Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.079
123.165.121
 
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông
Trang Thanh Trúc
Chương 2

28.

« Cuối mùa Đông, nghĩa là đầu mùa Xuân! »

Anh nói thế …

29.

- Hỏi thiệt cái này, chồng em về Việt Nam lấy vợ, em không cảm thấy khó chịu, hay buồn bực gì hết à?

- Không!

- “Chì ” há!

- Có gì đâu mà chì chị?  Về Việt Nam lấy vợ, rồi mang sang đây thì mấy đứa con mình có người chăm sóc trong việc ăn uống mỗi khi sang thăm Cha của chúng. Càng tốt chứ sao không.

-Vậy là em thuộc loại : Dửng Dưng cấp 1!

 

30.

- Hẹn 15 giờ 30 ngoài Bông Mai nghe?

 Trời, lại Bông Mai!

- Thì cứ hẹn ở đó đi. Em không thích thì mình  tính sao. Vậy nghe?

- Cũng được!

Chán quá, ăn hoài cái quán này.  Cúp máy.  Quán gì nấu thức ăn mặn, dầu mỡ chết đi được.

Cô lấy máy ép trái cây ra. Táo xanh, dưa leo, cần tây, ớt bị  rửa sạch sẽ rồi ép lấy nước uống. Mọi khi còn có khổ qua nữa kìa. Thiếu khổ qua, thiếu vị đắng. Uống không phê lắm nhưng uống tạm thì cũng xà-và.

Cô tà tà dọn dẹp nhà cửa đợi đến giờ hẹn.

 

*

Khi vào quán, anh kêu chai vang nhỏ, xin hai cái ly, rồi tự động rót rượu vào ly mời cô uống:

- Em muốn anh bớt uống rượu chớ gì? Vậy thì em nên uống tiếp anh ly này!

Cô ngồi thẳng lưng hơn, tựa vào thành ghế, cười.

Bưng ly rượu lên, hớp một ngụm cho ra vẻ sành điệu. Nhưng hãy nhìn mấy cái nếp nhăn trên gương mặt cô gái kìa. Cô đặt cái ly về ngay chỗ cũ:

- Rượu gì chát quá! Ngon lành gì mà uống vậy anh?

- Nói cái này cho em nghe nè. Người Việt mình sang đây sinh sống phải mấy năm trời mới chịu đựng nổi mùi phó mát và biết khen ngon. Thì rượu cũng vậy. Đâu phải một sớm một chiều biết thưởng thức đâu. Biết ăn, biết uống, khác với chuyện biết thưởng thức nhiều lắm. Cái vui nhất là người Việt bên Mỹ sang, lần đầu tiên ăn phó mát của Tây khen ngon! Mình phải đợi nhiều năm, trong khi họ ăn lần đầu tiên biết khen ngon ngay!

- Anh nói vậy, em không đồng ý, (anh với cô có bao nhiêu lần đồng ý với nhau chuyện gì đâu chớ!) Những người mà anh nói, ăn phó mát Tây biết khen ngon ngay, em nghĩ, bởi vì bên Mỹ họ đã thưởng thức phó mát Mỹ rồi nên họ mới có thể so sánh, phó mát nào ngon, chứ bộ!

- Thì em muốn nghĩ sao thì nghĩ. Anh nói là nói vậy. Người Việt mình phần đông chỉ biết phó mát Con Bò Cười. Thôi, ăn đi em!

 

Trong Toán học, hai đường thẳng song song không bao giờ gặp. Riêng, trong đời sống thì có thể gặp. Nếu chung một điểm vô cùng. Ở anh và cô, cái chung ở đây là sự bất đồng ý kiến luôn!

Người bồi bàn đến, hỏi dùng gì? Anh kêu gà hấp muối, hành, gừng cho anh. Cô lật tới lật lui tấm thực đơn, chẳng biết kêu món gì cuối cùng anh giúp kêu đại món phở xào thập cẩm. Đã sợ dầu mỡ còn kêu phở xào. Chán cô thì thôi. Nhưng ăn được vài miếng, cô phải bỏ ngang. Họ nấu gì mặn thấy mồ. Có thể các thứ như tôm, mực, thịt, muốn giữ lâu thì phải ướp muối. Cô hết than mặn quá, rồi buồn ngủ quá. Buồn ngủ, có thể vì ly rượu, (cô than chát mà  sau cái ngụm đầu tiên, cô ực một hơi cho mau hết),  có thể vì bột ngọt nữa. Cô khều anh, nói nhỏ. Thức ăn bày trước mặt mà sao buồn ngủ quá chịu không nổi!

Anh gắp cho cô cái đùi gà hấp muối (lại muối).

- Em bỏ dĩa phở xào đi, ăn gà nghe. À, em có biết tại sao người Tàu họ hay xào nấu thức ăn với nước sốt đặc sệt không ?

- Không anh …

- Họ pha pha như vậy để khi bỏ lên cân, cân mau nặng!

-  À …

- Anh ghét cái chuyện làm ăn kiểu này. Dẹp!

 

Cô thấy anh lạ lùng cái chỗ, ghét nhưng luôn tạt vào. Ghét khu 13, mà mỗi tuần phải ghé khu 13 để đi chợ, rồi vào Bông Mai kéo ghế kêu thức ăn.

Còn cô? Chắc anh cũng ghét cô lắm. Có ghét lắm nên mỗi tuần anh mới rủ cô đi ăn để rồi khi ngồi đối diện với nhau chỉ nghe cô chống đối. Anh nói vô thì cô nói ra. Ví dụ thêm chuyện này. Anh nói :

- Nhờ em hôm nào đến cái tiệm bán đồ kỷ niệm góc đường Tolbiac-Choisy mua lại giúp anh cái hộp quẹt và cây viết hiệu Dupont.

- Cái hộp quẹt và cây viết hiệu Dupont?

- Đúng rồi. Để anh nói em nghe, hồi xưa, người ta tặng quà cho anh sao anh không hề quan tâm chút nào hết! Anh không biết giá trị của nó ra sao. Để rồi khi anh mất đi, sau này ngẫm nghĩ lại, anh thấy tiếc quá. Hôm trước bất ngờ anh vào mua gói thuốc lá ở cái tiệm đó, anh nhìn ra được cái hộp quẹt, cây viết Dupont xưa.

- Cùng một loại?

- Đúng. Y chang cái mẫu hồi xưa!

- Rồi bây giờ anh muốn chơi trò ráp hình? À không, ráp kỷ niệm …

Anh cười hồn nhiên:

- Thì cho là vậy đi! Để anh nói em nghe … (sao trưa nay, anh có lắm chuyện “để anh nói em nghe” quá vậy nè).

 

31.

- “Để anh nói em nghe”, gì anh ?

- À, anh muốn tìm lại những món quà anh vô tình đánh mất khi xưa. Nếu không tìm được anh sẽ áy náy hoài không thôi.

- Tánh anh thực tế hơn em nhưng sao cái chuyện này, em thấy em thực tế hơn anh.

Anh nhăn mặt:

- Giải thích rõ hơn coi …

Cô tằng hắng lấy giọng (như người  ta thử  mi-cờ-rô) :

- Em khác anh ở chỗ, em rất thích ba cái đồ lắt nhắt, nên ai cho gì  em cũng giữ hết. Nhưng khi em quyết định điều gì đó, chẳng hạn như bỏ món quà ấy đi, thì em sẽ không hối tiếc!

Anh cười. Nhún vai. Rồi khoác tay:

- Tưởng chuyện gì. Chuyện đó anh biết em quá!

Cô cười nhỏ, thấp giọng:

- Anh biết em quá?  Đáng lý ra anh “phải” nói hồi xưa mình không quan tâm, không màng giữ đến các món quà kỷ niệm. Ai xin, mình cho. Không xem đó là vật phải chắt chiu giữ gìn thì bắt đầu từ ngày hôm nay mình sẽ biết giữ gìn các món quà người khác cho lâu bền hơn …

- Sau này, có ai tặng quà gì cho anh đâu?

Úi trời, lời trách thầm là đây!

Giọng cô nhỏ nhẹ:

- Hai cái món mà anh muốn em tìm mua lại đó, là bao nhiêu?

- Chắc khoảng 600 euros …

Cô có nghe lầm không? Cô có bị ù tai không vậy Trời:

- 600 euros cho cái hộp quẹt và cây viết! Anh không có nhầm với 600 tiền quan cũ chứ?

- Dupont chứ bộ!

Cô nói một hơi như sợ ai đó tranh dành lấn lướt:

- Sáu chục euros may ra em mua! Tu es malade! Complètement malade! Em hát cho anh nghe, “Je suis malade” của Serge Lama được đó.

http://www.youtube.com/watch?v=bKg7LCRgwoQ&feature=related

- Bệnh quá!

- Anh không chống lại ý nghĩ của người khác, mặc dù anh không đồng ý. Sao em chống lại ý nghĩ của anh!

- Em không có chống anh. Em nói lên ý nghĩ riêng của em đó thôi. Kỷ niệm vô giá. Bộ anh tưởng bây giờ anh bỏ ra 600 euros để mua lại cái hộp quẹt, cây viết Dupont gì đó, là anh đã mua lại được cái vô tình ngày xưa hay sao? Chuyện gì đã qua, cho qua. Chuyện bây giờ là anh cố gắng quan tâm đến các quà cáp anh nhận được kìa …

- Em nghĩ đơn thuần vậy. Nhưng anh không nghĩ vậy. Mỗi người có cách suy nghĩ riêng!

Tự dưng cô nhớ ra một điều.  Cô hơi chồm ra phía trước:

- Quà em cho anh đó, chắc em phải ghi danh sách ra quá …

- Khỏi cần ghi. Anh đọc cho nghe:  Hai cái cà vạt, hai cái áo sơ mi …

- Hiệu gì ?

- Pierre Cardin!

- Mầu gì ?

- Một kem, một xanh!

- Không phải xanh. Tím chứ không phải xanh!

- Tím xanh gì tùy em!

Cô hỏi tới tấp như  anh với cô đang chơi bóng bàn. Không ai muốn mất banh cả.

 

32.

Café Dương Cầm về đêm người ta treo mấy cái  đèn lồng lủng lẳng vàng, xanh, đỏ thơ mộng ngó dễ thương hết biết. Lúc ấy, đối với cô cái gì sao cũng dễ thương hết biết. Như không khí tháng Bảy ngột ngạt khó chịu gần chết mà cô cũng thấy dễ thương, tìm không đâu ra được ngay ở quê nhà. Anh ngồi đối diện cô, giải thích cô hiểu dĩa gỏi người ta vừa mang ra là gỏi bồn bồn. Bồn bồn có mầu trắng, cọng dài như cọng súng. Cắn vào hai hàm răng nghe dòn dòn, thêm vị chua cay của nước mắm ngon, cùng mùi rau răm. Hấp dẫn. Cô bất ngờ ngước lên, bắt gặp ánh mắt anh hạnh phúc.

Lần ấy, áo sơ mi anh mặc, và áo ngực cô  cài, tình cờ có  chung một mầu. Đó là mầu tím. Từ mầu tím, cho con muỗi ở café Dương Cầm bay vo ve chích vào chân, vào cánh tay cô, cũng trở nên thơ mộng  lãng mạn.

Các chi tiết anh vừa nêu ra chính xác. Cô chưa hề tặng anh chiếc áo sơ mi nào mầu tím cả, mà là xanh. Chứng tỏ rằng, khi người ta tặng cho ai điều gì, người ta chỉ biết tặng với tấm lòng. Nỗi nhớ không đầy bằng cái người được tặng. Phải chăng vì thế nên dù năm tháng có phôi phai, thời gian có rong ruổi, người ta sẽ nhớ hoài nhớ mãi, sẽ tiếc nuối khôn nguôi cái vô tình đánh mất nào đó trong đời …

 

33.

Chào mọi người. Tôi lập gia đình với một người đàn bà nghiện rượu,  trầm uất, lệ thuộc vào thuốc men chống suy nhược cùng một số thuốc men khác mà cô ấy phải dùng nhiều lần trong ngày. Cô ta hung dữ, dối trá, tóm lại mỗi khi cô ấy tấn công quá đáng thì tôi tìm cách bảo vệ theo tình huống để cuối cùng chúng tôi đi đến cuộc ẩu đả.

Cô không thỏa mãn trong chuyện chăn gối, tôi như người kiệt quệ, đôi khi là sáu ngày đầy liên tục, tôi có cảm giác như mình làm tình với một người điên. Bao lời thề hứa cô không hề quan tâm. Chính tôi mới bệnh! Tôi mất tất cả. Kể cả việc làm. Tôi rơi vào bóng tối. Tôi suy sút sức lực. Tôi chán nản tột bậc đến độ tôi không thiết sống để làm gì  nữa. Ai đó có phương cách gì mách lối giúp tôi không. Một người phụ nữ nghiện rượu không xinh đẹp gì cả về thể xác. Trước đó, thì cô ta đẹp lắm. Xã hội phải tìm cách chữa trị mạnh mẽ hơn cho những người bị dính trong con ma nghiện rượu này.

 

*

Trong bia hay whisky quả thật người ta thấy có nước, có đường và một phân tử mang tính chất rất đặc biệt, đó là cồn éthylique hoặc cồn  éthanol. Nó là một phân tử nhỏ, nhỏ đến độ người ta khỏi cần cắt xén để gởi vào máu. Nói cách khác không cần phải tiêu hóa.

Nó truyền qua “bức thành” bao tử, qua ruột non, một cách thụ động. Cứ thế, ta uống bao nhiêu cồn thì cồn truyền trong máu. Và khi máu “nhận ” ra cồn, máu sẽ cho cồn đi thăm viếng hết tất cả tế bào khác. Nhất là lý trí. Vì thế chỉ qua vài phút giây ngắn ngủi sau khi uống cồn, cồn có tác dụng ngay.

Ta càng uống, tác dụng càng biểu lộ.

 

*

Chào mọi người. Tôi là con gái của một bà Mẹ mắc chứng nghiện rượu. Người ta đưa Mẹ vào bệnh viện để trị bệnh trầm cảm. Nhưng bác sĩ tâm thần muốn điều trị bệnh nghiện của Mẹ trước. Cái khó khăn là Mẹ tôi không chấp nhận mình bị nghiện chút nào. Niềm hy vọng của tôi là làm sao cho Mẹ tôi công nhận điều ấy là sự thật. Mình bị nghiện thật rồi. Tôi nghĩ, đó là bước đi tới lớn lao nhất để có thể mong chữa cho lành bệnh. Bác sĩ giải thích cho Mẹ tôi nghe như thế này:

- Bà yêu mến một người, đang thầm thì bên tai, ta sẽ tàn phá lá gan của mi, ta sẽ tàn phá lá lách của mi, ta sẽ lấy mất gia đình mi, ta sẽ lấy mất việc làm mi, rồi ta sẽ giết chết mi. Đó, rượu nó biết thực hiện bao nhiêu thứ như vậy đó. Nó là một độc dược. Bà biết nó như thế nào rồi, bây giờ bà chỉ cần mạnh mẽ bước tới là bà có thể chữa được thôi.

Tôi nghĩ, con đường chông gai nhất là chấp nhận mình.

Hãy đừng xấu hổ, bởi nghiện rượu là một cái bệnh mà chỉ có chính mình mới có thể vượt qua được thôi. Tôi cầu mong có một ngày nào đó, Mẹ sẽ có can đảm, có sức mạnh, để thú nhận mình đã bị nghiện rượu. Tựa như Anh, tựa như Chị, dám thú nhận bệnh nghiện của chính mình.

 

*

Tôi uống rượu bởi vì rượu mang lại sự vui vẻ. Họp hành mà không có rượu, chán ngắt.

Tôi uống rượu bởi vì lễ lộc, cưới hỏi, sinh nhật mà không có rượuthì coi như  không trọn vẹn.

Tôi uống rượu bởi vì tôi thích tìm thấy cảm giác lâng lâng  say.

Tôi uống rượu bởi vì rượu mang đến cho tôi một khoảnh khắc ngộ nghĩnh

 

*

Chào mọi người. Tôi không phải là người nghiện rượu nhưng người tôi yêu thì mắc chứng bệnh này. Tôi chịu đựng cũng 9 năm rồi những lần trở chứng của anh ấy. Hầu như anh uống mỗi đêm. Để tránh va chạm lúc anh lên cơn nghiện, tôi và các con dọn ra khách sạn trọ. Mỗi lần anh đều nói, “lần này coi như lần cuối, anh sẽ dừng thôi”, và tôi cũng ngây thơ tin tưởng.

Phải công nhận một điều, khi không có rượu, anh là một người đàn ông rất dễ thương, tử tế, độ lượng. Tôi không thể chịu đựng được hơn nữa những cuộc đấu khẩu, la hét, lăng nhục. Tôi muốn nói lên lời chúc can đảm cho những ai có sức mạnh, nghị lực biết chấp nhận mình và đầy ý chí cay rượu.

Vô phúc thay cho người tôi yêu, không ai có thể giúp đỡ được cả.  Anh ấy phải tự lấy quyết định ngưng tiêu thụ rượu. Tôi đã làm mọi cách để vận động cho anh ấy ngưng nhưng hoài công. Biết bao giờ ngày ấy mới đến? Rượu ảnh hưởng người nghiện kể cả người không uống đến một giọt.

 

*

Tôi uống rượu bởi rượu giúp tôi chế ngự sự buồn bã, bực mình.

Tôi uống rượu bởi rượu biết an ủi khi tôi có tâm trạng cáu gắt.

Tôi uống rượu bởi tôi muốn tìm quên.

Tôi uống rượu bởi tôi không muốn người ta cho tôi là người không sành điệu.

 

*

Chào mọi người. Không ai nói rằng tôi uống nhiều bởi vì tôi uống lén trong nhiều năm nay rồi. Tôi rất khó ngủ, với rượu giúp tôi ngủ dễ dàng hơn. Lúc trước, tôi dành cuối tuần để thưởng thức bây giờ là hầu như mỗi đêm! Tôi bắt đầu lo sợ …

 

34.

Phòng đợi mầu tím. Cái mầu rất thời trang bây giờ. Một bệnh nhân, hai bệnh nhân, rồi nhiều bệnh nhân bước vào. Cánh cửa sổ mở thật rộng. Bác sĩ chắc không sợ bệnh nhân hứng chí nhảy lầu.  Mà có nhảy thật chắc cũng không đến độ nào. Lầu hai.  Cao lắm là gãy chân, bể đầu.

 

Tòa nhà Cortinat, trên con đường song song nhà cô cách đây mấy năm về trước liên tục hai người nhảy lầu tự tử. Một, ở lầu cao chót vót. Lúc ấy vào buổi trưa, sau 2 giờ trưa. Cô đói meo. Chuẩn bị đi ăn thì bất thình lình nghe một tiếng động khô. Kinh hoàng. Cùng lúc ngoài phố tiếng thắng của một chiếc xe hơi thật gắt đang trờ tới. Cô chạy vội ra khỏi văn phòng. Cô tưởng con chó của ông chủ có chuyện gì rồi. Ngó qua bên đường nó hí ha hí hửng. Leo lên mấy nấc thang nhận ra một đống thịt bầy nhầy. Cạnh bên là chiếc dép, hay guốc không rõ. Người đi đường lố nhố đứng xem. Cô bần thần chết lặng. Ai đó hỏi, đàn ông hay đàn bà. Người khác chỉ chiếc guốc nằm không xa. Cô nhận ra chiếc guốc rồi. Máu không văng tung tóe. Mà như là người ta đứng trên một cái ghế, rồi liệng miếng thịt xuống, miếng thịt bẹp ra. Cô băng qua đường, lo kéo con chó lang thang về. Nhưng nó mạnh quá, nó không chịu về. Nó nhìn cô thách thức rồi chạy đi một mạch! Cô bước vô tiệm chạp phô mua trái táo đỏ ăn dằn bao tử mà bao nhiêu hình ảnh chờn vờn trước mặt. Cắn trái táo mà lòng muốn ói. Cảm giác rờn rợn lạnh người.

Đúng một tuần lễ sau, cũng cái tòa nhà ấy, một người khác nhảy từ lầu bảy xuống. Rớt không cùng một phía, mà rớt trên đất nên bụi bay mịt trời. Máu tuôn ra từ lỗ tai. Mang vào nhà thương vài ngày sau mới mất.

Chuẩn bị đi biển tới nơi mà sao nói toàn chuyện gì đâu không vậy nè!

 

35.

RER A làm reo. Muốn vào Paris chỉ có chuyến đường duy nhất - số một - băng từ Tây qua Đông, từ Đông qua Tây. Từ hãng cô nếu muốn lấy chuyến đường số 1 phải đến trạm La Défense. Phải mượn con đường tắt bằng cách leo lên mấy nấc thang, leo lên chiếc cầu đang xây lỡ dở mà đi. Mùa Đông tuyết rơi trơn thấy sợ luôn trên chiếc cầu này. Cô và Karine thủ trên tay hai ly trà nóng. Xuống đường trong lúc trời bên ngoài tuyết rơi không ngừng. Rót trà vào ly giấy, rồi đón tuyết vào ly trà. Trong túi áo mỗi đứa tha đầy kẹo. Phòng hờ khi dưới đường hầm métro đông người, ngộp, thì có kẹo ngậm cho bớt choáng váng. Thủ luôn miếng bìa cứng, cất trong túi sách. Phòng hờ chuyện métro đang chạy mà các  công nhân viên dở chứng không muốn điểu khiển nữa, (thì có miếng bìa quạt cho mau hạ cơn nóng!)

 

36.

Anh bệnh. Tình cờ thôi, cô biết được. Tự dưng cô nghĩ đến câu, Trời cao có mắt. Có phải đúng như vậy không, nên Trời đã tìm cách đưa cô đi một lối khác. Lối đi mà những cơn mưa đầu mùa trống vắng lạ kỳ. Rồi lối đi buồn bã biến dần thành quen thuộc. Những hoang mang bỏ lại sau lưng. Cô nhìn ra mầu xanh non của lá. Dửng dưng chuyện anh nhập viện như thế nào.

Sự dửng dưng có đồng nghĩa với vô tình hay không?

 

Tại sao cô không dửng dưng trước sự việc chiếc Air Bus A330 mất tích vào đầu tháng sáu. Trên chiếc máy bay xấu số ấy, cô có quen với người hành khách nào đâu mà cô tưởng tượng những thân xác chưa vớt lên được biết đâu chừng họ đang sống sót ở hòn đảo nào đó. Họ đang chờ ngày quay về xứ sở họ đấy thôi.

 

Cô dễ rơi nước mắt, nhưng  lại dửng dưng ở chuyện anh đau ốm. Trong đáy mắt cô hình như những viên Dolipranne xưa đã xa xôi lắm. Anh nhạy cảm nhưng chắc không bằng cô. Bởi nếu có, anh đã nhận ra, anh đang bị (hay được) Tình Yêu nhốt trong lồng kính mất rồi. Cô thấy hết, nhưng lại không lên tiếng. Cô chấp nhận lối rẽ mới. Đồng nghĩa với “người ta” cho cô ra rìa.  Cô không lên tiếng, bởi không có tư cách gì để lên tiếng. Cô chỉ dám hy vọng hão huyền, anh là …  nghệ sĩ . Nghệ sĩ ai lại không sắm cho mình một trái tim bao la, một tâm hồn lãng mạn. Câu chuyện văn chương, viết chung một cuốn sách, dịch chung một câu chuyện, làm chung một bản nhạc. Cái gì mà chung thì trước sau cũng … riêng. Không biết anh có hiểu cái điều ấy không?

 

Mãi cho đến hôm nay, tin anh nhập viện, cô mới tin thật sự  đến tấm lòng cao cả  ở anh. Anh không muốn cô sống trong phập phồng sợ hãi, cho nên anh mới cho cô nghỉ chơi. Chỉ có vậy mà sao cô đã không hiểu ngay từ lúc thấp thoáng bóng dáng người tóc dài bước vào …

Vậy ra, anh cũng từng thương và, lo lắng cho cô vậy? Thấy không!

 

37.

Trong cơ thể mỗi người đều có một tủ thuốc. Khi ốm đau, cái tủ thuốc ấy sẽ  biết  cách chế biến, sẽ biết chống chọi, sẽ biết cách gởi viên thuốc đến chỗ ta đau mà  dỗ dành, xoa dịu. Một hình thức “anti corps = anti body”.  Cho nên có lẽ vì thế, “khi không” có người nhức đầu, chỉ cần uống một ly nước, nhắm mắt lại nghỉ ngơi một chút, thì bớt. Có người, thì cần đến viên thuốc may ra mới làm cho cơn nhức  vơi đi.

 

Trở lai, chuyện “tủ thuốc trong cơ thể” cũng vậy. Đó là khi  tất cả mọi đuờng đi nước bước của mỗi bộ phận trong cơ thể  hoạt động bình thường. Sự  giúp đỡ bên ngoài, coi như không cần thiết.

Trong trường hợp, nó không hoạt động một cách “tự động” được nữa, thì cơ thể buộc phải cần sự hỗ trợ đến từ bên ngoài.  Buộc ta phải dùng thuốc.

 

Nếu nói như vậy, tại sao ta lại không tìm cách để chỉnh đốn cho cái tủ thuốc bên trong chạy trở lại? Nó không thể cho, và nhận bởi các lối đi đến nơi đau yếu đuối, không đủ sức nghe và thấy. Vậy ta chờ gì nữa mà không tìm cách đánh thức sự yếu đuối trở mình thức giấc bằng cách nhờ những hàng xóm láng giềng tiếp viện ngay từ bên trong!

 

38.

Người ta có thói quen hay  dùng chữ “khi không” bắt đầu một câu chuyện. Thật ra, khi không nào cũng có nguyên nhân cả. Đọc môt bài Thơ của một người viết riêng cho một người, khi không ta cảm thấy khó chịu! Cái khó chịu ấy, không tự dưng mà có. Nó xuất phát từ sự bất mãn. Một người như vậy mà làm thơ tặng. Người được tặng thơ như vậy mà lại nhận. Bài thơ như vậy mà được đăng. Làm thơ như vậy mà cũng gọi là Thi Sĩ. Tờ báo như vậy mà cũng gọi là Văn Học Nghệ Thuật. Vân vân và vân vân … Tất cả những sự bất mãn ấy, tủ thuốc bên trong không có cùng tự điển, nên hiểu không ra, chữa không nổi. Đó, “khi không”, ta tự gây ra cho ta sự bất mãn để làm cho thần kinh rối loạn. Khi thần kinh rối loạn, các mạch máu nối ngang dọc trong cơ thể cũng xung khắc. Sẽ làm ta đau đầu, hoa mắt, ăn không no, ngủ không yên, suốt ngày chỉ nhớ đến cái chuyện “khi không”, không ra gì, mà ra. Các bộ phận trong cơ thể láng giềng “khi không” cũng bị ảnh hưởng, nếu không muốn nói là “mang vạ” vào thân luôn.

 

39.

Chỗ cất giữ trái tim đau,

Ta hãy tập sống dửng dưng trên  mọi phiền toái. Ai thương ai, ta mừng. Mừng một cách chân thành, mừng thật tình. Mừng bởi vì càng có nhiều người biết thương yêu nhau, chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng mới sớm chấm dứt. Chiến tranh không còn tồn tại, thì thiên nhiên mới có thể rực rỡ được.

Vậy coi như ta đã tập cho các dây thần kinh bớt buồn phiền rồi đó! Khi tinh thần ta vững, trái tim ta bớt lo âu thì những chỗ đau đớn nếu có sẽ từ từ sớm hiểu ra mà lành lặn thôi.

 

40.

Xe vừa chạy, N thông báo tình hình bác gái:

- Có lẽ phải đi lọc thận thôi, nếu mà như vây, một tuần phải ba lần đó!

- Một tuần phải lọc đến ba lần?

- Ừ.

- Tội Bác quá. Rồi mấy nay Bác ngủ thế nào Nga?

- Bác sĩ nói phải bớt thuốc, khổ cái bớt thuốc chống đau thì Bà Già lại đau quá, thêm phần lo nữa, nên ngủ càng khó khăn hơn.

 

Bụng Mẹ của Nga lần này bớt trương hơn như thứ bảy tuần rồi. Hay là nhìn bắt đầu quen? Trời bên ngoài thì nóng, mà chân bác thì phải mang đến hai đôi vớ, rồi thêm một bịt muối nóng cạnh bên. Trong lúc massage chân trái thì cô trùm nguyên cái chăn bông từ cổ xuống đến bàn chân mặt cho bác không bị lạnh.

 

Hai tuần nữa Bác đi hè. Chỉ mong Bác đi chơi biển, đổi gió trời, tinh thần sẽ khuây khoả …

Chỉ biết dặn Nga, hai nhà tụi mình không xa, khi có chuyện gì phải  đưa Bác vào nhà thương gấp, nhớ gọi cho một tiếng nghe không. Nga gật đầu. Đưa miếng dưa hấu vô miệng.

Những đối đáp trống không.

 

41.

Xem kịch. Trời!

Rốt cuộc rồi cũng phải lặn lội gần 45 phút để lên tận khu Montmartre xem cho được: “Tôi không cảm thấy đẹp”. Dụ không được nhỏ em lấy du thuyền trên sông Seine về đêm nên cuối cùng phải gồng mình đi xem kịch với con nhỏ. Cũng không ngớt hăm he.

- Lựa cái kịch gì vui vui chớ tình cảm ướt át ta vô trong đó ngủ gục đừng có mắng nhiếc người ta bất lịch sự đó nghe không!

21 giờ đêm kịch bắt đầu chỉ mỗi hai nhân vật chánh. Một Nam, một Nữ. Sân khấu được dựng thành một phòng khách,  góc bếp, và tắm màn che ngang làm buồng tắm. “Tôi không cảm thấy đẹp” cuốn hút cô ngay lúc chuông điện thoại reo, từ bên ngoài cô gái vội vàng mở cửa. Nhỏ em ngồi kế bên thỉnh thoảng nghe cô cười, nên coi bộ yên tâm.

 

42.

Kịch tan lúc 22 giờ 30. Trời còn sáng và đông người quá sức. Riêng con dốc này thì tình cờ lại vắng. Đi lang thang xem tranh. Đậu lại một tiệm kem. Ăn kem cho bớt khô cổ. Xong que kem khát nước muốn chết đi được. Lại xin thêm ly trà nóng, rắc hoa hồng.

 

Nhỏ em chưa muốn về sớm. Gần 23 giờ khuya mà chưa chịu cho là trễ. Ừ,  chìu luôn. Chơi luôn.

- Từ Montmartre về lại Porte de Choisy mất bao nhiêu lâu?

- Thì hồi nãy đi 45 phút, bây giờ chắc cũng 45 phút.

- Nói vậy mà nói được!

Con nhỏ này sao hay có cái tật ngắt câu chuyện bằng cái điệp khúc, ” Nói vầy mà nói được”, hay “Nói vậy mà cũng nói”.

 

Về lại phố Tàu ăn hủ tiếu, canh chua cá bông lau, uống Perrier xí muội. Đến lúc người ta dọn ghế, dọn bàn, tắt đèn mới chịu tin trời dần sáng.

- Chị ngủ ở đâu?

- Ở trong phòng mấy nhỏ.

- Sao không ra đây nằm chung giường với em?

- Chật thấy mồ đi …

- Chật gì chật?  Em nằm xích vô bên trong cho.

- Ừa đề nghị này nghe lọt tai đó. Ok thôi.

- 5 giờ sáng mai em đi, nghe?

- Cứ nhắm mắt ngủ đi. Mai em dậy mấy giờ thì lúc ấy biết. Tính chi cho mệt.

8 giờ sáng ngày hôm sau, nhỏ em mới thức. Và 10 giờ, mới ra khỏi nhà …

 

43.

Đau từ phần hông đi xuống bàn chân mà người ta khám máu.  Hết khám máu đến khám phổi.

Tốt.

Không có gì xấu cả.

 

Thế là ung dung tiếp tục hút thuốc và uống rượu. Ly này là ly chót. Gói thuốc này là gói chót. Mãi cho đến một lúc khác đau quá, chịu không nổi, mới đề nghị cùng bác sĩ cho khám đúng ngay chỗ mình đau.

Anh đáng đánh đòn lắm.

Từ trong phòng đợi kết quả chụp quang tuyến phần hông, phần xương chậu, anh cúi đầu trên tờ báo.

Nhìn gì không biết?

 

Em đến, anh không hay.

Ra khỏi phòng đợi, uống hế ly café, ăn hết tô phở, nỗi buồn anh đeo mãi không rời.

- Mổ, thì mổ thôi anh. Bao giờ mới được?

- Chắc năm tới …

Bây giờ là tháng Sáu. Tháng Sáu có gì lạ ngoài mưa và lưng chừng giữa Xuân, Hạ.

- Đau như thế, mà đợi năm tới. Sao không đợi hết đau rồi mổ luôn anh!

- Đi hè về cái đã!  Vé mua rồi …

- Ờ, anh nói có lý. Đi hè về biết đâu hết đau, khỏi mổ. Giờ yên chí rượu, thuốc lá, không phải là nguyên nhân gây ra cho cơn đau lên dữ dội như vậy há?

Một câu trách móc chẳng ảnh hưởng gì. Anh nghe riết, quen rồi.

- Ông Thầy em giống anh. Ổng đau phần vai quá chừng. Đau từ năm ngoái, sang năm nay. Ổng không dám than cho em nghe nữa. Bởi ổng ngán đi khám bác sĩ. Sợ người ta tìm ra những thứ bệnh khác. Ổng giống anh.

 

Anh bật lên cười to với câu tuyên ngôn của cô. Kệ. Cô nghe cái giọng cười như thế riết cũng quen rồi. Cười kiểu "măng-phú" đời đó mà.

 

44.

- Bà chắc biết tui bị gãy 5 cái xương sườn?

- Biết.

Chữ biết cô vừa buông ra, nghe cứ như chuyện con ruồi con muỗi đánh mùi tôm, mùi cá, xà tới đậu lại. Bà Thoa đang lật lại trang nhật ký kỷ niệm đời mình đây! Không biết bả có đọc được dòng nào cái bản dịch của cô gởi hôm trước. Câu chuyện Nữ Tài Tử Điện Ảnh nổi tiếng của Pháp bị hành hung do chính Người Tình của mình làm ra nông nổi đó? Đặc biệt hơn hết, cái anh chàng Ca Sĩ này lại có ngày Sinh Nhật y chang mình! Cái con Rồng Song Ngư này chắc lội và bay lộn đất trời rồi nên mới ra hậu quả khủng khiếp như thế. Bà Thoa chắc là phải đọc cái bài hôm trước cô gởi nên mới gọi cho cô nhắc đến cái chuyện cũ một cách tỉnh bơ bơ đây! Cô lợi dụng trong lúc Thoa nhắc lại chuyện xưa một cách bình thản, cô làm gan hỏi cho ra lẽ một câu mà xưa đến nay Thoa luôn lờ, và lẩn tránh:

- Lúc đó đó, Thoa đứng hay ngồi ?

- Đứng! Rồi giơ tay này, tay kia ra đỡ. Rồi từ từ quỵ xuống.

 

Cô im lặng. Không trúng gió mà dưng sao nghe đau nhói ở lồng ngực.

- Lúc ấy, tui nghĩ tôi đã làm điều gì đó không tốt. Có không tốt cho nên tui mới bị chồng tôi dạy cho một bài học như vậy. Hồi đó cái gì tui cũng chìu, cái gì tui cũng xin phép. Cơm sườn nướng thì phải có chả cua, phải có bì, phải có mỡ hành phi lên. Muốn đón tiếp bạn bè đến chơi phải có sự đồng ý của chồng thì mới dám mời về nhà …

- Bây giờ Thoa nói ra được như vậy, tốt quá rồi! Những điều này, chẳng có gì phải gọi là hổ thẹn đế nói cho mọi người biết, mọi người giúp đâu Thoa. Cái mà tui nghĩ, Thoa chần chờ lâu như vậy có lẽ là do những dằn vặt giữa xấu và tốt. Mình không mắng nhiếc ai, tại sao người ấy lại có thể chửi bới mình thậm tệ? Mình không dám tát bạt tai ai, tại sao người ấy lại có thể giơ cao tay, đánh, đá, đập mình đến sưng phù mắt, gãy năm cái xương sườn như thế. Mình là con người, mình không phải là con chó, ngồi canh cánh lo chừng nhà. Đợi chủ về, gặm dép đến cho chủ thay. Khi mình bất đồng ý kiến, chủ quơ tờ báo nào đó, đét vào đít.

 

Mình là con người mà có phải thú vật đâu!

 

45.

- Em suy nghĩ câu nói của chị hôm qua…

Cô nghệch mặt ra mất mấy giây. Hôm qua, mình nói cái gì vậy cà? Chuyện gì mà sao con nhỏ này nó có vẻ quan trọng quá không biết.

- Chị à…

Lại à với iếc. Cô tưởng như mình đang nín thở nghe theo câu chuyện nhỏ em sắp kể:

- Theo chị, Yên hỏi thăm như vậy không có nghĩa là có cảm tình đặc biệt với Vỹ đâu hả? Sao em thấy, hai người ấy, có vẻ hợp nhau lắm! Em có gọi xuống nói chuyện với Vỹ, Vỹ cũng cho rằng Yên là người dễ thương. Nhưng ngừng lại ở đó. Vỹ nói, em với Yên thân nhau như vậy. Vỹ không muốn làm em buồn chuyện gì cả. Có nghĩa là tại vì có em trong đó hả chị?

 

À nhớ ra câu chuyện hôm qua đây rồi. Chuyện của những người hơn 40 tuổi. Chuyện tình cảm làm cho người ta thành trẻ con lúc nào không hay. Như đứa bé, chập chững mới biết đứng chựng. Nhìn xung quanh, thấy bao cảnh vật lạ lẫm. Tò mò muốn bước tới ngắm nhìn cho rõ hơn. Nhưng chưa biết phải nhấc chân nào trước. Và sau khi nhấc một chân lên, thì phải làm sao nữa. Những tư thế như vậy, có làm mình mất thăng bằng hay không? Và nếu như mình bị mất thăng bằng, mình sẽ ra sao? Mình sẽ phải té đau như thế nào? Rồi sẽ có ai vịn tay, nương cho mình đứng lên hay không?

Khi nhìn một đứa bé đứng chựng, chưa dám bước tới, mình sẽ hiểu được rằng, đứa bé chưa có sự tin tưởng tuyệt đối. Chờ đi, vài ngày nữa thôi. Khi đứa bé biết đi rồi thì đến lúc ấy ta rượt theo chưa chắc kịp.

 

Hôm qua, cô nhớ cô có nói như thế này, nếu như cái anh Yên dễ thương nào đó, (mà cô chưa một lần vinh dự được giới thiệu!), nếu Yên thật sự muốn liên lạc thẳng với cô bạn tên Vỹ, thì cứ việc hỏi thăm số điện thoại, địa chỉ e-mail, qua em. Thời buổi hiện đại, hại điện, ai cũng lớn cả rồi. Hơn 40 tuổi cả rồi. Cũng đôi ba lần dở dang. Kinh nghiệm xương máu đầy mình, chớ có phải nít nhỏ gì lắm đâu! Nói chuyện với nhau, hợp nhau, một nụ cười gởi đi, đâu có phải là đã có cảm tình đặc biệt lắm rồi đâu. Nụ cười vô tội vạ mà. Lịch sự xã giao. Ai cũng có thể làm được hết mà. Trong bàn ăn, một cuộc gặp gỡ, không lý do gì làm mặt lạnh, mặt ngầu với nhau chi cho người ta thêm ghét. Đúng không nào?

Mà điều quan trọng là em muốn cái gì mới được kìa.

 

 

Em muốn giữa em và anh chàng tên Yên nào đó sẽ có tình cảm sâu đậm thêm hay là em muốn giữa em và Yên chỉ dừng lại ở vị trí bạn bè. Nếu ở cương vị bạn bè, việc gì em phải phân tâm như thế! Hãy nhìn ra phố, bên ngoài kia bao nhiêu sợi nắng tháng Ba đang nhảy múa tuyệt vời. Hãy bước ra đường, lỡ như cái nắng mình vừa trông thấy bất chợt đổ thành cơn mưa hối hả, thì mình cứ việc … trúng mưa thôi. Chớ làm sao bây giờ? Đời sống mà. Tình Yêu, nếu thật sự em muốn giữ, em hãy tìm cách giữ. Giữ được cho an lành, thì tốt. Cố gắng giữ mà không được an lành, thì mất. Mất thì thôi. Biết làm sao hơn! Đâu có gì hoàn toàn đâu. Cứ thế mà mà vui vẻ sống.

 

Hãy bắt nắm, ngày tháng trong tay. Đừng để nó vuột mất lần nữa rồi em lại sẽ khóc như mưa năm nào. Cái lần đầu tiên, em hay tin Yên lấy vợ đó. Nhớ ra chưa?

 

46.

Nhỏ em gọi. Như thói quen, nó không bao giờ vô thẳng vấn đề. Kể lan man hết chuyện này đến chuyện nọ. Cô thì cũng chẳng có gì gấp gáp. Mỗi việc chờ nước trong bình sôi để đổ vào thau. Cô siêng nhắc mọi người phải nhớ ngâm chân vào nước ấm, rồi thoa bóp những ngón chân, lòng bàn chân gì đó. Bởi vì phần đông người ta chuộng chăm sóc tóc tai, gương mặt hơn là bàn chân. Mùa Đông thì phải mang vớ kín mít ai mà thấy được những điểm xấụ ở bàn chân, các ngón chân chi cho mệt. Cứ thế mà lơ là. Thật ra bàn chân là nơi cần chăm sóc hơn hết. Phần nào trên cơ thể càng che đậy thì càng phải nhớ chăm sóc hơn! Cô nói nghe có vẻ thuộc bài nhưng mà nhìn hai bàn chân cô đi rồi biết. Trầy trụa, nứt nẻ, ngó ghê luôn!

- “Em ở bên Pháp lâu rồi mà sao bàn chân em khô quá há!”

Cách đây vài năm về trước, có người than như vậy. Nghe chột dạ chớ! Không biết ý muốn nói là, “Sao em ở bên Tây lâu vậy mà không có tiền mua kem thoa chân gì hết”, hay là, “Em sang Tây lâu vậy mà sao bàn chân em vẫn còn giữ nét đặc thù của đồng chua nước mặn há!”

Hồi xưa nghe câu này, không nhớ cô phớt tỉnh hay là cô đỏ mặt tía tai. Quên rồi. Vài năm sau gặp lại, cũng từ lời của người ấy nói:

- “Em thua Vi một điều, em không biết châm thuốc cho anh hút”

- “Vậy à … “

- ” Vi thích châm thuốc cho anh hút lắm”

- “Vậy tốt anh!”

 

Măng-phú. Cô cười tươi. Ai hơn cô, mừng thêm. Vì khỏi sợ bị lấn lướt. Cứ thong thả xách ghế ngồi ở cuối góc mà yên thân.

Nhưng anh không để cô yên thân. Anh hay hẹn cô đi ăn mỗi thứ sáu. Mà lạ ở chỗ, vừa kêu xong món ăn là bên kia đầu dây điện thoại di động trong túi áo anh reo. Cô chờ nghe, hôm nào đó anh nói:

- “Vi hơn em, là vì biết canh chừng anh cẩn thận”

Măng-phú. Ai canh chừng anh, cũng được. Yên tâm. Miễn trong danh sách, không có cô là ổn rồi.

Há?

Chương : 1    2   3   
Trang Thanh Trúc
Số lần đọc: 1345
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Cùng một tác giả
Chết đuối (truyện ngắn)
Phượng Vỹ (truyện ngắn)
Cô dâu 20 tuổi (truyện ngắn)
Café Đắng (truyện ngắn)