Sáng hôm sau, tình trạng thần kinh của Trung gấu có vẻ xấu đi. Căn bệnh đã bắt đầu bộc phát. Khi đó, mọi người đã ra ngoài luyện tập. Ở lều chỉ còn lại hai người. Phái lo chuẩn bị cơm nước, còn Trung gấu ngồi phụ giúp kế bên. Đang cắm cúi nhặt thóc, Trung bỗng bật khóc to nức nở. Phái điển quay lại, buồn bã và lo lắng nhìn anh.
Trung đội dạo trước có hai Trung : Trung liều A trưởng và Trung gấu, xạ thủ số hai đại liên. Trung liều đã hy sinh trong trận vừa qua, để lại nỗi đau xót, mất mát lớn lao cho mọi anh em, nhất là đối với Trung gấu.
Hồi mới nhận tân binh về, A trưởng Trung liều đã chú ý đến cái thằng lùn lùn, vạm vỡ, vai rộng, dáng đi lùi lũi như một con gấu, nhưng vẻ mặt lại hiền khô, khờ khạo, đôi mắt nâu buồn buồn không hợp chút nào với khuôn mặt to vuông vắn chữ điền. Tự dưng, anh bỗng thấy thương nó như đứa em ruột của mình. Trung liều có một thằng em trai nhưng đã bị bệnh chết năm nó lên mười tuổi. Một lần, khi hai người nằm gác chân lên nhau trò chuyện, Trung liều đã kể cho Trung gấu nghe thời thơ ấu buồn tủi cơ cực của mình. Hai gã Trung chỉ trong vòng vài ngày đã gắn bó với nhau còn hơn anh em ruột thịt. Trung lớn lo cho Trung nhỏ từng chút một, dạy bảo, chỉ dẫn, khuyên nhủ, và cả an ủi những lúc cậu này buồn.
Trung gấu chỉ có cái tướng là táo tợn, đáng gờm, còn vẻ mặt và tính tình thì lại hiền và nhút nhát. Hồi chưa vào lính, Trung gấu làm ở một ga-ra sửa chữa ô-tô. Anh vốn là dân Phan Thiết, gia đình rất nghèo. Năm Trung mười lăm tuổi thi rớt lớp mười, chưa biết làm sao thì một bà dì độc thân ở Sài Gòn ra chơi, rồi khuyên ba má Trung cho anh vào Thành phố để kiếm chuyện làm ăn. Bà làm giấy nhận Trung làm con nuôi và chuyển hộ khẩu anh về Thành phố. Sau đó bà xin cho Trung vào vừa học vừa làm ở cơ sở đó cho đến khi anh đi nghĩa vụ.
Bà dì là người ăn chay trường. Bà không buộc anh phải gò bó như mình, nhưng Trung vốn đã quen kham khổ, lại muốn tránh phiền cho bà, nên anh cũng bắt chước theo bà. Dạo ở quân trường, do có muối đậu, tương chao bà mang lên tiếp tế, Trung vẫn duy trì được thói quen ăn chay. Nhưng qua đây, dần dần anh cũng phải ngã mặn theo anh em. Trung rất ghét chuyện súng ống. Hồi mới sang, anh hay nói với mọi người là nếu có đánh nhau, anh chỉ bắn chỉ thiên thôi. Trung bảo hồi ở nhà đến mấy con thằn lằn anh còn không nở giết, tính ra, trong đời anh chỉ phạm tội sát sinh mấy loài muỗi, rệp và gián mà thôi.
Hôm đó, hôm Trung liều hy sinh, trung đội đang phối thuộc với đại đội 12 cắm mũi đầu tiên vào cứ địch. Sau khi qua được cửa mở ở tuyến phòng thủ thứ nhất, anh em tiếp tục vận động chiếm lĩnh các điểm xung yếu để vượt tuyến phòng thủ thứ hai.
Cứ Ampil là tổng hành dinh của Sonsan, lực lượng của nó theo quân báo ước tính khoảng chừng mười ngàn tay súng, được trang bị đủ các loại cối pháo từ 130 ly trở xuống. Ngoài lính ra, trong cứ còn có dân Khmer tỵ nạn, và gia đình, vợ con của số lính tráng, sĩ quan. Trong số này có cả người gốc Việt. Sau khi chiếm được cứ, trung đội đã nhặt được trong một căn nhà mấy quyển sổ ghi chép bằng tiếng Anh, và một số ghi chú tiếng Việt kèm theo.
Ampil có tất cả ba tuyến phòng thủ tạo thành ba vòng cung đồng tâm, mỗi tuyến cách nhau chừng bảy, tám trăm mét. Tuyến phòng thủ là một bờ đất cao và rộng, phía sau nó là đường giao thông hào sâu ngang ngực. Dọc theo tuyến, cứ cách năm chục mét lại có một căn hầm to rộng, trên phủ mấy lớp gỗ rừng, mỗi cây đường kính bé nhất cũng đến năm tấc. Ngoài ra còn có ụ súng lộ thiên cho các tay súng cá nhân và súng máy. Giữa những tuyến này lại có những bãi mìn. Khi tấn công lên tuyến thứ nhất, đại đội 11 chưa nổ được phát súng nào đã lọt vào một bãi mìn, thương vong mất bốn người. Cuối cùng họ phải rút lui, chuyển sang hướng khác.
Đang đánh nhau kịch liệt ở ngoài tuyến phòng thủ thứ hai thì một trong hai chiếc tăng mà đại đội 12 đánh kèm bị vướng mìn tăng, đứt xích không di chuyển được nữa. Đại đội dàn hàng ngang vận động lên phía trước chiếc tăng để bảo vệ cho tuyến sau lên làm nhiệm vụ cáng thương. Khẩu đại liên của Trung liều cùng lên với trung đội sáu, còn khẩu 12 ly lúc đó do Quân chỉ huy cũng đang vận động ở cánh trái, trong đội hình của trung đội năm. Trung liều dẫn đầu khẩu đội, khẩu AK lật ngang quét từng tràng điểm xạ ngắn đanh. Lúc ấy, đạn nhọn cứ bay veo véo như mưa ngang đầu, chẳng còn biết đâu mà tránh né. Họ chỉ dừng lại, mọp xuống khi có một quả đạn cối hay pháo nổ gần bên.
Trung liều đang chạy thì một quả B40 từ phía trước nổ chụp tới, cách anh chừng bốn mét. Lúc đó, Trung gấu và Tiến cóc ở phía sau lưng anh không đầy mười mét. Trung liều chết ngay tại chỗ.
Tiến và Trung gấu quăng khẩu đại liên xuống, nhào tới bên anh, nhưng chỉ để nhìn thấy khuôn mặt xám ngoét, hai con mắt nửa mở nửa khép, lòng trắng vằn đỏ những tia máu, và khóe miệng rỉ máu đỏ bầm của Trung liều. Thân hình anh nhầy nhụa những vết thương.
Trung liều hy sinh vào khoảng năm giờ chiều, ngày 7-1-1985. Ánh hoàng hôn đỏ rực như lửa cháy từ phía trước mặt đội hình -hướng Tây - hắt xuống bãi cát một màu đỏ vàng hiu hắt. Trên trận địa, những người lính đang chầm chậm bò lê tiến về phía địch như một đàn kiến khổng lồ. Đây đó rải rác những hố cát do đạn pháo cày xới lên ; và ở nhiều hố loang lổ những vệt máu khô bầm.
Từ đó trở đi, Trung gấu trở thành một người khác hẳn. Anh lao lên, xô Tiến cóc, xạ thủ một, ngã dúi sang bên, chụp lấy hai tay cò súng. Lần đầu tiên trong đời,Trung gấu đã biết đau đớn căm thù. Anh không thèm cúi mình né tránh làn đạn phủ đầu rát mặt từ sau tuyến giao thông hào thứ hai của địch, cứ chăm chăm quay súng tới những nụ lửa xòe ra, quất liên tục từng tràng. Mấy ụ súng đó câm tiếng ngay lập tức sau loạt đạn của Trung. Trung gấu bắn như điên như dại. Trong đầu anh trống rỗng, chỉ tồn tại mấy từ “Anh Trung đã chết rồi!".
Trận đánh kéo dài từ rạng sáng ngày 7, đến sẫm tối ngày 9 thì kết thúc. Hôm đó Trung không khóc. Cả hai hôm sau, khi trận đánh chưa ngưng cũng vậy. Trừ những lúc nổ súng đánh nhau, Trung có vẻ lầm lì nhưng còn linh hoạt chút xíu, ngoài ra, trong mọi sinh hoạt khác, anh làm gì cũng ngơ ngẩn, ngẩn ngơ. Đến cái đêm sau khi toàn thắng, anh em bắt được một con heo nuôi chạy lạc, xẻ ra làm thịt liên hoan,Trung gấu không ngồi vào ăn uống. Anh đi ra xa, tới một chỗ vắng người, ngồi sụp xuống, khóc nghẹn ngào rất lâu.
Tâm trạng Trung trong những ngày sau đó rất nặng nề, u uất. Nhiều lúc nửa đêm chợt giật mình thức giấc, Trung không tài nào dỗ giấc lại. Anh nằm nghe tiếng những cơn gió rừng hun hút thổi, nghe tiếng trở mình, tiếng ngái đều đều của các đồng đội khác, rồi tưởng như nghe tiếng bước chân quen thuộc, bình thản của Trung liều vừa bước vào lều sau một ca gác, tưởng như mơ hồ nhìn thấy bóng Trung đang tiến đến gần mình. Rồi anh nhận ra đó chỉ là tiếng gió xào xạc lùa qua lớp lá che trên mái, là bóng những cành lá bên ngoài chập chờn trên đất, trên vách căn lều. Có lúc anh nhớ tới cảnh tượng A trưởng Trung nằm đó, đôi mắt khép hờ, thân hình đẫm máu mà cứ ngỡ mình vừa qua một cơn ác mộng. Anh tự lừa dối mình trong khoảnh khắc rằng tất cả chỉ là một giấc mơ; rằng Trung vẫn sống ; rằng chỉ cần anh ngồi dậy, xoa mặt mấy cái là Trung sẽ bước đến, mỉm cười đưa cho anh điếu thuốc vấn đang hút dở dang.
“Cái chết đến dễ dàng như vậy hay sao ?” Câu hỏi như một mũi khoan cứ xoáy mãi, xoáy mãi trong tâm trí của Trung. Nó rít lên lúc anh đang ngồi ăn, đang đi đứng, đang nói năng, đang làm bất cứ chuyện gì. Trung hiểu con người thì phải chết. Anh đã thấy bà nội mình qua đời như thế nào trong căn nhà thấp lụp xụp ven biển của bà. Anh cũng đã thấy những cái chết khác, của những người quen hay lạ xung quanh. Nhưng anh chưa từng biết về một cái chết đến đột ngột, vô cùng đột ngột trong thoáng chốc như vậy. Chỉ trong thoáng chốc, một con người khỏe khoắn, nhân hậu, yêu thương anh và được anh yêu thương không kém chỉ còn là một đống thịt bầy nhầy, trơ trơ, vô cảm.
Rồi Trung chợt giật mình khi nhớ lại chính bản thân mình sau lúc đó. Anh đã bắn, không phải là chỉ thiên, mà là thẳng vào những thân người. Trung biết đã có những thân người đổ gục xuống sau tràng đạn của anh. Đó là kẻ địch, quân thù. Đó là bọn dã man tàn ác đã giết chết Trung A trưởng - Trung biết rất rõ điều này. Nhưng anh vẫn có một cảm giác gì đó ghê tởm chính mình, khi nhìn xuống bàn tay. Bàn tay này đã nhuốm máu rồi ! Do chính bàn tay này mà có những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, những người lính mất đồng đội !...
...
Đầu Trung gấu nhức buốt. Những suy nghĩ quay cuồng. Trung nghe lùng bùng trong tai những tràng điểm xạ liên hồi chát chúa của khẩu đại liên. Anh rên lên những tiếng ngắn đau đớn.
Phái chợt nghe tiếng rên rỉ và lầm bầm của Trung gấu : “ Dì ơi !... Con đã bắn rồi...bắn vào tụi nó rồi...Con đã bắn chết tụi nó rồí !... Anh Trung ơi... em đã bắn chết tụi nó rồi !...” . Giọng nói không âm sắc, lắp bắp, lẫn vào tiếng khóc, và nhất là tính chất không đúng chỗ của nội dung câu nói làm cho những lời nghẹn ngào của Trung có một vẻ gì đó kỳ lạ, ghê ghê làm Phái giật mình. Anh ngước lên nhìn Trung kinh ngạc.
Bóng một người che khuất ánh sáng ở phía lối vào, làm bên trong lều tối xầm một thoáng, rồi người đó bước vào lều. Đó là Quân. Anh đã đứng bên ngoài lều từ lúc nãy.
Quân nhìn Trung đang ngồi nức nở, thấy xót xa thương Trung quá. Qua bao nhiêu ngày tháng gần gũi bên nhau, Quân hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng sự trái nết, kỳ cục nào đó của mỗi người trong trung đội, không phải chỉ với sự đồng cảm, thương yêu của một người anh cả, mà còn với tấm lòng bao dung của một người mẹ dịu dàng. Nhất là Trung, hồi mới về trung đội, nó cứ bám theo anh, hỏi han thắc mắc đủ chuyện. Những câu hỏi ngây ngô như của một đứa trẻ con.
Quân nhận ra bên trong cái ngoại hình xù xì, dữ tợn, trái tim Trung là trái tim hiền hậu của một bà soeur già trọn đời làm việc thiện. Trung không phải là loại người có tinh thần mạnh mẽ để có thể thích ứng, đối phó với những nghịch cảnh, trắc trở của cuộc đời. Sau những ngày đầu quay quắt nỗi nhớ nhà, nhớ quê, Trung đã cảm thấy đời lính trở nên thân tình, ấm áp. Có một lúc nào đó, Trung đã ước ao cuộc đời cứ như thế này mãi mãi, nó và những bạn bè gắn bó trong trung đội sẽ sống bên nhau cho đến cuối đời, như những người trong một gia đình. Có lần, nó đã bảo với Quân : “Bây giờ em không còn nhớ nhà nữa. Em thấy sống như thế này thật vui, thật thích. Phải chi tất cả anh em trong trung đội mình cứ sống bên nhau như vầy đến già há anh Quân !”
Đầu óc vô cùng đơn giản của Trung đã vô ý thức quên đi thực tại. Nó đã sống trong một giấc mơ ban ngày êm ái, chứa chan niềm vui, tình thương yêu gắn bó với nhau của những người lính chiến xa nhà. Rồi giấc mơ đã vỡ tan. Thực tế là những lưỡi dao sắc bén đã cắt đứt, băm nát chuỗi ngày bình yên, hạnh phúc thành ngàn ngàn mảnh vụn. Thực tế là cơn bão dữ cuốn qua, để lại sau lưng nó một thế giới tâm linh đổ vỡ, điêu tàn. "Mọi thứ đều là tạm bợ, là hư ảo phù du thôi, Trung ơi ! Cả cuộc đời của chúng ta, cả những niềm vui, nỗi khổ của chúng ta. Nhất là ở đây, trong cuộc sống này !..." Quân bật thốt lên lời than thở. Nhưng nó nghẹn lại ở cổ anh... Chính nỗi đau của anh bây giờ cũng là hư ảo nốt, anh biết, và tin như vậy. Nhưng ý thức, ý chí và trái tim anh dường như không có chút gì liên hệ với nhau.
Anh vẫn ý thức, bằng niềm tin, tư tưởng đã cô đúc, đã tạo thành một nền tảng vững bền trong nhân cách của anh - một người đã ở dưới mái chùa suốt quảng đời thơ ấu - tính chất vô thường bào ảnh của mọi điều, và vẫn thấy đau một nỗi đau thực thể, bằng những cảm giác của một con người đang sống.
Quân bước tới, đưa tay bóp nhẹ bờ vai rắn chắc của Trung, anh nói :
- Từ mai, em sẽ thay thế Phái làm anh nuôi, để nó trở lại khẩu đội đại liên. Em đừng tự dằn vặt nữa, nghe không Trung.
Quân quay sang Phái :
- Phái sắp xếp công việc bàn giao lại cho Trung, em nhớ kèm cho nó vài bữa, hướng dẫn mấy bí quyết nấu nướng của em, nghe Phái.
Phái gật đầu, đưa mắt nhìn Trung. Trung vẫn cúi gầm đầu, thu cái cổ to ngắn vào giữa hai vai run rẩy, như một con gấu lầm lì đang dỗ giấc mùa đông.
Trong suốt mấy ngày sau , Trung càng có vẻ bất thường. Anh hay ngẩn người ra, nhìn trừng trừng vào một điểm nào đó vô hình trước mặt, miệng lẩm bẩm những câu rời rạc, vô nghĩa. Ban đêm, anh em trực gác thấy Trung đi thất thểu, quờ quạng từ nhà này qua nhà khác trong bóng tối như một hồn ma.
*
Chỉ còn ba ngày nữa là đơn vị hành quân tấn công cứ điểm 201, toàn đơn vị đang tập luyện ráo riết. Ai cũng nôn nao, phấn khích mong cho trận đánh chóng đến, chóng qua. Buổi sáng hôm ấy, trung đội đang dợt lại lần chót các thao tác trong vận động chiến đấu ngoài bãi cát, cách nơi dựng lều khoảng năm trăm mét. Quân vừa hô khẩu lệnh : “ Khẩu đội. Tháo súng vận động !” thì Mợi lác hớt hải chạy tới, mặt mày xanh như tàu lá. Anh hào hển bảo Quân :
- Anh Quân ơi, thằng Trung nổi cơn điên rồi! Lúc nãy, em đang rang ruốc cá giùm nó, quay qua không thấy nó đâu. Em chạy đi tìm, nhìn thấy nó đang cầm khẩu AK của Già Hương còn để trong lều, kê nòng súng vào cằm, cười hì hì, mà nét mặt ghê lắm. Em len lén bò lại gần đá văng khẩu súng. Rồi ôm nó, cố dỗ dành nó. Nó không cự gì, chỉ lúc cười lúc khóc. Em ôm nó một hồi, thấy nó vẫn im lìm, em bỏ nó ngồi đó, mang mấy băng đạn và dao cộ giấu đi, rồi chạy ra đây. Anh tính sao bây giờ ?
Quân bảo Già Hương :
- Anh cho anh em tập thêm tí nữa rồi về. Em về trước coi sao.
Quân và Mợi lác chạy về tới lều, Trung gấu đang quỳ mọp bên bếp, mồm miệng đầy đất cát. Quân bước tới, kéo vai đỡ Trung ngồi thẳng lên. Trung gấu cười hềnh hệch :
- Anh Trung... đi lên cung trăng hái mận với em nghe. Em mới ở trển về...Mận ngon lắm... Trong hồ có con cá mập lớn lắm. Nó cắn đứt bàn tay em rồi, anh Trung ơi...! - Trung gấu khóc òa lên.
Quân cau mày. Trung bị bệnh thật rồi. Anh quay lại bảo Mợi :
- Mợi ra bảo Tiến và Huy về gấp, cùng anh đưa Trung về Trung đoàn để chữa bệnh ngay. Nguy lắm rồi.
Ba người đưa Trung gấu lên tới K.23 khoảng ba giờ chiều hôm ấy. Lẽ ra, họ tới nơi sớm hơn, nếu trên đường đi Trung không dỡ chứng ngồi lì một lúc lâu.
Quân đã phải vất vả lắm khi thuyết phục đại úy Sơn, bác sĩ trưởng K.23 chuyển Trung gấu lên viện cấp cao hơn, nơi có điều kiện đưa Trung về nước. Mặc cho Quân nói khô cả cổ, Sơn vẫn lắc đầu quầy quậy, anh cứ khăng khăng một mực :
- Chỉ vì nó quá kích động. Từ từ vài bữa là bình thường trở lại thôi, cậu lo xa quá. Mà chưa biết chừng tại nó bể chiến đấu nên giả khùng giả điên như vậy. Còn phải chờ xác định coi nó thật sự bị loạn thần kinh không đã. Loại này tôi gặp nhiều quá rồi mà !
Quân vốn điềm đạm, nhưng cũng phải nổi nóng vì sự cứng nhắc của Sơn. Anh cố kềm cơn giận, gằn giọng nói :
- Đây là một người lính của tôi. Tôi hiểu nó hơn anh nhiều. Nó bị bệnh thật sự. Nó cần được chữa trị ở một nơi thích hợp. Nếu anh sợ bị ảnh hưởng đến cái uy tín rẽ mạt của anh mà chần chừ, thì hậu quả còn tệ hại hơn. Lúc đó, anh sẽ vừa mang tiếng xấu, vừa bị lương tâm cắn rứt cả đời đó, anh hãy nghĩ lại đi...
Sơn khoát khoát tay, quay lưng dợm bước đi. Mặt Quân đỏ bừng như uống rượu. Máu nóng chợt dồn lên đầu, lan ra khắp người Quân, anh gần như hét lên :
- Nó suýt chút đã tự sát rồi, anh có biết không ! Nó còn ở cái nơi đầy súng ống này ngày nào, thì còn nguy hiểm cho nó, và cho mọi người xung quanh ngày đó...- Quân dịu giọng lại - Anh Sơn à ! Anh phải quyết định ngay một quyết định sáng suốt. Anh là một bác sĩ có tài, thương lính mà. Tôi vẫn còn nhớ anh đã tốt như thế nào, tận tụy như thế nào hồi trị thương cho tôi. Nhưng đây không phải là chuyên môn của anh. Anh nghe tôi đi, phải đưa nó về nước càng sớm càng tốt. Và phải cho một anh em nào có tấm lòng đưa nó đi. Tôi năn nỉ anh, thật tình năn nỉ anh đó, anh Sơn.
Cuối cùng, bác sĩ Sơn xúc động, đồng ý làm theo đề nghị của Quân. Quân còn nằng nằng xin Sơn nhớ cho người theo dõi Trung liên tục trong thời gian còn ở lại K.23, cho đến khi bác sĩ Sơn nổi khùng quát lên: “ Cậu tưởng tôi là một thằng ngu ngốc và vô lương tâm hay sao mà cứ lải nhải hoài vậy. Đi về đi ! Tôi sẽ làm những gì tôi thấy cần thiết !”.
Trên đường về, cả ba lặng lẽ bước nhanh. Thỉnh thoảng, Huy nhìn sang Quân, cảm thấy thương anh vô cùng. Nét mặt Quân dàu dàu, không thần sắc. Vẻ bình an thanh thản thường nhật của anh không còn nữa. Nhìn anh giống như một bà mẹ vừa phải bứt ruột nhìn đứa con yêu của mình chết lịm trên tay. Họ về tới nhà lúc vầng trăng khuyết hạ tuần đã lên gần giữa đỉnh trời.