Phần XXIII
Lê Quốc Hán chống xe rồi kéo ghế ngồi trước mặt Kha:
-Hôm qua Mỹ Liên đến tìm cậu, mà cậu không có nhà?
À, ra thế. Kha chợt thấy vui vui khi thấy mình
đã đoán đúng ra người đến tìm anh là Mỹ Liên.
-Làm sao cô ấy biết chỗ mình ở?
-Tớ. Tớ cho cô ấy địa chỉ mà cậu đưa. Cô ấy tìm cậu có việc đấy…
-Việc gì? Kha ngạc nhiên hỏi ngay. Tớ thì làm được cái gì cho cô ấy?
Tiến sĩ Han phất tay:
-Tớ không biết. Cậu gặp cô ấy mà hỏi. Bây giờ… nhậu chứ?
Không đợi Kha trả lời, Han vẫy tay vào trong nhà Sản Huê:
-Sản ơi! Có cái gì mơi mới đem ra đây. Nhanh lên không ông về bây giờ đấy!
Sản Huê lạch bạch đi ra:
-Hấp, nướng, nhựa mận, lòng dồi… Tất cả đều mới.
-Hấp trước. Rượu Ngang.
Kha cười nhìn tiến sĩ Han:
-Cậu thành thục nhỉ? Hôm trước rượu Vân, hôm nay rượu Ngang. Rượu Vân thì mình biết, rượu làng Vân, chứ còn rượu Ngang thì mình có nghe nhưng không biết xuất xứ…
Han móc bao thuốc lá Bastos-lux ra đặt xuống mặt bàn nhờn mỡ chó, đủng đỉnh:
-Rượu Ngang cũng là rượu làng Ngang.
-Thật không đấy?
Han châm thuốc, phả khói. Mùi khói khét lẹt của thứ thuốc rẻ tiền bay tạt qua mặ Kha.
-Sao lại không thật! Làng Ngang ở Hà Đông, Cậu có nghe chuyện này không? Giai thoại thôi.
Kha nheo mắt:
-Kể đi.
-Ở Hà Đông có một làng nấu rượu ngon nổi tiếng. Làng ấy có tên chữ là Nga My, nghĩa là lông mày con ngài. Nhưng dân làng thì cứ gọi nôm là làng Ngang. Khi ông Hoàng Cao Khải về hưu mua đất ở cạnh đấy lập ấp đặt tên là Thái Hà, cái tên ghép giữa Đông Thái, quê của ông ta ở Hà Tĩnh, với Hà Đông, như bây giờ người ta vẫn nói là quê hương thứ hai của cụ. Làng Ngang vốn nấu rượu lậu, nên đẻ ra một bọn người vốn cũng gian thương, lậu tế.
Lúc bấy giờ có cụ Nguyến Khuyến ở Hà Nam, đỗ đầu trong ba kỳ thi, nên gọi là Tam nguyên. Tam nguyên làng An Đổ, tuy đỗ đạt hàng đại khoa nhưng ghét chốn quan trường, về quê ở ẩn. Nghe danh Nguyến Khuyến, Hoàng Cao Khải bèn cho người xuống vời cụ Tam nguyên về làm gia sư. Khốn khổ, cụ Tam nguyên cương cường, nhưng vì miếng cơm manh áo, không nhẽ cứ ngồi nhà ăn bám, nên cũng đành nhận lời, dù biết Hoàng Cao Khải là kẻ hôn quan, tàn ác. Cụ Nguyễn Khuyến tuy điếc mũi nhưng hay rượu. Biết thế bọn buôn rượu làng Ngang nhân dịp sắp Tết, mới vào nói với cụ đồ rằng: "Làng Ngang có rượu ngon nổi tiếng, cụ đồ có thích thì chúng con để cho. Không dặn trước, sợ đến Tết không còn". Cụ Tam nguyên nghe thế thì vét tiền đưa cho chúng, và phấn khởi chờ đợi. Thế nhưng, ba mươi, rồi mùng một, bọn bán rượu làng Ngang vẫn mất tăm. Biết là bị lừa, ức lắm, nhưng làm gì được…
Han ngưng kể, ngước lên nhìn cô Hai Hành, con ông Tám Kiệu, vợ Sản Huê bưng một đĩa thịt chó hấp ra.
-Em mới anh Tiến sĩ với anh dùng. Con này nhà em mới dặn đem từ Bình Dương về. Bên VIP cũng có mấy ông đặt…
-Rượu đâu?
-Dạ, nhà em đang chiết. Rượu cũng mới chuyển vào.
Han khịt khịt mũi:
-Cái công ty chó của nhà thằng Sản nhộn nhịp thật đấy. Vào lấy rược đi. Uống hay kể tiếp? Han hỏi Kha.
-Cứ kể đi, chừng nào rượu ra thì uống.
-Ừ, thế là cụ Tam nguyên ức lắm. Nhưng nhà nho, trí thức, lại gia sư thì làm gì được. Tớ đố cậu Nguyễn Khuyến sẽ làm gì?
Kha mủm mỉm cười:
-Có thể mách với Hoàng Cao Khải, ông ta có thế của Cụ Lớn!
Han cười to, như tuồng đồ:
-Sai bét! Cậu nghĩ Nguyễn Khuyến hèn thế à? Không, trí thức tuy có hèn, nhưng không cầu cạnh, nhất là giữa Nguyễn Khuyến với Hoàng Cao Khải. Hèn của trí thức là hèn nhược, chứ không hèn cầu. Tri túc tâm thường lạc, Vô cầu phẩm tự cao. Hãy nghe sự trả thù vặt của trí thức Việt Nam đây. Cụ Tam nguyuên mới dò hỏi về ông Thành Hoàng làng Nga Mi. Tao sẽ trị đến tận ông Thành Hoành nhà chúng mày. À mà này, Kha, có điều tao không hiểu nổi, hoặc hiểu rất lơ mơ…
-Cái gì?
-Ở làng xã Việt Nam mình từ xưa, hễ làng có động, người ta thường cậy đến các cụ nhà Nho, có học và đỗ đạt, tức là các bậc tri trí, chứ không hỏi đến các quan, thuộc hàng "dân chi phụ mẫu"?
Kha hơi bực mình, câu chuyện đang vui, đang có vẻ gay cấn, thì thằng cha tiến sĩ lại quay sang hướng khác.
-Có thể… Kha lưỡng lự. Có thể dân làng tin vào các bậc học giả có mối liên hệ với thánh thần, ma quỷ?
Không ngờ Han tán đồng:
-Rất có thể là như thế. Cái ông Thành Hoàng làng Ngang vốn là một tay… thủ dâm! Hắn nghèo, lại xấu trai, xấu tính không lấy được vợ nhưng lại có tính dâm dật. Thế là hắn thường trèo lên ngọn cây si ở bờ ao, nhìn trộm bọn đàn bà, con gái trong làng tắm truồng dưới ao. Mãi rồi thành quen. Lần ấy hắn sướng quá, đê mê thần thái, run rẩy thế nào, lôn cổ xuống ao, chết tươi. Thật đáng đời, kẻ thủ dâm, tự sướng…
Rượu Ngang đã đem ra, đựng trong một cái nậm Bát Tràng hình quả bầu khô. Han rót ra hai cái ly nhỏ, lẩm bẩm:
-Uống rượu Ngang, nói chuyện Làng Ngang. Hay nhỉ!
Kha uống trọn ly, thoạt đầu là cái cảm giác xót ở môi, ở vòm miệng rồi xuống cổ. Xót như cồn sát trùng. Nhưng chỉ thoáng qua, nó êm trở lại, để dư vị chạy âm âm trong lồng ngực. Nếu chỉ uống một ly này thì thích, nhưng khi đã uống đến ba, bốn ly, cho đến ngất ngư, mọi loại rượu rồi cũng như nhau, Kha thầm nghĩ.
-Ngày xưa cũng có kẻ tự sướng à?
-Thời nào chả có. Cái bọn đàn ông bất trị và bất lực thì thời nào chả có. Nhưng cậu biết không Kha?
-Biết cái gì?
-Cái tay thủ đâm làng Ngang ấy! Hắn chết phải giờ thiêng, đúng hơn là "được" giờ chết. Thế mới quái chiêu chứ! Ở đời, khối kẻ sống chả ra chó gì, ấy thế mà lúc chết lại hoá ra anh hùng! Thành hoàng làng Ngang, dù là được phong làm Thành hoàng rồi, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Nghĩa là vẫn thích… dòm cái số ta của chị em. Bởi thế cho nên mới có tên là miếu ông Thần Dòm! Miếu ông Thần Dòm cạnh đường chính vào làng, có một vũng lội. Hễ san bằng cái vũng đó thì con trẻ trong làng lăn ra ốm. Hoá ra, vũng lội ấy có "tác dụng" là để chị em đi qua phải… vén váy lên. Thế là ông Thành Hoàng được đã mắt…
Han cười khơ khớ, Kha cũng cười theo, nhưng sao anh có cảm giác phạm thượng. Ừ thì dù xấu, dù tốt, đã là bực thần thánh như ông Thành Hoàng rồi mà vẫn báng bổ, nghe ra không thuận lý. Nhưng Han thì không, vẫn cái giọng khùng khục:
-Khi phát hiện ra Thành Hoàng làng Ngang có một cái lý lịch đen xì và sở thích quái gở đó, cụ Nguyễn Khuyến mới "khai bút" vào sáng mùng Ba tết. Bài khai bút như sau:
Đầu làng Ngang có một vũng lội
Cạnh miếu Thành hoàng thờ ông Cuội
Đàn bà đi qua vén váy lên
Có chỗ tới háng, chỗ đến gối
*
Ông Cuội ngồi trên tủm tỉm cười
-Cái gì trăng trắng như con cúi?
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
-Con trót hớ hênh, ông xá tội!
*
-Không! Không! Con có tội chi đâu
Lại đây ông cho giống thằng Cuội.
Từ đó làng Ngang đẻ thằng nào
Toàn là con cháu của nhà Cuội!
Han tợp một hớp rượu, khà một miếng thịt chó, nháy mắt cho Kha:
-Đấy! Rượu Ngang là như thế đấy. Nhưng mà rượu Ngang ngon thật. Cái thằng Sản mặt rỗ này thế mà biết kinh doanh. Nếu được bỏ phiếu để chọn ra "nhà kinh doanh trẻ năng động", tớ sẽ bỏ cho nó. Nghe chuyện tớ kể, thế mà nó bằng mọi cách, liên hệ móc nối thế nào đó, lùng bằng được nguồn cung cấp rượu Ngang chính cống. Có người bảo rượu Ngang bây giờ pha tạp rồi. Cũng phải thôi, cái gì mà chả bị pha trộn, đảo lộn huống chi là rượu. Rượu Ngang có thể không còn ngon vì chẳng còn ai biết uống, thế thôi. Nhưng cậu có biết sau cái bài ấy, tình hình làng Ngang thế nào không?
Kha lắc đầu, vẻ như không muốn nghe nữa, nhưng Han vẫn đang hăng:
-Bài thơ của cụ Tam Nguyên làng An Đổ ấy được dán trước cửa miếu Thần Dòm, làm rung động cả làng Nga My. Quan chức chính quyền cho truy lùng tác giả, bắt cho được đem về hặc tội. Biết là của Nguyến Khuyến, họ định bắt, nhưng sợ động đến Cụ Lớn Hoàng Cao Khải, nên họ chỉ điều tra, hỏi dò, tìm ra bọn gian thương đã lừa rượu cụ gia sư, nên họ bắt bọn chúng phải xin lỗi và trả rượu cho Nguyến Khuyến. Một điều quan trọng nữa là Thần Dòm sau khi đọc bài thơ ấy cũng biết xấu hổ, không dám hạch sách đám đàn bà, con gái trong làng như trước. Cái vũng lầy được san phẳng, chị em đàng hoàng đi qua mà không phải "đóng thuế háng" nữa.
-Bịa! Kha phản đối.
-Tất nhiên là không chắc chắn, giai thoại mà! Tiến sĩ Han chân thành. Nhưng dù sao cũng mua vui cho người đời, nhất là cánh uống rượu…
Hai người uống đến "xị" thứ hai thì từ ngoài đầu ngõ có tiếng xôn xao. Sự xôn xao to dần, Kha hỏi Han:
-Có chuyện gì thế?
Han không nhìn lên:
-Ở cái xóm Mả Cùi này thì chuyện gì chả có. Như cơm bữa ấy mà…
Nhưng sự việc không như Han nghĩ. Thằng Bèo Chột từ đâu hớt hải chạy về, trông thấy Han và Kha đang ngồi, nó nói một câu gì đó, giống như chào, rồi chạy vào trong, hét to:
-Anh Hai! Anh Sản ơi!…
Sản Huê đi ra, trên tay vẫn cầm con dao bầu, chắc hắn đang dở thái thịt;
-Cái gì mà mày làm như cháy chợ vậy Bèo?
-Thằng Tư Khỉ…
-Nó làm sao?
Bèo Chột hướng con mắt sáng rực của nó ra phía sân. Sản Huê chạy ra, thấy một chiếc xích lô đang đẩy vào, trên đó là xác thằng Tư Khỉ. Một nửa khuôn mặt khỉ của nó nhuốm máu tươi, chảy tràn xuống cổ áo. Han đứng dạy, bước tới gạt Sản Huê ra, hỏi to:
-Làm sao?
Thằng Bèo lí nhí:
-Nó đánh nhau với tụi Hầm cá dồ! Lúc con tới thì thằng Tư đã lụi một nhát vào bụng thằng Bé Lãi. Nhưng thằng Tư cũng bị một nhát mã tấu…
Han bế thằng Tư vào cái ghế cạnh đó, nhìn Sản Huê hét to:
-Lấy cho tao cái khăn sạch dấp nước nóng ra đây!
Vết chém bằng mã tấu xẻ nửa khuôn mặt của thằng Tư Khỉ, lật hẳn một mảng thịt để lộ một phần cánh mũi toàn sụn đang sủi bong bóng sau mỗi nhịp thở của nó. Thằng bé chưa chết, Kha nghĩ. Hai Hành vợ Sản Huê bưng thau nước nóng ra vắt khăn đưa cho Han:
-Anh Tiến sĩ ơi, cứu nó với. Giọng chị run rẩy. Tội nghiệp thằng nhỏ. Ai kêu đi gây sự với tụi Hầm Cá dồ làm chi không biết…
Han nhúng lại chiếc khăn vào thau nước rồi vắt, nước chảy ra dưới tay Han đỏ ngầu máu thằng Tư Khỉ. Tiến sĩ làm một cách thành thục, nhẹ nhàng. Kha kinh ngạc khi thấy thằng Tư tuy bị thương nặng như thế nhưng nó không hề kêu rên.
Lại một lần nữa, Kha tin rằng những đứa trẻ côi cút, sống không có cha mẹ bên cạnh có một bản lĩnh ghê gớm. Bản lĩnh đó thể hiện ra ở sự phải tìm cách để tự bảo vệ lấy mình. Những đứa trẻ bình thường, sống bên cha mẹ luôn nhận được sự dạy bảo, truyền dạy kinh nghiệm tồn tại, và nhận được sự che chở. Như những con gà con, hễ có dấu hiệu hiểm nguy, nó liền rúc vào đôi cánh của gà mẹ. Nhưng những đứa trẻ côi cút, hoặc vì một lý do gì đó bị tách khỏi mẹ, thì khác. Nó sớm biết phải tự vệ. Mà bằng cách nào? Trước hết nó co lại, cố giấu mình, nguỵ trang để không bị tấn công, làm hại. Sau nữa, chúng luôn có cách tấn công kẻ khác để "tự vệ từ xa", nếu cảm thấy có mối nguy hiểm.
Đột nhiên Kha nghĩ đến Tài. Một đứa trẻ bị vất ra lề đường, rìa chợ từ bé như Tài, làm cho y học được những bài học tồn tại đầy tính bản năng. Nhưng rồi y cũng biết cách thu mình lại, giấu kín hoặc nguỵ trang bằng những hành vi tốt đẹp nhất. Nhưng không như những người bình thường, khi nào y cũng thấy một mối hiểm nguy đang rình rập tấn công. Những Huân chương, Bằng khen, và những lời khen tặng không làm cho y yên tâm… Buồn thế đấy!
Ngô Kha quay lại chỗ của mình, nhưng không cảm thấy say, tuy anh và Lê Quốc Hán đã uống khá nhiều. Kha rót một ly đầy, uống cạn, lại một ly nữa. Rượu làng Ngang bây giờ không còn xót như cồn sát trùng nữa, mà cũng chẳng êm ái gì, nó chạy tuột vào sâu trong lục phủ ngũ tạng, trơn tuột như một thứ nước vô vị. Thế rồi ý nghĩ cứ kéo đẩy Kha đến những vùng cảm xúc khác, không kìm lại được. Chiến tranh không chỉ giết người cầm súng, mà nó còn giằng ra khỏi tay những bà mẹ đứa con của họ. Trường học sơ tán, cha mẹ một nơi, con cái một nẻo. Ở đấy chúng đánh nhau bằng gậy tre và xích xe đạp. Lớn hơn tí nữa, trường thiếu sinh quân chẳng hạn, tuy có kỷ luật thép, nhưng chúng vẫn kéo nhau đi đánh lộn bằng dao găm, xanh-tuya-rông! Trường học sinh miền Nam, những đứa trẻ xa quê hương ngàn dăm đường trường, cha mẹ chúng là những liệt sĩ, là những dũng sĩ, những anh hùng, hay những cán bộ cao cấp đang ở chiến trường. Chúng được ưu tiên, chúng được dạy bảo ân cần, nhưng chúng vẫn xông vào nhau mà cấu xé. Chán chê, chúng tìm kẻ khác, bất kỳ kẻ khác là ai, hễ chúng thấy không vừa mắt, hoặc chúng nghi có dấu hiệu tấn công chúng, là chúng đánh ngay. Đánh nhau để thử thách, để thể hiện bản lĩnh, để an toàn.
Rồi đây, những đứa trẻ như thằng Tư Khỉ, thằng Bèo Chột, những thằng bé như Bé Lãi ở Hầm Cá dồ chúng là gì, thành cái gì thì chả cần tinh ý lắm cũng thấy rõ. Ma cô, đâm thuê chém mướn, tù tội… đó là con đường khó tránh khỏi. Thế nhưng giả dụ, có một phép màu nào đó, chúng lại trở thành những ông quan, những nhà lãnh đạo? Lúc đó thì cái gì sẽ xảy ra? Chịu!
Con người hơn con thú ở ngôn ngữ. Nhờ cái sản phẩm, cái công cụ quý báu đó để con người thành con người. Khi có ngôn ngữ, con người ta có thể nghe được những lời sâu thẳm của lương tri. Nhưng biết đâu lương tri cũng có hai mặt của nó. Với một kẻ trong tay có khẩu sung như Tài chẳng hạn, lúc đó tiếng nói lương tri sẽ thì thầm:
-Không được bắn! Năm Tụ là anh của mày, là thầy của mày, là sếp của mày!
-Bắn đi! Bắn đi! Năm Tụi là tên độc ác, nó sử dụng mày như một con chó săn, một thằng hầu của nó. Nó đang cướp tương lai của mày đấy!
"Đoàng!" Một phát súng. Phát nữa, và phát nữa…
XXIV
Hoá ra Kha dđã gục xuống mà ngủ trên cái mặt bàn nhờn mỡ chó, mặc cho xung quanh ồn ào đầy tiếng la gọi, giục hối. Khi Tiến sĩ Han lay vai, Kha ngước lên nhận ra nụ cười còm cõi của ông bạn thời chiến tranh. Anh sực nhớ ra:
-Thằng Tư Khỉ thế nào rồi?
-Xong! Xong rồi! Han uể oải thả mình xuống cái ghế nhựa.
-Hả? Kha trợn mắt. Xong là thế nào? Nó chết rồi à?
-Nó đã chui vào đống rơm thui chó ngủ rồi. Ngữ như những thằng ấy chết thế nào được. Vết thương cũng xoàng thôi.
Kha rùng mình. Vết thương như thế mà gọi là xoàng được à? Thế thì như thế nào mới là nghiêm trọng? Kha nghĩ thế nhưng lại hỏi khác:
-Tại sao chúng nó đâm chém nhau ghê thế?
-Tranh giành quyền lực! Han trả lời thản nhiên, không bình luận. Nhưng Kha thì không yên tâm:
-Quyền lực đếch gì ở cái xóm bần cùng này?
Tiến sĩ Han cầm cái quả bầu bằng sành đựng rượu lên lắc lắc, tiếng chất lỏng bên trong vẫn còn ong óc. Anh hất chỗ rượu cũ trong ly vào góc cột rồi thong thả rót ra hai ly. Vừa cầm cái ly đầy rượu trên tay, Han vừa cười cười nhìn Kha:
-Quyền lực thì ở đâu mà chả có! Một bầy thú trong rừng sâu cũng vẫn có sự phân chia, tranh giành quyền lực nữa là con người. Ở đây là quyền được chỉ huy cái đám ma cô. Mà Kha này, quyền lực là một thứ ma tuý của loài động vật. Con người đã nghiện từ trong bào thai rồi. Tớ đi đón con ở nhà trẻ mà cũng thấy có sự phân chia đẳng cấp. Nhìn những đứa trẻ túm tóc, nắm áo nhau để giành giật những khoảng trống trong sân, những con giống đồ chơi. Để làm gì? Chẳng để làm gì cả. Một khoảng trống xung quanh đứa bé chiến thắng và những thứ đồ chơi bằng nhựa nằm bất động trước sự mãn nguyện của nó, thật buồn cười.
-Tại sao các cậu không báo cho công an can thiệp?
Han lắc đầu:
-Cậu không sinh sống ở cái môi trường thổ tả này, nên cậu rất ngây thơ, hay vặn vẹo. Báo công an cũng thế thôi, họ sẽ đến xem qua rồi nhắc nhở, hay cao hơn là sự đe doạ trừng phạt, kiểu gia đình. Ngay cả nếu có án mạng thì cũng chẳng có phiên toà nào. Bị can lủi mất, bị hại đem chôn, thế rồi cũng cho qua. Với lại mọi sự tranh giành quyền lực giữa những thành viên trong tập đoàn với nhau, người ngoài thường không mấy quan tâm.
-Ai bảo cậu là người ta không quan tâm? Kha nhấp một hớp nhỏ, vặn lại.
-Thì cậu vẫn thấy đấy. Đối với những người lương thiện thì những tên du thủ du thực như thằng Tư Khỉ, Bèo Chột… là thiểu số, chúng chỉ là một nhúm người. Số còn lại là hàng ngàn, hàng vạn người sống yên lặng và có hàng trăm mối quan tâm khác, thiết thực và quan trọng hơn. Bọn thiểu số có tranh giành quyền lực đến mức đâm chém nhau, thậm chí bắn giết nhau, cũng là chuyện vặt. Ngay ở trong cơ quan, công ty, hay cấp chính quyền, nếu chẳng may có một sự đấu đá, tranh quyền, chiếm ngôi, thì quần chúng, những người nhẹ dạ và an phận cũng có quan tâm đâu…
Kha không nói gì, mà cũng chẳng nghĩ gì đến cái mớ lý sự nửa đùa, nửa thật của Han. Anh nghĩ đến số phận thằng Tư Khỉ. Rồi nó sẽ ra sao khi trướn mặt mó còn cả một quãng đời dài vài chục năm. Rồi sẽ phải đổi thay, cũng như cái xóm Mả Cùi, nửa hồng hồng, nửa xám xám này cũng phải thay đổi.
Câu chuyện của Han và Ngô Kha không biết sẽ còn kéo dài đến đâu, mà chủ yếu người nói là tiến sĩ Han, thì bỗng có một người đàn ông lặng lẽ đi đến bàn họ, nở nụ cười cầu tài. Thật không khó khăn lắm, Kha nhận ra đó chính là người bán vé số. Anh hơi ái ngại, khi nhìn đồng hồ đã quá chín giờ đêm. Vào giờ này, mà ông ta vẫn lụi cụi, lần mò đi kiếm sống, khiến Kha cảm thấy có một cái gì đó giống như sự căm giận. Anh ngẩng lên nhìn thẳng vào đôi mắt ông vé số. Dưới ánh đèn điện thủy ngân cao áp, khuôn mặt ông có cái vẻ của một con người đau ốm tàn tạ, nhưng vẫn chứa đựng một cái gì đó rất láu cá, tinh quái. Anh cầm xấp vé số do ông ta cứ cố ý để lên bàn, trả lại:
-Chúng tôi không mua đâu, ông ơi!
Ông ta nói một câu gì đó Kha nghe không rõ, nhưng bỗng anh cảm thấy mủi lòng, nhìn sang Han. Tiến sĩ đang nghĩ gì đó, cúi nhìn soi mói xuống dưới chân. Han không để ý đến người bán vé số. Sau câu nói thẳng thừng của Kha, người bán vé số vẫn kiên trì cười. Khổ quá, tại sao người đời lại vẫn cứ hy vọng vào sự may mắn bâng quơ nào đó chụp lên đầu mình nhỉ? Tay làm hàm nhai, lăn lưng với số phận mà vẫn nghèo hèn. Đã có lần Kha nghe kể một công ty Xổ số tỉnh nọ đã làm một cuộc thăm dò thị trường, rồi rút ra kết luận: chín mươi phần trăm số người tiêu thụ vé số là người nghèo, có người bần hàn, túng quẫn, không đủ gạo ăn, áo mặc. Số còn lại là mua vui, là đánh cuộc, là… rửa tiền! Càng nghèo, càng túng quẫn bế tắc càng hy vọng và càng bị lợi dụng. Ba mươi phần trăm ngân sách dựa vào xổ số, hai mươi phần trăm lao động sống dựa vào nghề bán vé số. Mỗi ngày người bán được hai trăm ngàn doanh thu, là có ba-mươi-tư ngàn tiền hoa hồng! Bằng lương của một anh cán bộ lâu năm hệ số ba-phảy-sáu-lăm rồi! Thế rồi cứ bòn rút, rỉa rói chính thân thể mình. Rồi còn nạn đánh đề cũng theo đó mà ra. Chống đánh bạc, chống như thế cũng chẳng phải khó lắm sao?
Đột nhiên tiến sĩ Han ngẩng lên, nhìn vào người bán vé xổ số nãy giờ vẫn dai dẳng, nói một câu thật ngọt ngào:
-Chào ông Sâm!
Người bán vé số giật mình, vội vàng cầm xấp vé số lên hỏi lại:
-Chú là…?
-Hán đây! Hán nhà báo đây! Ông khó nhận ra tôi lắm nhỉ?
Ông Sâm vé số ngỡ ngàng:
-Dạ không! Tôi đâu có biết chú! Mời chú mua cho mấy tờ.
-Nếu không nhận ra thì ông đi chỗ khác mà bán. Tôi không mua đâu.
Ông Sâm quay đi, rất vội, ra thẳng đầu hẻm. Kha không hiểu, hỏi lại:
-Cậu biết ông ta à?
Han lại rót rượu:
-Cậu có nghe mình kể cái ông bạn làm giám đốc, đã có lần nói lén rằng: "Cái bọn nhà báo rách việc" không?
-Nhớ! Nhớ rồi!
-Ông ta đấy!
Kha phân vân:
-Sao lại có chuyện đó được! Cậu có nhầm người không?
-Mình gặp ông ta lần này có đến lần thứ mười rồi, nhưng không hỏi. Ông ta không nhận ra mình đâu. Nhưng mình nghi lắm. Khi ra toà, ông ta đã bán hết cửa nhà để tránh tội phải ngồi nhà lao, thì sống bằng nghề vé số. Ông Sâm là người xuất thân từ bần cố nông, nghèo rớt. Khi có chức, có quyền và có tiền, cũng có ăn chơi, phung phí, nhưng không bao giờ không biết dành dụm, tích luỹ. Đến khi vận hạn, bảo rằng trắng tay là khó tin. Ông ta đâu phải là kẻ có máu phá gia. Cũng chỉ là một cách rửa tiền thôi…
Kha lắc đầu nghĩ, cái gì cũng có thể xảy ra thật. Phía bên kia con rạch ngầu bùn là dòng sông và cây cầu lấm tấm ánh đèn. Nó rung lên như một con bọ ăn đêm phát quang, xanh lạnh lẽo. Chừng đã khuya… Đột nhiên Kha nghĩ đến chị em Mỹ Liên:
-Quán cà phê của hai chị em Mỹ Liên còn bán không nhỉ?
-À, còn, nhưng cũng không chắc. Lúc chiều mình nói với cậu rằng Mỹ Liên đi tìm cậu chưa nhỉ?
Kha gật đầu.
-Tớ thương hai đứa trẻ ấy quá. Nếu thấy được cậu nên lấy một đứa, cô chị Mỹ Liên ấy. Nó rất đẹp!
Kha phì cười:
-Cậu nói nghe dễ quá nhỉ?
-Tớ biết cậu vẫn còn cái tính cao ngạo của anh trí thức nửa mùa. Nhưng như các cụ vẫn dạy "Thà lấy đĩ về làm vợ…"
-Tớ không nói điều ấy. Nó không quan trọng đến mức phải đem "trí thức" ra để ngã giá đâu. Nhưng nói thật, tớ chán chuyện vợ con lắm rồi…
Han im lặng, nhìn sang bàn bên. Cái bàn nhỏ có bốn người thì có hai cô gái. Chắc không phải gái nhà lành, nên mới ngồi quán nhậu, nhất là lại quán thịt chó vào giờ này. Một cô gái nhuộm tóc thành những lọn màu vàng sáng, đang cố uống một ly rượu do anh bạn trai ngồi bên cầm kề vào tận miệng. Không biết họ có vui thú gì không nhỉ? Han tự hỏi rồi mỉm cười, quay lại với Kha:
-Cậu chán cái cô vợ cụ thể ấy thôi, chứ làm sao chán chuyện lấy vợ. Tớ cũng đã có lúc nghĩ như thế. Nhưng sau rồi, nghĩ lại. Cậu biết rồi đấy, vợ tớ bây giờ vốn là một cô gái bán hoa…
-Còn bây giờ trở thành một bà bán rau? Kha cười đùa.
-Đúng! Mình cũng không tin là vợ mình lại có thể "hoàn lương" nhanh chóng và triệt để đến thế đâu…
-Có lẽ cô ấy rất yêu cậu!
-Vợ tớ bây giờ là một cô gái bán hoa, cụ thể hơn là gái bán bia ôm. Nhưng cô ấy rất đẹp, nhất là đối với tớ, một thằng đàn ông xấu xí và xấu xa trước con mắt của cả đàn bà lẫn đàn ông. Cô ấy có yêu tớ không ư? Yêu! Yêu triệt để! Yêu hết mình! Tớ lôi cô ấy từ trong vũng bùn ra để lấy làm vợ. Khi cô ấy nhất quyết làm vợ tớ rồi, tớ chỉ hỏi một câu:
-Em có đẻ được không?
Tưởng cô ấy giận, nhưng cô bé xinh đẹp đã trả lời hồn nhiên:
-Em cũng không biết nữa!
-Thôi được, không sao. Anh sẽ làm cho em biết đẻ!
Bao nhiêu người chọn vợ đòi hỏi phải có cái "tông", tức là cái nếp gia đình, nào là ngoan ngoãn, hiền thục. Tớ khác, tớ cóc cần cái hiền thục mà tớ cho rằng, lấy vợ chỉ cần đẹp. Nó láo cũng được, nó làm đĩ hay làm gì mặc kệ miễn là biết đẻ con. Con nó đẻ ra nhất định phải đẹp, đó là điều quan trọng. Còn nó có giống mẹ nó ở đạo đức hay gì gì đi nữa thì chẳng quan tâm, tớ sẽ dạy con nó, tức con tớ. Cái đẹp không thể học hay dạy được, còn lại, tất cả "do giáo dục mà nên"! Cụ Hồ dạy thế phải không, Kha? Buồn ngủ rồi à?
Còn tiếp.....