Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
477
123.173.291
 
Thời áo trắng
Hoàng Mai Quyên
Chương 10

Thế rồi như một thói quen, cứ sau hai tiết học căng thẳng là bọn tôi lại chờ tiếng trống báo hết giờ để được ra chơi 20'. Thế nhưng từ khi có chương trình phát thanh học đường, tôi còn nôn nóng chuyện ra chơi để được thăm dò tình hình, thái độ của các bạn đối với chương trình phát thanh như thế nào. Mới đó mà chương trình đã phát thanh được hai tháng. Lúc đầu nhiều bạn còn thờ ơ nhưng chính sự sinh động của câu chuyện truyền thanh đã thu hút bạn bè đến với chương trình. Bé Heng lại thủ vai Tư răng hô quậy. Mặc dù Thái đã đổi giọng khi thể hiện nhân vật nhưng vẫn nhận ra giọng của Thái. Thế là cái tên Thái như đã lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho biệt danh bé Heng, Tư răng hô. Đến nỗi các thầy cô khi gặp Thái cũng vỗ vai anh chàng, nói đùa :

 

- Cỡ này quậy dữ ha Thái.

 

Những lúc ấy tôi chỉ thấy Thái cười thật hiền, khuôn mặt trắng trẻo của anh ta đỏ bừng. Khi tôi viết bài đăng báo Mực Tím giới thiệu nhóm phát thanh học đường của trường với hai phát thanh viên Bích và Thái đa tài, có thể vào vai nhiều nhân vật từ trẻ tới già thì Thái đã nhận được vô số thư ái một của bạn bè khắp cả nước. Bích xúi tôi đòi Thái khao một chầu chè vì nhờ tôi viết bài mà anh chàng mới được nổi tiếng. Ai ngờ anh chàng lém lỉnh đã đổi ngược thế cờ:

-Mai phải đãi lại tui để chuộc tội đây nè. Vì bài báo của Mai mà tui phải tốn bao nhiêu tiền mua tem thư hồi âm, rồi tốn bao nhiêu thời gian để viết thư trả lời. Mai đã thấy tội của mình lớn chưa.

 

Thái nói xong đã vội vàng chạy mất vì sợ tôi và Bích túm áo được thì cái răng lòi sỉ của anh chàng sẽ bị bẻ gãy như lời Bích hăm dọa.

 

Như bây giờ khi tôi và Bích ngồi ở băng đá lắng nghe chương trình vừa phấn khởi khi thấy những nhóm bạn đang tụ tập dưới gốc cây bàng lắng nghe kinh nghiệm học tốt môn Toán của bạn Hoàng - học sinh giỏi toán cấp tỉnh trong năm học vừa qua. Chợt đám bạn lớp 12A4 đi ngang và nhỏ Phương của lớp A4 vội hỏi:

 

- Sao cô Lan nghỉ vậy Mai? Khi nãy bọn tui được nghỉ hai tiết.

 

- Nghe nói cô bệnh hay sao đó. Phen này được nghỉ đã đời luôn.

 

Tôi vội kéo nhỏ Bích lên văn phòng. Hai tiết sau của lớp tôi là tiết văn của cô. Từ đầu năm tới giờ, cô Lan ít khi nghỉ bất thường trừ những buổi cô đi họp có báo trước. Trả lời câu hỏi của tôi là khuôn mặt buồn buồn của cô giáo vụ:

 

- Cô Lan bị phỏng nặng lắm. Sáng nay chồng của cô đến xin phép cho cô nghỉ dài hạn.

 

Nghe tin cô gặp chuyện chẳng lành tôi và nhỏ Bích ba chân bốn cẳng vội vàng chạy về lớp cho bạn bè hay. Sau khi nghe Hiệp nói vắn tắt tình hình của cô, cả lớp tôi nhao nhao đòi đi thăm cô. Sẵn hai tiết trống, Hiệp đồng ý ngay. Cả lớp tôi ồn ào kéo nhau ra khỏi cổng trường, vừa đi vừa bàn tán xôn xao:

 

- Sao cô lại bị phỏng nhỉ. Chẳng lẽ cô bị phỏng bếp ga.

 

Có đứa còn khẳng định:

 

- Chiều hôm qua tao còn gặp cô đi dạy mà. Tao có thấy cô bị gì đâu.

 

Thế rồi bọn tôi cũng đến được nhà cô. Người mở cửa cho bọn tôi là bé Trân con gái của cô. Nhìn cặp mắt đỏ hoe của nó, tự nhiên cả bọn đều im lặng.

 

- Mẹ bị phỏng co nặng không Bảo Trân?

 

Bé chỉ lặng lẽ gật đầu và nước mắt đã tuôn chảy trên gương mặt bầu bĩnh. Ngay cả Thịnh mỏ vịt cũng im lặng. Giá như mọi khi thì thế nào nó cũng xoa đầu bé mà xuýt xoa tiếc rẻ :" Giá mà má tao sanh tao trễ vài năm thì thế nào tao cũng là con rể của cô rồi".

 

Bé Trân dẫn bọn tôi vào nhà sau, nơi cô đang nằm nghỉ để dưỡng bệnh. Vừa nhìn thấy cô, nhỏ Hồng đã bật khóc :

 

- Trời ơi, sao cô bị nặng dữ vậy.

 

Tôi chen tới và kinh hoàng khi thấy cả khuôn mặt, cổ và hai cánh tay của cô đều bằng băng trắng toát. Cô không nói được chỉ đưa tay chào chúng tôi. Thầy vừa rót nước cho chúng tôi vừa giải thích :

 

- Các em đừng sợ. Bệnh viện băng kín như vậy để đảm bảo vệ sinh cho vết thương không bị nhiễm trùng. Cô bị phỏng nhiều chỗ trên mặt, cổ và hai tay nhưng vết thương không nặng lắm đâu. Bác sĩ nói đa số đều là phỏng độ 1, có một vài chỗ độ 2. Hôm qua cô đi dạy về, quét sân rồi đốt đống rác. Do sơ ý không coi kỹ nên khi đốt, có một vật gì đó có chứa ga nổ bùng lên làm cô bị phỏng. Cũng may mà hai mắt không bị gì cả.

 

Đám con gái lớp tôi mắt đều đỏ hoe. Có lẽ nhìn thấy vậy, cô cũng khóc. Nước mắt chảy ra ướt cả băng trên mặt. Thầy vừa lấy khăn chậm nước mắt cho cô vừa an ủi:

 

- Thôi các em đừng khóc nữa kẻo các em nó lại sợ. Vết thương sẽ mau lành thôi.

 

- Phải đó cô, ở hiền gặp lành. Tụi em tin là cô sẽ mau lành và trở lại dạy tụi em nữa.

 

Cũng may có cái miệng liến láu của Thịnh mỏ vịt chứ không bọn tôi đều ngồi khóc chứ chẳng biết nói lời nào để an ủi động viên cô cả.

 

- Vậy cô ăn được gì hở thầy?

 

- Cô chỉ uống sữa thôi chứ không ăn gì được vì ngay miệng cũng bị phỏng nữa.

Nhìn cô nằm trên giường bệnh mới có một ngày mà tôi cảm tưởng như cô đã ốm đi nhiều lắm. Cô phải nằm trong mùng để tránh bị nhiễm trùng. Ngay đầu giườg của cô, tôi thấy mười mấy con hạc trắng được treo ở đó. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, thầy vội giải thích :

 

- Mấy con hạc này là của bé Trân xếp đó. Nó coi phim thấy người ta thường gởi ước nguyện vào  những cánh chim hạc nên bé thức khuya xếp nhiều hạc để mong cho mẹ hết bệnh.

 

Tôi chợt thấy mũi mình cay xộc. Bé Bảo Trân còn nhỏ mà đã biết thương mẹ như thế rồi. Bọn tôi chẳng ai bảo ai, cứ nhìn mấy con hạc đang khẽ đong đưa theo cơn gió mà suy nghĩ mông lung.

 

Cõ lẽ sợ ngồi lâu cô mệt nên Hiệp ra hiệu cho bọn tôi ra về. Cô nắm tay bọn tôi như muốn nói điều gì đó. Có lẽ hiểu điều lo lắng của cô nên Hiệp đã nói:

 

- Cô cứ an tâm dưỡng bệnh cho mau khỏe. Tụi em sẽ cố gắng học tốt, cô đừng lo gì cho tụi em cả.

 

Ra tới ngoài đường, chẳng đứa nào chịu về. Nhỏ Bích ngồi quanh quất như kiếm ai đó.

 

- Con Nhung nó nghỉ bữa nay rồi, mi kiếm làm gì.

 

- Hết chuyện nghỉ lại nghỉ bữa nay.

 

Nghe nhỏ Bích cằn nhằn, Hiệp vội nói:

 

- Bữa nay thủ quỹ nghỉ. Tui đề nghị bây giờ của ít lòng nhiều. Ai có bao nhiêu tiền gom vào đây, mua đồ để cô bồi dưỡng được không.

 

- Duyệt, ý kiến của già làng là hiệu lệnh đó nha…

 

Thằng Tấn lùn vừa nói vừa móc túi đếm mấy ngàn bạc lẻ bỏ vào chiếc nón mà Hiệp vừa ngửa ra làm đồ đựng. Chà, tay Tấn nổi tiếng là trùm sò mà bữa nay cũng hào hiệp ra trò - Bọn con trai lớp tôi trong túi lúc nào cũng rủng rẻng tiền nhưng hễ kêu đóng tiền quỹ thì tên nào cũng kêu hết tiền. Có lẽ đây là trường hợp "hi hữu" bọn chúng mới tình nguyện móc túi lấy hết "tim gan phèo phổi" để đóng góp. Nhìn các bạn tự nguyện đóng tiền, nhỏ Hồng nói như một triết gia:

 

- Hóa ra tụi con trai lớp mình cũng tình cảm ra trò đấy chớ. Ngày thường cô ưa la tụi nó vậy mà bây giờ bọn ác cũng biết thương cô ghê ta.

 

- Chắc tụi nó cũng không đến nỗi cố tình không hiểu tình thương của cô. Cô cho mấy bạn nghèo áo quần, tập vở… Còn mấy đứa quậy cô vừa thủ thỉ tâm tình vừa răn đe. 20/11 lớp khác tặng quà cho thầy cô chủ nhiệm còn lớp mình không tặng quà mà còn được cô mời đến nhà và đãi một nồi chè thập cẩm. Nồi chè ấy tui nhớ hoài vì nó gồm các loại đậu nấu chung. Cô nói mỗi hạt đậu là ước mong của cô và ba mẹ các em mong cho các em đậu được tốt nghiệp trong kỳ thi tú tài này và vào được đại học.

 

Bọn tôi lục đục kéo nhau đi về sau khi thống nhất giao tiền cho nhỏ Hiền, nhà ở gần chợ - với nhiệm vụ mua quà thăm cô. Hiệp chạy xe đằng trước chợt chạy chậm lại, chờ tôi tới gần rồi hỏi nhỏ:

 

- Mai có bận gì không?

 

Tôi lưỡng lự một chút rồi trả lời :

 

- Cũng không có việc gì bận cả. Có chuyện gì không Hiệp?

 

- Mai đi với tui qua cù lao nha. Ở bển có ông thầy bán thuốc gia truyền chữa phỏng hay lắm. Xóm tui có đứa nhỏ bị té vô bếp lửa vậy mà phết thuốc của ổng vô vài bữa là hết liền. Nhưng tui ngại là không biết cô có chịu xài thuốc đó không?

 

Tôi cũng chợt cảm thấy băn khoăn. Thú thật những bài thuốc gia truyền nghe quảng cáo thì hay nhưng nhìn những thứ thuốc đen thùi lùi hay nhầy nhầy vàng vàng gì đó tôi cũng không đủ can đảm để đắp lên mặt mình huống gì cô là người tri thức nữa. Nghĩ vậy nên tôi can Hiệp:

 

- Thôi đi Hiệp à, chắc gì cô đã dám xài. Với lại những bài thuốc gia truyền, có khi có tác dụng với người này nhưng lại phản tác dụng với người khác.

 

Hiệp gật gù ra vẻ đồng tình nhưng chiều hôm sau, khi tôi và Bích đến nhà cô thì đã thấy Hiệp và một sốt bạn nam có mặt ở đó rồi. Điều đáng nói là trên tay Hiệp còn đem theo một keo chao đựng chất gì đó còn sền sệt màu sữa và mấy cọng lông gà. Thấy tôi nhìn, Hiệp lúng túng thanh minh :

 

- Tui đem thử, lỡ đâu thuốc họp với cô thì tốt. Người ta nói may thầy phước chủ mà lại .

 

Khách đến thăm cô hôm nay không chỉ có lũ học trò 12A9 chúng tôi mà còn có một số phụ huynh và đặc biệt là các anh chị sinh viên - học trò cũ của cô khi hay tin đã chạy về thăm cô. Điều đặc biệt là trên chiếc bàn nhỏ kê ở đầu giường của cô ngoài keo thuốc mà Hiệp đã cất công sang tận cù lao để mua còn có một số hũ thuốc khác mà học trò của cô đem tới. Thôi thì đủ thứ, từ gia truyền cho đến những hũ thuốc trong nước và cả ở nước ngoài… Hóa ra dù là học trò ở thế hệ nào đi chăng nữa nhưng bọn tôi đều gặp nhau ở tấm lòng kính trọng đối với cô. Có lẽ đây là điều giúp cho cô và bao thầy cô khác có đủ nghị lực để vượt qua bao khó khăn trên hành trình sư phạm chăng?

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10   11    12    13    14    15   
Hoàng Mai Quyên
Số lần đọc: 1467
Ngày đăng: 15.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Thời áo trắng (truyện dài)