Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.161.559
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 7

6                                              

 

Lão Rô biệt tích từ năm đói nay lững thững về làng. Mặt đen sạm, hốc hác, vêu vao, lưng khòng, hai bàn tay loằng ngoằng, ve vẩy, lão vừa đi vừa hát, vừa chửi, vừa la làng “Bớ làng xóm ơi! bắt lão Rô nhét vào nồi cơm trắng cá tươi cho hắn chết đi! bớ làng xóm ơi, ra mà bắt lão Rô này, nhét vô nồi cơm trắng này!”.

Lũ trẻ con chạy theo, bắt chước lão Rô múa may, chu mồm hát

Rô, rô - rô

Trốn đi mô

Chạy đi mô

Ở chỗ mô

Chừ mới chộ

Rô Rô Rô…

 

Lão Rô ngồi phệt xuống đất, ngả nón cơi chờ đồng tiền, bát gạo bố thí, nhe hàm lợi chỉ còn hai răng hai bên như hai tên lính canh cổng đã úa vàng. Tất cả những gì có trên người lão đều rệu rã, rách tươm, chỉ còn đôi mắt là sáng, tinh nhanh. Lão cười với lũ trẻ bằng mắt:

-                      Lão đi mô mà bay không biết à?. Lão đi mần Việt Minh đánh quan phủ. Rồi lão lại đi mần quan phủ đánh nhau với Việt Minh. Rứa là cả tỉnh, cả phủ, cả làng mày cứ tính tà linh linh tinh tinh

            Thằng Hóp xúi thằng nhỏ ngỗ nghịch nhất đám ném bãi phân trâu vào mặt lão Rô, rồi trừng mắt hỏi:

-                      Con mụ Diếc đâu?

            Nghe đến tên vợ, lão Rô đứng bật dây, ôm nón cời vào ngực, mắt long lên:

-                      Mi kêu tên mệ Nội mà không thưa lạy trước à. Đồ ba trợn. Nghe đây. Mệ nội mi (vợ của tau) đã hy sinh vì nước, vì dân rồi.

            Thằng Hóp cười nhăn nhó, mặt như miếng cau khô đầy nắng. Lũ trẻ cười theo lăn lóc. Hóp hỏi giọng khàn đặc.

-                      Rứa thì thằng Tràu, con Dét mô rồi.

            Lão Rô úp tay vào mặt khóc hu hu:

-                      Các con ơi! thằng chó này không muốn linh hồn các con được yên. Các con của cha ơi!....

            Lão ngửng mặt, ráo hoảnh:

-                      Thằng Tràu, con trai tau, (ông bác mi), con Dét (bà cô mi), con gái cưng của tau đã hy sinh vì đói rồi. Cả lũ chó nhà mi đã uống máu con choa rồi…

            Hóp má mặt đỏ tía tai.

-                      Á.. a… a…. Lão điên này ghê thiệt. Dở tỉnh, dở say, dở điên, dở khùng để chửi tao hử. Nói nữa, chửi nữa, tau bắn bể sọ đó nghe.

            Lão Rô bước tới.

-                      Mi có giỏi thì bắn ông nội của mi. Ông nội của mi cũng chẳng thích sống nữa. Loại người dở ông, dở thằng như mi thì quá ba trợn, lão muốn nhắm mắt để không nhìn thấy mi. Còn dân làng Thượng iêng hùng hảo hán như rứa mà mới bị một trận càn đã chạy tán loạn thì choa nỏ biết sống với ai – Nào thằng lạc loài, bắn ông Nội của mi coi! Choa dặn này. Ông nội mi chết thì lấy đầu mà thờ nghe chưa. Không tao về vặt cổ cả nhà mì đó…. khà khà khà….

            Lão cười sằng sặc, thằng Hóp run lên. Đạn nổ. Khét lẹt.

            Lão Rô nằm sóng soài trên đống cát. Lũ trẻ chạy tán loạn. Thằng Hóp định thần, chạy ngược lại hướng của lũ trẻ.

 

*

            Khổ thân lão Rô.

 

Than cho lão một câu, chớ chẳng biết lão là người xứ nào. Những lúc tỉnh táo nghe lão kể rành rọt: “choa là người sông Ròn” có nghĩa là ở phía Bắc Quảng Bình. Có khi hứng chí vỗ ngực. Ông cụ choa là Phan Đình Phùng, một thời chí khí ngất trời. Vậy là dân Hà Tĩnh. Rõ nhất là tháng đói năm Ất Dậu, vợ chồng lão bồng bế hai con chạy dạt vào Hạ cờ kiếm sống. Nhà lão đói, cả làng Hạ cờ, Chấp lễ cũng đói. Bốn bà con thất thểu bò lê la kiếm lá bánh trên chợ Hôm. Vợ lão ngã nước, nằm quyệt quệ. Lão kiếm manh chiếu rách đắp cho vợ. Thằng Tràu con trai cả ở lại trông mẹ. Lão với con Dét, cô gái út bò xuống làng Thượng xin ăn. Nghe người ta nói nhà lão Lỗi giàu lắm. Chó của lão Lỗi ăn cơm trắng với cá kho. Lão dỗ dành: “gắng một chút con ạ. Được làm chó lão Lỗi một lần thôi là được ăn cơm trắng rồi!”.

-                      Có được một chén cơm không hở bọ.

-                      Ừa được, được, cố lên con.

-                      Rứa thì con ăn nửa chén thôi. Nửa chén đem về cho anh Tràu. Ôi sướng quá,ngon quá.

            Con bé cười hồn nhiên. Lão Rô quệt nước mắt.

            Nhà lão Lỗi giàu thật. Cả làng ăn củ chuối với cám mà chó nhà hắn ăn cơm trắng. Lão ngả nón:

-                      Gặp thời túng bấn, cả nhà con chết đói đến nơi ròi, cầu xin ông mụ, cậu mợ cho chúng con chút cơm thừa canh cặn.

            Thằng Hóp mặt đỏ gay, dạng chân, tay xỉa xói:

-                      Đến bữa ăn cũng không yên với lũ khố rách áo ôm.

                                                                            Này cơm thừa này.

                                                                            Thì canh cặn này.

 

Một chữ “này” hạ xuống là một cú đá trời giáng. Lão Rô nằm sóng xoài, con Dét lộn một vòng rồi rơi trên lưng cha. Hai cha con chưa kịp định thần thì lũ chó xông ra. Con nào cũng cao to như con bê, răng trắng ởn, lưỡi đỏ lòm. Ôi chao, chó ăn cơm trắng với cá kho có khác. Lão Rô vác con lên vai chạy tháo thân. Đói, khát, mệt lả, lại chạy trên đường đầy cát, lão khựng lại. Con Dét kêu thất thanh: “Cha ơi!”. Con chó rượt theo, nhảy lên, cắn vào vai con bé, máu chảy ròng. Bò về đến chợ Hôm thì hai cha con ngã vật. Thằng Tràu mếu máo: “cha ơi! mạ chết rồi!”. Ba cha con ôm lấy người mẹ xấu số, khóc khan. Không ai còn nước mắt. Thằng Tràu chết đói, con Dét chết đói, chết đau vì chó cắn, máu chảy quá nhiều. Lão Rô lấy hết sức lực đào hố, chôn ba mẹ con rồi ngã vật bên mộ, lịm dần… Trời đang nắng, sao tối nhanh đến thế. Đất trời đều đen kịt như hoà vào nhau, đặc quánh.

-                      Cha ơi con đau

-                      Cha ơi con đói.

-                      Cha nó ơi, tôi kiệt sức rồi, tôi đi đây….

            Ba mẹ con, đừng bỏ tui một mình. Trời ơi! Mắt đứa nào thế? Mắt thằng khốn nạn, hay là mặt chó. A mắt thằng con nhà lão Lỗi, hay mắt chó đảo quanh bộ mặt lưỡi cày. Lão Rô nắm chặt tay  hét lên: “Tao.. tao sẽ giết.. mi… giết… mi”.

            Có ai nói nhỏ:

-                      Người ta còn sống, đừng ném đi mà tội.

 

Đám phu nhặt xác chết đói đưa lão Rô lên chiếc xe bò cũ nát. Lão cảm nhận được vị ngọt của nước cháo từ đầu lưỡi. Lão mở mắt. Màu vàng úa loãng dần, mênh mang màu xanh dịu. Lão sống thật rồi. Hình như vợ lão cũng sống lại rồi, đang bón cho lão từng thìa cháo loãng. Không phải, người đàn bà này già lắm, tóc đã bạc. Một ai đó trạc tuổi mẹ của lão. Như rễ cỏ cú phơi trắng lâu ngày gặp  mưa, lão Rô hồi phục nhanh. Ba ngày sau lão đã có mặt trong cuộc biểu tình kéo về phủ đường. Lão chẳng là quân của tổng nào, xã nào sất. Lão là người của đạo quân đói rách, tủi nhục cùng cực bật dậy, vùng lên giành quyền sống, giành quyền làm người. Giây phút ra mắt chính quyền cách mạng tại phủ đường Vĩnh Linh. Lão đứng trong đội tự vệ bảo đảm an ninh cho chính quyền. Bặt đi hai năm, không ai thấy, chẳng ai bắt gặp lão Rô ở chợ Hồ Xá, hay Hạ Cờ, Ba bình, làng Thượng. Có người đưa chuyện: Lão phát điên chết rụi ở Đông Hà. Trước khi nhắm mắt lão gọi tên Rô, Diếc, Tràu, Dét đầy ai oán. Có người thề sống thề chết là đã gặp lão ở chợ Cầu đang vác dao đuổi lính Tây. Có người hỏi nhỏ bà Khế: “Có phải lão Rôi làm cán bộ Việt Minh không?”.

                                                                        *

Hình như lão Rô ngã vật trước khi đạn nổ. Mọi người chạy lại thì lão đã ngồi dậy, chống hai tay khẳng khiu lên đầu gối củ lạc. Lão lắc đầu, cát bay tứ tung.

 

Lão đã quá quen với nhiều phen chết hụt, nên viên đạn cướp cò của thằng  Hóp chỉ làm lão giật mình, ngã tự vệ. Dân làng xúm xụm, lão Rô bốc máu kể chuyện:

 

… “Bớ dân làng Thượng, giả trẻ gái trai phải ra tay rào làng lại thiệt chắc, thiệt bền, đến con chó, con chồn cũng không chui qua được. Để bọn Tây, bọn tề nguỵ chui vô được gây nên thảm cảnh như ở Vĩnh Hoàng đó. Có đời thuở nhà ai một buổi sáng mà một trăm rưỡi ông mụ tra, đàn bà, con nít chết thảm hại, máu đỏ cả đường cát trắng. Bốn chục người còn sống sót, chúng bắt gánh lúa xuống tập trung ở Thuỷ Trung. Có hai người gan góc chống lệnh, chúng bắn luôn cả bốn chục người. Thảm khốc chưa? Có nhà có ba đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn, khoẻ mạnh, chúng bắn chết một lúc. Tức tưởi chưa. Ở thôn Thuỷ Tứ, bọn đao phủ một lúc chặt đầu 12 người bêu trên cọc nhọn. Thê thảm lắm, uất hận lắm. Bọn lang sói đi tới làng nào cũng đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ. Có nhà chúng đốt đi đốt lại hai ba lần. Có chị em bị chúng hãm hiếp đến chết. Bi thương lắm!”

-                      Lão Rô đã nghe chuyện làng Thượng chưa?

            Ai đó ngắt lời, lão Rô lấy tay áo quẹt nước bọt quanh mồm thách đố.

-                      Chuyện làng Thượng có hay hơn chuyện của lão Rô không?

Bà Lãnh đặt vào tay lão Rô cút rượu. Lão dốc ngược, hết một nửa, tay quẹt mép, khà rõ ro, mắt lim dim. Bà cất giọng:

-                      … “Mới sáng tưng rờ rờ, tây, tề đã ập vô xóm ngoài. Dân làng chạy nháo nhác. Chúng lùa chị em ra nhà thờ họ. Chúng tính làm nhục chúng tôi trước hương hồn tổ tiên. Bị dồn vào góc tối, chúng tôi bàn nhau tìm cách không bị ai làm nhục mà cướp được súng. Mấy thằng Tây, nhìn đàn bà như mèo thấy mỡ. Tôi bước ra gian giữa nhà thờ nói to:

-                      Chị em chúng tôi sẽ phục vụ các quan, nhưng không phải ở đây, chốn linh thiêng sẽ bị tổ tiên quở trách, mà ra ngoài sân cho rộng rãi, thoải mái. Bọn tây, tề, há hốc mồm cười ha hả. Tôi nói tiếp: “để thoải mái, các quan để súng vào tường, có các cháu nhỏ trông coi, không sợ Việt Minh cướp”. Tôi bấm tay, mấy chị to cao phốp pháp cởi cúc áo. Mấy thằng tây nhìn hau háu, nuốt nước miếng ừng ực. Tôi cười dễ dãi: “Các quan cứ cởi quần áo ra. Chơi cho ra chơi!” . Mấy thằng mắt hau háu, tụt quần. Có thằng không có quần đùi, cứ lồng ngồng lao vào chị em. Có tiếng hô “đá”. Tất cả chị em đá vào hạ bộ, bọn lính ôm của nợ, kêu la ầm ĩ. Chị em bật dậy cùng các cháu nhỏ vác súng chạy thẳng lên lòi Dầu Máu. Tự vệ làng có thêm súng đạn truy kích, bọn lính chạy tháo thân về Hồ Xá. “Chị em chúng tôi chỉ rách mấy cái áo, không hề mất mát mà được cả chục khẩu súng”. Lão Rô dốc nốt cút rượu vào cổ họng bỏng rát và cái bụng lép xẹp, cười khà khà:

-                      Chuyện đàn bà làng Thượng hay hơn, say hơn chuyện của lão nhiều lắm. Lão Rô này xin bái phục các mệ.

            Lão chấp tay vái lạy bà Lãnh đang cười hể hả với bà Khế.

 

            7                                             

 

Đặt ấm chè xanh lên chõng tre, bà Khế mở đầu cuộc họp

-                      Hôm ni họp chi bộ thiếu bốn đồng chí, nhưng công việc thì đầy đủ cả. Thứ nhất là rào làng chiến đấu, thứ hai là cô lập tề nguỵ, thứ ba là phát triển đội tự vệ.

            Việc rào làng chiến đấu được thông qua nhanh chóng. Ông Liên chỉ lưu ý là chòi gác ở ngọn cây dầu máu phải cao hơn chút nữa để nhìn rõ bọn địch từ Hồ Xá lên và từ nhà thờ Ba bình xuống. Ông Liên bức bối:

-                      Bọn ở Ty liên phóng xảo quyệt lắm. Chúng biến nhà thờ thành lô cốt, đào hào vây xung quanh, như sông con, sâu hai đầu với. Chúng làm cho bên lương với bên giáo quay mặt, thù hận, đánh nhau nên phải cảnh giác với dân Ba Bình, Hoà Lạc.

            Bà Khế từ tốn.

-                      Cảnh giác thì cứ cảnh giác, nhưng đừng phân biệt lương giáo, phải cố kết với nhau cùng đánh đuổi tây. Có ý kiến đề nghị đưa đội tự vệ lên chiến khu Thuỷ ba rèn tập một thời gian, bà Lãnh gạt phắt.

-                      Rào làng dầu chắc đến mấy, mà một ngày không có tự vệ là không ổn. Như hôm cướp được súng giặc, chị em chạy lên lòi Dầu máu, lúc nớ mà không có anh em tự vệ thì chị em nương nhờ vào ai? Nên tui đề nghị có thêm nữ giới vào tự vệ, ban đêm tập luyện ngay tại làng.

            Tranh luận nhiều nhất là phá tề, diệt ác, trừ gian. Đội trưởng Dương Liên thẳng thắn:

-                      Tui đã lên danh sách rồi. Danh sách một là những đứa phải chết, danh sách hai là những tên phải dằn mặt, cảnh cáo.

            Bà Khế chậm rãi:

-                      Theo tui, nên có danh sách ba là những người có thể lôi kéo về với cách mạng, đứng về phía kháng chiến.

-                      Nhưng tui hỏi bác, trong nhà lão Lỗi thì lôi được ai? Kéo được ai? Cả nhà lão vừa ôm khư khư mấy đôn lúa, vừa ôm chặt chân quan Tây, nhứt là thằng Hóp má. Tui liệt hắn vô danh sách một rồi đó.

            Dương Liên phẩy tay, dứt khoát. Bà Khế ngoáy thêm một cối trầu hạ giọng:

-                      Mụ Lỗi tham tiền, hám của, hám cả đàn ông, nhưng lại sợ tây, sợ chết. Với thợ cày thợ cấy thì keo kiệt, dưng cũng có lúc dễ xiêu lòng….. cho nên theo tui lúc ni tây tề chiếm đất, dành dân theo vết dầu loang thì ta cũng phải dành dân giữ đất, giành cả những lúc mềm lòng của mụ Lỗi. Lúc ni là phải thêm bạn bớt thù.

-                      Bác nói như rứa là túng chủ trương Việt minh rồi. Nhưng mà thằng Hóp má thì tui không tha!

            Dương Liên gãi đầu, đứng dậy. Bà Khế hạ giọng:

-                      Đồng chí đội trưởng tự vệ ngồi xuống. Bây chừ mới hết phần đầu của cuộc họp chi bộ. Phần sau quan trọng hơn là cán bộ cấp côi về phổ biến chủ trương mới.

            Mọi người ngạc nhiện. Dương Liên gấp gáp:

-                      Cấp côi là huyện hay tỉnh hở bác.

-                      Chút nữa thì biết.

            Ngoài sân tiếng thằng Hóp lè nhè:

-                      Nhà mụ Khế thức khuya quá hỷ.

            Bà Khế ra hiệu cho mọi người vào buồng trong, chạy ra sân.

-                      Nhà tui có việc. Chớ cậu Hóp có chuyện chi mà khuya khoắt còn ghé vô đây.

-                      Nỏ có chi. Đang đi tuần, sực nhớ o Thục, nhớ quá, vô ngó chút thôi.

-                      Con Thục ở nhà chồng, mà cháu đã có chồng có con - Cậu đừng có lộn xộn.

-                      Hớ hớ hớ… có con thì mược có con.

          Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.

            Mụ nói với Thục là lẹ lên. Chớ mấy hôm nữa tui mần ông cai, ông đội rồi lên quan tri phủ thì đừng có mà tiếc, hỷ. Tụi bay - nỏ có chi - về thôi!

            Hóp má với lính tuần đi về phía cây mưng già. Thà dẫn cán bộ vào nhà từ lối Nương hoang. Dương Liên bồn chồn:

-                      Bác coi, thằng Hóp đến là vô tình hay có chỉ điểm.

-                      Tui chắc là hắn đi tuần, thuận chân vô trêu chọc con Thục. Nhưng mà phải cảnh giác nghiêm ngặt.

-                      Việc nớ, bác để tui lo.

            Ngọn đèn dầu lại được khêu sáng. Moi người ô lên:

-                      Ôi bác Ngoạn!

            Người theo sau bỏ mũ. Bà Khê mừng khôn xiết.

-                      Ôi chao. Thuận về đó hở con!

            Thuận lễ phép.

-                      Con về đây, thưa mạ, thưa các cậu, các chú, kính thưa các đồng chí.       Tôi xin giới thiệu đồng chí Trần Ngoạn Chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến huyện về phổ biến chủ trương mới.

            Ông Ngoạn chậm rãi:

-                      Trước hết phải khen cháu Thà lanh trí, chớkhông thì đụng phải lính tuần. Như rứa là làng ta đang bị bọn tề nguỵ kìm kẹp ráo riết.

            Dượng Liên gãi tai:

-                      Báo cáo đồng chí chủ tịch. Thằng Hóp vừa qua đây, bác Khế không can thì tui đã cho hắn đi chầu ông bà, ông vãi rồi. Đội tự vệ làng Thượng mạnh rồi, có gần chục khẩu súng, chỉ thiếu đạn thôi.

-                      Tôi đã nghe báo cáo rồi, trước hết khen đội tự vệ, khen chị em, dũng cảm, mưu trí cướp được súng địch mà không hề chi, sau nữa sẽ điều năm khẩu súng cho chiến khu. Dương Liên há hốc mồm như bị trật qua hàm, hai tay gãi gãi đầu hói, ông Ngoạn vẫn chậm rãi.

-                      Mải khen đội tự vệ mà quên giới thiệu. Đồng chí Thuận đây là uỷ viên Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Vĩnh Hội, đồng chí Lê Soán đây là uỷ viên phục trách quân sự an ninh.

            Không có rượu, mọi người cụng bát chè xanh chúc mừng nhau

            Ông Ngoạn thông báo:

-                      Khu căn cứ kháng chiến Thuỷ ba của huyện ta bây giờ đàng hoàng lắm rồi. Anh chị em đã tăng gia sản xuất, tự túc được rau, cá. Khu Thuỷ ba không chỉ là căn cứ của huyện ta mà còn là của tỉnh, là trạm giao liên của khu, của trung ương. Xã Vĩnh Hội tiếp giáp với chiến khu nên rất quan trọng. Làng Thượng ngoảnh mặt ra là gặp quốc lộ một, quay lưng lại là đường sa Lung, cầu Điện. Trong lòng là là đồn Chấp lễ, nhà thờ Ba Bình, là cửa ngõ thẳng về Hồ Xá. Các đồng chí phải xây dựng đội du kích thật mạnh. Trên cử đồng chí Lê Soán và Trần Thuận chỉ đạo trực tiếp các đồng chí xây dựng lực lượng. Chủ trương của tỉnh, của huyện là “Hạ Sơn”. Các đồng chí có biết “Hạ Sơn” là chi không?

-                      Là bỏ núi về đồng bằng

            Dương Liên phấn khích. Ông Ngoạn nháy mắt

-                      Đúng một nửa. Tức là chúng ta phải chia sẻ lực lượng từ chiến khu về xây dựng làng chiến đấu, nhưng không bỏ căn cứ kháng chiến ở miền Rừng núi. Vấn đề là phải phối hợp nhịp nhàng. Các đồng chí rõ chưa?

-                      Dạ, rõ ràng, sáng sủa lắm rồi chú Ngoạn ạ, nhưng tui hỏi thêm chủ trương trừ ác diệt tề ra răng?

-                      Trước hết phải phân loại đối tượng o Khế ạ. Kẻ nào đầu sỏ, ngoan cố theo Tây phá kháng chiến, có tội ác với dân thì phải trừ khử, kẻ nào lôi kéo, thu phục được thì cố thuyết phục để phân hoá lực lượng tề nguỵ. Ai do sự lừng khừng, hay có chút thương dân quý làng thì giác ngộ kháng chiến.

-                      Rứa thì chủ trương của làng Thượng trúng phốc rồi!

            Dương Liên vung tay như khua một đường gươm rồi chém mạnh xuống thanh chõng:

-                      Tui đề nghị loại trừ ngay thằng Hóp má. Thằng này vẫn chứng nào tật ấy. Cứ ngửi thấy mùi cán bộ Việt Minh là rình rập. Tối nay nó vác mũi chó đến đây không phải là vô tình.

            Chủ tịch Trần Ngoạn chậm rãi:

-                      Diệt trừ tên Việt gian nào, các đồng chí phải phân tích thật kỹ càng. Nếu thấy chúng có nợ máu với dân, không thể lay chuyển, vô hiệu hoá được, để lâu sẽ nguy hại cho chính quyền, cho dân, cho cách mạng thì phải trừ diệt cho đàng hoàng, không manh động, không tuỳ tiện. Nếu còn nghi ngại, các đồng chí xin ý kiến cấp trên mà trực tiếp là đồng chí Lê Soán và Trần Thuận.

-                     

            Dượng Liên phấn chấn, chủ tịch Trần Ngoạn nói nhỏ:

-                      Bây giờ tôi có việc bàn với o Khế, đồng chí Lê Soán, Dương Liên, cùng dự. Trần Thuận tranh thủ thăm vợ con. - Gà gáy gặp nhau ở Bến Đoộc hý. Nhớ đúng thời, đúng chỗ nghe!

           

            Trần Thuận đứng giữa nhà

 

Thục bàng hoàng như trong mơ. Bà Cao sờ con từ đầu đến ch ân mới tin là thật. Thằng Đái dạng chân, sải tay ngủ khì, thỉnh thoảng cười mụ dạy. Thà đứng ngoài ngõ canh chừng bọn cớm đi tuần.

 

Thục muốn nói với Thuận rằng: Nhớ anh nhiều lắm, da diết lắm, càng gian truân, càng đơn lẻ, càng nhớ anh cháy gan ruột. Đêm đêm ru con ngủ, ngắm con ngủ ngon càng nhớ anh. Sao con giống anh đến thế, để cho em lúc nào cũng nhớ về anh. Sao anh không ở bên cạnh để cùng ngắm con trai. Thục muốn kể hết đầu đuôi câu chuyện lạc con ba tháng. Thật hú vía. May mà tìm được con. Nếu không bây giờ ăn nói làm sao với anh. Và anh sẽ đau đớn biết nhường nào. Thục muốn ghì chặt cánh tay anh mà mói rằng: anh ơi, ở lại với em, với con, với mẹ, đừng lên chiến khu nữa. Ở đây cũng rào làng chiến đấu, sống chết có nhau. Em sợ đơn lẻ lắm rồi. Em lo sợ đến hoảng loạn trước đôi mắt háu gái đến đê tiện của thằng Hóp má. Thục muốn kể cho anh nghe đã mấy lần thằng Hóp má chặn đường định giở trò đê mạt, nhưng đã tránh được. Nhưng nó còn đó mà anh đi biền biệt thì em biết xoay xở thế nào. Tại sao các anh không trừ khử nó đi…. Thục muốn nói nhiều, nhiều nữa, nhưng gà đã gáy sáng mất rồi. Thuận xiết chặt vợ rồi hôn con trai từ chim lên rốn, từ má lên đầu. Thằng bé không mở mắt nhìn ba, vẫn ngủ khì, thỉnh thoảng cười mụ dạy….

 

Thà chạy trước. Thuận chạy sau. Hai anh em như chơi trò đuổi bắt thời để chỏm. Lê Soán nấp dưới gốc bần ra hiệu, Trần Thuận đứng lại. Lê Soán nói nhỏ: “hơi chậm một chút, chủ tịch đã ngồi dưới đò”. Thuận ôm đầu em gái vào ngực. Thà khóc thút thít. Thuận nói nhỏ đủ cho Thà nghe

-                      “Hôn chị giúp anh nghe”. Thà ranh mãnh:

-                      Chà đi mần cách mạng, lãng mạn quá hỷ.

            Con đò từ từ qua sông . Thuận nhìn theo em gái cho đến khi khuất dần trong màn đêm nhạt dần. Lê Soán bắt chuyện.:

-                      Cô em có vẻ thương anh dữ hý.

-                      Nó thiệt thà, hay thương cảm, cùng tuổi với chị dâu, nhưng biết nhường nhịn lắm.

-                      Thực tình tôi chưa có vợ con, nên chưa hiểu được cuộc gặp mặt vội vàng của anh chị.

-                      Có gì đâu, hai đứa nhìn nhau, nhìn con chưa kịp nói gì thì gà đã gáy…..

-                      Lúc đó anh ước gì nào?

-                      Tôi mong trời đừng sáng.

-                      Tôi mà là anh thì chỉ ước mong lúc ấy là không còn con gà nào biết gáy ở trên thế gian này nữa.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 1979
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)