Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.163.270
 
Tương Tác
Triệu Từ Truyền
Chương 2

Con đường rậm rạp cây lá, mọc lên quán cà-phê rất thích hợp cho những người yêu nhau đến tâm sự. Những chiếc bàn được kê dưới những tán lá rộng. Thanh và Tịnh đến ngồi ở một bàn quen thuộc. Trời oi bức. Không một làn gió nhẹ. Dù sao, không khí ở đây cũng còn dễ chịu hơn so với các đường phố nằm sâu trong nội thành. Thanh hỏi Tịnh :

 

- Anh định nghỉ phép vào lúc nào ?

- Nếu không có gì trở ngại thì mình sẽ nghỉ vào tuần sau .

 

Tịnh gọi cà-phê và nước chanh. Trời nóng, uống cà-phê đá là hợp lý, nhưng cơ thể của Tịnh không thích hợp với độ ẩm. Tịnh luôn luôn uống những thức không nước đá. Hai người im lặng rất lâu. Hình như vì muốn nói nhiều điều buồn hơn điều vui, nên không biết mở đầu như thế nào.

 

Tịnh chợt nghĩ đến ba má  Thanh đã lớn tuổi :

 

- Ba má có khoẻ không, em ? Lúc này trời nóng rồi lạnh, hoán chuyển nhau đột ngột dễ làm cho cơ thể kém sức đề kháng.

- Ba má dự định đi Vũng Tàu. Má thường hay bị nhức mỏi… À, hay là, nếu nghỉ phép được, mình sẽ cùng đi Vũng Tàu với ba má ?

 

Từ hai chiếc loa phát ra một giọng nữ, bản nhạc Qu' est sera sera. Giọng hát dù không hay như ca sĩ Dalida, cũng lan dần vào tâm hồn mỗi người nỗi xúc động, bồi hồi kỷ niệm xa xưa. Tịnh mở lời :

 

- Thái độ ở nhà gần đây với em ra sao ?

- Ba nói rằng em chọn lựa con đường gai góc nhất.

- Em có thấy biết bao cuộc hôn nhân với vẻ bên ngoài hoàn hảo, nhưng có đến tám, chín mươi phần trăm họ là địa ngục của nhau ?

Anh chưa tin lắm vào số mạng nhưng hình như sự gặp gỡ giữa những tâm hồn đồng điệu đều phải trải qua nhiều thử thách, thậm chí rất nghiệt ngã.

- Bạn cùng tuổi với em gần như đứa nào cũng đổ vỡ gia đình mặc dù, khi mới đám cưới, ai cũng nghĩ đó là những cuộc tình tuyệt vời.

 

Trời sụp tối. Những cơn mưa nhẹ làm xôn xao cành lá. Mọi sinh vật cảm thấy sắp tan rã. Những đám mây đang đè nặng mặt đất.

 

Ở thành phố này, có những cơn mưa hắt xuống với lượng nước dữ dội, lại có những cơn mưa không quá vội vàng. Cơn mưa nào đến chậm thì rất lâu mới dứt. Ngược lại, mưa bạo phát sẽ bạo tàn.

 

Thanh nhìn cơn mưa đang rỉ rả :

 

- Mưa này kéo dài. Về khuya quá, má sẽ trông.

Tịnh cầm tay Thanh :

- Mỗi lần gặp em, anh không muốn mình chia tay. Thanh biết không ?… Bây giờ, dù đã trung niên, anh vẫn có những cảm giác hồi hộp, bồn chồn như thuở dưới tuổi hai mươi. Nhưng sự bồn chồn thuở ấy là của tâm trạng mơ hồ, một thứ yêu đơn phương… Còn bây giờ cùng với cường độ xúc động ấy, lại hiện ra mối tình cụ thể, vì anh có em. Điều này nói ra, mọi người sẽ khó hiểu : đây mới thật sự là tình đầu của anh.

 

Ngoài trời mưa nặng hạt. Những giọt nước không nằm yên trên lá. Tàn cây không đủ che mưa. Mọi người phải lên thềm nhà, tìm những chiếc bàn dưới mái hiên.

Buổi truyền hình rùm beng vừa chấm dứt chương trình. Cơn mưa đã nhỏ hạt nhưng vẫn kéo dai dẳng. Chỉ còn khoảng cách của hai cột đèn đường là đến nhà Thanh. Tịnh tăng ga, chiếc Honda tấp vào lề bên dưới tàn cây. Thanh cũng đạp xe theo hướng của Tịnh. Thanh thắng xe lại, tay phải tựa trên vai của Tịnh :

 

- Em về, chúc anh ngủ ngon. Mình sẽ gặp lại như đã hẹn.

Tịnh choàng tay qua vai của Thanh, hôn nhanh lên má Thanh, khẽ nói :

- Em về ngủ ngon, anh gửi lời thăm ba má.

Nhìn Thanh bước khuất vào cổng và nghe cả tiếng cửa đóng lại, Tịnh mới vòng xe quay về.

 

 

Trằn trọc qua nửa đêm vẫn chưa ngủ, Thanh hình dung trở lại các cảm xúc, những ưu tư kể từ ngày gặp Tịnh. Thanh muốn xác định có phải tình yêu đã hình thành xuất phát từ bản thân mình ? Hay những yếu tố bên ngoài nào đã cuốn hút tâm trí của Thanh, tạo ra sự ngộ nhận tình yêu với Tịnh ? Rõ ràng không chỉ những biểu hiện về tình cảm mà cả lý trí đều minh chứng cho mối tình có thật. Nhưng Thanh hiểu tình yêu cũng là một dạng thẩm mỹ. Người ta có thể rút ra nhiều yếu tố từ một vật thể đẹp. Cái gì đây ? Trò chơi của sức mạnh vô hình hay chỉ là vô thức của con người ? Thao thức mãi chợt Thanh phát hiện ra khoảng cách : "Tịnh ra đời sớm chịu nhiều gian khổ, có những thành tích, hiện nay là một người trẻ so với địa vị xã hội… Còn mình, chỉ là một cô bé trong chăn ấm nệm êm, học hành chưa tới đích, chỉ mới lao vào xã hội sau ngày giải phóng. Phải chăng mình bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của thời thế toả ra từ con người của Tịnh ? Không, mình tin chắc rằng mình yêu Tịnh vì muốn giải thoát nỗi cô đơn : Nỗi cô đơn của chính mình và cũng của chính Tịnh…"

 

Thanh bắt đầu nghe tiếng nổ của động cơ các loại xe chuẩn bị cho một ngày làm việc. Thanh định trở dậy viết thư cho Tịnh, lại muốn ngủ một chút để được tươi tỉnh hơn. Thanh nhắm nghiền mắt lại và cố hô hấp cho thật đều. Thanh chợt cảm thấy bồn chồn. Việc gì sắp xảy ra trong hai ngày tới ? Hai ngày dài đằng đẵng mới được gặp Tịnh.

 

 

Tịnh bước vào quán cà-phê. Tịnh kéo chiếc ghế mây hướng ra phía đường, bên ngoài nhìn vào dễ thấy. Những giọt mưa sót lại chưa chịu dứt hẳn. Dòng người về nhà sau ngày làm việc, ai cũng muốn chạy xe nhanh hơn. Nhưng tốc độ của phương tiện không thể nào sử dụng trên mức trung bình, bởi sự cản trở lẫn nhau của đám đông. Xe đạp ngáng cản xe gắn máy, xe phân khối thấp cản trở xe phân khối cao, xe hai bánh choán đường xe bốn bánh. Chiều lên lấn áp chiều xuống, chiều ngược đe doạ chiều xuôi. Tất cả đều chậm, dù có thể nhanh hơn. Tịnh thoáng nghĩ cuộc sống bao giờ cũng hỗn độn như vậy sao ?

 

Tịnh nhìn đồng hồ, đã mười tám phút trôi qua, vừa ngẩng lên, Tịnh nhìn thấy Thanh đang cho xe qua đường. Tịnh bước ra dựng xe cho Thanh.

 

- Em mắc mưa ?

- Không, em ra khỏi nhà trời đã dứt mưa, nhưng đi trễ vì nhiều việc nhà.

 

Thanh nhìn tách cà-phê trên mặt bàn ghép bằng những cọng mây, chiếc bàn đặt ngoài cùng. Thanh đi thẳng vào.

 

- Mình vào ngồi trong này, anh.

Quán đang vắng khách. Một ca khúc của Trịnh Công Sơn : "Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau"…

- Bài hát này em rất thích, rất tiếc là không phải giọng của Khánh Ly.

- Ở nhà có chuyện gì vậy, em ?

- Có một ông kỹ sư cầu đường đến "coi mắt" em.

 

Hai người im lặng. Tịnh nén tiếng thở dài :

 

- Ba má đã đồng ý cho anh cưới em rồi mà ?… Thực ra, nếu anh biết có một người đàn ông nào yêu em thật tình như anh thì anh sẵn sàng rút lui. Tất nhiên, lý lẽ này có thể làm cho em buồn.

 

- Nhưng trong tình yêu phải biết hy sinh cho nhau. Em có dám cùng anh đi đến một vùng hẻo lánh, xa xôi nào đó ? Bỏ tất cả để cùng sống với nhau ?

 

Muốn nắm chặt tay Thanh để vơi bớt nỗi băn khoăn, nhưng Tịnh né tránh vì chưa biết tâm trạng của Thanh ra sao. Những lần gặp gỡ trước, sau một lúc nói chuyện, Thanh thường đưa những ngón tay ve vuốt trên cổ tay của Tịnh, biểu hiện những giây phút thoải mái, hài lòng khi ngồi bên nhau.

 

Với ánh mắt nhìn vào khoảng không của Tịnh, Thanh biết Tịnh đang hoang mang, Thanh nói :

 

- Chuyện "coi mắt " này, em đã nói trước với anh rồi. Có gì mà anh lại buồn…

 

Không để Thanh nói dứt câu, Tịnh gay gắt :

- Có gì mà buồn, nhưng gia đình em bày ra việc ấy là không đúng.

- Thì có người đến là phải tiếp, bằng lòng hay không là do em quyết định… Nhưng cũng tại anh, anh chưa giải quyết việc gì đến nơi đến chốn.

Tịnh bị khơi dậy nỗi dằn vặt.

- Mọi việc, như em biết, do nhiều kẻ xấu gây trở ngại. Nhiều lúc anh có cảm giác mình không tiếp tục chịu đựng nổi nữa. Cuộc sống ngoài xã hội không như trong chiến tranh. Trong chiến tranh, cuộc sống có những đường ranh dứt khoát phân chia ta - địch, tốt - xấu, yêu - ghét… thật rạch ròi. Và toàn cảnh nổi rõ lên thật giản dị. Dễ hiểu. Dễ thấy. Rời bỏ môi trường ấy, ai cũng ngỡ rằng hạnh phúc êm ấm chào đón mình.

 

Mối quan hệ giữa con người với con người sẽ thật ngay thẳng và thật đậm đà tình người. Hơn nữa, những người có ít nhiều đóng góp trong chiến đấu có lẽ còn được sự ưu ái của mọi người. Nhưng ngược lại, rời môi trường chiến tranh trở về sinh hoạt xã hội, anh cảm thấy bị hụt hẫng hoàn toàn. Như bị rơi vào một mạng nhện của những ràng buộc. Và mạng nhện ấy lại giăng trong sương mờ. Bề ngoài anh có vẻ dày dạn, hiểu biết, đối phó hết mọi việc, ngỡ hành động hiệu quả như hành động trong chiến tranh. Nhưng càng ngày anh càng tự thấy lộ rõ sự non nớt, thơ ngây, thậm chí nhẹ dạ trong xử sự thường ngày… anh không hiểu cuộc đời còn lại của mình có chút ý nghĩa gì không.

Tiếng ồn của xe và tiếng nhạc làm cho Thanh không nghe rõ được hết, nhưng Thanh bị lay động tận đáy lòng, Thanh cảm nhận được hết nỗi cô đơn của Tịnh trong bối cảnh hỗn độn hiện nay. Dù rất tự kiềm chế, nước mắt của Thanh trào ra trong chuỗi ý nghĩ không nói được thành câu chữ. Thấy vậy, Tịnh hết sức bối rối, không nhớ mình đã nói gì khiến Thanh khóc, Tịnh nắm chặt tay Thanh :

 

- Anh xin lỗi, em đừng khóc.

 

Tịnh đưa chiếc khăn tay cho Thanh. Nước mắt của Thanh lại trào ra :

 

- Em đâu có buồn gì anh, chỉ thấy chuyện của mình sao đầy rắc rối.

 

Chiều xuống, bóng tối tràn đến nhanh, Tịnh nhìn đồng hồ thầm nghĩ : "Mới sáu giờ chiều mà những tia nắng cuối cùng đã tắt ngấm" Thanh xoa xoa trên cổ tay Tịnh :

 

- Anh đừng buồn nữa. Em kể chuyện sáng nay…, anh có muốn nghe không ?

 

Tịnh không quan tâm đến người kỹ sư đã "coi mắt" Thanh. Tịnh băn khoăn nhiều nhất là hình ảnh những người đàn ông yêu Thanh trước đây. Tịnh hiểu rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, khó có nhân vật nào tranh giành chỗ đứng của Tịnh trong tâm hồn Thanh. Tình yêu độc lập với mọi hình ảnh, nhưng tình yêu cũng bắt nguồn từ những ý niệm xã hội khác: cuộc sống vật chất, thói quen sinh hoạt, quan điểm thẩm mỹ. Thế mà bây giờ những ý niệm ấy xuống cấp rất nhiều, không thuận lợi cho những người yêu nhau. Tịnh âu lo. Có thể trong một bất chợt Thanh thấy rằng người yêu của mình thiếu phong nhã, thiếu cộng hưởng với ngoại cảnh làm cho tình yêu thăng hoa. Tịnh đặt tay lên vai Thanh, cố nói bằng giọng vui :

 

- Anh cũng muốn nghe, để xem mình có bắn nhanh hơn đối thủ như trong phim "Bắn chậm thì chết' hay không.

 

Thanh mỉm cười :

 

- Em đâu có biết mặt mũi ông kỹ sư ấy ra sao, nên làm sao biết khả năng bắn nhanh hay chậm… Chiều hôm qua, em vừa đi làm về, má cho biết sáng nay có người đến "coi mắt". Em dứt khoát không gặp. Ba thuyết phục em rất lâu. Khuya đi ngủ, em rất nhớ anh nên cứ thao thức đến sáng. Sáng ra sau khi giặt giũ, em lên gác cầm chỗi quét váng nhện đến xế trưa. Ai kêu, em cũng không xuống. Bị ba rầy, nên em đến gặp anh trễ giờ.

Tịnh ngẫm nghĩ một lúc :

 

- Em có thái độ dứt khoát như vậy là đúng. Anh cám ơn em đã tiếp thêm sức để anh vượt qua những cản ngại trên đường xây dựng hạnh phúc của chúng mình… À, em có nhớ không, anh đã nói tháng này là tháng anh gặp chuyện không may.

 

Buổi tối bầu trời đen kịt. Thanh và Tịnh hôn chia tay nhau trong không khí ẩm ướt của cơn mưa dông dữ dội đe doạ sắp đến.

 

Sáng nay, cuộc nói chuyện giữa Bạc và Tịnh dù lời lẽ không gay gắt nhưng cũng làm cho khoảng cách giữa hai người càng thêm xa hơn. Không nói rõ lý do, Bạc cứ phán quyết Tịnh không được cưới Thanh, dù anh đã được toà cho ly dị vợ. Nếu trái lại, Tịnh phải chịu kỷ luật và cánh cửa tương lai và quyền lực sẽ khép chặt. Cần gì tìm ra lý do, đầu óc người đời có thể vạch ra vô số lý do để đả kích hay để bênh vực. Có gì lạ đâu, cách động não thô sơ ấy. Cho đến bây giờ, Tịnh thấy mình vẫn nỗ lực vươn lên theo những nguyên tắc lý tưởng đã chọn từ thời trẻ. Niềm tin vào lý tưởng là ý nghĩa của cuộc sống hay chính lý tưởng tạo ra niềm tin để cuộc sống có ý nghĩa ? Càng cố gắng xử lý mọi việc theo những nguyên lý, kết qủa của nó lại không như mong muốn, mà thực tế càng lúc càng khốn đốn thêm. Tịnh bị ám ảnh : "Phải chăng lý trí của con người là vỏ bọc của bản năng ? Chính vì vậy mà biết bao nhiêu học thuyết, biết bao ước mơ của những nhà tư tưởng và đạo đức bị phá sản ?"

 

Tịnh nhớ lại lần mình suýt bị chết đuối, lúc lên bảy. Sắp bị chìm sâu bỗng tự thấy đang bơi và bám vào một cái cây như sắp sửa được bước lên bờ. Thực ra, ngược lại với ảo giác đó, Tịnh lại càng bị trôi ra xa giữa dòng sông. Nếu như không được vớt lên, Tịnh đã chết từ hồi ấy. Có hoang tưởng là do bản năng muốn sống, như vậy ý thức của Tịnh lúc đó không phản ánh đúng thực trạng. Từ chứng nghiệm này, Tịnh thấy những ước muốn cao cả trên phạm vị xã hội lại tạo ra những hoang tưởng trong ý thức. Chính vì vậy mà bao nhiêu đạo giáo, bao nhiêu học thuyết vẫn không đáp ứng mục tiêu xóa bỏ nỗi đau của thân phận người ta.

 

Như vậy, phải chăng cái gì hợp lý chưa hẳn đã có thật, cái gì có hệ thống chưa hẳn đã đúng đắn. Tịnh nhớ đến câu nói của một nhà thơ Tây Ban Nha : "Cái thật là cái gì sống. Cái phi lý là thật nếu cái phi lý ấy sống. Định lý là dối trá nếu như định lý ấy chết". Tịnh lại nghĩ đến cuộc sống riêng. Vốn biết mình là một người đa cảm, Tịnh rất giữ gìn để nó không ảnh hưởng đến cách giải quyết công việc trong quan hệ với bạn bè, với người khác phái. Trong lần lập gia đình đầu tiên, Tịnh có ý nguyện : bằng bất cứ giá nào cũng không để xảy ra đổ vỡ. Nhưng mọi diễn biến của cuộc sống không theo định lý được.

 

Làm sao phân biệt luật lệ nào tạo điều kiện để phát triển tự do trong khi hầu hết luật lệ đều biểu hiện bóp nghẹt những điều kiện phát triển của sinh thể. Tịnh biết có những nhà khoa học rất khốn khổ để giành được những mục tiêu chi tiết, giai đoạn ; nhưng trớ trêu,  kết qủa cuối cùng lại phá hỏng toàn bộ phương án thực hiện ban đầu. Do vậy có những nhà khoa học phải chịu một đời thất bại trong giả thiết hoang tưởng của mình.

 

Tịnh đắm chìm trong những suy nghĩ miên man. Phải chăng những tác động vô cùng của vũ trụ đã làm cho sự tính toán ngắn ngủi và nhỏ bé của con người chỉ trở thành trò đùa cỏn con trước sức mạnh của các dạng vật chất…? Phải chăng những tai nạn từ bé đến lớn của chính mình là do sự chi phối vô hình ấy ? Thậm chí, cái gọi là " suy nghĩ độc lập ", ý chí cũng là hệ qủa của vô vàn nguyên nhân trong vũ trụ không cùng mà thôi. Không thể có một máy tính điện tử nào thu thập hết mọi dữ kiện để cho ra đáp số thân phận.

 

 

Lần Tịnh bị bắt đầu tiên vào cái tháng ấy. Ba năm sau ra tù, Tịnh tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi có linh cảm sẽ bị giặc bắt lần nữa và có nhiều dấu hiệu đang bị cảnh sát đặc biệt theo dõi, Tịnh đã rời bỏ địa bàn hoạt động, tạm ẩn mình cho hết cái tháng đó. Thế mà, vì nôn nóng giải quyết một việc quan trọng, Tịnh trở lại địa bàn. Sáng hôm sau, Tịnh bị bắt trên đường đi. Đó là ngày cuối cùng của cái tháng đáng gờm ấy.

 

Sau 1975, trong cuộc bầu cử đầu tiên vào cơ quan lãnh đạo ở địa phương, Tịnh được giới thiệu ra ứng cử. Nhưng những người tự nhận mình xứng đáng hơn đã vận động không bỏ phiếu cho Tịnh. Họ nói Tịnh là thành phần tiểu tư sản. Dù là cuộc bầu cử trong nội bộ của những người lãnh đạo, Tịnh được cấp trên dự kiến cấu tạo nhưng lần ấy Tịnh cũng thất cử thời gian đúng vào cái tháng- bí- ẩn. Không hiểu từ ám ảnh này mà, những năm sau, Tịnh đều gặp những chuyện phiền muộn ? Những hiện tượng không may cứ chồng chất lên làm cho Tịnh phải băn khoăn khi đứng trước ngưỡng cửa của cái tháng- khốn- cùng.

 

Tịnh nghĩ ngày hẹn với Thanh ở Vũng Tàu. " Còn cách nào thoát đâu em !"

 

Chương : 1    2   3   
Triệu Từ Truyền
Số lần đọc: 1505
Ngày đăng: 18.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm