Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
717
123.241.089
 
Tiếng trống Sampô
Anh Động
Chương 3

 

 

Tại trụ sở Hội đồng hương chính xã Ô Lâm. Bà Shim chờ lúc vắng người ở phòng khách liền xốc tới cạnh xã trường Kim So đang ngồi ở bàn giữa, thộp ngực hắn, thét lên :

- Ông Kim So ! Tôi thì không cần gì nữa, nhưng ông không còn chút trách nhiệm gì đối với thằng nhỏ hay sao !

Ánh mắt của bà Shim như rực lửa chiếu thẳng vào mặt xã trưởng Kim So. Bị một người đàn bà thuộc tầng lớp hạ đẳng tấn công bất ngờ, Kim So cũng sững sờ nhìn lại bà Shim. Qua ánh mắt chập chờn của hắn vì giận dữ, Kim So trông thấy gương mặt quen quen của bà Shim từ thời trẻ gái. Các chuyện không mấy tốt đẹp hơn hai mươi năm trước hiện về ...

Một người con gái Khmer đứng trước mặt hắn, trước mặt một cậu con trai của người chủ hiệu buôn lớn nhất ở thị trấn Tri Tôn. Anh ta có thân hình vạm vỡ, nhưng hơn lùn, ngồi dựa ngửa trên một chiếc ghế bành. Tiếng cô gái Khmer ở đợ khúc kích, van nài :

- Ông chủ không có ở nhà, cậu lớn làm ơn cho tôi mượn ít tiền, mê tôi đang bịnh sắp ngộp hơi rồi.

Cậu chủ quay mặt ngó ngang chỗ khác, không thèm nhìn vào cô gái đứng dựa mé vách nhìn mình bằng cặp mắt chờ đợi khẩn thiết. Hắn nói lầu bầu trong miệng :

- Mạng của mê mày có quý bằng trăm bạc của âu tao đâu !

- Nhưng không có tiền thì mê tôi sẽ không còn ! Cậu chủ làm ơn, tôi sẽ ...

Cô gái Khmer cứ khóc sụt sùi. Cậu chủ liếc qua thân hình thon thả, có bộ ngực nở nang của cô gái, đôi mắt trắng lờ đờ của cậu ta rực lên những tia dục vọng dâm đãng, màu trắng từ từ đục lừ lại. Cậu chủ gật gù :

- Được ! Vô buồng lấy tiền cho.

Cô gái vừa theo cậu chủ bước khuất vào cửa, cánh cửa buồng được khép kín lại tức thì ...

Một lúc sau, cô gái trở ra một mình, đầu tóc rối bù, áo xống xốc xếch, vừa đi vừa khóc tức tưởi, tay cô cầm một nắm tiền và một chiếc khâu đeo tay bằng răng voi ...

Xã Trưởng Kim So càng rối loạn hơn khi thấy bà Shim đưa tận mặt hắn chiếc khâu răng voi có chạm hai chữ mẫu tự Pali đúng tên mình Kim So thở hồng hộc, đẩy bà Shim lại sát vách, cho ngồi xuống chiếc ghế dài. Hắn gầm lên tựa một con cọp bị thương :

- Tôi hứa, tôi sẽ có trách nhiệm với nó ... Nhưng cấm bà, cái miệng của bà phải câm như miệng con dọp ! Nếu hé ra, bà sẽ rũ xương !

Bà Shim ngồi im. Một số lính dân vệ lãng vãng đi qua, có Suman đã mặc áo lính đang tới lui trong tốp ấp.

Thấy có mẹ mình đến, Suman dừng lại trước mặt Kim So, đĩnh đạc trình bày :

- Lời nói của con người chắc hơn chiếc ngà voi. Bây giờ tôi là lính của xã trưởng, tôi yêu cầu xã trưởng giúp chuyện hỏi vợ ở nhà Chau Ri, ông nói đẳng cấp xã hội chênh lệch, không giúp được. Tấm lòng tôi cùng Rati thương nhau lớn bằng cái núi Cô Tô rồi, dừng không được nữa. Theo phong tục cổ truyền của Phật, hai đứa tôi sẽ dắt nhau tới chùa nhờ lục cả làm lễ “chon-đay”(1) với nhau, có mê tôi đây, có chị Sagar, chị một mẹ khác cha với Rati đây, xã trưởng hứa ngày mai cho tôi nghỉ phép mà lên chùa đi !

Chị Sagar vừa bước vôi tới cũng xen vào !

- Cái lưỡi nhà Tà Phầu với ông Chau Ri không có xương, nó chỉ uốn theo đồng tiền với quyền lực. Kẻ yếu là chúng tôi, bởi nghèo không có đồng tiền giúp sức. Ngày mai chúng tôi sẽ dắt em Rati với Suman lên chùa Sóc Pạ nhờ lục cả Chanhom làm lễ “cột tay” cho chúng nó đính hôn nhau. Người ta có tiền, có chức thì họ dựa vào tiền, vào chức. Chúng tôi không có gì hết phải dựa vào uy đức người có đạo Phật, dựa vào phong tục cổ truyền của dân tộc Khmer mình. Lẽ nào ông xã trưởng không bênh vực chúng tôi !

Bà Shim lại tiếp thêm, giọng nói có ngầm ý kêu gọi trách nhiệm của Kim So phải tham gia và ủng hộ việc này :

- Suman đã làm lính cho ông, tôi cho nó làm con nuôi của ông, ông phải giúp nó lôi Rati khỏi cái miệng Tà Phầu. Rati còn ở nhà Chau Ri ngày nào thì như gởi trứng cho ác ngày ấy, số phận của nó như hũ mắm treo đầu giàn đòng đưa lắt lẻo, xã trưởng ơi ! Không biết ngày nào đứt dây, hũ bể, mắm thúi rùm nhà.

Kim So cười khà khà với mọi người :

- Người già hay liều mạng, con nít hay đòi hỏi. Các người yên tâm ! Tôi còn đòng máu Khmer trong người.

Có một chiếc xe zip chạy về đậu lại trước cửa đồn, Kim So bước ra xem. Thngôn cùng Danh Tuối từ trên xe nhảy xuống, đi vào trao cho Kim So một phong thư, Thngôn bảo :

- Ngài quận trưởng gởi cho ông

***

Nhà mẹ sóc Chau Ri, một ngôi nhà nền đúc, vách tường mới tinh khôi, phía trước rộng rãi, nền lót gạch bông Nhực bản bóng loáng, bày la liệt nào là di-văng chân quỳ mặt bằng gỗ su, sa-lông mặt kiếng, tủ thờ cẩn ốc xà cừ, tủ áo mặt mô có chạm hạt chuỗi ... phần nửa ngôi nhà về sau là hai căn phòng ngủ. Sau ngôi nhà lớn, kế tiếp theo mái giọt là một ngôi nhà nhỏ hơn nối dài. Ngôi nhà dưới này Chau Ri làm nhà kho, để cày, bừa, trục và tất cả nông cụ của một cơ ngơi gia đình khá giả. Còn một phần nhỏ, được quây ván thành một phòng chắc chắn, cửa có khóa cài, đó là gian phòng dành riêng cho Rati. Trước đây, phòng này Chau Ri dành cho đứa con ghẻ ngổ nghịch của lão là Sagar. Từ ngày Sagar bỏ nhà đi theo Thngôn thì phòng bỏ trống một lúc. Đến khi nhà lão hay được chuyện Rati dan díu với Suman thì Chau Ri tống cô xuống đây, đêm đêm cái khóa lại kỹ càng tựa giữ một tên tù cấm cố.

Hôm bay lão Chau Ri không có khóa phòng nhốt Rati bên trong, vì trước nhà lão có nhiều khách đến bàn việc chung thân đại sự của con gái mình. Người bên nhà Tà Xíu đến tính việc cưới Rati cho Tà Phầu. Thời buổi chiến tranh khói lửa này bên Tà Xíu nên gộp những thủ tục rườm rà cổ xưa lại thành một lễ “Chul thngay-ka” mà thôi (1). Thấy bên đàng trai bỏ qua lễ “sua đòn đàng” và lễ “Tâu đòn đàng”(2), ban đầu Chau Ri có ý hơi phật lòng, nhưng lão bị nhà Tà Xíu ngầm cảnh cáo một lời :

- Thời buổi chiến tranh này cái gì cũng do quân sự đi đầu, quân sự nó có khả năng làm đám cưới mà khỏi phải lễ lộc gì, cũng chẳng khó.

Chau Ri là một con người nhạy bén thời cuộc, lão bảo với bà Sôpha vui vẻ nhận lời ngay. Khách đàng trai gồm có một ông mai để trình bày chuyện mối lái, một lão cư sĩ gọi là Maha, người có tài năng ăn nói, giảng thuyết giáo lý, khuyên dạy luât lệ hôn nhân, lão chủ hôn Tà Xíu - cha của chàng rể tương lai trong nhà gái, cùng Tà Phầu.

Sau khi lời qua tiếng lại, đôi bên đi đến thống nhất coi như kể từ giờ này hai nhà là suôi gia với nhau. Lão Tà Xíu với thân hình gầy gò, đầu tóc hoa râm, nước da trắng nhợt do mang nặng dòng mau Hoa kiều, đứng lên bưng chiếc mâm bặng trĩu trình ra trước mặt hai học. Chau Ri cùng bà Sôpha cũng đứng lên, bước tới nhìn vào chiếc mâm. Mọi người xúm lại. Lão cư sĩ thò tay dỡ tấm vải đỏ đậy trùm trên chiếc mâm ra. Kế tiếp lão mai giong bóc ra từng món đồ, dở nắp đưa lên trình trước hai học. Những món đồ nữ trang lần lượt được thông qua : Một đôi bông tai, một sợi dây chuyền, một đôi vòng, một tấm lắc tất cả bằng vàng “hăm bốn” rực sáng óng ánh. Nhìn vào những món đồ nữ trang quý giá của đàng trai làm lễ, đôi mắt của lão Chau Ri cũng rực sáng một cách toại ý. Kế phần bên dưới mâm là một cái mùng và một cặp gối mới tinh khôi, đôi mặt gối thêu hoa hòe, màu sắc sặc sỡ.

Bây giờ lão Chau Ri mới chợt nhớ đến con gái, tạo sao chẳng thấy bóng nó vãng lai tới để xem lễ lộc của đàng trai. Lão bèn bảo người nhà đi tìm Rati. Người nhà bảo lại là Rati đã đi đâu từ sớm đến giờ, cửa phòng được khóa trái, phía ngoài. Nghe tin báo, cả cuộc tiệc ở nhà toáng hoáng lên, kẻ chạy đầu này, người đi đầu nọ tìm kiếm tở mở. Tìm suốt mấy tiếng đồng hồ, không ai gặp Rati đâu cả, kẻ phán đoán thế này, người bàn luận thế kia ... Riêng Tà Phầu thì khẳng định dứt khoát một câu :

- Chúng ta hãy kéo nhau lên chùa Sóc Pạ là gặp. Phen này tôi phải dùng tới lực lượng quân sự tham gia vào giải quyết việc hôn nhân của tôi.

Trong chùa Sóc Pạ. Nơi chánh điện, lục cả Chanhom ngồi quay mặt ra. Bà Shim ngồi một bên, chị Sagar ngồi một bên, Suman và Rati ngồi chính giữa. Rati ngời phía tay trái của Suman, cô mặc áo dài màu vàng, thứ áo giống áo mưa, không có gài nút và không thắt lưng dùng riêng mỗi khi làm đám cưới mới mặc. Suman ngồi xếp chè he phía tay mặt của Rati. Lục cả Chanhom cùng năm sáu vị sư sãi ngồi đối mặt với mọi người, tất cả cũng đều ngồi xếp chè he, hai tay chấp trước ngực. Suman mặc một chiếc áo trắng dài tay, vận xà-rông màu hung đỏ cho đúng tục lệ. Các vị sư cầm quạt che mặt đọc kinh cầu phước. Trong lức các vị sư đọc kinh, mọi người đều nhìn ra chửa chùa sẽ tìm thấy ánh sáng mặt trời, họ cho rằng từ ánh sáng ấy sẽ soi thấu vào tấm lòng chân thành của cặp vợ chồng ăn ở với nhau sau này. Nhưng bấy giờ trời sắp tối, có lẽ mặt trời lặn khuất đâu về phía bên kia biên giới. Không thấy ánh mặt trời, họ trông nghe được tiếng chim bay qua, đó cũng là một niềm vui bù đắp cho cuộc đời chung sống của cặp vợ chồng sau này. Suman cùng với Rati cứ ngoảng mặt về hướng đông mà chơ đợi, nghe ngóng. Tiếng chim sáo ngoài những tán cổ thụ trước sân chùa cắt tiếng hót líu lo, lòng Rati và Suman cũng rộn rã theo, vì họ đinh ninh có tiếng chim chào đón vào giờ phút thiêng liêng này đã thay thế được cho ánh sáng của mặt trời.

Sau hồi kinh, tất cả đồng xá các sư sãi. Bà Shim cất tiếng :

- Tôi là một mụ già nghèo, một con sóc ngoan đạo, nhờ phép Phật kết cuộc đời con trai của tôi tên Suman vào cuộc đời cô gái này.

Nói xong, bà cầm tay Suman để lên tay Rati. Chị Sagar cũng xá với các sư sãi và nói :

- Xin Phật cột linh hồn em gái tôi tên Rati với cậu trai này cho hai đứa dính nhau suốt đời.

Lục cả Chanhom chắp tay nói :

- Thay mặt Phật, tôi cho phép hai con sóc được đính hôn với nhau.

Lục cả bảo một vị Acha cầm những sợi chỉ trắng, đọc bùa chú lầm thầm và bôi dầu dừa cùng dầu thơm vào đó, rồi giao cho bà Shim một đôi chỉ, dài độ hơn gang tay. Bà Shim cột một sợi vào cổ cườm tay trái của Suman. Trong lúc ấy, Rati chờ cột chỉ xong cô sẽ chắp tay lạy Suman ba lạy rồi nâng tay anh lê bằng hai tay của mình cho cao lên tới trán. Khi chị Sagar lấy sợi chỉ từ tay bà Shim trao, cột vào cổ cườm tay mặt cho Rati, Suman cầm bằng bàn tay phải của mình mà nâng tay Rati lên cũng cao đến trán. Xong xuôi đâu đó, tất cả cùng làm lễ các vị sư sãi, họ bày ra trước mặt mọi người một số lễ vật theo phong tục cổ truyền trong ngày lễ này gồm một mâm  : năm chục lá trầu, năm chục trái cau, năm bánh thuốt hút, một xị rượu, một chiếc vòng bạc, ba chén cốm dẹp, một lưỡi rìu, hai cắc bạc, tám đồng bạc giấy. Tất cả ngồi trở lại vị trí cũ. Lục cả Chanhom bắt đầu đọc những điều răn dạy đôi trai gái theo sự tích này Visakha. Giọng nói của Lục cả hơi khàn, trầm trầm :

- Điều thứ nhất “lửa ở ngoài đừng đem vào trong” nghĩa là đừng bao giờ đem những lời người ta nói xấu hoặc chỉ trích cha mẹ chồng mà thuật lại cho cha mẹ chồng nghe.

- Điều thứ hai là “Phải gìn giữ lửa cháy cẩn thận” nghĩa là không nên nải chí trong việc chăm sóc, quạt nồng ấm lạnh cho cha mẹ chồng; vì cha mẹ chồng và chồng ví như lửa, nếu không gìn giữ cẩn thận thì bị phỏng tay.

- Điều thứ ba là “Lửa ở trong đừng đem ra ngoài”, nghĩa là đường bao giờ thuật cho cha mẹ mình nghe những lời chê bai, chỉ trích của cha mẹ chồng đối với cha mẹ mình mà gây nên sinh sự cãi vã, mích lòng suôi gia ...

Và cứ như thế, lục cả Chanhom đọc đủ mười điều răn cùng một chuyện cổ tích về tấm gương làm dâu của nàng Visakha. Ngoài trời đã tối mịt. Lục cả Chanhom cho giải tán cuộc Chonđay. Như thế coi như cuộc đính hôn của Suman cùng Rati đã danh chánh ngôn thuận đủ lễ phép theo Phật giáo.

Lúc những người trong chùa chuẩn bị ra về, thì ngoài sân, sau những lùm cây, lão Chau Ri mặc áo xà-xẩu đến cùng Tà Phầu với mấy tên lính dân vệ đồn Păngrum đứng rình lấp ló, Tà Phầu nép gần lão Chau Ri xầm xí chuyện gì bí mật với nhau ...

Đám người làm lễ Chonđay vừa ra khỏi chùa liền bị bọn lính dân vệ đồn Panggrum có Tà Phầu dẫn đầu, ào ra chĩa súng vào họ.

Tà Phầu quát :

- Các người tu tập làm Việt Cộng phải không ?

Suman cùng Rati tiến lên đưa cườm tay cho Tà Phầu xem.

- Chúng tôi đã nhờ lục cả làm lễ Chonđay rồi đây !

Lão Chau Ri phục phịch chạy tới, nhai trầu nhỏm nhoảm, lão giãy nảy lên :

- Lục cả không thể làm ngang như vậy được mời lục cả ra đây !

Lục cả Chanhom cùng một số sư sãi từ trong chùa bước ra. Chau Ri chồm tới giận dữ, tay lão ôm một chiếc gối đưa ra trước mặt các vị sư :

- Nhà tôi đã nhận gối đính hôn của nhà Tà Phầu rồi, lục cả có quyền hạn gì mà chen vô gả bán con gái của tôi ?

Lão xốc tới nắm tay Rati lôi đi, và bứt bỏ hai sợi chỉ trắng cột ở cườm tay cô. Rati thét lên thảm thiết tựa người ta vừa bứt đi nắm ruột của mình :

- Lục cả ơi, cứu con với !

Lục cả Chanhom bước tới chắn ngang mặt lão Chau Ri, khuyên giải :

- Một tín đồ ngoan đạo, một con sóc có vai vế với xã hội mà không tôn trọng phong tục cổ truyền của dân tộc Khmer mình như vậy, không tốt đâu !

Lão Chau Ri phun nước miếng, thét lớn :

- Những người làm tầm bậy !

Rồi lão không nói không rằng, hầm hầm vẫy tay gọi một tên lính dân vệ đến cùng lão, lôi Rati đi.

Bà Shim với chị Sagar kêu vang :

- Xin lục cả can thiệp cho chúng con nhờ !

Lục cả Chanhom bước theo Chau Ri, định phân trần thêm. Tà Phầu xốc tới đưa nòng súng vào ngực lục cả, chặn ông lại. Bốn mắt trừng trừng nhìn nhau. Ánh mắt lục cả Chanhom rực sáng tựa một đạo hào quanh từ thiện soi vào tận tâm địa loài quỷ Asura làm Tà Phầu cụp mặt, tiu nghỉu bỏ đi. Lục cả bảo thẳng thùng với bọn họ :

- Tôi đến xã trưởng, không xong thì lên quận trưởng để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, quyền duy trì truyền thống dân tộc trên miền Nam này.

Đằng kìa, Tà Phầu cười sặc sụa trong đêm. Hắn ra hiệu cho lão Chau Ri dẫn Rati đi.

Suman chạy theo lão Chau Ri, gọi lớn :

- Các người không được quyền bắt Rati !

Hai tên lính dân vệ chong mũi súng vào ngực Suman, cản lại. Tà Phầu bước tới nhìn xồng xộc vào mặt Suman.

Suman cũng nhìn xoáy lại mặt hắn. Tà Phầu ngừ nghè :

- Mày là thằng lính trơn, đừng hòng giữ được người yêu !

Tà Phầu phum nước miếng vào mặt Suman rồi bỏ đi, Suman đừng chết trân, thở hồng hộc, nghiến răng trèo trẹo. Anh vung nắm đấm, thét lớn :

- Tao sẽ vào binh chủng lính dù, vào lính dù !

Tà Phầu nắm tay Rati lôi đi. Một tên lính dân vệ theo lệnh Tà Phầu, cầm đuốc lá dừa dốt cháy bùng ngọn, đi sau, thỉnh thoảng châm lửa vào Rati. Bị lửa đốt nóng, Rati buộc phải chạy tới, chạy tới. Chị Sagar cùng bà Shim đuổi theo lão Chau Ri, Sagar kêu lớn :

- Ông Chau Ri ! Ông là mẹ sóc, ông quên hết phong tục của người Khmer rồi ! Ông nỡ làm việc vô đạo như vầy sao ? Ông đừng bắt trái cây chín trước khi già !

Chau Ri quay bộ mặt râu ria xồm xoàm lại, gầm gừ :

- Để rồi nó rụng khỏi tay tao như mày à ?

Sagar uất ức cực độ, thét :

- Rati là con ruột của ông, ông cũng muốn làm chuyện khốn nạn với nó như đối với tôi nữa sao ?

Chau Ri xốc tới giáp mặt với Sagar. Lão đưa cây đuốc lá dừa lên, mặt lão soi qua ánh lửa chập chờn. Hai khuôn mặt của Chau Ri với Sagar chập chờn qua ánh lửa. Một hình ảnh cách đây không lâu hiện lại...

Cũng ở căn phòng vách ván có khóa cài lại nhà sau, chỗ Rati bây giờ, Sagar đầu tóc rối tung lồng lộn tựa một người điên, hai tay chị đập vào cửa ầm ầm :

- Thằng cha già súc sanh ! Nếu mày quyết cưỡng bức, tao sẽ đập đầu chết tại đây cho mà xem !

Bà Sôpha cái tên biểu tượng cho bông sen(1) nhưng bây giờ hương sắc của bà đã tàn rồi. Bà ngồi khóc rấm rức ở phòng nhà trên. Cái cuộc đời, thiếu phụ “gái một con” của bà đã bị lão Chau Ri chiếm đoạt mười mấy năm nay, cùng với cái sự sản kếch xù của cha mẹ để lại cũng bị lão ta tước đoạt hết rồi! Giờ bà chỉ còn một đứa con gái riêng, lão cũng muốn chiếm đoạt cho kỳ được. Số phận của bà tựa một chiếc nấm mọc trên đống phân của lão, bà rất khổ tâm trước cảnh trái ngang này, nhưng biết chống chế làm sao được ? Tất cả quyền hành, tất cả của cải đều nằm trong tay Chau Ri. Lão khống chế, lão hăm dọa, nếu lão không được thỏa mãn với Sagar thì hai mẹ con bà không sống được trên đời này!

Nhưng đã đến lúc cực kỳ khổ nhục này, bà không thể chịu đựng nổi nữa ! Bà Sôpha chạy ra mở tung then cài, qùy xuống giữa cửa lại lão Chau Ri tựa tế sao :

- Tôi van ông ! Ông ơi, tôi van ông ! Dù cứng như đá, nước nhểu từng giọt miết cũng phải mòn. Bữa nay tôi xin ông gác lại, để cho tôi nói dần dần rồi nó cũng sẽ nghe. Hàm hồ làm chi gấp tươm tướp vậy, thiên hạ nghe được họ cười chê.

Chắc có lẽ Chau Ri nghe lọt lỗ tai đôi chút, lão ném roi, ngồi lên giường thở dốc, nhưng vẫn còn gầm gừ :

- Nó mà sẩy khỏi tay tôi thì bà khó sống !

Sagar thấy cánh cửa phòng được mở tung, cô tuôn chạy ra và vọt thẳng xuống chuồng bò, chổ đang có một người con trai, người ở đợ tên Thngôn suốt đêm trằn trọc vì cảnh khổ của cô ...

 

***

Suman móc túi đặt trước mặt Kim So một tờ giấy :

- Ông ký đi !

Kim So cầm tờ giấy đưa trước đèn, vạch ra xem xong, hắn nhíu mày vò nát và ném bỏ. Ngọn đèn ống khói trên mặt bàn lóe ngọn lên rồi phụt tắt. Suman bước tới đánh diêm đốt đèn lại, nhưng tay anh rung lẩy bẩy không làm sao khơi cho đèn cháy lại được Kim So thấy vậy đến giúp. Khi đèn cháy sáng lên, Kim So nhìn chầm vào mặt Suman :

- Mày xin ra lính dù để chi ?

Suman ấm ức :

- Để được trên cơ thằng Tà Phầu.

- Nhưng ở đây thì sao !

- Lão Chau Ri coi phép Phật không ra chi, thằng Tà Phầu vẫn nghênh ngang giỡn mặt tới xã trưởng ...

Kim So cắt ngang câu nói của Suman :

- Tao đủ sức giúp mày lên ngang cơ với Tà Phầu, rồi mày có đủ sức mạnh để giữ con Rati.

- Rati đang bị lão Chau Ri với Tà Phầu dồn đẩy cùng cực đằng ấy, ông có cách giải tỏa nó ra, tôi mới tin lời ông.

Kim So ngửa cổ cười :

- Tao cho phép mày đi lại đằng ấy cứu Rati, nhưng phải làm bằng mưu kế, tuyệt đối không đụng chạm, đánh đá nhau. Có được không!

Suman suy nghĩ một hồi rồi gật đầu :

- Nếu chuyện dài dài về sau được ông binh vực, tôi sẽ làm ngay chuyện trước mắt này.

Suman liền gởi súng lại đồn, ra đi tay không. Anh vừa bước ra, Kim So kêu lại bảo :

- Tao đủ sức ra lệnh giải tỏa cho Rati ngay, mày có tin không ? Nhưng đằng này muốn thử bộ óc mày bao lớn, từ đó tao sẽ phát huy thêm sức mạnh cho nó. Vì con người có óc lớn mới làm việc lớn được.

Đứng lại một mình trong phòng. Kim So nhìn theo bóng Suman lẫn khuất dưới ánh trăng mờ về phía nhà của Chau Ri mà hắn thấy thương cho thằng nhỏ. Dù sao thằng nhỏ cũng ... Nhớ đến cái lễ cột tay đính hôn cổ lỗ mà Suman đã làm vừa qua trên chùa Sóc Pạ làm Kim So nực cười. Thời buổi này cứ bo bo theo cái hủ tục nhà chùa ấy thì không bị họng súng nhà binh nó lấn lướt sao được ? Càng nghĩ  Kim So càng buồn cười cho sự ngây thơ của Suman, bất thần hắn bật lên giọng hát nho nhỏ. Hắn hát bài “Bai khon Chođay” - một dân ca Khmer  - vô tình trêu “Lễ cột tay thay ngày cưới” của Suman. Bài ca với giọng hát hài hước, dí dỏm :

  “Hai người chưa biết yêu

   Mà mẹ cha bắt lấy

  Đôi tình duyên nhỏ xíu

  Như chim cuốc ngoài đồng

  Suốt ngày chạy nhong nhong

  Ra đầm bưng uống nước

  Lại chạy đi mổ hạt

  Tìm bông cỏ, bông lau ...”

Kim So vừa hát vừa nhìn theo bóng Suman đi mất dạng hắn mới thôi.

Còn Suman đi đến nhà Chau Ri, anh đứng nấp sau mái hiên chuồng bò gần đó, nhìn qua gian buồng vách ván ở nhà dưới, chổ nhốt Rati. Anh thấy trong phòng có ánh đèn cháy sáng và nghe tiếng người nói chuyện rầm rì. Thế là tạm yên tâm. Như vậy Rati chưa có chuyện gì nguy kịch xảy ra ! Nghĩ vậy, Suman cứ đứng chờ xem.

Trong phòng, Rati đầu tóc rối bời, cô ngồi tó ró sát một góc giường, mặt mày lấm lét nhìn Tà Phầu với Chau Ri đang ngồi trước mặt. Có lúc Rati khóc ngất lên vì cảm thấy một cái gì ghê gớm sắp xảy đến với mình, chạnh tủi cho mình bất lực ...

Chau Ri với Tà Phầu ngồi đấu mặt nhau. Mặt mày Tà Phầu đỏ gừ vì đang cơn say rượu, đôi mắt một mí của hắn càng trắng dờ trông rất dễ sợ. Chau Ri với tay lấy một chiếc gối nằm trên giường giao cho Tà Phầu, lão ta bảo :

- Tôi cứ để nó ở đây với xã phó, ông muốn làm gì thì tùy ý.

Tà Phầu đứng lên, đưa hai tay dỡ lấy chiếc gối từ tay Chau Ri, hắn gật gù cười khoái trá. Chau Ri mở cửa phòng bước ra, lão không quên đóng trái cửa lại.

Sau khi Chau Ri ra rồi, Tà Phầu cặp nách chiếc gối, đi từng bước xiêu veo đến bên Rati, giọng hắn lè nhè :

- Lại đây !

Vẫn thấy Rati ngồi nhìn mình như nhìn một con quái vật, Tà Phầu ném chiếc gối lên giường, nhích gần lại Rati :

- Đúng ra “giao gối” rồi ba bữa sau mới được ngủ chung, nhưng thôi, thời đại phản lực này, ai đớp trước thì được trước, lần chần là nói bay vèo mất đi. - Hắn nín lại, nhìn xồng xộc vào Rati một hồi. Ánh mắt hắn long lên tựa mắt mèo nhìn vào chuột lắt - Tôi không dại để cho thằng Suman nó phỏng tay trên. - Hắn cười sặc sụa - Nó có phong tục của nhà Phật, tôi có sức mạnh của nhà binh, xem ai thắng ai ?

Rati thất kinh, vụt bật dậy, chạy đứng sát vào vách. Tà Phầu tiến theo, quơ hốt, càu nhàu :

- Em biết điều đi ! Tránh không khỏi đâu.

Rati lùi dần qua hướng khác, kêu lớn :

- Ông ra khỏi đây ! Tôi không phải ...

Tà Phầu nhặt chiếc gối, đưa cho Rati :

- Đã là vợ của anh rồi, ông già giao gối đây, còn gì nữa ?

Rati cứ lẩn tránh. Tà Phầu cứ đuổi bắt. Hắn thở phì phò và cứ đuổi bắt. Một lúc thấy không kham, hắn giận, ném chiếc gối vào Rati và nhảy bổ lại làm ẩu. Rati chộp được một đoạn thanh giường, quật vào Tà Phầu một cái khá mạnh làm hắn phải lùi ra, xoa chỗ đau và hít hà, nhăn nhó, Rati thét lên như ra lệnh :

- Không ! Ông coi chừng !

Suman đứng nấp ngoài chuồng bò, anh lắng nghe tới đây, trong bụng nôn nao không thể chịu nổi, cứ nhắp nhỏm nhìn vào gian buồng. Tiếng động bên trong phòng lại im, Suman rón rén bước đến bên ngoài, nhóng cẳng nhìn vô theo khe cửa. Tà Phầu ngồi ở góc giường bên này, Rati đứng ở góc phòng đằng kia, tay cô còn lườm lườm thế thủ, không rời khúc gỗ. Bỗng Suman nghe tiếng cửa mở ở nhà trên. Anh ngoảnh nhìn lại. Lão Chau Ri đang xuống nhà sau để tiếp tay cho con quỷ Zaka này uy hiếp nàng công chúa đây ? Suman nghĩ thầm, anh lách mình chui vào khu vực kho chứa vật dụng nhà bếp.

Lão Chau Ri tay cầm một cây roi tre lớn bằng ngón tay út, mở cửa phòng bước vô. Lão hầm hầm sấn tới quất roi túi bụi vào Rati và thét.

- Mày bỏ cây ra ! Cho mày cả gan !

Những lằn roi quất bổ xuống người làm toàn thân Rati giật nhỏm lên, cô buông rơi thanh gỗ tự bao giờ. Tóc Rati rũ xuống rã rượi, nước mắt tuôn ròng ròng, nhưng cô đứng mín chặt đôi môi, nghiến răng vào nhau trèo trẹo mà không khóc.

Càng đánh Chau Ri càng đổ ngây, lão vừa quất vừa hậm hự :

- Cho mày cả gan, nè !

Quất một chút lão lại hậm hự :

- Mày có ưng không ?

Rati thét lại :

- Âu có ưng nó thì ngủ với nó đi ! Tôi nhất định ...

            - Mày là Kônnkrót(1) nhà tao, tao bảo chết mày cũng phải nghe.   

            Rati bậm môi uất ức :

- Âu lên chùa Sóc Pạ bảo lục cả Chanhom rút phép Chonđay lại đi !

Lão Chau Ri càng lồng lộn lên :

- Thằng cha già trọc đó không dễ, mọi việc nơi mày ...

Cây roi trên tay của lão Chau Ri lại quất bổ vào người Rati.

Nãy giờ Suman đã nghĩ ra được một kế, anh mò vào đống vật dụng nhà bếp, lấy ra một chai dầu lửa, vớ nút giẻ vắt trên vách, đổ dầu ngấm vào rồi xách chạy ra chuồng bò, Suman xé nùi giẻ làm đôi, quấn vào đuôi con bò mộng trong chuồng, anh bật hộp quẹt châm lửa đốt. Hai con bò mộng bị lửa cháy bùng lên ở đuôi, nóng quá, lồng lộn, đụng đâu cứ báng bổ vào đó. Hơn mười con bò trong chuồng vô tội bị húc lung tung, chúng hè nhau chạy cẫng, tông cổng rầm rầm. Cả chuồng bò nhào nhào tựa dậy giặc. Hai con bò mộng bị lửa cháy đuôi, mỗi lức một kêu rống dữ dội và húc đổ bất kể vào tất cả những gì phía trước nó. Tiếng bò rống vang dậy, tiếng báng bổ nhau thảm thiết ! Cánh cổng chuồng bò bị hai con bò mộng phá tung. Cả chuồng bò chạy loạn ra ngoài. Riêng hai con bò bị cháy cạnh đuôi, rống lên như điên, chạy xộc vào nhà trên, kên đầu húc vào vách ầm, bất kể đó là nơi nào.

Suman chạy thoát ra ngoài, nấp mình vào một lùm cây kín đáo.

Cả nhà Chau Ri nhốn nháo không rõ chuyện gì, ùa nhau chạy đổ xô ra chuồng bò. Tà Phầu cũng hoang mang cực độ, bỏ Rati trong phòng mà chạy ra theo Chau Ri. Thừa lúc chộn rộn, Rati thoát ra cửa, chạy băng ra lộ, hướng về phía đồn Cái xã Ô Lâm. Rati đã thoát ra được rồi Suman cả mừng, anh tức tốc đuổi theo.

Đang chạy trối chết, Rati ngoái nhìn phía sau, cô chợt thấy có một bóng người đàn ông đang đuổi theo sát mình. Rati ngỡ người kia là Tà Phầu, cô càng cắm đầu chạy miết. Phần sức gái có hạn, không thể vượt thoát được người đuổi phía sau, phần đang cơn hoang mang rội độ. Rati bối dối, đôi chân lóng cóng. Qua một dốc đá chỗ đưồng quanh, cô vấp chân ngã soài xuống một cái hố bên đường. Mặc dù bị té đau đớn đến tê dại, nhưng vì quá hoảng sợ nên Rati quên tất cả, cô bướn dậy quơ lấy một viên đá cuội cầm tay để làm vũ khí tự vệ. Rati đã thấy người đàn ông đuổi theo mình đứng ngay trên mép miệng hố, anh ta nhìn sững rồi cúi xuống toan nắm cô lôi lên. Bằng tất cả lòng căm ghét tên Tà Phầu. Rati vung thẳng cánh tay ném hòn đá vào đầu hắn. Một tiếng “cạch” nghe trầm và đục. Người bị đánh cũng kêu theo một tiếng “ối” rồi từ từ ngã quẹo bên cạnh Rati, thều thào được mấy tiếng :

- Sao Rati đánh anh !

Nghe tiếng kêu rất quen thuộc, Rati hốt hoảng vội đỡ xốc ngời bị đánh dậy. Nhìn sát vào mặt người đang ngất lịm trên vòng tay mình qua ánh trăng lờ mờ, Rati thét lên thất thanh :

- Trời ! Suman ...



1 - Lễ cột chỉ vào tay cho trai gái đính hôn nhau.

1 - Lễ xuống mối chắc chắn, nhà trao giao lễ vật và quyết định ngày cưới.

2 - Lễ “mai mối” và lễ “đám nói”.

1 - Bông sen, tiếng Khmer gọi Sôpha

1 - Loại quỷ Thiên lính lệ thuộc hoàn toàn vào lệnh chủ.



 

 

 

 

 

Chương : 1    2    3  
Anh Động
Số lần đọc: 1609
Ngày đăng: 24.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)