Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
653
123.243.804
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 11

Phiên lắng nghe, tưởng như lời trách móc, âm thầm riêng với anh.

Phượng để mâm thức ăn lên bàn:

- Mời anh chị.

Bác sĩ Lacaze xếp gọn lại hồ sơ giấy tờ.

Phiên hỏi:

- Mọi người đâu?

- Anh Phát vừa về, đang rửa mặt, lên tới liền. Phượng trả lời, mỉm cười, liếc nhìn chiếc nhẫn vàng trên tay bác sĩ Lacaze:

- Chị có chồng rồi? Nhẫn lớn và đẹp quá - Phiên thông dịch cho bác sĩ Lacaze hiểu.

Bác sĩ Lacaze lắc đầu, cười:

- Đây là nhẫn kỷ niệm của trường đại học, không phải nhẫn cưới.

Bác sĩ Lacaze nhìn bàn tay Phượng trắng thon rồi nhìn lại chiếc nhẫn cô đang đeo.Phát tằng hắng:

- Chào mọi người.

- Sao lâu quá vậy?- Phượng nói nhỏ, có vẻ trách móc.

Phát cười nheo mắt, kéo chiếc ghế ngồi cạnh Phượng:

- Sáng nay, người đẹp cho ăn xôi bắp trừ cơm!

Bắp màu tím nhạt. Bác sĩ Lacaze nhai từng hạt trộn với muối vừng. Cô gật đầu thú vị:

- Hạt bắp lớn quá, tại sao lại có màu tím?

- Vùng núi này, thức ăn chính là bắp. Bắp bốn mùa. Bắp màu tím vì nấu chung với lá dứa.- Phát đáp.

- Tôi tưởng nhầm vùng này họ ăn khoai mì.

- Nơi đây, họ ít thích trồng khoai mì. Đâu đâu cũng trồng bắp

Phát trả lời, chỉ đám bắp trong vườn nay đã có trái:

- Theo tôi, đó là diễm phúc vùng này. Mấy năm qua, những mảnh đất trù phú miền Nam đua nhau trồng khoai mì vì cái lợi trước mắt, vì những đồng tiền người Đài Loan, người Hồng Kông, vì những nhà máy bột ngọt mọc lên nhiều. Người ta đua nhau nhập cảng những loại khoai mì Ấn Độ... củ to bằng bắp đùi, nặng tới mười kí lô. Không ai lên tiếng cản ngăn, báo động. Họ đâu biết, khi đã trồng khoai mì, bao nhiêu chất bổ trong lòng đất bị hút sạch. Sau khoai mì, khó một cây trái mọc tốt nổi.

Phát nhìn đồi núi trọc bao bọc chúng, không còn cây xanh, nói:

- Xưa bom đạn đã đốt rừng, giờ đến phiên con người chúng ta tàn phá. Họ đốt rừng, đốt luôn rễ cây. Đâu còn rễ giữ lại chất bổ trên đất. Lại trồng khoai mì hút luôn dòng sữa ngọt trong đất. Khoai mì làm bột ngọt. Bột ngọt suốt ngày được quảng cáo trên Tivi, trên đường phố lớn. Chuyện nghịch lý, bột ngọt có nước đã cấm từ lâu vì cái độc, hại nguy hiểm trong thực phẩm. Nhưng nước tôi thì chưa cấm, chưa kiểm soát chặt chẽ. Chưa hết, nhà máy bột ngọt, thải không biết bao nhiêu chất độc xuống sông xanh. Hàng ngàn khổ nạn khác khó nói hết!.

Quế khoác chiếc khăn lông, vừa tắm xong, khuôn mặt hí hửng, tay cầm vỏ đạn súng cối 175:

- Hôm qua tôi tìm được vỏ đạn này làm kẻng báo giờ.

Quế gõ lên vỏ đạn, tiếng leng keng, vang xa. Mọi người cười, Lacaze cười theo. Hai anh em thằng cu Tròn, nghe tiếng kẻng chạy tới:

- Chuyện đánh kẻng giao cho con lo. Giờ vào học, giờ tan trường.

Mọi người bật cười. Phượng nhìn Quế dò hỏi:

- Anh làm gì từ sáng sớm đến giờ?

- Tôi đào được gốc mít già ngoài vườn. Chiều nay tôi sẽ gọt tỉa nhỏ lại, xong mai trở về thành phố. Tôi mượn chiếc jeep để chở về.

·

Cu Tròn dùng một thanh sắt, đánh mạnh vào vỏ đạn 175. tiếng kẻng, âm vang tới đầu làng, len lỏi trong cơn mưa phùn.

Đám trẻ xếp nhiều hàng dưới sân. Lớp học bắt đầu. Buổi trưa các em được dạy trồng cây, trồng hoa trong vườn.

Phát viết tên họ các em, tên loại cây, ngày tháng trồng, trên tấm giấy bìa lớn rồi treo lên từng cây. Phát chỉ miếng vườn sau, cạnh suối, nói với bác sĩ Lacaze:

- Lần sau chị lên đây, tôi còn có một vườn nuôi thú rừng nho nhỏ nơi kia.

- Nhưng theo anh, giáo dục là gì?

Phát nhìn đám trẻ:

- Với tôi, trước tiên là biết đọc, biết viết. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tạo ra được niềm yêu thương. Yêu cây, thú, đất rừng... yêu người, do đó yêu nước, yêu độc lập, yêu hòa bình và thù ghét chiến tranh.

Bác sĩ Lacaze ôm hôn hai má Phát, thầm thì bên tai:

- Anh cho một cơn mưa vào vùng đất hạn. Tôi sẽ làm hết sức mình, những gì tôi làm được... Comme je t’estime.

Phượng nghe không hiểu được gì, nhưng cũng chau mày, cắn môi, nén tiếng thở dài. Bất ngờ bác sĩ Lacaze đến bên cạnh Phượng, tháo chiếc nhẫn vàng:

- Tôi gởi chiếc nhẫn này nhờ cô giữ hộ. Hồi nào có nhẫn mới, cô trả tôi.

bác sĩ Lacaze hôn nhẹ má Phượng, mang chiếc nhẫn vào ngón tay cô. Phượng e thẹn nhìn Phát, nhìn mọi người.

Cơn gió làm đám chuối ngả nghiêng. Có giọt lệ đọng trong mắt Lacaze. Chim hót líu lo trong vườn, mắt Phượng sáng hơn.

 

Chương năm.

Bão lớn đã kéo dài hai ngày. Mưa dầm vẫn chưa dứt. Đất đỏ nhão nhẹt khắp nơi. Lớp học tạm ngưng vài ngày. Gà vịt, ba con bò được lùa núp tránh mưa gió dưới gầm nhà sàn. Mùa đông đến, sáng sương mù dày đặc, lạnh buốt xương.

Phát tính có bốn cơn bão nội trong ba tháng nay. Dù sao cơn bão tới đây, ở vùng núi xa, cơn gió cũng dịu đi phần nào, không tàn khốc như vùng biển, không lụt lội như vùng ven sông.

Đám chuối ngã sóng sượt trong vườn. Lá rụng đầy sân. Mấy cây con trong sân trường của đám trẻ trồng, anh phải cắm cành tre chung quanh, che chắn gió bão. Cu Tròn mặc áo mưa cho bò và gà vịt ăn. Áo mưa như áo giáp, đan bằng những lá tranh rừng dày cộm. Nón lá ụp trên đầu thằng bé kéo theo đôi dép Bình Trị Thiên làm bằng lốp xe hơi. Thằng Tròn siêng năng làm việc quần quật cả ngày, tối lại học thêm chữ. Giờ nó đã đọc được, tập viết mỗi đêm. Cu Minh bắt chước theo, ngồi học bên cạnh. Tội nghiệp con chị Do, mấy hôm nay lại lên cơn sốt cao.

Tiếng chuông xe đạp leng keng vang ngoài ngõ. Thằng Hồ Ru dựng xe dưới mái nhà, nhấc xe lên, giũ xuống vài lần cho bùn đỏ rơi ra. Hắn nhìn chiếc xe đạp, nhìn Phát đứng ở cửa ra vào:

- Chào anh.

- Mưa gió lớn, có chuyện gì vậy? Lâu ngày không gặp Ru. Vào nhà đi.

Hồ Ru tháo nón nỉ, cởi áo mưa, lòi cái áo thun trắng vẽ hình con cọp. Ru vén áo thun, kéo lá thư gài trước rốn đưa Phát:

- Em thấy lá thơ trên bưu điện xã sáng nay. Em đem tới cho anh.

Thư của bác sĩ Lacaze. Phát rót trà:

- Cám ơn Ru. Uống trà nói chuyện chơi.

Ru cười vuốt mái tóc chẻ đôi. Phát nhìn hắn, thằng Ru giờ đổi khác nhiều. Nó trông lập dị quái đản. Mái tóc chải bóng mượt, áo thun trắng mặc giữa mùa đông, đôi dép nhựa trắng, chiếc xe đạp Phú Xuân nhiều màu sắc. Hắn rút bao thuốc Chợ Lớn, lấy một điếu mời Phát:

- Anh hút thuốc.

- Không cám ơn, anh không hút.

Hắn cười, nhìn làn khói trắng cuộn bay lên trần nhà. Phát nhìn khói thuốc:

- Em đi đâu mấy tháng nay không gặp, từ hôm đám ma anh Quý?

- Em đi đãi vàng xa đây lắm.

- Ở đâu?

- Tận trong xã Hương Nguyên, gần biên giới. Nhiều đứa trong làng đi làm chung với em, thằng Pin, thằng Nu...

- Kiếm được nhiều tiền không?

Ru cười, xoa tay, đứng dậy kéo trong túi quần một lọ thủy tinh lấp lánh cát màu vàng óng ánh.

- Anh xem, vàng em đãi đây này. Lọ vàng nhỏ này là em có thể đổi được một xe đạp Phú Xuân mới, đổi được nhiều thứ khác nữa.

Ru chỉ cái áo thun trắng, chỉ cái quần bò, chỉ đôi dép, chỉ gói thuốc, mặt tự hào. Phát nhìn ra ngoài, gió thổi mạnh, hàng cây chụm đầu vào nhau. Thì ra mấy chục thanh niên trong làng không có mặt hôm khám bệnh, ít thấy mặt, tất cả đi đào vàng, mưa bão mới về nghỉ.

Hèn chi vài tháng nay, ngôi làng có nhiều thay đổi, nhiều xe đạp Phú Xuân, áo thun nhiều màu bày bán bên hông chợ, thanh niên tóc rẽ ngôi giữa, thay thói quen hút thuốc tẩu ống dài bằng thuốc Hoa Cúc, thuốc Chợ Lớn, thời trang của đám trai trẻ vùng cao.

Phát hỏi:

- Có nhiều người đi đãi vàng?

- Đông lắm, cả mấy trăm người. Gần trăm nóc nhà hai bên suối. Tuần trước lũ lớn, thêm cơn lốc trôi đi mất chục láng trại của người đào vàng. Thằng Bun bị nước cuốn mất xác. Giờ có thêm hai máy hút cát lên để đãi vàng... Hôm nào anh theo em vô suối chơi, vui lắm có đủ thứ trên đời. Tết này em lấy vợ. Hết cơn bão, em xuống miệt dưới phố mua một số hóa chất để tinh chế vàng, anh đi chơi với em?

Phát lắc đầu.

Anh mường tượng cái làng ven suối, người người đang chen vai đãi vàng. Đầu tiên đãi bằng cái rá tre nhỏ, giờ tân tiến hơn có luôn máy hút, có phòng phân kim. Lòng suối sâu thêm ba bốn lần. Đâu còn con suối trong. Chất thải do chất phân kim nhiễm độc hết nguồn suối. Một thôn làng mới, đủ loại người, có quán ăn nhậu, quán trọ, đĩ điếm... phức tạp như cái láng mùa chặt cây trong chốn sơn lâm Phát từng chứng kiến. Bao nhiêu biến cố bể dâu xuất hiện trong vùng núi. Hàng chục xe cẩu, chục xe kéo, chục xe tải, hàng trăm người dưới lệnh điều động của ông chủ, phá rừng làm đường, tiến sâu vào khu rừng già lấy gỗ. Đám thanh niên, đám gái ăn sương quấn quít với nhau. Phá rừng, giết thú, đào suối... rồi còn gì nữa.

Phượng mon men lại gần, khăn lông lớn cuộn trên vai. Phát, hỏi:

- Thằng bé thế nào?

- Sáng nay bớt sốt. Cứ nghe tiếng gió thổi lớn, là bé khóc thét lên. Tội nghiệp! Em cho uống ly sữa, giờ mới chịu ngủ. Anh trông rầu rĩ. Có chuyện gì?

Phát cười gượng:

- Thư của bác sĩ Lacaze, không có gì. Thư, Ru mới đem tới cho anh.

Phượng cầm lá thư, ngắm nghía con tem có hình ông Tây tóc bạc, lẩm nhẩm đọc địa chỉ khó đọc ngoài phong bì:

- Có gì vui không? Anh cho em biết với được không?

·

Nice, ngày 10 tháng 11 năm 1992.

Thân gởi Phát và Phượng.

Tôi đã trở về Pháp được một tháng. Hôm nay gởi lời thăm Phát, Phượng, Quế và tất cả các em học sinh trên vùng núi ASầu xa xôi đó.

Tôi đang ngồi trong thư viện đại học Y Khoa Nice. Bên ngoài gió lạnh, mùa đông đến. Chắc trong làng ASầu giờ cũng lạnh lắm. Trường Y nằm trên đỉnh núi cao, có bệnh viện lớn nhất thành phố êm đềm trên vùng biển xanh đẹp miền Nam nước Pháp. Qua khung cửa, khu rừng bao kín những biệt thự cổ kính, cao sang. Tôi nhớ nhiều khu rừng các bạn đang sống, những kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ từng khóm chuối bông đỏ chen lẫn nương rẫy bắp, khoai... nhớ luôn mấy cô tắm suối trần truồng giữa trưa (hôm đi chơi không có Phát, Phượng), nhớ con đường khổ nạn đi tới vùng lam sơn chướng khí.

Tiện đây, tôi xin báo cho các bạn hay, những trường hợp của các em dị tật bẩm sinh, dị tật ngoài da cho đến ung thư máu của chị Do... có liên quan đến “Những hóa chất khai quang, màu da cam”trong chiến tranh.

Trước mặt tôi là những tư liệu mà tôi đang tìm kiếm, theo dõi. Đã có nhiều bài vở nói về vấn đề này tại Hoa Kỳ, và cả ở châu Âu trong mấy năm qua. Mọi vấn đề y học nêu trên, người ta đang cố gắng chứng minh một cách khoa học, đó là chất độc màu da cam, nguyên nhân chính. Có người đang chứng minh trong chất độc da cam có chất dioxin, có chất 2,4,5,T. Nhiều giả định đưa ra, chất độc gây ung thư máu, bệnh nổi hạch dưới da Hodgkin... đặc biệt khá nhiều công ty lớn của Mỹ đã tham gia sản xuất chất độc trên như: North American Philip, Hercules, Dow...

Tôi khá bận vì công việc trên. Tôi đã viết thư cho bạn bè nhiều nơi trên thế giới để xin tư liệu, ý kiến. Tôi đã trình bày vấn đề với đại học Y nơi đây. Tôi cũng đã viết thư cho ông bác tôi, người đã từng là Đại tướng trong quân đội Pháp, cuối cùng tôi đã có một số đồng nghiệp ủng hộ chương trình làm việc tại làng ASầu của các bạn.

Tôi hy vọng sẽ trở lại cùng các bạn trong thời gian gần nhất, nếu có thể được. Mong nhận được thư các bạn.

Lạy xin Chúa và ơn trên phù hộ các bạn và gia đình.

Thân.

Dr. Christine Lacaze.

·

Buông lá thư, Phát ngồi thừ trên ghế, đôi bàn chân gác trên chiếc bàn nhỏ, mắt nhắm lại mường tượng đời sống quanh mình, có chất dioxin, chất 2,4,5,T... lởn vởn. Chất độc một thời đốt cây, theo gió bay muôn phương, thấm phổi, dính trên da người. Cá tôm chết nổi lên. Năm 1973, người ta cấm xuất khẩu tôm Việt Nam qua Mỹ có lẽ vì thế. Nhưng có những công ty nước ngoài vẫn chận mua từ ngoài khơi tôm cá nhiễm độc kia chế biến, rồi vẫn xuất khẩu được qua đại lục xa xôi kia. Người Việt Nam thì vẫn ăn phải cái chết lần hồi, và đâu biết chuyện gì sẽ tới?

Gió thổi mạnh, tiếng lá cây xào xạc. Đôi bàn tay đặt nhẹ lên vai Phát, có thêm áo ấm:

- Anh mặc vào, không cảm chết.

Đôi bàn tay thon nhỏ, hơi ấm theo cùng.

- Hồ Ru báo tin. Tết này nó lấy vợ.

Phượng im lặng. Phát quay lại nhìn vào đôi mắt long lanh, muốn trút hết nỗi niềm sâu kín:

- Anh muốn chúng mình Tết này cũng được như Hồ Ru.

Phượng mỉm cười, choàng ôm vai Phát. Họ hôn nhau. Con chị Do ngủ yên. Sao đêm sáng một vùng núi.

 

Chương sáu.

Người đàn bà cao lớn, vuốt lại mái tóc vàng óng ả, lộ ra cái cổ thon dài. Chiếc váy màu đen có bốn vằn ngang, dài từ rốn kéo tới gối. Ngực trần, hai cái vú trắng trên lớp da trắng có nhiều tàn nhang. Mắt xanh, chiếc mũi cao giống đàn bà Mỹ.

Cô bước lên bực thang tre, nhìn Phát rồi giơ tay vẫy hai chú bé đi theo cùng:

- Anh là thầy Phát?

Phát gật đầu. Cô ta chắp tay trước đôi vú trần, cúi đầu xuống vái chào:

- Hai thằng con trai tôi ưng học với thầy cô. Mấy đứa bạn nó học ở trường này, nên tụi nó ưng tới đây.

Phượng chỉ thằng bé lớn, người đen, tóc quăn tít, tay chân dính đầy bụi đất:

- Cháu này tên gì? Mấy tuổi? Biết chữ chưa?

- Nó tên Lu, mười bốn tuổi, thằng nào cũng giốt hết. không biết chữ mô.

- Cháu kia tên gì?

Cô ta kéo đứa nhỏ đứng lại gần, xoa đầu, mái tóc quăn màu vàng:

- Thằng ni tên Na, chín tuổi.

Thằng Na trông giống con Tây, da cũng trắng lốm đốm tàn nhang giống mẹ. thằng bé cười hồn nhiên, tay níu váy mẹ, tay kia chỉ vào lớp học:

- Tui ưng học với cô.

Phát gật đầu đồng ý, bước lại gần cầm tay thằng bé:

- Cha cháu làm gì?

Cô ta chỉ đỉnh núi, ngón tay trỏ xêu nhẹ:

- Cha tụi nó đi đào vàng rồi. Không ưng mẹ con tôi nữa, ưng người khác rồi.

Cô nói xong ôm mặt khóc, tay rung, thân rung đôi vú trần.

Thằng bé ngơ ngáo, mắt mở lớn ngạc nhiên nhìn.

Nghe tiếng khóc, Phượng ngưng dạy, bước ra:

- Chuyện gì vậy anh?

Phát chỉ hai đứa nhỏ, chỉ người đàn bà khóc:

- Hai đứa đến xin học. Em đến khuyên mẹ tụi nó đừng khóc nữa.

Phượng dìu người đàn bà vào trong phòng khách. Cô dẫn hai đứa nhỏ giới thiệu với các bạn mới trong lớp mẫu giáo chung lớp người mù chữ “lớp học chống ngu”- người dân gọi tên thế.

Nắng ấm lên cao, Phát bước xuống sân, ngắt một chiếc lá xanh trên cây mai ở góc vườn. Anh lẩm bẩm:

- Hy vọng cây mai sẽ nở hoa đúng ngày mồng một Tết.

Quế ngồi cặm cụi đánh bóng cái chuông đồng hình dáng lạ anh ta mới mang lên. Anh còn đem theo cái mõ lớn. Lần đầu tiên Phát trông thấy cái mõ to như vậy.

Quế ngồi ngắm nghía cái chuông đồng bóng loáng. Phát chỉ chuông đồng:

- Cái chuông này “không giống ai” cả?

- Tôi làm kiểu đặc biệt để tặng trường học họ Đinh ở ASầu này, nhất là ngày cưới sắp đến của Phát.

Quế vuốt nhẹ cái chuông:

- Tôi vẽ mẫu, nhờ thợ trên phương Đúc đổ khuôn. Hoa sen năm cánh như năm đời dòng họ Đinh. Chất liệu là những đạn đồng trong cuộc chiến Pháp Việt, Việt Mỹ... Hoa sen vì luôn vươn mình cao trên bùn lầy, tỏa hương thơm ở chỗ tanh hôi nhầy nhụa. Còn cái mõ này đẽo từ gốc mít già lớn trong ngôi vườn của Phát mà tôi lấy về hôm trước.

Quế gõ chuông, tiếng thanh mà trầm hùng. Anh gõ mõ, tiếng cũng tỏ ra “Mộc đạc vang lừng khắp mọi nơi”. Mõ to bằng chiếc tivi, lại đẹp nữa. Lớp gỗ vàng nhạt cuồn cuộn vân nâu đậm:

- Tôi đang nhờ đúc một cái chuông khác, dự định để trong miếu Am Cô. Tôi sẽ có một cuộc đời mới. Tôi muốn khám phá cái vũ trụ vừa nhỏ bé, vừa lớn lao nhất, vừa gần gũi, vừa xa xôi vô cùng. Một thế giới mới. Tôi đã quyết định đi tu. Đi tìm, mong thấy mình đích thực và... giải thoát.

Phượng vừa tiễn chân thiếu phụ khi nãy, trở vào:

- Anh định đi tu thật sao?

- Tôi đã quyết định.

Phát mỉm cười:- Phượng, chuyện ba mẹ con lai thế nào?

Phượng xuống giọng trầm buồn:

- Cô tên là Bầu. Chồng là Hồ Lạt, đứa nhỏ giống Mỹ là con ruột cô bây giờ. Thằng lớn là con Hồ Lạt với chị ruột cô. Người chị tên là Bí, gần mười năm trước qua đời vì bệnh. Hồ Lạt bèn cưới cô em một năm sau, phong tục bình thường của người Cà vùng này. Cô Bầu khóc vì chồng đi đào vàng đã hai năm, không về nhà. Ông ta có tiền nên lấy thêm vợ khác trong xã Aròn. Cô Bầu dặn anh Phát đừng nhắc đến chồng, giờ cô ta không ưng nữa rồi.

Phát gật đầu:

- Nhưng sao cô ấy giống Mỹ quá vậy?

Phượng đáp:

- Mẹ cô hiện còn sống. Thuở đã có chồng, có con là chị Bí bây giờ, mẹ cô đang làm rẫy gần sông Asáp, có đội quân Mỹ hành quân đi ngang qua, thấy bà có nhan sắc, một tên đã hãm hiếp bà. Sau vụ đó, bà có mang sinh Bầu.

Phát thở dài.

Quế đứng lên, đi chậm quanh bàn, đưa hai cánh tay lên phác họa:

- Chiến tranh! Chiến tranh mấy chục năm, hậu quả đủ thứ còn đó. Vậy mà vẫn có người thiếu trách nhiệm như một số thầy giáo, ông hiệu trưởng vùng này. Họ chỉ làm việc tuần có hai ngày, thời gian còn lại đi đãi vàng. Ông đảng viên hạt trưởng kiểm lâm thông đồng cho dân vào rừng hạ củi, tìm trầm. Chưa kể có ông chánh án huyện buôn lậu đồ cấm qua biên giới, bị bắt, rồi lại bỏ trốn luôn.

·

Mưa dầm dây dưa, lạnh buốt ngày cuối đông. Tiếng mưa lã chã trên mái lá. Nước mua kéo dài thành những dòng trắng nhỏ ngoài khung cửa kính. Quế tắt đèn, đi ngủ sớm. Anh lên đây đã bốn ngày, ngày đêm gõ mõ, kinh kệ, ít nói, trầm tư.

Phát đang nhẩm tính những gì cần làm cho những ngày tới. Còn hai hôm nữa là ngày cưới, gần cuối năm, ngày 16 tháng chạp, Phát và Phượng sẽ chính thức trở thành vợ chồng. Gần một năm, Phát bỏ cuộc đời phố thị để bước vào một cuộc sống khác, một năm mà tưởng mới hôm qua.

Phát nghe tiếng ụa, tiếng buồn nôn của Phượng. Mấy hôm nay, chuẩn bị cho ngày cưới, Phượng thức khuya làm việc nhiều, da trắng giờ trông xanh ra. Cô đang cắm lại bình hoa cúng gia tiên.

Hoa cưới đã kết xong để trên cái bàn con bên cạnh. Phát đứng sau lưng Phượng, đặt cả hai tay trên đôi vai gầy của cô:

- Khuya rồi, em đi ngủ đi. Mặc thêm áo vào, trời lạnh lắm.

Phượng nắm lấy tay Phát, lắc đầu. Cô tỉa những nhánh mai vàng nhỏ cắm chung với bông thọ, bông trang trong hai chiếc bình sứ:

- Năm này hoa Mai nở sớm. Anh xem, hoa Mai có đến tám cánh, nhà mình có thể có nhiều tin vui.

Phát hôn nhẹ trên mái tóc xõa ngang lưng có mùi thơm quen thuộc:

- Nơi đây không ai làm tóc cho em!

- Em gội nước vối, chải lấy được rồi.

Phát nhớ đám cưới Thúy. Anh đưa Thúy đi làm tóc trước chợ Trương Minh Giảng, ngồi chờ làm móng tay, uốn tóc, trang điểm cô dâu. Hôm nay chẳng có gì cả. Xưa Thúy là cô giáo, giờ Phượng cũng là cô giáo. Xưa Thúy uốn tóc, giờ Phượng tóc xõa ngang lưng.

- Anh đang nghĩ gì vậy?

Phát cười, đôi tay ôm cổ Phượng:

- Anh lại nhớ Sài Gòn, tháng này gần Tết nóng lắm, thêm nhiều tiếng ồn. Đây thì trời còn rét buốt, im lìm, thiếu ánh sáng. Cưới em xong, anh đưa em và cu Minh vào Nam chơi cho biết đất nước mình.

- Các bạn của anh ở Sài Gòn có ra kịp đám cưới?

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 1982
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân