Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.163.624
 
Mùa xa nhà
Nguyễn Thành Nhân
Chương 8

PHẦN HAI

Tiểu đoàn đã trở về hậu cứ, sau mấy tháng dài ròng rã hành quân cơ động chiến đấu ở vùng biên giới. Trên đường về, khi mọi người bắt đầu trông thấy những làn khói lam mỏng mảnh tỏa lên trên hàng cây thốt nốt ,và những mái tranh xam xám đã thấp thoáng hiện ra sau lớp bụi mù mịt của đoàn xe đi trước, ai cũng vui sướng, xúc động không tài nào tả xiết. Giã từ những cánh rừng hiu quạnh ! Giã từ  miền đất bạc màu cằn khô biên ải ! Phum  làng thân mến ơi ! Các mẹ, các chị, các em gái Khmer mến thương ơi ! Chúng tôi đã trở về !

           

Dọc đường về, Huy cứ đứng bám vào thành chiếc xe Zin, nhìn ngó một cách khao khát không biết thỏa những túp nhà sàn nhỏ xíu, tả tơi nằm dọc hai bên lề con đường đất. Những bà cụ, ông lão, những cô gái, chàng trai, những đứa trẻ con Khmer đang náo nức hân hoan vẫy chào các “ boòng coong tóp Việt Nam” Anh bộ đội Viêt Nam vừa trở về từ mặt trận. Họ hò reo ơi ới khi mấy chiếc xe chạy tới gần :

“ Việt Nam  Campuchia xa-ma-ki !” Việt Nam-Campuchia đoàn kết!

“ Xốc-xơ-bai chờ-rờn boòng bôn coong-tóp ná !” Mạnh khỏe nhiều anh em bộ đội nhé !

 

Và những người lính cũng đồng thanh reo hò đáp trả :

“Việt Nam Campuchia xa-ma-ki, xi bò-hóc, xốc-xơ-bai, tâu xa-ngai, nức bò-hóc !” VN-Campuchia đoàn kết,ăn bò hoóc khỏe mạnh, đi xa nhớ bò hoóc !

“Ôn sa-rây ơi ! Xa-lanh boòng tê ?  Boòng xa-lanh ôn chờ-rờn ná !” Em gái ơi,có yêu anh không ? Anh yêu em lắm !

Tiếng cười khanh khách trong trẻo của các cô nàng thôn nữ vẫn còn văng vẳng đuổi theo đoàn xe một quảng xa, vượt lên tiếng động cơ nổ òm òm.

 

Hơn ai hết, Huy thấy lòng rưng rưng một nỗi xúc động êm ái. Từ nhỏ đến lớn, Huy sống ở thành phố. Anh đã quen với sự đông đúc, náo nhiệt, quen với sự có mặt của bao người quen lạ xung quanh. Thế rồi đột nhiên Huy trải qua gần nửa năm trời với một cuộc sống mới mẻ khác thường - không có ai ngoài đồng đội ; không có gì ngoài những đồi, những lũng, những rừng mênh mông quạnh quẽ. Huy không ngờ mình lại xúc động đến như vậy khi trông thấy lại những phum làng và những người dân. Như thể đây không phải là nơi xa lạ, có những con người xa lạ với anh, mà chính là nơi Huy đã rất thân quen, gắn bó. Như thể đây chính là xóm cũ, quê xưa xa cách đã lâu.

 

Từ biên giới về đến Cứ mất hai ngày đường. Buổi chiều ngày thứ nhất khi xe chạy ngang qua thị xã Batdomboong, ánh chiều tà đã sắp nhường cho bóng tối. Xe chạy qua khu thị tứ xa rồi, mà Huy vẫn còn ngoái đầu lại mãi. Anh đăm đăm nhìn quầng ánh sáng của những bóng đèn điện trắng vàng mờ tỏ  hắt lên chân trời, lòng cồn cào nỗi nhớ thành phố quê hương.

 

Cuối cùng, sau hai ngày rong ruổi, ba lô, súng ống, lính tráng chen chúc loi ngoi trên những chiếc xe như những con cá mòi lèn cứng trong hộp cá, họ đã về tới Cứ.

 

Bấy giờ  đã là đầu tháng Tư - tháng đầu mùa thu hoạch của cây trái trong vườn. Mặt bằng Cứ vốn là một khu vườn xoài rộng lớn, nên vây quanh những căn nhà là những gốc xoài già đang oằn trái cỡ nắm tay.

 

Ở đây, trung đội có ba nhà và một căn chái nhỏ làm nhà bếp. Nhà cán bộ trung đội nằm giữa, cách mười mét là nhà bếp, hai căn còn lại nằm hai bên cánh, cách căn giữa chừng năm mươi mét. Những trung đội trực thuộc khác của tiểu đoàn - DKZ, Cối 82, Thông tin, Trinh sát, Vận tải - nằm nối tiếp nhau với cùng một cách bố trí, tạo thành một vòng tròn khép kín. Nhà tiểu đoàn bộ nằm giữa vòng tròn này.

 

Huy ở căn nhà giữa cùng Quân và mấy số súng khác, hai căn hai bên là của hai khẩu đội đại liên. Hôm mới về, mấy căn nhà trông thật hoang tàn. Trừ căn giữa còn có Nam, Bùi, Qui ở, hai căn kia nhện giăng tứ phía, mối đùn lên giữa nhà mấy ụ, xen lẫn với những túm cỏ gấu, cỏ gà... Cột kèo cũng bị mối xông mục nát gần hết. Mấy tay ở nhà giữ  Cứ ham chơi, cứ suốt ngày lê la ngoài dân, có khi còn ăn cơm luôn với họ mãi đến chiều tối mới về. Không ai để ý chăm  sóc, dòm chừng nên nhà cửa mới hư hại như vậy. Ở vùng này, nhà không có người là bọn côn trùng mối mọt và cỏ dại sẽ xâm chiếm, tàn phá rất nhanh. Trung đội mất hơn một tuần đi chặt tre, cắt đưng, lá thốt nốt để sửa sang nhà cửa, đào đắp củng cố lại hầm hố, giao thông hào và phát quang quanh nhà.

 

Sau giờ công tác, Mợi lác và Già Hương dẫn Huy đi vòng vòng ra phum chơi, thăm viếng những người quen. Tiểu đoàn đã về dựng Cứ  ở gần phum Chan Đai này từ đầu 1983, tính ra đến nay đã hơn hai năm. Do vậy, cánh lính cũ có khá nhiều người quen biết. Anh em ta cứ ra phum là trở thành người trong nhà của những cư dân hồn hậu, tốt bụng này ngay. Họ xưng hô với các ông bà lão là ba mẹ, với các cô gái là anh em, chị em một cách tự nhiên, thân thiết ; và được đối xử thân thiết không kém.

 

Huy cứ ngẩn người, phục lăn khi thấy Già Hương và Mợi lác nói chuyện một cách rôm rả, thoải mái với mọi người. Anh thầm nghĩ phải cố gắng học thật nhanh tiếng Khmer để nói được, nghe hiểu được như họ.

 

Ở các huyện vùng tây bắc này, đi trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, thỉnh thoảng khách bộ hành sẽ trông thấy một vài cụm cây cỏ vạch thành một nét xanh lam lấp ló ở chân trời. Đó là những cây cối hoang dại mọc vây quanh bìa của một phum. Băng qua khoảng cây dại, bụi lùm này vài trăm mét, những túp nhà sàn đã hiện ra trước mắt người khách lạ.

 

Giả sử có một người nào đó có thể đứng lơ lửng giữa bầu trời ở độ cao vài trăm mét nhìn xuống, anh ta sẽ nhìn thấy rải rác nổi lên trên nền vàng màu cỏ úa của vùng đồng bằng mênh mông miền tây bắc mùa khô là những hình bầu dục xanh xanh; những đường kẻ ngoằn ngoèo trắng xám nhờ nhờ; những vệt xanh da trời; và chếch về hướng tây-ghé -bắc là một vệt dài xanh thẫm. Đó là các phum làng, các dòng suối, đường mương dẫn thủy, hồ nước, và những dãy núi đất với rừng cây rậm rạp tiếp giáp vùng biên giới.

 

Phum Chan Đai là một phum tương đối đông dân, có khoảng hai trăm túp nhà sàn lớn nhỏ  nằm quây quần thành một hình quả trứng. Một con đường đất rộng chừng sáu mét cắt đôi quả trứng Chan Đai, chạy dài từ hồ Tức Sáp ở hướng bắc, băng qua hai dãy nhà sàn của phum, băng qua trảng lúa bát ngát, và tiếp giáp huyện lỵ Thmo Puoc sau hơn mười cây số.

 

Ngang dọc trong phum là những con đường phụ hẹp hơn, khoảng từ một đến hai đường bò, tức là lối để những chiếc xe bò di chuyển. Nhà vườn ở đây cũng tương tự  như ở các thôn xóm Việt Nam. Trước sân và quanh nhà là những vườn dâu tằm, vườn cây ăn trái : xoài, me, ổi, mít...Thường thường ở trước mỗi căn nhà sàn, kề bên bậc thang lên xuống có một cái giàn bằng gỗ  cao khoảng ngang hông, đổ đầy đất mùn đen xốp, ẩm nước. Trên những giàn này là những cụm hành lá xanh non, những khóm rau ngò, rau răm tươi mát, hay những cây ớt oằn sai trái đỏ. Ở một góc bên dưới sàn là nơi nhốt trâu bò. Phía ngoài lớp rào gỗ thưa của những chiếc chuồng này thường có các đống un để xua muỗi ban đêm. Khi đi ngang những túp nhà này, Huy thường ngửi thấy một mùi lạ lẫm, tổng hợp từ mùi phân trâu bò, mùi đặc trưng của món mắm bò-hóc, mùi hoa chanh thơm cay thoang thoảng, hay mùi ngòn ngọt của bắp tươi mới hái treo lủng lẳng dưới sàn. Ban đầu, thứ mùi này làm anh khó chịu. Nhưng về sau, nó đã trở thành thân quen, thậm chí thành nỗi nhớ.

 

Trong phum, cư dân chia thành hai cụm nằm ở hai đầu. Cụm hướng bắc, chiếm tỷ lệ ít hơn, là những hộ khá giả, có nhiều heo cúi, trâu bò. Cụm hướng nam là những hộ nghèo, và các cặp vợ chồng son vừa ra riêng sau lễ cưới. Anh em trong khối trực thuộc tiểu đoàn thường tới lui, giao du với khu dân nghèo phía nam hơn.  

 

Buổi chiều ngày thứ  hai tính từ hôm về hậu cứ, Quân tập hợp toàn trung đội lại hội ý, phổ biến các công việc của tuần sau : phát quang nhà tiểu đoàn, đi chặt tre, cắt tranh lá để tu sửa, che lợp lại  nhà, cuốc cỏ để đánh luống trồng rau...Sau đó, Quân thông báo tiểu đoàn đã trao quyết định thăng cấp thiếu úy và bổ nhiệm chức trung đội trưởng cho anh, thăng cấp cho một loạt các chiến sĩ từ hạ sĩ lên trung sĩ, từ binh nhất lên hạ sĩ , và gợi ý trung đội tiến hành bầu cử A trưởng cho Huy.

 

Quân thở dài. Anh nói nho nhỏ như tâm sự với mọi người :

- Anh em cũng biết, tôi xin được tiếp tục ở lại phục vụ quân đội, nhưng không hề muốn nhận cấp sĩ quan, không hề muốn coi đời lính như một cái nghề để theo đuổi trọn đời. Ấy cũng là vì tôi rất biết không tìm được ở đâu tình thương yêu gắn bó như ở một đơn vị cấp cơ sở tiểu đội hay trung đội. Càng lên cao, khoảng cách thân tình đó càng giãn cách xa hơn. Nhưng nay thì tôi không có cách chọn lựa khác. Hoặc tôi nhận sĩ  quan, hoặc phải chuẩn bị ra quân. Khi tôi nhận sĩ quan, sớm muộn gì tôi cũng sẽ rời xa các bạn. Đời lính hợp rồi tan như bèo như mây, chẳng có gì là bền vững mãi...Mong các bạn hiểu cho tôi...

 

Quân cúi đầu trong không khí chợt chùng xuống, im lặng và buồn bã. Một lúc sau anh nói:

- Bây giờ, chúng ta tiến hành biểu quyết công khai. Đồng chí nào nhất trí cử Huy làm A trưởng thì giơ tay lên !

 

Toàn trung đội giơ tay, trừ Mợi. Anh phát biểu :

- Tôi không có chê đồng chí Huy gì cả. Qua trận đánh cứ  201 vừa rồi, Huy tỏ ra là một tay ngon lành đó. Nhưng Huy còn mới quá, trong khi đó, lính 82, 83 lại là thuộc cấp, tôi e khi đụng chuyện Huy khó được chấp hành theo. Tôi nghĩ còn nhiều thời gian cho Huy tự khẳng định mình, học hỏi thêm. Tôi đề cử đồng chí Thiện.

Quân nói :

- Điều này tôi có nghĩ đến. Nhưng chính mọi người đề cử thì không lo anh em không chấp hành mệnh lệnh của Huy. Tuy nhiên, tôi cũng thấy nên có thêm một thời gian nữa, để Huy học hỏi thêm kinh nghiệm của đàn anh. Huy nghĩ sao ?

 

Huy nghiêng người về trước, nói chậm rãi :

- Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Mợi và anh Quân. Tôi xin được tiếp tục giữ vị trí xạ thủ hai thêm một thời gian nữa. Cương vị khẩu đội trưởng thật sự vượt quá khả năng của tôi bây giờ.

 

Thiện xin phát biểu. Anh nói rổn rảng :

- Các đồng chí cũng biết, lính 82 tụi tôi hoặc cuối năm nay, hoặc đầu năm sau là đã ra quân. Anh em đề cử thì tôi cũng sẵn sàng nhận thôi. Tôi chỉ mong Huy và mấy đồng chí trẻ tích cực học hỏi tụi tôi, để sớm thay thế cho mấy anh già này, hoàn thành nhiệm vụ chung, không để mất tiếng trung đội.

 

Quân gật đầu. Anh hỏi lại :

- Vậy là tất cả đồng ý đề cử anh Thiện làm khẩu đội trưởng phải không ? Trung đội còn có ai có ý kiến gì khác ?...Giải tán !

 

Huy đứng lên, bước tới Mợi lác, kéo tay anh :

- Anh Mợi ! Anh dạy tiếng K cho em với. Mỗi ngày chừng  hai chục từ thôi.

- Trời, mỗi ngày hai chục từ  ! Mày tưởng dễ như vậy hay sao ! - Mợi cười hì hì, bắt đầu phịa - Hồi đó tao tôn ông Lãm lính 78 làm sư phụ, mỗi ngày đấm lưng cho ổng bốn cử sáng trưa chiều tối. Mà ổng dạy cho tao mấy từ biết không Huy ? Năm từ ! Mày thấy đó, học đâu chỉ đơn giản là học...Thôi, mai kiếm cái gì về cúng tổ bái sư , rồi tao dạy cho. Ba bửa là mày ra nói với dân rôm rốp ngay. Hề hề, mà cũng chỉ ba bửa là tao hết chữ ! Mày muốn nói giỏi thì nên bái thằng Lý đó. Nó tán được cả con nhỏ Sa Piên hoa khôi phum này là mày đủ biết. Cỡ tao thì ăn thua gì.

- Vậy thì em sẽ học cả hai chứ  sao.

- Ờ Huy, tối nay tao dẫn mày ra phum nhảy lăm thôn vui lắm. Lúc chiều ghé nhà phum trưởng tao thấy ổng đang chuẩn bị mấy cái bình ắc qui và đèn đóm.  

- Tối đâu có ra phum được anh Mợi. Tiểu đoàn đã có lệnh cấm rồi mà.

- Mày đúng là ngây thơ. Cấm thì cấm, còn mình đi là chuyện của mình. Hơn nhau là chỗ đó đó Huy. Lính mà, làm sao hiền như thầy chùa được !

- Vậy để em xin phép anh Quân đã.

 

Mợi lác xua tay lia lịa :

- Mày đừng có nói, cứ đi đại đi. Ổng không cấm cản gì đâu, nhưng cũng không tiện công khai đồng tình chuyện này. Nói mắc công ổng lo cho mình thêm. Cứ lén đi thôi. Giờ mày có làm gì thì làm đi, rồi chuẩn bị tư thế, hễ nghe tiếng tao huýt sáo là chuồn.

Khoảng bảy giờ tối, ngoài đầu hồi có tiếng huýt sáo lanh lảnh nhái theo một điệu hót ngẫu hứng của chim họa mi. Huy đang nằm trên võng chờ đợi vội bật người dậy, len lén ngó Quân. Anh vẫn đăm chiêu cắm cúi làm việc dưới ánh đèn tù mù, không quan tâm gì đến tiếng huýt sáo. Từ nãy, Huy đã rất nôn nao khi nghe tiếng đàn cò và tiếng kèn trống náo nhiệt được khuếch đại qua loa từ ngoài phum vọng vào. Những điệu nhạc lạ tai nhưng rất rộn ràng thôi thúc.

 

Huy đi ra khỏi cửa. Trong bóng tối, Già Hương, Mợi lác và Lý đang đứng, tay mỗi người cầm một chiếc đèn pin Trung quốc. Huy thì thào :

- Có cần đem theo súng không mấy anh ?

- Không cần, phum này không có gì đâu Huy. Nhưng mày bỏ túi một trái “ổi xá lị” cho chắc ăn cũng được. - Lý nói.

- Vậy chờ em tí xíu.

 

Huy đi vào nhà, móc trong túi cóc ba lô quả lựu đạn mi ni nhỏ xíu màu vàng chanh mà anh đã thu được trong trận vừa rồi nhét vào túi quần. Huy vừa quay lưng, Quân chợt cất tiếng hỏi :

- Em ra phum hả Huy ?

- Dạ ...dạ... - Huy ấp úng.

- Em nhớ nhắc tụi nó về sớm một chút. Thôi đi đi.

 

Huy thở phào, bước lẹ ra ngoài.

Họ đi theo lối tắt băng qua đội hình của trung đội thông tin, lôi kéo thêm vài tay ở đây, rồi vượt đường giao thông hào. Đi thêm khoảng trăm mét nữa qua một khóm bụi rậm, căn nhà gần nhất đã hiện ra. Tiếng đàn tiếng trống nghe đã sát gần bên. Ở hướng bắc giữa phum có một khoảnh đất rộng trước ngôi chùa, đó là nơi dân làng hội họp, nhảy múa hay tổ chức những buổi diễn “lờ-khon” Một loại hình hát tuồng của Campuchia. Ánh đèn điện hắt một quầng sáng mờ nôn nao trên màn đêm thẳm.

 

Huy có cảm giác dường như trên những vòm cây tối trên đầu, mấy cành lá đang xôn xao, náo nức thì thầm những lời tình tự. Tiếng gió thoảng mơ  hồ  lẫn khuất trong tiếng nhạc ồn ào nhiệt náo như  những tiếng thở run run rất khẽ ; như lời thì  thầm ngọt ngào của một cặp tình nhân. Hương đêm quánh lại, đậm đà. Toàn bộ không gian có một cái gì  đó  cứ  chao  động không ngừng tựa những lớp sóng lao xao. Dường như mùa xuân còn vương vấn đâu đây. Dường như  tình yêu đang tha thiết gọi mời, đang khẩn khoản van nài những trái tim hãy mở rộng ra, ôm ghì  cuộc sống. Có phải tình yêu đang gọi tôi không ?- Huy khẽ hỏi một gốc me già vừa lướt lại  sau lưng.

 

Cả bọn chen vào đám thanh niên. Đây đó, thấp thoáng những chiếc áo lính xen lẫn giữa đám đông vây quanh sân múa. Huy nhìn vào giữa vòng người. Khoảng chừng mười đôi nam nữ đang bước theo điệu nhạc, những cánh tay và thân người cử động mềm mại, nhịp nhàng. Mấy cô gái mặc  xa-rông Thái với những màu sắc rực rỡ, ngang eo họ là những chiếc dây lưng bằng kim loại óng a óng ánh. Hầu hết đều có một thân hình mềm mại, duyên dáng đầy nữ tính. Hay là nhờ những chiếc xà-rông ?  Huy tự nhủ. Đêm nay, anh chợt nhận ra sự  quyến rũ lặng thầm của chiếc váy dài này. Nó tôn lên những đường cong nét lượn của thân hình thiếu nữ, nó cất lên những lời thơ bay bổng nhất, ca tụng một cách dịu dàng thầm lặng những nét thanh xuân...

 

Mợi chợt khều khều vai Huy :

- Mày có thấy con nhỏ mặc xa-rông tím viền vàng, áo xanh đọt chuối không ? Con nhỏ đứng thứ ba từ bên phải tính qua... Sa Piên đó ! Đẹp không ?

 

Huy đưa mắt dõi tìm, rồi nhìn cô gái một lúc lâu. Anh thấy khó rời mắt khỏi cô ta. Đúng là một cô gái đẹp. Thân hình thanh tú  vừa có vẻ  rất mảnh mai ở chiếc lưng ong, lại vừa vô cùng đầy đặn và quyến rũ ở khuôn ngực, bờ mông  căng tròn dưới lớp vải mỏng manh. Gương mặt cô tươi tắn, dễ thương như một bông hoa dại đầu mùa ; và một làn tóc mềm mại như tơ, đen nhánh, chảy tràn xuống hai bờ vai tròn thanh thoát.  Sa Piên không đen như nhiều cô gái Khmer khác. Cô có nước da trắng mịn của một nàng tiểu thư khuê các ở  Sài Gòn. Huy chắc lưỡi :

- Ừ , đẹp thật anh Mợi ơi ! Bồ của anh thật hả, anh Lý ?

 

Lý gật đầu, cười tươi tắn. 

 

Trong trung đội, và thậm chí trong toàn trung đoàn, có lẽ Lý là một anh chàng đẹp trai và quyến rũ nhất. Lý cao ráo, rắn chắc như một vận động viên điền kinh. Gương mặt cương nghị, với  đôi hàng lông mày lưỡi kiếm vừa dài vừa thanh tú. Nhưng cái làm phụ nữ chú ý đến anh nhất có lẽ là cái miệng. Nó có một vẻ tươi tắn và duyên dáng không thể tả, với đôi môi dầy vừa phải, đỏ thắm như môi một nàng trinh nữ, tạo cảm giác mềm mại và ấm áp. Mái tóc Lý bồng bềnh một cách tự nhiên, một phần tóc đen biếc như lông quạ  ở phía trước rũ xòa xuống vầng trán cao rộng. Những người vừa tiếp xúc Lý lần đầu đều không cưỡng nỗi sự cảm mến, hâm mộ vẻ đẹp sáng ngời đó.

 

Tuy vậy, bên trong cái ngoại hình xuất sắc, Lý chỉ là một người tầm thường, rỗng tuếch và hời hợt. Anh không phải là người xấu, nhưng cũng không có đức tính gì nổi bật, và trong chiến đấu thì cũng làng nhàng như vậy - không gan lì  dũng cảm, nhưng cũng không đến mức hèn nhát. Qua những ngày sống trong trung đội, Huy hiểu đa số  anh em không ưa gì Lý cho lắm. Lý sống có phần ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân mình. Anh giống một con công trống, suốt ngày xòe đuôi xoè cánh để quyến rũ những cô gái xinh đẹp lọt vào tầm mắt, như thể đối với anh đó là một chuyện đẹp đẽ, đáng làm nhất trên đời. Về chuyện này, Huy có phần nào đó tán đồng với Lý . Anh nghĩ  - trên đời còn gì cao đẹp hơn, còn gì đáng để cho ta sẵn sàng đem cả cuộc sống ra mà đánh đổi hơn  tình yêu nữa. Nhưng dường như  ở Lý có một cái gì đó, làm cho Huy có cảm giác là Lý không yêu thật sự, chưa bao giờ yêu thật sự một ai. 

 

Trong vòng nhảy bản nhạc đã kết thúc. Những người vừa nhảy xong lùi ra nhường cho tốp khác. Lý bước tới cạnh Sa Piên. Hai người nhìn nhau âu yếm. Lý nghiêng người người nói nhỏ bên tai cô gái một câu gì đó. Rồi cả hai len lén lui ra khỏi đám đông, biến mất.

 

Huy vẫn đứng cạnh Mợi và Già Hương, háo hức nhìn những người đang nhảy múa. Đợt này có cả mấy tay lính thông tin nhập cuộc. Họ bước những bước cứng nhắc, vụng về trong tràng cười vui vẻ và những câu hò reo cổ động của đám thanh niên. Già Hương bảo Huy và Mợi:

- Hai thằng bây có muốn nhảy thì đợt tới nhào ra đi. Tao già rồi, chỉ khoái đứng xem.            

- Thôi, em cũng đứng xem. Em đâu có biết nhảy, ra kỳ thấy mồ.  - Huy đáp.

- Có gì khó đâu. Mày thấy không, đâu có chú đội nào nhảy ra hồn, nhưng cũng vi vu được vậy.

 

Chủ yếu là vui. Cứ nhào vô đi Huy, vui lắm ! - Mợi khuyến khích.

 

Khi dứt đợt nhảy đó, Mợi nắm tay Huy lôi vào giữa vòng. Huy ngượng đỏ mặt, tay chân quýnh quáng. Nhưng mấy nàng thôn nữ đã bước tới bắt đôi. Cô gái đứng trước mặt Huy mỉm cười, nói một tràng dài. Huy chả hiểu gì, chỉ nghe thấy những tiếng líu ríu êm êm như tiếng hót họa mi. Huy chỉ còn biết nhìn cô gái cười trừ.

 

Tiếng nhạc đã vang lên nao nức. Huy cắn răng liều mạng bước những bước nhún ngượng nghịu, và bắt chước cô gái hoa đôi tay lên xuống nhịp nhàng. Bài nhạc kéo dài được phân nửa thì nỗi e ngại, ngượng ngùng của Huy biến mất. Tim anh không còn đập thình thịch liên hồi nữa, đôi chân cũng dẻo lại tự tin. Huy bắt đầu cảm thấy quen thuộc và thích thú hoà nhập vào điệu nhảy. Chân tay anh cử động theo điệu nhạc một cách tự nhiên, vô thức. Điệu nhảy qua nhanh đến không ngờ trong niềm luyến tiếc của Huy.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    2   
Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 2266
Ngày đăng: 21.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)