1.
- Buổi sáng anh gọi mà em đi đâu mất tiêu!
- Dạ em đi chợ...
- Ồ, hôm qua em có nói mà anh quên. Đi chợ mua được gì không cưng?
- Dạ em đi lang thang coi đồ thôi anh. Có mấy cái áo trắng kết ren dễ thương mà còn mắc quá chừng. Rồi cô thấp giọng:
- Em đợi họ sôn, em mua …
Anh cười. Cô hình dung gương mặt của anh, lúc cười.
2.
Hình như chỉ có người Việt mới biết, mới thích, mới nghiện café!
Ở đây, bàn ghế trong cái quán này nhìn sao giống như một McDonald's quá. Không có vẻ gì Starbucks Coffee hết. Hay là khung cảnh Starbucks chỉ lãng mạn ở các thành phố lạnh? Hay là cô từ bên Tây sang nên bất cứ cái gì lớn hơn, to hơn, rộng hơn với cái khung chật hẹp xứ Pháp là cô bị khựng lại ngay?
Như chiều nay, cô đo bằng mắt khoảng cách từ chỗ anh, chỗ cô với cái bàn phía sau lưng cách nhau gần hai thước! Xa cách vậy có cái hay là khỏi ngại bị móc túi, nhưng đã gọi là café rồi thì ít ra phải có không khí ấm cúng. Đằng này sao giống như một quán nước. Hay là người Mỹ không biết uống café? Cô muốn nói ý tưởng đó cho người đối diện nghe nhưng nghĩ sao lại thôi. Ngại người ta lại cho rằng, “Nhập gia mà không biết tùy tục”.
Thôi, không nói hôm nay thì mai mốt nói.
Có chị nhà Văn nào đó bên Cali, nghiện café đến độ vào quán trả tiền ly café mà chỉ xin nước sôi rồi mang theo café ở nhà đến để tự pha chế riêng. Nhưng thiệt tình đó chớ, không uống thì thôi chứ nếu uống café mà nhạt như nước lã, không mùi, không vị, chán chết đi.Cô không phải là dân nghiện nhưng mà có café sữa nóng để nhâm nhi vào lúc mới thức giấc thì tuyệt vời … trên cả tuyệt vời!
Cô quay lại nhìn anh. Anh loay hoay tháo túi đường nhỏ bỏ vào ly của cô, rồi anh dùng cái que dài sọc quậy đều. Anh làm cô nhớ đến một bức tranh nhỏ tìm thấy trong tiệm sách gần nhà. Bức tranh vẽ một góc bàn, hai tách trà và tác giả để lại bên cạnh dòng chữ đại khái như sau: “Khi mắt nhìn mắt, thế gian này có gì gọi là quan trọng hơn!”
Cô thấy cử chỉ anh tự tin, khoan thai không có vẻ gì gọi là “phách” hết. A, đúng rồi, khi không cô tìm ra đúng chữ rồi! Phách đó, nghe rất có lý. Từ đầu cô đã không ưa, (chứ không phải là ghét), cái nụ cười nửa vầng trăng khuyết như thế. Cô thấy cái "cách cười" ấy, nó sao sao đâu. Cười (mà) cũng có cung cách.
Ngó thấy ghét.
Chết bà! Hồi nãy sao nói rõ ràng là chỉ không ưa thôi bây giờ khai thiệt là nói ghét người ta.
(Mà có vẻ như, ghét ngầm người ta từ đời kiếp nào vậy?)
3.
Ở Paris, có 37 chiếc cầu trên dòng Seine. Pont-Neuf là chiếc cầu lâu đời nhất nhưng lại mang tên là Cầu-Mới. Neuf, tượng trưng cho con số 9, và nói lên điều mới mẻ. Vậy, Pont Neuf là Cầu Mới. Cô thích dịch như vậy đó. Hôm qua, để thử nghiệm lần nữa cái máy chụp hình cũ ông anh rể cho vào ngày cuối ở Cali, cô hăng hái lấy métro xuống trạm Pont Neuf cho kịp chuyến du thuyền khởi hành vào lúc 8 giờ tối. Ngồi trong métro, vừa lo, vừa mong cho mau tới. Bởi nếu không cô phải chờ chuyến khởi hành vào lúc 9 giờ đêm. Nhưng trời thương thiệt. Xuống trạm Pont Neuf mới có 8 giờ kém 10. Có điều Trời thương thiệt chút đỉnh thôi à, cô đi không đúng lối ra, hay là cô chỉ quen dùng lối ra này để đi thành thử phải lội bộ từ đầu cầu bên này cho đến cuối cầu bên kia. Rồi hối hả theo các nấc thang xuống kịp mua vé, để lên thuyền.
8 giờ tối, trời còn sáng và ấm áp quá chừng. Khách du lịch từ đâu đến mà đông như thế này không biết. Ai nói, ai than van tệ trạng khó khăn của kinh tế vậy? Cô thấy vui lây. Cô tưởng, 8 giờ tối là… tối lắm. Là người ta lo cơm nước. Là chuẩn bị coi tin tức buổi tối xong lo chui vô giường ngủ hết trơn rồi.
8 giờ tối đêm nay thì không. Người ta mặc quần áo mát mẻ. Đâu ai như cô đâu. Cô “thủ” áo lạnh, áo khoác, kể cả khăn choàng cổ. Đống bộ chi cho nhiều vậy không biết.
Ừa, hãy đợi đấy. Thuyền ra sông, gặp gió rồi sẽ biết gió từ lòng nước thổi ngược lên mát mẻ cỡ nào nghe!
Cô cười một mình trong bụng, khoan thai, ngồi bên dưới chỗ không có ai để dễ bấm máy hình. Hầu như khách du lịch - đi theo đoàn - được ưu tiên mời lên tầng nhất ngồi. (Ngoài tầng nhất, không còn tầng nào khác cao hơn đâu. Nhưng nói vậy cho có vẻ xa cảng, sang cả đó mà).
Có mấy chiếc du thuyền khác, cần phải đặt chỗ trước để họ lo phần ăn tối. (Buổi tối, gọi là ăn Đi-Nê của tiếng Pháp, và Đi-Nờ của tiếng Anh). Sao tiếng Anh, có nhiều âm hay chuyển sang dấu huyền quá há? Hay là người Việt mình yêu thích nhấn âm huyền cho giống người Anh, người Mỹ, thành thử nghe người Việt mình nói tiếng Anh cứ nghĩ tiếng Anh nhiều âm huyền? Như: Mẹc-Xê-Đì (Mercedes), Kim-Bẹc-Lỳ (Kimberly). Người Mỹ, người Anh thiệt, họ phát âm có cài cái dấu huyền ì ạch theo sau không ta?
4.
Nhổ neo. Rời bến. Những nốt nhạc đêm rắc xuống dòng sông êm ả hiền hòa. Làm sao lòng không thể hiền hòa khi lát nữa đây bến đỗ này cô lại tìm về. Ra đi mà không biết bao giờ trở lại, mới sợ!
Như trong mắt anh có đôi chút lo lắng. Sao lo? Anh nắm lấy những ngón tay cô siết nhẹ. Bàn tay của anh lớn hơn bàn tay cô nhiều quá. Bàn tay không có vẻ khô cằn. Vậy là người “tương đối” cũng siêng năng, biết chăm sóc chính mình. “Không có vẻ khô cằn lắm”, không có nghĩa là người lười hoạt động, trái ngược lại là người siêng hoạt động mà biết chăm sóc bàn tay mình! Để làm gì nhỉ? Anh Bắc Kỳ. Cô Nam Kỳ. Cô nên tập nghe cho quen, nhỉ với nhá. Tưới hột sen vào. Trở lại câu chuyện của anh, cô suy nghĩ giùm anh. Như thầy bói mù, nắm được tay người rồi là phải sờ mấy đường gân, rà mấy nếp nhăn để phỏng đoán sức khoẻ tình duyên gia đạo.
Đoán mò. Hên. Biết đâu trúng.
- Em cảm thấy anh không phải người nóng tánh. Anh siêng chăm sóc bàn tay chắc là để phòng hờ có nắm giữ những ngón tay thon thả mềm mại của tiểu thư nào đó, hỏng làm người ta hết hồn. Há?
- Này, không có người ta nào hết ngoài cái cô đang ngồi bên cạnh đâu nhé!
- Khách rộn chuyện quá. Nghe “Qua” đoán tiếp nè!
Nhổ neo. Rời bến.
Câu thơ anh gởi chỉ có năm chữ thôi:
- Bao giờ em trở lại?
- Dạ em không biết. (Có thật không đó? Làm sao cô không biết được chớ! Tánh cô từ trước đến nay đâu có nói chuyện kiểu lừng khừng như thế đâu. Hay là cô sợ, cô phải lòng).
Biết đâu …
Thiệt tình!
5.
- À, tối qua cô có xem chương trình về những tội ác tày trời không?
- Những tội ác tày trời?
- Đúng vậy. Chiếu ở đài 2, hay 3 gì đó …
- Ông nói gì nghe thấy ghê!
Ông nháy mắt :
- Chưa gì có người sợ rồi há? Nói xong, ông cười hả hê kéo ghế ngồi tỉnh bơ. Mấy ngón tay phải búng búng tờ giấy đầy số trên bàn. Ông có vẻ khoan thai quá hay là ông đang cố nén nỗi bàng hoàng, ghê rợn, trước câu chuyện gì đó mà ông cho là tội ác tày trời. Ông hỏi lại cô lần nữa. Người gì mà - càng cao tuổi - càng bán tính bán nghi. Ông với triệu chứng già sắp không phải kình nhau rồi!
- Hôm qua cô thật không có xem chương trình ấy hả. Uổng quá…
Cô thấp giọng:
- Hôm qua, tui mắc coi thi tuyển lựa ca sĩ!
- Ồ! Cô mà cũng xem chương trình ấy?
- Có chứ!
- Tui tưởng tụi con nít mới coi thôi chứ…
Cha nội này ăn nói chết duyên hết biết đi.
Cô liếc ông thầy một cái mà chắc ổng không để ý. Cái trán ổng cũng cao dữ.
- À, cô còn nhớ câu chuyện người phụ nữ giết cô bạn thân thiết của mình không? Hôm qua họ nhắc lại chuyện ấy để cho mọi người sáng tỏ thêm phần nào đó mà.
Cô trầm ngâm giây lát rồi nói:
- Thôi, ông “tóm tắt” đi!
- Ừ, thì tóm tắt!. Muốn tui tóm tắt thì tui tóm tắt. Lát nghe mà có không hiểu đầu hiểu đuôi đừng trách à nghe!
Cô cười, lại cười.
Vui buồn gì sao cô cũng cười.
6.
Bà ta để thuốc ngủ trong tách trà cho người bạn gái uống. Cái người xấu số ấy, đối với bà là một người bạn tâm giao từ nhỏ, chớ có phải là người quen qua đường đâu. Sau khi người bạn rơi vào tình trạng lờ đờ thì bà ta đề nghị người bạn nên đi tắm cho tinh thần sảng khoái. Khi kéo người bạn vào trong bồn tắm, bà lại châm thêm ly trà thứ nhì (không quên, bỏ thêm vào ly trà thuốc ngủ).
Sau đó, bà trấn đầu người bạn trong nước cho đến chết ngộp, rồi bà dùng dao cắt các đường gân cho máu chảy ra. Cứ thế, bà xả máu người bạn như một người bình thường ngâm mình trong nước ấm một lúc rồi xả nước đi. Bà vừa làm công việc ấy vừa canh giờ các con bà ghé về nhà ăn trưa. Bà cũng từng có con, có cái. Bà không phải là người phụ nữ độc thân! Công tác bà làm coi như mới thi hành được một phần ba. Chưa xong đâu. Bà phải lo cơm nước cho hai đứa con. Thế là bà giấu, bà trùm, bà kéo thân xác người bạn xấu số ấy ra tạm trú ngoài hành lang. Đợi các con đi học trở lại bà khệ nệ kéo lê thân xác ấy trở vào. Bà xén, bà cắt, chia ra làm ba phần. Rồi bà chôn, bà giấu, bà bỏ vào ba cái bao ở ba nơi khác nhau. Chính đứa con trai 14 tuổi của bà đã phụ bà khiêng một trong ba cái bao ấy từ nhà ra. Cậu bé không hề nghi ngờ chuyện kinh khủng gì vừa xảy ra ngay trong căn hộ của cậu. Một cái bao khác bà quăng gần cái hồ, đứa con hỏi, Mẹ quăng cái gì vậy? Bà điềm tĩnh trả lời, Mẹ quăng đồ đạc phế thải trong nhà.
Bà quăng xác người như người ta quăng bừa một bao rác.
Người ta suy luận rằng, bà đã trải qua một đời sống khủng hoảng rất nặng nề về tinh thần. Bà muốn kiêng ăn, bà tìm đến bác sĩ. Người ta ghi cho bà một toa thuốc quá liều so với người bình thường. Người ta bỏ tù vị bác sĩ ấy ba tháng, rồi rút bằng. Bạn gái của bà chết oan mạng bởi những viên thuốc trị ốm ấy chăng? Những viên thuốc gây nên kích thích, phá hoại, rối loạn toàn bộ thần kinh trong cơ thể bà. Người ta lên án vị bác sĩ.
Người ta cho rằng bà đã từng làm việc trong nhà thương, bà chăm sóc bệnh nhân rất ân cần, rất nghiêm chỉnh. Bà lại là một người Mẹ, có hai con. Rồi vì những chuyện giận hờn, đâm ra thù hằn. Bà ép, bà nén, chuyện nhỏ nhen trong lòng. Bà nuôi âm ỉ tất cả bằng than, rồi biến thành hỏa diệm sơn lúc nào không hay.
Riêng bà, Luật Pháp cũng không tha thứ tội lỗi bà gây nên dễ dàng đâu. Bà vẫn còn phải xé nhiều tờ lịch lắm. Biết đâu, cả đời …
7.
- Thôi, đi làm việc tiếp. Hết chuyện rồi! Ông thầy đứng lên bỏ vào văn phòng riêng.
Hai bờ vai cô ngoài này, nổi gai!
8.
Em bớt rồi...
Cái khác giữa câu chuyện anh và em là anh sống trong đau khổ khi anh mất đi tất cả. Còn em đau khổ trong khi mọi việc vẫn còn đó. Có điều, hình như em đánh mất từ lâu nhưng em vẫn mù mờ không nhận thức được. Em không nhận thức được hay là em không tin sự việc có thể chấm dứt như vậy được? Và từ đó em nghi ngờ chính bản thân em. Mai mốt biết đâu, anh cũng xem em như một người … dưng.
Không cùng họ hàng thì gọi là người dưng chớ gọi là người gì?
Như tối qua em im lặng nghe anh nói. Cho đến một lúc tinh thần em chao đảo. Em nói anh em phải đi ngủ ngay thôi. Hình như trong em những khúc phim xưa từ từ quay về. Nó chậm rãi quay về nhưng đủ sức mạnh làm em đuối.
Một giấc ngủ kéo dài đến 4 giờ sáng. Em giật mình thức giấc. Nhưng em quyết định không thức theo giấc! Em tự pha cho mình một ly sữa nóng, mật ong. Em dỗ giấc ngủ ngay sau đó.
Em không dám so sánh với ai điều gì. Riêng em, em biết, em đã đi qua những con đường chông gai thế nào thôi.
Ngay trong lúc mình đau, mình chỉ nhìn thấy vết bỏng. Khi vết bỏng vơi đi mình cám ơn người đã giúp mình nhận ra bài học. Muốn chữa lành vết bỏng ngoài thuốc men, cần có lòng tin. Thuốc men thì hãy tự băng bó, và uống cho đều. Không ai rảnh rỗi mà nhắc nhở đâu. Và lòng tin thì hãy tự cố gắng mà tạo.
Và, như anh thấy đó. Cứ thế. Em lần mò đi...
9.
Trên các vỉa hè, ngay trung tâm thương mại, ăn mày như một cái nghiệp. Người ta hết bồng bế những trẻ thơ có khi còn đang trong thời kỳ bú sữa mẹ, rồi nay người ta đổi sang “chiến thuật” mới. Chiến thuật này, áp dụng có lý hơn bằng cách trưng bày cạnh bên: chó, mèo, kể cả thỏ …
Nếu chính phủ Pháp nghiêm khắt phạt cái tội ăn mày mà tay xách nách mang các bé thơ dưới sáu tuổi thì những người (phần đông) là Ru-Ma-Ni, (và đến từ các nước Đông Âu), đã nghĩ ra sáng tác mới.
Ai lại có thể thờ ơ, lãnh đạm khi vô tình bắt gặp ánh mắt ngơ ngác, tròn xoe của các chú chó con, mèo con, thỏ con? Nhất là con nít, chúng mê thú vật như gì. Thế là, sự buôn bán bất chính từ đó bắt đầu!
Tùy theo giống, có con lên hàng 800 euros tỉnh queo. Cứ thử kì kèo giá đi sẽ rõ. Từ 150 đến 1500 euros, tùy người bán nữa. Phần đông họ đánh cắp, và có lúc mang từ Roumanie sang.
Rảnh rỗi đảo qua đảo lại ở trạm Chaussée-d’Antin - Lafayette, khu Bastille, hay Saint-Michel, sẽ thấy các con thú đáng thương này chịu mưa, chịu gió, chịu nắng ra sao. Chẳng thức ăn, cũng chẳng nước uống. Sau khi thu nhặt được tiền, thì cũng hết cảnh ve vuốt, vờ vịt thương yêu. Mấy cô chú thú vật bé nhỏ còn lại, chen chúc nhau trong cái chuồng nhỏ . Cứ ở yên trong đó, mai ta mang ra vỉa hè, trưng bày tiếp. Thế mới gọi là “tháp tùng” với nghiệp ăn mày chứ!
Người qua đường nghĩ rằng, khi họ mua một con vật đáng thương như thế, họ không chỉ cứu vớt được bản thân nó mà còn giúp đỡ cho chủ của nó nhẹ gánh lo!
10.
Cái ông đội cái nón lụp xụp năm nay 40 tuổi, vô gia cư từ mười hai năm nay. Mặc dù vấy ông không muốn rời bỏ cuộc sống lây lất trên vỉa hè, kể cái chòi dựng lên bằng bìa cứng. “Ở đây, tui sống an nhàn. Tui tự canh chừng đồ đạc tui, tui muốn ở cạnh bên con chó của tui. Tui có vào trung tâm dành cho những người không nhà cửa nhất định, nhiều lần là khác, nhưng gây cho tui nhiều phiền toái lắm. Người ta trộm giỏ tui, đã vậy có lúc tui còn bị lây chí nữa”.
Cái người trẻ tuổi đội mũ len, thì ngược lại, không thích nay đây mai đó bên vỉa hè mà thích có một chỗ trọ trong trung tâm. Anh ta mới có 25 tuổi, anh tìm được một việc làm trong tiệm bán chạp phô. Mỗi tháng lãnh cỡ 300 euros. Ngoài việc làm có lương hướng thật khiêm nhường đó, anh phải ngửa tay xin tiền người qua lại. Bao giờ trong túi rủng rỉnh xu teng anh thuê một phòng nhỏ trong khách sạn, còn những ngày khác có lúc anh ngủ ở trong trung tâm nơi dành cho những người không có nhà cửa nhất định. Có lúc anh lang thang đầu đường xó chợ với con mèo của anh. Anh than, ở trung tâm, chua lắm. Nào là gây gổ nhau, đánh nhau, nào là mỗi sáng người ta “mời” mình ra đường. Mình phải rinh theo bao nhiêu thứ “gia tài” lỉnh kỉnh theo cùng. Đến tối, quay về. Đèo theo bao nhiêu thứ “của cải” lỉnh kỉnh ấy về. Thiệt khổ!
11.
Sáng nay, cô điểm tâm bằng bánh ú lá tre với café.
Sao cái gì có chữ tre-trúc trong đó nghe cũng trục trặc hết á!
12.
- Chị hả?
- Ừa...
- Chị làm cái gì mà điện thoại nhắn cũng không nghe. Cà chớn! Cái bà này …
Khi không cái bị nghe chửi.
- Chị mới về đến nhà. Điện thoại di động hết xăng.
- Cà rỡn nữa đi! Em gọi tìm chị từ bốn giờ chiều nay!
Chà tình hình có vẻ gay cấn thứ thiệt rồi. Chuyện gì đây không biết. Giọng cô nhẹ xuống:
- Chị nói chị bận từ mười giờ sáng nay mà, quên hả?
Bên kia đầu dây nói trống không:
- Nhớ! Cho cái điện thoại cũng không thèm sử dụng!
Cô vớt vát:
- Điện thoại hết điện thiệt mà...
- Hết, bộ không biết câu điện vô hả?
Trời ơi, có biết cái sợi dây câu điện nó nằm ở mô đâu. Quăng mất toi mấy hôm nay rồi. Mà dùng điện thoại di động để làm cái gì chớ? Hồi xưa, không có phôn phiếc người ở thành phố nhắn tin người ở quê bằng cách đi ra xe đò nhờ anh tài xế chuyển tin. Thấy chưa? Nay thời buổi, (khi không văn minh), tự dưng bày ra cái điện thoại di động. Đụng đụng là bấm, là tin nhắn. Thấy ghét. Khi không bị nghe chửi oan. Cho làm chi? Người ta có xin đâu!
- Điện thoại của em cũng sắp hết điện rồi! Bây giờ chị nghe cho kỹ nè. Chi ghi cái địa chỉ này, rồi chị tìm cách mà đến cho kịp! Nói xong bên kia đọc ngay cho cô cái địa chỉ nhà hát gì đó không biết. Cô bên này tối tăm mặt mày.
- Cái gì? Đi nghe kịch hả?
- Em mới vừa mua vé xong!
Cô kêu lên:
- Chị kẹt rồi nhỏ ơi!
Nhỏ em cũng hét lên:
- Không biết đâu! Chị làm sao đó thì làm, chị lấy métro đến ngay đi!
Trời ơi, mệt gần chết mà phải vác cái thân đi xem kịch thì chỉ có nước tan nát thôi.
- Chị kẹt rồi. Thiệt đó...
- Sao hôm qua em hỏi, chị nói, tối thứ sáu chị không làm gì hết!
- Thì hôm qua, lúc em hỏi, chị chưa có "chương trình" gì hết!
Nhỏ em như người từ trên giường rơi xuống sàn:
- Trời! Em mới vừa mua vé được xong cách đây 5 phút …
Sao nó dại thế không biết! Mua vé, thì cũng phải chắc xem người ta có đi được hay không chớ. Thì bây giờ lỡ chuyến đò rồi. Có mau mau xuống lấy métro đi cho kịp giờ hay không? Cô châm dầu thêm vào lửa:
- Em hoàn vé lại đi …
- Không! Vé mua rồi, hoàn cái gì!
- Mình mới vừa mua mà.
- Cũng không luôn!
- Chị đê-sô-lê thiệt tình …
- Désolée! Désolée!
Cúp máy. Thoát nạn. Cô trèo lên giường đánh một giấc cho đến sáng!
Hy vọng, nhỏ em cô đừng bao giờ đọc bài viết này. Và nếu có ai quen biết nhỏ em cô, cũng xin đừng mách lối cho nó biết để nó đọc bài viết này.
I « van » You.
13.
Tháng tám ghé biển mà tâm trạng cô rối bời. Căn phòng thoáng đầy mầu sắc dễ thương phố nắng mà sao tâm trí cô lúc nào cũng dằn vặt bởi những con số.
Buổi tối, cô dỗ giấc ngủ bằng cách ban ngày chạy bộ từ ngôi nhà nghỉ mát này ra đến chợ (chỉ để mua có mỗi ổ bánh mì). Trước khi trèo lên giường cô lên xuống cái cầu thang mầu đất nhiều bận. Ai đó nói, khi cơ thể mệt thì giấc ngủ dễ chìm đắm hơn.
Sau mùa hè, cô trở về Paris, mấy con số hiện ra càng lúc càng to dần, rõ hơn. Trước sau gì cô cũng phải đi gặp họ. Họ là ai? Thẻ căn cước, hóa đơn điện thoại, mấy tờ lương, địa chỉ và số tài khoản cô đây. Cách thức đi đến đó thì dễ mà sao đôi chân và cõi lòng cô không thấy yên ổn chút nào.
Mấy năm về sau khi kinh tế khủng hoảng, cổ phiếu giảm sút, nhà cửa nợ nần ngập đầu, ai đầu tư vào địa ốc càng chết đứng chết ngồi hơn thì cô càng mơ trúng số bạo! Trúng độc đắc. Trúng 1 000 000 euros để mua lại bốn căn nhà của anh. Mua lại chứ không ham ở lại. Mua để giúp anh thoát khỏi áp lực. Đồng tiền không phải mình nặng nợ trăn trở làm nên, thì gọi là tiền “quỷ thần”! Cái gì không phải của mình thì trước sau cũng không lâu bền chi bằng mình mang giúp một người nào đó đang gặp khó khăn. Mình tặng lại điều may mắn ấy, chứ không phải mình mang cái của “quỷ thần” ấy cho người ta lãnh!
Cô nghĩ vậy đó. Rồi cô ung dung mua vé số.
Cô không muốn đi đâu xa hết. Nếu có phải đi xa thì cũng phải quay về. Cô mê cái con đường chạy từ Paris xuống biển. Càng xa thành phố không khí ô nhiễm bỏ lại sau lưng. Ở mấy ngày với không khí trong lành, hít thở cùng với mùi lá thông vậy là đủ ấm áp rồi. Vắng mặt vài ngày trong năm nhiêu đó cũng đủ làm cô nhớ. Rồi cô lại vội vã trở về tìm thành phố Paris lãng mạn. Xô bồ. Thỉnh thoảng ghé quán kêu café để không làm gì cả ngoài cái việc ngồi ngắm thiên hạ qua lại.
Bây giờ cô mới hiểu được và mang ơn anh. Nhờ anh từ chối lần nào không thể giúp cô vay tiền bởi anh kẹt đầu tư vô nhà đất nên bây giờ cô bớt tánh ỷ lại. Bớt thôi chứ không chắc dứt.
Cô cũng tri ơn ngân hàng. Nhờ họ thông báo cho cô biết cô đã nợ ngập đầu rồi, bây giờ họ chỉ có thể cho cô mượn phân nửa số tiền cô yêu cầu thôi. Với cái tiền lãi “khách hàng ưu tú” chưa từng quỵt, cho nên đến giờ cô mới thanh toán nổi. Chứ nếu để cô mượn cao hơn thì chắc cô cũng đã phải gồng mình hơn nhiều năm tháng rồi.
Cô cần bao nhiêu lúc ấy? 1 500 euros!
Bốn con số để thanh toán tiền sở hữu chi phí thôi chứ có to tát gì lắm phải không? Nói là vậy, không phải ai ai cũng có sẵn trong ngân hàng số tiền ấy. Có người cho rằng gì ít vậy, gì chỉ có bao nhiêu vậy? Sao mà sống đủ? Vậy mà ngày nay, có biết bao nhiêu người mất việc cũng chỉ có bao nhiêu đó, (đôi khi không dược đến số tiền đó), để cầm cự qua ngày.
Hôm trước cô xuống thuyền lang thang ở cầu Pont-Neuf. Người hướng dẫn viên loan báo, khi ngang qua đây quý hành khách hãy nhắm mắt lại và cầu xin cho mình một điều gì đó, rồi khi mở mắt ra, hãy đừng quên hôn người ngồi bên cạnh. Tục lệ dễ thương, biểu hiện yên bình! Cô cũng nhắm mắt lại nhưng không xin điều cho cô hết. Cô chỉ xin mỗi một việc, cầu mong cho anh sớm tìm được việc làm. Khi cô mở mắt ra, bên cạnh cô không có ai là láng giềng cả mà chỉ là khung kính lạnh ngắt. Ngoài khung kính là dòng Seine. Ngoài dòng Seine là các nốt nhạc long lanh hiện về!
Cô sợ ngồi trên chiếc thuyền to. Sợ ngộp. Sợ không gần sông nước. Nên cô chọn bước lên chiếc thuyền chòng chành mà đi. Chọn lựa đôi khi không phải là do tính cách khiêm nhường mà bởi vì sức cô chỉ có thể bước lên chiếc thuyền nhỏ khiêm tốn như vậy thôi!
14.
- Truyện, tranh, hay nhạc chỉ cần một người thật sự hiểu mình thôi là đủ rồi!
- Chị nghĩ như vậy thật?
- Ừ.
- Em lại tưởng...
- Em tưởng gì?
- Em lại tưởng viết mà cho mọi người, mọi trình độ đọc và hiểu được mới là khó.
- Cái đó xoàng lắm. Viết phải cần nhiều ẩn dụ, hư cấu. Càng nhiều từ ngữ lạ lẫm. Càng khó hiểu, người đọc càng thích vì mình tạo nên cho họ cơ hội học hỏi, suy nghĩ. Và đặc biệt càng nhiều sắc mầu Tình Dục, càng tốt!
- Thời buổi này, bộ chị nghĩ người đọc thích thú trong việc dùng thời gian để suy nghĩ lắm sao? Ngay trong lúc mà người ta lo bắt chết không biết bao giờ đến phiên mình sẽ bị mất việc đó?
- Đang nói chuyện văn chương mà khi không em đề cập đến chuyện cơm áo. Nghe mất phê quá! Có chứ sao lại không những người dùng thời gian để suy nghĩ. Thời nào cũng có thể tìm ra thời gian cả nếu thật sự người đọc chịu khó tìm tòi, trau dồi kiến thức.
- Nhưng các ẩn dụ trong bài lỡ người đọc không hiểu, gọi là không cùng tần số đó, thì sao chị? Như ngắm một bức tranh. Đâu có ai hiểu hết và cảm được tranh của Picasso đâu?
- Tất cả đều cần phải có một kiến thức tối thiểu, một trình độ hiểu biết sâu xa! Cần phải đọc đi đọc lại, nghe đi nghe lại, xem đi xem lại. Cần đắn đo. Cần gắt gao hơn!
- Em không nghĩ vậy lắm đâu. Em thấy chị đòi hỏi đọc giả cần nhiều thứ quá, có bao giờ chị quan tâm cái cần thiết tìm thấy được của đọc giả không? Em nghĩ một tác phẩm dựng ra điều tối thiểu cần phải có là sự chân thành và giản dị.
- Hai điều này xoàng lắm em!
- Nhưng em nghĩ một người sáng tác cần phải có có căn bản hai điều này mới mong gây được cảm xúc, sự thoải mái cho người đọc, người nghe, người ngắm.
- Tại em "nhân hậu" với "cách nhìn" thôi. Nhìn một tác phẩm mà hiểu ngay có gì đáng nói đâu. Khác chi mình đi trên con đường mòn. Em thấy đó, chiếc áo dài qua nhiều thế hệ cũng cách tân theo. Hồi xưa, các cô mặc áo dài mang guốc mộc nay các cô diện giày cao gót chín mười phân. Vẫn đẹp, đầy quyến rũ và đặc biệt là vẫn giữ được nét duyên dáng Việt Nam.
- Chị làm em mường tượng đến một ngày nào đó, các cô thiếu nữ không diện áo dài đi với giày cao gót nữa mà mang bốt đầu nhọn rằn ri, chắc là khó coi lắm!
- Em còn trẻ mà sao đầu óc em cổ tích quá! Phải đổi mới chứ. Một người có máu nghệ sĩ là không thể dậm chân tại chỗ hoài được. Hiểu không?
- Em thích thay đổi nhưng phải có chừng mực kìa...
- Đã gọi là sáng tạo thì không thể đo lường chừng mực được!
- Được!
- Chị nói không được!
- Nếu nói như chị không lẽ tác giả muốn viết gì thì viết. Người đọc không hiểu, mặc kệ sao?
- Từ nãy giờ chị giải thích mà em vẫn cố chấp không chịu hiểu, nhỏ này thật. Người đọc cần phải có một trình độ kiến thức tối thiểu để suy diễn, để hiểu, chứ!.
Tháng năm đêm không mưa mà sao trên mái hiên như có ai đó vừa đánh rơi hai nốt thăng trầm.
15.
Sau khi phụ cô làm bánh xong, chờ bánh trong lò chín, Quân hỏi, nghề của mẹ là nghề gì? Cô giải thích, nghề của mẹ là Kế Toán. Kế Toán là gì? Chú bé không hài lòng ở câu trả lời ngắn gọn của mẹ. Đương nhiên rồi, Quân mà! Cô giải thích, Kế Toán có mật thiết với những con số. Không cần giỏi Toán, mà cần giỏi tính và tính sao cho có lý (trên căn bản là như vậy!) Ví dụ, muốn mua thêm một trò chơi điện tử cho cái gì đó gọi là PlayStation thì cần phải có tiền. Muốn có tiền để mua, thì cần phải có việc làm. Muốn có được việc làm, thì cần phải học cho đàng hoàng từ lúc nhỏ. Thành thử, Quân thấy đó, siêng học trước tiên là để cho mình. Mình học bài kỹ, thầy cô giáo sẽ cho điểm tốt. Mình có điểm tốt, tự dưng mình vui. Như là phần thưởng. Trở lại công việc mẹ làm cũng vậy. Mẹ làm việc nhanh, chính xác, cẩn thận, nhờ Quân bớt gọi điện thoại cho mẹ vào văn phòng nên mẹ tập trung làm việc. Có kết quả tốt thì mẹ mới có lương. Lương, nghĩa là tiền của chủ trả. Mẹ có lương thì mới có thể mua cho Quân món đồ chơi nào đó được.
Cô hăng hái giải thích cho chú bé mười một tuổi hiểu. Quân cũng kiên nhẫn thiệt, đợi mẹ nói huyên thuyên xong, nó mới thổ lộ:
- Mẹ của thằng Paul, bạn con đó, làm cái nghề chỉ cần ngồi trên ghế thôi mẹ à, và chỉ chỗ khi có người hỏi, «toa lét ở đâu? »
(Cái nghề mà Quân muốn nói, đó là công việc trong nom khách thăm viếng ở Viện Bảo Tàng Louvre. Quân giải thích, nghe đỡ mệt, đỡ dài dòng văn tự hơn mẹ nó nhiều!)
Sau đó Quân tuyên bố một câu:
- Mai mốt khi con lớn, con làm Bác Sĩ trong tuần. Còn cuối tuần con đi quét đường.
- À …
- Hôm trước cậu Hai nói, có ông hàng xóm láng giềng làm nghề này. Lương ông ấy nhiều lắm đó mẹ, chỉ phải thức dậy sớm thôi. Nhưng không phải suy nghĩ gì cả.
Chuông điện thoại bất ngờ reo ngoài phòng khách, Quân bước nhanh ra nói a-lô rồi trở vào nhà bếp với cái điện thoại cầm trên tay:
- Mẹ ơi, có cô Thoa gọi mẹ.
- Ồ, cám ơn Quân. A-lô Thoa hả. Bao giờ đến nhớ gọi tui xuống tui rước lên nghe?
Bên kia đầu dây trả lời:
- Khỏi bà ơi! RER A nó bắt đầu làm reo từ tối nay rồi!
- Trời đất! Rồi sao ngày mai bà đi làm đây?
- Tui mới gọi cho anh Bình. Anh ấy lái taxi nên ngày mai sẽ ghé rước tui vào Paris luôn.
- Vậy tiện quá rồi!
- Ừa, tiện lắm. Tui phải thức dậy vào lúc 4 giờ 30 sáng thôi!
- Gì mà sớm dữ vậy?
- Anh Bình nói, phải khởi hành sớm vậy chứ không thôi kẹt xe lắm không vào Paris được bà à!
- Tội nghiệp chưa!
Cô thốt lên ba nốt than vãn. Những ngày lạnh lẽo như thế này, công chức lại chọn đình công. Chắc là phải có lý do. Nhưng cô không biết, không hiểu, và cũng không theo dõi kịp nữa những ưu tư, và... ưu tiên của họ. Người ta nghe công chức đình công mà đôi khi ngơ ngác hỏi nhau, “Họ đòi thêm gì nữa vậy? Bình thường họ đã có quá đủ rồi mà!”.
Quá đầy đủ, chưa chắc đã đủ. Nên rất cần phải đòi hỏi hơn thế nữa.
Để dành!
16.
QUYẾT TRƯỜNG THỌ:
1. Chấp nhận: với những gì mình đang có.
2. Thích nghi: với hoàn cảnh của mình.
3. Điều chỉnh: để đạt được điều mong muốn.
Hôm qua, nhận được qua e-mail, bí quyết trường thọ, muốn đọc cho Thoa nghe nhưng điện thoại reo gì reo hoài không ai nhấc. Kỳ cục. Thoa đi đâu mất tiêu rồi không biết?
Thoa nhỏ hơn cô một, hai tuổi, nhưng Thoa trẻ măng. Nếu trên gương mặt ấy không dính một chấm mụn đỏ, (ngó như người bị bỏng), nụ cười trẻ con với số tuổi ấy là thần tiên!
Thoa dễ thương, sống chân tình với bạn bè nhưng điều gì đã làm nên tiếng thở dài? Đôi ba lần, cô nhận được điện thoại Thoa:
- Có làm gì không? Đi ăn không?
Vẫn thói quen hỏi trống không:
- Tối nay đi xem phim không?
Những cái gọi bất ngờ ấy không giờ giấc. Nhận được lời nhắn như thế cho dù đã ăn xong, cô cũng mạnh dạn nói chưa ăn, đang chờ có người rủ thì bà gọi đây! Đi xem phim giờ này trễ quá, sao Thoa về được? Sao lại không? Về trễ đường vắng, không sợ à? Không! Rồi như để kết câu chuyện nhanh chóng (hay là che đậy nỗi sợ đang dấy lên một chút trong lòng), Thoa cười:
- Bà thỉnh thoảng cũng nên đi ra ngoài một chút. Dân ở Paris gì mà sao giống ruộng quá!
Hoàn toàn đồng ý. Cô ở ngay Paris mà sao có những chuyện cô không biết gì hết trơn! Hay là, mình ở ngay trong ổ kiến lửa, nên mọi thứ trở nên quen thuộc đến độ mình không bận quan tâm?
Thoa hay than nhức mỏi. Đau hết chỗ này đến chỗ kia.
- Qua 40 tuổi sao tự dưng cơ thể biến đổi, đụng chút là hư hao!
Cô nói, Thoa chờ gì mà không nghĩ đến mình? Nắng bên ngoài vừa đậu lại trên nhánh Hoàng Lan. Cô cười ngây ngô một mình. Cô vừa phán một câu nghe hay ho quá (mà chính cô, cô cũng có biết thực hiện đâu!)
À, hay gợi ý với Thoa chịu khó dời gót ngọc, đến nhà cô để cô thử trị cho bớt nhức mỏi, giảm tăng xông (tension). Thoa đã chẳng “quảng cáo” cô với bạn bè là “cô có nghề mới” như thế! Nhưng Thoa chưa từng một lần dám để cô “thử nghiệm”. Chắc Thoa chưa đóng Bảo Hiểm Nhân Thọ nên Thoa mới sợ nhờ đến cô như vậy? Chứ ai bệnh mà không thích được cạo gió hay mát xa. Uống thuốc không thôi chán chết. Hay là Thoa dị ứng với mùi dầu gió. Nếu vậy, thì cô dùng dầu khác thôi, dầu Vicks của Pháp, vừa làm cho cơ thể ấm, vừa có mùi thơm nhẹ hơn mùi dầu xanh hiệu Con Ó ở Singapour, Con Cọp ở Thái Lan. Thoa kêu lên, ba cái mùi này chưa thoa lên người đã thấy bệnh rồi! Thoa để mặc cô giải thích thêm công hiệu của một loại dầu khác, đó là Dầu Tràm ở Việt Nam. Dầu Tràm là sản phẩm có nguồn gốc từ miền Trung cụ thể là tỉnh Thừa Thiên Huế. Dầu Tràm trị nhức xương, mỏi bắp thịt, và vô số bệnh khác. Dầu Tràm không làm mình bỏng da như các loại dầu nóng khác. Thoa dễ thương lắng nghe rồi tỉnh bơ ngáp. Thoa còn đề nghị cô nên mở tiệm bán dầu gió thay vì chôn chân ở văn phòng với mấy con số.
- Vắng khách, tha hồ viết lách!
Cô có dài dòng nói thêm cho Thoa hiểu mát xa là một phương pháp bấm huyệt cho máu huyết lưu thông, cho tinh thần thư giãn thì mới dễ dỗ giấc ngủ hơn. Nhưng mà Thoa có nghe đâu. Không phải ai ai cũng cởi mở, chấp nhận, lấy chiếc áo của mình ra để cho người khác bấm huyệt trên cơ thể của mình cho dù cái người ấy thân thiết cỡ nào. Cô biết điều ấy chứ. Nên cô đề nghị với Thoa một cách khác nghĩa là cô sẽ bấm huyệt xuyên qua lớp áo của Thoa. Chỉ cần Thoa chịu khó ghé nhà thôi. Nhưng nói gì thì nói, Thoa cũng lơ là hết. Nhìn thấy những cái mụn đỏ mọc đầy theo sống mũi, bao lần trị liệu với bác sĩ về da, nào là trụ sinh, nào là nước rửa mặt, kem dưỡng da, rồi đến trà Linh Chi để ổn định và cải thiện chức năng sinh lý của màng tế bào gì đó.
Uống trà theo kiểu Thoa: Vi thì uống, buồn thì quên, lấy gì mà trị cho hết.
Điều gì, khiến những cái mụn đỏ, (ngó như người bị bỏng), hăng say bám riết trên khuôn mặt Thoa như thế?
17.
Lang thang trên khu Montmartre gặp người Họa Sĩ nói lưu loát tiếng Anh làm quen :
- Chào cô, cô từ đâu đến?
- Tôi từ Paris đến!
- Ồ! Hân hạnh. Cô hãy ngồi xuống đây, tôi vẽ cho cô bức chân dung nhé? Cô có đôi mắt đẹp …
(Mắt mình cận mà Họa Sĩ khen đẹp thì chắc phải có vấn đề rồi!)
- Ông vẽ bao nhiêu một bức?
- Không có là bao nhiêu cả. Cô hãy ngồi xuống đây nhé.
- Không được đâu! Ông không nói giá cả lát làm sao có tiền trả ông chứ.
- Đây này, giá bình thường là 80 eur, giá sinh viên là 40 eur. Nhưng cô thì tôi lấy 20 eur thôi! Mời cô ngồi xuống …
- Để tui xem bóp tiền cái đã. Tui nghĩ tui ít tiền lắm á…
- Cô nói ít là cô có bao nhiêu?
- 10 đồng! Tui còn có bao nhiêu đó thôi hà…
- Đồng ý. Thôi, mời cô ngồi xuống đây đi.
Thế là cô ngồi xuống.
Sau lưng, khoảng sân vuông lạnh lẽo mùa đông ở lại. Nếu mưa và tuyết ngừng rơi thì lát đây sẽ là cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ chuyên nghiệp có, tài tử có. Ai thích họa sĩ nào thì cứ lấy ghế ngồi, hoặc đứng cho họa sĩ ấy vẽ. Và ngược lại, họa sĩ nào có duyên lọt vào mắt xanh của khách du lịch thì coi như hôm đó: bánh mì, phó mát, café, thuốc lá, bia, rượu, đầy đủ.
Cô ghé Montmartre hoài mà sao vẫn chưa chán! Lúc nào cũng có cớ để làm cô hăng hái lấy métro lên tận trên đó. Cái lý do để làm cô ghé sáng nay là bên ngoài có mưa tuyết. Mưa không chưa đủ. Phải thêm chữ tuyết vào mới thấm cái lạnh vào tận xương tủy! Những lý do khác - cô muốn cầu xin bình an cho hai người - chứ chẳng phải cầu duyên cho riêng cô gì đâu.
Cứ xin và tin, rồi sẽ có!
Lúc trước, cô đi Chùa cũng xin tình duyên bền lâu nhưng mất mát thì cũng mất mát thôi. Người ta còn cho rằng, đó là có duyên mà không nợ. Muốn giữ được một người, cần phải có cả hai điều: duyên và nợ. Nếu không coi như, trả nợ nhau đầy đủ rồi, giờ chia tay.
Từ đó, cô bỏ luôn những mơ ước riêng.
Hãy tin tưởng, và xin, rồi sẽ có!
Lễ Tình Nhân năm nay, cô đứng trước tượng Chúa chịu tội, xin cho Mẹ của một người bạn đang bị ung thư. Cô xin cho căn bệnh ngặt nghèo ấy giảm đi và Bác, kéo dài cuộc sống …
Còn người kia? Người kia biết cô xin điều gì rồi. Cô không viết ra đây đâu…
18.
- Chụp cho anh xem quang cảnh ngày Tết bên ấy ra sao nghe?
- Dạ
- Bao giờ mình gặp lại nhau, em cho anh biết mỗi khi em nhớ anh đó, em làm sao nghe?
- Dạ
Anh dặn gì cô cũng dạ dạ dạ cho xong. Điều chắc chắn nhất là sau khi anh cúp máy cô sẽ trèo lên giường và quyết định không nhớ gì hết. Như vậy sẽ ngủ ngon. Sẽ không cảm thấy thất hứa hay mang tội mau quên!
*
Khủng hoảng kinh tế từ Mỹ lan tràn sang Pháp, ảnh hưởng nặng nề như thế nào chắc chắn những người chơi chứng khoán, kinh doanh bất động sản, rõ hơn ai hết. Chưa hết, nạn thất nghiệp càng lúc càng gia tăng. Bán buôn mà không có người tiêu thụ chủ nào đủ tài khoản để trả lương cho công nhân viên. Mà làm sao để cho người dân có thể tiêu thụ khi lương hàng tháng bị thiếu hụt.
Tình cờ ngang qua một văn phòng địa ốc, tò mò ghé mắt vào mới thấy giá cho thuê một căn hộ 2 phòng, (bên Pháp, hai phòng nghĩa là một phòng khách, một phòng ngủ, riêng nhà bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh không tính), giá 29 ơ-rô một thước vuông. Cạnh bên là hình căn hộ. Nhân từ 29 ơ-rô cho 57 thước vuông ra bốn con số, 1 653 ơ-rô. Một ngàn sáu trăm năm mươi ba ơ-rô hoán chuyển sang đồng đô la, giá cả hôm nay, là 2 146 đô-la. Ai mà mướn cho nổi với cái tình trạng khủng hoảng kinh tế như thế này chớ! Căn hộ cũ, chứ có mới mẻ gì. Mà biết đâu, vì cái cổ tích ấy mà giá nhà lại mắc. Thời đại này nhiều cái lạ như thế đó. Hễ thấy, hay nghe cái gì mà có vẻ là lạ, là đầy sáng tạo thôi! Như căn hộ này, được cái trần nhà khá cao, ít nhất cũng phải 4 thước. Vào đây ở chỉ cần sắm giường-đôi-ba-tầng là có thể chứa sơ sơ được sáu người. Xưa đến nay, quận 16 nổi tiếng giàu có, nhưng hiện tại, giá nhà cho thuê ở trong quận 6 mới là giá cao nhất tại Paris. Phố cổ, Le Marais đó. Trung bình, 36 ơ-rô một thước vuông thôi.
Thế giá nhà cho thuê ở quận 13 thua quận 6 chỉ có 3 ơ-rô. Cũng hống hách lắm chứ bộ!
Có người cho rằng, mua nhà trong Paris không nổi nên họ mới phải bỏ ra ngoài ngoại ô. Thêm phần đời sống cư ngụ tại thành phố rất xô bồ, rất ngộp thở. Người khác cho rằng, ở tại Paris cái thuận lợi lớn nhất là mỗi khi nhân viên xe lửa, métro, xe buýt đình công, họ còn có thể vác thân mà lội về đến nhà. Thuận lợi thứ hai, họ có thể hẹn hò ở quán café, quán ăn, rạp chiếu bóng, xem nhạc kịch,... bất cứ lúc nào. Chung quy, cũng vì phương tiện giao thông dễ dàng, không phải nhờ vả đến chiếc xe vừa tốn xăng, vừa lo tiền để đóng bảo hiểm. Nuôi xe có khác gì nuôi một đứa con. Đôi khi nó dở chứng bất thình lình có biết đường đâu mà rờ. Lái xe phải tập trung nhìn trước ngó sau, không thể lơ là được. Chạy lẹ quá thì bị phạt, bị chụp hình, bị mất điểm. Chạy cà rề thì bị bốp còi, bị thiên hạ làm dấu nọ kia. Đến nơi chưa chắc tìm được chỗ đậu. Đi lòng vòng miết thì hao xăng, rồi lại trễ nải, rồi nổi quạu, rồi cau có, rồi lại phải nhịn nhục nghe sếp rày rà. Trong khi ấy, những ai di chuyển mà không cần sử dụng đến chiếc xe thì có thể yên tâm đọc sách, nghe nhạc, chuyện trò, làm văn, viết thơ, vẽ vời hoặc nhắm mắt ngủ gục suốt chặng đường đến trường, đến lớp, đến công sở bằng các phương tiện giao thông khác như: métro, xe lửa, xe buýt, tramway …
Thành thử ra, coi bộ có xe cũng không sướng lắm. Ở xa ngoại ô, nhà cửa rộng rãi, sân vườn thoáng mát cũng không sướng lắm. Chớ nếu sướng thiệt tình, thì mấy ai lại than tiền nước sao mắc quá, rồi lại khổ thân vì cuối tuần thay vì nghỉ ngơi thì lại phải cắt cỏ, tưới bông. Ai có sân vườn mà không thích trồng cây. Không lẽ, có sân vườn rồi đổ xi măng để dành đi bộ cho thẳng thớm?
Cái khác giữa người trong Paris và người ở ngoại ô là là ít khi nào mời khách về nhà mà hay mời ra quán cà kê. Bởi phần đông, người ở ngoại ô ra Paris cốt ý là đi mua sắm, gặp bạn bè, sau đó là dừng chân ở cái quán ngon nào đó. Thành thử ra, riết rồi như một thói quen. Quen ở nơi thoáng rồi nên nếu phải tạm dung ở một chỗ chật chội, nóng vì máy sưởi, ngộp, chịu không được. Ngược lại, người ở trong thành phố ra ngoại ô thì nên nhớ nhiệt độ lúc nào ở ngoài đó cũng lạnh hơn. Nhà càng rộng thì điện càng cần phải tiết kiệm, ở riết rồi họ quen, chỉ tội mấy người từ trong Paris tới, quen kín cẩn tường cao, chịu lạnh mới không nổi.
*
Quà Tết đến thật bất ngờ vào lúc đón giao thừa từ hai "bệnh nhân" là cặp bánh chưng, chậu Lan, và tám cái bánh ú mặn. Tự dưng cô có một ước mơ, (mà cách đây không bao lâu cô luôn ngần ngại nhận), đó là làm sao cho mỗi năm, cô có thể nhận được quà như thế từ hai "bệnh nhân" này luôn.
*
Lúc còn ở Việt Nam, thỉnh thoảng ông chủ xe hủ tiếu mì cho cả nhà được tới một tô xí quách. Những lúc đó, bà Ngoại mừng lắm. Cho mấy đứa cháu khỉa thịt vụn ra ăn trước. Khi nào ăn no rồi, còn dư, thì bà Ngoại cất lại để dành sáng mai mua thêm huyết heo về, nấu với chút thịt vụn còn sót, thêm dúm tôm khô vô cho nước ngọt. Vậy là cả nhà có được nồi cháo ngon tuyệt vời.
Con người sẽ rất thiệt thòi, bất hạnh, nếu như không may mắn có được tình thương yêu từ gia đình.
*
Cuộc khủng hoảng kinh tế, không biết sẽ kéo dài thêm bao lâu nhưng vẫn mong bạn hãy cố gắng tin tưởng rằng, tình thương gia đình, tình yêu trai gái, tình bạn hữu, tình người, vẫn luôn là những người đồng hành tốt cho bạn thêm sức mạnh, niềm tin để chịu đựng thử thách, chống chọi bao khó khăn và, vượt qua.
19.
- Sao chị không cởi ra?
- Ủa, bộ phải cởi luôn quần trong ra hả?
- Dạ. Chứ không thôi sẽ bị dính dầu đó chị. Chị chỉ cần giữ chiếc quần đặc biệt lúc làm massage thôi.
- À! Có biết đâu. Lần đầu tiên đó mà…
Vừa trèo lên giường nằm xong lại phải bước xuống. Cởi thì cởi. Thiệt là mất công quá mấy cái chi tiết này. Cô cố làm mặt lì nhưng sao tỉnh không nổi. Cạnh bên, bà chị họ đâu đó đã xong “thủ tục”. Tư thế nằm sấp rất thoải mái. Xem bộ dáng đầy kinh nghiệm! Chiếc khăn lông lớn mầu trắng đắp dài từ cổ cho đến chân. Cô nói thầm, cũng được đi, ngó kín đáo. Chỉ có điều, cơ thể mình (cho dù một phần nhỏ nào đó) phô trương chốn tập thể, mất phê quá! Không biết có cái giá biểu nào khác để được phòng riêng không ta. Nhưng cô không có thời giờ suy nghĩ thêm. Cô gái trẻ, cái người sẽ mát xa (massage) cho cô đó có vẻ hơi nóng lòng một chút rồi.
Khi cô tháo được cái quần trong ra là mặc ngay cái quần massage vào. Cô vo tròn cái quần vừa tháo ra rồi mở tủ nhét vội dưới lốp quần áo. Cô cẩn thận khóa cánh tủ lại làm như sẽ có con ma nào rảnh rang mở ra để quan sát xem cái quần ấy mầu gì. Ở đây, toàn là phụ nữ không thôi. Và vào đây là để thư giãn, thưởng thức nhạc cổ điển Tây Phương. Không Bach thì Mozart. Cô gái tóc ngắn, nhỏ con, ốm nhom, chưa đụng tới chân tóc cô mà sao mắt cô như muốn xụp xuống. Không gian ở đây phải công nhận đầy huyền bí. Không biết sự quyết định của cô bước vào phòng mát xa, mát gần, lần đầu tiên này sẽ học hỏi điều chi.
Cô úp mặt vào cái gối có khoét một mặt trời để cho dễ thở. Cô tự nhắn nhủ rằng, sẽ tập trung để không cho đầu óc lên mây. Để học lỏm xem cách thức người ta xoa bóp những chỗ nhức mỏi của mình như thế nào.
Vậy đó, trong vòng một tiếng 1 tiếng 30 phút cô chỉ thu thập được động tác duy nhất trong tư thế nằm ngửa. Những huyệt đau nhức sau gáy được các ngón tay bấm vào, nhả ra, mạnh, nhẹ, nhịp nhàng. Sự nhức mỏi như bay đi, dễ chịu không gì bằng.
À, ít nhất ngay đoạn này cô chợt thức giấc kịp!
*
Từ từ em sẽ nói anh hiểu vì sao em thích nghiên cứu đặc biệt về môn học này. Có người cho rằng, Massage là Khoa Châm Cứu, không cần kim. Anh nghĩ sao hả anh? Chừng nào có thời giờ em viết tiếp. Bây giờ thì em buồn ngủ rồi.
*
- Nghỉ hè về vui không Thierry?
- Vui! Nghỉ hè mà ai không vui.
- Vui mà sao mặt anh nhăn nhó từ sáng đến giờ vậy?
- Thiếu cà phê?
- Không! Tại nhức lưng, nhức vai quá.
- Hahaha!
- Tụi bay cười cái gì?
- Năm ngoái anh đi nghỉ hè về than đau lưng. Năm nay cũng than đau lưng. Kỳ quá há. Lần nào anh lấy giấy phép đi hè về cũng bị đau lưng hết trơn!
- Thì già cả nó vậy đó mà…
- Ai biểu!
- Ai biểu gì?
- Thì ai biểu đó đó …
- Có nói nhanh lên không, cái đám nhóc quỷ này?
- Anh ép người ta nói đó nghe!
- Ừa, nói đi!
- Năm ngóai tụi em đã nói anh rồi, già cả như anh mà cứ hay thích thay đổi tư thế luôn!
- Ờ phải đó. Phải lưu ý vấn đề này chớ bạn!
- Hahaha!
- Hahaha! Cười cho đã đi! Mai mốt tụi bay có tuổi như anh, tụi bay sẽ biết thế nào là triệu chứng phong thấp!
- Phong thấp là những lúc thời tiết trở trời, lạnh giá kìa. Mùa hè nóng bắt chết anh cũng bị phong thấp nữa hả?
- Ai bị phong thấp vào lúc trở trời thì không biết, chứ anh tụi bay thì lúc nào cũng có thể phong thấp được hết á! Đầu óc tụi bay đầy chất xám rồi. Chờ đi. Già như anh đi rồi biết. Sợ tụi bay sống chưa đến tuổi anh đã quách cần câu rồi!
*
Dụng cụ của em đơn sơ thôi, một lọ dầu Vicks.
Thông điệp từ những ngón tay em đơn giản thôi, là trực giác.
Em hiểu lờ mờ, hình như « những ngón tay trực giác » ấy có thể làm nên điều gì đó giúp cho bạn bè đồng nghiệp vơi đi sự căng thẳng, nỗi áp lực trong công việc.
Đời sống mà không chút lo âu, thì mau nhàm chán. Mà nhiều âu lo quá thì tinh thần dễ bất an, dễ gây gỗ, kém suy nghĩ, không quyết định.
Như khi mình thổi chiếc bong bóng. Thổi nhỏ quá thì bong bóng không bay mà thổi căng quá thì rất sợ bong bóng bể.
Em hiểu lờ mờ như thế đó…
20.
- Bệnh là gì?
- Bệnh là bệnh!
- Nữa rồi! Cái bà này …
- Thì bệnh là bệnh. Một cách nói đó thôi. Hơi đâu bà để ý?
- Hơi đâu bà để ý! Nói vậy mà nghe được?
- Chớ nói sao mà nghe không được! Bệnh là ám chỉ mấy người mát dây, tửng tửng đó. Mà cũng không hẳn vậy. Chẳng hạn như vậy nè, bà thấy mầu đen đó, phụ nữ hay thích diện mầu đen để làm cho mình gầy hơn, và cũng có vẻ liêu trai hơn, nhưng đàn ông thì không. Đàn ông mặc mầu đen vào có người trong rất sang, có người mặc vào ngó yếu đuối bệnh chết đi! Bà biết Chu Nhuận Phát không?
- Chu Nhuận Phát, biết chớ. Bến Thượng Hải ai mà không biết.
- Đúng rồi. Bà biết Tần Hán không?
- Biết. Dòng Sông Ly Biệt, chuyện tình của Quỳnh Dao, tui khóc quá trời.
- Bà thấy hai ông này, choàng khăn cổ mầu trắng ngó sáng rực ánh đèn sân khấu, đẹp trai hết biết luôn. Phải có cái mã cao ráo có duyên như vậy thì quàng khăn mầu trắng ngó coi mới được. Không thì bệnh lắm!
- Ủa, mà mầu trắng có ăn nhập gì với mầu đen mà bà giải thích vậy?
- Cái bà này, tui cắt nghĩa cho bà hiểu thêm về cái từ bệnh đó má!
- À! Còn gì nữa không?
- Còn! Từ bệnh cũng có thể ám chỉ đến mấy người năng nổ mà kẹo kéo đó. Nhiều bà khách vô đây, khoe nhặng vòng vàng, con cái. Khoe con không chưa đủ, khoe luôn dâu, rể. Toàn là những nhà này, nhà nọ không thôi. Ra khỏi cửa lúc nào cũng than sáng đi vội vã quên chưa rút tiền mặt. Gọi là hỏng còn chút bạc lẻ để cho boa. Bệnh chết đi được!
Mấy cái câu cuối của bà bạn làm cô chột dạ. Người ta đang nói khéo gì đây. Cầu Trời khấn Phật trong túi mình có bạc lẻ, chứ không thôi trong danh sách những người bệnh của thế kỹ sẽ mọc thêm tên mình mất thôi.
Cô lẩm nhẩm, ôn lại bài học một mình:
- Bệnh nghĩa là, cái gì đó không hạp với con mắt của mình.
Chưa kịp suy nghĩ thêm thì cô gái trẻ măng kế bên bắt chuyện làm quen :
- Ở trong tiệm này, nhiều khách đến nói chiện nghe bệnh chớt đi! Phăng toàn Hán Tự nghe mà không điếc nữa thôi cô à!
21.
- À anh, anh có biết cách trị Cholestérol bằng trái khổ qua không anh?
- Em nói anh nghe trước đi …
Cô huyên thuyên:
- Lúc H đưa em về nhà H nói H sẽ đậu xe ở gần tiệm thực phẩm Á Đông, mua hai trái khổ qua cho Bác. Em hỏi, bộ ở nhà định nấu canh hả? H nói không, mua khổ qua về để xay khổ qua với dưa leo, ớt bị, cần tây, táo xanh.
- Xay hay ép?
- Xay hay ép gì anh?
- Anh hỏi em, bạn em dặn xay hay là ép những rau quả ấy?
- Ơ, em đâu biết đâu! Hình như là xay thì phải. Em cũng mua mấy thứ rau quả ấy về. Em xay xong, uống sao thấy lợn cợn quá. Mà em cũng không rõ công thức ra sao nữa. Em nghe H nói mua khổ qua, thì em mua khổ qua. Em mua mỗi rau quả hai phần. Uống mùi vị cũng được, nhưng sao ghê quá!
- Cô nương à, lấy giấy viết ra ghi lại công thức. Anh đọc cho nè …
- Ủa, bộ anh có biết cách trị Cholestérol bằng khổ qua hả!
- Anh nghe em nói cách trị Cholestérol bằng khổ qua, anh đã nghi công thức này rồi. Nhưng nhiều người hay lộn, máy ép với máy xay lắm. Em ép những rau quả này cho các Cụ uống vào buổi sáng, tốt lắm. Em có giấy viết chưa?
- Dạ, anh đọc đi …
Cô trả lời mau lẹ nhưng lười biên ra giấy quá. Cứ rửa sạch. Cắt nhỏ. Trộn mấy thứ rau quả này chung với nhau. Bỏ vào máy xay. À không, máy ép. Thì ra thuốc thôi chứ gì!
Bên kia đầu dây, anh vẫn chậm rãi đọc cho cô viết:
- Cần tây, hai bẹ
- Ớt bị xanh: 1/2 trái
- Khổ qua: 1/4 trái (dài 20 cm)
Anh mới đọc đến đây, cô kêu anh “tốp” ngay!
- Đợi em chút anh, để em ghi ra giấy. Tự nãy giờ là nghe thôi, hỏng có ghi chữ nào hết á!
- Biết ngay!
Cô cười tươi trong điện thoại.
- Rồi, anh đọc lại đi anh…
- Giấy viết đàng hoàng chưa đó?
- Dạ, lần này rất đàng hoàng!
- Nghe cho kỹ nhé…
Lại nhé với nhiếc. Đọc mau đi “cha nội!”. Cô cười thầm. Anh mà nghe được chắc sẽ kí vào trán cô vài cái, cho chừa cái tật ẩu.
Công thức làm giãm bớt chất Cholestérol là đây :
- Cần tây, hai bẹ
- Ớt bị xanh: 1/2 trái
- Khổ qua: 1/4 trái (dài 20 cm)
- Dưa leo: 1/4 trái (dài 20 cm)
- Táo xanh: 1 quả (pomme verte)
Nhà có máy ép nước trái cây, nhưng sao cái máy này to quá, mang xuống rồi lại không có chỗ để nên Đông cứ dùng cái máy xay nước trái cây thôi. Sau khi xay, lấy bả ra. Ông thầy căn dặn, uống mà có bả, sẽ làm cho đầy bụng. Không tốt đâu. Vì bả như… bột. Em ép năm thứ rau quả này cho các Cụ uống vào buổi sáng nghe. Tốt lắm.
- Hiểu chưa?
- Dạ, em sắp hiểu rồi anh!
Mấy hôm rày uống năm vị thuốc này, không biết Cholestérol ra sao chứ cô có cảm tưởng gương mặt mình hình như “sáng sủa” ra! Dưa leo, là chất rất tốt để … làm da mịn màng hơn mà. Đông thấy, Mẹ có vẻ ưa nước rau quả này lắm. Riêng Ba của cô, ép uống, thì uống thôi. Miễn bàn…
22.
- Khi cô nhức mỏi, cô làm sao?
Cô cười, trả lời không chút do dự:
- Dạ cháu uống Doliprane.
Bà cụ chặc lưỡi:
- Tội không! Vậy là cô không được thụ hưởng rồi!
- Dạ không sao mà bác. Nếu không bớt cháu dán Salonpas là khỏi ngay.
- Salonpas?
- Dạ đúng rồi. Cái mùi ấy quyến rũ cực kỳ!
Bà cụ lim dim mắt:
- Bên mình trị nhức mỏi nhiều cách thiệt. Mà cô dán mấy miếng Salonpas cũng nên coi chừng đừng để lâu quá, phỏng da nghe cô.
- Dạ cháu biết. Rồi cô đùa:
- Mà da cháu dày lắm, bác! Cháu nghĩ chắc không sao đâu. Dân lao động mà!
Mùa Xuân đang từ từ trở lại. Phải trở lại thôi. Bởi con người cần có nắng. Cần có ấm áp, để soi sợi yêu thương. Cũng như sân vườn này, từng góc cây, nụ hoa, phiến lá đang thấp thỏm mong chờ đôi bàn tay chăm sóc ân cần của người đàn bà trên 70.
- Năm nay tôi bệnh, cây cỏ nó buồn theo. Hình như nó cũng biết, hả cô? Chớ mọi năm cái vườn này đất đai thơm nồng, cô ơi!
Có ai đó nói cho cô biết, cô nợ đến hai người không. Đó là người Già, và Trẻ Em, đó!
*
- Bà làm Massage lấy bao nhiêu tiền một giờ vậy bà?
Câu hỏi quen thuộc, nhưng mỗi lần nghe là không khỏi giật mình. Cứ như cái ngại ngùng nghe ai đó giới thiệu một cách thân thiện: nghệ sĩ này, nghệ sĩ nọ. Tại sao người ta dùng hai tiếng Nghệ Sĩ, để giới thiệu mà không dùng đơn thuần, Nhạc Sĩ, Họa Sĩ hay Văn Sĩ gì đó? Có biết đâu! Nhưng tiếng nào có kèm theo chữ Sĩ, nghe cũng ớn lạnh nổi da gà hết trơn.
- Tại sao em thích nghiên cứu về bộ môn Massage, vậy cưng?
Chắc chắn là phải có lý do. Đương nhiên. Chứ cô lười như gì! Học để giống, hay cho bằng ai, không có sự hiện diện của cô trong trong đó rồi.
Ở Mẹ của N.
- Bác ngủ có được không bác?
- Cũng được cô!
- Bác nhức chỗ nào nhất nè?
- Cái gót chân, chỗ xương chậu. Chứ mấy chỗ kia đỡ chút rồi cô …
- Bác còn bị ù tai không Bác?
- Bớt nhiều cô. Nhưng dạo này, tôi hay bị choáng váng lắm. Tôi đang chờ giấy Bác Sĩ cho đi chụp hình phần đầu đây cô.
Ở Mẹ của H.
- Bác bị nhức cánh tay phải và nguyên phần chân phía tay trái quá chừng con à. Và thêm cái chứng ho, thật là mệt!
Cô ngắm nghía mùa Xuân nấp né bên ngoài kia, không muốn nghĩ ngợi điều gì khác. Ngày mai là gì không biết. Những đứa con của hai Bác chạy ngược xuôi tìm thuốc men chữa trị cho hai bà Mẹ. Con mà nhận một đồng xu nhỏ của hai Bác, thì con còn ra cái thể thống gì nữa!
*
Cô có cảm tưởng hình như tóc cô bớt rụng hay là từ khi Massage phần đâu cho Mẹ của H., cô thương quý mỗi cọng tóc của mình hơn!
Tóc Bác nay đã rụng sạch. Thời gian đi nhanh quá! Mới hôm nào trời chớm Thu. Những con đường se se lạnh ngập đầy lá đỏ, nâu, vàng úa. Nay đã sang Xuân. Cây cỏ đua nhau trổ bông. Tuần trước nắng ấm, tuần này lạnh lẽo, gió mưa rỉ rả suốt ngày. Thời tiết như vậy, sân vườn nhà Bác chắc khỏi phải tưới? Vậy đỡ cực! Nhưng nếu trời âm u giá lạnh hoài như thế này, Bác nằm trên giường, có buồn lắm không?
Cô không thể giấu được sự xúc động của mình trước khi đặt hai bàn tay trên phần đầu của Bác. Mỗi lần, cô đều bắt đầu bằng câu:
- Bây giờ, con làm cho Bác ngủ nghe! Bác cứ nhắm mắt và ngủ cho thoải mái. Bác đừng gượng lại với cơn buồn ngủ há. Bao giờ xong, con đánh thức Bác dậy!
- Rồi, con…
Cô không có bùa phép gì đặc biệt cả. Cô chỉ có tấm lòng.
Mọi vết thương lớn bé đều cần thời gian để vá lại thì phương pháp trị liệu bằng Massage, cô nghĩ, chắc cũng phải cần như vậy. Hãy xoa những ngón tay mình vào nhau, cho thật ấm, trước khi đặt nó ở vị trí nào đó trên cơ thể của người mình muốn Massage. Hãy nhớ biết hít thở, từ tốn trên mọi phương pháp bấm huyệt và mãnh liệt chút đỉnh, khi cần. Cô đang nhắc riêng mình cô đó!
Lần đầu tiên Massage phần đầu của Bác, tóc chưa rụng.
Lần thứ nhì, không để ý lắm.
Lần thứ ba, mặc dù H. lên tiếng trước rằng, “Tóc bà già tui, rụng rồi!”, cô vẫn không giấu được ngỡ ngàng.
Lần thứ tư, tóc Bác rụng hoàn toàn. Ai đó nói, đã gọi là Sư Cô thì không có tóc. Trong khi đó bên Thiên Chúa Giáo, các Ma-Sơ thì luôn còn tóc. Vậy hôm nay, Bác là Sư Cô rồi.
Cô tự pha trò, mà cười không ổn.
Những ngón tay của cô vẫn kiên nhẫn ôm lấy phần đầu của Bác. Cô chờ cho đến bao giờ tiếng ngáy của Bác đều đặn hơn cô sẽ di chuyển dần dần những ngón tay xuống trán, xuống lông mày, hõm xương đuôi lông mày (trị đau đầu, động kinh …), sống mũi (trị cảm cúm, nghẹt mũi), gò má, nhân trung (trị hôn mê, đau cột sống lưng …) môi, khóe miệng, cằm, xương hàm dưới. Sau đó cô sẽ vòng lên phía dưới trước tai, rồi trước viền trên vành tai, (trị ù tai, đau răng …)
Hồi năm ngoái, (thì mới năm ngoái đấy thôi), khi cô làm Massage phía sau đầu cho Bác, những ngón tay cô phải luồn trong đường chân tóc của Bác để tìm kiếm những huyệt sao cho đúng. Bây giờ rõ ràng như thế, mà sao cô chần chừ?
Trên đỉnh vành tai, có huyệt Suất Cốc, trị choáng váng, mất ngủ, suy nhược thần kinh, cao huyết.
Trên thẳng đỉnh vành tai, chính giữa đỉnh đầu, huyệt Bách Hội (trị đau đầu, mất ngủ, đột quỵ không nói được …)
Cô chờ gì vậy! Di chuyển những ngón tay đi chứ. Bác chẳng đã nghe lời cô nói ban nãy lắm hay sao?
Hơi thở của Bác có vẻ đều hòa. Bác ngủ có lẽ ngon. Bác còn ngáy kìa, nghe không?
Tự dưng cô muốn cúi xuống hôn lên - Nơi Vắng Tóc - ấy quá đi thôi!
23.
Vừa về đến nhà chuông điện thoại reo. Lúc ấy mới bảy giờ kém mười lăm chiều.
- Em trai của anh có ghé em không?
- Em trai của anh ghé em để làm gì!
Bên kia đầu dây lúng túng:
- Ơ không, anh hỏi vậy mà …
- Có chuyện gì vậy anh?
- À, anh tìm thằng em anh! Nó đi đâu mất tiêu rồi. Gọi trên di động mà không thấy nó nhấc gì hết!
- Chắc kẹt trong métro, hay đi đâu đó đó mà. Mà chuyện gì vậy anh?
- À, lúc em cho má anh ăn xong, em về, ngay sau đó bà nói bà còn đói muốn ăn thêm chút. Anh hâm súp lại mới cho bà ăn được có một muỗng thì bà ói ra hết. Bà than nhức đầu quá. Bà lả người đi.
- Hồi nãy em nói rồi, mà anh không chịu tin. Anh còn nói bác kiếm chuyện đóng kịch! Em thấy bác than nhức đầu mà cơn nhức đầu lần này sao lạ quá. Em massage đầu, massage cổ cho bác mà sao bác vẫn không bớt. Bác còn kêu em phải giật cho mạnh mấy cọng tóc nữa em đâu có dám đâu!
- Trời ơi, anh không biết phải làm sao bây giờ nữa …
Cô nghĩ thầm, anh là một người đàn ông gần bằng tuổi mẹ của cô mà không biết phải làm sao bây giờ nữa! Cô nói như ra lệnh:
- Anh gọi ngay xe cấp cứu cho em. Anh cho bác vào bệnh viện ngay!
- Anh phải gặp thằng em anh trước cái đã!
- Anh cần gặp em của anh để làm gì chớ?
- Thì phải hỏi ý kiến nó trước đã chớ!
- Anh gọi cấp cứu. Nhờ họ tới khám. Nếu cần phải vào nhà thương mình cho bác vào. Thằng em gì đó của anh, anh thông báo sau vẫn còn kịp mà!
- Trời ơi …
- Thôi được rồi. Em sang ngay!
*
- Cô là con gái của bệnh nhân?
- Dạ không. Hai người ngoài kia kìa. Cô đưa tay chỉ ra ngoài phía hành lang.
- Tôi ra ngoài ấy kêu họ vô hả cô?
- Dạ nếu có thể. Vì chúng tôi cần biết thêm một số chi tiết.
- Xin cô chờ cho một phút. Tôi ra gọi họ vô ngay.
Cô mở cửa. Khép nhẹ rồi phóng như bay ra dãy hành lang. Người ta nằm, đứng, ngồi, thở, rên, khóc. Mùi khai nước tiểu, mùi say rượu, mùi thuốc men, mùi cồn, bay ngộp cả khu cấp cứu. Có một cánh cửa khép hờ, cô liếc mắt nhìn vào bên trong, nước da ai đó vàng đến rợn người. Khuya. Mười một giờ kém mấy không rõ. Bà cụ hết than lạnh quá, khô cổ quá, rồi mắc tiểu quá. Cô cởi áo khoác, đấp lên người bà cụ. Cô gỡ luôn khăn choàng quấn chặt hai bàn chân cho cụ. Cô hỏi xin người ta có thể nào mang đến cho cụ một cái chậu nhỏ kê dưới bàn toạ cho cụ tiểu tại trên giường được không? Người ta nói được, nhưng lát nữa đã. Bây giờ cần phải kiên nhẫn.
Kiên nhẫn! Hễ vào cấp cứu là phải học thuộc bài ca kiên nhẫn, còn không thì phải đào ra máu me may ra vận tốc hai chữ cấp cứu sẽ được cứu xét lẹ làng hơn.Kinh tế xuống. Tài khoản bệnh viện cũng xuống. Thiếu nhân viên. Ban ngày đã thiếu, không lý do gì ban đêm nhân viên tấp nập hơn.
Kiên nhẫn! Người ta yêu cầu cụ nín tiểu để chờ đo huyết áp gì đó.
- Huyết áp bình thường của bác là bao nhiêu?
Cô dịch lại câu người ta vừa hỏi. Cụ thều thào:
- Mười ba! Treize!
Sợ cô nghe không ra cụ chêm vô tiếng Tây thấy không. Vậy ra cụ hiểu hết trơn. Ai nói cụ không nói được tiếng Tây vậy cà.
- Treize?
Cô gật đầu xác nhận:
- Oui. Treize!
Người ta ghi trong hồ sơ hai con số 17. Huyết áp của cụ hiện tại đó. Cao quá xá trời. Hèn chi cụ than nhức đầu, nhức gáy cổ, mà có ai hiểu gì đâu. Cô còn tưởng cụ bị cái răng sâu hành. Cụ chỉ nhai được ruột bánh mình với rau luộc thì lấy gì mà có sức để chống chọi với cái lạnh mùa Đông. Nha Sĩ giải thích cụ hiểu và khuyến khích cụ nên lấy cái răng sâu ấy ra. Coi bộ cụ vui. Cụ chọn giờ, chọn ngày. Nhưng không may cái ngày này cụ lại phải vào bệnh viện. Cũng là cái ngày mà ở nước Pháp, các nhân viên công chức đình công. Công chức mà không đình công thì không thể gọi là công chức được. Người ta nói cụ đang có trạng thái mất nước. Sau cái màn thủ tục hành chánh, thử nước tiểu, đo huyết áp, vô nước biển … bao giờ thì cụ mới được chuyển vào một phòng riêng. Chứ cái ghế giường cụ đang nằm coi bộ không phê lắm rồi.
Cô túc trực cạnh bên, loay hoay tìm cách xoa bóp cho tay chân cụ ấm. Cái phòng chứa bệnh nhân đưa vào cấp cứu gì mà cửa sổ mở toang toác. Người ta nói, đã kêu người đến sửa nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy thợ đến.
Cụ lạnh run họ thấy hết, họ cố tìm cách kéo, đóng, miếng gỗ bị bung ra nhưng vô phương.
- Má vào bệnh viện chớ có phải vào khách sạn ba, bốn, năm sao đâu! Đừng đòi hỏi quá đáng, họ ghét mình thêm!
Ai đó vừa lên tiếng. Ai đó chửi đổng:
- Sang Pháp du học treo cho nhiều bằng cấp vào để rồi sợ Tây như gì!
Cụ bị tăng huyết áp từ trong ngày, có riêng mình cụ hiểu là cái đầu của cụ nó muốn nổ tung thế nào thôi. Nói ra, con dâu, cháu dâu, nó sẽ cho rằng cụ là người đàn bà ganh tỵ, ích kỉ nhất trần gian. Cũng may là con trai nó biết lựa chọn, nhìn trước, ngó xa. Thà để cụ ăn uống thất thường đôi ba ngày còn hơn nghe một nửa của nó soi mói. Muốn gia đình yên thân, phải biét lựa chọn người trẻ trung nhiều sức lực hơn chớ! Tre già thì phải nhường chỗ cho măng mọc.
Lỗ tay cô lùng bùng. Mệt và, lạnh. Cô không hề hấn gì mà còn cảm thấy lạnh huống chi cụ. Mở miệng xin đại cái mền, chét chốc ai. Không xin mới sợ không có. Thành tâm xin thì sẽ có. Đó thấy chưa, người ta sai người mang đến cho cụ một cái mền đặc biệt mầu tường vôi rồi đó:
- Coi mỏng vậy chứ ấm lắm Ma-đàm à!
Người y tá cười hiền lành nói vậy.
Lần này, cô không làm thông dịch nữa.
Mắt cụ nhấp nháy cười.
Nước mắt loang trên má.
Cô rời khỏi bệnh viện lúc 5 giờ sáng. Cụ thì vẫn chưa có được một chỗ tá túc. Họ đẩy cụ từ trong phòng cấp cứu ra ngoài hành lang. Chờ đợi như bao bệnh nhân khác. Bệnh viện hết phòng rồi! Họ đang liên lạc với một nhà thương tư ở đâu tận Evry. Xa thấy mồ đi. Nhưng phải chờ cho cái người bệnh nhân trong ấy rời khỏi thì cụ mới có quyền nhổ neo ở đây rồi cập bến ở kia.
24.
Cô muốn ghi tên học thêm tiếng Tàu. Tiếng Mandarin chớ không có phải là tiếng Tàu đọc trại ra thành tào lao đâu nghe. Cô muốn đóng tiền học cho xong, nhưng người ghi biên lai thì lại không muốn vậy. Họ đề nghị cô dạy cho các em người Tàu “không hiểu gì hết trơn hết trọi tiếng Pháp” và thay thế vào đó cô sẽ được học tiếng Tàu miễn phí. Cô dạy mấy đứa nhỏ nhà cô học còn chưa xong mà còn vác thêm cái gánh này. Vậy đó mà cô nhận. Cô gồng mình trong vòng bốn tháng trời. Nhà Thờ đưa cho cô hai cuốn sách. Phần tiếng Tàu cô lật lật cuốn sách ra xem rồi âm thầm gấp lại. Loại sách này dành riêng cho những người thông thạo hai sinh ngữ, Pháp-Tàu. Cô học tiếng Tàu quên trước, quên sau. Trí nhớ bắt đầu cạn rồi. Mà chắc hôm ghi danh học tiếng Tàu đầu óc cô dính sạn hay sao mà cô nhận cái công tác này chi vậy không biết. Hay là cô muốn thử thách xem cô dạy con nít bên ngoài tụi nó có dễ nghe lời cô hơn là con nít ở nhà chăng? Dù gì đi nữa, cô đã đến lớp rồi. 8 cô cậu “học trò” là đây. Từ 8 tuổi cho đến 44 tuổi. Cô nghe loáng thoáng được cách phát âm “Laoshi” ra đời. Các đôi con mắt gọi cô là “Laoshi”. Trời hỡi! Cô trở thành Cô Giáo một cách ngang xương. Không bằng cấp đã đành lại không một chút kinh nghiệm.
Cô lên trên mạng, lục tìm các địa chỉ, nơi nào có dạy cách thức học tiếng Pháp vỡ lòng cô cũng ghé vào xem. Rồi cô tự “soạn” ra một thời khóa biểu để áp dụng cách dạy. Dạy đếm số, dạy phân biệt mầu sắc, dạy những câu đối thoại thật dễ giữa thầy, trò. Dạy một số từ ngữ thông dụng trong phòng khách, buồng tắm, dụng cụ học sinh. Dạy cách thức gọi món ăn khi vào nhà hàng. Dạy cách hỏi thăm bác sĩ khi ốm đau.
Người đàn ông đảm nhiệm các khóa học trong nhà Thờ nhờ cô “giúp học trò tập-đọc-đi-đọc-lại cuốn sách mầu hồng cho thạo” mà không nghĩ ra cách giúp giùm cô phải dạy như thế nào cho học trò biết ráp chữ. Cứ như thế đó, “Tôi nghĩ cô dư sức dạy mà. Dễ lắm!”.
Hai cây viết lông. Hai cuốn sách. Một khăn chùi bảng. Một tuần lễ bị viêm cổ họng, rồi viêm phổi. Vậy mà sao không đứa học trò nào bị “Laoshi” lây bệnh hết vậy ta. Cô vẫn đến lớp dạy, nói muốn không ra tiếng. Mỗi tối thứ tư và thứ sáu, 3 tiếng mỗi tuần.
Lúc cô xin nghỉ… luôn sau khi hết khoá dạy 4 tháng đầu niên học, học trò buồn không mong cô giáo nghỉ. Người ghi biên lai hỏi bộ cô không muốn tiếp tục học thêm tiếng Mandarin nữa hay sao? Cô nói, cô muốn chớ nhưng lần này cô xin được đóng tiền học. Người ta hỏi cô tại sao cô không tiếp tục dạy nữa, học trò phá lắm hay sao? Chuyện học trò ồn, cô mời ra khỏi lớp vài mạng cảnh cáo, chuyện nhỏ, chuyện cô phải ăn giá liên miên mới là chuyện lớn. Từ khi trở thành “Laoshi” ngang xương cô phải siêng ăn giá. Đau cổ liên tuôn bất tận mấy cọng giá như thần dược. Cô sợ ăn giá quá nên cô lấy cớ công việc chồng chất, lo không nổi, cô xin nghỉ.
25.
- Tại sao ly dị?
- Tại không hợp.
- Tại sao không hợp mà lấy nhau chi?
- Tại lúc ấy, ông bà già không cho ở với nhau trước. Bắt cưới, rồi mới cho ra riêng.
- Nghĩa là nếu được phép sống chung với nhau trước thì sẽ không đi đến chuyện ly dị?
- Không biết nữa. Chắc vậy. Bởi có sống chung thì mới biết đá biết vàng. Biết ai lười ai siêng. Biết thế nào là hợp với không hợp. Gặp nhau thường xuyên chưa đủ. Phải trải qua thời gian chung sống với nhau mới biết được.
- Tại sao những người đi trước chúng ta, như Ông Bà Cha Mẹ, đâu có cần phải quen biết nhau trước, và hơn thế nữa, ăn ở với nhau trước khi cưới hỏi đâu mà vẫn biết thương nhau, chịu đựng nhau, chung sống với nhau đến bạc đầu đó?
- Tại vì ngày xưa phải như vậy. Không có quyền đi nghịch với khuôn phép ấy. Không có lựa chọn mà chỉ tuân theo. Và chưa hẳn, Ông Bà Cha Mẹ, những người đi trước ta có thật sự hạnh phúc. Biết đâu chừng, những sóng gió ngậm ngùi mà không ai thấy được đó thôi. Ngày xưa, làm gì có cái chuyện bỏ nhau. Bỏ nhau, ảnh hưởng đến cả dòng họ chớ đâu có phải đơn thuần giản dị như cách nhìn của chúng ta ngày hôm nay. Không hợp, thì tìm đến Luật Sư giải quyết. Không hợp thì nói không hợp. Chuyện nhỏ như đường đi của con kiến.
- Nhìn lại, có phải vì người trẻ tuổi không giỏi chịu đựng hơn chăng?
- Không hẳn thế đâu. Bởi nếu ta có quyền lựa chọn ta sẽ suy nghĩ, không lý do gì ta phải chịu đựng đau khổ lâu hơn trong khi ta có lối ra để thoát.
- Vậy ly dị như hình thức đi tìm tự do?
- Nhiều khi người ta thích, người ta mong ước tìm được một nửa của mình cho đời sống đôi lúc mang vẻ mất tự do mà không có. Sống chung trong mái nhà là để cùng nhau thương yêu, nương tựa, xây dựng, chia sẻ, nếu như những điều này không tồn tại lâu dài thì căn nhà sẽ trở thành địa ngục. Người ta tìm cách thoát ra khỏi địa ngục không có nghĩa là người ta sẽ đến ngay chốn thiên đường. Tự do nào cũng có cái giá của nó. Không thần tiên lắm đâu.
- Không thần tiên vậy tại sao người ta không tìm phương cách nào đó khác hơn là nghỉ chơi. Ví dụ như ngồi lại, bình tĩnh trình bày, nói chuyện với nhau?
- Nghỉ chơi khác với ly dị. Đòi nghỉ chơi, bởi vì cần hai tiếng xin lỗi để mong được dỗ dành. Ly dị, không cần nghe đến hai tiếng xin lỗi. Không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Bởi khi không mình phải tách rời cái người mà mình tìm được, mình cho là một nửa của mình rồi vì giận hờn gì đó trong khoảnh khắc mình đòi ly dị. Không đơn thuần vậy đâu. Ly dị, tuy viết rất ít chữ chứ ý tưởng để đưa đến điều ấy thật gian nan. Là những xáo trộn, đắn đo, sai đúng ngấm ngầm đeo bên ta cho mãi đến một lúc nào đó, sức chịu đựng không nổi nữa thì không còn thiết tha kéo dài thêm. Ngột ngạt quá đỗi nên tìm cách trồi lên. Hy vọng, cánh cửa ngoài kia là xám thay vì đen tối như mình đã. Từ đen ngả sang xám, cũng vơi được phần nào âm u rồi.
- Tại sao có người đã nhận ra ngay từ lúc đầu những dấu hiệu không hợp nhau mà vẫn cứ lấy nhau để rồi có con có cái với nhau. Bây giờ, nghĩ đến chuyện ly dị?
- Tình yêu không có tuổi. Ly dị không có tuổi. Ban đầu người ta chưa muốn tin, cho nên người ta nuôi hy vọng có thể thay đổi được cá tánh người kia. Thật ra, sự suy nghĩ của người kia chỉ có bấy nhiêu là bấy nhiêu. Mình không thể thay đổi được gì nếu như tư tưởng của họ dừng chân ở đó. Ví dụ như, mình thì thích lang thang, bạ đâu ăn đó, có gì ăn đó. Người kia thì không, ăn uống phải vào những quán lịch thiệp, chỉ cần kêu thức ăn nhiều thịt, không rau, không quả. Chỉ có vậy thôi, rồi rốt cuộc bàn cơm còn lại một người. Trong lúc người này ăn, thì người kia ngủ. Khi người kia ăn xong, đi ngủ, thì người kia thức. Vô số những chuyện nhỏ linh tinh đến khi sống chung với nhau mới biết thế nào là va chạm, chịu được, và không chấp nhận. Người ta có với nhau một mặt con, thấy đời sống xung khắc mà vẫn cứ nuối hy vọng là với thời gian mọi việc sẽ thay đổi. Để thêm đứa con thứ hai, thứ ba, thứ tư. Cứ thế năm tháng trôi qua. Cứ thế chờ cho con cái lớn hơn chút. Cứ thế vớt vát hy vọng. Rồi thời gian qua, cứ qua. Bỏ lại thời tuổi trẻ không hay.
Ngày nay, có phải chăng vì lý do ấy nên mức ly dị của những người cao tuổi (chứ không riêng gì những người trẻ tuổi) ngày càng gia tăng.
- Câu hỏi chót cho các đôi uyên ương, muốn tránh ly dị, phải làm sao?
- Câu trả lời A (100 điểm): Hãy theo sách vở, cần phải qua các lớp rèn luyện đời sống vợ chồng. Cần phải có một kiến thức, sự hiểu biết sâu xa, trước khi quyết định sống chung với nhau. Yêu Thương và Biết Yêu Thương khác nhau lắm.
- Câu trả lời B (100 điểm): Hãy đừng theo sách vở, bởi trong sách vở chỉ có lý thuyết. Không lẽ mỗi lần bực mình phải mở sách ra ôn lại trước khi to tiếng với nhau. Thua. Cơn giận lúc ấy nguội rồi. Mất phê. Riết rồi mình sẽ không phải là mình nguyên thủy nữa. Cái gì càng tránh thì sẽ gặp. Chi bằng khi nó tới mình biết chấp nhận. Mình cho rằng, con đường đi chung đến đó phải chấm dứt thì chấm dứt. Nợ nhau đến đó trả xong rồi. Tiếng Pháp gọi một cách dễ thương là: Ô- Rờ- Lui. Thành thử ra muốn tránh Ly Dị, thì đừng nên quen biết thương yêu chung sống với ai.
*
Em chợt thốt lên:
- Anh có cách bắt tay, nắm tay, có vẻ nhọc nhằn chịu đựng quá!
Anh quay lại nhìn em, ngạc nhiên:
- Sao em lại nghĩ thế?
Em cười:
- Dạ tại em có cảm giác đó …
Chiếc xe quay lại con đường Beach. Anh giữ lấy những ngón tay em siết nhè nhẹ. Bất chợt anh nhìn em đăm đắm:
- Vì sao em ly dị vậy?
- Vì sao em ly dị à?
Anh gật đầu, chờ đợi. Gió tháng Tám từ bên ngoài hắt vào.
- Lâu quá, em không nhớ …
(Em không nhớ, hay là em không muốn nhắc?)
26.
-Tại sao đến giờ vẫn còn ca bản Solo vậy?
Cô hỏi trống không. Không xưng tên, cũng không xưng em với người ta. Bên kia chỗ ngồi gởi lại cô nụ cười nửa vời. Nói gì nói sao cô không ưa chút nào cái cung cách cười như thế này. Cười thì phải to lên. Cười trong cổ họng chỉ dễ thương ở cánh phụ nữ. Đàn ông mà cười nhẹ ngó yếu chết đi. Cô ngắt chiếc lá xà lách làm đôi, rồi làm tư. Cô nhai xà lách như thỏ. Cô liếc nhìn hắn. Ai mà cưới cô về, chắc giàu ba họ. Hắn có nghe và hiểu gì không ta? Lãnh lương mỗi ngày, ghé chợ, mua bó rau cho vợ, bó rau cho thỏ.
Tha hồ tậu nhà lầu, sắm xe hơi. Sao càng nhìn hắn, cô càng nhìn ra cái vẻ lừng khừng.
Thôi thì nhìn... nắng. Nắng trưa nay tuyệt vời. Ước gì ngoài kia là biển. Cô không biết bơi mà sao cứ ham xuống nước. Bất thình lình cô bắt gặp hắn nhìn lén cô. Chấp luôn. Cho nhìn lén đó. Gắng mà so coi ai có nhiều tóc bạc hơn ai nha. Không kể người ta nghe, tại sao đến giờ vẫn còn ca bản Solo. Nhìn cái gì! Hắn giật mình. Ngồi thẳng người ra một chút. Lúng túng. Rồi cười lớn thành tiếng. À, mà bộ tiếng nói của cô lớn lắm hay sao mà hắn mau giật mình vậy. Nè, nè coi chừng đừng có mà rớ vào một người mắc chứng tim bẩm sinh đó nghe. Phiền lắm nghe. Dắt nhau đi xem phim ma. Ngay khúc rùng rợn nhất hắn ngất đi bỏ cô ngồi trong rạp chiếu bóng một mình chắc là kinh hoàng. Thôi dẹp đi. Hắn bất chợt nắm lấy mấy ngón tay cô tha thiết :
- Tóc em mau dài quá hả? Định để dài luôn không cưng?
- Dạ chắc không. Gương mặt em để tóc dài, ngó ghê lắm!
- Có để dài bao giờ chưa mà biết "ngó ghê lắm"?
Cô cười, không trả lời. Lâu lâu cũng nên ra vẻ trầm tư lự vậy đó. Cho người ta tưởng hiền.
(Thế nào cô cũng tra cho được, tại sao đến giờ vẫn còn ca bản Solo?
- Mất việc làm?
- Không trả tiền nhà nên chủ nhà tống cổ ra khỏi?
- Giàu quá, đi du lịch miết không ai chịu cảnh côi cút một mình nên người ta bỏ?
- Hay là phôn phiếc hàn huyên với Mẹ già mỗi tối?
- Không chịu bao người ta, hà tiện quá chứ gì?
- Thuốc lá, rượu chè không thôi, người ta chê hôn không vệ sinh nên người ta bỏ?
Cái gì sao cũng lắc đầu kêu không phải. À, vậy lần này đúng rồi.
- Thích "phụ nam" hơn phụ nữ?
- No!
- Sao nô?
- Bây giờ mình tìm nơi nào đó, mình vào trong nhau nghe em...
- Nô!
- Sao hồi nãy trong quán ăn anh hỏi em dùng gì, em nói: Anh, em còn ăn được mà!)
27.
Em thắc mắc một chuyện, sao chữ Em, anh hay viết hoa và khi anh xưng Anh đó, anh cũng hay viết hoa? Tại sao vậy há? Lúc ngồi trong quán café, em có nghe anh giải thích một lần nhưng em vẫn không hiểu rõ ràng được tại sao. Chắc lúc đó đầu óc em không tập trung vì mãi dò xét tình hình của người đối diện. Ví dụ như cái người có đôi mắt biết cười ấy là người như thế nào.
Café anh uống chiều hôm ấy, bộ ngon thiệt hả? Sao Anh nói cám ơn Em?
*
Gói kẹo the tẩm mật ong có tổng cộng 100 viên. Em không đếm bởi bên ngoài người ta có in ba con số ấy. Em không muốn mở gói kẹo ấy ra. Em muốn để dành. Mở ra thấy tiếc. Nhưng anh thì khác. Anh dặn dò là em rất cần ngặm kẹo một ngày ba viên: Sáng, trưa, chiều cho mau hết. Có mau hết anh mới sớm gặp được em. Nhưng em vẫn muốn để dành. Vì tiếc. Nhưng rồi hôm đau cổ quá, không dằn được, nên em xé gói kẹo ấy nhón một viên cho vào miệng. Nhớ người đã tốn công đi tìm. Và lặng lẽ ân cần dúi gói kẹo vào tay em ngay buổi cuối chia tay. Nỗi nhớ anh loanh quanh. Nhớ cái lúc khi không anh đứng dậy đi về phía em ngồi. Anh nói gì hình như là phải hôn cái trán trước không thôi lát hút thuốc, không hôn được. Ngay Café Vỉa Hè, em bàng hoàng bởi em không chờ đợi sự việc ấy đến. Rồi em lại cười tươi yên lặng chờ cho cái trán dằn cơn xúc động. Trong phút chốc, cái hôn lên trán ở buổi chiều đó như là một dấu ấn, một định mệnh. Nó sẽ không an nhàn ở mỗi riêng nơi ấy. Nó sẽ loang ra…
*
- Hay là Em ngại gặp Anh?
- Dạ không có đâu …
Tại sao cô lại quả quyết là cô không ngại gặp lại anh? Và tại sao anh lại nghĩ là cô ngại ngùng không muốn gặp lại anh chớ! Rồng - bay trên xa lộ - nếu phải chọn đường tắt để bay thì cũng sẽ bay một cách đàng hoàng. Quyết định của cô nghiêm chỉnh. Hay là cô nghĩ cô quyết định như thế là nghiêm chỉnh. Anh không có dấu hiệu gì để làm cô sợ hãi cả. Nếu không muốn nói thêm, sự gặp lại của cái hẹn này làm cô náo nức thêm thì có.
Mà tại sao cô lại náo nức chớ!
Bắt đầu từ bao giờ cô mang theo điện thoại vào buồng tắm? Hồi trước, điện thoại reo cô cho reo mút chỉ. Người bên kia đầu dây gọi không nghe thấy ai nhấc thì lát sẽ gọi lại, hoặc để lại lời nhắn thôi. Cô điềm nhiên với lý luận vừa nêu ra, cô thư thả xếp quần áo vừa cỡi để trên cái bục trắng. Cô lững thững bước vào bồn nước khắc mầu xanh lá. Cô ngắm nghía những chai nước gội đầu, đủ mầu. Có chai trị tóc khô, có chai đặc biệt dùng riêng cho tóc nhuộm. Cô đổ chai có mùi hoa cam vào lòng bàn tay trái rồi xoa, rồi chà lên tóc. Cô nghĩ ngợi lung tung. Mùi hoa cam thơm lừng. Cái vòi nước sen nhà này xịn thiệt! Tắm gội kiểu này có thua gì hình thức mát xa đâu. Vô tình những ngón tay phải đậu trên bờ vai. Chỗ này tự dưng sao đau quá. Cô nhấn chỗ khác, gần cổ. Chỗ này cũng nhức nữa. Cô di chuyển cái vòi nước, cố ý cho cái vòi xịt mạnh trên những điểm đau mềm dần ra thì chuông điện thoại reo. Cô vội vàng tắt nước. Cô vội vàng dúi những ngón tay ướt vào khăn lông rồi chụp cái điện thoại di động.
- Bây giờ anh đi đây. Khoảng 15 phút nữa anh đến đón em.
- Dạ
Một người thông báo chuyến đi. Một người chờ người vừa khởi hành đến. Hai cái người ấy mà cộng lại thành nỗi nhớ muôn mầu!
*
Bên em, mưa và lạnh, hai kẻ thù của mùa Thu. Vào lớp, người bên phía tường phải vừa ho xong đến phiên người bên phía tường trái. Ban đầu còn ngại ngùng, cố gắng giữ cho tiếng ho thiệt nhỏ, sao chịu không nỗi, phải ho mạnh ra một cái. Ho mà nén trong phổi, khó chịu quá xá chừng. Khúc dạo đầu sáng nay bắt đầu bằng những tiếng ho khan. Cô giáo thông cảm, cười dịu dàng. Cô giáo hôm nay diện áo đầm mầu nâu trắng. Đi cùng khắp phố 13, tìm hoài cũng không ra được một cô gái người Tàu xinh đẹp như cô giáo này! Lớp học Chủ Nhật bắt đầu vào 8 giờ 30 sáng. Trời bên ngoài mưa gió vậy mà mọi người vẫn kéo đến học tiếng Mandarin chỉ vì cô giáo thôi. Anh không căn dặn em phải nhớ này, nhớ nọ, thì em mong làm sao được nghe những lời ấm áp ấy. Nhưng khi anh nhắc nhở em ở nhà dưỡng bệnh, thì em lại không nhớ. Hay là … em lờ. Mùa Thu nơi nào không biết, riêng mùa Thu Paris thì lá úa tả tơi sau một cơn mưa dài.
Bây giờ là tháng 10. Mà có lẽ hộp thư Yahoo bên Phố Anh có vấn đề thiệt rồi.
Phải có vấn đề, chớ làm sao mà anh không thể trả lời thư em!
*
Em không thích dùng chữ Yêu!
Cô viết luôn một mạch. Như Cha Mẹ, không ai nói “Cha Mẹ yêu con”, bao giờ. Hay là, “Con yêu Cha Mẹ”, bao giờ. Người ta dùng chữ Thương.
Chữ Thương, ngoài tình cảm, còn biểu hiện sư lo âu, ân cần, chịu đựng, hy sinh, gian khổ, biết tha thứ. Do đó chữ Thương đứng vững vàng riêng một mình.
Chữ Yêu, đứng riêng thì lại không ổn. Nó không bao la. Nó ích kỷ, đầy đam mê, dễ gây thù, gây hận, kể cả chiếm đoạt, bỏ đi, quên nhanh, tính toán. Do đó, chữ Yêu luôn cần có chữ Thương đi kèm cạnh bên.
Cô chấm dứt bằng câu: Anh có đồng ý với em vậy không?
còn tiếp.