Chẳng biết những lời của cô, của Hiệp đã khiến Bích suy tư những gì nhưng mấy hôm sau, nhỏ Bích đã hỏi tôi:
- Mi đã kiếm được giọng nữa nào cho phát thanh học đường chưa?
- Chưa… Tôi lắc đầu.
- Bậy ta đến đọc thử có được không?
- Sao lại không, chiều nay khoảng hai giờ nha.
Nhìn điệu bộ mừng rỡ của tôi, nhỏ Bích chắc mắc cười lắm nhưng nó chỉ nói:
- Chẳng biết giọng của ta đọc có được không?
Biểu chiều nắng như đổ lửa nhưng đúng hai giờ, tiếng xe của nhỏ Bích đã dừng lại trước cổng nhà tôi. Nhỏ Bích luôn đúng giờ, tính cách lại khá mạnh mẽ , hào phóng nên nhiều bạn bè cũng mến Bích. Chỉ có điều thân hình cao lêu nghêu như cây sào giống con trai nên thấy hai đứa tôi đi chung với nhau tụi bạn đùa bọn tôi là cặp tình nhân. Nhỏ Bích cũng đùa tiếu gọi tôi là bà xã của nó. Chuyện đùa của bọn tôi ai ngờ đã làm mẹ Bích khóc một trận. Số là một lần tôi bị bệnh phải nghỉ học, nhỏ Bích đi học về lập tức gọi điện cho tôi liền. Mà giọng nói của nó thì oang oang:
- Em bớt sốt chưa Mai? Bữa nay không có em đi học, anh nhớ em quá trời hà…
Trong lúc nhỏ Bích đang bu lu ba loa thì ai ngờ mẹ của Bích ở đằng sau đã nghe thấy hết. Lúc Bích quay lại thì mặt của bà đã tái đi. Bà lắp bắp nói không ra hơi nữa:
- Bích, con…con… nói với ai… ai vậy?
- Dạ, con nói chuyện với nhỏ Mai mà…
- Sao…sao… con xưng anh rồi gọi nó là em… con đừng làm má sợ nha…
Nghe nhỏ Bích thuật lại, bọn tôi ôm bụng cười đến chảy nước mắt. Chắc má của Bích tưởng bọn tôi là pê đê. Nhỏ Hồng lúc ấy vừa chùi nước mắt vừa nói:
- Trời ơi, chắc má tao mà biết tụi bay gọi tao là Bố chắc má tao xỉu quá.
- Còn má thằng Quang thì cũng được phen hết hồn vì nghe con mình còn có biệt danh là đại dâm tặc. Má nó lại tưởg thằng Quang thuộc loại dê xồm thì nguy. Ai ngờ đâu thằng Quang bị nhiễm phim Lộc Đỉnh Ký định bắt chước nhân vật chính cưới bảy bà. Nhỏ Mai cũng vinh dự là vợ thứ bảy của nó nữa chứ.
Tôi phải vội vàng bịt miệng nhỏ Hồng lại. Nếu ba tôi mà nghe được chắc tôi lại một phen khổ sở để giải thích như đã từg khổ sở đi giải thích cho mà nhỏ Bích vậy. Riêng nhỏ Bích thì khích lệ tôi:
- Mi lo cái gì? Nếu mai mốt ế, tao kêu anh hai tao cứơi mày đừng lo.
Tôi vừa đi ra cổng vừa tủm tỉm cười. Lớp tôi đúng là dân "Tiếu ngạo giang hồ" thật.
Bọn tôi tới trường thì đã thấy đủ mặt "bá quan văn võ" đang tụ tập tại văn phòng Đoàn. Hiệp đang gõ gõ thử hai cái micrô dùng để cho hai bạn phát thah viên. Ngoài Bích còn có Thái cũng là bí thư chi đoàn 12A7 đồng thời cũng là người đã từng đoạt giải huy chương vàng trong đợt liên hoan tiếng hát học sinh, sinh viên. Mời được Thái tham gia là nhờ tài thuyết phục của Hiệp. Hiệp mở cátsét cho cả bọn nghe bài "Hành khúc học sinh" và đề nghị chọn bài hát này làm nhạc hiệu cho chương trình.
- Không lẽ chọn nguyên bài hát dài thòn vậy sao?
Nhỏ Bích đã láu táu lên tiếng nhưng Hiệp đã kịp thời giải thích:
- Mình nghe cho kỹ rồi chọn một phần. Hoặc là nhạc dạo đầu hoặc là phần lời và chọn phần nào thì mình phải lựa kỹ.
- Hay là chọn lại " Bụi phấn" đi…
Sau một hồi bàn cãi, cả bọn quyết định chọn phần nhạc dạo đầu của bài "hành khúc học sinh". Vì đây là nhạc phẩm đã nói lên vai trò của học sinh, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhìn Hiệp sử dụng khá thành thạo máy móc như một kỹ thuật viên thực thụ khiến tôi khá ngạc nhiên. Nhạc dạo được một khúc thì lời giáo thiệu của Bích và Thái cất lên thật trìu mến " Đây là chương trình phát thanh học đường của trường THPT Trần Văn Thành".
Chỉ nghe tiếng nhạc và lời giới thiệu của hai phát thanh viên, chẳng hiểu sao tôi cảm thấy có điều gì đó thật trang trọng, thiêng liêng. Dường như lời giới thiệu ấy không còn là lời nói của hai phát thanh viên nữa mà là tiếng nói của cả một thế hệ học sinh của trường Trần Văn Thành. Điều đó như thôi thúc tôi cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho chương trình này. Sau phần giới thiệu về nội quy của trường là phần câu chuyện truyền thanh. Tôi đã chuyển thể nội quy thứ nhất của trường sang loại hình truyền thanh. Thái phải vừa đóng vai cha vừa đóng vai con, còn Bích vừa đóng vai cô bạn lớp trưởng vừa đóng vai cô chủ nhiệm. Sau tiếng hô "bắt đầu" của Hiệp, Thái vào vai người cha đang quát mắt đứa con vì tội bỏ học. Không khí đang có vẻ kịch tính theo câu chuyện thì nhỏ Bích bụm miệng cười rồi tới Thái, Hiệp và tôi nữa cũng không sao nín được cười. Sau một hồi cười thư giãn, Hiệp nói như hối thúc.
- Thôi tập trung làm cho mau, tui còn về mần tiếp công chuyện với ba tui nè…
Không còn tiếng cười nữa nhưng khi thì có tiếng ho, khi thì đọc giữa chừng phát thanh viên hết hơi phải nghỉ… Và thế là lại phải xóa đi thu lại. Buổi thu đầu tiên khá vất vả nhưng cuối cùng sau hai tiếng sửa đi sửa lại chương trình cũng đã làm xong. Trời đã tối nhưng chưa ai chịu ra về mà đều nán lại để nghe cho hết chương trình mới ra về. Cô Lan nghe xong thì rất vui, giọng của cô phấn chấn lạ:
- Người ta nói vạn sự khởi đầu nan nhưng chương trình đầu tiên của mình như thế là tốt rồi. Cô hy vọng những kỳ sau các em sẽ thu tốt hơn. Bây giờ mình đi uống nước đi, các em cũng mệt rồi. Cô chiêu đãi.
- Hoan hô cô.
Thái vỗ tay đen đét. Anh chàng bí thư này có tiếng là mau mồm mau miệng.
- Bé Heng có tinh thần ăn uống dữ ha. -Nhỏ Bích chọc Thái.
Thái là người Hoa nên anh chàng mang họ Héng. Từ khi đọc tác phẩm rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành, Họ Héng của Thái được đổi thành Heng giống nhân vật bé Heng trong tác phẩm. Và từ đó hầu như lũ học sinh bọn tôi ai quen biết Thái cũng đều gọi Thái là bé Heng. Khi học tác phẩm này, có lẽ người đau khổ nhất là tôi vì tên của tôi lại trùng tên nhân vật Mai - vợ của Tnú trong tác phẩm. Khi phân tích cảnh Mai cùng đứa con của mình chấp nhận những trận đòn roi dã man của kẻ thù chứ kiên quyết không khai báo, cả lớp tôi xuýt xoa.
- Trời ơi Mai, sao bạn gan dạ dữ vậy. Rồi những câu đùa của bọn con trai.
- Mai ơi, đám cưới với Tnú hồi nào sao không mời bọn này vậy?
Ngay cả Hiệp cũng không thoát khỏi danh sách những nhân vật được đặt biệt danh. Việc học hành của lớp tôi thì tiến triển chậm chứ mấy cái trò quậy phá này chẳng hiểu sao đầu óc của tụi nó nhạy bén lạ kỳ. Trong tác phẩm này còn có một nhân vật nữa là cụ Mết - già làng của dân làng Xô Man. Chẳng biết đầu óc liên tưởng của tụi nó năng động như thế nào mà có ngay sự suy luận khá lôgích. Già làng là người lãnh đạo dân làng cũng giống lớp trưởng là người lãnh đạo lớp nên từ đó bọn nó gọi Hiệp là già làng. Mà chẳng hiểu sao tôi lại thấy biệt danh này khá phù hợp vì mặt anh chàng hiệp sĩ này luôn trang nghiêm, đạo mạo. Chẳng biết có phải nghề làm lớp trưởng mấy năm nay đã rèn cho anh chàng cái cá tính già trước tuổi này không? Ngay bây giờ cũng vậy, ngồi ăn chè mà hình như tâm trí của Hiệp đang để tận đâu đâu vậy. Anh ta ăn từng muỗng mà dường như không để tâm mình đang làm gì cô Lan cũng phát hiện ra điều đó nên hỏi Hiệp:
- Về trễ vậy ba má có la không Hiệp?
- Dạ, không la đâu ạ vì biết chiều nay em đi thu chương trình nhưng em không ngờ về trễ quá. Hồi chiều em đã hứa đi mần cỏ lúa tiếp ba em…
Giọng cô đầy băn khoăn, thương cảm :
- Lần sau em hướng dẫn cách thu cho một bạn nào khác để tiếp em. Thôi bây giờ để cô đưa em về cho nhanh.
Bọn tôi cũng lục đục đứng lên ra về. Nhỏ Bích vừa chạy xe vừa trầm ngâm:
- Nghĩ cũng lạ ha Mai. Hiệp già làng không đi học thêm, lại mắc công chuyện gia đình vậy mà hắn vẫn học giỏi, vẫn công tác được ha…
- Ừ, ta nhớ có lần cô nói : con người hơn nhau chính là ở nghị lực. Ta nghĩ chính hoàn cảnh gia đình đã giúp Hiệp tự vươn lên. Như Dũng lớp mình đó vừa đi vừa làm thêm mà vẫn học khá được.
- Sao những câu cô nói, nhà mi nhớ dai dữ vậy. Càng ngày ta càng thấy cách ăn nói của mi giống hệt cô.
- Vậy sao? Ta mà nói được như cô thì đã đạt tới nội công thâm hậu rồi.
Tôi đùa tiếu nhưng nhỏ Bích chẳng hiểu có nghe rõ không mà im lặng không hưởng ứng. Chẳng biết nó đang nghĩ gì nhưng tôi để ý từ sau chuyện hiểu lầm về cô , hình như nó trầm ngâm nhiều hơn thì phải. Nó tăng ga chạy ào ào trân đường phố đông đúc người. Màn đêm đã bắt đầu buông xuống như khoác cho phố huyện chiếc áo mới lấp lánh muôn mày sắc.