc. Nhiều gia đình sỹ quan quân đội sống ở nơi này. Một bên là sông Hồng, mùa lũ lụt, nước ngập đến giường, có năm nước ngập nóc nhà. Năm nào cũng có trẻ con chết đuối. Một bên là Hà Nội, vài chục bước chân lên mặt đê, băng qua đường Trần Nhật Duật là tới tòa nhà Viễn Đông Bác Cổ1, là tới Nhà hát Lớn với quán bia hơi ngay giữa vườn hoa lúc nào cũng đông nghịt người, là vào Tràng Tiền, là tới Hồ Gươm. Phố sá xe cộ nườm nượp ngày đêm. Những người ở bãi Thiên Phúc cùng cảnh ngộ: nghèo, chồng đi vắng, con còn nhỏ, luôn thèm ăn, luôn thấy đói, vợ là nhân viên trong cơ quan nhà nước, đồng lương rất thấp. Hộ khẩu Hà Nội và tem phiếu lương thực thực phẩm là hai thứ gia bảo, quý giá vô ngần! Xếp hàng là công việc trên hết, công việc thường ngày! Tôi xếp hàng nghĩa là tôi tồn tại! Xếp hàng mua thực phẩm, mua gạo, mua dầu hỏa, xếp hàng tới chín, mười giờ đêm để hứng nước máy từ cái vòi công cộng rỉ rỉ như mèo đái, gánh về nhà. Vậy mới nên câu: Ban ngày làm việc nhà1, ban đêm làm việc nước. Mua bia hơi, thậm chí mua phở không người lái, mua kem cũng phải xếp hàng. Người đông, hàng hóa cực kỳ khan hiếm, của không ngon nhà đông con cũng hết sạch! Trong khu tập thể, còn cái vụ xếp hàng này mới kinh hoàng, đó là xếp hàng vào nhà xí công cộng. Ngồi hố xí công cộng, gió thốc từ phía dưới tốc lên, trời nắng nóng hầm hập, ngồi đó xong, ra ngoài thì ôi thôi từ đầu tóc tới quần áo toàn mùi phân nồng hắc! Những ngày trời mưa, xếp hàng ướt như chuột lột, ngồi xong, chạy về tới nhà thì không còn nước mà tắm rửa. Trong khu tập thể, một gia đình ăn tươi, như mổ gà chẳng hạn, thì cả bãi Thiên Phúc biết, xì xầm, ganh ghét vì quá thèm! Nhà nó có vấn đề! Mới tuần trước ăn nguyên con cá chép, tuần này lại mổ gà trống thiến. Tất cả cho tiền tuyến, cả nước thắt lưng buộc bụng mà nhà nó chè chén linh đình như thế là có vấn đề rồi! Họ sống bằng đồng lương, luôn luôn thèm khát một cái gì đó, luôn luôn thiếu dinh dưỡng! Không ít những đứa trẻ ở khu dân cư này vượt lên số phận, học giỏi, thành tài, nhưng cũng không ít trẻ ham ăn chơi, hư hỏng.
Ba anh em Thành, Bắc, Nam luôn thấy thèm một cái gì, dù mới ăn xong bữa, vẫn thèm. Bởi vì, chỉ ăn no chất bột không thôi thì người ta rất mau đói và thèm nhiều thứ lắm. Thèm từ miếng tóp mỡ cho đến cái đùi gà luộc. Bây giờ, sau bữa ăn, cha mẹ thường ép trẻ con ăn nho ăn táo, chứ hồi đó làm gì có chuyện đó! Hoang đường! Đến cam, chuối, bưởi bòng còn không có mà ăn nữa là trái cây ngoại quốc… Mỗi lần đi học ngang quán phở, nước miếng thằng Bắc ứa đầy miệng. Đúng là thèm rỏ dãi ra! Bắc ăn khỏe nhất nhà. Mẹ và anh Thành toàn nhịn cho Bắc ăn. Nó ước gì có trong tay một đồng bạc để có thể chễm chệ ngồi trong quán phở và gọi dõng dạc: Cho một bát phở đặc biệt đây! Rồi cho tương ớt vào, cho một thìa dấm vào (chỉ có một vài quán có chanh tươi, còn toàn là dấm nuôi cả thôi!). Nó sẽ cho ớt bột vào cho thật cay, cay xè đến mức ù tai, chảy nước mắt nước mũi ra, rồi nó xì xà xì xụp mà ăn ngon lành, húp ngon lành cho đến giọt nước cuối cùng. Giá mà có hai đồng thì tốt hơn. Nó sẽ ăn một lúc hai bát. Ôi, biết đến bao giờ trẻ con mới được ăn sáng bằng phở, chứ không phải ngồi gặm bánh mì khô, trợn mắt trợn mũi lên mới nuốt trôi hai cái bánh! Tiếng thế, Bắc vẫn biết rằng anh em nó còn may mắn hơn hàng trăm đứa trẻ khác ở cùng bãi Thiên Phúc này. Cha mẹ chúng nó là lao động tự do, không phải người Nhà nước nên triền miên thiếu đói! Chúng nó làm gì được ăn hai cái bánh mì một lúc như mình. Nghĩ thế, nó thấy hãnh diện phần nào… Thế nhưng, càng lớn, sự thèm thuồng của nó càng mãnh liệt và diện thèm khát càng mở rộng ra. Nó thèm được ăn phở Thìn Lò Đúc, phở gà Nam Ngư, ăn mì hoành thánh trong quán của người Tàu ở Trần Hưng Đạo; thèm chả cá Lã Vọng, thèm bồ câu quay ở phố Tạ Hiện1; rồi thèm ăn cốm Vòng, thèm kem. Nó có thể ăn hết một lúc chục que kem Bờ Hồ. Rồi nó thèm uống bia hơi. Có một lần, hồi chưa đi B, Hòa cho thằng Bắc và Thành đi ra bãi bia hơi Cổ Tân. Nó nhớ hoài bữa đó, mỗi lần nhớ ba, nó kể cho mẹ nghe đến thuộc lòng!
Sau khi ba đi B, Thành từ trường đại học về ngày chủ nhật vẫn dành thời gian cho em đi chơi, cũng đến Cổ Tân xếp hàng mua bia hộ để có lạc rang húng lìu cho em, và hóng chuyện người lớn! Bia thì quá ít mà người thì quá nhiều nên xếp hàng rất dài, rất cực mới mua được bia. Nhiều khi, đến lượt thì bia hết! Hồi đó Bắc đòi uống, ba nó chiều. Ba hào một cốc vại, bọt bia trắng, xốp, mịn và thơm mát bám trên mép nó, nó liếm mép và tưởng tượng ra như thể nó đang cầm cốc bia trên tay, giữa quán bia hơi nổi tiếng trên phố Cổ Tân ở bên hông Nhà hát Lớn, nơi nhà văn Nguyễn Tuân thường ngồi hàng ngày. Nó đã từng là bạn vong niên của Nguyễn Tuân! Đó là theo cách nói của ông Nguyễn chứ hồi đó Bắc còn bé tí, chưa tới năm tuổi, biết vong niên là cái chi! Ông Nguyễn Tuân có thể ngồi cả ngày chỉ vì bia hơi. Ông ngồi để uống bia thì ít mà chủ yếu, theo nó nghĩ, ông ngồi để ngắm nghía người ta đi qua đi lại. Ông Nguyễn nói đó là dòng đời đang trôi… Chúng tự hào được cái may mắn xếp hàng hộ cho ông nhà văn có cái mũi khoằm! Mỗi người xếp hàng được mua hai cốc bia, mà tửu lượng của ông thì phải gấp ba gấp bốn chừng đó. Thế là ông đứng trước, nó bám đít ông mà xếp hàng. Nó mang hai cốc bia ra cho ông Nguyễn. Ông cười rung chòm râu đưa nguyên gói lạc rang húng lìu gói bằng giấy báo theo hình loa kèn cho nó. Rồi nó ngồi hóng chuyện. Người lớn nói đủ thứ, bên cốc vại bia hơi, thế giới như thu hết vào trong tay họ! Họ nói chuyện thời cuộc: chiến sự ngày càng quyết liệt ở miền Nam, chuyện đảo chính ở Chi Lê, chuyện về ẩm thực, món nào ngon nhất ở các miền quê, chuyện văn chương, nhiều nhất vẫn là chuyện đàn bà, chuyện nhân tình thế thái, toàn những chuyện quốc gia đại sự... Nó không hiểu hết những chuyện của người lớn, nhưng nó rất thích nghe, nó thấy chuyện của họ hấp dẫn hơn rất nhiều các bài học ở trường. Nghe người lớn nói chuyện, nó cảm thấy mình đang lớn lên. Về nhà, nó hỏi mẹ những điều nghe được mà không hiểu, những điều khiến nó chau mày băn khoăn. Một hôm, Bắc hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, tại sao đàn bà phải có vú, mà vú bánh dầy mới được coi là đẹp, hả mẹ? Tại sao lại gọi người vu khống là thủy chung như nhất hả mẹ?
- Ơ cái thằng này, ai bảo con nói vậy? - Bà Yến trừng mắt quát.
- Có ai bảo đâu? Con nghe mấy bác mấy chú nói chuyện với nhau ở bãi bia Cổ Tân ấy! Không hiểu thì con phải hỏi. Mẹ chẳng đã bảo con: Cái gì không biết thì phải hỏi mẹ, hỏi ba, hỏi thầy cô là gì!