Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
679
123.243.729
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 13

ánh mắt sung sướng, hôn nhẹ trên vành tai vợ. Anh bước đến cạnh bác sĩ Chương, bắt tay:

- Cám ơn bác sĩ nhiều. Chúng tôi mừng lắm. Giới thiệu với bác sĩ, đây là anh Phiên, bạn cũ trung học ngày xưa, bên Mỹ về chơi.

Họ bắt tay nhau vui vẻ, gọi thêm mấy hai bia, họ uống mừng đứa con trai sẽ ra đời mang dòng họ Đinh.

Uống bia là nghề của bác sĩ Chương, một mình uống một thùng bia chưa đủ say. Bác sĩ Chương nhìn mái tóc bạc trắng của Phiên:

- Cậu vẫn chưa lấy vợ?

Phiên lắc đầu, nhìn Phượng cười:

- Sống độc thân sướng hơn. Có vợ khổ lắm. người đàn bà ở xứ ngoài khác nhiều lắm với mấy bà trong nước. Chuyện không vừa ý là hét to lên đòi ra tòa ly dị, chia gia tài, thêm tật lười biếng đẻ con.

- Anh lại sợ chia gia tài. Già đầu không vợ, ai nối dõi tông đường.

- Thôi bỏ qua chuyện vợ con.

Bác sĩ Chương nâng ly bia, chào Phiên:

- Bác sĩ Lacaze tốt lắm, cô gởi nhiều dụng cụ y tế cho bệnh viện tôi. Ban giám đốc được tin, khoảng vài tháng tới cô sẽ trở lại đây. chiếc máy siêu âm hồi nãy xét nghiệm cô Phượng, xem biết con trai con gái, là do tổ chức mà bác sĩ Lacaze vận động gởi tặng.

Ông ta ngưng nói, uống hớp bia, nhìn Phiên cười:

- Anh có cái trán cao tốt quá, nhất là hai lỗ mũi vừa kín vừa cao, ắt sau này giàu sang. Anh sinh ngày tháng nào, để tôi xem hộ tử vi cho?

- Cám ơn bác sĩ, tôi không tin lắm.

tiếng la lớn của cu Minh, mọi người quay lại nhìn. Thằng bé chạy lại đứng cạnh mẹ:

- Cho con miếng nước, khát quá.

Phượng cho con uống nước. Phiên vuốt mái tóc thằng nhỏ:

- Cháu mau lớn quá. Bé Minh chỉ mới đây, nay trông đổi khác nhiều.

Minh ngước mắt nhìn Phiên, chỉ ngón tay xuống phía bờ sông:

- Mẹ, sao ở đây thối quá?

Phượng gật đầu, chỉ phía cu Méo còn đùa giỡn trên đám cỏ với trái banh nhựa:

- Con đem nước cho anh Méo uống đi, anh đá banh khát nước lắm.

Thằng bé chạy khỏi bàn, tiếp tục đùa giỡn. Phát nhìn theo, nhìn về phía giòng sông, lắc đầu thất vọng:

- Bao năm rồi, thành phố này vẫn chưa đổi thay da thịt chút nào. Rác và rác bám đầy hai bên bờ sông. Nhà, chợ tiếp tục cho rác xuống sông nước. Tụi trẻ con trên vùng núi chưa quen ngửi mùi hôi.

Anh nhìn bác sĩ Chương, chỉ ngôi nhà to đẹp nơi ông ta làm việc:

- Ngay nước thải, đồ bẩn trong bệnh viện, nơi bác sĩ làm việc, vẫn an nhiên bình thản tiếp tục chảy ra dòng nước này mỗi ngày. Khổ nạn, sông gánh chịu. Giòng sông mỗi ngày thêm ô nhiễm. Mùa này có khúc sông cạn đến đầu gối, nhìn thấy rác chất bám đầy bên dưới. Tội nghiệp đám trẻ thơ bây giờ không tìm được một bến tắm sạch sẽ để tung tăng bơi lội.

Anh ta nhìn Phiên, chỉ qua bên bờ:

- Phiên biết không, trên bờ hoàng thành kia, nơi tốt nhất để nhìn thấy rõ kiến trúc một thời cha ông để lại. Thành giờ là cỏ hoang, cây dại bịt lối đi, đầy rác và phân người. Tôi đâu dám dẫn đám trẻ học sinh lên đó. Một lần về phố, tôi cũng đâu dám đưa đám nhỏ vào Đại nội, chỗ vui chơi đặc biệt, nơi mà ai ai cũng có thể làm vua, mặc áo Long bào. Ngai Vua giờ được làm chỗ ngồi chụp hình. Dù có mấy ông vua triều Nguyễn bất xứng, nhưng những cung điện để lại là tài sản quốc gia, là di tích lịch sử, phải nên trân trọng.

Phiên im lặng, ngón tay chỉ về phía khuôn viên đại học:

- Tôi cũng buồn, thấy người ta đang phá ngôi trường đại học ngay trung tâm để làm khách sạn. Đâu đâu cũng là khách sạn, từ thủ đô đến các thành phố lớn. Khách sạn mọc lên ở những vùng đất xinh đẹp nhất, đáng lẽ cũng được dành một phần để xây trường học, trung tâm văn hóa, bệnh viện.

Phiên nhìn thành phố về chiều, nhìn mây mờ ảo che một phần bầu trời bên kia. Nhiều mây xám ẩn hiện. Đám mây xám đen bên dưới cũng nhắc được tạo bởi con người, thủ phạm chính gây nên bao công việc ghê gớm giữa cuộc đời.

- Thành phố này tôi thấy có nhiều chuyện lạ. Buổi sáng, quán cà phê nào cũng đông kịt khách ngồi tán gẩu, người ta bàn chuyện đâu đâu, chuyện bóng đá... mấy o mấy dì bên chợ lại bận nằm mơ thấy bướm thấy chim cho số đề buổi xổ số chiều mai. Các người lớn tuổi lo dựng mồ dựng mả... Công sở, trường học gần như đóng cửa khi có trận đá banh.

- Quả thật nơi đây ai ai cũng bận.- Bác sĩ Chương đáp.

Đời sống luôn luôn với những tiếng than dài nghèo khổ, nhiều tiếng hỏi vì sao, vì sao?

Phát bâng quơ, nghĩ đến gia phả dòng họ Đinh sắp viết thêm tên một người, một đứa con trai nối dõi tông đường:

- Gia phả thằng Trâu, thầy tìm thấy gì chưa? Trâu có viết thư hỏi thăm. Nói đã nhờ thầy viết hộ.

Ông đưa đôi bàn tay xoa mái tóc hớt ngắn, than thở:

- Chuyện thật là khó, ông Nội hắn xưa ở Đá Bạc, xóm thuyền bên cạnh biển. Cơn hồng thủy năm xưa cuốn trôi nguyên cả làng có cả ông Nội nó. Tôi xuống đó mấy lần, vắng bóng người hỏi thăm, chỉ còn mấy trăm bài vị thờ chung với mấy ông Táo trên hòn đảo nhỏ xíu. Bài vị nào cũng mốc meo. Mờ nhạt vì nắng mưa, tôi không đọc được chữ viết trên đó. Ba nó lại chết vì đói cách đây chưa đầy chục năm. Làng có nhiều người nghèo và khổ nạn. Cái thời ba nó chết, chỉ có chiếc chiếu bao quanh, chôn sau vườn gần mấy gốc dương liễu. Tôi cũng bận rộn như mọi người nơi đây. May có lúc nào rảnh rang tôi mới lo xong gia phả cho Trâu được.

·

Ánh đèn sáng dưới cây mận nhiều trái chín đỏ. Mận rơi tơi tả trên đất. Mấy người bạn ngồi quanh chiếc bàn tròn dưới gốc cây sau vườn nhà Hy. Phượng bưng dọn phụ với vợ Hy. Hàng chè tàu cắt thấp xuống ngang lưng quần. Bên kia cái miếu thờ lợp ngói đỏ, lớp sơn màu gạch. Chiếc cột xi măng trắng cao hơn đầu người có tấm đan bê-tông vuông làm bàn thờ thiên.

Ánh đèn bật sáng sân bên. Một bà trung niên, tóc búi sau lưng, áo thun xanh, bưng mâm đem vào miếu thờ. Bà ta quay trở lại nhà, bưng thêm một mâm hoa quả cho bàn thờ tiên chủ bên cạnh. Nhìn mâm cỗ cúng có ly sữa trắng, ổ bánh mì, và hộp fromage hiệu đầu bò. Phiên ngạc nhiên:

- Chuyện lạ, chưa bao giờ tôi thấy cúng ma mà có sữa tươi, có bánh mì, có bông huệ...?

Hy ngưng tay, kể chuyện hai con ma hàng xóm tóc vàng gốc Tây. Từ ngày làm lại am, họ cúng bánh mì, sữa, ma ít quậy phá. Họ cũng cúng luôn người chủ cũ của ngôi nhà, ông ta người Pháp đã chết ở đây không ai hương khói, tội nghiệp. Hàng chè tàu tôi phải chặt thấp xuống cho bớt âm u, ma không có chỗ ẩn núp...

Phiên nói:

- Tôi thấy cái am này còn lớn hơn cả miếu am Cô trên núi làng Asầu. Quế đi tu sao không thọ giới quy y gì cả. Thằng này thật là quái đản!

Phát chỉ về phía đầu giòng sông, phía có ngôi chùa cổ đã mấy trăm năm:

- Tôi có hỏi Quế. Anh ta cho biết, lúc đầu có lên ngôi chùa cổ có tháp Phước Duyên, có vị hòa thượng lớn tuổi để xin thọ giới quy y. Nhưng theo anh ta, khi gặp hòa thượng khả kính đó, ông già lắm, ông nằm trên chiếc giường... nhưng đôi mắt giọng nói còn vương vấn hồng trần, nên Quế không chịu thọ giới sa di với hòa thượng, mà tự cạo đầu vào tu, ẩn cư nơi hoang dã.

Họ ngồi ăn tối, nhìn về đêm, nhìn ánh trăng lấp lánh dưới sông, có hoa đăng trôi trên nước. Ánh đèn cầy lung linh chiếu sáng trên dòng sông tối đen. Hàng trăm, hàng ngàn hoa đăng trôi theo giòng nước. Cảnh sắc đẹp lạ lùng. Đám trẻ nhỏ chạy ra sông la hò vui thích. Phiên nhìn, khuôn mặt tươi vui:

- Lâu lắm mới thấy hoa đăng.

- Chuyện đó dễ ợt, Phiên bỏ ra vài đôla, người ta thả hoa đăng cho toa xem, bất cứ đêm nào.

Phiên cười thú vị, nghe Phát phát biểu:

- Sông đã chứa đầy rác. Chỉ tội nghiệp cho dòng sông đem nào cũng nhận thêm hàng ngàn miếng rác chìm sâu xuống. Dân cổ thấp xả rác, dân cổ cao cũng xả rác. Đêm nào cũng có hoa đăng mau có cồn rác! Cồn rác mau có, ngồi ngó cồn bắp!

·

Đám trẻ con đùa với sóng biển. Sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ, âm thanh vang lớn không dứt. Mặt trời thoát khỏi đám mây xám bạc. Phượng ngồi trên chiếc chiếu trông chừng đám trẻ tắm. Bàn tay để nhẹ trên bụng. Cô mong khuôn mặt đứa bé tương lai ít khổ não hơn cha nó. Cơn gió biển làm cô cảm thấy dễ chịu phần nào.

Trong chiếc chòi lá, Phát ngồi trên ghế bố cùng với Phiên, vợ chồng Hy nhìn sóng vỗ về bãi cát trắng gần nhà Trâu. Hàng ngàn ngôi mả mới xây rất tốn kém. Người ta thi đua dựng mả mồ.

Bốn người đàn ông và hai người đàn bà còng lưng kéo thuyền con lên bờ cát. Đám phụ nữ đội nón lá, bưng thúng, tay cầm chiếc đòn gánh tụ lại trên mẻ cá mới đánh bắt tối hôm qua. Đám trẻ thơ mình trần chạy quanh lượm cá con. Nhiều người đàn bà còn trẻ dẫn con thơ đi xin ăn quanh bãi biển. Bài học đầu đời của các bé này có lẽ là vòng tay cúi đầu lập lại những tiếng vỡ lòng “Lạy ông, lạy bà”.

Phát chỉ đám nhà ngói đỏ:

- Tiền xây nhà lớn, dựng mả, thừa mua hàng chục thuyền có khả năng ra ngoài khơi bắt cá lớn, thừa làm trường học cho trẻ con đến tuổi cần trường.

- Điều đó ai cũng thấy. Nhưng người ta khi có chút tiền thì dễ quên. Quên cả mới hôm nào vừa thoát chết đói!- Vợ Hy đáp.

 

Chương tám.

Lên đỉnh dốc Kộ mới thấy được tàn lá rậm của cây bồ đề, che kín am Cô. Phát lái xe jeep, chạy trong bụi đỏ, và nắng hè. Cu Méo ngồi băng sau chỉ cho bé Minh:

- Tới rồi, tới rồi.

Quế lên đây đã gần sáu tháng, cạo đầu quy y, suốt ngày kinh kệ.

Họ gặp nhau ngày chủ nhật, hàn huyên, ăn cơm chay. Mấy tháng qua, Quế trồng hàng rào râm quanh miếu am Cô. Những bông đỏ chói, bắt đầu nở giữa tháng nóng gió lào.

Cái cổng làm bằng cây lồ ô, có trồng bông giấy. Hai hàng chè tàu đã lên cao khoảng hai ba tấc.

Mái ngói đen loang lở được sửa chữa lại, rễ cây đa nhỏ thòng xuống lưa thưa.

Ngôi nhà sàn lớp tranh nằm phía sau, trông như nổi trên mặt hồ, hoa sen trắng như những nắm tay búp măng.

Đám chuối mọc nhanh nhất, chỉ mấy tháng đã đâm bông kết trái. Quế đầu trọc, quần áo vải lam đang cuốc đất. Anh lau mồ hôi ngẩng nhìn:

- Chào mọi người, lại có cu Minh đến thăm bác, con muốn ăn chay nữa phải không?

Thằng bé cười, lòi hai răng sún đáp ‘dạ”, nó kéo theo thằng cu Méo chạy ra sau vườn đùa giỡn.

Quế rám nắng, mặt lộ rõ xương hàm, trán cao, nhưng chân tay cuồn cuộn thớ thịt rắn chắc khác hẳn ngày nào đi làm thầy tụng da trắng, bụng to. Đôi mắt sâu hoắm, long lanh. Ống quần xắn khỏi đầu gối thấy được cái sẹo dài ở cẳng chân, vết thủng ống quyển trong những ngày kháng chiến. Phượng để bao nylon mang theo xuống đất.

- Chào anh, em mua được một ít gạo ngon, đem đến cúng Phật.

- Cám ơn hai người.

- Anh đang trồng gì thế?

- Trồng thêm một ít cây thơm.

Tiếng nổ bình bịch của chiếc xe gắn máy chạy vào sân. Thằng bé da ngăm đen, lớn con, quần cộc, áo thun màu đất ướt đẫm mồ hôi. Phượng hỏi:

- Ai vậy?

Quế trả lời:

- Hồ Tay ở cuối thôn.

- Hồ Tay con ai?

- Nó mồ côi. Ông Nội nó là Hồ Nong, một trong số đảng viên đầu tiên người Vân Kiều. Thời ông Nội nó nhập đảng, tụi mình mới sinh ra, thời Việt Minh chống Pháp. Cha mẹ nó mất mấy năm rồi vì đạp phải mìn. Ông chú cũng chết nghe đâu vì hàng rào điện tử Mac Namara. Tôi đem nó về ở chung phụ việc được mấy ngày.

- Anh Quế mới mua xe gắn máy?- Phượng lại hỏi.

Quế cười gật đầu.

- Xe này của Liên Xô sản xuất, chạy vùng núi tốt lắm. tôi mua ngoài chợ hơn một triệu đồng.

Chiếc Min xe bám đầy đất đỏ, tay lái vểnh cao, hình dạng kịch cợm giống con bọ ngựa. Phía sau, chở một bó cây con, Phát tò mò:

- Cây gì lạ vậy?

- Mấy cây quế, định trồng thử.

- Trong am có thầy tu tên Quế, ngoài vườn có cây quế cũng vui. Phượng mỉm cười, bàn góp.

- Đất hoang hóa, với loại quế này, theo tôi dễ trồng nơi đây, cho đất tốt hơn, các làng bên họ trồng quế này hợp lắm, tôi bắt chước theo.

Ve kêu vào hè, gió mang theo hơi nóng khô hạn khó chịu. Dãy Trường Sơn cao sừng sững chia đôi ranh giới hai nước. Trường Sơn Tây thì mưa dầm, cơn gió khô hạn xuyên núi, về bên kia Trường Sơn Đông làm khô cây cỏ, khô đất, khô người.

Họ bước vào nhà, qua cầu tre, có hồ sen ở dưới, có hồ rau muống kế bên. Các ống tre nối dài như ống nước đến hồ, nối từ con suối đầu nguồn trên cao. Giàn bầu che một phần mặt hồ. Chục trái non xanh lớn bằng cánh tay buông thõng, như muốn sa xuống thầm thì với lá sen.

Phượng vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Phát nằm trên võng đong đưa nhìn đám cá nhỏ, đếm những hoa sen mới nở, đếm đám mây trắng bay qua đỉnh cây đa già.

Quế lau người xong, tay cầm quyển sách:

- Cuốn này hay lắm, tôi đã xem, Phát đem về đọc.

Đề tựa cuốn sách “Tìm hiểu quan điểm Phật giáo về kinh tế”, viết bằng tiếng Pháp.

- Có gì mới không?- Phát hỏi.

- Tôi đang nghiên cứu thêm quan điểm kinh tế trong đạo Phật với đời thường chúng ta.

Phát lật từng trang, đọc lướt qua. Chim chích chòe hát líu lo trên cây đa. Anh thầm nghĩ, chỉ mấy tháng Quế như đã hóa thân kiếp khác, xa lánh đời thường. Thằng bạn theo mình lên núi, ngông nghênh phá phách, chơi đàn uống rượu có đẳng cấp, đảng viên đẹp trai có đến ba vợ, sáu con, bỗng nhiên đổi thay nhiều mặt! Quế bây giờ như nhận một sứ mệnh cao cả, tìm chỗ khuất vắng.

Phát buột miệng:

- Chân lý là gì hả Quế?

Phượng bưng mâm cơm đến:

- Mời các anh dùng cơm.

Quế đứng dậy, bước lại góc phòng lấy một lọ thủy tinh có chất trắng sền sệt:

- Chao này ngon lắm! Người vợ cả mới gởi lên cho tôi.

Quế đổ chao trong cái chén nhỏ, thêm trái ớt xanh. Dĩa rau muống xanh còn bốc khói. Chén đậu phụng rang bằm nhỏ trộn chung với muối hột. Phượng ra ngoài tìm bé Minh và cu Méo. Phát nhìn mâm cơm chay:

- Theo Quế, đức Phật đã dạy những gì cho con người khi làm kinh tế để đóng góp cho xã hội?

- Gia phả dòng họ anh, dòng họ tôi như bao dòng họ khác của đất nước này đã chịu khổ đau gần giống nhau một thế kỷ qua. Đất nước cũng có một số kiếp. Lịch sử của một nước là tổng cộng số mệnh của mỗi người dân nước đó. Những đau thương kia cũng là hiệu ứng tham sân si của một nhân nào đó chìm sâu trong quá khứ. Nước ta cũng có thể cường thịnh thái bình. Đó là những lúc Phật giáo đắc dụng đắc thời. Bên Tàu, Phật giáo cực thịnh đời Đường, kinh đã nói đến “Bi điền”, nói đến những việc làm mỗi người nên đóng góp cho xã hội.

- Bi điền là gì?

- Bi điền bao gồm bảy công việc nên làm: Xây dựng chùa, làm vườn trồng cây trái có thức ăn, có bóng mát, ngăn chận lũ lụt, đào giếng, làm nhà vệ sinh, làm phòng khám bệnh, xây cầu, làm ghe thuyền độ người sang sông.

- Quế hiện đang làm gì?

- Tôi đang cố gắng bước vào con đường tu hạnh, cố gắng phát triển nghị lực, đủ quả cảm để vượt nhiều trở ngại ở trong tôi và ở ngoài đời.

- Lớp học cũ của tụi mình trong ngôi trường Thiên Chúa giáo Pellerin xưa, sáng nào cũng học giáo lý. Người ta cho con đi học ở đây vì lý do đơn giản, thời Tây tương lai con mình sẽ sáng sủa hơn con cái học các trường khác. Vậy mà thời nay, thằng Di thì tu Thiền, không muốn gặp mặt ai cả. Quế đi tu Phật trên vùng núi hoang vu này, còn đứa nào để trở thành giáo sĩ tương lai?

- Các anh xơi cơm kẻo nguội mất. Phượng cố ý cắt ngang câu chuyện nặng nề.

·

Quế không ngủ trưa, ra vườn, thả cây quế vào lỗ, phủ đất. Phát phụ giúp tưới nước. Hồ Tay thật khỏe. Một mình nó đào gần năm chục lỗ trong miếng đất cứng khô cằn. Ba người cởi trần trùng trục. Phượng đội chiếc nón lá, nhổ cỏ tém gọn đất đá. Bỗng có ai gọi:

- Chị Phượng ơi.

Cô Bầu. Hai thằng con chạy ùa vào. Dưới gốc cây đa. Bầu đứng nhìn vào trong nhà sàn, quấn váy đen nổi bật làn da trắng, vòng vàng, vú trần như hôm nào. Phát cau mặt:

- Em ra mời cô ta vào chơi.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13   14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 1968
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân