Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.052
123.165.890
 
Bụi vết tháng năm
Trọng Huân
Chương 4 - 4

CHƯƠNG IV - NƠI LÀNG VỢ

 

Cô sư đi giải hạn

 

Cứ đôi tháng tôi lại phi xe về quê vợ thăm ông bà nhạc. Con rể, bố vợ hợp chuỵện, cứ gặp là chuyện nổ như ngô rang, hết chính trị, xã hội lại xoay sang lịch sử Đông, Tây, thôi thì tạp phế lù tôi đều hầu chuyện được ông cụ. Lắm chuyện ông nhạc kể hay đáo để.

 

Cái chuyện thời bao cấp nhà ông giết con lợn lậu, nghĩ đến tức cười. Nhà có con lợn đẹn, ngày giỗ, chờ đến khuya, nó được lôi ra chọc tiết. Ông nhạc tôi dân giáo học, chân yếu tay mềm, giữ con lợn, nhát dao vừa bổ xuống, con lợn đè không chặt, giãy ra, vùng chạy thoát. Đêm hôm làng quê thanh vắng, tiếng lợn kêu eng éc, quá bằng lạy ông tôi ở bụi này. Tôi hỏi ông:

- Thế sau vụ ấy, nhà mình có sao không ạ?

- Thôi thì quanh xóm, toàn trong họ ngoài làng, người ta cũng lờ đi cho, ai nỡ tố.

 

Lại cái chuyện chia len. Trường ông được phân phối cuộn len. Giáo viên thì đông, để công bằng, công đoàn trường liền cắt cử dỡ cuộn len ra ... chia. Cuối cùng, mỗi  công đoàn viên được cuộn len to bằng… quả chanh. Đem ra đan găng tay, chỉ đủ cái thân, còn ngón tay lại cụt. Cuối cùng, các đoàn viên đành để cuộn len làm kỷ niệm. Ông kể, một thời ta "cải tiến" giáo dục, học trò xúm vào góp ý thầy, thầy phải giảng dạy thế này, phải dạy thế kia. Rồi học sinh gọi thầy bằng anh. Nhạc phụ tôi còn nhớ ông thầy  được gọi bằng anh, học trò khoác vai thầy, như cá mè một lứa, anh anh em em. Ông kể và cười, … nhìn ông cười, cái răng cửa bị gãy chìa ra, tôi đâm buồn cười lây. Bố vợ lại tưởng chàng rể cười câu chuyện học trò sửa cách giảng dạy của thầy, biết đâu nó đang cười cái răng gãy của ông.

 

Khi là hiệu trưởng trường phổ thông ở quê, hè nào ông cũng phải ra Sở học lớp chính trị. Nội dung là chúng ta đang trong thời kỳ quá độ. Mười mấy mùa hè đi học, ông vẫn học đang trong thời kỳ quá độ. Một ông giảng viên ở Bộ có năm đến phổ biến rằng, xã hội ta tiên tiến về chính trị hơn cả Pháp, vì ta chuẩn bị là chế độ xã hội chủ nghĩa, còn họ vẫn trong thời kỳ tư bản. Học chính trị hè xong, ông nhạc tôi lại về phổ biến lại cho giáo viên ở huyện, rồi tổ chức phổ biến ở trường cả tuần, nội dung y như năm trước – chúng ta đang trong thời kỳ quá độ. Ông bình luận, chuyên môn không học, không đào tạo, như ngoại ngữ chẳng hạn, có lợi ích không, đằng này quanh đi quẩn lại, năm nào cũng quá độ, mất bao công sức của người học. Trước khi về hưu, người ta còn bố trí ông nhạc tôi ra tận Hà Nội học ba tháng chính trị, để đủ trình độ cho tăng lương, trước khi ông về hưu.

 

Một lần về quê, ông nhạc khoe, chùa làng có cô sư mới về trụ trì. Sư cô này xinh lắm - ông nhạc nói. Mà sư cô biết cả tiếng Tây, tiếng Tàu, có mấy bằng cử nhân nữa. Nói rồi ông bình luận: Chẳng biết sao, người xinh vậy lại đi tu. Chắc thất tình. Nói tới đây, chợt ông cất tiếng chào rõ to:

- Chào cụ ạ!

 

Tôi vội quay ra, một bà già đang bước vào sân. Bà tới nhập hội với mẹ vợ tôi và mấy bà chơi tam cúc. Cứ chiều chiều, các bà lại hội tam cúc ở hiên nhà. Bố vợ tôi hạ giọng xuống, chắc ông cảnh giác với vợ và mấy bà hàng xóm kia:

- Cô sư này hình như phải lòng anh sư chùa Xưa. Cứ mấy hôm lại sang đây gọi điện thoại cho nhà anh sư kia.

Sao bố vợ tôi biết được cô sư phải lòng anh sư chùa Xưa nhỉ? Hồi đó điện thoại còn hơi hiếm, nhà bố vợ tôi mắc cái điện thoại, vừa để nhà nghe, vừa dịch vụ. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên. Ông nhạc lâu nay hơi nghễnh ngãng, sao nghe được. Chắc là cô sư kia trong lúc tâm sự, nói to quá, nên dù nghễnh ngãng, ông nhạc tôi vẫn rõ. Tôi nghĩ, không phải yêu đương đâu. Trai gái bây giờ nói chuyện thường tự nhiên và tình cảm. Mà người ta bậc tu hành, làm gì có chuyện trai gái, trăng hoa! Nghe bố vợ kể có sư mới, vừa trẻ lại xinh, đến trụ trì ở chùa làng, tôi đâm tò mò. Nhân lúc bố vợ bận chút việc, tôi lảng ra thăm sư. Đúng như lời ông nhạc nói, cô sư trẻ và xinh thật, trông người cứ mơn mởn, áo nâu sồng càng tôn làn da trắng muốt của cô ta. Dù là trai có vợ, tôi vẫn hơi bị sốc đến mấy mươi giây. Lúc tôi tới sân chùa, sư cô đang lúi húi quét lá đa, tôi lấn la lại gần:

- Nam mô a di đà Phật!

Sư cô đáp lại:

- Nam mô a di đà Phật!

Tần ngần chưa biết nói gì, bảo ngoài đời thì huyên thuyên tán chuyện lăng nhăng, chứ đằng này người ta đi tu, núp cửa Phật… bí quá, tôi lại tiếp:

- Nam mô a di đà Phật!

Bị bất ngờ và theo phản xạ tự nhiên, sư cô vội đáp lời:

- Nam mô a di đà Phật!

 

Nghe nhà chùa đáp vậy, tôi bật cười thành tiếng. Tiếng cười cất lên làm sư cô đỏ cả mặt. Sau một thoáng lúng túng, tôi cũng tìm ra cách tiếp cận được sư cô, đó là xin phép nhà chùa cho thắp hương, dâng lễ. Thỉnh chuông, lễ Phật làm cho phút giây lúng túng ban đầu qua đi. Chỉ một thoáng, tôi và sư cô đã hăng hái tranh luận về sự cao siêu, về sự huyền diệu của Phật pháp, về tính sâu xa trong triết lý nhà Phật. Thời gian qua nhanh, loáng cái đã tới tầm trưa. Chỉ đến khi ông nhạc tôi rổn rảng đánh tiếng ngoài sân chùa, tôi mới biết, thời gian đi nhanh thế.

 

Bố vợ đoán chàng rể đang thăm chùa, thăm sư, nên ông đến chùa tìm chàng rể về ăn cơm. Tôi ngượng nghịu nhìn bố vợ, chỉ lo ông cụ đi guốc vào bụng tôi.

Sau này thỉnh thoảng về quê, tôi vẫn ra thăm chùa và hỏi thăm qua ông nhạc về cô sư. Còn ông nhạc, thỉnh thoảng ra chùa, gọi chàng rể về xơi cơm. Một hôm vừa về đến quê, bố vợ tôi đã thông báo:

- Sư cô chùa làng mất rồi!

- Sao? Mất rồi sao? Sao lại mất hả bố?

- Sư cô đi giải hạn. Giải hạn cho người xong, trên đường về, bị ô tô cán….

Trời ơi! Khổ thân thế đấy!

Thiên cơ bất khả lộ. Sao đi tu rồi, cái lẽ giản đơn ấy lại không biết. Kiếp người trời đã định, sao lại cưỡng, mà đi giải hạn cho người. Tôi xót xa nghĩ vậy. Và rồi chợt nghĩ: Ừ, có lẽ vì kiếp sư cô như vậy chăng. Không ai sống hộ mình, nhưng vẫn có kẻ sống giả người và sống giả mình chăng?

Trên bãi tha ma, ngôi mộ sư cô cỏ lấm tấm. Không rõ trong đám tang của sư cô, có bao dân làng và có anh sư chùa Xưa đưa tiễn không?

 

Chàng rể trúng đề

 

Một lần bố vợ ra Hà Nội chơi. Ông bà nhạc tôi sinh được ba người con, hai trai đầu và vợ tôi gái út. Trước ông bà có thời gian ra Hà Nội sống, gần chục năm nay về quê. Tuổi già hợp với cảnh quê thanh bình, người quê tình nồng ấm. Nay thỉnh thoảng ông bà ra chơi với cháu, con.

 

Trong câu chuyện, ông phàn nàn: Sao dạo này ngõ ta ồn ã thế. Mười một, mười hai giờ, còn tiếng xe máy inh ỏi. Nghe ông nói vậy, anh vợ tôi cười cười, không tiện giải thích lý do. Trong ngõ có đám gái mới tới thuê nhà. Mấy cô này, nhà vừa  trọ, vừa làm nơi tiếp khách. Nói ra sợ cụ nghĩ ngợi, lo cho con cái mình, gần mực thì đen, mực ở đây là mực ca ve, nguy hiểm quá! Người già cứ hay lo xa, bây giờ phải biết chung sống và xã hội hoá, chung sống với lũ, chung sống với aids, có khẩu hiệu hẳn hoi. Vậy thì gần nhà đám gái, cũng phải chung sống với họ chứ, miễn là nhà mình không đi làm nghề ấy và ngõ không xã hội hoá công tác mại dâm là được.

 

Có anh bảo, làm nghề báo, thì sự gì cũng phải biết, thí dụ uống rượu được, mới có bài tán rượu hay; lái được ô tô, thì mới viết bài an toàn giao thông đúng; biết đá bóng, mới tường thuật được. Thế thử hỏi, nếu viết mại dâm, thì cũng phải mãi dâm ư. Tôi có bài mại dâm rồi đấy. Có người đi mà không viết, bảo viết là không đạo đức, chỉ mãi dâm suông thôi.

 

Vía tôi nó xấu, đấy là anh em bảo thế. Tôi rất thích karaoke, cứ nhậu sỉn là đi hát, chỉ hát thôi. Tôi karaoket cũng được, hay là đằng khác, như ca sỹ ngọng. Đã bảo vía tôi xấu, một lần đi quán kia, thấy quán hay, liền rủ mấy thằng em, trong đó có Dũng Love, Hoàng Đen, đều học ngoại thương,... Cậu chàng Dũng có cái đuôi Love là do bạn bè đặt cho, nhưng mọi người gọi chệch đi là Dũng Lốp, nửa ta nửa Tây. Cậu chàng béo lắm, mọi người đùa, nhỡ ra phải vào tù, thì sợ nhất trong ấy không có khoản điều hoà và quạt. Hôm ấy lòng vòng mãi, chúng tôi chả tìm thấy quán đâu. Vẫn số nhà, cảnh phố, mà không thấy. Sau đó mới hay, quán mới bị lục soát, chủ nhà sợ, dỡ tiệt cả biển hiệu xuống. Sau lần đó anh em đùa tôi, thôi khỏi viết mại dâm nữa, vía tôi, chỉ việc chỗ nào có, đưa đến là nó bị dẹp ngay.

 

Mới rồi rộ lên cái chuyện sex Vàng Anh. Tôi hỏi con gái lớn: Ở trường các bạn có bàn tán không. Cháu bảo, cả lớp, cả trường bàn, tập trung chào cờ cũng bàn, lớp học thêm ngoại ngữ ở trung tâm, cũng bàn. Mấy hôm sau cháu còn hi hí khoe, giờ tin học, chả biết ai down load xuống máy tính, nhiều bạn xúm vào xem. Thế là phổ thông sex quá rồi còn gì, đến máy tính trường trung học cơ sở dạy tin còn có cả phim sex phục vụ học trò. Cấm thế nào đây, cấm bằng cách nào đây?  Phim sex phổ cập đến trường học mất rồi.

 

Có chuyện hài, bà mẹ chồng chị gái tôi ít ra ngoài đường, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Con cái nhà này đông và vui nhộn, thứ Bảy, Chủ nhật anh em thường tụ tập và lôi ra kháo đủ chuyện. Trong các từ ngữ con cái hay dùng, cụ thỉnh thoảng nghe thấy từ ấy. Một hôm, các con bàn về món ăn, bà cụ bảo:

- Tôi ngoài tám mươi rồi! Sơn hào hải vị hưởng đủ cả. Chỉ có cái gì nhỉ… các anh, các chị nói ấy, là tôi chưa được thưởng thức. Hôm nào mua cho tôi một đĩa nóng.

Các con không rõ mẹ yêu cầu mua món gì. Gặng mãi, cụ mới nhớ ra, mình muốn ăn đĩa cà…. ve, thử xem nó ngon nghẻ đến mức nào.

 

Mại dâm là xấu, chứ anh đề đóm chẳng đến nỗi xấu. Cấm đấy, mà giờ đâu chẳng thấy, từ thôn quê, thành phố, bao hàng bày ra bán đề. Xã hội hoá bán đề tới mức, có hẳn người đi bán đề dạo. Nhà nhà chơi đề, người người chơi đề, có nhà bố chơi, mẹ chơi, con chơi. Một nhà vào đám giỗ, cậu con nghe bảo bà cô chết trẻ, nên thiêng. Cậu ta tính, rồi ra mua theo số ngày tháng bà cô mất. Đổ ra mấy trăm nghìn, đến lúc đề về, lại không trúng. Giữa lúc cả nhà đang xơi cỗ, cậu trai kia oang oang:

- Cứ bảo bà này thiêng. Thiêng gì! Thằng cháu chơi con đề, phù giúp không xong. Giỗ sau, đừng cúng cấp gì nữa.

Con cháu thế là láo! Đến ông bà ông vải cũng đem ra chơi đề, thế thì còn gì là kính trọng ông bà tổ tiên nữa.

Cái hôm bố vợ tôi ra Hà Nội chơi, mấy bố con đang hàn huyên, chợt có anh hàng đề dạo ngấp nghé ở cửa. Vừa thấy anh ta, anh vợ tôi vội nháy mắt, ra hiệu, anh ta biến đi. Anh hàng đề khá tinh ý, định lảng ra. Tôi biết anh vợ không phải dân đề đóm chuyên nghiệp, chỉ thỉnh thoảng chơi một con cho vui, hôm nay có bố đẻ ra, anh giữ ý. Tôi chợt nảy ra ý đùa ông cụ, liền gọi ngay anh hàng đề vào nhà. Anh vợ tôi hãi quá, lủi mất. Tôi hỏi han rất kỹ, nào hôm qua đề về con gì, hôm nay theo anh ta, đề sẽ về con bao nhiêu,… cứ như tôi dân rất sành và chuyên đề đóm.

 

Sau một hồi, tôi rút ra mười ngàn, đánh một con, trước con mắt ngỡ ngàng của ông bố vợ. Đến bữa ăn, trong khi cả nhà đang quây quần, anh hàng đề xuất hiện, tôi đoán ngay, mình trúng đề. Y rằng, trúng thật, bỏ ra 10 nghìn, trúng luôn bảy trăm, ngon ơ. Nhận tiền xong, tôi hào phóng thưởng cho anh hàng đề mười ngàn và xách luôn cái can ra đầu ngõ làm năm lít bia, còn mua thêm một túi tai lợn và mấy chục cái nem chua.

Bố vợ tôi hôm ấy vẫn uống bia trúng đề của chàng rể, nhưng xem ra uống chẳng hào hứng lắm. Đến chàng rể nhà báo, cũng chơi đề? Hỏng hết mất rồi sao?

 

Những người nổi danh

 

Bố vợ tôi làm nghề giáo, tính điềm đạm, khoan hoà. Ông nhạc hay nhớ chuyện xưa, chuyện sử nước, sử làng, sử họ, ông bảo:

- Các cụ ta trước có câu, hát hỏng là cái nghề xướng ca vô loài. Thế mà họ tôi có nghề con hát đấy. Xưa, cùng với đất Lỗ Khê, Trịnh Xá, thì làng tôi cũng là đất sinh ra nhiều ả đào có tiếng. Làng có hai giáo phư­ờng, một giáo phường thuộc họ Nguyễn Phú tôi. Liền chị ca trù nổi tiếng họ là cụ từng vào hát trong phủ chúa Trịnh.

Thời phong kiến, nhà con hát bị cấm thi cử, lều chõng. Thế nên có chi trong họ tôi phải đổi họ. Chi ấy sau có người đi thi đỗ đạt, làm Tri huyện Phù Cừ. Con cháu chi này, nhiều người danh hiển. Nay có cụ từng làm đại sứ Tây, Tàu; có cụ tham dự hội nghị Giơ - ne – vơ năm năm tư,…

 

Ông nhạc tôi tuổi mới lớn đã chứng kiến cuộc Kháng chiến chín năm. Trong một trận càn, giặc bắn chết bà nội của ông. Bố con còn đang khâm liệm bà cụ, thì Tây càn quay lại. Ông còn bị thương do bom na pan Pháp thả ở Thái Nguyên. Những năm kháng chiến, ông theo học ở trường Hàn Thuyên, sau sơ tán lên tận đất Phú Bình, Thái Nguyên, rồi sang Trung Quốc, tại Nam Ninh, học với bao ông thầy nổi tiếng...

 

Trong chín năm kháng chiến, giặc càn quét, đánh phá làng quê bố vợ tôi ác liệt. Chỉ trong một trận càn, giặc giết tới 21 dân làng. Có ông xã đội trưởng chiến đấu rất ngoan cường. Một lần giặc vây làng, ông cùng hai thiếu niên du kích trốn dưới hầm bí mật. Vì có mật báo, nên chúng phát hiện ra họ. Chúng tra khảo dã man, sau đó thả hai thiếu niên ra, còn ông xã đội trưởng bị đưa sang Hà Nội. Biết rõ là du kích, mà tụi Pháp đành chịu, vì đánh mãi ông không khai. Bọn Tây rất xỏ xiên, chúng nghĩ ra mẹo, bổ cho ông xã đội trưởng cái chân Phó tổng tề. Mẹo này chắc là của mấy anh Việt gian, chứ lũ Tây khù khờ, làm sao nghĩ ra cái mưu thâm nho thế!

 

Ông Phó tổng tề áo the, quần trắng, được các chú lính ta ôm súng áp tải, diễu khắp mấy làng. Du kích được phen phát hoảng, không dám trú ở các hầm bí mật trước đây nữa. Ông Phó tổng chỉ diễu quanh làng, chẳng chỉ cho giặc căn hầm bí mật nào. Được vài tháng, Pháp không dùng ông Phó tổng nữa, chúng thả ra. Lúc này ông xã đội trường cũng không thể liên hệ với du kích được, vì ta đâu còn dám tin nữa. Hoà bình năm tư, ông xã đội trưởng bị đi tù dăm tháng, vì cái tội làm Phó tổng tề. Người thiếu niên du kích năm nào cùng bị bắt với ông xã đội trưởng, sau này từng làm Phó giám đốc sở văn hoá một thành phố lớn.

 

Bố vợ tôi là tác giả cuốn Làng xưa, cuốn sách viết về lịch sử - văn hoá quê ông. Dịp đó tôi giúp ông tra cứu tư liệu và tham gia biên tập. Qua cuốn sách, tôi biết một số nhân vật có tiếng của làng và cả nước. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, có cụ từng là nhà ngoại giao xuất sắc. Do thời gian trôi qua đã lâu, sử sách thu thập được về ông không còn nhiều. Thế kỷ hai mươi, điểm thấy mấy nhân vật có tiếng. Nhân vật thứ nhất là vị Giáo sư, Bí thư một tỉnh lớn.

 

Nhân vật thứ hai là cụ đỗ tú tài Tây đầu tiên ở làng. Cụ từng là chủ tịch Uỷ ban hành chính xã thời Cách mạng tháng tám và sau này, là Đại sứ của Việt Nam ở mấy nước.

 

Nhân vật thứ ba là Cử nhân Hán học, đậu đời vua Thành Thái. Cử nhân, nếu khéo chạy, cũng được bổ ra làm chân Tri huyện. Có lẽ Hán học không còn được trọng, lại trong thời buổi nhiễu nhương, cụ không ra làm quan, mà ở làng dạy học. Cụ mở trường dạy chữ Nho và sau này dạy thêm Quốc ngữ. Cụ dạy học đến tận năm bốn lăm. Nghe nói cụ có tham gia phong trào Văn thân chống Pháp. Là người đức cao vọng trọng, cụ được làng mời ra làm tiên chỉ và giữ cái chân tiên chỉ đến mấy chục năm. Trong cuộc Cải cách ruộng đất năm năm sáu, ông cử nhân Hán học, ruộng đất thì không có, người ta tính chữ quy ra ruộng, bị quy thành địa chủ. Thật là một đại hoạ. Cụ chết trong cô quạnh và bi thương. Đám chôn chỉ có dămi ba người thân, ván ghép vội bằng mấy cánh cửa và âm thầm đi vùi xác trong đêm. Có tin đồn, cụ chết vì đói! Chắc là không phải vậy. Đói thì tất nhiên rồi. Nhưng người có học, thường nặng về suy ngẫm. Tai hoạ bất ngờ đổ xuống, ông cụ ngỡ ngàng, không hiểu nguyên do là sao. Chả lẽ có chữ, có học lại là tội? Không sao hiểu được! Lịch sử cổ kim, lần duy nhất có Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, diệt Nho.

 

Hơn bốn mươi năm sau, học sinh của cụ lúc này đều đã tuổi thất thập cổ lai hy, tổ chức giỗ thầy. Bố vợ tôi là lớp học trò cuối cùng học chữ Nho của cụ. Hôm học trò đến giỗ, người trai trưởng, tuổi ngoài tám mươi, rưng rưng nước mắt, cảm ơn các học trò xưa của cha đến làm cái nghĩa, cái đạo giỗ thầy. Dù có muộn mằn, thôi thì một nén nhang thơm của trò, cũng an ủi người chết và kẻ sống.

 

CHƯƠNG V – HÀNH NGHỀ BÁO

 

Bài học nghề

 

Bài học thứ nhất. Về làm việc ở nhà Đài, những ngày tháng chập chững vào nghề, tôi được các bậc đàn anh thuyết giáo về sự cao quý của nghiệp báo: “Làm báo là làm chính trị, là nhà chính trị!”. Vinh dự quá! Tôi đâm ra thấy mình oách. Giờ mình thành nhà chính trị rồi, lời ăn tiếng nói phải giữ gìn. Mình nói, viết một câu, cả ngàn, vạn người đọc, người nghe. Sau mấy tháng lắng nghe, miệt mài học tập, tôi được theo một bậc nhà báo đàn anh đi cơ sở làm chính trị, nhà chính trị.

 

Một ngày, hai ngày,… của chuyến đi, mọi động tác của bậc nhà báo đàn anh, tôi đều chú tâm quan sát, tự nhủ với mình, cố mà học hỏi từng lời, từng chữ, từng động tác của ông. Qua mấy ngày, tôi chưa học hành được gì, đâm phân vân, hay mình chưa chú tâm quan sát. Việc cứ lặp đi lặp lại, chỉ quanh quẩn, đại ý như sau: Tối trước nhà báo đàn anh ngồi tính toán cung đường, gọi điện thoại liên hệ và nhẩm tính hôm sau ăn sáng, ăn trưa ở đâu, cơ sở nào lo, còn nội dung, chưa thấy vấn đề chính trị, quân sự đâu, chỉ thấy mấy câu, ông hỏi quanh đi quẩn lại, ví dụ, xin đồng chí đánh giá về những nỗ lực trong nhiệm vụ chính trị của huyện nhà; động cơ và nguyên nhân nào thúc đẩy các đồng chí có những ý tưởng táo tợn đến thế; vân vân và vân vân.....

 

Lạ nhất là việc nhà báo đàn anh dắt theo cả cô con gái đi làm chính trị. Cô nàng đang học dở năm thứ hai ngành xã hội. Ông bảo, cho nó đi luyện chuyên môn, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ. Nhà báo đàn anh giới thiệu với cơ sở, con gái mình là đồng nghiệp và xưng hô anh anh, em em với con. Bổ sung kiến thức, chuyên môn đâu chưa thấy, chỉ rõ, nhà ông kiếm thêm suất quà. Quà thì chẳng ảnh hưởng đến ai, chỉ chối nhất là động tác cô nàng này hay ngủ gật. Mới đầu cô nàng cũng giả vờ ghi ghi, chép chép. Đến khi ông bố phỏng vấn, người ta trả lời, thì cô nàng gật gù ngủ. Lắm lúc ông bố đá chân, huých tay, cô con gái rượu vẫn bình thản ngủ. Có bận ngủ say quá, dãi trên miệng đổ thành vệt và nghe rõ cả tiếng cô nàng ngáy nhè nhẹ.

 

Trước chuyến đi, bậc nhà báo đàn anh dặn đi dặn lại tôi, cậu nhớ chuẩn bị hai cái giấy đi đường nhá. Vậy mà đến hôm thứ ba, thứ tư, tịnh không thấy ông nhắc nhở tới nó. Hay là ông quên? Đến hôm thứ năm, cũng là gần hết hạn chuyến đi, đoàn tới một huyện vùng bán sơn địa. Từ trụ sở uỷ ban, nhìn về phía chân trời, thấy những đỉnh núi nhấp nhô. Trong khi ông chánh văn phòng cầm giấy giới thiệu của đoàn lên trình chủ tịch huyện, bậc nhà báo đàn anh tranh thủ cầm ống nghe điện thoại đặt trên bàn ông chánh văn phòng, trước đó ông giương mục kỉnh, tra cuốn sổ bé tẹo, sổ ghi số điện thoại, nhoay nhoáy bấm, rồi áp tai vào ống nghe:

- Đây, tôi đây... Tôi ở Đài đây. Phòng Tài vụ đài đấy phải không? Làm ơn cho hỏi, tôi đang ở huyện lỵ.... Đây đã là địa bàn xã vùng ba chưa? Sao, chưa á?

 

Ông hét oang oang, như cãi nhau với cái ống nghe. Tôi nghĩ bụng, à hoá ra ông đang xác định vị trí xã vùng ba. Tôi nghĩ: chắc nhà báo đàn anh muốn dẫn dắt tôi tới một điểm khó khăn, để rèn nghề cho nhà báo trẻ. Đúng lúc bậc đàn anh gọi điện xong, ông chánh văn phòng quay lại. Nhà báo ta hỏi ngay, huyện nhà có mấy xã vùng ba. Khi gặp và làm việc với chủ tịch huyện, nhà báo đàn anh nói:

- Báo cáo đồng chí chủ  tịch! Chúng tôi biết huyện nhà gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mấy xã vùng ba. Nơi đây đời sống của đồng bào khó khăn lắm. Trong chuyến đi này, ngoài nắm tình hình chung, chúng tôi rất muốn thị sát một xã vùng ba.

 

Nghe nhà báo nói, ông chủ tịch nở nụ cười phấn khởi:

- Ôi, thế thì còn gì bằng! Huyện chúng tôi rất mong được cấp trên quan tâm các xã vùng ba. Nếu không, đồng bào khó thoát được cảnh đói nghèo. Nhưng cũng xin thông báo, đường lên đấy xấu lắm!

- Ồ, tưởng gì! Không có gì, chúng tôi lên được. Miễn là huyện giúp cho chuyến xe.

 

Quá đơn giản, ông chủ tịch chỉ đạo và điều ngay cho đoàn chuyến xe, Huyện còn cử ông chánh văn phòng tháp tùng. Đúng là khó khăn thật. Đường xấu, ngồi trên xe, chúng tôi cứ nhảy tênh tếch, hết dúi bên này, lại đổ sang bên kia. Ông chánh văn phòng luôn miệng: Các nhà báo thông cảm! Có đi thực tế, các vị mới thông cảm đời sống dân xã vùng ba.

 

Khởi hành từ tám rưỡi, mười một giờ, xe chưa tới trụ sở xã vùng ba. Nhà báo đàn anh có vẻ sốt ruột, mấy lần hỏi. Khi chánh văn phòng thông báo, còn vài cây số nữa, thì xe chợt dừng lại. Trước mặt là cây cầu, thấy kẻ đứng, người ngồi lố nhố. Thấy xe ô tô chạy tới, một người đứng ra xua xua tay, ra hiệu dừng xe. Đêm qua có trận lũ lớn, cuốn trôi mất chân cầu. Giờ dân bản đang sửa chữa. Cũng may nhờ có ông chánh văn phòng huyện đi cùng, nói tầm quan trọng của đoàn nhà báo, đoàn lên là lên tìm hiểu các xã vùng ba, sau chuyến công tác này, qua nhà báo, nhân dân xã nhà sẽ nhận được ối dự án. Mấy người dân đang sửa chữa, xúc động quá, nên một nhoáng, cầu đã sửa xong. Chúng tôi đến uỷ ban xã đã giữa ngọ, ủy ban lúc này vắng ngắt, chỉ có ông cán bộ định canh. Túm được ông cán bộ trên, bậc nhà báo đàn anh hỏi ngay, phụ trách văn phòng xã ở đâu, dấu uỷ ban ai giữ. Nghe ông cán bộ nói, nhà ông văn phòng ở gần đây thôi, dấu cũng do ông này giữ, nhà báo đàn anh khẩn khoản nhờ ông cán bộ kia gọi giúp và không quên nhắc:

- Nhớ, nhớ nhé, bảo ông ấy mang theo cả dấu nữa.

Không thấy nhà báo nhắc tới việc tìm chủ tịch xã, ông chánh văn phòng huyện nhắc thêm:

- Gọi cả chủ tịch nữa nhé.

Một loáng đã thấy ông cán bộ văn phòng xã đến. Vừa thấy ông ta, bậc nhà báo đàn anh vội bảo tôi ngay, lấy giấy đi đường ra, đưa cho người ta đóng dấu. Sau khi dấu đóng xong, nét mặt nhà báo đàn anh giãn ra. Ông cán bộ văn phòng uỷ ban ngó nhìn trời mây chép miệng:

- Gió mây thế này, khéo lại lũ lớn. Lũ lớn là cây cầu nguy đấy!

Mới nghe có thể, bậc nhà báo đàn anh hốt hoảng:

- Sao, sắp có lũ à. Vậy thì,... chúng ta phải ra gấp. Cây cầu kia mà sập, thì biết bao giờ mới ra nổi?

Ông chánh văn phòng huyện tròn mắt:

- Ơ kìa! Thế chúng ta không làm việc với chủ tịch xã để lấy tư liệu xã vùng ba à?

- Xong, xong hết rồi. Tư liệu chẳng vừa lấy rồi đấy ư. Chỉ riêng chi tiết cây cầu đã là minh chứng sinh động cho khó khăn xã vùng ba.

 

Mặc cho ông cán bộ văn phòng xã níu kéo, bậc nhà báo đàn anh vẫn cương quyết cáo từ. Sự việc xảy ra làm tôi đâm khó hiểu. Lúc trước thì nằng nặc xin đi, huyện người ta nhiệt tình điều hẳn chuyến xe; đến nơi, chưa làm việc gì, đã vội vã quay về. Buổi tối ở phòng khách của huyện, trước khi đi ngủ, bậc nhà báo đàn anh nhẩn nha giải thích: Chuyến đi này công tác này, vị chi là sáu ngày. Đã có cái dấu xác nhận công tác  xã vùng ba. Cậu có biết không, thanh toán ở vùng bình thường là bao nhiêu, còn xã vùng ba, gấp rưỡi đấy. Sáng nay chúng ta bò được lên đấy, đóng cái dấu, vị chi mỗi người thêm được mấy chục…. Nếu không, chả ai dở hơi mất công, mất sức leo lên trên đấy.

 

Bài học làm báo, làm chính trị đơn giản quá, giản tiện và hiệu quả quá, mà mãi đến lúc nghe giải giải, tôi mới nhận ra.

Bài học thứ hai.

Phàm đã là cán bộ trung ương, thì đều oách. Mình ở Hà Nội, toàn cán bộ trung ương, sẽ chả thấy đâu. Thử xuống địa phương xem, càng xuống thấp, càng xuống cơ sở, càng thấy sự trọng thị. Tôi có dịp đi cùng một ông chuyên viên của bộ nọ. Trông ông này đúng là cán bộ trung ương, com lê, ca ra vát, tay xệ nệ xách ca táp, bụng thây lẩy to. Vừa thấy tôi lò dò đến cổng Bộ đón xe, ông đã cao giọng chào:

- Nhà báo... hả?

 

Và ông cười với giọng kẻ cả cấp trên. Trên xe, chuyện của ông nở như ngô rang. Tôi thầm nghĩ, ngữ ông này còn tiến. Chuyến đi công tác là do Bộ tổ chức cho cánh nhà báo xuống cơ sở nắm tình hình, viết bài tuyên truyền về Bộ, ông cán bộ kia dẫn đoàn đi. Điểm đầu tiên là sở thuộc một tỉnh miền núi. Sau khi Giám đốc sở giới thiệu về tình hình hoạt động, cùng thành tích của Sở, ông cán bộ tuyên truyền khéo léo dẫn dắt để giám đốc nêu ra những khó khăn, đề xuất các kiến nghị lên trên. Được lời như cởi tấm lòng, Giám đốc nêu một loạt những khó khăn và một lô kiến nghị, trong khi Giám đốc nêu kiến nghị, ông chuyên viên Bộ hí húi ghi chép, thỉnh thoảng còn ghếch kính lên:

- Ô tô hả, là cái tép! Xin mấy cái?

Giám đốc sở phấn khởi ra mặt.

- Báo cáo, chỉ cần một cái.

- Tưởng gì. Là cái tép. Loại xe nào? Đã xin, thì cứ xin hẳn cái TOYOTA  mà đi, như cái xe của chúng tôi đỗ ngoài sân kia kìa.

- Không dám. Thôi thì, các bác trung ương thải ra cái nào, chúng em địa phương vui vẻ nhận cái đó.

- Việc gì phải dùng đồ thải. Cứ trình bày đi, cái đơn kiến nghị ấy, về tôi trình bày với ông Vụ tài chính, là cái tép, một câu thì xong béng. Một, chứ hai ba xe, ký roẹt là xong. Thế còn dự án .... trình đến đâu rồi.

 

Ông Giám đốc sở gãi gãi đầu:

- Khó khăn quá anh ạ! Đã trình mấy bận...

- Không đúng chỗ rồi. Cứ đưa cho tôi. Qua anh Thứ trưởng là xong ngay tắp lự. Nếu cần, Văn phòng Chính phủ cũng xong.

- Ôi, thế thì còn gì bằng. Chuyến này...

- Được rồi. Các vị còn kiến nghị, đề đạt gì nữa không? Là cái tép!

Ông Giám đốc sở sung sướng ra mặt, như vớ được mỏ khoai bở. Mặc dù đột xuất, chưa hề chuẩn bị, ông cũng kịp liệt kê một loạt kiến nghị... Sau buổi làm việc rất kết quả, Sở tổ chức bữa thịnh soạn, thịt cá ê hề. Nhìn lên mặt bàn thấy bia hộp bày la liệt, ông chuyên viên Bộ mắt sáng long lanh:

- Bia, bia hộp hả? Thế mới là chịu chơi. Được!

 

Đón cái phong bì rất nhanh từ tay Giám đốc sở đưa, ông chuyên viên Bộ rôm rả khoát tay mời chủ khách vào bàn. Vừa ngồi xuống, ông đã nhoay nhoáy mở bia, cụm người này, chúc người kia. Bữa ăn vui vẻ làm chủ, khách ngà ngà say. Đến lúc cánh nhà báo và chủ nhà nhiều người đã rời bàn, vẫn thấy ông vô tư ăn uống. Cho đến lúc mấy nhân viên phục vụ vào dọn dẹp, ông cao giọng, bảo cho xin cái hộp các tông. Nhân viên chưa rõ ý ông lấy làm gì, thì ông sai họ luôn, nhặt tất cả vỏ hộp bia cho vào đấy. Nhặt đến vỏ hộp cuối cùng, cũng là lúc ông chùi mép, đứng lên, tiến lại bê luôn cái hộp. Mấy nhân viên ngỡ ngàng, không rõ hành động của ông là gì, nhìn ông khệnh khạng bước về phòng nghỉ.

 

Trận bia làm tôi say, về đến phòng vật ngay ra giường, mắt díp lại, ngủ từ lúc nào không hay. Chợt tôi choàng tỉnh giấc, bởi tiếng động bùm bụp ngay bên tai, nhỏm người dậy, mắt nhắm mắt mở nhìn, thấy ông chuyên viên Bộ ngồi chồm hỗm giữa phòng, tay ông lăm lăm thanh gỗ giơ cao, dưới nền nhà là một đám vỏ lon bia bị đập dập.

 

Thấy tôi ngơ ngác, ông hềnh hệch cười, giải thích: Đập vỏ lon bia ấy mà. Thứ này về Hà Nội, gọi đám ve chai, được giá lắm, hai, ba trăm đồng một vỏ chứ chẳng ít. Nói xong, ông lại giáng thanh gỗ xuống, nghe đánh bốp. Tôi ngỡ ngàng không tin nổi mắt mình. Khu nhà nghỉ, giữa đêm hôm khuya khoắt, tiếng đập rầm rầm, khua mấy ông nhà báo ngủ phòng khác cùng dậy. Chạy sang, họ ngơ ngác nhìn ông cán bộ tuyên truyền, với đống lon bia bị đập dập. Sau khi làm xong, ông chuyên viên Bộ lôi từ trong ca táp ra cái bao tải dứa, cho tất cả vỏ hộp bia dập vào đấy. Hình như tôi còn nghe tiếng ông lẩm nhẩm đếm.

 

Sáng hôm sau, ngoài ca táp xách tay, ông chuyên viên Bộ còn toòng teng cái bao tải dứa trên vai. Trên xe, cứ nhìn cái bao tải dứa dưới sàn, tôi lại nghĩ, ô tô là cái tép, hệ thống thuỷ lợi là cái tép! Còn gì là tép nữa đây?

 

Bài học thứ ba.

Lần tôi đi công tác một huyện thuộc tỉnh Sơn La. Buổi tối ông Bí thư đưa chúng tôi xuống một bản Thái, dự đêm xoè. Tôi nhớ mãi hình ảnh trên nhà sàn, bên bếp lửa hồng, trai gái bản say mê xoè múa. Được một bà mế hướng dẫn, chỉ cho cách gõ cồng, tôi hăng hái đảm nhận chân nhạc công giữ nhịp. Đêm xoè đang vui thì r…ì…nh một cái,... cả đám người trên sàn hẫng xuống, khói lửa mù mịt, khách, chủ được bữa khiếp vía. May không ai bị sao và căn nhà sàn không bị cháy. Đêm xòe bỗng rưng bị vỡ.

 

Trên đường về, xe qua nhà ông bí thư trước, mọi người xuống chào bí thư. Lúc lên xe, tôi và Quang, đồng nghiệp cùng phòng, trèo lên trước. Là xe com măng ca, phải lật ghế trước và trèo qua nó, mới vào được ghế sau. Chúng tôi lên rồi, mà dưới đất, thấy mấy ông vẫn còn lẩn quẩn, chợt nghe anh lái gắt:

- Lên thì lên không nào. Hay ông nào muốn lên, lên luôn ghế lái xe này mà ngồi!

 

Không rõ tại sao anh tài lại bực và nói thế. Rồi mấy người kia cũng lục tục lên. Xe đỗ từng chặng để thả người xuống. Đến một điểm, ông ngồi ghế trên vừa xuống, một ông ghế sau trườn qua mấy ông khác và trèo lên ngồi lên ghế ấy. Tôi nghĩ, chắc điểm tới sẽ dừng ở nhà ông ta, nên ông ta trèo lên đó để chuẩn bị xuống. Xe lại dừng, một ông ngồi phía sau trèo lên và trườn qua ông ngồi ghế trên, để xuống đất. Xe lại dừng ở một điểm, ông ngồi ghế trên xuống. Thấy cái ghế trên trống, tôi định trườn lên như mấy ông vừa rồi, thì anh bạn đồng nghiệp bấm vào tay tôi, tôi không rõ ý gì, một ông nữa lại trườn lên cái nghế trước và ngồi.

 

Về đến phòng nghỉ, tôi được bạn giải thích, xe com măng ca ấy, ghế trước là ghế quan trọng. Trên xe, người nào chức tước cao nhất, thì ngồi chỗ đó. Lúc mấy ông cứ dùn dẩy nhau là do có hai ông ngang chức, ngang quyền nhau, một ông trưởng ban tổ chức, một ông chánh văn phòng, ông nào lên sau sẽ ngồi ghế trước, nên chả ông nào chịu lên trước, hai ông to bằng nhau mà.

Nghe giải thích, tôi mới biết, tầm quan trọng của cái ghế!

Bài học thứ tư

Có chuyến đi Yên Bái, tôi thấy cảnh một trường học dân tộc nội trú, đứa bé tám, chín tuổi đã độc lập một xoong cơm, tự nấu, tự kiếm củi, tự ăn và tự học. Cứ nghe mấy diên viên giả tiếng người dân tộc bằng cách ề à và dùng đại từ nhân xưng là mày, tao, đúng vậy, có cháu bé xưng mày tao với chúng tôi. Nhìn các cháu ăn, ở, học hành, mà thương. Miền núi tiến kịp miền xuôi, bao giờ?

 

Chúng tôi được đưa xuống một xã người Mông, sáng sớm đi, hơn tám giờ mới tới nơi, chúng tôi vào thẳng nhà ông chủ tịch xã. Có lẽ nghe tiếng Việt chưa sõi, nên ông ta triệu tập đủ thành phần của xã đến dự, khoảng chục thành phần và đến mười giờ họ mới có mặt đông đủ, có đại diện còn dẫn theo hai, ba đứa trẻ, có đứa tồng ngồng, mũi dãi thề lề.

 

Tại trụ sở uỷ ban, khách, chủ nhà và đám trẻ, đến hơn năm chục người. Không khí ồn ã như cái chợ, chúng tôi chẳng còn phỏng vấn, ghi âm được thành phần nào, đành giở sổ ra ghi chép. Đến mười một rưỡi thì việc xong, thấy chúng tôi cáo từ ra về, ông chủ tịch nhất quyết mời khách ở lại dùng cơm. Ông bảo, chỉ một tý là xong. Trước lời mời quá nhiệt tình, chúng tôi đành ở lại. Trong khi chờ xã làm cơm, chúng tôi lạo dạo ra xóm người Mông trước trụ sở uỷ ban, họ mới về định cư ở đây. Mấy cô gái Mông Hoa thấy tôi xách máy ảnh, cười xấu hổ, bảo chụp ảnh cho họ. Nghe tôi đồng ý, các cô vội vàng về nhà thay váy áo mới, những cái váy Mông hoa văn sắc sỡ, đẹp thật! Con gái Mông Hoa có nước da cũng rất đẹp, mịn và đỏ hồng như quả bồ quân. Tiếc là sau đó mấy bức hình tôi đều chụp hỏng, không gửi lên cho họ được.

 

Mười hai rưỡi quay lại, vẫn chưa thấy bữa ăn đâu, chúng tôi đành ngồi nói chuyện suông. Một giờ, bát ô tô thức ăn đầu tiên được đưa ra, cứ từng cô gái Mông lững thững bưng từng bát đặt lên bàn. Thấy người bê cơm và thức ăn, mấy con chó xô vào trụ sở uỷ ban, chúng đảo quanh dưới gầm bàn và gầm ghè nhau. Sau khi thức ăn bày xong, ông chủ tịch xã đứng lên phát biểu. Ông nói dài lắm, về đời sống đồng bào khó khăn, dân số của xã, kế hoạch hoá dân số đặt vòng, trẻ em bỏ học, kế hoạch định cư, định canh…. Ông chưa sõi tiếng Kinh, tôi nghe đoán là chính. Trong lúc ông chủ tịch xã phát biểu, đại diện ngồi quây quanh các bàn nghe, còn đám trẻ, khoảng hai chục đứa, bám cửa sổ, cửa ra vào và đứng dựa tường xoi mói đám thức ăn - cá và cơm bày trên bàn. Mấy bát thức ăn bày ra, lúc trước nóng bốc khói, đến lúc ông chủ tịch phát biểu xong, đám ruồi xúm vào đậu kín như đỗ đen.

 

Cuối bài phát biểu, ông chủ tịch rào đón, do đoàn đến đột ngột, nên chỉ có cơm rau mời khách. Cứ nghe cải mèo, lại nghe nói cơm rau mời khách, mà tôi có thấy tý rau nào đâu. Mỗi mâm gồm hai bát ô tô, mỗi bát có hai con cá nhỏ nằm trong nước canh, hai bát ô tô cơm và hai chai rượu, đựng trong vỏ bia, loại Quả táo Trung Quốc, trông đùng đục.

 

Bữa ăn được bắt đầu, sáu người một mâm, gồm khoảng ba chục chủ nhà và ba ông khách. Lũ trẻ con không được dự, đứng tựa quanh tường nhìn người lớn ăn cơm tiếp khách, còn đám chó nghe tiếng bát đũa đụng chạm, mõm chầu hẫu cả lên. Chủ nhà không có ý kiến gì về đám trẻ, mình là khách, không lẽ lại kéo chúng vào. Nhìn mâm cơm chỉ có từng ấy thức ăn, chẳng lẽ nhắm rượu với cơm, tôi đành xới bát cơm, chan tý canh và đưa lên và xồ. Cơm thì màu đo đỏ nhạt, nhão nhoét. Mấy vị chủ nhà cũng xới cơm và chan canh, họ đều xắn cá và gắp vào bát. Sau khi và xồ vài nhát, họ đồng loạt gắp miếng cá trong bát, chìa về phía đám con cái nhà họ. Thấy bố chìa khúc cá ra, ba, bốn cánh tay đồng thanh giơ ra, vồ lấy. Đứa nào vớ được, đứng luôn tại chỗ, thản nhiên đút cá vào mồm nhai. Dưới gầm bàn, đám chó ngong ngóng mãi không được miếng xương nào, quay ra cắn nhau, tiếng kêu ăng ẳng. Tôi hoảng quá, sợ chó nó tức, cắn cho, định thu chân lên ghế, song nghĩ khách ngồi ăn như thế, không đẹp, đành cứ liều để dưới gầm bàn, vừa và xồ cơm, vừa liếc chó. Tôi chỉ được một lần xới, đến bận thứ hai định tiếp, thì cơm và cá sạch nhẵn.

 

Một bài học về cái đói, về cái khó của đồng bào vùng cao, tôi không phải ghi chép vào sổ, không phải ghi âm vào máy, vẫn nhớ đến tận hôm nay.

 

Bài học thứ năm:

Lần ấy tôi có chuyến công tác mấy tỉnh miền núi và vùng đồng bào thiểu số. Chuyến đi nhiều chuyện đáng nhớ. Xe theo đường B52, nay là Trường Chinh ra hướng Thanh Xuân, gần đến Ngã Tư Sở, thì bất ngờ một chiếc xe tải lao tới ào ào, nó leo cả lên vỉa hè và phóng thẳng về phía chúng tôi. Mọi người trên xe hốt hoảng, chỉ còn biết ơ ớ kêu. Nó lao thẳng vào  xe ô tô phía trước chúng tôi, mấy chiếc xe xô nhau, dồn đống. May có chiếc xe trước làm vật đệm, nên xe chúng tôi chỉ bị va đạp nhẹ và không ai việc gì. Chúng tôi vội vàng thoát khỏi đám tai nạn, chạy tới thị xã Hà Đông liền tạt vào quán nước cho anh em hoàn hồn. Mọi người trên xe vẫn còn bàng hoàng trước tai nạn suýt xảy ra với mình trong gang tấc.

 

Địa phương đầu tiên, làm việc xong, theo lời mời của ông chủ tịch huyện, chúng tôi về chơi nhà ông. Bản của chủ tịch cách huyện lỵ khoảng hai mươi cây, nằm ở độ cao năm, sáu trăm mét, đường đi khá xấu, toàn đường đất và leo dốc. Đến một đoạn, xe trước dừng lại, ông chủ tịch xuống xe, chỉ con suối cạn, bảo nếu đi theo đường này, về nhà ông gần được dăm cây số, chỉ tội đường xấu. Bác Cư Hòa, Trưởng ban định canh định cư, gật đầu: Đi được. Nói rồi ông bảo lái xe, để ông lên cầm vô lăng. Hồi đó một cán bộ to thế, mà lái được xe là chuyện lạ. Bác Cư thuộc hạng tay lái cứng, lòng suối cạn chạy ngoằn nghèo, đá cuội lổn nhổn, xe chúng tôi vẫn bám sát xe trước.

 

Nhà ông chủ tịch huyện ở một vị trí khá đẹp, trước nhà nhìn xuống cái vực, cây rừng ngàn ngạt xanh. Chủ nhà và mấy dân bản tíu tít chuẩn bị bữa cơm đãi khách. Đồ ăn được bày ra sàn, có thịt rừng khô, măng tươi,... Trong lúc người nhà chuẩn bị bữa ăn, ông chủ tịch hàn huyên với khách. Ông say sưa nói về thông thổ, dân tình trong vùng. Trong lúc trò chuyện, ông lôi ra cái chai:

- Các vị có biết, con gì đây không?

 

Nói xong ông giải thích ngay, con tấc đấy. Một con sâu ngâm trong  rượu, dài và to cỡ ngón tay giữa. Tôi nghĩ bụng, chắc một vị thuốc nam. Ông chủ tịch túc tắc kể về con tấc kia. Loài này sống trong nước, chỉ những vùng nước lặng hay tù. Một lần ông đi bộ, cắt rừng về nhà. Thời tiết nóng nực, ông dừng lại một quãng suối, vục nước rửa mặt. Chỗ dừng chân là quãng suối lặng. Chuyện bình thường, ông chẳng để ý nữa. Hai, ba tuần sau, ông ho liên tục, mũi thì nhức, dùng mãi kháng sinh không chuyển. Ông đành sang bệnh viện huyện khám. Bác sỹ đã phát hiện ra nguyên nhân, trong mũi ông, có con vật đang ký sinh. Kể tới đây ông giơ cái chai:

- Con này đấy. Tôi ngâm nó để nhớ.

 

Nhìn con tấc trong chai rượu tôi rùng mình. Nó to thế mà sống trong mũi người, khiếp thật!

Bữa cơm diễn ra vui vẻ. Người miền núi chân tình, hiếu khách. Hôm đó chúng tôi uống nhiều rượu, quãng chín, mười giờ đêm, bữa ăn mới xong. Sau khi dọn dẹp, chủ nhà trải chiếu ra sàn. Đoàn khách hơn chục người, bốn, năm cái chiếu được trải ra, riêng chiếc chiếu giữa là đặt đôi gối. Thấy bác Cư là người cao tuổi nhất trong đoàn ngả mình, tôi nhanh nhảu cầm chiếc gối đưa ra, bác lắc đầu từ chối. Chúng tôi đều ngả lưng xuống các chiếu trải xung quanh, chiếu giữa chưa ai nằm và đôi gối vẫn còn nguyên. Một lúc sau khi đèn đóm tắt, trong nhà chỉ còn nhờ nhờ sáng, tôi thoáng nghe tiếng bước chân. Kìa, vợ chồng chủ nhà bước vào cái chiếu trải giữa. Đến lúc này tôi mới chợt hiểu, tại sao lúc trước, tôi đưa gối, mà bác Cư từ chối. Đấy là phong tục của đồng bào vùng này, vợ chồng chủ nhà ra ngủ “tiếp khách” và đôi gối ấy dành cho họ.

 

Những người từng gặp

 

Đời làm báo, tôi gặp gỡ và làm việc với khá nhiều người. Xin kể trước một kỷ niệm, tôi vinh hạnh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Chuyện lý thú là, bác Giáp chủ động rẽ vào gặp tôi. Đó là vào khoảng đầu những năm chín mươi. Dịp ấy Đại tướng đến dự hội nghị về môi trường. Trong giờ giải lao, tôi ngồi lại một mình, khu dành cho các nhà báo. Vừa uống nước, tôi vừa nhấm nháp chiếc bánh kem. Chợt bác Giáp đi qua, lại rẽ về phía bàn tôi. Bác cười, hỏi: Nhà báo hả..... Tôi cảm động qúa, đứng lên chào bác và vội mở chai nước suối, bóc phong bánh kem mới, mời. Nhận chiếc bánh từ tay tôi, bác nhúng luôn vào cốc nước suối. Tôi ngỡ ngàng nhìn hàm răng trắng ngà và đều đặn, bác cười giải thích, răng giả hết ấy mà.

 

Tôi cứ tiếc mãi, hôm đó giá có anh bạn nhà báo nào chụp cho bức hình, tôi được hầu chuyện một danh tướng, thì quý biết bao. Nghĩ, tôi còn tiếc đến bây giờ.

 

Giáo sư Đặng là người hóm hỉnh, thông tuệ, dễ gần,… Ông từng là thứ trưởng một bộ. Có buổi chúng tôi tổ chức cuộc phòng vấn. Đón ông ở cổng cơ quan, tôi ngong ngóng nhìn các xe con chạy qua. Bất chợt một chiếc xe máy ập đến, đỗ xịch. Sau xe, Giáo sư Đặng trèo xuống. Tôi hơi bất ngờ, vội vã ra chào và tò mò hỏi, sao… ông lại dùng xe ôm. Ông cười, bảo: buổi trưa, cho cậu lái xe về, bắt xe ôm cho tiện. Đơn giản, tiện lợi quá, chẳng kích dích, phiền hà ai.

 

Một lần khác, khi ngồi bàn nước chờ đến giờ diễn đàn, chúng tôi trò chuyện. Giáo sư Đặng tủm tỉm kể cái chuyện trước đây ở cơ quan ông, tôi không nhớ là cục nào, đại khái nó liên quan đến bản đồ. Nơi ông làm việc, lãnh đạo mâu thuẫn lắm, mẫu thuẫn đến mức, mấy năm liền chẳng có công văn nào được ký. Không có cục trưởng, còn mấy cục phó, chẳng ông nào chịu ông nào. Giáo sư kể:

- Vì mâu thuẫn nặng, cấp trên biết, phải tổ chức hẳn đoàn về thanh tra. Sau ba bốn tháng làm việc, đoàn ra mấy kết luận, trong đó kết luận thứ nhất là: sự mâu thuẫn này, trước nhất, không có bàn tay địch.... Ối dào ơi, cơ quan to bằng cái ngón tay. Có phải quốc phòng, an ninh quan trọng gì đâu. Chẳng phải thanh kiểm tra, ai chẳng rõ, làm gì có bàn tay địch! Chỉ có mấy ông lãnh đạo nhà ta mâu thuẫn, đấu đá nhau....

 

*

Lâu nay nghe chuyện ông nọ, bà kia đến phát biểu nhầm hội nghị. Thôi thì cao tuổi, ngày dự và chỉ đạo đến hai, ba hội nghị, có rút và đọc nhầm báo cáo chuẩn bị sẵn trong túi, cũng là chuyện thường. Đằng này có vị chỉ đạo hội nghị cả buổi sáng, mà vẫn không biết mình chỉ đạo nhầm.

 

Khoảng đầu năm chín mươi, tôi được phân công đi viết hội nghị về định canh. Hội nghị vinh dự được đón một ông tướng đến phát biểu chỉ đạo. Ông này từng đảm nhận chức vụ to ngoài quân đội. Dự hội nghị là đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng cao. Nghe giới thiệu danh tính, các đại biểu trân trọng và cảm động lắm. Khi ông tướng lên phát biểu, mọi người rào rào giở sổ ra ghi chép. Ông này nói to, chỉ tội hay ho khạc. Có lẽ ông bị viêm xoang, hay viêm họng gì đó, cứ mươi giây lại một nhịp ho khạc. Tiếng ho được cái mi cờ rô phóng thanh lên oang oang, thành ra hội trường cứ ầm ào như hội nghị ho khạc. Ông này nói được một lúc, các đại biểu cũng ghi chép được một hồi, rồi ông lại nói…. Song lúc này, nhiều đại biểu dừng viết và ngỏng tai lên nghe ngóng, ánh mắt phân vân. Hình như ông lãnh đạo nói gì ấy, chẳng liên quan đến đồng bào, cũng chẳng liên quan đến miền núi vùng cao, mà toàn chuyện thế giới đẩu đầu đâu. Nhiều đại biểu nghĩ, có thể lãnh đạo mào đầu rộng, đi từ xa đến gần, tức là từ vĩ mô mới đến trung mô.

 

Mười lăm phút, nửa tiếng, một tiếng, ông lãnh đạo vẫn cứ vĩ mô diễn. Lúc này chẳng còn đại biểu nào ghi chép nữa, có ghi chép cũng chẳng lấy đủ giấy đâu ra mà ghi, ông ấy nói dài đến thế cơ mà. Người thì lơ đãng nghe, người thì nói chuyện riêng, người thì ngủ gật, có người ra sân hội trường hóng gió. Trong khi ông lãnh đạo nói, độc anh thư ký là chú ý nhất, nhưng anh ta nghe mà nhấp nhổm, cứ như ngồi trên tổ kiến lửa ấy.

 

Ông tướng nói hăng thật, nói từ tám giờ ba mươi, đến mười một giờ rồi, vẫn nói. Đến quá mười một rưỡi, chắc nói mệt, ông này mời dừng lời. Khi nghe ông dừng chỉ đạo, đại biểu thở phào nhẹ nhóm, chen vội nhau ra hành lang để đi ăn trưa, họ làm như ông lãnh đạo kia sẽ giữ họ lại để chỉ đạo tiếp.

 

Vừa thấy thủ trưởng dừng lời và từ bục bước xuống, anh thư ký vội vã tiến lại, thì thầm. Chả biết anh ta báo cáo gì, chỉ thấy ông tướng quắc mắt lên và tiếng ông oang oang. Lúc này tuy không có míc phóng to, những mấy đại biểu gần đấy, đều nghe rõ:

- Tôi nhầm nội dung à? Có thế mà không nhắc. Thư ký làm ăn thế đấy!

Chiều đó, ngoài kế hoạch hội nghị, ông lãnh đạo lại đến chỉ đạo gỡ thêm hai tiếng nữa, từ hai giờ đến quá bốn giờ chiều. Lần này thì ông nói đúng nội dung, đúng hội nghị, nhưng ho khạc thì vẫn như buổi sáng.

Người ta đặt vè xếp các bà vợ vào loài nói dai. Xếp đối tượng nói dai chỉ có các bà vợ, như vậy là còn thiếu. Các cụ dạy, nói dài, nói dai, đâm nói dại. Nói dài từ sáng đến trưa, mà lại không biết nói với ai, thì gọi là nói gì?

 

 

Giai thoại nhà Đài

 

Giai thoại đến nửa nhà Đài biết:

Giai thoại một. Có lái xe được phân công đưa đón ông sếp. Sáng đầu tiên đến nhà riêng đón, sau khi lên xe, thủ trưởng xã giao hỏi anh tài:

- Cháu tên là gì?

Anh tài lễ phép:

- Dạ! Thưa …cháu tên là Ân Nghĩa ạ!

- Tốt!

Buổi trưa, đưa thủ trưởng về nhà, sau khi lên xe, thủ trưởng xã giao hỏi anh tài:

- Cháu tên là gì?

Anh tài lễ phép:

- Dạ! Cháu tên là Ân Nghĩa ạ!

- Tốt!

Đầu chiều đến đón, sau khi lên xe, thủ trưởng xã giao hỏi anh tài:

- Cháu tên là gì?

Anh tài rất lễ phép:

- Dạ! Thưa … từ sáng đến giờ cháu vẫn tên là Ân Nghĩa!

Giai thoại thứ hai. Một ông sếp khác đi nước ngoài về, anh lái xe ra sân bay đón. Sau khi lên xe, thủ trưởng tươi cười:

- Bây giờ chưa tiện mở hành lý! ... À mà cậu có hút thuốc lá không?

- Dạ! Cháu không hút thuốc ạ!

- Thế á. Vậy mà quà, tớ định tặng cậu viên đá lửa đấy. Thế thì thôi nhá!

 

Giai thoại thứ ba. Có đoàn nhà báo bốn người ở Đài đi công tác, khi về, được cơ sở biếu bốn chai nước mắm. Món quà quá quý. Nước mắm xịn, đâu như thứ pha nước lã với kẹo đắng bày bán ở chợ, hay thứ thum thủm, phân phối tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch.

 

Xe là xe com măng ca. Xe yếu, đường xóc, ổ trâu, ổ bò, nên cứ nhảy tênh tếch. Dù lái xe cẩn thận, vậy mà mấy bận sa xuống ổ lợn. Mỗi lần sa xuống, trên xe người hẫng đi như nhảy dù. Tới một đoạn đường, hình như xe sa xuống ổ trâu, chỉ nghe thấy tiếng rốp. Chết cha rồi, ai trên xe chẳng biết, tiếng rốp kia là sự xô nhau của mấy chai mắm, lại còn thoang thoảng mùi đặc trưng. Thôi, có chai mắm vỡ! Của đau con xót, trên xe mọi người lặng đi, những chưa ai tiện nói ra. Trong đầu ít nhà báo không nghĩ, chốc nữa chia chác thế nào đây. Còn đang phân vân, bất chợt ông trưởng đoàn phá tan bầu không khí căng thẳng:

- Chắc chai mắm vỡ vừa rồi của chú tài!

Vừa nghe ông nói xong, thoáng có tiếng thở phào nhẹ nhõm của ai đó. Xe đi một đoạn, lại sa xuống ổ trâu, lại tiếng rắc tiếp. Rất bất ngờ, cậu phóng viên trẻ lên tiếng:

- Chắc chai vỡ vừa rồi là của cháu?

Ông trưởng đoàn cười khờ khờ, nói:

- Đúng quá đi!

Giai thoại thứ tư. Quy trình sản xuất của nhà Đài khá chặt. Bài vở sau khi phóng viên viết ra, biên tập viên trực sẽ rà soát và đưa vào chương trình. Tiếp đó đưa lên lãnh đạo cấp phòng, cấp ban duyệt. Chặt chẽ vậy, mà đôi khi vẫn còn lỗi. Chuyện kể rằng, có một biên tập viên nọ, khi biên tập chương trình, vì bí bài, nên lôi ra bài cũ của sếp đưa vào. Nhất cử lưỡng tiện. Cậu kia nghĩ, sếp có thêm phần năng suất, chương trình lại êm thấm trôi. Cậu ta đưa bài lên cấp phòng, vì hôm đó trưởng phòng đang vội cái hội nghị, nên chỉ liếc qua, ký roẹt. Chương trình đưa lên Ban, sếp thấy nhân viên đưa chương trình, ghếch kính nhìn, rồi buông câu: Cứ để đấy. Một lúc sau, lính nhận được điện thoại, cậu lính tí tởn, tưởng chương trình đã xong. Vào phòng sếp, cậu ta nhìn thấy nó bị tãi ra trên bàn, bài vở thì bị gạch choe choét. Lúc đó, nhìn cái bài bị gạch, mặt cậu lính ớ ra.

- Dạ…

- Dạ cái nỗi gì!

- Bài này…

- Viết thế mà cũng viết hả. Bài này.... của ai?

- D…ạ … bài của … của chú đấy ạ!

- Thế á! Thế mà tao quên béng đi rồi đấy, sao mày không bảo trước.

 

Ông nhà báo này thâm niên tới ba mươi năm trong nghề, tức dạng cây báo đa đề. Nay nếu ai có thời gian, mở sổ chương trình ra xem mặt tác phẩm của ông, sẽ nhòm thấy toàn dạng tác phẩm hút tiếng. Nghĩa là xuống cơ sở, đưa cái míc vào mồm người ta, hút tiếng vào máy, rồi về nhờ công nhân cắt trích cho, phát lên không trung. Nhà báo này có bận xuống địa phương, làm việc bằng cách, đưa míc cho ông cán bộ trả lời phỏng vấn, còn nhà báo ta chạy đi đâu đó. Độ một tiếng sau quay lại, ông cán bộ địa phương vẫn say sưa phát biểu với cái míc, nào là kính thưa quý thính giả, nào là kính thưa đồng chí nhà báo, huyện nhà rất phấn khởi và nô nức….. kính thưa.

 

Nếu ai có nghe, hay xem những tác phẩm kiểu hút tiếng trên ra đi ô, hay truyền hình, thì thông cảm, cắt trích hộ cái kính thưa giúp nhé!

 

Giai thoại thứ năm.

Chuyện này tôi định không kể, kể ra họ bảo mình tủn mủn, tầm nhìn không vượt nổi cái phong bì… Song nó thành giai thoại rồi, ai cũng rõ vị phong bì kia là ai. Đoàn đi công tác, cơ sở tặng chung cho cái phong bì. Chính trị gia này rút ruột trước, sau mới chia. Rút thì phải bí mật, tức là nhồi phong bì vào túi quần, rồi trong lúc làm việc, thì lần mò nó. Thế quái nào, ông này lại lần hết ráo tiền bên trong. Lúc đem ra chia, nó là cái phong bì không. Ông ta bí, đành chửi cái bọn cơ sở là quân bố láo. Giai thoại này còn đỡ, cũng về ông này, nhà báo rút ruột, giai thoại ở nhà vệ sinh mới kinh:

 

Có chuyến công tác, đoàn gồm mấy người. Sau buổi làm việc căng thẳng, toàn những vẫn đề to tát nhà báo ta đặt ra, như tháo gỡ cơ chế chính sách, lo cho nước cho dân thế nào,... Cuối buổi làm việc, ông lãnh đạo cơ sở trân trọng đưa cho trưởng đoàn chiếc phong bì. Nội dung công việc của ông trưởng đoàn đã xong, chỉ có cậu phóng viên trẻ trong đoàn dở chứng, lại hỏi thêm nữa, hỏi lại hăng. Ông trưởng đoàn đứng lên, ra ngoài, kiểu như ông buồn đi... giải. Đi giải thì tự do rồi, ai cấm. Khi ông trưởng đoàn đứng lên, một đồng nghiệp khác tần ngần nhìn theo. Không phải ông ta nghi ngờ  thủ trưởng gì đâu. Hình như anh này cũng buồn đi... giải. Anh ta lại đứng lên... đi. Trong phòng chỉ còn ông lãnh đạo cơ sở tiếp tục trả lời cậu phóng viên trẻ.

 

Tại nhà vệ sinh kia, diễn ra cảnh bi hài. Nền nhà nhớp nháp nước tiểu và lả tả những tiền là tiền. Nguyên do, ông trưởng đoàn xuống đây, ông không đại, trung, tiểu tiện gì, mà lại rút phong bì ra xem. Nếu chỉ dùng tay xem độ dày, mỏng, to nhỏ của nó, thì không sao. Đằng này ông ta lại định xem nó cả trong tận ruột. Trong khi đang xé, bất ngờ thấy đồng nghiệp vào, ông giật mình, tuột tay,… Cái phong bì cứ liềng liệng rơi. Khi chạm đến mặt đất, thì tiền đi đằng tiền, phong bì đi đằng phong bì.

 

Chẳng rõ sau đó nhà báo ta có nhặt tiền lên không. Sạch cũng là tiền, bẩn cũng là tiền, tiền rơi trên nền nhà vệ sinh cũng là tiền. Vớ phải tôi, tôi sẽ nhặt, rồi đem đi rửa, tiền sạch chán.

 

Giai thoại thứ sáu...........

Giai thoại thứ bảy.................

 

Nghề lên voi xuống chó

 

Cùng đợt về nhà đài với tôi có Chu Nguyễn. Sau này tôi và Chu có dịp trò chuyện, chuyện văn, chuyện đời và cả những chuyện linh tinh. Tôi khá thích tập truyện Tổ ấm  của Chu. Cái chi tiết ghép chim, quê quá. Văn Chu nhẹ nhàng, man mác, man mác như vùng đất quê của Chu, những làng quê êm đềm Bụi tầm xuân, Khu vườn cổ tích,… Từ cái truyện anh hàng xóm của Chu, tôi đã bắt chước, mà viết được truyện ngắn Hàng xóm.

 

Nên voi xuống chó, câu nói này khá đúng với nghề báo, có khi chuyến công tác trước nên voi, ngay chuyến sau đã xuống chó. Lần xuống chó của tôi diễn ra ngay khi tôi mới về Đài. Kể ra ngay vào nghề, mà chuyến đi thảm hại vậy, sẽ nản. May mà tôi vẫn yêu nghề.

 

Tôi và Đặng Quang, đông nghiệp trong phòng, ra bến Nứa vào khoảng bảy giờ sáng. Bến Nứa như cái chợ. Người ta nói, muốn tìm hiểu văn hoá vùng, miền nào, cứ kéo nhau ra chợ. Ra đó sẽ thấy văn hoá nơi ta đến. Có lẽ thời bao cấp, tìm hiểu văn hóa, thì ra bến ô tô là hợp nhất. Bến xe là nơi bộc lộ đầy đủ bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội nước nhà. Người già, kẻ trẻ, nam thanh, nữ tú, ốm đau bệnh tật, bộ đội, thương binh, công an, cán bộ, ông bán nước, bà bán hàng, thằng kẻ cắp, con làm tiền, bà hát sẩm, đứa ăn mày, ông thầy bói, đánh chửi, lừa lọc, đồ nghề, gạo thóc, củi lửa, xe vệ sinh, quầy tắm rửa, mùi mồ hôi, cống rãnh, trải chiếu giăng màn khách ngủ đợi qua đêm,... Cảnh chen xe này quá quen với tôi rồi. Mỗi lần ở quê ra Hà Nội, hay Hải Dương, từ hai, ba giờ sáng, tôi đã phải ra bến xe chen nhau.

 

Chúng tôi đến sớm, mà bến Nứa người chờ đã đông nghìn nghịt, dân phe vé xúm vào gạ bán vé giá chợ đen. Hồi ấy bán vé xe khách thường có hai ô cửa, ô ưu tiên và ô thường dân. Đối tượng ưu tiên gồm nhiều chủng loại, thương binh, bộ đội, công an, nhà báo, con nhỏ, người bệnh,.... còn lại là ô bán vé người thường. Chúng tôi thuộc loại người ưu tiên, vì có thẻ nhà báo. Lúc tới còn hai tiếng nữa mới đến giờ bán vé, dãy ưu tiên rồng rắn tới ba, bốn chục người; dãy thường dân, tính cả xếp lốt dân phe vé, dài tới trăm suất. Cái xe khách dù có nhồi cứng, xếp chồng lên mui, cũng chỉ chứa hết một phần ba. Một trận chen vé quyết liệt.

 

Chín giờ, cửa ưu tiên bắt đầu mở. Người ta xô đẩy, lúc đó thì chẳng ai nhường ai, chẳng có nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Già trẻ, trai gái đè ép vào nhau, không ngượng ngùng, giữ gìn; chen đến lòi áo, tốc quần, vẫn chen; mấy ông thương binh cụt tay, què chân, lúc trước dùng nạng mới đi lại được, lúc này chen khoẻ ra phết. Giữ trật tự trước ô cửa bán vé, nhà bến bố trí hẳn một trật tự viên. Ông này đứng trên lan can cao, chồm chỗm đè đít vào đầu khách, hò hét, quát tháo, dúi người này, đập người kia. Chúng tôi phải chui qua háng ông ta mới chen sát được vào ô cửa bán vé. Ô cửa to bằng cái quạt nan, bốn, năm cánh tay cùng chen, cùng đút tiền và đống giấy tờ vào trong đó. Người ngoài gào lên trình bày, kẻ trong gắt gỏng, quát ra. Lắm người trình bày đến khản giọng, song tra xét xong, phía trong vẫn ném tiền, ném giấy ra, chưa đủ tiêu chuẩn ưu tiên. Nhờ có cái thẻ nhà báo, chúng tôi mua được đôi vé và chẳng kịp xót thương cho một bà bị kẻ cắp rạch túi, móc sạch tiền, nhều dãi khóc, chúng tôi vội vàng ra xe.

 

Lại một trận tranh cướp lên xe nữa. Xe chật chội và nóng. Hành khách tự giác lên ngồi hành tội mình thêm hai tiếng nữa. Hãy còn may, khối kẻ dưới bến thèm thuống nhìn người trên xe, họ lại phải đợi đến chiều, chen nhau tiếp, không thì ngủ lại bến. Cho đến sát chiều chúng tôi mới đến được Ban Định canh tỉnh Hà Tuyên. Làm việc rất nhanh, Ban giới thiệu chúng tôi lên công tác ở Sơn Dương và khách cứ tự sang nhà nghỉ mà ngủ. Đấy là cách tống tiễn vừa nhanh, tiện, lại khỏi mất tiền bao. Tờ mờ sớm hôm sau, chúng tôi lọ mọ ra bến, nhảy xe đến Sơn Dương. Ngay khi bắt đầu làm việc, ông chánh văn phòng huyện hỏi, khách ăn uống suất bao nhiêu, may chúng tôi không tham, tưởng người ta bao, mà vống lên, không cuối đợt công tác, phải thanh toán ốm, chúng tôi ăn mức phổ thông. Cả nhà ăn phục vụ có hai người là chúng tôi, suất ăn, món sang trọng và độc nhất là bì trâu khô xào rau muống tươi.

 

Chiều muộn, trong khi chờ khách nhai bì trâu và rau muống tươi, cô nhân viên nhà ăn lúi húi trát bùn ủ bếp, giữ lửa lò cho ngày hôm sau. Nhà ăn này cơ bản phục vụ nước sôi cho uỷ ban. Cô này tuổi quá thì, da đen, người thô, mặt xấu. Lúc cô ta ngồi rửa bát sau bữa ăn, để làm công tác dân vận, tôi lân la trò chuyện. Cô nàng tưởng tôi tâm sự thật, thẹn đến đỏ cả mặt. Thế mà lúc sau còn rủ tôi đi xem phim bãi ở huyện. Tôi phải từ chối ngay, kẻo không, lại kẻ ăn ốc, kẻ bị đổ vỏ oan.

 

Ăn ở nhà ăn tập thể huyện, dù thanh đạm còn đỡ lo, hai nhà báo được bữa cơm mời, nghĩ mà kinh. Hôm đó ông chủ tịch huyện đưa khách xuống cơ sở. Đến trưa, xã có bữa cơm tiếp khách cấp trên. Cỗ bàn thịt thà bày ra, nhìn các món đều một màu xám xịt. Mới đầu tôi nghĩ, có thể do cách nấu nướng và gia vị họ tra vào, nên có màu này. Trước khi ăn, ông chủ tịch xã người dân tộc thật thà giới thiệu, có con bò toi của dân bản, xã mua cỗ lòng và vài cân thịt, xương đãi khách. Thảo nào, tái như thịt trâu toi. Trong bữa ăn, tôi gắp lấy lệ, chỉ lo con bò mắc bệnh nhiệt thán. Ông chủ tịch xã lại hiếu khách, cứ thuận tay gắp cho tôi liên tục, làm cái bát trên tay tôi tú hụ những thịt trâu…. toi.

 

Ăn ngủ đã khổ, song khổ nhất là cảnh ngày cuối, hết đợt công tác, dốc ngược túi thanh toán đợt ăn, hai đứa chỉ còn chút tiền chen xe khách về Hà Nội trong những ngày cuối năm.

 

sau chuyến đi xuống chó, tôi được chầu nên voi. Chuyến đi gần một tháng qua mấy tỉnh Tây Nguyên và xuống tới tận xóm cuối cùng Đất Mũi, đi với nhà báo kỳ cựu  Thạch Sơn. Trong chuyên môn, ông này là tay cự phách về viết phóng sự điều tra của nhà Đài. Chính những bài viết của ông làm lung lay và đổ vài ba ông Thứ, Bộ trưởng.

 

Từ Hà Nội chúng tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên tôi biết thế nào là đi máy bay. Hồi hộp quan sát quang cảnh nhà chờ, thủ tục lên máy bay,... mọi động tác tôi đều kín đáo quan sát và bắt chước y chang sếp. Phòng đợi mở cửa, khách ào ào lên xe, ào ào chen chúc lên máy bay. Thầy lững thững, làm trò cũng đành bắt chước theo. Lững thững, mà tôi chỉ lo, lên chậm, tý nữa hết chỗ, phải đứng. Tôi và sếp là hành khách cuối cùng leo vào máy bay. Trên máy bay, tôi mới hay, ngồi theo số ghế đề trên vé, không phải cứ chen trước là giành được chỗ tốt. Tuy háo hức lần đầu đi máy bay, những vốn nhát, khi đã bay trên trời cao, tôi mới lo, nghĩ nó như cái quan tài bay. Tờ báo giơ lên, mà tôi không tập trung đọc nổi chữ nào. Thỉnh thoảng liếc xéo ra ô cửa, thấy mây trằng bồng bềnh trôi, tôi càng sợ tợn. Bụng nghĩ, cao thế này, nói dại nó rơi xuống, thì mất xác. Đúng là thích không bõ lo, lo suýt chết. Chỉ đến lúc nghe tiếng kịch máy bay tiếp đất, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đấy là tôi nghe lỏm được sếp nói, chứ bao giờ bay đâu mà biết, nghe tiếng kịch bánh máy bay tiếp đất là an toàn đâu.

 

Xuống sân bay Tân Sơn Nhất có ô tô đón chúng tôi thẳng lên Đà Lạt. Xe đón oách thật, cái Toyota láng coóng của một ông giám đốc ở Đà Lạt. Hồi ấy, ngoài Bắc đường xấu, xe cũ, tốc độ rùa bò, giờ ba, bốn chục cây số, vào trong này, xe mới, đường đẹp, lái xe phóng vèo vèo. Nhìn hai bên đường thấy chóng mặt, cứ thỉnh thoảng tôi liếc nhìn công tơ mét, kim đồng hồ chỉ tám, chín chục cây, nghĩ lại kinh. Tôi lẩm nhẩm khấn trời, khấn Phật cho xe không đâm, xe mà xô, chắc chết.

Đất cao nguyên màu mỡ, lá mồng tơi to bằng cái quạt nan. Chỉ vài ba lá, nấu đủ nồi canh cua. Thành phố Đà Lạt lãng đãng sương mờ và thông reo. Con gái Đà Lạt nhẹ nhàng tà áo dài, bên ngoài khoác hờ tấm áo lạnh. Hoa quả xanh đỏ xếp tràn khắp chợ và biệt thự lô nhô đủ mọi dạng hình kiến trúc Âu châu. Tôi cứ như người đi trong mơ. Chỉ có một thoáng ái ngại khi ở chợ Đà Lạt, một thằng ăn mày vuông chằn chặn - cụt hết tay chân, được bày ra ở giữa trời mưa, ngắc ngứ cái đầu xin bố thí.

 

Chúng tôi được bố trí ở toà biệt thự sang trọng. Cả toà biệt thự khách nghỉ chỉ nhóm ba người chúng tôi. Biệt thự này của một viên trung tá nguỵ. Đảo một vòng khu nhà, tôi đếm được tới cả chục phòng. Ở gì mà khiếp thế. Tôi ao ước, giá như nó là của mình. Đêm ngủ, nhìn ô cửa kính trắng suông, không chấn song bảo vệ, tôi đâm sợ. Đêm hôm, nhỡ trộm cắp nó đập kính, chui vào, mất ráo cả bây giờ. Nghĩ lại, mình có cóc khô gì đâu, ngoài tấm thân gày nhẳng và đói khát, vậy là bình tâm, ngủ tiếp.

 

Mười lăm ngày ở Đà Lạt, gần như tối nào, ông giám đốc cơ quan chúng tôi đến làm việc, cũng tổ chức tiệc tùng. Đón tiếp đến mức tôi phát sợ. Lại sợ. Lần này sợ ăn uống. Có hôm tôi thoát được ra ngoài cuộc tiếp, đi lòng vòng mấy phố, tạt vào một quán, xơi đến hai ly chè đá, quay lại, nhìn lên gác, vẫn thấy đèn sáng và tiếng  zô... zô bia tiếp. Khổ thế đấy, những thứ nhiễm vào mình rồi, ra đến cái mới, gặp gì cũng khiếp. Lên máy bay, thì sợ máy bay rơi; ô tô sang, lại lo phóng nhanh, nhỡ xô nhau; nhìn ô cửa số kính trong suốt, kinh kẻ trộm nó đập; người ta cho uống, kinh say...

 

Đợt ấy ông giám đốc dành hẳn chiếc pô giô, hàng ngày, đúng bảy rưỡi xe đậu dưới sân, pim còi, đón chúng tôi. Lái xe người Nam chỉn chu, tác phong chủ thợ và công nghiệp ngấm vào họ, chứ không kiểu dân chủ tập thể, cá mè một lứa như ngoài Bắc ta, chủ không ra chủ, tớ chả ra tớ. Hàng ngày xe đón đưa, chúng tôi muốn đi đâu, bảo lái xe đi ngay, đến nơi, bác tài chỉ quanh quẩn đâu đó, thoáng thấy khách ra là có mặt liền. Còn nếu chúng tôi ngẫu hứng, yêu cầu rẽ vào quán, dù nhiệt tình mời, lái xe vẫn từ chối, ngồi đợi ngoài xe. Bác tài kể: Có lần lái xe người Nam đùa sếp người Bắc một từ, mà sếp đuổi ngay tắp lự. Ngoài Bắc dùng từ ăn để chỉ mức hãm của phanh xe, còn trong Nam dùng từ thắng.... Anh lái xe đùa, dùng từ xơi, khi sếp hỏi phanh xe ra sao.

 

Từ Đà Lạt tôi xuống Sài Gòn, rồi thị xã Cà Mau. Chúng tôi nghỉ tại nhà khách tỉnh uỷ. Buổi tối chúng tôi lạo dạo mấy phố. Giáp nhà nghỉ có cây cầu lớn, dài hơn trăm mét. Trên cầu và hai đầu cầu ngàn ngạt những người. Cứ từng tốp ba, bốn cậu trai lượn đi vòng lại. Quầy giải khát đèn đóm sáng choang, túm tụm bốn, năm cô đứng, ngồi, phấn son choe choét. Bán giải khát mà không thấy ai uống gì. Lạ quá, chúng tôi nghé vào xem. Nước non gì đâu, mà là mua bán dâm, công khai, rầm rộ, mặc cả cứ như mua bán ở chợ. Tôi tuổi trẻ, tò mò, lại hăng tiết vịt, định lấy tư liệu làm cái phóng sự, liền chọn một cô, mặc cả. Nghe giọng Bắc kỳ, cô này tưởng bở, sán vào. Cô ta táo tợn thật, chưa tiền nong, đã chiêu đãi tay tôi luôn. Phát hoảng, tôi tháo lui bằng cách, chỉ vào nhà khách tỉnh ủy, bảo quên tiền, chờ vào trong đó lấy. Nghe vậy, cô ta bĩu môi: Tưởng ở đâu. Ở đó mà dám dùng của này à. Ngoài Bắc cũng có chuyện mua bán dâm, nhưng thời đó, nó còn xì xầm. Chứ đây, ngay cạnh nhà khách tỉnh uỷ, cứ công khai, hồn nhiên mua, bán. Tôi lo, không biết các ông tỉnh uỷ có biết không. Độc lo bò trắng răng.

 

Nhớ một chuyện trước văn phòng một sở chúng tôi đến làm việc. Khi ngồi uống cà phê ở quán trong khuôn viên Sở, trông sang bên kia đường là khoảng ao rộng, trên mặt áo cất cái nhà vệ sinh. Đang dùng cà phê, thì từ trong đó, phên quây lưng lửng, nhìn rõ cả người ngồi, một ông oang oang chõ sang tâm sự với anh bạn đang uống cà phê quán bên này. Dân miền Nam tự nhiên thật. Tôi lạ mãi về cái văn hoá đi cầu tiêu mà cứ tự nhiên tâm sự oang oang. Nhân văn hoá cầu tiêu, có chuyện vui truyền miệng ở đất chiêm trũng Hà Nam, đi rửa giỗ khoai, mang đi chín củ, rửa xong, đếm lại thành mười, dôi ra một củ. Nó trôi nổi ở ao, sa vào rổ khoai. Một cô ở ban tôi trong chuyến công tác ghé xuống thăm bạn ở đồng bằng sông Cửu Long. Buổi sáng bạn bảo, chiều nay khao bữa cá hú. Sau đó cô này có việc ấy, bạn dẫn ra cầu tiêu và ở dưới ao đàn cá quẫy đạp. Khi được chiêu đãi cá hú, cô này chả dám thưởng thức nữa.

 

Chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi từ thị xã Cà Mau ra Đất Mũi. Sông nước mênh mông, bạt ngàn rừng đước. Có quãng đi trong rạch, tài công mất phương hướng, đành nhìn trời và xem hướng nước chảy để định vị. Hồi ấy dư luận ầm lên về nạn phá rừng, Chủ tịch nước vào tận nơi thị sát. Tỉnh đưa đi những con kênh chính, hai bên rừng còn rậm rạp, có thấy cảnh phá rừng đâu. Nếu đi như chúng tôi, thì thấy ngay cảnh phá rừng hầm than và đào vuông tôm khắp nơi. Đưa chúng tôi đi là hai cán bộ trẻ sở Lâm nghiệp. Sóng nước làm chiếc vỏ lãi chòng chành, tôi thấy một cậu nhăn nhó. Qua câu chuyện thì thầm của họ, tôi mới hay, một anh chàng mới bị bệnh lậu. Bệnh hoa liễu này dễ lây lắm. Khi phát hiện ra cậu chàng bị mắc bệnh kín kia, tôi đâm ngại ngùng, cái vỏ lãi bé con con, tôi không dám ngồi vào những chỗ cậu ta ngồi nữa.

Trên đường đi, chúng tôi tạt vào vài nhà dân nằm bên kênh rạch. Một nhà dân anh em ghé vào, vừa thấy khách, ông chủ rổn rảng:

- Các chú trên tỉnh xuống à? Vào nhà qua uống chén rượu cho vui.

 

Chỉ có thế thôi, cho đến lúc chia tay, ông chủ chẳng biết chúng tôi là khách tỉnh diện nào. Khách vừa vào nhà, ông đã giục vợ đi mua rượu. Bà vợ nhanh nhảu xách can lon ton chạy đi liền. Trong khi bà vợ đi mua rượu, ông chồng lôi ra chai rượu dở, rót một lượt cho khách, cụm trước một ly, rồi ông mang ra bịch tôm khô, nổi lửa than đước, nướng. Cứ như câu chuyện của ông ta, thì làm ăn ở đây dễ ợt, tính nhanh, diện tích vuông tôm và số rừng đước ông hầm than, nhà này phải thu tới mươi cây vàng mỗi năm. Tôi theo mấy đứa trẻ ra vuông tôm chạy dọc trước cửa nhà, thả câu. Chỉ mấy cần câu, một nhoáng lũ trẻ đã nhấc lên dăm con cua bể to kềnh. Tôi nhấc trượt một con, xuýt xoa tiếc. Đúng là rừng vàng biển bạc.

Căn nhà tranh tường thưng lá, rộng gần hai chục mét vuông, sàn cây gỗ cao hơn mặt đất khoảng một mét. Sàn nhà ghép cao để đề phòng thuỷ triều lên xuống hằng ngày. Nhìn căn nhà tềnh toàng và mức thu nhập của chủ nhân, trong lúc ông chủ có việc, ra ngoài, chúng tôi đùa nhau, vàng nhà này giắt hay chôn ở đâu, thuổng lấy vài cây, tiêu đỡ cho ông chủ. Lai rai tôm khô, cua bể, cả chủ lẫn khách sáu người, đi hết chai dở và can ba lít đế bà vợ xách về, chúng tôi láng tráng say. Khi chia tay, ông chủ hẹn, hôm nào xả vuông tôm, chúng tôi nhớ quay lại làm một trận tới bến. Chưa kịp trận rượu xả vuông tôm, ngay hôm sau chúng tôi đã được ông chủ tịch xã Đất Mũi cho một cuộc lên bờ xuống… kênh. Hôm đó trên đường nhậu về, chúng tôi say quá, ngã tòm xuống nước, về chẳng thay quần áo, ngủ luôn. Muỗi rừng đước được một bữa nhậu chúng tôi. Hôm sau, tôi mặt mũi, cánh tay, cẳng chân, vết muỗi đốt đỏ rực như ma tịt cắn.

 

Tôi có chuyến đi cũng khá nhớ, không nên voi, chả xuống chó, chuyến đi  Rạch Giá. Tôi và cậu em nhà báo cùng đi. Hôm ở Cần Thơ, tôi gặp lại cô giáo chủ nhiệm dạy văn hồi lớp mười, dân gốc Hà Nội. Nhận điện thoại, cô phi xe đến, chiếc cúp làm ăn đời bảy tám xịch đỗ trước mặt, tôi không nhận ra cô chủ nhiệm của mình. Cô gái Hà Thành thướt tha mái tóc dài, nay cắt ngắn cụt. Cô bảo tôi lên xe, rồi đèo ra thăm bến Ninh Kiều. Trong lúc ngồi uống nước dừa để cả quả, cô trò tôi ôn lại mái trường xưa, tôi kể kỷ niệm về ông thầy giáo dạy địa lý, một đồng nghiệp ngày trước của cô:

 

Dạy môn địa lớp tám của chúng tôi là ông thầy dạy rất hay và có tài vẽ bản đồ. Trong lúc học trò trả lời, thầy đưa vài đường là bản đồ một quốc gia nào đó sẽ hiện hình trên bảng. Hồi đó trường cấp ba của tôi còn ở nơi sơ tán. Phòng học nhà tranh vách đất, nhỏ bé, khoảng vài ba chục mét vuông, bàn ghế kê sát vào nhau. Bục giảng của thầy đắp cao cao, giáp ngay trước bàn học sinh. Hôm đó đầu giờ không kiểm tra, thầy lúi húi vẻ bản đồ, còn trò được tư do. Lũ trò, nhóm chơi cờ vây, nhóm thì kháo chuyện. Có mấy đứa đầu bàn, giáp ngay bục giảng, thì thầm to nhỏ gì đó. Trong khi cả lớp đang người nào việc nấy, bất ngờ nghe tiếng thầy quát to:

- To, to... cái mả mẹ chúng mày.

 

Học trò ngơ ngác nhìn lên, không hiểu ông thầy quát gì. Trên bục giảng, thầy  mặt đỏ gay. Thầy chỉ xuống bàn thứ hai, quát mấy đứa ngồi đấy đứng lên. Cả bàn sợ rúm lại. Cả lớp ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì, lại nghe tiếng thầy quát:

- Ra. Ra ngay khỏi lớp.

 

Không rõ lũ kia … mả mẹ cái gì. Chúng cập rập bước ra. Thầy cũng không hứng khởi giảng như mọi khi. Tiết học căng thẳng qua đi. Vừa nghe tiếng trống hết giờ, học trò ùa ra khỏi lớp. Tại góc sân trường, mấy đứa bị đuổi ra, mặt mũi tiu nghỉu, lo sợ, bạn bè túm lại điều tra xem chuyện gì.

 

Nguyên nhân từ cái tên của thầy. Trong khi thầy bận vẽ bản đồ, mấy đứa trò rỗi việc, mang tên thầy ra chiết tự: Đại tức là to, môn tức là cửa, cứ như vậy chúng chiết tự, cuối cùng, đám nhất quỷ nhì ma kia chiết ra thành: lỗ đít to! Chúng đâu ngờ, ông thầy đang lúi húi vẽ bản đồ trên bảng nghe thấy. Hết giờ ra chơi, thầy bảo lớp trưởng gọi mấy đứa kia vào, không thấy thầy nhắc lại chuyện trước. Tiết dạy tiếp của thầy lại sôi nổi, lôi cuốn như mọi khi. Vài năm sau ngày giải phóng miền Nam, để bổ sung giáo viên cho các tỉnh phía Nam, thầy được phân công vào đồng bằng sông Cửu Long. Nghe nói giờ thầy đã nghỉ hưu rồi.

 

Gợi lại chuyện xưa cô giáo tôi như thoáng buồn, bảo:

- Cô “mất dạy” mấy năm rồi. Nay buôn cá.

Cô vẫn nhiệt tình, nhiệt huyết như xưa, song chất lãng mạng, nhẹ nhàng của con gái Hà Thành, thay bằng chất gấp gáp làm ăn. Cô khoe, có mấy căn nhà ở Cần Thơ và cả Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh nữa. Cô còn rủ:

- Hay em kinh doanh thuỷ sản đi. Được lắm! Cô chỉ mối cho, cả mối xuất khẩu nữa.

Bất chợt tiếng điện thoại di động của cô tin tít, cô hối hả hỏi, hối hả trả lời. Tôi biết, khách hàng đang gọi và cô phải đi rồi. Tế nhị tôi thưa với cô, mình còn ở Cần Thơ vài hôm nữa.

Ngày xưa ấy, mỗi tối cô đi vài cây số khắp lượt nhà trò để kiểm tra chúng học bài. Nhìn cô giáo cũ, tôi ước ao, giá mà trở lại được ngày xưa. Nghèo đấy, nhưng nhàn nhã, thanh bình! Cô trò tôi chào nhau bên bến Ninh Kiều.

Một cái đích chuyến đi của tôi là đảo Phú Quốc. Từ Rạch Giá chúng tôi định ra đảo bằng máy bay, nhưng bị đe: Nguy hiểm lắm. Kẻo trên trời lại rơi tõm xuổng bể. Nếu muốn, xuống Hà Tiên mà đi, theo đường thuỷ. Chúng tôi đành phải đi vòng vèo. Làm việc với Ban chỉ huy quân sự Biên phòng Kiên Giang, họ cử một viên thượng uý tháp tùng chúng tôi xuống Hà Tiên. Viên sỹ quan trẻ, người miền Trung, khá cởi mở.

 

Năm ấy vết tích và chuyện chiến tranh Tây Nam còn in đậm nhiều nơi. Ngay cạnh đơn vị chúng tôi đến có bia tưởng niệm mười mấy chiến sỹ biên phòng bị lính Pôn Pốt chặt đầu, mổ bụng. Trong khi trò chuyện, vị đồn trưởng bảo, tối phải có người ngủ kèm, có động tĩnh gì, còn người chỉ đường, dắt lối. Tưởng họ đùa, thế mà thật. Tôi thức khá khuya, bên bếp lửa có nồi cháo gà, nhân mấy cậu sỹ quan cứ phân biệt kẻ Bắc, người Nam, tôi mới nói về lịch sử mở nước từ Lý, Trần, Lê đến Nguyễn và hiệp ước giữa ba quốc gia An Nam, Xiêm La và Cao Miên, cùng mảnh đất biên cương Hà Tiên. Đêm ấy, tôi được một bữa hoảng hồn. Khi đi nằm, thấy có anh lính đến ngủ cùng phòng, tôi đâm thấp thỏm, đúng là vùng này chưa yên. Lên giường được một lúc khá lâu, lại lạ nhà, tôi còn chập chờn. Đang nằm, bỗng nghe tiếng bộp, tôi lo lo, lựu đạn chăng. Mãi không thấy nổ. Sáng sau nhìn ra, có quả dừa rụng trong sân, mình thần hồn nát thần tính.

 

Tôi còn ra chợ giáp biên, uống rượu với mấy viên sỹ quan biên phòng nước bạn. Biết chúng tôi từ Hà Nội vào, lúc đầu họ ngoại giao, nói toàn bằng tiếng Miên, phải có người phiên dịch. Sau thấy tôi đùa, hỏi giá cả xe Dream Thái, thì họ xoắn lấy và chẳng cần phải ai phiên dịch nữa, nói luôn bằng tiếng Việt, giá cả bao nhiêu, quy đổi từ tiền Việt ra tiền Riên thế nào. Buôn bán, thị trường ở đâu, lúc nào cũng nhanh nhạy.

 

Ở Hà Tiên, chúng tôi ra bến tàu mua vé ra đảo Phú Quốc, đúng vào hôm biển động. Nếu cậu em đồng nghiệp đi cùng không nhát chết, chắc hôm ấy tôi đã liều ra đảo. Không ra được đảo, chúng tôi đành quay về Rạch Giá. Cậu em có bà chị gái ở Rạch Giá, làm nghề giáo. Bữa cơm chia tay, vợ chồng họ còn mời một đồng nghiệp người Bắc, ông này vui tính, xồn xã. Tôi nhớ chuyện ông kể góp vui trong bữa ăn:

 

Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tỉnh này, cuộc sống tẻ nhạt lắm. Những vùng đất nước phèn trong vắt, nhìn rõ đáy. Nước sẵn mà không dùng được, chỉ toàn cỏ lau lác mọc ngút đầu. Với giáo viên người địa phương, thì không sao, thầy cô nơi khác tới, ngày nghỉ buồn tẻ lắm, họ không biết làm gì. Thường các thầy cô rủ nhau sắm đồ, nấu nướng nhậu nhẹt, hay la cà, tham dự hết lượt mọi đám xá trong xóm. La cà, dự cỗ bàn nhiều, nên giáo viên nắm chắc ngày vui, việc buồn của gia đình các học sinh. Hôm đó là sáng thứ hai, trong tiết kiểm tra đầu giờ, anh giáo trẻ gọi một học sinh:

- Hôm qua, cậu có biết là ngày gì không?

 

Cậu học trò nghệt mặt ra, cuối cùng cũng nặn ra được cái ngày hôm qua là ngày gì, giải phóng Điện Biên, đại phá quân Thanh,... Nghe cậu học trò trả lời linh tinh, thầy giáo gắt:

- Tôi không hỏi ngày đó. Tôi hỏi, hôm qua là cái ngày gì cơ mà!

Cậu học trò rụt rè:

- Dạ con ... thưa thầy, hôm qua là… Chủ nhật.

- Không phải! Hôm qua là ngày.... giỗ nội cậu. Thế mà ông bà già cậu không thèm mời tôi.

 

Ông Chánh văn phòng

 

Ông Văn Hoàng là một trong những nhà báo đầu tiên của Đài tôi biết.Ông hơn tôi chín tuổi, tôi gọi bằng chú, nhưng không có họ hàng gì với nhau. Lý do gọi bằng chú, bởi trong khu tập thể, nhà ông sát nhà ông chú ruột tôi và tôi ra trường tá túc ở đây. Thỉnh thoảng ông sang nhà chú tôi uống nước, đôi khi làm chén rượu. Bạn của chú, tất nhiên thằng cháu là tôi, phải gọi các ông bằng chú.

 

Tôi về Đài do chính ông Văn Hoàng là người kiểm tra khả năng làm báo và quyết định nhận tôi. Phải nói rằng, đây là một cơ chế tuyển người hay, nếu đơn vị sử dụng, trực tiếp tuyển, sẽ chọn được người theo yêu cầu, nhưng với điều kiện, người tuyển phải công tâm. Kiểm tra và nhận tôi, nhưng chín năm sau, tôi mới làm lính của ông, khi ông từ Văn phòng trở lại ban tôi. Sau này có dịp hỏi ông: Nếu hồi đó tôi không đạt, có nhận không? Ông bảo, không nhận. Tôi thêm phục. Việc đã xong cả chục năm rồi, giá như tôi, sẽ trả lời ngược lại. Hồi nhận tôi về Đài, không hiểu sao tôi lại không có chút quà cáp gì biếu ông, dù chỉ bao thuốc lá, hay lạng chè. Đây là tình người, là xử sự của người Việt ta. Lúc đó tôi còn trẻ, còn ông chú ruột tôi cũng không nhắc cháu, có lẽ tính ông chú ruột tôi như vậy, không nhận quà và cũng không quà cáp ai. Nay nghĩ, tôi vẫn còn áy náy.

 

Ông Hoàng tính quảng giao, công tâm. Là sếp của tôi, ông duyệt bài nhanh, bắt vở và sửa là chính xác, lính chịu cứng. Dân học sinh giỏi, giật giải toán cấp ba miền Bắc, vẫn khác.

 

Thời bao cấp thật khổ. Hàng xóm nhà ông, một nghệ sỹ nổi tiếng, có chiếc ti vi. Con ông nghịch quá, nhưng nhà họ đóng cửa, không cho vào xem. Con về bảo bố, ông nghĩ mà thương, quyết tâm mua ti vi cho con xem. Ông chọn con đường lợn, tức nuôi lợn để sắm ti vi.

 

Lúc ấy phong trào nhà nhà nuôi lợn, nuôi ngay trên tầng, lợn với người sống chung mái nhà. Cậu em nhà báo Đặng Quang trên tầng năm, cùng cầu thang với nhà ông Văn Hoàng, đây cũng là nhà nuôi lợn rất hăng. Ông Thào là bố của Đặng Quang. Cái tên Ông Thào vốn là nhân vật trong truyện ngắn được giải quốc gia và bố Đặng Quang, những hai lần giành giải. Một dịp tôi ngo ngoe viết chuyện miền núi. Sau khi đọc truyện của bác, nghe văn chương và thấy ông quá am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào vùng cao, chuyển tải được cái thần của đồng bào dân tộc sang ngôn ngữ Việt, tôi không dám viết nữa. Văn thế mới là viết!

 

Tôi hãi nhất là đến kỳ nhà Quang bán lợn. Nhà Quang, người nuôi lợn và lợn nuôi người. Nhà này nuôi lợn mát tay, lợn xuất chuồng đều cỡ bảy, tám mươi cân. Mẹ Quang rất tài, bà huấn luyện thế nào đấy, con lợn vào nhà vệ sinh của người, tự đi ị, không phải dọn phân cho nó. Có hôm tôi sang chơi nhà, con lợn ủn ỉn ra chào khách. Động viên lợn, tôi gãi gãi vào lưng, nó phấn khởi, nằm ình luôn ra sàn. Mẹ Quang phải lấy cán quạt, vọt cho mấy cái, nó mới chịu đứng lên, ủn ỉn về phòng. Lợn cũng có phòng riêng. Nhà Quang ngăn hẳn một góc bếp cho nó. Khi nhà Quang bán lợn, tôi được mời sang khiêng giúp, từ tầng năm xuống đất. Con lợn to, tôi và Quang xúm vào khênh phía đầu trước, anh thợ lợn phía sau. Cầu tháng dốc, đầu khiêng trước chúi xuống và con lợn dãy giụa, xuống đến mặt đất, tôi chỉ còn nước, ước mình được mang đi cắt tiết như con lợn.

 

Cũng về chuyện nuôi lợn, hồi tôi mới về Đài, một đồng nghiệp trong phòng cho con lợn nhảy, lại đúng vào dịp anh làm bữa khao tại nhà. Ngày ấy anh em trong phòng thỉnh thoảng có bữa khao nhau, khao bún chả. Anh đùa rằng, bữa khao lợn nhảy. Hai tuần sau, anh buồn rầu thông báo, lợn nhảy không đậu, hỏng mất rồi. Nhà anh, ngoài nuôi lợn, còn nuôi cả giun đất, một phương cách cải thiện kinh tế gia đình. Không rõ anh bán giun để người ta dùng làm gì,  bán cho người nuôi lợn, hay nuôi gà chăng? Chỉ một lần nhìn chỗ giun nhà anh, tôi đã khiếp, những con giun đỏ loẹt, quấn bối vào nhau. Thôi, đói thì đói, tôi chả dám làm kinh tế giun.

 

Về chuyện nuôi lợn để mua ti vi của ông Văn Hoàng, lần đầu nuôi con lợn được sáu mươi cân, đem bán, thiếu một ít, chưa đủ tiền mua ti vi . Vợ chồng ông bảo nhau, nuôi lứa tiếp. Con thứ hai, nặng bảy mươi cân, xuất chuồng, thì lúc này giá ti vi tăng, lại thiếu một ít. Nuôi đến con thứ ba, thứ tư, vẫn thiếu, vẫn chưa đủ tiền mua ti vi. Con đường nuôi lợn không thể sắm ti vi và cải thiện đời sống gia đình, ông Hoàng quyết định đổi sang nghề dệt. Bán con lợn, ông mua máy dệt len và đi học dệt. Lúc này ông đã là trưởng phòng. Đã tính đi học, không phải học nghề cho mình, mà về hướng dẫn cho bà vợ nhà báo, thành thợ dệt, còn với mình, ông có hướng khác. Một người bạn mách nước, tách gạn bạc từ ni tơ rát bạc trong dung dịch tráng rửa ảnh, ông có thể dùng kiến thức hoá học tu nghiệp mấy năm ở Triều Tiên ra áp dụng.

 

Ngày bình thường trong tuần, ông Văn Hoàng đi làm báo trên cơ quan. Chỉ có chiều thứ Bảy và Chủ nhật, ông xách can đến cửa hiệu ảnh mua lại nước tráng rửa phim, ảnh. Nghề mới thu nhập được. Hành nghề chừng ba, bốn tháng, thông tin tách bạc của ông không còn bí mật nữa, có người biết, bắt chước theo. Khi thứ Bảy, Chủ nhật ông xách can đến hiệu ảnh, người ta thu gom hết rồi, họ còn mua với giá cao. Ông Hoàng đâm mất nghề.

 

Cái máy dệt len, bà vợ sử dụng không thành thạo. Nhiều hôm đang viết bài, bà cứ ời ỡi gọi ông ra hướng dẫn. Thế thì còn tư duy bài vở, tuyên truyền định hướng cho nông dân làm ăn gì nữa. Rồi hàng hoá ế ẩm, đổ ở chợ chẳng được bao nhiêu, dệt len chả hơn nuôi lợn, ông quyết định giải thể nghề dệt, bán tống bán tháo cái máy dệt đi. Lúc này nhà ông vẫn chưa mua được ti vi.

 

Ngày càng nhiều gia đình dùng ti vi. Dùng nhiều, nhu cầu sửa chữa  lớn. Đây là cơ hội kiếm ăn được. Nhà báo tư duy vốn nhanh nhạy, ông Hoàng quyết định học sửa chữa ti vi. Ông Hoàng học nhanh và hành nghề cũng nhanh.

 

Cái ti vi đầu tiên nhà ông dùng là từ cái sát xi Nép - tuyn cũ, tức bộ khung của ti vi, còn đèn hình hỏng, ông mua đèn hình mới lắp vào, giá thành là ba mươi lăm nghìn đồng. Sau này cái ti vi sanyo cửa lùa danh giá mà nhà ông dùng, là mua lại của một đơn vị quân đội. Nó hỏng lâu ngày, đơn vị kia quyết định bán. Ông tới xem, thấy bóng hình không sao, mua lại, giá ba mươi lăm ngàn, về sửa chữa, nghiễm nhiên nhà có cái ti vi oách để  dùng. Còn cái Nép - tuyn cũ, bà vợ bán được sáu mươi ngàn, dôi ra hai mươi lăm ngàn đồng. Cất kỹ tiền rồi, vợ chồng vẫn còn sung sướng!

 

Nghề sửa ti vi kiếm ăn được, là nguồn thu nhập khá của gia đình. Ông Nhà báo trưởng phòng, tối tối xách đồ nghề đi sửa chữa ti vi. Ông Hoàng hành nghề khá lâu và thành thợ cứng. Sửa ti vi kiếm nhất là những nhà có máy mới, nhà giàu mới có dạng máy này, ti vi mới hỏng hóc nhẹ và chủ nhà trả công hậu. Với loại máy cũ, những cái ba bốn lần se cần hen, thứ gì cũng hỏng, khắc phục được pan này, nó lan sang pan khác. Giải thích cho nhà chủ, thì họ không hiểu. Thường những nhà dùng ti vi cũ là nhà nghèo, tiền công đã ít, lại còn phải sửa đi chữa lại.

 

Ông nhà báo không sống nổi bằng nghiệp báo, phải nuôi lợn. Làm nghề tuyên truyền sản xuất nông nghiệp cho nông dân, nhưng nhà mình nuôi lợn không xong. Là kỹ sư hoá, tu nghiệp tận nước ngoài, không hành nổi nghề hoá, phải chạy sang nghề sửa chữa ti vi. Từng ấy nghề mới mua nổi cái ti vi cũ cho vợ con xem, kể cũng buồn. Ngày đó, cảnh dạng trớ trêu này, không phải là trường hợp riêng biệt của ông Hoàng. Có chuyện hài: Một giáo sư nuôi lợn, nó gây mất vệ sinh khu nhà tầng, người ta đến kiểm tra và bảo, sao nuôi lợn, ông cứ nằng nặc, nó nuôi ông, chứ ông có nuôi nổi nó đâu.

 

Lúc là Chánh văn phòng, ông Văn Hoàng vẫn hành nghề sửa chữa ti vi. Đây là trường hợp hiếm, một ông trí thức thợ, kiêm chánh văn phòng cơ quan thuộc Chính phủ, tương đương cấp Trưởng vụ, tối tối xách đồ nghề đi sửa chữa ti vi.

Cơ quan, trưởng phòng hành chính, rồi cơ quan to, chánh văn phòng là chân thơm, kiếm ra tiền. Có một ông lãnh đạo to nhà Đài nói ra mồm với nhiều thuộc cấp  rằng, ông Hoàng giầu lắm, cái chân văn phòng kiếm bẫm. Ông ta đồ, nhà ông Hoàng có mấy cân vàng và một va li đô la. Nếu ông Hoàng có như vậy, kể cũng mừng cho ông ấy. Không thấy ông lãnh đạo kia khoe nhà mình có bao nhiêu. Cứ so chức của ông to gấp rưỡi ông Hoàng, chắc hẳn nhà ông này giàu và kiếm được khá. Khiếp, thế thì giàu quá. Sau này khi ông Hoàng về lại ban tôi, có lần ngồi uống rượu, tôi hỏi: Người ta bảo nhà chú vàng lắm lắm. Thế chú để nó ở đâu? Ông cười:

- Tao độn nó xuống nền nhà. Nhưng tại mày, nó hỏng hết. Mày ngồi uống rượu, cứ bi bủm, làm ố nó đi. Có bận cần vàng tiêu, tao cạy lên một cục, mang ra cửa hiệu, nó chê, vàng non qúa.

 

Người ta kiếm tiền cốt để mà tiêu, để dùng, để mua đất cát, hay cho bớt anh em, họ hàng. Chả ai kiếm, tích vàng để khi chết, mang đi chôn cho đám ma nó sang. Ông Hoàng về làm trưởng ban tôi được một năm, ba năm, năm năm,… thời gian đủ để an toàn. Chắc lúc này ông phải mang ra dùng chứ. Vẫn không thấy ông dùng. Ông này kín đáo tợn. Chín năm làm Chánh văn phòng, rồi chín năm sang phụ trách ban  tôi và  lại về Văn phòng, chở về cái chân thơm. Có bận tôi lên phòng, ông đang lúi húi dở phong bì. Công nhận chánh văn phòng lắm phong bì, lúi húi bóc suốt, một đống đến mấy chục chiếc, toàn loại phong bì dán kỹ, có hẳn dấu B hay C, chính tôi liếc trộm thấy.

 

Tôi cứ ước ao, giá mình được cái chân Chánh văn phòng; ước ao được dư luận đồ rằng, mình có một thúng vàng, cùng bao tải đô la.

 

Nhà báo trộ

 

Nghề báo là nghề sang, viết lách mà. Có người bảo, nhà báo là nhà chính trị nữa. Lời nói đọi máu. Chỉ một bài viết thôi, có ông tự tử nhảy lầu, có người khuynh gia bại sản, có người mất tiệt công danh.

 

Nhà báo cũng có nhà giả, nhà thật. Ngoài nhà báo, còn nhà tranh, nhà đất, nhà nọ nhà kia, họ cũng có thẻ, cũng bút danh, đi đứng oai vệ, nói năng khúc triết, chỉ mỗi tội là không viết bài. Tôi nay làm báo hai chục năm, tuổi nghề ấy, phải gọi là hàng chú báo,  kinh nghiệm khắp mình. Nhiều khi tôi lo, của quý này không truyền ra, nhỡ nó thật lạc, thì phí. Tôi định in kinh nghiệm ra thành sách, nhưng văn chương lởm khởm, bán không ai mua, mà  tặng, sợ nhất người ta biến thành sách lộn và in là phải mất tiền đấy. Thôi cứ nói ra cho đàn em học tập, vừa đỡ phí, vừa tiện. Sau đây xin kê tên một loạt kinh nghiệm, tiếp đó đi sâu phân tích, lý giải: Báo đạo văn, báo phô tô ninh luộc, báo xào nấu, báo doạ, báo trộ, báo thổi kèn, báo...

 

Báo đạo văn

Đạo văn tức là thuổng văn của người khác. Không phải đạo chích, như cô nhà báo nọ ra nước ngoài đạo chích tại siêu thị, bị tung lên mạng, thành ra nhà báo nổi tiếng khắp nước. Nay cứ nghe tiếng, hay thấy mặt là cả nhà tôi đồng thanh, ô kia, nhà báo ăn cắp.

 

Trò đạo văn được tôi áp dụng khi mới vào nghề, cứ thuồng từng đoạn của người khác, rồi trộn với văn mình là thành tác phẩm báo chí. Nhớ là tác phẩm dạng này chớ mang đi thi, hay đăng báo viết, chỉ gửi phát thanh, truyền hình thôi. Phát lên trời, lời nói gió bay.

 

Báo ninh luộc

Hồi mới vào nghề, tôi cũng chăm chú viết, chúi mũi vào điều tra, thế mà vẫn không đủ định mức, còn nhuận bút chẳng được bao nhiêu. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách, sao không ninh luộc báo nhỉ. Mình cứ lấy bài của người khác mà ninh lên. Vậy là tôi dành cả tháng tư duy cho ngấu, hý hoáy viết cả lý luận ninh luộc báo, dài cỡ trăm trang. Dài thế đọc rất mất thời gian, nói ra nhanh hơn, thôi cứ kê cụ thể công đoạn ninh luộc báo nhé:

 

Tôi sắm một cuốn sổ tay, kẻ cột dọc, ngang cẩn thận, gọi là sổ Theo dõi. Sáng tôi đọc nhanh các báo, chọn những bài đinh, mang ra phô tô, phô lấy hai bản, đánh số thứ tự, rồi ghi vào sổ theo dõi. Đám báo phô tô đó lưu lại. Trước đây mươi năm, công ghệ in ấn, internet và báo chí chưa phong phú như bây giờ. Thường các phòng chỉ có mấy tờ, tờ không thể thiếu là báo Nhân dân. Báo cũng không được lưu, vì cuối tháng, hay một quý, nó được mang ra bán giấy lộn, khoản quan trọng để liên hoan phòng.

 

Sau khi ngâm một thời gian, sao cho bài báo kia đủ rữa ra, chả còn ai nhớ được nội dung và từng có bài báo ấy, thì mang ra đánh máy lại, chỉ cần sửa ngày tháng, địa danh và chú ý điền thêm tên mình là tác giả. Thế là nghiễm nhiên có một tác phẩm mới. Lúc đó, dù ông trưởng phòng có là tài thánh cũng không phát hiện ra.

 

Báo xào

Dạng báo ninh luộc mới chỉ dừng ở cấp độ tư duy cơ bắp. Phải đạt đến trình độ công nghệ xào báo mới ăn. Dạng báo xào hơi kỳ công, mất thời gian và hơi có tư duy chất xám. Trước hết cũng phải thực hiện công đoạn đầu như công nghệ ninh luộc báo. Sau khi ngâm cho nó rữa ra, thì chọn cỡ dăm bài, đem đấu với nhau. Phải chú ý chọn cùng đề tài, cùng thể loại, kẻo không lại dạng ông chằng bà chuộc, thì đấu làm sao được. Tỷ như bài khen trộn với bài khen, bài chê trộn với bài chê, chứ đấu kiểu, cái thì chống tiêu cực, cái thì khen, hay bài miền núi, bài miền xuôi, đấu làm sao được.

 

Kinh nghiệm này tôi học từ vùng quê tôi, đấu thuốc lào. Quê tôi họ dùng thuốc lào lá ngọn và lá gốc đấu với nhau. Tôi cũng áp dụng như vậy, tức là đều cùng thuốc lào đấu với nhau, không thể thuốc lào đấu với thuốc lá. Về kinh nghiệm phun nước chè đặc để hồ thuốc cho đậm và êm, tôi cũng đem ra áp dụng, tức là thêm thắt mấy từ, hay lời dẫn vào giữa các bài báo, khi đem đấu chúng với nhau. Ví dụ bài cũ của người ta có cụm từ tích cực, thì nối dài nó sang đoạn sau bằng từ độ, thế là có đoạn văn: tích cực độ, hoặc trong bài gốc có đoạn huyện nhà nô nức làm kinh tế, thì thêm và sửa thành: trong không khi hừng hực ra quân, huyện nhà ta già trẻ trai gái cùng xông ra làm kinh tế. Vân vân và vân vân. Thế là xong rồi đấy. Tiếp đó nộp bài. Dạng báo xào này nhiều khi còn được toà soạn nhận xét là có tư duy, chiều sâu và ăn năng xuất cao ra phết!

 

Báo trộ:

Nhà báo trộ là cứ đem mấy ông to ra khoe mình quen biết, thân thiết như anh em, họ hàng với họ, tưởng tượng ra tính tình, sở thích của họ. Khi rượu chè với thuốc cấp của nhân vật kia, thì đem ra kể bô bô. Xin lưu ý, làm báo trộ cũng phải cẩn thận, vì tôi có kinh nghiệm xương máu. Một lần tôi khoe thân quen với một ông rõ to. Hôm ấy ngồi ở quán bia, tôi huyên thuyên với thuộc cấp của ông kia:

- Hôm qua tớ mới ăn cơm ở nhà anh ấy. Nhà anh ấy có món mầm đá ngon quá.

 

Tôi tả nhiều thứ lắm, như mình đến nhà anh ấy, bà chị biết mình thích  mắm tôm, khẩu vị y như ông chồng, nên bữa nào mình đến, bà chị cũng thửa hẳn bát mắm tôm đỏ au, vắt chanh. Thịt gà chấm mắm tôm ngon ra phết. Tuần trước, tớ dự đám giỗ ông già anh ấy. Cỗ giỗ có món gà quê, ông anh gắp một miếng, chấm mắm tôm, cho vào bát của tớ. Ngon, gà luộc chấm mắm tôm, ngon thật.... Tôi kể đến đây, thì có ông cụ già uống bia ở bàn bên cạnh, cắt lời:

- Cậu ăn hôm nào ở nhà anh ấy đấy? Thằng con trai tôi tuần trước công tác ở thành phố biển miền Trung. Mà tôi, sống sờ sờ đây, cúng giỗ thế nào được!

 

Lúc đó tôi chỉ còn nước chui xuống đất. Chả nhẽ lại cãi nhau với cái ông già lẩm cẩm kia, rằng: Rõ ràng là ông chết rồi! Chính tôi dự bữa giỗ con cháu nhà ông nó cúng ông. Tôi còn định, khi nào ông chết, viếng hẳncái vòng hoa và phong bì một trăm ngàn đồng nữa cơ.

 

Câu chuyện trộ thứ hai của tôi là gọi điện cho chính thủ trưởng của cơ quan mình. Phép trộ này khối anh em ở cơ quan sợ tôi. Mình phải kể cứ như thân thiết với sếp lắm, dạng đệ tử ruột. Một bữa ăn nhậu với anh em, sau khi miêu tả tỷ mỷ chuyện tuần trước mình đi chơi và tâm sự với sếp thế nào, liền sau đó bốc điện thoại lên tâm sự với sếp. Xin nhắc là nếu tâm sự qua điện thoại với sếp trước mặt anh em, thì tâm sự càng lâu càng tốt, cứ anh anh em em, suồng sã được càng hay, chú ý khi bấm điện thoai, di động có 10 số, ta bấm lấy tám, chín số thôi, rồi áp vào tai, khoảng mươi giây, thì bắt đầu bô bô tâm sự. Tâm sự điện thoại, nói phải như thật, mặt mũi cũng khi tươi, khi nhíu, cả cười nữa, phải ngắt quãng, đối thoại nữa.

 

Nói về một cuộc tâm sự với sếp lớn cơ quan qua điện thoại bận uống bia, tôi tâm sự rất hăng, cứ oang oang. Anh em cơ quan ngồi quanh, kính phục quá. Đang lúc tâm sự đang hăng, thì cái điện thoại chết tiệt của tôi kêu reng reng... Thôi chết rồi! Điện thoại đang gọi mà chuông kêu mới lạ chứ.

 

Báo doạ hay là hôi tát:

Làm báo dạng này hơi mất công, nhưng được cái không phải tư duy và nhiều khi vớ bẫm, chí ít cũng được bữa rượu trưa và cái phong bì dày. Làm báo hôi tát như sau: Buổi sáng đọc nhanh các báo, báo nào càng uy tín càng tốt. Tìm xem có vụ đánh tiêu cực nào không, rồi ghi chép lại, càng chi tiết các tốt. Nhớ ghi tên công ty và nhân vật trong bài. Tiếp đó lấy danh bạ điện thoại ra tra số công ty, số giám đốc. Nếu cơ sở ở tỉnh ngoài, thì tìm qua giải đáp đường dài. Tiền tra cứu rẻ lắm. Biết số rồi, gọi ngay đến cơ sở ấy, úp mở rằng, mình có thông tin và cũng đang định đánh đấy. Cam đoan, giám đốc chỉ nghe, đã hãi. Có báo đánh rồi, nay thêm Đài nữa, chắc chết. Sau khi doạ cho tay giám đốc kia rúm tứ túc lại, mới hạ giọng, rằng, thì... là.... mà… mình cũng rất quý tiền. Bằng cách báo hôi tát này, có bữa tôi xơi bộn tiền.

 

Ngoài ra còn một loạt cách làm báo nữa, như báo mạo danh, báo tranh phong bì đi hội nghị, báo nhận xí bài người khác viết, hay mình là sếp nó, báo quảng cáo, báo tăm tia cuối năm, cuối quý đến hỏi thăm tình hình sản xuất, báo.... Đặc biệt là thủ thuật ngôn ngữ nghề nghiệp không được bỏ qua, phải nhớ, nếu không nhớ thì đóng hẳn quyển sổ ra mà ghi, ấy là mấy từ làm vốn hành nghề. Thí dụ như xã hội người ta đang thịnh dùng từ gì, thì phải pha vào phóng sự của mình: Chẳng hạn như một thời, đầu ra, đầu vào, hộp đen, vi mô, trung mô, tiểu mô, hay là ý nghĩa, mục đích, quán triệt, bước ngoặt, vân vân và vân vân...

 

Những kinh nghiệm trên tôi truyền cho cánh nhà báo trẻ, nhưng xin giữ lấy dùng riêng. Đừng nghĩ, ai cũng biết cả đâu. Nó bí mật lắm, bí mất đến mức, có lần, hôm trước tôi mới rút ruột phong bì, hôm sau lên cơ quan, mấy cậu phóng viên hàng con cháu, nhìn tôi như vật lạ từ cung trăng rơi xuống, còn cánh thân hữu, thì dí mồm vào tai tôi thì thầm: hôm qua ông rút được bao nhiêu, uống bia đi. Tôi dễ tính đấy, chiêu đãi luôn. Chứ vớ phải người khác, nhục như thế, còn gạ, uống bằng uống nhục.

 

Đạo đức

Sau đây tôi truyền một kinh nghiệm nữa, nó không thuộc nghiệp vụ báo chí, mà thuộc về đạo đức.

Đến một doanh nghiệp làm việc, tôi khá choáng khi thấy tay giám đốc kia toàn dùng đồ sịn. Tay hắn đeo cái nhẫn lấp lánh viên ru bi, không biết tới bao nhiêu ca ra; quần áo, dày dép toàn đồ hiệu; phòng ốc thì choáng lộn. Sịn nhất là con di động. Tôi biết con này đời mới, ước tới 20 triệu. Trong khi phỏng vấn tay giám đốc, thỉnh thoảng tôi lại liếc nhìn nó, trong đầu nảy ra niềm ao ước, giá mình được sở hữu con di động đó. Có anh chàng nhà báo tôi biết, rất vô duyên, chuyên trò đổi điện thoại, máy của mình rõ ràng chỉ mấy trăm đến một triệu là cùng, máy người ta dăm triệu, mà cứ gạ đổi. Nhiều tay giám đốc cũng dốt, vẫn đồng ý đổi. Lúc đó tôi thoáng nghĩ, hay mình gạ đổi đi, nhưng đã nắm được tay giám đốc này cái gì đâu, phải túm đúng huyệt, bắt đúng thóp nó, mới đổi chác được chứ. Làm việc mà đầu óc tôi cứ lùng bùng chuyện đổi chác điện thoại.

 

Dự kiến buổi làm việc độ một tiếng, được nửa thời gian, thì tay giám đốc xin lỗi có việc, ra ngoài. Rỗi việc và vốn sẵn thèm con di động kia, tôi vươn tay cầm lên xem. Mê ly thật! Khoảng năm phút sau, tay giám đốc quay lại. Trong đầu tôi lúc này chợt tưởng tượng ra mình có cuộc hẹn với cơ sở khác, liền thông báo, tư liệu đã hòm hòm, xin dừng cuộc làm việc ở đây. Vị giám đốc ngỡ ngàng. Trong khi tôi vội vàng cất máy ghi âm và sổ ghi chép, tay giám đốc bốc điện thoại bàn gọi nhân viên, tiết mục phong bì tiễn khách. Lúc này, tôi chả cần thứ ấy. Gọi xong, tay giám đốc nhìn quanh, như muốn tìm thứ gì và lại bốc điện thoại lên gọi. Quái lạ, sao trong túi tôi, có tiếng  kêu tâng tấc. Tôi đành thọc tay vào túi và vẻ mặt quá ngỡ ngàng, khi sờ tay vào túi lại thấy cái điện thoại của tay giám đốc kia ở trong túi quần mình.

 

Cứ gọi là….Davis Hulse

 

Ở phần trên đã giới thiệu về hai người họ hàng Tây của tôi, nhưng toàn là Tây lai, ông trưởng họ và bà bác nuôi, còn sau đây xin giới thiệu hẳn một ông Tây mắt xanh mũi lõ và là Tây United States hẳn hoi, cứ gọi là….. Davis Hulse.

 

Vừa rồi  anh ta lại sang làm Trưởng đại diện một quỹ quốc tế ở Việt Nam. Thế là lần thứ hai, anh chàng quốc tịch Mỹ, gốc Đức này đến làm việc ở ta. Lần trước là Trưởng đại diện một quỹ bảo vệ thiên nhiên. Lúc đó công việc này còn xa lạ với Việt Nam ta. Không ít người nghi ngại, chẳng hiểu cái ấy là hoạt động gì, giá như cứ viện trợ gạo, thịt, ti vi, ô tô, mì chính, vải vóc có hay không.

 

Chúng tôi tụ gặp ở nhà vợ chồng Hoa Điệp, cô bạn trước đây là đồng nghiệp và nhà thơ Đặng Huy, chung cư trên đường Hoa Vàng. Từ buổi quen biết ban đầu, đến nay, gần hai chục năm rồi, thời gian trôi nhanh thật, tôi bạc tóc và D. Hulse không còn trẻ trung, phong độ nữa. Tất cả: Hoa Điệp, anh Đặng Huy, Đặng Quang, tôi và D.Hulse ở nửa dốc bên kia rồi. Chúng tôi gặp nhau, không còn ồn ã, mà nói chuyện triết lý như thơ anh Đặng Huy vậy.

 

Ngày đó phụ nữ vừa qua thời kỳ quần phíp sang mặc Âu, đời sống kinh tế đang lên, chị em nhập cuộc son phấn tợn và say sưa đổi mới. Tôi nhớ một sáng, Điệp đánh váy bò lên cơ quan. Chỉ một chốc, nó là sự kiện của cánh phụ nữ, còn đám đàn ông ít ai chú ý, trừ tôi, người cùng phòng, hơi thấy sự khác, song cũng không lạ, vì ngoài đường, đầy người mặc váy rồi. Chị em tụm năm, túm ba và lúc đó, phần lớn chị em là các bà cỡ nạ dòng. Họ đàm tiếu, họ tức lắm, họ dè bỉu, eo ơi, phụ nữ ai đời lại mặc váy, chỉ có các cụ xưa mới mặc váy.

 

Sự kinh hãi, bất bình của họ không chỉ trên mặt, trong câu chuyện thầm thì cố ý cho cả cơ quan biết, không chỉ ngày một ngày hai, mà kéo dài chừng tới ngày thứ năm cơ. Ngạc nhiên sao, đến ngày thứ hai, tức là bước sang tuần sau, thì đồng loạt chị em nhà ta đều đánh váy… váy xanh đỏ, váy hoa cà hoa cải và ngắn nữa, ngắn tũn tỡn, lại toàn những bà nạ dòng, khoe chân cẳng da đã tầm tuổi sang kỳ nhăn nheo và cái cẳng, hơi có chiều cong cong.

 

Lại Điệp không chào. Khổ quá đi mất thôi, chào ai, chào như thế nào, chào ra làm sao. Trong bụng nghĩ xấu về nhau, chẳng thích nhau, thậm chí ghét như xúc đất đổ đi, nhưng cứ gặp nhau là phải tay bắt mặt mừng, quý như Liên Xô. Người được chào có xứng được chào không? Chẳng lẽ chào rằng, chào bác chưa bị lộ và đang bị lộ ư. Điệp chẳng thanh minh, tiếp tục chẳng chào ai. Nhiều người thấy Điệp cứ không chào, bực nữa.

 

Việc Điệp hút thuốc, người ta cũng mang ra thầm thì, eo ơi, con gái vắt vẻo hút thuốc, kinh khiếp quá! Họ bắt người khác phải y như mình, như cái việc làm báo chẳng hạn, làm bằng miệng, bằng tay, bằng mắt, tức là nhõng nha nhõng nhẽo với cái nhà ông được phỏng vấn. Điệp chẳng bao giờ làm báo như thế. Thế là ghét.

 

Trong phòng, tôi, Điệp và Quang chơi khá thân với nhau. Có thể chúng tôi trạc trạc tuổi nhau. Bàn luận đủ điều, nhiều nhất là chính trị, rồi văn thơ. Điệp và Quang lại còn tâm linh, thần giao cách cảm nữa, họ kéo nhau đến nhà một ông giáo sư để nghe ông này thuyết giáo thần giao cách cảm. Một bận họ rủ tôi, nhưng tôi không đi.

 

Điệp đậu đầu bảng đợt thi vào Đài, đợt thi biên chế chính thức đầu tiên của nhà Đài. Điệp dân học triết, bằng đỏ ở Nga về, tính thẳng, độc lập. Tôi cứ tiếc, tự nhiên Điệp rẽ ngang. Nếu theo nghiệp báo, sẽ là một cây viết phê bình văn hoá, hay chính trị sắc sảo. Thôi chẳng tiếc nữa, cuộc đời là thế, không có Điệp, thì có biết bao nhà khác rồi! Mỗi lần gặp lại, hỏi, Điệp lại làm ở một cơ quan mới…

 

Nhà thơ Đặng Huy giật giải mấy cuộc thi văn chương quốc gia. Quả thật, thơ tôi không hiểu lắm. Anh hay viết thơ cho trẻ em, nhưng người lớn đọc. Thơ anh triết lý, sâu xa, đọc phải ngẫm nghĩ và để nghĩ. Xin trích đôi dòng thơ anh:

….

Trên tượng phật vạn tuổi

có bầu trời muôn năm

Dưới bầu trời muôn năm

có đứa trẻ tập nói

Mái chùa mải rêu phong

quên lặng im gạch ngói

Tượng phật mải hương khói

quên mịt mù thời gian

Bầu trời mải thênh thang

quên nắng mưa trôi nổi

Riêng hoa gạo nở chói

chưa nguôi đỏ một mùa

Cùng đứa trẻ tập nói

đang - đánh - vần - tháng - ba

 

Ta tưởng là ta, ta là vũ trụ, mà ta chẳng biết đơn giản như ta vẫn là ta! Cảm nhận văn thơ mỗi người một khác, của tôi là vậy.

 

Tôi biết Davis Hulse vì công việc, khi anh ta chuẩn bị mở cơ quan đại diện tại Hà Nội. Hồi đó, không chính thức, nhưng có khá nhiều lời bóng gió đến tai chúng tôi, rằng hãy cẩn thận với anh chàng người Mỹ này, mà quan hệ làm gì với Tây. Họ lo là lo chúng tôi lập trường còn non. Non mà tôi khoe với anh ta, chẳng rõ vì sao, năm 1945, nước Việt bị chết đói đến hàng triệu dân, rồi gia đình tôi cũng đóng góp một ông chú cho cuộc chiến,… Thế là lập trường quan điểm già đấy chứ! Dù lập trường cứng, không lo ngại gì, nhưng bao giờ gặp anh người tây này, chúng tôi đều đi hai người, tôi và Đặng Quang.

 

Tôi nhớ một lần, anh chàng người Mỹ này hỏi chúng tôi về thu nhập, hỏi không phải vì tò mò, mà định tham khảo để trả lương cho nhân viên người Việt sẽ tuyển vào làm việc tại quỹ anh ta. Chúng tôi chẳng biết trả lời ra sao. Chẳng lẽ bảo mỗi tháng thu nhập mấy chục đô, anh chàng Tây sẽ không thể hình dung nổi, chúng ta có mức thu nhập vậy. Hồi ấy thu nhập của dân ta rất thấp, như của tôi, quy ra bây giờ, cỡ khoảng dăm trăm ngàn đồng.

 

Buổi đầu quen nhau, khổ nhất là anh ta mời chúng tôi đi ăn. Theo phép lịch sự, chúng tôi phải mời đáp lại. Tôi và Quang, hai đứa gom góp cho đủ tiền bữa ăn đáp lễ. Một lần sau chuyến đưa thăm phố phường Thủ đô, chúng tôi rẽ vào quán phở, chiêu đãi khách món này rẻ và mang tính dân tộc cao - PHỞ. Ngồi vào quán, sau khi gọi xong, Tôi cẩn thận cầm đám đũa đi tẩy trùng nước nóng. Thường hàng phở, trên bàn bày vài loại gia vị và nước chấm, trong đó không thể thiếu lọ dấm, lọ tương ớt. Phở mang ra chưa kịp giới thiệu, anh Tây cứ thiên nhiên múc muôi dấm, muôi ớt tra vào bát phở. Chúng tôi ớ ra, chẳng biết nói gì, chỉ biết lặng lẽ ăn và anh chàng người Mỹ cũng cắm cúi thưởng thức hết bát phở. Không biết Đặng Quang nghĩ sao, riêng tôi cứ cười thầm trong bụng, anh chàng người Mỹ sẽ nghĩ, PHỞ ngon có tiếng của Việt Nam là thế này sao - chua và cay thế.

 

Cái khổ nữa khi chúng tôi quan hệ với anh Tây này là vấn đề đi lại, chẳng lẽ dắt bộ nhau thăm phố phường Hà Nội, hay Đặng Quang xe máy đèo anh Tây, tôi xe đạp. Được cái anh chàng cũng bình dân, sau này anh ta mua cái đi-a-măng để đi lại.

 

Tôi chưa vợ, không tiện và không thể mời Hulse đến nhà, chật chội quá; còn Quang sống cùng bố mẹ cũng chả tiện; với Điệp, kinh tế tàm tạm, vì vợ chồng đều làm báo và sống riêng ở một khu bể bơi. Thực ra, căn nhà Điệp là gầm chỗ ngồi của bể bơi, cơi ra một chút, quanh bể bơi có nhiều gia đình sống như vậy. Thỉnh thoảng, khoảng đôi, ba tháng, vợ chồng Điệp mời D.Hulse, tôi và Quang đến dùng cơm. Bữa cơm thanh đạm, một chút thức ăn, một chút bia và đôi hôm có rượu, anh chàng người Mỹ cũng vui vẻ đạp xe đến dự. Ăn uống thì ít, mà chủ yếu chúng tôi trò chuyện, chuyện trên giời dưới bể, từ tiếu lâm chính trị đến tiếu lâm văn hoá Việt, Mỹ.

 

Ngày ấy tôi hỏi anh chàng Tây những điều mà bây giờ nghĩ lại, thấy lẩm cẩm. Câu hỏi của tôi, anh chàng sống trong thời kỳ bao cấp kế hoạch, như nếu ở nước Mỹ, đào được cục vàng trên mảnh đất nhà mình, thì ai được hưởng. Và cứ ngạc nhiên khi biết, ở Mỹ, hằng ngày anh ta ăn uống tại nhà hàng, không nấu nướng, như tôi lúc đó, ngày ngày mang cặp lồng đến cơ quan. Rồi cha anh ta là mục sư, mà có vợ và sinh ra anh ta.

 

Một lần vợ chồng Điệp tổ chức chuyến ăn ở Hồ Tây, thuê hẳn chiếc thuyền nhỏ. Dịp ấy nước Mỹ đang trước kỳ bầu tổng thống. Anh chàng Tây bảo, từ khi đủ tuổi công dân, anh ta bầu ai là người đó trượt và khoe, lần này sẽ bầu cho một ứng cử viên. Có người nói, anh ta chọn thế là đúng và chúng tôi xúm vào chúc tụng tổng thống tương lai của nước Mỹ. Mem rượu làm chúng tôi hăng hái chúc tụng, nhộn một góc hồ. Y như rằng, sau đó ông ứng cử viên đó trúng cử.

 

Tôi có lần đi công tác cùng D.Hulse. Trong chuyến đi, tôi ngượng với anh ta, ngượng không phải do hành vi của mình, mà ngượng thay vì hành vi của mấy ông quan ta. Bộ tổ chức hội nghị về bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Anh Tây cũng tới Bộ, đi xe chung. Vì chiếc cầu vào Cúc Phương bị trục trặc, phải dừng và cả một đoàn xe dự hội nghị rồng rắn đứng chờ. Trong khi D.Hulse là đại diện của nhà tài trợ, thì đi xe chung, còn các quan nhà ta, phía nhận tài trợ, mỗi ông ngỗn ngện một xe, có ông còn đem theo cả vợ con đi Cúc Phương dự hội nghị chơi. Cảnh ấy chướng quá, tôi đâm  ngượng với anh người Tây thay cho họ. Lúc về, xe rộng, chỉ có dăm khách, anh Tây chọn ghế sau, lăn quay ra ngủ. Nhìn anh chàng người Mỹ ngủ, tôi càng ngượng tợn.

 

Chuyện say

 

Rượu là một phát minh của nhân loại! Thế nên, trong các buổi tiệc tùng, chiêu đãi, bao giờ người ta cũng dùng rượu.

Triết lý của dân rượu: Uống mà không say, thì uống để làm gì? Phí rượu!

Lại triết lý nữa: Uống mà không say uống là không phải uống.

Uống để ta tỉnh người say.

Uống say mà ta vẫn tỉnh.

Uống.......

 

Nghe đồn ông Chu Ân Lai là bậc cao thủ rượu. Chả biết có thật không, vì đã uống với ông ta bao giờ.

Tôi biết bài thơ say của một nhà thơ:

Có một lần say khóc

Nỗi buồn thả dây cương

Tỉnh lại ân hận mãi

Có vương ai trên đường

 

Chánh văn phòng Văn Hoàng, tôi và Hùng Béo đôi chiều uống với nhau. Quán góc ngã tư Khâm Thiên là điểm chúng tôi ưa ngồi. Uống có lúc tỉnh, lúc say; có lúc khi say mà tỉnh; có lúc khi tỉnh mà say; nhưng say như cụ Lý Bạch, thì chửa bao giờ có.

 

Nói về say rượu, thì ngày bé tôi có một bữa uống rượu vụng, bị say chí chết. Không ngờ lớn, lại làm đúng nghề phải say. Ngay khi về Đài, có buổi liên hoan phòng, tôi lính mới, vì biết nấu ăn, liền lao vào bếp.

 

Bữa liên hoan, nấu nướng ngay tại hành lang cơ quan. Củi lửa là gỗ gỡ ra từ mấy thứ lung lay khắp các bàn, ghế, còn tủ thì tấm nào mòn mọt, cho vào nổi lửa luôn, thiếu, dùng thêm giấy báo. Lúc tôi chặt thịt gà, anh trưởng phòng ngắm lính mới, buông câu, thằng Mới và cười hề hề. Tôi cú quá. Ông này dân ngôn ngữ, văn chương nhiều, tưởng tôi anh chàng học chuyên ngành hoạn lợn, nên gọi xỏ mình là thằng Mới, một nhân vật của nhà văn Nam Cao. Thế có cú không chứ. Tôi nhớ và thù mãi. Bữa liên hoan đó tôi được trận say chí chết. Nghĩ lại, mình mới về cơ quan, sao không biết giữ gìn, cứ thục mạng, hết mình uống.

 

Trận say nhớ đời là chuyến đi công tác Lạng Sơn. Tối đó một cơ quan tỉnh  đãi khách, trừ sếp Phó ban của tôi không uống, còn chủ, khách say khướt. Say đến mức, mấy ông trong Ban định canh túm vào đánh nhau, còn khách chúng tôi hô hố cười, vỗ tay tiếp sức. Vui nhất là một ông cán bộ chồm chỗm  trên mặt bàn, nhặt xương ăn tiếp. Sáng hôm sau sếp phó ban vào phòng, thấy anh trưởng phòng thiêm thiếp, hỏi, như thế này, nó say đến bao giờ. Anh lái xe đùa, phải mấy ngày nữa. Sếp Phó ban hoảng. Đúng lúc ấy anh trưởng phòng nhỏm dậy, tỉnh như sáo.

 

Tôi còn nhớ chuyện đợt ấy chúng tôi tranh luận với ông lãnh đạo một sở nọ. Ông này nói rất hay và có lý của ông ta. Khi tôi hỏi về ngân sách tỉnh dành cho công tác nghiên cứu khoa học, ông say sưa trình bày, say sưa tới mức, coi chúng tôi như kẻ đi xin kinh phí.

- Nghiên… nghiên cứu cái gì. Các ông cứ dài ra đòi kinh phí. Tôi hỏi, xưa nay nông dân nghiên cứu cây thuốc lá bao giờ, vậy mà thuốc vẫn ngon, khói vẫn đậm. Còn các ông vòi tiền, tỉnh đầu tư không biết bao nhiêu rồi. Cây thuốc lá chưa nghiên cứu, thì cao tới cả mét mới có hoa, lá bằng tàu lá chuối. Các ông nghiên cứu, cây thuốc mới cao bằng cấy lúa, đã trổ hoa, lá thì to bằng cái lá hẹ. Đấy, nghiên cứu đấy! Tôi mà có quyền ấy à, cứ đuổi ráo đám khoa học nghiên cứu ấy đi.

Không biết ông đuổi được những ai, chỉ biết, chính ông này suýt bị đuổi. Hình như ông dính vào tham nhũng. May thay, đang dưng ông lăn đùng ra bán thân bất toại, nên không phải hầu toà. Sau này mỗi khi gặp anh lái xe, tôi thường đùa, chào anh: nghiên cứu, nghiên cứu cái gì...

 

Với anh lái xe của cơ quan, tôi có nhiều chuyến công tác Tây Bắc và vùng cao. Ông này là kho tiếu lâm phóng tác và thu nhặt lắm thứ chuyện nhà Đài. Thường người miền núi rất hồn nhiên, hay hỏi đi nhờ xe, anh lái xe gọi đùa các chàng trai trẻ Mông hỏi đi nhờ là anh cu Tỉn. Một lần chúng tôi đến huyện lỵ Bắc Hà, quê hương rượu ngô ngon có tiếng của người Mông, nghỉ tại nhà khách huyện, khu dinh thự của viên quan người Mông, Hoàng A Tưởng. Hôm đó chúng tôi đến đúng dịp có cuộc họp cán bộ các xã. Đường từ xã, bản lên huyện, nhiều nơi mất cả buổi xe ôm, nên cán bộ xã thường lên ngủ đêm trước ở huyện, hôm sau họp. Buổi sáng tôi và anh lái xe ra đánh răng, rửa mặt. Tôi múc chậu nước, vắt khăn lên thành chậu và ngồi đánh răng. Mải đánh răng, khi quay lại, tôi thấy một anh cán bộ người Mông hồn nhiên dùng khăn và chậu nước tôi múc sẵn, rửa mặt. Tôi ngạc nhiên quá. Chờ cho anh ta rửa mặt xong, tôi tráng và múc lại chậu nước, dùng tay mà rửa. Rửa mặt xong, quay sang, thì lại thấy cả bản chải và ca đang được anh ta sử dụng tiếp. Còn đang ngây ra nhìn, thì ông cán bộ kia, sau khi đánh răng, rửa mặt xong, hồn nhiên trả lại bàn chải và khăn mặt cho tôi, anh lái xe ta lúc này sằng sặc cười:

- Thế nào, biết anh cu Tỉn chưa?

 

Trở lại buổi sáng, sau bữa say rượu đêm trước ở Lạng Sơn, chúng tôi tới làm việc với một đồn biên phòng. Thôi rồi, lại sa vào ổ say, bia đổ như nước, cả đoàn được trận say tiếp. Say, mà ngay sau đó, chúng tôi vẫn lên xe. Liều thật.

 

Xe theo đường số 4 đi. Đường núi vắng hoe. Nhìn bên đường ngăn ngắt đá vôi cao xanh thẳm. Sếp phó ban sợ lạc, mấy lần bảo dừng xe hỏi đường, nhưng sợ trấn lột, lại thôi. Tới một quán nước, xe dừng, gặp được ông khách. Ông này giới thiệu là chánh văn phòng huyện và hỏi đi nhờ nữa. May quá, chúng tôi rước vội ông ta lên xe. Trên xe, thấy ông này líu lo nói. Thôi chết rồi, vớ phải một ông say. Xe bốn người, thì ba ông say, kiếm được tay dẫn đường, lại phải ông say nốt. Được cái trên xe toàn kẻ say, nên câu chuyện rôm rả. Có lúc anh  tai vừa điều khiển xe, vừa ngó sang bên đường:

- Lãng phí quá! Sao lại xây những hai cái nghĩa trang liền nhau.

Sếp phó ban sẵn sợ ông tài say, vẫn không nhịn được, phá ra cười:

-  Có mày say, một, nhìn thành hai.

 

Sau chuyến đi này, say thế mà anh trưởng phòng viết được cái bút ký thật hay.

Đài có hai vị cùng họ, cùng đệm, cùng tên, nhưng không phải anh em, họ hàng, đó là nhạc sỹ Trần Nhật và phóng viên Trần Nhật, chức tước ngang nhau. Tôi và họ có mấy bận say.

 

Nhật- Nhà báo tâm huyết với nghề và là một tay viết cứng. Còn trẻ mà say ra phết. Một bận tôi và Nhật đi uống, lúc về say, tôi đèo Nhật phóng như bay. Qua quãng Cửa Nam, có anh béo cảnh sát giao thông đứng chỉ đường. Lúc đó đường đông, xe chạy chầm chậm, tôi phải tạt sát xe vào anh ta, Nhật ngồi sau, giơ tay, đập một nhát vào cái mông béo của anh cảnh sát, miệng quát to:

- Ơ, cái đít!

 

Anh cảnh sát bất thình lình bị cái đập đít, ngớ ra nhìn. Thấy kẻ say, đành chỉ biết cười nhìn theo.

Còn một bận tôi đi uống với Trần Nhật nhạc sỹ, tôi say và Nhật tỉnh. Lúc về, anh bạn lại dại dột trèo lên xe tôi. Tôi say lướt xe vù vù. Vừa phi, tôi vừa quay lại chửi bạn. Chửi rất hăng. Kẻ say nó chửi, thì không sao, kệ xác nó. Đằng này nó lại cầm tay lái, mình ngồi sau và nó chẳng nhìn đường, cứ ngó ngang mà chửi, anh chàng Nhật sợ vãi linh hồn. Xuống không được, ngồi không xong, chỉ còn cách Nhật ta xuống nước, mặc cả với kẻ say:

- Thôi, ông cứ chửi đi! Nhưng thẳng mặt lên mà chửi.

Nghe bạn bảo vậy, nghĩ, tôi càng bực, nó khinh mình. Chửi mà không nhìn vào mặt nhau, thì chửi cái nỗi gì. Tôi liền quay hẳn mặt lại, chửi. May mà chúng tôi chả xô vào ai.

Hôm sau Nhật hỏi tôi:

- Hôm qua ông chửi gì thế?

- Chửi ai, chửi cái gì, chửi bao giờ Nhật?

- Hôm qua, ông chẳng chửi hăng lắm cơ mà!

- À, tao thấy mấy thằng đi đường, phi xe nhanh quá. Bảo chúng từ từ thôi. Kẻo không, tai nạn giao thông, chết bỏ bu!

Tôi làm quen và chơi với Nhật cũng vì quá hâm mộ nhạc sỹ. Sau chơi rồi, thấy anh chàng này rất sát giải. Cứ dự thi là trúng, mà trúng toàn giải to. Tôi đâm nể. Nhưng khoản nghe nhạc của Nhật, tôi hãi, toàn thính phòng, giao hưởng, ngang bằng đêm nghe buổi nhạc đãi của cậu em Doãn Doãn.

 

Phải kể thêm trận say ở Khu bảo tồn Nghệ An. Chuyến ấy tôi vào để phản ánh dự án bảo tồn rừng do anh bạn trẻ Đậu Phi

Tú theo dõi. Tú nhà ở ngay thành Vinh, nay phụ trách một dự án liên doanh với Đài Loan, tới hai mươi triệu đô. Một anh chàng năng động và dễ mến. Bữa trưa, các thầy cô một trường trung học phổ thông mời cơm nhà báo. Các thầy cô nhiệt tình quá, tôi lu bù được chuốc rượu. Kể ra mình hơi tham, nếu khéo từ chối, chả say thế. Lúc trở lại khu bảo tồn, nhà trường cử một ông thầy đỡ say, đèo tôi. Đưa đến cổng trụ sở Khu bảo tồn, thầy giáo lảo đảo quay xe về luôn.

 

Tôi loạng choạng bước vào nhà bảo vệ, nằm vật ra chiếc võng mắc sẵn ở đây. Tưởng người lạ, anh chàng bảo vệ vừa thay ca, bước lại phía tôi. Anh ta nói nhiều lắm, mà tôi chẳng rõ anh ta nói gì. Thấy anh ta nói mãi, tôi đành ngóc đầu lên, phun cho một bãi. Anh chàng hoảng hồn, may né kịp, không thì hưởng trọn bãi nôn tôi tặng. Chiều ấy ông Giám đốc khu bảo tồn có bữa chiêu đãi. Đến lúc đó anh bảo vệ kia mới biết tôi là khách. Cầm chén rượu, anh chàng tiến về phía tôi, bẽn lẽn xin lỗi. Giám đốc không hiểu anh chàng dưới quyền lỗi lầm gì với khách, hỏi, tôi liền gạt phắt:

- Nôn say ấy mà!

 

Người xưa cũ

 

Anh trưởng phòng Kinh tế cũng là bạn rượu của tôi. Anh và chú Trưởng ban Trần cùng quê Nam Định. Chú Trưởng ban khen văn anh sang trọng và điệu đàng. Uống với nhau, anh và tôi toàn nói chuyện lăng nhăng, ít khi bàn văn chương. Một lần anh khoe, đang thai nghén cuốn tiểu thuyết vùng quê anh, trong đó anh tâm đắc, nhắc nhiều tới chi tiết, vụ cứu cô gái suýt chết đuối, thấy bảo phải lột truồng cô ta ra mới cứu được.

 

Tháng bảy xập xì mưa Ngâu, Ban tôi tổ chức chuyến nghỉ Sầm Sơn. Trong lúc trò chuyện ở bãi biển, anh rủ tôi mùa thu ấy sẽ cùng lên Điện Biên, vừa công tác vừa thăm đứa con trai dạy học trên đó. Chưa kịp, thì anh đã đi rồi. Âu cũng là số phận, một kiếp người đào hoa và lận đận, buồn như truyện ngắn anh trở lại thăm Chị Thìn. Thôi thì tôi có vài dòng này, như trái khế đặt lên ban trong ngày giỗ, trái khế trong truyện ngắn Cây khế của anh đấy, anh ơi!

 

Chú Trần, trưởng ban sống đại lượng, ôn hoà, thu phục nhân tâm. Tôi còn nhớ, trong một buổi dự giao ban, có người phát biểu khá hăng, trong lúc nghe, chú thủng thẳng kéo ngăn bàn, cầm mẩu bánh mì khô lên, thản nhiên nhấm nháp, để cho diễn giả nói tới khi chán, mới tưng tửng:

- Chuyện này tớ nói từ lâu rồi, nói từ hai mươi năm trước cơ! Người bảo rằng hay, người bảo không hay.

 

Và chú Trần thơ thẩn cười. Anh phó phòng của tôi rất khoái triết lý ẩm ương trên của sếp, thỉnh thoảng còn mang ra nhại trộm, người bảo rằng hay, người bảo không hay. Nhớ có lần tôi vào nộp chương trình, chú Trần đang bận tiếp khách thơ, chú ký cái rẹt và nói:

-  Tớ ký, cậu chịu trách nhiệm nhé!

Một lần tôi đến chơi nhà chú, lúc ấy nhà thơ Lệ Rơi ra họp Quốc hội, cô   đang bế thằng cháu nội. Nói chuyện loanh quanh, rồi tôi và chú Trần chuyển sang chuyện chính trị, đến lúc này cô Lệ mới góp chuyện. Vừa nghe vợ nói, chú Trần nhíu mày bảo:

- Bà thì biết cái gì!

 

Bà nghị sĩ, mà chú bảo không biết gì về chính trị. Đấy, chú Trần cứ thế đấy!

Hồi mới về cơ quan, sáng sáng chú Trần hay sang phòng tôi. Còn sớm, nên cơ quan chửa có ai. Mới vào đến cửa, chú đã khoe, đêm qua tớ sáng tác được bài thơ. Thơ chú Trần nhiều bài được phổ nhạc, bài Ngày xưa, thế hệ tuổi trung niên rất ưa nghe. Trong khi anh Nguyễn, sếp phó phòng tôi pha nước, chú Trần ngâm nga đọc thơ. Người làm ra thơ, rất thích được kẻ khác bình. Biết ý vậy, anh Nguyễn tiếp nước và bình thơ thủ trưởng. Nhiều lần anh đã hết lời khen, vẫn bị sếp mắng cho một chặp. Cái cậu này, thơ người ta ý thế này, cậu lại tán ra ý kia. Khổ thế đấy, chê không được, mà khen cũng không xong. Tôi và Đặng Quang, đám hậu sinh, không dám ho he, chỉ biết ngồi thưởng thức thơ và uống nước chè, bố dám bình thơ sếp, lớ xớ lại vớ phải trận mắng. Mấy lần nghe thơ, nghe bình thơ và chú Trần mắng anh Nguyễn, rút kinh nghiệm, những sáng sau, vừa thấy chú vào khoe, đêm qua tớ sáng tác được mấy bài thơ, tôi và Quang vội lỉnh ngay, chỉ còn anh phó phòng ngồi bình thơ và nghe thủ trưởng mắng.

 

Mỗi khi xuất bản, chú Trần lại tặng và hỏi, tôi im ỉm. Sau này tặng thơ, chú chả gặng hỏi nữa. Riêng tôi vẫn thích bài Bụi gày, chẳng biết là tại sao:

 

Đêm dài nằm ngủ chẳng yên

Dậy đem chiếc đó đơm trên bờ rào

Sang canh gió nổi ào ào

Gió như dòng thác đổ vào hàng cây

Sớm mai chiếc đó căng đầy

Đổ ra được ít bụi gầy li ti

 

Còn nhớ một lần, không hiểu sao, anh em lại đem chuyện, nếu như quan chức thời phong kiến, thì phẩm, hàm của chú Trần vào loại cỡ nào, có người bình bầu chú vào cỡ bát phẩm. Thực ra, chức trưởng ban, ít ra cũng hàng tòng ngũ phẩm, hay chánh lục phẩm, tức khoảng gần tri phủ, họ lại hạ chú xuống mấy cấp, ngang cụ chánh tổng. Lúc ấy, không thấy chú Trần nói gì. Đúng như có người nhận xét, ông nhà Nho sinh ra không phải thời Nho, biết mà chẳng nói.

 

Anh Phạm Phạm hay hầu chuyện chú Trần. Anh có truyện dài Hậu thời đại lúc đó dư luận khá xôn xao. Kể cũng lạ, hai người này tính khí khác nhau, mà lại hay chuyện với nhau. Tôi đồ rằng, một ông cò cưa, chuyện này tớ nói từ hai mươi năm nay rồi và một ông cứ: không, không, Hậu thời đại làm gì mà anh biết. Có lẽ từ đó anh Phạm là người biết nhiều về chú Trần. Chẳng hạn, khi nước ta ồn ã tiểu thuyết “Báu vật của đời” – nguyên nghĩa là vú to, mông nở, của nhà văn Mạc Ngôn, thì Phạm Phạm kể, chú Trần tuyên ngôn, đại ý là: Một dân tộc biết có cường thịnh hay không, hãy nhìn vào mông và cặp vú người phụ nữ. Hoặc như, cũng qua Phạm Phạm, mà hai bài thơ “Vui xuống cấp” và “Ngày xưa đi cày” của chú Trần được nhiều bạn bè biết tới. Một nhà văn đã đưa cả hai bài thơ này vào tiểu thuyết của mình... Ngược lại, tên truyện “Hậu thời đại” của Phạm Phạm, lại do chính chú Trần đặt. Lúc đầu tác giả định đặt là Tạp lục thời đại.

 

Hồi ấy ở huyện ven biển Nam Định, trong khi làm thuỷ lợi, người ta phát hiện ra bộ xương lớn. Anh Trưởng phòng Khoa học báo cáo tin đó với chú Trần. Cứ như anh trưởng phòng, thì đây là bộ xương con khủng long. Nghe xong, chú Trần rất mừng, quê mình phát hiện ra khủng long. Vốn cẩn trọng, chú Trần hỏi đi hỏi lại ông Trưởng phòng Khoa học. Sau cả tuần, anh vẫn như đinh đóng cột, các nhà khoa học khẳng định là khủng long. Lúc này, chú Trần phấn khởi quá, so sánh, phát hiện trên ngang bằng sự kiện Hoa Kỳ phóng tàu vũ trụ A pô lô. Vậy là Nam Định quê chú không phải vùng đất biển mới bồi, như lâu nay người ta vẫn giả thiết, mà nó phải có lịch sử tới cả vạn, triệu năm. Tự hào quá, một miền đất văn vật và văn hiến! Chú gọi điện về cho lãnh đạo xã, huyện, dặn dò phải có kế hoạch chu đáo cho sự kiện này. Cứ như chú Trần tiên đoán, thì tới đây, cả vạn, triệu khách sẽ đổ xô tới tham quan con khủng long. Không lo trước, người ta đến du lịch, giẫm nát hết lúa. Xã, huyện phải quy hoạch vài sào, không, phải vài ha để làm nơi tham quan cho khách.

 

Hỡi ôi, tin từ ông Trưởng phòng Khoa học là tin vịt! Bộ xương kia chỉ là cốt con cá voi chết cạn. Thôi, thế là vùng đất văn vật ven biển Nam Định vừa nâng cấp lên vạn, triệu năm, lại bị hạ xuống còn dăm bảy trăm năm tuổi! Trước sự thật lịch sử phũ phàng ấy, chú Trần rất bực, bực đến mức văng cả tục ra với ông Trưởng phòng Khoa học.

 

Ông lão nhà thơ họ Trần ngày xưa đi cày , anh Trưởng phòng Kinh tế với “ Cây khế” và anh Trưởng phòng Khoa học nay đã mất. Họ thành người ngày xưa mất rồi!

 

 

 

Chương : 1    2    3    4   5   
Trọng Huân
Số lần đọc: 1450
Ngày đăng: 30.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thơ (truyện ngắn)
Lỗi em (truyện ngắn)
Bức hoạ (truyện ngắn)
Thật Mặt (truyện ngắn)
Nhân cách đói (truyện ngắn)
Mất ngựa (truyện ngắn)
Kẻ trông chùa (truyện ngắn)
Ao làng (truyện ngắn)
Khóc nghề (truyện ngắn)
Khi người ta đói (truyện ngắn)
Kỷ vật (truyện ngắn)
Ngõ xóm (tạp văn)
Con nhà sẩm (truyện ngắn)
Hoài niệm... (tạp văn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Cuốn sổ tay (truyện ngắn)
Chuyển nhà (truyện ngắn)
Số kiếp…! (truyện ngắn)
Tôi cưới vợ (truyện ngắn)
Chết… vì nhục (truyện ngắn)
Làng ma (truyện ngắn)
Đêm tân hôn! (truyện ngắn)
Thằng đói (truyện ngắn)
Viếng ma (!) (truyện ngắn)
Vĩ nhân (truyện ngắn)
Cúc ơi! (truyện ngắn)
Hoa cúc quỳ (truyện ngắn)
Sống gửi... (truyện ngắn)
Ông sư… (truyện ngắn)