Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
657
123.242.206
 
Mùa xa nhà
Nguyễn Thành Nhân
Chương 7


Cánh rừng lại xôn xao không khí của những ngày vào chiến dịch. Các cánh quân của các trung đoàn, tiểu đoàn khác nhau lũ lượt di chuyển dọc ngang. Từng đoàn quân, quần áo bạc màu nắng gió, ba lô, súng  ống, gạo nước  trĩu nặng trên thân bước những bước dài mạnh mẽ. Tất cả, từ người lính cũ đã mấy năm xa quê đến những người lính mới sang hồi cuối năm ngoái, đều không còn gì khác biệt nhau. Ai ai cũng đã quen với những chặng hành quân hàng chục cây số  dưới ánh nắng chang chang, trong lớp bụi mù mịt bay lên giữa ban ngày, hay dưới ánh sao lấp lánh mùa khô miền xích đạo ban đêm ; quen với mùi mồ hôi của chiếc áo lính nhiều ngày không giặt, với sự thiếu ngủ những đêm trắng hành quân ; quen với sự căng thẳng trong giờ phút ém quân chờ  lệnh nổ súng...

           

Từng đoàn quân, như những con rùa dưới cái mai nặng nề  bò từng bước chậm rãi mà chắc chắn về mục tiêu phía trước. Người thì ngược về Tây, tiếp tục cho trận đánh. Người thì xuôi lên Bắc thế chân đóng chốt, bảo vệ cho dân công lên xây dựng tuyến phòng thủ dọc theo hành lang biên giới.

           

Trên đường đi, những người lính thuộc các đơn vị khác nhau cứ  ngong ngóng mong gặp lại một đồng hương nào đó thuộc đơn vị bạn. Tiếng chào hỏi, cười đùa trêu ghẹo nhau giữa những người lính vang vang suốt  một chặng đường dài, cuốn theo cơn gió cuối xuân hun hút luồn vào cánh rừng sâu, phá vỡ sự tĩnh lặng hàng trăm nghìn năm nay của khu rừng trầm mặc :

-  Vân ơi, có viết thư  cho nhỏ Thùy em gái tao nói tao gửi lời thăm nó với nhé. Dạo này tao lười viết quá. Đi may mắn nghe Vân.

- Thắng ơi ! Đánh cho hăng vào ! Kiếm nhiều nhiều “đồ cổ” Chiến lợi phẩm về  ghé tao nhậu một chặp tưng bừng nghe!

-  Đồng hương ơi, phen này lên đó nằm chốt một năm tội nhỉ ! Có  gặp nàng khỉ cái nào đèm đẹp thì cũng ráng giữ thủy chung với bà vợ già ở quê nghe !         

-  Anh em đi mạnh khỏe, chiến thắng vẻ vang nghe !

-  Anh em ở lại cũng mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ nghe !

           

Huy dáo dác nhìn ngược ngó xuôi tìm kiếm Xuân, thằng bạn cùng huấn luyện ở  H.15. Trong đoàn sang đây, chỉ có Huy và Xuân là về sư đoàn này. Không biết là Xuân ở trung đoàn, tiểu đoàn nào, Huy cứ  vừa dõi mắt tìm, vừa hét lên hú họa : “ Xuân ơí ! Huy đây ! Xuân H15 ơi!  Huy đây ! Mày đâu rồi ? ”.

           

Từ phía đầu đội hình của đoàn quân đang đi ngược lên, bỗng có một người lính chạy xuống quát to :

- Ai là Huy H15 ?

- Tôi, tôi đây ! - Huy cuống quýt.

Người lính bước tới gần bên Huy, mỉm cười :

- Xuân không có  ở đây, nó đi qua chỗ E. bộ liên hệ công tác . Tui có nghe nó kể về ông.

 

Huy mừng rỡ , hỏi rối rít :

-  Ủa, nó làm gì mà lên E ? Anh ở đơn vị nào? Nó có khỏe không vậy ?

Người lính bật cười, vui vẻ nói :

-  Xuân đã lên tiểu đoàn làm văn thư. Tụi tui ở D7. Sắp tới nằm chốt ở đây, chắc còn lâu mới về hậu cứ.  Yên chí đi, Xuân vẫn khỏe khoắn, vui vẻ. Thôi, tui phải đi đây.Tui sẽ nói nó có gặp ông. Mạnh giỏi nghe đồng hương. - Nói chưa dứt câu, anh ta xoay lưng chạy vù đi.

- Mạnh giỏi nghe đồng hương. ! Huy hét vói theo. Anh tự trách mình quên không hỏi anh ta tên gì.  

 

Buổi trưa, đơn vị dừng chân nghỉ giải lao bên một tiểu đoàn tăng. Lác đác trên trảng cỏ khô xơ xác là những khóm cây rừng, những chiếc tăng nằm dưới bóng những khóm cây đó. Từng nhóm năm người lính một đang quây quần bên cạnh chiếc tăng ăn cơm, trông thấy tụi Huy đi qua, cất tiếng chào mời vui vẻ, thân thiện :

- Xơi cơm mấy anh ơi.

- Ăn cơm đồng hương ơi.

           

Dù biết là họ chỉ mời cho có, Huy cũng thấy vui vui, xúc động. Tình cảm giữa các đơn vị, các binh chủng khác nhau trong những ngày này thật sự gắn bó, thể hiện ở từng điều nhỏ nhoi như vậy. Anh gật đầu cám ơn, rồi hỏi :

- Tụi tôi đang đi tìm nước về nấu cơm. Khu này có hố nước nào không mấy anh ?

- Có , có người anh em ạ ! Cứ đi dọc theo đường mòn này vài trăm mét nữa, có một vũng nước lớn lắm.

           

Theo lời những người lính tăng, đi thêm khoảng năm trăm mét, băng vào một cụm cây cao rậm rạp, Huy, Thuận gặp vũng nước. Đó là một khoảng đất trũng hình bầu dục, đường kính chừng bốn mét, nằm giữa một bãi cỏ. Nó có nước là nhờ  đợt mưa dầm hồi cuối tháng trước, nhưng đến nay cũng đã vơi cạn đi nhiều. Mặt nước tù đọng nổi lều bều những lá khô rơi, những váng rêu xanh mốc. Rải rác bên bờ vũng có những chỗ cỏ bị đè nát, lỗ chỗ dấu chân thú rừng trên mặt bùn non. Màu nước vàng đục, lợn cợn trông thật tởm. Nhưng có nước đã là quí lắm rồi. Huy mở bung tấm nylon ra, gấp làm hai, rồi móc túi quần lấy hai sợi dây võng cột gút hai đầu tấm nylon vào hai đầu cành cây đã chặt sẵn từ trước, tạo thành một cái võng chứa nước dã chiến. Xong xuôi, hai người gỡ nón cối ra bước xuống  ven vũng, múc nước đổ đầy chiếc cáng. Dù có tải theo mấy can rùa nước dự trữ, Quân vẫn cẩn thận bảo anh em cố đi tìm nguồn nước, để dành lại số nước có sẵn phòng khi bất trắc.

           

Hai người về tới chỗ trung đội. Phái đã nổi lửa từ lúc nào. Anh nhanh nhẹn trút gạo vào nồi, đổ nước vào rồi bắc lên chiếc bếp dã chiến đào âm vào nền đất, bỏ qua công đoạn vo gạo. “Ăn  thế càng thêm bổ!”   Phái biện bạch dù chả ai có ý kiến gì.

           

Cơm nước xong, mỗi người tìm chỗ mắc võng, hay trải chiếu lên trên lớp cỏ  khô để nghỉ lưng. Huy đang dáo dác tìm nơi cột võng thì Quân gọi :

- Lại đây Huy, đây có chỗ giăng nè.

           

Quân mắc võng giữa hai cây rừng cỡ bắp chân. Bên tay phải anh có một nhánh lớn xòa xuống thấp từ một cây to gần đó. Huy cột một đầu võng vào nhánh cây đó, đầu kia vào thân cây đầu võng của Quân. Rồi anh ngồi lên võng, ngả lưng ra khoan khoái.

             

Huy nhắm mắt lại dỗ giấc, anh cũng đã mệt nhoài sau chặng hành quân. Nhưng rồi anh thấy đầu mình tỉnh như sáo, không sao ngủ được, như vừa uống xong một ly cà phê thật đậm. Anh nhổm lưng ngó qua Quân. Quân cũng không ngủ, anh vòng hai tay ra sau ót, mở mắt nhìn lên vòm lá trên đầu.

           

Huy ngần ngừ một lúc, rồi nói :

-  Thương thằng Trung quá, anh Quân ! Không biết giờ nó ra sao !

Quân thở dài :

-  Cầu mong cho nó  hết bệnh. Nó là một người tốt...và hiếm có...

 

Huy ngạc nhiên. Anh không hiểu Quân muốn nói gì. Huy im lặng ngẫm nghĩ một lúc rồi buột miệng hỏi :

-  Hiếm có là sao hả anh ?

-  Thật ra, điều này anh khó mà giải thích. Với lại, nó chỉ  là cách nghĩ của anh thôi, Huy à. Huy biết không, thường thì mọi người coi những người bị lên cơn điên khùng sau một cú sốc, một thương tổn tâm lý  là những người yếu đuối, đáng thương. Người ta thương hại, và người ta cũng coi thường những người này. Thật ra, những người điên này cao quí, đáng trọng hơn nhiều so với vô khối loại người. Họ  trung thành với điều họ coi là lẽ phải, là chân lý, và khi  điều này bị xúc phạm, họ không chịu đựng được. Họ là những người có nhiều tính nhân bản hơn người khác.

 

Huy ngơ ngác nghe Quân nói. Những câu giải thích của Quân còn khó hiểu hơn cả nhận định của anh. Tuy vậy, những lời trầm buồn của Quân in sâu vào trí nhớ  Huy. Anh nhớ  hầu như đúng từng câu, từng chữ. " Rồi sẽ có ngày mình hiểu !"  Huy tự  hứa với mình. Anh chợt nghĩ tới một điều khác.

-  Em có nghe Ụ  Mối  kể  về anh. Anh không muốn về  nước  sao anh Quân ?

- Muốn chứ. Anh cũng nhớ  thành phố lắm. Nhưng anh không còn ai, không còn nơi nào để coi là gia đình, là mái ấm của mình nữa. Anh cũng không thể  xa anh em, đồng đội. Trung đội bây giờ là nhà của anh đó Huy.    

 

Quân chợt mỉm cười. Anh nhìn Huy với đôi mắt sáng. Không  thể gọi Quân là một người đẹp trai. Dáng anh cao gầy, lưng hơi khòm khòm. Nét mặt anh là nét mặt của một người bình thường, không xấu cũng không đẹp, và không có gì đặc biệt. Một gương mặt mà người ta có thể nhìn lướt qua rồi sau đó sẽ quên khuấy đi ngay. Tuy nhiên, Quân có một đôi mắt khác thường. Mắt anh tỏa một ánh sáng dịu dàng, kỳ diệu. Ánh sáng đó làm cho bất cứ người nào, khi nhìn vào đôi mắt của Quân, cũng sẽ có cảm giác mình như tốt hẳn lên, tự tin hẳn lên. Và những khi Quân im lặng, nét mặt anh có một sự  bình thản lạ thường, bình thản nhưng không gây cảm giác lạnh lùng, xa cách. Ở  Quân ánh lên một vẻ đẹp bên trong khó diễn tả thành lời. Ngay từ hôm gặp Quân lần đầu, Huy đã không cưỡng nổi một niềm tin cậy và yêu mến tự nhiên đối với anh. Quân nói :

- Hôm trước, lúc em ra hồ tải nước. Ụ  Mối nó lục ba lô em lấy cuốn sổ ra đọc um lên. Em cũng lãng mạn lắm nghe Huy ! Thơ em có  sự  rung cảm, có sức mạnh nội tại đó, nhưng còn dàn trải lắm. Thơ em là lời độc thoại với chính mình, nó không phải là loại thơ dành cho người thứ hai nào khác ngoài em. Anh thấy qua những bài thơ và đoạn nhật ký đó, em đa cảm và mang nhiều ảo tưởng quá  Huy. Đó không phải là điều tốt cho em đâu. Em sẽ vì nó mà chịu nhiều bất hạnh.

 

Huy nhìn Quân đăm đăm, ngạc nhiên thấy Quân chỉ với những lời giản dị như vậy đã nói thật chính xác được những gì mà chính anh cũng đã từng cảm nhận một cách mơ hồ . “ Anh Quân hiểu mình còn hơn mình hiểu chính mình nữa !”- Huy la thầm trong bụng. Quân nói tiếp :

-  Em đang băn khoăn về những điều hư huyễn đó Huy. Tốt hơn em nên cố gắng dẹp bỏ đi những khái niệm phân biệt về  bản chất con người. Con người chỉ đơn giản là con người thôi. Có tốt, có xấu, có thiện, có ác, có sự hèn nhát song song với bản chất anh hùng. Tốt hay xấu, thiện hay ác, hèn nhát hay anh hùng theo đánh giá của người khác ngoài bản thân của một cá nhân chỉ là  cái vỏ bên ngoài, là hiện tượng, biểu hiện nhất thời. Nếu đúng lúc, đúng thời cơ thì nó là hay, nếu không đúng lúc thì nó là điều dở, chỉ vậy thôi Huy. Tất nhiên, ở mỗi cá nhân, mức độ giữa những bản chất này có khác nhau. Nhưng có  ích gì việc đi đánh giá, khen chê, phẩm bình người khác, và đặt niềm tin nơi người khác. Em chỉ nên quay lại nhìn nhận chính mình, chỉ nên tin vào con người nói chung, chứ  không phải là bất cứ một con người cụ thể nào...

 

Quân chợt ngưng lời. Anh thấy lòng quặn lên một nỗi xót xa khôn tả. Anh đã cảm nghiệm, kinh qua những điều vừa nói với Huy bằng chính những mất mát đổ vỡ của mình. Anh chợt thấy băn khoăn. Huy còn trẻ quá, còn hồn nhiên chân thật nào khác gì một đứa trẻ thơ. Huy chính là hình ảnh của chính anh thời thơ dại : đầy khát khao hiểu biết, đầy mơ tưởng ngây thơ, đầy niềm tin, hy vọng… Có nên nói với Huy những điều này không ?  Có thật sự cần thiết hay không ?...Lướt qua đầu Quân một chuỗi hình ảnh của ngày qua : một thằng Quân nhỏ xíu, ngơ ngác nghe mấy ông cậu bà dì  bảo : “ Ba má mày chết cả rồi !”  - “ Chết là sao hả cậu ? ”  - “ Là mày không bao giờ gặp lại ba má mày nữa.”    “ Vậy ba má con đi đâu ? ”    “ Đi xa lắm…”    “ Xa tới đâu hả dì?"   - “ Xa lắm, có nói mày cũng không biết đâu mà hỏi.” – " Vậy chừng nào ba má con về ? “ 

“ Họ không về nữa đâu, họ đi mãi mãi …” … Nó ôm mặt khóc nức nở. Lần đầu tiên nó đã ý thức về  cái chết như  là sự xa cách, bất ngờ và không hiểu nổi… ; Rồi một thằng  Quân bụng đói như cào, lang thang trên đường phố, bị tụi trẻ bụi đời đánh đập, bị chó rượt cắn, bị người lớn mắng chửi khi nó liều bước vào nhà xin chút cơm ăn…; Rồi một thằng  Quân mặc áo nâu sồng, lưng thẳng đơ, nghiêm nghị ngồi nghe sư cụ giảng giải những lẽ mất còn, những điều sắc sắc không không…Có lần, sư cụ đã dạy Quân : “ Con không nên tin vào những gì người khác nói, kể cả một người đáng trọng nhất con từng biết, kể cả Đức Phật, nếu như người có hiện ra trước mặt con ; không nên tin vào sách vở, kể cả đó là một quyển kinh điển hầu hết mọi người đều tôn sùng ca ngợi, khi chưa tự mình chứng nghiệm, kinh qua. Một khi con đã tự mình chứng nghiệm, kinh qua, một khi trái tim con hòa hợp cùng lý lẽ, một khi  thâm tâm con cuối cùng mách bảo đó chính là lẽ phải, điều nên - cái đó, chúng ta gọi là lương tâm - khi ấy, con hãy tuân theo những gì lương tâm con thúc giục con. ”  Quân đã cảm nghiệm, đã tự  mình minh chứng tính chất đúng đắn của lời dạy đó sau bao nhiêu năm tháng băn khoăn. Quân đã hiểu ra một điều : Lẽ phải, hay như sư cụ nói – lương tâm-  thật sự  không nằm ở luân lý, đạo đức hay pháp luật. Tất cả những thứ đó đều có thể đổi thay cùng lịch sử. Lẽ phải là điều cao viễn hơn chúng, vĩnh hằng, thuộc về mỗi cộng đồng, và cũng thuộc về mỗi cá nhân. Nó đã được di truyền qua  bao thế hệ, hình thành và tồn tại trong cuộc chiến đấu sinh tồn. Nó mang tính cá thể vì nó nằm khuất trong ý thức, tiềm thức mỗi con người riêng biệt. Nó lại mang tính cộng đồng vì nó là mối dây liên kết giữa từng cá thể với nhau trong cuộc sống chung. Một người khi hành động một điều không hợp với lẽ phải đó, sẽ có thể che dấu, dối gạt được người khác, nhưng không thể che dấu, dối gạt chính mình. Họ sẽ cảm thấy bất an, day dứt, đau đớn không nguôi, dù đôi lúc đôi khi hay suốt cả đời.

 

Quân  quay sang Huy. Huy vẫn mở to mắt nhìn anh  chờ đợi. Có lẽ trong đầu óc của nó mình là một con người hoàn hảo lắm, là một tấm gương đáng để nó noi theo…   Quân nghĩ thầm rồi nói tiếp :  

- Đừng đặt toàn bộ niềm tin vào bất cứ  ai Huy à…  kể cả anh hay người nào khác, nếu không, khi niềm tin sụp đổ, em sẽ không đủ sức chịu đựng nó đâu. Và điều quan trọng em  cần luôn luôn nhớ, là cái tốt thật sự, cái chân lý thật sự cũng chỉ là tương đối. Em có bản chất tốt, có niềm tin, vậy hãy tin rằng những điều không làm những người đang sống quanh em thiệt hại, đau khổ là điều thiện, điều mình phải nỗ lực thực hiện, và chỉ cần như vậy là đủ rồi. Chỉ vậy thôi cũng đã khiến em phải tự đấu tranh rất gian lao rồi đó Huy.

           

Quân ngưng lời, anh thở  dài, im lặng một lúc lâu.

           

Huy vẫn còn choáng váng với những gì Quân nói. Chúng như những tia chớp loé lên, sáng rực trong khoảnh khắc, soi rọi đến tận những ngõ ngách thâm u, mờ mịt nhất trong ý thức của Huy. Tuy vậy, anh không hiểu hết, chỉ cố gắng ghi nhớ  chúng. Huy chợt  phát hiện ra một điều kỳ quặc - Quân nói như một nhà tu sĩ, nhưng anh vẫn hành xử như bao người bình thường khác, vẫn cầm súng chiến đấu một cách dũng cảm, có thể nói là anh hùng nữa cũng không quá đáng. Có một sự mâu thuẫn nào đó thật lạ lùng trong con người này ! Anh  suy tư như một nhà hiền triết, nhưng sống và hành động như một con người đầy nhiệt tâm, đầy lòng đam mê cuộc sống. Một lúc sau, Huy hỏi :

-  Tại sao mình lại đánh nhau ở  đây anh Quân ?  Sao mình không để bộ đội K. tự lo lấy chuyện của họ  ? Em có nghe anh Ngô chính ủy trung đoàn giải thích vấn đề này rồi, nhưng em thấy nó sao sao đó, không thuyết phục.  Mấy bữa trước  em qua nghe ké "ra-dô" bên đại đội 13, anh Vụ có mở đài Polpot nghe xem chúng nói gì. Mẹ kiếp ! Chúng chửi quân tình nguyện Việt Nam mình là lũ xâm lược, chả khác gì mình chửi lính Mỹ trước đây. Liệu người dân Campuchia có coi mình là lũ ngoại bang xâm lược không anh?

-  Bản chất những người lính tụi mình khác với bản chất những người lính Mỹ. Anh nói khác ở  đây không phải là về cái tốt hay cái xấu. Khác là ở  nền văn hoá, ở tư tưởng, quan niệm, truyền thống dân tộc. Lính Mỹ không hiểu dân Việt, do đó, hoặc họ  sợ hoặc họ coi thường, khinh rẻ dân ta. Còn chúng ta và dân Campuchia không khác gì  nhau mấy, chúng ta và họ có cùng một nền tảng, bản sắc văn hoá như  nhau. Chúng ta hiểu họ, thương mến họ. Và những người dân chất phác này cũng hiểu và thương mến chúng ta. Còn như tại sao chúng ta lại phải chiến đấu thế này, là một chuyện không dễ nói. Đúng là nếu chúng ta sớm rút quân về thì tốt hơn, nhưng tình thế hiện nay rất nhiều chuyện rối ren. Em cũng không nên thắc mắc dằn vặt làm chi. Nói cho cùng, chúng ta chỉ  là những hạt cát bị cuốn theo vòng xoay của thời đại, của lịch sử  thôi Huy.

-  Tại sao lại phải né tránh sự thật hả anh ?  Em nghĩ nếu không xác định được ý nghĩa, mục đích, thì  làm sao chúng ta có đủ niềm tin và ý chí để chiến đấu. Từ hồi nhỏ, em đã thích những chuyện hào hiệp anh hùng, thích những bài thơ, bài hịch hùng tráng. Em nghĩ  rằng đối với đàn ông thì chuyện cao quí nhất để làm là chiến đấu, là “da ngựa bọc thây”.

-  Điều này cũng là một trong những ảo tưởng của em đó Huy ơi ! - Quân có vẻ buồn buồn. Anh dừng lời, im lặng một lúc lâu - Và cũng là điều mà nhiều người ảo tưởng về nó. Chiến tranh rốt cuộc chỉ  để phục vụ cho mưu đồ tham vọng của những người cầm quyền. Ở những cuộc chiến xâm lược thì điều này đã hẳn nhiên rồi, không có gì để bàn cãi nữa. Nhưng cả ở những cuộc chiến tranh giữ nước, chống ngoại xâm, hay nội chiến rồi cũng vậy thôi. Lịch sử  đã cho thấy rồi, khi cởi bỏ được ách thống trị hà khắc, bóc lột của ngoại bang, hay đã lật đổ một chế độ thối nát nào trước đó, và đã nắm được quyền lực trong tay, người ta thường quên đi những điều ích dân, lợi nước. Họ, hoặc người kế thừa của họ chỉ  còn nuôi tham vọng củng cố quyền uy hoặc xa hoa hưởng thụ. Chỉ có những người dân, những người lính tầm thường là mất rất nhiều, mà được rất ít, hoặc chẳng được gì. Trừ phi là chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, còn thì những cuộc chiến khác không mang tới cho họ điều gì hay ho cả. Cái họ cần chỉ đơn giản là một mái nhà, một gia đình êm ấm, một mảnh ruộng vườn nho nhỏ  và một cuộc sống thanh bình...Biết bao nhiêu người phơi xác, tên tuổi cũng vùi sâu vào cát bụi lãng quên, chỉ để cho một vài kẻ trở thành những vị anh hùng lưu danh sử sách. Từ  khi khái niệm anh hùng nguyên sơ của thời cổ đại xa xưa đã trở thành một chủ nghĩa- chủ nghĩa anh hùng- nó đã bị biến tướng, đổi thay về chất,  trở nên một sự mê hoặc, một sự  lừa dối kinh khủng, đã bị người ta lấy nó làm chiêu bài che đậy những sự xấu xa, Huy có hiểu không.  Mỗi con người đều có  khả năng trở thành một anh hùng, một tài năng để cống hiến cho xã hội, họ vốn mang sẵn trong người cái đó. Nhưng để làm một anh hùng chân chính thì rất khó, rất hiếm hoi... Anh  đã từng băn khoăn, nghĩ ngợi nhiều về vấn đề này, nhưng rồi thấy nó thật là phức tạp. Có những điều chúng ta có thể cảm nhận phần nào, nhưng không thể diễn tả nó ra một cách minh bạch bằng lời đâu Huy…Thôi, đừng nói chuyện này nữa nghe Huy. Có  lẽ  càng nghĩ về mọi sự  một cách giản đơn, càng dễ chịu, ít gặp rắc rối hơn đó Huy. Nhiều khi, anh ước ao mình không hiểu biết gì cả, thế lại hoá hay...

           

Quân điểm lại trong đầu những cái tên vua chúa, anh hùng; Những cuộc cờ chính trị tranh đoạt thế quyền đầy khí trá, gian manh, thủ đoạn ghê người, đẫm máu và nước mắt của biết bao nạn nhân vô tội ;  Sử  sách còn rành rành ghi lại đó. Ở bất kỳ thời nào, ở bất kỳ nơi nào trên quả đất bé nhỏ này, những chuyện như vậy vẫn cứ diễn ra. Nó vẫn diễn ra dù là dưới những hình thức khác nhau. Bao giờ con người mới thật sự  xoá bỏ được mọi khái niệm phân biệt, hữu danh vô thực, để yêu thương nhau, để sống một cuộc sống thanh bình, an lạc ?  Sống không phải để hận thù ganh ghét. Sống để yêu thương và sáng tạo. Để mỗi một con người đều là một vì sao, một mặt trời  nhỏ tự  tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình.  Sẽ có một ngày như vậy đến hay không?  - Quân tự hỏi lòng.

           

Huy  thân thiết nhìn Quân. Mãi đến hôm nay, Huy mới có một cuộc trò chuyện thật sự với anh. Quân nói nhiều điều thật là mới mẻ, dù có những chỗ Huy chưa thật hiểu, và đôi chỗ khác Huy không đồng ý  với Quân, nhưng Huy vẫn thấy lòng tràn ngập một niềm quý mến và cảm phục anh. Không rõ vì sao, lòng Huy chợt rộn lên một niềm ước ao mãnh liệt - được nắm lấy bàn tay Quân, nắm và xiết thật mạnh, thật  lâu.

           

Trầm ngâm một hồi, Huy hỏi :   

-  Anh Quân thích viết như vậy, chắc hồi đó anh học khoa văn phải không ?

-  Anh học khoa triết. Anh yêu triết học từ hồi còn nhỏ. Hồi đó, tối tối sau buổi tụng kinh, sư thầy thường ngồi giảng dạy cho anh mọi lẽ. Lớn lên một chút, anh đọc mấy cuốn triết khô khan còn mê mải  hơn đọc tiểu thuyết. Nhưng triết học không giải quyết được vấn đề của cá nhân đâu Huy ạ. Triết học chỉ là cánh cửa mở hé cho ta thấy ánh sáng bên ngoài. Còn nguồn sáng ở đâu, tự thân mỗi người phải đi tìm nó. Huy biết không, anh viết  vì cảm thấy hạnh phúc khi đang viết. Anh không nghĩ những gì mình viết là hay, hay có giá trị gì cho người khác. Tuy vậy, anh vẫn gửi đi. Anh nghĩ  đó là  sự thể hiện mối quan tâm tới người khác, ý muốn hòa đồng, chia sẻ với người khác, và tình thương yêu cuộc sống của anh. Anh làm hết những gì mình có thể làm, vậy là anh thấy yên ổn trong lòng.

-  Chắc anh Quân có làm thơ ? Hôm nào anh cho em đọc với nghe.

- Anh không có năng khiếu về thơ ca như Huy đâu. Thơ anh dở  lắm. Nói đúng ra, đó không phải là thơ, mà đơn giản là những suy nghĩ xếp thành vần. Để rồi anh sẽ đưa Huy đọc. Thôi, ngủ đi Huy. Đêm nay là ém quân vào cứ điểm rồi. Ngày mai sẽ là một ngày vất vả...

 

Huy nghiêng người, nhắm mắt lại. Anh rơi vào giấc ngủ ngay sau đó.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    2   
Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 1985
Ngày đăng: 21.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)