Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.163.606
 
Ðồng quê phỏng sự
Phi Vân
Chương 1

Lời tác giả

Ðây là những bài báo. Bởi thế cách hành văn cũng như nội dung đều có tính cách “nhật trình”. Lối văn gần như cẩu thả.Câu chuyện có vẻ nhất thời.

 Nhưng tôi cứ để nguyên cho xuất bản. Nghĩ rằng: hồi ấy tôi đã để ngòi bút chạy theo giòng ý tưỏng, dầu khéo dầu vụng, cách thuật chuyện cũng được cái đặc điểm là ghi tâm trạng bài lúc viết. Hình ảnh những nhân vật trong chuyện - những người đã cùng tôi sống chung – ngày nay đã mờ trong ký ức.

Kể lại một quãng đời phải chăng là sống lại với ngày qua? Có lẽ thế. Nhưng tôi muốn xa hơn: Vẽ một bức trang phong tục và tập quán.Thật là quá cao vọng. Tự thấy còn thấp kém, nhưng tôi vẫn cố gắng. Ðây là những bài đầu, tôi ước mong sẽ có thể viết thêm.Nếu chưa hiến được độc giả những bài đúng theo nguyên tắc tôi đã tự vạch, thì xin hẹn lại ở những bài sau.

Phi Vân

 

Thay lời tựa

Chổ hứng thú của quyển phóng sự ấy là nó cho ta thấy những phong tục cũ kỹ ở thôn quê, những tin tưởng dị đoan của hạng bình dân lao động. Nó cho ta thấy những cuộc giao tiếp, xung đột giữa bọn điền chủ và tá điền, những tâm hồn mộc mạc trong bọn này và những vai quyền thế lực của bọn kia. Ðọc qua, chúng ta thấy mình len lỏi chốn đồng quê, đang mục kích những cuộc tụ họp chơi bời, những cảnh cần lao rộn rịp. Thỉnh thoảng như đưa lại giọng hò trầm bổng trong đám gất, như phất lại mùi thơ thanh đạm của lúa vàng.

 

Tác giả lại còn dắt ta đi quanh co trong những sông rạch ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau và sao mấy ngày dạo chơi mệt mỏi, tác giả dừng lại cho ta thấy một cảnh sắc êm đềm: Trên bờ sông Trẹm, lững lò mấy làn khói trắng bốc lên và dưới hàng dừa xanh tươi, một thiếu phụ ẵm con đứng đợi chồng về, lâu lâu đuổi bầy gà đang bới trên giồng rau cải. Hoặc giữa đêm trường vắng vẻ, chiếc thuyền xuôi mái theo rách Bần, tác giả mời ta trông lên bờ sau hàng dừa nước âm u, một vài ánh đèn le lói, nghe từa xa đưa lại tiếng chày giã gạo, tiếng chó của đêm... được kể lại rất tài tình những điều quan sát rất kỹ càng, làm cho ta như nghe, như thấy, lúc cảm, lúc vui, tất phải chờ một ngọn bút tỉ mỉ mà linh hoạt, một giọng văng thành thật mà hữu duyên, một cách viết tự nhiên, không rườm rà mà đầy đủ.

 

Ông Phi Vân đã gồm cả mấy điều kiện ấy: Quyển phỏng sự của ông như một tấn tuồng gay cấn đặt trong cảnh trí xanh tươi: Hay là - muốn nói cho rõ hơn – nó là một “nông kịch” chia  ra nhiều lớp: có hồi hộp, có vui cười và sau rốt kết cuộc rất thương tâm, khiến cho độc giả phải ngậm ngùi cảm động.

 

Có lẽ đó là bài luân lý sâu sắc mà tác giả không muốn chỉ cho rõ ràng, để ta tự hiểu ngầm mà thương hại cho hạng nông dân lao lực. Họ sống một cuộc đời mộc mạc, siêng năng; nhưng mãn kiếp phải làm nạn nhân cho bọn giàu sang thế lực. Mà cả thảy chúng ta, theo như tác giả nói lại là “nạn nhân của một thời kỳ”; cho nên đối với mọi người ta nên để lòng thương hại và thứ dung, và nên cầu nguyện cho chốn đồng quê được hút vui tươi yên ổn...

 

(Trích lục một đoạn bài diễn văn của giáo sư Nguyễn Văn Kiết chủ tịch ủy ban văn chương của hội Khuyến Học Cần Thơ đọc trong dịp lễ phát giải thưởng văn chương Thủ Khoa Nghĩa năm 1963)

 

 

Phần thứ nhất

Phỏng Sự Ngắn

 

Muốn Ăn Trứng Nhạn

 

Không biết mỗi bữa trưa hè oi ả, trời nắng nung người, có ai nghe người đàn bà Bạc Liêu đưa võng kẽo cà kẽo kẹt ru con:

Tháng ba cơm gói ra hòn,

Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai...

Mà ngao ngán nỗi gì không?

Riêng tôi, có một dạo, đang thất thểu trên đường từ Vĩnh Châu ra Biền, nghe được câu hát này, tôi thấy thích thích, đoán chừng rằng Hang Mai có lẽ là ở miền nào xa lắm. Tôi định có ngày đến viếng cho thoả lòng.

 

Bây giờ tôi đứng trước Hang Mai!

Cho hay nếu mình chịu bước chânđi thì còn lạ gì với những cái tên mà mình cứ tưởng tượng nó ở đầu trời cuối biển nào!

Hang Mai là gì?

Các bạn giàu tưởng tượng đừng cho rằng Hang Mai là một chổ mà vào mùa đông lạnh, hoa mai vươn cánh khoe vàng!

 

Không, “Mai” đây chỉ có nghĩa là quê mùa cổ lỗ ở chốn đồng quê là... là... Khỉ !

Vậy, Hang Mai tức là hang của loài khỉ.

 

Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm (Cà Mau) bắt đầu từ Kinh Biện Nhỉ, phía dưới công sở trổ ra Tiều dừa.

 

Kêu là “kinh” cho nó oai một chút chớ nó quanh co như “cửu khúc trường xa!” Nó có không biết bao nhiêu ngách và không biết bao nhiêu trấp cản đường.

Ở hai bên bờ, người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá.

Tôi được một lần đi suốt con kinh Hang Mai, và đi một cách “đàng hoàng” vinh diệu.

 

Ông Xã trong làng gả con gái.

 

Ông Xã mà gả con gái thì phải biết, cái đám ấy nó long trọng đến bực nào ?

Muốn có “cái gì” thêm long trọng hơn nữa, lúc đưa con về nhà chồng, ông lại tìm ngay chúng tôi:

- Thằng Sáu mầy có tài ăn nói, thằng Năm mầy có ngón đàn hay, vậy bây vui lòng theo tao qua bên “đàng trai” cho “rôm” và để bên ấy biết rằng làng mình cũng có lắm “nhân tài” !

Tôi ngồi và vò ngón tóc:

- Từ đây qua rạch “Bà Già Sốc” xa quá cậu à ! Vả lại tôi có tật ngủ sớm, hể thức khuya một chút là muốn nằm liệt ra rồi !

- Không sao, xuống ghe tha hồ ngủ, hại gì mậy !

- Úy, thần rừng quỉ bụi đất Khánh Lâm nầy ơi, nhè ở đây mà cậu bảo ngủ dưới ghe cho muỗi mỏng nó tha đi !

- Cái thằng! Không mấy thuở cậu mượn mà lại làm bộ làm tịch !...

Thằng Năm xen vào:

- Ði mầy, ra miệt biển chơi, xuống ghe tao đàn cho mầy nghe, buồn ngủ thế nào được !

Rồi nó láy tôi ra ngoài:

- Mầy ngu lắm, tội tình gì mà để “chúng nó” đi riêng một mình !

- Chúng nào ?

- Con Tư ông Chủ, con gái Bộ Liếm, con Tám, chớ còn chúng nào nữa ! Tụi nó sẽ đi chung với mình một ghe, gục chung với mình một lượt, chẳng là “sung sướng” lắm à ?

 

Ðường về rạch Bà già Sốc dài trên ba chục cây số, phải đi suốt con kinh Hang Mai dọc ra mé biển.

Ðàng trai lại rước dâu vào lúc mười giờ tối. Lễ xong, chúng tôi cùng nhau xuống ghe lườn. Ðàng trai đi hai ghe, đàng gái theo hai ghe, một ghe ông già bà cả, một ghe thanh niên. Ai trông thấy cũng thì thào khen ngợi, không hỗ danh ông Xã chút nào.

 

Tôi mắc lo theo đuổi lũ con gái, quên coi thằng Năm nó vác cây đờn kìm thế nào mà lâu lâu cái thùng đờn khua leng keng leng keng in như tiếng chuông của thằng Chệc bán bông cỏ.

Vào một đêm không trăng. Sao đầy trời. Bóng đêm bao phủ nhu bức màn mờ.Gặp mùa gió bấc, ngồi trong mui chẹt nghe hơi sương xuống, cũng đủ lạnh lùng.

 

Thỉnh thoảng ngọn gió đồng hiu hắt lùa vào khoang gần tắt phụp ngọn đèn dầu. Bên ngoài, các anh chèo vừa nhịp mái ăn rập vừa “hò khoan” vang dậy.Bên trong, ngồi đối diện với mấy cô áo máu xanh đỏ, thằng Năm cảm hứng lên dây Tố lan đờn một bản Vọng cổ rặt “mùi”.

 

Tôi bị con ma buồn ngủ kéo hai mí mắt gần sụp, nhưng sợ gục lên gục xuống, “con Tám” nó cười, nên rán dềm vững cái cần cổ. Tuy vậy chút chút cái đầu cũng gặc qua được một cái như để nhịp “song lang” giùm cho thằng Năm.

Các cô ngồi thủ thỉ, lâu lâu chăm chú dòm thằng Năm đang “hỉnh mũi” cho mấy ngón tay nhấn vuốt hai sợi dây đờn.

 

Hố hò khoan

Con gái ông Bang

Che dù che lọng,

Con gái bà bóng

Thổi lửa tắt đèn...

Cà rùm tùm beng.

 

Hố hò khoan

Con đỉa đeo bà,

Con gà cục tác,

Mỏ nhát cầm chèo,

Con mèo cầm lái,

Con rái chạy buồm,

Con tôm tát nước...

Là cái hố hò khoan...

 

- Ghe ai đó ngừng lạI !

Bên ngoài, bỗng có tiếng hét vang lên.

Tiếng hò khoan dứt ngang.

Thằng Năm nhè nhẹ để cây đờn xuống.

Các cô xanh mặt dòm giáo giác.

Tôi đang gục lia cũng hoảng hồn nhảy ra ngoài.

 

Ba ghe trước đều buông chèo. Ðàng xa hơn, mấy ngọn đuốc sáng lòa từ trên xuồng nhỏ nhô ra.

Dưới ánh sáng, mấy anh chàng lực lưỡng, mình trần trùi trụi, đang phò anh chúa đoàn, bơi ào lại.

- Ăn cướp mầy Năm ơ i!

Thằng Năm “mẹ thỏ” vừa nghe tôi kêu cướp đã tuôn ra ngoài phóng đùng xuống kinh lội vô bờ lủi mất.Các cô run lên cầm cập sa sầm áp níu lấy tôi. Bụng tôi đã thấy điếng mà bị “con Tám” ôm ngang cần cổ lại càng điếng hơn nữa.

- Mấy ghe kia lập tức ngừng lại, thằng Sàng[1] ở đây!

Giọng hét sang sảng như Trương Phi hét Tào Tháo ở cầu Tràng Bản. Mấy anh chèo bên ghe tôi khiếp đảm cũng nhảy đùng đùng xuống nước. Tôi vội thổi tắt đèn, xô mấy cô nằm rạp dưới khoang ghe, rồi ngóc đầu lên dòm.

Bọn cướp lục ghe dâu rầm rầm.

 

Nghe tiếng khóc xen lẫn tiếng hăm doạ, tôi rợn người toan chỗi dậy nhảy đi, nhưng mấy cánh tay các cô bấu chặt như sam, không tài nào gỡ nổi.Thôi thì, hoạ mang, mang lấy cho cùng, tôi chết sững đợi đến số phận mình.Nhưng... bọn cướp đã hô “buồm” và mấy chiếc xuồng rẽ nước bắn đi... Hú vía! Thì ra họ đã “no hàng” ở ghe đàng trai, không cần đến chúng tôi nữa.Tôi lồm cồm ngồi dậy, đỡ mấy cô áo màu lên. Áo màu không còn là màu nữa. Bùn nước trong khoang ghe đã nhuộm thành rằn ri mất rồi, mà mấy cô chỉ là những tàu lá đang run.

Không kịp lên tiếng hú coi thằng Năm núp ở đâu, và đến coi ghe đàng trước lành dữ thế nào, tôi ngẫm nghĩ bậc cười nhớ đến câu hát trên đường Vĩnh Châu:

 

Tháng ba cơm gói ra hòn,

Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai...

 

Châu Xương, cử Thanh Long Ðao!

 

Hồi ấy bạn tôi và tôi còn gõ đầu trẽ để “kiếm xu mua gạo” trong cái làng mà nghe đến tên, các bạn sẽ rùng mình: Làng Rạch Cóc! Thằng Năm Quấy (bạn tôi) có tánh liến thoắng, chưa gì đã bàn tìm nơi khác để sanh phương. Anh ta bảo:

- Thôi đi, ta sợ cóc lắm, vô trong ấy, buổi cơm nào người ta cũng ăn toàn là cóc thì chết đói vẫn hoàn chết đói!

Nhưng một tháng sau, chúng tôi đã “quen nước quen cái” với xóm Rách Cóc.Cóc đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn là thầy Rùa, Thầy Pháp, ông Ðồng, bà Cốt, cô Tư, cô Hai, cô Bảy.

 

Các bạn đừng thêm: cô Năm Bến Tre, cô Ba Cần Thơ... coi chừng cái cần cổ: mấy cổ vặn họng thì không khéo phải tốn một con gỏi...[2] Ở đây có xác Ông - tức Quan Công – là được nhiều người rước nhất. Nhưng muốn cầu Ðức Quan Thánh về thì phải tốn một con heo: con heo ấy, sau khi lễ đàn rồi, lẽ cố nhiên là phải về tay ông Xác.Chúng tôi đã được xem nhiều lân cách chữa bịnh của xác Ông, và lần nào cũng như lần nào, thấy con heo to tướng đặt ngay bàn giữa, thằng Năm Quấy cũng bảo tôi:

- Cái thằng cha xác không biết nó ăn làm sao cho hết mấy con heo!

Ông Xác làng Rạch Cóc có vẽ oai nghi đặc biệt mà lúc Ông đã nhập vào rồi thì xem còn lẫm liệt hơn nữa.

Và lúc Ðức Quan Vân Trường nạt to:

- Châu Xương, cử Thanh Long đao!... thì ngài liền tung mình đi một bộ võ tuyệt diệu.

Ðứng ngoài xem, tôi cũng phải khen thầm: “Quả thật đệ nhất anh hùng!” còn bao nhiêu khán giả khác đều cúi đầu, mặt lộ vẻ sợ sệ: “Ông đang cử Thanh Long đao, coi chừng!” Mỗi khi xem tới khúc ấy, thằng Năm Quấy thúc hông tôi, bảo nhỏ:

- Châu Xương chưa kịp cử đao, sao ông hươi sớm thế ?

Tôi trả cái thúc lại, cũng bảo nhỏ:

- Câm miệng! Coi chừng Ông vớt trái!

Quên cho các bạn biết chúng tôi đang ở đậu nhà ông Cả trong làng. Một hôm, con gái ông đau. Ông Cả vốn là người không tiếc một con “gỏi”, nên vời ngay xác Ông đến và sửa soạn nhà cửa cho lễ đàn tiện bề tiến hành.Gia nhân làm thịt một con heo đúng tạ. Thằng Năm Quấy lại bảo với tôi:

- Ðấy! Thêm một con nữa. Mới có ba hôm mà nó đã được hai con rồi, khoái thật!

 

Tối lại, gần hết dân trong làng đều tề tựu trước nhà ông Cả để chờ xem lễ đàn. Ðèn đốt sáng trưng. Gia quyến ông Cả đều đứng ngoài nhà trước, chỉ có hai chúng tôi là từ trong ngó ra, không phải chen lấn ở hạng “cá kèo” như mọi lần khác. Ông đã nhập xác.Ai nấy đều đứng im.

- Ta là Quan Vân Trường, Hán Thọ đình hầu!

Ông lại còn nói thêm, nói nhiều lắm, hỏi nhiều lắm.

Ông Cả vừa run run vái lạy, vừa lập cập trả lời.

Thằng Năm Quấy thì cứ mải nhìn... mấy cô gái ở hạng “cá kèo”.

- Châu Xương, cử Thanh Long đao!

Tôi đang chăm chú xem, bỗng giật mình đánh thót vì bên tai có tiếng la:

- Dạ !

 

Thôi chết rồi, thằng Năm Quấy làm sao thế ? Ừ chính người lên tiếng là thằng Năm Quấy, mà thằng Năm Quấy bây giờ lại cầm dao phay sáng giới từ chỗ đứng nhãy phắt ra, phùng mang, trợn mắt múa vù vù xem ghê quá. Trong khán giả, tự nhiên có tiếng xầm xì. Thằng Năm Quấy múa một vòng như Chệc Sơn Ðông mãi võ, làm khán giả sợ sệt lấn nhau lui xa ra.

Không còn một cái đầu nào dám nhìn lên. Thằng Năm Quấy vẫn múa. Tôi đứng cạnh chỗ xác Ông, thấy ngực lão ta phập phồng và miệng lão ta há hốc. Lúc thằng Năm Quấy múa gần ông ta, tôi nghe có tiếng bảo:

- Chia hai! Chia hai!

Nó múa thêm một vòng nữa rồi quì xuống dưng cây dao ngang mày.

Chụp lấy con dao, mặt Ông trở lại oai nghi, Ông tung mình đi một bộ võ tuyệt diệu.

 

Khán giả vẫn cúi đầu.

 

- Mình phải chia ăn chớ! Mầy xem, mới có ba ngày mà nó được những hai con rồi!

Trời ơi, nghĩ được cái ý ấy, ta sướng quá và phục... tao quá! Tao không thèm cho mầy hay là sợ mầy cản trở. Trong lúc tụi nó lục đục ở nhà trước, tao xuống bếp lấy con dao đem giấu phía sau tấm vách giữa, rồi tao chực hờm khi nói kêu “Cử Thanh Long đao” là nhảy ra. Sẵn trước kia có làm thầy tuồng cho gánh hát Thái Dương của thằng cha Cống Quỳnh, tao có học quơ bậy cặp song tô, nên đến khúc ấy tao chụp dao quậy vù vù cho tụi khán giả sợ lui ra xa.

Tao biết rồi, thế nào thằng chả cũng nói với tao một cái gì, mầy bảo có “thánh” lắm không?

 

Trao thân con khỉ mốc !

 

Hương Ba càu nhàu: “Cái làng gì mà kỳ khôi quá! Các ông nghĩ: Làm cha mẹ, ai cũng muốn cho con nó được nên vợ nên chồng, đàng này họ mảng bo bo mấy cái hủ tục bắt bẻ từ chút, đòi hỏi từ cái lễ mạn, đã thèm rồi mới chịu gả con gái...

- “Chịu gả” mà có xong cho đâu! Ðây để tới lúc mình tới rước dâu rồi chú coi, chém chết ông Bái hay ông Tộc trưởng bên ấy cũng “vặn anh cai Sót đủ điều...”

Ông Chánh Khá nói thêm một cách chán nản:

- Mà cái xứ gì ở xa tí-mù!

Rồi chán nản nhìn hàng cây mắm ở ven rừng, “giẵm chân” bên bờ sông Ông Ðốc.

Chiếc ghe máy có cái mui ngạo nghễ, khoe những dâyc ờ lon con, giăng từ cột buồm ra sau lái.

Tiếng máy chạy sình sịch.

 

Trời về chiều.

Tàu chạy hôm nay nữa là hai hôm rồi: sông Ông Ðốc, kinh xáng Bà Kẹo, Ðầm Cùn, kinh xáng Thọ Mai, nhưng xóm Kiến Vàng vẫn còn xa lơ xa lắc.

 

Họ đàng trai đã mệt nhọc ngồi trong chiếc tàu chật hẹp. Người ta ăn hết ba lượt bánh mì với thịt quay mua ở Cà Mau. Chú rể ngày đầu còn khăn đóng áo dài, hôm sau đã cổi dẹp lại một bên, mặc chiếc áo thun giả ngồi ở trước mủi tàu ngong ngóng, thỉnh thoảng vươn vai hít không khí rồi cú rũ nhìn lũ trẻ trong xóm chạy theo tàu trên bờ sông vỗ tay reo:

- Ê! Ðám cưới!...

“Ði họ” còn có coả ba cô gái: áo tím, áo xanh, “bọt bê” dài thườn thượt.

Các cô tỉ mỉ từng chút, luôn luôn sẽ nhặt sống áo và lai quần hàng thẳng bóng để đôi giày cườm khỏi vướng mà làm lấm hư đi...

Hôm xuống tàu, ba cô chọn một chỗ sạch ngồi nói chuyện với nhau khe khẽ, ai mời ăn gì cũng từ chối, thỉnh thoảng đưa cái bốp đầm lên soi kiếng, sửa lại cái vành môi.

Nhưng hôm nay, ông Chánh Khá đã vắt cái áo đen trên vai và gói cái khăn đóng lại; ông chủ hôn Cai Sót đã nằm ngáp trên chiếc sập con, thì các cô cũng đành chia nhau ăn mấy khúc bánh mì còn sót lại.

 

Son trên môi đã hoen ố, phấn trên má cũng phai đi từ khoảng. Chiếc khăn mù soa đã được nằm trong túi, không còn đeo đẳng với tay nữa. Vì hai bên bờ, rừng tràm và dừa nước, muỗi nó kêu vang lên như khát máu, đập bằng tay có hiệu nghiệmhơn, chớ cầm cái khăn mà chặm chặm thì nó không thắm tháp vào đâu cả.

Hương Ba càu nhàu mãi, và ngán lần đến lúc ông phải đem khay trầu rượu đi trình đàng sui gái...

 

Năm nay đã gần tứ tuần, nhưng ông còn có vẻ... thanh xuân! Lần này là lần thứ mười tám ông đi làm rể phụ. Hễ bọn thanh niên trong làng có cưới hỏi, là người ta nhớ đến ông, vì ông đã từ trải lắm rồi, lại biết đủ tục lệ.

Ông thường bảo với bọn trẻ:

- Các cậu đừng tưởng làm rể phụ là dễ đâu. Ðể các cậu lãnh vai ấy thì có mà hỏng bét...
 

Anh tài công cho hay:

- Khỏi vàm Mang Giỗ rồi, còn hai cái doi nữa là tới Kiến Vàng!

Trời tối đen. Bầy muỗi tha hồ bu cắn mấy ông đi họ đang sật sử.

Nhưng người ta đã giục nhau:

- Sửa soạn mau lên!

Ông Cai Sót hớt hải:

- Mấy giờ rồi, mấy giờ rồi?

- Mới có mười giờ. Qua giờ Tý mới đúng.

- Thây kệ, giờ nào, tới thì phải lên, đã gần chết rục rồi đây!

Người ta hấp tấp sửa soạn. Hương Ba gò rẫm khăn đóng cho ông Cai Sót; chàng rể gài khuy cho ông Chánh Khá.

 

Bà sui trai và hai người đàn bà đi họ, mấy ngày giam hãm trong chiếc buồng con đàng sau lái tàu để xới trầu và xỉa thuốc, bây giờ cũng thấy hăng hái xếp đặt lại cái hộp trầu.

Ba cô thiếu nữ nheo mắt lo đánh vội một lớp phấn và rán vẽ được hình trái tim trên đôi môi đỏ óng. Người ta phủi lại nếp áo, người ta chùi sơ lớp bụi đóng trên mũi giày. Cây đen tren lủng lẳng giữa tàu giọi trên vách mấy cái bóng người đi đi lại lại.Ông Hương Ba đã hờm sẳn khay trầu rượu xây qua dặn chàng rể:

- Thanh, mầy bưng cái khay hộp theo tao nhé! Lúc làm lễ, hễ tao đặt khay trầu rượu ở bàn nào thì vợ chồng mầy sẽ lạy ở bàn đó... mà nhớ luôn luôn đứng bên tay trái nghe, “nam tả nữ hữu”, rán học cho nằm lòng! Rồi tiếp:

- Còn tại thằng Trí, bưng mâm, khéo lọt mấy trái cam đa, không được giỡn hớt như ở nhà, ở đây người ta khó lắm, coi chừng!...

 

Còn thằng nào đó, coi qua cái doi chót thì nhớ đốt pháo lên ! Tiếng pháo bắt đầu nổ vang cả xóm thì xa xa có tràng pháo trả lời. Trên bờ sông mấy con chó hè nhau đứng sủa... Tàu ghé bênc ái cầu có nhà mát. Cả đoàn lần lượt lên bờ và sắp hàng có thứ tự đi vô sân, đứng đợi.Trong nhà khách, ba bốn ông lão đang nói chuyện vang quanh chiếc bàn tròn trải khảm đỏ!

Mấy cây đèn sáp rọi sáng cả gian nhà. Một bọn trai tráng mặc áo dài đen chạy lăng xăng, pha trà, bưng chén. Họ đàng trai vẫn đứng ngoài chờ. Hương Ba nóng ruột:

- Mẽ ! Tại sao không có người ra mờI ?

Một câu nói trịnh trọng từ trong nhà khách đưa ra dường như để trả lời:

- Bây ra ngoài mời họ đàng trai đứng chờ đấy. Chưa tới giờ đâu!

Chưa tới giờ! Mấy tên bưng mâm chán nản. Thằng Trí lầm bầm:

- Ðợi tới giờ thì gãy mẹ cái tay đi còn gì! Mỏi thấy tổ rồi đấy!

Ông rể phụ bực mình ghé vào tai ông Chánh Khá:

- Giượng là trưởng tộc, rán đối đáp! Bây giờ mình cứ việc... Tôi sẽ đém dán đôi liễn, rồi thì mình xin cưới đặng về cho kịp con nước một giờ!

Thế là Hương ba bước liều vô nhà và đến đặt khay trầu rượu trên bàn giữa. Mấy ông lão trợn tròng.Ông Bái run run, khẽ kéo cái gọng kiếng sụp xuống chót mũi, đầu nghiêng phía trước, cái búi tóc lọt ra ngoài lớp khăn đóng, dựng đứng lên như tức giận, ngó thẳng vào mặt Hương Ba, dữ tợn. Nhưng Hương Ba đã chắp tay:

- Dạ... Xin... cho phép tôi... dán đôi liễn.

- À ! Dán liễn ! Mà đã tới giờ đâu? Không phải các ông muốn tới bắt con gài người ta lúc nào cũng được!...

- Dạ, tôi chỉ xin dán liễn!

Một ông họ gái già sọm có cái mép lởm chởm mấy cọng râu ngắn dài không đều, che mái lưa thưa trên hai làn môi mỏng đang “hăm” lui tuốt vô miệng để cái càm lấn nước nhô ra như một lái tàu xà lúp...: làn da mặt nhăn nhíu khô đét như vỏ cây khô cháy nắng; tất cả sự sống đều dồn về cặp mắt loang loáng chỉ nhìn vòng qua cái gọng kiếng bằng thau; cái khăn đóng quấn suông hai vòng, cao, dầy, để lòi ở từng thượng một búi tóc bạc phơ. Cả gương mặt có một vẻ gì vừa lạnh lẽo, vừa gay gắt mà một đứa bé con thấy được là phải khóc ngay!

 

Ông họ ấy đang chăm bẳm nhìn mọi người với những nét nhăn không cảm giác, sực lên tiếng khi nghe Hương Ba nói tới liễn.

-          Dán liễn à! Ðược!

Chương : 1   2    3    4   
Phi Vân
Số lần đọc: 3422
Ngày đăng: 24.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Cùng một tác giả