Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.274
123.157.223
 
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009):
Trần Trung Sáng
Chương 1

(trích tiểu thuyết)

 

Sau 8 năm ngày mất ca sĩ Tuý Phượng (13/11/2001 – 13/11/2009) - người thường được biết đến tại miền Nam vào thập niên 60-70 với danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Twist”, tại Trại sáng tác VHNT TP Đà Lạt 2009 (15- 29/11/2009), nhà văn Trần Trung Sáng vừa công bố hoàn thành phần cuối cuốn tiểu thuyết mang tên“Nữ hoàng nhạc Twist”.

 

Đây là cuốn sách khoảng 400 trang, bắt nguồn cảm hứng từ cuộc đời thật của ca sĩ Tuý Phượng. Bối cảnh chính là vùng ngoại thành Hội An – nơi cô ca sĩ theo chồng là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh, qua đó  với nhiều tình tiết, nhằm phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt dưới cái nhìn của người đô thị. Tại một cuộc giao chiến cận Tết Mậu Thân, viên tiểu đoàn trưởng bị quân giải phóng bắt sống, ca sĩ Tuý Phượng trở lại sân khấu Sài Gòn. Sau 1975, đôi vợ chồng này đoàn tụ trong một tâm trạng phức tạp , khi lựa chọn giữa “đi và ở”, kéo dài cho đến ngày “nữ hoàng nhạc Twist” chết đi trong bệnh tật và lặng lẽ.

 

Trước khi ấn hành, tác giả cho biết, trong suốt  năm qua, tiểu thuyết “Nữ hoàng nhạc Twist” đã được in nhiều kỳ trên báo Doanh Nghiệp Chủ Nhật. Qua đó, tác giả đã nhận được nhiều thông tin phản hồi bất ngờ từ những bạn đọc là người thân gia đình Tuý Phượng và những người liên quan cuộc chiến đang còn sống. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu trích đoạn một số chương đầu của tiểu thuyết.

 

Lời nói đầu:

 

Nữ hoàng nhạc Twist”danh hiệu do khán giả phong tặng cố ca sĩ  Tuý  Phượng từ những năm đầu thập niên 60, thời kỳ thịnh hành các điệu Twist, Agogo, Soul...du nhập vào nước ta

Tuý Phượng cùng tuổi với các nữ nghệ sĩ: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Vui, Bích Sơn... , song không chỉ nổi danh là ca sĩ mà còn được biết đến nhiều qua các hoạt động kịch nghệ, điện ảnh. Sau năm 1975, Túy Phượng vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu một thời gian ngắn và qua đời  cuối năm 2001.
      Câu chuyện dưới đây, bắt nguồn cảm hứng từ cuộc đời thật của Tuý Phượng, chủ yếu là giai đoạn ca sĩ theo chồng sống tại Hội An.

Nếu có những trùng hợp nào về con người, sự việc nơi đây đều là tình cờ ngẫu nhiên, ngoài ý muốn tác giả,  mong bạn đọc bỏ qua...

TTS

 

Kỳ 1:

 

Tiếng hát lên trời

 

Theo thói quen, Hảo gọi một tách cà phê đen rồi lấy điếu thuốc từ chiếc hộp dẹp, mỏng do tự tay mình vấn nên từng điếu, châm lửa nhìn về phía bục gỗ sân khấu đợi chờ...

Dzuân cười khẩy, trách bạn:

- Cậu lúc nào cũng vậy. Phải hút xách, chơi bời phung phí vào đi chứ! Hôm nay tớ bao cậu mà!

Dù nói vậy, nhưng Dzuân vẫn cầm điếu thuốc vấn tay có in bút danh người bạn nhạc sĩ thân thiết vân vê trước khi gắn vào môi. Từ lâu, anh vẫn yêu mến cái phong cách sinh hoạt của Hảo: nghệ sĩ đến từng chi tiết nhưng hiền lành đến mức gần như khiêm tốn. Nếu chỉ gặp gỡ thoáng qua đôi lần tình cờ, khó ai biết được đấy là tác giả của bài hát “Lòng mẹ” vang danh, xúc động hàng vạn con tim. Kể từ sáng tác đầu tay này của Hảo ra đời, đã có rất nhiều câu chuyện thêu dệt về cuộc đời thật của anh. Chung quy là nói về tấm lòng hiếu thảo của đứa con trai với người mẹ nghèo nàn tần tảo. Thực ra, ngoài bài hát “Lòng mẹ”, mấy năm gần đây, Hảo còn có nhiều bài hát trẻ trung, sôi nỗi khác như : “Sài Gòn đẹp lắm”, “Những bước chân âm thầm”...Còn giờ đây, Dzuân đang hy vọng người bạn tài hoa sẽ giúp cho anh một ca khúc thật mượt mà, phù hợp với một bộ phim anh đang chuẩn bị thực hiện. Nội dung phim là một chuyện tình liên quan đến người ca sĩ nổi bật nhất của phòng trà Việt Long mà cả hai người bạn đang hướng mắt ngóng đợi.

Dzuân nói:

- “Thuý đã đi rồi”. Có lẽ phim sẽ mang tên như vậy.

Hảo tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Tên buồn thế à?

- Cô ca sĩ này có một cuộc đời buồn. Giọng hát cô ấy cậu còn lạ gì. Cô ấy hát bài “Lòng mẹ” chắc có lần cậu đã rơi nước mắt...

Phía đầu cừa phòng trà, có mấy viên sĩ quan quần áo đậm màu trận mạc, đang lầm lì bước vào. Mấy gã bồi bàn bàn lăng xăng, chạy đến đón khách, sắp xếp chỗ ngồi. Rải rác ở mỗi bàn, xem chừng đã có chủ. Có những nhóm thanh niên, tóc tai luộm thuộm, mang kiếng cận trông như sinh viên hoặc giáo chức. Cũng có bàn chỉ có duy nhất một cô gái trầm mặc lẻ loi, phì phà khói thuốc. Tự nhiên, Dzuân hào hứng nói:

- Lần đầu tiên tớ thấy một ca sĩ có giọng ca hớp hồn khán giả như vậy. Từ giới trí thức cho đến lính tráng và giới bình dân, lao động..., có cả khối người say mê cô ấy. Chính vì vậy, tớ rất hứng thú khi bắt tay vào bộ phim này.

 

Người ca sĩ gốc Huế, giọng hát u hoài nức nở, dáng điệu gầy yếu, mảnh mai với mái tóc buông lơi trong gió, chẳng ai xa lạ, chính là ca sĩ Thanh Thuý. Hảo đã từng tiếp xúc cô đôi lần ở các phòng thu. Anh cũng nghe nói, một giáo sư triết học ví  sự xuất hiện  giọng hát của cô với sự  kiện  ra đời của trường Đại học Huế. Nhưng phải thừa nhận, có gặp gỡ, lắng nghe cô  hát  trong cái không khí ẩn  hiện ánh đèn màu thì mới cảm nhận được nổi buồn da diết  thấm vào lòng người. Hèn chi, từ lúc nào, nơi phòng trà này, một người nào đó đã viết nên mấy câu thơ:

 

“Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.

Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”(*)


Bây giờ Thanh Thuý đang đứng trên sân khấu. Vẫn tà áo dài màu lam nhạt. Vẫn dòng tóc bập bềnh như cơn sóng nhỏ. Vẫn giọng ca man mác, trầm buồn. Trông cô giống như hình tượng của người phụ nữ đang tiễn biệt, chia ly người tình rời sân ga ra tiền tuyến. Tiếng còi trong sương đêm. Tiếng còi trong sương đêm. Như gió reo bên thềm. Như vi vu oán than...Tiếng ca vừa dứt, xen lẫn trong tràng vỗ tay kéo dài râm ran là những lời đề nghị hô vang : “ Bis, bis...Nỗi buồn gác trọ”, “ Tiếng xưa”, “Thương một người:”...Một viên sĩ quan cao lớn đứng dậy gào lên lấn át : “Đúng rồi... Thương một người...Thuý ơi!”.

 

Tiếng dương cầm lướt thướt, như nhưng giọt mưa rơi rơi, rồi rải đều tê tái trên da thịt mõi người... Thương ai về ngõ vắng. Đời như ánh sao rơi. Thương ai từng đêm tối...Bài ca ra đời chưa lâu lắm, nhưng, dường như ai cũng biết, đây là một trong hai ca khúc đầu tay của một nhạc sĩ trẻ người Huế viết về chính cuộc đời Thanh Thuý. Kể cả bản quyền các bài hát ấy, nhạc sĩ cũng tặng nốt cho người ca sĩ đồng hương mà anh yêu quý, để rồi sau đó không ai biết mối tình ấy phôi phai ra sao (!)...

 

Dòng nhạc cuối cùng chưa kịp dứt, bỗng dưng từ một góc bàn kề cận cánh gà sân khấu, một gã thanh niên tay cầm một nhành hoa lảo đảo đứng dậy : “Thuý! Thuý ơi!...”, kế đến là âm thanh của tiếng thuỷ tinh loảng xoảng, oà vỡ. Có tiếng gọi lớn: “Hỏng mất! Giữ nó lại. Nó say rồi...”

 

“Chuyện ấy thường thôi!”. Dzuân thản nhiên đứng dậy đi về phía một cô gái ngồi lẻ loi phía góc phòng. Trên thực tế, là một nhạc sĩ kiêm vai trò nhạc công, Hảo không còn lạ những cảnh xô xát, xung đột thỉnh thoảng xảy ra ở các phòng trà. Thời buổi chinh chiến nhiễu nhương là vậy. Những gã con trai lớn lên thường đốt đời trong những đêm màu hồng, trước khi bước vào quân trường. Còn những người lính chiến thì muốn tận hưởng tất cả những gì có được trong vài ngày phép. Những động thái bốc đồng như những ngòi nổ, dễ bộc phát mà cũng tắt đi rất nhanh.

Tuy nhiên, sự chộn rộn đang xảy ra lúc này có vẻ liên quan đến bàn khách quân nhân bước vào từ lúc nảy. Hảo nhận ra, gã thanh niên say sưa lạng quạng bị bạn bè khống chế ngồi yên một chỗ. Có vài người lính đi về phía cánh gà sân khấu. Trong chốc lát, ca sĩ Thanh Thuý bước ra hối hả. Cả nhóm lính cùng tháp tùng ra theo. Phòng trà trở về trật tự ban đầu.

Lúc này, Dzuân quay lại bàn cũ cùng cô gái anh vừa đến ở phía góc bàn. Vừa ngồi xuống, Dzuân nói ngay:

-    Cậu thấy gì không?

-    Tranh giành. Và được dàn xếp êm đẹp

-    Gần như vậy. Viên sĩ quan to lớn, dữ dằn ở bàn lính lúc nảy là hôn phu của Thanh Thuý

-    Chuyện đó...cậu thấy buồn à?

-    Ừ, B...U... ỒN... quá!

Dzuân vừa kéo dài chữ “buồn”, vừa phì cười...vẫn không làm câu chuyện trở nên vui được. Chợt nhớ đến cô gái vừa mới đến cùng bàn, Dzuân xuýt xoa rối rít:

-    Ấy chết, xin lỗi, quên mất... Đây là Kim, sinh viên văn khoa, một cô em gái...Còn đây là  Hảo, tác giả bài hát “Lòng mẹ”.

Gác lại câu chuyện  vừa xảy ra. Ba người ngồi tán chuyện vu vơ.

-    Em vần thường đến phòng trà này à?

-    Thỉnh thoảng, em vẫn đến một mình.

-    Chắc là em thích tiếng hát Thanh Thuý?

-    Nghe cô ấy hát càng thấy thấm thía thân phận một kiếp người

Bây giờ, Hảo mới chú ý đến cô gái tên Kim nhiều hơn. Trong ánh sáng huyền ảo, trông cô ta có nét đẹp từng trải, lớn hơn tuổi và buồn đến kỳ lạ! Hảo hỏi:

- Em còn trẻ, có gì mà đã phiền muộn về kiếp người?

Cô gái nhún vai, mệt mỏi:

-    Biêt nói làm sao? Cuộc sống có gì hay đâu!

 

Cả ba chia tay khi phòng trà hầu như chỉ còn lác đác những người nhạc công đang thu dọn đồ đạc. Về lại căn phòng nhỏ hẹp, Hảo vẫn không sao ngủ được. Những dòng nhạc từ đâu dồn đập đến cùng anh hoà nhập vào ý thơ: “ Thuý đã đi rồi. Những ngày băng giá không tiếng cười. Thuý đã đi rồi, biết làm sao thương nhớ khôn nguôi. Nàng đi về đâu?...”...

(còn tiếp)

 

(*): thơ Hoàng Trúc Ly

 

Kỳ 2:

Câu chuyện về nhạc Twist

 

Ông chủ hãng dĩa Sóng Nhạc Tám Oánh chính hiệu là một nhà kinh doanh tinh tế, khiến phần lớn giới làm ăn trong ngành nghệ thuật Sài Gòn phải kính nể. Nghe nói trước khi bước vào ngành sản xuất dĩa nhạc, ông còn là người làm sách. Nhiều người kể lại, chỉ vì quá yêu quý, muốn giới thiệu công trình biên soạn của một người thầy nào đó, ông đã đi quyên góp từng đồng bạc lẽ để in sách, rồi hình thành nên một nhà xuất bản. Mấy năm qua, ông luôn được xem là người biết nhìn xa, trông rộng, dự đoán khá chính xác thị hiếu dài lâu của khán giả âm nhạc. Bởi vậy, kể từ ngày hãng đĩa Sóng Nhạc ra đời, ít có trường hợp ca sĩ nào xuất thân từ đây mà không thành danh, kể cả những người trước kia chưa được ai biết đến.

 

Dù vậy, Tám Oánh lại là người có tính cách rất sòng phẳng. Ông giao du khá nhiều bạn hữu thuộc giới nhạc sĩ, ca sĩ. Song, trong công việc, ông chỉ ủng hộ những gì thực sự đem lại hiệu quả cho thương hiệu mà ông đang xây dựng.

 

Hiểu tánh Tám Oánh là vậy, nhưng chiều nay, ngồi trong phòng khách của ông ta, nghe ông chính thức đề cập đến việc thu đĩa cho bài hát trong phim “ Thúy đã đi rồi”, Dzuân vẫn không khỏi khoái chí rân người…Dzuân hào hứng kể lể:

- Ông Oánh biết không, để có được bài hát ấy, tôi phải mời bằng được tay Hảo nhạc sĩ đến “đóng đô” ở phòng trà Việt Long cả tháng trời đấy!

Tám Oánh gật gù:

    • Tay Hảo ấy viết bài nào, thể loại nào cũng ra trò cả. À, nghe nói hắn viết nhạc nhanh lắm mà, sao bài này hắn chịu khó lấy cảm hứng lâu thế?
    • Thì… chỗ bạn chí cốt với nhau. Tôi yêu cầu hắn làm thế nào để đưa được một bài hát thật hồn vía vào phim.
    • Đã hơi lâu, mình cũng ít gặp Hảo. Hắn làm ăn được không?
    • Hắn sống chủ yếu bằng công việc ở phòng trà. Còn chuyện sáng tác, ông cũng biết rồi, chẳng là bao…

Đột nhiên, gươmg mặt Tám Oánh thoáng trầm ngâm, rồi ông hỏi Dzuân:

    • Này, cậu có để ý ở mấy phòng trà, bọn trẻ đang có xu hướng ưa chuộng lọai nhạc ngoại nào mới không?

Dzuân thoáng bất ngờ:

    • Ừ, ông nhắc, tôi mới nhớ. Hình như, dạo này chúng nó có hướng hùa nhau nhảy nhót theo kiểu nhạc mới gì đó rất dậm giật…
    • Thì là nhạc Twist đó!
    • Là sao?

Không vội trả lời Dzuân, Oánh bước đến dàn máy đĩa giữa phòng khách, bỏ vào một dĩa nhạc ngoại, rồi trở lại bàn tiếp tục rót rượu mời Dzuân:

    • Nghe lại, xem thử có đúng loại nhạc này không?

Những điệu nhạc dạo đầu bắt đầu vang lên,  khá đơn giản, rồi từng lúc sôi động, gấp gáp và tưởng chừng nó thôi thúc người nghe chỉ muốn nhảy, nhảy và nhảy… Dzuân nhận ra bài hát “Let’s Twist again” với giọng ca của Chubby Checker và reo lên “ À, nhớ rồi…Đúng là kiểu nhạc này đây!”.

 

Quả nhiên, với sự ra đời của dòng nhạc The Twist, giờ đây nhiều người đang có cái nhìn về các điệu nhảy phổ thông gần như đang thay đổi.  Có lẽ đó là một điệu nhảy đầu tiên của nhạc Rock mà trong đó các đôi nhảy không hề chạm vào nhau. Người khởi đầu của Twist cũng chính là Chubby Checker. Nhiều bài báo nói rằng, Chubby nổi tiếng với điệu nhảy này đến mức mỗi khi anh ta xuất hiện, thì khán giả không cho phép anh được biểu diễn một thể loại nhạc nào khác nữa.  

Nghe xong dĩa nhạc, Tám Oánh dường như trở nên hưng phấn  phần bởi điệu nhạc Twist, phần bởi những ly rượu mạnh vừa cạn cùng Dzuân. Ông kể lại câu chuyện về nhạc Twist của Chubby Checker như là công việc của hãng dĩa Sóng Nhạc:

- Dzuân à, Chubby từng kể  trên một tờ báo câu chuyện như  thế này :  “hồi  năm 1959, Kal Mann gọi cho tôi từ Cameo và nói:”Chúng tôi có một bản thu âm tên là “The Twist”.  Tôi trả lời: “Ừ, tôi có biết Hank Ballard và the Midnighters đã thu âm bài đó.” Ngay lập tức Kal nói :“Biết rồi, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thêm chút nhảy nhót vào đó.” Tôi đã đồng ý. Hank Ballard là một thần tượng của tôi, một con người rất nổi tiếng đang thu hút đông đảo lớp trẻ. Ông đã thực hiện những bài hát mà tôi nghĩ chắc chẳng ai hát được như thế “Annie Had a Baby”, “Work with Me, Annie”. Radio không bao giờ phát những bản nhạc của ông, nhưng những bọn trẻ như tôi thì yêu các bài hát đó. Do vậy, tôi đã không lưỡng lự và tới ngay Cameo-Parkway. Chúng tôi đã thực hiện “The Twist” với 3 bước nhảy. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta diễn tả được với công chúng nhỉ? Tôi cũng chẳng biết cuối cùng ai đã nghĩ ra được nhưng có một cách đơn giản thế này này :” Cứ tưởng tượng anh dùng hai chân của mình để dập tắt một điếu xì gà, và sau đó cùng với nhịp của bản nhạc, anh dùng phần dưới của mình để nghiền nát nó ra”. Cái công thức văn vẻ nhỏ bé này đã thay đổi cả thế giới. “

Tám Oánh lại nói thêm, mình rất xúc động khi nghe Chubby nói điều này : “…Hình như “The Twist” thực sự đã phá hỏng cả đời tôi. Tôi đang trên đường để trở thành một nghệ sỹ biểu diễn ở câu lạc bộ lớn, và nó đã quét sạch mọi ham muốn của tôi. Không ai nghĩ rằng tôi là người có tài…”. Vậy mà điệu Twist ngay sau khi ca sĩ Chubby trình diễn lần đầu tiên, đã được cả giới trẻ lẫn người lớn yêu thích điên cuồng. Bài hát mà trước đó ít người biết đến đã biến thành một bài Rock and roll nổi tiếng hàng đầu. Chubby cũng trình diễn điệu nhảy này trên TV, và tất cả mọi người đều đổ xô nhảy theo điệu nhảy ấy. Bản nhạc này được xếp thứ nhất trong danh sách các bản nhạc được ưa thích nhất lần đầu tiên vào tháng 9-1960, và tiếp tục giữ vị trí đó trong vòng 4 tháng tiếp theo.  Trong khi đó, trên thị trường tràn ngập những hàng hoá có nhãn hiệu Twist, chẳng hạn như giày Twist, vớ Twist, thậm chí có cả loại mì ống được gọi là mì Twist nữa…”

Câu chuyện nhạc Twist tưởng dừng lại ở đó như một câu chuyện vu vơ mà Dzuân không ít lần được nghe, mỗi khi ông chủ Sóng Nhạc muốn thể hiện chút tri âm với dăm ba người bạn nghệ sĩ. Dzuân trở lại với đề tài đĩa nhạc từ phim “ Thúy đã đi rồi”

    • Đĩa nhạc này ông chủ định mời ca sĩ nào?
    • Chắc lại là Hùng Cường
    • Ông có vẻ chuộng nam ca sĩ này nhỉ!
    • Không phải là chuộng, mà đó là sự chọn lựa đúng…Mình nghĩ rằng sẽ còn lựa chọn anh ta trong một kế hoạch mới sắp đến.
    • Nhắc đến những trào lưu nhạc Rock rồi lại nhắc đến người ca sĩ này. Tôi chợt nhớ đến anh này cũng có một tuổi thơ cực kỳ trầm luân, gian khổ…
    • Mình có biết chuyện đó, vì vậy mình càng trân trọng những thành công của anh ta hôm nay.

Dừng một lát, đột nhiên Tám Oánh đằng hắng:

    • Dzuân này, cậu có hiểu vì sao chiều nay mình tâm sự với cậu về chuyện nhạc Twist không?
    • Lại một bất ngờ gì đây?

Tám Oánh lại thoáng chút trầm tư, rồi nói tiếp:

- Rõ ràng là dòng nhạc Twist đang mê hoặc lớp trẻ mọi nơi trên thế giới, trong đó có đất nước chúng ta. Do đó, Sóng Nhạc không thể chậm trễ trong cuộc chơi này. Nghĩa là bằng nọi cách phải có những ca khúc Twist Việt Nam.  Và mình đang nghĩ đến người bạn của cậu, tác giả “Thúy đã đi rồi” .Đây cũng là một sự lựa chọn, và mình tin, anh ta sẽ làm được điều này. Cậu nghĩ sao?

(còn tiếp)

 

Kỳ 3:

Kim - Tên gọi nỗi buồn

 

- Chiều nay con không đi làm sao?

- Con được nghỉ phép mẹ ạ!

- Nghỉ phép thật à? Sao lâu nay mẹ chưa thấy con nghỉ bao giờ?

Hảo đứng dậy quàng đôi vai mẹ cười vui :” Con mới có một cái áp-phe, phải nghỉ để giải quyết. Vụ này có thể kiếm ít tiền, mẹ thích gì con mua...Người mẹ vừa xô tay con trai, vừa mắng yêu:” Thôi, mẹ chả cần gì. Chỉ cần anh em nhà bây lo dành dụm mà cưới vợ đi”.

 

Nhìn dáng mẹ già loay hoay trở về với công việc bếp núc, giặt giũ phía sau nhà, lòng Hảo lại thấy xốn xang. Anh nhớ đến cách đây không lâu, trong cái lần chơi nhạc ở một nhà hàng, do lỡ có chút men, anh đã ở lại đến sáng mới về nhà, và hay được: đêm ấy, mẹ đem giặt quần áo ở máy nước công cộng đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát bắt vì tội phá lệnh giới nghiêm. Anh đã khóc mấy ngày liền và viết nên những lời ca : Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ... Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương...". Từ đó, Hảo không cho mẹ đem quần áo đi giặt khuya ở giếng công cộng nữa. Những lúc thu xếp công việc nghỉ sớm anh và người em ruột thường vội vàng chia phiên nhau về trông nom mẹ. Anh muốn sớm có một đời sống khá hơn, để mẹ đỡ vất vả..

 

Thực ra, cái giá mà ông chủ hãng dĩa Sóng Nhạc vừa đưa ra khi trao đổi với Hảo để thực hiện 3 bản nhạc Twist không kèm theo điều kiện vật chất hào phóng rõ ràng. Tuy nhiên, trước mắt, Hảo cảm thấy dễ chịu, vì Tám Oánh bảo đảm lo cho anh được nghỉ chơi phòng trà vài tuần. Điều còn lại làm anh phái dành nhiều suy nghĩ, là chọn đề tài ra sao cho vừa phù hợp với thể loại nhạc Twist, vừa lại phù hợp với lối sống và bối cảnh xã hội hiện nay. Hơn thế nữa, Tám Oánh lại đưa ra một yêu cầu rất cụ thể, một trong ba bài hát phải gắn liền với tuổi trẻ, hay đúng hơn là làm thế nào để lớp trẻ nhận ra nhạc Twist đang đến với thế hệ của họ.

 

Nhớ đến thông lệ đã chia phiên trong gia đình, đêm nay người em trai sẽ chơi nhạc về sớm, Hảo yên tâm dặn mẹ, đóng cửa ngõ, rảo bước lang thang trên đường. Lâu lắm, anh mới tìm được một cảm giác thư giãn, thanh nhàn như thế. Anh muốn ghé vào một cửa hiệu sách, lựa chọn một vài tựa đề hấp dẫn để đọc giải trí trong những ngày rãnh rỗi sắp tới. Vừa băng qua lề đường, anh bỗng nhìn thấy một bóng dáng ai đó quen quen ngang qua trước mặt. Thì ra chính là cô gái có nét mặt đẹp buồn mà Hảo đã gặp cùng Dzuân hôm nào ở phòng trà Việt Long. Anh reo lên: “ Kim đấy à? Có phải Kim không?”

 

Cô gái cầm trên tay mấy quyển sách, dừng chân, nhìn Hảo cười nhẹ:

-  Anh vẫn nhớ được Kim à!

-  Chắc khó mà quên. Điều này là có lý do đấy!

-  Thật sao? Anh có thể giải thích ngắn là lý do gì được không?

Hai người cùng đi chậm, song song nhau. Được một quảng ngắn, Hảo nói:

-  Hay là chúng ta thay đổi không khí một lần. Không đến phòng trà Việt Long nữa. Vào quán cà phê gần đây nhé!

 

*

 

Sau cái lần đầu tiên được Dzuân giới  thiệu  làm  quen, Hảo cũng  đã  gặp và ngồi chung bàn với Kim vài lần nữa ở phòng trà Việt Long. Điều làm Hảo chú ý hơn cả, là ngoài cái vẻ đẹp buồn, cô gái  này luôn thể hiện một tâm trạng u uất, không giống với típ người lân la đua đòi đến chốn phồn hoa. Thấy cô gái là lạ và có vẻ tin cậy mình, thỉnh thoảng gặp gỡ, Hảo thường tạt đến, chào hỏi, bắt chuyện. Những lúc như vậy, cô không tỏ vẻ ân cần mà cũng không miễn cưỡng.

Còn giờ đây,  xem ra Kim đang hào hứng chờ đợi câu chuyện của Hảo. Kim nói:

-  Nghe nói công việc của anh bộn bề lắm! Đêm nay chắc cũng có một lý do đặc biệt...

Hảo như vô tình không chú ý câu hỏi của Kim, mà anh nhìn chăm chăm vào mấy quyển sách cô để trên bàn. Đó là tác  phẩm  La Nausée (Buồn nôn)(**) của  J.P.Sartre cùng những tựa sách khá  thịnh hành  hiện  nay của các tác giả  phương Tây như: Andrré Gide, A. Camus ,

Heidegger...  Hảo buộc miệng:

- Em toàn đọc sách này, hèn chi cứ  trông như một nữ triết gia!

- Đó là nơi nương tựa tinh thần của tụi em - một thế hệ lạc lõng...

- Anh nghĩ đâu đến mức đó. Thế hệ nào cũng có những trăn trở, những nỗi buồn riêng

- Vậy mà em cứ  tưởng không còn sống nỗi

- Chà... đừng nghiêm trọng quá vậy

Hảo cười xởi lởi, cố làm  cho câu chuyện trở nên hài hước :

-  À, mà đó chính là lý do anh không quên được Kim đấy !

-  Là sao?

-  Tại sao em cứ cho mình là tên gọi nỗi buồn? Anh sẽ cố gắng giải quyết cho xong vụ này

-  Giỏi vậy à? Chắc ngoài nghề nhạc sĩ, anh có học thêm bùa phép?

 

Bây giờ, gương mặt Kim đôi phần  trở nên vui vẻ, rạng ngời. Hảo lại tiếp tục pha trò nhiều hơn. Anh kể lan man đủ thứ chuyện. Từ những chuyện buồn vui thời thơ ấu, đi học nhạc ở miền quê phương Bắc xa xôi, cho đến những ngày tháng gian nan để tìm kế sinh nhai ở các hộp đêm Sài Gòn để nuôi sống gia đình, anh chưa một phút giây nào thui chột ý chí, không ngừng tin yêu cuộc sống...Thế nhưng, khi câu chuyện vừa dừng lại, Hảo nghe Kim thốt lên một câu cụt ngũn:

-  Tuần qua, một đứa bạn em vừa tự tử

Hảo lặng người, lạnh gáy hồi lâu rồi mới hỏi lại:

-  Vì sao?

-  Chỉ là chán sống

-  Anh cũng chẳng biết khuyên em thêm điều gì nữa đây!

-  Thực sự là em rất cảm ơn buổi gặp anh hôm nay. Em cũng đã nghĩ đến điều tệ nhất. Vì vậy, câu chuyện của anh cũng đem đến cho em ít nhiều lạc quan

Đêm ấy, Hảo ngồi lại với Kim đến tận khuya. Tự nhiên, anh cảm thấy liên đới   trách  nhiệm khi gặp cô trong một tình huống như vậy. Nhưng đồng thời, một ý tưởng sáng tạo cũng đến với anh: Tại sao chỉ là những lời khuyên suông? Tại sao không là một bài hát tươi trẻ tặng cho chính Kim?

-  Có bao giờ ai đó tặng em một bài thơ hoặc một bài hát chưa?

-  Lãng mạn như thế thì em chưa nghĩ tới

-  Bây giờ sắp có người tặng rồi đó. Một bài hát, hy vọng làm cho em nhìn thấy cuộc sống không đến nỗi đáng buồn

-  Diệu kỳ vậy sao?

 

Hảo hẹn sẽ gặp lại Kim hai ngày sau, ở quán cà  phê để tặng bài hát bằng phác thảo hoàn chỉnh đầu tiên của mình. Bài hát có những đoạn : “Cớ sao em sầu này Kim? Cớ sao em buồn này Kim? Ai yêu em hơn anh đâu mà tìm. Hãy bước sóng gió vui buồn cùng anh. Đời là chuỗi ngày sầu lo. Tình là chuỗi ngày mộng mơ. Anh mang yêu thương xóa muôn áng mây mờ.” Thế nhưng, không thấy Kim nơi hẹn. Hôm sau, rồi nhiều hôm sau nữa, Hảo cũng không gặp Kim nơi đâu...Về phần bài hát, sau khi phát hành, trong một thời gian ngắn, trở thành bài Twist được được giới trẻ ưa chuộng, vang lên mọi hang cùng ngõ hẻm. Hảo  chỉ  còn  hy vọng, tại nơi nào đó trong cuộc đời, Kim sẽ nghe được và lấy làm vui với bài hát “KIM” mà anh đã từng nói viết tặng chính cô .

 

(còn tiếp)

 

(**)

La Nausée (Buồn nôn, 1938) là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của J.P.Sartre. Mặc dù có một số ý kiến rằng nó chỉ là một trò chơi triết học ngụy trang dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng sức lôi cuốn và hấp dẫn của nó là không thể phủ nhận. Câu chuyện có vẻ như là một chuỗi tự sự tiêu cực và buồn chán, chứa đựng đầy nỗi ngờ vực và trĩu nặng suy tư về tồn tại, hư vô.

 

Kỳ 4:

Twist và Hoa hậu Lambretta

Đợi Hảo bước đến ngồi hẳn vào nệm ghế ô tô, Tám Oánh nở nụ cười mãn nguyện,  vào đề ngay:

-  Cả ba bài hát đã thu dĩa. Mới vài ngày đã tiêu thụ rất nhanh

-  Ông chủ nhanh tay qúa! Xin chia vui cùng ông

Vẫn ngồi yên bên tay lái, Tám Oánh nói tiếp:

- Cậu thật thông minh. Cả ba bài hát cậu bắt chủ đề thật trúng ý tôi. Nghĩa là chúng ta đã đáp ứng được cả ba thế hệ : “Kim” cho giới thanh niên, “Hai mươi bốn mươi” cho giới sồn sồn, “Sáu mươi năm cuộc đời” cho các lão già gân. Bây giờ, thì khắp các vũ trường, nơi đâu cũng rộn vang ba ca khúc này...

 

Hảo vốn rất e dè trước sự tán tụng. Anh thường cho rằng, những người nghệ sĩ nếu cứ say sưa với những lời mật ngọt thì rất dễ rơi vào hoang tưởng, khó vững bước để theo đuổi đường dài. Anh nói:
- Cứ để thời gian xem sao. Còn bây giờ ông chủ định đi đâu đây?

Tám Oánh chúm chím cười, không trả lời ngay. Ông ta cho xe nổ máy, chạy loanh quanh một hồi, rồi hướng thẳng vào khu Chợ Lớn. Bây giờ Tám Oánh mới hỏi:

-  Cậu biết nhiều về khu Chợ Lớn không?

-  Tôi có vào chơi nhạc một vài lần.

-  Thật ra phải là dân Sài Gòn lâu đời mới may ra hiểu biết về khu Chợ Lớn. Có hiểu rồi mới thích.

Thế rồi Tám Oánh vừa cho xe chạy chầm chậm vừa huyên thuyên giới thiệu về những “bí ẩn” độc đáo của Chợ Lớn. Ông ta nói rằng, đây là khu vực người Hoa thực sự chi phối, nắm độc quyền về thương mại. Ngay từ năm 1910, Phòng Thương mại Trung Hoa ở Chợ Lớn đã ra đời, đại diện cho tất cả những tiệm buôn của người Hoa ở rải rác khắp 20 tỉnh thành của Nam Việt Nam và trên 4000 cơ sở thương mại, kỹ nghệ ở Chợ Lớn. Hồi Pháp thuộc, người dân Sài Gòn – Chợ Lớn thường nhắc đến tên tuổi của 4 nhà tư sản làm ăn phát đạt, đó là: “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”.

“Trong số 4 người giầu có bậc nhất nhì này, tôi nể phục nhất là ông Quách Đàm, bởi không chỉ vì tấm gương cần mẫn, siêng năng, từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp của ông, mà ông còn có công lao bỏ tiền xây dựng chợ Bình Tây, một chợ khang trang, tầm cỡ ở Sài Gòn – Chợ Lớn”. Tám Oánh nói, hết những chuyện về các nhà tư sản lớn, lại xoay về những mặt hàng rất đa dạng về chủng loại mà người Hoa kinh doanh, như mặt hàng thuốc Bắc, thuốc Đông Nam dược, kể cả “cao đơn hoàn tán”,  dịch vụ ăn chơi giải trí, sinh hoạt ban đêm, sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới ...Và đột nhiên, ngừng một lát, ông ta nói :

-  Cậu thấy khoản thù lao Sóng Nhạc trả cho cậu ba bài Twist thế nào?

-  Ông chủ quá rộng rãi. Đó là khoản thù lao về sáng tác lớn nhất với tôi từ trước đến nay.

-  Vẫn chưa hết. Bây giờ tôi đãi cậu một đêm “Nhất dạ đế vương” để hiểu thế nào là Chợ Lớn.

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của anh chàng nhạc sĩ Bắc kỳ, như vừa mới đặt chân ngày đầu tiên đến đất phương Nam, Tám Oánh bật cười, nói thêm :

-  Kể từ khi khu Đại Thế Giới bị đóng cửa, món này chỉ có thể tìm được ở nhà hàng Bát Đạt. Không phải ai cũng biết, chớ có đắn đo.

Vừa đổ ô tô vào sân nhà hàng Bát Đạt, bước xuống xe, Tám Oánh và Hảo bất ngờ đối mặt ngay ký giả Thương Sinh đang dắt chiếc Lambretta bước ra. Cả ba đều dừng lại, chào hỏi nhau vồn vả, thể hiện sự thân tình đã lâu. Tám Oánh nêu đề nghị với Thương Sinh:

-  Chưa biết là cậu đi đâu? Nhưng trước hết là mời cậu vào dùng bữa tối với chúng tôi đã.

Thương Sinh chẳng chút lưỡng lự:

-  Ông chủ Sóng Nhạc đã mời làm sao từ chối. Nhưng xin phép đuợc ngồi chừng nửa tiếng, vì tôi còn phải có việc...Mọi người cứ vào trước, đợi tôi quay lại gởi xe.

Sánh vai cùng Hảo, bước dọc tấm thảm dẫn theo lối vào nhà hàng, Tám Oánh hỏi nhỏ:

-  Anh ta khá thân với cậu chứ?

-  Hồi mới vào Nam, hắn cùng tôi đều tạm trú ở Nhà hát Tây, bây giờ lại là chỗ hàng xóm. Hắn vẫn thường rũ tôi sang nhà hắn đàn hát, tán chuyện tàm phào...

 

Thương Sinh không chỉ được nhiều người biết như là một ký giả chuyên viết các chuyện văn nghệ, kịch trường trên các tờ nhật trình, mà y còn là một nhà văn có nhiều tác phẩm về tuổi thơ, kể cả truyện du đãng rất ăn khách. Có lần y đi hút thuốc phiện, gặp và bắt chuyện với trùm du đãng Đại Cathay, nổi hứng y về viết thành một quyển tiểu thuyết dày cộm, gây xôn xao, chấn động cả thế hệ thanh niên. Dù vậy, Hảo biết tỏng, đối với dân làm ăn trong làng ca nhạc, điện ảnh, kịch trường, y chỉ thích xuất hiện với cái tên ký gỉa Thương Sinh. Không ít ca sĩ, diễn viên rất ngần ngại về y, bởi thỉnh thoảng vẫn thường bị y móc họng, châm chọc trong các bài viết.

 

Giữa Thương Sinh với Tám Oánh, lâu nay quan hệ vẫn chưa có gì đụng chạm, sứt mẻ. Thế nhưng, nội tháng gần đây, Tám Oánh vẫn có ý tìm y. Điều đó xuất phát từ sự nhờ cậy của ca sĩ Hùng Cường, khi anh này nghe tin Thương Sinh đang chuẩn bị tung ra một quyển sách đánh mình tơi tả. Thậm chí, có người cho biết nội dung quyển sách đó sẽ làm hình ảnh Hùng Cường méo mó, khi bị mô tả xuất thân là một đứa bé lang thang, đá lon sửa bò trên  hè phố, đi chầu chực kéo màn các đoàn cải lương, rồi thành kép cải lương, ngôi sao ca nhạc, chuyên phỉnh phờ các cô gái nhẹ dạ...Nay trong buổi tiệc ít người, lại có Hảo là bạn thân của Thương Sinh, Tám Oánh hy vọng qua dịp này, sẽ  tìm được cách nói giúp Hùng Cường.

 

Vừa bước vào bàn, Thương Sinh đã cười nói sang sảng, như bữa tiệc đang chờ đợi mình y:

-  Ông Oánh ạ, thằng này với tôi là nhiều kỷ niệm lắm. Vui nhất là cái hồi mời vào ở Nhà hát Tây. Lúc đó nó đã sáng tác gì đâu. Nó là thằng ca sĩ làng nhàng cứ hát đôi với Từ Lang . Chúng nó chuyên song ca bài Ngày Trở Về của Phạm Duy và không bao giờ được trình bày trọn vẹn ...Bởi vậy,  bây giờ nó được ông chủ Sóng Nhạc biết đến là sướng rồi.

-  Thế cậu đi đâu lạc vào đây? Ở lại đây chơi luôn với bọn này...

-  À, tôi có vài việc riêng hẹn với  mấy người bạn hoa kiều. Nghề ký giả thì phải quen biết, làm bạn khắp nơi.

Khi bữa tiệc đã đến hồi nồng ấm, Tám Oánh nhanh chóng nâng ly mời Thương Sinh đi vào vấn đề đang cần:

-  Rất vui được gặp cậu hôm nay. Tiện thể, mình muốn trao đổi cậu chút việc nhỏ. Thật ra là ca sĩ Hùng Cường muốn nhờ...

Thương Sinh dựa người hẳn vào lưng ghế, như chợt nhớ điều gì:

-  Hùng Cường... đến vậy là đủ quá rồi. Hôm qua, tôi mới phát hiện sẽ có một người lên ngôi cùng dòng nhạc Twist.

Cả Tám Oánh và Hảo đều ngạc nhiên:

-  Ai vậy?

-  Người ấy rất mới, nhưng cũng không phải xa lạ. Đó là “Hoa hâụ Lambretta” Tuý Phượng. Hôm qua, trong một chương trình ca nhạc đặc biệt của hãng phim Đông Phương, tôi đã chứng kiến cô ta nhày và hát bài “Kim”, khán giả đập ghế hò hét đến vỡ cả rạp hát...

-  À, tưởng ai...Tuý Phượng, con gái của nghệ sĩ Tuý Hoa, tôi có biết.

Tám Oánh mơ màng, dường như cố tìm lại hình ảnh cô gái vừa nói trong ký ức. Còn Hảo thì reo lên:

-  Tôi đã từng nghe thấy Tuý Phượng ca bài “Bambino”. Giọng ca và nhất là phong cách rất điêu luyện

Thế là câu chuyện mà Tám Oánh định nói giúp cho ca sĩ Hùng Cường gần như bị bỏ quên. Cả ba say sưa bàn luận về cô gái trẻ đẹp đang xuất hiện trong một lúc nhiều lĩnh vực : điện ảnh, sân khấu, ca nhạc... đến tận lúc ký giả  Thương Sinh đứng dậy cáo lỗi,  đi trước.

(còn tiếp)

 

 

Kỳ 5:

Ban kích động nhạc Huỳnh Hoa - Tuý Phượng

 

Tuý Phượng nghiễm nhiên trở thành một ngôi sao sáng chói trong làng sân khấu, điện ảnh kể từ khi cô đoạt giải  “Hoa hậu đông phương” của hãng phim Đông Phương tổ chức vào năm 1957. So với cuộc thi hoa hậu ngày 20-2-1955 tại rạp Li Đô, được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại miền Nam kể từ sau hiệp định Genève, chia cắt đất nước, mà người đẹp Thu Trang là người được vinh dự nhận vòng nguyệt quế, thì cuộc thi này không hề thua kém tiếng vang. Bởi nó là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của ngành điện ảnh, dành cho giới nghệ sĩ, người đoạt vương niệm hoa hậu sẽ được hãng phim ký hợp đồng 5 năm để đào tạo và dự thi hoa hậi điện ảnh bên Hồng Kông Thú vị hơn nữa, cuộc thi được hãng xe Lambretta của Ý bảo trợ. Phần lớn tiền thưởng, chi phí đến các tấm quảng cáo cuộc thi đều kèm theo chữ Lambretta, vì thế, về sau nhiều người còn gọi Tuý Phượng là “Hoa hậu Lambretta”.

 

Cuộc thi “Hoa hậu đông phương” còn có một chi tiết nhỏ bị báo chí thổi phồng biến thành xì-căng-đang, đó là : trong đêm chung khảo, Kiều Chinh - một minh tinh màn bạc đang ăn khách  bậc nhất cũng tham gia lên sàn gỗ đi một vòng trình diễn, với tư cách khách mời của hãng phim Đông Phương, thế nhưng, không hiểu do nhầm lẫn, sai sót nào đó, Ban Giám Khảo lại xướng danh chọn cô lọt vào vòng Hoa hậu – Á hậu,  gây nên hai nhóm ủng hộ và phản đối tại chỗ, bởi vì, Kiều Chinh không ghi tên dự thi.. Ông Đỗ Bá Thế, Giám Đốc Hãng Phim Đông Phương đã  phải công nhận  sự phản đối là  đúng đắn, nên giải quyết ổn thỏa vụ lộn xộn thật nhanh chóng    hợp lý : Tuý  Phượng là Hoa Hậu Đông Phương, lãnh Vương Miện Hoa Hậu Đông Phương, còn minh tinh Kiều Chinh được tặng một Giải Đông Phương Đặc Biệt. Vậy mà đã có dăm ba tờ báo “xé”vấn đề này thành cuộc “bút chiến” kéo dài cả tháng trời.

Vốn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật,  từ nhỏ, Tuý Phượng đã theo mẹ là Tuý HoaAnh Lân là cha kế đi diễn kịch. Năm 12 tuổi, cô đã có vai diễn  trên sân khấu kịch “Dân Nam” được khán giả khen ngợi . Đến tuổi 14,15 Tuý Phượng  thường qua những vai nhí nhảnh, hồn nhiên.  Khi trưởng thành hơn, nghề nghiệp đã định hình, thì Phượng thu hút người xem  qua những vai thương cảm.

Sau khi đoạt  vương miện  “Hoa Hậu Đông Phương”, Túy Phượng thường xuyên tham gia vào lĩnh vực điện ảnh như: vai Cúc trong “Tình quê ý nhạc” của hãng Mỹ Vân, Công chúa trong ‘Thạch Sanh Lý Thông” của Văn Thế Phim, Thị Lụa trong “Bích Câu Kỳ Ngộ” của hãng Alpha…, kể cả có phim hợp tác với điện ảnh Philippine như “Ánh sáng đô thành”


Bên cạnh nhiều hoạt động điện ảnh, kịch nghệ, Túy Phượng  vẫn không quên phát huy năng khiếu ca hát của mình. Hồi còn nhỏ, Tuý Phượng đã  được ca sĩ Mộc Lan luyện giọng. Khi chỉ mới hát phụ diễn ở ban kịch, cô đã được nhiều người  xem là một giọng có kỹ thuật cao, ngân nga rất vững, nhất là ở những bài hát ruột như Sương Thu của Văn Phụng, Mộng Đẹp Ngày Xanh của Hoàng Trọng... Xuất hiện trên sân khấu với thân hình chuẩn mực,  bốc lửa  cùng khuôn mặt rực rở, tươi vui, đôi khi cô còn được khán giả yêu cầu hát và nhảy một số bài hát ngoại quốc thịnh hành.

 

Một lần, sau buổi biểu diễn ở phòng trà Hòa Bình với bài hát  “Mambo Italiano”, bỗng dưng, tay kèn saxo Huỳnh Hoa, người anh họ của Tuý Phượng quàng vai cô nói:

-  Tuyệt vời! Bây giờ anh mới nhìn ra chính là em!

-  Là sao? Em mệt muốn chết rồi mà anh còn chọc...

-  Đây mới chính là những bài hát của em. Anh nghĩ em là ca sĩ của những bài hát nhảy  nhót, sôi động.

Nghe người anh họ nói, Tuý Phượng cũng chợt nhớ lại, thời gian gần đây, cứ mỗi lần mình lên sân khấu, với chiếc robe bằng nhung đen xẻ đùi cùng những bài hát rất bừng bừng phấn khởi, thì cứ y như đang rải  xuống bên dưới các hàng ghế khán giả một cơn bão lửa. Huỳnh Hoa lại nói thêm:

-  Bây giờ Sài Gòn mình cũng có nhiều nhạc sĩ  làm  nhạc Twist ngon lành, được thanh niên ưa chuộng lắm. Ngoài các bản Kim, Hai mươi bốn mươi ...bây giờ còn có nhiều bản mới của Khánh Băng, Y Vũ, Trịnh Lâm...chắc là viết cho em đấy!

 

Hai anh em cùng cười xoà. Song câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó...

Trong những người thân thích của gia đình cùng chơi nhạc, đóng kịch thuộc đoàn Dân Nam,  Tuý Phượng thường mến mộ và nghe lời ông anh cô cậu Huỳnh Hoa nhiều hơn cả. Thời nhỏ, cô đã nghe kể những giai thoại thú vị về ông anh này. Nghe nói từ năm 18 tuổi,  Huỳnh Hoa đã lưu lạc lên  Sài Gòn và được nhận vào chơi trống trong ban nhạc Bikini của một ông chủ người Pháp. Đây là ban nhạc quy tụ một nhóm nhạc công "đa quốc tịch", và dù khởi đầu là nhạc công đánh trống,  nhưng Huỳnh Hoa luôn bị tiếng kèn saxophone của anh bạn người Đức thu hút mãnh liệt. Đôi lần,  những lúc nghỉ giải lao Huỳnh Hoa thường mượn cây kèn này thổi thử... Bỗng, vào một hôm anh bạn người Đức bị bệnh không đến diễn được, Huỳnh Hoa chụp ngay cây kèn xông ra sân khấu và những giai điệu trầm bổng, lả lướt của các bản La Mer, Le de Paris... cứ vang lên réo rắt, khiến khán giả vỗ tay không ngớt ! Thế là từ đó anh bạn người Đức có thêm mộầity kèn cạnh tranh ở các sàn nhảy như Baccara, Macaban, Kim Sơn...Từ đó, giới chơi nhạc Sài Gòn đều công nhận Huỳnh Hoa có một khả năng cảm âm rất đặc biệt, kỹ năng biểu diễn của anh ngày càng điêu luyện, rồi được tôn xưng là "đệ nhất danh kèn”.

 

Thực ra, lúc này, trước trào lưu Twist  đang lây lan hầu hết các sân khấu và các sàn nhảy,  đã có một ban kích động nhạc mang tên Khánh Băng - Phùng Trọng ra đời. Vì vậy,  Huỳnh Hoa lập tức bàn ngay với cô em họ ý tưởng về việc thành lập Ban kích động nhạc Huỳnh Hoa - Túy Phượng. Mới đầu Tuý Phượng còn băn khoắn, bởi cô vẫn còn nhiều ràng buộc với  ngành  điện  ảnh trong vai trò và trách nhiệm của “hoa hậu đông phương”. Nhưng khi đem câu chuyện ra gia đình bàn bạc, ngay bà Tuý Hoa cũng nói rằng:

-  Xem chừng giai đoạn vàng son nhất của ngành điện ảnh đã qua. Mẹ có cảm giác, từ sau năm 1957, con số mấy chục nhà sản xuất phim chỉ còn 9 hãng hoạt động cầm chừng, mỗi năm sản xuất một hai phim, vì thiếu vốn, phim lỗ, thuế má... Báo chí cũng không còn ủng hộ điện ảnh trong nước nhiều lắm. Điều còn lại là  Kim Cương được khán giả nhớ đến với danh hiệu “Kỳ nữ Kim Cương”, Thẩm Thuý Hằng được gắn liền với tên gọi “Người đẹp Bình Dương”,  Kiều Chinh sau phim Hồi chuông Thiên Mụ cũng đang im lặng. Còn Tuý Phượng, sau danh hiệu “hoa hậu đông phương”, sẽ đợi chờ  để được gì hơn ở điện ảnh?...

 

Không lâu sau cuộc trò chuyện ấy, hằng ngày ngoài những buổi biểu diễn chính thức, Hùynh Hoa và Tuý Phượng thường xuyên tranh thủ thời gian tập riêng một số tiết mục chọn lọc, kể cả nhạc ngoại và nhạc Việt. Đêm đầu tiên ra mắt Ban kích động nhạc Huỳnh Hoa - Tuý Phượng, dưới phần nhạc đệm của nhóm nhạc thuộc đoàn Dân Nam, tiếng kèn kỳ ảo của Huỳnh Hoa càng trở nên sang trọng, hưng phấn khi đan quyện cùng giọng hát ấm áp, sôi động của Tuý Phượng, khiến khán giả hò hét, hoan hô chưa từng thấy.

 

Liên tiếp nhiều ngày sau đó, trên các tờ nhật báo, có các bài viết với các tưạ đề : “ Nữ hoàng nhạc Twist và "đệ nhất danh kèn”, “ Từ Hoa hậu đông phương đến Nữ hoàng nhạc Twist”, “Bất ngờ  Tuý Phượng - Huỳnh Hoa”...

 

(còn tiếp)

 

Chương : 1  
Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 4504
Ngày đăng: 14.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)