Con đường xuôi về Nam bên kia dãy Trường sơn nắng , nóng , thi thoảng một cơn mưa rào nhỏ , nước không thấm được vào đất , đường khô, nhiều bụi. Chiếc xe tải hai cầu của Hùng và Tường Long tiến dần vào phía Nam, nhiều đoạn chỉ có hai vệt xe lún sâu , bên phải là vực sâu , bên trái là núi cao , bốn bánh xe lọt xuống cái rãnh đó, đi mãi. Đôi chỗ gờ đất giữa hai lằn xe cạ vào trục xe … Mười ngày, con đường trở về ngắn dần , đêm đi , ngày nghỉ , gió Tây nam đã dịu , buổi chiều trời vần vũ nhiều hơn. Hùng biết , bây giờ anh đang ở phía Tây tỉnh Đắc lắc , con đường đất đỏ chạy từ Stung-treng của Campuchia cắt ngang con đường mòn vạn dậm từ Bắc vào Nam, chỉ 30 phút bay anh có thể đến bờ biển quen thuộc , ở đó có hai Thắm, người đồng đội dịu dàng ba năm về trước … Hôm đó là ngày 12 tháng 3 năm 1971 …
Hai Thắm mặc chiếc quần Jean đúng mode ôm gọn vùng mông tròn và chiếc đùi thon rất đẹp, phía trên chiếc áo thun bó sát , môi phớt hồng , mắt kẻ một lằn chì đen làm cho đôi mắt hơi xếch , vốn dáng giống những cô gái Trung Đông thêm sâu thẳm , má ửng … Hôm nay , nàng rất hồi hộp , chiếc giầy da đế cao duyên dáng bó gọn chiếc chân nhỏ , bước từng bước chậm trên con đường dẫn đến quán . Con sẻ tre. Thường ngày , hai Thắm không trang điểm nàng đã rất xinh , hôm nay nàng đẹp bội phần , có lẽ , Thắm muốn dành cho Hùng bất ngờ trước sắc đẹp rực rỡ đã được trau chuốt . Kể từ hôm gặp nhau ở bãi dương , đôi má Thắm lúc nào cũng nhồn nhột như kiến bò, nong nóng như ngồi trước bếp than hồng mùa Đông. Công việc , khiến những lần hẹn gặp trở nên thường xuyên và hấp dẫn. Thắm quan tâm đến tất cả những gì có liên quan đến Hùng , nàng mong cho đến ngày hẹn , một phần để gặp Hùng trao đổi tin tức , một phần nàng rất nhớ , một sự nhớ mong khắc khoải …
Quán Con sẻ tre nằm trên con đường chính chạy dọc theo bờ biển , bên trong là những chậu phong lan treo chắn ngang quầy bên trong để những chai rượu , chai bia … những chùm hoa dài phủ xuống làm cho cô gái đứng trong quầy như lọt vào rừng hoa đủ màu sắc , lấp lóa càng đẹp hơn … Hai Thắm chọn một góc ngồi vừa nhìn được toàn bộ quán , vừa có thể nhìn thấy Hùng từ xa. Nàng đảo mắt , con đường nhựa dẫn đến phi trường nhiều người đi lại , những chiếc xe Jeep, xe mui rùa , xe Hoa kỳ nối đuôi chạy rất nhanh. Đồng hồ trên tường chỉ mười giờ, Thắm nóng ruột , ly nước chanh đã uống qúa nửa , một lớp nước do đá tan ra làm thành ngăn nước trong , che phần nước có màu đục bên dưới, nàng bưng ly nước vừa uống vừa nhìn về hướng con đường Hùng sẽ đến. Thắm bước ra khỏi quán trời đã gần đứng bóng , không thấy bóng dáng quen thuộc, nàng đi, đi mãi như vô định . Chẳng hiểu sao hai Thắm bước những bước dài về hướng phi trường , giật mình nàng quay trở lại, rồi như có một lực hút nàng bước về căn cứ Phi long … hai Thắm lang thang trên đường , lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ khác. Đến chiều , gần bốn giờ , hai chiếc trực thăng hạ cánh. Linh tính như mách bảo, hai Thắm ngước nhìn , đôi mắt dõi lên bầu trời, thiết tha. Nàng tự dằn lòng, biết đâu chiếc máy bay ở phía trước , có thể lắm , hình như của Hùng. Nàng trách vì sao Hùng không ra gặp nàng. Hai Thắm đâu có ngờ …
" Chiếc trực thăng hạ cánh , đẹp tuyệt vời " , thiếu tá phi đoàn trưởng phi đoàn 215 Đào văn Bính bật ra thán phục, rõ ràng thiếu úy Hồ Duy Hùng là một phi công có tài, chẳng hiểu sao đang bình yên , giờ lại … Hắn được lệnh của an ninh Không quân … và cố không để lộ ý đồ. Hồ Duy Hùng sau khi thực hiện phi vụ đang ở phòng trực ban để ghi kết qủa chuyến bay - công tác trong ngày , Bính đến phía sau :
- Mời thiếu uý ra gặp người quen…
Hùng sững sờ , anh vừa bước vào phòng trực ban đâu thấy ai, tuy thắc mắc , nhưng nghe nói người quen , Hùng viết dòng cuối cùng của phi vụ vận chuyển lương thực cho một đồn tiền tiêu ở phía Tây Đắc min , ký tên vào bản báo cáo , cục đá cuội nhẵn thín được đặt lên rất cẩn thận , Hùng bước ra cửa, lòng rộn lên … " Có lẽ hai Thắm , không , cô ấy không được phép vào đây, hay là Lan đến báo tin Trúc , có thể lắm , Lan đã đến một lần rồi …" Hùng cài cây bút nguyên tử vào túi áo bay thì chân anh cũng bước ra đến hành lang , ở hai bên cửa có bốn nhân viên an ninh của sư đoàn 2 Không quân ập đến :
- Thiếu úy, đề nghị ông giao súng cho chúng tôi.
Phản ứng tự nhiên , Hùng đặt tay lên báng súng … lập tức bốn tên an ninh giữ tay anh , thu súng , Hùng hỏi :
- Tôi bị bắt ?
- Không , chúng tôi theo lệnh cấp trên chỉ mời thiếu úy về phòng an ninh sư đoàn.
Hồ Duy Hùng biết , phản ứng chỉ dẫn đến hậu qủa xấu. Ngồi trên xe về phòng an ninh , suy nghĩ rất nhanh , anh kiểm tra lại mình lộ và bị bắt từ nguồn nào , bọn chúng phát hiện ra tổ chức quân báo mà anh đang hoạt động hay là mò ra lý lịch, gốc gác của gia đình. Có phải bọn an ninh biết anh liên lạc với hai Thắm trong thời gian gần đây , hay là Thắm để lọt vào tay bọn chúng các tần số liên lạc UHF VHF và FM dùng cho cả Không quân , Bộ binh và Pháo binh trong toàn miền Nam và khu vực Đông Nam Á. Nhưng , cuốn sổ tay ghi tần số cho các phi công anh vẫn còn để trong túi áo, Hùng rất cẩn thận , mỗi lần giao cho hai Thắm một ít , bằng viết tay. Đối với phi công trực thăng , khu vực chiến đấu và tần số liên lạc với pháo mặt đất vô cùng quan trọng, nó tránh các trận địa đang tác xạ của quân đội Sài gòn. Nếu quân ta có tần số liên lạc của Pháo binh và phi công , việc cơ động , phòng tránh rất có hiệu qủa. Chẳng lẽ , …
- Mời thiếu úy ngồi xuống :
Trứơc mặt Hùng là một đại úy và đứng ở góc phòng xoạc hai chân bằng vai , hai tay nắm lại ở phía sau lưng , một viên thiếu úy còn rất trẻ , có lẽ đó là sĩ quan phụ tá của sĩ quan điều tra … Hùng vừa ngồi xuống , câu đầu tiên viên đại úy hỏi :
- Cho biết họ tên.
- Thưa đại úy, tôi tên là Hồ Duy Hùng.
- Quê quán.
- Thưa làng Cấm Sơn xã Duy trung , huyện Duy xuyên , Quảng nam. Viên đại úy viết , hắn cúi xuống trước tờ giấy in sẵn những chữ và những khoảng trống … Hùng quan sát , nhiều lần , có lẽ vậy, viên đại úy có tên Phiên trên ngực , đã đi trên chiếc UH -1 của anh , anh nhớ không sai , dường như có lần hắn yêu cầu Hùng vòng ra ngoài khơi và bay sát mặt nước bãi Trũ , một bãi tắm tuyệt đẹp , ở một đảo cách thành phố Nha trang tới hai mưới phút bay để ngắm những cô gái đang phơi mình , có lần lượn hai vòng ở hòn Con sẻ tre , một bãi tắm hoang sơ chưa có bàn chân của con người xăm bãi , bay ra hòn Rùa , hòn Mun rồi hòn Tằm. Những lần như vậy, sau khi hạ cánh , bao giờ cũng vậy, hắn bắt tay Hùng cám ơn và nheo mắt tinh quái.
- Thiếu úy, ông cho tôi biết gia đình.
- Thưa đại úy, …
Đại úy Phiên lập tức nhấc bàn tay trái lên khỏi tờ giấy chừng một tấc, làm động tác vẫy ở trước ngực không để cho viên thiếu úy phụ tá an ninh nhìn thấy. Sau đó, Hùng hết sức ngạc nhiên thấy viên đại úy như rất vô tình rút trong xấp hồ sơ ra một tờ giấy ghi số VC03 ở góc để gần nơi Hùng ngồi , dường như anh ta muốn cho Hùng đọc. Chưa hiểu rõ đối phương muốn gì , anh không nói tiếp, liếc nhìn viên thiếu úy rồi liếc nhanh tờ giấy … Ngay dòng đầu , tên anh cả Hồ Duy Diệm và ghi chú "tập kết ra Bắc Việt", dòng thứ hai " Hồ Duy Lệ theo Việt cộng".Viên đại úy dằn giọng :
- Thiếu úy Hà.
- Dạ.
- Ra phòng hồ sơ , lấy xấp VC03 đem vào ngay.
- Dạ.
Viên thiếu úy vừa khép cửa, đại úy Phiên nhỏ giọng :
- Lý lịch của anh chúng tôi biết cả, cứ khai cho đúng.
Hùng ngạc nhiên nhưng anh hiểu , đây là một cử chỉ hữu nghị, cần phải mềm dẻo trong tình thế bất lợi hiện nay. Vừa định nói, Hùng càng ngạc nhiên hơn khi thấy đại úy đập bàn , giọng đanh lại , hét lớn khi cửa phòng vừa mở , thiếu uý Hà bước vào :
- Anh không khai thì đừng có trách tôi dùng sức mạnh.
- …..
Hùng hiểu ngay vẻ hững hờ nhưng bên trong ánh mắt dường như đại úy Phiên có cảm tình với Hùng :
- Anh có khai không ?
- Dạ.
- Khai đi.
- Thưa đại úy cha tôi mất tích đã lâu.
- Năm nào ?
- Dạ trước tháng bảy năm 1954.
- Được rồi , còn anh chị em
- Anh cả tôi tên là Hồ Duy Diệm, thời kỳ Việt minh đi học , nghe nói ra Bắc diện học sinh , tôi không liên lạc từ lâu.
- Tiếp đi.
- Người anh thứ hai tên là Hồ Duy Le , sinh viên Huế , nghe nói bị bắt đến Mậu Thân năm 1968 không có tin tức.
- Được, còn gì nữa?
- Dạ, chỉ có vậy.
Đại úy Phiên quay sang thiếu úy Hà :
- Thiếu úy dẫn ông Hùng về đơn vị, ông làm nhiệm vụ đi.
Thiếu úy Hà bước tới trước mặt Hùng :
- Xin mời, …
Thiếu úy Hà người thấp, da trắng xanh , tóc cắt ngắn , mắt nhỏ, cằm vuông , tuy cấp bậc thấp nhưng tỏ ra là một sĩ quan trung thành với chế độ. Hắn ngồi ở phía trước , trên xe , ngoài một trung sĩ lái xe còn có hai quân cảnh mặc sắc phục đeo súng ngắn ở trước bụng … Chiếc xe Jeep dừng ở dãy nhà nghỉ của sĩ quan phi công, thiếu úy Hà nhảy xuống xe, cùng với hai quân cảnh dẫn Hùng vào phòng ngủ, hắn đi nghênh ngang cánh tay khuỳnh , chiếc Kêpi vểnh thẳng ở phía trước như chiếc cuốc cá nhân , lúc nãy giống như chiếc còng số 8 ở trên đầu viên thiếu úy. Hắn hất hàm :
- Ông dẫn chúng tôi vào phòng ngủ của ông.
- Đây, phòng của tôi.
Hùng dẫn đến phòng số bốn , ngoài cửa sơn màu xanh non. Hắn gõ cửa giọng xấc xược :
- Mở cửa .
Người bạn cùng phòng với Hùng chậm rãi xoay ổ khóa bất ngờ đẩy mạnh, cánh cửa đập mạnh vào trán thiếu úy Hà, chiếc kêpi rơi xuống đất , hắn quát :
- Mở cửa kiểu gì vậy ?
Phi công Liễn thấy Hùng và bọn quân cảnh , anh đã hiểu , vừa lo cho bạn , vừa căm ghét tên thiếu úy phách lối, Liễn hét to :
- Mở ra, kiểu mở ra …. Hiểu chưa ?
- Nè , tôi nói cho anh biết , tôi đang thực thi nhiệm vụ.
Liễn vốn có cảm tình với Hùng , thấy bộ mặt thiếu úy Hà kênh kiệu nói xẵng giọng :
- Kệ anh , kêu mở, tôi mơ , tôi đâu có đóng.
- Bộ anh không thấy chúng tôi hả ?
- Cửa đóng làm sao thấy ? đứng không biết đứng còn phách lối.
- Coi chừng đấy ?
Phi công Liễn bốp chát trừng mắt :
- Anh kêu ai coi chừng ?
- Tôi ….
Ngay lúc đó, nghe tiếng cãi nhau , phi đoàn trưởng , thiếu tá Bính xuất hiện :
- Có chuyện gì ? thiếu úy Hà ông làm nhiệm vụ của ông đi. Liễn, …
Hùng hiểu, phi đoàn trưởng và những phi công của phi đoàn là những quân nhân chuyên nghiệp, họ vốn không ưa cảnh sát điều tra, nhưng ông ta ngại tiếng tăm trong lúc này, bèn xuống giọng :
- Liễn vào phòng , ngồi im.
- Dạ.
Viên thiếu úy hả lòng , hắn vênh mặt ra lệnh cho hai quân cảnh :
- Lục soát.
Trong lúc hai quân cảnh điều tra lục soát, thiếu úy Hà không thể không hỏi chuyện phi công Liễn , hắn dịu dàng nói trỏng :
- Ở cùng phòng với ông Hùng ?
- Ông muốn hỏi ai ?
- Có phải ông cùng phòng
- Phải.
- Ông cùng bay trên chiếc UH -1 với ông Hùng ?
- Không.
- Ở cùng phòng mà không bay chung.
Thiếu úy Liễn bực dọc :
- Hỏi ngu qúa, cứ ở cùng phòng là bay cùng một máy bay?
- Ăn nói cẩn thận.
- Anh nói ai ? phi công Liễn nổi nóng, dợm đứng dậy. Thấy vẻ căng thẳng của Liễn. Phi đoàn trưởng xen vào :
- Liễn , …
Chứng kiến thái độ xấc xược của thiếu úy điều tra, thiếu tá Bính nén lòng , chỉ rầy la phi công Liễn , ông không dùng quyền lực để buộc Liễn phải làm gì. Thiếu tá nhìn hai tên quân cảnh sới tung tất cả giừơng ngủ của Hùng. Tủ đựng dụng cụ cá nhân cũng bị lục. Hắn ngao ngán lắc đầu. Trong lúc đó … Nhân cơ hội viên thiếu úy điều tra và người bạn cùng phòng đối đầu , Hùng đi vào phòng vệ sinh , khóa cửa, lấy trong túi áo bài báo anh vừa dịch , trên báo của Mỹ , những bài lính Mỹ phản chiến chuẩn bị gởi đăng trên nội san sinh viên Sài gòn. Xong , Hùng bước ra, thiếu úy Hà, cầm trên tay tờ giấy chìa vào mặt Hùng :
- Cái này của anh phải không ?
Hùng hỏi lại :
- Cái gì ?
- Tờ giấy này, đây là chữ của anh phải không ?
- Phải, của tôi.
- Vậy ?
- Đây là bài thơ tôi viết để tưởng nhớ đến cha và mẹ tôi.
Thiếu úy Hà trừng mắt :
- Tôi nói cho anh biết, bài thơ này nhiều ẩn ý, anh hiểu chứ ?
Hùng nổi nóng :
- Cái gì nói lên lòng yêu mẹ là có tội ?
Thiếu uý Hà nhìn mọi người , hắng giọng :
- Đây, tôi đọc để ông phi đoàn trưởng cùng nghe.
"Mẹ ước ao gì, mẹ của con ?
Bao năm khổ cực sức hao mòm
Tóc xanh giờ đã màu hoa trắng
Mẹ ước ao gì mẹ của con
Con nhớ ngày nào ba mới đi
Mẹ buồn đau xót cảnh chia ly
Tần tảo khuya sớm đời khoai sắn
Côi cút đàn con biết đường đi ?
Con mẹ giờ đây đứa mỗi nơi
Chiến tranh tang tóc ngập đất trời
Nhà xưa, vườn cũ thành tro bụi
Lưng còng , tóc bạc mẹ về đâu ?
Con như chiếc lá lìa cành
Bay theo bão tố chiến tranh …tội tình
Đau lòng một kiếp trung trinh
Mẹ già chắc thấu tâm tình của con ?
Hắn nói tiếp :
- Ba anh đi đâu ? biết đường đi nào ? Nhà tro bụi ai gây nên ? mẹ già thấu tâm tình gì ?
Hùng trà lời :
- Thơ là mỗi lòng , là tâm sự, anh không hiểu nổi à ?
- Giọng thơ , nội dung chứa đựng nhớ cha đi theo Việt cộng, oán trách chiến tranh và kêu gọi mẹ thấu hiểu cho hoàn cảnh của anh , phải không ?
Hùng thấy rất rõ, dù chỉ với cấp thiếu úy nhưng hắn chống cộng , ẩn ý và rất thâm độc, cần phải cẩn thận :
- Tôi làm thơ nhớ Mẹ, chỉ có vậy. Nhớ mẹ không được sao thiếu úy ?
- Anh tưởng ai cũng ngu phải không ? tôi nói để anh biết, ai cũng có lý tưởng để tôn thờ, anh thờ ai tôi đọc rõ trong mắt anh và thơ của anh.
Chiếc UH -1 đã sẵn sàng mở máy. Trong phòng điều tra viên đại úy đứng dậy :
- Thiếu úy , theo lệnh của trên chúng tôi giải giao ông về cục an ninh Không quân ở Sài gòn.
Hùng thấy cần dò ý để viên đại úy gợi ra cho anh một lối đi dù hẹp :
- Dạ, tôi phải làm gì , thưa đại úy. Qủa thật , …
- Thôi .
Viên đại úy nhỏ giọng :
- Anh còn phải qua nhiều cuộc thẩm vấn nữa.
Hùng hiểu , cuộc đời đi theo cách mạng , đã dấn thân , đâu có gì phải đắn đo , chỉ có điều anh chưa có kinh nghiệm đối phó … Sau khi rời Hội an , Quy nhơn, anh tham gia phong trào học sinh , sinh viên rồi vào quân lực , vào Không quân , đi Mỹ. Về làm việc chưa đầy sáu tháng, chưa được rèn luyện bao nhiêu đã bị bắt. Hùng lo lắng là điều dễ hiểu. Thấy Hùng chần chừ, viên đại úy nói thêm :
- Anh nhớ, không phải như ở đây, có thể khốc liệt đấy.
- Cám ơn đại úy.
Đại úy Phiên nhìn Hùng hồi lâu , anh ta biết rõ, Hùng không phải là kẻ thù mà đó là một thanh niên yêu nước. Hắn có cảm tình với Hùng ngoài việc quen thân như bao người khác trong phi đoàn , cái chính là hắn khâm phục một con người dũng cảm, một chiến sĩ của phía bên kia mà trong tâm linh , hắn cho là có một cái gì đó trở nên thiêng liêng , đáng khâm phục của một lãnh tụ vừa ra đi đã thành huyền thoại của cả dân tộc Việt nam từ Bắc chí Nam, cho dù hắn không dám bước chân vào đó.
Đại úy Phiên thấy bốn quân cảnh mang súng và vòng còng tay đi thẳng vào nơi giam giữ Hùng , vội vã nói những điều quan trọng nhất :
- Thôi anh đi, hẹn gặp lại sau này. Tôi cầu mong cho anh mọi điều may mắn. Chỉ có điều nên nhớ kỹ, cái gì anh đã khai ở đây thì cứ như vậy mà khai, khai khác đi rất có hại cho anh.
Hùng vội vã :
- Cám ơn đại úy, tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau sau này ….
Anh chưa nói hết câu bốn quân cảnh điều tra đã ập vào, còng hai tay và đẩy ra chiếc trực thăng đang khởi động.
Hùng ngồi giữa bốn quân cảnh , hai tên súng đeo ở bụng. Chiếc trực thăng rùng mình nhấc khỏi đường băng bốc lên cao dần. "Bây giờ đang ở độ cao 50 mét" ngoài biển , ý nghĩ nhảy ra khỏi máy bay lao xuống biển chạy trốn chợt đến , nhưng anh xua nó ngay " Không nên , cuộc chiến đấu mới bắt đầu …"Hùng tự dặn mình " Phải bình tĩnh , tự tin , phải chiến thắng". Ngọn núi cao bây giờ đang ở ngang tầm bay. Hùng miên man , anh biết rất rõ , dù sao phòng an ninh ở Nha trang cũng dễ thở hơn , sắp tới anh phải đương đầu với cục an ninh Không quân và biết đâu , anh có thể phải chịu sự tra tấn của Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia với những xà lim không có ánh sáng , với phương tiện tra tấn tối tân , làm cho bất kỳ ai cũng phải mở miệng. Anh đã từng biết, người Mỹ đã dạy cho bọn cảnh sát Sài gòn kỹ thuật tra tấn . Bọn cảnh sát vốn muốn lập công , căm thù Việt cộng với sự khuyến khích của đồng tiền đã biến những phương tiện của Mỹ cộng với ác ôn và thú tính làm cho kỹ thuật tra tấn đã đến trình độ tinh vi và tàn khốc. Chiếc UH -1 lướt qua vùng đồi chè lúp xúp xanh rờn , nhìn từ trên cao như những khóm hoa thẳng hàng. Hùng lục lại trong trí nhớ khả năng bị lộ từ đâu ? Những ngày vừa qua hàng chục câu hỏi của đại úy Phiên rồi thiếu úy Hà .Điều lo nhất về khả năng lộ do hoạt động chưa thấy bọn chúng đề cập mà rõ nhất chính là gia đình. Nhưng , gia đình khả năng bọn an ninh biết từ đâu ? Hùng kiểm tra, trong gia đình chỉ có người chị vừa bị bắt ở Hội an cách đây vài tháng , nhưng Hùng và chị không có mối quan hệ công tác , chỉ có đứa em trai hoạt động ở đội biệt động Quảng nam - Đà nẵng bị lộ, đã chạy vào Sài gòn , hiện đang trong phong trào học sinh - sinh viên chưa bị lộ ….
Hùng chỉ lo bản thân , nếu bị tra tấn , liệu anh có chịu nổi không ? hay là … Không đời nào. Tuy còn trẻ, kinh nghiệm chưa bao nhiêu nhưng làm trai, đã hứa là làm, đã đi phải đi tới đích , nguy hiểm phải vượt , phải chiến thắng chính mình. "Bây giờ đây là lúc ta trắc nghiệm chính bản thân ta. Anh tư dặn lòng " Không được để sơ hở, phải mềm dẻo, không bị lừa …". Hùng chuẩn bị cho mình vừa xong , chiếc trực thăng hạ cánh và chiếc xe của quân cảnh Không quân cũng áp sát. Những người áp giải lôi và đẩy Hùng lên xe … chiếc áo bay liền quần bây giờ đã trở nên rất dễ chịu, anh co người kéo dãn cơ bắp dễ dàng trên chiếc xe chật cứng người, gần như anh không còn khe hở để có thể gây khó khăn cho những kẻ đi theo. Tên sĩ quan đi theo ra lệnh :
- Xuống xe.
Hùng bước xuống , hai tay bị còng ở phía trước, xách chiếc túi quần áo, anh bước đi rất khó khăn , tư nhiên chiếc túi cản trở bước đi làm cho Hùng bước rất chậm. Bọn áp giải tưởng Hùng phản ứng bèn đẩy sau lưng , thúc giục :
- Đi mau lên.
Hùng phân trần :
- Thiếu úy thấy đó, chiếc túi ở phía trước, làm sao tôi đi nhanh ? hay là …
- Sao đây ? đề nghị gì ?
- Mấy ông xách giùm.
- Giỡn hả ? Tụi tao đi xách vali cho thằng tù như mày ?
- Vậy thì tôi chỉ có thể đi từ từ …
Đến bây giờ , dường như tên thiếu úy quân cảnh biết, hắn ra lệnh cho tên áp giải :
- Nè , xách túi cho nó.
Tên áp giải Hùng từ Nha trang sửng sốt :
- Hả ? Tôi xách ?
- Chớ ai , xách đi , nó xách , đi biết chừng nào mới tới, nhanh lên.
Tên áp giải khó chịu , giật mạnh chiếc túi của Hùng hét :
- Đi nhanh lên , ông nội.
Hùng bình tĩnh :
- Không đâu , tôi chỉ đáng tuổi anh của anh thôi.
- Mày mà là anh của tao ?
- Sao vậy, sao không được ?
- Việt cộng mà đòi làm anh quốc gia, nghe lạ qúa. Hí hí …
Hắn cười đểu, Hùng lý giải :
- Anh em giữa tôi với anh , người Việt nam chúng ta ai lớn thì làm anh , ai nhỏ, …
- Thôi đi, cha nội , bị bắt mà còn nói trạng , vài bữa nữa lãnh án , tụi này kiếm cho cái giá để nón.
Hùng hỏi lại :
- Tôi không hiểu.
- Thì lấy cái cọc để cắm cái đầu của mày vào như mấy cha Việt cộng năm bốn mươi , hồi Nam kỳ khởi nghĩa, bộ không biết hả ?
- Tôi chưa nghe.
Thực ra , Hùng biết rõ , những hình ảnh tên thực dân ở trần mặc quần soọc , cầm cây cọc trên đó cắm đầu những người cộng sản sau Nam kỳ khởi nghĩa và cả những ngày đầu kháng chiến năm 1945 cũng có những hình ảnh dã man đó. Anh và bạn bè đã chuyền tay nhau …
Cục an ninh Không quân ở tại số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng là khu an ninh quân đội. Bề ngoài là những dãy nhà lợp phi-brô - ximăng , một vài nhà mái bằng, có vẻ chỉ là khu quân sự , bên trong là những hầm ngầm xây bằng đá tảng , kiên cố , không có cách gì đào tường , khoét vách , chỉ có leo lên mái . Nhưng , việc dỡ ngói từng miếng dễ hơn là tháo ốc cái ti trên mái nhàrồi bể cả miếng nặng hơn hai chục ký với diện rộng trên một mét vuông di dời đi nơi khác. Nghĩa là khó lòng thoát ra bằng "thăng thiên , còn "độn thổ" là điều không tưởng.
Vừa vào đến ngôi nhà số 2 , lập tức Hùng bị đẩy xuống một phòng giam bằng đá, có cửa sắt kiên cố, chân bị kiềng vào một chiếc còng sắt. Anh thoáng nghĩ … " chẳng lẽ mình quan trọng tới mức họ phải đối xử như vậy ?", anh chợt nhớ tới nhân vật Nhậm ngã Hành giáo chủ Triêu dương Thần giáo có tài phi thân , độn thổ làm cho kẻ thù của ông ta sợ hãi đến nỗi khi bắt được phải trói tay, cột chân … anh đâu phải là nhân vật hư cấu trong tác phẩm Tiếu Ngạo giang hồ của Kim Dung. Rõ ràng bọn ngụy không dám coi thường một đối tượng như anh.
Đang miên man , bóng tối bao trùm xà lim … Bỗng cửa mở , Hùng nhìn ra, qua ánh đèn từ bên ngoài hắt vào , bọn chúng đẩy vào một người thanh niên trạc sấp xỉ ba mươi. Linh tính Hùng cảnh giác " có thể con chim mồi". Cửa đóng , anh ta thều thào :
- Khát qúa , có nước , cho xin miếng.
Hùng đưa ca nước chưa kịp uống, anh ta uống hết sạch và nằm phịch xuống sàn ximăng , từ trên chiếc ghế bố Hùng quan sát, anh ta nằm bất động , thi thoảng cựa mình , dường như anh ta mở mắt hoặc hí một mắt theo dõi … Hùng lên tiếng :
- Này, ông bạn , ông tên gì ?
- Tôi tên Tý, còn ông ?
- Hùng.
Người thanh niên vẻ tỉnh táo rất lạ hỏi :
- Ông bị bắt về tội gì ?
Hùng cảnh giác :
- Qủa thật, đến bây giờ tôi cũng không biết tôi tội gì, đi làm nhiệm vụ, vừa về đang viết báo cáo thì bị bắt rồi áp giải lên đây. Còn ông ?
- Tôi là biệt động Sài gòn , đánh Mỹ, bị bắt sáng nay.
- Anh đánh ở đâu ?
- Ở đầu cầu Trương Minh Giảng .
Hùng nghĩ rất nhanh , đây là khu biệt giam của cục an ninh Không quân, anh ta là biệt động sao lại giam ở đây ? bèn hỏi tới :
- Anh giỏi qúa, làm sao anh bị bắt.
- Tôi đánh chiếc xe Jéep đang chở bọn Mỹ trên đường , chạy không thoát.
Anh ta bất ngờ hỏi Hùng :
- Bộ ông là phi công hả ?
- Sao ông biết ?
- Nhìn ông biết ngay, ông nằm trên giừơng , còn tôi
Hùng nói :
- Tôi là sĩ quan quân lực Việt nam Cộng hòa, còn ông là Việt cộng , có gì lạ ? có điều , bị giam chung phòng thì tôi và ông thay đổi chỗ nằm lo gì ?
- Nhưng ?
- Ông thấy đó, ông là Việt cộng , nằm dưới nền ximăng nhưng chân tay đâu có như tôi ….
Hai người nói chuyện sôi nổi, anh ta đột ngột chuyển sang gia đình , vợ con. Anh ta thăm dò, Hùng cảnh giác.Vẫn trả lời như ở sư đoàn 2 Không quân … Nửa đêm , cửa phòng lại mở, hai tên quân cảnh vào soi đèn , mở khóa chân :
- Đi theo chúng tôi.
Hùng hỏi lại :
- Đi đâu ?
- Lên phòng điều tra.
Phòng điều tra cục an ninh Không quân , bên ngoài ngọn đèn cao áp chiếu ánh sáng rõ như ban ngày, tấm bảng chữ đen như ma quái. Hùng đi theo tên lính quân cảnh. Bên trong phòng, ngoài chiếc bàn sắt do người Mỹ trang bị là vài chiếc ghế cũng bằng sắt , viên thiếu tá an ninh Không quân cộc lốc :
- Ngồi xuống.
Hắn hất hàm gọi sĩ quan trực ban :
- Ông trung úy, bắt đầu làm việc.
Hùng nghe một tiếng "cạch" khẽ, có lẽ hắn bật máy ghi âm , anh liếc nhìn trên ngực thiếu tá điều tra hàng chữ "Lâm". Vậy là hắn có tên giống như đôi lông mày rậm , đen sì , những sợi lông mày dựng đứng như hai hàng cây dầy đặc , khiến cho bộ mặt của hắn thoạt nhìn đã dữ , đôi mắt sâu , mũi cà chua, môi dầy , bên trên vểnh lên đen sì , bên trong môi lại đỏ au , giống như miệng một loài qủy biển , hắn mở đầu :
- Tờ khai của thiếu úy từ sư đoàn 2 Không quân , anh còn nhớ ?
- Thưa thiếu tá , tôi có sao nói vậy
- Anh làm thơ , ca ngợi ai , ngụ ý gì , cứ nói thật.
- Thiếu tá đã biết tất cả.
Câu nói vừa thốt ra, Hùng nhận ra vẻ mặt của viên sĩ quan điều tra dãn ra hài lòng. Mới biết ai cũng thích tâng bốc , người càng cao càng thích . Hùng nói tiếp :
- Tôi đâu dám giấu , cha tôi có tham gia kháng chiến chống xâm lược, ông bị mất tích , tôi là con , thương cha , làm thơ giải buồn , còn má tôi , người mẹ tôi tôn thờ suốt đời …
- Còn hai người anh vì sao thiếu úy giấu ?
- Thưa thiếu tá , anh em sau chiến tranh mỗi người một nơi , tôi chỉ nghe nhưng không biết cụ thể, chứ không giấu.
- Không giấu , chắc không ?
- Thưa thiếu tá cái gì biết tôi đều nói , tôi thích làm phi
công , thích lái máy bay … dù sao cũng đỡ chết hơn bộ binh.
- Anh có biết, khai man , giấu lý lịch là trọng tội ?
- Tôi không biết , tôi chỉ thích làm phi công và tôi đã làm tròn nhiệm vụ.
Suốt hai ngày liền sáng và đêm liên tục , cuộc thẩm vấn xoay quanh về gia đình và nguồn gốc. Điều căng thẳng , chính là những câu hỏi lặp đi, lặp lại vào những giờ mệt mỏi làm cho thần kinh rã rời để nói sai hoặc buông trôi. Hùng biết , chỉ cần anh lơi lỏng là sẽ trả lời sai , mà sai là rất nguy hiểm có thể bị biệt giam và tra tấn. Hùng đã nghe dặn dò, chỉ cần khai sai là bị tra tấn , có khi đến chết. Trường hợp của anh , nếu khai sai, mâu thuẫn , trước sau không thống nhất, sẽ dẫn đến thảm khốc. Điều đó đại úy Phiên trước khi Hùng ra máy bay đã nói … Va , bao giờ cũng vậy, chỉ trừ ban đêm anh không thấy, còn tất cả các buổi bọn chúng gọi đi thẩm vấn ban ngày trở về, Hùng đều có cảm giác chỗ nằm của anh , đồ đạc , đặc biệt là những cuốn sách kiếm hiệp anh mang theo để giải trí bị đảo lộn , bị xem xét , bị xoi mói. Đêm thứ ba, vẫn thiếu tá Lâm, vẫn tên trung úy đứng ở phía sau bàn như bức tượng không động đậy, cặp mắt chẳng bao giờ rời khỏi Hùng , có lẽ, đó là một tên bảo vệ , nhìn dáng đứng , bắp tay săn , chắc hắn là một võ sư hoặc một sĩ quan có nghề chuyên đi bảo vệ cho cấp trên :
- Ông thiếu úy, ông có biết ai tên là Phạm văn Đắng.
- Thưa thiếu tá, tôi không biết.
- Nhớ lại đi.
- Tôi không quen , bà con tôi không có ai tên Đắng , bạn bè cũng không.
- Anh nên thành thật, nếu không sẽ không có thì giờ để ân hận …
Hùng chau mày, trong óc anh lướt qua tất cả các mối quan hệ, chẳng có ai tên là Đắng. Không , không có, anh yên tâm có thể họ bắt đầu một trò mới.
- Thưa thiếu tá, tôi không quen.
- Ông về suy nghĩ , tháng tư năm 1969 gặp ông ta ở đâu ?
Liên tiếp hai đêm nữa , những câu hỏi dồn dập, có bài bản , nhắc đi, nhắc lại :
- Tháng tư năm 1969 ông vào vùng Việt cộng ở Quảng nam ?
- Thưa vào thời gian đó tôi không hề đi đâu cả khi đó tôi đang học ở trường sinh ngữ Không quân do người Mỹ dạy tại Sài gòn.
- Đừng có ngoan cố, anh có biết anh đang ở đâu không ?
- Thưa thiếu tá, ngài có thể kiểm tra tại trường , ngày nào cũng điểm danh , tôi tin người ta còn lưu hồ sơ ở trường.
Thiếu tá Lâm thấy vẻ cứng cỏi, trả lời tự tin của Hùng nên xuống giọng :
- Ông Đắng đã nhận ra anh , ráng mà nhớ lại.
Ngoài cửa sổ xà lim , duy nhất có một khung cửa sổ hình vuông , có song sắt cũng hình vuông ở tít bên trên , rất cao những tia nắng mặt trời yếu ớt lọt vào xà lim một thứ ánh sáng vàng vọt , nửa tối , nửa sáng. Còn bên dưới nơi chỗ nằm dù giữa trưa vẫn một màu đen ma quái. Hùng gối đầu lên cánh tay, mắt nhìn lên trần nhà, hình ảnh ở ngoài bức tường ập vào choáng ngợp. Hồi đó sau khi rời Quy nhơn vào Sài gòn rồi đi học ở Mỹ. Ngày trở về qua Lan , anh biết Trúc đang học ở trường Đại học Y khoa. Đôi lần Hùng đến cổng trường giờ tan học mong gặp lại hình bóng người xưa, ngày phép cuối cùng sắp bước qua, buổi chiều Hùng đến gần cổng trường chờ từ rất sớm. Con đường rộng trước cổng trường có những cây cao thẳng tắp. Trường thuốc nép mình trong hàng rào , những nhà cao ba bốn tầng bố trí hoa văn trên tường như những con đường ngoằn ngoèo, có lẽ người thiết kế muốn rằng hành nghề Y như đi trên trăm ngàn con đường khó khăn để rồi đi đến con đường mang lại hạnh phúc cho con người. Giờ tan học , hàng trăm sinh viên ùa ra, hầu hết họ là những người có tiền , những nhà giầu , những người có thế lực mới có thể vào học ở trường này, hồi xưa người ta gọi là trường thuốc …. Hùng ở bên kia trên dẫy phân cách hai con đường đi ngược chiều nhau , những thảm cỏ phân cách rộng , những cây nhỏ, Hùng đứng một góc độ có thể quan sát, anh chỉ nhìn ở cổng ra và chỉ nhìn những cô gái nào có dáng dấp giống Trúc. Đôi mắt rất sáng của Hùng lướt qua rất nhanh những người con trai, họ chẳng để lại gì trong mắt của Hùng , họ thật hạnh phúc , ăn mặc đẹp, nền nã, mỗi người dắt theo một chiếc xe gắn máy, có lẽ chỉ có vài người đi xe đạp. Lẫn trong dòng người rời cổng trường hai cánh cổng bằng sắt mở toang , như đàn chim rời tổ vừa bước xuống lòng đường với chiếc xe Honda dame , áo dài trắng , Hùng nhận ra … Trúc. Ôi , Trúc vẫn như xưa, xinh đẹp và trưởng thành. Hùng ào xuống lòng đường gần như chạy, Trúc đã ngồi lên xe , nàng đâu có ngờ …
- Trúc .
Nghe tiếng gọi quen thuộc , nàng nhìn về phía có tiếng gọi tên mình Trúc nhận ra Hùng trẻ trung và rắn rỏi. Từ lồng ngực nàng bật lên :
- Anh Hùng.
Hùng đã đến bên Trúc , những người bạn tò mò nhìn anh , nhiều bạn gái tinh nghịch mỉm cười, nháy mắt. Từ lâu , họ biết một sinh viên xinh đẹp có tên là Trúc , nàng lặng lẽ, ít cười, đến lớp đúng giờ, ra về là đi thẳng , không la cà, không chơi bời, Nhiều chàng trai ngỏ lời đều nhận được nụ cười xã giao. Bạn bè chỉ biết Trúc là con gái viên chỉ huy cảnh sát Quy nhơn , cho nên cũng e ngại … Bây giờ bỗng dưng xuất hiện một sĩ quan Không quân rất trẻ , đẹp trai. Bạn học của Trúc bây giờ mới biết lòng nàng chôn chặt một bóng hình này. Họ liếc nhìn , gật đầu , mỉm cười, đôi bạn tinh nghịch chọc ghẹo rồi lên xe. Hùng và Trúc đi dọc theo đường Hồng Bàng họ rẽ vào một quán nước ven đường, Hùng sốt ruột :
- Trúc, em có khỏe không ?
Trúc liếc nhìn Hùng âu yếm , những năm tháng gần gũi ở Quy nhơn ùa về, sống động, Trúc không thể nào quên nổi, nàng thỏ thẻ :
- Em vẫn khỏe , còn anh ?
- Em thấy đấy, anh như thế này.
Trúc biết rõ từng thớ thịt săn chắc của Hùng . Bây giờ, dường như Hùng khỏe hơn , nhưng điều nàng quan tâm lại là chuyện khác:
- Anh Hùng , sao anh lại đi lính ?
- Em coi, bây giờ anh không đi lính thì làm gì.
Trúc thắc mắc :
- Hồi trước anh là Việt cộng mà.
Hùng nhìn Trúc , anh biết nàng thất vọng , có lẽ bộ quần áo trên người, làm cho một con người bên trong bộ quần áo đó đã từng làm cho Trúc kính trọng và yêu thương , bây giờ … Qủa thật , ánh mắt của Trúc hết nhìn bông mai trên ve cổ áo, lại nhìn dòng chữ trên ngực viết tên người mà nàng thật lòng đặt hết niềm tin , dù bị cha cấm liên hệ, dù sống trong gia đình cha làm cảnh sát, Nhưng , Trúc biết , chế độ mà cha nàng trung thành không phải là một chế độ tốt đẹp, nó chẳng tồn tại lâu nữa. Vậy mà, người nàng tin yêu , kính trọng lại … . Hùng thấy rõ những biến đổi trên nét mặt của Trúc , khi vừa gặp Hùng , nàng tha thiết bao nhiêu , bây giờ nàng hờ hững bấy nhiêu. Hùng gợi :
- Trúc , có phải em ghét anh ?
- Không , em nghĩ anh vẫn như xưa , em đâu ngờ.
- Em không ngờ điều gì ?
- Anh thay đổi, …
- Đừng nói vậy em , anh nghĩ rằng trên đời này em là người hiểu anh nhất ?
- Chính vì em hiểu anh cho nên , …
- Trúc , em cần phải tin ở anh.
- Dạ, em tin anh sẽ , … thôi em về , dì Bảy mong.
- Dì Bảy ở đâu ?
- Anh hỏi làm gì. Chào anh Hùng , em mong anh mạnh khỏe , đi đúng đường. Trúc đứng dậy, móc túi trả tiền uống nước, dù Hùng cố giành trả. Có lẽ, nàng muốn một sự sòng phẳng …
Chiếc xe chở Trúc vọt về hướng Sài gòn , Hùng đứng lặng , anh ngắm mãi cho đến khi chiếc Honda lẫn vào dòng người cuốn trôi Trúc trên con đường Hồng Bàng , là tên hiệu tồn tại hơn 2000 năm của triều đại mở đầu thời kỳ dựng nước 4000 năm của tổ tiên. Hùng nói một mình " Trúc , ngày em đi đường Hồng Bàng , về em đi đường Hồng Bàng , lòng em trong sáng như một bông sen trong các đầm lầy đầy bùn đen , nước đọng"
Cuộc điều tra của an ninh Không quân và những nhân chứng tố cáo Hùng trái ngược nhau. Tại trường sinh ngữ Không quân , trong ba tháng , tháng ba, tháng tư và tháng năm năm 1969 , sổ điểm danh mỗi ngày đều có đánh dấu thập , người phụ trách lớp học cho biết Hùng đi học đều và những bài kiểm tra có ghi điểm vào sổ điểm theo dõi kết qủa học tập rất tốt và đầy đủ. Còn nhân chứng ở tiểu khu Quảng nam, Hội an thì khẳng định hắn đã từng gặp Hùng ở vùng Việt cộng. Từ sự trái ngược trong hồ sơ, cục an ninh Không quân phải giải giao Hùng cho an ninh quân đội và mấy ngày sau , cuộc nhận diện tại Hội an diễn ra. Phạm Văn Đắng khẳng định với viên thiếu tá quân cảnh điều tra :
- Thưa ngài thiếu tá, tôi đã gặp người này ở xã Cẩm nam hồi tháng tư năm 1969. Viên sĩ quan an ninh hỏi lại :
- Anh có chắc không ?
Đắng lớn tiếng :
- Chắc , anh ta nói chuyện với bí thư huyện Duy Xuyên.
- Anh có nhầm không ?
- Không .
- Cả ngày , tháng , năm nữa chứ ?
- Không thể nhầm được.
Hùng bình tĩnh ôn hoà :
- Ông Đắng , tháng tư năm 1969 tôi đang học Anh ngữ tại trường Anh ngữ phi hành ở Sài gòn .
- Tôi nhớ không sai
- Ông Đắng ơi, ông thiếu tá của chúng ta đây chỉ cần một cú phone cho trường sinh ngữ phi hành , mười lăm phút sau người ta sẽ cho chúng ta biết ai nói dối.
Hùng thấy viên thiếu tá khẽ gật đầu và nhìn tên chỉ điểm với ánh mắt rất lạ, vừa coi thường một kẻ chiêu hồi, vừa khinh thường một tên nói dối, làm mất nhiều thời gian của hắn. Hùng hiểu lắm, một con người chân chính chẳng bao giờ lại đê tiện đến độ bán mình để mưu cầu lợi ích cá nhân huống hồ là phản bội. Chiêu hồi đồng nghĩa với phản bội, nhưng đã là chiêu hồi thì phải tỏ rõ sự trung thành với chủ mới, phải lập công bằng mọi giá và phải giở mọi thủ đoạn , kể cả đê tiện nhất để có được lòng tin. Và thái độ của ông Đắng cũng là điều dễ hiểu. Có điều , vì sao với phương tiện điều tra hiện đại, người Mỹ lại phải mất công mang anh ra đây để đối chứng mà không cần dẫn anh đến trường sinh ngữ đang ở rất gần, chỉ hai mươi phút xe chạy. Điều thắc mắc đó theo đuổi anh suốt trên chiếc máy bay quân sự C47 kéo dài hơn hai giờ từ Tân Sơn Nhất ra đến Đà nẵng , thoạt đầu bọn chúng giam anh ở phòng an ninh sư đoàn I Không quân , hai ngày sau mới đưa sang phòng an ninh Quân đội tiểu khu Quảng nam, Câu hỏi rất dễ tìm lời giải đáp lại vòng vo rồi đối chứng. Vì sao ? Đến bây giờ Hùng chưa bị tra tấn, chính là vì bọn an ninh chỉ mới nghi ngờ. Những lời khai không có chỗ nào sơ hở. Tất cả đều được bọn chúng xác minh. Có lẽ, đây là con bài cuối cùng ? Hùng thấy tên Đắng im lặng , anh nói tiếp :
- Từ ngày đi lính vào tháng tám năm 1968 đến nay tôi chưa nghỉ phép ngày nào , làm sao mà anh gặp tôi được , phải không ?
Đắng cố nói :
- Ai mà tin anh .
- Tôi đâu có nói ông phải tin tôi. Có điều, …
Tên thiếu tá và Đắng cùng hướng về phía Hùng , anh nói tiếp :
- Có điều , tôi rất thất vọng.
Đắng xen ngang :
- Mày thất vọng hả ? nói đi em.
Hùng lợm giọng , kẻ đã bán cả linh hồn cho qủy còn mở miệng gọi anh bằng "em". Dù nhỏ tuổi hơn , nhưng Hùng vẫn có lòng tự trọng , có lòng tin và điều quan trọng nhất chính là danh dự. Đến giờ phút này anh có thể tự hào đã giữ trọn danh dự người chiến sĩ , đối mặt với mọi thử thách một cách ung dung , tự tin. Hùng chững
chạc :
- Tôi thất vọng , vì chúng ta có đủ các phương tiện hiện đại, có hệ thống thông tin hoàn chỉnh , chỉ vài chục phút là tìm ra sự thật, lại đi nghe một tên nói dối và vu cáo.
Đắng đứng lên , mặt tái xanh , mắt trừng , nghiến răng , quai hàm nổi lên dữ tợn , bị vạch mặt, hắn nhào tới định đấm vào mặt Hùng , nhưng viên thiếu úy phòng an ninh tiểu khu Quảng nam đã gạt tay ra ngăn lại. Viên thiếu tá điều tra thấy rõ Đắng chỉ là một tên du côn , bèn đứng lên :
- Thôi, dẹp cái trò lưu manh đi.
Hắn ra lệnh cho Đắng :
- Về.
Phạm Văn Đắng quay gót, nhìn hắn bước những bước chậm, đầu cúi về phía trước , lưng đã còng , dáng mệt mỏi. Hùng hiểu , tên chiêu hồi đã không còn được trọng dung , có thể lắm, biết đâu hắn bị chính ông chủ của hắn kết liễu cuộc đời làm tay sai. Số phận của những tên phản bội nếu không bị giết thì suốt cuộc đời của hắn cũng bị lương tâm dày vò, loài người phỉ nhổ, sống cũng như chết.
Phòng giam số 13, thuộc cục an ninh Quân đội nằm ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vậy là Hùng lại quay về nơi cũ, chỉ có điều mới là anh "được" chuyển từ an ninh Không quân sang an ninh Quân đội và phòng giam cũ bây giờ ở cách xa chừng hơn một trăm mét. Hàng ngày khu biệt giam vẫn rất nghiêm ngặt đến mức phạm nhân chỉ ra ngoài 30 phút để vệ sinh cá nhân. Nhưng đối với Hùng , có lẽ không đến mức căng thẳng như khi mới bị bắt, hai chân bị xiềng. Phòng giam số 13 có diện tích chừng hơn chục mét vuông , nền ximăng , gần một cây cổ thụ có lẽ đã trồng gần nửa thế kỷ, cây cao , to , phủ bóng , thân thẳng ,. Đêm về, Hùng nhìn ra cánh cửa thông gió duy nhất , thi thoảng những chiếc lá rơi chòng chành chao qua, chao lại rồi rớt xuống đất, hôm nào gặp cơn gió mạnh chiếc lá mắc vào chấn song sắt, hôm đó là ngày hội. Hùng cố tìm cách lấy cho bằng được, nó là nguồn vui duy nhất, là sự sống dù chiếc lá đã rời khỏi cành.
Ngày hôm sau, Hùng được ra ngoài phòng giam, cơn mưa rào ập đến , thượng sĩ Tú trú mưa ngay cửa phòng giam số 13 , anh ta hỏi :
- Ông Hùng , ở đây ông thấy thế nào ?
- Cảm ơn anh , so với bên Không quân đỡ hơn.
Anh ta liếc nhìn Hùng vẻ tò mò hỏi :
- Ông Hùng , đêm qua ông ngủ có ngon không ?
- Cám ơn anh , tôi ngủ tốt lắm.
- Vậy mà, …
Hùng hết sức ngạc nhiên hỏi :
- Vậy mà, sao ?
- Tôi nói điều người ta đồn …
- Người ta đồn thế nào ?
Vẻ đắn đo hiện rõ trên nét mặt của thượng sĩ Tú. Anh ta có một điều gì đó rất hệ trọng, giữ ý tứ. Hùng hỏi dồn :
- Người ta đồn về tôi phải không ?
- Không, không phải, người ta đồn về một người khác, đã chết.
- Ai vậy ?
- Thưa, tôi không dám nói.
- Vì sao người đó chết ?
- Bị đánh.
- Ai đánh ?
Thượng sĩ Tú nhìn xung quanh , không thấy ai, anh ta hạ giọng :
- Bị quân cảnh điều tra , đại úy đội trưởng đánh chết.
- Ai .
- Thưa, …
Hùng gạn hỏi :
- Người ta đồn thế nào ?
Thượng sĩ Tú vẻ quan trọng :
- Ở đây, trong đội canh tù của tôi ai cũng thấy.
- Thấy gì ?
- Thấy người đó, … người đó mặc đồ trắng , đi đi , lại lại trong phòng số 13. Đêm nào cũng vậy. Người đó đi chân không chạm đất, ra vô phòng không cần mở cửa.
- Thật à ?
- Thật, tôi cũng đã thấy.
Hùng liếc nhìn trở vào phòng số 13, đêm qua anh thức đến hơn mười giờ mới ngủ đâu có thấy gì. Có lẽ, Hùng không tin có ma. Anh tin kẻ gây ác sợ sự trừng phạt , hoảng sợ người chết trả thù, mà thường khi người ta qúa sợ, người ta tưởng tượng ra , thì cái gì cũng có. Hùng khéo lựa lời, anh muốn biết người chết là ai, bèn dợm :
- Phòng 13, phương Tây không ưa số 13, vậy, …
Thượng sĩ Tú nói :
- Ông nói đúng lắm , ai xui mới vô phòng đó, trước sau gì,…
Anh ta kịp dừng câu. Trời mưa ngày càng nặng hạt, thượng sĩ Tú dường như đã mỏi chân , anh ta ngồi xuống ở hành lang. Hùng giữ ý ngồi cách xa Tú chừng một mét, gió đổi chiều thổi vào hành lang. Hùng mở cửa phòng, đứng lui vào bên trong thượng sĩ Tú buộc phải bước vào phòng. Anh ta có nhiệm vụ khóa cửa tù , nhưng mưa to anh ta ngại vô phòng tù , chỉ dợm bước tới ngang cửa rồi dừng lại . Gió thổi mạnh , mưa tạt thẳng vào hành lang , anh ta đành bước chân vào bên trong phòng số 13. Có lẽ, do ám ảnh ma nên anh ta nhìn xung quanh , nhìn trên rồi nhìn vào góc phòng nơi có chiếc lavabo, không ghìm được , Tú nói :
- Đó, chiếc lavabo họ phải tháo ra vì không thể nào rửa sạch.
- Cái gì không rửa sạch ?
- Máu, người ta đánh ông ấy bể đầu gục vào chiếc lavabo đó.
Hùng nhìn kỹ, trên mặt chiếc lavabo đã cũ có nhiều vết nhăn, một vết màu nâu bám vào, chẳng hiểu sao lại rửa không sạch. Đang nghĩ miên man, viên thượng sĩ nói tiếp :
- Họ sai tù rửa liên tiếp ba ngày liền cũng không sao sạch được, đành phải tháo ra để đó, không dám mang đi.
Hùng hỏi :
- Sao vậy ?
- Đó là máu của ông ấy, ông ấy linh lắm.
- Linh thế nào ?
- Ông ấy chỉ hiện ra và giở nắm đấm với sĩ quan , còn lính và vợ lính thì không , có bữa anh em thấy ông ấy khóc. Chắc là vì chết oan.
- Sao lại oan ?
- Vì , nghe đâu ông ấy không có tội.
- Ông ấy chết năm nào ?
- Năm 1965.
- Không có tội sao bị đánh chết ?
- Bởi vì , vì ông ấy là sĩ quan cao cấp , nghe đâu ông ấy không nói câu nào , ông ấy là … Việt cộng …
Mười phần Hùng đã đoán được sáu, bảy. Rất có thể, nếu vậy thì hạnh phúc biết chừng nào , "ta chỉ là một thanh niên , sánh sao nổi :" Hùng động viên :
- Anh Tú, tôi đã đoán ra.
- Ông đoán ai vậy ?
- Đại tá Phạm Ngọc Thảo, đúng không ?
- Trời, qủa thật chính là ông ấy . "Cầu Chúa cho ông ấy đi về nước Chúa. Cầu Chúa ban phước lành , cho con được bình an".
Anh ta làm dấu , anh ta là người theo đạo thiên chúa. Hùng hết sức biết ơn anh ta. Nhờ trời , nhờ trận mưa mà anh biết được một sự kiện đi vào lịch sử dân tộc như một nét son. Trời ngưng cơn mưa, cửa phòng bị khóa chặt. Hùng trở vào nằm trên chiếc giừơng nơi hơn 5 năm về trước một người anh hùng , người đồng chí của anh . Đại tá Phạm Ngọc Thảo , nhà tình báo huyền thoại đã ở đây và đi vào cõi vĩnh hằng. Hùng nhìn gian phòng bây giờ thật sự ấm cúng , anh thấy đại tá như ở đâu đây, ông đang giơ hai bàn tay thần tượng dẫn dắt anh đi qua những ngày tháng cực kỳ khó
khăn , nguy hiểm. Anh tin ở mình , tin ở tương lai … Đêm, gần như Hùng thức trọn , anh mong gặp đại tá nếu quả thật ông ấy hiện về ….
Ngày 30 tháng 7 năm 1971, tại K.BC.4002 đại tướng Cao văn Viên Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt nam Cộng hòa ký nghị định số 624 /TTM/ND sa thải ra khỏi quân đội thiếu úy Hồ Duy Hùng số quân 68/601.534 thuộv phi đoàn 215 sư đoàn 2 Không quân với lý do :
- Có nhiều thân nhân hoạt động cho Cộng sản.
- Có tư tưởng thiên cộng ( ca ngợi chiến tích của Cộng sản , hô hào ý chí đấu tranh chống ngoại xâm theo đường hướng Cộng sản ).
Và, Hùng lập tức được giải giao sang Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia , bị giam trong xà lim ở Tổng nha một tháng. Tại đây bọn cảnh sát được huấn luyện ở Mỹ đã thẩm vấn với những thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Nhờ kinh nghiệm năm tháng bị giam ở các trại lao của an ninh Không quân và Quân đội, Hùng đã đối phó rất thành công. Đầu tháng 11 năm 1971 từ xà lim ở Tổng nha, Hùng bị đưa về giam ở bót Ngô Quyền
Những cơn mưa cuối mùa rất lạ, buổi chiều, cơn giông ập đến,một trận mưa liên tục suốt hai giờ liền , ngoài đường ngập nước , xe nước mía ở bên kia đường mặc dù đậu trong mái che vẫn phải lấy vải mưa che lại. Trời tối rất nhanh , ở trước cổng trại giam, Trúc mặc chiếc áo mưa màu xanh , một túi xách bên trong đựng một ít đồ dùng cho vệ sinh cá nhân, bàn chải, thuốc đánh răng, xà bông thơm, một chiếc khăn mặt, một gói kẹo sữa mà Hùng thích và có một chiếc phong bì thư. Nàng nói chuyện với người gác cổng
- Cho tôi thăm Hồ Duy Hùng thiếu úy , phi công trực thăng.
Viên gác cổng gắt :
- Hết giờ, không được vào.
Trúc lấy từ trong ví ra một tờ giấy đưa cho tên lính :
- Tôi có tờ giấy này mời ông xem.
Trúc có một tờ giấy cho phép vào thăm của Tổng nha theo thư của cha nàng là cảnh sát trưởng Quy Nhơn , nhờ một người bạn Tổng nha giúp đỡ. Tan học, nàng vội vã đến trại giam thì đã hết giờ. Tên gác cổng xuống giọng:
- Thưa cô, giấy phép này chúng tôi phải thi hành, nhưng lệnh trên chỉ cho thăm trong giờ, ngoài giờ ba lần cổng đều khóa chặt, người giữ chìa khóa sáng mai mới đến , cô cảm phiền.
- Ông có thể cho tôi gởi đồ cho Hồ Duy Hùng , được không?
- Dạ, được, nhưng sáng mai tôi mới mang vô được.
- Cũng được.
Trúc quay đi, nàng bước những bước dài. Đột ngột Trúc quay trở lại, lấy ra tờ 500 đồng trao cho tên lính gác :
- Có chút này biếu anh , anh chuyển giúp lá thư cho Hồ Duy Hùng.
Tên lính gác nhe hàm răng cười gượng gạo :
- Dạ, dạ, xin cám ơn cô
- Thưa, ông có thể cho biết Hồ Duy Hùng tội gì mà bị giam ở đây ?
Tên lính gác xởi lởi :
- Ổng là phi công , nhưng lại là Việt cộng nằm vùng.
- Chắc tội ông Hùng nặng lắm.
Tên lính gác nói :
- Cô biết đấy, Việt cộng là kẻ thù của quốc gia nhưng nghe nói ông phi công này nguy hiển hơn vì đã ở trong lòng quốc gia, được quốc gia cho đi học ở Mỹ ….Vậy là , …
- Tôi hiểu rồi, cám ơn ông, nhờ ông chuyển cho Hồ Duy Hùng qùa và thư của tôi.
- Dạ, dạ, cám ơn cô.
Ngày hôm sau , trước khi giao ca, tên lính gác xách bọc ni lông khá to toàn bộ qùa của Trúc gửi cho Hùng. Anh hết sức sửng sốt , những tưởng vì cái vỏ là bộ quần áo sĩ quan mà Trúc coi khinh Hùng. Bây giờ …
Hùng ngước nhìn bầu trời xanh , những đám mây trắng tụ do đang bay theo chiều của gió mà gió ở trên không chẳng bao giờ cùng chiều , cùng một khoảng trời có khi ở dưới thấy gió Đông , vài ngàn mét gió đã chuyển thành hướng Đông Nam, rồi chuyển thành hướng Tây Nam ở độ cao trên dưới tám kilômét. Đời người có tấm lòng yêu tự do và chiến đấu cho độc lập thì dù bão táp, gió xoáy cuồn cuộn vẫn cảm thất tự do và sung sướng. Hùng biết lắm, cuộc đời của anh và Trúc có một thế lực ngăn cản không dễ gì vượt qua , như bức màn ngăn gió của từng độ cao ở trên không, dễ gì đi đến sự hòa hợp trong tình yêu. Nhưng , tình yêu dù cho không đến được bằng thực thể thì cũng sẽ đến được bằng tấm lòng. Hùng mở phong bì , những dòng chữ quen thuộc hiện ra :
" Anh, Em đến thăm anh , chỉ mong gặp anh để xin lỗi vì sự xốc nổi của em. Ba biết anh bị bắt và cho em đi thăm anh. Em mong anh vững lòng , em mong anh sớm được tự do. Còn đây là bài thơ vụng em gởi tới anh :
" Anh Hùng ơi, phương trời em thầm gọi
Biết bao lần em gọi tên anh
Ân ái mây bay, duyên kiếp không thành
Tình ngang trái, nên suốt đời là mộng ảo !
Chừ cô đơn em, xuôi nửa vòng tay
Đau đớn qúa, tấm hình hài bé nhỏ
………………………
Em cầu mong anh tha thứ cho em
Em chờ ngày anh trở lại
Em - Trúc
Vài ngày sau, Trúc vào thăm thì Hìung đã được trả tự do , buộc cư trú ở Hội an , hàng tuần phải ra trình diện ở ty An ninh Gia long Đà nẵng. Nàng vội vã điện cho Lan đi thăm. Nhưng , Hùng đã trở lại Sài gòn , bắt liên lạc với T4 , tiếp tục cuộc chiến đấu trong điều kiện mới.