Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
822
123.239.940
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 13

13                                                                                  

NHỮNG KHOẢNH KHẮC GẶP LẠI

 

Từ hồi vào đại học, tôi không có dịp về nhà thường xuyên nên chẳng mấy khi được nhìn thấy Bống. Ngay cả lúc về qua nhà, tôi cũng không tìm đến thăm Bống nữa mà chỉ hỏi mấy đứa em tôi xem cuộc sống của Bống ra sao. Qua các em, tôi được biết Bống đã trở thành hoa khôi số một của làng nên đi đâu tôi cũng nghe người ta bàn tán về vẻ đẹp của Bống.

 

Một hôm nhân dịp về thăm nhà, tôi ra sông giúp mẹ rửa rau. Lúc tôi quay lên đường thì cũng là lúc Bống vừa vác một cái rổ đi tới. Tình cờ, hai đứa được gặp mặt sau bao ngày xa cách. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được gặp lại Bống trong suốt sáu năm đại học y khoa. Đúng là lời đồn không ngoa. Đôi mắt Bống vẫn to tròn đen láy cùng hai hàng mi cong vút như ngày nào. Nước da vẫn giòn tan nhuốm màu phù sa mặn nồng. Sống mũi thẳng tắp không hề quằn lại theo năm tháng. Cái miệng trước kia vốn đã duyên dáng là vậy nay lại càng đẹp hơn vì những nụ cười ngượng ngùng vô tình khoe ra hai hàm răng xỉn màu nhựa chuối nhưng đều và sạch bóng. Mái tóc của Bống giờ không còn đỏ quạch như trước nữa mà chắc là do Bống đã đến tuổi dậy thì nên đen bóng, mượt chảy dài như suối xuống tận ngang hông. Đó là tôi chưa muốn nói về vóc dáng rất đỗi hài hoà của Bống với những đường cong đầy nữ tính mà tôi không biết phải kể ra ở đây như thế nào. Cuộc gặp gỡ hôm đó diễn ra thật chóng vánh nên hai đứa chẳng kịp nói chuyện gì cả, chỉ hỏi nhau vài câu qua quít rồi Bống đi hái rau còn tôi quay về nhà. Trước mắt tôi, Bống đã thay đổi rất nhiều. Bống đã là hoa khôi trong làng mà bao chàng trai phải khao khát. Nhưng trong sâu thẳm, Bống vẫn là cô bé mò tôm bắt cá và là bạn học hồn nhiên chân thành ngày nào của tôi. Nghĩ thế, tôi không bị chi phối bởi những ý nghĩ thông thường của một nam thanh niên trước vẻ đẹp mê hồn và mộc mạc của Bống.

 

Vẻ đẹp hoàn mỹ của Bống khiến đám trai tơ trong làng tìm cách tiếp cận tán tỉnh hoặc để được lọt vào mắt xanh của Bống. Tiếng đồn về vẻ đẹp của Bống không chỉ dừng lại trong xã mà còn bay sang nhiều xã lân cận. Con trai từ các xã bên cũng nô nức kéo về xóm tôi để tìm cơ hội gặp Bống. Thanh niên làng tôi vốn đã dày công chăm sóc Bống, nay thấy có những người lạ mặt vào xóm lăm le lấy mất cơ hội của họ thì điên tiết lắm nên bàn nhau vây đánh những thanh niên lạ mặt. Thế là các cuộc rình rập, chặn đường, đánh nhau cứ diễn ra triền miên. Kẻ hộc máu mồm, người què chân, kẻ lại bươu đầu, làm ầm ĩ cả làng lên. Nhiều lần công an xã phải lao vào can thiệp nhưng những cuộc đụng độ ấy chỉ tạm lắng xuống. Bọn thanh niên làng tôi sợ công an bắt được nên kéo nhau ra ngoài làng, chặn các ngả đường liên xã, tập trận đón đánh đối thủ từ các xã khác. Kết quả là, những trận ẩu đả giữa đám thanh niên nhằm giành giật cơ hội tán tỉnh Bống vẫn cứ rả rích diễn ra ngoài tầm kiểm soát của công an xã.

 

Nhớ lại một lần về thăm quê bằng xe đạp, vừa đi qua ngõ thì thấy Bống đang rửa rau lợn ngoài cầu ao, tôi buột miệng gọi Bống làm cô bé giật mình nhìn lên rồi bỏ chạy một mạch vào chiếc ngõ ống nơi trước đây Bống vẫn thường đợi tôi, mặc cho cái rổ xề vẫn đang còn xoay tròn rùng rình dưới nước. Bống đang cố tránh mặt tôi. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao Bống lại phản ứng như vậy. Nhưng sau bữa trưa hôm đó, tôi đã tìm ra lời giải cho thắc mắc của mình. Có lẽ Bống đang yêu nên không muốn sự hiện diện của tôi làm xáo trộn tình cảm trong Bống. Vì vậy, tôi quyết định không gặp lại Bống nữa để Bống được thanh thản theo con đường Bống đang chọn. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy quyết định không gặp Bống là hoàn toàn đúng vì quê tôi người ta sống với nhau thân mật lắm, có chuyện gì là cũng kháo nhau ầm ĩ. Nhiều khi chuyện bằng con kiến, họ cũng có thể làm cho nó to như củ khoai. Nếu lúc đó tôi gặp Bống thì rất có thể người ta sẽ thổi phồng câu chuyện, rồi thì Bống sẽ lại khổ.

 

Khi tôi đang học năm thứ ba thì nghe tin Bống yên bề gia thất với một thanh niên cùng xóm, có tiếng là giỏi võ tổng hợp và biết tính toán làm ăn. Tôi rất mừng cho Bống và muốn mua tặng Bống một món quà cưới sao cho thật ý nghĩa với những kỷ niệm đồng quê tôm cá. Nhưng món gì cũng thấy được mặt này thì lại hỏng mặt kia. Nhiều món quà Bống sẽ rất thích nhưng có thể sẽ lại là cái gai trước mắt chồng Bống, vậy nên quà chẳng đem lại cho Bống hạnh phúc thêm mà lại còn vô tình làm hại đến Bống. Tôi đành từ bỏ ý định mua quà mà chỉ cho tiền mừng vào trong một phong bì, bên ngoài có ghi vẻn vẹn ba từ: “Chúc mừng Bống” rồi nhờ mẹ đem sang tặng Bống.

 

Vẫn biết là trong tôi, Bống luôn như cô bé hồn nhiên ngày nào, nhưng hôm Bống đi lấy chồng lòng tôi có một cảm giác gì khó tả lắm. Nhất định đó không phải là cảm giác ghen tuông, lại càng không phải là cảm giác bị Bống bỏ rơi. Tôi thấy như tình bạn của hai đứa đang bình lặng bỗng như bị ai đó xới lên để rồi bao kỷ niệm cứ vậy tuôn về

trong ký ức. Rồi hôm nay Bống đi lấy chồng làm thước phim kỷ niệm ấy bị gián đoạn và đó là cội nguồn của những xung động tình cảm kỳ lạ trong tôi.

 

Ngày Bống lấy chồng ai cũng mừng cho Bống đã chọn được người chồng xứng đôi phải lứa. Nhiều người trong làng vẫn thường khen vợ chồng Bống là một đôi trai tài gái sắc. Nhưng chẳng hiểu sao cưới nhau được hơn ba năm rồi mà Bống vẫn chưa có con. Thế là miệng lưỡi thế gian lại đồn thổi. Nhiều người cho rằng Bống có số hồng nhan bạc phận, đẹp thì đẹp thật nhưng rồi không khổ về đường nọ thì cũng khổ về đường kia. Có người ác mồm ác miệng thì lại nói Bống đẹp thì có đẹp nhưng lại bị điếc. Thứ ấy mà điếc thì cho cũng chẳng ai lấy. Bống phải sống những ngày tháng nhẫn nhục trước những lời đắng cay nơi miệng lưỡi người đời. Cũng may chồng Bống là người tốt nên không vì những lời đồn thổi mà hắt hủi Bống. Họ vẫn cùng nhau chồng thì chạy chợ vợ thì làm đồng rồi cũng có tí vốn làm nhà và dựng một gian hàng xén bán đồ tiêu dùng vặt vãnh và thức ăn gia súc ngay trên mặt đường liên xã. Nhưng kể ra suốt ngày hai vợ chồng lủi thủi mà chẳng có đứa con bi bô thì cũng tủi lắm. Khi đó tôi vừa tốt nghiệp đại học cũng có biết sơ qua về nguyên nhân vô sinh và các bài thuốc chữa vô sinh nên định bụng nói cho Bống biết về chuyện đó. Nhưng nghĩ mãi tôi cũng không biết nên gặp gỡ Bống như thế nào và bắt đầu câu chuyện ra sao để dân làng và chồng Bống không hiểu sai về quan hệ giữa hai chúng tôi. Trăn trở mãi tôi quyết định đến mua một món đồ ở quán nhà Bống để nhân đó khuyên Bống cùng chồng lên tỉnh khám cho cụ thể mới biết đường mà chạy chữa.

 

Tận ba năm sau đó tôi mới nhận được tin từ một người bà con rằng Bống đã sinh con trai. Năm ấy, tôi đã chuyển công tác từ Thái Bình lên Hà Nội (cuối năm 1999) rồi mua nhà và ở đó cùng vợ con. Không cần biết bằng cách nào Bống có con nhưng tôi thấy mừng cho Bống vì đã được làm mẹ, mừng vì Bống đã có một đứa con trai để an ủi số phận hẩm hiu của mình. Đã sáu năm qua kể từ ngày đi lấy chồng, chắc Bống đã ngày đêm mong mỏi có một mụn con. Hẳn đã có lúc Bống lại đổ cho số phận và ngậm ngùi nuốt khát vọng vào lòng. Giờ thì khao khát ấy đã được đền đáp và Bống đang nhìn thấy một chân trời mới, một khát vọng mới, khát vọng được chăm sóc đứa con và cho nó ăn học nên người. Tôi tin rằng Bống sẽ thực hiện được điều ước đấy bằng tất cả những bài học mà Bống từng được nếm trải.

 

Sau khi Bống sinh cháu được chừng hai năm thì tôi về quê để chào mọi người trước khi đi học thạc sĩ ở Mỹ. Bố tôi lại tổ chức liên hoan mời mọi người trong xóm đến chia vui. Mẹ con Bống cũng đến. Nhìn Bống lúc đó đẹp lắm, còn đẹp hơn lúc chưa cưới nhiều. Đến nhà tôi chơi mà người ta không tiếc lời khen ngợi. Các bà đã đứng tuổi thì tấm tắc: “Đúng là gái một con trông mòn con mắt”. Cánh đàn ông đã có gia đình thì có vẻ bỗ bã hơn: “Nom em Bống còn mát mắt hơn cả những em gái chưa chồng làng mình. Thế mới bất công chứ.” Nói xong, các bố nhà ta phá lên cười. Còn những thanh niên chưa vợ thì không dám lên tiếng sợ phạm thượng. Nhưng nhìn vào những đôi mắt hau háu của họ thì cũng đủ biết là Bống hấp dẫn đến mức độ nào. Đúng thật, vẻ đẹp của Bống có nói đến bao nhiêu lần thì người ta vẫn cứ muốn nghe. Bao nhiêu nét đẹp của con gái hình như dồn hết cho Bống. Mái tóc dài đen óng như hình ảnh vẫn được quảng cáo trên ti vi đối hẳn với nước da trắng ngần mịn như sát bột nếp mà hồi bé có màu nâu bóng. Rất có thể từ khi có con, làn da ấy đã được tưới thêm dòng máu của người mẹ đang tràn đầy hạnh phúc sau những năm khao khát mà thay đổi làm vậy. Hàm răng xỉn nhựa chuối truyền thống không hề làm thuyên giảm vẻ đẹp quá hiển nhiên của Bống mà lại càng làm tôn thêm nét duyên dáng và sự chân chất mộc mạc của cô gái đồng quê. Thằng cu thì rõ là bụ bẫm. Trông nó đen giòn như cục đồng hun, rắn rỏi khoẻ mạnh và nghịch như ông cướp con. Chân tay nó chẳng lúc nào yên, cứ nhoài người ra đòi hết cái này đến cái khác. Mồm nó nói liên hồi thứ ngôn ngữ mà chỉ mẹ nó mới hiểu...

 

Hai mẹ con chơi với tôi và truyện trò với mọi người một lúc thì bồng bế nhau ra về. Trước khi nói lời từ biệt, Bống đưa tôi túi khế, giống hệt túi khế mà Bống tặng tôi trước lúc đi học đại học. Nhưng lần này, cách Bống tặng túi khế cho tôi mang phong thái của một người trưởng thành nên rất chững chạc, đoạn xóc thằng bé lên ngang nách rồi nói:

-Khế nhà bà ngoại em rất sai. Chiều nay em sang nhà bu vặt cho anh một ít để anh mang lên trên đó ăn cho đỡ nhớ quê.

 

Tôi thật bất ngờ và cảm động trước tấm lòng chân thành của Bống. Đã bao năm qua, cho dù giờ đây cuộc sống của Bống đã khá giả hơn nhiều, cho dù tôi đã bơn trải nay đây mai đó, nhưng Bống vẫn nhớ đến thuở hai đứa còn cắn chung với nhau từng quả khế. Bống không giống bao người khác khi đến chia vui với gia đình tôi là phải nặng nề vì lễ nghĩa. Hễ đến liên hoan là họ phải cho tôi tiền hay cái gì đó thuộc về vật chất thì mới yên tâm mà ra về. Chỉ có Bống là để ý đến sở thích của tôi, để ý đến những kỷ niệm sâu lắng trong tôi, và quan tâm đến giá trị tinh thần của một người con sắp xa quê hương. Bống đã mang hình ảnh quả khế đến để gợi lại trong ký ức tôi về

 

những kỷ niệm đồng quê, về những giá trị cao đẹp, giản dị, nhưng sâu sắc của người được sinh ra và lớn lên cùng với hương đồng gió nội. Bống không hề nói gì về những kỷ niệm của hai đứa, nhưng túi khế đã nói lên tất thảy. Sự giản dị và sâu lắng của Bống thật sự là cái mà tôi không thể nào quên được. Món quà Bống đem tặng tôi thật đơn giản: vẫn là quả khế, lần nào cũng là quả khế, và sẽ mãi mãi vẫn là quả khế nhưng sự nâng niu và trân trọng những kỷ niệm đồng quê của Bống làm cho hương vị của tình bạn giữa hai chúng tôi cứ mãi đậm đà. Có lẽ trong lòng Bống, hình ảnh về quả khế và những lúc hai đứa chấm mắm tôm ăn chung vẫn là hình ảnh sâu đậm nhất bởi nó gợi lại cho Bống hình ảnh con rái cá đồng quê đen đủi song chân thành, con rái cá mà Bống gần như dành trọn thời thơ ấu để cùng nó lang thang khắp các nẻo đồng, mò tôm bắt cá và gửi lại nơi đồng quê bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Hôm nay con rái cá ấy lại lần nữa ra đi, mang theo dấu ấn đồng quê, mang theo cả chuỗi kỷ niệm của hai thần đồng bắt cá.

Đúng là ở đời có hợp lại có tan. Quả khế đã một thời vô tình chắp cánh cho tình bạn của chúng tôi thì giờ đây nó lại một lần nữa là nhân chứng của sự xa cách. Đưa túi khế cho tôi xong, Bống tươi cười chúc tôi thượng lộ bình an rồi bế con quay ngoắt, một mạch đi thẳng ra cổng không hề ngoảnh lại nhìn tôi. Tôi hiểu, Bống đã phải làm vậy để cố giấu đi một khoảnh khắc xúc động không nhất thiết là phải thể hiện ra trước mặt tôi vào thời điểm đó.

Thấm thoắt đã hết hai năm du học ở Mỹ, tôi trở về thăm quê. Nghe nói vợ chồng Bống đã rất khá giả nên cuộc sống khá phong lưu. Chồng Bống đã là chủ thầu của một món hàng thủ công mỹ nghệ ở địa phương, còn Bống trở thành bà chủ nhỏ, chuyên quản lý và phân phối những mặt hàng mà chồng thầu về. Chắc cũng bận lắm nhưng Bống dành nhiều thời gian để chăm sóc đứa con trai như là đang cố gắng thực hiện một hoài bão lớn lao mà Bống đã xác định là dành cho đứa con mình.

Lần đó về thăm quê, tôi có phóng xe máy đến một chợ cóc ở quê gọi là chợ Từ Đường. Tôi đang mải chọn mấy miếng thịt lợn về cho bố làm cơm chiêu đãi họ hàng thì nghe như tiếng Bống văng vẳng đằng sau nên quay ngoắt lại và ngỡ ngàng nhìn thấy mái tóc đen mượt như mớ nhung trải trên một thân hình rất cân đối rồi xoã xuống ngang hông trông thật đài các. Đúng là Bống thật rồi. Cả thằng cu con cũng đang bám hông mẹ nó bên cạnh chiếc xe đạp phượng hoàng được dựng ngay ngắn trên chân chống giữa còn đang xè xè vì bánh sau vẫn chưa dừng hẳn. Chắc mẹ con Bống vừa mới xuống chợ. Bống mặc chiếc áo hồng tươi, hệt như chiếc áo ngày bé Bống mặc và làm rách khi chui qua dậu tre nhà tôi nên bị bu đánh. Chiếc áo làm tôi hồi tưởng về những ngày bị ốm nằm nhà do cá bò đánh, cùng những kỷ niệm ngây ngô về con đinh trê. Khi tôi đang vừa nhìn mẹ con Bống vừa hồi tưởng về quá khứ thì bà hàng thịt gọi giật lại:

-Thế chú không xem thịt hay sao mà lại nhìn ngó đâu vậy?

Câu hỏi rất chuyên nghiệp của bà chủ làm Bống ngoái lại theo phản xạ và reo lên khi nhận ra tôi:

- Ôi bác Tung. Bác đã học xong rồi à? Mấy tí mà đã hết hai năm bác nhỉ?

Lần đầu tiên tôi nghe Bống gọi tôi là bác nên thấy không quen, thậm chí có phần hơi bối rối. Bống đã thay đổi rất nhiều trong cách xưng hô. Có lẽ khi gặp riêng tôi, Bống gọi tôi là anh. Nhưng bây giờ trước mặt bàn dân thiên hạ, có lẽ gọi như vậy theo lề làng thói xóm là không thích hợp mà phải gọi bằng bác thay cho đứa con trai mới là hợp tình hợp lý. Một thoáng bối rối qua đi, rồi tôi cũng trấn tĩnh lại và đáp lời Bống:

- Cám ơn Bống... à... à mình học xong rồi.

Tự nhiên tôi thấy câu trả lời ấy rất khách sáo. Đây đúng là một tình huống bất ngờ đối với tôi vì hai đứa lại gặp nhau ở nơi đông người thế này. Trước đây tôi vẫn xưng với Bống là người ta còn Bống gọi tôi bằng anh. Nhưng hôm nay, Bống gọi tôi bằng bác thì lối xưng hô bằng người ta như vậy sẽ không phù hợp lắm. Vả lại, xưng anh thì từ trước đến giờ chưa nói, hôm nay mà nói thì cũng ngượng lắm. Vậy tôi xưng là mình là an toàn hơn cả. Xong cái câu cửa miệng của người Mỹ là “Thank You” dịch ra tiếng việt là cám ơn đã dính vào đầu lưỡi tôi từ hồi nào nên đáp lời Bống là tôi cám ơn luôn. Chắc Bống nhận thấy sự lạ lẫm trong cách giao tiếp của tôi nên mặt đỏ bừng lên rồi đánh trống lảng chữa ngượng:

- Nom bác dạo này khác thế! Nếu từ xa thì chắc em chẳng thể nhận ra.

Tôi chỉ mỉm cười. Tiếng Bống thật trong trẻo và nhẹ nhàng nhưng không giấu đi được vẻ mộc mạc đầy chất quê. Khi hai người tiến lại gần sát nhau thì thằng bé giương tròn mắt hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Bác này nhìn lạ quá! Ai đấy hả mẹ?

Câu hỏi của thằng bé thật ngây ngô và dễ thương làm cả tôi và Bống cùng bật cười. Thằng bé nói rất đúng bởi lúc đó tôi để đầu bốc, đeo cặp kính cận không vành cùng bộ râu quai nón lồm xồm. Đối với trẻ ở quê thì bộ dạng ấy quả là rất lạ. Tôi cúi xuống định bế thằng bé thì nó lỏn luôn ra phía sau lưng Bống, thò đầu qua hai chân mẹ nhìn tôi chằm chằm. Bống vừa vòng tay ra sau xoa đầu thằng bé vừa kéo dài giọng nói với nó như muốn cho nó hiểu đôi điều về tôi:

- Bác Tung này ngày xưa bắt tôm cá giỏi lắm. Lớn lên con có thích đi bắt cá như bác không?

Thằng bé kháu khỉnh chẳng nghĩ ngợi gì sất mà nói luôn:

- Nhưng mà mẹ mua tôm rồi cần gì phải bắt nữa.

 

Vừa nói xong, nó buông tay khỏi quần Bống, chạy ra phía giỏ xe, cố với lên để lấy túi tôm đang nằm trong đó nhưng thấp quá nên đành cầu cứu đến Bống mới lấy được. Hoá ra Bống chở con xuống chợ mua tôm. Thằng bé chạy lại dúi túi tôm vào tay tôi như một hành động vô thức của một đứa bé bốn tuổi rồi lại quay lại bám vào chân mẹ nó.

 

Hai người nói chuyện qua loa một lúc rồi Bống chào tôi ra về. Thằng bé nhận lại túi tôm từ tay tôi, lon ton chạy ra bám vào chân Bống để leo lên gác ba ga trước khi chiếc xe đạp lăn bánh đưa mẹ con Bống rời chợ. Trong bộ quần áo xinh xắn, sạch sẽ với chiếc dép quai hậu Bitis xanh đỏ cùng túi tôm trong tay, thằng bé là một hình ảnh hoàn toàn đối lập với hình ảnh đen thui, bẩn thỉu, và tiều tuỵ của tôi ngày bé. Tôi dõi theo chiếc xe đạp phượng hoàng mới cứng đang bóc lốp rào rào khỏi mặt đường mà lòng khấp khởi nghĩ về tương lai tươi sáng của đứa bé trong sự chăm sóc tận tình của người mẹ./.

 

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13  
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1591
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả