Một toán bốn chục tên xung kích, được vũ trang đầy đủ vượt biên giới Thái - Lào nhắm thẳng hướng Đông. Đây là một phần hoạt động của chiến dịch “chuyển lửa hồi hương”. Những tên lính xung kích này do Tư Đầy chỉ huy, khi xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, sẽ móc nối với bọn phản động trong nước, lập chiến khu trên rừng, bắt đầu sự nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên bọn này mò về nước qua đường bộ. Và cũng như những toán phỉ trước, bốn chục tên xung kích chưa kịp mang lửa về quê nhà, đã bị lực lượng công an biên phòng Lào phối hợp với công an Việt Nam tóm gọn. Sáu tên bị chết, mười bốn tên bị thương. Tư Đầy hạ lệnh cho số còn lại buông súng. Lê Dung tham gia trận chiến đấu này. Nhiệm vụ được giao, Dung đã hoàn thành xuất sắc.
Vừa nghỉ ngơi được một ngày, Dung được lệnh đi báo cáo tại hội nghị mở rộng của Hội đồng An ninh Quốc gia về toàn bộ âm mưu, thủ đoạn của bọn “chuyển lửa hồi hương”.
Nguyễn Thanh được triệu tập đi Hà Nội dự hội nghị này. Trong những ngày dự hội nghị, Tổng Giám đốc Liên hiệp Vận tải nghe được nhiều bản báo cáo. Bản thân anh báo cáo về tình hình an ninh ở đơn vị. Bản báo cáo mà Thanh đặc biệt lưu ý là báo cáo về chiến dịch “chuyển lửa hồi hương” do Lê Dung trình bày. Lê Dung phân tích tính chất nguy hiểm của chiến dịch “Chuyển lửa hồi hương”. Kẻ thù chống phá ta từ bên trong. Nghĩa là, chúng đã và đang nắm được một số cán bộ, đảng viên có chức quyền. Những người này trở thành lực lượng đột phá từ trong gan ruột của chế độ. Lê Dung đề xuất một biện pháp cấp bách: Đảng cần phải thẳng tay nghiêm trị những kẻ có chức quyền thoái hóa, tham nhũng, vì lợi riêng mà hại dân hại nước. Phải thực thi pháp luật không ngoại trừ một ai. Biện pháp “xử lý nội bộ” những năm qua, vô hình chung đã dung dưỡng cho những con sâu dân mọt nước, nghênh ngang tác oai tác quái. Có những phần tử cực kỳ nguy hại, đã phạm nhiều tội tày đình, vẫn được an toàn về hưu hoặc chuyển công tác. Một khi, những kẻ như thế còn chưa bị lôi ra trước vành móng ngựa để nghiêm trị theo đúng pháp luật, thì chúng ta không thể chống phản động bạo loạn, chống tham nhũng, chống buôn lậu có kết quả.
Nguyễn Thanh rất nhất trí với lập luận của Dung. Cùng ngồi trên chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, Dung và Thanh nói với nhau khá nhiều chuyện, ngoại trừ chuyện nghiệp vụ của Dung. Họ rất ít khi có dịp trò chuyện, tâm sự, nhưng mỗi cuộc gặp gỡ hiếm hoi như thế này đều để lại trong mỗi người ấn tượng tốt đẹp về nhau. Họ hẹn nhau ngày hôm sau Lê Dung đến gặp Thanh.
Dung hỏi về Thức. Thanh đáp:
- Không có điều gì để chê trách con người này.
- Nghĩa là chỉ có thể khen ngợi?
- Khen ngợi. Nhưng…
- Nhưng sao?
- Không thể tin cậy được. Anh ta thật thà như thể con buôn.
- Anh ta sống và làm việc tốt. Vậy mà không thể tin được?
- Đúng. Thật thà như thể… con buôn! Còn hơn thế nữa! Anh ta sống bằng nhiều gương mặt. Quá nhiều!
- Giọng anh ta thế nào?
- Cái gì? Giọng nói à?
- Vâng.
- …
- Tổng Giám đốc có nhớ nổi giọng của nhân viên không?
- Làm sao nhớ nổi giọng nói của vài ngàn con người. Nhưng tay này thì tôi nhớ. Anh ta có giọng trầm, đặc Sài Gòn. Gia đình anh ta ba đời sống ở đây mà.
- Tuấn, tài công của chiếc tàu vượt biên bị bắt ở vùng biển gần Côn Đảo, khai rằng: Kẻ gọi điện thoại cho anh ta là người có giọng nói giống Hai Thức.
- Không đủ chứng cớ, nếu chỉ căn cứ vào giọng nói!
- Đúng!
- Đối thủ của anh không tồi phải không?
- Không tồi. Rất cao tay, có nghề mà! Chúng tôi biết rằng cả nhà anh ta chứa hàng lậu, nhưng không bao giờ bắt được!
- Trong báo cáo của anh tại Hội nghị An ninh Quốc gia vừa rồi, anh đã trình bày khá tỉ mỉ tình hình ở Liên hiệp Vận tải - cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn và cả nước. Đây là một trong những trọng điểm bảo vệ của ngành an ninh. Thế nhưng, lực lượng chuyên nghiệp không phải lúc nào cũng đủ tai mắt. Vấn đề làm sao để mỗi công nhân, nhân viên ở đơn vị anh là một thám tử nghiệp dư. Tôi rất tán thành với anh về vấn đề này. Những biện pháp bảo vệ tại chỗ của anh nêu ra có thể coi là bài học để các nơi khác áp dụng. Thế nhưng, thật đáng buồn, trong báo cáo của anh, anh lại không nêu bật một thực tế: Kẻ gian lọt vào ngay trong lực lượng bảo vệ an ninh của ta. Thành thử, nhất cử nhất động của ta đều chậm một bước so với chúng.
- Làm cách nào để lột mặt nạ của chúng?
- Rất khó. Chúng không phải con nít. Chúng có thế lực.
- Tôi hiểu ý anh. Anh cần tôi làm gì, cứ nói. Tôi sẵn sàng.
Họ ngồi sát lại với nhau. Trước khi nói với Thanh những điều cần nói, Lê Dung đứng dậy rút trong túi ngực ra một hộp nhỏ và đi khắp phòng. Anh luôn cảnh giác. Biết đâu có kẻ muốn biết anh trao đổi những gì với Nguyễn Thanh trong cuộc gặp này. Chiếc hộp nhỏ mà Dung đang cầm trên tay là thiết bị đặc biệt, do một hãng điện tử nổi tiếng thế giới chế tạo, chuyên dùng cho cảnh sát đặc nhiệm. Máy này phát hiện các loại máy nghe trộm, máy ghi âm, máy ghi hình trộm; phát hiện các loại độc dược trong đồ ăn uống, quần áo, đồ dùng văn phòng, v.v... Khi phát hiện ra đối tượng, nó không chỉ báo cho chủ nhân, mà còn tự động phát ra tín hiệu để vô hiệu hóa các loại máy nghe trộm, ghi âm, ghi hình trộm. Thiếu tướng Ba vừa được cử vào Ủy ban Đặc nhiệm Quốc gia về chống tham nhũng buôn lậu và tạo phản. Ông đã đề nghị cấp trên chuyển giao toàn bộ phòng công tác đặc biệt do ông phụ trách vào ủy ban này, và cử Lê Dung làm trưởng phòng. Chiếc hộp nhỏ được trang bị cho Lê Dung vào dịp ấy. Sau khi biết chắc phòng làm việc của Tổng Giám đốc hiện an toàn, Dung mới bắt đầu vào vấn đề chính.
- Chúng tôi đang đánh một vụ án lớn. Đây là vụ buôn lậu chưa hề có ở Việt Nam.
- Buôn hàng gì? Héroine?
- Không. Uranium!
- Trời đất! Anh nói hết đi.
- Với một khối lượng khổng lồ: một trăm kilôgam! Bọn này thuộc chân rết của một hệ thống buôn lậu quốc tế. Như anh biết đó, đây là loại nguyên liệu cực kỳ nguy hiểm và cần thiết cho công nghiệp chiến tranh. Vì thế, cảnh sát và quân đội toàn thế giới kiểm soát rất chặt. Bọn buôn lậu phải sử dụng đủ mọi phương tiện: đường không, đường biển, đường bộ… để chuyển từ nơi bán đến quốc gia tiêu thụ. Việt Nam chỉ là nơi uranium đi qua. Hiện tại, chúng tôi biết chắc là hàng đã nằm trên lãnh thổ Việt Nam và sẽ rời khỏi Việt Nam trong tuần tới, bằng đường biển…
- Nghĩa là… - Nguyễn Thanh toan nói, lại ngưng bặt.
- Nghĩa là nó sẽ đi qua cửa ngõ do anh phụ trách. Chưa rõ kế hoạch xuống tàu của chúng thế nào, chúng cho hàng đi tàu nào? Bởi thế, phải nhờ đến anh. Anh giúp cho hai việc. Một, anh cho biết kế hoạch tàu vào và tàu nhổ neo trong tuần này, tuần tới và tuần cuối tháng. Những ai lái tàu hoa tiêu, tàu tiếp lương ăn, nước ngọt, xăng dầu. Đặc biệt trong tuần tới là tuần chúng nó đưa hàng xuống tàu. Anh cho biết những ca, kíp lái cần cẩu, lái xe vận tải. Bên hải quan cũng được yêu cầu phối hợp trong vụ này. Lực lượng bảo vệ của anh, lực lượng hải quan và lực lượng cảnh sát tại cổng Liên hiệp Vận tải phải được nắm chắc danh sách. Mục tiêu của những công tác này không phải chỉ là bắt người, mà trước hết, phải bắt được hàng. Bọn chúng rất ranh ma. Chúng có thể xé lẻ hàng, chỉ đưa từng gói nhỏ, nếu thấy lọt êm mới đưa tiếp. Vì thế, ta phải tuyệt đối bí mật, không để bọn chúng nghi ngờ. Nếu thấy động, chúng sẽ lập tức chuyển phương án, và có nguy cơ chúng ta để xổng…
Dung lấy từ trong túi áo ngực ra một tờ giấy nhỏ trao cho Thanh:
- Đây là danh sách những kẻ tình nghi mà ta phải bám sát.
Thanh mở tờ giấy! Đứng đầu danh sách là Nguyễn Thức, thuyền trưởng. Kế đó là bốn nhân vật khác đều ở trong Liên hiệp Vận tải. Ở cơ quan hải quan, đứng đầu danh sách là Trần Hòa, kế đó là Phi Yến. Trần Hòa là con trai Tám Đôn. Phi Yến là con dâu của Tám Đôn. Hai người, anh chồng và em dâu đều làm ở trạm hải quan cửa khẩu, dưới quyền của Đào Bá, viên trưởng phòng vừa bị bọn cướp giết chết trong một đêm mưa ngay trước cửa nhà mình.
Dung lấy ra tờ giấy trao cho Thanh:
- Anh ghi nhớ vào trong óc và giao lại tôi tờ giấy này.
Thanh đọc và hiểu ra những việc mình sẽ phải làm. Anh trao lại Dung tờ giấy, và hỏi:
- Rồi! Còn gì nữa không? Thế mới biết, mỗi nghề có một cái khó riêng. Nãy giờ làm việc với anh mà đầu tôi đã căng thẳng mất rồi!
- Việc thứ hai là Tám Đôn. Anh nhớ Tám Đôn chứ?
- Quên sao được! Anh biết ổng hiện làm gì không?
- Nghe nói ông ta làm chủ một cơ sở nuôi tôm rất lớn. Một vườn cây ăn trái và một biệt thự sát sông Sài Gòn.
- Anh có tin là Tám Đôn chí thú điền viên hưởng lạc không?
- Không! Con người ấy đâu có thúc thủ như vậy!
- Tám Đôn đang tiếp tục các phi vụ làm ăn lớn, chủ yếu là buôn lậu. Tất nhiên là Tám Đôn không hề phải xuất đầu lộ diện. Mặt khác, Tám Đôn và băng của Đôn tiếp tục hốt vàng bằng việc tổ chức vượt biên. Đây không chỉ là chuyện vượt biên đơn thuần nữa. Nó nằm trong một chiến dịch cực kỳ nguy hiểm: “Chuyển lửa hồi hương”. Đối với Công ty tư nhân Duy Nhất, Tám Đôn tiếp tục là cố vấn đặc biệt. Cũng như hai lĩnh vực trên, trong lĩnh vực này, Tám Đôn vẫn không hề xuất đầu lộ diện. Duy có việc chạy chọt cho vợ chồng Kim Tiền đi Nhật là Tám Đôn phải đích thân. Tôi biết, Bộ có hỏi ý kiến anh về việc Kim Tiền xin đi Nhật?
- Vợ chồng Kim Tiền có đến tôi vài lần để gửi hồ sơ, Bộ cũng hỏi ý kiến tôi. Tôi đã trả lời rõ là việc đi Nhật mua tàu, quyền quyết định là ở bên an ninh. Một công ty đang làm ăn nổi đình nổi đám như truyền hình tuyên truyền mà cả hai vợ chồng cùng đi nước ngoài cả tháng trời thì có nên không.
- Thế còn thực lực của công ty này?
- Tôi không tin rằng vợ chồng Kim Tiền có hàng chục triệu đôla như họ khoe khoang. Việc họ xin làm tuyến đường Bình Chánh - Duyên Hải, họ xin xây dựng khu chế xuất, xây dựng cầu qua sông Cửu Long... đều có tính chất quảng cáo cho thanh thế công ty thì đúng hơn là thực sự muốn làm. Riêng việc huy động vốn, họ đang ôm một lượng tiền mặt rất lớn nhưng không biết làm gì. Vụ này, chắc anh rành hơn tôi.
- Như thế, về mặt ngành chức năng nhà nước, anh không tán thành cho Kim Tiền đi Nhật?
- Đúng. Không nên cho cả nhà cùng đi vào lúc này.
- Tôi hiểu ý anh. Anh không tin vào lời Kim Tiền quảng cáo?
- Không! Hiện thời, Kim Tiền đi đâu cũng mang theo hàng chục triệu đồng và chục cây vàng trong chiếc xe Mercedes đời mới. Chiếc xe này mua với giá hai trăm triệu! Nhưng khi đăng ký lưu hành, đã phù phép thành một triệu! Tức là xe phế thải. Với tiền của dân gửi, họ sẵn sàng ban phát, đóng góp, cứu trợ… Chỗ nào cũng thấy Kim Tiền. Mới đây, Hội nghị thành lập Hội những người làm khảo sát thiết kế, Tiền rút trong túi ra sáu triệu đồng để ủng hộ. Tiền được giới thiệu là kỹ sư, được bầu vào ban chấp hành hội! Kim Tiền vung tiền bạc như vỏ hầu vỏ hến. Tiền đâu phải của họ. Chỉ tội những người lương thiện, vì ham lời mà bị gạt.
Ngừng một lát, uống nước, Thanh tiếp:
- Tôi và nhiều anh em trong ngành đã khuyến cáo các cấp thẩm quyền nhiều lần. Vô ích. Xem ra, người ta mê mẩn vì Kim Tiền. Có kẻ mắng tôi là hủ lậu, coi thường dân, quen thói độc quyền bao cấp. Nguyễn Quang, anh chàng tài giỏi, chuyên gia về hương liệu mỹ phẩm, là tổng giám đốc nổi tiếng một thời, từng là đại biểu quốc hội. Nay Quang về làm Phó tổng cho Tiền với cái giá là nhà lầu, xe hơi, lương hai triệu một tháng. Thiếu tá công an Hoàng Cảnh, phạm tội đang nằm Chí Hòa, bỗng nhiên được Tiền lo cho tự do rồi sử dụng làm vệ sĩ riêng. Ở đâu, lúc nào người ta cũng ca ngợi công ty Kim Tiền. Ông phó giám đốc công ty hội chợ đề nghị nhà nước cho Tiền đi Đức dự hội chợ quốc tế về nước hoa! Và lạ thay, nước hoa Duy Nhất được bằng khen!
- Chưa hết đâu! Kim Tiền còn ký hợp đồng thuê luôn một đại đội cảnh sát bảo vệ, áp tải xe chở giấy bạc. Đó là chưa kể lực lượng vệ sĩ riêng do thiếu tá Cảnh đứng đầu. À, anh Thanh đã đến khách sạn Thiên Kim bao giờ chưa?
- Chưa! Nhưng tôi có nghe nói bên trong của nó. Điều này thiên hạ đồn, báo chí phản ánh, không rõ thiệt hư như thế nào. Có cả thiếu tá Ba Hoành thường trực trong khách sạn Thiên Kim phải không?
Thanh châm thuốc, nhìn Dung:
- Anh yêu cầu tôi giúp việc gì?
- Trước hết, nhờ anh nắm lại cho tôi những nhân vật đã được Tám Đôn cho làm lại lý lịch.
- Bọn chúng đi nước ngoài cả rồi! Chỉ còn số ít ở lại.
- Đúng. Tôi biết vậy. Trong khi phần lớn những người di tản là vì sinh kế thì có những kẻ vì thâm thù chế độ Cộng sản. Tất cả những tên được Tám Đôn lo cho ra trại cải tạo hoặc cho làm lại lý lịch đều là những tên có nợ máu với nhân dân. Nay chúng đang điên cuồng chống phá ta ở nước ngoài. Nhiều tên đã tìm cách trở về Việt Nam. Một số tên đã bị bắt. Trong chiến dịch “Chuyển lửa hồi hương”, những tên đầu sỏ là những tên chịu ơn Tám Đôn.
- Vậy tại sao không bắt Tám Đôn?
- Chứng cớ? Anh không quên là Tám Đôn có băng chứ? Hắn không đơn độc. Có nhiều người bảo vệ hắn. Tôi biết rằng có bàn tay của Tám Đôn trong vụ kiện Liên hiệp Vận tải vừa qua.
- A, cái đó thì rõ.
- Hắn muốn diệt anh?
- Đúng vậy.
Lê Dung hiểu khá tường tận cái gọi là vụ án thanh lý hàng tồn đọng tại hệ thống kho do Liên hiệp Vận tải quản lý. Đã hàng chục năm liền, tình trạng thiếu kho bãi gây ảnh hưởng rất lớn đến việc giải phóng tàu. Hàng nhập không có kho để chuyển từ tàu xuống. Hàng xuất kho6ng có khôdẻ làm vị trí tập kết. Tất cả đều phải chờ. Hàng nhập thì chờ cho xe chuyển đi. Hàng xuất cũng phải chờ xe chuyển đến. Thời gian tàu nằm chờ khiến cho Liên hiệp Vận tải bị chủ tàu phạt rất nặng: hai ngàn đôla một ngày. Nếu như có sẵn kho bãi thì đâu có bị phạt. Trong khi đó, các chủ hàng lại để hàng lưu trữ trong hệ thống kho của Liên hiệp Vận tải cả mấy năm trời. Tiền lưu kho rất thấp, không đủ chi phí diệt mối, diệt chuột, chứ nói gì đến chống ẩm, chống dột và bảo vệ. Việc thanh lý hàng tồn đọng ở hệ thống kho còn có ý nghĩa kinh tế: đưa vật tư hàng hóa ra phục vụ sản xuất và đời sống. Có đơn vị để “quên” sắt thép, hóa chất, xi măng trong kho, trong khi nhiều đơn vị không có để dùng. Bởi thế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh đã đề xuất phương án thanh lý hàng tồn đọng. Việc này mang lại kết quả tốt đẹp. Nhưng… xuất hiện nhiều đơn kiện của một vài chủ hàng. Họ kiện Nguyễn Thanh đã chiếm đoạt một cách hợp pháp tài sản xã hội chủ nghĩa! Thậm chí, có đơn còn tố cáo Nguyễn Thanh đã lấy sắt thép và xi măng trong kho (thuộc quyền sử dụng của chủ hàng) để “cúng” cho thành phố nhằm chạy vào “nhà đỏ”. Vụ kiện này thành to chuyện. Trọng tài kinh tế trung ương đứng về phía nguyên đơn, xử phạt Liên hiệp Vận tải. Nguyễn Thanh tức tốc ra Hà Nội trình bày trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Cuối cùng, đích thân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đứng ra xử lý. Nguyễn Thanh thắng. Nhưng anh mất mấy tháng trời mất ăn mất ngủ. Thậm chí, có kẻ đòi bắt giam anh. Tốn kém biết bao thời gian, công sức, tiền bạc, để rồi xác minh là Liên hiệp Vận tải vô tội! Lẽ ra, kẻ vu cáo phải bị nghiêm trị. Nhưng…
- Được. Tôi có thể giúp anh. Tôi sẽ giới thiệu để anh gặp một người đã từng là đệ tử của Tám Đôn. Anh ta nhớ rất nhiều chuyện, nhớ những người đã được Đôn cho làm lại lý lịch.
*
* *
Tám Đôn đi dự buổi sinh hoạt hàng tuần của câu lạc bộ “Những người kháng chiến cũ”, về tới nhà nằm vật ra đivăng phòng khách. Đầu óc căng thẳng. Đôn muốn được thiếp đi trong giấc ngủ dài để không phải lo nghĩ. Tin vừa nghe được tại câu lạc bộ “Những người kháng chiến cũ”, do đích thân giám đốc câu lạc bộ nói nhỏ với Đôn khiến Đôn bủn rủn cả người: Đại tá Đào Phan, trưởng phòng hải ngoại vừa tự kết thúc cuộc đời ở tuổi sáu mươi hai bằng hai phát đạn vào đầu, để lại vợ và sáu đứa con, bốn đứa cháu nội ngoại và một gia tài kếch sù. Lý do: Đào Phan bị người của ta từ Mỹ gửi hồ sơ về vạch mặt đã ăn hối lộ của những người có hồ sơ xuất cảnh hợp pháp. Tổng số vàng ăn hối lộ chỉ riêng một trăm vụ thống kê được - với đầy đủ chứng cớ - đã lên đến sáu trăm tám chục cây vàng. Khi biết tin đó, Đào Phan biết rằng mình sẽ bị bắt. Phan về nhà đóng chặt cửa lại và… chết. Cảnh sát khám nhà ngay sau đó, ngoài số của nổi toàn đồ ngoại quí ở tám căn phòng trong villa sang trọng vào loại nhất nhì Sài Gòn, người ta đã thu giữ hai ngàn tám mươi sáu lượng vàng và mười lăm ngàn đôla.
Chuyện xảy ra mới rượi, mới ngày hôm qua, khi Tám Đôn đi Vũng Tàu với Thiên Kim. Lần đầu tiên Kim rủ Đôn đi tắm biển. Nàng biểu diễn tài nghệ bơi lội cho Đôn coi, cho Đôn rờ mó tí chút ở dưới nước. Trong khi đó, bạn thân của Đôn, bạn làm ăn trong băng của Đôn ở Sài Gòn tự nổ vào đầu hai phát đạn. Nghe nói trước khi chết, Phan có thư để lại. Chi tiết này khiến Đôn lo sợ đến bủn rủn cả người. Liệu Phan có trung thành với lời thề, hay là hắn khui ra cả lũ để cùng chịu số phận như hắn? Chẳng lẽ hắn lại như vậy? Không có lý nào hắn đã chấp nhận cái chết rồi còn khai ra bạn hữu làm gì. Có thể, lá thư chỉ là lời trăn trối để bảo vệ vợ con trước pháp luật? Cũng có thể là lời sám hối chăng? Nếu hắn khai cả lũ ra thì sao? Bao nhiêu vụ xuất cảnh lẽ ra không được phép? Bao nhiêu vụ cố tình gây khó dễ cho những người được phép ra đi? Tất cả mánh khóe, thủ đoạn chỉ để ăn tiền. Đôn và Phan và một vài nhân vật nữa đã câu kết với nhau làm ăn và trúng mánh. Con số một trăm vụ thống kê được đâu có ăn nhằm gì so với thực tế. Nếu như lá thư tuyệt mệnh kia chỉ là lời trăn trối đơn thuần thì điều Đôn lo sợ nhất chính là: đến lượt mình. Đôn cũng bị người ở hải ngoại gửi hồ sơ về vạch mặt. Hóa ra bao nhiêu thủ đoạn, mánh lới, âm mưu bấy lâu nay thành công dã tràng? Ôi! Vậy thì chó má quá! Đâu có đơn giản như vậy! Phải làm gì chứ? Chẳng lẽ cứ nằm liệt trên đivăng thế này? A, phải rồi, kiểm tra bức thư coi thằng Phan nói gì. Đôn cầm ống nghe lên, quay số. Nửa giờ sau, Ba Hoành có mặt. Nhìn vẻ mặt bơ phờ đầy vẻ lo âu của Tám Đôn, Ba Hoành hỏi:
- Anh Tám bệnh hay sao vậy?
- Không. Chú biết chuyện Đào Phan rồi hỉ?
- Dạ, em biết. Lính của em có mặt tại nhà anh Phan ngay sau đó mà.
- Lá thư của Phan viết gì?
- Không viết gì ngoài sự nhận tội riêng của mình.
Tám Đôn như trút được gánh nặng. Ngồi bật dậy, Đôn đến tủ lạnh lấy đồ uống.
- Chú uống gì, bia hay cô-nhắc?
- Anh cho em bia. Hôm nay trời nóng kinh khiếp.
- Sao, vụ thằng Bá hải quan đến đâu rồi?
- Không tìm ra dấu vết gì, anh Tám à. Đúng là vụ cướp của giết người. Cũng như hàng trăm vụ khác, phải xếp vào hồ sơ tồn đọng vì không tìm ra thủ phạm.
Đôn nghĩ thầm: Thế là êm! Sau khi uống cạn lon bia, Đôn hỏi:
- Có tin gì mới về nó không?
- Anh Tám hỏi ai?
- Còn ai nữa! Thằng Dung!
- Nó được phong quân hàm thiếu tá, phụ trách một phòng của Ủy ban Đặc nhiệm.
- A, hóa ra nó ngon lành hơn chú hỉ? Nó trực thuộc Trung ương!
Câu nói như xát muối vào mặt Ba Hoành. Thực ra, ơn cứu mạng của Dung, Hoành vẫn nhớ. Thế nhưng, từ khi Lê Dung về nước, quyết tâm tìm ra nguyên nhân cái chết của thiếu úy Lữ, thì Hoành hiểu Lê Dung là mối nguy hại cho Tám Đôn và mình. Tuy nhiên, khi giáp mặt nhau, thái độ của Hoành vẫn bình thường, không tỏ ra dấu hiệu gì. Trong những thời khắc, hoàn cảnh có thể được, tỉ như khi Tám Đôn quyết định bắt giam Lê Dung để điều tra về vụ ăn hối lộ, Ba Hoành tỏ ra thông cảm và sẵn lòng giúp đỡ. Về sau này, khi Tám Đôn ra khỏi ngành công an, nhất là khi Lê Dung trở thành người làm việc trực tiếp với thiếu tướng Ba, độc lập với phòng của Hoành thì tình hình khác hẳn. Hoành tìm mọi cách để vô hiệu hóa Lê Dung. Nhưng tiếc thay, chưởng nào tung ra cũng bị Lê Dung bẻ gãy. Đã thế, Hoành cảm giác Dung và ê kíp của Dung luôn bám sát hành tung của mình. Hoành đã chạm trán với trinh sát của Dung tại khách sạn mini Thiên Kim. Khi ấy, Hoành đang “làm chủ” một nữ tiếp viên trong phòng đặc biệt. Không chỉ một lần!
Hoành nói với Tám Đôn phát hiện mới của mình:
- Nó đang tiếp tục bám anh. Anh hãy cẩn thận. Vụ “chuyển lửa hồi hương” đã bị bể kế hoạch từ hải ngoại, vụ đường dây vượt biển qua Úc, đặc biệt là vụ Kim Tiền, tất cả những gì mà truyền hình quảng cáo ầm ĩ cho Công ty Duy Nhất đều không qua mặt được nó. Việc anh đang “chạy” cho vợ chồng Kim Tiền đi Nhật, nó cũng biết. Phải nói rằng thằng này có phương pháp làm việc rất khoa học. Nó học được của bọn thám tử quốc tế.
- Phải khử nó! - Tám Đôn rít lên - Đã đến lúc cho nó đi theo thằng Lữ.
- Không. Làm vậy là ngu ngốc hết sức. Những năm trước, anh đã không khử được nó, thì hiện tại càng không thể. Nó bây giờ là át chủ bài của Ủy ban Đặc nhiệm. Đụng vào nó, chẳng khác gì tự sát. Nó có tai mắt ở khắp nơi. Khi đại tá Phan tự sát, vợ anh ấy gọi điện thoại báo cho cảnh sát. Em tưởng rằng lính của mình là người có mặt đầu tiên tại hiện trường. Nào ngờ… Khi đến nơi thì đã thấy thằng Dung ở đó rồi.
- Vậy lá thư…
- Anh yên tâm. Người của em phát hiện ra lá thư.
- Chắc chắn là chỉ có một thư chứ?
- Chắc chắn!
Tám Đôn lo sợ thật sự, tuy không nói ra. Biết đâu lại có hai thư: một thư như Ba Hoành đã biết, và một thư tố cáo về những người đồng phạm với Phan. Dung cất giữ lá thư này, chỉ để lại lá thư kia thì sao? Phải báo ngay cho Người-Diễn-Thuyết biết sự thể này. Chỉ có ổng mới có đủ áp lực làm êm mọi chuyện. Vụ thiếu úy Lữ và vụ sà lan lash mà ổng còn thu xếp êm xuôi nữa là chuyện này.
Vào những lúc nguy cấp nhất, Tám Đôn đều hướng về Người-Diễn-Thuyết. Đôn phác nhanh trong đầu kế hoạch bay ra Hà Nội. Ba Hoành quan sát gương mặt, sắc thái của Tám Đôn và hiểu rằng trong cái đầu mặc dù thất học kia, biết bao mưu toan đang nung nấu. Về lãnh vực này, sự nhạy bén của Tám Đôn không thua bất cứ một tay tổ nào trong ngành. Khi Đôn hỏi Hoành về lá thư, mặt Đôn tái nhợt, tay cầm lon bia mà như đang nhấc một vật nặng cả trăm ký lô, đôi mắt thất thần nhìn Hoành. Nhưng sau một hai phút, đôi mắt ấy trở về đúng phong độ vốn có của nó: thâm hiểm. Nụ cười hiện ra, Đôn lấy chai rượu Johnnie Walker, rót ra hai ly, đẩy về phía Hoành một ly, rồi đưa lên miệng tợp gọn một hớp cạn ly rượu. Đôn lấy cùi tay quệt giọt rượu nhễu ra ở khóe mép, cúi đầu rót tiếp ly thứ hai. Lại tợp một hớp, cạn ly, lại dùng cùi tay quệt vào mép. Chừng ấy tuổi rồi, qua bao nhiêu chốn sang trọng nhưng Đôn vẫn ăn uống thô tục. Đôn vẫn là đứa trẻ năm xưa: ăn cắp lúa của chú ruột mang ra chợ bán, rồi vào quán nhồi nhét cho đầy bụng, hết sạch tiền mới về. Ba Hoành chạm ly vào ly rượu thứ tư của Đôn. Cả hai uống cạn. Đôn nhướn mắt hỏi:
- Ngon chứ?
- Dạ, ngon… Nhãn đen(1) mà! Số một.
- Chú vẫn uống đều đều chứ?
- Dạ, độ rày em uống bia là chính!
- Bia tổ nặng bụng, mất công đi đái. Uống riết, cái bụng chình ình ra, mấy em nó chê!
Mỗi khi tính toán xong một chuyện, Đôn chuyển từ chuyện này sang chuyện khác rất mau lẹ. Về chuyện ăn uống, Đôn có thể góp chuyện say sưa cả ngày không chán. Hoành biết tính của Đôn, tham ăn, tục uống, và bắt người khác cũng ham ăn uống như mình - có lẽ để khỏi mắc cỡ.
- Em cũng lo vậy.
- Còn gì nữa. Bụng chú mày xệ rồi! Nhưng khoản… kia còn dai sức chứ?
- Dạ.
- Ừ, thế thì tốt. Anh đây nè, hơn chú mày mười mấy tuổi mà… chưa thấy em nào phải thất vọng!
- Anh Tám còn cường tráng bằng mấy bọn trẻ thời này.
- Phải vậy mới đáng sống! Con người, sống không để hưởng lạc thì chết mẹ nó đi cho rồi! A, chuyện vợ con nó ra sao?
- Ai, thằng Dung hả anh Tám?
- Còn thằng nào nữa! Kẻ thù số một của ta mà.
- Nó với con Mai vợ cũ thằng Lữ đã đính hôn.
- Con Mai giáo viên hỉ?
- Dạ. Độ rày nó đỏ da thơm thịt rồi, không tàn tạ như bóng ma khi nó vác đơn đi kiện nữa.
- A… Ba Hoành này… - Đôn toan nói nhưng đột ngột kìm lại.
- Anh Tám nói chi?
- À mà thôi! - Đôn im, không nói nữa. “Để ta tự lo việc này, khỏi phiền chú. Hừ! Đỏ da thơm thịt hỉ? Có lý lắm”.
Đứa ở mang món ăn lên. Đôn bảo Hoành:
- Ăn nhậu cho đã rồi lên lầu, bữa nay anh đãi chú một bộ phim mới. Hết sảy!
Vừa ăn, Đôn vừa tính kế làm nhục vợ sắp cưới của Dung. “Hừ! Tao không giết mày, nhưng tao sẽ làm cho mày chết từng khúc ruột, Dung à. Mày ngu lắm! Dám động đến tao à?”.
*
* *
Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần trôi qua, vẫn không thấy bọn buôn lậu uranium động tĩnh gì. Mọi biện pháp chăng lưới của Dung tưởng như vô tích sự. Dung cho kiểm tra lại nguồn tin. Kết quả không thay đổi. Nghĩa là hàng đã xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Vậy thì nó ở đâu? Có thể bọn chúng đánh hơi thấy nguy hiểm nên tạm thời nằm im? Hay là chúng không dùng đường biển? Cũng có thể chúng thay đổi phương án: Dùng tàu nhỏ chở ra vùng biển quốc tế rồi mới chuyển hàng lên tàu lớn. Hay là chúng dùng đường bộ?... Những câu hỏi đặt ra, cần được trả lời ngay bằng những biện pháp hữu hiệu để không cho đối tượng xổng mất. Lê Dung mệt nhoài. Cho dù có được phương pháp làm việc khoa học, phát huy hết năng lực và óc sáng tạo của những người dưới quyền, nhưng đầu óc Dung vẫn làm việc quá mức. Thời gian nghỉ ngơi của anh hầu như không có. Cả tuần rồi anh chưa về thăm người yêu.
Sau khi cùng Dung đi đăng ký kết hôn, Mai đang sống trong tâm trạng mong đợi, hồi hộp, sung sướng xen lẫn. Cô nhớ Dung, mong anh về từng ngày, từng giờ. Tất nhiên là cô có thể đến cơ quan gặp Dung. Cô có thể đến nhà anh. Nhưng thế thì kỳ quá. Cô biết anh rất bận việc. Công việc của anh thu hút toàn bộ thời gian, và trí óc anh làm việc rất căng. Bởi thế, cô không muốn vì cô mà anh phải vất vả thêm. Cô kiên nhẫn chờ anh đến thăm cô, kiên nhẫn chờ đến ngày cưới được ấn định vào ngày chủ nhật đầu tháng. Còn đúng mười ngày nữa! Mười ngày nữa! Mai đếm từng ngày. Cô điện thoại cho anh. Mấy phút đàm thoại qua máy, cô muốn được kéo dài mãi. Cô hỏi anh đã chuẩn bị gì chưa. Anh trả lời: Thực tình thì chưa, vì anh quá bận rộn! Anh nói:
- Hoàn cảnh của anh và em, chúng ta chỉ nên làm đơn giản. Má anh vừa bán miếng đất phía sau nhà cho hàng xóm kế cận để họ mở rộng nhà. Thế là có một ít tiền. Má đưa cho anh, bảo anh sắm cho em một cái nhẫn, một sợi dây và đôi bông tai. Gọi là của hồi môn! Còn anh, anh cũng dành dụm được ít tiền, thiếu tướng và mấy bạn thân của anh cho anh mượn thêm một số nữa, ta sẽ đặt hai ba bàn tiệc và mời những người thân thiết nhất đến chia vui. Em thấy thế nào?
- Anh tính sao cũng được. - Mai nói, giọng đượm buồn - Em chỉ mong được gặp anh! Em rất nhớ anh. Bộ anh không nhớ em sao?
- Em nhớ anh như thế nào thì anh nhớ em như thế! Nhớ lắm, em à. Mỗi khi mệt mỏi vì công việc, đầu óc căng thẳng, anh nhớ đến em, nhớ nụ cười ánh mắt của em, nhớ bàn tay em, thèm được ngồi bên em, vuốt mái tóc của em. Thế là anh cảm thấy khỏe hẳn.
- Chừng nào anh đến em?
- Để tối mai! Tối mai anh sẽ tranh thủ về với em.
- Mấy giờ, anh?
- Phải xong việc đã. Anh chưa dám hẹn trước.
- Em chờ cơm, nghe anh!
- Đừng. Lỡ anh về trễ thì sao!
- Thì em sẽ phạt anh! Phạt rất nặng! Ráng về sớm, nghe anh.
Trong lúc Lê Dung đang nói chuyện điện thoại với người yêu, thì tại cầu tàu số mười tám, một chiếc tàu nước ngoài chuẩn bị nhổ neo. Đây là chiếc tàu mang cờ của một nước ở Đông Âu. Nó nhổ neo và kéo còi từ giã. Trinh sát U1 từ nơi tàu rời bến nói vào máy bộ đàm: “Tàu… quốc tịch… nhổ neo lúc mười bốn giờ ba mươi phút. Mọi chuyện bình thường”.
Tại chân cầu Tân Thuận, một chiếc xe dừng lại. Bốn người mặc sắc phục cảnh sát nhảy xuống. Một người mang quân hàm đại úy, mang theo máy quay vidéo. Ba người còn lại, mỗi người xách theo một thùng sắt. Cảnh sát bao giờ cũng gây sự chú ý của dân thường, nhưng vì tò mò thôi, ít ai thắc mắc về hoạt động của họ. Bốn người bước xuống chiếc xuồng máy đã đợi sẵn. Vài tiếng đồng hồ sau đó, họ đuổi kịp chiếc tàu nước ngoài khi tàu vừa qua khỏi phao Zéro được chừng mười phút. Thang dây thả xuống, ba chiếc thùng sắt được chuyển lên tàu, họ nhận lại ba chiếc thùng giống hệt như thế. Chiếc xuồng máy quay về. Không một ai, kể cả tàu hoa tiêu của Liên hiệp Vận tải lẫn tàu biên phòng hỏi họ đi đâu. Thành thử “lệnh khám xét khẩn cấp” ở trong túi áo viên đại úy không phải dùng đến. Ngay đêm ấy, Thức đến nhà Tám Đôn, đưa cho Đôn một xấp đôla. Tám Đôn hỏi:
- Trót lọt ?
- Chỉ được một phần. Rất uổng. Dọc đường không gặp một cản trở nào! Thằng cha giao hàng cẩn thận quá.
Khi biết công an đã giăng lưới sẵn ở cửa khẩu, bọn buôn lậu đã ra lệnh ngừng ngay tức khắc việc chuyển hàng xuống tàu, chờ chuyến tàu khác cặp bến. Tám Đôn đề xuất phương án giả danh công an với lệnh khám tàu khẩn cấp. Thức cố công thuyết phục tên giao hàng. Cuối cùng, Thức chỉ được nhận một phần số hàng trung chuyển.
- Nó nói ở cửa sông có rất nhiều tàu tuần tra. Ngay cả tàu hoa tiêu của Liên hiêp Vận tải dẫn tàu ngoại quốc ra phao Zéro cũng có con mắt của công an. Nếu bị hạch hỏi, không lẽ công an đi khám tàu mà xách mỗi người hai cái thùng sắt to chình ình hay sao?
- Rồi tính sao với số còn lại?
- Mình đã được nhận đâu mà tính!
- Bộ… không sợ phóng xạ?
- Không… Rất an toàn. Lúc đầu, em cũng sợ bị nhiễm xạ thì toi đời. Nhưng tên giao hàng nói, em mới hiểu, bản thân cái vali sắt ấy đã là thứ bảo quản tuyệt đối an toàn. Có thể gối đầu nằm mà ngủ cũng không sao. Khi cần, có thể liệng xuống biển, một năm sau vớt lên cũng được, không hề hấn gì. Nhưng… thú thật là em ớn hết nói. Chưa bao giờ vô mánh mà lo lắng nhiều như phi vụ này. Anh Tám nhớ kỳ mình chuyển cả trăm ký lô bạch phiến, tỉnh queo như không!
Đôn mỉm cười, gật gù, lấy chai rượu trong tủ ra đưa cho Thức. Thức nhìn nhãn hiệu Martell, khui nắp chai rồi nhìn Đôn:
- Phương án của anh Tám hay thiệt. Công của anh là lớn nhứt đó.
Thức rót rượu và cung kính đưa ly rượu cho Đôn:
- Ta cụng ly. Xin chúc anh Tám mạnh giỏi để cố vấn cho đàn em.
- Này, chú mày cứ tưởng tượng coi, giờ này thằng cha thiếu tướng Ba, thằng Dung và cả lũ lâu la của nó còn chầu chực ở cầu tàu. Cả một bộ máy chạy hết ga để vồ mồi. Trong khi đó… buồm đã no gió rồi. Ngon lành hỉ?
- Công lao, tài trí anh Tám là lớn nhứt! Em chưa bao giờ thấy anh Tám thua cuộc!
- Này, chú mày nhớ chơi đẹp với Ba Hoành. Nó giúp vụ này hết mình đó.
- Dạ, có! Ai cũng có phần hết trơn!
- Tao khen chú mày cái sự sòng phẳng.
- Ông nội em dạy: luôn luôn sòng phẳng thì không bao giờ thất bại!
- Ừ! Chí lý! Càng ngày tao càng thấy chú mày hết sảy!
Chợt Đôn hạ giọng nói rất nhỏ:
- Chú mày biết thằng chủ hàng nó ở đâu?
- Không.
- Tại sao nó biết đường dây của ta?
- Qua thằng giao hàng. Thằng giao hàng chính là thằng vẫn giao bạch phiến cho ta.
- À, ra vậy. Thì ra bọn buôn lậu quốc tế kết băng kết nhóm, bao hết những mặt hàng nguy hiểm…
- Càng nguy hiểm cho con người, càng hốt bạc!
- Giá như… ta trực tiếp làm việc được với thằng chủ hàng…
- Ý anh Tám muốn nói, giá như ta trở thành một mắt xích trong đường dây đó?
- Phải. Chú mày khá lắm! Lúc đó, ta chỉ việc ngồi chơi, không phải lo ba cái chuyện vớ vẩn nữa. Hàng và đô cứ ào ào chảy vô túi.
Uống cạn ly rượu, Đôn hỏi:
- Chú có tin là nó sẽ nhờ ta chuyển nốt số còn lại?
- Chưa rõ! Tên giao hàng nói, khi ông chủ bật đèn xanh thì mọi việc tiếp tục.
- Đành vậy! Biết làm sao được. Ông chủ bao giờ cũng mạnh!
Có tiếng gõ cửa, phía ăn thông với bên trong. Tám Đôn ra hiệu cho Thức đứng dậy mở cửa. Một cô gái xuất hiện. Thức ngẩn người. Đây chính là Giang, con nhỏ bán hột vịt lộn ở bến Bạch Đằng, có giọng nói xứ Huế và thân hình quyến rũ. Tuần trước, Tám Đôn và Thức ngồi mưu tính công việc ở đó, đã gặp con nhỏ này. Cả hai thầy trò đều sững người khi thấy một thân hình hấp dẫn như vậy, một giọng nói êm như ru… Hỏi chuyện, cô gái nói: Cả nhà bị bão và sóng thần cuốn ra biển mất tích. Chỉ còn mình cô sống sót, tìm vô Sài Gòn kiếm ăn. Không nơi nương tựa, cô phải bán thân, có được chút vốn, mướn được nơi ngủ đêm, ban ngày đi bán hột vịt lộn. Khách yêu cầu đi là cô chiều lòng khách. Mặt con nhỏ không đẹp nhưng dễ coi, nước da của con gái miền biển, khỏe mạnh. Hôm đó, Đôn bảo Thức: “Giá như tao có nó về nhà hầu hạ, đỡ lắm. Tao phải ở với đứa cháu câm, đến bực mình. Nó vụng về quá. Chỉ được mỗi việc nấu ăn hợp cái miệng của tao!”. Thức nói: “Nếu anh chịu, để em tìm người làm cho. Mướn người làm là khó lắm. Người không hiếm, nhưng hiếm kẻ thiệt thà. Nó ở với mình mà không thiệt thà thì khác nào nuôi ong tay áo”... Mấy ngày qua lao vào chuyện chuyển hàng xuống tàu, không đến biệt thự Vườn Tôm, nay thấy cô hầu gái, Thức nghĩ thầm: Thằng cha già này ghê thiệt! Chắc là hắn xơi con bé mỗi ngày! Thức nhìn thân hình cô gái nổi bật trong chiếc váy liền áo mặc ở nhà, rất mỏng, và quay mặt đi, nuốt nước miếng. Cô gái lễ phép:
- Dạ, thưa anh Tám! Có cháo tim gan rồi. Xin mời hai anh dùng bữa khuya cho nóng!
- Được. Mang hai tô lên đây. Nhớ làm một dĩa hành trụng nước sôi.
- Dạ, có ngay ạ!
Thấy Thức tủm tỉm cười, Đôn nói:
- Tao mới vớt nó về hồi chiều hôm qua. Tao bảo nó, nếu ưng thì ở đây suốt đời với tao. Khi tao chết, tao sẽ di chúc chia một phần gia tài. Còn nếu muốn lấy chồng thì phải báo trước, tao sẵn sàng chu cấp cho… Nó chịu hết. Sáng nay, tao đưa cho nó xấp bạc, biểu nó đi Tạ Thu Thâu mà sắm đồ, cũng là thử nó. Tao đưa nhiều tiền, nếu nó tham, đổi ý, đi luôn thì kể như trả cho cái khoản đêm qua… Đến gần trưa, nó về tắm rửa, thay đồ. Trông nó như một cô đầm lai. Chú mày có mê không? Kể như tao trúng mánh.
- Anh Tám hên! Nhưng… phải cẩn thận kẻo…
- Tất nhiên! Chú mày khỏi lo chuyện đó. A, Thức này. Bữa qua, lúc tao ra vớt con Giang về, tao thấy một con bé, lối mười lăm là cùng, nó cũng bán hột vịt lộn. Cách đây năm sáu năm, tao thường uống bia hơi ở đó, đã thấy nó. Nay gặp lại, thấy nó lớn bổng lên, không ngờ nó đẹp quá xá! Nó còn ở đó với mẹ nó, tao e… lại làm gái đứng đường… uổng quá. Da trắng còn hơn trứng gà bóc, răng đều như bắp, môi đỏ… Quần áo lam lũ nhưng mắt, mũi miệng, chân tay… ôi, thứ nào ra thứ ấy. Đẹp tuyệt! Tao mê con bé, mày ạ. Để… bữa nào mày với tao đi uống bia hơi. Nó bán trong quán bia đối chứng! Thử dụ nó coi!
Thằng cha này, bao nhiêu gái cũng không đủ! Thức rủa: Mi ham phá trinh con nít, mê gái quá độ cũng có ngày chết vì gái cho coi!
- Được mà anh Tám. Anh Tám là ông chủ uy quyền số một ở xứ này. Anh cần gì là em lo liền!
Giang mang cháo vào phòng. Hai tô cháo tim gan nấu rất khéo, mùi thơm nghi ngút. Hũ tiêu, chén nước mắm và dĩa hành nhúng nước sôi, những lát chanh mọng nước, đặt trong chiếc khay để trên xe đẩy có bốn bánh xe, khi di chuyển không gây tiếng động. Thức nhìn rõ những phần tròn căng trên thân thể cô hầu gái. Cô gái cũng nhìn Thức, đôi mắt như muốn nói: Anh cũng thích tui phải không? Xin mời, cứ tự nhiên! Anh sẽ được đẹp lòng!
Thức vừa ăn cháo vừa ngẫm về cái vị trí ông chủ mà Tám Đôn rất khao khát, rất tự hào. Đến một lúc nào đó, Thức tin rằng mình chứ không phải ai khác, sẽ là ông chủ của xứ này. Gia sản của Đôn hiện nay là do ai làm nên? Tất nhiên do Đôn. Nhưng nếu không có mình thì sức mấy Đôn có được? Và những cô gái như cô Giang này… lẽ ra, phải thuộc về mình. Tất nhiên, Sài Gòn đâu có thiếu gì gái, nhưng những tấm thân vào cỡ tuyệt thế giai nhân như Giang, đâu phải ai cũng có! Biết bao nhiêu gái trinh do mình kiếm được, đều phải nhịn để dâng cho Đôn. Kiểu này, Đôn còn thọ lâu! Bao giờ, bao giờ vị trí ông chủ mới thuộc về mình?
Hai thầy trò cạn hết chai Martell. Giang vào dọn dẹp, đẩy xe đồ ăn xuống bếp. Thức thấy Đôn vào toalét, vội nói với cô:
- Cám ơn cô Giang, cháo rất ngon!
- A! Em nhớ ra rồi! Nghe giọng trầm và ấm của anh là em nhớ liền. Bữa trước, anh và anh Tám mua hột vịt của em, mua luôn cả rổ, đúng không?
- Đúng. Và bữa nay thì anh Tám đã mua luôn cả cô Giang rồi! Cô đẹp như dòng Hương Giang xứ Huế vậy! Anh Tám của tôi hên lắm.
- Anh khen em làm chi! Phận tôi tớ mà!
- Cô muốn làm bà chủ cũng được. Khó gì. - Thức xoa xoa vào mông cô gái.
- Kìa, ổng ra! Dạ, xin mời anh Hai dùng trà!
- Cám ơn! - Thức trả lời Giang và nhìn Đôn, nhận ra Đôn đang có ý gì mới, sắp sửa nói với mình.
Đôn ngả người vào nệm ghế bọc nhung đỏ, chân ghếch lên mặt bàn, hai chân đầy lông lá. Chiếc quần soóc trắng để lộ ra một cục to cộm lên ở giữa. Đúng là một con đực thực thụ. Xỉa răng và súc miệng òng ọc, Đôn uống liên tiếp ba ly nước trà, mắt vẫn không rời mặt Thức:
- Tao nói với chú mày chuyện mới! Quần áo, giày và nón cảnh sát, chú mày để mô?
- Dạ, anh Tám để em bảo quản luôn, khỏi di chuyển, mất công, mỗi khi cần, lại phải…
- Đừng có giao ẩu cho mấy thằng giết mướn mà mang vạ có ngày.
- Đâu có! Em quản, anh Tám khỏi lo.
Đôn đưa mắt ra hiệu cho Thức cài chốt cửa và đến gần mình. Giọng Đôn đã nặng, khó nghe, lại nói nhỏ, Thức phải hỏi lại:
- Anh nói sao? Giết nó hay là hiếp nó?
- Giết nó làm gì! Phải làm cho thằng chồng sắp cưới của nó đứt từng khúc ruột, ói máu lên mà chết.
- Em hiểu.
- Nhớ, ba thằng thôi nghe không! Đừng có làm quá, nó chết là tao phạt.
- Tuân mạng!
- Tao cho phép chú mày xài nó.
- Dạ, thưa, cám ơn anh Tám. Mặc dù độ rày nó thơm da mát thịt, nhưng… em không dại gì lộ mặt. Dạ, em biết giữ cái mạng sống của em lắm.
- Mày cần bao nhiêu?
- Dạ, khỏi…
- Làm bộ hoài. Nói mẹ nó ra. Nó là kẻ thù của tao, của mày, của giới làm ăn. Mày chi một mớ, còn lại tao chi.
- Không! Em nói thiệt tình. Chi phí vụ này, anh Tám khỏi lo, để em lo. Em muốn khử thằng này từ lâu rồi.
- Ậy! Nhớ là không được làm quá. Phải giữ mạng sống cả hai đứa. Vậy chúng mới đau!
*
* *
Trong khi thầy trò Đôn - Thức đang cụng ly mừng chiến thắng và bàn tính âm mưu mới, thì ở vùng biển phao Zéro cửa sông Thiềng Liềng, tàu ngoại quốc bị hai tàu biên phòng chặn lại.
Ngay khi chiếc xuồng máy chở bốn người mặc sắc phục công an Việt Nam cặp vào chiếc tàu ngoại quốc, trinh sát U2 trên tàu biên phòng liền điện báo về trung tâm. Vài phút sau, Lê Dung có kết quả kiểm tra: Không một toán cảnh sát nào được giao nhiệm vụ bám theo tàu và lên tàu. Như thế, đây đúng là bọn buôn lậu chuyển uranium. Dung truyền lệnh cho đội trinh sát U1 (đội phá án uranium theo phương án một) đón chiếc xuồng máy chở bốn cảnh sát dỏm kia, không được bắt, theo dõi để nắm chắc hành tung của chúng. Chỉ khi nào tìm ra được kẻ trùm sỏ mới “cất vó”. Đồng thời, anh truyền lệnh chặn tàu ngoại quốc, bắt hàng lậu. Dung nhắc:
- Chú ý cả hai mạn tàu. Chúng có thể quăng hàng xuống biển để phi tang!
Dung đề nghị thiếu tướng yêu cầu bên không quân và hải quân phối hợp, đề phòng bất trắc.
Mọi việc diễn ra đúng như dự đoán. Tàu biên phòng của ta ra lệnh cho tàu ngoại quốc dừng lại, có lệnh khám xét khẩn cấp. Hai chiếc tàu nhỏ khống chế hai mạn tàu. Trên trời, một chiếc trực thăng bay thấp, chỉ cách ống khói con tàu lớn vài mét. Con tàu lớn buộc phải dừng lại. Trước mặt công an biên phòng, thuyền trưởng ngoại quốc kịch liệt phản đối. Anh ta nói bằng tiếng Anh: “Công an Việt Nam đã tiến hành khám xét tàu, vừa rời khỏi tàu, bây giờ lại khám nữa, nghĩa là sao? Các ông vi phạm luật pháp quốc tế!”. Trung úy đội trưởng U1 đáp lại viên thuyền trưởng cũng bằng tiếng Anh: “Cuộc khám xét cách đây ít phút là màn kịch! Chúng tôi yêu cầu ông nộp ngay ba chiếc thùng sắt mà những diễn viên tồi vừa để lại trên tàu!”. Thuyền trưởng tái mặt trả lời: “Không có. Ông phạm tội vu cáo!”. Trung úy nói: “Chỗ này biển rất cạn. Ông bảo nhân viên của ông không nên liệng ba cái thùng sắt xuống biển. Vô ích. Chúng tôi là những người thợ lặn chính cống, đã từng phá hủy thủy lôi của Mỹ!”.
Viên thuyền trưởng cứng họng. Hắn biết không còn cách nào khác là giao nộp và tìm cách giảm nhẹ tội. Thuyền trưởng mời trung úy hút thuốc lá và hạ giọng: “Xin ông ghi nhận thái độ của tôi. Tôi không biết trong thùng đựng gì. Tôi chỉ làm cái việc chuyển giùm để ăn tiền công!”.
Sự việc diễn ra mau lẹ và được tuyệt đối giữ bí mật. Vì mối quan hệ giữa hai nước, phía Việt Nam tuy có đưa viên thuyền trưởng ra xử trước tòa, nhưng đã không công bố trên báo chí. Hãng tàu ngoại quốc đã phải nộp phạt món tiền lớn vì phạm tội buôn lậu hàng quốc cấm, vi phạm luật pháp Việt Nam, và đặc biệt nguy hiểm cho nền hòa bình thế giới.
*
* *
Tiền ngồi bóp trán trong phòng làm việc. Trước mặt Tiền là một tập hồ sơ gồm những bản sao. Tiền nhấn chuông gọi vợ:
- Trong số hơn một ngàn sổ khống, có bao nhiêu sổ đặc biệt, nghĩa là từ mười triệu trở lên?
- Có hai trăm lẻ hai sổ, anh à.
- Hai trăm lẻ hai! Hừ! Có ai trong số này không đến lãnh tiền lời?
- Không! Làm gì có chuyện đó.
- Hừ! Thiệt kỳ cục hết sức!
Thấy chồng tức giận, Kim hỏi:
- Chuyện chi vậy anh? Nói em nghe nào!
- Lũ chó má! Lũ khốn nạn. Lũ ăn cháo đá bát. Bọn nó ăn của mình mà vẫn để cho lũ mọi tố cáo mình. Lũ mọi đang tố mình! Em hiểu chưa?
- Bọn nào tố? Anh mà chịu bó tay? Nào, bình tĩnh lại nào. Vây cánh của mình đâu có ít. Chẳng lẽ những chủ nhân đầy quyền thế đã nhận sổ khống đều phản mình?
- Nước mẹ gì cái đám ăn mày ấy! Bộ em tưởng những đứa nhận sổ khống của mình nó sẵn sàng đỡ đòn, sẵn sàng cứu mình à? Không. Em lầm! Nó không quấy rối mình là đủ rồi. Chỉ có vài đứa, những tên có chức cao quyền lớn ấy là còn hy vọng. Mà những đứa này, nếu ta không khống chế, chúng cũng phủi tay ngó lơ như thường. Đời là thế, em ạ. Thằng Banh vừa giao cho anh một tập hồ sơ tố cáo công ty mình đây nè.
- Banh nào hả anh? Banh tư pháp hay là Banh viện kiểm sát?
- Hai Banh tư pháp! Nó nói rằng, đơn đòi thanh tra mình có từ hai năm nay rồi. Nhưng chưa bao giờ lại có nhiều đơn tố mình lừa đảo, đòi đóng cửa công ty như lúc này. Đây, em đọc, khắc biết.
Tiền đưa cho vợ một bản trong số hàng chục bản phôtô mà Banh tư pháp mới đưa cho Tiền. Kim đọc: “Đơn tố cáo. Kính gửi… Tôi là Lê Ngọc Kha, cán bộ thuế công thương nghiệp… Nay tôi làm đơn này đề nghị các cấp thẩm quyền đóng cửa ngay tức khắc và đưa ra tòa Công ty Duy Nhất vì đây là công ty lừa đảo trên qui mô lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Lợi dụng quyền được huy động vốn để đầu tư cho sản xuất, đầu tư cho các công trình trọng điểm mà Duy Nhất trúng thầu, công ty này đã huy động của dân gần hai trăm năm chục tỉ đồng. Kỳ thực, trong một năm qua, Công ty Duy Nhất không hề được giao thi công một công trình nào có giá trị từ năm chục triệu trở lên. Suốt một năm, Duy Nhất chỉ được nhận sửa chữa lại một chung cư với số vốn đầu tư chưa đầy hai chục triệu. Vậy thì số tiền huy động được, Duy Nhất làm gì? Cái gọi là Liên hiệp dịch vụ, sản xuất, chế tạo hóa phẩm cao cấp, gồm: một xưởng nước hoa, một xưởng bột giặt, một xưởng may áo gió xuất khẩu, một xưởng sản xuất dù cho du lịch bãi biển, một xưởng chuyên may xilíp và nịt vú cho phụ nữ - cũng quảng cáo là hàng xuất khẩu!, một xưởng đóng tàu, một xưởng đại tu xe… Tổng cộng gần một chục xưởng nằm rải rác khắp thành phố, được truyền hình quảng cáo ầm ĩ, thực chất chỉ là những trò ảo thuật. Không có xưởng nào đi vào hoạt động thật sự, ngoại trừ xưởng nước hoa. Mà nước hoa thì ế ẩm, bán không ai mua cho nên cũng ngưng sản xuất. Hiện tại, nước hoa Duy Nhất đang được gán cho khách hàng để trả lãi với tỉ lệ: hai mươi phần trăm trả bằng nước hoa, tám mươi phần trăm trả bằng tiền mặt! Thế còn cái gọi là “Trung tâm Thương mại Xuất nhập khẩu Tổng hợp Duy Nhất”, gồm: một cửa hàng intershop, hai cửa hàng bách hóa, một cửa hàng đại lý chuyên bán hàng cho một hãng Thái Lan, một nhà hàng ăn uống, một khách sạn mini Thiên Kim, một cửa hàng vàng bạc… tổng cộng bảy đơn vị cả thảy. Hoạt động của bảy đơn vị này thực chất là phi pháp vì tất cả đều không có giấy phép kinh doanh chính thức. Duy Nhất chuyên núp bóng liên doanh đầu tư với các cơ quan nhà nước để trốn thuế. Theo sự tính toán của ngành thuế, từ đầu năm đến nay, số thuế mà nhà nước thất thu vì những mánh lới của Duy Nhất lên tới gần một tỉ đồng. Đây là chưa kể đến hành vi phạm pháp khác: Hoạt động kinh doanh của Duy Nhất chủ yếu là buôn lậu qua biên giới và tiêu thụ hàng lậu, hàng quốc cấm. Khách sạn Thiên Kim thực chất là một ổ mại dâm công khai, là nơi ăn chơi đồi bại của nhiều cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Ý đồ của Công ty Duy Nhất đã rõ: Lợi dụng sơ hở, làm thoái hóa đội ngũ cán bộ nhà nước, lũng đoạn kinh tế để thu lợi cá nhân, phá hoại công cuộc đổi mới đất nước. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều trình bày trong đơn này, và yêu cầu các cơ quan chức năng, các cấp thẩm quyền nhanh chóng đóng cửa lập tức Công ty Duy Nhất và khởi tố ngay, nhằm ngăn chặn tác hại vô cùng lớn mà nó gây ra”.
Kim đọc hết tờ đơn, rồi đọc tiếp phần nơi gửi đơn.
- Trời đất! Nó gửi đơn tùm lum rồi, anh ơi! Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông, tất cả các ban ngành ở thành phố… Trời ơi! Chết mình rồi! Thằng này nguy hiểm quá. Sao? Anh? Sao không bịt miệng nó đi? Còn… còn anh Tư, thủ trưởng của nó? Vợ ảnh ôm gọn của mình hơn trăm triệu kia mà! Chẳng lẽ ảnh không trị được nhân viên dưới quyền à?
- Chẳng ăn nhằm khỉ khô gì đâu em! Rặt một lũ ăn mày! Đó chỉ là một đơn. Còn cả chục lá đơn kìa. Lời lẽ, chứng cứ còn ác độc hơn thằng Kha này nhiều. Bộ em tính bịt miệng hết cả chục thằng đó à? Có mà thánh. Chúng đều là bọn có bản lĩnh. Một thằng là trưởng phòng. Hai thằng là công an. Một thằng là phó chủ tịch quận. Một thằng nhà báo. A, không phải thằng mà là con! Con nhỏ này có lần đến mà anh bận, không tiếp, em nhớ không? Còn lại những lá đơn khác là của mấy thằng cha về hưu. Rất nguy hiểm. Đợt này rất nguy hiểm chứ không như năm ngoái, chỉ có một thằng tố cáo và ta đã bịt được miệng nó ngay. Đợt này, khó lòng mà…
- Sao anh bi quan thế? Tiền bạc, gái, không lẽ bấy nhiêu thứ mà chịu đo ván? Mua chuộc, dụ dỗ, vô hiệu hóa, khống chế, đe dọa và… khử! Bấy nhiêu chưởng mà bất lực sao?
- Vô ích! Hoàn cảnh bây giờ khác với năm ngoái. Em đừng có ngốc. Thời thế, nhân tình thế thái biến chuyển mau lẹ lắm. Đó, em coi. Quyền thế nghiêng trời như thằng cha Tám Đôn mà có việc lo cho mình đi Nhật, có lo nổi đâu?
- Anh ơi, hãy bình tâm lại. Vợ chồng mình phải sáng suốt để suy nghĩ thấu đáo. Này nhé! Đúng như anh nói, thời thế thay đổi. Đúng. Đúng là cái đảng cầm quyền ở xứ này đang đổi mới rất mạnh. Họ đang sửa chữa những sai lầm mà các vị lãnh đạo Đảng đời trước đã phạm phải. Họ tách khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Họ đã bắt đầu trở lại con đường độc lập và sách lược ngoại giao khôn ngoan: chơi với tất cả, nhưng đi thì đi theo con đường riêng, gắn với dân tộc, đặt dân tộc lên trên hết! Họ đang chỉnh đốn lại đội ngũ. Họ đang trở lại với dân. Họ đang chống tham nhũng. Đó, họ sẽ vững vàng trở lại và lớn mạnh là nhờ sự đổi mới này. Em nghe BBC hoài nên không lạ gì thực trạng này. Thế nhưng, mặt khác, vẫn tồn tại một thế-giới-ngầm. Thế giới này có nền móng từ mấy chục năm qua, có ảnh hưởng và quyền hạn vô song. Bằng chứng là thằng Cảnh, thiếu tá công an, quyền sinh sát ở một quận, khi phạm tội phải lãnh án năm năm Chí Hòa. Thế mà ta chi ra có mười triệu, cứu được nó, bắt nó làm vệ sĩ cho ta! Đội quân vệ sĩ của Cảnh với bốn mươi đứa, đã bảo đảm an toàn cho công ty mình không hề hấn gì đến sợi lông chân, trong khi xã hội nhiễu nhương đầy rẫy bọn cướp của giết người. Bằng chứng là khi ta trả giá hai triệu đồng tiền lương mỗi tháng cho Phó Giám đốc Quang thì có tới bốn vị tổng giám đốc đang đương chức, cả thiếu tá, đại tá quân đội muốn về làm phụ tá cho ta! Bằng chứng là nhiều ông lớn sừng sỏ là khách quen của Thiên Kim Hotel! Tiền và gái, ai mà không mê! Em như vầy mà lâu lâu anh còn kiếm gái tơ để ngủ nữa là! Đúng không nào? Chó có từ cứt thì người mới từ của! Anh cứ quăng tiền ra. Sẽ bịt miệng tụi nó ráo trọi.
Vào giây phút hoang mang và bi quan nhất, Tiền kinh ngạc thực sự trước vẻ bình tĩnh, óc xét đoán sắc sảo và chính xác của vợ. Tiền nể phục vợ, và trong lòng dạt dào tình cảm, lòng biết ơn. Cơ nghiệp này, nếu không có vợ, chắc chắn là không thể có được. Chỉ riêng Tiền, nếu có bạc tỉ, Tiền cũng ăn nhậu và chơi gái đến cháy túi. Vợ Tiền, ôi! Trời đã cho Tiền một báu vật, đúng như cái tên của nàng! Thiên Kim! Ngàn vàng của ta! Tất cả những trò này rồi sẽ chấm dứt. Ta sẽ chuồn. Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn cả. Tổng số tiền huy động vốn và tiền nợ khách hàng hiện đã lên đến hai trăm năm chục tỉ đồng rồi. Đã trả nợ gốc và trả lãi khoảng sáu chục tỉ. Toàn bộ tài sản cố định, hàng hóa và tiền mặt đang chu chuyển chỉ được hai chục tỉ đồng. Như thế, không dọt cho lẹ thì chờ cho tay vô còng số tám à?
… Nhưng sức mấy mà tụi bay còng được ta! Giám đốc tư pháp đã hứa chắc chắn là đảm bảo không có thanh tra gì trong vòng từ nay đến Tết. Hai Banh sẽ ra một văn bản có tính chất pháp qui, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công ty của ta. Hai Banh đã thuyết phục được những vị đứng đầu thành phố. A! Vậy là được! Những nhân vật quan trọng ở các ban ngành quan trọng cũng đều đảm bảo với ta như vậy. Có gì đáng lo nữa. Nay, cái đáng lo nhất vẫn là cuộc tẩu thoát. Một là đi hợp pháp. Hai là đi lén! Cách nào cũng được. Miễn là thoát. Ta hiện có đội tàu gồm sáu chiếc. Ba chiếc vỏ gỗ loại nhỏ, chỉ đi được trong sông lạch. Ba chiếc đi biển, loại một ngàn tấn và một ngàn năm trăm tấn đang chở mướn cho nhà nước. Bốn lần thăm dò để ra đi bằng đường biển đều thất bại. Hệ thống trinh sát của thằng Dung và tàu biên phòng, theo Ba Hoành cho biết, sẵn sàng chộp nếu ta đưa vợ con xuống tàu. Không có cách nào ngụy trang được. Năm bảy mươi tám đã có tiền lệ: Toàn bộ ban giám đốc cùng gia đình họ thuộc một công ty công tư hợp doanh do Cục Cầu đường bộ quản lý, đã ra đi bằng chính con tàu của nhà nước. Khi tàu tới Mã Lai an toàn, họ điện về bảo Cục Cầu đường bộ sang nhận tàu! Bài học này chắc chắn không lặp lại được. Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh không phải tay gà mờ. Hắn thường xuyên cảnh giác, hắn phát động cao trào bảo vệ an ninh: mỗi công nhân viên Liên hiệp là một chiến sĩ an ninh. Trên mỗi tàu của Duy Nhất đều cắm hai bảo vệ. Không dễ gì thủ tiêu hay mua chuộc bọn bảo vệ như thời Tám Đôn tại chức.
Làm sao đây? Làm cách nào đây? Không lẽ đang là tỉ phú, danh giá lên tận mây xanh như ta mà lại vượt biên bằng cách nộp vàng như người ta đang làm, cho dù cách này có tới đích, nhưng mạo hiểm quá. Ta không thể thí mạng ta, vợ con ta cùng bao nhiêu đôla và vàng! Vô lý. Không thể liều mạng ngu xuẩn. Phải trở lại phương án đi Nhật hoặc là qua Thái bằng mọi cách. Luật sư Toàn đã lót ổ xong ở Thái Lan rồi. Phải nhờ Tám Đôn. Nhưng trước mắt, phải dẹp cho êm bọn tố cáo… Em tỉnh táo lắm, em nói đúng, Thiên Kim à. Ta phải bỏ ra vài chục lượng để cắt lưỡi những tên gây rối. Thằng nào hung hăng nhất, cho nó về chầu Hà Bá. Dao Thái Lan xuyên tim, dây dù siết cổ, độc dược, xe cán… bấy nhiêu quyền cước kia mà. Mọi sự phải êm xuôi cho đến tết ta. Còn ba tháng nữa. Thiên Kim - vợ cưng của anh! Em phải làm cái việc mà Tám Đôn thèm muốn từ lâu. Phải vậy thôi! Công việc là công việc! Chỉ có vậy mới “ép phê”. Đôn lấy được chữ ký của nhân vật ở Hà Nội thì vợ chồng ta mới thoát. Vấn đề là ở em. Em chịu… thì Đôn sẽ hầu hạ em. Hắn đã ăn của mình biết bao nhiêu rồi! Băng ghi hình và ghi âm đầy chứng cứ kia. Nay, em cho hắn thỏa mãn, tất hắn phải mang kết quả về. Bằng không, hắn phải trả giá…