Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
829
123.239.516
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 6

6

KHẮC TINH CỦA BA BA

 

Ở quê tôi đã thành thông lệ, hễ ai làm được cái gì béo bở một tí là người ta ào ào làm theo, cứ như không làm là bị thiệt thòi lắm. Thấy tôi và Bống bắt được hang trê, cả làng nhao lên đi tìm cứ như đi tìm kho báu ấy. Phong trào tìm hang trê đưa chân chúng tôi đi đến hầu như tất cả những con mương, con máng trên cánh đồng, thậm chí cả những bờ sông mà vẫn chẳng thấy tăm hơi của chiếc hang trê nào. Chỉ còn lại bờ đầm (nơi tôi từng suýt bị chết đuối) là chúng tôi chưa tới. Đầm này có tiếng là thiên đàng của lũ trê đồng vì là nơi trũng nhất lại có nhiều bùn ung rất hợp với sở thích ăn chìm của cá trê. Hàng năm hợp tác xã tát đầm bắt lên có đến cả vài tạ trê. Nghĩ vậy tôi hào hứng bàn với Bống:

- Hay chúng ta ra đầm chiều đi. Còn mỗi nơi đó chưa ra. Ở đó lắm cá trê lắm.

- Không. Không được đâu anh ơi. Hôm nọ anh gần chết đuối mà. Em sợ lắm. Em không đi đâu. - Bống hoảng hồn gạt phắt.

- Em đừng sợ. Nhưng đó là đi choạc giậm. Lần này đi bắt hang trê trên cạn cơ mà. Không có nước chảy đâu mà sợ. Bây giờ mình không ra, lỡ người ta đến trước bắt hết thì phí.

Nghe tôi dụ dỗ, Bống có vẻ nghe ra và miễn cưỡng gật đầu. Hai đứa cứ thẳng phía đầm chiều mà chạy. Nhưng ra đến nơi tôi mới vỡ lẽ là bờ chiều không dựng thật đứng như bờ mương mà lại thoai thoải, rất khó có thể có hang trê. Mặc dù vậy, hai đứa vẫn cứ tiếp tục lắng nghe hy vọng lại tìm được một điều bất ngờ.

 

Hôm nay nước đầm đã rút nhiều tạo cơ hội cho những đám cỏ năn lá tròn nhọn xanh thẫm thi nhau đâm ra tua tủa như rải chông. Thỉnh thoảng có đám đất bồi nhưng vẫn ngập nước để cỏ dại có chỗ mà mọc um tùm. Những chỗ đó nếu lội xuống cũng chỉ sâu đến ngang đầu gối tôi là cùng. Giờ không còn những cột nước chảy xiết như sau những đợt mưa rào nên đầm nom rất đỗi hiền hoà. Nước đầm xanh biếc tĩnh lặng nhưng nếu để ý có thể thấy ẩn chứa trong đó cả một thế giới kỳ diệu. Những con gọng vó đen ngòm gầy guộc, trông như lũ tò vò đói ăn, chốc chốc lại sải dài những cái chân mảnh dẻ khúc khuỷu rượt đuổi trên mặt nước khiến lũ cá đang bơi phía dưới tưởng bở lao lên đớp mồi pùm pụp, tạo ra những  vòng nước gợn sóng lăn tăn nhưng không làm mất đi vẻ trầm mặc của cái đầm đã nhiều năm tuổi. Hình như cuộc sống trôi nổi trên mặt nước đã cho gọng vó một phản xạ cực nhanh để thoát khỏi miệng lưỡi lũ cá luôn luôn rình rập. Khó mà nhìn thấy được con gọng vó nào bị cá đớp chết.

 

Nếu như nói gọng vó hoành hành trên mặt nước thì trên không lại là trận địa của chuồn chuồn. Chúng kiêu hãnh chao liệng vèo vèo ngay trên đầu bọn gọng vó như để trêu ngươi. Thỉnh thoảng có con chuồn ngẫu hứng lao tít lên cao rồi bất ngờ lao thẳng xuống sát mặt nước với tốc độ chóng mặt để lộn một vòng ngoạn mục chấm đuôi xuống nước mấy cái như một chiếc máy bay phản lực đánh bom cứ điểm quân sự. Sau này tôi mới biết chuồn chuồn chấm đuôi xuống nước như vậy là để đẻ trứng. Mỗi lúc vậy, bọn gọng vó sợ hết vía, bỏ chạy tán loạn. Tiếc là gọng vó tuy nhanh nhẹn là thế mà chẳng có mánh khoé gì để doạ lại bọn chuồn chuồn. Trận chiến thật không cân sức. Có thể so sánh nôm na bọn chuồn chuồn là những chiếc máy bay, gọng vó là những con tàu nổi, còn những con cá rằn rằn, sọi cờ và rô don đang bơi lội tung tăng, lúc lúc lại húc vào các gốc năn là những chú thợ lặn...

 

Cuộc tập trận không nước kiểu như thế cứ theo chân chúng tôi trong suốt cuộc viễn chinh tìm kiếm hang trê trên bờ đầm.

 

Đã đi gần hết một dải đầm mà hai đứa vẫn không thấy gì đặc biệt nên nhìn nhau ngao ngán rồi nhặt đất vụn lạng xuống mặt đầm cho chúng nhảy thành chuỗi giống kiểu chão chàng vượt sông. Trong lúc hai đứa thi nhau xem ai

 

lạng xa hơn thì một điều bất ngờ xảy ra. Không biết có phải là do những tiếng đất chạy trên mặt nước hay không mà tự nhiên một đám hạt bong bóng nhỏ xíu to hơn đầu tăm một chút sủi lên ào ào làm cả hai dừng lại quan sát. Đám bong bóng có hình bầu dục, to như cái rế đựng nồi côn dụng. Tôi nghĩ, hay là cá trê nó rúc bùn. Nhưng không phải, nếu cá trê mà rúc bùn thì bóng nước phải to và nổi thành cột chứ lại không nổi thành chùm như vậy. Cố lục lại trí nhớ, tôi mơ hồ có lần ai đó đã nói về hình ảnh này rồi. Đúng rồi đó là ông Đan, người chuyên bắt rắn trong làng. Một lần ông đến nhà tôi xin điếu thuốc lào đã nói chuyện về cách bắt rắn, bắt ếch và bắt ba ba. Ông có nói là khi ba ba chũi bùn sẽ tạo ra đám bọt nhỏ tí hình con ba ba. Nếu thấy tăm ba ba, lội xuống mò thì chắc chắn là bắt được. Không cần nghĩ tiếp, tôi reo lên trong khi trống ngực đang đập thình thịch:

-Bống ơi. Đó là tăm ba ba. Đó là tăm ba ba. Bống ơi. Tăm ba ba đấy. Hôm nay chúng mình lại bắt được ba ba rồi.

Nghe tôi nói đến ba ba, Bống cũng thích vô cùng nên vội hỏi lại:

-Thật là ba ba hả anh? Vậy thì em thích quá. Vậy anh xuống bắt ba ba đi.

Rồi Bống vanh vách kể về những con ba ba con tí nhưng xinh xắn mà Bống bắt được lúc đi xúc bèo tây. Hiện ở nhà, Bống vẫn còn hai con ba ba bé tí nữa.

 

Được Bống khích lệ, tôi càng thêm phấn khích quyết tâm lội xuống đầm bắt ba ba. Nhớ lại vụ chết hụt hôm nọ, tôi hơi thận trọng nên vừa lội xuống đầm, vừa chống thuổng để thăm dò độ sâu. May thay, mực nước chỉ cao quá đầu gối tôi một chút. Chỉ dăm bước chân, tôi đã đến chỗ tăm vẫn đang rào rào sủi lên có hình hệt một con ba ba đang rúc bùn. Tôi lặng lẽ cắm thuổng xuống cạnh chân và rờ tay vào giữa đám tăm. “Ba ba thật rồi!” - Tôi reo lên khi chạm tay vào cái mu thật cứng đang lạng lách xuống bùn. Thấy động, con ba ba thu cổ và chân vào trong mai bất động. Không kịp ước lượng xem con ba ba to đến cỡ nào, tôi nắm chặt hai mép mai nó rồi kéo nó lên mặt nước như bác nông dân đang khuân một sảo bùn. Đó là một con ba ba xám đất, to như một chiếc sảo đựng mạ, nặng chừng bốn cân.

 

Tôi đã kéo con ba ba đến sát mép đầm, rồi lên trên bờ mà đầu và chân nó vẫn chúi trong mai, không động đậy gì. Thấy vậy, hai đứa chụm lại, dằn ngửa nó ra, cố lấy tay cù vào đít và đuôi mong sao nó thò đầu ra để nghịch một tí cho vui, nhưng nó chỉ huơ hai chân sau một cách yếu ớt. Bụng nó trắng hồng như ruột quả dưa hấu non có điểm một vài đốm đen nhạt ngoằn nghèo như hình bản đồ. Toàn thân nó toát ra mùi hoi hoi gây gây, sau này tôi mới biết đó là mùi đặc trưng của giống ba ba đồng mà ba ba được nuôi nhân tạo không thể có được (Theo kinh nghiệm của tôi, ba ba có mùi càng hoi thì thịt lại càng thơm). Bống chỉ dám cầm gọng cỏ gừng chọc ngoáy vào những chỗ mềm mềm dưới bụng nó chứ không dám động tay lên con ba ba kếch sù.

 

“Con ba ba thật ngoan cố nhưng kiểu gì cũng phải làm cho nó thò đầu ra thì mới trói cổ nó mà đem về được. Chứ nó nặng thế này không kéo cổ thì chẳng có cách nào mà bê nó về.” Tôi phân trần với Bống như vậy rồi đi ra phía xa hy vọng tìm thấy một sợi giây chuối ai đó bỏ sót để trói cổ con ba ba khi nó thò đầu ra. Trong khi đó, Bống một mình với một cây cỏ gừng cứ rứ rứ vào mồm ba ba. Thật không may cho Bống, nghịch mãi không sao nhưng vừa rứ đến cái thứ ba thì con vật giả khờ kia bất ngờ phóng đầu há miệng ngậm chặt ngón trỏ của Bống. Bống mê man giằng tay ra và khóc thét. Nhưng càng giằng tay thì con ba ba càng giữ chặt và rút đầu vào trong mai. Tôi chột dạ quay lại lao vào cầm lấy con ba ba, định bụng cầm cả thế giật mạnh cho mồm nó tuột ra khỏi tay Bống.

 

Nhưng khi tận mắt nhìn thấy cái mồm to như gọng kìm bẻ sắt của nó ngoạm gần hết hai đốt tay Bống thì tôi thực sự sợ hãi, đành kêu cứu ầm ĩ cả cánh đồng:

-Các bác ơi. Lại đây cứu người. Bạn cháu bị ba ba nuốt mất tay rồi.

Bống bị đau và choáng nên mặt tái mét, lúc này khóc đã không thành tiếng. Một bác đi chăn trâu trên đồng nghe thấy liền chạy lại rồi ra sức lấy tay banh miệng ba ba nhưng đều vô ích. Bác ấy động quá mạnh nên ba ba thụt hẳn vào trong mai, kéo theo cả hai đốt tay của Bống.

Tình hình đã rất nguy kịch. Tôi chỉ sợ ba ba cắn mạnh một cái thì Bống mất tay. Nhưng bác nông dân chắc cũng biết ít nhiều về ba ba nên an ủi hai đứa:

-Đừng sợ, bây giờ cháu phải giữ nguyên tay và đừng làm ba ba nổi giận. Giống này nó chỉ ngậm thôi chứ nó không cắn. Đừng động đậy gì thì nó sẽ không cắn.

 

Bống ngoan ngoãn nghe theo, khư khư giơ tay như vậy trong khi con súc sinh ấy vẫn nằm phưỡn bụng ra đấy. Bác nông dân nhìn quanh như cố tìm thêm một người nữa để tiếp ứng nhưng chẳng có ai quanh đó để mà nhờ. Bác đành phải từ từ nâng con ba ba trên hai bàn tay đen xạm và bảo Bống đi theo. Tôi chẳng kịp lội xuống đầm lấy cái thuổng vẫn còn cắm chổng chơ dưới đó, mà lo lắng đi theo hai người. Bống vừa chạy theo bác nông dân vừa sụt sịt mếu máo. Còn tôi thì vừa đi vừa nghĩ xem liệu người ta sẽ làm gì để lấy tay Bống ra. Chưa tìm được câu trả lời, tôi đành hỏi bác:

- Thế làm sao mà lấy tay Bống ra được ạ?

- Cái thằng này. Chuyện người lớn. Mày biết gì mà hỏi. - Bác nông dân cau có trả lời.

Tôi đành im lặng và nhớ lại có lần trong lúc làm thịt ba ba, mẹ tôi nói:

-Sau này, nếu bắt được ba ba, con đừng có bao giờ để nó cắn vào tay. Chẳng may mà để nó cắn thì phải đợi đến khi trời có sấm thì nó với nhả ra. Ba ba là giống rất sợ sấm.

Nghĩ đến đó tôi chỉ mong trời tự nhiên nổi giông, sấm chớp ầm ầm để con ba ba nhả mồm ra. Nhưng lấy đâu ra sấm vào hôm trời cao thế này. Tôi đành ngậm ngùi chạy theo bác nông dân. Ba người cứ rảo bước như thế chừng mười phút thì tới cống đầu làng. Khi chuẩn bị rẽ vào bệnh xá, chúng tôi gặp một bác đang câu trê ở đó. Thấy lạ, bác này đứng bật dậy hỏi:

-Có chuyện gì mà nháo nhác vậy?

Vừa hỏi, bác vừa tiến lại và thấy tay Bống đang trong miệng ba ba thì thất kinh mà hỏi:

- Thế ông định bế nó đi đâu mà lại vào đây?

- Tôi định cho nó vào bệnh xá để người ta mổ đầu con ba ba lấy tay nó ra - bác nông dân trả lời.

- Ông định cho nó mất tay hay sao mà lại đem vào đấy. Bế ngay vào nhà tôi để tôi dùng mẹo lấy tay nó ra.

Bác câu cá nói một cách dứt khoát, mặt cau lại vẻ không đồng tình với việc bế Bống vào bệnh xá.

Bác nông dân vô cùng ngạc nhiên nhưng thấy bác câu cá nói vậy thì đành bế Bống đi theo. Đến cổng, bác câu cá hô to:

-Bà nó đâu. Cứu người. Có đứa bé bị ba ba ngậm tay.

 

Bác gái nghe từ ba ba ngậm tay lập tức chạy xuống bếp thu dọn mấy thứ đồ đang bày biện trên chiếc cối xay, đoạn giục bác nông dân dẫn Bống tới đặt cả con ba ba vào trong lòng cối xay rồi quay tròn chiếc cối trong khi Bống phải chạy vòng theo nhịp cối xay quay. Tiếng cối xay ù ù như gió, rung động cả nền đất làm con ba ba vội vã thò cổ, há miệng nhả ngón tay Bống, rồi ra sức cào chân vào thành cối ken két cố trốn thoát khỏi chiếc cối xay. Nhìn thấy ngón tay tím bầm của mình, Bống há hốc mồm kinh ngạc quay mặt đi chỗ khác. Trong khi đó bác câu cá, chắc rất có kinh nghiệm trong việc này, ấn ấn vào đầu ngón tay Bống và hỏi có đau không. Bống nhắm mắt nhắm mũi, khẽ gật đầu rồi theo bác ra sân ngâm tay vào chậu nước muối ấm đã được bác gái pha sẵn từ hồi nãy. Một lúc sau ngón tay

Bống hồng dần trở lại nhưng vẫn còn hằn vết ngậm của con ba ba. Chữa mẹo đã xong. Bác câu cá còn giúp chúng tôi buộc cổ con ba ba lại và đưa tôi xách về nhà. Bác nông dân đi cùng thở phào nhẹ nhõm, còn Bống thì đã bắt đầu hết sợ nên dí sát ngón tay bị ngậm lên mắt để nhìn ngó.

 

Tối đó bố mẹ tôi mời cả nhà bà Khang sang thưởng thức bữa ba ba nấu chuối xanh và đậu phụ ngon tuyệt tác nhưng không quên bảo tôi bưng một cạp lồng đầy sang tạ ơn bác câu cá. Trong bữa ăn, ai cũng sì sụp chan húp, thỉnh thoảng lại dương mặt lên, giàn giụa nước mắt nước mũi thở hổn hển: -Hà ơi hà... hà ơi hà... vì ớt trong canh cay quá. Chỉ có Bống là không động đũa tí nào vào món ba ba mà trầm lặng, chỉ thỉnh thoảng gắp miếng cá trê kho được mẹ tôi rang từ mấy bữa nọ. Chắc cô bé vẫn còn hoảng sợ khi tưởng tượng ra cái mồm con ba ba ngậm tay hồi trưa.

 

Chương : 1    2    3    4    5    6   7    8    9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1679
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả