Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.154
123.162.508
 
Sóng lừng
Triệu Xuân
Chương 2

Những chiến sĩ biệt động từng tiếp xúc và làm việc với Tám Đôn, hiện còn sống không nhiều. Chỉ riêng chiến dịch Phượng Hoàng mà Út Phụng là con chim phượng nguy hiểm, đã cướp đi bao nhiêu chiến sĩ ưu tú. Trong số những người còn sống có Ba Hoành và Lữ. Giải phóng, Tám Đôn được phong quân hàm trung tá, Ba Hoành: đại úy, Lữ: thiếu úy. Lữ biết chuyện dan díu giữa Phụng và Đôn từ khi còn ở trên rừng. Nhưng Lữ là người kín tiếng. Lữ biết, Đôn là người sắt máu! Mất mạng như chơi. Trước khi Út Phụng bị phát giác là CIA ít lâu, trong một buổi trưa, tình cờ Lữ chứng kiến cảnh Đôn và Phụng đang làm tình tại xa lông ngay phòng làm việc. Vì có việc phải báo cáo gấp, Lữ đến gặp Tám Đôn. Anh đã buột miệng hỏi “Anh Tám có nhà không?” trước khi đẩy cửa bước vào. Cánh cửa không được gài chốt đã hại Lữ. Ngay chiều hôm đó, sau giờ làm việc, Tám Đôn gặp Lữ: “Chú mày nhớ nguyên tắc của anh nghe. Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy! Chớ có dại dột”. Không ngờ, đó là cái chết đã được báo trước cho Lữ.

 

Út Phụng bị xe tải cán chết vài ngày thì Lữ bị bắn chết vì tội “cướp tàu công an để tổ chức vượt biên”. Lúc đó, cuộc điều tra về Phụng đang tiếp diễn. Trên tàu có bốn chục người ra đi theo phương án “bán chính thức”. Mỗi người phải nộp năm cây vàng, phải để lại nguyên vẹn nhà cửa và tài sản mới được ra đi. Thiếu úy Lữ đang làm nhiệm vụ gìn giữ trật tự dưới tàu và kiểm tra lại danh sách người ra đi - như những chuyến trước - đó là nhiệm vụ của anh, đột nhiên có tiếng hô của thượng sĩ Thái:

 

- Lữ! Mày là tên phản bội. Mày chủ mưu cướp tàu đưa người vượt biên! Giơ tay lên!

 

Lữ và tất cả bốn chục người trong tàu ớ ra, chưa kịp hiểu và phản ứng thì súng nổ. Mười hai viên đạn AK. Lữ chết gục trên sàn tàu, hai tay cầm bản danh sách. Súng của Lữ vẫn ở trong bao.

 

Hồ sơ về vụ Lữ cướp tàu đưa người vượt biên do Ba Hoành lập và trung tá Đôn ký để gửi lên trên ghi rõ: “Thiếu úy Lữ, khi bị phát hiện, đã dùng súng ngắn chống cự, cho nên người đến bắt Lữ buộc lòng phải nổ súng”! Lữ có vợ là cô giáo Mai, mới cưới được hai tháng. Mẹ Lữ và Mai, sau đó bị bắt, bị hỏi cung. Cô giáo Mai bị buộc thôi việc. Bốn chục người trong chuyến tàu “bán chính thức” ấy bị bắt và bị hỏi cung. Trong hồ sơ ghi rằng: “Lời khai thống nhất Lữ âm mưu cướp tàu đưa người vượt biên và đã thu của mỗi người năm cây vàng”!

 

Sau khi “tên phản bội” bị trừng trị, thượng sĩ Thái được phong quân hàm thiếu úy. Ba Hoành được phong thiếu tá, giữ chức trưởng phòng. Đôn được phong đại tá và được đi nước ngoài. Cuộc điều tra về Út Phụng đã kết thúc. Mọi việc đã tưởng thế là êm. Thế nhưng… có một lá thư của thiếu úy Lữ đến được tay người bạn chí cốt của anh là thiếu úy Lê Dung. Dung đang học ở nước ngoài. Dung và Lữ là bạn thân của nhau từ khi hai người cùng học tiểu học. Lớn lên, Dung bị bắt lính, còn Lữ trốn lính, trở thành biệt động nội thành. Khi Ba Hoành được Dung cứu, Hoành đã giao cho Lữ nhiệm vụ móc nối Dung trở thành cơ sở của ta. Tình bạn của Dung và Lữ ngày càng khắng khít. Họ coi nhau như anh em ruột thịt. Trong lá thư cuối cùng của Lữ mà Dung nhận được, Lữ kể hai chuyện. Thứ nhất là chuyện Út Phụng, một điệp viên vừa được phát giác thì bị xe cán chết. Thứ hai là chuyện những người ra đi “bán chính thức” bị trấn lột lần thứ hai, trước khi lên tàu tại một hòn đảo nhỏ. Điều đau lòng nhất là Lữ nhận ra nhiều xác người trôi vào bờ sau khi tàu đưa họ nhổ neo được hai ngày: Tàu bằng gỗ đã mục hoặc cố ý để cho chìm! Cả hai chuyện này Lữ đều báo cáo với Ba Hoành nhưng đều bị Ba Hoành gạt đi. Lữ viết: “Đau lòng lắm Dung à. Mình không ăn, không ngủ được. Đêm đêm, hình ảnh những người mình đã làm thủ tục cho họ xuống tàu để ra đảo, chuyển sang tàu lớn, cứ hiện về tra vấn mình. Một cô gái hét vào mặt mình: “Quân dã man! Đồ mặt người dạ sói! Miệng thì nói nhân đạo mà tay thì trấn lột, cưỡng hiếp! Trời sẽ trừ diệt chúng mầy!”. Dung ơi! Mình không rõ chủ trương cho người đi “bán công khai”, thu mỗi người năm cây là của ai đề ra? Có phải chủ trương của Đảng và Nhà nước không? Chắc chắn là không. Liệu Nhà nước có được một chỉ vàng nào trong số năm cây đó không? Chắc chắn là không rồi, Dung à! Mình là lính, lời nói ra chẳng ai thèm nghe. Không khéo lại bị kiểm điểm thì khốn… Mình mong Dung học xong, về nước, có lẽ bạn sẽ giúp mình được nhiều. Lương tâm mình đang đầy đau khổ!”.

 

Giá như Lê Dung biết được rằng thiếu úy Lữ gửi thư cho mình được hai ngày thì bị sát hại, hẳn anh sẽ đủ tỉnh táo, cảnh giác để không đem chuyện này hỏi Tám Đôn. Nhưng anh đâu có biết rằng bạn anh đã hy sinh. Khi Tám Đôn đi nước ngoài tham quan, đã đến thăm học viện nơi Dung đang theo học. Dung đem chuyện Lữ viết trong thư hỏi Tám Đôn. Tám Đôn trừng mắt báo cho Dung tin sét đánh: “Nó là một tên phản quốc”. Tám Đôn truy đòi bức thư. Lê Dung nói là mất rồi. Tám Đôn dọa: “Đồng chí muốn học xong chương trình đại học ở đây hay là muốn bị gọi về nước thì tùy. Tổ chức luôn luôn theo dõi việc học hành và tư tưởng của đồng chí. Kẻ thù đang đánh phá ta ở mọi nơi, mọi lúc. Coi chừng đồng chí mắc mưu của chúng rồi đấy”. Có thể bạn đọc thân mến của tôi sẽ trách chê Lê Dung là non kém về nghề nghiệp. Không, nếu trách chê vậy thì oan cho anh. Không phải sự non kém nghề nghiệp; mà chính là lòng tin! Lòng tin son sắt vào sự trong sáng, vẹn toàn của những đảng viên lãnh đạo, đảng viên cấp trên, đã khiến Lê Dung đem chuyện đó ra hỏi Tám Đôn. Dung không ngờ rằng từ giờ phút đó, anh đã có tên trong sổ đen của Đôn.

 

Con người ta, ai mà không có lúc ấu trĩ, khờ khạo. Nhưng rất may là Dung không mù quáng. Lương tâm anh không cho phép anh quên đi hình ảnh của thằng bạn thân, hiền lành, chất phác, lập nhiều chiến công. Và rất may là vợ thiếu úy Lữ, cô giáo Mai không phản bội chồng, không hèn nhát đầu hàng. Mai đã thắt khăn tang, đội bát nhang đi thưa kiện khắp nơi. Việc làm này sẽ kéo dài suốt chín năm trời. Mãi tám năm sau mới đến được các vị lãnh đạo cao nhất nước. Và phải một năm sau đó, tức là tròn mười năm, thiếu úy Lữ mới được tòa tối cao minh oan. Nhưng đó là chuyện về sau. Ở thời điểm này, cô giáo Mai đã viết thư cho Dung. Đọc thư, Dung càng tin rằng bạn mình không phản quốc. Dung tự đặt nhiệm vụ cho mình: phải làm rõ vụ án này. Sau những lời dọa nạt của Tám Đôn, Lê Dung đã khôn ngoan hơn. Anh không thể đặt lòng tin nhầm chỗ. Sự ngờ nghệch sẽ bắt anh phải trả giá đắt.

 

Khi Dung về nước thì đại tá Đôn không còn ở ngành công an nữa. Đôn bị buộc ra khỏi ngành công an. Nhưng Tám Đôn nói rằng: Cấp trên giao cho ông nhiệm vụ mới! Làm kinh tế! Tám Đôn làm Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Vận tải phụ trách công tác bảo vệ. Người mới về, lép vế. Ông Tổng Giám đốc sắp về hưu. Phó Tổng giám đốc thứ nhất là một tay có bằng phó tiến sĩ. Nếu có hắn thì tất yếu Đôn sẽ khó bề ngoi lên cái ghế Tổng Giám đốc. Tám Đôn quyết định phải hất tay này. Từ ngày làm trại trưởng trại giam thời chống Pháp, Tám Đôn đã biết dùng thủ đoạn: ra tay cứu người để rồi dùng người đó làm tay sai. Tám Đôn xác định: phải hất tay phó tiến sĩ ra khỏi cái ghế phó tổng, nhưng sẽ cứu hắn… để dùng hắn đánh phá những thằng nào tranh giành quyền lực với ông. Quả nhiên, Tám Đôn đạt được ý đồ. Ông thí đi một cô nhân tình, dùng cô ta làm mỹ nhân kế. Phó tiến sĩ cắn câu. Đây là cô gái rất đẹp, rất giàu nhờ nghề móc nối tổ chức vượt biên bằng phương tiện của Liên hiệp Vận tải. Ngay từ khi chưa chuyển qua đây, Tám Đôn đã chỉ đạo đường dây này. Tất nhiên, dưới danh nghĩa là “đánh” người của ta ra nước ngoài hoạt động. Kết quả là sau ba tháng, ông phó tiến sĩ bị cách chức phó tổng. Nhưng Tám Đôn kiên quyết phản đối việc đảng bộ định khai trừ ông phó tiến sĩ ra khỏi Đảng. Với những lý lẽ và với sự đảm bảo của một đại tá công an, ông đã thành công! Từ đó, ông phó tiến sĩ trở thành chuyên viên dưới quyền Tám Đôn, mang ơn Tám Đôn suốt đời.

 

Tám Đôn trở thành Phó tổng thứ nhất phụ trách công tác tổ chức và bảo vệ!

 

Liên hiệp Vận tải có tới sáu ngàn công nhân bốc xếp; một đội tàu biển, tàu sông và đoàn xe vận tải hạng nặng. Tám Đôn biết đây là miếng đất màu mỡ, hốt bạc. Ông tiếp tục tấn công đồng thời trên hai mặt trận: mặt trận quyền lực, mặt trận... tiền và vàng. Mặt trận trước phục vụ cho mặt trận sau. Nghĩa là dùng phương tiện để đạt tới mục đích.

 

Đối với sáu ngàn cán bộ công nhân trong Liên hiệp, Tám Đôn là một người sởi lởi, luôn quan tâm đến người khác, biết lắng nghe. Bằng những thủ đoạn mị dân, ông muốn quần chúng ở đây tin rằng: Trong ban lãnh đạo Liên hiệp, duy nhất có ông là người bênh vực, chăm lo quyền lợi cho họ. Trong hoàn cảnh lương của một công nhân bốc vác không đủ nuôi bản thân người đó, thì kẻ nào mị dân giỏi, kẻ ấy được lòng mọi người. Làm như tất cả sự đói nghèo, túng thiếu, năng suất thấp, tiền lương thấp, trộm cướp, ăn cắp… là do nhà nước đẻ ra, còn những người lãnh đạo như ông - Tám Đôn - không có trách nhiệm gì. Nếu quyền lãnh đạo vào tay ông, mọi chuyện sẽ khác.

 

Mị dân là thuộc tính của những kẻ có quyền lực mà bất tài, vô học.

 

Thế nhưng, Tám Đôn lại là người biết che đậy rất tài khía cạnh bất tài của mình.

Trong ban lãnh đạo Liên hiệp lúc này, Tám Đôn như là người giương ngọn cờ đoàn kết. Sau khi ông phó tiến sĩ mắc mỹ nhân kế bị cách chức, người ta điều Nguyễn Thanh, Giám đốc một xí nghiệp về làm Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất. Bởi vì nếu không thì ông Tổng Giám đốc chẳng biết xoay sở bằng cách nào trong khi tuổi về hưu của ông còn những một năm nữa mới đến hạn. Anh chàng Thanh, Phó tổng mới này nhỏ hơn Tám Đôn cả chục tuổi. Mặc dù cũng có bằng phó tiến sĩ, nhưng xem ra Thanh không phải là đối thủ tranh ghế tổng giám đốc của Tám Đôn. Tám Đôn quan sát rất kỹ ngoại hình của đối phương, thói quen và sở thích của đối phương. Thanh nghiện thuốc lá, ít uống rượu, và tuồng như chỉ độc cái quần không bị vá. Những khi lễ lạt tổng kết mới thấy Thanh mặc chiếc quần “vía” này. Còn hàng ngày, Thanh vẫn mặc chiếc quần “píc-kê” hai đầu gối và hai mông. Thế là, làm như tình cờ, lâu lâu Tám Đôn lại dúi vào tay Thanh một gói thuốc ba số. Lúc đầu là một, sau là năm, sau nữa là nguyên cây. Nhân một cuộc họp đảng ủy, Tám Đôn gọi Thanh vào phòng mình, ấn vào ca táp của Thanh hai khúc vải may quần tây. “Cậu lu bu chuyện vợ con, ít chú ý đến sự ăn mặc. Tớ cho rằng không ổn! Phải có tư thế của anh Phó tổng! Quan trên trông xuống, quần chúng trông lên, ăn mặc xuềnh xoàng quá, không ổn! May ngay đi nghe cha nội!”. Rất chân tình, mà lại như là mệnh lệnh.

 

Sau nghĩa cử của Tám Đôn: không đồng ý việc khai trừ người bị mắc mỹ nhân kế ra khỏi Đảng, đến nghĩa cử này thì Thanh bị chinh phục hoàn toàn. Thanh coi Tám Đôn như người anh, tin cậy và quí trọng.

 

Tám Đôn nhận chức Phó Tổng giám đốc của Liên hiệp Vận tải đúng vào lúc có chỉ thị làm trong sạch đội ngũ Đảng và cán bộ, công nhân. Phó tiến sĩ mắc mỹ nhân kế trong thời điểm này. Ở Liên hiệp, có tới chín chục phần trăm lực lượng công nhân là người đã làm việc cho chế độ cũ, phần lớn là sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ quân đội. Những tên do CIA cài lại, những sĩ quan có nợ máu với nhân dân là đối tượng phải thanh lọc. Tám Đôn nghiên cứu rất kỹ lai lịch của số này, lọc ra những tên có quá khứ không thể che đậy thì báo trước cho chúng để chúng bỏ trốn. Tất nhiên, ơn huệ này chúng phải trả giá cho Tám Đôn. Với những tên có thể che đậy được, Tám Đôn cho phép chúng làm lại lý lịch để được tiếp tục làm việc. Hai loại đối tượng trên, tất nhiên, Tám Đôn phải biết chắc là chúng có tiền, có nhiều tiền. Người nghèo luôn luôn phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Gần năm trăm người, trong đó có vài chục đại úy, trung úy, thiếu úy và nhân viên hành chính của chế độ cũ đã bị sa thải vì “có tội với cách mạng, với nhân dân”. Đặc biệt có tám mươi người bị bắt vô trại cải tạo vì đã mắc tội “trốn cải tạo, chui vào cơ quan nhà nước nhằm tiếp tục âm mưu chống cách mạng”. Trong việc sa thải và bắt đi tù những người này, Tám Đôn đã được cấp trên khen là có tinh thần cảnh giác cách mạng, không khoan nhượng với kẻ thù của cách mạng. Những người được Tám Đôn cho làm lại lý lịch là những kẻ thực sự có tội với nhân dân, thì được Tám Đôn thâu nạp vào lực lượng bảo vệ do một đại úy - đệ tử ruột của Tám Đôn - chỉ huy. Lực lượng bảo vệ có quân số tới một trăm người, chuyên bảo vệ, áp tải hàng hóa, kiểm soát xe và người ra vô Liên hiệp Vận tải. Đấy là nhiệm vụ được thể chế hóa thành văn bản. Còn ba nhiệm vụ khác, chỉ có Tám Đôn và các vệ sĩ mới biết. Đó là: moi hàng nhà nước, buôn lậu, móc nối tổ chức vượt biên.

 

Từ thời điểm này, bắt đầu một chiến dịch moi hàng nhà nước, tầm cỡ quốc tế, mà phải năm năm sau, các cơ quan luật pháp mới đưa tập đoàn tội phạm ra trước vành móng ngựa. Trong vụ án này, bọn tội phạm đã ăn cắp một lượng hàng hóa khổng lồ, trị giá hàng triệu đôla từ sà lan lash. Tàu Phu-xích của Công ty Vận tải biển Quốc tế Interlighter chở ba mươi sáu sà lan lash cập phao Zêrô ở cửa Thiềng Liềng. Những chiếc tàu kéo của Liên hiệp Vận tải kéo sà lan hàng xuất ra cho tàu mẹ và nhận từ tàu Phu-xích những chiếc sà lan đầy ắp hàng nhập. Mỗi tàu kéo, kéo từ một đến ba sà lan. Trên tàu kéo, ngoài thuyền trưởng, thợ máy và thủy thủ, còn có từ hai đến bốn nhân viên bảo vệ. Đó là những tay moi hàng lành nghề. Căn cứ vào đơn hàng, bọn chúng chỉ khui những sà lan chở hàng quí, hàng hiếm, có giá trị. Mỗi sà lan có hai nắp hầm nặng bốn tấn, được niêm cặp chì. Bọn chúng có nghệ thuật mở niêm chì, dùng con đội ô tô kích nắp hầm lên và moi hàng. Về sau, chủ hàng vừa niêm chì vừa niêm hàn bằng những thanh sắt hàn dính nắp hầm sà lan. Bọn tội phạm mang mỏ hàn và bình gió đá xuống, gỡ niêm hàn, moi hàng rồi hàn lại như cũ. Hàn xong, chúng thay nhau… đái vào để mối hàn han rỉ như cũ. Đã hình thành khắp tuyến vận tải đường sông của đồng bằng sông Cửu Long cũng như tuyến đi Nam Vang những trạm lên hàng và tiêu thụ hàng ăn cắp. Việc bốc dỡ và tiêu thụ hàng được cả công an và quân đội bảo vệ. Nhanh, gọn và sòng phẳng. Toàn bộ số hàng ăn cắp được chuyển thành vàng. Khi đến cảng của Campuchia, vàng biến thành hàng lậu như thuốc lá ba số năm, tivi, cát-xét, đầu vidéo… để xuôi về Sài Gòn. Ròng rã ba bốn năm trời, bọn ăn cắp làm chúa tể. Nơi nhận hàng chỉ nhận được sà lan rỗng ruột mà không làm gì được. Cái lý rất đơn giản là: sà lan đã được niêm phong từ các cảng châu Âu. Khi giao sà lan, chủ phương tiện giao đủ các dấu niêm chì và niêm hàn. Chủ phương tiện không biết gì và không chịu trách nhiệm về lượng hàng trong sà lan. Cái lý ấy đã được ghi trong hiệp định, vì thế, Tám Đôn khỏe ru! Phải mất năm năm trời, vụ án mới được phanh phui. Đây là vụ án kinh tế lớn nhất kể từ sau năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Trong số những tên tội phạm bị tử hình, bị tù chung thân hoặc nhẹ hơn từ mười lăm đến ba năm tù giam, không có hai nhân vật, mà đúng ra hai nhân vật này phải được lãnh án nặng nhất. Người thứ nhất là Tám Đôn. Người kia là Nguyễn Thức, tài công, sinh năm một chín bốn hai trong một gia đình có ba đời làm nghề sông nước.

 

Bây giờ xin trở lại thời điểm vụ án sà lan lash chưa được phanh phui. Bọn vệ sĩ dưới trướng Tám Đôn đang còn làm chúa tể trên tất cả các tuyến đường sông. Thời điểm này, nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên tới cả chục tỉ đôla. Cả nước đang đắm chìm trong những cơn sốt. Cơn sốt vàng, cơn sốt lương thực, cơn sốt xăng dầu, cơn sốt tiền mặt. Chiến lược kinh tế không định hướng được, lúng a lúng úng làm khổ dân, kiệt quệ tài sản quốc gia. Nạn ngăn sông cấm chợ đẻ ra một đội ngũ những tên cướp ngày - bọn này giàu lên rất nhanh chóng; đồng thời làm cho sản xuất bị tê liệt vì hàng hóa không lưu thông được. Thiên tai khiến cho các tỉnh miền Bắc mất mùa liên tiếp, nhiều nơi lâm nạn đói. Trong khi đó, lúa để thối trong các kho chứa ở vùng sâu đồng bằng sông Cửu Long. Không có phương tiện, không có xăng dầu vận chuyển lúa gạo ra cảng lớn. Không đủ tàu vận chuyển lúa gạo từ Nam ra Bắc. Liên hiệp Vận tải không hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển lương thực. Hàng chục tàu phải nằm chết dí vì không có tiền để sửa chữa máy. Tổng Giám đốc Liên hiệp Vận tải lo lắng đến nhược cả người. Trong khi đó, Phó tổng Trần Ngọc Đôn vẫn nhởn nhơ. Làm phó có cái sướng của nó. Tội lỗi bao nhiêu trút lên đầu anh chánh chứ ai trút lên anh phó. Còn công lao, thành tích, tất phải chia đều! Đôn dành thời gian đều đặn mỗi tuần một lần đi tìm mua những bộ sưu tập tiền cổ. Ngày chủ nhật, Đôn đến thăm cấp trên - là những nơi nương tựa. Căn nhà của Đôn thường có nhiều bạn bè từ Bắc chí Nam, từ trung ương đến địa phương, từ biên giới đến hòn đảo nhỏ cực nam. Đôn tiếp họ rất hậu hĩ, tạo điều kiện cho họ vui chơi. Mọi người có cảm giác rất thật rằng Đôn không tiếc bạn một thứ gì! Có bao nhiêu, Đôn dốc ra cho bạn. Không ai có thể chê trách. Đám chức sắc ở địa phương, nơi Đôn cư ngụ, thì kính trọng Đôn đến quị lụy. Ai ai cũng coi Đôn là người mẫu mực: về cách sống, về tình nghĩa.

 

Thế nhưng, không một ai trong đám bạn bè của Đôn trong đám chức sắc, kính phục Đôn bằng Nguyễn Thức. Thức là một tài công cừ khôi, thành viên của một gia đình chuyên nghề sông nước đã ba đời liên tiếp. Hẳn bạn đọc còn nhớ, khi Ngô Hữu Tiền làm rể ông chủ lò đường, đã mượn một người quen làm “ông chú họ”. Ông chú họ ấy chính là Thức. Thức là thiếu úy hải quân đã từng được thăng vượt cấp lên đại úy khi chỉ huy một giang đoàn tấn công tiêu diệt Việt Cộng ở U Minh. Trong trận càn quét phối hợp cả thủy, lục, không quân đó, Thức đã trực tiếp tra hỏi - và sau đó cho đàn em hành hạ đến chết ba Việt Cộng. Đó là ba nữ du kích còn rất trẻ.

 

Sau năm bảy mươi lăm, đại úy Thức trốn cải tạo với danh nghĩa rã ngũ từ trước năm bảy lăm, và xin được vô Liên hiệp Vận tải làm việc. Trong chiến dịch thanh lọc, Thức được Tám Đôn cho làm lại lý lịch. Cái đoạn được thưởng mề đay, thăng vượt cấp từ thiếu úy lên đại úy, cái đoạn hãm hiếp tù binh đến chết đã biến mất khỏi lý lịch Thức. Thay vào đó là đoạn Thức rã ngũ, vận động được gần một chục binh sĩ rã ngũ từ đầu chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi ông già đẻ ra Thức, một tài công nổi tiếng đã nghỉ hưu, gói năm lượng vàng cung kính dâng lên Tám Đôn, Đôn đã xua tay bảo mang về: “Tôi làm việc đó vì quí trọng tay nghề cha truyền con nối của gia đình ông!”. Tám Đôn đã nói như thế. Sau nghĩa cử ấy, Thức rập đầu xin được nhận Tám Đôn là anh mình, và nguyện sống chết phục vụ Đôn.

 

Thức đã làm đúng như lời. Chiến dịch “moi ruột cá lóc” - Đôn và Thức đặt cho vụ ăn cắp hàng của sà lan lash bằng tên ấy - được Thức chỉ huy từ xa thật tuyệt vời. Thuyền trưởng muốn đi tàu lash, phải nộp trước mỗi chuyến ba chỉ; khi về nộp hai chỉ. Toàn bộ hàng lậu trên thế giới vào Việt Nam qua cổng của Liên hiệp Vận tải đều qua tay của gia đình Thức. Nhưng, bề ngoài, không ai biết được gia đình Thức là ổ chứa hàng lậu. Thức tự hào về gia đình mình với tài nghệ lái tàu bao nhiêu thì càng tự đắc về tài nghệ chỉ huy từ xa trong việc buôn hàng lậu bấy nhiêu. Cũng giống như bậc thầy của mình là Tám Đôn, Nguyễn Thức được chính quyền nơi cư ngụ đánh giá tốt. Bà con lối xóm nể vì gia đình Thức. Thức có vợ và năm đứa con gái, đứa nào cũng kháu khỉnh. Người ta thấy vợ chồng Thức sống rất hạnh phúc, ngoại trừ việc không có con trai.

 

Không một ai biết rằng cả Đôn và Thức đều là những tên săn lùng gái tơ có hạng. Mỗi cô gái tơ được bán cho Đôn với giá một cây vàng trong vòng một tuần. Thức có cả một mạng lưới chuyên nghề tìm kiếm gái trinh xinh đẹp. Tất nhiên, trong tay Thức có hàng chục “bến cảng” đạt tiêu chuẩn quốc tế để thầy trò Thức thưởng thức món gái trinh.

 

Tại một “bến cảng” vốn là căn hộ trên lầu ba ở đường Hàm Nghi, Tám Đôn đang thưởng thức miếng mồi ngon vừa được cung cấp thì chuông điện thoại reo. Thức xin gặp. Nửa giờ sau, Thức có mặt. Ai mới gặp Thức lần đầu, khó tin Thức làm nghề lái tàu, bởi vóc dáng Thức rất đường bệ, phong độ lại thư thái. Thức có mã của một luật sư hay bác sĩ. Bốn mươi lăm tuổi, sức lực Thức biểu hiện cả ra cách nhìn đàn bà, cơ bắp chắc nịch, cánh tay dài, bộ ngực vạm vỡ lộ ra dưới lớp áo pull ngắn tay may ở ngoại quốc. Chỉ tiếc là Thức hơi lùn. Nếu Thức cao một vài tấc nữa, có thể nhầm Thức với tài tử điện ảnh bởi Thức có gương mặt rất… tài tử. Ngay cả giọng nói của Thức cũng đặc biệt, thật lôi cuốn bởi chất giọng ấm áp và cách phát âm rất chuẩn, lối dùng từ ngữ lịch lãm. Về mặt ăn nói, ngay cả Đôn cũng phải công nhận rằng Thức rất thông minh và lịch thiệp.

 

- Xin lỗi anh Tám. Em quấy rầy anh, thật… đáng trách. Nhưng vì…

 

- Có chuyện chi vậy Hai?

 

Thức thứ hai. Những khi thân mật, Đôn thường kêu Thức là Hai. Sau Thức còn hai cô em gái, chuyên gia về vàng và đôla, và cậu út đang học ở trường hàng hải. Việc cậu út vào học hàng hải là công của Tám Đôn. Thấy Tám Đôn kêu mình với cách thân mật biết là Đôn không bực mình vì bị quấy rầy, Thức phấn chấn hẳn lên. Chờ cho Tám Đôn quay lại đóng chặt cánh cửa bọc da cách âm với phòng ngủ bên trong, trở ra ngồi trên xa lông đối diện với mình, Thức lên tiếng:

 

- Dạ, thưa anh Tám. Trước khi nói chuyện công việc, em xin phép anh Tám cho em hỏi… con bé…

 

- À à… chú mày khá lắm, Hai à. Con nhỏ này ngon hơn con nhỏ tuần trước. Đẹp, và… số một! Nó bảo nó mới mười lăm tuổi, Hai à! Hôm đầu, nó khóc quá xá. Bữa nay thì… hết chê! Mười lăm mà đã..., hỉ?

 

- Dạ, thưa anh Tám, nó trổ giò sớm. Em có coi giấy của nó mà! Đúng là mười lăm tuổi tây!

 

- Giấy gì? Nó đâu đã có giấy chứng minh nhân dân?

 

- Dạ không! Giấy khai sanh!

 

- Mày cẩn thận hỉ.

 

- Dạ… bỏ ra một cây, phải đáng đồng tiền bát gạo chớ. Không cẩn thận, lỡ rước phải đồ ho lao cha truyền con nối thì... uổng!

 

- Ồ, có lý! Nào, nói đi, Hai!

 

Đúng giọng bề trên. Thức đã quen với cách nói này. Mỗi khi Tám Đôn nói như thế thì mọi chuyện phải ngắn gọn, ngả bài ra.

 

- Thằng đệ tử của em, chắc anh Tám quên rồi, nó tên Tiền. Nó cưới vợ và mua nhà năm ngoái đều nhờ đến anh Tám. Nó gửi chút quà biếu anh Tám. Dạ đây, thưa anh! 

 

Thức móc túi đưa cho Đôn gói giấy mỏng và nhỏ, vừa khuôn lá vàng Kim Thành. Đôn cầm lấy bỏ vô túi quần soóc.

 

Thức tiếp:

 

- Nay nó nhờ em xin anh Tám cho nó được mướn con tàu chở hàng của Liên hiệp.

 

- Tàu nào?

 

- Dạ, tàu một ngàn tấn, mang số một chín chín, nằm nhà đúng một năm trời rồi vì không có tiền thay máy.

 

- Cho tư nhân mướn tàu?

 

- Dạ, các nơi họ giao thiết bị cho tư nhân rần rần cả năm nay rồi. Nhà nước đâu có kham nổi, uổng quá trời. Vả lại, thằng đệ tử của em, thằng Tiền ấy mà, nó giàu lắm. Nó thay máy mới tinh. Nó sẽ vận chuyển lúa gạo dưới danh nghĩa là tàu của Liên hiệp ta kia mà.

 

- Lão già và thằng Thanh có chịu không?

 

- Anh Tám nói là mấy ảnh phải nghe! Ở đây, anh là số một chứ ai! Em thấy chưa có việc gì anh Tám quyết mà mấy ảnh không nghe.

 

- Ừ… ừ…

 

Tám Đôn thấy sướng. Ai được nịnh mà không sướng. Ở Liên hiệp này, ta là số một chứ ai? Thằng này nói phải. Tám Đôn thò tay vào túi quần soóc lôi gói giấy ra:

 

- Năm chỉ, hỉ?

 

- Dạ. Đây chỉ là chút quà mọn bước đầu thôi ạ!

 

- Biểu nó đưa thêm, để tao lo. Mốt tao trả lời. Nó không được trực tiếp gặp tao.

 

- Dạ. Đội ơn anh Tám. Em biết là anh đồng ý. Thưa anh, biết đâu, bằng việc này chính anh lại mở ra cung cách làm ăn mới, tháo gỡ khó khăn để cứu Liên hiệp? Đây sẽ là sự kiện khẳng định vị trí Tổng Giám đốc của anh!

 

- Ừ. Có lý hỉ! Mày về nghe Hai. Con bé đang chờ tao.

 

- Dạ. Chúc anh Tám hạnh phúc!

 

- Hai à!

 

- Dạ.

 

- Mày nhớ nguyên tắc của tao chớ? Với những việc đại loại như thế này, không bao giờ cho phép đương sự trực tiếp gặp tao. Hiểu chưa? Mọi việc, nó chỉ được phép giao dịch thông qua mày.

 

- Dạ thưa, anh Tám khỏi dặn. Em nhớ kỹ mà!

 

*

*       *

 

Với số tài sản Thiên Kim mới xin được của cha mẹ sau khi có con đầu lòng, vợ chồng Kim - Tiền đã mua được xe, máy, mướn thợ làm. Có Thức cố vấn, Tổ hợp Duy Nhất ra đời. Giấy phép do ủy ban nhân dân quận cấp. Lúc bấy giờ các, tổ hợp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, v.v… có nhiều. Nhưng tổ hợp chuyên thi công cầu đường và vận tải như Duy Nhất thì rất ít. Vừa ra đời, Duy Nhất đã gặp may. Thế gian này đúng là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”! Hợp đồng đầu tiên của Duy Nhất là sửa chữa đường từ cầu số Một đến cầu số Hai. Đây là huyết mạch của cửa ngõ thành phố. Tiền trúng thầu, bởi vì có tới ba đơn vị đều xin làm đoạn đường này. Nhờ có lót tay sộp nên Duy Nhất đánh bật các đối thủ. Tiền mặt có sẵn, Duy Nhất mướn nhân công, mua xăng dầu, mua đá dăm, chịu hết phí tổn chuyên chở. Bên A chỉ cung ứng được nhựa đường(1) . Giả thử Duy Nhất không trúng thầu thì ba đơn vị kia cũng không có đủ tiền mặt mà làm. Công trường dự tính phải làm trong ba tháng theo hợp đồng; Duy Nhất làm có một tuần là xong.

 

Tổ hợp Duy Nhất chiếm được lòng tin của các quan chức ngành giao thông. Trong dịp bàn giao công trình, ảnh của Ngô Hữu Tiền đã xuất hiện trên báo. Nhờ thế, ngay sau đó, Duy Nhất lại nhận được hợp đồng mới: đại tu con đường từ thành phố đi về vùng chuyên canh rau ngoại thành. Con đường này có hai chiếc cầu. Ngành giao thông vận tải sửa hai lần rồi, thông đường được vài tuần lại sập! Hợp đồng này Duy Nhất cũng hoàn tất trước thời hạn một tháng. Thời đó, hoàn thành trước thời hạn được coi là “mốt”, là thành tích lớn. Với tất cả các công trình xây dựng, bất kể lớn bé, cứ lấy một ngày kỷ niệm nào đó làm mốc, để hoàn thành, gọi là lập thành tích chào mừng lễ kỷ niệm… Đài truyền hình, báo chí đưa tin về thành tích mới của Tổ hợp Duy Nhất rất kịp thời. Ngô Hữu Tiền còn được trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Cuộc phỏng vấn do phóng viên Minh Tấn thực hiện. Với hợp đồng thứ hai, trừ hết chi phí, Duy Nhất lời đúng ba chục cây vàng. Trong một tháng trời mà lãi ròng ba chục cây! Tiền nói với vợ:

 

- Anh không dè làm giàu thời này dễ ợt.

 

- Thời nào cũng vậy thôi. Khôn sống, mống chết! Ba em dạy: muốn được việc mình, phải lo cho người. Nhờ anh Thức cố vấn, mình lót tay đậm nên mới vô mánh.

 

- Ờ… cái thằng cha “chú họ” dởm thế mà có lý.

 

- Anh phải biết ơn ông chú họ của anh!

 

- Ơn nghĩa gì. Nó cũng đầy túi nhờ mình.

 

Thấy chồng vẫn ngồi trước bàn, tay mân mê những thỏi vàng. Kim giục:

 

- Anh không đi ngủ à? Khuya rồi.

 

- Anh đang ngắm. Em coi nè. Những thỏi vàng mới đẹp làm sao. Anh bắt đầu mê rồi. Hồi mới lấy em, coi còn dửng dưng. Nay thấy mà ham. Em thấy không, có tiền là có tất cả, cả danh giá nữa. Báo chí nó đăng ảnh, viết bài ngợi khen ta rần rần. Phóng viên truyền hình Minh Tấn rất khoái anh. Anh ta hẹn đến thăm vợ chồng mình.

 

- Anh không thưởng cho em à?

 

- Thưởng gì?

 

- Chứ không phải là công của em à? Nếu không có em, sức mấy anh có tiền mua máy, mở tổ hợp.

 

- Ôi! Bà hoàng của tôi! Công em! Nào anh thưởng cho.

 

Trong phòng riêng của Tiền, chỉ còn tiếng rên thỏa mãn thỉnh thoảng lại nổi lên, xen với tiếng máy lạnh chạy rì rì.

 

Ông chủ lò đường có hai chiếc tàu. Thấy con gái làm ăn được, ông mừng lắm, gọi về cho luôn hai chiếc. Trọng tải một chiếc năm tấn, chiếc kia lớn hơn: mười tấn. Thế là từ đấy, Tổ hợp Duy Nhất vừa có xe tải vận chuyển đường bộ, vừa có tàu vận chuyển đường sông. Nhờ lót tay, Duy Nhất có nhiều hợp đồng. Thức dạy Tiền - cả hai đang ngồi lai rai trên ban công lầu một của ngôi biệt thự xinh xắn mà Thức mua giúp.

 

- Đến lúc chú phải biết chọn lựa. Có hợp đồng bở ăn nhưng không có tiếng. Có hợp đồng có ăn - tuy hơi ít, nhưng tiếng tăm nổi đình nổi đám. Đây là giai đoạn chú cần cái danh. Sao cho cả nước biết đến chú. Mấy ông lãnh đạo thành phố biết đến chú. Và sau đó, vị to nhất nước cũng phải biết đến chú. Lúc ấy mới hốt bạc. Chú ký hợp đồng vận chuyển clanh-ke cho thằng xi măng Hà Tiên là dở. Có ăn thật, nhưng ai biết đến chú? Chú có lót tay đậm lắm thì khi về tới nhà máy, thằng đo mớm nước nó cũng cho chú ăn gian một vài chỉ là cùng. Ai biết đến chú?

Thiên Kim mang món cua rang muối thơm phức lên. Kim mặc chiếc rốp màu hoàng yến, phô bày những đường cong phía trước, phía sau. Thức nhìn vợ Tiền, nuốt nước miếng, không phải vì món cua quá hấp dẫn mà vì thân thể của vợ Tiền. Giọng Kim thật ngọt ngào:

 

- Anh Hai phải mở lớp cho nhà em dài dài. Anh Tiền còn lốp chốp lắm. Hôm qua, có ông giám đốc gạ bán một máy trộn bê tông, vậy mà ảnh chê mắc, không mua. Kỳ thực ra, người ta bán máy mới với giá thanh lý. Chỉ cần mình cho tay giám đốc chút đỉnh.

 

- Phải rồi! - Thức nhìn như dán vào khoảng trắng ngần của cổ và ngực người đàn bà - Cô Kim nói phải. Luôn luôn nhớ rằng, phải moi tài sản nhà nước để mà làm ăn. Ngu gì mà sắm mới! Bài học là ở đó. Còn nhớ, cái hợp đồng đầu tiên, cô chú trúng nguyên cái xe tải mười tấn còn gì!

 

- Dạ, cũng là nhờ anh! Anh Hai dùng đi kẻo nguội mất. Cua gạch son đó.

 

- Chà, cái mu này đã ghê! - Thức đưa tay đón chiếc mu cua mà Kim đưa cho, mắt vẫn thôi miên khoảng trắng ngần. Ước gì… Thức cố gằn lòng, lấy lại giọng tự nhiên - Ăn cua rang muối, mình khoái nhất cái mu, Tiền à!

 

Tiền biết Thức nói ý khác, phụ họa cho vui:

 

- Mu thì ai chả mê!

 

- Ngồi xuống đi cô Kim. Để hai thằng đực rựa ngồi ăn mất ngon!

 

Ý Thức muốn nói: Phải có em. Em có hiểu không? Anh đến đây cốt là gặp em. Chứ đâu phải vì công việc, vì ăn! Công việc thì thằng chồng em phải tới anh. Còn ăn thì… thiếu gì. Ở các động, các ổ, có nhiều món ăn ngon, nấu theo sở thích của anh. Ở đó cũng có nhiều gái. Nhưng người như em thì đúng là của hiếm. Gái một con… Ôi, chân tay gì mà làm anh tê tái vì thèm muốn. Và ngực nữa! Đầu vú thây lẩy thế kia, em mặc rốp mà không mặc coócsê, hại anh không hà! Khiêu khích anh không hà…

 

- Khi nãy, anh Hai nói nhà em phải lựa hợp đồng mà làm. Vậy theo anh, không chở clanh-ke thì chở thứ gì?

 

- Chở lúa!

 

- Chở lúa? Lúa ở đâu? Chở đi đâu? - Tiền ngạc nhiên.

 

- Trời đất. Bộ cô chú ở trên trời rớt xuống hả? À, thôi đúng rồi! Sung sướng quá, đâu có biết dân tình sống ra sao. Để anh nói cho nghe: Lúa ở các tỉnh miền Tây để thối mà miền Bắc thì đói. Lý do chỉ vì không vận chuyển được. Nhiều năm rồi, ngành giao thông vận tải bất lực. Cần phải có phương tiện nhỏ, cỡ năm đến mười tấn để đi sâu vào các xã chở lúa. Nhà nước đào đâu ra tàu nhỏ. Quốc doanh mà, toàn tàu lớn! Thế mới biết, nhà nước ngu thiệt. Tại sao không để cho dân tự do lo khâu chuyên chở? Cái gì cũng bao! Bao không nổi nên mới chết.

 

- Nghĩa là… - Tiền hiểu ra vấn đề -  phải nhận hợp đồng chở lúa từ các vùng sâu ra cảng lớn.

 

- Ừ. Phải mướn thêm tàu. Cô chú có hai chiếc rồi, phải không? Phải mướn thêm vài chiếc nữa. Phải lập một đội tàu “Duy Nhất” chạy rần rần trên sông. Sau này, ta sẽ mua tàu lớn, đi biển. Lấy cớ mua tàu, sẽ xin nhà nước cho đi nước ngoài!

 

- Ôi! Quân sư! Phải cụng ly mừng cao kiến của quân sư mới được! - Tiền quay sang vợ - Nào em, em cũng phải uống. Cụng ly với quân sư nào!

 

Rượu Hennessy được rót ra ly, thơm lừng. Ba chiếc ly cụng vào nhau. Tiếng của thủy tinh ngoại quốc - đồ pha lê nghe keng keng đã lỗ tai. Tiền ngửa cổ uống một hơi cạn ly rượu. Thức vừa uống vừa nhìn Kim như chờ đợi. Kim chỉ nhấp môi. Thức ép. Kim nói:

 

- Em uống không được, anh Hai uống giùm em!

 

- Ồ. Sẵn sàng!

 

Thức uống cạn ly rượu của Kim rồi khen:

 

- Ngon quá! Rượu đẹp quá!

Thức chỉ là anh tài công. Thức là kẻ biết mình, biết người. Nếu không gặp Đôn thì có lẽ Thức phải vượt biên, vì sẽ bị chiến dịch thanh lọc loại ra khỏi Liên hiệp Vận tải. Vượt biên thì Thức dư sức, nhưng Thức không muốn. Thức không thiếu tiền. Ở nhà, nghĩa là ở Việt Nam, Thức làm ra tiền. Cả nhà Thức hái ra tiền mà không vất vả gì. Vậy thì cớ gì mà phải đi qua bển để bị coi như mọi? Cái vụ lý lịch làm Thức lo sút ký lô. Vận may đến thật không ngờ. Tám Đôn cho Thức làm lại lý lịch mà không thèm lấy một teng nào! Sao lại có ông quan cách mạng tốt bụng thế? Nhưng rồi Thức hiểu ra: Ông ta muốn dùng mình như một con chó trung thành. À, được thôi. Hai bên cùng có lợi. Thức hiểu, chừng nào Thức làm trọn vai trò một con chó trung thành và được việc, thì Thức còn sướng. Ngay cả đi ngoại quốc, chắc gì Thức kiếm được việc làm béo bở như ở đây. Thức vừa được nâng bậc, qua kỳ thi tay nghề, được nhận chức danh là thuyền trưởng, trực tiếp chỉ huy chiếc tàu kéo vào loại xịn nhất của Liên hiệp. Thu nhập của gia đình Thức - qua công việc tiêu thụ hàng lậu - rất lớn. Riêng Thức, sống như ông hoàng. Mỗi tuần ngủ với một em. Thức khoái gái tơ, lạ. Lâu lâu Thức mới xài gái trinh, tất nhiên là phải đẹp mê hồn. Bởi thế, khi Tám Đôn thải ra thì Thức xài lại. Vừa đủ đam mê với em này, Thức cho em “về hưu” để đón em khác. Tiền bạc, Thức ít xài. Thức quen xài bằng chỉ. Chiến dịch “moi ruột cá lóc” mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho Thức. Không ai biết đích xác là bao nhiêu. Ngay cả Thức, khi bọn đệ tử cúng cho, Thức nộp lên Tám Đôn một mớ, còn lại Thức đưa cho vợ. Thức cũng không rõ một tháng mình kiếm được bao nhiêu.

 

Không phải lúc nào Thức cũng phây phây. Nghề nào nghiệp ấy. Thức đã từng nhiều phen lao đao, thậm chí có nguy cơ toi mạng. Bọn đàn em của Thức mù quáng vì tiền bạc. Tụi nó làm mà không suy tính, lộ liễu quá. Thức đã phải cho khử hai tay cảnh sát kinh tế, một bằng cách phục vụ rượu cho say rồi vứt xuống sông, một bằng cách cho xe tải cán. Cả hai vụ này, Thức đã ra tay kịp thời. Nếu không thì toàn bộ chiến dịch “moi ruột cá lóc” bị lật tẩy. Nhưng đây chỉ là bất đắc dĩ. Sở trường của Thức vẫn là ngọt ngào; mua chuộc, dụ dỗ là chủ yếu. Kinh nghiệm của ông già truyền cho Thức: Mua chuộc Cộng sản dễ hơn mua chuộc ngụy. Vì Cộng sản nghèo, lại không có luật pháp, ưa có màn “xử lý nội bộ”. Nếu mua chuộc dụ dỗ không thành thì Thức dùng thủ đoạn bôi nhọ và đe dọa - nếu cũng không thành mới thủ tiêu.

 

*

*       *

 

Lê Dung về nước được hai tháng thì cưới vợ. Vợ Dung là cô giáo Chi, dạy toán ở trường trung học. Họ yêu nhau từ khi Dung chưa đi tu nghiệp ở nước ngoài. Nhà Chi nghèo, rất nghèo. Cả nhà mười miệng ăn trông cả vào cái thùng tôn chứa cá đồng bán tại chợ Bà Chiểu. Hồi chưa đi dạy, ba giờ sáng, Chi đã phải thức dậy, cùng mẹ xuống chợ cá lấy hàng về bán. Chợ cá trước nhóm dài dài theo con đường nhỏ cặp ven sông. Sau cải tạo, gom cả vào sân cá Năm Mươi bên hông chợ Bình Tây. Chi phải có mặt ở đó lúc ba giờ rưỡi; đón mua của chủ ghe mới có lời, chứ mua qua trung gian thì hết lời. Mỗi ngày, các chủ ghe đưa từ miền Tây về sân cá Năm Mươi hàng chục tấn cá. Toàn cá đồng: lóc, trê, lươn, rùa... Mẹ Chi cũng chỉ đủ vốn mua chừng mươi ký lô. Một ký lô lời vài đồng bạc - nghĩa là đủ sống qua ngày đó. Cô giáo Chi, vì thế, có được tính tháo vát, nhanh nhẹn, ứng đối mau lẹ của những người sống nhờ chợ búa. Trời cho Chi một dáng vẻ hấp dẫn, đôi mắt lá răm, đen huyền, cổ cao, mái tóc thật dầy và dài. Chi gặp Lê Dung rất tình cờ: Năm ấy, Lê Dung là trinh sát, đang truy đuổi đối tượng lẩn vào chợ. Chẳng may, Dung xô vào cái thùng tôn làm hai mẹ con Chi té nhào, thùng cá hai chục ký lô đổ ụp. Những con cá lóc văng tứ tung. Vì mải lao theo đối tượng nên Dung không thể ở lại xin lỗi, chỉ kịp nghe văng vẳng sau lưng anh tiếng la, chửi của bà mẹ. Sau khi mất hút đối tượng, anh buồn bã quay lại thì mẹ con Chi đã về rồi. Anh hỏi tên hai mẹ con và sớm hôm sau anh đến xin lỗi. Bà mẹ té tát mắng anh và kết thúc câu chuyện là Lê Dung phải thường cho bà ba ký lươn, vì bao nhiêu lươn đổ ụp, lẩn đi không bắt kịp. Hình ảnh những con lươn trơn láng mà chân Dung đạp phải, khi anh chạy bám theo đối tượng, khắc ghi trong anh mãi đến sau này. Khi Dung móc ví lấy tiền trả cho bà mẹ thì cô con gái cản:

 

- Má ơi! Đừng lấy tiền của ảnh!

 

- Trời! Con nhỏ này! Tao làm gì ra tiền mà bỏ thí mấy ký lô lươn?

 

- Ảnh vô tình mà…

 

- Nhưng tao không có tiền. Cả nhà mười miệng ăn trông vào cái thùng tôn này!

 

Bà mẹ ngoài năm mươi, giọng chát chúa, mặt khắc khổ. Nhưng cô con gái sắc sảo, giọng nói lại êm dịu khiến Dung chú ý. Đưa tiền cho bà mẹ, Dung xin lỗi một lần nữa rồi đi. Một lát sau, anh nghe có tiếng gọi:

 

- Anh à! Anh nhận lại tiền đi! Mẹ em không bắt thường nữa!

 

Những tờ giấy bạc mới tinh, xếp cuốn vào nhau. Rõ là tiền để dành của cô gái. Dung cười:

 

- Ồ! Anh không lấy lại đâu. Tội chết!

 

- Anh cầm lấy đi mà. - Giọng Chi ngọt, má cô có lúm đồng tiền - Lẹ lên, em còn phải giúp má lựa cá!

 

- Không.

 

- Vì sao?

 

- Anh không muốn người đẹp như em bị má đánh đòn!

 

Đêm ấy về Dung không ngủ. Sớm hôm sau, anh lại dậy từ sớm, đi xuống chợ cá. Phá xong vụ án buôn lậu ma túy tại chợ Bình Tây thì Dung đã thật sự yêu Chi. Chi cũng thế. Cô phấn chấn hẳn lên, thi đỗ vào đại học sư phạm. Cô học năm thứ hai thì Dung được đi nước ngoài. Bốn năm sau, Lê Dung tổ chức lễ thành hôn với cô giáo Chi.

 

Ở khu tập thể của đơn vị Lê Dung có gần hai chục hộ cư ngụ. Ai cũng khen Chi đẹp. Nhưng có người lại nói: Dung không giữ vợ cẩn thận là mất như chơi! Cô ấy lẳng lắm! Dung chỉ cười. Anh là người hiền lành, sống giản dị và cởi mở. Bố anh là thợ ở xưởng Ba Son, bị bọn mật thám đang đêm xộc vào nhà bắt đi, rồi chết trong tù. Mẹ anh thờ chồng nuôi con ăn học. Nhà nghèo, Dung bị bắt đi lính năm mười tám tuổi. Cái mộng trở thành kỹ sư điện tử thế là tan. Vô lính được một năm, Dung gặp Ba Hoành. Anh đã cứu Ba Hoành thoát chết.

 

… Mười hai giờ đêm, Ba Hoành đột nhập căn cứ Mỹ. Vừa đặt xong chất nổ vào vị trí đã định thì Ba Hoành bị lộ. Hoành vừa chiến đấu vừa vượt hàng rào. Hoành chui vào đường cống thoát nước, nhưng anh đã trúng đạn nơi bả vai bên phải, cũng là lúc súng anh hết đạn. Trung sĩ Lê Dung là người duy nhất biết được lối “độn thổ” của người chiến sĩ giải phóng. Khi lùng sục qua chỗ đó, Dung thấy Hoành bị thương nặng. Họ nhìn nhau. Người lính giải phóng cất giọng thều thào: “Hãy cứu tôi! Tôi sẽ đền ơn anh!“. Dung đắn đo một vài giây và… gật đầu. Dung bấm đèn băng vết thương cho Hoành. Người bị thương hỏi:

 

- Anh tên chi?

 

- Dạ, tôi… Lê Dung.

 

- Nhà anh ở đâu?

 

Dung nói địa chỉ của gia đình mình, rồi hỏi lại:

 

- Còn anh?

 

- Tôi là Hoành. Ba Hoành. Thế nào tôi cũng gặp lại anh.

 

Lúc đó, Lê Dung không tin rằng anh sẽ gặp lại Hoành. Anh chỉ nghĩ có một điều: Người này dũng cảm quá. Má đã từng dặn dò anh khi tiễn anh đi lính: Quân giải phóng là người mình. Con chớ có làm điều gì nên tội. Lỡ có đụng độ với Giải phóng, tốt nhất là con giữ lấy thân, không bắn giết họ. Từ nhỏ, Lê Dung là đứa con được dạy những điều thiện, ngăn ngừa những việc ác. Anh luôn vâng lời má. Dung dìu Hoành chạy khom người dưới vòm cống thoát nước. Đúng lúc ấy, một tiếng nổ long trời lở đất. Hoành bấm chặt tay Dung cười rạng rỡ: “Lê Dung! Tôi xong nhiệm vụ rồi! Anh để mặc tôi, về đi kẻo bọn nó nghi anh. Ra đến cửa thoát nước là tôi yên rồi. Giờ này chúng nó lo chữa cháy, cứu thương, chứ còn tinh thần đâu mà truy lùng tôi”. Đúng như Hoành nói, địch tập trung chữa cháy và cứu thương. Khi ra đến cửa cống, Hoành lặn qua sông, thoát sang bờ bên kia. Một tháng sau, Hoành cho Lữ tìm đến nhà Dung. Lúc đó, Hoành mới biết: Lữ và Dung là bạn của nhau từ thuở nhỏ. Sau đó, Dung trở thành cơ sở mật của Hoành. Cho đến ngày Sài Gòn giải phóng, Dung đã giúp đơn vị biệt động của Hoành đánh thắng nhiều trận. Dung được đi học lớp đào tạo cấp tốc tại Vũng Tàu, trở thành chiến sĩ công an trong đơn vị của Hoành. Lữ và Dung đã trực tiếp phá nhiều tổ chức phản động được CIA cài lại sau giải phóng. Sau chiến công đập tan bọn phản loạn ở nhà thờ Vinh Quang, Dung được phong quân hàm thiếu úy cùng với Lữ. Dung ra Hà Nội học một năm và sau đó đi nước ngoài học đại học. Chính thời gian ở nước ngoài, Dung đã nhận được lá thư cuối cùng của Lữ. Dung đã dại dột đem chuyện của Lữ ra hỏi đại tá Đôn và nhận được lời đe dọa. Từ ngày ấy, Dung đặt cho mình trách nhiệm làm sáng tỏ cái chết của Lữ. Về nước, mặc dù phải lo nhiều chuyện - chuyện công tác, chuyện cưới vợ, nhưng Dung vẫn thường xuyên an ủi động viên cô giáo Mai - vợ Lữ - đi thưa kiện hết cửa này đến cửa khác. Nghiệp vụ công an của Dung đã giúp anh không để lộ. Anh biết rằng Tám Đôn luôn để mắt theo dõi hành tung của anh. Bạn thân của anh đã bị bắn chết, xác vùi xuống bùn, không được mai táng, như một tên phản quốc. Chỉ riêng điều ấy đủ cho anh tỉnh táo. Anh hiểu rằng mình phải đương đầu với một đối thủ có thế lực, có quyền và cực kỳ ác hiểm.

 

Phòng X35 do thiếu tá Ba Hoành phụ trách là đơn vị chuyên chống phá các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Lê Dung là nhân viên của X35. Đây chính là đất dụng võ của anh. Thời gian học đại học ở nước ngoài, anh được đào tạo chuyên sâu về vấn đề này. Bởi thế, vào những lúc vui vẻ nhất, trưởng phòng Ba Hoành thường nói với ân nhân cứu mạng mình: “Chú mày cố gắng phấn đấu nghe. Cái chức phó phòng đang chờ chú mày đó, Dung ạ”. Không hiểu sao, càng ngày Dung càng thấy Ba Hoành có nhiều nét giống với đại tá Đôn: từ cách nói, từ điệu bộ. Tại sao Ba Hoành lại phải bắt chước rập khuôn như thế nhỉ? “Chú mày…” - Tám Đôn vẫn thường nói như thế với cấp dưới. Báo cáo 03 về vụ Lữ “phản bội” do chính Ba Hoành viết và Đôn ký tên. Dung không thể tin vào Hoành.

 

Từ ngày về nước, Dung thường phải cáo công việc với Tám Đôn. Có vẻ như Tám Đôn đã quên đi câu chuyện giữa hai người về Lữ khi họ gặp nhau ở nước ngoài. Tám Đôn không hề nhắc đến chuyện cũ. Lê Dung càng làm ra vẻ chính mình cũng quên.

 

Một năm trời trôi qua từ khi Lê Dung về công tác ở X35. Tại phòng riêng của thiếu tướng Ba, Lê Dung trình bày ba vấn đề liên quan đến đại tá Đôn. Trước khi nói, anh đã yêu cầu thiếu tướng phải đảm bảo an toàn cho anh. Tất nhiên, thiếu tướng đã hứa. Lời hứa được ghi lại trong băng ghi âm nhỏ xíu trong túi Dung. Ba vấn đề ấy là: Một, có đủ bằng chứng để kết tội Đôn bao che cho Út Phụng, nhân viên CIA tung vào căn cứ phá ta. Trên thực tế, Tám Đôn đã bị Út Phụng cho vô tròng. Khi bị phát giác, chính Tám Đôn cho người giết Phụng để bịt đầu mối. Vấn đề thứ hai: Việc sát hại thiếu úy Lữ là hành động tội ác nhằm bịt đầu mối tố giác quan hệ bất chính giữa Phụng và Tám Đôn. Mặt khác, vì Lữ là người phản đối quyết liệt chuyện trấn lột những người đã nộp vàng để được ra đi theo phương án bán chính thức. Và ba là: Trong vụ án kinh tế lớn với bị cáo chính là Trần Hải, vợ Trần Hải đã đưa hối lộ một trăm cây vàng cho Tám Đôn để yêu cầu can thiệp thả Trần Hải ra. Nếu lo được việc này, Trần Hải sẽ vượt biên và sẽ gửi tiếp cho Tám Đôn một trăm cây nữa. Vì không lo được, Trần Hải phải ra tòa, nên vợ Trần Hải đã tố cáo Tám Đôn ăn hối lộ. Có bằng chứng giao và nhận vàng đầy đủ.

 

Cả ba vấn đề Lê Dung trình bày đều có chứng cứ rõ ràng gồm ảnh chụp, giấy tờ gốc, thư từ, nhật ký và đơn tố cáo. Thiếu tướng hẹn với Lê Dung một tuần sau gặp lại. Đúng hẹn, Lê Dung có mặt.

 

- Vì sao đồng chí không thông qua trưởng phòng trước khi báo cáo với tôi?

 

- Thưa thiếu tướng, đồng chí đã hiểu vì sao rồi!

 

- Nghĩa là… đồng chí không tin trưởng phòng?

 

- Đúng vậy!

 

- Thôi được rồi. Đồng chí đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn. Những điều đồng chí đã thu được khá chính xác, chỉ trừ một chi tiết.

 

- Thưa… chi tiết nào ạ?

 

- Việc thiếu úy Lữ có ý định ngăn chặn hành động dã man của… nhằm trấn lột và hãm hiếp những người ra đi theo phương án bán công khai. Việc này cần phải xem lại. Vì thế, đây là lệnh. Tôi yêu cầu đồng chí không được đề cập việc này nữa! Chờ lệnh của tôi. Hiểu chứ?

 

- Tôi biết tuân lệnh. Nhưng…

 

- Tôi nhắc lại. Đây là lệnh!

 

- Dạ, tôi hiểu.

 

Vợ Lê Dung sinh con trai đầu lòng. Lê Dung lo chăm sóc vợ con trong hoàn cảnh vô cùng túng thiếu. Mọi chi tiêu như ăn sáng, cà phê, thuốc lá của Dung bị dẹp bỏ để dành tiền mua thức ăn bồi bổ cho vợ. Con anh kháu khỉnh và mau lớn. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với anh. Dung có phương pháp làm việc rất khoa học, cho nên công việc tuy nhiều nhưng anh vẫn làm chủ được quĩ thời gian của mình. Anh tiếp tục chỉ vẽ cho cô giáo Mai đi gặp những người cần gặp. Anh tìm gặp những người trong chuyến tàu mà Lữ bị bắn chết để hỏi cho ra sự thật. Đặc biệt, anh có trong tay nhiều lá thư từ nước ngoài gửi về, tố cáo những người đã trấn lột và hãm hiếp người ra đi.

 

Thế nhưng, thiếu tướng đã ra lệnh cho anh phải im lặng. Thế là thế nào? Điều này dằn vặt anh. Làm ngơ trước tội ác tức là tòng phạm. Đã là con người, sao lại có thể làm vậy. Chỉ còn một cách duy nhất là đưa được vụ án ra ánh sáng bằng chính con đường của cô giáo Mai đang đi.

 

*

*       *

 

Từ ngày Chi sinh con, các em học sinh của cô thường đến thăm cô. Con cô giáo Chi đầy tháng, rất nhiều em đến tặng quà. Đặc biệt, có một em dắt mẹ theo, tặng một bó hoa rất đẹp, cùng một bao thư và một gói bọc giấy đỏ. Cô giáo Chi không biết em học sinh này. Người mẹ của em có mái tóc vàng như lai, đon đả nói:

 

- Thưa cô, cháu mới học lớp mười một, qua năm tới cháu mới được học cô. Nghe các cháu nó khen cô giáo Chi hết lời, tôi nghĩ, con mình tốt phước lắm mới được học cô. Dạ, bởi vậy, hai má con dắt nhau đến mừng cô giáo có em bé. Cha chà, em bé dễ ghét quá hà. Ôi chao, cái miệng này, đôi mắt này, cái mũi này, dễ thương ghê. Sau này lớn, phải biết à nghe.

 

Khi cô giáo Chi nói lời cảm ơn về những món quà do người mẹ có mái tóc vàng trao cho, em học trò đã lôi cái máy ảnh nhỏ ra để chụp. Người mẹ mau mắn:

 

- Nào con! Chụp hình em bé nghe con. Má với cô giáo lớn rồi chụp làm chi! - Người mẹ mở gói giấy đỏ lấy ra bộ quần áo đưa cho cô giáo - Nào! Cô giáo thay quần áo đẹp cho em bé nào. Ôi chao! Mới đầy tháng mà coi nè, tay chân nè! Ôi dễ ghét quá! Muốn cắn quá hà.

 

Lê Dung không ngờ rằng những tấm ảnh của cậu bé đội lốt học trò này ít lâu sau đã hại anh. Hôm ấy, khi chồng vừa về tới, Chi khoe ngay với chồng:

 

- Anh ơi, hôm nay em nhiều khách lắm. Có tám em học sinh đến thăm. Chúng nó hùn tiền nhau lại mua tặng cô giáo tới mười hộp sữa Ông Thọ, hai bộ quần áo cho em bé. Rồi có cả một bà tóc vàng như lai, mẹ của em học sinh lớp mười một cũng đến. Bà ta tặng con mình cái này này.

 

Dung mở bao thư mà vợ đưa cho. Một xấp giấy bạc mới tinh, bằng ba tháng lương của anh. Lẽ ra anh phải vui, nhưng mặt Dung nghiêm lại. Chi hỏi:

 

- Sao anh không vui?

 

- Em biết cậu học trò này?

 

- Không.

 

- Không biết mà nhận quà?

 

- Người mẹ nói là con bả học lớp mười một, qua năm tới lên lớp mười hai.

 

Chi là giáo viên dạy toán rất giỏi, được trường cho dạy lớp chuyên toán. Cũng có thể vì ai cũng muốn cho con mình thi đậu tốt nghiệp cấp ba nên người mẹ này đã làm thân trước. Nhưng… biết đâu... đây lại là…

 

Dung nói với vợ, giọng anh tỏ ra gay gắt:

 

- Từ nay bất cứ ai tặng quà, em phải mở ra coi. Nếu thấy món quà quá lớn, phải trả ngay!

 

- Ô hay! Anh sao kỳ quá hà? Đây là khách của em. Mắc mớ gì đến anh nào. - Chi cũng đáp lại, gay gắt.

 

Dung chợt nhớ đến những con lươn trơn nhẫy anh đạp phải để bám theo đối tượng ở chợ cá năm xưa, và cái giọng té tát, chát chúa của mẹ Chi. Nay, Chi cũng nói với cái giọng ấy. Chất dịu dàng của giọng Chi đâu mất rồi! Cũng có thể là anh quá cẩn thận. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Những gia đình khá giả thường chăm sóc thầy cô hậu hĩ để con mình được chiếu cố. Đó cũng là lẽ thường ở đời. Chi có lý. Đây là chuyện của Chi, không phải chuyện của anh. Nhưng cái câu “mắc mớ gì đến anh nào” nghe nó có vẻ chợ búa quá. Vợ chồng thương nhau, niềm vui, nỗi buồn là của chung. Sao nỡ nói thế. Từ ngày có con đến giờ, sự túng thiếu ngày càng dày vò hai vợ chồng. Cuộc sống ngày một khó, giá cả tăng như tốc độ vũ trụ, đồng lương thì chết dí một chỗ. Dung hiểu rằng giữ cho mình trong sạch là vô cùng khó. Chỉ cần anh tặc lưỡi, gật đầu một cái là lập tức anh có cả cây vàng. Nhưng đó là tội ác. Bao che cho tội ác tức là gây tội ác. Anh là người, không thể nào như vậy. Cho dù anh có là sĩ quan cấp tướng, hay chỉ là anh hạ sĩ quèn, Dung vẫn sẽ suy nghĩ và hành động như thế. Anh là Người!

 

Chi đã nhiều lần kiếm chuyện với anh. Chi chì chiết anh là kẻ không biết lo cho vợ con, lo cho tương lai gia đình. Người khác, ở cương vị của anh đã có xe Cub chạy vù vù, tivi màu, tủ lạnh, xa lông, áo quần tươm tất. Chủ nhật chở vợ con đi chơi, diện dập láng o. Đằng này, tối ngày lo công việc, đi lại chỉ độc chiếc xe đạp cành cạch, có chở vợ về thăm ngoại thì đến nhà, lưng áo đẫm mồ hôi. Thấy mà nản!

 

Dung chỉ im lặng. Phụ nữ thường nghĩ gần, nhìn gần. Cô ấy thích ăn diện. Dung hiểu điều đó. Nhưng biết làm thế nào được. Chồng công an, vợ nhà giáo. Lương của hai giới này lẽ ra phải cao, rất cao, đủ cho họ sống đàng hoàng để có tư thế. Nhưng thật đáng buồn, lương của hai vợ chồng anh cộng lại không đủ sống trong vòng chục ngày. Vợ anh phải chạy sô, dạy thêm mới đủ ăn. Dung biết mình sống nhờ vợ. Anh chỉ biết im lặng khi vợ chì chiết mình. Sự im lặng của anh lẽ ra phải làm cho Chi biết trọng nể chồng. Ai ngờ, càng ngày Chi càng lắm lời. Đã hơn chục lần, Chi hỗn với chồng. Dung cắn răng chịu đựng. Nhiều lần, Chi ẵm con về bà ngoại. Nhiều lần, Chi không đi chợ. Chi mắng chồng té tát trước bữa ăn: “Người đâu mà không biết ngượng. Cũng là đàn ông, người ta nuôi vợ nuôi con sung sướng. Đây thì sống bám vào vợ!”. Đêm nào Dung cũng hì hục ở bể nước công cộng tới mười hai giờ đêm mới giặt xong chậu quần áo của mẹ con Chi thải ra trong ngày. Tất cả những điều phiền muộn trong cuộc sống, anh có thể chịu đựng được hết, để cái tâm anh dồn hết công việc. Anh say mê nghề nghiệp, anh tự hào về nghề của anh: trừ diệt cái ác, bảo vệ điều thiện. Thế nhưng càng ngày anh càng thất vọng về Chi. Vợ anh đã lộ hết chân tướng. Cô chỉ là kẻ xoàng, coi đồng tiền là mục đích. Chi đã không cần giấu giếm những lời nói cử chỉ coi thường chồng.

 

Chưa bao giờ Dung thấy cô đơn như lúc này. Trước khi đi học đại học ở nước ngoài, anh đã mang hàm thiếu úy được hai năm. Vậy mà sau khi tốt nghiệp đến giờ, anh vẫn đeo lon thiếu úy. Anh mắc tội gì mà không được phong đúng niên hạn? Đã có lần anh hỏi thẳng Ba Hoành. Hoành lấy giọng nghiêm trọng nói: “Đó là chuyện của tổ chức! Mình là trưởng phòng, chỉ biết đề nghị. Còn cấp trên mới có quyền quyết định”. Dung buồn lắm, nỗi buồn không biết thổ lộ cùng ai. Vợ anh mỉa: Trung thành cho lắm, mẫn cán cho lắm, hừ, chỉ là anh thiếu úy quèn! Ngày trước, thiếu úy ngụy ấy mà, nuôi cả nhà! Còn bây giờ, thật hết biết!

 

Niềm hứng khởi trong công tác của Dung tưởng chừng tan biến như bọt xà bông khi anh được biết: Đại tá Đôn đã phê vào lý lịch của anh: “Đồng chí Dung còn có nhiều biểu hiện dao động trước hoàn cảnh mới. Lập trường tư tưởng không vững vàng. Đây là người lính của chế độ ngụy, được ta sử dụng. Cần phải theo dõi và thử thách một thời gian dài mới có cơ sở để thăng cấp”.

 

Anh không được tin cậy!

 

Có lẽ không còn gì đáng thất vọng hơn điều đó. Đã nhiều khi Dung muốn buông xuôi tất cả. Nhưng còn nỗi oan khuất của cô giáo Mai, còn lá thư cuối cùng của Lữ: “Mình là lính. Lời nói chẳng ai thèm nghe. Không khéo lại bị kiểm điểm thì khốn. Mình mong Dung học xong, về nước, có lẽ bạn sẽ giúp được mình nhiều. Lương tâm mình đang đầy đau khổ…”. Dung chưa làm được như đã hứa trước vong linh bạn. Dung không được tin cậy. Trong nghành công an mà không phải đảng viên… thì xù. Hay là… chuyển ngành? Câu hỏi ấy cứ xoắn mãi tâm trí của Dung. Kiếm một nghề nào đó mà làm cho đủ sống. Thế là êm!

 

Sau những đêm thao thức như vậy, sáng dậy soi gương, Dung thấy má như hóp lại, mí mắt thâm quầng. Anh lo cho vợ ăn xong, lủi thủi đạp xe đến sở.

 

*

*       *

 

Người đàn bà có mái tóc vàng và cậu con trai đã vượt biên. Trước khi ra biển, bà ta đã gửi một bức thư tố cáo Dung tổ chức vượt biên. Thư ghi rõ việc giao nhận vàng tại nhà của Dung vào lúc mười giờ sáng. Tổng số mười cây vàng, gói trong bao giấy màu đỏ. Thư có kèm theo tấm ảnh màu chụp cảnh vợ Dung nhận bao giấy màu đỏ từ tay người đàn bà tóc vàng.

 

Dung bị bắt. Anh bị biệt giam. Đích thân Ba Hoành hỏi cung anh. Trước sau, Ba Hoành chỉ khuyên Dung nhận đúng tội trong thư tố cáo. Dung không chịu. Ba Hoành lắc đầu, bỏ đi: “Chú mày ngu quá. Ăn vụng mà không biết chùi mép. Đã thế còn to gan đi tố cáo người khác!”. À ra vậy. Lê Dung hiểu ra vấn đề. Đây là sự trả đũa của Tám Đôn!

 

Nằm trong phòng biệt giam, Dung suy nghĩ làm cách nào báo tin cho thiếu tướng Ba? Không có cách nào cả. Những đồng nghiệp trong phòng của anh không ai được phép đến thăm. Vợ anh thì không đời nào. “Có lẽ cô ấy chỉ mong mình như vậy!”. Má Dung cũng không biết con mình đi đâu mà cả chục ngày nay không ghé thăm nhà.

 

Tám Đôn lệnh cho Ba Hoành:

 

- Để ngỏ cửa ngục. Nếu nó ló ra ngoài thì bắn chết liền. Tội vượt ngục!

 

Ba ngày tiếp theo đó, cửa ngỏ, Dung vẫn không mắc bẫy. Thức ăn đưa tới, Dung yêu cầu người đưa cơm nếm thử. Anh cảnh giác, và hy vọng thế nào cũng có đồng chí, bạn bè của anh trong đơn vị báo cho thiếu tướng Ba.

 

Đại tá Đôn ký văn bản đề nghị tước quân hàm thiếu úy của Dung, đưa Dung ra tòa về tội ăn hối lộ, tổ chức cho bọn phản động vượt biên (người đàn bà tóc vàng đúng là người của CIA).

Thiếu tướng Ba can thiệp kịp thời. Tòa tuyên bố Dung trắng án.

 

Chuyện này qua đi được sáu tháng thì đại tá Đôn bị đưa ra khỏi ngành công an.

 

Số phận thật trớ trêu! Số phận cứ bắt Dung và Đôn đối đầu. Rất nhiều lần Dung bắt được bọn buôn lậu ma túy và đồ cổ thì Đôn lại can thiệp. Thì ra chúng là nhân viên của Liên hiệp Vận tải. Lực lượng bảo vệ ở đây có thế lực không xoàng. Chỉ cần một cú điện thoại của Đôn thì lập tức người của Đôn được tự do.

 

Đoàn tàu kéo sà lan từ Nam Vang vừa cập cảng, một chiếc La Dalat ra đón thuốc lá 555. Xe của Tám Đôn, tất nhiên là không có Đôn ngồi trên, cũng ra cầu tàu. Xe này chở vàng. Vàng mua được từ việc “moi ruột cá lóc”. Xe của Đôn chạy trước. Xe La Dalat chạy sau. Trinh sát của Dung đuổi kịp. Dung lập biên bản, thu giữ xe, hàng hóa và bắt bọn buôn lậu giao cho đơn vị. Nhưng chỉ hai tiếng đồng hồ sau, bọn này tự do nhờ một lá thư tay.

 

Lê Dung hiểu rằng, nếu mình cứ hành động theo kiểu này, sẽ toi công vô ích. Bây giờ anh mới thấm thía sự cô đơn. Còn có ai đáng tin cậy trên cõi đời này? Chẳng lẽ sống giữa bao người mà ta lẻ loi? Dung tìm gặp thiếu tướng Ba. Anh sẽ trình bày với thiếu tướng về chiến dịch”moi ruột cá lóc”.

 

Thiếu tướng nghe Dung báo cáo công việc suốt hai tiếng đồng hồ. Khi ra về, ông đưa cho Dung một cái thẻ màu đỏ. Dung ngạc nhiên thấy trong thẻ có ảnh của mình với dòng chữ: “Người có ảnh trong thẻ này đang làm nhiệm vụ đặc biệt. Yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang hỗ trợ”. Dấu đỏ đè lên chữ ký của một người mà Dung chỉ biết tên, chức vụ và thấy ảnh trên báo, chứ chưa được trực tiếp gặp bao giờ.

 

*

*             *

 

Đúng vào lúc người thủy thủ chuẩn bị bấm nút điện để thu hồi thang cho tàu nhổ neo thì có tiếng chân chạy từ dưới hầm tàu lên. Người đó dừng lại trước mặt thuyền trưởng, yêu cầu cho kiểm tra lại tàu. Một trung úy xuất hiện.

 

- Đồng chí là ai?

 

Người đòi kiểm tra tàu không trả lời mà hỏi lại:

 

- Anh là ai?

 

- Tôi là người chịu trách nhiệm an ninh cửa khẩu trên con tàu ngoại quốc này.

 

- A, nếu vậy thì tôi báo cho anh biết: Trên tàu đang có sáu người Việt Nam lẩn trốn!

 

- Vô lý! Tôi đã kiểm tra kỹ càng.

 

- Anh để tôi giúp một tay. Nào…

 

- Anh không có quyền! - Trung úy phản đối.

 

Người đòi kiểm tra đưa ra tấm thẻ màu đỏ. Trung úy tái mặt. Sau gần nửa giờ, đã phát hiện ra sáu người lẩn trốn trong phòng thủy thủ, phòng riêng của thuyền trưởng và nhà bếp. Biên bản được ký. Viên thuyền trưởng tàu nước ngoài năn nỉ được nộp phạt để tàu được nhổ neo. Công việc được giao lại cho cấp có thẩm quyền.

 

Sự vụ ấy đến tai Tám Đôn. Đây là tình huống Tám Đôn đã tính đến. Bằng một cú điện thoại, Tám Đôn giải tỏa được mọi chuyện. Ngày hôm sau, trên trang nhất các báo đưa tin với nội dung: “Những người bốc vác tự ý lẩn trốn trên tàu để vượt biên”. Trong trường hợp đó, tất nhiên thuyền trưởng vô can.

 

Tám Đôn ra lệnh cho Thức:

 

- Phải vô hiệu hóa thằng chó chết này!

 

- Dạ thưa, anh Tám cho em khử nó.

 

- Chưa được. Sẽ bại lộ ngay! Nó có người đỡ đầu, không thể coi thường. Chú mày thử mua chuộc nó lần nữa coi. Nếu không được thì tiếp tục bôi nhọ, vô hiệu hóa.

 

- Dạ, em tính… nhắm vào con vợ nó. Vợ nó là một cô giáo - nghèo, ham tiền, ham ăn chơi, đa tình.

 

- Tốt. Cách này được. Làm tới đi!

 

- Dạ thưa anh Tám, sự vụ vừa rồi vỡ lở, ta mất toi hơn chục cây!

 

- Nhằm nhò gì hơn chục cây! Cái chính yếu là nó khám phá ra phương thức tổ chức cho người vượt biên bằng tàu hàng của ngoại quốc. Đau nhất là ở chỗ đó.

 

Kẻ thù của Thức là một thanh niên cao lớn, đặc biệt đôi mắt lộ rõ sự nhạy cảm, sắc sảo. Sắc phục cảnh sát may rất xấu, vậy mà khi nhìn hắn ta trong bộ đồ cảnh sát, Thức phải công nhận là không thua gì cảnh sát ngụy hoặc bọn MP Mỹ ngày trước. Thức in ảnh của Lê Dung ra làm nhiều tấm, phát cho đệ tử của mình để nhớ mặt mà đề phòng. Lê Dung biết rằng từng bước đi của anh đều có kẻ theo dõi. Anh rất cảnh giác. Anh biết Đôn sẽ không buông tha mình. Nhưng điều anh không ngờ tới là: con mồi lại chính là vợ anh. Trong khi anh vùi đầu vào công việc, mong tìm ra kẻ chủ mưu trong vụ án “moi ruột cá lóc”, tức là vụ ăn cắp hàng từ sà lan lash, thì vợ anh, cô giáo Chi đã lạc vào mê hồn trận.

 

Đứa con của Chi bị sốt. Chi cho con đi nhà thương. Một cô y tá ở đó tỏ ra đặc biệt nhiệt tình. Cô ta tự giới thiệu là chị của cậu học trò học cô giáo Chi. Ban đầu là thuốc men, quà cáp. Sau đó là rủ rê đi ăn, đi uốn tóc, đi may đồ. Mọi phí tổn, cô y tá lo chu tất. Thế rồi Chi được mời đi khiêu vũ. Chi từ chối vì… quê, chưa biết nhảy. Cô y tá mang cassette đến tận nhà dạy Chi nhảy. Nhảy thì phải có đôi, chứ hai bạn gái nhảy với nhau mau chán lắm. Vậy là cô y tá giới thiệu bạn nhảy đàn ông cho Chi. Đến lúc này thì Chi thực sự mê khiêu vũ, ghiền khiêu vũ như dân ghiền xì ke vậy. Bạn nhảy của Chi đúng là một chàng trai hào hoa. Anh ấy to lớn hơn hẳn chồng Chi. Mỗi lần anh ấy dìu Chi ra sàn nhảy, Chi có cảm giác mình thật bé nhỏ và tội nghiệp, nếu không dựa vào anh ấy, sẽ chết mất. Bởi thế, khi bàn tay người đàn ông đặt vào eo của Chi, kéo sát thân thể cô vào anh ta, thì Chi hoàn toàn buông thả. Người cô như dán vào người đàn ông. Bộ ngực căng tròn của cô được ngực người đàn ông làm cho nóng lên. Con cô ở nhà đang khát sữa. Chi biết điều đó, vì vú đang cương sữa. Nhưng… đã có sữa bình rồi! Trong tiếng nhạc dập dìu, người đàn ông rót vào tai cô những lời ngọt ngào, êm ái: “Chi biết không. Em đẹp lắm. Ước gì suốt đời tôi được cùng em như vầy!”.

 

Đi nhảy, đi ăn với người đàn ông được chừng một tuần, Chi được nhiều người khen là độ rày thấy trẻ ra, đẹp hơn trước. Đúng là… gái một con.

 

Chi mê mẩn trong cuộc tình mới. Lê Dung vắng nhà suốt ngày. Chi đưa bạn nhảy về nhà, vào đúng chiếc giường của vợ chồng Chi. Cũng có đôi lần, thấy chồng đi làm về, hì hục vừa nấu ăn, vừa giặt đồ cho vợ cho con, Chi thấy tội nghiệp, thấy thương chồng. Nhưng lòng trắc ẩn chỉ thoáng trong giây lát. Chi lại thấy chồng hèn kém, giận chồng đã làm khổ đời mình, giận mình ngu si đi lao đầu vào làm vợ của thằng vừa ngu vừa nghèo kiết xác. Trong khi đó, người bạn nhảy của Chi tiền xài như nước, mỗi lần đi chơi, anh ấy đưa cho Chi cả xấp giấy bạc mới nguyên, cho Chi thỏa sức dùng. Và, còn điều này nữa: Trong khi ở nhà, cả tháng vợ chồng mới gần nhau vài lần thì đằng này, anh ấy luôn luôn thèm khát, luôn luôn đòi hỏi Chi. Cứ gặp nhau là anh ấy thèm Chi. Ngày nào cũng thế. Càng ngày anh ấy càng si mê Chi hơn. Đã hai lần Lê Dung bắt gặp quả tang vợ dắt trai về nhà làm tình. Anh đau khổ nhưng nén giận để giáo dục vợ. Vô ích. Chi đã quá đà. Chi nghĩ đến chuyện bỏ chồng. Người bạn nhảy của Chi nhiều lần thuyết phục Chi: “Em bỏ cái thằng chồng cù lần ấy đi. Có chồng làm nghề ấy là… thất đức lắm! Chúng mình sẽ sống với nhau thật hạnh phúc. Sống cho ra sống chứ em!”.

 

Cuộc tình khiêu vũ càng mặn mà thì gia đình Chi càng xào xáo. Mọi việc tề gia nội trợ Chi không nhúng tay vào. Chồng nhắc nhở, Chi thốt ra những câu hỗn láo, xúc phạm chồng. Cô được kẻ nào đó cho biết rằng độ rày chồng cô có mèo. Lê Dung đến nhà cô giáo Mai để giúp cô lo thưa kiện giải oan cho chồng. Chi đã bám theo. Và thế là màn kịch Chi ghen chồng diễn ra rất đạt. Chi có cớ để ra tòa ly dị.

 

Không có gì đau khổ cho bằng tình yêu bị phản bội. Điều ấy lại xảy ra đúng vào lúc Lê Dung cần được an ủi, động viên, cần được chăm sóc, vì anh đang ở trong cuộc chiến đấu ác liệt: chiến đấu chống bọn cướp tài sản nhà nước từ sà lan lash. Nếu không khéo, anh sẽ bị chúng thủ tiêu. Nếu nóng vội, anh chỉ bắt được con tép, con cá lớn sẽ lặn mất.

 

Việc Chi kiện chồng ngoại tình, đòi ly hôn là một cú bất ngờ đối với anh. Điều này khiến anh phạm vào tội “thoái hóa biến chất!”.

 

Con người, khi đã tráo trở thì không lường hết được. Ngay lập tức, Ba Hoành ký quyết định kỷ luật Dung: cảnh cáo trong toàn đơn vị; đình chỉ nghiệp vụ phá án mà Dung đang tiến hành. Dung phải đến cơ quan hàng ngày như một nhân viên hành chính để… bảo vệ cổng.



(1) Còn gọi là dầu hắc.

Chương : 1    2   4    6   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 2731
Ngày đăng: 19.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)