Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.099
123.163.405
 
Tiếng trống Sampô
Anh Động
Chương 1

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang có ý định in quyển tiểu thuyết đầu tay phản ảnh con người An Giang, sự việc xảy ra tại mảnh đất An Giang này. Ngoài việc phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh là công tác trọng yếu, chúng tôi còn nặng nợ với An Giang : Nợ với những người đã ngã xuống, nợ với những người đang sống vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, trong những năm đầu gian khổ giữa khói lửa chiến tranh. Chỉ có dựa vào họ, và phát động họ đứng lên đấu tranh dưới ngọn cờ Đảng thì cách mạng mới thắng lợi rực rỡ. Và giờ đây, cũng chính họ, đồng bào trong tỉnh, đã cùng với Đảng chiến đấu và xây dựng cuộc sống hôm nay. Làm sao mà có thể quên họ được ? Ngay cả sự quan tâm chậm trễ đến đời sống, đến tình cảm của họ cũng đã là một tội lỗi rồi !

Quần chúng lao động trong tỉnh phải là những nhân vật chính của tiểu thuyết, của truyện ngắn, thơ, ca, nhạc, họa. Họ có vị trí kiên cường, vai trò tích cực trên trang sử đương đại. Họ là những anh hùng làm nổi lên giai đoạn lịch sử anh hùng của dân tộc ta.

Với tấm lòng trân trọng và biết ơn đồng bào trong tỉnh, người Việt cũng nhưng người Khmer, đồng bào Chăm cũng như đồng bào Việt gốc Hoa, người không có đạo giáo cũng như người có đạo, chúng tôi hợp tác cùng với Hội văn nghệ tỉnh nhà, cho xuất bản quyển “Tiếng Trống SamPhô” của nhà văn Anh Động viết về đồng bào Khmer.

Nhà văn Anh Động đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Khmer. Tư tưởng chính trị của tác phẩm vững vàng. Còn về đời sống nội tâm, tính cách của các nhân vật, sự thành công nhiều hay ít của một tác phẩm văn học là do tác giả và sự đánh giá chung của quần chúng.

Chúng tôi mong chờ độc giả trong tỉnh và các tỉnh bạn góp ý kiến cho Nhà xuất bản và Hội văn nghệ An Giang kịp thời rút kinh nghiệm để phục vụ tốt đẹp hơn.

 

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP AN GIANG

 

I

 

Đám con trai hô :

- Suman đằng tui hay lắm !

Đám con gái bảo lại :

- Rati đằng này không kém đâu !

Suman, người con trai tuổi trên hai mươi, có thân hình vạm vỡ, nước da ngăm đen, gương mặt bầu đục, đôi mắt cùng quai hàm của anh nhô ra trông cao, mắt mở to như bỡ ngỡ dưới đôi mày rậm và ngắn. Suman mặc chiếc áo đỏ có sọc ca-rô đen, anh đang múa, hát với một cô bạn gái người cùng sóc.

Qua một chập múa đôi của điệu “A-zay”, đến lượt Suman vừa múa vừa hô một mình :

 

- Anh theo em tận gốc

Tìm em trốc tận rễ

Lấy cho được em về

Hò ơi, bông lúa mì

Sao mà yêu em quá !

Tháng năm đủ vất vả

Anh không thể rời em ...

 

Đám con gái bên ngoài vỗ tay, cùng hô :

- Rati múa đi ! Đừng để thua đằng con trai dở lắm !

Trong sân, Suman cùng Rati, cả hai múa song đôi. Thân hình Rati uyển chuyển tựa chim trĩ mái né tránh những động tác vờn đuổi của chim trĩ trống. Rati mặc áo tầm-vông màu hồng nhạt, vận chiếc xà-rông đỏ có viền nẹp xanh, đầu cô để trần, mái tóc đen láng và dợn quăn tự nhiên xoắn thành từng cuộn buông thả trước ngực. Đôi mắt Rati mở to với đôi lưỡng quần cao lộ rõ phần lòng đen long lanh ở giữa phần lòng trắng một cách sắc sảo. Trên khuôn mặt trái soan có sống mũi thẳng, thanh tú, nước da mịn hơi ngăm đen, đôi mi của Rati càng nổi bật hơn với hai hàng dài cong quớt linh động trên hai vũng mắt viền màu chì thâm nhạt.

Rati vừa múa lượn, vừa đưa đôi mắt lúng liếng liếc chừng Suman. Thấy anh ngừng múa lùi ra, cô cũng lùi mấy bước về phía những người bạn gái của mình. Đám con trai thấy vậy, vỗ tay reo ầm lên :

- Rati không hò đáp lại được rồi ! Nếu đằng con gái chịu thua thì từ nay phải vác khay trầu đi hỏi cưới đằng con trai, nghe không !

- Không đâu, Rati của bọn tui chấp đằng con trai hò đua tới mai. - Các cô đẩy Rati tiến ra giữa sân, hối thúc - Sợ gì ? Prah Àng (1) ở Trà Vinh ngày xưa đã từng đào ao thắng bọn đàn ông, bắt họ phải vác khay trầu đi cưới chúng mình, Rati đừng chạy dài mà xấu hổ lây cho con gái.

Rati mấm môi tiến ra giữa sân, bắt đầu múa một mình và hò đáp lại :

- “Trai gái hát Dùkê

Dịu dàng như bông tre

Trai gái đi hội hè

Đẹp như bông cỏ mực

Sặc sỡ và xinh đẹp

Như màu bông hạt kê

Thương nhau rũ nhau về

Xin đừng rời xa nữa ...”

 

Các bạn nam lẫn nữ đứng quây bên ngoài vỗ tay reo hò dậy sân chùa.

Ngày lễ Chôl Chnam(2)  của bà con Khmer tại Sóc Pạ - cạnh đầu chơ Ô Lâm - họ đang vui đùa tưng bừng trên chùa lưng chừng đồi. Ngoài sân chùa có tám ngọn nái cát đắp cao hơn đầu người, mỗi bốn góc núi có làm hàng rào bằng nẹp tre ghép thành miếng chẻ sơ sài tượng trưng cho vòng thành. Bảy ngọn chung quanh cao bằng nhau, chỉ có một ngọn giữa hơi trội hơn, tượng trưng cho núi Tu Di, trục của thế giới. Chung quanh sân có tám bàn thờ các vị thần xoay về tám hướng và một bàn thờ thứ chín để ngay ở hướng đông, lớn hơn, thờ đức diêm vương Giớma. Lẫn lộn trong núi cát và chín bàn thờ đang nghi ngút khói hương trước sân chùa rộng rãi rợp bóng cổ thụ, dân sóc tụ tập đông đầy, phần nhiều là con trai, con gái, trẻ con ăn mặc chải chuốt, màu sắc rực rỡ.

Nãy giờ tốp nam nữ trước sân chùa Sóc Pạ đã thưởng thức mỹ mãm điệu A-zay của đôi Suman và Rati đại diện cho giới mình, họ lại bắt đầu bày thêm một tiết mục khác; tiết mục tập thể cổ truyền. Bên gốc cây sao lớn, họ bố trí một giàng Phlênh Xiêm (ngũ âm), hầu hết là những người tuổi sồn sồn đảm nhiệm gồm có : Một cái Samphô, loại trống nhỏ vỗ bằng hai tay để trên cái giá hai chân hoặc đai dày mang lên cổ; một cái Skor thom, loại trống lớn giọng rất trầm, đánh bằng hai đùi; một cây đàn Rôniết êk, làm bằng nhiều thanh tre bề ngang lối năm phân, bề dài độ 20 phân để dài trên một cái hộp gỗ, đánh bằng hai cái vồ nhỏ bằng cây; một cây đàn Rôniết Thung, thanh gỗ, giọng thấp; một cây đàn Rôniết Đếk, thanh sắt, giọng lanh lảnh và tươi; một giàn Kong Thum bằng đồng mười sáu chiêng để thành hình bán nguyệt trên một cái giàn máy, gõ bằng hai vồ gỗ; một giàn Kong tuốch nhỏ, cực trầm; một đôi thanh tre gõ nhịp. Đó là giàn nhạc cổ điển, từ trong chùa Sóc Pạ họ khuân ra để dùng vào dịp lễ lớn này. Ngoài ra các con sóc thích chơi nhạc, mỗi người mang đến nhạc cụ của gia đình mình để hòa vào giúp vui như : sào Khlôi, đàn gáo Trê-u, đàn có Trô-Chxê, đàn kim Cha-pây-ba dây, đàn tranh gõ Khum ba mươi sáu dây, bộ gõ Krap ...

Âm nhạc trỗi lên những điệu rộn ràng. Từng cặp - một trai, một gái - lần lượt đổ ra sân, vời theo nhịp đàn, đôi tây uốn éo nhưng không va chạm vào thân thể của nhau. Một đôi rồi chào mời hai đôi, hai đôi rồi chào mời bốn đôi, từng cặp một uyển chuyển lượn quanh những núi cát. Có những anh đến bên một chị ngồi xem, những người chào mời, phần nhiều thì được các chị, đồng ý, đúng lên, ra sân cùng múa. Cũng có vài trường hợp thế nào đó mà các anh mời, mấy chị chấp hai tay lên ngực xá lại để từ chối. Nhưng ngược lại, không có trường hợp nào khi các chị mời chào mà các anh được phép từ chối, dù anh kia không biết múa cũng phải nhận lời, bởi phong tục dân tộc rất kiêng kỵ một khi bên nam không đáp ứng yêu cầu của bên nữ.

Phong tục của người Khmer Nam bộ, lễ Chôl Chnam này là ngày lễ tôn giáo, là dịp tẩy sạch những bợn nhơ trong năm cũ để đặt bước vào cuộc đời mới thanh khiết, vui tươi hơn năm vừa qua. Thường ngày Chôl, tính theo sự vận chuyển của mặt trời và đánh dấu bước đầu năm mới. Thường thường, Chôl được tính vào ngày đầu tháng Chétt, nhằm giữa thàng tư dương lịch, còn Chnam thay đổi tùy theo trăng tròn và khuyết nhằm ngày mười hai, mười ba hay mười bốn. Mỗi năm, các vị Đại đức thông khoa thiên văn, bói toán soạn một quyển lịch gọi là Naha Sang-khang, để dùng suốt năm, đồng thời ấn định giờ giao thừa, đúng theo nghĩa “giờ vào năm mới”.

Suốt bốn ngày đầu, mọi người phải dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, lau chùi tất cả vật dụng và đến đêm thì đốt tất cả các ngọn đèn, thắp hương thơm, cắm hoa tươi, treo bông kết tuội để đón chào và mời thỉnh chư thần Têvôđa (1) đến. Trong bốn ngày này người ta kiêng cử mọi điều rất kỹ lưỡng, vợ chồng không gần nhau, không giết hại loài vật trên mặt đất, hay trên không, lội dưới nước, không mua, bán món gì, không tính toán chuyện gì cả. Trong các cuộc tiếp xúc với nhau, người ta trách cãi cọ, gây gỗ, đánh lộn, chửi bới, nguyền rủi, nói láo, bêu xấu, cả đến không nặng lời với người cấp dưới, kẻ ăn, người ở để giữ gìn sự yên ổn mấy ngày đầu năm hầu được hưởng điều vui vẻ luôn suốt năm.

Ngoài sân chùa Sóc Pạ, Suman cùng Rati vui đùa với các bạn bằng tình cảm cởi mở, hòa hợp của tục lệ cổ truyền dân tộc. Họ chơi hết trò này sang trò khác. Chín giận, mười hờn của năm qua, người ta có gặp mặt nhau ngay vào dịp này, nỗi chứa chất ấy cũng trôi theo dòng nước, còn lại trong lòng họ một niềm tin vào năm mới sẽ có thần Têvôđa đem lại cho mình và cho tất cả bao điều hạnh phúc.

Trong chùa Sóc Pạ, qúi vị sư sãi quét chánh điện, phòng thuyết pháp, dọn dẹp bàn Phật, đẩy các đống mối trùn lên. Công việc đã chu đáo, ngăn nắp. Các vị sư ngồi thành ba hàng dài trước chánh điện về phía tay mặt, kế đó là tín đồ phái nam; phía trái thì phái nữ, hầu hết là những người cao tuổi. Các quan khách là những vị trong Hội đồng kỷ luật sư sãi, trong Ban quản trị nhà chùa cùng các vị đại diện con sóc ngồi giữa, cạnh chánh điện. Ở bậc trước hết là lục cả Chanhom, mẹ sóc ChauRi, cha của Rati cùng trưởng Ban quản trị Hội đồng kỷ luật sư sãi Thạch Nhum, đó là ba vị trưởng thượng của Sóc Pạ. Tất cả đang chiêm ngưỡng và im lặng, chỉ có các sư sãi ngồi cầm quạt giấy che mặt đọc kinh cầu an.

Lục cả Chanhom mặc cà sa màu lửa, dáng người gầy gộc, gương mặt khắc khổ nhưng đầy vẻ phúc hậu. Lục cả ngồi giữa, đang tham thiền tĩnh tọa theo những hồi kinh dài, trầm bổng tê mê. Phía trái là ông Thạch Nhum, trưởng ban quản trị Hội đồng kỷ luật sư sãi, có vóc người cao to, xương xẩu, gương mặt vuông chữ điền có quai hàm bạch trong quắc thước, nghiêm nghị. Phía phải là mẹ Sóc Chau Ri, một người bề thế dềnh dàng, khổ mặt bầu đầy thịt, râu quai nón rậm rạp. Ngược với ông Thạch Nhum, tuy cùng một lứa tuổi năm mươi với nhau, nhưng mái tóc của Chau Ri vẫn còn đen nhánh chưa hề thấy có một sợi điểm trắng.

Lần lượt, từ dưới bếp, có mấy người phụ nữ nấu nước làm xong công việc cũng lên cùng ngồi phía sau hàng chắp tay xì xoạp khấn vái. Trong số ấy có một người đàn bà tuổi hơn bốn mươi, hình thể gầy tựa một que củi, tay chân khẳng khiu, mặc bộ đồ và chằng và đụp, đi vòng qua một bàn thờ thắp nhang, đốt đèn cầy cắm quanh tượng Phật, rồi trở lại ngồi cùng những người ở hàng sau chót. Người phụ nữ ấy tên Shim, mẹ của anh thanh niên Suman đan múa hát cùng các bạn ngoài sân.

Một cảnh tượng rất yên tĩnh và trang nghiêm. Lời cầu kính của các vị sư đều đều, rập ràng làm mơ màng lòng người. Chốc sau, lục cả Chanhom đứng lên ra dấu cho các vị sư thôi cầu kinh. Lục cả xốc chiếc áo choàng trễ một bên vai lên, với dáng đứng lòng không vì chiếc lưng hơi gù, ông cất giọng khàn khàn :

- Xin mời cụ Nhom mét (1) cửa hành lễ dâng phẩm vật lên Đức Phật.

Ông Thạch Nhum đứng lên, xoay người qua phía mẹ Sóc Chau Ri, vì ông ấy đang khệ nệ bưng một chiếc khay phẩm vật từ bàn bên kia đem lại. Chau Ri trao cho Thạch Nhum cái Slatho ba nhánh bông giấy, gồm ba quả cau tươi ghim trên mảnh tre vót nhọn cắm trong một khúc chuối cây để đứng, cao độ non gang tay, ở dưới có ba miếng tre chống làm chân, xung quanh khúc chuối có hai bó nhang thơm, năm đóa hoa và ba lá trầu cũng ghim trên ba que tre vót nhọm cắm quanh ba trái cau. Trong khay còn có ba ve dầu thơm nhỏ, một chậu nước nhỏ, trong chậu có thả ba gút Âmbốt thiếc bằng chỉ vài còn mới tinh. Ông Thạch Nhum để khay phẩm vật lên chiếc bàn trước chánh điện, cạnh pho tượng Phật Thích Ca lớn nhất chùa, ông chắp hai tay trước ngược, cúi mái đầu bạc muối tiêu lâm râm khấn vái. Thạch Nhumg dùng dầu thơm rảy vào tượng Phật rối quay qua rảy dầu thơm vào lục cả Chanhom.

Mẹ Sóc Chau Ri chắp tay xá dài các vị sư sãi, ông thay mặt cho ý muốn tất cả tín đồ, xin phép :

- Nhân danh mẹ sóc, thay mặt cho chức sắc trong vùng, theo ý muốn của con sóc, tôi xin làm “lễ tắm sư” để gọi là tượng trưng cho sự gội rửa thân thể cũng như tẩy uế tâm hồn tín đồ khắp nhân gian. Mong các vị sư vui lòng cho, để gọi là tỏ lòng tôn kính của con sóc.

Các vị sư gật đầu, đồng loạt đứng dậy đi tránh ra xa cởi bỏ áo vàng, vận chăn trở lại ngồi như trước. Thạch Nhum bưng chậu nước đã pha dầu thơm cùng ba cánh hoa để trong khay, đến trước mặt các sư sãi. Các tín đồ tuần tự ba người một, bước tới cầm lấy ba cánh hoa nhúng vào chậu nước, rảy lên người các vị sư. Mẹ sóc Chau Ri lại tiếp tục nói :

- Để tượng trưng cho sự xua đuổi những gì dơ bẩn trong năm qua và tiếp đón nguồn vui trong sạch của năm mới ...

Chau Ri vừa nói đến đây, bỗng có một loạt súng tiểu liên nổ rộ dưới chân đồi. Rồi một đầu đạn trái phá cỡ nhỏ nổ vang đâu đó trước sân chùa. Các vị sư sãi cùng tín đồ nhớn nhác nhìn quanh. Không ai bảo ai, các vị sư rùng mình đứng lên, chạy đến nơi máng áo quần, chộp lấy mặc vào. Lại hai trái phá nữa tiếp tục nổ ngay trên nóc chùa. Vữa và ngói rơi vãi xuống chánh điện chỗ mọi người đang làm lễ “tắm sư”.

Chưa ai hiểu là chuyện gì đã xảy ra thì từ ngoài sân, đám tín đồ nam, nữ trẻ chạy đổ xô vào, Suman cùng Rati nắm tay nhau chồm tới chánh điện, với vẻ mặt giận dữ, Rati vung tay lên :

            - Kim So là giống quỷ Asura (1), nó dẫn Tà Phầu ác ôn đến bắn nát ngày vui vẻ của con sóc !

            Tất cả con sóc cùng sư sãi chồm tới nhóm nháp. Lục cả Chanhom đưa nắm đấm, xốc tới bên Suman, thét lên giận dữ.

- Cái lũ quỷ Saka(2) kéo tới phá hoại phong tục cổ truyền của dân tộc Khmer, chúng muốn gì ?

Rati chồm tới bên lục cả Chanhom, hô lớn :

- Bọn chúng bắn rờ nát(3) làm đổ máu nhiều con sóc trước sàn chùa. Lục cả ơi ! Mẹ sóc ơi !

Ông Thạch Nhum vung nắm đấm dứ dứ lên không trung, giọng nói của ông gần tắt đi vì quá giận :

- Cái thằng Tà Phầu đã phản con sóc, đi tom bùa Krouyon tận bên Tà Lơn, nó có đủ Kanseng det chat lại với Aovon (4), nó tính bị đánh không đau, bị chém không đứt, bị bắn khônh trúng rồi trở về đây muốn làm gì thì làm.

Ông Chau Ri mang tấm thân ục ịch có cái bụng phệ, đứng lừ đừ sau một gốc cột cứ nhai nhai râu mép, giương đôi mắt trắng dã, nói chậm rãi :

- Tà Phầu là quan của Quốc Gia, chúng mình phải nể hắn. Còn Kim So là xã trưởng của Ô Lâm đại diện chính quyền của người Khmer, hơn nữa Kim So là người tom phép Kàtha (5) hai mươi mốt miếng chì của lục cả Chanhom, hắn còn biết phải quấy. Ta nên ra gặp mặt họ xem sao.

Chau Ri nói hết câu ông nhìn lại thì đã thấy trong chùa vắng hoe, ai nấu ùn ùn chạy ra sân chỗ những con sóc vừa bị trúng đạn. Lúng túng, ậm à rồi phun râu phì phèp, Chau Ri phục phịch đi theo mọi người. Nhưng đến cửa chùa, Chau Ri vội chựng lại vì ngoài sân vang dội tiếng thét của con sóc :

- Quân hại sóc, phá chùa. Phải hỏi tội chúng nó !

Tất cả sư sãi, tín đồ và con sóc đứng vây quanh những người bị thương. Có mấy người đang đỡ đần và băng hộ cho nạn nhân. Ai cũng hầm hầm tức giận. Trong số người giận dữ có chi Sagar, vợ Thngôn - một lính cận vệ của Kim So, nhà ở đầu suối Thmo (6). Sagar cùng bế xốc những người bị thương, khẩn trương xông lên. Những gương mặt hầm hầm, cả quyết tựa sắp xung trận. Ông Thạch Nhum, lục cả Chanhom cùng Sagar đi trước. Bao nhiêu con sóc khiêng bốn mạng người bị thương theo kế, tất cả sư sãi cùng tín đồ theo sau. Còn hai người lững thững sau rốt nữa là vợ chồng ông Chau Ri. Vợ Chau Ri là bà Sópha, một con người phốt pháp, ăn mặc sang trọng.

Sagar là chị một mẹ khác cha với Rati, nghĩa là con ghẻ của lão Chau Ri, nghĩa là con ghẻ của lão Chau Ri, con ruộc bà Sôpha. Sagar ngoắc Rati theo mình. Từ sau, Rati chạy vội đến, thở hào hển :

- Chị Sagar, chờ em ! ...

Hai chị em Rati từ trước đã thương nhau, đến bây giờ cũng vẫn như vậy. Tuy lão Chau Ri ghét đến bứng dấu chân Sagar quăng đi mỗi khi chị bước qua cửa nhà, mặc dù là ở ngoài đường lộ công cộng, nhưng Rati cứ lén nhà đến đầu suối Thmo thăm chị, có dịp đi thêm một đỗi nữa đến thăm người yêu, Suman nghèo, mồ côi cha, nói cách khác là anh không có nhà, hay không biết cha là ai, gia đình thuộc giai cấp thấp hèn, Rati yêu anh thật là một điều bất lợi cho cả hai. Nhàr có thế lực nhất sóc, có của dư của để nhất sóc, có khi nào xã hội chịu chấp nhận cuộc hôn nhân với mối tương quan chênh lệch quá đáng như vậy ? Nhưng hai người cứ chịu đắng cay, chịu đòn bộng mà thầm lên gặp nhau, dường như họ không thể xa nhau được.

Suman cũng từ trên chạy đổ xuống chân đồi theo Rati. Anh hòa lẫn trong đám người đông nghịt, cứ đi xuống chân đồi. Trước mặt họ, từ dưới chân đồi đi lên là một tốp lính ngụy độ vài mười tên, chúng đang xôn xao khoa tay, vẫy súng. Đám lính dân vệ xã Ô Lâm này ăn mặc đủ thứ sắc phục. Lục quân đen có, tray-di vàng có, nhà binh rằn ri có. Đứa đầu trần, đứa đội nón bát, đứa lại đội kết ba rèm lộn xộn.

Suman đuổi theo kịp Rati chỗ đầu hành những người con sóc. Bỗng phía sau có một người phụ nữ gầy còm, đuổi theo, réo vội :

- Suman ! Đừng gây gỗ trong ngày vui năm mới, con ơi !

Suman dừng lại nhìn, thấy mẹ mình, anh chù chừ nhìn sang Rati. Bà Shim đã đến nắm chắc tay Suman. Trong dáng bà hốc hác và hào hển. Bà Sôpha cũng vượt lên nắm tay Rati lôi lại, giọng bà như rên rỉ :

- Trở lại đi Rati ! Đổ máu mặc người, mình đừng giây vào mà rắc rối suốt năm, con ạ.

Rati nhìn Sagar rồi nhìn Suman như cầu cứu, giọng cô gần như bật khóc :

- Không đâu, mê ơi !

Bà Shim cũng nói thêm với Suman :

- Chôl Chnam mà dính vào lộn xộn thì không được may cả năm đâu, con ơi !

Suman nhìn mẹ, anh gãi đầu tỏ vẻ không hài lòng :

- Bọn làm đổ máu ngày lễ vô năm mới phải chịu rủi ro suốt năm. Mê đừng lo; lục cả thay mặt Phật đến hỏi tội chúng kìa !

Nói xong, Suman lôi mẹ cùng đi. Rati vùng khỏi tay bà Sôpha, bỏ chạy theo đoàn người. Bà Sôpha quay lại, cùng với chồng là lão Chau Ri, hai người phục phịch theo sau.

Lục cả Chanhom cùng chị Sagar, ông Thạch Nhum dẫn các sư sãi, các tín đồ và các con sóc khiêng người bị thương, giáp mặt với đám lính ngụy giữa lưng đồi.

Tên xã trưởng Kim So tuổi trên bốn mươi, tướng tá vạm vỡ nhưng hơn thấp, bộ mặt sấm uất bởi hàm râu quai nón rậm ri trông tựa một tăm da rái cá bọc quanh hầu. Lúc chạm mặt với đoàn người, Kim So có vẻ khúm núm, hắn xá lục cả Chanhom và các sư sãi. Lục cả Chanhom xốc áo cà sa bước tới, chỉ vào mặt Kim So, quắc mắt bảo :

- Mày đã bắt chước thói quen của con cọp rồi, càng thấy thịt càng thèm ăn ?

Kim So lùi lại mấy bước, kêu oan, hắn nâng sợi Kàtha đeo ở cổ lên một cách trân trọng :

- Cái này từ tay Đại đức ban cho, nhờ nó mà tránh được súng đạn, được phước làm quan, tôi không quên đâu. Đại đức nghĩ lại mà thương. “Khiếng chxonganh srolanh lò-o”. Đói bụng thì ăn cái gì cũng ngon, thương nhau thì cái gì cũng tốt. Chuyện này là tại tên kia.

Kim So hất mặt về phía Tà-Phầu, nói tiếp :

- Hắn là gốc từ Pắc-cseng so (1), bây giờ thì thân Mỹ, hắn có cái quyền ngầm lớn hơn tôi nhiều lắm !

Tà Phầu, tên xã phó kiêm đồn trưởng Păngrum cứ nghênh ngang vênh váo, hắn là gốc Khmer có chút máu Hoa trong người, tuy da còn đen đậm, đầu tóc quăn dợn nhưng vành mắt đã hết thâm quầng và đôi mi đã xếch thành một mí cuốn tròn hình bán nguyệt. Tướng tá Tà Phầu roi cao, lưng gù, môi chì, vốn là con của một nhà khá giả ở xã Ô Lâm này. Tà Phầu vẫn hí hửng đi qua mặt các sư sãi, hắn giương súng cạc-bin bắn đôi chim sáo đây trên cây cổ thụ trước mặt. Đạn bay xéo ngay đầu mọi người.

Thngôn, chồng của Sagar mang súng cạc-bin xuôi sau lưng, tác

phía Kim So, vội chạy đến bên vợ. Trước hết anh phủ phục làm lễ lục cả Chanhom cùng các vị sư. Những người lính Khmer cũng bước đến bên Thngôn, đồng làm lễ cùng hô :

- Kính Đại đức cùng các sư được phước !

Sagar đưa tay vẫy chồng :

- Thngôn, vào đây !

Thngôn chạy về phía vợ cùng các vị sư sãi và con sóc. Một số người lính Khmer cũng theo anh, nhập bọn với bà con. Không làm lễ các sư sãi, một số lính ngụy người Kinh mang súng chéo mang sườn, lảng đi nơi khác.

Lục cả Chanhom lại tiếp tục hỏi Kim So :

- Các người không còn biết gì đến phong tục của dân tộc Khmer nữa sao? Gây đổ máu trong ngày Chôl Chanam là làm náo động đến Phật nhiều lắm lắm !

Kim So còn ấp úng chưa kịp trả lời, Tà Phầu xốc lời nghênh mặt đốp chát lại với lục cả Chanhom :

- Lợi dụng ngày vô năm mới, tụ tập ... làm Việt Cộng ? Bắn ...

Rồi Tà Phầu có ý khiêu khích, nâng súng bắn chéo qua đầu lục cả cùng các vị sư, đạn găm lốp đốp vào những thân cổ thụ.

Sagar thấy vật giận quá, chị bước tới Tà Phầu, trỏ ngón tay vào mặt hắn, hỏi :

- Người Khmer không biết tôn kính Phật thì đúng là một con quỷ Thmup(1) rồi ! Ông xã phó dù có mất gốc cũng đừng nên chà đạp lên phong tục của con sóc.

Tà Phầu chồm tới trừng mắt lườm Sagar, nhưng thấy Thngôn tay lăm lăm khẩu súng cạc-bin, đứng bên vợ, hắn chựng lại rồi bỏ đi. Và bất chấp không khí căng thẳng. Tà Phầu cất tiếng hát nghêu ngao qua một bài dân ca cổ Khmer :

- “Anh cùng em bơi thuyền

   Vô đồng bưng hái sen

   Bùn lầy mà vẫn thơm

   Em và hoa đẹp lắm ! ...(2)”

 Kim So thấy Tà Phầu vô lễ quá chịu hết nổi, hắn quát theo :

- Chray-mê ! Cái thằng mất dạy ! Chắp tay xá, mở miệng chào có mất cái gì đâu ? Tà Phầu, mày làm chính trị mà ngu hơn con bò đực Nandin của thần Civa nữa. - Kim So quay qua xá lục cả Chanhom - Tụi lính người Kinh không biết phong tục của dân tộc đàng mình, để tôi chịu hết cho, - Rồi hắn khoát tay bảo lính - Chở hết bốn người bị thương lên nhà thương quận Tri Tôn!

Bọn lính ngụy xáp vô chỗ bà con đang vây quanh những người bị thương, chúng giành giật với con sóc. Thngôn ghé vào tai vợ thì thầm điều gì ... Sagar lại thì thào vào trưởng ban quản trị Hội đồng kỷ luật sư sãi Thạch Nhum, ông này tiến đến sinh hoạt lại cho lục cả Chanhom cùng các vị sư ... Sagar quay trở lại phía sau, chị đi theo hướng Tà Phầu vừa mới qua.

Đến chổ gốc cổ thụ, Sagar trông thấy Tà Phầu đang chạm mặt với Rati. Tựa một con gà nhỏ nhìn vào con diều hâu. Rati đứng nép sau bụi cây với nét mặt vô cùng hoang mang. Tà Phầu sắn đến, quệt nòng súng cạc-bin vào lưng Rati, hắn ngửa cổ cười ngất :

- Gần hai năm mới gặp lại, cô mình chạy đường trời cũng không khỏi nắng.

Rati đưa tay che mặt, kêu rú :

- Ôi, thần Têvôđa ! Cứu con ...

Rati lùi dần. Tà Phầu tiến theo. Chị Sagar cùng Suman thấy vật bước tới cản lại. Hai người đứng chắn ngang mặt Tà Phầu. Nhìn thấy ánh mắt Suman rực lửa, Tà Phầu chựng lại, đưa nắm đấm lên. Cổ cườm tay của Tà Phầu có đeo chiếc lắc bằng kim loại mạ kền sáng óng ánh, nằm bên ngoài sợi dây Kàtha bằng chỉ ngũ sắc có xâu mười viên chì. Tà Phầu cười gằn :

- Suman ! Tao sẽ lấy cạn lửa trong ánh mắt của mày !

Nói xong, Tà Phầu quay mình bỏ đi, Suman cùng Sagar nhìn nhau, họ đưa mắt cho nhau vào chổ tấm lắc mạ kền đeo chung với sợ Kàtha ở cổ cườm tay phải của Phầu. Bỗng phía dưới chân đồi có tiếng người huyên náo và tất cả đang xạo xự kéo đi, Suman, Sagar cùng Rati phải vội vã chạy theo.

Tiếng ông Thạch Nhum hô lớn :

- Phải trị tội những tên phá chùa, làm đổ máu con sóc trong ngày lễ Chôl Chanam !

Con sóc cùng hô theo :

- Đòi bồi thường thương tật cho con sóc vô cớ bị quân đội Quốc gia bắn giết !

  


 

1 - Tức là chùa Prah Àng cách thị xã Trà Vinh 4 cây số, người Kinh phiên âm trại ra thành “Bà Om”. Tương truyền rằng vào năm 1849, tiểu vương Patu-ma-Vongs độc tài, bắt con gái phải đi cưới con trai. Có một tiểu thơ bất bình, thách ai làm việc hơn thì giới kia phải đi cưới. Bà Prah Àng, chỉ huy phái nữ đào ao kinh với phái nam. Giao ước đến sao mai mọc thì ao phải xong. Nửa đêm bà cho đốt đèn treo cao lên. Các anh thấy ngỡ là sao mai mọc, đi nghỉ. Sáng ra xem lại mới biết mắc mưu bà.

2 - Ngày lễ vào năm mới của dân tộc Khmer Nam bộ.

1 - Vị thần giúp đỡ người tốt, cứu nguy kẻ khó.

1 - Trưởng Ban quản trị Hội đồng kỷ luật sư sãi

 

1 - Một giống chằn tinh

2 - Loại quỷ phá phách

3 - Súng M79

4 - Bùa vẽ trên khăn và trong áo lót

5 - Dây niệt bằng chỉ ngũ sắc có xâu những mảnh chì khắc chữ bùa.

6 - Suối đá

 

1 - Đảng “Khăn trắng” phản động, thịnh hành từ năm 1960 -1963.

 

1 - Một loại quỷ sống, ăn đồ dơ dáy, hay thư ếm người lành.

2 - Dân ca Khmer, theo điệu “Bơi thuyền hái sen”.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương : 1   2    3   
Anh Động
Số lần đọc: 3161
Ngày đăng: 24.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)