Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.164.442
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 11

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

 Chiến luỹ trải dài ngăn mạn Bắc

Đồn điền khai khẩn sáng trời Nam

 

Phủ quân sư nằm chếch về phía Đông phủ chúa chừng nửa dặm đường, sát kề với bờ sông Hương. Phước Nguyên muốn xây cho Duy Từ một toà nhà lớn, sánh ngang với phủ chúa, nhưng Duy Từ lại thích một ngôi nhà gỗ đơn giản, thanh cao, vượng khí phong thuỷ, hoà hợp với thiên nhiên. Nhà dựng trên nền cao tam cấp, cột kèo và ván bưng đều bằng gỗ xoan đào. Mái lợp ngói âm dương hình mũi hài, có máng hứng nước bằng thân cây cau già khoét rỗng ruột. Nội thất kết cấu theo lối nội tự ngoại khách, có hai buồng lồi ra ở  đầu hồi, giữa là ba gian thờ Phật, thờ gia tiên và thờ Khổng Tử. Ngăn cách ba gian thờ tự với hiên rộng để tiếp khách là cái bậc cửa bằng gỗ cao chừng bốn chục phân, chia đố ruộng chừng sáu chục phân, có lèo, có huỳnh, trên là nẹp gỗ rộng một tấc rưỡi, bào nhẵn có thể làm ghế ngồi, mỗi khi khách đến đông ngồi chờ ở đó. Chính giữa hiên rộng bày bộ tràng kỷ bằng mây. Các tấm ván bưng trong hiên rộng tiếp khách treo bộ tranh tứ bình. Trước hiên có bức bình phong bằng trúc, tiếp đó đến sân rộng bày núi non bộ và chậu hoa, cây cảnh các loại. Bao quanh ngôi nhà gỗ là vườn cây trái rộng chừng một mẫu, có hàng rào râm bụt vây quanh, xén tỉa gọn gàng.

 

Nàng Vân đang ngồi trước hiên mong ngóng Duy Từ về ăn bữa cơm chiều. Nắng đã xiên khoai. Bốn bề tĩnh lặng. Ngoài sân ong bướm rập rờn. Trong vườn im gió, thoảng nghe tiếng chim chích choè, chim chìa vôi kiếm mồi, hót lời gọi bạn. Đã nhiều tuần nay, nàng thẫn thờ nhìn chiếc chén cơm úp trên mâm và đôi đũa gỗ mun gác hờ bên cạnh. Duy Từ ở lỳ trong phủ chúa, có hôm đến khuya mới về nhà. Đêm xuống, ông lại chúi đầu bên án thư  đọc sách  hay vẽ nhiều hình lạ lẫm trên tờ giấy dó. Có lần ông tâm sự với nàng rằng, ông đang xin chúa cho lập xưởng đúc súng thần công và chế ra thuyền chiến hai tầng. Sứ thần Lại Văn Khuông từ  ngày ở Bắc về suốt ngày theo ông bàn bạc rồi ghi ghi chép chép, vẽ hình lên giấy, hết tờ nọ đến tờ kia. Họ nói với nhau về những con số, về sức lật con thuyền, về đường đi của đạn pháo và về sáng chế của ông Nguyên Trừng từ đời nhà Hồ. Cái ông Hồ Nguyên Trừng ấy, theo Duy Từ kể, đã từng đắp chiến luỹ Đa Bang, chế ra 100 khẩu  sơn pháo, lại chế ra cả những thuyền chiến hai tầng có 50 đến 100 tay chèo, bên trên có hàng vài chục lính chiến đi lại như ở đất liền. Vậy mà ông ta cuối cùng vẫn bị bắt làm tù binh, giải sang nước Tàu làm lao dịch khổ sai. Nay Duy Từ học theo Nguyên Trừng, đúc súng, chế thuyền, nghĩa là chiến tranh sắp xảy ra. Đời nàng đã một lần goá bụa. Người chồng cũ đã chết trong trận thuỷ chiến với quân Chiêm ở cửa biển Quy Nhơn. Bé Hương của nàng mồ côi từ lúc lên ba, nay đã cập kề tuổi mười lăm. Nàng muốn nó sẽ thành vợ Hữu Tiến. Hai đứa xem chừng rất mến nhau, hôm nay vừa dắt nhau lên chùa Thiên Mụ vẫn chưa về. Nàng ướm lời thấy Duy Từ ủng hộ, càng thêm quyết tâm ghép đôi cho hai trẻ. Năm năm qua sống chung với Duy Từ nàng có thêm hai đứa con, vừa trai vừa gái. Giờ nếu có thêm chàng rể, gia đình quây quần đông đúc, ông sẽ vơi nỗi buồn vì cha già con cọc. Đời ông đã chịu cảnh côi cút long đong góc bể chân trời, bạc tóc mới có được mái ấm gia đình. Nàng chỉ sợ thời cuộc nay mai sẽ cuốn hút Hữu Tiến vào guồng quay chiến tranh, rồi con gái nàng duyên phận lỡ làng. Thôi thì số kiếp đàn bà sinh vào thời loạn, sớm được hạnh phúc ngày nào hay ngày đó. Rồi đây hai đứa trẻ đành phải trông vào rủi may của số phận vậy thôi. Sắp đến tết Trung thu là sang mùa cưới hỏi. Xóm giềng đã thấy lác đác mấy cuộc dạm ngõ trầu cau. Nàng mong có một ngày Duy Từ ngơi việc để bàn định chuyện cưới xin cho Thu Hương và Hữu Tiến. Chiều nay,  nếu ông chịu về ăn cơm nhà, nàng sẽ giữ ông ngồi uống trà bàn bạc. Có lẽ ông còn ngần ngừ chưa quyết là vì đợi thư của Hữu Dư ở ngoài Bắc. Tình bạn của ông với vợ chồng Hữu Dư - Thục Nga có nhiều uẩn ức sâu kín. Linh cảm đàn bà giúp nàng nhận ra giữa ông và Thục Nga khi xưa có mối giằng buộc khác thường. Những lúc nói chuyện quê nhà hay giảng dạy binh pháp cho Hữu Tiến xong, ông trở nên ưu tư, trầm uất, ngồi lặng ở thư phòng. Có lẽ ông thương nhớ Thục Nga. Mối tình đầu nào chẳng ám ảnh con người lâu dài, sâu sắc. Nhưng số phận của Thục Nga và tình bạn của ông với Hữu Dư đã là nỗi dày vò ông qua nhiều năm tháng. Nàng hiểu ông và càng thương Hữu Tiến, hy vọng cuộc hôn nhân sắp tới của đôi trẻ sẽ giúp ông thanh thản đôi phần.

 

Duy Từ ở phủ chúa về nét mặt rạng rỡ, theo sau là tướng Lại Văn Khuông sôi nổi bàn chuyện công việc của xưởng đúc súng. Sau lần đi sứ ra Bắc thành công, Văn Khuông được chúa yêu mến, khen thưởng, ban cho chức tướng quân hiệu uý, cai quản mọi mặt trị an của phủ chúa, hưởng lộc ngang hàm quận công. Duy Từ cũng đã thẩm tra năng lực, học vấn và bồi dưỡng cho Văn Khuông về binh pháp, hết lòng tin tưởng. Gần đây, ông xin với chúa cho Văn Khuông chuyển sang lo việc xây dựng xưởng đúc súng thần công và chế tạo thuyền chiến. Hai người, một già một trẻ làm việc rất hợp ý nhau. Đây là việc hệ trọng, tối mật lại dễ sinh tệ tham nhũng, bớt xén của công nên theo Duy Từ cần sử dụng người trẻ tuổi xông xáo, ít toan tính lợi  riêng. Càng ngày, qua Văn Khuông, ông càng nhận ra lớp trẻ có thực tài không hiếm. Cái chính là biết dùng họ đúng năng lực sở trường và mạnh dạn giao quyền cho họ quyết đoán. Trẻ hoá đội ngũ quan lại trong phủ chúa là việc cần thiết. Các tướng  Hữu Dật, Mỹ Thắng, Cửu Kiều cũng phải được cất nhắc  dần, thay cho các công thần lão tướng...

 

Nàng Vân sai người hầu pha trà, niềm nở tiếp đón Văn Khuông, hỏi thăm gia quyến của chàng. Lát sau, nàng xuống bếp cùng gia nhân chuẩn bị cơm rượu. Văn Khuông chờ phu nhân ra khỏi phòng vội bẩm trình:

 

- Bẩm quân sư, tiểu tướng đã chọn xong mặt bằng nhà xưởng, cho lính khẩn trương tập kết vật liệu để xây dựng. Thợ đóng thuyền lấy người cửa biển Tư Dung và bán đảo Sơn Trà, còn thợ đúc súng, chế thuốc nổ lấy người ở xã Mậu Tài, huyện Phú Vang. Khí thế binh lính và dân thợ đang hăng, chỉ chờ lệnh của quân sư để bắt tay vào việc.

- Tốt lắm! Ta cũng đã tìm ra cách chế thuốc nổ cho đạn pháo, có sức công phá lớn, đẩy những hòn đá hay các thỏi sắt có ngạnh sắc đi xa hơn của Hồ Nguyên Trừng khi xưa. Thế còn  khả năng lật thuyền khi sóng to hoặc khi ta bắn pháo, tướng quân đã làm đến đâu rồi?

- Bẩm quân sư, việc chống lật thuyền lúc sóng to gió lớn, khi xưa Hồ Nguyên Trừng đã tính toán rất chuẩn xác, đúng như các ghi chép thu thập của quân sư. Nay  tiểu tướng cần phải tính thêm cho điều kiện khi lắp đặt ở tầng trên của thuyền một khẩu súng thần công. Làm sao cho lúc ta bắn pháo, luồng khí cháy phụt ra không ảnh hưởng đến binh lính trên thuyền và sức giật của nó không làm lật thuyền là điều tiểu tướng phải tính kỹ. Qua nhiều lần thử nghiệm bằng hình cụ trong nhà và chế thử theo kích thước nhỏ, tiểu tướng đã tìm ra phương cách hợp lý. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của tiểu tướng, ta vẫn cần nhiều lần thử nghiệm nữa, trước khi chế hàng loạt.

 

- Tướng quân cần thử tiếp bao lâu?

- Khoảng ba tháng đến nửa năm.

- Đây là di sản quý giá của Hồ Nguyên Trừng đã bị mai một, thất truyền. Thời gian gặp nạn ở bên Tàu, ta nghe đồn ông ấy khi bị bắt làm tù binh, sang đó còn chế ra nhiều thứ khác tốt hơn hồi còn ở trong nước. Nay sứ mạng của tướng quân là phải chế tạo những thứ kia vượt xa Hồ Nguyên Trừng. Ta và chúa Sãi rất tin ở tướng quân, xin chớ phụ lòng.

 

- Bẩm, tiểu tướng xin cố gắng hết sức, song còn nhờ vào sự chỉ dạy thêm của quân sư.

 

- Ngày mai chúa sẽ lên điện, họp các quần thần ban bố nhiều việc hệ trọng. Sau đó, ta sẽ có việc đi ra Quảng Bình để cùng tướng quân Hữu Dật và Mỹ Thắng lo việc phòng thủ mặt Bắc, trước khi chinh phạt phía Nam. Có lẽ ta không có nhiều thời giờ để chăm sóc việc đúc súng, chế thuyền. Mọi việc ta trông cậy ở tướng quân, hãy lo liệu chu đáo.

 

Cơm canh đã dọn lên, hai người sôi nổi chuyện trò suốt bữa ăn. Văn Khuông ra về tràn đầy hứng khởi.  Chàng không ngờ bước đường sự nghiệp của mình lại có may mắn gặp được một vị ân sư như Đào Duy Từ. Chàng chợt nhớ đến nàng Kiều Liên, người cung nữ theo chàng vào Nam, có lẽ cái duyên kỳ ngộ ấy cũng nhờ có ân sư cho chàng cơ hội đi sứ ra Đông Đô, chàng và nàng mới thành đôi lứa. Đời người dễ có mấy cơ hội tuyệt vời như vậy.

 

Nàng Vân âu yếm dìu Duy Từ vào phòng trong nghỉ ngơi. Hôm nay ông quá vui, uống hơi nhiều. Ngoài sân Hữu Tiến và Thu Hương đã đi chùa Thiên Mụ trở về, cười đùa khúc khích. Tiếng cười vô tư, trong trẻo của Hương khiến nàng xôn xao rung động. Trái tim người mẹ của nàng ngập tràn niềm vui. Nàng quàng tay lên cổ Duy Từ, dụi đầu vào vòm ngực của ông, lòng chứa chan hạnh phúc. Duy Từ  nhớ ra điều hệ trọng, thầm thì vào tai vợ:

 

- Nàng biết hôm nay ta vui sướng, tự thưởng cho mình thêm vài chén rượu còn vì lẽ nào khác không?

- Thiếp làm sao biết được.

- Ta vừa nhận được thư của Hữu Dư do một thám tử ngoài Bắc mang vào.

- Ông ấy có khoẻ không, việc làm ăn thế nào?

- Rất tốt. Ông ấy khoẻ và vui lắm, gửi lời thăm nàng. Người Bắc di cư vào Nam qua trang trại của ông ấy ngày một đông, có đợt hàng trăm hộ. Chúa sắp mở cõi vào phía trong, rất cần đông người Việt di cư, công Hữu Dư không nhỏ đâu. Ông ấy quả không phụ lòng mong đợi của ta.

- Thế còn việc hôn nhân của Hữu Tiến?

- Còn gì phải bàn nữa, Hữu Dư nghe tin mừng lắm! Nhờ ta sắp đặt hết mọi việc là ông ấy tin tưởng giao con cho ta và  nàng.

- Thế thì ông cho chúng cưới mau đi. Thiếp mong có cháu ngoại bế bồng lắm rồi.

- Ta định cho chúng thành đôi với nhau trước khi đưa Hữu Tiến ra kinh lý ở biên ải phía Bắc.

- Ông vội gì, cho chúng gần nhau lâu một chút, đừng bắt Hữu Tiến phải đi ngay, ông ạ!

- Đời còn dài, vả lại đi có ít ngày lại về cơ mà.

- Thôi tuỳ ông sắp đặt, thế nào thiếp cũng xin vâng...

 

 Nàng Vân bồi hồi, ngây ngất trước điều ước nguyện đã thành sự thật. Nàng xoay người, ôm chầm lấy ông, mắt long lanh... Đêm ấy Duy Từ lại nghĩ về Thục Nga, lòng bồi hồi thương nhớ. Ngoài sông gió thổi lộng. Bầu trời đầy sao. Mặt đất đẫm sương. Ông thấy Thục Nga hiện lên trong hang đá năm nào ở xứ Thanh, nơi hai người ly biệt. Cái bóng trắng của Thục Nga cứ vẫy gọi ông đi mãi, qua bao núi cao, rừng thẳm. Khắp người ông nôn nao một cảm giác siêu trọng lượng. Đôi chân nhẹ bẫng như lắp cánh, nâng người ông bay là là trên mặt đất. Ông đi vào cõi vô thường, gặp lại song thân, Thục Nga, ông Danh, thầy đồ Mậu và đại sư Duy Giác...

*

*         *

 

Quang cảnh phủ chúa trong buổi thiết triều hôm ấy thật trang nghiêm. Chúa Sãi ngồi trên điện cao, hai bên có thái giám phe phẩy chiếc quạt lụa màu vàng, thêu rồng xanh ở hai mặt quạt. Dưới sân, văn quan võ tướng trong triều và tổng binh, tổng trấn các nơi đều về dự đông đủ. Vương tôn, công tử con chúa và hoàng thân bên ngoại đều được báo trước, dù ở xa hay ốm nhẹ cũng phải có mặt trước giờ thìn, ngồi chặt hai hàng ghế bên phải chúa Sãi để chờ lệnh sai bảo. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, ba hồi trống khai chầu nổi lên gióng giả. Chúa Sãi đảo qua một lượt điểm mặt từng người, rồi nghiêm giọng nói:

 

- Ta từ khi nối nghiệp chúa Tiên, nhờ vào ơn đức của tổ phụ, nỗ lực của bản thân, phò tá hết lòng của các quan, nên nước nhà cường thịnh, thóc lúa, quân lương đầy ắp, dân chúng no đủ, tướng mạnh quân đông, xã tắc vững như bàn thạch. Nay quân sư dâng kế đi mở cõi xuống phía Nam và sang phía Tây, các khanh có ý kiến gì tâu rõ lên, cùng ta bàn bạc, đưa ra quyết sách cuối cùng.

 

Đại thần Nguyễn Phước Khê bước ra can rằng:

 

- Bẩm chúa công! Thuận - Quảng ta liên tiếp mấy năm được mùa, công thương nghiệp mở mang, ấy là phúc lớn cho muôn dân trăm họ. Song ta dấy binh đánh nhau với các nước phía Nam, thần e quân Trịnh thừa cơ kéo vào, lấy gì chống đỡ. Đường vào Chiêm Thành, có thành Đồ Bàn tựa lưng vào núi, có cảng Quy Nhơn hiểm trở chúa Tiên  mấy bận đánh rồi phải lui, có đầm Thị Nại mênh mông lau sậy um tùm... đâu có dễ gì thắng được. Chiến sự kéo dài càng tăng cơ hội cho chúa Trịnh thừa cơ đánh úp vào Thuận Hoá.

Hàng tướng sủng thần của chúa Tiên là Mạc Cảnh Dinh tâu:

 

- Bẩm chúa công! Lời quận công Phước Khê không phải là không có lý. Từ ngày sứ thần Lại Văn Khuông ra trả lại sắc phong, Trịnh Tráng bị mất mặt, vẫn nuôi mối hận chờ dịp đánh ta. Đàng ngoài lãnh thổ rộng lớn, dân đông gấp năm, quân đông gấp mười đàng trong, ta không thể không đề phòng.

 

Công tử Phước Kỳ đang ốm, nghe có cuộc họp bàn trọng đại cũng cố gượng từ Quảng Nam về gặp chúa Sãi. Đêm qua, ông đã tranh thủ ghé phủ quân sư bàn bạc, tranh luận khá gay gắt. Nghe Duy Từ phân tích thời cuộc, ông dần vỡ ra nhiều điều, xoá đi mối lo toan mặt Bắc. Phước Kỳ bước ra trước điện cúi lạy phụ vương rồi nói:

 

- Bẩm phụ vương! Nhi thần lúc đầu cũng có nhiều băn khoăn về mối đe doạ đến từ phía Bắc như thúc phụ, đại thần Phước Khê. Nhưng nghĩ lại, nhi thần thấy chúa Trịnh không mạnh và đáng lo như ta tưởng. Thời cơ mở cõi vào Nam đang đến, nếu không nhanh chân thì các nước Xiêm La, Ai Lao ở phía Tây, giặc Tây dương ở ngoài biển sẽ vào cướp đất trước ta. Đương nhiên việc bố phòng ở phía Bắc thật chu đáo sẽ không thừa. Nhi thần tin là quân sư Đào Duy Từ đã tính hết mọi nhẽ rồi. Vậy xin tiên sinh hãy nói ra để phụ vương ta và triều thần an tâm.

 

Duy Từ vội đứng dậy, vòng tay xá công tử Phước Kỳ và xin phép chúa Sãi được nói:

 

- Bẩm chúa công! Thưa các vị đại thần và các quan! Ai trong chúng ta cũng đều đã rõ, chúa Trịnh lâu nay cai quản ngoài Bắc, đất rộng mà không giàu, dân đông mà không mạnh bởi trong triều lục đục, vương thất tranh giành, quan tham lại nhũng. Ở cung vua có bộ gì thì phủ chúa có ban ấy, đôi bên dẫm việc lên nhau, trật tự rối mù. Chúa át quyền vua, lòng người ly tán. Họ muốn đánh ta từ lâu mà tự lượng sức mình nên chẳng dám động binh. Tất nhiên, ta không nên chủ quan khinh địch, phải phòng bị kỹ càng. Mùa thu năm ngoái, thần và tướng quân Hữu Dật đi thị sát Quảng Bình, xem xét và đo đạc hình thế sông núi, cửa biển. Chuyến đi này cho thấy từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy, nhân đó dùng làm hào rãnh; phía trong đắp luỹ cao ngăn giặc. Thần đã lệnh cho hai tướng Hữu Dật và Mỹ Thắng đắp thêm một luỹ mới. Hai năm trước thần đã cho đắp luỹ Trường Dục nên hai luỹ làm thành hai chiến tuyến ngăn giặc từ xa, bảo vệ cho Thuận Hoá. Tình hình hai chiến tuyến này ra sao, thần xin nhường lời cho tướng Hữu Dật bẩm trình để chúa công rõ.

 

Hữu Dật nghe nói, vội bước ra trình bày:

 

- Bẩm chúa công! Thần và Mỹ Thắng, hai năm qua theo lệnh quân sư, không dám trễ nải, huy động dân và binh sĩ đắp xong hai luỹ. Năm Kỷ Tỵ (1629) đắp xong luỹ Trường Dục dài 18 dặm, trên từ chân núi Trường Dục, dưới kéo dài sát bờ biển có đầm lầy và bãi cát Hạ Hải. Năm Tân Mùi (1631) này lại đắp xong luỹ Đồng Hới dài hơn 30 dặm. Cả hai luỹ ấy đều nghiêm cẩn làm theo bản vẽ của quân sư Đào Duy Từ: luỹ cao 1 trượng 5 thước, rộng một trượng, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, chia làm 5 bậc, voi ngựa đi được, dựa núi men khe; dọc theo chiến luỹ cách một trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài có súng thần công nòng lớn... Bẩm chúa công! Trong binh pháp có nêu 6 loại đất tốt và 4 loại đất xấu. Hai chiến luỹ vừa đắp của ta, với quân Nam đó là đất ải địa trong 6 loại đất tốt: thông địa, quai địa, chi địa, hiểm địa, ải địa và viễn địa; còn với quân Bắc đó là đất tử ngục trong 4 loại đất xấu: thiên kháo hay song thiên kháo, tử phách, tử trụ và tử ngục. Quân sư Đào Duy Từ đã thông tỏ binh pháp, lại có biệt nhãn mới chọn ra nơi đắp luỹ cho chúng thần. Ngoài hai chiến luỹ Trường Dục và luỹ Đồng Hới theo lệnh của quân sư, chúng thần đã sai người đặt xích sắt ngang các cửa biển Nhật Lệ, Minh Linh, dưới lòng sông đóng bãi cọc gỗ... Giặc từ ngoài Bắc vào theo đường bộ hay đường thuỷ đều sẽ không có đủ đất chôn thây, quân ta nhàn nhã mà chống giặc.

 

- Nói hay lắm! Tướng Hữu Dật thật khéo tâng bốc quân sư của các người. Xưa Hồ Nguyên Trừng cũng đã từng lập chiến luỹ Đa Bang dài 600 dặm sao vẫn thất bại? - Công tử Phước Anh đứng lên chen ngang, không cho Hữu Dật nói tiếp.

- Phước Anh không được vô lễ với quân sư. Nếu còn nói nữa ta sẽ tống giam vào ngục mà sám hối - Chúa Sãi cả giận thét lên.

- Xin chúa công bớt giận! - Đào Duy Từ ôn tồn can - Công tử biết chuyện Nguyên Trừng thất thủ ở luỹ Đa Bang, nhưng chưa hiểu vì sao ông ấy thua giặc Minh. Công tử còn chưa biết ngoài chiến luỹ Đa Bang, Hồ Nguyên Trừng từng chế ra 100 sơn pháo và tàu chiến hai tầng mà vẫn thua giặc, bị bắt làm tù binh. Cái chính là nhà Hồ chưa được lòng dân ủng hộ, còn chúa ta thì khác, quân dân một lòng tận trung gắng sức. Sau nữa, công tử chưa biết rằng họ Hồ năm xưa đã phạm sai lầm lớn trong binh pháp vì đã căng mỏng sức mình ra chiến luỹ dài 600 dặm trước thế giặc như nước tràn bờ. Ta nay lập luỹ nơi hiểm địa đón giặc từ xa đến, cho giặc duy nhất có một con đường độc đạo Bắc - Nam mà chặn đánh tất nhiên phải thắng. Hai việc khác nhau một trời một vực, sao lại vơ vào một cục để mà mê tối, lo quàng nghĩ xiên.Thần xin tiếp lời tướng quân Hữu Dật nói cho rõ thêm. Hai chiến luỹ vừa đắp còn chưa đủ súng đạn để dùng, pháo lớn để thị uy, đánh giặc từ xa. Cửa biển có xích sắt, cọc lim vẫn cần thêm một đạo thuỷ binh có thuyền chiến hai tầng để bao vây tiêu diệt giặc. Vậy nên thần đã cùng Lại Văn Khuông dày công nghiên cứu, chuẩn bị lập xưởng. Nay mọi việc đã tạm ổn, đang chờ lệnh chúa ban xuống để thực hiện...

 

Quần thần và các tướng nghe Duy Từ thuyết giảng hồi lâu, không ai còn dám thắc mắc gì. Chúa Sãi rất hài lòng phán rằng:

 

- Kế sách bình định phương Nam của quân sư ta đã đọc kỹ trong bản tấu trình từ một tháng nay. Toàn bộ chiến lược bình Nam dự định tiến hành trong 5 đến 7 năm. Giờ đã là năm Tân Mùi (1631), hẹn đến năm Mậu Dần (1638) sẽ ca khúc khải hoàn. Nay phong quân sư Đào Duy Từ làm Thái uý tổng đốc các đạo binh mã trong ngoài; Nguyễn Hữu Dật làm Nguyên soái bình Nam, dưới trướng quân sư Đào Duy Từ; Lại Văn Khuông làm  Đô đốc, thống lĩnh thuỷ binh và kiêm việc giám sát hai xưởng chế thuyền, đúc súng; Nguyễn Phước Khê lo việc quân lương và thuốc nổ, sắt thép, voi, ngựa... Lệnh cho tổng binh các địa phương gấp rút tuyển mộ binh lính, tướng sĩ và thường xuyên tập trận pháp theo sự hướng dẫn của quân sư. Riêng Phước Kỳ đặc trách theo dõi, đốc thúc việc điều động các mặt nhân tài vật lực ở hai xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi và tổ chức một đội tượng binh 60 thớt voi, chờ khi dùng đến...

 

*

*             *

 

Sau cuộc hội nghị quần thần, Duy Từ quyết định xem tuổi chọn ngày rồi cử hành hôn lễ cho Hữu Tiến và nàng Hương. Tướng quân Hữu Dật không ngờ lần về phủ chúa này lại có cơ hội dự hôn lễ của người cháu họ trong gia tộc Nguyễn Hữu ở xứ Thanh phiêu bạt vào Thuận - Quảng. Chàng đã từng vâng mệnh quân sư bí mật ra tận thung lũng ngã ba sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Vụ Quang gặp Hữu Dư để bàn việc lập một mạng lưới thám tử ở phía Bắc sông Linh Giang, gài cắm rải rác đến tận thành Nghệ An, lấy trang trại của Hữu Dư làm đầu mối liên lạc. Chuyến đi mạo hiểm ấy đã cho chàng biết, dòng họ Nguyễn Hữu ở Tống Sơn là một chi nhánh của họ Nguyễn Hữu ở Hoa Trai. Hữu Tiến là cháu bên nội của chàng, còn quân sư lại là nghĩa đệ của Hữu Dư, nên chàng cũng thành người nhà của Đào Duy Từ. Chàng được quân sư trao cho tập bản thảo cuốn “Hổ trướng khu cơ” để học thêm binh pháp...

 

Đương lúc Hữu Dật chuẩn bị cùng quân sư và Hữu Tiến lên đường về quân doanh ở Quảng Bình, chợt nghe tin dữ công tử Phước Kỳ đột ngột qua đời ở Quảng Nam. Chúa Sãi thương tiếc Phước Kỳ đêm ngày khóc lóc, biếng ăn quên ngủ, thân thể hao gầy. Chúa  mời sư Tuệ Năng về cung lập đàn cầu siêu cho công tử cả, rồi đóng cửa giam mình trong phủ. Duy Từ hết lời an ủi, khuyên giải, chúa mới tạm nguôi. Chiến dịch đánh chiếm bờ Nam sông Linh Giang của Đào Duy Từ đành phải lui lại đến cuối năm. Ông gửi Hữu Tiến cho Hữu Dật mang về quân doanh kèm cặp. Thu Hương cũng được phép ra Quảng Bình hưởng tuần trăng mật. Nàng Vân thấy vậy mừng khôn tả xiết. Tuy vậy, nàng lại lo lắng thấy Duy Từ suốt ngày vò đầu suy nghĩ thở dài. Bệnh sốt rét ác tính ông mắc phải từ những năm bôn ba khắp các buôn làng của người Thượng trên Tây Nguyên chợt tái phát vì cơ thể suy nhược. Ông không buồn sao được khi thời cơ đã chín mà chúa Sãi vẫn chìm đắm trong u sầu, thương nhớ Phước Kỳ, chưa chịu cho ông hành động. Nghe tin quân sư ốm nặng, chúa Sãi vội đến bên giường bệnh thăm hỏi. Duy Từ  cảm động nói với chúa:

 

- Bệnh của thần có căn nguyên tự trong gan ruột chứ đâu phải vì muỗi rừng năm xưa cắn đốt.

- Nhìn quân sư đau đớn ta muốn chịu thay mà vô phương cách.

- Có đấy, bẩm chúa công có đấy.

- Cách gì?... Quân sư nói mau đi!

Duy Từ vội tung chăn vùng dậy, thưa:

- Chúa công có nhớ chuyện Viên Thiệu đời Tam quốc bên Tàu không?

- Ta nhớ mang máng thôi.

- Khi Tào Tháo đem quân đi đánh Lưu Bị ở  Từ Châu,  Hứa Đô bỏ trống, mưu sĩ  hiến kế cho Viên Thiệu đánh úp Hứa Đô. Thời cơ như ngọn gió thoảng đến rồi đi, nhưng Viên Thiệu không nghe lời mưu sĩ, chỉ vì có đứa con yêu của mình lên sởi. Sau này, Tháo chiếm được Từ Châu, đánh bại Lưu Bị , bắt được Quan Công, bèn chỉnh đốn binh mã tiêu diệt được Viên Thiệu. Cướp được Hà Bắc rồi, Tháo đến nhà vị mưu sĩ nọ bảo rằng, ta diệt được Viên Thiệu bởi chúa công của ngươi ôm cái nhân đức của đàn bà đâu có đáng kể gì, chỉ mừng được có thêm người như ông thôi, hãy đi với ta, ông sẽ không còn phải ân hận ...

 

Chúa Sãi nghe xong giật mình tỉnh ngộ, lập tức đồng ý cho Duy Từ mở chiến dịch đánh chiếm vùng Nam sông Linh Giang. Ngay hôm sau, Duy Từ đi gấp đến quân doanh của Hữu Dật ở Quảng Bình, triệu tập các tướng ban bố tướng lệnh, giao việc cho từng người. Quân Nam bất ngờ ào ạt tiến đánh, tràn sang cả bờ Bắc sông Linh Giang chừng 30 dặm thì dừng lại. Lê Thời Hiến nghe tin cấp báo liền cùng đại tướng Nguyễn Tịch đem quân vào nghênh chiến. Quân hai bên giàn trận giữa cánh đồng cờ xí rợp trời, trống đánh liên hồi. Dứt ba hồi trống, bên phía quân Trịnh, Lê Thời Hiến dắt Nguyễn Tịch và các tướng cưỡi ngựa ra trước hàng quân, cho loa gọi lớn:

 

- Nguyên soái Lê Thời Hiến vâng mệnh Bắc chúa đàng ngoài mời Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, quân sư của xứ đàng trong ra hỏi chuyện.

 

Quân Nam im lặng. Chợt thấy Duy Từ cưỡi ngựa bạch tiến ra, tay phe phẩy quạt lụa, hai bên có tướng Hữu Dật và Mỹ Thắng theo hầu. Lê Thời Hiến nhìn bạn hồi lâu rồi ôn tồn hỏi:

 

- Quân sư lâu nay có mạnh giỏi không?

- Nhờ ơn chúa Sãi ta vẫn bình an.

- Nay quân sư đã công thành danh toại, phú quý đủ đầy, liệu còn nhớ bạn xưa, nhớ lời giao ước cũ?

- Ta làm sao quên được ân tình của hiền đệ, vẫn nhớ lời giao ước, nhưng hai ta bây giờ ai vì chủ nấy, chớ đem tình riêng ra cho thêm khó xử. Hiền đệ và gia quyến vẫn mạnh giỏi chứ?

- Ơn vua lộc chúa ban đều, nên tiểu đệ và gia quyến mạnh khoẻ, quyết xả thân giữ đất, đền đáp ân sâu của chúa Trịnh.

- Sự đời éo le, bạn cũ bỗng chốc thành đối địch. Nay ta bày trận đề quân Bắc xem sức mạnh của quân Nam.

 

Duy Từ ghé tai Hữu Dật nói nhỏ: “Ta chủ trương bày trận để quân Nam ra oai với quân Bắc và để sau này bạn ta có cơ sở để nghị hoà, không bị Trịnh Tráng bắt tội. Đây cũng là dịp để ngươi và Hữu Tiến hiểu thêm binh pháp. Vậy ngươi hãy đứng kèm Hữu Tiến, xem ta bày trận”. Kế đó, Duy Từ ra lệnh nổi trống ầm ầm, cờ xí các loại giương lên. Bốn phương bốn góc cùng trung quân, du binh đều là số 8; ngoài có tám trận là Thiên - Địa - Phong - Vân - Long - Hổ - Xà - Điểu; mỗi trận có 6 đội, cộng thành 48 đội; mỗi đội lại có 64 tượng quẻ theo hình bát quái. Tổng cộng trận pháp có 4.400 quân lính. Đại tướng Mỹ Thắng oai phong lẫm liệt, đứng bảo vệ Duy Từ ở trung quân đang cầm cờ hiệu. Duy Từ chờ cho quân Bắc ngơ ngác kinh hoàng bèn thét to:

 

- Thời Hiến có biết đây là trận gì chăng?

- Duy Từ khéo bày trận Chu Thiên, liệu có biết biến trận?

- Trận này có 9 phép biến. Ta đã bày được hà cớ gì lại không biến trận cho quân Bắc xem?

 

Nói dứt lời, Duy Từ liên tục phất cờ cho quân biến trận lần lượt từ Tiểu Chu Thiên đệ nhất biến, đệ nhị biến..., đến đệ cửu biến. Quân đi rung chuyển đất trời, đổi chính làm kỳ, đổi hữu sang tả, như rồng cuốn hổ vồ. Đại tướng Mỹ Thắng vác đao, tế ngựa qua hết cửa trận này đến cửa trận khác, uy phong lẫm liệt. Quân tướng của Lê Thời Hiến cả kinh, hoa mắt. Lúc đó Duy Từ mới ra lệnh cho Mỹ Thắng thu quân về đội hình từng khối vuông như cũ. Ông cùng hai tướng Hữu Dật, Mỹ Thắng cưỡi ngựa tiến lên chừng vài trượng, ôn tồn bảo Lê Thời Hiến:

 

- Chúa Sãi ở phương Nam lòng lành tâm Phật, không muốn chiến tranh để nỗi sinh cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt, dân chúng lầm than. Ta cũng mong Thời Hiến hãy nhớ câu “máu xương đâu cũng là của con dân nước Việt” để đôi bên nghị hoà. Ngặt vì chúa Bắc vẫn đem bụng thù ghét chúa Nam, vẫn muốn gây chiến nên ta rầu lòng, bất đắc dĩ phải đem quân ra Bắc phô diễn sức mạnh mà thôi. Vậy ta nhờ Thời Hiến bẩm với chúa Trịnh Tráng, đôi bên giảng hoà, lấy sông Linh Giang đổi thành sông Gianh làm nơi phân định rõ cương thổ hai xứ đàng ngoài với đàng trong. Nếu được như vậy ta sẽ lập tức lui quân.

 

Lê Thời Hiến lúc này nghe ra mới hiểu chủ ý của Duy Từ không hề muốn chiến tranh Nam - Bắc. Ông bồi hồi cảm kích, mừng vì bạn cũ không quên lời thề ước năm xưa trong giờ ly biệt. Tướng Nguyễn Tịch thấy sức mạnh của quân Nam cũng có ý nghị hoà, bèn khuyên Thời Hiến nhận lời. Đôi bên cùng rút quân, lấy sông Linh Giang làm chỉ giới, trao đổi thư tịch dâng lên Trịnh Tráng và Phước Nguyên phê chuẩn. Chiến dịch chớp nhoáng đánh chiếm bờ Nam sông Linh Giang, thực hiện ý đồ cách sông cự địch của Đào Duy Từ toàn thắng.Ông sung sướng hạ lệnh cho Hữu Dật bàn giao việc bố phòng và mạng lưới thám tử cho tướng Mỹ Thắng, trong vòng ba ngày phải xong. Sau đó, ông cùng Hữu Dật, Hữu Tiến kéo đại quân về Thuận Hoá ra mắt chúa Sãi.

                                                *

                                            *      *                            

Mùa xuân năm Nhâm Thân (1632), Đào Duy Từ vâng mệnh chúa Sãi đi bình định phương Nam. Đại quân đóng bản doanh ở quê vợ của ông bên ngã ba sông Thu Bồn - Vu Gia để tiện việc điều động các đạo quân thuỷ bộ. Đến nơi ông họp các tướng bàn bạc. Duy Từ trải tấm bản đồ năm xưa ông vẽ trên đường chu du vào Nam, bảo Hữu Dật:

- Chúa ra lệnh bình định bốn nước Xá Lợi, Lâm Ấp, Chiêm Thành, Thuỷ Chân Lạp trong thời hạn năm đến bảy năm. Tướng quân dự định kế hoạch thế nào?

- Bẩm quân sư ! Tiểu tướng cho rằng Xá Lợi và Lâm Ấp là hai nước yếu nhất, đất rộng người thưa, quân quyền tản mát về nhiều bộ tộc, ta nên đánh trước. Nhưng Tây Nguyên là nơi nhiều núi cao, rừng rậm, địa hình chia cắt và hiểm trở, không thể dùng quân đông mà phải dùng quân tinh nhuệ và tượng binh.

- Thế còn sau đó?

- Ta sẽ đánh thẳng vào Thuỷ Chân Lạp rồi bốn phía vây ép mà diệt nốt Chiêm Thành.

- Lối đánh của tướng quân quả có táo bạo, chớp nhoáng nhưng không thật an toàn, chắc chắn.

- Xin quân sứ chỉ dạy cho tiểu tướng nên thế nào để chắc thắng nhất?

- Chúa Sãi là người am hiểu binh pháp, lại rất giống chúa Tiên ở chỗ cẩn thận, chắc chắn. Ta hiểu ý chúa công đưa ra thời hạn này là đã vạch sẵn chiến lược gậm dần chiếc bánh tét, chia làm nhiều giai đoạn mà thực hiện từng phần kế hoạch.

- Ý quân sư muốn chia làm mấy giai đoạn, trình tự từng bước sẽ diễn ra thế nào?

- Ta với ngươi cùng nhìn trên bản đồ sẽ thấy nước Chiêm Thành chạy dài theo bờ biển, có các dãy núi đâm ngang, nên có thể chia làm ba khúc. Từ núi Cù Mông trở ra thông với Quảng Ngãi và giáp với nước Xá Lợi ở phía Tây. Từ núi Cù Mông trở vào đến núi Đèo Cả gồm thành Phú Yên và thành Đồng Xuân là khúc thứ hai, giáp với nước Lâm Ấp và nước Xá Lợi. Từ Đèo Cả trở vào gồm thành Diên Khánh và Ninh Thuận, có hai đường lớn thông lên nước Lâm Ấp ở phía Tây, phía Nam giáp với Thuỷ Chân Lạp. Từ thời vua Lê Thánh Tông xa xưa đến thời Chúa tiên Nguyễn hoàng gần đây đều có lúc người Việt ta dùng thủy binh đánh chiếm được các thành Quy Nhơn, Đồng Xuân, Diên Khánh, nhưng đều trụ lại chẳng được lâu, bởi thế đất hiểm trở mà ta khi ấy không chiếm được vùng núi cao Tây Nguyên của người Thượng làm địa bàn khống chế. Kế hoạch của ta chia làm ba bước. Bước một là đánh chớp nhoáng chiếm lấy hai nước của người Thượng ở Tây Nguyên trong một năm, từ đó khống chế toàn cục làm bàn đạp tấn công chiếm dần nước Chiêm Thành theo ba gọng kìm: đường bộ có hai mũi từ thượng du đánh xuống và từ đất Quảng đánh vào; đường thủy tập trung tiếp chiến hỗ trợ cho bộ binh ở những nơi thành trì kiên cố của quân Chàm. Trước hết, trong năm đầu phải chiếm được đất từ Cù Mông trở ra bằng hai mũi từ Bắc đánh vào và từ phía Tây qua đèo An Khê đánh xuống, cuối cùng ta phối hợp thủy binh đánh chiến gọn thành Quy Nhơn. Sau đó, ta cho dân ào ạt di cư vào lập đồn điền khẩn hoang ở đồng bằng ven biển; ở phía Tây lại cho các lính thương tật và già yếu ở lẫn trong các buôn làng mà lập nghiệp, sống hoà hiếu với người Thượng. Như vậy tốn ít nhất là hai năm, nghĩa là từ nay đến năm Giáp Tuất (1634) mới hoàn tất. Bước hai, từ năm Ất Hợi (1635) đến năm Bính Tý (1636) sẽ đánh chiếm nốt hai khúc của Chiêm Thành từ Cù Mông vào bằng ba hướng từ Bắc đánh vào, từ Tây đánh xuống và thuỷ quân đổ bộ ở mặt Đông. Có lẽ với địa hình như đã nói ở trên thì mỗi chiến dịch ta gậm dần một khúc mới thật chắc ăn. Tóm lại, địa bàn hiểm yếu ở Tây Nguyên là sự sống còn với quân ta trong toàn bộ kế hoạch Nam tiến, nuốt nước Chàm, bình định Thủy Chân Lạp của ta và chúa công lâu nay trăn trở, mất ngủ quên ăn. Quân đánh đến đâu cho dân vào lập đồn điền khai hoang lập tức. Nghiêm cấm người Việt xâm phạm tín ngưỡng của người Chiêm và khuyến khích các tộc người sống bình đẳng, tương ái với nhau, giúp nhau an cư lập nghiệp theo giáo lý Trúc Lâm tam tổ. Bước ba, từ năm Đinh Sửu (1637) đến năm Kỷ Mão (1639) huy động tổng lực đánh chiếm nước Thuỷ Chân Lạp. Lúc này hai mũi quân xuất phát tại nước Lâm Ấp, từ thành Hậu Nghĩa và từ đèo Bảo Lộc đánh xuống là hết sức quan trọng. Nó quyết định sự thành bại của đại quân từ Bắc tràn vào, từ biển đổ bộ lên mà chiếm lấy thành Trấn Biên, rồi toả về các châu huyện ở đồng bằng Cửu Long Giang. Ta đồ rằng giai đoạn thứ ba sẽ rất ác liệt vì người Khơ Me dũng cảm, địa hình nhiều đầm lầy, kênh rạch. Các ngươi phải luôn ghi nhớ làm điều nhân nghĩa, chớ sát hại dân lành mà tổn hại âm đức của chúa và người Việt chúng ta...

 

Chiến sự diễn ra sau đó quả đúng như điều dự tính của quân sư Đào Duy Từ. Trong vòng không đầy hai năm, quân Việt đã hoàn toàn làm chủ Tây Nguyên rộng lớn và một phần của nước Chiêm Thành từ Cù Mông trở ra. Đồn điền khẩn hoang mọc lên như nấm sau mưa. Dân chúng các bộ tộc ở những nơi này vốn hiền lành, chất phác nên nhanh chóng sống hoà thuận với người Việt di cư. Khắp nơi liên tiếp được mùa, cư dân no đủ, của rơi trên đường không ai nhặt. Công đức của chúa Sãi tưới nhuần các miền quê, đến tận buôn làng hẻo lánh. Tiếc rằng mùa thu năm Giáp Tuất (1634) quân sư Đào Duy Từ bỗng nhiên ngã bệnh. Chúa Sãi lo lắng cho sức khoẻ Duy Từ, vội sai người đưa ông về Thuận Hoá dưỡng bệnh và hạ lệnh tạm ngừng chiến dịch mở cõi vào Nam.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2661
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)