Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
825
123.239.939
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 2

2

MÒ TÔM, KẾT BẠN

 

Mâu thuẫn giữa một cái là khao khát được ăn ngon với hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cùng sự tò mò bẩm sinh đã làm nên trong tôi phong cách bắt tôm rất dân dã nhưng khác biệt với cách mà dân quê tôi thường làm. Rồi chính sự khác biệt ấy đã cho Bống và tôi gặp nhau để bắt đầu những ngày tháng làm bạn bên những dòng sông. Khi đó tôi vừa học xong lớp ba còn Bống học xong lớp hai, đang nghỉ hè.

 

Nhà tôi nghèo, bố mẹ chẳng có tiền mua thức ăn. Nhiều bữa rõ là bụng đói cồn cào mà tôi không thể nuốt nổi những hạt cơm trắng ngần đến đơn điệu. Thứ để ăn kèm cho xuôi cơm thường là nước rau muống luộc nồng, ngái hoặc canh mồng tơi rớt. Ngày nào cũng hai thứ nước ấy nên tôi phát chán. Hiếm lắm mới được ăn cơm với bát canh cua hay mấy con rô rang do bố tôi đi bừa bắt được. Bao lần tôi rơi nước mắt phụng phịu vòi bố mẹ mua tôm cá về ăn chứ không nói gì là mua thịt. Bố tôi thường mắng: “Đúng là con nhà lính, lại tính nhà quan”. Mãi sau này tôi mới hiểu ý nghĩa của câu nói đó. Thời đó là làm công điểm lấy thóc, nên bố mẹ tôi tranh thủ đi làm để lấy thật nhiều công, chứ chẳng có thời gian đi bắt cua bắt cá. Bất quá, tôi muốn đích thân đi bắt tôm cá về cải thiện.

 

Trong làng hồi đó có phong trào đánh giậm tép. Cứ thò đầu ra khỏi ngõ là thể nào cũng nhìn thấy hai ba chị đeo giỏ bên hông, vác giậm ra đồng. Tôi cũng xin bố mẹ sắm cho một chiếc giậm đi theo người ta. Nhưng sức tôi thì có hạn mà cái giậm lại to nên mỗi lần vác giậm về chỉ được độ vài ba lẻ tép (một lần dùng lòng bàn tay vốc tép lên cho đầy lòng được gọi là một lẻ). Các chị thì được nhiều tép hơn vì quen nghề, nhưng rất ít khi bắt được tôm. Hình như sự khan hiếm đó làm cho tôm trở thành một niềm khao khát để mỗi khi bắt được con tôm thì các chị reo lên như bắt được món đồ quý. Tôi thì chẳng bao giờ được tôm cả nên mới hỏi các chị là làm thế nào để bắt được tôm. Ai cũng nói đó là do may mắn, vì ra đường bước chân phải hoặc gặp thằng cu chăn trâu nhà nào (quê tôi đi đâu, làm gì mà gặp trai, nhất là mấy thằng cu, được cho là điềm may mắn).

 

Một hôm, đang đánh giậm thì tôi thấy lòng bàn chân đau nhói vì giẵm vào thứ gì đó cồm cộm gờ gờ. Buông tay giậm, tôi sờ xuống lòng bàn chân và cảm nhận được một cái gì đó giống như đám lá khô có cạnh sắc, rồi cầm lấy đưa lên khỏi mặt nước. Tôi ngạc nhiên khi biết đó là một con tôm càng đen như bù hóng. Mũi kiếm của nó đã bị gãy do vừa chọc vào gan bàn chân tôi. Nó không động đậy mà nằm im như giả chết. Tôi không dám khoe với ai mà vác giậm lên bờ ngồi quan sát con tôm. Mắt nó vẫn sáng, chân nó vẫn ngo ngoe, miệng nó vẫn sủi nước. Vậy là nó chưa chết. Nhưng sao khi tôi giẫm vào nó, nó lại không bật đi. Tôi nghĩ mãi không ra tại sao lại vậy nên vác giậm về nhà hỏi bà và bố mẹ. Chẳng ai biết tại sao cả. Từ hôm đó tôi không dùng giậm để đánh tép như các chị nữa mà rờ chân theo sau các chị hy vọng giẵm phải những đám gờ gờ kiểu đó. Thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác như vậy. Cúi xuống nhặt thì hầu như lần nào cũng là một con tôm càng. Ra là vậy, giống tôm càng thường nằm im giả chết chứ nhất định không bị cuốn đi theo nhịp ùng ục. Những kinh nghiệm đầu tiên ấy cho tôi một bài học rằng, hễ có cái gì đó lởn vởn, không động thì rất có thể là tôm càng. Rồi tôi chuyển từ việc rờ chân sang mò tôm bằng tay. Cứ chạm vào cái gì lởn vởn là tôi vơ hết lên xem. Có lần tôi vớt phải lá tre chứ không phải tôm. Nhưng rất nhiều lần tôi bắt được tôm, có lúc là tôm càng, có khi lại là tôm trứng. Giống tôm càng thì như xác vô hồn, chẳng bao giờ động đậy ngay cả khi đem lên mặt nước, còn giống tôm trứng thì nân nẫn hơi rùng mình một tí, nhưng khi tay đã chạm vào thì nó lại nằm im. Lại còn có loại tôm, động vào cái là bật rung lên. Giống ấy bé lắm, chẳng may có mất cũng chẳng tiếc. Đúng là tôm càng nằm im thì càng to, càng giẫy khoẻ thì càng bé.

 

Mò mẫm nhiều, tôi dần hiểu được về những đặc tính của lũ tôm đồng. Bất đắc dĩ lắm chúng mới phải lang thang kiếm ăn, vô phúc bị chị nào giậm chân mạnh vào cái ùng ục và đè vào người thì chỉ có bẹp ruột, nếu không thì cũng toét mắt hoặc gãy sống lưng. Có lẽ vì vậy, nhiều phen tôi bắt được những con tôm chỉ có một càng, hoặc một mắt. Có con còn bị các chị đánh tróc vẩy lòi thịt ra trắng ởn. Những con như vậy, có thả lại về sông hồ thì cũng chẳng sống được mấy hồi. Cũng may cho chúng, nơi chúng trú ngụ lại không mấy khi là nơi các chị có thể giậm chân lên được, mà hầu hết là trong các hốc tự nhiên do những viên gạch vụn, những rễ cây lâu năm hay những hang hốc do các con vật khác cày xới bỏ lại dưới đáy hoặc bờ sông. Tôi biết được vậy vì đôi lần mò phải hang gạch và bắt được vô số tôm đang trú ngụ trong đó, nhiều hơn nhiều so với lượng tôm tôi bắt được từ việc mò mẫm theo chân mấy chị đánh giậm. Tôm bắt được trong hang thường còn nguyên vẹn, chứ ít khi bị toét mắt, gãy càng. Từ những lần như vậy, tôi chuyển sang bắt tôm lưu động. Thời gian đầu, tôi chạy dọc bờ sông trước làng nơi mỗi hộ gia đình có một chiếc cầu ao được xây bằng gạch, xi măng, hoặc đá vôi nên có rất nhiều hang hốc. Mỗi cầu ao như vậy có tới vài chục tôm trứng cùng mấy vệ sĩ tôm càng. Đó là chưa kể có hôm tôi còn bắt được cả cá rô, giếc, và cà ra trong những hang đó. Cách bắt tôm kiểu bìa làng ấy cũng bị bọn trẻ trong làng học mót. Ngày nào cũng có hàng chục đứa trẻ trạc tuổi tôi chạy lăng xăng hết cầu ao này đến cầu ao khác để mò tôm, khiến tôi chẳng thể làm gì được, mặc dù trong lòng rất hậm hực. Thực ra với khả năng của chúng nó, nếu trong hang có khoảng 10 con tôm thì chúng chỉ bắt được 1 con là cùng. Thế mới tiếc chứ. Không có cách nào để giành lại địa phần, tôi đành trở lại với cuộc sống mò tôm dưới lòng sông.

 

Vào một trưa hè nóng nực, tôi đang mò tôm bên bờ nông của một khúc sông thì bị thụt chân, chìm lỉm xuống giữa dòng. Thì ra con sông vừa mới được đội thủy lợi xã nạo vét để giữ nước cho ruộng đồng. Quá đột ngột nên tôi bị uống no nước phen đó nhưng thật may tôi biết bơi nên nhanh chóng lấy được thăng bằng để bơi vào bờ. Trong khi đang chới với để bơi ngược vào bờ thì bàn tay tôi chạm vào một cái hang nhỏ trên thành sông vừa mới được người ta đào nên thẳng đứng như một bức vách, và thấy lúc nhúc những tôm là tôm trong đó. Tôi lặn một hơi dài xuống và dùng tay bắt bằng hết lũ tôm còn đang ngơ ngác.

 

Từ hôm đó, cứ đến giữa ngọ trở ra là người ta nhìn thấy tôi ngụp lặn giữa dòng sông cùng chiếc giỏ tre mà không hề biết là tôi đang bắt tôm. Khúc sông đó thật lắm tôm. Chỉ một đoạn sông khoảng 100 mét là đủ cho tôi bắt được một giỏ tôm đầy. Ai gặp tôi cũng hỏi đó là giỏ gì và bắt ở đâu, nhưng tôi một mực không nói vì sợ lại bị người ta bắt hết giống như lần trước ở các cầu ao. Nhưng rồi, người ta cũng biết đó là những giỏ tôm và bắt đầu bàn nhau về tôi cùng những giỏ tôm bí ẩn.

 

Khi đó, Bống là cô bé lớp hai, hơi tí bị bu đánh đòn vì nhõng nhẽo đòi bu mua thức ăn. Dù là gần nhà nhau, nhưng tôi và Bống lúc ấy chưa chơi thân với nhau vì Bống ở nhà suốt còn tôi thì đi chăn vịt ngoài đồng từ hồi lên sáu tuổi. Tối hôm đó, chẳng hiểu ai sai khiến mà Bống lại cầm đèn cầy sang nhờ tôi bày cho cách bắt tôm. Đoạn Bống đề nghị:

- Anh Tung ơi. Em sang đây nhờ anh dạy cho em cách bắt tôm để từ mai em sẽ đi bắt tôm. Em sẽ không phải đòi bu mua tôm cá nữa. Em sẽ không bị bu đánh đòn nữa.

Tự nhiên lại có một cô bé sang nhờ dạy bắt tôm, tôi thấy cũng vui vui nhưng thấy việc dạy bắt tôm nó cứ kỳ cục thế nào ấy nên thẳng thừng từ chối:

- Không được đâu. Sao Bống lại sang học người ta. Người ta bé thế này, không dạy cho Bống được đâu. Người ta chỉ biết bắt tôm chứ không biết dạy đâu. Bống đi hỏi mấy bác lớn tuổi đi.

Cô bé ngồi thộn ra đó một lúc, buồn bã nhìn ngọn đèn đỏ loét chập chờn như muốn trêu ngươi Bống, rồi lặng lẽ cầm chiếc đèn cầy, ra về.

 

Tối hôm sau, Bống lại xách đèn cầy sang. Lần này, Bống nhìn tôi chằm chằm như thể muốn nói nhiều lắm. Thấy khó hiểu lắm nhưng tôi cố lảng tránh ánh mắt Bống vì sợ lại phải chứng kiến nét mặt buồn bã tối qua của cô bé. Khi tôi vẫn còn bối rối không biết nên để ánh mắt nhìn vào chỗ nào thì Bống lên tiếng:

- Lần sau anh đi bắt tôm, cho em đi xách giỏ trên bờ với. Khi về nhà, anh cho em mấy con tôm về rang là được.

Nghe Bống nói thật đơn giản nhưng tôi có bao giờ bắt tôm mà lại cần người xách giỏ đâu vì thế mới sẵng giọng nói:

- Không cần. Người ta tự sách giỏ rồi.

Nhưng lúc ấy tôi mới sực nhớ ra, sông nhiều tôm lắm, chỉ bắt một tí là đầy giỏ, vậy nếu bắt được đầy giỏ rồi thì bắt cho Bống một ít cũng được. Như vậy Bống sẽ có tôm ăn và không bị đánh đòn nữa. Tôi đồng ý cho Bống đi cùng và bảo cô bé mỗi hôm đi thì mang theo chiếc xà cạp của bu để đựng tôm. Bống không hiểu tại sao lại phải cầm xà cạp nên mới hỏi:

-  Cầm xà cạp để làm gì hả anh?

- Để đựng tôm chứ còn làm gì.

- Nhưng anh có dạy em đâu mà em bắt được tôm.

- Người ta bắt cho. Khi nào người ta bắt được đầy giỏ rồi, người ta sẽ bắt cho Bống. Được chưa.

 

Bống vui hết chỗ nói, chẳng cần hỏi lại, cứ thế lao khỏi nhà tôi như một mũi tên, đập đầu vào cánh cửa đại đang mở hờ làm đầu bươu lên như quả sung. Nhưng Bống không kêu đau, chỉ hơi nhăn mặt, lấy tay xoa nhẹ vào chỗ bươu ấy rồi lại chạy thục mạng về nhà trong niềm khấp khởi vì được tôi cho đi bắt tôm cùng.

 

Từ sau bữa đó, Bống là người duy nhất cùng tôi đi mò tôm. Bống đội chiếc nón mê, còn tôi để đầu trần, cứ đến giờ ngọ là lên đường. Lúc đầu tôi định là sẽ bắt đầy giỏ của tôi rồi mới bắt cho Bống. Nhưng mỗi lần lặn xuống bắt được cả vốc tôm, trong khi Bống lại cứ đứng trên bờ chờ đợi, thì tôi lại thấy thương. Vậy là cứ được ba bốn vốc tôm, tôi lại ném lên bờ cho Bống một con tôm càng hoặc một con tôm mọng trứng bật tanh tách trước mặt trước khi Bống nhặt tôm cho vào xà cạp. Nhìn nét mặt Bống vui, tôi lại càng hăng say bắt tôm. Nhiều lần nhìn thấy tôi giơ nắm tôm lên, cô bé lại reo lên như động viên:

- Ôi. Con tôm to quá. Em thích lắm.

Tôi thấy rất thích mỗi lần Bống reo lên như vậy. Thực ra những con tôm tôi vứt lên bờ đều là những con tôm rất to vì tôi cố tình chọn ra cho Bống. Khi giỏ của tôi đầy tôm thì xà cạp của Bống cũng sắp căng phồng vì không còn chỗ chứa. Lúc đó, tôi tháo giỏ đưa cho Bống cầm và bắt tiếp cho đầy xà cạp mới về.

Nhiều ngày như vậy trôi qua. Tôi vẫn lặn ngụp mò tôm dưới nước, còn Bống trên bờ xách chiếc xà cạp. Chắc sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu như không có một ngày, khi Bống đặt chân lên một đoạn mương đang bị tràn nước nên trơn trượt. Đúng lúc đó, tôi gọi Bống và vứt lên bờ một con tôm càng. Theo thói quen, Bống lao ra vồ, nhưng bị trượt chân cứ thế lao thẳng xuống sông theo dốc của bờ mương rồi chìm nghỉm cùng chiếc xà cạp. Bống không biết bơi nên cứ đập tay chân bùm bụp, nhưng càng đập thì người Bống càng bị đẩy xa ra rồi bị tụt hẳn xuống lòng sâu nhất của sông. Không có ai ở đó, tôi hoảng quá chẳng biết làm gì để cứu Bống, may mà còn kịp nhớ ra trò chơi tàu ngầm mà tôi vẫn làm với mấy thằng bạn học cùng lớp hồi lớp hai nên lấy hơi lặn thật sâu xuống đáy sông, đầu đội vào bụng Bống, tay giữ hai đùi Bống, còn chân guồng hết cỡ để đẩy cô bé vào bờ. Vào đến bờ, mặt Bống tím ngắt, mắt lơ đãng như người mất hồn, đứng ngây ra không nói năng gì cả nhưng toàn thân thì run cầm cập mặc dù trời lúc đó đang nắng gắt. Quần áo Bống bị rách tả tơi làm lộ toàn bộ cơ thể nâu đen màu phù xa, chỉ có hai cánh tay áo là có tấm vải che đi. Tôi nhìn thấy thế thì bối rối lắm nên lập tức quay mặt đi chỗ khác và tính cách để Bống có quần mặc về nhà.

 

Vẫn còn hoảng sợ nên Bống chưa để ý đến việc toàn  thân đang lộ ra và cần phải làm gì để trở về nhà. Nhưng tôi thì lại rất bận tâm đến chuyện đó nên dặn Bống ngồi lại bên bờ sông còn tôi đi tìm mấy dây chuối khô trên khóm chuối gần đó để buộc lại mấy mảnh quần áo cho Bống mặc tạm. Nhưng tìm mãi chẳng được chiếc lá chuối khô nào. Chắc do mấy hôm trước người ta đã cắt mang về hết rồi. Tôi quay lại phân trần với Bống:

- Bống ơi. Quần áo rách hết rồi. Người ta sợ mẹ Bống chửi người ta lắm. Không có quần áo thì làm sao mà về được.

Nghe tôi nói vậy, Bống giật mình khi sực chú ý đến toàn thân chỉ còn hai cánh tay là có vải che thì co rúm lại, khép chặt hai đùi vào bụng cúm gằm mặt xuống khóc tức tưởi. Chắc Bống rất xấu hổ nhưng tôi chưa nghĩ ra được cách gì hay. Trên người tôi lúc đó chỉ có chiếc quần đùi nhăn nhúm mỏng tang. Nếu Bống mặc nó vào còn tôi cởi truồng bơi dọc sông về nhà thì còn tốt hơn là Bống cứ để vậy mà về nhà. Nghĩ thế, tôi bơi ngược ra giữa dòng, lặn xuống đảo người một vòng tụt chiếc quần đùi và vứt lên bờ dục Bống mặc vào. Bống vẫn ngồi co rúm, lắc đầu không chịu mặc. Tôi phải doạ:

- Có muốn về nhà không thì mặc vào. Không thì cứ cởi truồng thế mà về nhé.

Bống vẫn khóc và ngồi co ro như vậy, không chịu nhặt quần mặc vào. Tôi đành rắn giọng hơn:  

- Có muốn lần sau đi cùng người ta thì mặc quần vào.

Tận đến lúc này Bống mới lên tiếng:

- Nhưng em xấu hổ lắm. Sợ ai nhìn thấy em mặc quần đùi của anh thì xấu hổ lắm.

Tôi tiếp lời:

- Không sợ ai. Bống mặc quần vào, rồi lội dọc sông, đến bờ ao thì chạy một mạch về nhà.

Nghe có vẻ hợp lý nên Bống làm theo tôi. Trên đường trở về, tôi ngâm mình bơi dọc lòng sông cốt sao Bống không nhìn thấy tôi cởi truồng. Còn Bống lội cò rò như con cò lửa đi săn tép dọc theo phần nông của sông mang theo chiếc xà cạp chỉ còn một dúm tôm (chắc lúc cô bé ngã, tôm văng ra gần hết), vừa lội, vừa lấy mấy mảnh áo rách hồi nãy che lấy phần thân bên trên. Hình như Bống ngại vì mặc quần của tôi nên cứ lấm lét ngước lên bờ xem có ai để ý không. Mỗi lúc có ai đi qua, hai đứa lại nín thở, tôi thì ngâm mình không nhúc nhích, còn Bống thì cúi rạp xuống mặt nước để tránh bị người ta nhìn thấy. Khi đến cầu ao nhà Bống, thì cả hai đã mỏi rời toàn thân. Nhìn quanh một hồi không có ai, Bống cắm đầu cắm cổ chạy qua đường cái về nhà để mặc tôi gọi với từ phía sau: “Nhớ cầm trả quần đùi cho người ta nhé.” Dù Bống không trả lời nhưng tôi vẫn đợi để Bống mang quần ra trả.

Mãi không thấy Bống ra. Tôi sốt ruột lắm. Mấy đứa trẻ hàng xóm lại ở đâu tự nhiên kéo ra bờ sông bắt chuồn nên càng làm tôi bồn chồn. Thấy tôi bé nhỏ dễ bắt nạt, lại đang ngâm mình dưới song, chúng thi nhau lấy đất và gạch vụn ném xuống chọc tức. Thật khó chịu với lũ mất dạy ấy. Nếu có cái quần đùi thì tôi đã lặn một cái sang bờ bên kia đứng nấp sau mấy gốc cây xà cừ thì cho dù chúng có ném gạch đến mai cũng chẳng sao. Thật may, mấy đứa không biết tôi đang cởi truồng. Trêu một lúc không thấy tôi phản ứng gì cả, chúng bảo nhau đi chỗ khác. Tôi đang định bụng bơi về phía cầu ao nhà mình, đợi lúc không có người thì lấy giỏ che chỗ đó đi rồi băng qua đường về nhà, thì Bống mang quần ra. Nhìn thấy Bống ra, tôi reo lên:

- Nhanh lên. Vứt ngay cái quần xuống đây để người ta còn về. Làm sao mà lâu thế.

 

Bống không nói gì, chưa đến mép bờ sông đã quăng tay ném cái quần định cho nó bay ra giữa sông nơi tôi đang chờ. Không may, gió làm quần bay trệch hướng nên giắt vào một cành dâu đang rủ ra phía lòng sông. Cành dâu quá cao. Tôi đã cố gắng bơi nổi hết cỡ trên mặt nước, để lộ hết cả phần “xấu hổ” ra nhưng cũng không thể với tới. Bống cũng đang rất ngượng nhưng trong hoàn cảnh này, thì chẳng biết làm gì ngoài việc cố gắng lấy quần hộ tôi. Đoạn cô bé loay hoay tìm quanh không có cái que nào đủ dài để với quần nên mới trèo lên cành dâu còn một tay bám lên một cành khác ở cao hơn rồi cứ thế ấn cho cành dâu thấp dần xuống mặt nước. Thật không may, cành đó bị sâu đục nên yếu và giòn. Bống vừa mới ấn hai cái đã đánh rắc rơi xuống sông kéo theo cả Bống và cành dâu nhỏ ở trên cao. Vừa chạm nước, Bống đã bị cành dâu bên dưới lắc cho ngã vật ra mặt sông ướt sũng, lại còn bị cành trên đè lên người. Thấy Bống bối rối, tôi quên khuấy là đang không mặc quần vội đẩy mình bơi vào, rồi đứng dậy kéo cành dâu đang đè lên người Bống ra. Trong lúc cố gắng kéo cành dâu tôi vô tình để phần “quan trọng ấy” đập vào mắt Bống. Cô bé úp hai tay vào mặt trong tư thế nửa nằm nửa ngồi dưới nước. Thấy Bống che mặt, tôi sực nhớ ra là mình đang cởi truồng nên mê man ngồi xuống và tụt lại phía lòng sông, bơi ra lấy cái quần. Khi tôi mặc xong quần thì Bống cũng đã đứng dậy được. Cô bé ngượng ngùng bỏ lên bờ vụt chạy về nhà không dám ngoái lại nhìn tôi.

 

Sau hai trận ngã xuống sông, Bống bị cảm nặng, sốt rất cao. Nghe bà Khang nói với hàng xóm là bị cảm phong hàn gì đó. Tôi thương Bống lắm và cảm thấy có tội với bà Khang vì Bống ốm là do tôi gây nên. Nghĩ dại chứ hôm nay mà Bống chết đuối thì chắc tôi sống cũng chẳng được yên.

 

Ngày hôm sau đi mò tôm, tôi chẳng có Bống đi cùng. Tôi thấy lòng trống trải vì không còn nghe tiếng Bống reo động viên nữa. Những lúc bắt được con tôm càng to hay con tôm trứng mẩy, tôi không còn được rướn mình ném lên bờ cho Bống. Hôm nay, chẳng thiết gì đến việc bắt tôm cả. Tôi chỉ bắt đủ số tôm cho bữa tối rồi buồn bã đi về. Tôi nhớ và thương Bống quá. Tôi chỉ muốn chạy sang nhà Bống để nói chuyện với Bống và để kể cho Bống nghe về bữa bắt tôm hôm nay. Nhưng lại sợ bà Khang, nếu bà ấy biết Bống ngã xuống sông là do tôi gây ra thì bà ấy sẽ đay nghiến tôi mất. Thật ngạc nhiên, vừa về đến nhà thì ý nghĩ của tôi về bà Khang tự nhiên tan biến khi nhìn thấy bà chạy ùa ra cầm lấy hai tay tôi vẻ khúm núm, nói như khẩn cầu:

- May quá. Cháu đã về. Cháu thương lấy bác mà đi sang bên nhà với con Bống một tí. Nó bị sốt mê man, suốt sáng nay chỉ gọi tên cháu. Cháu thay quần áo rồi sang bên nhà với bác. Khổ lắm, con với cái.

 

Nói xong, nước mắt bà Khang ứa ra, khiến bà phải lấy cái khăn tay ám khói lau vội những giọt nước mắt đang bắt đầu lăn trên hai đôi gò má lộ cốt của bà. Tôi thấy thương bà Khang chứ không còn sợ bà ấy như lúc trước nữa nên vội vã thay quần áo và đi theo bà. Thực lòng lúc đó tôi mừng quýnh. Không còn phải mơ được gặp Bống nữa mà đích thực bà Khang đang muốn tôi sang bên đó cho Bống tỉnh lại và qua đi cơn sốt oái oăm. Khi tôi sang tới nơi, Bống đang nằm thiêm thiếp trong đống chăn bùng nhùng trên chiếc giường đôi mốc meo vì bụi bặm lâu ngày, tay quờ quạng nhè nhẹ, miệng ấp úng gọi tên tôi:

- Anh Tung ơi. Mai đi bắt tôm nhé.

Chết thật. Sao Bống lại ốm nặng đến vậy? Vừa tự hỏi, tôi vừa chạy vào ngồi xuống cạnh chiếc giường, cầm tay Bống như để cảm nhận được những gì Bống đang phải trải qua. Mặt Bống tái nhợt. Môi Bống khô như hành phơi. Mắt Bống không thể mở to nhưng hình như Bống vẫn biết là tôi sang và đang ngồi bên cạnh nên cất tiếng gọi nghe thương tâm vô cùng:

- Anh Tung ơi. Mai anh lại cho em đi bắt tôm nhé. Anh đừng xít em nhé. Em đã xin bu cho đi bắt tôm với anh rồi.

Vậy không phải là Bống nói mê nữa. Tôi mừng quá. Bống đã nói được thật rõ ràng. Bà Khang cũng chạy lại vui mừng khôn xiết. Bống tỉnh lại thật rồi nhưng sao tay Bống vẫn còn nóng bỏng. Người Bống hừng hực như một lò lửa, đến tôi một đứa trẻ chịu nắng gió như thế mà còn không chịu nổi. Thể nào bà Khang chả cuống cuồng lên vậy. Lúc đó có bà hàng xóm sang chơi. Bà ấy mách bà Khang bắc nồi lá chanh, gai bù kết, và lá hương nhu để xông nóng cho Bống. Tôi nghe đến xông thì sợ toát mồ hôi vì đã một lần được xem mẹ xông cho bố. Bố phải ngồi cúi mặt vào những ụn khói đang bốc lên ngùn ngụt từ nồi nước lá vừa được bắc ra khỏi bếp, rồi mẹ tôi trùm kín chiếc chăn chiên lên người bố lẫn cả nồi nước. Xông như vậy có khác gì là bị tra tấn bằng cực hình. Vậy mà chỉ lát nữa thôi, Bống sẽ bị xông hơi như thế. Chẳng biết Bống có chịu nổi một liều không?

 

Bà Khang khệ nệ bưng chiếc nồi quân dụng đang bốc khói nghi ngút. Trong nồi lờ mờ những lá bưởi, lá chanh và lổn nhổn những chiếc gai bù kết đen ngòm nhô lên như những mũi chông. Đặt nồi xông xuống nền nhà, bà Khang lật người Bống sang bên định đỡ Bống ngồi dậy, chuẩn bị xông. Vừa nhìn thấy những làn khói nghi ngút phả hơi nóng bỏng, nồng nặc mùi lá, Bống giãy nảy trên tay bà, miệng gào lên thê thảm:

-Bu bỏ con ra. Con sợ lắm. Bu đừng giết con. Bu đừng lột da con như vậy.

Tôi ứa nước mắt, tưởng tượng ra lúc mẹ tôi nhúng con gà bị cắt tiết nhưng chưa chết vào nồi nước sôi để chuẩn bị làm lông. Tôi cũng gào lên theo Bống:

- Bác ơi. Bác tha cho Bống. Bác để cháu về nhà bà lấy cao hương nhu rồi bác chữa cho Bống. Bác làm vậy, Bống sẽ ốm nặng hơn đấy.

 

Tôi nói được vậy vì vẫn thấy bà nội dùng cao hương nhu bôi vào trán và lưng chữa cảm.

Thấy cả Bống và tôi cùng gào lên, bà Khang có vẻ nghe ra nên không cố gắng bắt Bống phải ngồi xông. Đoạn bà nói với tôi:

- Ừ. Thế cháu về xin bà cho bác một ít dầu hương nhu nhé. Dấn lên cháu nhé.

Tôi chạy về lục đầu giường bà nội lấy hai lọ cao hương nhu đem sang. Nhận từ tay tôi hai lọ dầu, nhưng hình như bà Khang vẫn tiếc nồi xông nên không cất hẳn đi mà để dưới gầm giường cho hơi nước cứ vậy bốc lên làm mờ mịt cả cái giường vốn đã rất ảm đạm vì thiếu ánh sáng. Bà Khang xoa dầu lên khắp người Bống trong khi cô bé không ngớt nhìn tôi, rơm rớm nước mắt. Tôi hiểu, Bống đang muốn cám ơn tôi vì vừa cứu Bống thoát khỏi trò xông hơi dã man kia. Hết nhìn tôi, Bống quay sang nói với bà Khang:

- Bao giờ con khỏi hẳn, bu cho con đi bắt tôm với anh Tung nhé.

Bà Khang cũng gật đầu cho xong chuyện:

- Rồi. Cố gắng ăn khoẻ lên. Khỏi rồi bu cho đi với anh bắt tôm.

 

Tự dưng, Bống bảo bà Khang lấy cái lọ dưới gầm giường làm bà Khang phải còng lưng loay hoay một lúc lôi ra một cái lọ thuỷ tinh nom giống với lọ thuỷ tinh mẹ tôi vẫn đựng đường. Hoá ra, Bống thả vào đó từ lúc nào hai con tôm, một con tôm càng xanh lè (là con đực) và một con tôm trứng tròn vo rồi hàng ngày thả cơm vào cho chúng ăn. Bống nói một cách hồn nhiên:

- Em thả hai con tôm vào đó để nuôi. Nom giống anh em mình anh nhỉ? Ngày nào em cũng đem lọ thuỷ tinh ra chơi và nói chuyện với hai con tôm.

 

Tôi thấy thích thú với những câu nói ngây ngô của Bống và mỉm cười gật đầu. Nhìn hai con tôm quấn quít bên nhau mới thật là đẹp. Con tôm càng cứ huơ huơ hai cái càng mạnh mẽ vào mắt mũi con tôm trứng, rồi bơi vọt lên cao, vượt lên phía trước mặt con trứng và quay ngoắt trở lại. Hai con cọ râu vào nhau trước khi áp ngực, áp bụng bơi lên phía mặt bình rồi lại cùng nhau thả mình nhẹ nhàng hạ xuống đáy giống như một đôi uyên ương đang trình bày tiết mục khiêu vũ dưới nước. Từ trước đến giờ, tôi mới chỉ biết bắt tôm, chứ chưa bao giờ được ngắm nhìn tôm bơi lội và vui chơi thân thiết với nhau như thế. Thật không ngờ, Bống đã cho tôi cơ hội để được chiêm ngưỡng vẻ hồn nhiên và lạc quan của hai con tôm đang bị giam cầm trong lọ. Thấy tôi có vẻ rất thích thú với hai con tôm, Bống ngổm dậy, đòi bà Khang lấy cơm để Bống cho tôm ăn làm bà buột mồm mắng yêu:

- Bố chị, ốm thì cứ nghỉ ngơi đã. Có gì để anh Tung cho tôm ăn cũng được.

 

Nói rồi, bà Khang đi lấy một thìa cơm tẻ để xuống nền đất, bỏ lên nhà trên mặc hai đứa trẻ bón từng hạt cơm cho lũ tôm đang đói dài họng vì hai ngày nay chưa được Bống cho ăn.

Một tuần sau, Bống khỏi bệnh. Tôi và Bống lại đi bắt tôm. Lần này, trước khi đi, bà Khang dặn dò cẩn thận:

- Nhớ tránh xa chỗ nước chảy. Đừng đứng vào chỗ mương tràn không có cỏ mọc. Và phải đợi tôm ngừng nhảy rồi hãy vồ.

 

Bống vâng lời bu, lại xách chiếc xà cạp theo tôi đúng vào giữa ngọ. Hai đứa vui như đôi chim sáo sổ lồng vừa xa nhau nay được gặp lại, thẳng hướng con sông mới mà tới. Cứ thế một năm ròng rã, chúng tôi làm chủ cả quãng sông ấy với không biết nhiêu tôm mà kể.

 

Song thành bờ sông mỗi ngày một lở xuống làm những hang hốc trước kia giờ phẳng dần không có nhiều tôm trú ngụ như trước nữa. Mò thật lâu mà vẫn không thể đầy giỏ, hơn nữa mãi mới có con tôm gọi là thật to để ném lên cho Bống. Như hiểu được băn khoăn của tôi, một hôm Bống đòi tôi dạy cho cách bắt tôm để cùng được xuống sông mò tôm:

- Anh ơi. Em muốn được mò tôm với anh. Anh dạy cho em đi.

Tôi không biết nói sao nhưng thấy Bống khẩn khoản vậy thì cũng gật đầu. Bống mò mãi chẳng được con tôm nào đành thở dài ngao ngán. Còn tôi thì chẳng biết đến lúc nào mới được đầy giỏ.

 

Địa thế bắt tôm dọc theo con sông mới không còn thuận lợi như trước nữa. Giờ chỉ còn lại hệ thống cống thoát nước ngăn giữa các đoạn sông là may ra còn các hang hốc nơi tôm có thể trú ngụ. Tôi quyết định công cuộc tìm kiếm hang tôm theo sự phỏng đoán ấy. Làng tôi có cả thảy 12 cái cống được xây bằng gạch và xi măng. Lâu ngày, nước làm mòn chân cống tạo ra các hang hốc gồ ghề rất hấp dẫn cho lũ tôm đến ẩn nấp. Các cống thường được ngăn lại bởi các tấm chắn nước mà người dân quê tôi gọi là cánh phai. Cánh phai hạ xuống để ngăn nước lớn không chảy vào đồng màu. Những dòng nước nhỏ chảy dưới áp lực tạo ra những thác nước nhỏ làm tôm thích thú và kéo nhau về đáy cống tụ tập. Vậy là tôi có một kho tôm dồi dào nên trong lòng rất vui. Tuy nhiên, đây cũng là một trò chơi khá mạo hiểm vì phải ngụp lặn liên tục. Mỗi lần ngụp lặn, là tê tái hết cả mang tai vì độ sâu, nước lạnh và áp lực cao. Lần thứ nhất lặn để thăm dò hang. Lần thứ hai là để định vị ổ tôm. Lần thứ ba mới cho tay vào bắt tôm đem lên. Có những khi phải lặn bốn năm lần mới bắt hết một ổ tôm dưới đáy cống. Những ngày đầu chưa quen, tôi hầu như kiệt sức vì lặn nhiều và ít khi bắt được đầy giỏ. Lắm khi hang sâu quá, tôi phải chui cả đầu vào bắt. Lúc chui vào thì dễ nhưng lúc chui ra thì hụt hơi. Có khi đã bắt được tôm trong tay rồi mà lại phải thả ra để ngoi lên mặt nước lấy hơi. Gặp hôm nước xoáy thì còn khổ nữa vì lúc tôi chui đầu vào hang thì còn sức, nhưng lúc rút đầu ra thì bị dòng nước cuốn đi làm cánh tay tôi bị cuốn theo, cọ vào các thành hang toé máu. Những lúc như vậy, có nắm được tôm trong tay thì cũng phải thả ra để bảo toàn tính mạng.

 

Ngoài những hang cống tự nhiên do người ta đổ bê tông tạo nên, những đường viền xung quanh cống cũng là nơi tôm hay bám để ăn cáu cống. Khi đã bắt hết tôm ở những hang tự nhiên, tôi lặn và rờ tay dọc theo những đường viền của cống để bắt nốt những chú tôm đang lang thang chưa kịp vào hang. Với cách bắt như vậy, lượng tôm tôi

 

bắt hàng ngày tuy không nhiều nhưng ổn định. Muốn bắt được một giỏ tôm, tôi phải chạy đi chạy lại ba vòng tới tất cả các cống. Bống vẫn theo tôi đi bắt tôm nhưng chỉ dám đứng trên bờ chờ đợi chứ không dám lội xuống vì không biết bơi.

Chương : 1    2   3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1771
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả