Phần I
Tuy đã là một khu phố nội thành, có những ngôi nhà cao ngất ngưởng, trên đầu đội cái nón bằng ngói đỏ hon hỏn như cái nón chóp của thằng bù nhìn giữ chim, có những ngôi biệt thự trầm mặc như những bà già cắm cảu, hết thời, cả giận, có quán cà phê xập xình, có động gái điếm và những tay ma cô hiền lành... nhưng tổ Hai mươi này vẫn được người ta nhắc đến bằng cái tên đã có cách đây hơn một trăm năm: Mả Cùi! Khu Mả Cùi, xóm Mả Cùi! Cái tên mộc mạc, người lạ mới nghe thấy rờn rợn, nhưng nghe riết thành quen, lại còn dễ thương, giống như ta gọi tên ai đó: Thanh Thúy, Cẩm Vân, Châu Giang, Gò Nổi, Bồng Lai...
Có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu xuất xứ cái tên Mả Cùi này. Gần một trăm năm trước, có một viên quan có nhiều chức quyền và bổng lộc của triều đình cũng như dân chúng. Ông quan này một cô gái xinh đẹp, dáng mảnh mai, mái tóc thời trang chấm gót chân. Đặc biệt có nước da trắng hồng, dù có bắt nắng bao nhiêu cũng không hề xám sạm. Khi cô ta tròn mười bảy tuổi thì có một ông thầy vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy pháp bắt ma trừ tà đi qua dinh quan lớn, xin vào yết kiến. Được rồi, ông quan mời ông thầy vào dinh. Qua bấm đốt ngón tay ông thầy phán rằng: trong nhà Ngài có một người mắc bệnh cùi, còn gọi là phong hay hủi.
-Không thể có! Làm sao mày biết?
-Người con gái có đôi má lúc nào cũng ửng đỏ là dấu hiệu của con "sâu cùi" đang ở trỏng. Nó đang ăn…
Ông quan nổi giận, cho là tên thầy lang bịa đặt, sai đem đánh ông thầy kia gần chết rồi quảng ra bờ sông.
Đúng hai năm sau, cô con gái phát bệnh. Khắp thân mình lở loét, mùi hôi thối xông lên không ai chịu nổi. Cô chờ chết, và cha mẹ cô cũng thế, chỉ mong cho cô chết. Nhưng cô lại không chết. Thời bấy giờ người ta đồn rằng: con sâu (vi trùng) cùi nó ở trong cơ thể người sống. Nhưng khi người bệnh chết, không còn máu để cho nó ăn, thì nó "bò ra" xung quanh, lây vào người sống khác. Ông quan tin thế và quyết định đem chôn cô con gái khi cô ta chưa chết. Nghĩa là chôn sống. Cuộc chôn sống được tiến hành vào ban đêm, nhưng sáng ra nhiều người đi làm còn nghe tiếng lục cục của cô gái tội nghiệp đang tìm cách đội mả trở dậy.
Khi biết nơi đây có một cái mả chôn người cùi, không ai dám bén mảng tới gần, vì nghĩ rằng bọn "sâu cùi" vẫn còn đang bò lổm ngổm ở đó. Khu này được gọi bằng cái tên Mả Cùi cho đến nay. Sáu mươi năm sau, không biết bọn "sâu cùi" đã chết hết chưa, nhưng những người dân tứ cố chạy lọan đã đến đây định cư.
Đường vào khu Mả Cùi nghe đâu ngày trước rậm rạp, hoang vắng, toàn lau sậy, một vạt rau muống của cánh người Bắc di cư, chiều chiều nghe tiếng ếch kêu dai dẳng, đêm đêm nghe tiếng la hét oai oái, của người hay của ma, không ai biết. Rồi chiến tranh kết thúc, hòa bình, rồi mở cửa, đổi mới... thành phố bỗng phình ra, có phần vạm vỡ như chàng trai dậy thì phổng phao, cựa quậy, nhưng cũng lại có phần giống như một lão già phù thũng, mưng mủ, nứt toạc áo quần!
Đường vào Mả Cùi lội qua một cái lạch nhỏ, nước đen ngòm, mảnh chai nằm loang loang dưới đó, trộn lẫn với bịch ny lông, bao cao su, vỏ đồ hộp, cả phân người, phân chó... Người đầu tiên bỏ tiền ra mua một khoảnh đất của một tay thương phế binh cụt giò có tên là Tám Kiệu sống lưu vong trong khu Mả Cùi, là ông Xích Hồng, một quan chức của Bộ ngoại thương. Ông Xích Hồng nhìn xa trông rộng thật, gần một mẫu đất, tức một héc-ta mà chỉ mất có hai triệu đồng, bằng một phần sáu cái xe hon đa cúp cánh én. Mà suy cho cùng, chả ai thiệt, bởi Tám Kiệu làm gì có đất, chẳng qua y ta hết đường sống, chui vào khu Mả Cùi, chăng dây, cắm cọc, nhận vơ nhận váo là đất của mình. Lúc bấy giờ, ai thèm để ý, đến cả khi bán cho ông Xích Hồng rồi, cũng chẳng ai thèm để ý. Ủy ban xã cộp cho cái dấu vào, nhận từ tay ông cán bộ ngoại thương một trăm ngàn, rồi xong. Ông Xích Hồng cũng cho quân vào cắm một hàng cột xi măng trắng toát, ngay ngắn như một dãy tiêu binh...
Ba năm sau, sốt đất! Cơn sốt trời cho ông Xích Hồng của cải. Mà cũng chẳng phải trời đất gì, nói thế oan cho Đấng bề trên. Đó chính là chính sách của nhà nước, ông Xích Hồng bảo thế. Rồi ông thuê hàng chục chiếc xe ô tô thùng sắt, tiếng máy nổ đinh đầu, khói phụt lên trời, đen kịt, chở đất vào san lấp, thành một khu đất có giá trị hàng tỷ bạc. Bây giờ ông Xích Hồng chết rồi, ông chết ở Bệnh viện Thống Nhất cơ, chứ không phải ở đây, đám ma cực to. Khu Mả Cùi bảo nhau, coi ông Xích Hồng như vị Thành Hoàng. Vị Thành Hoàng xóm Mả Cùi bán đất thu hàng chục tỷ bạc đem vào bệnh viện cúng cho Con Bệnh Ung Thư. Trước khi chết ông nhận ra cái gì đó, thều thào với bà vợ trẻ măng (bà sau mà):
-Nhiều tiền cũng chả làm gì được, mình ơi! May ra thì chỉ chữa được bệnh ghẻ!
Người giàu có chết cũng oai phong, lẫm liệt hơn người. Hoa ngút ngát, hoa thật, hoa giả bày từ cổng vào đến tận trong nhà, leo lên cầu thang...
Phần II
Khu Mả Cùi bây giờ trở thành một khu phố sầm uất. Con đường ve chai và cứt chó ngày xưa đã thành một đại lộ mang tên một vị anh hùng du kích, chạy thông qua một cây cầu bê tông, hai bên trồng một hàng cây tuyệt đẹp, giống cây nhập ngoại, không biết tên, có người gọi là "cây viết", nhưng có lẽ không phải, nó chẳng giống cái viết (bút) tí nào. Khu đất của ông Xích Hồng ngày trước nay trở thành quyền sở hữu, hay quyền sử dụng của bảy ông cán bộ và hai thương gia gốc miền Tây lên làm ăn. Tất cả được quây quần với nhau thành một khu đẹp nhất, gọi lén là khu VIP, gọi lén nhau thế thôi chứ ai cho phép, ai công nhận.
Ở ngoài này, cách ngã ba rẽ vào khu VIP chừng non trăm thước có một cái quán thịt chó của Tám Kiệu. Sau khi bán quạng được miếng đất nhận đại của thiên hạ, Tám Kiệu quây một cái lều nhỏ với sáu đứa con, hai trai, bốn gái, cùng với vợ mở một cái quán. Lúc đầu bán các thứ nhậu lai ra cho cánh thợ hồ ngoài Bắc vào kiếm sống. Sau, thấy cánh này khoái món "cầy tơ", Tám Kiệu gả ngay cô con gái đầu cho một thằng thợ hồ Bắc kỳ, tên là Sản, mặt rỗ. Mặt Sản rỗ chằng rỗ chịt, nhưng tướng người phương phi, hùng dũng, lại khá hung hăng nên người ta chỉ dám nói là "rỗ hoa" thôi. Người Nam, vốn kiêng húy bà Chúa Hoa, nói trại "hoa" thành "huê", nên Sản có bộ mặt "rỗ huê". Để cho phải phép, để cho chính danh, người đời ở đây luôn ghép tên với một đặc tính nào đó của anh (hay chị) ta. Thế là Sản rỗ hoa thành danh: Sản Huê! Vừa được vợ, Sản Huê đứng ngay chân đầu bếp, chuyên chế biến món thịt chó "Lam Hà" cho bố vợ. Sản Huê có tài lắm, hắn thui chó bằng rơm, vàng ngậy, sau, nghe một thực khách người Đà Nẵng bảo rằng, thui chó bằng rơm thì đã ngon, nhưng nếu thui bằng cây thanh hao thì còn ngon gấp mười! Sản Huê vốn là đứa gan lỳ (mặt rỗ tổ gan), lại ưa suy diễn. Cây thanh hao hắn còn lạ gì, ở quê hắn, vùng núi Kim Bảng thường hay cắt về phơi khô rồi dùng chân đạp cho rụng lá, rụng hoa rồi đem ra chợ bán cho người ta làm chổi. Chổi thanh hao tốt lắm, bền lắm, nhất là để quét cổng, hay sân đất. Nó có mùi thơm thoang thoảng, cháy ác. Lửa bén vù vù, đỏ rực. Ừ mà khéo lấy nó đem thui chó thì chó ghẻ, chó chết cũng thơm phưng phức. Quả nhiên, chó của cha con Tám Kiệu - Sản Huê ngon nhất vùng. Cánh có đạo ở Hố Nai cũng chịu chết, cắn miếng thịt hấp ba rọi da-thịt-sụn của Tám Kiệu chỉ còn cách lắc đầu! Thế là có hẳn một đường dây chuyên cung cấp thanh hao từ Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Bình... cho Tám Kiệu - Mả Cùi. Sản Huê còn trẻ, nhưng do chén nhiều thịt chó nên bụng đã xệ, vú đã chảy, hai chân lạch bạch. Trong khi con vợ - tên là Hành, Hai Hành - tong teo như cái chân chó phơi khô, chỉ tài đếm tiền và hóng chuyện.
Sản Huê đang thao thao với thằng Bèo Chột, thằng Tư Khỉ, hai thằng đàn em ma cô:
-Tao đố hai thằng chúng mày nhá. "Trùng trục như con chó thui, chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu", là con gì?
-Là con gì nhỉ, Bèo? Tư Khỉ nhồm nhoàm hỏi vào tai bạn. Thằng Bèo, có gương mặt sáng sủa, (phải tội hư một con mắt) mái tóc dài phủ gáy, đang gặm cái "điện thoại di động Êrickson" (cái đùi chó, chúng gọi thế đấy), mấy cái răng to của nó tạm ngưng hoạt động, càu nhàu:
-Đ.M., mày biết mày trả lời ổng, tao đâu biết con gì...
-Con gì anh Hai? Tư Khỉ hỏi Sản Huê bằng một giọng cầu tài. Mấy người học nhiều nói chuyện gì cũng thấy khó. Cứ như tui, nói dăm ba câu không nghe thì hù cho mấy nhát, nghe liền.
Sản mặt rỗ huê khoái chí, cái mắt ti hí của hắn lim dim:
-Tụi bây chỉ biết có bao nhiêu đó, xoàng lắm em ơi! Ra ngoài đời phải nhìn xa trông rộng, mới mong có cơ kiếm được miếng cơm cháy. Như tao đây, làm đủ thứ nghề, cũng có lúc lên hương lắm chớ, cuối cùng làm nghề bán thịt cầy...
-Ông làm cha người ta thì có. Thằng Bèo Chột đã thanh toán xong cái "điện thoại cầm tay", nốc cạn ly rượu trắng, quệt mép bằng cái ống tay áo bẩn thỉu. Có phải là đứa con gái hổng bận đồ không, anh Hai?
-Mày lúc nào cũng thế! Sản Huê ngả lưng ra cái ghế bố, giọng kẻ cả. Lúc nào cũng chỉ thấy đàn bà ở truồng. Thế nó có mấy mắt, mấy mũi, mấy đuôi, mấy đầu? Cái con heo Ngọc Bích của mày ấy?
Thằng Bèo nín khe. Nó đuối lý. Và bỗng dưng nó nhớ đến con Ngọc Bích, tròn ùng ục, nhão nhoét, mỗi khi không kiếm được khách, thường bắt nó "giải sầu" bằng được. Những lúc như thế, nó thường mơ thấy những cô gái mình giây, thậm chí ốm tong teo cũng được, như... như... Hai Hành, vợ Sản Huê. Nó bật cười khùng khục. Tư Khỉ nhìn nó, thắc mắc:
-Mày cười cái giống gì vậy, hả thằng chột?
Bèo không trả lời thằng bạn có khuôn mặt khỉ đột, nó nhìn Sản Huê, cười giả lả:
-Anh Hai nè, chị Hai chắc là phong độ lắm nhỉ?
Sản mặt rỗ đang mải suy nghĩ, nghe Bèo hỏi, giật mình:
-Mày nói gì?
-Em nói anh đừng cho là mất dạy, nhưng kiếm được cô vợ như chị Hai, quả cũng sướng thiệt...
-Mày bảo sướng chỗ nào?
-Không như con heo Ngọc Bích. Nhão nhoét như...
Sản Huê cười:
-Mày đúng là thằng mất dạy.
Đêm càng về khua xóm Mả Cùi càng trong veo, trở lạnh. Mấy chai xị đựng rượu nằm ngổn ngang dưới chân bàn, thỉnh thoảng xô vào nhau loong coong. Dưới ánh sáng xanh ngắt của ngọn đèn thủy ngân, thiêu thân, bướm đêm bay loạn xạ. Phía bên kia đường, một chiếc xe hon đa chở cô gái tụt xuống. Cô gái lặng lẽ đi vào ngõ hẻm, chiếc xe quay đầu rồ ga phóng đi. Bọn nhậu đêm tỏ ra hiền lành, ngáp vặt.
-Là con gì, anh Hai?
Thằng Bèo Chột vẫn chưa dứt ra khỏi câu đố của Sản Huê. Dường như mất hứng, anh chàng Bắc Kỳ mặt rỗ buông một câu nhạt thếch:
-Là con chó thui!
-Cái gì?
-Đéo mẹ tiên sư mày, thằng ngố! Chó thui thì nó chả chín đầu, chín mắt, chín đuôi là gì? Có nhiêu đó mà cũng không nghĩ ra! Đồ con heo!
Bèo cười khơ khớ, tiếng cười của thằng ma cô trong đêm, nghe vừa ghê rợn, vừa thảm hại.
-Dẹp quán, anh Hai!
Tư Khỉ uể oải, ngoái cái đầu trọc của nó về phía Sản Huê. Anh chàng mặt rỗ không nói gì, ý chừng nó đang mải nghĩ ngợi. Trong nhà phía sau, có tiếng nói mơ ú ớ. Lát sau Sản Huê lầm bầm:
-Hôm nay ngày gì à ế ẩm quá ta. Ê Bèo, xóm VIP hôm nay sao im ắng thế? Mày có biết gì trong đó không?
Thằng Bèo vươn cái cổ cáu ghét của nó nhìn qua bên kia đường, hàng rào im phăng phắc. Một thằng nhóc bán mì gõ vừa đi, vừa ngủ gật gõ hai thanh tre lách cách, giọng điệu cũng buồn ngủ.
-Trưa nay nhà ông Năm Tụ có đám giỗ, xe đậu cả ngoài đường! Bèo nói một mình.
-Chả trách, Sản Huê thở dài. Mọi bữa trong xóm VIP vẫn hay cử quân ra mua thịt chó của tao, hôm nay vắng ngắt. Thôi, hai thằng bây dọn quán dùm tao rồi lấy chỗ mà ngủ.
Bọn chúng đang lúi húi dọn dẹp thì có tiếng xe gắn máy, to dần rồi ánh đèn pha quét loang loáng. Chiếc xe đỗ xịch cửa quán, tiếng quát khá hách:
-Còn gì không cha con Tám Kiệu?
Không có tiếng trả lời, chỉ nghe Sản Huê lầu bầu "Còn cái con cặc!", chứng tỏ anh chàng đã nhận ra người hỏi là ai.
Trên xe còn một người nữa, ngồi sau lưng. Người cầm lái vẫn để tiếng xe nổ lịch bịch, bước ra khỏi ánh đèn pha sáng quắc. Sản Huê cười buồn ngủ:
-Có chuyện chi nhậu khuya vậy, đại ca?
Không nói không rằng, người đàn ông đi thẳng vào giữa quán, nhìn thấy hai thằng ma cô, anh ta quát:
-Sao giờ này còn ở đây hả ông nội?
-Dạ, thưa anh Tuấn, tụi em ngủ giữ quán cho bác Tám.
-Giữ quán hay giữ mấy con phạch? Liệu hồn, có ngày tao tống tất cả vào bót Mả Cùi.
Thằng Bèo cười hề hề, nhưng vẫn không giấu nổi cái giọng khê khê, nhừa nhựa, đểu giả:
-Ai chứ anh Tuấn đời nào lại xử tụi em như vậy, ha?
-Ừ, cứ đợi đấy. Anh Tuấn quay sang Sản Huê. Giờ này ba cái món đồ lòng ăn gì nổi, đau bụng đi cầu chết toi. Còn thịt luộc cắt cho một ký, Sản?
Sản uể oải:
-Luộc hết rồi. Còn có mấy cái điện thoại...
Tuấn quát:
-Có bán không?
-Em bảo hết luộc rồi mà!
-Còn gì? Còn gì cũng được, gói tất cả vào cái bịch này cho tao.
-Đem lên Phường à?
-Phường gì mà phường? Không thấy tao ăn bận thế này à?
Sản cười:
-Biết rồi! Hôm nay anh Tuấn không trực. Chắc lại tá lả hay tiến lên chứ gì?
Tuấn nắm lấy cái gáy nổi u của Sản, lắc lắc, khiến anh chàng mặt rỗ huê rụt cổ lại:
-Biết gì mà nói? Nhanh lên!
Một cái đùm thịt chó treo tòn teng trên tay lái xe hon đa, Tuấn quay đầu rồ ga, vừa nói vừa cười:
-Mai gặp tính, Sản nhá!
Chiếc xe vù đi. Hai tên ma cô nhìn Sản Huê cười như giễu. Sản Huê văng một câu tục. Bọn chúng lại tiếp tục công việc dở dang.
Bỗng từ phía xóm VIP vang lên một tiếng súng, đanh lắm. Sản Huê ngẩn nguời. Hai thằng Bèo và Tư Khỉ thì đứng như trời trồng. Chúng chưa kịp hỏi nhau thì lại một tiếng súng nữa vang lên, lần này nghe có vẻ như to hơn, gần ngay mang tai, nghe có cả tiếng đạn rít. Hai thằng ma cô nhát gan ngồi thụp xuống. Ông già Tàm Kiệu chui ra cửa ngơ ngác:
-Súng nổ ở đâu, tụi bây?
Chưa có tiếng trả lời, thì lại một phát đạn nữa, nổ chói gắt. Tiếng viên đạn bay trên đầu ngọn đèn thủy ngân xanh lè. Ông Tám Kiệu tưởng như nhắm vào mình, sợ quá chui trở vào. Hai thằng ma cô lăn ra đất, rúc vào gầm bàn. Chỉ có Sản Huê là còn gan (chuyện, "mặt rỗ, tổ gan" mà!), đứng nép sau cây cột, nhìn sang xóm VIP. Tiếng nổ có lẽ phát ra từ nhà Năm Tụ, ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn, có cái bồn nước bằng i-nốc sáng loáng.
Chỉ có ba phát súng, Sản đợi xem có phát thứ tư không, nhưng đợi một lúc không thấy gì, nó xỏ tay áo phóng ra phía bờ tường. Hai thằng ma cô lò dò theo sau. Chợt từ trong nhà Năm Tụ vút lên một tiếng thét của đàn bà, rồi tiếng la hét, khóc lóc um sùm. Sản Huê và hai tên đàn em đứng nép sau cây cột điện bên này đường. Mấy ngõ bên kia cũng thấp thoáng bóng người.
Có tiếng còi hụ của xe cứu thương, rồi chiếc xe chạy vút vào sau bức tường ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn. Lát sau, chiếc xe quay trở ra, tiếng còi hụ giục giã, như tiếng kêu la oai oái, ánh đèn xanh trên trốc chiếc xe hồng thập tự như cái lưỡi của loại quỷ cái, quét tua tủa vào từng nhà. Khi chiếc xe cứu thương đã ra khỏi xóm, thì xe cảnh sát ập đến. Xe của quận, xe của phường hú còi inh ỏi. Có một chiếc xe hon đa lượn vào, Sản Huê nhận ra Tuấn, anh cảnh sát khu vực vừa đến quán Tám Kiệu mua chịu thịt chó.
Còn tiếp ...