Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
780
123.240.703
 
Đứa con của thần linh
Trần Quang Vinh
Chương 10

Ăn cơm chiều xong vẫn chưa thấy chị Vú cùng mợ Gấm trở về, bà Đội sốt ruột ngồi nhai trầu ở tràng kỷ, thi thoảng nhổ bã trầu, ngóng về phía cổng lớn. Trời lại lất phất mưa phùn, sắp tối đến nơi rồi. Bà thầm tính, từ nhà bố đẻ Gấm ở Đông Lưu nếu đi theo đường chính qua Phong Lưu về Tây Lưu dễ phải đến gần hai dặm. Đi bộ bình thường chưa tới hai tiếng đồng hồ. Còn đi tắt qua đồng Ván sẽ gần được nửa đường. Tuy bờ ruộng khó đi, có đoạn phải lội nước đến gối, nhưng có chị Vú đi cùng tắt qua đồng Ván chắc chắn sẽ đến Tây Lưu từ lâu rồi. Vậy thì tại sao vẫn chưa thấy họ về tới nhà? Sợ xảy ra chuyện gì bà Đội bảo anh Cam mang áo đi mưa sang Đông Lưu đón mợ với chị Vú kẻo mưa mỗi lúc một nặng hạt.

 

Anh Cam hối hả đi khỏi cổng, tay phải cầm cây gậy tre đầu vót nhọn nói rằng để làm gậy chống, trời mưa phùn đường làng trơn lắm. Bà Đội vào buồng cậu Mùi thấy con giai buồn thiu, chắc là cậu nhớ vợ. Mới ăn ở với nhau khoảng nửa tháng nhưng xem ra cậu Mùi rất thích mợ Gấm, bảo gì nghe nấy, không quá ngây ngô đần độn như trước nữa. Cái sự lo lắng ban đầu của bà đã tiêu tan dần. Nhưng bà vẫn còn phải chờ đợi ân huệ của giời phật, tổ tiên, cho bà đứa cháu đích tôn để nối dõi trưởng chi dòng họ.

 

Bà Đội bảo cậu Mùi lên giường ngủ trước rồi bồn chồn ngóng ra ngoài cổng. Năm cùng tháng tận, lũ trộm cướp thường kiếm ăn rất táo tợn. Bà nhớ năm bà mới sáu tuổi, nửa đêm ngày hai mươi tám Tết bọn cướp Đầu Đá đã ập vào cống Trộm cướp nhà ông Quản Hiếu, một phú hộ giàu bậc nhất làng Đông Lưu. Nghe tiếng trống mõ thanh la đổ dồn, tiếng chân người chạy thình thịch trên đường làng, cô bé Nhẫn sợ hãi run cầm cập trong lòng mẹ. Ngày hôm sau cụ Tú kể rằng đàn chó dữ nhà ông Quản bị chém chết la liệt. Ba gia nhân chống cự bị cướp đâm lòi ruột. Còn ông Quản cùng vợ con sợ quá chui vào chuồng xí nên thoát chết. Bấy giờ đầu óc thơ ngây của bé Nhẫn vô cùng kinh ngạc về chuyện nhà ông Quản rúc cả vào cái chuồng xí hôi thối mà mỗi lần mẹ bắt phải vào đó ị Nhẫn lại chun mũi, nhăn mặt ghê tởm. Có lần Nhẫn nghe người lớn nói rằng thứ nhất tắm sông, thứ nhì ị đồng, Nhẫn đã mơ ước lớn lên sẽ được ị ngoài đồng, khỏi phải ngồi trong cái chuồng xí chật chội khủng khiếp ấy. Sau này Nhẫn đã hiểu ra, con người luôn sợ chết. Để cứu lấy mạng sống người ta dám chấp nhận làm những điều bẩn thỉu.

 

Bà Đội chợt nghiêng đầu chăm chú lắng nghe, ở ngoài cổng có tiếng người gọi ơi ới lẫn trong tiếng gió mưa lầm rầm. Con Nhài tất tả chạy ra mở cổng. Anh Cam, chị Vú , mợ Gấm đều trở về đầy đủ cả. Bà Đội thở phào, nỗi lo lắng đã được giải tỏa, nhưng bà cảm thấy chuyến về thăm bố đẻ của mợ Gấm không được xuôi chèo mát mái, hình như mợ đang lo lắng thảng thốt hoang mang.

 

Chờ cho mọi người tắm rửa, thay quần áo rồi cơm nước xong xuôi bà Đội mới gọi nàng dâu cùng chị Vú đến hỏi chuyện. Thấy Gấm ấp úng chị Vú không kiên nhẫn được nữa hấp tấp thưa rằng vong hồn mẹ của mợ Gấm đã hiện về. Bà Đội nghi hoặc nhìn hai người. Chị Vú mắt trước mắt sau như sợ có hồn ma  rình rập bên cạnh, rồi thề thốt rằng con mà nói điêu thì con chết !

 

Bà Đội chăm chú nghe chị Vú kể lể bằng giọng không mấy mạch lạc, đôi lúc làm điệu bộ giơ chân múa tay như hát tuồng. Chị bảo rằng vừa mặc áo mưa để dẫn mợ Gấm trở về Tây Lưu thì một bà hàng xóm từ ngoài ngõ chạy vào ôm lấy mợ khóc lóc thê thiết, ới con ơi là con ơi! Tiếng là lấy được chồng giàu mà sao con khổ thế .

 

Bố của Gấm từ trong nhà bước ra, sợ hãi gắt lên rằng cái nhà bà này hay nhỉ! Bà định giở trò gì thế! Bà hàng xóm xõa tóc như con điên, buông Gấm ra, chỉ mặt ông khóc lóc mắng rằng ông mê muội để cái con mụ Đĩ Cải nó xỏ mũi, nó đối xử tàn tệ với con tôi ông có biết không? Giời đất ơi, cớ sao cái số tôi khổ thế này! Từ ngày đắm đò ở Cửa Rừng thân xác thì trôi dạt bờ sông bãi sú, làm mồi cho cá rỉa. Vong hồn thì vật vờ chẳng có chốn nương tựa. Con mụ Đĩ Cải chỉ là mụ dì ghẻ độc ác mà dám đứng ra gả bán con Gấm lấy hai chục lượng vàng chôn dưới chân giường, không chịu bỏ một xu lập đàn cầu cúng, để mặc vong hồn mẹ đẻ nó đói khát bơ vơ giữa đám cô hồn! Nói cho các người biết nhá! Sau này con Gấm sẽ đẻ con giai vai vế hơn người, nó sẽ không tha tội cho các người đâu . . .

         

Bà hàng xóm ngừng lời vồ lấy một chú gà chiếp ở gần đó xé làm đôi, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi lăn đùng ra sân. Một lúc sau bà ta tỉnh dậy ngơ ngác nhìn mọi người đang kinh hãi xúm quanh, chống tay đứng dậy phủi quần áo, le te chạy ra ngõ để về nhà cách đấy vài chục bước.

         

Mụ dì ghẻ của Gấm ở dưới bếp chứng kiến tận mắt cảnh tượng hồn ma mẹ đẻ của mợ Gấm nhập vào bà hàng xóm quở trách những việc làm độc ác của mụ thì khiếp vía quỳ xuống dập đầu khấn vái lia lịa. Rồi mụ chạy đến bảo chồng mời thầy về lập đàn cúng tế, làm hình nhân bằng thân cây chuối với sọ dừa, đặt vào chiếc tiểu sành đáy lót bằng cật tre, gọi là tiểu sành không có tấm địa dùng để mai táng người chết đuối. Sau đó thầy sẽ gọi hồn về cho nhập vào hình nhân trong tiểu sành, làm lễ cầu siêu ba ngày ba đêm, đốt hàng mã gồm nhà táng, áo quần, vàng bạc… để vong linh mẹ đẻ mợ Gấm được siêu thoát. Dưng mà có chuyện này lạ lắm cơ! Lúc con với mợ Gấm về đến đồng Ván thấy một con chó trắng cứ lẽo đẽo theo sau. Con đứng lại nó cũng đứng luôn. Đến lúc gặp anh Cam tới đón, tự dưng chó trắng biến mất .         

            

Nghe chị Vú kể bà Đội ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo, những người chết oan khuất như thế là thiêng lắm! Mà con mẹ Đĩ Cải cũng tệ thật, làm chuyện sằng bậy chỉ che được mắt người phàm tục chứ che sao nổi quỷ thần. Bà an ủi mợ cứ bình tâm, không phải lo lắng gì cả , bà ấy sống khôn chết thiêng, chắc chắn sẽ phù hộ cho các con khỏe mạnh bình an, phát tài phát lộc.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10   11    12   
Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2005
Ngày đăng: 27.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện