Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.149.413
 
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH
Trần Kiêm Ðoàn
Chương 1

(Trích phần đầu của Chương 14

trong truyện dài TU BỤI sắp xuất bản).

 

            Thời kỳ quốc tang và hiếu tang vua Gia Long đã mãn. Kinh đô vương triều bắt đầu trở lại nếp phồn hoa cũ. Phẩm phục đại triều lóng lánh châu sa; áo kép, áo đơn lượt là thêu thùa hoa gấm.  Những bộ quần áo kiểu cách tân thời và đồ trang sức quý giá tung hô khoe sắc bắt đầu xuất hiện trở lại như để bù cho những tháng ngày cuộn mình nằm im trong rương, trong tủ.

 

            Không khí ca xướng rộn ràng.  Ca hò, hát dạo, tuồng cổ hồi sinh và phát triển như những cơn nắng mới reo ca sau mùa mưa âm u.  Thể lọai sân khấu trình diễn phổ biến và được ưa chuộng nhất là hát bội.  Sự lôi cuốn và hấp dẫn của hát bội mạnh đến độ làm cho người ta lo sợ:

            Trồng trầu trồng lộn dây tiêu,

            Con theo hát bội mẹ liều con hư!

            Quanh mỗi gánh hát trình diễn thường mọc thêm phiên chợ đêm. Các gánh hàng quà vặt như bún, cháo, chè, bánh trái... tranh nhau mua bán bên ngoài trong khi đoàn hát chuẩn bị và trình diễn bên trong. Tiếng trống dạo, trống chầu giục giã đánh thức nếp sống trầm lặng thường ngày.  Mùi nem nướng, thức ăn bốc lên mời gọi.  Già trẻ, lớn bé mê hát quên ăn, quên ngủ.

 

            Những gánh hát bội đến từ nhiều miền khác nhau. Nhưng nổi bật nhất vẫn là các đoàn hát bội Bình Định và hát bội Huế.  Các gánh hát bội Bình Định thường rất xuất sắc trong những tuồng cổ như Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Châu Liệt Quốc.  Các gánh hát Huế lại nổi tiếng với những tuồng xưa được các ông hoàng bà chúa sọan lại một cách ướt át và hợp thời hợp cảnh hơn như Tuyết Hồng Lệ Sử, Kim Bình Mai, Lầu Trai Hương Phấn...

 

            Khán giả thuộc tuồng không thua gì nghệ sĩ.  Họ nhớ nằm lòng từng câu nói, từng cử chỉ, từng sự cố trong cuộc đời của Tiết Đinh San, Hoàng Phủ Thiếu Hoa, Tạ Ôn Đình, Thoại Ba Công Chúa...

 

            Đặc biệt là những màn phụ diễn nhạc võ Tây Sơn của các đoàn hát Bình Định với những dàn trống mang tên 12 con giáp.  Những nghệ sĩ nhạc võ Tây Sơn không bao giờ dám động đến hai tiếng "Tây Sơn" trong kinh đô nhà Nguyễn mà gọi là "Nhạc Võ Hùng Vương".  Những diễn viên đạt đến bậc thượng thặng, siêu thặng thì khi biểu diễn đến độ xuất thần, đánh trống không cần roi trống mà chỉ dùng hai tay.  Với ngón tay, bàn tay, nắm tay, cùi chỏ... khi lướt, khi phi, nhảy múa trên 12 cái trống, nghệ sĩ có thể diễn đạt nỗi lòng và tình huống qua âm vang của tiếng trống.  Đôi tay tài nghệ của diễn viên khi yêu kiều lã lướt nhẹ nhàng, khi dồn dập gấp rút, khi hùng tráng đĩnh đạc... có thể "nói" lên được dòng đời qua tiếng trống.  Những nghệ sĩ thượng thừa Bình Định  đã tạo ra một loại nhạc pháp "Cổ bề thanh động Tràng Thành nguyệt" -- Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt -- vượt khỏi tầm kinh điển gọi là "Song Thủ Đả Thập Nhị Cổ" (hai tay đánh mười hai cái trống).  Có những nghệ sĩ thượng thừa còn đặt thêm 5 cái trống khác ở phía sau: Một cái ngang đầu để ngả ngữa húc vào; hai cái bên hông để thúc cùi chỏ vào và hai cái đặt vừa tầm gót chân để đá hậu vào. Với dàn "nhạc cổ" (mà cũng là cổ nhạc) 17 cái trống này, những màn nhạc võ Tây Sơn kết hợp với các màn trình diễn tuồng tích hát bội đã đưa hát bội Bình Định lên đỉnh cao nghệ thuật trình diễn sân khấu đương thời tại kinh đô.  Các vùng thôn ấp xa kinh đô cũng thi nhau rước những đoàn hát dạo về trình diễn. Rộn ràng nhất là thời điểm lễ hội đầu năm và sau vụ gặt Đông Xuân.

 

            Chiều chiều, từ trên đỉnh đồi khuôn viên dinh ông Hoàng, Trí Hải có thể nghe tiếng trống dạo dập dồn của các gánh hát theo gió Nồm bay đến.  Một quá khứ ngỡ như đã khép lại hiện về.

            Một thời, Trí Hải và Ấm Thuyên cùng các vương tôn công tử của kinh thành đã từng rước các bầu gánh hát chân truyền về tập luyện nhạc võ Tây Sơn. Vốn là một tâm hồn tài tử nhạy cảm và đam mê nghệ thuật, Trí Hải đến với hát bội Bình Định vừa như là một nhà soạn tuồng tài hoa nức tiếng, vừa là một vị Mạnh Thường Quân hào phóng không ai bì kịp.  Với kiến thức uyên bác về tuồng tích và tài đánh trống uốn lượn như múa kiếm của phái nhạc võ Tây Sơn, Trí Hải được diễn viên cũng như khán giả ca ngợi, ngưỡng mộ phong là Ông Hoàng Cầm Chầu Hát Bội. Tiếng trống chầu của Trí Hải không chỉ đơn giản là hiệu lịnh âm thanh thưởng phạt mà còn là phương tiện diễn đạt.

 

            Nghệ thuật dân gian Việt Nam đặt nặng cái trí và cái cảm ngang nhau. Khán giả thưởng thức nghệ thuật có phong cách để khen chê không phải là khối quần chúng đến xem mà phải là người vừa có tâm hồn nhạy cảm với nghệ thuật.  Đấy là người cầm chầu, một nhân vật vừa có tri thức hiểu rõ nghệ thuật và vừa có vị thế xứng đáng để tỏ lời khen chê đúng mức công minh và đúng điệu nghệ thuật. 

 

            Người cầm chầu hát bội là kẻ đại diện cho khán giả để nói lên sự thưởng phạt các diễn viên trên sân khấu qua tiếng trống chầu.  Trống chầu là một thứ trống lớn được đặt trên giá ba chân. Đối với những gánh hát nhỏ, diễn viên đơn sơ, trình diễn nơi những vùng quê xa xôi thì thường chỉ có một trống chầu và một người cầm chầu.  Gánh hát qui mô hơn và diễn những tuồng lớn tại các tụ điểm quan trọng thì có hai trống chầu đặt phía trước, hai bên tả hữu sân khấu và có hai vị cầm chầu.  Gặp những màn trình diễn đại sân khấu trong một khung cảnh hoành tráng với sự tham dự của các nhân vật quan trọng thì có thêm một trống chầu đặt ở giữa, ngay trước sân khấu gọi là "chầu bổ".  Chầu bổ thường chỉ dành cho các vị có chức phận danh tiếng.  Nhân vật cầm chầu bổ không điểm trống sôi nổi và dồn dập như như hai trống chầu tả hữu mà chỉ vung tay điểm trống khi thấy cần phải nhấn mạnh những điểm nổi bật trong một câu hát tuyệt hay, một sự diễn đạt tài tình, điệu nghệ của diễn viên.  Hoặc là điểm trống để bổ khuyết cho hai trống chầu tả hữu chưa thưởng phạt đúng mức.

 

            Tiếng trống chầu của Trí Hải nức tiếng kinh thành với ngón chầu điểm xuyết thích đáng, tài hoa, bay bướm và phảng phất nét phóng khoáng, lãng tử.

 

            Trí Hải điểm chầu theo quy cách thông thường là nếu sau một hơi hát hay thì được thưởng một tiếng "thùng", đánh ngay giữa vòng trăng tròn của mặt trống.  Nếu hay hơn nữa thì được thưởng hai tiếng gọi là "chầu đôi", nếu tuyệt vời xuất sắc thì được thưởng ba tiếng trống gọi là "chầu ba".  Nếu gặp khúc hát hay tuyệt luân trong không khí tưng bừng và hào hứng thì điểm nhiều tiếng liền tay.  Cũng là chầu một, chầu đôi, chầu ba, chầu liên, nhưng tiếng trống điểm của Trí Hải nặng nhẹ gần như hòa điệu với hơi thở của diễn viên và vực sân khấu dậy bằng muôn trùng cảm xúc. Họa hoằn lắm người ta mới nghe một tiếng "tan" đánh lên bìa mật trống để cảnh cáo một câu hát diễn sai quy cách như hát dọc, hát gãy, hát đâm hơi... hay diễn một điệu bộ lạc dòng, không đúng làn hơi, thanh sắc.  Nghiêm khắc hơn là tiếng "cắc" gõ vào thành trống để cảnh cáo diễn viên về một sai lầm lớn hơn trong diễn xuất.

 

            Một tiếng trống chầu của Trí Hải là một cung nhạc cao thấp, yếu mạnh, nhanh chậm... diễn đạt hết tinh hoa và thần khí của nghệ sĩ trình diễn.  Trí Hải nổi tiếng là cẩn trọng và tiết kiệm tiếng trống.  Nhưng khi tiếng trống đã diểm ra rồi thì vang lên với một độ bền và độ sâu đầy ấn tượng cuốn hút vào cõi mênh mông vô biên.

 

            Sự nghiêm khắc trong vai trò cầm chầu và kỹ thuật điểm trống điêu luyện của Trí Hải thường góp phần nâng cao nghệ thuật trình diễn của diễn viên và làm nức lòng khán giả.  Với tay chầu tuyệt hảo đến độ xuất thần, tiếng trống chầu của Trí Hải thường gắn bó hài hòa với nghệ sĩ trình diễn.  Tiếng trống vang lên sau câu hát vừa tròn trịa, vừa vững chãi làm giá đỡ cho làn hơi và câu hát của đào kép một cách nhịp nhàng và chí thiết.

 

            Ngày sân khấu kinh thành tưng bừng khai mở lại, cũng là lúc Trí Hải muốn yên thân để sống đời lặng lẽ.  Bên cạnh thầy Tiều, Phạm Xảo và Tâm An, Trí Hải vừa có cảm giác bình an như đã thật sự được sống mai danh ẩn tích.  Nhưng vẫn có những đêm ra đứng ngắm trời, cái cảm giác cô độc vì bị đời bỏ quên lại lấm tấm trong suy tư.  Trí Hải tự cảm nhận rằng, mình không có duyên tu đạo nhưng có thiện ý tu đời.  Tu đời là tu bụi. Ngày ngày rủ bớt những lớp bụi ham muốn, bỏ bớt những tham vọng cao xa, quét bớt những phiền muộn quanh mình.  Trong vùng an lạc trước mắt, Trí Hải vẫn không tìm ra một điểm dừng làm điểm tưa cho đời mình.  Trí Hải linh cảm một điều gì đó khó hiểu như số phận vẫn không buông tha mình, vẫn chực chờ đâu đó...

 

(Xin đón xem phần tiếp theo: Đêm cầm chầu sôi động và cuốn hút nhất của nhân vật Trí Hải...)

Chương : 1  
Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3055
Ngày đăng: 19.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)