Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
838
123.239.920
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 4

4

CHINH PHỤC ĐINH TRÊ VÀ NHỮNG TRẬN ĐÒN CHÍ TỬ

 

Tôi được trở về nhà sau hơn một tuần nằm bệnh xá. Cô y sĩ dặn là vết thương đã đỡ nhiều nhưng tôi vẫn không được chạy nhảy và lội nước vì sợ nhiễm trùng lại sẽ lâu khỏi. Vì thế, mặc dù đã được về nhà, những tôi vẫn chịu cảnh giam lỏng ở nhà chờ cho vết thương khỏi hẳn mới được đi mò tôm. Bố mẹ đi làm cả, chiếc cổng ương ngạnh lúc nào cũng buộc chặt như thách thức không cho ai vào thăm tôi. Mấy lần Bống định đến chơi nhưng thấy cổng vậy cũng chỉ dám đứng ngoài nhòm vào rồi lại quay về chứ không dám gọi sợ lỡ ra có ai đó trong nhà thì lại xấu hổ.

 

Nhưng một hôm hình như có linh tính mách bảo, tôi bỏ giường ngó ra ngoài cổng và sựng lại khi nhìn thấy thân hình bé nhỏ của Bống đang ngước nhìn chiếc cổng một cách tuyệt vọng. Tay Bống lần lần cái dây chão mà bố mẹ tôi buộc trước lúc đi làm. Chắc Bống muốn vào với tôi lắm nhưng lực bất tòng tâm. Tôi không thể kìm nén được niềm vui, cất tiếng gọi Bống như chưa từng được gọi, như đã lâu lắm chưa được thấy mặt Bống, như thể không gặp Bống lúc này thì chẳng còn lúc nào khác. Vậy là tôi quên mất lời dặn của cô y sĩ, vụt chạy ra phía cổng, vươn tay ra ngoài để nắm tay Bống. Lại đôi bàn tay gầy guộc bé bỏng nằm gọn trong tay tôi bất động. Bống nhìn tôi, hình như ngấn lệ. Chắc Bống cũng ngày đêm mong được sang chơi với tôi nhưng tại chiếc cổng quái gở kia chẳng cho Bống cơ hội. Bống còn nhỏ quá nên chẳng biết phải xử lý với cái cổng ấy ra sao nên đành phải quay về mỗi lần cổng kín tường cao. Cũng may hôm nay tôi nhổm dậy đi ra, nếu không, nét mặt hồn nhiên tươi rói ấy lại một phen nhễ nhại mồ hôi và đượm buồn mà quay về để rồi lại nhớ nhung tôi khôn nguôi cả ngày. Bống thu tay lại, móc ra sáu quả khế từ mấy túi quần áo trong đó chỉ có hai quả là còn xanh tươi. Bốn quả khác đã chuyển màu úa vàng. Tôi hiểu, vậy là ba ngày qua, ngày nào Bống cũng đến và đem cho tôi hai quả khế. Không nói câu gì, chẳng đút khế vào miệng cho tôi cắn như lúc còn ở bệnh xá, Bống bốc cả đám khế bỏ vào vạt áo tôi rồi bỏ chạy một mạch khuất vào hàng tre đực vây quanh tường nhà.

 

Đã ba ngày không được ăn khế của Bống, lẽ ra tôi phải thèm lắm chứ vì cái bản tính háu ăn của tôi có bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào đâu. Vậy mà hôm nay, tôi không thể cắn nổi một miếng. Hồi ở bệnh xá, nhiều lần Bống bỏ chạy vậy, nhưng không có gì làm tôi thắc mắc cả. Nhưng lần này tôi thấy khó hiểu. Tại sao Bống chẳng nói gì. Hai đứa còn chưa ăn khế mà và Bống còn chưa hỏi tôi về vết thương cơ mà. Chắc Bống có điều gì khó nói nên mới làm vậy. Tôi quay vào nhà, vứt cả sáu quả khế xuống giường mặc chúng lăn lông lốc mỗi nơi một quả, không thèm lấy gối che đậy gì sất. Lúc đó, tôi chỉ muốn gặp Bống bằng được. Cho dù chân chưa khỏi hẳn, tôi vẫn quyết định sang nhà tìm Bống để hỏi cho ra nhẽ. Tôi khập khễnh chạy lại phía cổng định bụng tháo sợi dây chão trốn sang tìm Bống. Nhưng sợi chão quá to và cứng làm bàn tay yếu ớt của tôi không thể nào cởi ra được. Thất vọng, tôi đánh phịch mông ngồi bệt xuống nền đất nơi mấy con cuống chiếu đen óng đang bò chung cùng lũ kiến lửa đỏ au thi nhau khuôn vác những quả trứng kiến trắng muốt về tổ như để báo hiệu trời sắp đổ mưa rào.

 

Tôi ngồi thừ ra đó cố nghĩ cách để mở tung sợi dây chão. Thỉnh thoảng có người đi qua, tôi định bụng nhờ người ta mở cổng hộ, nhưng làm như thế có khác nào dạy người ta thói quen mở cổng vào nhà khuân đồ đạc đem đi. Đã có lúc tôi định quay vào lấy con dao thái rau vừa to vừa sắc, chỉ xiến một nhát là sợi dây chão kia đứt bung và mở tung cánh cửa cho đôi chân tù túng này được tung hoành sang nhà Bống. Nhưng cắt chão rồi thì lấy gì mà buộc cổng cho chắc. Bố mẹ về thấy chão đứt sẽ trách tội. Hết cách, tôi ngồi đó tư lự mặc cho lũ kiến ngược xuôi với công việc chuẩn bị tránh mưa.

 

Đúng như lũ kiến báo trước, trời đùng đùng đổ giông. Những đám mây đen ngòm ùn ùn kéo về, mấy tí đã làm trời tối sầm. Nếu ai chưa từng biết giông là gì chắc có cảm giác là trời sắp bị sập xuống. Gió đông cuồn cuộn cuốn cát tung mù mịt. Những sợi rơm rạ còn sót lại trên mặt đường tranh nhau tìm chỗ lao vào hai bên bờ tre để tránh gió

hoặc nếu không thì lao thẳng về phía trước đáp mình ra phía thật xa trước khi các cơn gió lốc kịp bốc chúng lên cao, xé chúng ra thành mảnh vụn, hoặc vo tròn chúng thành những búi bòng bong rồi đập chúng xuống đất. Những tia chớp đỏ lòm hung hãn loé lên nhoay nhoáy từ giữa những đám mây kéo theo những tiếng nổ inh tai nhức óc như muốn xẻ đôi, rồi thiêu cháy những cây bạch đàn sừng sững và những khóm tre đực lẻ loi giữa đồng. Giờ này chắc mọi người đều đã chạy vào những ngôi nhà sẵn có hoặc những túp lều dựng tạm giữa đồng để tránh sét. Chẳng ai dám thách thức tính mạng mình với ông thiên lôi đang ra sức nã búa xuống trần gian thế này. Đã có nhiều câu chuyện ở quê tôi về những người đang làm đồng bị sét thiêu cháy như bò thui và những ngôi nhà bị cháy trụi vì sét. Chính tôi cũng có lần hết hồn vì đang đuổi vịt tránh sét thì một tiếng nổ ù tai ngay sau lưng chừng dăm chục mét. Ngoảnh mặt lại đã thấy cây bạch đàn cao to nhất cánh đồng bị xẻ đôi và đen ngòm trong mưa thác. Thế mà hôm nay tôi chẳng thiết chạy vào trong nhà mặc cho tiếng sét hung bạo doạ nạt. Nỗi buồn vắng Bống làm tôi không còn biết sợ là gì nữa. Nét mặt hồn nhiên của tôi giờ trở nên vô cảm, lì lợm. Tôi cứ ngồi vậy chờ trời đổ mưa để hy vọng những giọt mưa len lỏi vào cõi lòng xua tan nỗi trống vắng trong tôi.

 

Mưa đổ. Những giọt mưa đầu tiên thật to, thật nặng, giáng lộp bộp vào những tàu chuối đang rủ xuống héo hắt sau bao ngày nắng gắt. Trong chốc lát, tiếng mưa đã nổ giòn tan, rào rào như tiếng tóp mỡ rán trên chảo. Mực nước trong sân, trong vườn chẳng mấy chốc dâng lên đến quá mắt cá người lớn, chảy thành dòng xối xả vào những ống thoát nước ra con bi ngoài cổng. Bong bóng nước do những giọt mưa tạo nên chen chúc nhau nổi lềnh bềnh, rồi chập vào nhau vỡ tan ra như hàng ngàn chiếc bóng bay nhỏ bị kim chọc. Nước mưa tràn cả lên chỗ tôi đang ngồi, thấm ướt mông tôi, bắn tung toé lên chân, lên tay, lên cả người tôi nữa. Bụi đất theo nước bắn vào nơi vết thương chưa ăn da non, xót như sát muối. Những con kiến cùng những cái trứng chưa kịp chạy thoát bị nước mưa ào tới cuốn đi đẩy chúng vào dòng nước đang xoáy cuộn trước khi bị dồn nén vào trong cống thoát. Lẻ tẻ vẫn còn cái trứng kiến trắng ngần nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chao đảo theo dòng xoáy như những cánh buồm tí hon bị sóng gió phiêu bạt giữa đại dương mênh mông.

 

Bỗng có tiếng sột soạt bên phía ngoài cánh cổng. Tôi quay ra và nhận thấy một bóng hình nhỏ bé trong chiếc áo mưa màu cháo lòng bó kín mít bốn phía, trên đỉnh là chiếc nón mê nát bươm lững thững tiến lại rồi dừng sát cánh cổng. Hình như là Bống - Tôi chột dạ. Nhưng sao Bống lại đến đây vào lúc mưa gió sấm chớp thế này. Hay Bống bị bu đánh nên bỏ nhà sang đây. Tôi bật dậy, dí sát mặt vào cánh cổng để nhìn cho rõ. Tôi muốn reo lên và đưa tay ra nắm lấy tay Bống cho bõ những lúc mong đợi và để nói với Bống thật nhiều rằng tôi mong Bống da diết. Tôi cũng muốn trách Bống thật nhiều rằng sao Bống nỡ bỏ tôi đó mà không hỏi han gì tôi. Nhưng có cái gì đó cứ ứ ở cổ làm tôi không nói được. Bao nhiêu ý nghĩ nãy giờ tự nhiên tan biến. Trong tôi chỉ còn một tình cảm nghẹn ngào, chẳng nói gì mà như nói bao nhiêu. Bống cũng không nói mà cứ đứng ngây ra đó. Chúng tôi cứ vậy nhìn nhau. Tay tôi như bị thừa, lúc thì cầm vào vạt áo, lúc lại cầm vào thanh tre trên cổng, lúc thì lại bó hai tay vào nhau, nhưng vẫn thấy như thừa. Rõ là lúc nãy tôi rất ao ước được cầm tay Bống. Nhưng bây giờ thì tôi lại không dám. Tôi không thể tìm ra lý do gì để cầm tay Bống cả. Hai đứa, kẻ trong nhà, đứa ngoài cổng, đứng đó lặng lẽ, mặc cho mưa cứ xối ào ào, mặc cho gió cứ rít đè ẹp các cành tre đực xuống nóc cổng, cho các cành bưởi và cành xoan xuống các nóc nhà, và mặc cho thiên lôi liên tiếp thét lên những tiếng hét kinh dị. Mãi Bống mới cất được thành lời:

- Em mang cho anh gói mắm tôm lúc nãy em đã gói lại nhưng quên không mang cho anh. Bu em vừa mua hôm qua. Nó vẫn còn tươi và thơm. Anh chấm khế mà ăn cho ngon.

Khổ thân Bống, chỉ vì quên ít mắm tôm mà phải lặn lội giữa mưa đem sang đây cho tôi. Chắc Bống cũng đã ướt như chuột rồi, không khéo lại cảm như hôm nọ thì nguy. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn muốn Bống ở lại nên mới nói:

- Bống ơi. Em đứng sát nữa vào trong cổng để khỏi bị mưa. Mái cổng sẽ làm em không bị ướt. Người ta sợ em lại bị cảm lạnh mất.

 

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi gọi Bống là em nhưng tôi vẫn xưng là “người ta” theo thói quen. Xưng anh tôi thấy cứ ngượng ngượng thế nào. Nghe tôi, Bống nhích thêm nửa bước, áp sát cái áo mưa vào cánh cổng và tôi cũng vậy. Giữa chúng tôi lúc này chỉ còn là mấy thanh tre đực làm cổng. Chắc Bống bị lạnh nên mặt tái nhợt, môi tím ngắt, đôi tay rất lóng ngóng. Tôi cầm lấy gói mắm tôm, bảo Bống đứng đợi đó và chạy vào nhà nhặt những quả khế trên giường cho vào chiếc rá vo gạo mang ra ngoài cổng. Lần này, tôi không để Bống chủ động đưa khế cho tôi ăn nữa mà tự tay chọn quả khế to nhất, cắn bỏ cái núm thâm thâm ở hai đầu, chấm vào gói mắm tôm đã được dỡ ra và đưa lên miệng Bống. Không nói câu gì, Bống há miệng từ tốn, cắn ngập chân răng miếng khế đầu tiên, nghe rạo một tiếng duy nhất, cắt đứt độ phần ba quả khế, mắt thao láo nhìn tôi như vừa nhận ra một sự thay đổi nào đó trong tôi chứ không nheo mày nhăn mặt như lối người ta vẫn thường thể hiện khi cắn phải thứ gì đó rất chua. Tôi chưa kịp rút tay lại để chấm khế và tự cắn một miếng thì Bống bất ngờ cầm lấy phần khế còn lại từ tay

tôi, rướn tay vào chiếc rá, chấm ngập mắm tôm vào vết cắn nham nhở rồi đút vào miệng tôi. Bỡ ngỡ xen lẫn những phút giây hạnh phúc, tôi nhắm mắt lại, từ từ cắn đến ngập miệng để cảm nhận một hương vị đậm đà vừa có vị chua của khế, lại vừa có vị mặn xong lại ngọt dịu và thơm đặc trưng của thứ mắm tôm được người ta ngâm ngấu lâu ngày. Chưa bao giờ tôi thấy cử chỉ của hai đứa lại chậm rãi và sâu lắng đến vậy. Chúng tôi đút khế vào miệng nhau qua lại mấy lần cho đến khi chỉ còn vương lại mùi mắm tôm phảng phất trên những ngón tay bị nhợt đi và dúm lại vì ngấm nước. Vẫn còn lại những năm quả khế, nhưng chúng tôi không tiếp tục ăn. Lúc này gói mắm tôm đã bị nước mưa vấy vào loãng ra làm nhoe nhoét hết cả ra túi giấy bóng và đáy rá, dính cả sang những quả khế vô tri vô giác nằm kề bên. Bống khom lưng nhặt túi mắm tôm, xoắn lại mấy vòng để nước mưa không tiếp tục làm vấy bẩn, đoạn nhìn tôi hỏi thăm dò:

-Thế bao giờ anh mới lại cho em đi bắt tôm?

Câu hỏi của Bống chứng tỏ Bống là cô bé bắt tôm một mùa, nếu không muốn nói là chưa hề biết bắt tôm vậy nên không biết được cơn mưa rào hôm nay là khởi đầu của mùa nước lớn và chấm dứt mùa mò tôm. Từ nay, có chăng chỉ còn cơ hội đi bắt cá rô lóc mà thôi. Ti mới giải thích cho Bống:

- Khi nào chân người ta khỏi hẳn, chúng mình sẽ đi bắt cá. Mùa tôm hết rồi. Nước lớn và lạnh, không còn tôm mà bắt nữa.

Bống lại tiếp tục:

- Vậy anh cho em đi bắt cá bò nhé.

 

Tôi ừ cho qua chuyện mặc dù biết tỏng rằng mùa này nước lớn, làm sao mà lặn xuống đáy cống để bắt cá bò. Bống nhảy cẫng, reo lên sung sướng làm những giọt nước đọng trên chiếc áo mưa bắn ra tung toé như con cún con bị nhúng nước giờ giũ lông cho khô. Hình như niềm vui được tôi cho đi bắt cá choán hết tâm hồn Bống. Cô bé lại dương tròn đôi mắt đen láy nhìn tôi, lắc cái nón mê ướt sũng mấy cái như để cho chiếc quai nón màu nâu gụ thêm thắt chặt vào đôi gò má mịn màng đang ròng nước và để tôn thêm nụ cười hồn nhiên duyên dáng của cô bé 8 tuổi.

 

Trời đã ngớt mưa. Gió lắng xuống nhiều. Sấm chớp hầu như bặt hẳn. Chỉ còn lất phất vài giọt mưa nhè nhẹ như mưa phùn mà người dân làng tôi gọi là mưa đền cây. Trên sân và ngoài đường chỉ còn những bong bóng nước đang tan dần, để lại những vũng nước gợn sóng lăn tăn do những hạt mưa con rơi xuống. Lũ mối cánh bay ra tua tủa từ các ngóc ngách của các ngôi nhà như để cố tận hưởng mùi hơi nước mát lạnh còn đọng lại sau cơn mưa rào. Những con cóc già khụ, mình đầy gai góc cũng òm ọp nhảy ra từ những đống gạch vụn, lè lưỡi như cắt đớp vào những con mối khờ khạo cứ lượn lờ quanh mồm chúng. Từ xa, đã có những bóng người nhấp nhô đi bắt cá rô lóc và nhặt cóc làm thuốc cho trẻ còi xương. Lại có những người mang giậm, đó đi chao và đơm cá ngoài đồng. Chắc giờ này bố mẹ cũng sắp về. Tôi nhìn Bống ái ngại vì sợ rằng nếu bố mẹ mà biết thì việc này nhất định không xong. Nhìn ánh mắt lấm lét của tôi, chắc Bống hiểu tôi muốn nói gì nên nói lời từ biệt:

- Anh ơi. Tạnh rồi. Em về đây. Bao giờ anh đi bắt cá, anh gọi em nhé.

Tôi gật đầu và đứng ngây ra đó chờ cho bóng Bống khuất hẳn mới bưng rá trở lại nhà bếp lúc này nền đất đã ướt sũng vì giột.

 

Đứng với Bống mãi không sao, vừa trở vào nhà bếp, tôi đã thấy mệt mỏi khác thường. Toàn thân đau nhừ ê ẩm. Chỗ vết thương lúc trước mưa có màu nâu đen, khô ráo, giờ bị loét ra chảy nước, đỏ lòm như thịt tươi, sâu hoắm như khoét. Giữa những vết hoắm có chất gì trắng xanh bẩn bẩn lầy nhầy như nhỉ nhoèn mắt. Tôi chợt nhớ đến lời cô y sĩ dạy là cần phải giữ vết thương khô sạch thì mới khỏi. Thế mà giờ đây, những vết thương không những không khô mà còn rất bẩn nữa. Vậy chắc là không thể khỏi được rồi. Sợ bố mẹ biết chuyện ra đày trời mưa nên tôi vội đốt bếp và hơ quần áo trên ngọn lửa cháy bùng bùng làm chiếc quần đùi và chiếc áo diềm bâu pha nilông khô cong, dăn dúm như nắm giẻ rách. Mặc lại bộ quần áo do lửa làm biến dạng, tôi lấy hộp bông gạc ở đầu giường mà bệnh xá phát cho để băng vội quanh vết thương, đắp lên mình chiếc chăn chiên da chuột, rồi ngủ thiếp đi trước khi bố mẹ đi làm về.

 

Chắc phần do bị lạnh vì dầm mưa, phần vì do vết thương mưng mủ lại, nên tôi sốt triền miên, nằm đắp chăn rên hừ hừ. Miệng tôi đắng ngắt, chẳng thiết ăn, gượng lắm mới húp được lưng cháo trứng gà trộn hành hoa và lá tía tô. Bao nhiêu chất dinh dưỡng ăn được dồn hết vào để nuôi mủ cứ sáng nào cũng đùn ra hàng cục lớn cục bé như nước mũi trẻ, xanh lè khi tôi cạy cái vảy nâu nâu phủ trên mặt vết thương. Ngày nào trước khi đi làm mẹ tôi

cũng pha nước muối rửa vết thương cho tôi, lại còn rắc thứ thuốc bột gì đó màu trắng lên mà vẫn không hết mủ.

Mấy hôm rồi, ngày nào Bống cũng đến đứng ngoài cổng ngóng tôi ra. Nhưng tôi không thể nào nhấc mình lên được. Toàn thân tôi đau mỏi, hơn nữa hễ cứ ngổng đầu dậy là lại chóng mặt muốn ngã lăn ra. Tôi chỉ còn biết gọi tên Bống, hết cỡ mà sức khoẻ của tôi lúc đó cho phép. Thật may, những tiếng gọi yếu ớt, thiểu não pha lẫn tiếng rên do sốt cao của tôi cũng đến được tai Bống, làm Bống hiểu được rằng tôi đang bị cảm nặng trong nhà nên đứng ngồi không yên, loay hoay tìm cách mở cổng để vào với tôi. Nhưng cũng giống như tôi, Bống làm sao mở nổi cánh cổng ấy. Rồi nỗi nhớ và tình thương dành cho tôi đã mang đến cho Bống một sáng kiến sau ba ngày bó tay trước cái cổng tre. Bống dùng đôi tay gầy guộc của mình vén hết những dây leo trong dậu tre đực ngăn vườn nhà tôi với đường cái tạo một lỗ hổng vừa đủ cho lọt tấm thân hình bé nhỏ của Bống. Hì hục mãi, Bống mới chui qua được lỗ đó, rồi chạy một mạch đến bên chiếc giường nơi tôi đang nằm và rên hừ hừ vì lạnh. Bống khựng lại, nhìn tôi vẻ lo âu, không nói không rằng một lúc mới ngồi xuống, một tay đặt lên chiếc chăn bông chấn thủ đang bó chặt lấy thân tôi, một tay đưa lên vuốt vuốt trán và má tôi như một người chị chăm sóc cậu em bị ốm. Lúc này tôi mới nhận ra cả hai mu bàn tay Bống rướm máu từ những vết xước ngang dọc chắc do lúc nãy bị gai tre cào vào trong khi Bống cố gắng vượt qua lỗ hổng.

- Tay em chảy máu rồi - Tôi buột miệng khi nhìn thấy vậy.

- Em không sao. Tại mấy cái gai tre đực trên dậu đấy.

- Sao em không đợi người ta khỏi rồi ra cổng mà lại phải chui vào như vậy?

- Nhưng em biết anh ốm không ra được nên em mới làm vậy. Anh đừng nói với mẹ anh là em phá dậu nhé.

- Đừng lo. Người ta sẽ không nói với mẹ. Thế hôm nay Bống có mang khế sang không? Tôi khẽ hỏi vì lúc đó tự nhiên tôi thấy thèm chua quá. (Thường người bị cảm là hay thèm chua.)

- Ôi. Em quên mất. Có. Em có mang khế sang đây. Có cả mắm tôm nữa đấy.

 

Lòng tôi vui như trẩy hội. Mấy ngày nay chưa được miếng khế nào. Thèm ghê. Mắt tôi dán theo đôi bàn tay bé nhỏ của Bống đang lần từng cái túi áo và lần lượt lôi ra một đống khế. Lần này không chỉ có 6 quả mà có tới cả chục. Xanh có, vàng óng có, cỏ úa có. Vậy là khế nhà Bống bắt đầu vào mùa chín. Bống chọn quả vàng óng, vừa chấm mắm tôm vừa đút cho tôi như Bống vẫn thường làm. Những miếng khế chua và thơm dịu làm tôi tỉnh táo và nhanh nhẹn hẳn lên. Chúng tôi lại nói chuyện thao thao về kế hoạch bắt cá bò ngay sau khi tôi khỏi ốm. Bỗng có tiếng trâu hắng ngoài cổng. Tôi tưởng bố đi làm về mới giục Bống:

- Chết rồi. Bố người ta đi bừa về đấy. Bống mau ra vườn rồi tìm cách chui ra đi. Bố mà biết thì chết dở.

- Em biết rồi - Mặt Bống tái mét rồi không kịp thu lại cái túi mắm tôm, lao ra vườn và ngồi thụp xuống gốc chuối cuối vườn quan sát xem có động tĩnh gì.

 

Lúc lâu sau, vẫn không thấy tiếng mở cổng, tôi nghĩ hay là bố còn nói chuyện với ai. Nhưng rõ là không phải vậy vì có tiếng rít điếu cày sòng sọc. Ra là có ông canh điền đi ngang qua cổng, thèm thuốc quá nên dừng trâu lại làm điếu. Biết chắc không phải là bố, tôi gọi Bống quay vào:

- Bống ơi. Không phải bố người ta đâu. Ông canh điền đấy. Bống vào đây đi.

 

Vẫn chưa thật tin lắm. Bống không chạy vào bếp như lần trước mà lò dò như con cò lửa bắt nhện trên ruộng nấp, lấm lét vừa tiến vừa nhìn quanh xem có thật không phải bố tôi. Khi nhận ra đó thực không phải là bố tôi, Bống thở dài và chạy một mạch vào trong bếp thu dọn mớ khế và đồ nghề mang theo. Từ lúc đó hai đứa cứ nơm nớp sợ bố về nên vừa nói chuyện lại vừa dỏng tai lên nghe xem có động tĩnh gì. Riêng Bống lại tỉnh thoảng thò mặt qua khe cửa bếp liếc mắt ra phía cổng canh chừng. Bỗng tôi nghe những giọng nói quen thuộc vang lên ở đầu cổng làng cách nhà tôi mấy chục mét:

- Em chào bác. Hôm nay bác bắt được mớ cá ngon quá. Hay bác để lại cho em hai con rô to về em nấu cháo cho thằng cu. Nó đang bị sốt ở nhà.

Biết đó là tiếng mẹ, tôi hoảng hốt thốt lên:

- Chết rồi Bống ơi. Mẹ người ta về. Mau chạy đi. Mang hết các thứ đi.

- Vâng!

Bống trả lời rồi vụt chạy ra vườn, lại hì hục vạch tre cố thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Nhưng khổ nỗi, lúc vạch tre vào thì dễ vì khi đó Bống chỉ việc ấn tay là những giây tre loà xoà lập tức bị đẩy vào phía trong vườn tạo lổ hổng cho Bống. Nhưng khi toàn thân Bống chui qua được rồi thì những giây tre ấy lại co hồi trở lại lấp kín lổ hổng. Có thể hình dung như cái hom giỏ vậy, đút con cá vào thì được, chứ lấy cá qua miệng hom thì không thể. Bống quay vào trong bếp khóc hu hu bất lực. Tôi cuống quít cả lên, nhưng vẫn còn kịp nghĩ đến con dao thái bèo đang nằm dưới chân cối xay và vùng dậy, quấn theo cả chiếc chăn, nhặt vội con dao rồi cùng Bống lao ra lỗ hổng ngoài vườn. Lúc đó tôi quên là mình đang bị sốt. Cảm giác đau đầu cũng chẳng còn nữa. Tôi vung tay phát đi phát lại độ chục nhát, lỗ hổng được thông thoáng giúp Bống chui qua dễ dàng. Tôi mê man nhặt hết chỗ cành và lá tre vương vãi nhét cả vào chỗ lỗ hổng hòng che mắt bố mẹ. Xong việc, tôi ù chạy trở lại giường nằm im như thể không có gì xảy ra. Vừa nằm xuống được một hai phút thì tôi nghe tiếng mẹ mở cổng và tươi cười gọi vọng vào nhà:

-Tung ơi. Hôm nay mẹ sẽ nấu cháo cá rô tía tô con ăn. Ngày mai con sẽ hết sốt.

Thật hú vía. Đúng là con người ta có số. Hôm nay mà không kịp tẩu thoát thì chắc mãi mãi chúng tôi không được gặp nhau. Rồi tôi lồm cồm bò dậy ngáp một cái rõ dài đúng lúc mẹ bước vào bếp, để làm ra vẻ tôi vừa ngủ dậy. Mẹ vứt xuống nền nhà hai con cá rô to như hai quả chuối hột, xanh thẫm màu ốc bươu giãy đành đành thách thức tay dao đập cá đến sành sỏi của mẹ. Lau vội hai bàn tay ướt sũng vào xà cạp treo trên giây, mẹ vội đưa tay sờ trán tôi, đoạn mỉm cười và nói:

- Hôm nay con rớm mồ hôi rồi. Trán không còn nóng nhiều. Để mẹ nấu cho con bát cháo này là chiều sẽ cắt sốt.

Của đáng tội, nào phải tôi tự ra mồ hôi, mà do hồi nãy lấy dao phang dậu nên mới vậy. Ai ngờ mẹ lại vui thế. Đến tận lúc này tôi mới hoàn toàn yên tâm là mẹ không hay biết gì về vụ Bống vượt dậu vào nhà chơi với tôi cả buổi nên khoan thai trả lời:

- Chắc là vậy mẹ nhỉ. Ngày mai con khỏi, mẹ cho con đi bắt cá luôn mẹ nhé. Con không thích ở nhà một mình thế này đâu.

Mẹ lại vừa mỉm cười vừa nói:

- Nếu ngày mai con hết sốt, thì ít nhất cũng phải một tuần sau mới đi bắt cá được. Với cả chân con đã hết mủ đâu mà đi.

Tôi nghe mẹ nói ít nhất một tuần nữa mới được đi bắt cá thì buồn lắm, mặt xịu xuống, môi cong lên, má nhăn lại, bụng bịu nói với mẹ:

- Một tuần lâu lắm. Con không chịu đâu. Ba ngày là cùng, mẹ phải cho con đi. Con sẽ quấn bông vào vết thương nên không bẩn đâu.

 

Mẹ vốn rất chiều tôi nên bao lần tôi đòi đi bắt cá, mẹ đều cho tôi đi mà chưa hề một lần nặng lời. Nhưng lần này xem ra khác. Mẹ nhất định không cho tôi đi mà còn trách móc:

- Con đừng làm khổ mẹ nữa. Con đã ốm nằm vậy hơn hai tuần rồi. Mẹ đã phải mua mất nhiều tiền thuốc rồi đấy. Cá con bắt được chẳng bõ tiền thuốc. Lần này, nhất định khỏi hẳn rồi con mới được đi.

 

Tôi biết mẹ đã nói là làm nên chẳng còn cách gì thuyết phục được, đành tiu nghỉu ôm chăn nằm xuống đợi mẹ nấu cháo cá rô. Hôm nay rõ thật là tôi khoẻ hơn nhiều. Tôi không thấy rét run và đau đầu như hồi sáng nữa. Tôi cũng chẳng thấy người ê ẩm gì sất. Bụng tôi bỗng cồn cào khác lạ như có ai cầm chiếc muôi múc canh nạo vét trong đó vậy. Cứ mỗi đợt cồn cào lại ợ ra thứ nước chua loét, đắng gắt đượm mùi mắm tôm. Giờ tôi mới hiểu câu nói của mẹ mỗi lúc thấy tôi ăn khế:

- Ăn đẫy khế vào cho nó nạo ruột.

 

Ra vậy, đã bao nhiêu lần ăn khế chua, thế mà mãi đến hôm nay tôi mới có cảm giác bị nạo ruột. Một cảm giác rất khó chịu, càng lúc càng cồn cào, làm tôi đứng ngồi không yên. Tôi thực sự muốn thọng một cái gì đó ăn được mà không phải là khế vào trong bụng cho đỡ cồn cào. Đoạn, vùng dậy khỏi giường, bỏ lại cái chăn và lao vào đám xoong nồi đang ngổn ngang quanh chiếc cối xay. May quá, còn mấy miếng cháy vừa cứng vừa dai trơ ra dưới đáy nồi nhôm đúc. Tôi vơ lấy, tống vào miệng như một kẻ sắp chết đói vớ được miếng ăn. Đúng thật ăn cháy còn hơn

nhịn đói. Những miếng cháy nguội mới thật ngọt ngào và thắm đượm làm sao. Nuốt đến đâu là biết liền đến đấy. Khi miếng nuốt đầu tiên vào đến bụng thì cảm giác cồn cào dịu hẳn, đến miếng thứ hai thì đã đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, mấy miếng cháy khô cứng liên tiếp bị thọng vào miệng làm tôi bị nghẹn. Cổ cứng ra, tôi phải nuốt cố và gật gật đầu mấy cái rồi làm một cốc nước sôi để nguội mới xuôi. Hết nghẹn thì lại nấc liên hồi không sao dứt được.

 

Đang nấc như ma làm thì mẹ đang làm cá ngoài sân nói với vào trong:

- Sáng nay con ở nhà có mở cổng không? Sao không thấy con gà trống cựa nhà mình đâu cả?

Tôi chột dạ, hốt hoảng chống chế lại rồi còn tiếp tục nói như để khẳng định là việc đó không hề xảy ra:

- Không! Con có mở cổng đâu. Con nằm đây từ sáng đến giờ, chứ có ra ngoài đâu mà mở cổng. Chắc con gà bỏ đi đằng nào rồi. Không có ai bắt đâu.

Nói được ngần ấy câu thì tôi hết nấc. Mẹ tôi cười oà và nói với tôi vẻ rất đắc ý:

- Mắc lừa rồi. Mẹ nói vậy để cho con hết nấc đấy.

- Sao nói vậy lại hết nấc hả mẹ? - Tôi ngây ngô hỏi lại.

- Thì các cụ bảo, nếu ai bị nấc như con thì phải chữa bằng mẹo. Phải nói cái gì đó không thật làm người nấc giật mình thì mới hết nấc.

 

Ồ, cái mẹo thật là hay mà nay tôi mới biết. Lần sau Bống sang đây nhất định tôi sẽ cho Bống ăn cháy để Bống nấc và chữa mẹo cho Bống. Mấy miếng cháy vào bụng, kể cũng chưa no nhưng cũng hết cồn cào, giúp tôi có đủ kiên nhẫn để chờ đợi bát cháo rô mẹ làm. Tôi trở lại giường, lại quấn chăn làm một giấc như không hề bị ốm đau gì cả.

Đang mơ màng thì mẹ lay tôi dậy:

- Dậy ăn cháo con. Phải ăn lúc nóng thì mới chóng hết sốt.

Bát cháo rô thơm phức một mùi hoà trộn giữa tía tô, hành hoa và thịt cá rô đầu mùa. Chưa động vào đầu lưỡi mà tôi đã cảm thấy được vị ngọt thấu của những miếng thịt rô trắng như ngà đang len lỏi dưới những cậng hành hoa xanh đậm và đám tía tô đã được băm nhỏ. Không chậm trễ, tôi đỡ lấy bát cháo từ tay mẹ, đặt xuống giường và cầm thìa vừa múc, vừa húp sột soạt không ngớt. Loáng cái đã hết bay bát cháo. Mồ hôi toát ra nhễ nhại khắp người tôi. Mẹ bảo đó là do tía tô và hành hoa giã cảm. Thứ cháo ấy ăn vào mà toát được mô hôi thì cảm sẽ hết ngay. Quả thật, ăn xong bát cháo, tôi thấy nhẹ bẫng cả người. Dường như mọi bệnh tật lúc đó đều tan biến.

 

Cũng từ hôm đó, tôi cắt sốt, ăn uống và đi lại bình thường. Chỉ có điều vết thương vẫn chưa liền hẳn mà hàng sáng vẫn đùn mủ, tuy không nhiều như trước. Do vậy mẹ vẫn chưa cho tôi đi bắt cá mà bắt tôi ở nhà thêm một tuần nữa. Các em tôi đứa thì đi mẫu giáo, đứa thì đi học, lại chỉ có mình tôi ở nhà. Thêm một sáng ở nhà kiểu vậy, tôi buồn lắm, lại mong Bống sang chơi. Tôi đang ngấp nghển ra vào bồn chồn thì thấy Bống chạy hổn hển tới cổng nói vọng vào:

- Anh ơi. Mau ra... ra.. ra đây. Em nhìn thấy nó.. to lắm.

- Nhìn thấy cái gì? - Tôi thấy lạ nên hỏi Bống.

- Có một con cá...bò... vàng óng...nó... nó... đang nằm nghỉ...

Chưa kịp để Bống dứt lời thì tôi sáng mắt lên hỏi ngay:

- Ở đâu? Nói mau nào.

- Ở thùng máy nước. Anh mau ra đó, không người ta bắt mất.

Không còn gì vui bằng tin đó nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi vì làm sao lại có cá bò ở thùng máy nước được. Mà nếu nó có màu vàng óng thì rất có thể là Bống nói đúng. Nghĩ vậy, tôi chạy vụt ra ngoài định bụng tháo cổng nhưng lại sực nhớ ra lỗ hổng ngoài dậu. Như một con sóc, tôi nhảy qua bức tường chắn gà ngăn ngõ ra cổng với vườn để lao ra đó. Những giây tre bị tôi chặt hôm nọ nay đã héo đi chuyển màu bạc phếch, chỉ kéo nhẹ cái đã lộ ra lỗ hổng cho tôi chui qua một cách ngon lành. Rồi cả hai cùng chạy thục mạng về phía thùng máy bơm.

 

Bống sốt sắng chỉ tay vào chỗ con cá dài vàng óng to như hai quả chuối hột đặt nối tiếp nhau đang ngáp ngáp và

áp bụng sát nền xi măng của thùng máy. Nước trong thùng trong vắt nên tôi có thể nhìn rõ đó là một con trê vàng chứ không phải là con cá bò. Tuy nhiên, nhìn hai cái ngạnh dài nâu óng của nó tua ra cứ như hai cái gai bù kết thì tôi lại nghĩ ngay đến hình ảnh con cá bò ông ngọng hôm nọ kể và liên tưởng đến cách bắt cá bò. Chắc bắt cá trê cũng giống bắt cá bò. Tôi nghĩ vậy rồi cởi bỏ chiếc áo chỉ còn lại cái quần đùi mỏng dính từ từ lội xuống thùng nước quên khuấy rằng tôi vẫn chưa băng kín vết thương đang rỉ mủ. Nước máy khá lạnh, làm tôi hơi rùng mình nhưng nghĩ đến cơ hội được thực hành bắt cá trê thì không còn nghĩ gì đến lạnh cả. Nước thùng máy cũng chỉ ngập đến ngực nên tôi không hề phải lặn mà đưa tay nhè nhẹ về phía con cá. Vừa đưa tay tôi vừa nhủ thầm: “Tuyệt đối không được động vào râu nó. Động vào râu, nó sẽ nổi giận. Chỉ được sờ rất nhẹ vào mang tai nó. Thật nhẹ. Thật nhẹ. Sờ rất nhẹ thôi.” Mấy lần nhủ thầm như vậy, hai tay tôi đã áp sát mang con trê. Giường như vẫn chưa biết là tôi đang định bắt, nó vẫn dương râu ngáp hoài và nghoeo nguẩy nhẹ hai cái ngạnh một cách vô tư lự. Cằm tôi vừa chạm nước thì tay tôi cũng chạm vào ngay sau hai bên ngạnh trê. Nhớ lại lời dặn của ông ngọng là “giống này thích vuốt ve”, tôi kẹp hai ngón trỏ và ngọn giữa của tay phải vào đằng sau hai cái ngạnh, vuốt xuôi theo thân nó thật nhẹ rồi lại vuốt lên. Lạ thật. Con trê cứ nằm im vậy, chẳng động tĩnh gì. Tôi rất thích cảm giác trơn trơn mà mềm mềm đằng sau ngạnh trê rồi truội dài theo thân nó xuống phía đuôi. Ông ngọng thế mà giỏi. Cái gì cũng biết. Bống đứng trên bờ nín thở dõi theo những ngón tay tôi cứ mơn trớn trên thân con trê, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ động vào râu nó. Mân mê vậy mãi mà tôi vẫn chưa chán tay. Rõ là thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn đem về con trê cho vào thùng nước. Lần nào tôi cũng ra mày mò nhưng những con trê đó đã bị mẹ bẻ ngạnh nên khi động vào chúng, tôi chẳng có gì phải dè chừng, và cũng chẳng có gì thú vị cả. Nghĩ vậy tôi mới cảm thấy đắc chí, ngước nhìn Bống mỉm cười. Chắc Bống cũng đã nóng ruột lắm nên giục tôi mau bắt con trê lên:

- Anh ơi. Mau bắt nó lên đi. Không nó chạy mất thì tiếc lắm.

 

Tôi lại nhìn Bống mỉm cười, cố làm cho cô bé nóng ruột hơn nữa. Bống càng giục tôi bắt cá thì tôi lại càng vuốt dọc con trê thật nhiều. Thỉnh thoảng con cá lại trằn mình uốn éo ra chiều rất thích động tác vuốt ve của tôi. Đôi lúc nó lại xoà cả bộ râu có tới hàng chục sợi óng ánh vẩy vẩy và nhe cái miệng vốn đã dè ra do sống lâu năm với việc ăn cáu đáy sông để lộ lỗ đen ngòm hình trám lúc to lúc nhỏ như đang cố nói lên điều gì. Rồi con trê ưỡn mình, ngóc đầu lên khỏi nền xi măng giống như động tác ngựa hí. Tận đến lúc bấy giờ tôi mới chột dạ rằng cá trê sắp phóng đi. Nếu vậy thì quá muộn. Nghĩ lại động tác quắp mang bò lôi lên như lời ông ngọng dạy, tôi định làm với con trê này nhưng xem ra không được vì thân nó quá to. Hai ngón tay tôi chỉ đủ dài để chạm vào hai mang tai nó chứ không đủ để bóp gọn chiều ngang mà lôi nó lên được. Có cảm giác bị thất bại trong vụ này, tôi thở dài nói với Bống:

- Con trê chuẩn bị phóng đi rồi. Người ta định bắt giống kiểu bác ngọng dạy nhưng tay người ta ngắn quá, không bóp được vào thân nó. Bóp vậy sẽ trượt mất. Không biết cách nào bắt được nó.

 

Bống tỏ rõ nét mặt hồi hộp, nhấp nhổm, chạy hết chỗ này, chỗ nọ ngó nghiêng tôi và con trê nhưng cũng không có thêm sáng kiến nào. Quan sát con trê thêm một hồi, tôi mới nảy ra ý định hơi mạo hiểm là dùng ngón cái kết hợp với ngón trỏ và ngón giữa tạo thành thế chân vạc, chịt chặt mang tai trê. Trong khi đó, cả bàn tay trái khum lại cùng lúc áp vào, ấn mạnh đầu trê vào bàn tay trái đã chốt sẵn, mặc cho trê giãy giụa đến mệt mới nhấc lên. Làm như vậy có nghĩa là tay trái đã động vào râu trê. Theo ông ngọng, lúc đó nhất định trê sẽ nổi giận. Nhưng tôi nghĩ ngay cả khi trê nổi giận tấn công thì hai cái ngạnh của nó đã bị khoá bởi hai ngón tay nên không thể đánh được. Kế hoạch bắt trê lên cạn đã được hình thành trong đầu tôi một cách khá tỉ mỉ và thứ tự. Theo tuần tự, tôi nhấc tay phải ra khỏi thân trê và chuyển ngón cái và hai ngón kia vào vị trí để tiếp tục vuốt ve trê. Ngay lúc con trê định ưỡn mình ngựa hí một lần nữa thì cả bàn tay trái tôi ập vào trong khi tay phải đã thít chặt. Bị bóp nghẹt đột ngột, con trê giật lên từng cơn rất mạnh đuôi nó vẫy liên hồi quật vào cổ tay và mu tay tôi đau rát nhưng cũng chưa đủ mạnh để làm tôi phải buông tay. Tất nhiên đầu nó đã bị nghẹt giữa hai bàn tay nên hai ngạnh của nó dù có cố cử động thì cũng chỉ dừng lại ở mức tì vào da tay tôi nhôn nhốt chứ không có tư thế để đâm ngạnh. Cảm giác khống chế con trê to khoẻ, còn nguyên ngạnh làm tôi thích ghê nhưng đôi lúc cũng phải mấm môi mấm lợi, thậm chí còn uống phải mấy ngụm nước mỗi khi nó quằn mình đập đuôi. Khi con trê đã đuối sức, tôi lại ngước nhìn Bống, mồm

Bống vẫn còn há hốc chưa thoát khỏi sự tập trung quá cao vào các động tác bắt cá của tôi.

 

Tận đến lúc tôi hô to “Bống ơi. Chuẩn bị để người ta mang trê lên bờ” thì Bống mới giật mình nhìn vào mắt tôi và cuống quýt đi tìm một chỗ có đám cỏ dày và phẳng cho tôi đem trê lên. Lúc này, con trê chẳng còn sức mà giãy giụa. Vẫn giữ nguyên tư thế hai bàn tay như vậy, tôi vác trê lên bờ. Đuôi nó giờ thõng xuống vô lực. Trong nắng thu buổi sớm, nom con trê càng trở nên vàng óng, nhưng mắt nó căng tròn ươn ướt, miệng nó ngáp ngáp, thỉnh thoảng lại vẫy mang khặc khặc như đang than thở về số phận hẩm hiu của mình.

 

Mấy người làm đồng đi qua nhìn thấy con trê to và thật đẹp trong tay một đứa bé đen nhẻm xấu xí thì xúm lại xem. Có người trầm trồ là “thằng cu nhà ai mới tí tuổi mà bắt cá giỏi vậy”, rồi “sau này đứa nào mà lấy được nó thì

chẳng cần gì phải lo mua thức ăn”. Nghe họ khen mà tôi thấy sướng cả tai. Đoạn thả phạch con trê xuống đám cỏ nơi Bống đang quỳ sẵn đợi chờ. Được giải thoát khỏi tay tôi, con trê ngáp lấy ngáp để như thở cố để lấy lại lượng khí thiếu hụt từ nãy đến giờ do bị bóp nghẹt. Bống vui sướng vô ngần, lao vào vuốt ve con trê từ từng sợi râu cho đến cái đuôi của nó, thỉnh thoảng lại quệt hai tay vào vạt áo để lau rớt trê nom đến ngộ. Hình như do quá thích con trê, Bống không còn để ý gì đến chiếc áo hồng, vừa được bu mua cho từ mấy hôm trước. Giờ chiếc áo đã bóng nhẫy vì rớt cá và nhuốm màu xanh của lá cỏ. Mấy người xúm quanh cũng mỗi người động tay vào con trê một tí như thoả chí tò mò về một con trê vàng mà ở quê tôi rất ít khi người ta bắt được. Giống trê vàng như thế này được gọi là đinh trê, chỉ mùa thanh minh may mắn lắm mới có người bắt được. Hễ nhà ai bắt được đinh trê thì sau đó lộc vào như nước. Đấy là nghe người ta đồn vậy chứ tôi nào có biết lộc là gì. Có lẽ vì thế mà mấy người xem trê cũng muốn sở hữu nó nên cứ gạ tôi bán con đinh trê cho họ. Có người đã lôi từ trong cạp quần ra túi tiền, đếm tiền định bụng trả tôi năm đồng rồi đem con trê đi. Nhưng Bống lao vào, khom người che lên con trê ngăn không cho ai động vào nó nữa:

- Không được, chúng cháu không bán nó. Chúng cháu sẽ nuôi nó.

Có bác trạc tuổi bố tôi cất giọng khàn khàn, pha những tiếng lọc xọc như có đờm bên trong cổ họng, mắng Bống:

- Con cái nhà ai mà dở tính dở nết đến thế là cùng. Có phải trê của nó đâu mà nó giấu con trê như mèo giấu cứt vậy. Lớn lên thì chả ma nào nó lấy.

Thấy bác ấy nói xấu Bống, tôi đã thấy tức trong lòng nhưng không thể nói căng được vì ít ra bác ấy cũng là người lớn nên tôi mới lựa lời:

- Bác ơi. Cháu đang ở nhà thì Bống chạy vào nhờ cháu ra bắt hộ con trê. Nó là của Bống đấy, chứ không phải của cháu đâu. Bác muốn mua nó thì phải hỏi Bống.

 

Bống nhìn tôi trìu mến tỏ ý cám ơn. Mấy người đứng quanh thấy tôi nói với bác ấy như vậy xì xào rằng: “Thằng bé mới tí tuổi đầu đã biết ăn biết nói. Ối người lớn tướng rồi mà vẫn tồ ra đấy, chứ có biết ăn nói cho ra đầu ra đuôi đâu.” Thực ra, tôi biết cách nói đó là vì tôi thường theo bố đi chăn vịt và bị các bác nông giang bắt vịt nhiều lần. Trong lúc họ bực tức, xô vào muốn vật chết đàn vịt thì bố tôi lại rất nhẹ nhàng nhã nhặn chứ không tỏ ý trách móc gì họ. Sau những lần như vậy, tôi được bố giải thích là nói năng nhã nhặn có đầu có cuối sẽ làm người ta bớt giận và dễ thông cảm với mình. Cách bố giải thích như vậy đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Hôm nay là lần đầu tiên trong đời tôi phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy và rất thành công. Sau khi nghe mấy người khen tôi khéo ăn khéo nói, bác nông dân kia chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi. Mấy người còn lại cũng biết là không thể mua được đinh trê nên cũng bỏ đi nốt để lại hai đứa trẻ ngây thơ ngồi bên con trê cười nói hân hoan.

 

Bống rất thích con trê nên cứ vuốt ve nó hoài, tay không chịu rời nó nửa phút, lại còn nghiêng mình hết bên đông lại sang bên tây để ngắm nghía cho hết đường hết ngõ. Những ai có lương tâm từng được nhìn Bống âu yếm con trê như vậy, hẳn sẽ không nỡ chiếm đoạt con trê. Và tôi là người thấu hiểu điều đó hơn cả, nên muốn để Bống sở hữu nó, đoạn nhẹ nhàng nói với Bống:

- Em ơi. Người ta cho em con trê đấy. Em đem nó về nhà mà nuôi.

- Không. Em không lấy. Anh bắt được nó mà.

- Người ta sẽ bắt con khác. Cánh đồng nhà mình còn nhiều trê mà.

- Không. Nhất định em không lấy đâu. Anh đem trê để mẹ anh nấu riêu. Anh đang ốm. Có canh cá trê anh sẽ khoẻ hẳn rồi cho em đi bắt cá cùng.

Nghe có vẻ là Bống cương quyết lắm, nhưng tôi thấy mắt Bống đượm buồn không giấu nổi được sự luyến tiếc. Biết là thật khó giải thích với cô bé ương ngạnh nhưng ngây ngô này, tôi tìm lời giải thích:

- Bống ơi. Người ta vừa ăn cháo cá rô trộn hành hoa và tía tô rồi. Ăn như vậy là vừa đủ để giải cảm. Bống cầm trê về mà nuôi. Người ta sẽ bắt được nhiều cá trê mà.

- Không. Anh bắt được thì anh phải đem về. Có phải trê của em đâu mà em cầm.

- Nhưng nếu người ta không ra bắt thì có phải là em sẽ gọi thầy em ra không.

- Không. Thầy em không biết bắt cá. Bu em cũng không. Chỉ có anh bắt được thôi.

 

Đang tưởng như đã hết cách thuyết phục Bống nhận con trê về phần mình, tôi bỗng nhớ đến cái chân chưa lành hẳn, rồi cố nén niềm vui trong bụng, phân trần với Bống:

- Mới lại nếu người ta mang trê về nhà, mẹ người ta sẽ biết người ta bỏ nhà đi bắt trê thì sẽ đánh đòn.

- Thật vậy hả anh? Mẹ anh sẽ đánh anh thật à. Thế thì em mang con trê về nhà nuôi nhé. Anh cho em thật nhé.

- Bống hỏi vậy nhưng mừng ra mặt, lại vuốt ve con trê thật nhiều. Vừa vuốt Bống vừa ngước nhìn tôi như muốn nhận thêm một lời khẳng định.

- Người ta nói là cho em thật mà. Cứ đem nó về mà nuôi. Thỉnh thoảng người ta sang bên đó cho trê ăn giống như nuôi tôm hồi trước nhé.

- Thật vậy anh nhé. Em vui lắm.

Cuối cùng Bống cũng vui vẻ nhận đinh trê về mình. Tôi thật hạnh phúc nhìn Bống nâng niu con trê như một người bạn thân thiết. Sợ trê đau, Bống bỏ trê vào vạt áo mà bưng về còn tôi đi theo sau canh chừng. Nếu trê lỡ bị rơi ra thì tôi nhặt lên cho Bống. Hai đứa vừa đi vừa dừng lại động vào đầu trê xem nó còn sống không. Hễ nó ngáp một cái thì hai đứa lại yên tâm đi tiếp, bằng không, lấy tay day cho đến khi nó ngáp mới thôi. Khi chúng tôi vừa bước đến sân nhà Bống, bà Khang đang quét lá trông thấy chiếc áo hồng của Bống vừa mới mua hôm qua nay bị nhày nhụa nhớt cá thì không chịu nổi nên mới la toáng lên:

- Mày làm gì mà để bẩn hết quần áo vậy? Con này, sao mày nghịch ngợm ở đâu mà bẩn tưởi thế.

Nhưng Bống không có biểu hiện gì là sợ, miệng vẫn nhoẻn cười, lom khom bưng con trê vẫn còn trong vạt áo lại chỗ bu, nói như chia vui:

- Bu ơi. Lại đây mà xem. Con đinh trê đấy. Vừa nẫy có mấy người mua nhưng con không bán. Họ nói bắt được đinh trê là có lộc đấy. Bu đừng mắng con nhé. Con mang lộc về cho bu đây này.

Bà Khang, nghe thấy đinh trê thì sáng mắt lên, không quát tháo gì nữa, bỏ cả cái chổi đang quét lá đó mà lại ngó và sờ mó vào con trê như thể trong đời bà chỉ được nghe người ta nói chứ chưa một lần được nhìn thấy đinh trê.

 

Bà trầm trồ:

-Ôi chà! Đây đúng là đinh trê rồi. Đẹp quá. Mà sao mày lại bắt được nó?

Bống vừa định mở miệng thì tôi đã cướp lời:

-Bác ơi. Bống nhìn thấy con trê nằm trên vũng nước trên ruộng, nhưng nó to quá nên cháu phải bắt hộ Bống đấy.

Tôi cứ tưởng nói vậy là bà Khang yên tâm vì lúc đó con trê đích thực là của Bống chứ không phải là của tôi. Nào ngờ, bà Khang giãy nảy người lên hoảng hốt, trợn tròn mắt quát Bống giận lây cả sang tôi:

- Chết tôi rồi. Chúng mày có biết đó là điểm gở không? Chim sa, cá nhảy là độc nhất trên đời. Khổ thân con tôi. Sao lại đi rước hoạ về nhà thế này.

Thực ra đã có lần tôi nghe người ta nói chim sa cá nhảy là độc, những không hiểu thực hư ra sao. Nay nghe bà Khang than vậy, tôi càng tin đó là sự thật nên nhìn Bống một cách lo âu. Lỡ nói dối rồi, giờ không biết phải ăn nói thế nào với bà Khang để bà hiểu rằng đó thực sự không phải là chim sa cá nhảy. Bà Khang một mực bắt Bống và tôi đem con trê ra sông thả:

- Chúng mày có mau đem trê ra sông thả không. Nếu không thì hoạ vô đơn chí, ập đến bất ngờ không biết đường nào tránh đâu.

Rồi bà ngẩng mặt lên trời than vãn:

- Lạy trời. Ông có thương con thì tha cho cháu lỗi lầm này. Con dại cái mang. Con không biết dạy con nên mới ra nông nổi này. Lạy ông trời đừng bắt phạt chúng con. Nhà con nghèo, nhưng không tham của. Đinh trê xin trả lại cho người.

Chết rồi, tôi thốt thầm trong bụng, bà Khang mà kêu trời như vậy thì nhất định là không phải chuyện đùa. Chúng tôi ngao ngán nhìn nhau. Con trê trong vạt áo Bống đã gần hết nhớt nên da nó bắt đầu dăn lại làm nhạt đi vẻ vàng

óng ban đầu, râu nó cũng se lại nom thương tâm lắm. Nếu cứ để thế này thêm một lát nữa chắc nó chết mất.

Trong khi bà Khang vẫn còn ngửa mặt lên trời cầu khấn lầm bầm trong miệng, Bống nháy mắt ra hiệu cho tôi rút ra ngõ và nói nhỏ với tôi:

- Không thể để mất con trê được. Anh có cách gì nuôi con trê không?

 

Tôi chau mày một lúc thì nghĩ ra kế cho con trê vào cái bô ở góc vườn nhà tôi mà mẹ vẫn để tưới nước giải cho rau rồi đổ nước vào đó nuôi trê. Bống sáng mắt lên đồng ý. Cả hai đứa bưng trê chạy một mạch sang nhà tôi, chui ngược qua lỗ hổng vào vườn tìm cái bô, lúc đó đang trong góc vườn. Nhìn cái bô to không quá cái mũ vành của mấy ông mật thám trong phim thời Pháp, tôi nghĩ cho con trê vào đó kể cũng hơi chật vì nó phải cuộn thân lại mới có thể nằm gọn trong bô. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đổ nước vào, con trê quẫy nhẹ cái đuôi, uốn éo vài cái lọt thỏm trong bô rồi ra sức ngáp để hồi sức sau bấy lâu bị đày trên cạn. Như một liều thuốc tiên, nước mưa chúng tôi vừa rót vào hoà trong ánh nắng chói loà làm màu vàng óng của con đinh trê dần trở lại như ban đầu. Sờ vào người nó lại thấy trơn, tôi chắc mẩm vậy là nó không thể chết. Thấy nét mặt Bống vẫn đăm chiêu, vẻ như còn gì đó chưa được giải tỏa, tôi hỏi:

- Em làm sao vậy?

- Không. Em không lo gì cả nhưng làm sao nuôi con trê trong nhà em được? Bu em biết thì chết. - Bống buồn bã trả lời, mắt không dời con cá đang ngáp liên hồi.

- Rồi để người ta nghĩ cách đã- Tôi an ủi Bống.

 

Đúng là một tình thế khó xử. Hồi trước, Bống đã từng nuôi hai con tôm trong lọ thuỷ tinh và đặt nó dưới gầm giường. Nhưng nếu mà như vậy thì lộ liễu lắm. Lần này mà thế thì hỏng chuyện ngay. Vậy thì còn nuôi ở đâu được nhỉ. Những ý nghĩ mông lung cứ loáng thoáng chạy trong đầu tôi, chưa kịp định hình thì ánh mắt tôi bắt gặp góc vườn và thấy rằng nơi đó rất kín đáo vì có khóm dòng dong cao, lá to che kín hết mặt đất. Nếu để bô trê vào đó và che lá dong lên thì không ai có thể biết được. Cho đó là ý hay, tôi nhảy cẫng lên, reo to:

-Ra rồi. Người ta nghĩ ra rồi.

 

Vừa dứt lời, tôi đã thấy hai tay đang đặt trên vai Bống nên vội rụt tay lại. Chắc do vui quá không để ý nên ôm vào vai cô bé. Hai đứa nhìn nhau đỏ mặt. Khoảnh khắc bối rối ấy cũng qua đi để tôi có thể nói với Bống về kế hoạch nuôi trê dưới khóm dong trong vườn. Bống nghe xong thích lắm:

-Ồ vậy mà em không nghĩ ra. Sao anh lại nghĩ được nhỉ?

Bống chưa hớn hở được bao thì lại nhanh chóng cau mặt, đăm chiêu, và cất giọng buồn bã:

-Nhưng làm sao mà đem bô trê này về cho vào gốc dong được?

Đúng là đối với Bống thì tình huống này hơi khó xử.

 

Nhưng tôi thì lại có cách đánh lạc hướng bà Khang dễ dàng. Chả là thỉnh thoảng tôi theo mẹ sang nhà Bống xin khế về nấu cá. Lần nào cũng vậy, bà Khang đều đích thân ra cây vặt vì sợ mẹ con tôi trèo lên vô tình chổng mông vào những quả khế con làm chúng bị điếc nên không để ai trèo hết. Tính cẩn thận của bà xem ra trong trường hợp này lại được việc. Tôi mới bàn với Bống:

- Người ta đã có cách. Bây giờ Bống phải làm theo người ta bảo nhé. Người ta sẽ đến giả vờ xin khế bu Bống. Bu Bống nhất định sẽ ra hái khế. Bống sẽ nấp ở dậu râm bụt bên chiếc hố xí và đợi đến khi bu Bống đi ra sau bếp thì bưng bô trê chạy vào góc vườn nhé. Khi nào che xong bô cá, thì hắng giọng cho người ta biết để về nhé. Cứ thế mà làm được không? Rồi hàng ngày Bống sẽ đem cơm ra cho trê ăn. Nhớ là phải đợi bu đi đâu rồi mới cho trê ăn không bu biết thì chết đấy.

 

Nghe tôi bày mưu tính kế thật chi tiết, Bống không còn tỏ ra lo âu gì nữa. Theo đó, kế hoạch của chúng tôi diễn ra như dự tính không có gì trục trặc cả. Bà Khang không hề hay biết rằng khi bà đang tập trung cao độ để vừa vặt khế, vừa tránh không chổng mông vào những quả khế khác thì phía bên kia bếp, Bống đang lúi húi ở góc vườn dọn chỗ nuôi đinh trê. Tôi nhìn bà Khang vặt khế thì ít mà căng thẳng đợi tin Bống thì nhiều. Nhưng cũng thật nhanh, mới loáng cái đã nghe thấy Bống hắng giọng. Tôi biết chắc là nhiệm vụ đã xong nên cầm mấy quả khế bà Khang vừa vặt cáo từ ra về không quên nói với lại:

- Chúng cháu đã thả con đinh trê xuống sông rồi. Bác không cần phải lo nữa.

Bà Khang ừ cho qua chuyện vì lúc này bà đang tập trung ngó nghiêng mấy quả khế thui đen ra vẻ nghi ngờ có đứa nào đã trèo lên cây khế và chổng mông vào chúng. Vừa đi được mấy bước thì bà Khang gọi giật lại, làm tôi hết cả hồn:

-Tung ơi! Thế con Bống nhà bác đâu rồi, sao không thấy nó về để nấu cơm nước gì sất?

-Để cháu đi ra nếu gặp, cháu sẽ bảo Bống về nấu cơm cho bác. - Tôi trả lời cứ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Ra đến sân, tôi đã thấy Bống đang rửa tay ở bể nước, rụt cổ nhìn tôi cười vẻ khoái chí vì vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi nháy Bống và suỵt nhẹ như ra hiệu cho Bống kín tiếng rồi gọi to để thông báo cho bà Khang:

- Bác Khang ơi. Bống về rồi này. Thôi cháu về nhé. Trên đường về nhà, tôi vui lắm vì vừa làm được một điều gì đó cho Bống. Tôi cầu mong cho con đinh trê hay ăn chóng lớn, mạnh khoẻ và sống lâu để Bống có thêm một người bạn nữa.

Hôm đó mọi việc diễn ra thật suôn sẻ khiến cả hai tràn ngập niềm vui, nhưng ngay ngày hôm sau thì thật là đen đủi. Mặt trời mới độ hơn gang tay, khi tôi đang chăn kiến trong sân bằng cái cọng rơm thì nghe tiếng sụt sịt của ai đó ngoài cổng. Thấy lạ, tôi chạy ra và bắt gặp Bống đang mếu máo nên buột miệng hỏi:

- Sao Bống lại khóc?

 

Tôi vừa dứt lời, Bống oà khóc tức tưởi. Hình như Bống có chuyện gì buồn mà từ nãy đến giờ đã cố kìm nén chỉ để lộ ra những cái mếu máo. Nhưng khi tôi hỏi vậy thì cảm xúc ấy dâng lên đột ngột vượt quá sức kìm nén, bật thành những tiếng khóc não nuột. Nước mắt Bống ứa ra chan hoà hai gò má nhem nhuốc chắc do sáng dậy chưa kịp rửa mặt, rồi chảy cả xuống cái miệng mới hôm qua còn thật xinh tươi nhưng giờ thì ngoác ra, méo mó, nom thương lắm. Đưa vạt áo lên lau nước mắt, nấc dồn lên mấy cái như lấy hơi, Bống mới nói được thành tiếng:

- Anh ơi. Con trê bị chết rồi. Nó chết thảm lắm.. hừ... hừ... hừ..

- Thế làm sao nó chết? - Tôi gặng hỏi nhưng Bống không nói thêm câu nào, cứ đứng đó mà khóc.

Bất quá, tôi định chui qua lổ hỗng ra ngoài để an ủi Bống nhưng sợ người đi đường nhìn thấy Bống khóc vậy thì không hay nên giục Bống chui vào trong vườn:

- Khổ lắm, chui mau vào đây không người ta nhìn thấy bây giờ!

-Tôi buộc phải quát lên như vậy để Bống chui vào. Nhìn thấy Bống cứ vừa khóc vừa lững thững từng

bước đi lại phía cái lỗ, tôi không thể kiên nhẫn hơn nên quát to hơn:

- Khẩn trương chui vào. Sao cứ lững thững vậy. Ai nhìn thấy thì chết.

Những lời quát của tôi xem ra chẳng có ý nghĩa gì. Bống vẫn cứ vừa sụt sịt gạt nước mắt, vừa chậm rãi lê bước tới cửa lỗ nhưng cũng chưa chịu chui vào ngay. Thấy thế tôi chịu hết nổi, hét lên:

- Chui vào đi. Còn đứng đó làm gì?

 

Thú thật, chưa bao giờ tôi quát Bống, vậy mà hôm nay tôi lại làm vậy. Có lẽ tôi đã quá mong Bống chui vào trong vườn để người đi đường không nhìn thấy Bống khóc nên mới mất bình tĩnh đến thế. Nhưng đối với Bống, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì so với số phận đen đủi của con đinh trê, mới hôm qua còn lộng lẫy là vậy mà nay đã qua đời trong côi quạnh. Tôi thấy ân hận vì đã quá nặng lời nên nhẹ nhàng an ủi:

- Em đừng buồn nữa. Vào đây kể người ta nghe. Em chui vào đi. Đừng đứng ở đó nữa.

Vừa nói, tôi vừa thò đầu qua lổ hổng gọi Bống chui xuống.

 

Rõ khổ! Mọi lần thì chỉ nằm ẹp xuống sát mặt đất, tót cái là Bống chui xong, nhưng hôm nay thì cứ khom khom nửa cúi, nửa ngồi nên trông bộ Bống cồng kềnh lắm. Không ổn rồi, có lẽ động tác chui thiếu quyết định ấy đã chọc tức cái cọng tre sắc như mũi dao ló ra từ thành trên lỗ hổng. Nó đột ngột móc vào cổ áo phía sau của Bống rồi kéo toạc xuống sát viền dưới đánh roạc một cái nghe như ông thợ may xé vải. Chiếc áo hồng chưa đầy hai ngày tuổi hôm qua đang còn dính nhớt cá trê chưa kịp được bà Khang đem đi giặt thì nay đã bị xẻ dọc đằng lưng, tách ra thành hai mảnh xoã xuống. Như một phản xạ tự nhiên, Bống bật dậy, quơ tay ra phía sau thì chỉ sờ thấy tấm lưng trần. Bống hốt hoảng kêu lên:

- Chết rồi anh ơi. Em bị rách áo rồi...

 

Tự nhiên Bống nín bặt, không khóc lóc gì nữa. Có lẽ sự cố xảy ra quá bất ngờ làm cô bé quên đi một cách vô thức nỗi đau mất mát con trê. Tôi chẳng biết phải xử lý ra sao ngoài việc bảo Bống quay lưng lại để tôi xem.

- Trời! Lưng Bống chảy máu rồi.

Tôi thốt lên khi thấy giữa sống lưng Bống là một vệt da bị lột sang một bên, để lộ một đường rộng như ngòi bút dài chừng nửa gang tay đang rướm máu. Vết xước kiểu này là đau lắm đây - Tôi nghĩ bụng. Nhưng nét mặt Bống vẫn trơ ra như không hề cảm thấy đau đớn. Nhớ lại bài thuốc cầm máu dân gian của bà nội, ngay tức khắc tôi víu một nõn chuối sát đó cho vào mồm nhai ngau ngáu rồi lấy ra cả bã lẫn nước đắp lên vết xước cho Bống. Cô bé nhăn mặt suýt xoa vì xót. Đắp xong vết thương, tôi mới chợt nhớ ra Bống là con gái nên bối rối và xấu hổ vô cùng vì lúc đó toàn bộ tấm lưng mịn màng nâu óng của Bống cùng vết xước rướm máu đã được lưu lại trong mắt tôi như một bức tranh sống. Hít một hơi thật dài tôi mới lấy đủ can đảm dùng dây chuối túm hai mảnh áo Bống lại cho đỡ loà xoà. Bống vẫn đứng ngây ra đó. Những tiếng nấc và sụt sịt giờ đã hết hẳn.

Buộc xong, tôi an ủi:

-Thôi, áo rách rồi. Về nhà bu khâu cho. Ngồi xuống đây kể cho người ta về con trê xem nào.

Vừa nghe đến từ con trê, Bống lại oà khóc. Khổ thế cơ chứ. Mãi mới nín lặng được tí thì giờ lại khóc vậy. Nước mắt của Bống làm tôi cảm thấy có lỗi với Bống. Tất cả là do tôi nói dối bà Khang nên mới ra nông nỗi này. Giá như tôi cứ nói thật với bà Khang hôm đó thì không khéo hai đứa chẳng phải khổ sở vì con trê, mà chiếc áo hồng của Bống cũng không bị rách thảm hại đến vậy. Tôi cứ mặc cho Bống khóc. Tôi hiểu, khóc như vậy sẽ vơi đi nỗi buồn vì chính tôi ngày xưa cũng đã khóc rất nhiều khi bố bán con vịt át chủ bài, người bạn thân nhất của tôi nơi đồng quê xa vắng.

Trong những tiếng nấc và sụt sịt, Bống bắt đầu kể về sự thê thảm của con trê:

- Anh ơi. Nó chết thảm lắm. Sáng nay em đem cơm ra cho nó ăn thì... anh ơi... anh ơi... Nó không còn trong bồ nữa... Em chỉ nhìn thấy... em sợ lắm...

- Em nhìn thấy cái gì? Sợ gì? Nói người ta xem nào? Tôi hỏi dồn dập.

- Hu... hu... hà... hà... - Bống cứ khóc hu hu vậy mãi mới lên tiếng được:

- Em nhìn thấy... Nó toàn đầu lâu với xương thôi... A... à...à...à... Nom sợ lắm anh ơi.

Vừa khóc Bống vừa gục đầu vào hai đầu gối không dám ngẩng mặt lên nữa. Đến lúc này thì tôi đã hiểu được đầu đuôi sự việc. Vậy là đêm qua con mèo nhà bà Mao, vốn có tiếng là đói khát, đi bắt chuột vô tình gặp được cái bô nên bắt trê ăn luôn. Người ta vẫn thường nói chuột là món ăn tầm thường, còn cá trê mới thực sự là món khoái khẩu của lũ mèo. Thế thì làm sao con mèo đói ăn đến rạc cả người nhà bà Mao kia lại bỏ qua con trê cơ chứ. Hôm qua tôi vô ý không tính đến tình huống này nên hôm nay mới để Bống đau khổ vậy. Tôi thật sự có lỗi với Bống. Hết chuyện không may cá trê bị chết, giờ lại bị rách chiếc áo mới nữa. Chắc không thể thoát bị ăn đòn rồi. Nghĩ mà não lòng. Thật khó tìm ra cách giúp Bống khỏi bị đòn. Trong khi đó, Bống cứ một mực đòi tôi phải nghĩ cách chôn cất cho con trê chứ không nói gì đến chuyện về nhà bị bu đánh cả. Bống đúng là con gái. Tôi một mực nghĩ cách giúp Bống không bị đòn thì Bống lại chỉ lo làm sao chôn cất chu toàn cho con trê.

 

Đành phải chiều theo ý Bống, tôi dùng dao khoanh một đoạn thân chuối hột, tỉa ra một bẹ gấp thành hình hộp làm ván cho trê. Còn Bống đi bẻ mấy cành tre khô để đóng ván. Hai đứa còn đi nhặt một ít sợi rơm vàng và những chiếc lông đuôi gà óng mượt để làm đệm nằm cho trê. Sau đó cả hai chui ngược trở ra đường cái, chạy một mạch đến gốc dong trong vườn nhà Bống nơi một đống xương tàn mang dáng dấp của con trê xấu số vẫn còn trơ ra đó. Thật may hôm đó bà Khang đi chợ, còn bố Bống thì đi họp tổ nên hai đứa tha hồ đào huyệt cho trê bằng hai con dao cùn mà bu Bống thường dùng để lẩy gốc cà chua giống trong vườn. Chỗ đào huyệt mà chúng tôi chọn nằm ngay dưới gốc dong nên đất khá xốp và mềm. Chẳng mấy chốc một cái huyệt khá tươm tất cho con đinh trê được đào xong. Sau đó, chúng tôi nhẹ nhàng đặt xương trê ngay ngắn trong lòng hộp chuối đã được lót sẵn lớp đệm

rơm và lông gà, lại còn lấy hoa râm bụt đỏ tươi kê đầu kê đuôi cho trê làm như là vòng hoa vậy. Sau đó mỗi đứa một đầu khiêng quan tài hạ xuống huyệt. Lẽ ra thì đã lấp đất nhưng như sực nhớ ra điều gì, Bống thốt lên:

- Ô chết. Em quên mất. Mình phải để đầu trê ngóc lên trên cho nó dễ bay lên thiên đàng. Để nằm ngang thế này thì không bay được.

 

Lại một lần nữa tôi phải chiều theo ý Bống. Vừa ngắm kích cỡ của cái ván, tôi vừa hì hục đào sâu xuống thêm một đoạn nữa để có thể dựng được chiếc ván xuống theo ý của Bống. Đang đào thì con dao chạm phải một đám củ dong đỏ tía to như những củ khoai lang dính liền vào nhau thành chùm. Chúng tôi bàn nhau cắt những củ dong đó ra thành những miếng tròn mỏng dính cho vào hộp ván làm thức ăn cho trê dưới suối vàng. Sau đó mới lại đến màn hạ huyệt. Lần này chính tay tôi hạ ván xuống cái hố vừa đào, còn Bống thì gõ hai sống dao vào nhau nghe canh cách, chát chúa tiễn đưa đinh trê về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lo xong việc cho trê thì cũng đã đến giờ phải đi rút rạ nấu cơm nên tôi từ biệt Bống về nhà. Thật không may, khi tôi vừa chui qua lỗ hổng vào trong vườn thì gặp mẹ đang loay hoay như đang tìm kiếm cái gì. Tôi sợ quá nhưng không kịp rút đầu quay lại vì mẹ đã nhìn thấy tôi và hỏi:

- Con đi chơi đâu giờ mới về?

Chưa đợi tôi kịp trả lời, mẹ tiến lại chỗ lỗ hổng và quát hỏi:

- Đứa nào phá dậu thế này?

Biết không thể giấu mẹ được nữa, tôi đành thú nhận:

- Dạ... dạ... con phá ạ.

Vừa ấp úng trả lời, tôi vừa lấm lét nhíu nhíu đôi mắt và co tay lên ôm mặt phòng trường hợp mẹ tôi cho một cái tát. Thường thì trong trường hợp này, tôi đã bị ăn cái bạt tai cực mạnh. Nhưng hôm nay mẹ lại không làm vậy, đơn giản vì mẹ nghĩ tôi vẫn còn ốm, đoạn mẹ trách móc tôi:

- Con hư hết chỗ nói rồi. Hôm nay mà không phải con vừa ốm dậy thì no đòn. Ai lại đi phá dậu bỏ đi chơi bao giờ. Nếu con gà trống nhà mình không bị cột chân thì nó bỏ đi theo mái rồi. Bố mà biết thì mẹ hết can.

Mặc dù không bị mẹ tát nhưng tôi cũng hết vía vì vẫn cứ nơm nớp là nếu mẹ biết được hết chuyện từ mấy ngày nay thì hậu quả không biết sẽ đi đến đâu. Mẹ cứ đi đi lại lại tìm kiếm cái gì khắp vườn mà vẫn không được nên

đành phải hỏi tôi:

- Con có biết cái bô tưới rau của mẹ ở góc vườn đâu không?

Tôi tái mặt vì đã lâu mẹ không dùng cái bô ấy, mà bây giờ lại hỏi đến nó. Rõ là biết cái bô đang ở trong vườn nhà Bống nhưng tôi nhất định không nói, vì làm như vậy khác nào nói cho mẹ về vụ trốn nhà đi bắt trê cùng Bống. Nếu thế thì chỉ có nhừ đòn. Tôi đành trả lời mẹ là không biết, hy vọng câu chuyện sẽ qua đi.

Chắc hôm đó mẹ rất cần cái bô để tưới rau trên cống Quán Tính nên phải sang nhà bà hàng xóm mượn một cái gáo tưới rau mang đi thay thế. Ai dè vừa cất giọng hỏi mượn một tiếng thì bà hàng xóm liến thoắng khoe với mẹ tôi như để báo công với bà chị đồng hao:

- Lúc sáng hôm qua, em còn nhìn thấy thằng Tung nhà chị và con bé Bống nhà chị Khang cầm cái bô tưới rau đi đâu cơ mà.

-Thôi chết. Thằng này bỏ nhà đi chơi với con Bống à. Thế hoá ra mấy hôm nay nó đều đi chơi vậy à. Nó đi làm gì với con bé ấy cơ chứ? Thằng này mất dạy thật rồi. Về đây, tôi phải đánh cho róc xác ra mới được. Không ốm đau gì cả. Ốm cũng không thể tha được. Tha rồi hỏng. Rồi sau này đi gắp cứt trâu, rồi nhặt lá bánh mà ăn. - Mẹ tôi vừa đi vừa chửi vậy cho hả cơn giận.

 

Những lời mẹ mắng chửi cứ rõ mồn một, chẳng rơi vãi đi đâu từ nào. Lần này thì ăn đòn là cái chắc. Thật tức với bà hàng xóm. Đúng là mỏng môi hay hớt, có cái gì là cũng hếch cái môi lên khoe với mẹ tôi. Bình thường những chuyện nhỏ nhặt như chửi bậy, hay nhảy đống gạch thì mẹ tôi chỉ răn đe vài câu, chứ lần này lại là tội nói dối thì mẹ sẽ đánh không tiếc tay. Bố mẹ tôi vẫn bảo là “thiết quân luật” mà lại. Quả đúng vậy. Vừa mở cổng, mẹ đã hét lên:

                        

-Tung! Mau nằm sấp ra đây. Tội nói dối này thì không thể tha.

Đã thành lệ, khi nghe điệp khúc “Tung! Nằm sấp ra đây” thì tôi chỉ còn cách ngoan ngoãn kéo quần xuống tận đầu gối nằm sấp xuống sân, nhắm mắt nghiến răng chờ những chiếc roi của mẹ giáng xuống cái mông non nớt. Mẹ thường đánh tôi bằng cái roi tre dài và nhỏ luôn để ở góc nhà, nhưng hôm nay chắc mẹ quá giận nên tiện cái cán gáo tưới rau quất xuống mông tôi túi bụi. Vừa đánh, mẹ vừa bắt tôi đọc theo những lời mẹ dạy:

- Tung kia? - Mẹ hỏi.

- Dạ.

- Có biết bị đánh vì tội gì không?

- Có ạ.

- Tội gì?

- Dạ tội dối mẹ bỏ nhà đi chơi ạ?

- Tội gì nữa?

- Dạ! Còn tội phá dậu nữa ạ.

- Thế mấy roi thì đủ?

- Dạ nhiều roi ạ. - Tôi nhắm mắt nhắm mũi trả lời như vậy vì biết thừa rằng nếu mẹ đánh về tội nói dối thì sẽ đánh đến chán tay rồi cho tôi nợ lại lần sau chứ không bao giờ gọi là đủ số roi cho tội nói dối được.

Cứ sau mỗi lần hỏi và trả lời là mông tôi lại nhận thêm một roi đau điếng. Tôi khóc lóc thảm thiết, van xin mẹ hết lời:

- Con xin mẹ. Từ nay con chừa rồi. Con không bao giờ nói dối mẹ nữa.

Có lúc, do đau quá tôi định cho tay lên xoa vào chỗ mông bị đánh thì mẹ lại quát:

- Bỏ tay ra. Không được cho tay lại đằng sau. Thích gẫy tay hả.

Tôi đành lại phải ngoan ngoãn khoanh tay trước đầu chịu đòn. Mỗi cán gáo vụt xuống là mông tôi lại cong lên, quằn lại sang hai bên. Gối co lên, lưng ưỡn ra, đầu ngẩng cao để cố gắng ghìm lại cơn đau. Chỉ có hai tay là không được động đậy vì đó là nguyên tắc chịu đòn mà bố mẹ tôi bắt tôi và các em tôi phải tuân thủ. Bao nhiêu roi đã xuống mông tôi cũng không nhớ nữa vì đầu óc tôi lúc đó chỉ mong sao đến lúc mẹ nói “Thôi, cho nợ đến lần sau”. Câu đó báo hiệu là mẹ ngừng không đánh nữa. Lần ấy, đợi đến lúc mẹ nói được câu đó thì mông tôi đã đỏ ửng những vết hằn đỏ tía to hơn cả cán gáo, nom như những con lươn đồng ngoằn nghèo (Vì vậy mà người dân quê tôi gọi vết hằn do roi đánh là lươn). Ngừng tay đánh, mẹ gác gáo vào thành bể và còn dặn thêm:

- Nhớ từ nay đừng nói dối mẹ. Hôm nay là mẹ còn đánh ít. Nếu mà là bố mày thì còn nhừ đòn.

 

Tôi vẫn hiểu mẹ rất thương tôi nhưng mẹ không bao giờ tha thứ cho tội nói dối. Nhớ lại hồi học vỡ lòng, tôi theo bạn bỏ học một buổi đi đánh đáo nhưng lại nói dối mẹ là được cô giáo cho nghỉ học. Về nhà, mẹ biết là tôi nói dối nên lấy cái đòn gánh vừa đi chợ về rượt đánh tôi không tiếc tay. Bữa đó bị đánh đau, tôi nhớ đời, không bao giờ có thể quên được. Và cũng từ đó, tôi không dám bỏ học trừ khi bị ốm không thể đến trường. Hôm nay mẹ lại biết được tôi nói dối nên không thể không đánh tôi vì mẹ muốn tôi nên người. Bố mẹ tôi vẫn dạy “Sống là phải trung thực. Nói dối là tội nặng nhất nên không thể tha thứ được”. Thực ra tôi vẫn ý thức được việc nói dối mẹ là sai trái nhưng tôi rất thương Bống nên cố làm tất cả những gì có thể để Bống được vui. Nhưng giá như hôm ấy, mẹ hãy hỏi tôi thật ngọn ngành về tình cảm của tôi với Bống và tìm hiểu kỹ sự thể thì chắc mẹ sẽ hiểu tôi hơn và không đánh tôi đau đến vậy.

 

Đang tự an ủi mình thì từ phía nhà bà Khang, tôi nghe tiếng khóc thảm khốc của Bống. Chắc Bống lại bị bu đánh vì tội làm rách áo. Thật tội nghiệp cho Bống, suốt ngày bị đòn như vậy. Mà bà Khang đã đánh thì còn đau hơn mẹ tôi nhiều. Bà ấy được dân làng gọi là hắc xì dầu và đành hanh vào loại số một của làng, đối lập hẳn với tính cách hiền thục, duyên dáng của Bống. Mấy lần tôi được chứng kiến bà ấy đánh Bống mà phát sợ. Bà Khang không bao giờ bắt Bống nằm sấp mà túm tóc Bống day như chó day áo thằng ăn mày. Chả trách tóc Bống không bao giờ đen

mượt được mà cứ mỗi ngày một đỏ quạch. Giờ nghe tiếng Bống khóc, tôi lại hình dung ra lúc bà Khang túm tóc Bống đay nghiến. Đó là chưa kể thỉnh thoảng bà Khang còn dùng tay tát lia lịa vào mặt Bống, thậm chí còn lấy chân đạp lên Bống nữa. Tôi thấy xót xa cho Bống còn hơn là nỗi đau cho chính mình. Tôi muốn chạy sang nhà Bống, chẳng phải là để lao vào can bà Khang, cũng chẳng phải là để chịu đòn thay cho Bống, nhưng ít ra việc tôi có mặt cũng giúp Bống có nghị lực hơn để có thể chịu đựng cơn tam bành của người mẹ khắc nghiệt.

 

Rồi giông tố cũng qua đi. Tôi không còn nghe tiếng khóc của Bống nữa. Nhưng cái mông đau nhói của tôi lại buộc tôi phải nghĩ đến cảnh đầu Bống đang nhức nhối vì mái tóc kia vừa bị người mẹ tóm giựt, day rứt. Nếu lại bị thêm vài cái bạt tai hay mấy cái đá nữa thì làm sao Bống chịu nổi. Bố mẹ tôi mặc dù đánh tôi rất đau nhưng cũng chỉ có một lần duy nhất là dùng đòn gánh đánh tôi theo kiểu rượt đuổi. Sau lần đó bố mẹ thống nhất là không đánh tôi và các em tôi kiểu đó nữa vì sợ đánh vào “chỗ phạm”. Lần đó vô tình tôi nghe trộm được câu nói của bố nói với mẹ rằng:

- Em có giận con thì nên bắt nó nằm sấp hoặc úp mặt vào tường rồi dùng roi mềm đánh vào mông nó, chứ đừng đánh vào những chỗ khác nhỡ lại vào chỗ phạm thì lại nuôi báo cô.

Qua câu nói đó tôi mới hiểu được bố mẹ yêu thương tôi như thế nào. Bất lắm, bố mẹ mới phải đánh tôi, nhưng ngay cả khi đánh, cũng chọn mông tôi, chỗ mà bố mẹ tôi cho là an toàn, để đánh. Có mỗi điều đơn giản thế mà bà Khang cũng không hiểu. Ước gì tôi đủ lớn để nói với bà Khang về câu nói của bố tôi cho bà ấy sáng mắt ra, chứ nếu có mệnh hệ gì thì Bống lại khổ cả đời.

 

Sau trận đòn thập tử nhất sinh, mẹ tôi rào lỗ hổng ở dậu tre lại. Cả hai đều bị đánh đau nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn không hề thuyên giảm. Sáng nào Bống cũng đem khế sang cho tôi như thường lệ, chỉ có điều là phải đứng ở cánh cổng để cùng ăn khế với tôi chứ không thể vào trong vườn được nữa. Ăn xong khế, Bống lại về nhà. Cứ thế rồi tuần lễ dài dằng dặc ấy cũng qua đi để tôi được bắt đầu một quãng đời thật đẹp với cuộc chinh phục cá trê trên những cánh đồng mênh mông. Lúc này những vết thương của tôi đã co miệng nên rất nông, màu trắng nhợt với những hạt thịt đo đỏ lổn nhổn nhưng hơi ngưa ngứa. Mẹ tôi bảo như vậy là vết thương đang ăn da non, có bị bẩn thì cũng không bao giờ bị nhiễm trùng lại nữa.

Chương : 1    2    3    4   5    6    7    8    9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1996
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả