Chương XI
Jenny nhận bằng tốt nghiệp hôm Thứ tư. Mọi bà con quyến thuộc của nàng từ Cranston, Fall River – và thậm chí cả một bà cô từ Cleveland – cùng kéo tới Cambridge để dự lễ. Như đã xếp đặt trước, tôi không được giới thiệu là vị hôn phu của nàng, và Jenny không đeo nhẫn, để tránh làm mọi người bị sốc (quá sớm) vì sẽ không được dự lễ cưới của chúng tôi.
"Cô Clara, đây là bạn cháu, Oliver" Jenny nói, và luôn luôn không quên nhấn mạnh, "Anh ấy đã tốt nghiệp đại học."
Có nhiều lời xầm xì đàm tiếu, và cả phê phán công khai, nhưng không ai moi móc được thông tin gì cụ thể từ hai đứa chúng tôi, hay từ Phil, người mà tôi đoán chắc là vui mừng vì không phải thảo luận về tình yêu giữa những kẻ vô thần.
Thứ năm kế đó, tôi cũng nhận bằng của trường Harvard, trở thành người ngang vai phải lứa với Jenny. Ngoài ra, tôi là trưởng lớp, nên có nhiệm vụ dẫn đầu các sinh viên tốt nghiệp tới chỗ ngồi. Nghĩa là dẫn đầu cả những tay cừ khôi, trí tuệ. Tôi hầu như muốn nói với mấy tên đó, rằng vai trò của tôi là bằng cứ xác đáng chứng minh hùng hồn cho lý thuyết của tôi, đó là một giờ ở Dillon Field House đáng giá gấp hai ở thư viện Widener. Nhưng tôi cố kềm chế. Hãy để niềm vui trọn vẹn cho tất cả.
Tôi không rõ O.B. III có mặt hay không. Có tới hơn 3.000 người tụ tập ở sân trường Harvard từ sớm, và tất nhiên tôi không thể dùng ống dòm để điểm mặt từng người một. Mặt khác, tôi đã trao hai suất vé người nhà cho Phil và Jenny. Dĩ nhiên, với tư cách cựu sinh viên, ông già mặt lạnh có thể vào, và ngồi chung với lớp niên khoá ’26. Nhưng ông ấy chắc gì muốn làm chuyện đó? Tôi muốn nói, chả lẽ các ngân hàng phải đóng cửa sao?
Lễ cưới tiến hành vào ngày Chủ nhật, tại Giáo đường Phillips Brooks, một nhà thờ cũ kỹ nằm ở phía bắc khuôn viên Harvard. Chúng tôi không mời bà con thân hữu của Jenny, vì không muốn họ phiền lòng khi thấy chúng tôi chả thiết tha gì đến Cha, Con và Thánh thần của Thiên Chúa giáo. Timothy Blauvelt, cha xứ của trường, làm chủ hôn. Lẽ tự nhiên là Ray Stratton phải có mặt, tôi cũng mời thêm Jeremy Nahum, một gã bạn học cũ tốt bụng ở Exeter, gã kéo theo một cô bạn gái tên Amherst. Jenny mời một bạn gái ở Briggs Hall, và có lẽ vì tình cảm, cô bạn học cao kều cùng ngồi ở bàn đăng ký mượn sách. Và dĩ nhiên là có Phil.
Tôi giao Ray nhiệm vụ chăm sóc cho Phil. Nghĩa là, cố làm cho ông cảm thấy thoải mái. Gã Straton này đâu có được đức tính kiên nhẫn đó ! Cả hai bác cháu họ ngồi loay hoay, bứt rứt, người này lặng lẽ gửi tới người kia những phát biểu không lời : " Cứ coi như là dđám cưới của chính ta đi! (nếu như Phil nói) , và nó sẽ là (nếu như Stratton nói) "một pha trình diễn vô cùng kinh khủng!" Vì lát nữa, tôi và Jenny sẽ trao gửi cho nhau vài lời khuôn mẫu. Chúng tôi đã có dịp xem người ta làm thế nào vào đầu xuân ấy, trong đám cưới của Marya Randall, một cô bạn cùng nhóm nhạc của Jenny, với một sinh viên khoa thiết kế tên là Eric Levenson. Đó là một điều tuyệt diệu, và đã gợi cho chúng tôi nhiều ý tưởng.
"Hai bạn đã sẵn sàng chưa ?" Cha Blauvert hỏi.
"Dạ đã." Tôi đáp thay cho cả hai.
"Các bạn," Cha Blauvert nói với mọi người, "chúng ta hiện diện tại đây, để chứng kiến sự kết hợp hai cuộc đời trong hôn lễ. Hãy cùng lắng nghe những lời mà họ đã chọn để nói với nhau trong buổi lễ thiêng liêng này."
Cô dâu nói trước. Jenny đứng đối diện với tôi và đọc lại câu thơ nàng đã cất công tuyển chọn. Nó rất sống động, đặc biệt đối với tôi, vì đó là một bài sonnet của Elizabeth Barrett :
"Hồn ta kề cận bên nhau
Lặng im đối diện ta trao ân tình
Mãi khi lửa cháy tan tành…"
Qua khóe mắt, tôi trông thấy Phil Cavillery, xanh xao nhợt nhạt, mắt mở to ngạc nhiên và cảm động. Chúng tôi nghe Jenny đọc đoạn cuối khúc sonnet, ở một ý nghĩa nào đó, là một lời nguyện ước :
" Một nơi ta vẫn yêu thương
Ngày kia khi bóng tối buông quanh mình
Và chuông tử biệt ngân vang."
Rồi tới lượt tôi. Thật khó tìm được một đoạn thơ nào để tôi đọc mà không đỏ mặt. Tôi không thể nào đứng đó, trích ngâm những câu ron ren hoa gấm. Không thể được. Nhưng rồi một đoạn trong Bài ca của con đường của Walt Whitman, dù khá ngắn ngủi, đã thay tôi nói nên lời :
"…Ta trao em tay ta.
Ta trao em tình ta quí hơn tiền bạc.
Ta trao em chính bản thân ta, trước tôn giáo và luật pháp
Em có trao tặng ta bản thân em ? Em có cùng ta lãng du.
Mãi mãi bên nhau trọn đời trọn kiếp ?"
Tôi kết thúc, và trong phòng rộn lên tiếng vỗ tay vui vẻ. Rồi Ray Stratton đưa cho tôi chiếc nhẫn. Jenny và tôi – hai đứa – đọc lời thề ước - từ giờ trở đi, cả hai sẽ yêu thương gắn bó bên nhau, cho đến lúc cái chết chia lìa đôi lứa.
Và với thẩm quyền đã được Nhà Chung Massachusetts ban, Cha Timothy Blauvert tuyên bố chúng tôi là vợ chồng.
Hồi nhớ lại, "cái trò lễ lộc" của chúng tôi (như Stratton nói) rõ là chơi mà thật, thật mà chơi. Jenny và tôi không đãi sâm-panh, và vì khá ít người, chúng tôi có thể cùng ngồi ở một phòng nhỏ, chúng tôi tới uống bia ở quán của Cronin. Tôi nhớ, Jim Cronin đã xếp cả đám thành một vòng tròn để chúc mừng "vận động viên hockey vĩ đại nhất từ thời anh em nhà Cleary" .
"Tầm bậy", Phil cự lại, đấm tay xuống mặt bàn, "Nó bảnh hơn tất cả anh em nhà Cleary cộng lại". Ý của ông là, (tôi tin ông chưa hề trông thấy một trận đấu hockey ở Harvard), dù cho Bobby hoặc Billy Cleary trượt khá thế nào, chả ai trong hai người cưới được cô con gái rượu yêu quí của ông. Tất cả chúng tôi đều say khướt.
Tôi để cho Phil thanh toán tiền, một quyết định mà sau đó đã khơi gợi ở Jenny một lời chúc tụng hiếm hoi về tình trạng không tiền đóng học phí của tôi ("Anh sẽ thành người đấy, công tử" . Lúc tàn cuộc, khi chúng tôi đưa ông ra xe bus, cũng hơi lâm ly chút xíu. Nghĩa là, đẫm nước mắt. Của ông, của Jenny, và có lẽ cả của tôi nữa. Tôi không nhớ gì ngoài một điều là lúc ấy thật ướt át.
Dù sao, sau mọi câu cầu chúc, Phil cũng bước vào xe bus. Chúng tôi chờ và vẫy tay chào ông cho đến khi chiếc xe đã khuất khỏi tầm mắt. Và khi đó, tôi nhận ra một thực tế tuyệt vời.
"Jenny, chúng ta đã chính thức kết hôn rồi."
"Vâng, giờ thì em đã là một mụ nạ dòng."
Nguyễn Thành Nhân dịch