Khi tôi cầm bút viết đến những dòng chữ cuối này thì chợt tiếng chuông điện thoại reo. Tôi cầm ống nghe lên và nhận ra ngay giọng nói gấp gáp của nhỏ Bích:
- Mi biết tin gì chưa? Có kết quả tốt nghiệp rồi đó, lớp mình đậu hết rồi.
- Thật không nhỏ? Vả còn nhỏ Tuyền hôm đi thi bị bệnh, chỉ thi được hai môn rồi sao?
- Thì nhỏ Tuyền coi như không kể rồi. Ai ngờ đâu tụi thằng Tiền, thằng Thanh, thằng Ngọc cũng đậu ha mày. Nếu rảnh vô trường đi. Ở đây đang đông vui ghê lắm. Có cả các thầy cô cũng đến coi kết quả nữa… Ê, mày với Hiệp đậu cao lắm đó. Văn mười được 9 điểm rưỡi lận đó.
Đặt máy xuống mà tôi tưởng như mình đang nằm trong mơ. Oi, cái lớp 12A9 nổi danh là quậy và học dốt nhất khối 12 thế mà bây giờ lại đậu tốt nghiệp gần như 100%. Chắc cô chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn vui lắm. Tôi lại đạt điểm cao về môn Văn nữa… Ước gì trong kỳ thi đại học, tôi cũng đạt điểm cao để xứng đáng là học trò của cô nhỉ. Tôi vội vàng thay đồ đến trường.
Lúc này đã hơn 6h tối rồi mà khu văn phòng trường tôi rộn rã tiếng cười, tiếng nói. Hầu như toàn bộ học sinh của khối 12 đều có mặt .Trong phòng giáo viên, thầy hiệu trưởng, hiệu phó và nhiều thầy cô khối 12 đang chăm chú dò danh sách học sinh đậu của từng lớp. Tiếng thầy Khanh dạy Anh văn đầy ắp niềm vui:
- Năm nay trường mình trúng mùa lớn ghê ta. Mà cái lớp đáng khen nhất là 12A9 này nè. Ai đời học Anh văn 3 năm rồi mà không biết chia động từ to be, vậy mà rèn mãi cũng thành kim…
Thằng Hải có lẽ cảm động quá nên lắp bắp như cà lăm:
- Vậy là tụi… tụi con thành… thành … kim hết rồi ha thầy…
Thầy Khanh bật cười vỗ vỗ vai thằng hải như động viên như xẻ chia niềm vui đang reo vang mãi trong tâm hồn chúng tôi. Cô bước ra, với nụ cười rạng rỡ rên môi:
- Chưa thành kim đâu. Khi nào đậu được vào đại học thì mới là thành công. Đậu được tốt nghiệp mới chỉ là cái đà để mấy em có sức bật vươn tới ước mơ.
- Cô… cô cứ yên tâm… tâm đi. Tụi em sẽ cố gắng để… để … không phụ lòng… cô… đâu…
- Tụi em sẽ cố gắng hết sức mình. Cô cứ yên tâm đi ạ.
Hiệp nói và gương mặt của cậu ta lộ rõ sự quyết tâm đó. Tôi hiểu những lời nó ấy không phải là lời nói suông mà nó là quyết tâm của những con người buộc phải đương đầu với bao khó khăn để vươn lên. Và ngôi trường huyện bé nhỏ này đã là chiếc nôi nuôi dưỡng bao nhân tài. Từ vùng quê sông nước này, bao nhiêu chàng trai cô gái miền Tây đã ra đi, theo học ở các trường đại học. Trong 4, 5 năm xa quê ấy, những bức thư của họ gởi về cho cô chủ nhiệm như chất đầy nỗi nhớ quê hương. Họ nhớ từ con đường quê nhỏ bé, nhớ mùa nước nổi với dòng sông đỏ nặng phù sa, nặng tôm cá. Họ nhớ da diết những món ăn chế biến từ cá linh, từ bông súng, bông điên điển, rau muống đồng… Chính những nỗi nhớ ấy đã thôi thúc họ sau khi tốt nghiệp Đại học đã trở về quê hương, ghé vai cùng gánh vác xây dựng quê hương. Tôi biết trong số những chàng trai lớp tôi, sau khi thi xong đại học sẽ tranh thủ đi kiếm việc làm thêm để dành dụm tiền vào đại học. Như thế đó, những lớp người như chúng tôi sẽ lại tiếp nối thế hệ đàn anh đàn chị đi trước để tiếp tục xây dựng vùng đất này ngày một tươi đẹp thêm.
Hết