Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
831
123.239.539
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 10

10

LẦN ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI

 

Nghe lời bố mẹ, mấy tháng nay tôi đã không gặp Bống, nhưng khi thầy hiệu trưởng tuyên bố và mời đội học sinh giỏi lên đứng dưới cờ để thông báo cho toàn thể học sinh trong trường thì sự việc lại diễn ra theo chiều hướng khác. Tôi còn nhớ giọng hùng hồn của thầy hiệu trưởng: “Đây là những em ngoan học giỏi nhất trường. Ngày mai các em sẽ theo thầy bí thư đoàn trường đi lên huyện thi. Các em sẽ tập trung tại đây vào 7 giờ sáng để đi xe đạp xuống huyện. Xuống dưới đó sẽ ăn trưa và chiều thi xong sẽ về.” Không ngờ buổi tuyên bố dưới cờ ấy lại là cơ hội để tôi và Bống gặp lại nhau. Sau lễ tuyên bố, Bống tìm gặp để giúi vào tay tôi một tờ giấy đã được gấp nhỏ còn nhoè nét mực rồi ngượng ngùng bỏ chạy như thể hai đứa chưa bao giờ quen nhau. Vội mở tờ giấy ra tôi thấy những dòng chữ được viết thật nắn nót bằng mực bút bi xanh thẫm: “Em chúc mừng anh. Em ước được học giỏi toán như anh.” Chỉ có bấy nhiêu chữ nhưng tôi thấy Bống muốn nói thật nhiều. Tôi hiểu trước kia Bống đã từng ao ước được đi bắt tôm bắt cá với tôi và giờ đây lại muốn học giỏi nữa. Ước mơ trước của Bống đã thành hiện thực, chắc lần này Bống sẽ được toại nguyện. Trong đầu tôi đang hình dung ra có những lúc Bống sẽ gặp những bài tập khó và tôi có thể sẽ giúp Bống giải toán. Suốt ngày hôm đó, tôi cứ nghĩ rất nhiều mà không thể nào trút bỏ hình bóng Bống ra được. Tôi định chạy sang nhà Bống để động viên và tâm sự với Bống thật nhiều. Nhưng lại nghĩ mai là ngày thi học sinh giỏi nên không đến nữa mà kìm nén nỗi dằn vặt trong lòng.

 

Sáng ngày hôm sau, khi mặt trời còn chưa mở mắt, đang định cúi xuống múc nước giếng rửa mặt thì tôi nhìn thấy Bống đứng ở cổng, tay cầm một gói gì nho nhỏ. Tôi vụt chạy ra làm chiếc chậu nhôm rơi xuống nền giếng đánh keng. Tôi chưa kịp mở cổng, thì Bống đã cho tay vào phía bên trong cánh cổng, dúi gói đó vào tay tôi và nói:

-Anh đem gói này đi để ăn. Đó là gói xôi đỗ. Hôm qua nhà em có giỗ. Em đã lấy để phần cho anh ăn lấy may. Sợ anh đi sớm nên hôm nay em dậy sớm sang đây chờ anh. May quá anh vẫn chưa đi.

 

Thực lòng tôi không thích ăn xôi vì khi ăn vào bụng nó cứ nóng cồn cào lắm. Hôm nào đói quá không đành được thì mới phải ăn xôi. Nhưng trước tấm lòng chân thành của Bống, tôi tươi cười nhận lấy gói xôi được bọc trong một chiếc lá dong tía. Vừa định mở cổng ra ngoài thì Bống ngăn lại:

-Thôi. Anh không cần phải ra đâu. Anh vào chuẩn bị rồi đi kẻo muộn.

Nói xong, Bống rảo bước quay về không quên tặng tôi một lời chúc thi tốt.

 

Từ khi nhận nắm xôi, tôi đâm ra nghĩ về Bống nhiều hơn là cảm giác hồi hộp vì được đi thi học sinh giỏi. Tôi bóc nắm xôi ra, vê vê một miếng bằng quả cà rồi đưa vào miệng để cố lấy điềm may từ nắm xôi, điều mà người dân quê tôi đã đúc kết thành một niềm tin. Thực ra cái tín điều này không biết từ lúc nào cũng đã tồn tại ngay trong nhà tôi vì đêm qua mẹ tôi cũng ngâm đỗ xanh. Dù biết tôi không thích ăn xôi nhưng sáng nay mẹ cũng nấu một lẻ xôi đỗ để đơm một đĩa con cúng cụ cầu may cho tôi. Để mẹ yên tâm, tôi cũng làm một miếng và chén thêm hai củ khoai lang luộc vốn là món điểm tâm mà tôi thích hơn cả vì cái vị ngọt lại bùi của nó. Chén xong hai củ khoai, tôi lại giở gói xôi của Bống làm thêm miếng nữa cho thật may rồi cất phần còn lại vào trong cặp, dắt xe đạp chào bố mẹ lên trường để cùng đi với đoàn.

 

Bố mẹ tôi phấn khởi tiễn tôi ra tận cổng làng và đợi cho tôi đi khuất vào trong trường rồi mới chịu quay về. Đó là chưa kể đến việc đêm qua mẹ tôi cứ thổn thức không ngủ và sáng nay xuống bếp nấu xôi từ lúc gà gáy canh hai. Tôi biết, cả bố và mẹ đã từng mong tôi được ăn học và hôm nay thật vui được chứng kiến ngày tôi đi thi học sinh giỏi. Chắc cách đây chỉ vài tháng, cả bố và mẹ đều không dám nghĩ đến là có ngày này. Với tôi, đây là lần đầu tiên đi thi học sinh giỏi nên thấy lạ lẫm lắm. Ngay cả việc thầy hiệu trưởng gọi tập trung họp rồi đứng dưới cờ trước bao nhiêu bạn trong trường cũng đã làm tôi run rẩy vì sung sướng, cái cảm giác tôi chưa bao giờ có trong đời. Vậy mà hôm nay lại đi xuống tận huyện để được gặp bao nhiêu bạn từ các trường khác nữa thì sẽ còn lạ lẫm hơn

nhiều.

 

Khi tôi đến trường để tập trung thì đội học sinh giỏi đã tề tựu đông đủ xung quanh thầy bí thư đoàn trường chờ lệnh xuất phát. Cả thảy có 5 học sinh giỏi trong đó có tôi là thi toán, còn những bạn khác thi lý và văn. Mỗi học sinh có một xe đạp. Riêng thầy bí thư đèo một bạn gái vì chân bạn ấy bị mọc mụn. Trong đội học sinh giỏi chỉ có tôi là gương mặt mới, còn lại tất cả đã là chuyên gia thi thố từ mấy năm trước rồi. Thấy tôi là người mới, lại bé nhỏ và đen đủi trong bộ quần áo vá chằng vá đụp (vì mẹ chưa kịp mua quần áo mới cho tôi) nên các bạn nhìn tôi một cách kênh kiệu, mắt cứ hếch lên và xúm lại nói chuyện với nhau, không thèm để ý đến tôi. Thầy bí thư chắc quá lo lắng về cuộc hành trình bằng xe đạp dài tới hơn mười cây số nên có vẻ căng thẳng và không có thời giờ để ý đến từng học sinh, đương nhiên cũng không có thời gian để chú ý đến tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy lẻ loi và chỉ mong các bạn kia cũng quay sang nói chuyện với tôi, cho dù chỉ là gọi tên tôi thôi. Nhưng chẳng ai hỏi han tôi cả, họ vừa nói chuyện thao láo vừa thỉnh thoảng quay lại nhìn tôi ra vẻ khinh khỉnh. Bỗng nhiên tôi mong Bống ở đây. Nếu có Bống, tôi sẽ có người để nói chuyện, và tôi chẳng cần gì phải mong họ bố thí cho tôi những ánh mắt khinh miệt ấy. Giờ tôi mới hiểu, người bạn hiểu tôi và luôn quan tâm đến tôi là Bống. Vậy là suốt chặng đường đi đến huyện, tôi lúc nào cũng nghĩ về Bống và tưởng tượng ra rằng Bống đang ngồi sau xe tôi để tự an ủi mình. Thật may mắn, nhờ ý nghĩ đó, tôi đạp xe không biết mệt và cũng chẳng mấy chốc, tôi đã thấy cả đoàn có mặt trước cổng trường huyện, chuẩn bị vào nhận phòng thi rồi đi ăn trưa.

 

Lần đầu tiên xuống huyện làm tôi vô cùng bỡ ngỡ bởi sự nhộn nhịp người xe, bởi những nhà cao tầng và những quán ăn sực mùi gia vị mà các ông chủ bà chủ tròn xoe như quả bí đang phe phẩy chiếc quạt giấy liên mồm chào khách qua đường vào ăn. Đến quán nào, người ta cũng nhao lên mời chào: “Mời thầy dẫn các em vào ăn phở. Quán tôi là ngon hảo hạng. Thầy vào đi. Tôi chọn chỗ mát cho thầy và các cháu.” Nhìn họ mời tôi thấy inh cả tai, nhức cả óc, lại còn hoa cả mắt lên nữa. Cuối cùng, thầy bí thư cũng chọn một quán nho nhỏ, vẻ ít khách và gọi mỗi người một bát phở để ăn cho lấy sức. Vừa ngồi xuống chiếc ghế băng dài nhem nhuốc những vết mỡ, thầy lớn tiếng gọi như thể là dân sành ăn:

- Bà chủ, ông chủ ơi. Cho chúng tôi mỗi người một bát phở bò chín nào. Nhớ cho nhiều mì chính và rau mùi vào nhé.

Nhìn bộ dạng thầy trò tôi, bà chủ quán đoán ngay ra là đội nhà quê lên phố nên vồn vã tươi cười đáp lại:

- Rồi...! Thầy cứ yên tâm. Chỉ loáng cái là có phở ngay. Thầy chọn quán tôi là đúng đấy. Ăn xong rồi là nhớ mãi thầy ạ. - Vừa nói, bà chủ vừa cười tít cả mắt ra vẻ đon đả phúc hậu lắm.

 

Tôi đã từng nghe người ta nói đến phở nhiều, nhưng chưa một lần được ăn nên hồi hộp lắm. Sáng nay chỉ ăn hai củ khoai và mấy vê xôi đỗ, lại đạp xe đường dài nên giờ bụng đói cồn cào. Mùi thơm hối thúc cùng những đám hơi nước đang nghi ngút bốc ra từ hai nồi nước phở càng làm cơn đói trong tôi trở nên vật vã. Sự pha trộn giữa cơn đói và cơn thèm phở dữ dội khiến tôi cứ nhấp nhổm, mắt dán vào chỗ người ta đang hì hục làm phở. Khi người giúp việc đem phở ra, tôi mới ồ lên một tiếng ngạc nhiên vì thứ mà người ta gọi là phở chẳng khác gì mấy so với những bát canh bánh đa mẹ tôi thỉnh thoảng làm cho chúng tôi ăn. Thoạt nhìn, phở ở đây chỉ có khác là nó thơm ngây ngấy, nổi váng mỡ vàng choé. Húp vào mồm, tôi thấy cũng ngọt vậy. Nhưng những miếng thịt ở đây thì khác lạ lắm, nó vừa thơm, vừa ngọt, lại dai dai. Một thứ thịt mà tôi chưa bao giờ được ăn cả. Thầy bí thư chả gọi phở bò là gì. Ở quê, mỗi năm tôi chỉ được hai bữa thịt lợn phân phối vào ngày 2/9 và ngày tết. May mắn lắm thì trong năm có con trâu nhà ai già quá không còn sức kéo cày, hoặc ngã bệnh người ta đem ra thịt thì mới có miếng thịt trâu xào rau muống mà ăn. Nhà tôi cũng nuôi gà, nhưng chỉ hôm nào gà bị rù gần chết hoặc may ra có ông khách ở đơn vị cũ của bố tôi đến chơi thì mới được miếng thịt gà. Những thịt đó, tôi ăn đã thấy ngon lắm rồi. Thế mà đây lại là thịt bò -Thứ thịt mà ở nhà có mơ, tôi cũng chẳng được ăn, và cũng chẳng thể hình dung ra nó có mùi vị ra sao cả. Không biết các bạn cùng đoàn đã bao giờ được ăn phở bò chưa mà chẳng thấy ai nói năng gì cả, cứ chúi đầu chúi mũi múc húp xoàn xoạt, không thèm nhìn nhau hay chuyện trò gì cả. Chắc họ cũng có cảm giác ngon miệng như tôi nên tôi chẳng giữ ý lại cắm đầu cắm cổ làm liền một mạch đến lúc chỉ còn trơ lại cái bát nhẵn bóng.

 

Cả đoàn ăn xong. Ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại ngồi lại bàn, ưỡn ngực ưỡn bụng vẻ hả hê. Riêng thầy bí thư đứng dậy ra phía bà chủ để trả tiền. Không hiểu sao, vẻ mặt bà chủ có vẻ đanh lại, vênh lên xem điệu coi thường thầy bí thư chứ không đon đả như lúc ban đầu:

-Hư! Ăn phở ở đây mà lại còn kêu đắt à. Thế thầy có nhìn cái biển ngoài kia không. Quán phở đặc biệt, đệ nhất

 

phu nhân của phố này đấy. Sao thầy không hỏi trước giá rồi hãy ăn. Giờ ăn rồi thì thầy phải trả tiền đắt thôi chứ biết sao được đây.

Cả nhóm nhìn ra phía hai người. Bà chủ nói xong thì vênh váo, chống một tay ngang hông, tay kia cầm chiếc khăn mặt đã nhuộm mỡ bò đen kít phe phẩy ra vẻ nóng nực. Còn thầy bí thư chắc cũng giận lắm nhưng cố kìm nén không thể hiện ra mặt vì ít nhất ở đó cũng có chúng tôi nữa. Thầy nói như trách móc bà chủ:

- Mong chị thông cảm. Hôm nay em đưa các cháu đi thi học sinh giỏi huyện. Chị lấy như giá thường thôi chứ ai lại đắt gần gấp đôi những quán phở khác bao giờ.

- Thế hoá ra thầy xem thường quán nhà tôi nhỉ. Lần sau thì thầy đừng có vào ăn ở đây nữa. Hãm mới gặp thầy trò nhà thầy. Cũng may nhà tôi đã mở hàng rồi chứ không gặp thầy trò thầy kiểu này thì có mà ế cả ngày. Hư.

Tất cả mọi người đang ăn trong quán đồng loạt nhìn về phía hai người. Thầy bí thư thấy không thể nào tranh cãi được với bà chủ đầy mưu mô nên đành trả tiền, rồi rủ chúng tôi ra quán chè xanh của một bà cụ tóc bạc phơ đang ngồi dưới gốc cây dâu da gần đó. Cả bọn lặng lẽ đi theo không nói không rằng nhưng trong lòng chắc ai cũng rất thương thầy. Thầy trò vừa ngồi xuống, bà cụ đã nói nhỏ vào tai thầy trong khi lục tích rót nước cho mọi người:

- Con mẹ đó ghê nhất phố này. Hôm nay thầy thật không may. Lần sau vào ăn thì cứ hỏi giá đã. Nó hay bắt nẹn những người ở quê ra mà nom lơ nga lơ ngơ lắm. Tôi ngồi bán nước ở đây biết rồi. Đã nhiều người bị bắt nẹn như vậy. Có người không trả, nó còn sửng cồ lên, dứt tai dứt tóc rồi dúi cổ người ta xuống thế này này. Thất đức lắm. Thấy nhớ từ lần sau là phải cẩn thận.

- Con cám ơn cụ. Lần sau con sẽ chú ý hơn.

 

Thầy bí thư trả lời rồi đỡ từng ly nước chè xanh biếc bốc khói nghi ngút đưa cho từng đứa, đoạn nói:

- Các em uống nước chè xanh cho tỉnh táo rồi vào thi. Chúng tôi lại xì xụp uống chè. Nóng quá, mồ hôi vã ra nhiều nên càng uống càng khát. Chúng tôi thi nhau uống hết cốc này đến cốc khác cho thật đã chứ không đơn thuần là uống cho tỉnh táo như lời thầy nói. Thầy vừa nhấp từng ngụm chè xanh, vừa hít sâu điếu thuốc rồi ngửa mặt nhả những làn khói bạc bẽo vào không khí như đang hồi tưởng lại những gì vừa diễn ra trong quán phở. Tất cả chúng tôi nín lặng dõi theo những làn khói ngoằn nghoèo đang bay ra từ đầu điếu thuốc thỉnh thoảng lại đỏ lòm. Chẳng hiểu sao, tự nhiên bà cụ vỗ nhẹ vào vai thầy, ân cần nói:

- Cứ cho các cháu uống nước thoả mái đi. Cả thầy cũng vậy. Hôm nay bà mời. Bà không lấy tiền đâu. Các cháu đi thi học sinh giỏi vậy là bà mừng rồi.

- Ấy chết! Ai lại thế ạ. Cụ cứ để thầy trò con uống rồi trả tiền đàng hoàng. Cụ già rồi, còn đi làm được đâu mà lại không lấy tiền vậy. - Thầy ôn tồn đáp lễ.

- Thầy không phải suy nghĩ. Thế già này không thể mời các cháu ngoan học giỏi được mấy cốc nước sao? Ngay cả việc nhỏ như thế, thầy cũng định ngăn tôi hay sao?

 

Nghe bà cụ nói vậy, thầy không thêm được gì, chỉ biết cám ơn cụ và hỏi chuyện về cuộc đời cụ. Hoá ra, trước kia cụ đã làm nghề dạy học cho những lớp bình dân học vụ thời Pháp thuộc. Học sinh của cụ là những người đã lớn tuổi, chứ chẳng mấy khi có người nhỏ tuổi như chúng tôi để mà dạy. Giờ thấy mấy đứa trẻ ngây thơ lại học giỏi chắc cụ rất vui nên tôi hiểu việc cụ làm cũng là để tăng thêm niềm vui tuổi già.

Đoạn thầy bí thư nhìn đồng hồ rồi từ biệt bà cụ đứng dậy kẻo bị trễ giờ thi. Bà cụ nhìn theo mỉm cười phúc hậu khoe hàm răng đen óng đều như hạt na, không quên dặn với theo:

- Các con thi giỏi nhé. Lần sau đi qua lại ghé vào quán cụ nhé.

 

Đúng là ở nơi phố xá cũng có người tốt kẻ xấu. Hình ảnh đối lập của bà chủ quán phở và bà cụ bán nước cứ thế theo tôi cùng với những vòng quay bánh xe trước khi cả đoàn dừng lại dưới một gốc bàng cổng trường đợi tiếng trống trường đầu tiên của buổi chiều mới vào được vào phòng thi. Trong lúc chờ đợi, thầy bí thư đã đi hỏi được chỗ để xe và giục cả đoàn đem xe đi gửi trước khi quay lại chờ dưới gốc bàng.

 

Ấn tượng lúc đứng chờ dưới gốc bàng của tôi là có rất nhiều đoàn học sinh giỏi từ các xã trong huyện kéo về.

 

Người xe chen chúc kín cả cổng trường làm cây bàng vốn toả bóng rất rộng nhưng cũng không thể làm râm cho số người đông đến vậy. Đoàn này đoàn nọ đứng sát nhau như nêm. Thỉnh thoảng có tiếng các thầy cô hướng dẫn chào với sang nhau, rồi chạy lại bắt tay nhau như những người bạn xa nhau lâu mới gặp lại. Các bạn học sinh cũng vậy, sau một hồi đứng đợi đã bắt đầu nhận ra những nét mặt quen thuộc từ những năm trước thì tìm lại với nhau, chuyện trò thật rôm rả. Lại có những bạn học sinh thuộc trường thị trấn, chẳng đi cùng thầy nào, thì cứ len lỏi hết chỗ này đến chỗ khác, túi quần giắt mấy tờ giấy trắng, túi áo ngực giắt bút máy nom rất tự tin và sành điệu. Tôi nghĩ, đúng là dân thị trấn có khác - Nom khôn ra mặt. Còn thầy bí thư thì đang tâm sự với một cô giáo từ trường khác cũng dẫn học sinh đi thi. Vậy chỉ còn tôi là trơ ra đó chẳng biết bắt chuyện với ai. Cảm giác lẻ loi lại tràn về làm tôi lại nghĩ đến những kỷ niệm đồng quê với Bống, nghĩ đến những lúc cùng Bống mò tôm, bắt cá, đến những kỷ niệm làm nên tình bạn của hai đứa. Tôi cho tay vào cặp lấy gói xôi ra như để cảm nhận gói xôi chính là Bống. Thật lạ, gói xôi nguội ngắt nằm đó từ sáng đến giờ như biết nói vậy. Nó làm tôi đỡ lẻ loi hơn. Nó làm tôi như đang có bạn và trên hết, nó làm tôi không còn để ý gì đến những người xung quanh đang làm gì, nói gì nữa. Tôi cũng chẳng phải nóng ruột chờ đợi tiếng trống trường như bao người đang mong mỏi vì trong tôi, đã có người bạn chân thành nhất. Gói xôi của Bống thật có ý nghĩa. Không biết tôi giờ đây sẽ ra sao nếu sáng nay Bống không kịp đem cho tôi gói xôi ấy.

 

Rồi tiếng trống trường cũng vang lên báo hiệu đã đến giờ tập trung. Toàn thể những người có mặt trước cổng trường nhốn nhác hẳn lên. Kẻ thì kiễng chân nhìn vào trong, người chạy đi chạy lại tìm chỗ để len lỏi. Bác coi trường lững thững đi ra tra chìa vào ổ khoá, nét mặt lạnh ngắt, dùng đôi bàn tay chai sạm giựt tung chiếc xích cổng để đẩy hai cánh cổng về hai phía như thể bác đã làm công việc này từ bao năm nay nên chẳng còn gì thú vị cả. Học sinh thi nhau ùa vào như cái chợ vỡ. Nhóm tôi cũng hùa theo làn sóng người rồi tách ra để chạy lại những phòng thi đã nhận từ sáng nay. Cổng trường lại từ từ khép lại trước khi tiếng trống phát đề vang lên giục giã.

 

Thi học sinh giỏi có khác. Không khí trong phòng thi thật trang nghiêm. Mỗi bàn chỉ có hai bạn ngồi ở hai đầu có số báo danh được ghi sẵn. Ngày thường mỗi bàn như vậy phải ngồi được bốn đến năm bạn. Thầy coi thi nghiêm trang đọc thể lệ cuộc thi trong khi cô giáo đi cùng ngồi bàn rọc phong bì soàn soạt làm cho không khí lúc này có phần nặng nề chứ không thoải mái như lúc thi học kỳ ở trường làng. Tất cả thí sinh phải để cặp lên phía trên bục giảng chỉ được mang xuống chiếc bút và mấy tờ giấy trắng làm giấy nháp. Thật may, trước khi vào phòng, tôi đã kịp cho gói xôi vào túi quần, nếu không đến giờ mới lấy ra thì chắc không kịp. Chính gói xôi ấy đã làm nên một ấn tượng sâu sắc trong suốt buổi thi mà mãi sau này tôi không thể quên được.

 

Vừa nhận đề thi, tôi đã háo hức đọc lấy đọc để nhưng ngỡ ngàng vì nó khác xa với những gì tôi tưởng. Ở trên lớp, tôi chưa bao giờ bó tay bài toán nào cả. Cũng chính vì thế mà cô chủ nhiệm tin tưởng tôi nên chọn tôi đi thi. Theo thói thường, những học sinh nào được vào đội tuyển sẽ được nhà trường bồi dưỡng để luyện theo những đề thi học sinh giỏi của những năm trước. Nhưng tôi là trường hợp ngoại lệ. Chẳng có luyện tập gì sất. Chắc do quá vội nên vừa chọn được tôi thì ba ngày sau tôi đã phải đi thi do vậy cô chủ nhiệm có muốn luyện cũng không được. Hơn nữa, tôi cũng chẳng được chuẩn bị gì về tâm lý cả, cứ được cử đi thi là đi. Vì vậy trước một đề thi thật mới lạ, đương nhiên là tôi ngỡ ngàng đến toát mồ hôi, càng nghĩ về đề thi thì càng thấy bế tắc vì chẳng biết phải bắt đầu làm bài như thế nào. Đang mông lung, thì tay tôi chạm vào gói xôi trong túi quần, và ý nghĩ của tôi lập tức dồn vào nó cùng những hỉnh ảnh của Bống hồi sáng. Hết hình ảnh này lại sang hình ảnh kia, hết kỷ niệm này lại đến kỷ niệm khác với Bống thi nhau lùa vào đầu tôi, choán hết không còn chỗ nào cho tôi nghĩ về bài thi cả. Thú thực tôi cố ngắt bỏ hình ảnh của Bống để tập trung vào bài thi nhưng không tài nào ngắt nổi. Gói xôi đã nát bét vì từ đầu đến giờ thỉnh thoảng tôi đưa tay xuống vô thức bóp cho nó một cái.

 

Khi cô giáo coi thi thông báo chỉ còn mười phút nữa là hết giờ, tôi mới giật thót mình khi thấy bài thi vẫn còn trắng tinh, chẳng được chữ nào cả. Tôi lại mặc cảm, trách rằng cô giáo đã chọn nhầm tôi đi thi toán. Học sinh giỏi gì mà lại để giấy trắng như vậy. Tôi hổ thẹn vô cùng và lo lắng vì sẽ không biết ăn nói thế nào với cô khi về trường. Tôi đứng phắt dậy nộp giấy trắng và đi ra khỏi cửa để lại những ánh mắt ngỡ ngàng của hai thầy cô coi thi rồi chạy một mạch ra phía cổng nơi thầy bí thư đang đứng đợi. Vừa trông thấy tôi, thầy reo lên:

-Chắc em làm tốt lắm hay sao mà lại ra trước các bạn vậy.

 

Tôi không nói, chỉ lắc đầu. Sau đó thầy bí thư có hỏi rất nhiều nhưng tôi cũng không trả lời gì cả, mà lặng lẽ sách cặp ra đứng ở một gốc bàng khác, đem gói xôi ra nghịch. Giờ gói xôi đã chạt lại như một nắm bánh đúc bị ép hết nước. Nó vừa cứng, vừa khô, và chẳng còn độ dẻo dai như hồi sáng nữa. Nhìn nắm xôi, tôi thấy hổ thẹn với Bống, hổ thẹn với niềm mong đợi của Bống và không xứng đáng mang nắm xôi của Bống đi theo. Nắm xôi giờ ì ra

 

trong tay tôi, mặc tôi cố bóp nó cũng chẳng hề thay hình đổi dạng. Chắc nó cũng đang trách tôi. Trách tôi đã không thể cố gắng vượt qua những ký ức đồng quê để hết lòng tập trung vào bài thi. Bây giờ thì tôi thật hối hận. Nhưng đã quá muộn. Hối hận giờ này cũng chẳng để làm gì. Tôi vẫn ngồi xị mặt ra, tư lự một mình dưới gốc bàng cho đến khi cả đội học sinh giỏi và thầy bí thư đến vây quanh. Thầy giáo cúi xuống kéo tôi đứng lên an ủi:

-Thôi đằng nào cũng thi rồi em ạ. Đem chuông đi đấm nước người mà. Có phải ai cũng làm được bài đâu. Được đi thi với các bạn trường khác vậy đã là vinh dự rồi. Đứng dậy về đi em.

 

Tôi không nói gì, mặc cánh tay rắn chắc của thầy kéo tôi đứng lên trong khi chiếc cặp da cũ có quai cứ thế bám theo hông tôi, phập phồng theo những bước não nề của người thất bại trong cuộc thử chuông đầu tiên với các bạn xứ người. Khi nhận thấy hai bàn tay tôi thật trống trải thì cũng là lúc tôi nhận ra gói xôi đã rời khỏi tay tôi từ lúc nào. Có thể nó đã nằm lại chỗ gốc bàng nơi thầy bí thư dắt tôi đứng dậy. Số phận gói xôi thật hẩm hiu, đơn côi lẻ bóng nơi xứ lạ để ngậm ngùi cảm nhận về nỗi ê chề mà tôi đang cảm nhận. Còn tôi cứ cúi gằm bước theo những bước chân của thầy về chỗ gửi xe mà không dám ngước nhìn các bạn.

 

Cuộc hành trình quay về trường thật là mệt mỏi. Tôi không dám nghĩ đến Bống nữa vì xấu hổ. Nhưng tôi càng cố tình gạt ra, thì hình ảnh tươi vui hồn nhiên của Bống lại càng hiện về có điều không theo một trình tự nào cả mà rất lộn xộn như những đoạn phim bị rối, hút hết tâm trí tôi để đến khi cả đoàn dừng lại, xuống xe thì tôi mới biết là đã về đến trường.

 

Lúc đó đã là chiều muộn. Khóm tre già phía cuối sân trường đang nghiêng ngả theo chiều gió kêu kèn kẹt để lộ những mảnh mặt trời đỏ lòm như dát phẩm. Thầy hiệu trưởng và ba cô giáo phụ trách học sinh giỏi ba khối cấp II trong đó có cô giáo tôi chạy ùa ra đón. Nét mặt ai cũng hớn hở khi thấy chúng tôi quay về. Thầy hiệu trưởng thì lớn tiếng chúc mừng chúng tôi đã kết thúc kỳ thi, còn mỗi cô giáo đi gặp gỡ học sinh của mình. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt cô chủ nhiệm mà cúi xuống vê những ngón tay vô tội vào chiếc quai cặp như để ngầm báo cho cô biết về một kết cục thật buồn. Cô giáo tiến lại cầm tay tôi an ủi:

-Cô đã biết hết mọi chuyện. Thôi, đừng buồn nữa. Chuyện gì xảy ra, thì nó đã xảy ra rồi. Vào đây cô hỏi chuyện em nào.

 

Vừa nói, cô vừa nắm bàn tay tôi thật chặt như một người chị nắm tay em mình và nhẹ nhàng kéo tôi vào căn phòng nơi cô vẫn dùng để nghỉ ngơi và soạn bài mỗi khi đến trường. Một lọ hoa hồng thơm ngát, một đĩa kẹo sữa Hải Hà nhiều màu sắc đặt bên một chiếc cát sét nhỏ và một tấm lịch để bàn có sông có núi, cùng những bức tranh to như nửa cái cửa sổ về các danh lam thắng cảnh được treo trên tường thẳng xuống chiếc giường một màu ghi làm căn phòng nhỏ bé của cô tự nhiên ấm cúng đến kỳ lạ. Cô mời tôi ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng, còn cô thì vẫn đứng vậy tươi cười bóc kẹo cho tôi ăn:

- Ngồi xuống ghế đi em. Đi thi về chắc là mệt lắm. Lần đầu tiên cô đi thi học sinh giỏi cũng nhiều bỡ ngỡ lắm. Em ăn kẹo đi cho đỡ mệt.

- Cám ơn cô. Cô cho em xin. -Tôi cũng chỉ biết trả lời cô như vậy.

 

Nói rồi cô với tay lấy chiếc ấm con dưới gầm bàn rót cho tôi một cốc nước sôi để nguội, và tận tay cầm cho tôi uống. Chiếc kẹo sữa ngọt lịm, thơm phức, cốc nước sôi mát lạnh cùng những cử chỉ thân thiện và nhẹ nhàng của cô làm tôi thấy như giũ bỏ được hết những mệt mỏi ê chề và cảm thấy yên tâm hơn là sợ cô trách móc. Tận đến lúc này, cô mới nói:

- Cô biết hôm nay là lần thử sức đầu tiên của em. Có thể em không thành công, nhưng đây là một bài học quý giá đối với em và cả với cô nữa. Em vừa ăn kẹo vừa kể cô nghe nào.

Tôi thấy thật khó nói nhưng trước sự chân thành và tận tình của cô, tôi đành phải ấp úng thú nhận:

- Dạ... Thưa cô... Hôm nay em không làm được bài. Em nộp giấy trắng... Em thật có lỗi với cô.

Tôi tưởng nghe vậy cô sẽ sa sầm nét mặt. Nhưng không, cô không hề thay đổi nét mặt mà vẫn mỉm cười nhìn tôi đầy thông cảm. Nhìn vào mắt tôi một hồi như để cảm nhận hết nỗi lòng tôi lúc đó, cô mới nhẹ nhàng hỏi tiếp:

- Vậy là Tung không làm bài tí nào à? Chắc em có điều gì khó nói trong lòng nên mới nộp giấy trắng như vậy. Nào, hãy nói cho cô biết đi. Sẽ chỉ có cô trò mình biết thôi. Em rất dũng cảm mà.

 

Mặc dù cô ân cần là vậy nhưng thật xấu hổ nếu tôi kể cô nghe về chuyện gói xôi và nhất là khi cô biết được tôi bỏ trắng bài thi là do nghĩ ngợi nhiều về Bống, một bạn gái học sau tôi một lớp. Vì thế tôi cứ ngấp ngứ ở cổ mà không thể nào thốt ra thành lời. Đúng hơn là có lúc tôi đã định nói ra nhưng những từ ngữ ấy cứ vừa đến cổ họng lại tụt lại không thể nào vượt lên đầu lưỡi được. Thấy tôi cứ chực nói rồi lại kìm lại, cô mỉm cười hỏi tiếp:

- Chắc em thấy khó nói lắm hả. Đúng rồi. Đôi khi có những điều thật khó nói. Nhưng nếu nói ra được thì sẽ thấy thật thoải mái. Giống như em bây giờ. Khi chưa nói với cô được lý do bỏ giấy trắng thì lúc nào em cũng lo lắng và sợ cô trách tội. Nhưng nếu em nói ra được, lại không bị cô trách tội thì em mới thấy được sự thanh thản.

Dừng lại để bóc cho tôi thêm một chiếc kẹo và rót thêm nước cho tôi như để tôi có thời gian ngẫm nghĩ trước khi cô tiếp tục:

- Cô không tin là em không làm được câu nào. Phải có một lý do gì đó rất đặc biệt mà các bạn khác không có thì em mới chịu nộp giấy trắng. Cô dạy toán em, cô biết chứ.

Nghe cô nói vậy, tôi thấy lạ vì làm sao cô lại hiểu được là tôi có một lý do đặc biệt. Tôi định kể cô nghe, nhưng lại ấp úng:

- Nhưng... nhưng... - Tôi ngấp ngứ mà vẫn không sao nói thẳng ra được.

Hình như cô giáo linh cảm được những gì tôi đang nghĩ nên tự nhiên không hỏi nữa mà kể tôi nghe về những kỷ niệm thời học sinh của cô. Đoạn cô kể lại rằng:

- Hồi còn là học sinh như em, cô có nhiều bạn thân lắm. Các bạn cùng lớp cũng có, khác lớp cũng có. Bọn cô chơi với nhau thân lắm. Đi đâu, làm gì cũng rủ nhau. Ai gặp khó khăn gì là các bạn đều xúm lại giúp đỡ nhau. Bạn nào học giỏi hơn hẳn thì các bạn trong lớp và trong trường quý mến lắm, ai cũng muốn đến làm quen kết bạn... Thế từ hồi Tung nhận được phần thưởng học sinh suất sắc đến giờ đã có bạn nào tìm đến kết bạn chưa?- Cô mỉm cười nhìn tôi chờ đợi.

 

Chẳng biết cô vô tình hay hữu ý nói về tình bạn, nhưng tôi nghe cô nói vậy thì xúc động lắm. Cô như hiểu được những trắc ẩn trong lòng tôi. Cô như muốn thầm nói với tôi rằng cô ở đây là để nghe em nói. Cô ở đây để chia sẻ vui buồn với em. Vậy thì đừng giấu cô điều gì cả. Cô nhất định sẽ không trách em. Cô hiểu chính cô cũng có một thời như em cơ mà. Tự nhiên tôi tìm thấy một sự đồng cảm lớn lao cô dành cho tôi nên nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc nức nở như muốn ôm lấy cô và nhận hết lỗi với cô rằng tôi đã không nghĩ gì đến bài thi mà chỉ nắn nắm xôi để nghĩ về Bống, và nộp giấy trắng bỏ về. Cô xoa tay lên đầu tôi và kéo tôi gục đầu vào lòng cô, đoạn vỗ về an ủi:

-Cô đã hiểu rồi.

 

Đợi tôi nấc xong, cô mới nói tiếp:

- Bây giờ Tung kể cho cô đi. Tung kể hết ra sẽ thấy dễ chịu. Cô không trách Tung đâu.

Nghe cô gọi tên tôi như vậy, tôi càng thấy cô thân thiện và chân thành hơn bao giờ hết và thế là tôi kể lại hết, chẳng giấu cô điều gì. Tôi kể về tình bạn với Bống từ hồi học lớp ba, rồi những kỷ niệm bắt tôm, bắt cá, về những lúc hai đứa cắn chung quả khế chấm mắm tôm giữa trời mưa giông, rồi về cả gói xôi hồi sáng nay cùng những diễn biến của câu chuyện trong phòng thi. Khi kể được hết mọi chuyện với cô, tôi thấy lòng nhẹ bẫng, nên không còn nức nở và gục đầu vào lòng cô nữa mà ngồi trở lại trên chiếc ghế đẩu. Nghe tôi kể về tình bạn với Bống, cô cũng xúc động lắm. Hình như cô khóc. Mặc dù không dám nhìn thẳng vào mắt cô, nhưng thoáng qua, tôi thấy mắt cô đỏ ngầu, rồi lại thấy cô sụt sịt như những lúc tôi khóc vậy. Cô không nói gì mà lặng lẽ ngồi vậy nghe tôi kể. Có lẽ cô là người hiểu tôi hơn ai hết lúc này. Cô hiểu được rằng đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi thi học sinh giỏi nên có bao điều bỡ ngỡ. Cô hiểu rằng tình bạn của tôi và Bống thật khăng khít nhưng đã nửa kỳ nay vì quyết định của bố mẹ mà hai đứa không thể gặp và vui chơi cùng nhau. Rồi từ hôm nhà trường tuyên bố tôi được đi thi học sinh giỏi thì Bống lại ghi giấy cho tôi, đến sáng nay lại mang gói xôi sang mong cho tôi được may mắn. Một người tình cảm và chân thành như cô nhất định sẽ hiểu rằng những hành động sâu sắc đó của Bống sẽ làm nên một cơn sóng dữ dội trong lòng tôi, và nhất định sẽ làm tôi mất tập trung trong phòng thi. Vì thế đối với cô, việc tôi không thể làm bài mà nộp giấy trắng là điều có thể lý giải và thông cảm được. Tự nhiên, cô rút chiếc khăn mùi xoa trong chiếc túi con, thấm lên mặt một lượt như để lau đi những giọt mồ hôi nhớp nháp cuối ngày. Nhưng tôi hiểu, đó là cách cô cố tạo ra để cho tôi không nghĩ là cô đang khóc. Tôi không dám nhìn cô. Lau mặt xong cô mới chậm rãi nói:

- Tung đang có một tình bạn thật đẹp, Tung ạ. Em có một người bạn thật tốt mà không phải bạn nào cũng có được. Bây giờ em hãy ngẩng mặt lên nhìn cô và hãy mỉm cười đi. Cô không trách Tung đâu. Giờ thì cô đã hiểu tất cả. Em có hoàn cảnh thật đặc biệt nên mới chịu bó tay trước đề thi hôm nay chứ nhất định em không phải là kém hơn các bạn khác. Em xứng đáng được đứng trong đội học sinh giỏi của trường. Em là niềm tự hào của lớp và là một tấm gương tốt về tình bạn. Lần sau trước khi đi thi học sinh giỏi, cô sẽ bồi dưỡng và tâm sự với em để em có kinh nghiệm trong những kỳ thi học sinh giỏi như thế này. Cô hứa với Tung như vậy. Còn em cũng phải hứa với cô là phải ra sức học tập và giúp đỡ các bạn trong lớp để cùng vươn lên nhé. Từ buổi học ngày mai, cô sẽ cử em làm cán sự toán của lớp. Em sẽ phải cố gắng hơn nữa nhé. Cô tin em sẽ là một cán sự giỏi mà.

- Vâng ạ. Em sẽ cố gắng hơn nữa. - Tôi đáp lời cô, lòng đã không còn gì trắc ẩn nữa.

 

Từ hôm đó hình ảnh dịu dàng, chân thành và thân thiện của cô lúc nào cũng hiện hữu trong tôi để luôn cổ vũ cho tôi ra sức học tập, phấn đấu và giúp đỡ bạn bè trong lớp và trong trường về môn toán. Cũng vì thế, toàn thể các thầy cô và các bạn học sinh trong trường đều biết đến sự tận tuỵ và suất sắc của tôi trong năm cuối cấp II đó. Cho đến tận bây giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng cô giáo chủ nhiệm năm đó có công rất lớn trong những thành công của tôi sau này. Cô đã làm cho tôi đứng lên và vượt trội từ một vấp ngã ê chề. Cô đã làm cho tôi hiểu sâu sắc về tình bạn và làm thế nào để nâng niu tình bạn. Chính cô đã là một người bạn hoàn hảo trong tôi chứ không chỉ là một người cô, người chị. Nhờ cô mà tôi biết được bản chất của tình bạn là gì và nâng niu tình bạn như là một tài sản, một động lực để giúp tôi luôn hoàn thiện mình. Nhờ cô mà tôi không còn mặc cảm hay hổ thẹn với Bống nữa mà lại cảm thấy tự hào vì có Bống làm bạn. Ngay hôm sau, tôi chủ động sang gặp Bống đề nghị giúp đỡ Bống trong học tập. Năm học đó, tôi không những rất giỏi toán mà còn giỏi môn vật lý. Thế là cứ có bài toán hay lý nào khó quá, Bống lại xin phép bu để sang nhờ tôi hướng dẫn giải giúp. Qua những bài tập như vậy, Bống dần dần hiểu bài tốt hơn, được cô giáo thường xuyên khen trên lớp. Những lời khen đó cùng những bài thi mỗi ngày một suất sắc là động lực để Bống càng phấn đấu hơn nữa trong tất cả các môn học. Kết quả là từ một học sinh gần như kém nhất lớp ở kỳ I, Bống đã đứng vào nhóm năm người học giỏi nhất lớp vào đợt tổng kết giữa kỳ II. Cả tôi và Bống đều được thầy hiệu trưởng tuyên dương là học sinh tiêu biểu có phấn đấu và đạt thành tích tốt trong học tập. Sau buổi tổng kết toàn trường, Bống chạy đi tìm tôi và reo lên như thác vỡ:

-Anh ơi. Em vui lắm anh ạ.

Còn tôi thì mỉm cười cũng chẳng biết nói gì, ngoài việc khen Bống rất giỏi.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10   11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1573
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả