HỒI THỨ NĂM
Chân bước qua nước non ngàn dặm
Trở về kinh, minh chúa vào Nam
Dinh thự của Đoan quận công Nguyễn Hoàng thuộc phường Hoè Nhai phía Tây Bắc thành Đông Đô, trên nền đất cũ xưa kia Lý Thường Kiệt đã chọn làm nơi xây cất phủ Thái uý. Nguyễn Hoàng muốn thừa hưởng phúc trạch của vị danh tướng thời Lý mà ông hằng ngưỡng mộ. Ông sai thuộc hạ thân tín mua đất xây nhà ở đây, làm nơi nghỉ ngơi sau mỗi lần xuất quân đi đánh dẹp tàn quân của tướng Mạc Đôn Nhượng còn lẩn quất trong các vùng đầm lầy trên khắp châu thổ sông Nhị Hà. Lần này ông ra Bắc, thế cuộc đã khác xa so với lần trước, cách đây 24 năm, ở phủ An Trường, vào năm Đinh Mão (1567). Hồi ấy Trịnh Kiểm còn sống, vua Anh Tông còn đôi chút quyền hành. Mãi đến khi xẩy ra sự biến năm Quý Dậu, Trịnh Tùng giết vua Anh Tông, lập Lê Duy Bang mới bẩy tuổi lên ngôi, hiệu là Thế Tông thì triều đình đã nằm hết trong tay họ Trịnh ở An Trường. Phải thừa nhận cha con Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đều là những tướng soái tài ba nên mới dần dần đè bẹp các đạo quân của danh tướng nhà Mạc là Kính Điển rồi đến Đôn Nhượng. Nay Trịnh Tùng đã chiếm được Đông Đô, quyền uy bao trùm khắp Đại Việt và có trong tay binh hùng tướng mạnh, Nguyễn Hoàng tự lượng sức mình không dễ gì cự lại được. Phải nhún mình ra Bắc xưng thần với vua Lê Thế Tông cũng chính là chấp nhận tạm phải theo lệnh của Trịnh Tùng. Ông muốn kéo dài sự hoà hoãn để củng cố quyền cai trị trong đất Thuận - Quảng. Thoắt đã bẩy năm kể từ ngày ra Bắc lần thứ hai, ông đã lập nhiều công trạng, trọn phận bề tôi, nhưng vẫn nơm nớp trong cảnh cá chậu chim lồng. Đem con gái yêu gả cho thế tử Trịnh Tráng là bài toán ông đã tính kỹ để làm yên bụng Trịnh Tùng. Tuy vậy, con người đa nghi như Trịnh Tùng vẫn luôn sai người dò xét trong quân doanh của ông, sẵn sàng trừ bỏ ông bất cứ lúc nào. Đông Đô có hai phường Hoè Nhai và Bích Câu là nơi ở của nhiều danh sĩ Bắc Hà và các vị tướng tài ba, có thể thăm dò lôi kéo họ theo ông vào đằng trong mở nước. Nguyễn Hoàng không chọn Bích Câu mà đặt dinh thự tại Hoè Nhai là do gợi ý của một chàng nho sinh rất trẻ mà ông đã có cơ may hạnh ngộ ở chùa Tiêu Sơn cách đây mấy năm. Con người ấy uyên bác mà lại rất thực tế, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược hơn người. Chàng đã phân tích cho ông rõ Bích Câu gần Chiêu Anh Quán nên suốt ngày ồn ào, mọi cuộc tiếp xúc của ông đều dễ bị người của Trịnh Tùng theo dõi. Hoè Nhai đường phố yên tĩnh, thưa vắng, thích hợp cho các cuộc mật đàm. Hơn nữa Hoè Nhai ở gần sát bờ đê sông Nhị Hà, vạn nhất xảy ra biến động sẽ có thể nhanh chóng và bí mật rút êm theo đường thuỷ ra ngoài biển Đông rồi giong buồm vào Nam. Sau lần gặp Trần Năng, ông đã sai người tìm hiểu cặn kẽ lai lịch, biết chàng có tên thật là Đào Duy Từ, kết bạn với quan thị lang ở bộ hộ là Lê Thời Hiến. Kiến thức của Duy Từ vượt trội Lê Thời Hiến, có thể sánh với Phùng Khắc Khoan, lại có tài thao lược, tinh thông binh pháp, thoắt ẩn thoắt hiện như hiệp khách trong chốn giang hồ. Nghe theo lời khuyên của Đào Duy Từ, ông đã bố trí một thuyền buôn tơ lụa và đồ sành sứ luôn neo đậu trên bến sông gần kinh thành làm trạm liên lạc bí mật. Ở ngoài cửa Ba Lạt thuộc châu Cổ Lễ có một hoang đảo nhỏ, ông đã sai Nguyễn Hữu Dật, một tướng tâm phúc của Nguyễn Phước Nguyên đem một toán quân tinh nhuệ từ Quảng Nam ra chờ sẵn, để bắt liên lạc với thuyền buôn của ông và khi cần sẽ đưa ông vượt biển vào Nam. Mưu kế này cũng do Đào Duy Từ gợi ý cho ông ở chùa Tiêu Sơn. Xem ra chàng ẩn sĩ kỳ tài ấy không thiết tha gì lập công danh ở trên đất Bắc, nhưng Nguyễn Hoàng đã tha thiết mời vào Nam mà chàng vẫn chưa nhận lời. Từ ngày ra Bắc, Nguyễn Hoàng chỉ canh cánh bên lòng nỗi lo tuổi tác đã cao, sự nghiệp còn dài, muốn tranh thủ cơ hội tìm kiếm ở đất đế đô những nhân tài có thể phò giúp họ Nguyễn đến đời con, đời cháu. Ông đã tiếp xúc với rất nhiều danh nho, danh tướng và cảm thấy thất vọng vì người thực tài đã hiếm, lại hết lòng ngu trung với họ Lê, còn lại đa phần là hạng người khoa trương, sáo rỗng. Nếu ông có được Đào Duy Từ, khác nào Lưu Bang có Trương Lương, Lưu Bị có Khổng Minh hay Lê Lợi có Nguyễn Trãi. Đáng tiếc và cũng thật khó hiểu, vì sao Đào Duy Từ còn lưỡng lự, rồi biệt vô tăm tích. Nguyễn Hoàng vò đầu suy nghĩ bên án thư, hồi tưởng lại buổi gặp gỡ với Đào Duy Từ ở Chùa Tiêu Sơn nhiều năm trước đó...
Hôm ấy, Nguyễn Hoàng thắp hương lễ Phật xong bước ra sân chùa, lòng thấy nhẹ tênh, thanh thản sau chuỗi ngày căng thẳng, khi bận việc quân, lúc lại lo đối phó với Trịnh Tùng. Ông chợt nhìn thấy con đường nhỏ từ sân chùa dẫn lên đỉnh núi, trên đó có cây bồ đề cổ thụ cành lá xum xuê, chim sáo bay về từng đàn líu lo ca hót. Ông muốn một mình lên ngắm cảnh, không muốn bị ai quấy rầy, bèn quay lại bảo đám tuỳ tùng:
- Các ngươi ở lại tất cả đây, nghỉ ngơi và ăn cơm chay với nhà chùa. Chốn Phật tôn nghiêm. Lòng Phật bao la che chở cho chúng sinh. Ta không cần ai hộ vệ.
- Bẩm, chúa công đã cao tuổi, trên đó lộng gió không có lợi cho sức khoẻ - Viên tướng theo hầu nói.
- Đừng lo. Ta đâu đến nỗi già, sức còn đủ địch muôn người.
- Vậy xin chúa công giữ gìn cẩn thận. Tiểu tướng sẽ cho lính đi tuần dưới chân núi phòng thích khách.
- Không cần đâu. Làm như vậy sẽ kinh động đến dân chúng, khiến họ sợ hãi. Ta từ xứ đàng trong ra, chưa có ân đức gì với dân, sao lại nhiễu dân.
Nguyễn Hoàng phẩy tay, ung dung bước lên dốc. Ông đứng lặng dưới tán cây bồ đề say sưa nhìn ra bốn bề mênh mông, đồng lúa chiêm xanh mướt, đương thì con gái. Xa xa cánh cò chớp trắng, chở nắng bay đi. Những người nông phu làm lụng cần mẫn trên các thửa ruộng. Quả như mấy chữ nôm trên bức hoành phi treo trước điện thờ Phật trong chùa "Sòng sơn viễn vọng", ông đã lên tới đỉnh núi và ông đã nhìn xa, thấy rất xa, bát ngát tận chân mây. Cảnh vật đẹp như tranh, và nỗi lòng khao khát cầu hiền tài làm nẩy thi hứng trong ông. Nguyễn Hoàng cao giọng ngâm:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công
Chợt ông phát hiện có bóng người đang ngồi bên bụi tầm xuân ở mé đông sườn núi. Chàng trai trẻ ăn mặc nâu sồng, nhưng tướng mạo khôi ngô, tao nhã. Phản xạ quen đề phòng thích khách khiến ông giật mình, nắm chặt chuôi kiếm toan rút ra khỏi vỏ. Chàng trai vẫn ngồi mơ màng ngắm cảnh và thản nhiên ngâm tiếp hai câu nối vần vào hai câu thơ của ông, thành một bài thơ hoàn chỉnh:
Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng
Nguyễn Hoàng tay buông chuôi kiếm, miệng cười sảng khoái. Hồi lâu ông bước lại gần hỏi:
- Tiên sinh là ai xin cho biết quí danh? Nghe hai câu xướng hoạ đủ thấy tâm sự khắc khoải cùng non nước?
Chàng trai vẫn không hề quay lại, mắt đăm đăm hướng về phía thôn trang ở phía xa dưới chân núi. Chàng thong thả mở túi vải lấy ra cây Nguyệt cầm đặt lên tảng đá trước mặt, so dây đánh đàn, miệng hát theo điệu ca trù:
Gẫm xem thánh nọ hiền kia
Tài này nào có khác gì tài xưa
Làu thông trận pháp binh cơ
Lược thao đã học, thất thư lại bàn
Huyền vi làu biết thế gian
Vận linh trời đất tuần hoàn làu thông
Thảo lai trong có anh hùng
Miếu đường chống vững vẫy vùng tài cao
Có phen xem tượng thiên tào
Kìa ngôi khanh tướng, nọ sao quân thần
Có phen binh pháp diễn trần
Điểu xà là trận, phong vân ấy đồ
Có phen thơ túi rượu hồ
Thanh y sớm chực, hề nô tối mời
Trốn trong danh giáo cho vui
Bàng nhân chẳng biết rằng người ẩn tiên
Hùm ngâm gió thổi tự nhiên
Chúa tôi sao khéo hợp duyên thay là
Ngạc thư mở phút tâu qua
Xe loan tạm khuất hai ba phen vời
Dốc lòng phò chúa giúp đời
Xoay tay kinh tế, ra tài đống lương
Cá mừng gặp nước Nam Dương
Rồng bay Thiên Hán vội vàng làm mưa
Chín lần lễ đãi quân sư
Phấn vua lây bén móc mưa gội nhuần
Hai vai gánh nặng quân thần
Chín phần ở thảo, mười phần trọn ngay
Binh quyền việc nẩy đương tay
Lâm cơ thế thắng, một này địch muôn
Trận bày Bác Vọng thiên đồn
Bạch Hà dụng thuỷ Hầu Đôn chạy dài
Ra cờ mới biết sức trai
Có tài thiệt chiến, có tài tâm công...
Nguyễn Hoàng ngây ngất trước tiếng đàn. Ông bồi hồi xúc động vì ca từ viết bằng lối thơ lục bát dân dã, nôm na, nhưng lời lẽ cao sang, ý tứ thâm trầm, sâu sắc. Ông ngỡ mình là Lưu Huyền Đức trên đường tới lều tranh của Khổng Minh đang lạc bước giữa đồi Ngoạ Long, chỉ thấy cảnh vật đượm nét thần tiên và nghe những bài hát từ miệng ẩn sĩ Thôi Châu Bình. Chẳng lẽ chàng trai này là Ngoạ Long tiên sinh tái thế chăng? Trong lòng Nguyễn Hoàng rộn ngợp niềm vui khôn xiết. Ông quên hẳn địa vị cao sang, oai danh lừng lẫy của mình, bước vòng ra trước mặt chàng trai trẻ, vòng tay xá và nói:
- Xin tiên sinh hãy ngừng đàn để ta thưa chuyện.
- Không dám, không dám! - Chàng trai đứng dậy đáp lễ.
- Ta là Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Tiên sinh là ai xin cho biết danh tính.
- Tiểu sinh là Trần Năng, trót thất lễ, xin ngài tha tội.
- Ban nãy nghe tiên sinh xướng hoạ rồi lại vinh hạnh được nghe tiên sinh đàn hát, ta biết tiên sinh không phải người tầm thường.
- Tiểu sinh chỉ là kẻ quê mùa, ham vui nên những lúc ngồi buồn hay rỗi rãi có làm bài Ngoạ Long Cương vãn dài hơn 60 câu lục bát, thỉnh thoảng đem một vài đoạn ra đàn hát ngông nghênh qua ngày. Đoan quận công là bậc anh hùng, chân mạng đế vương, xin đừng bận tâm đến mấy vần thơ, điệu hát vô bổ ấy.
- Tiên sinh quá khiêm nhường. Ta lâu nay đỏ mắt mong gặp hiền tài, nay gặp tiên sinh ở đây muốn cùng tiên sinh đàm đạo.
Lúc này viên tướng theo hầu Nguyễn Hoàng nghe có tiếng người lạ vội cầm gươm chạy từ sân chùa lên trợn mắt nhìn chàng trai. Nguyễn Hoàng gọi hầu tướng lại ra hiệu không có chuyện gì, sai đi lấy chiếu cói và rượu để hai người ngồi nhâm nhi, trò chuyện. Nguyễn Hoàng vốn người cẩn thận, chu đáo và rất kín kẽ. Lúc này gặp chàng trai trẻ, bỗng như có trời phật xui khiến, ông say sưa bộc bạch hết mọi điều uẩn ức, lo nghĩ chất chứa trong tâm can với chàng. Đào Duy Từ, con người bí ẩn, giấu mình sau cái tên là Trần Năng ấy lúc đầu còn ngập ngừng, e dè, lấp lửng. Nhưng càng về sau, chàng nói chuyện càng hào hứng, sôi nổi, góp nhiều ý kiến độc đáo cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Ông thành tâm ngồi nghe, ghi nhớ từng lời của chàng, chợt thấy sáng bừng tâm thức, trút đi gánh nặng bấy lâu. Ông nài nỉ chàng theo về tư dinh, chờ ngày vào Nam, hứa sẽ trọng dụng, khoản đãi không kém Lưu Huyền Đức đãi Gia Cát Khổng Minh. Chàng trai vẫn một mực lắc đầu từ chối. Chàng nói:
- Đoan quận công có lòng chiêu hiền đãi sĩ ắt sẽ gây dựng nên nghiệp vương bá ở đất Thuận - Quảng. Tiểu sinh gần đây xem thiên văn, thấy ở phương Nam có chùm sao sáng rực rỡ, ứng với họ Nguyễn nhiều đời nối nghiệp mở cõi, xưng hùng, vô cùng hiển hách ở xứ đàng trong. Hiềm nỗi tại hạ còn muốn tiếp tục chu du đây đó, ngày tháng tiêu dao cùng cỏ cây, sông núi, chưa thể theo ngài vào Nam lo dựng nghiệp lớn.
- Giờ là lúc kẻ sĩ người hùng xông ra đảm đương việc nước, độ dân cứu khổ, chấn hưng Đại Việt, sao tiên sinh lại cố chấp, quay lưng với thế cuộc?
- Tiểu sinh không quay lưng cố chấp, nhưng nuôi chí đi khắp thiên hạ, không chỉ trong bờ cõi Đại Việt mà sẽ còn sang Tàu, vào Chiêm Thành, Chân Lạp và lên tận những nơi rừng thẳm của nước Xá Lợi, Lâm Ấp trên dãy Trường Sơn, đất nước của dũng sĩ Đam San.
- Vì sao phải như vậy?
- Vận nước rồi đây có nhiều biến đổi to lớn khôn lường. Tiểu sinh đi để nâng thêm tầm hiểu biết, chọn hướng giúp đời sao cho hợp mệnh trời, đắc thuận nhân tâm.
- Nếu tiên sinh đã quyết vậy, ta không nài ép, chỉ mong sẽ được tái ngộ ở Thuận - Quảng.
- Tiểu sinh tin sẽ có ngày gặp lại Đoan quận công hoặc thế tử của ngài.
- Vậy ta chép lại bốn câu thơ vừa rồi cùng tiên sinh xướng hoạ. Nếu trời cho ta diễm phúc sống đến ngày gặp gỡ tiên sinh thì tốt còn nếu không, ta sẽ dặn lại con cháu căn cứ vào bút tích này để nhất mực nghe lời tiên sinh chỉ dạy.
...
Hình ảnh cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ hiện ra rõ nét khiến Đoan quận công bồi hồi xúc động. Tình hình rất khẩn trương, buộc ông không thể tiếp tục nán đợi thêm nữa, chỉ còn cách gài người ở Đông Đô tìm kiếm Duy Từ. Mọi kế hoạch bí mật vào Nam ông đã theo kế của Duy Từ chuẩn bị hoàn tất. Phan Ngân là bộ tướng của Mạc Đôn Nhượng từ lâu đã liên lạc với Nguyễn Hoàng xin theo vào Thuận - Quảng, hiện đang chiếm giữ vùng đầm lầy ở châu Cổ Lễ thuộc phủ Thiên Trường. Từ đây có thể thông ra cửa Ba Lạt hội quân với Nguyễn Hữu Dật ngoài hoang đảo. Qua tết Canh Tý (1600), Nguyễn Hoàng lệnh cho Phan Ngân dấy binh nổi loạn, mở rộng địa bàn đến sông Ninh Cơ rồi phao tin sẽ tấn công chiếm phủ Thiên Trường, bao vây Đông Đô. Người của Nguyễn Hoàng đóng giả làm dân chạy loạn từ Cổ Lễ phao tin quân binh của Phan Ngân rất đông và hung dữ. Sau đó Nguyễn Hoàng thân đến phủ chúa bẩm với Trịnh Tùng xin đi đánh dẹp, được Trịnh Tùng tâu lên vua Lê chuẩn tấu. Trong Nam, các chiến thuyền lớn do Tống Phước Trị và Mạc Cảnh Huống chỉ huy đang neo đậu ở cửa sông Nhật Lệ, sẵn sàng xuất phát đi đón đoàn quân Bắc phạt trở về. Mặt đường bộ, có Nguyễn Ư Dĩ giúp Nguyễn Phước Nguyên dàn binh, canh phòng cẩn mật ở hẻm núi Đâu Mâu hiểm trở, phòng quân Trịnh từ Nghệ An tấn công vào.
Nguyễn Hoàng họp mặt các tướng ở tư dinh, ban bố tướng lệnh “phò Lê diệt Mạc”, chờ giờ hoàng đạo sẽ khởi hành đi đánh dẹp “loạn quân” của Phan Ngân. Lúc này ông đã ở vào thế ngồi trên lưng cọp, không có đường lui, mà sao vẫn nấn ná, chờ đợi và hy vọng Đào Duy Từ quay về kinh đô? Lòng ông phân vân, xao xuyến nhớ tiếc một tài năng xuất chúng trong giới sĩ phu Bắc Hà. Cầm lòng chẳng đặng, ông viết một lá thư dài, tâm huyết, dặn thuộc hạ bí mật chờ trao cho Duy Từ. Đạo quân của ông mở cờ, giong trống, bừng bừng khí thế nhằm hướng Cổ Lễ ra đi. Dọc đường Nguyễn Hoàng không nguôi nhớ chàng trai trẻ. Đôi lúc ông ngoảnh đầu về Đông Đô ngâm bài thơ xướng hoạ giữa hai người:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công
Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng
Vào thời kắc quyết định ấy, Nguyễn Hoàng không ngờ rằng con người có máu giang hồ như Duy Từ đã từng lên biên ải tìm gặp vua tôi nhà Mạc, sang thăm dò cả bên kia biên giới thuộc đất nhà Minh đang suy yếu trước cuộc chiến tranh với người Mãn và phải nhiều năm sau đó, Đào Duy Từ mới thoát khỏi nhà lao ở Long Châu bên Tàu. Phải đợi tiếp nhiều năm nữa, thế tử Phước Nguyên mới có cơ hội gặp chàng…