Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
850
123.239.690
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 7

7

XOẮN CHẠCH, BẮT TRÊ ĐẰM

 

Câu chuyện về con đinh trê, cuộc gặp gỡ định mệnh với ông ngọng, chuyện cái hang trê khổng lồ và sự kiện con ba ba làm mùa mưa năm ấy trôi đi thật ý nghĩa với hai chúng tôi. Nhưng những kỷ niệm buồn vui vẫn không dừng ở đó mà lặng lẽ diễn ra theo năm tháng. Rồi mùa khô tới mang theo một cảm giác vừa lạnh vừa khô hanh làm nứt nẻ da dẻ con người, làm những dòng sông trước kia đỏ ngầu phù sa và chảy siết, cuồn cuộn là vậy giờ ngả màu xanh lơ cứ lừ lừ trôi theo một hướng như mang một vẻ gì đó thật buồn. Các con mương, con máng giờ đã rất cạn, những chất vẩn đục trong nước khi xưa giờ lắng dần làm ta không cần tập trung mà vẫn nhìn thấy đáy. Để ý hơn, ta có thể nhìn thấy những vết chân trâu, chân người, những hòn gạch hòn đá ai đó vô ý vứt xuống, thậm chí còn nhìn thấy những lỗ đen ngòm nhỏ như đầu ngón tay, rải rác như những lỗ dế dưới đáy mương. Đó là những lỗ chạch. Chúng chui xuống bùn mà không thể che đi dấu vết của mình. Đan cùng với những lỗ chạch ngổn ngang, thi thoảng lại có những đám lờ lờ màu khói thuốc, chỉ hơi đục hơn nước bình thường một chút. Đó là những chỗ cá trê đằm. Vào mùa khô lạnh, trê tìm chỗ trú ẩn. Có thể do tạo hoá từ nhiều kiếp, chúng rất ít khi chui vào những lỗ quanh bờ vì sợ khi nước rút sẽ chết khô mà thường chúi vào những hốc chân người hoặc chân trâu dưới lòng mương lòng máng, làm những chỗ đó vẩn đục. Đối với tôi, những hình ảnh tinh tế ấy làm cho mùa khô trở nên hấp dẫn, trái ngược với cảm giác thông thường của người dân quê tôi cho đó là một mùa cằn cỗi, mùa của những đợt gió mùa đông bắc buốt cóng.

 

Mùa khô năm ấy đánh dấu một sự đổi thay của Bống về cách bắt trê ngủ vùi và nghệ thuật xoắn chạch. Không ai khác mà chính tôi là người dạy cho Bống đến mức thuần thục. Như thường lệ, Bống xách giỏ theo tôi bắt cá. Cứ con mương nào có nước là chúng tôi lại đến. Tôi lội dọc lòng mương kéo theo cái rổ mau, còn Bống đi trên bờ xách giỏ. Xoắn được chạch thì tôi cho vào rổ, còn bắt được cá thì tôi vứt lên bờ cho Bống bỏ vào giỏ. Lỗ chạch vào đầu mùa khô thì nhiều vô kể nên tôi liến thoắng chọc ngón chỏ vào lỗ, đưa vào sâu một chút rồi nhoằng cái

 

xoắn ra chú chạch cho vào rổ. Cứ độ vài bước chân thì tôi lại vớ được một vũng trê đằm, cho tay vào là có rô trê, hoặc giếc cho Bống ngay. Bị choáng ngợp bởi tốc độ bắt cá nhanh đến chóng mặt và chính xác đến gần như là tuyệt đối của tôi, Bống một mực đòi tôi dậy:

-Anh ơi. Anh dạy em xoắn chạch và bắt trê với. Nhìn anh làm, em muốn thử một tí. Anh dạy em nhé.

Tôi nghĩ, cá chạch thì chỉ cần khéo tay một chút là bắt được, còn lũ trê ngủ vùi thì lại chẳng bao giờ quẫy ngạnh cả nên nếu dạy Bống bắt thì chắc sẽ được mà chẳng sợ bị trê nẻ. Thế rồi tôi gật đầu đồng ý dạy Bống.

 

Tôi bắt đầu bằng việc dạy Bống xoắn chạch. Từ hồi đi bắt cá với Bống đến giờ, tôi bắt cá là chủ yếu chứ có bao giờ dạy cho Bống đến nơi đến chốn đâu. Vậy nên bài học xoắn chạch hôm nay mới thực sự là bài học đầu tiên tôi dạy Bống. Thực ra nếu chỉ quan sát tôi xoắn chạch thì thấy rất dễ vì có mỗi động tác thọc ngón tay vào lỗ chạch, rờ rờ một tí, rồi xoáy một cái, vục cả bùn lẫn chạch cho vào rổ. Thế nhưng đối với người mới vào nghề thì đây là một việc không dễ chút nào bởi xoắn bùn thì có chứ rất ít khi xoắn được chạch. Nghĩ vậy tôi mới gọi Bống lội xuống bùn và dơ ngón tay trỏ ra:

- Bống phải dùng ngón này để sờ lỗ chạch. Bống cứ cho ngón đó vào những cái lỗ con kia và thật từ từ ấn sâu ngón tay xuống theo cái lỗ đó. Khi nào chạm vào đầu con chạch thì dừng tay lại một tí cho con chạch quen hơi tay. Sau đó mới đưa tiếp ngón tay đó dọc theo người con chạch xuống hết phần đuôi của nó, và xoắn tay như thế này thật nhanh vào cả đám bùn xung quanh con chạch.

Vừa nói tôi vừa vục lòng bàn tay phải vào không khí như thể vục một đám bùn vậy. Bống gật đầu vẻ hiểu hết ý tôi nên bảo tôi cho Bống bắt thử.

 

Tôi nhảy lên bờ, tìm một lỗ thật rõ, thật nhẵn miệng mà theo tôi chắc chắn là có chạch để Bống bắt thử. Bống háo hức lội phăng phăng dưới mương tới lỗ đó và cho ngón trỏ vào. Tôi dõi theo động tác của Bống và dặn:

- Từ từ thôi. Đã thấy cái lỗ tròn tròn trơn trơn chưa? - Tôi hồi hộp hỏi Bống.

- Em thấy rồi. Trơn lắm ạ. Bây giờ phải làm sao ạ? - Bống tỏ ra hơi lúng túng.

- Em cứ duỗi thẳng ngón tay thế ấn sâu vào trong lỗ. ấn thật từ từ thôi. Đừng ấn mạnh làm con chạch sợ.

- Em đang ấn ạ.

- Thế đã sờ thấy cái gì ở đầu ngón tay chưa? -Tôi nóng ruột hỏi Bống.

- Dạ chưa thấy gì.

- Vậy cứ ấn tiếp đi.

- Em ấn hết cỡ rồi ạ.

- Cứ ấn sâu xuống, cứ đẩy cả vào bùn để lần theo lỗ chạch. Cứ lần vậy đến khi chạm vào đầu con chạch thì dừng lại.

- Nhưng em ấn hết rồi. Hết lỗ chạch rồi. Giờ toàn bùn ở đầu ngón tay em. Em không thấy lỗ chạch đâu nữa.

- Chết rồi! Vậy là con chạch lặn mất rồi. Chắc do em bước mạnh nên nó thấy động thụt xuống sâu rồi. Lần sau em phải nhớ đi nhẹ thôi. Đi bằng mũi bàn chân mới được. Không được làm bùn rung lên thì chạch mới ở trên lỗ. Động là nó lặn mất, không bắt được đâu.- Tôi tiếc rẻ giải thích.

- Vâng, em nhớ rồi. Đến lỗ khác em sẽ đi nhẹ thôi.

 

Tiếng bước chân lội phăng phăng của Bống lúc nãy đã đánh động cả đám bùn nên bọn chạch ở những lỗ quanh đó chắc đã thụt hết xuống bùn lẩn trốn. Tôi bảo Bống lên bờ để đi đến đoạn xa hơn và bắt đầu lại từ đầu. Lần này Bống đặt chân thật nhẹ xuống lòng mương. Chân Bống nhỏ xíu, lại đi bằng mũi chân nên đến cái bọt bóng cũng chẳng có mà nổi huống chi là làm rung động đến bùn. Thấy vậy, tôi rất yên tâm và tặng Bống một lời khen:

-Đúng rồi. Em phải đi nhẹ thế mới được.

 

Thực ra Bống còn đi nhẹ hơn tôi. Lắm lúc tôi còn làm bùn sủi bọt. Đằng này ngay bọt cũng không có mà nổi, đủ biết Bống đi nhẹ đến mức nào. Tôi đứng trên bờ chỉ Bống một lỗ chạch tương tự lỗ vừa nãy và hướng dẫn Bống cho tay vào lỗ. Lần này Bống đã quen với việc cho tay vào và lần theo mạch chạch. Bỗng Bống reo lên:

- Anh ơi. Em sờ thấy đầu con chạch rồi. Nó bé nhưng cứng. Em sờ vào cả râu nó nữa.

- Dừng tay lại. Không được sờ tiếp nữa.

- Nhưng anh ơi. Em lại không thấy nó nữa rồi.

- Giời ạ. Tại em nói nên động tay. Con này lại thụt mất rồi. Tiếc quá. Em lội tiếp để anh chỉ cho lỗ khác. - Tôi nói mà lòng đầy luyến tiếc.

Tuy mất con chạch nhưng Bống tỏ vẻ rất thích vì đã sờ được vào đầu chạch. Tôi cũng tiếc cho Bống nên cẩn thận dặn dò:

- Lần này nếu em sờ vào đầu chạch, thì đừng nói gì với anh nhé. Sờ vào đầu nó thì dừng tay lại một tí rồi cứ nhẹ nhàng lần theo thân nó. Đừng xoay ngón tay. Cứ thế mà sờ đến hết cái đuôi nó thì xoáy vào bùn thế này này để vục con cá lên. - Vừa nói tôi lại vừa ngoáy lòng bàn tay như hồi nãy để Bống nhớ lại.

- Vâng. Em nhớ rồi. -Bống ngoan ngoãn trả lời.

 

Thêm một lỗ nữa để Bống tập bắt chạch. Lần này mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn nhiều. Bống lặp lại các động tác bước đi trong bùn và cho tay vào lỗ thật hoàn hảo làm tôi không còn nghi ngờ gì vào khả năng sẽ bắt được chạch. Tôi nín thở dõi theo bàn tay và nét mặt Bống. Tay Bống đã vào lỗ, đang di chuyển rất từ từ, thật nhẹ nhàng như chính con chạch vậy, rồi đột ngột dừng tay lại. Tôi rùng mình hồi hộp vì biết rằng Bống đã chạm được vào đầu chạch. Rồi ngón tay ấy lại di chuyển. Tôi thầm reo lên trong bụng:

- Đúng rồi. Cứ vậy. Rất đúng.

Lúc đó tôi không dám reo ra đằng miệng sợ Bống giật mình thì chạch sẽ lại lặn mất. Bống đột ngột vục mạnh nhấc nhanh bàn tay đầy bùn lên khỏi mặt nước hô to:

- Anh. Chạch.

Tôi cũng thốt lên:

- Hay quá.

 

Tiếc thay, vừa lúc Bống định vứt đám bùn trong tay lên bờ mương thì con chạch nhanh chân trườn mạnh đánh sạch một cái trở lại với lòng mương và lẩn biệt vào trong bùn.

Nét mặt Bống chưa kịp ửng hồng vì cái reo vui sướng vừa nãy đã lại xịu xuống, đoạn nói như tràn trề thất vọng:

- Anh ơi. Bao giờ em mới bắt được chạch. Sao khó thế hả anh?

- Em sẽ bắt được. Lần sau em sẽ bắt được. Lần này vì em chưa quen. -Tôi động viên Bống.

Thực ra, hồi nãy khi nhìn thấy tay Bống múc bùn, tôi đã thấy có điều gì không ổn. Giờ mất chạch rồi tôi mới vỡ lẽ ra là khi vục bùn người ta phải cong hẳn bàn tay phải lại chứ không thể duỗi hờ hờ như Bống được. Nếu duỗi vậy, con chạch sẽ thấy bị trống trải nên kiểu gì nó cũng trườn mất. Nghĩ vậy tôi lựa lời an ủi Bống:

- Vừa giờ mất chạch là do em vục bùn xong nhưng không co lòng bàn tay lại. Em dạng các ngón tay thế sẽ làm chạch trườn mất. Lần sau, nhất định em phải co tay nhé. - Vừa nói, tôi vừa khum các ngón tay lại để tạo ra một hình vòm trong lòng bàn tay giơ ra cho Bống xem.

- Vâng ạ. Em sẽ co tay như vậy ạ. - Bống nói xong thì mỉm cười nom đến duyên.

 

Lần thứ tư thử sức không có khó khăn gì. Khi Bống vừa vục tay xuống bùn thì cũng là lúc tôi tung chiếc rổ mau xuống ngay trước mặt Bống. Một con chạch đỏ như đồng thau, to như quả chuỗi mắn vừa kịp rời khỏi đống bùn trong tay Bống rớt xuống. Bống reo hò, vỗ tay ầm ĩ làm những hạt bùn bắn cả vào mắt tôi. Tôi cũng vui chẳng

kém, nhảy xuống mương, nhấc rổ lên và cùng Bống leo lên bờ chơi với con chạch. Con chạch thật to, phưỡn bụng ra như bà chửa. Mà đúng là nó có chửa thật vì khi Bống thích thú động vào bụng nó thì những hạt trứng nhỏ li ti cứ thế trào ra ở đít nó. Bống sờ lần con chạch như để thoả chí sau bốn lần tập dượt mới bắt được.

 

Xong bài xoắn chạch, tôi dạy luôn bài bắt trê. Bắt trê thực ra không cần khéo tay nhưng phải biết phán đoán thật chính xác trước khi cho tay vào hố trê đằm. Tức là phải biết lúc nào là chỉ có trê, lúc nào vừa có trê vừa có cá khác, và lúc nào trê chúi sâu hay nông để lựa tay cho chuẩn. Nói thì dễ vậy nhưng khi vào cuộc thật không dễ chút nào. Tôi không vội vã chỉ cho Bống cách bắt trê đằm mà để Bống đi trên bờ nhìn tôi hướng dẫn cụ thể về đặc điểm của mỗi hốc trê và cách bắt. Bống chăm chú dõi theo. Đến hốc nào tôi cũng giải thích để Bống nắm được. Cụ thể là, những vết đục đậm giống màu nước gạo là do con trê vừa chui vào. Còn nếu con trê đã chúi vào lâu rồi và ở đó một mình thì phải nhìn tinh mới phát hiện ra được sự khác biệt. Khi con trê đã an bài mà lại có thêm con rô con giếc đến xin ở nhờ thì chỗ đục đó cứ liên tục lởn vởn theo chiều vẫy vây của lũ cá đến sau này. Với mỗi loại hốc như vậy, cách bắt cá lại phải khác. Đối với những hốc chỉ có trê không thì việc bắt cá cực kỳ đơn giản vì cá trê thường chúi sâu xuống bùn và nằm im. Đúng là cá trê ngủ vùi nên ngay cả khi động tay vào, nó cũng chẳng có phản ứng gì cả. Khi sờ thấy người trê thì chỉ cần lần lên phía đầu nó, ngón cái tay phải chặn mồm trê, hai ngón trỏ và nhẫn chặn ngạnh trê và cứ vậy kéo lên. Khi lên mặt nước, cho dù trê có to mấy và giãy giụa đến mấy thì cũng không thể nào thoát được thế chân vạc ấy của người bắt cá. Chỉ có điều trê chúi rất sâu nên khi bắt là phải thọc tay thật sâu, nhiều khi đến tận nách nếu hốc đó là vết chân trâu. Còn khi hốc đó có thêm con rô, con giếc sống cùng thì cách bắt lại phải khác. Hai loại cá này sống nông hơn. Chúng thường lơ lửng trong hốc chứ không chúi hẳn xuống bùn. Vì thế khi chạm tay vào hốc không dứt khoát, chúng sẽ vượt khỏi hốc chạy trốn dễ dàng. Những con cá này thực ra là không phải đến để ngủ vùi mà chỉ là tạm tránh rét mà thôi. Khi bắt chúng, phải lựa tay từ từ tạo nên một hình khum để phủ miệng hốc rồi mới ấn xuống để đè cá rô và giếc xuống đáy cho chúng không còn thế để thoát lên. Khi đó mới là lúc chụp tay xuống bắt cá. Bắt xong lũ ở rình này rồi thì mới quay lại động tác bắt trê như trên.

 

Với kinh nghiệm như vậy, trước khi thò tay xuống một hốc nào đó, tôi đều nói với Bống là trong đó sẽ có con cá gì. Bống vô cùng kinh ngạc khi tôi nói thế nào là bắt lên thế vậy. Sau nhiều lần vừa nói vừa bắt, tôi để Bống đoán xem có cá gì trong hốc trước khi tôi bắt cá. Cách đó làm Bống quen dần với màu sắc hốc, loại cá ở bên trong và cách dùng tay bắt cá.

 

Đã đến lúc Bống xuống mương tự mò. Tôi đi trên bờ tiếp tục hướng dẫn đến khi Bống bắt cá thành thạo mới thôi. Giờ đây cô bé hoàn toàn tự lập xoắn chạch và trê tuy vẫn chưa thể thành thạo và chính xác như tôi được. Từ lúc đó cả hai cùng nhau bắt cá trong lòng mương chứ không kẻ trên bờ, người dưới mương nữa.

 

Mùa khô năm ấy đã làm nên một thần đồng thứ hai về bắt cá theo cách người dân gọi tôi và Bống. Nhưng khổ nỗi, tiếng lành đồn xa chưa được bao lâu thì các con mương hết nước. Nhiều đoạn sông cũng cùng chung số phận. Chúng tôi chẳng còn chỗ để mà cùng nhau xà lần như vậy ngoài việc cuốc dọc các con mương để bắt những con chạch còn sót lại.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1457
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả