Thế rồi ngày thứ 7 mong chờ cũng đã tới khi đài phát thanh của huyện mới phát được khoảng nửa tiếng thì nhỏ Hà và Bích đã réo ngoài cửa ầm ĩ. Bọn tôi trong tổ ẩm thực nên phải đi sớm lo việc mua lương thực, đồ ăn sáng cho cả lớp. Sau khi phân công tôi lo viêc mua bánh mì, Hà và Bích vội chạy ra chợ mua thịt, rau và đồ gia vị. Ra đến ngoài đường tôi mới biết rằng bọn tôi không phải là người đi sớm nhất. Mới gần 6h, bầu trầu và mặt đất dường như mới vừa chợt bừng tỉnh trong bầu không khí trong trẻo của một ngày mới thì đã bị đánh thức bởi những tiếng động của lũ học trò. Nhóm thì vác cây làm cột, nhóm thì lo kiêng dù, nồi niêu xoong chảo… Đã vậy mà nhóm nào nhóm nấy mồm miệng cứ oang oang tưởng như báo cho cả phố huyện này biết chuyện trường tôi hôm nay cắm trại không bằng. Sau khi mua xong bánh mì thịt, tôi chất hai bịch bánh to tướng lên xe rồi nhanh chóng đạp xe về trường. Không khí ở trường còn náo động hơn nữa. Hầu như bọn con trai các lớp đều tập trung ở phần sân cỏ, nơi ghi rõ tên lớp mình để chuẩn bị cắm trại. Thầy Lý, Bí thư Đoàn trường đang điều khiển học sinh các lớp về địa điểm tập kết để làm lễ đồng thời nghiêm cấm các học sinh không được có hành động gì biểu lộ cho việc bắt đầu dựng trại khi chưa có hiệu lệnh. Vậy mà một số lớp các bạn nam đã lén đào những cái hố nhỏ để chôn cọc dựng trại. Khi có đội cờ đỏ đến kiểm tra, những cậu bạn láu lỉnh đó đã ngồi lên để che lấp "thành quả" thảm hại của mình. Khi thấy tôi xách hai cái bịch bánh khổng lồ, Hiệp đã chạy lại đỡ lấy dùm tôi trong tiếng vỗ tay của bọn "quậy" : " Hết xẩy… lớp trưởng ga lăng thiệt ta… Đẹp đôi quá ta" chẳng biết mặt tôi đỏ hơn hay mặt Hiệp đỏ hơn nhưng cả hai đều lúng túng bởi cái giọng của Tấn lùn " Tụi bay ơi, nhìn nhỏ Mai mắc cỡ kìa. Giống nhân vật Thị đang theo Tràng về nhà chồng ghê chưa".
Tôi chỉ còn biết cách chống chế bằng lời hăm dọa " Còn chọc nữa, tui nghỉ phát bánh mì cho Tấn luôn ". Tấn ôm bụng, nhăn mặt năn nỉ:
- Thôi mà chị Mai, đừng bỏ đói em tội nghiệp. Có phát thì phát hai ổ luôn đi không thôi lát nữa em giựt bánh của chị cũng vậy à.
Tôi đành chịu thua cái miệng liến láu của Tấn. Nhìn các bạn ngồi quanh những dụng cụ cắm trại, tôi cảm thấy một không khí ấm áp đoàn kết quả lớp 12A9 thật đáng yêu biết bao. Đúng như lời các bạn nói : lớp này đã chơi thì chơi hết mình nhưng còn chuyện học hết mình thì chưa thấy chuyển biến gì cả. Và sau khi làm lễ, hiệu lệnh trống bắt đầu , tất cả các lớp đều nhanh chóng ùa vào phần đất đã được phân chia để dựng trại. Dường như tất cả đang chạy đua với thời gian. Cũng phải thôi vì thời gian quy định cho phần dựng trại chỉ là một tiếng. Thế là con trai thì lo dựng cột, đào lỗ còn con gái thì lo phần cắt dán để trang trí cổng trại. Lớp nào lớp đó thi nhau hối hả với những tiếng í ới giục giã… và đến khi trại đã được dựng lên, phần cổng trại của mỗi lớp như một minh chứng cho sự sáng tạo độc đáo. Cổng trại của lớp tôi được xếp hình chữ S bằng những chiếc quạt xinh xắn. Còn lớp 12A8 kế bên lại xếp hình chữ S bằng những chiếc nón lá trắng tinh. Nói chung mỗi lớp là một dạng sáng tạo. Thế mới biết đợt cắm trại này, các lớp đã "đầu tư" trí tuệ khá nhiều. Thế rồi tiếng trống vang vang báo hiệu giờ dựng trại đã hết. Tất cả đều ngừng công việc. Đội cờ đỏ ghi nhận những lớp nào còn tiếp tục sẽ bị trừ điểm. Cũng may lớp tôi cũng khéo tay khéo chân nên trại của lớp tôi hoàn thành không những đúng thời gian mà còn rất đẹp nữa là đằng khác. Thằng Thịnh đứng chống tay ngắm nghía hai trại gần nhau rồi phá lên cười :
- Ê, tụi bay ra coi nè. Trại mình mang tên Lê Hồng Phong còn trại 12A8 mang tên Nguyễn Thị Minh Khai. Ê, tối nay có màn rước dâu độc đáo nha bay.
Thằng Hải, lớp trưởng lớp 12A8 cũng không phải tay vừa khi ra điều kiện:
- Okê, muốn rước dâu thì nhà trai phải có sính lễ mới được à nha.
- Chuyện nhỏ, bên đó chuẩn bị sẵn cỗ bàn đi nha…
Quả là những bộ óc thông minh không chê vào đâu được. Chuyện gì đã lọt vào mắt Thịnh cũng đều trở thành chuyện vui cười cho được. Sau phần chấm điểm sơ khảo, cả trường như náo động hẳn lên khi hầu hết các bạn đều là cổ động viên cho các trò chơi kéo co, bịt mắt đập nồi, đổ nước vào chai. Những tiếng hô "cố lên" , "Cố lên" vang dậy khắp sân trường. Khi những trò chơi chấm dứt, các chàng chiến binh chạy về trại với bộ dạng thảm hại :
- Trời ơi, mấy ông kéo ăn hay thua mà quần áo giống bắt hôi quá vậy. Thua là hổng cho ăn cơm à…
- Còn thắng thì sao? Có em nào tặng bọn này phần thưởng gì không?
- An thiệt không?
Thằng Thịnh nghênh cái mặt dài thòn của nó lên không thèm trả lời mà quơ quơ cái bao thơ trên không trung. Nhỏ Hà giựt lấy, tay vừa đếm miệng vừa hỏi :
- Còn mấy trò kia, có ăn không?
- Sao mấy bà tham lam quá vậy. Mình phải có lòng nhân ái nhường cho các bạn lớp khác nữa chứ.
Nhỏ Hà trề môi:
- Chẳng bằng mấy ông dở ẹt, thua mà còn nói trạng…
Tiếng la chí choé, tiếng cười, tiếng đấm vào lưng bịch bịch. Hiệp chợt la to:
- Mấy bạn đừng giỡn, sập trại bây giờ. Lo dọn cơm ăn nè.
Tiếng "dọn cơm" của Hiệp thế mà có hiệu lực ghê gớm bởi lẽ sau những trò chơi, tất cả đều như mệt lả vì hò hét động viên, vì vui chơi hết mình và bây giờ là đói. Tổ ẩm thực đã đãi cả lớp món canh chua cá basa mang hương vị quê hương và món thịt heo xào mặn. Thằng Tấn mập vừa ăn vừa xuýt xoa:
- Chưa bao giờ tao ăn món ăn chua dở như vậy. Vừa chua vừa mặn không thể nào ăn nổi.
Nhỏ Hà tức giận chạy lại chỗ Tấn mập vừa đánh vừa la lớn:
- Ông nói ăn không được mà nãy giờ bới tới chén thứ ba rồi. Làm ơn đừng ăn nữa kẻo đi không nổi bây giờ…
- Trời ơi, bà Hà hung dữ dễ sợ vậy mà mơ làm cô giáo. Tao mà có con không dám gởi nhỏ Hà vì thế nào nó cũng bóp mũi để trả thù mối hận ngày xưa ba nó đã bỏ rơi cô giáo của nó.
- Cái gì…
Tấn mập vừa cầm chén vừa phóng ra khỏi trại tránh cơn thịnh nộ của nhỏ Hà. Lũ còn lại bắt đầu lôi nghề nghiệp của nhau ra để chọc ghẹo.
- Ê, tao gắp cho mày cục thịt tổ chảng nha. Mai mốt mày có đậu bác sĩ nhớ ăn tiền tao cho rẻ nha…
- Trời ơi, mày gắp cho thằng Tài uổng lắm. Lo tao đây nè. Mai đây tao sẽ là tỉ phú còn nghĩ tình mình cũng học chung sẽ cho mày chân làm mướn cho tao.
- Thôi xạo vừa vừa Sơn ơi. Mặt mày mà thành tỉ phú được.
- Thì tao mở công tay mai táng kế phòng mạch của thằng Tài. Hễ nó chích một người là bên này tao nhắc một cái hàng ra sẵn…
Cả lớp được phen cười rũ rượi khiến mặt thằng Tài đỏ rần. Nó là chuyên gia ngủ trong lớp vậy mà mơ làm bác sĩ. Chính vì thế mà thằng sơn mới chọc quê Tài bằng cách mở công ty mai táng kế bên nhà Tài. Có lẽ nhìn thấy điệu bộ tội nghiệp của Tài, cô vội lên tiếng để can thiệp:
- Ai cũng có quyền mơ ước và chỉ cần có ý chí thì ước mơ đó sẽ là trở thành hiện thực thôi. Các em phải tôn trọng ước mơ của bạn mình chứ.
- Cô ơi nhưng tụi nó mơ cao lắm, em sợ tụi nó nhìn theo ước mơ đó mà gãy cổ chết đó cô.
- Cô ơi, lớp mình mai mốt có hai ông sĩ quan đó nha cô. Hải thi học viện quân sự còn Hiệp thi Đại học Công an , oách ghê ha cô.
Tiếng Thằng Thịnh chen vào:
- Hiệp ơi, mày nhớ ghi hết tên tuổi bọn tao để mai mốt đây, lỡ thất nghiệp bọn tao đi "rắn hổ", đi đồ lậu mày đừng có bắt nha.
Trong lúc cả lớp tôi râm ran bàn về những ngành nghề, những ngôi trường đại học mà họ sẽ đậu và sẽ học trong tương lai, tôi thấy Dũng và một số bạn khác hầu như không tham gia. Khuôn mặt của họ như trầm lắng nỗi buồn. Có lẽ như đoán biết được những tâm trạng ấy, cô đã nói để giải tỏa những âu lo trong lòng họ:
- Dũng đừng lo lắng nhiều về chi phí học đại học. Hoàn cảnh gia đình của em khó khăn, em không có ý định vào đại học thì có thể theo học những khóa đào tạo ngắn hạn để làm văn thư, kế toán, thư viện của xã cũng được. Còn nếu như có khả năng, em có thể thi vào các trường đại học quân sự, công an. Những trường này họ sẽ lo đầy đủ từ chỗ ăn ở, chi phí học tập cho em suốt 4 năm đại học. Còn nếu không đậu được hai trường này thì khi học các trường đại học, cao đẳng khác nhà nước có chính sách cho vay tiền để học. Đến khi ra trường đi làm họ mới thu hồi lại vốn.
- Vậy mà em không biết. Anh em nói tao chỉ lo cho mày học hết 12 thôi chứ không nuôi được 4 năm đại học nên em không nghĩ đến ngành nghề nào hết.
- Vậy ai cũng có quyền thực hiện ước mơ của mình hở cô.
- Chớ sao nữa. Nhà nước tạo mọi điều kiện cho các em rồi. Thực hiện được ước mơ hay không là nhờ vào ý chí, học vấn của các em đó.
- Cô ơi cô, chiều cao khiêm tốn như nhỏ Ai có được tuyển vào làm cô giáo không cô.
- Tui thi sư phạm hồi nào?
Nhỏ Ai gân cổ cãi lại với khuôn mặt đỏ bừng . Thằng Quang đã cười cười chọc lại:
- Ua không thi sư phạm thì thi tuyển làm ngũ phu nhân của anh vậy.
- Ngũ phu nhân này, cho bỏ tật chưa đồ "đại dâm tặc".
Vừa nói nhỏ Ai vừa nhéo đau điếng khiến cho Quang trong 36 kế thì chạy trốn là thượng sách nhất để trốn những cú nhéo điếng hồn của nhỏ Ai.
Cô cười, gương mặt rạng rỡ. Khi biết lớp tôi có rất nhiều người đăng kí sư phạm :
- Cô rất vui khi thấy lớp mình có nhiều bạn sẽ trở thành đồng nghiệp của cô trong tương lai. Lúc làm thầy làm cô, các em sẽ hiểu hơn những vất vả cũng như những niềm vui, nỗi buồn của người đứng trên bục giảng.
- Cô ơi, vậy cô dạy lớp em vui nhiều hay buồn nhiều vậy cô?
- Đương nhiên là buồn nhiều. Mấy ông quậy phá quá trời, ai mà chịu nổi.
Nhỏ Bích lên tiếng như trả lời dùm cô. Ai ngờ thằng Thịnh cũng không kém cạnh. Nó không bỏ lỡ thời cơ để châm chích lũ con gái.
- Xời ơi, làm như mấy bà hiền lắm đó. Hôm bữa học thể dục, gặp ông bảo vệ đi qua tụi nó kêu bé tí voi, báo hại cả lớp bị phơi nắng chịu phạt nửa tiếng.
- Chứ ổng tên voi mà voi thì phải to lớn đằng này thân hình chú ấy chút xíu nên tụi em kêu là bé tí voi để phân biệt cho dễ mà cô…
- Nè mai mốt không được châm chọc người khác như vậy nha. Thân hình vóc dáng mỗi người là do cha mẹ học tạo nên. Các em châm chọc người khác là xúc phạm đến nhân cách của con người nghe chưa…
Nhỏ Bích thì thầm :
- Bởi vậy lúc đầu tao đâu có chọn ngành sư phạm. Tao sợ lũ học trò quậy mình không dạy nổi.
- Trời trả báo mày đó. Ai biểu hồi đó mày quậy cô bây giờ lại chọn sư phạm
Bích thở dài :
- Chắc vậy quá… Ước gì tao có tài như cô. À mà bằng nửa cô thôi thì mới mong dạy dỗ được.
Tôi bật cười khi nhớ lại bộ mặt nghinh nghinh ra vẻ bất cần đời để quậy cô của nhỏ Bích. Thế mà chính tấm lòng vị tha bao dung tràn đầy tình yêu thương của cô đã cảm hóa con ngựa chứng trong Bích để cuối cùng nó lại mê nghề giáo viên chứ không chọn nghề nào khác. Khi biết tin Bích thi vào sư phạm văn, cô vui lắm và động viên nó :
- Em đừng băn khoăn nhiều về khả năng sư phạm. Nghề gì cũng vậy, cô nghĩ nếu có niềm đam mê gắn bó với nghề thì tự mình sẽ tìm ra được phương pháp để đạt được hiệu quả thôi.
Bữa cơm trưa đã được các bạn hoành thành xuất sắc. Hai nồi cơm lớn cùng với canh, đồ mặn đã được bọn tôi "giải quyết" dứt điểm. Điều này chứng tỏ tài năng nấu nướng rất tuyệt của nhỏ Hà. Nghe cô và các bạn khen nhỏ Hà mặt mũi như nở hoa rồi hăng hái đốc thúc bọn tôi dọn dẹp, chuẩn bị đi chợ nấu nồi cháo gà để ăn khuya. Bữa chiều, sau khi chơi trò chơi lớn xong các bạn sẽ về nhà tắm rửa, ăn cơm chiều tại nhà và đúng 6h , không những lớp tôi mà các lớp khác hầu như các bạn đều có mặt đầy đủ. Có lẽ ai cũng háo hức muốn xem phần thi thú vị nhất đó là phần thi hóa trang. Và khi màn đêm đã thực sự chiếm lĩnh bầu trời, trại của mỗi lớp đều mở đèn sáng lung linh. Mỗi trại như một người thiếu nữ được khoác thêm chiếc áo mới trong đêm thi dạ hội hóa trang vậy. Chưa bao giờ lớp tôi lại chăm chút cho nhan sắc của Tấn lùn đến vậy. Lúc cô ngồi trang điểm cho Tấn, cả lũ con trai vây quanh cô theo dõi cuộc "chuyển đổi" giới tính "kỳ diệu" của Tấn. Và đến khi Tấn hóa trang xong, đeo bộ tóc giả lên đầu bận cái củng mà cô đã cất công đi mượn tận tiệm thời trang áo cưới, bọn tôi phải công nhận Tấn thật xinh gái. Lũ con trai thi nhau bẹo má em Tấn làm Tấn phát quạu, gỡ đôi guốc đang mang dưới chân tính chọi thì nhỏ Bé An đã la lên:
- Thôi cha ơi cha, gãy đôi guốc mấy chục ngàn của con bây giờ. Gia tài của con có đôi guốc này thôi đó.
Choảng thêm cái khăn trên đầu, Tấn cúi đầu e lệ như một thiếu nữ KHơ Me thật thụ. Thịnh cũng đã hóa trang xong… Anh chàng xuất hiện với nước da đen bóng và mái tóc quăn quăn, công sức của bọn tôi thi nhau dùng ống quấn điện để kẹp cho tóc Thịnh quăn lại. Thịnh khoe hàm răng trắng bóng với nụ cười tình tứ :
- Xong chưa em thân yêu?
- Dạ xong rồi anh yêu ơi.
- Vậy đôi ta cùng nhau đi đến lâu đài tình ái…
Cả lớp tôi đều cười nghiêng ngả khi thấy Thịnh chống tay vào hông làm điểm tựa để nàng Tấn lùn xỏ tay vào đó đi lên khán đài. Các bạn lớp khác cũng chạy theo Thịnh và Tấn với những nụ cười hóm hỉnh. Và hội thi hóa trang được bắt đầu ngay sau nghi thức đốt lửa trại. Mỗi lớp hóa trang thành một nước với trang phục thật phong phú, duyên dáng. Nào là nước Ai cập, Thái Lan, Lào, Nhật bản cho đến các nước Châu Au xa xôi như Pháp Mĩ, Anh v,v… Nhưng có lẽ không có nước nào độc đáo như nước mà lớp tôi đóng vì vai nữ lại do nam hóa trang. Vả lại nước Campuchia ngôn ngữ nói dễ dàng hơn. Vì thế công việc phiên dịch của tôi dễ dàng hơn. Sau khi giới thiệu về đất nước Campuchia với những Angcô, chùa tháp nổi tiếng, chùa vàng chùa bạc, tôi giới thiệu anh Châu Sóc San và chị Xa Kết Trang của trường Trần Văn Thành và đặc biệt anh Châu Sóc San vừa qua một lớp huấn luyện tiếng Việt cấp tốc nên anh có thể tự giới thiệu về mình được. Thịnh bắc chước giọng nói cưng cứng, thiếu âm sắc của những người Campuchia đi bán gạo dạo để nói. Còn Tấn "Xa rết" thì giả giọng nữ thật nhẹ nhàng có phần eo éo để phụ họa với Thịnh. Khi nghe Thịnh giới thiệu:
Chúng tôi đến từ trường đại học NôngPênh. NôngPênh đó các bạn có biết không, còn quê tôi ở chắc cà đao, quê bạn Xa rết ở chắc cùm chân… những vùng quê trù phú của đất nước tôi…
Mới giới thiệu đến đó` thì những tiếng cười đã vang lên không những từ phía khán giả mà các thầy cô trong ban giám khảo cũng bật cười. Nếu bạn đi từ Long Xuyên tới Châu Đốc, bạn sẽ đi qua cây cầu chắc cà đao, Thịnh đã liến láu mượn địa danh ấy làm địa danh cho vùng quê của anh Châu Sóc San. Còn quê của nàng Xa rết lại là địa danh không có trên bản đồ nước Campuchia đó là chắc cùm chân… cái giọng nói tiếu lâm chọc cười của Thịnh đã chinh phục khán giả. Nhưng có lẽ điều thuyết phục ban giám khảo là màn trình diễn rước dâu mang tựa đề " Em rước chàng về dinh" của lớp tôi. Một số bạn được phân công đóng vai cha mẹ cô dâu, cha mẹ chú rể và các thanh niên nam nữ Campuchia duyên dáng, có cả dù che cho cô dâu Tấn xúng xính trong chiếc đầm được dán kim tuyến chớp chớp. Tiết mục này đưa cô đạo diễn cho và bọn tôi giữ bí mật đến khi công diễn vì vậy các lớp khác đầu phải thán phục đầu óc thông minh sáng tạo của 12A9. Đặc biệt là câu hỏi ứng xử đầy hóc búa của ban giám khảo. Nào là món ăn dân dã và nổi tiếng của dân tộc Campuchia là gì thì Tấn đã nhanh trí đáp là mắm bò hóc mặc dù cả ba chúng tôi đều chẳng biết mắm bò hóc ra sao cả. Nhưng đến câu hỏi : " Nếu em là người chèo đò đưa khách sang sông mà con đò của em chỉ chở đượ có một người khách. Hôm ấy ở bến đò có hai người khách cần sang sông gấp. Một người là mẹ của em cần đến cơ quan làm việc. Một người là cô giáo của em cần đến trường để lên lớp. Vậy em sẽ chở ai trước, bỏ ai lại… ". Chao ôi, câu hỏi thật khó, trong khi bọn tôi chụm đầu bàn tính để tìm ra lời giải đáp thì bên dưới các bạn la to:
- Chở cô giáo đi vì cô giáo không thể trễ giờ lên lớp.
Tốp khác lại la lên:
- Chở mẹ trước vì mẹ là người sinh thành…
Chính những lời la hét của các bạn đã giúp cho tôi chọn được lời giải đáp thỏa mãn nhất. Tôi cảm thấy giọng mình như run lên vì xúc động qua lý lẽ của cách lập luận:
- Thưa ban giám khảo, nếu em là người chở đò thì hôm ấy em sẽ chở cả mẹ và cô giáo sang sông. Vì đò chỉ chở được một người khách và một người lái đò là hai nên khi chở cả mẹ và cô giáo, em sẽ lội xuống nước đẩy đò sang sông. Em là người lái đò, chuyện bơi lội dưới nước là chuyện rất bình thường. Còn tại sao em không thể bỏ mẹ hoặc cô giáo lại trên bến sông vì mẹ là người sinh thành ra em. Nếu em bỏ mẹ lại em sẽ là người con bất hiếu. Còn bỏ cô lại để chở mẹ thì em sẽ là người bất nghĩa. Vì cô đã dạy cho em bao kiến thức, bao đạo lý làm người…
Bên dưới là những tràng pháo tay nồng nhiệt của các bạn khán giả. Tôi thấy thầy hiệu trưởng trưởng trong ban giám khảo gật gật đầu mỉm cười ra chiều rất thú vị. Chính vì lẽ đó mà khi công bố giải nhất của cuộc thi hóa trang thuộc về lớp 12A9, chúng tôi đã đón nhận rất nhiều tràng pháo tay cổ vũ của các bạn khán giả toàn trường. Khi hội thi hóa trang và ca nhạc kết thúc thì đã hơn 24h, thế mà cả trường hầu như chẳng ai cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ gì cả. Các thầy cô chủ nhiệm đều về trại của lớp mình cùng sinh hoạt với học sinh. Khi tôi về tới trại của lớp mình thì đã thấy nhiều đôi thanh niên toàn là nam giới chỉ trừ nàng Xa-rết " bê đê" đang khiêu vũ. Trong tiếng hát, tiếng vỗ tay làm nhạc đệm của bạn bè. Nghe kỹ lời bài hát thì toàn là những thứ tiếp chắp vá theo điệu nhạc " Tây na bòn ơi… bòn tê"… Tạm dịch là em đi đâu đó, em có yêu anh không…
Màn khiêu vũ độc nhất vô nhị của lớp tôi đã mời gọi nhiều nam sinh của các trại khác tham gia và biến khu sân cát trước trại lớp tôi thành một sân khấu nhỏ thật náo nhiệt. Một bạn lớp nào đó mang theo cái trống nhỏ - thứ đồ chơi của con nít có gắn lục lạc thì không khí càng sinh động hơn rất nhiều. Khán giả nữ đứng vòng trong vòng ngoài xem và cổ vũ thì các chàng vũ công của vũ đoàn 12A9 càng có hứng nghệ thuật. Họ trình diễn nhữg điệu nhạc tự sáng chế thật sống động cho đến khi không thể nhảy được nữa vì mỏi chân, mỏi tay và mỏi cả miệng vì cười, sân khấu dã chiến mới giải tán. Tổ ẩm thực dọn món cháo gà lên thơm phúc khiến cho các chàng vũ công giành nhau múc cháo sợ chậm tay thì hết. Vừa ăn, bọn tôi vừa khui các món quà đã được chuẩn bị sẵn ở nhà và đem đến để bốc thăm. Những trận cười lại giòn giã vang lên vì những lời đề nghị rất tinh nghịch được ghi trong phần quà. Nào là " Bạn có thấy chú gấu này dễ thương không? Nó sẽ là của bạn nếu bạn khóc được 5 kiểu khác nhau. Rồi món quà khác là cười 5 kiểu khác nhau hoặc bạn hãy nói " tôi yêu em" bằng 5 thứ tiếng khác nhau… Có những bạn nữ vội đầu hàng vì không thể đáp ứng được những yêu cầu đó nhưng cả lớp không chịu, đã giảm nhẹ yêu cầu xuống phân nửa. Đến Hiệp món quà là một cây đàn ghita bằng đá dùng để làm hộp đựng bút rất đẹp với lời yêu cầu: " Bạn hãy đàn lên và hát một bài hát thật tình tứ, thật xúc động về tình yêu". Trong tiếng vỗ tay cổ vũ của cô và các bạn, Hiệp đã ôm cây đàn ghita vào lòng và hát bài ca " Ngẫu hứng lý qua cầu" của nhạc sĩ Trần Tiến trong lời ca của Hiệp có đoạn " Bằng lòng đi em về với quê anh một cù lao xanh một dòng sông xanh. Bằng lòng đi em anh đón qua cầu, cầu tre…"
Âm vang trong lời bài hát là cả một vùng đất cù lao sông nước hiền hòa và cả một tấm lòng chân quê đằm thắm, nhân hậu của chàg trai miệt cù lao. Đôi mắt Hiệp len lén nhìn về phía tôi khiến tôi bối rối và chợt nghe tim mình đập nhanh và rộn ràng. Cái anh chàng lớp trưởng nói ít làm nhiều và nổi tiếng với tấm lòng hiệp sĩ này đã từng làm tôi xúc động khi đón nhận những món quà đầy ý nghĩa. Đó là những cuốn sách tham khảo về văn học hoặc chùm chuông gió, khung đựng hình thật dễ thương trong những dịp Hiệp đi thi học sinh giỏi, đi học khóa đào tạo cán bộ Đoàn.Hóa ra ẩn trong cái vỏ xù xì gai góc chân chất ấy lại là một tâm hồn nhạy cảm và rất tinh tế của Hiệp.
Tôi như bừng tỉnh lại khi tiếng hát của Hiệp vừa dứt và tiếng bạn bè chọc ghẹo:
- Mai ơi, có bằng lòng không em? Em có bằng lòng về cù lao của anh Hiệp không em?
Tiếng thằng Thịnh oang oang xoáy vào tôi, và tiếng ca của các bạn theo điệp khúc theo anh, bằng lòng… cứ một tốp ca " bằng lòng đi em thì tốp khác lại đệm "bằng lòng" và đám bạn nữ xúm lại kéo tay tôi giơ lên cao. Thằng Thịnh hét lên: " Bạn Mai bằng lòng rồi kìa, rước dâu thôi".
Thế là đám con trai đẩy Hiệp qua đám con gái bọn tôi. Đến nước này thì tôi chỉ còn cách bỏ chạy ra khỏi trại. Sau lưng tôi, tiếng các bạn la lối inh ỏi " Cô dâu bỏ trốn rồi, cô dâu bỏ trốn rồi, tiêu đời trai của mày rồi Hiệp ơi…"
Tôi trốn vào một góc sân trường. Đằng sau lưng tôi vẫn là những tiếng hát, tiếng cười, tiếng vỗ tay đầy hồn nhiên vô tư của bạn bè tôi. Mái trường thân yêu này và cả bao bạn bè nữa, tất cả đã trở nên gắn bó thân thương với tôi biết bao. Cái tình quê chân chất với nhữg tấm lòng quê, đôn hậu, tất cả như đã khác ghi vào tâm hồn tôi những kỉ niệm khó phai. Tôi thầm cám ơn số phận đã đưa tôi về sống ở vùng đất này để tôi có dịp hiểu thêm và yêu quý trân trọng những tấm lòng, những con người nơi đây… Họ đã vượt qua bao khó khăn của cuộc sống để cất lên bài ca yêu đời và bài học về ý chí về nghị lực sống.