Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.201
123.161.995
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 9

*

 

Một tay cầm bông riềng vàng tươi, một tay cầm lá che đầu, bọn con nít vừa đi quanh sân vừa nghêu ngao:

Ve vẻ vè ve

Nghe vè thằng Đái

Cha thì chết sớm

Mạ thì ở tù

Mệ nội thì mù

Đái khóc hu… hu…

Hu hu hu hu…

He he he he…

Ve vẻ vè ve….

 

Thằng Đái mới lên ba, chẳng hiểu gì cũng đi vòng quanh, một tay che chim, một tay cầm lá chay đội đầu, cũng hát nghêu ngao, chỉ tội giọng hơi đớt:

De de de de

Nghe dè giằng chái ….

 

Tội nghiệp thằng Đái, Mẹ bị bỏ tù mấy tháng mà vẫn tin lời bà nội là mẹ đi chợ mua bánh in, vừa ngọt vừa thơm vừa béo về cho bé. Con gái đang gác bị địch phục kích bắt giam ở Hồ Xá, bà Khế đưa Thà tạm lánh lên chiến khu, Đái ở với bà Nội. Từ ngày con trai vĩnh viễn không về thăm mẹ, bà Cao khóc suốt ngày đêm. Cứ ngày nắng bà lại mang áo con trai ra phơi, ngồi khóc dưới nắng. Nhìn thấy cháu nội lê la dưới đất bà khóc nẫu ruột, nẫu gan. Mắt bà cứ mờ dần, mờ dần…. Ngày này sang tháng khác, bà không đi xa kiếm cái ăn cho cháu. Bà con thương tình cho lon gạo, củ khoai, bà dành nấu cháo cho cháu. Nhiều bữa bà nhịn suông. Hết khóc con trai, bà lại khấn: “Chết chóc mọc chồi, lạy trời bỏ tươi, cho cháu tôi được sống!..”. Ban ngày lũ con nít đến chơi, thằng Đái vui cười. Tối về nhớ mẹ khóc khản cả cổ. Bà Cao ôm cháu khóc. Khóc chán, hai bà cháu nằm còng queo trên nền nhà ẩm ướt…..

 

Một hôm thằng Đái tha thẩn bắt chuồn chuồn ớt bên gốc lựu thì có một người đàn ông cao lêu nghêu, mặt hầm hố đến gần. Thằng bé khóc thét ôm lấy bà nội. Gã đàn ông giả giọng đả đớt:

-                      Chú là Hóp đây mà. Chú cho Đái kẹo ngon này.

            Bà Cao nói nhỏ:

-                      Chú cho thì cháu xin. Kẹo ngon mà.

            Thằng Đái bỏ viên kẹo vào mồm nhai ngấu nghiến. Nó mút hết nước đường kính dính đầu ngón tay, mắt nhìn chú Hóp thèm thuồng. Hóp vỗ về:

-                      Đái có muốn chú đưa mạ về không?

-                      Chó.. chó… chó

-                      Rứa thì phải kêu chú bằng ba nghe….

            Bà Cao giật mình, liếc đôi mắt mờ nước về phía Hóp.

-                      Chú đừng phỉnh cháu mà tội.

-                      Tui không lừa phỉnh mà nói thiệt. O Thục chịu lấy tui thì tui xin cho ra khỏi tù. Tui nuôi cả mấy mạ con, mệ cháu, ăn n o, mặt đẹp, sống sung sướng cả đời.

-                      Mồ con trai tui chưa xanh cỏ. Chú đừng nói rứa mà có tội.

 

Bà Cao khóc não ruột: “Con ơi là con

Là vàng còn ở trên cây.

Lá xanh rụng xuống

Tức tưởi quá con ơi!....”

            Hóp vốn hung hăng, nhưng lại sợ tiếng khóc đứt ruột của bà Cao, chuồn thẳng.

 

 

12

 

Vài ba ngày sau, Thục chui từ cửa số ba rồi vào cửa số một. Thằng Tây lai dùng roi C..bò đánh phủ đầu. Răng gãy, tóc rụng, thân tàn ma dại, Thục vẫn một chữ “không”. Bọn lính từ Hồ Xá bất ngờ xộc vào làng Thượng, nhưng không bắt được bà Khế, không gặp một bóng du kích nào. Chúng hậm hực rút về, qua lòi Dầu máu sập hai hầm chông. Một thằng bị chông tre đâm thủng háng. Một thằng bị chông sắt xuyên qua bàn chân. Chúng khiêng nhau chạy, mặt cắt không ra máu. Thằng Tây lai dồn cay cú và bất lực lên đầu, lên vai Thục. Chạng vạng tối, chúng ném Thục qua cửa số ba. Thục không còn biết đau là gì nữa, chỉ khát, khát cháy cổ mà phía trước là dòng sông lũ. Dòng lũ vàng úa cứ chảy ào ạt. Nước sát đầu lưỡi mà không uống được. Đưa hai bàn tay ra bụm nước mà không nhúc nhích nổi. Hình như có ai đó ném Thục vào túi đang thít dần lại, ngột ngạt đến tắc thở. Hình như có ai đó đi lại, tay bê chậu nước. Nước trong quá, mắt lắm, giá mà uống được. Thục gắng hết sức ú ớ: “khát, ….. nác”. Có ai đó kêu to: “còn sống”, “sống lại rồi”, “mở bao ra”, “nhanh lên”. Có nước thật. Nước mát đến tận ruột gan. Thục mở mắt. Bạn tù xúm xít. Người khóc thút thít, người cười mếu máo.

 

Tuần sau, Thục đi lại được, người đau như dần. Mắt hoa, đầu trống không, Thục ngồi, trân trân nhìn lỗ thông hơi, chỉ nghe, không nói. Tiếng thằng Tây lai xe xé:

-                      Con du kích làng Thượng cứng đầu. Ra đây quan hỏi

            Thục không thưa, không đứng dậy. Thằng Tây lai quay quay chiếc roi C..bò, giọng méo xệch.

-                      Mẹ kiếp con Thục chết rồi hử.

            Bạn tù rên rỉ:

-                      Sống cũng như chết rồi. Thưa quan lớn.

 

Hai tên lính xông vào kéo lê Thục ra phòng tra khảo. Thục ngồi trên ghế tựa lưng vào tường, trước mặt là chiếc cột sắt đen bóng, nhơm nhớp. Bắt giác đèn pin chiếu vào mặt, Thục chớp mắt, rồi ngồi im như pho tượng. Ai đó, giọng khàn, quen quen.

-                      O Thục đó à. Tiều tuỵ quá, thương quá!

            Nhận ra giọng Hóp má, Thục ngồi yên không động đậy.

-                      Thục có muốn về thăm con không?

            Thục bật dậy:

-                      Con tui làm sao? Con tui….

            Hóp má thủng thẳng

-                      Thằng bé không làm sao cả. Chỉ gầy yếu, đói ăn thôi….

            Hắn hạ giọng:

-                      Tui nói thiệt lòng. O về ăn ở với tui nghe. O ưng thì tui xin quan lớn cho ra tù luôn, về với con…. Hý.

 

Thục ngồi bệt xuống chân tường, hai tay chống gối, nhìn trân trân ra cửa số một. Ra khỏi cánh cửa đen ngòm nhớp nháp ấy là chợ Hồ Xá, là con đường cái quan là cánh đồng xanh chạy dài tận Rào mạ lên đến động Cây sy, vòng qua Bến bè, chỉ một sào đẩy, khua mấy mái chèo là qua bờ, vào xóm Mội. Đi vài quăng dao là đến nhà…. Thằng Đái chạy ra… ôi…. con tôi. Hóp má ghé sát tai Thục.

-                      Ưng bụng thì Thục gật đầu một cái, không cần nói chi hết, hý.

            Thục im lặng, đầu thẳng đơ. Tây lai chỏng lỏn:

-                      Im lặng là ưng rồi đó!

            Hóp má thả giọng:

-                      Tui xin quan lớn mở lượng hải hà, cho tui được bảo lãnh o Thục về quê. Hễ có bề chi tui xin chịu hoàn toàn trách nhiệm!

            Tây lai hất hàm:

-                      Viết giấy bảo lãnh đi, mần luôn!

            Cánh cửa tù số một rít lên, từ từ mở. Thục lê từng bước, đầu không ngoảnh lại. Tây lai nói câu gì đó chỉ đủ cho Hóp má nghe. Tây lai cười khùng khục, Hóp má cười the thé…..

            Cuối chiều nhập nhoạng, nhưng trong nhà tối om. Bà nội lên cơn sốt, thằng Đái cũng sốt. Hai bà cháu ôm nhau, nóng hầm hập. Hai tay quờ quạng, thằng Đái khóc ri rỉ:

-                       Mạ ơi! mạ mô rồi! mạ về với “chon”!

 

Bà nội khóc theo, nước mắt như quánh lại. Thục sững người… rồi kêu lên: “Con ơi…”. Cả tháng nay như người mắc chứng trầm cảm,bây giờ mới bật ra tiếng gọi, Thục lao vào ôm chầm con trai, lau khô nước mắt cho mẹ chồng. Khắp người thằng Đái ghẻ lở, bụng ỏng đít beo, hai chân teo tóp, hai tay khẳng khiu, chỉ còn đôi mắt là to tròn, đen láy. Hóp má sai o Câm mang rá gạo đến. O Câm lúc nào cũng thế, miệng cười tươi, tay ra hiệu, ý là “ông chủ cho, cứ nhận lấy”. Thục dùng tay ra hiệu ý là “xin vay, sau này cày cấy thuê trả lại”. Hiểu ra, o Câm cười xởi lởi, mắt ngấn nước thương cho gia cảnh của Thục. Có chút cháo, rau, bà cháu đã tỉnh táo hơn. Thục cắp nón đến nhà thầy Thức cắt chục thang thuốc cho hai bà cháu. Tính cả tiền gạo, tiền vay mua thuốc, Thục phải cấy, phải gặt cho cả nhà lão Lỗi cả hai vụ trong năm mới trả hết. Đồng đất làng Thượng mỗi năm cấy cày hai vụ là tháng Năm và tháng Mười. Giáp tết phải cấy xong để tháng Năm thu hoạch. Nếu cấy muộn lúa trỗ vào cữ gió Lào thì chỉ có bông mà không có hạt. Dân làng Thượng có câu ca đầu lưỡi:

“Đói, ăn môn, ăn khoai

Đừng thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng”.

 

Cấy vụ tháng Mười chắc ăn, cơm ngon, dẻo. Xa quê bao lâu cũng không quên được hương thơm bùi dẻo, ngầy ngậy của tang nếp râu, nếp trứng. Gặt lúa lại bắt được cá đồng. Con rô, con diếc, con trê, con tràu, con đô ăn thóc rụng béo ngần. Thợ gặt về nhà thường buộc theo lưng quần xâu cá vàng ươm. Bà vỗ về….. ru cháu:

…. “à ơi…..

Khi mô cho đến tháng Mười

Bát cơm đầy cười, con cá nằm ngang”.

 

Không biết thằng Đái nghe tiếng ru đều đều, đầm đậm của nội, hay mơ đến bát cơm đầy cười, im thin thít.

 

Vào vụ cấy rô, Thục đã có da có thịt, thỉnh thoảng chuyện trò với bạn cấy. Hóp má sấn sổ đến gần cầm tay, Thục rụt nhanh như phải nước sôi, hắn cười bả lả:

-                      Trước sau rồi tui cũng lấy o. Cầm tay một chút cho thoả nhớ hý.

Mặt Thục cứng đơ, lạnh tanh, không hé nửa câu. Hóp má hắng giọng:

-                      O quá quắt lắm. Thử hỏi ai xin quan Tây cho o ra khỏi tù? Ai cơm gạo cưu mang  cho mạ con o? Mà tui có đòi hỏi chi nhiều? Chỉ cần o ưng thuận lấy tui vài năm rồi bỏ cũng được mà. Thiếu chi con gái ngon lành nhưng không hiểu sao, tui đêm mơ ngày tưởng được có o. Có đêm tui ôm con Câm mà cứ kêu “Thục ơi!”. Con Câm không thèm đấm vào mồm tui mà hắn cứ cười sằng sặc mới ngộ chớ. Đúng là giống câm không nói được thì chỉ biết cười trừ.

 

Thục đứng như trời trồng, hai mắt mở cứng đờ, vô hồn, vô cảm. Hóp má rút chai rượu trong túi áo dốc vào mồm. Rượu ướt đẫm ngực, hắn khua tay, mắt vằn tia máu.

-                      Giống đàn bà lạ thiệt đó. Đẹp đẽ ngon lành như Thục thì lạnh tanh máu cá. Đẫy đà, nóng hổi dễ bảo như con Câm thì chỉ biết cam chịu và ngây ngô đến chán mớ đời. Hỡi trời, cái mà ta cần thì không được, cái mà ta có được trong tay thì cóc cần. Hóp má này biết sống với ai đây, hở hơ….. o Thục nói đi chớ. Con Câm kia đừng cười nữa có được không?!

            Hóp má lao đến ôm chầm lấy Thục, Thục lánh sang bên, giọng đanh, dứt khoát.

-                      Đừng đụng đến tui. Tui sẽ cày thuê cấy mướn cả đời cho nhà ông để trả nợ. Tui chỉ thờ chồng, nuôi con, không lấy ai hết.

            Thục chạy nhanh ra ngõ, một mạch đến đầu làng, ôm gốc cây mưng già thổn thức, đôi vai gầy rung lên. Từng chùm, từng chùm lá mưng như muôn vàn bàn tay che chở.

 

*

Bà Khế vừa về làng Thượng đến ngay nhà lão Lỗi. Đàn chó xô ra, bà hắng giọng, chúng cụp đuôi. Bà ném bã trầu đỏ ối xuống chân cầu ao, lũ chó cụp tai nép sát vào gốc cây. Ông mụ Lỗi nể bà Khế, Hóp má đã hiểu, nhưng lũ chó vốn hung dữ phải sợ thì không thể hiểu nổi. Khi bà Khế đi qua cầu ao, thằng Lu chăm chăm nhìn bã trầu. Quái lạ, có khác chi bã trầu người khác, sao bọn chó lại phải sợ. O Câm cười tươi dang hai tay rước bà Khế vào nhà. Mụ Lỗi khật khừ đứng dạy, thay câu chào:

-                      Trời đất thay đổi kiểu chi mà đau hết cả người á… hà….

            Bà Khế nhìn quanh chợt hỏi:

-                      Nắm lá tui đưa cho tháng trước, mụ sắc uống hết chưa?

-                      Còn một ít nữa.

-                      Rứa thì đau người là phải. Uống thuốc phải nghe thầy, theo chén, đúng thang.       Dùng sái thì mần răng mà khỏi được.

            Bà Lỗi như chợt hiểu, gọi to, chắc, đanh:

-                      Bay đâu? lấy nước mời bà Khế.

            Bà Khế theo thói quen, tém gọn bã trầu, nhưng….

-                      Khỏi. Bà Lỗi này, tui đến đây để nói với ông bà một câu thôi

-                      Thì bà cứ ngồi đã

            Lão Lỗi húng hắng ho, gõ gõ ba-toong trên nền gạch, gọi với:

-                      Thằng Lỗi đâu, ra chào Mệ đỡ đầu mau lên.

Dẫu biết gia tài bà Khế không bằng cái ao đầu nhà, nhưng lão Lỗi không giám coi bà là dân mạt hạng, cùng đinh. Nhờ bà Khế thuốc thang mà có thằng Hóp má, mới có thằng cháu đích tôn. Hóp má cũng biết điều đó. Hắn  ngang ngạnh, nhưng cứ nhìn vào mắt bà Khế là cúi mặt. Bà Khế không nhìn lão Lỗi, xéo qua Hóp má, hướng về thằng cháu đích tôn đang nép bên bà Lỗi. Bà Khế thủng thẳng:

-                      Tui đứng, tui nói một câu, rồi đi luôn. Con Thục nhà tui đã có chồng, có con - chồng nó chẳng may mất đi, chưa hết khó mà cậu nhà nài ép đòi lấy nó là không được: Nể tình đi lại với ông mụ đây, xin cậu cho mẹ con nó được yên thân, vong linh chồng nó được mát mẻ. Thôi! Tui về đây.

            Bà Khế không nhìn ai, đi thẳng ra cổng. Lũ chó nhà lão Lỗi lừ lừ theo sau… không sủa một tiếng…

 

13        

 

            Gà gáy canh ba

 

Hóp má ngồi bật dậy, uống ba ngụm rượu. Gường bên, o Câm đang ngủ. Gường rộng, Câm nằm thoải mái, chân tay dang rộng, má hồng, thở nhẹ, đôi lông mày dài, xanh rủ xuống, tĩnh lặng. Hóp má cởi hết áo quần ném vào góc gường, gãi ngực sồn sột. Hắn lượn một vòng quanh giường, Câm vẫn ngủ say. Hắn uống ngụm rượu nữa, rồi dựng Câm dậy. Ánh trăng cuối tháng nhòm cửa sổ. Câm đỏ mặt. Hóp má chém mạnh cánh tay từ trên xuống ra hiệu cởi ngay quần áo. Câm hốt hoảng, hai tay ôm ngực. Hóp má đặt ngửa bàn tay lên giống như thường lệ, Câm nhẹ nhàng nằm xuống, mỉm cười. Nhưng lần này thì không. Câm ngồi thụp xuống, nhìn chằm chằm. Hóp má phải ngoảnh mặt đi. Hình như khi người ta câm, không nghe, không nói được thì mọi vui buồn, sướng khổ đều dồn vào hai con mắt. Đôi mắt của Câm đêm nay cũng sáng lạnh như trăng suông ngoài cửa sổ. Hóp má gầm gừ rồi lột phăng quần áo, đè ngửa Câm ra giường. Hắn đổ hết chai rượu lên  phần người dưới của Câm. Hắn đổ ập người xuống. Câm quặn mình đau đớn, răng nghiến chặt. Hóp má quần đảo, vừa thở, vừa nói, vừa than vãn:

-                      Cũng trắng ngần, cũng ấm nóng, cũng ngon lành, sao Câm không phải là Thục. Vì sao? Tại sao?

 

Câm chẳng nghe, chẳng biết gì hết, chỉ biết uất hận dâng lên nghẹn cổ. Câm luồn tay xuống gối, rút mạnh, lưỡi dao nhọn sắc lẻm chỉa thẳng vào cuống họng, Hóp má lăn xuống đất, tồng ngồng. Câm lừ lừ đi tới, lưỡi dao lấp loá ánh trăng khuya rờn rợn. Hóp má luống cuống chạy ra sân. Hắn ra hiệu cho xin quần áo. Câm ném quần áo của Hóp má ra ngoài. Nhà tắm loang lổ ánh trăng. Câm hì hục múc nước vào ang, vào chum. Câm dội ào ào, từ đầu xuống chân, kỳ cọ tỷ mỉ, kiên nhẫn, đau đớn….. Bộ ngực trần đầy đặn trắng ngần gánh đôi vai trần, đôi chân trần đỡ tấm thân trần đang trĩu xuống nặng nề muốn rã rời. Những sợi tóc đẫm nước bết vào má, vào trán, lờm lợm mùi rượu nặng, quyện chặt mùi hành, mùi đàn ông dâm đãng, thô lậu. Câm chun mũi như ngửi phải mùi cóc chết. Không chịu nổi, Câm dốc cả thùng nước lạnh lên đầu. Câm muốn chạy thẳng ra Bến bè, trẫm mình xuống dòng sông sâu… thật sâu để không bao giờ phải ngửi mùi xú uế…      Nhưng thằng cu Lỗi còn nhỏ dại quá. Nó có cha cũng như đã chết rồi. Chẳng lẽ nó lại không còn mẹ trên đời. Tội lắm! Khổ thân con tôi. Câm vùi đầu vào đống áo quần, chạy trốn vào giấc ngủ nhọc nhằn, cay đắng. Hóp má tạt vào nhà ngang, xách chai rượu đi thẳng, gáy nhồn nhột, lạnh lạnh hung khí, hắn quay phắt lại, không thấy lưỡi dao nhọn…. Không thấy Câm… Đi qua lòi Dầu máu, con chim “te hót” bay vụt lên, kêo váng trời “te te … te… hót”… tiếng chim ngằn ngặt như ngửi thấy mùi xác chết. Hắn ngửa cổ lên trời: “Trời hỡi trời!

            Đất làng Thượng này không chứa chấp choa ư?”.

 

Hắn lầm lũi đi, vừa đi vừa uống, lúc đi bên phải, lúc đi bên trái, đến ngõ hẹp vào nhà tù, hắn dốc hết ngụm rượu cuối cùng và đi cả hai bên đường.Hóp má ném chai rượu không còn một giọt xuống chân Tây lai, miệng méo xệch:

-                      Này, “moa” truyền đời cho quan Tây lai nhá.

 

Hễ bắt được con gái, đàn bà du kích Việt minh thì hiếp cho đến chết, thì bắn cho vỡ sọ chống đối, quyết không dỗ dành, không lừa phỉnh, không buông tha… ha… ha… ha… cuộc đời thật là chó má….. ha…. ha… ha….

            Tây lai vung tay nện cho Hóp má một roi C.. bò. Hóp má té xỉu. Tây lai dội ào thùng nước lạnh. Hóp má lóp ngóp bò, quắc mắt nhìn Tây lai.

-                      Ô là là! tại sao “toa” lại đánh “moa”.

-                      Ta không đánh mà ta làm cho ngươi tỉnh rượu, tỉnh đời….

-                      Mẹ kiếp, cùng cánh mà đánh như tù thế hử!

-                      Mày nhầm rồi. Ấy là ta mừng cho ngươi đã biết ly khai làng Thượng nghe chưa?   Và ta cũng cảnh báo ngươi. Làm trang nam nhi thời loạn mà gục ngã, nỉ non vì không chiếm đoạt được đứa con gái ưng ý là đồ bỏ đi. Nghe rõ rồi chớ, Hóp má?

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9   10    11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)