Trong cuộc họp cơ quan cuối tuần, Thanh và Lan rất bất bình về thái độ của ông Sáu, người trưởng phòng vẫn cho rằng mình hoàn thiện nhất.Giọng nói đều như đang giảng kinh thánh, ông Sáu hướng mặt về phía Thanh :
- Đạo đức là trước hết, rồi mới tính đến khả năng. Không nên ỷ lại vào học vấn và nghiệp vụ để tùy tiện trong tác phong, sinh hoạt. Cách mạng là rèn luyện cho con người có lập trường, quan điểm vô sản. Tôi thấy lúc này các cô lại sơn móng tay, móng chân, thoa son, đánh phấn, quần áo sặc sỡ… Như vậy là không thích hợp, vì quần chúng còn nghèo đói. Tôi xin nhắc lại để các đồng chí cảnh giác, chớ không phải phê bình.
Những người có mặt trong cuộc họp đều cố gắng nín cười. Lan và Thanh đưa mắt nhìn nhau. Ông Sáu đang hớp một hớp trà, chậm rãi vấn điếu thuốc rê. Không nhìn, ai cũng biết ông đang mặc cái áo màu xanh lá cây bạc màu, chiếc quần kaki màu dưa cải và hai bàn chân kéo lê đôi dép râu nặng nề. Nhiều người không tin rằng chiếc nón cối của ông Sáu là được ông giữ lại như một kỷ vật trước ngày giải phóng. Bởi một lẽ đơn giản : Ông Sáu là một cán bộ nằm vùng ở nội thành.
Rít một hơi thuốc, ông Sáu từ từ đeo mắt kiếng, cúi nhìn vào sổ tay có màu giấy đen đến nỗi chữ viết bằng mực đen bị chìm mất.
- Thôi, mục phẩm chất đạo đức coi như qua. Bây giờ tới mục nghiệp vụ… Đề nghị đồng chí Lan có ý kiến trước.
Chỉ chờ dịp để nói, Lan không ghìm nổi phản ứng của mình :
- Trước khi nói một số việc trong tuần qua, tôi muốn trở lại vài ý kiến lặt vặt mà đồng chí trưởng phòng vừa giáo dục về đạo đức. Ai cũng công nhận ưu điểm của đồng chí trưởng phòng là ăn mặc đơn sơ, giản dị, có lúc còn lôi thôi… Nhưng, theo tôi, nếu cho rằng ai không làm giống mình là mất lập trường, quan điểm : coi việc mặc cái áo, cái quần, trang điểm là thiếu đạo đức thì thật là quá đáng - nếu không muốn nói là ấu trĩ. Theo tôi, sự nghèo nàn, bệ rạc không phải là cái đáng để đề cao.
Lan còn định nói tiếp nếu như không nhìn thấy ánh mắt của Thanh như khuyên can Lan phải khéo léo hơn. Không để Lan dừng hẳn, ông Sáu nhếch mép cười và nhấn mạnh từng chữ một cách trịch thượng :
- Khiêm tốn !… Khiêm tốn !… Cô Lan nên bình tĩnh. Phải triệt để chống chủ nghĩa cá nhân…
Cuộc họp đã biến thành một màn kịch độc thoại của ông Sáu. Mọi người đã lắng nghe như nghe một nhật lệnh quen thuộc nhàm chán.
Cuối giờ làm việc buổi sáng, đúng hơn là cuối cuộc họp, không ai ăn hết phần cơm còn lại của mình, và cũng không thật sự được nghỉ trưa. Thanh và Lan ra khỏi cơ quan. Thanh nắm tay Lan :
- Hôm nay Lan hơi gắt, nhưng mình nghĩ cũng cần phải nói như vậy.
- Mình cũng nín lâu quá rồi.
- Mình nghe anh Tịnh kể lại : Lúc còn ở chiến khu, ông Sáu còn có một cuốn sổ tay riêng, ghi chép từng lời nói của mọi người, kể cả đồng chí thủ trưởng của mình. Đợi đến lúc có họp kiểm điểm, ông đem sổ tay ra đọc để chứng minh cho những lời phê bình của ông ta.
Lan chờ Thanh trước cơ quan. Khi Thanh vừa đến, Lan khoát tay có ý không cho Thanh đưa xe vào cửa :
- Thanh đưa mình đi đây một chút.
- Lan đi đâu mà vội ?
Lan ngồi lên phía sau xe, vỗ nhẹ vào vai Thanh :
- Cứ đi. Đến chỗ nào ăn sáng được. Mình sẽ báo cho Thanh một tin quan trọng.
Thanh nó đùa :
- Quan trọng có đến chết người không ?
- Có lẽ cũng gần như vậy… Mình không ngờ những người có trọng trách mà lại tầm thường đến như thế.
Thanh và Lan dừng xe trước quán của một người Hoa. Quán đông khách. Ai cũng vội ăn sáng để còn đến nơi làm việc của mình. Ít có kẻ vô công rỗi nghề la cà để nghe chuyện người khác. Lan chọn một góc kín đáo :
- Thanh ăn mì ?
- Rất tiếc, mấy bữa nay mình ăn không tiêu, mình không chiều theo ý thích được.
Lan gọi hai tô hủ tíu và tranh thủ nói ngay :
- Ông Sáu đề nghị với tổ chức chuyển công tác của Thanh đến nơi khác, hoặc là cho nghỉ việc với lý do mà Thanh đã biết.
- Mình cũng linh cảm được điều này.
- Thanh có tính xin chuyển về đâu chưa. Thật ra, nếu không vì một chút lý tưởng thì ai có thể làm việc được trong một cơ quan hành chính sự nghiệp, triền miên một đồng lương chết đói ?
Im lặng một lúc. Lan tiếp :
- Mấy hôm nay, Thanh có gặp anh Tịnh không ?… Nghe đâu anh ấy cũng gặp nhiều chuyện rắc rối. Thật ngao ngán… Những người trung thực, trong sáng đều lần lượt bị nạn tai.
Cùng một ý nghĩ với Lan, Thanh nói :
- Mỗi sinh vật đều có một môi trường thích hợp. Trên một miền đất xấu, không thể trồng hoa được, chỉ còn cỏ dại mà thôi.
- Thanh, tuổi đời của chị nhiều hơn Lan - bằng tuổi cô giáo dạy lớp nhất của mình - lẽ ra chị phải yên bề gia thất trước năm 1975. Sao lại chần chờ như vậy ?… Nhưng thôi Thanh cứ yên tâm,
Lan định giới thiệu Thanh sang làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu do người anh của Lan làm giám đốc.
Thanh thở dài :
- Bây giờ mình cũng chẳng mong muốn gì hơn nữa !
- Ở đây không tiện, cuối giờ làm việc mình sẽ gặp nhau để nói chuyện nhiều hơn.
- Lan định đi đâu ?
- Ở quán cà-phê hôm tổ chức sinh nhật của Thanh, được không ?
- Được… Nhưng Lan có áng chừng là còn bao lâu nữa tổ chức sẽ thông báo cho mình việc ấy ?
Không hiểu do đâu các quán cà-phê thường ghi trên bảng hiệu là cafeteria trong khi nội dung thật sự của từ tiếng Anh này có nghĩa là một tiệm ăn tự phục vụ lấy. Không chỉ bán cà-phê và các thức nước giải khát, nếu chỉ có vậy thì ghi trên bảng hiệu quán cà-phê là quá đủ. "TS" vốn là một vũ trường nhỏ trước đây, bị bỏ hoang nhiều năm, gần đây mới được sửa chữa thành một quán cà-phê có máy lạnh và nhạc sống. Lan và Thanh bước vào khi quán vừa mở cửa. Những người phục vụ còn đang sắp đặt bàn ghế, khởi động máy lạnh và kiểm tra hệ thống ánh sáng, âm thanh. Quán còn vắng lặng, thuận tiện cho cuộc nói chuyện giữa hai người bạn.
Lan kéo ghế cho Thanh ngồi. Chiếc bàn vuông chỉ có một chân giữa giúp cho người ngồi có thể co duỗi đôi chân. Lan ngồi xuống bên Thanh :
- Mình đến sớm quá, có kỳ không ?
- Không sao, ở đây mình rất quen.
Một người phục vụ mặc áo trắng, quần màu xanh lá cây, thắt một chiếc nơ đỏ ra dáng lịch thiệp :
- Thưa, hai cô dùng gì ?
Lan đưa mắt thầm trao đổi với Thanh :
- Anh cho hai ly cà-phê sữa đá.
Hơi lạnh đã lan dần trong phòng, âm thanh của một điệu nhạc lớn dần lên. Thanh lắng nghe :
Hình như là bài " Chiều mưa biên giới" …Anh Tịnh rất thích bài này.
Lan mỉm cười :
- Nhưng bài hát này đâu phải của một nhạc sĩ cách mạng - Lan chờ đợi Thanh giải thích, nhưng Thanh im lặng - Mình cũng rất hiểu anh Tịnh, anh có quan niệm rất nhân văn : Con người đều có một bản thể chung là người, trước khi có thêm một bản chất giai cấp. Vì vậy, nghệ thuật chân chính không có một rào cản nào ngăn chận nó xâm nhập vào mọi tâm hồn không phân biệt xưa, nay, già, trẻ, thống trị hay bị trị.
Thanh nói đùa :
- Bây giờ người ta không cho rằng có con người nói chung đâu, chỉ có con người giai cấp. Ong Sáu mà nghe được sẽ phê bình Lan mất lập trường.
Dù biết Thanh không nói đúng ý nghĩ của mình ; nói ngược lại cho vui, Lan vẫn phản ứng :
- Cũng vì cách lập luận giản lược đó mà làm đảo lộn xã hội. Người chỉ có khả năng thực hiện lại đề bạt làm chỉ huy, người học ngành này lại bố trí làm nghề khác… Đáng buồn cười hơn cả là muốn biến những người đàn ông thành những chàng kỵ sĩ như Donkisốt và biến những người phụ nữ thành đàn ông, với danh nghĩa là đòi bình đẳng ; vì vậy mà ông Sáu mới phê phán sự trang điểm, làm đẹp của người phụ nữ. Từ chỗ uốn nắn theo chiều hướng không bình thường đó, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã dẫn đến một xã hội hoàn toàn ngược lại, có nhiều tên lường gạt, và những người phụ nữ sa đoạ ; điếm đàng nhiều hơn. Rồi đây chúng ta sẽ bị lôi vào những cơn lốc kinh khiếp trên mọi lãnh vực…
- Mình linh cảm rằng mỗi chúng ta đều có khả năng trở thành đồng lõa hoặc nạn nhân của cơn đại dịch tinh thần sắp tới, vì vi trùng đã phát triển đủ để tàn phá cơ thể của xã hội - Thanh cũng sôi nổi không kém Lan - chỉ có điều bi đát nhất là dù ý thức nhận biết về nó nhưng chưa hẳn đủ bản lĩnh để tránh khỏi những tai nạn bất ngờ.
Các bàn trong quán lần lượt có người đến ngồi. Phần lớn là những đôi nam nữ tìm chỗ để tâm tình. Những bản nhạc nước ngoài liên tiếp được phát ra, không thích hợp lắm với lứa tuổi của Thanh và Lan. Những người trẻ ở bàn khác đang chăm chú thưởng thức, nét mặt như hòa nhập vào lời ca nhịp đàn, tiếng trống cuồn cuộn như tiếng thét gào của giông bão. Lan uống một ngụm cà-phê :
- Người anh của tôi đang làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản… Anh ấy là anh chú bác với tôi, trước kia có bằng cử nhân Luật của đại học Luật Sài Gòn, tham gia kháng chiến. Sau giải phóng là cán bộ Công an. Không biết vì mâu thuẫn nội bộ hay do vấn đề lý lịch không được rõ lắm, anh đã chuyển ngành làm như hiện nay. Anh khá tốt, nên tôi sẽ giới thiệu Thanh về công tác ở đó, Thanh nghĩ sao ?
- Lan có thể giới thiệu tôi để tìm hiểu trước về Công ty ấy được không ?
- Cố nhiên, ngày mai Thanh đưa cho tôi một bản lý lịch để tôi trao đổi trước với anh Đăng, Giám đốc Công ty ấy.
Thanh bồn chồn, chỉ hết đêm nay có thể rơi vào một môi trường xa lạ…