Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
632
123.243.931
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 3

3.

 

Lúc này, những vật dụng thiết thân mang theo mình bị bỏ lại trên tàu, và cùng với chúng, thứ sau cùng là những ảo giác của chúng tôi.

Cách mỗi hai thước có một lính SS cầm súng tiểu liên chỉa thẳng vô chúng tôi.  Tay trong tay, chúng tôi đi theo đám đông.

Một viên hạ sĩ quan SS tay cầm dùi cui đến gặp người cầm đầu chúng tôi.  Hắn ra lệnh:

Nam bên trái!  Nữ bên phải!”

 

Sáu tiếng ấy thốt ra bình thản, dửng dưng, không chút xúc cảm.  Sáu tiếng đơn giản, cụt ngũn.  Tuy vậy, đó là lúc tôi chia lìa mẹ mình.  Tôi không có thời giờ suy nghĩ nhưng cảm thấy bàn tay cha tôi bóp tay tôi: chúng tôi cô độc.  Trong một phần tích tắc, tôi thoáng thấy mẹ và em gái tôi đi sang phía bên phải.  Tzipora nắm tay Mẹ.  Tôi thấy cả hai biến mất chốn xa xa; mẹ tôi vỗ vỗ mái tóc đẹp của em tôi, chừng như để che chở nó.  Và tôi biết rằng tại nơi đây, vào khoảnh khắc này, tôi vĩnh viễn chia tay mẹ tôi và Tzipora.  Tôi tiếp tục bước.  Cha tôi nắm tay tôi.

 

Đằng sau tôi, một ông lão gục xuống đất.  Bên ông có một tên tính SS đang cắm súng lục vô lại bao súng.

Tay tôi níu cánh tay cha tôi.  Ý nghĩ duy nhất của tôi - chớ để mất ông.  Đừng để bị bỏ lại một mình.

Các viên chức SS ra lệnh:

“Xếp hàng năm!”

Rối loạn.  Bằng mọi giá cha con tôi phải ở bên nhau.

“Này nhỏ, mày mấy tuổi?”

Một trong các người tù hỏi tôi.  Tôi không thấy mặt nhưng nghe giọng người ấy căng thẳng và mệt mỏi.

“Cháu sắp mười lăm.”

“Không.  Mười tám.”

“Không đúng,” tôi nói.  “Mười lăm.”

“Đồ điên.  Nghe tao đi.”

Rồi ông hỏi tuổi cha tôi, cha tôi nói:

“Năm mươi.”

 

Người ấy nổi khùng hơn trước nữa.

“Không.  Đừng năm mươi.  Bốn mươi.  Các người hiểu không?  Mười tám và bốn mươi.”

Ông ta biến mất trong bóng đêm.  Người đàn ông thứ hai tới, làu bàu nguyền rủa chúng tôi.

“Tụi bây tới đây làm gì, tụi bây đồ chó đẻ, tụi bây tới làm chi đây?”

Có ai đó bạo gan trả lời hắn ta:

“Mày nghĩ cái gì vậy?  Mày tưởng tụi tao tới đây cho sướng cái thân à?  Mày cho là tụi tao xin xỏ để tới đây hả?”

Thiếu chút nữa là tên ấy giết kẻ vừa nói.

“Đóng cha cái mõm mày lại, đồ con lợn bẩn thỉu, bằng không tao bóp mày chết tươi tại chỗ!  Thà chúng mày tự treo cổ ở nhà còn hơn tới chỗ này.  Mày biết cái gì chờ mày ở Auschwitz không?  Mày có từng nghe nói tới nó chưa?  Trong năm 1944 đó?”

Không, chúng tôi chưa từng nghe.  Chưa ai nói cho chúng tôi nghe.  Giọng hắn càng lúc càng tàn bạo:

“Tụi bây có thấy ống khói đằng kia không?  Tụi bây có thấy mấy ngọn lửa đằng kia không?  (Vâng, chúng tôi có thấy các ngọn lửa.)  Đằng kia kìa - tụi bây sắp bị đem vô chỗ đó.  Mồ mã tụi bây đó, đằng kia kìa.  Tụi bây chưa nhận ra à?  Tụi bây sắp bị thiêu.  Rán xèo xèo.  Ra tro hết.”

Hắn càng nói càng điên tiết loạn cuồng.  Chúng tôi đứng không cục cựa,  chết điếng.  Chắc chắn đó chỉ là ác mộng thôi!  Một ác mộng ngoài sức tưởng tượng?

Tôi nghe có lời thì thầm quanh mình.

“Chúng ta phải làm một cái gì chớ.  Không thể để mình bị giết.  Không thể để giống con vật cho tên đồ tể.  Chúng ta phải nổi loạn đi chớ.”

Trong chúng tôi có một số thanh niên khoẻ mạnh,  mang theo dao.  Người ta đang ra sức xúi giục người khác nhào vô phía lính gác có vũ trang.

Một thanh niên la lên:

“Hãy để thế giới biết sự hiện hữu của Auschwitz.  Hãy để mọi người nghe tới nó một khi chúng ta có thể trốn thoát...”

 

Những người lớn tuổi hơn năn nỉ con cái mình chớ làm điều gì rồ dại.

“Các con đừng bao giờ mất đức tin cho dù gươm kề cổ.  Đó là lời các đấng khôn ngoan đã dạy chúng ta...”

Cơn gió nổi loạn tàn.  Chúng tôi tiếp tục cuộc diễu hành của mình tới quảng trường.  Đứng giữa quảng trường là Tiến sĩ Mengele quí tộc lừng danh thiên hạ (một quan chức SS điển hình: nét mặt tàn nhẫn nhưng không phải là không trí tuệ, đeo kính một mắt); gậy chỉ huy trong tay, hắn đứng giữa các viên chức khác.  Cây gậy của hắn liên tục chuyển động, khi qua phải, khi về trái.

Tôi ở trước mặt hắn:

“Con bao nhiêu tuổi?” hắn hỏi, cố làm ra vẻ giọng một người cha.

“Mười tám.”  Tiếng tôi run run.

“Sức khoẻ con tốt không?”

“Tốt.”

“Con làm nghề gì?”

Tôi có nên nói mình là học sinh không?

“Làm nông,” tôi nghe giọng mình nói.

 

Cuộc trò chuyện không dài hơn vài giây nhưng đối với tôi dường như vô tận.

Gậy đưa về bên trái.  Tôi rướn người lên nửa bước.  Tôi muốn trước hết thấy họ đưa cha tôi về bên nào.  Nếu ông qua phía bên phải, tôi sẽ đi theo ông.

Gậy lại cũng chỉ ông về bên trái.  Tim tôi thấy nhẹ nhỏm.

Chúng tôi chưa biết phải trái bên nào tốt hơn; bên nào dẫn tới nhà tù và bên nào đưa vô lò thiêu.  Nhưng tạm thời tôi sung sướng; được ở gần cha.  Đám diễu hành của chúng tôi chầm chậm tiến về đằng trước.

Một tù nhân tới với chúng tôi:

“Vừa bụng chớ?”

“Vâng,” ai đó trả lời.

“Ôi những tên khốn khổ, các ngươi sắp vô lò thiêu.”

Người ấy có vẻ đang nói thật.  Cách chúng tôi không xa, từ đường mương đang bốc lên lửa ngọn, các ngọn lửa to tướng.  Người ta đang thiêu cái gì đó.  Có chiếc xe tải đổ lại nhà trạm và nhả xuống cái nó chở: trẻ con.  Trẻ con!  Vâng, tôi thấy, tận mắt mình thấy... những đứa trẻ ấy trong lửa.  (Thật ngạc nhiên là sau đó tôi lại có thể ngủ được?  Giấc ngủ đã không bỏ con mắt mình mà đi).

Như thế, đó là nơi chúng tôi đang đi tới.  Xa hơn chút có một đường mương khác và rộng hơn dành cho người lớn.

 

Tôi véo mặt mình.  Tôi còn sống không?  Tôi có tỉnh ngủ không?  Chẳng thể nào tin nổi.  Làm sao họ có thể thiêu người ta, thiêu trẻ con, mà thế giới lại có thể chẳng lên tiếng gì cả?  Không, việc này không có chút nào thật cả.  Chỉ là ác mộng...  Chẳng bao lâu tôi giật mình tỉnh lại, tim đập mạnh, thấy mình ở trong phòng ngủ thời thơ ấu, giữa các cuốn sách của mình.

 

Tiếng cha tôi lôi tôi ra khỏi ý nghĩ:

“Thiệt là tủi... tủi là con đã không thể đi với mẹ con...  Cha thấy nhiều cậu bé cùng tuổi con đi với mẹ chúng...”

Giọng ông buồn kinh khủng.  Tôi nhận ra là ông không muốn thấy điều người ta sắp đối xử với tôi.  Ông không muốn thấy đứa con trai độc nhất của mình bị thiêu chết.

Trán tôi đẫm mồ hôi lạnh.  Nhưng tôi nói với ông là tôi không tin rằng người ta có thể thiêu những đứa trẻ lứa tuổi tôi, rằng loài người sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho việc đó...

“Loài người?  Loài người chẳng quan tâm tới chúng ta đâu.  Ngày nay, người ta để cho xảy ra mọi sự.  Bất cứ cái gì cũng đều có thể, kể cả các lò thiêu này...”

 

Tiếng ông nghẹn lại.

“Cha ơi,” tôi nói, “nếu thế thì con chẳng muốn ở đây chờ.  Con sẽ chạy tới hàng rào kẽm gai có gài điện kia.  Thà làm vậy còn tốt hơn đau đớn chầm chậm trong lò thiêu.”

Ông không trả lời.  Ông đang ứa nước mắt.  Người ông run rẩy co giật.  Có ai đó bắt đầu đọc kinh Kaddish, lời cầu hồn cho kẻ chết.  Tôi không biết trước đây trong lịch sử lâu dài của người Do thái có bao giờ xảy ra việc người ta tự mình đọc lời kinh cầu hồn kẻ chết cho chính mình chưa.

“Yityadal veyikadach shmé raba...  Nguyện Danh Ngài đầy ơn phước và đáng tán tụng...” cha tôi thì thầm.

 

Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy lòng mình bùng lên nổi loạn.  Tại sao tôi phải cầu khẩn danh Ngài?  Đấng Hằng cửu, Chúa tể Càn khôn, Đấng Toàn năng và Đáng Kinh  sợ đang im lặng.  Tôi cảm tạ Ngài vì cái gì đây?

Chúng tôi tiếp tục đám rước của chính mình.  Từ từ chúng tôi tới gần đường mương hơn, từ nơi đó bốc lên hơi nóng thiêu đốt.  Vẫn phải đi thêm hai mươi bước nữa.  Nếu tôi muốn cái chết xảy tới cho bản thân thì  đúng là lúc này đây.  Lúc này, hàng người chúng tôi chỉ còn cách đường mương mười lăm bước.  Tôi cắn môi để cha tôi không nghe tiếng răng tôi đánh lập cập vào nhau.  Còn mười bước.  Tám.  Bảy.  Chúng tôi chầm chậm bước tiếp, như thể đang bước theo chiếc xe tang ma của chính mình.  Bốn bước nữa.  Ba bước.  Lúc này nó đó, ngay trước mặt chúng tôi, nhà trạm và các ngọn lửa của nó.  Tôi tập trung hết sức hơi còn lại của mình để có thể tách mình ra khỏi hàng, gieo mình vào hàng rào kẽm gai.  Trong tận cùng con tim, tôi chào vĩnh biệt cha tôi; và cả chính tôi, những lời tự chúng hình thành và thoát ra thành tiếng thì thầm trên môi tôi: Yityadal veyikadach shmé raba... Nguyện Danh Ngài đầy ơn phước và đáng tán tụng... Tim tôi vỡ tung.  Phút giây đã tới.  Tôi sắp mặt đối mặt với Thần chết.

Không.  Cách nhà trạm hai bước, chúng tôi được lệnh quay sang phải, đi tới một ba-rắc.

Tôi bóp tay cha tôi.  Ông nói:

“Con có nhớ bà Schachter, trên chuyến tàu?”

 

Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm đó, đêm đầu tiên ở trại, đêm xoay chuyển đời tôi thành một đêm trường, bảy lần bị nguyền rủa và bảy lần bị đóng dấu.  Sẽ không bao giờ tôi quên được làn khói đó.  Sẽ không bao giờ tôi quên được khuôn mặt nhỏ nhắn của những đứa trẻ, mà da thịt chúng biến thành các luồng khói cuồn cuộn dưới bầu trời xanh thẳm lặng câm.

 

Sẽ không bao giờ tôi quên được những ngọn lửa đã thiêu rụi mãi mãi Đức tin của tôi.

Sẽ không bao giờ tôi quên được sự yên lặng hoài cảm đó đã tước đoạt đến tận cùng thiên thu nỗi khát khao được sống của tôi.  Sẽ không bao giờ tôi quên được những khoảnh khắc lúc đó Thượng đế của tôi, linh hồn của tôi bị giết chết và biến những giấc mơ của tôi thành tro than.  Sẽ không bao giờ tôi quên được những điều đó cho dù tôi có bị kết án sống lâu như chính Bản thân Thượng đế.  Không bao giờ.

 

Ba-rắc chúng tôi được lệnh đi vào có chiều dọc rất dài.  Trên mái có các cửa sổ màu xanh nhạt.  Phòng chờ của Hoả ngục chắc giống thế này.  Để quá nhiều người lên cơn điên, quá nhiều người than khóc, quá nhiều tàn bạo đầy thú tính.

Hàng chục tù nhân tiếp đón chúng tôi, tay cầm dùi cui, vung lên đập túi bụi vào bất cứ chỗ nào, bất cứ người nào, bất cứ lý do gì.  Lệnh:

“Cởi áo quần! Lẹ lên!  Chỉ được cầm dây nịt và giày trên tay...”

Chúng tôi phải liệng quần áo mình vào một đầu ba-rắc.  Ở đó đã sẵn một đống.  Áo vét mới lẫn cũ, áo khoác rách, giẻ.  Đối với chúng tôi, việc thật sự bình đẳng là:  trần truồng.  Run lẩy bẩy trong gió buốt giá.

Vài viên chức SS đi quanh ba-rắc, tìm coi ai khoẻ mạnh.  Nếu chúng ưa sức vóc thì có lẽ mình cứ thử tự nhận là người khoẻ mạnh xem sao.  Cha tôi nghĩ ngược lại.  Tốt nhất là đừng để mình bị chú ý.  Lúc đó số phận của mình sẽ giống như số phận của những người khác.  (Về sau, chúng tôi thấy là ông có lý.  Những người được chọn ra hôm đó bị đưa vào danh sách Sonder-Kommando, toán lao động ở lò thiêu.  Bela Katz - con của một thương gia lớn chung thành phố với chúng tôi - tới Birkenau trong chuyến chuyên chở đầu, trước chúng tôi một tuần.  Nghe chúng tôi tới, anh cố chuyển lời nhắn chúng tôi rằng, vì được chọn theo sức vóc của mình, anh đã chính tay mình đưa thân xác cha mình vô lò thiêu.)

Các cú dùi cui tiếp tục giộng tới tấp như mưa.

“Đi hớt tóc.”

Tay cầm dây nịt và giày, tôi lê mình tới thợ hớt tóc.  Họ hớt trọc đầu tôi bằng tông-đơ và cạo sạch sành sanh lông tóc toàn thân chúng tôi.  Lúc nào trong óc tôi cũng chỉ lùng bùng một ý nghĩ - đừng để bị tách ra khỏi cha mình.

 

Thoát bàn tay thợ hớt tóc, chúng tôi bắt đầu lang thang vào đám đông, gặp bạn bè và làm quen nhau.  Những cuộc gặp gỡ này làm chúng tôi hoan hỉ tràn trề - vâng, hoan hỉ - “Tạ ơn Thượng đế!  Ngài vẫn sống!”

Nhưng những người khác đang khóc lóc.  Họ dùng hết hơi sức còn lại mà than khóc.  Tại sao lại để cho mình bị mang tới đây?  Tại sao không thể chết trên giường của mình?  Tiếng nức nở làm uất nghẹn giọng nói của họ.

Đột nhiên có người vòng tay ôm cổ tôi: Yechiel, em trai của thầy cả ở Sighet.  Anh khóc tấm tức.  Tôi nghĩ là anh thổn thức với niềm vui còn được sống.

“Yechiel, đừng khóc,” tôi nói.  “Đừng phí nước mắt...”

“Không khóc ư?  Chúng ta đang trên ngưỡng cửa sự chết.  Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ bước qua... Cậu không hiểu à?  Làm sao mà tôi không khóc được?”

 

Qua các cửa sổ màu xanh nhạt, tôi có thể thấy bóng đêm dần dần nhạt nhòa.  Tôi không còn cảm thấy sợ.  Và rồi tôi mất tự chủ vì sự yếu đuối hoang sơ của mình.

 

Những người vắng mặt chẳng còn chạm tới tôi dù chỉ ở bề mặt của ký ức.  Chúng tôi vẫn nói tới họ - “Ai biết được nay họ ra thế nào?”  Có điều chúng tôi ít quan tâm tới số phận của họ.  Chúng tôi chẳng còn suy nghĩ được chút nào về bất cứ điều gì.  Giác quan của chúng tôi cùn lụt; mọi sự mờ mịt như trong sương mù.  Không còn nắm bắt được điều gì cả.  Những bản năng như tự bảo toàn, tự vệ, kiêu hãnh, tất cả đều đã bỏ chúng tôi mà đi.  Trong phút giây sáng suốt sau cùng này, đối với tôi dường như chúng tôi là những linh hồn bị nguyền rủa, đang lang thang nơi lưng chừng dương thế, những linh hồn bị kết án phiêu linh qua không gian cho tới lúc tận cùng của mọi thời đại, những linh hồn tìm kiếm sự cứu vớt của chính mình, tìm kiếm sự lãng quên - nhưng chẳng chút mảy may hy vọng nào tìm thấy được.

 

Khoảng năm giờ sáng, chúng tôi bị xua ra ngoài ba-rắc.  Các Kapo lại đập chúng tôi nhưng tôi không còn cảm thấy đau với các cú đánh của họ.  Gió buốt lạnh vây bọc chúng tôi.  Chúng tôi trần truồng, dây nịt và giày trong tay.  Lệnh truyền “Chạy!”  Và chúng tôi chạy.  Sau vài phút chạy, tới một ba-rắc mới.

Ở lối vào có một bể xăng.  Tẩy uế.  Mọi người nhúng mình vô đó.  Rồi tắm nước nóng.  Tắm cho lẹ.  Khi ra khỏi nước, chúng tôi bị xua ra ngoài.  Lại chạy.  Một ba-rắc khác, nhà kho.  Những chiếc bàn rất dài.  Hàng núi quần áo tù.  Tiếp tục chạy, khi chạy ngang mỗi bàn, chúng tôi được liệng cho quần, áo khoác, sơ mi và vớ.

Trong khoảnh khắc, chúng tôi chẳng giống con giáp nào.  Nếu hoàn cảnh không thê thảm có lẽ chúng tôi đã rống lên cười.  Không vừa vặn chút nào!  Meir Katz, một người to con, có chiếc quần con nít; và Stern, nhỏ thó gầy ốm, lại có chiếc áo khoác trùm được cả người.  Chúng tôi lập tức bắt đầu đổi quần áo cho nhau.

Tôi liếc mắt nhìn cha mình.  Ông thay đổi biết bao!  Mắt ông mờ dần.  Tôi muốn nói với ông mà chẳng biết nói gì.

 

Đêm tàn.  Sao mai đang lung linh trên bầu trời.  Tôi cũng đã thành một người hoàn toàn khác.  Cậu bé học sách Talmud, đứa trẻ tôi ngày trước đã bị đốt cháy trong lửa.  Cái còn lại là một hình dáng giống tôi.  Một ngọn lửa tối tăm đã nhập vào linh hồn tôi và thiêu rụi linh hồn tôi.

 

Chỉ trong vài giờ đã xảy ra quá nhiều chuyện khiến tôi hoàn toàn mất cảm giác thời gian.  Lúc nào chúng tôi rời nhà mình?  Vào biệt khu?  Và chuyến tàu?  Có phải chỉ mới một tuần?  Một đêm- chỉ vỏn vẹn một đêm thôi ?

Chúng tôi đã đứng như thế bao lâu trong gió buốt giá?  Hay một giờ?  Chỉ một giờ thôi?  Sáu mươi phút?

Chắc chắn đây chỉ là một giấc mơ.

 

Cách chúng tôi không xa có một số tù nhân đang làm việc.  Vài người đào hố, vài người khác chở cát.  Không ai trong họ để mắt tới chúng tôi.  Chúng tôi là cây héo khô trong tâm điểm của sa mạc.  Đằng sau tôi, có ai đó đang chuyện trò.  Tôi không chút nào thèm muốn nghe họ đang nói gì, thèm biết ai đang trò chuyện hoặc đang bàn tán gì.  Không ai dám lớn tiếng dù gần chúng tôi chẳng có lính canh nào.  Người ta thì thầm.  Có lẽ vì làn khói dày dặc kia đang làm ô nhiễm không khí và túm lấy cuống họng người ta...

 

Chúng tôi được lệnh tới một ba-rắc mới, trong “trại người gyp-sy”.  Dãy số năm.

“Và bây giờ, tụi bây ở lại đó!”

 

Nhà không nền.  Chỉ có mái và bốn bức vách.  Chân chúng tôi ngập trong bùn.

Chờ bắt đầu một giai đoạn khác.  Tôi lịm thiếp, ngủ đứng.  Tôi mơ thấy chiếc giường, thấy được mẹ tôi vuốt ve.  Và tôi tỉnh giấc: tôi đang đứng, chân lún trong bùn.  Một số người gục xuống, nằm tại chỗ.  Vài người khác la lên:

“Các ngươi có khùng không?  Người ta đã bảo phải đứng mà.  Bộ muốn đem rắc rối tới cho hết thảy chúng ta à?”

 

Như thể mọi rắc rối trên thế gian chưa tuôn xuống đầu chúng tôi!  Dần dà, hết thảy chúng tôi cùng ngồi bệt xuống trong bùn.  Nhưng hễ mỗi lần có tên Kapo nào vào tìm xem có ai mang giày mới không là chúng tôi phải liên tiếp nhau nhảy đựng lên.  Nếu ai có, phải cho hắn.  Kháng cự vô ích: những cú đánh sẽ tuôn xuống như mưa, và kết cục sau cùng là thế nào cũng mất đôi giày của mình.

 

Chính tôi cũng đang mang đôi giày mới.  Nó bị phủ một lớp bùn dày nên không ai để ý.  Bằng lời cầu nguyện ứng khẩu, tôi cảm tạ Thượng đế đã tạo ra bùn trong vũ trụ bao la và kỳ diệu của Ngài.

Thình lình, thinh lặng trở thành ngột ngạt.  Một viên chức SS đi vào, cùng với hắn là mùi của Thần chết.  Mắt chúng tôi dán chặt vào môi mép trần tục của hắn.  Đứng giữa ba-rắc hắn lên giọng dạy dỗ chúng tôi:

“Tụi bây đang ở trong trại tập trung,  tại Auschwitz...”

 

Ngừng một chút.  Hắn quan sát tác động câu nói hắn vừa phun ra.  Bộ mặt hắn ở mãi trong trí nhớ tôi cho tới hôm nay.  Một con người cao, chừng ba mươi tuổi, với sự độc dữ ghi hằn trên lông mày và trong tròng mắt hắn.  Hắn nhìn bao quát chúng tôi như thể ngó lũ chó ghẽ đang cố níu lấy sự sống của mình.

“Nhớ như thế,” hắn tiếp tục.  “Vĩnh viễn nhớ như thế.  Khắc vô tâm trí tụi bây như thế.  Tụi bây đang ở Auschwitz.  Và Auschwitz không phải là viện điều dưỡng.  Đây là trại tập trung.  Tại đây, tụi bây phải lao động.  Nếu không, tụi bây phải đi thẳng vô lò lửa.  Tới lò thiêu.  Lao động hoặc lò thiêu - do tay tụi bây chọn lấy.”

Trong đêm đó, chúng tôi đã sống qua quá nhiều, chúng tôi tưởng không gì còn có thể làm mình sợ nữa.  Nhưng những lời bặm trợn đó làm chúng tôi run lẩy bẩy.  Tiếng “lò lửa” ở đây không là một tiếng mang ý nghĩa trống rỗng: nó bồng bềnh trong không khí, trộn lẫn với khói.  Tại đây, có lẽ nó là tiếng độc nhất mang bất cứ ý nghĩa nào.  Hắn rời ba-rắc.  Những tên Kapo xuất hiện, gào lên:

“Tất cả thợ lành nghề - thợ ổ khoá, thợ điện, thợ đồng hồ - bước tới một bước!”

Những người còn lại trong chúng tôi được lệnh tới một ba-rắc khác, lần này là một nhà nền đá.  Chúng tôi được phép ngồi.  Phụ trách chúng tôi là một người gyp-sy bị trục xuất.

 

Thình lình cha tôi thấy đau bụng.  Ông đứng lên, đi tới người gyp-sy, lễ phép hỏi bằng tiếng Đức:

“Xin lỗi, xin ông vui lòng chỉ cho nhà cầu ở đâu?”

Người gyp-sy chầm chậm nhìn ông, từ trên xuống dưới, từ đầu tới chân.  Tựa như anh ta muốn tự thuyết phục mình rằng người đàn ông này thiệt sự là một tạo vật bằng xương bằng thịt, một con người đang sống với một thân thể và một cái bụng.  Rồi, như thể thình lình bị đánh thức khỏi giấc ngủ nặng nề, hắn giáng cho cha tôi một bạt tai mạnh tới độ ông ngã lăn ra đất, bò hai chân hai tay về lại chỗ của mình.

Tôi không nhúc nhích.  Chuyện gì xảy tới cho tôi vậy? Cha tôi vừa bị đập, ngay trước mắt tôi, và tôi không động đậy mi mắt.  Tôi ngồi yên nhìn và không nói tiếng nào.  Nếu là hôm qua, chắc tôi đã cào nát da thịt tên hung đồ ấy.  Thế có phải tôi đã đổi thay quá nhiều?  Quá nhanh?  Lúc này, hối hận bắt đầu gặm nhấm tôi.  Tôi chỉ nghĩ tới một điều:  Mình sẽ không bao giờ tha thứ cho mình chuyện đó.  Cha tôi hẳn đoán ra cảm giác của tôi.  Ông thì thầm vào tai tôi, “Cha không sao cả.”  Má ông còn hằn đỏ dấu bàn tay của gã ấy.

 

“Tất cả ra ngoài.”

Mười người gyp-sy đến nhập đoàn giám thị chúng tôi.  Roi da và dùi cui quật túi bụi chung quanh tôi.  Người tôi không biết là chân mình đang chạy.  Tôi cố núp sau những người khác, tránh các cú đập.  Trời nắng mùa xuân.

“Xếp hàng năm .”

Các tù nhân tôi để ý hồi sáng, đang làm việc ở bên cạnh.  Gần họ không có lính gác, chỉ có bóng của ống khói...  Sửng sờ vì nắng chói chang và đang mơ màng, tôi cảm thấy có người giật tay áo mình.  Cha tôi.  “Lẹ lên, con.”

Chúng tôi tiếp tục bước.  Các cánh cửa mở ra rồi đóng lại.  Chúng tôi đi giữa các hàng rào kẽm gai có điện.  Cách mỗi bước có một tấm bảng vẽ hình đầu lâu nhìn thẳng mặt chúng tôi.  Lời ghi: “Coi chừng.  Nguy hiểm tính mạng.” Khôi hài: có phải đây là nơi duy nhất chúng tôi không ở trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng?

Các gyp-sy dừng lại gần một ba-rắc khác.  SS thay thế họ, bọc quanh chúng tôi.  Súng lục, súng liên thanh, quân khuyển.

 

Cuộc diễu hành kéo dài nửa giờ.  Nhìn quanh, tôi để ý thấy dây kẽm gai ở đằng sau mình.  Chúng tôi đã rời trại.

Đó là một ngày tháng Tư đẹp trời.  Trong không khí có hương mùa xuân.  Mặt trời đang ở hướng tây.

Chúng tôi chỉ đi được ít lâu thì thấy hàng rào kẽm gai của một trại khác.  Trên cửa sắt của trại ấy khắc hàng chữ:

“Lao Động Là Tự Do”

Auschwitz.

 

Ấn tượng đầu tiên: nơi này khá hơn Birkenau.  Thay vì ba-rắc gỗ thì có các dãy nhà hai tầng kiên cố.  Có các vườn nhỏ.  Chúng tôi được dẫn tới một dãy trong khu tù nhân.  Ngồi trệt ở lối vào, chúng tôi bắt đầu buổi chờ đợi khác.  Thỉnh thoảng từng lượt người được lệnh đi vào.  Vào phòng tắm, một hình thức bắt buộc ở lối vào tất cả các trại.  Dù chỉ chuyển từ trại này qua trại khác nhiều lần trong một ngày, hễ cứ mỗi lần chuyển trại là một lần tắm.

 

Sau khi ra khỏi nước nóng, chúng tôi lại run lẩy bẩy trong trời đêm lạnh buốt.  Quần áo bị bỏ lại trong một dãy khác và chúng tôi được hứa cho quần áo khác.

Tới nửa đêm, chúng tôi được lệnh chạy.

“Chạy lẹ nữa lên,” lính gác gào lớn.  “Tụi bây chạy càng nhanh càng được vô giường sớm.”

Sau vài phút cùng nhau chạy như điên, chúng tôi tới trước một dãy khác.  Người tù phụ trách đang chờ.  Anh ta là một thanh niên  Ba lan, cười chào chúng tôi.  Anh bắt đầu nói với chúng tôi, dù mệt lã người chúng tôi vẫn nhẫn nại lắng nghe:

“Các bạn cùng tâm chí, các bạn đang ở trại tập trung Auschwitz.  Trước mặt là một con đường dài đau khổ.  Nhưng đừng mất can đảm.  Các bạn đã thoát được sự nguy hiểm trầm trọng nhất: là tuyển lựa.  Vậy lúc này hãy tập trung sức mạnh và chớ đánh mất nhiệt tâm của mình.  Hết thảy chúng ta sẽ thấy ngày giải phóng.  Hãy có niềm tin vào cuộc sống.  Trên tất cả những thứ khác, hãy có niềm tin.  Hãy quét sạch tuyệt vọng, hãy xua đuổi tử thần ra khỏi bản thân mình.  Không phải mãi mãi là địa ngục đâu.  Và lúc này, tôi có lời năn nỉ các bạn - hoặc đúng hơn, một chút lời khuyên: hãy sống đồng lòng với nhau.  Chúng ta hết thảy đều là anh em, và chúng ta đều chịu chung số phận.  Chung một luồng khói đang lềnh bềnh trên đầu tất cả chúng ta kia.  Hãy giúp đỡ nhau.  Đó là cách duy nhất để sống sót.  Tôi đã nói  đủ.  Các bạn mệt rồi.  Nghe đây.  Các bạn ở trong Dãy 17.  Tôi chịu trách nhiệm giữ trật tự ở đây.  Ai có điều gì khiếu nại về người khác thì có thể tới gặp tôi.  Thế thôi.  Các bạn có thể đi ngủ.  Hai người một sạp giường tầng.  Chúc các bạn ngủ ngon.”  Những lời nói đầu tiên mang tính người.

Vừa mới leo lên sạp là chúng tôi ngủ như chết.

 

Sáng hôm sau, những tù nhân “lão làng” đối xử với chúng tôi không chút gì tàn bạo.  Chúng tôi được tới chỗ rửa người.  Chúng tôi được cho quần áo mới.  Chúng tôi được có cà phê đen.

 

Chừng mười giờ, chúng tôi ra khỏi dãy để người ta vào làm vệ sinh.  Tinh thần rất phấn chấn, chúng tôi cảm thấy cái lợi lộc của giấc ngủ đêm qua.  Bạn bè gặp nhau, chuyện trò đôi câu.  Chúng tôi nói tới mọi việc trừ việc nhắc tới những người đã biến mất.  Ý kiến chung là chiến tranh sắp chấm dứt.

Khoảng trưa người ta mang tới cho chúng tôi xúp: mỗi người một dĩa xúp khá đầy.  Tôi không chịu chạm vào nó dù đang bị cơn đói hành hạ.  Tôi vẫn là chú bé ưa làm nũng như trước đây.  Cha tôi ăn suất xúp của tôi.

Chúng tôi ngủ trưa dưới bóng mát của các dãy nhà.  Tên viên chức SS trong ba-rắc bùn đêm trước chắc là nói dối.  Auschwitz thực tế là một nhà nghỉ ngơi...

 

Buổi chiều chúng tôi được lệnh xếp hàng.  Ba tù nhân mang tới một cái bàn và vài dụng cụ y khoa.  Từng người một, chúng tôi xăn tay áo trái, đi ngang chiếc bàn ấy.  Ba tù nhân “lão làng” tay cầm kim, xâm  số lên cánh tay trái chúng tôi.  Tôi thành A-7713.  Từ lúc đó, tôi không có tên gọi nào khác nữa.

Xế chiều, điểm diện.  Các toán lao động trở về.  Gần cửa, ban nhạc chơi các bản quân hành.  Mười ngàn tù nhân đứng thành hàng trong khi các viên chức SS kiểm tra số tù.

Sau điểm diện, tù nhân tản ra mọi dãy nhà tìm bạn bè, thân nhân và láng giềng đã tới đây trong những chuyến chuyên chở trước.

 

Ngày qua ngày.  Sáng, cà phê đen.  Trưa, xúp.  (Tới ngày thứ ba, tôi nuốt ngấu nghiến bất cứ thứ xúp nào.)  Sáu giờ chiều, điểm diện.  Rồi bánh mì và thứ gì đó.  Chín giờ, đi ngủ.

Chúng tôi đã ở tám ngày tại Auschwitz.  Trong một lần điểm diện chúng tôi đang không trông mong gì hơn ngoài tiếng chuông báo xong điểm diện.  Bỗng nhiên tôi nghe ai đó đang đi qua các hàng, hỏi:  “Ai là Wiesel ở Sighet?”

 

Kẻ đang tìm chúng tôi là một người nhỏ thó đeo kính, bộ mặt nhăn nheo khô choắt.  Cha tôi trả lời người ấy:

“Tôi Wiesel ở Sighet đây.”

Người nhỏ thó ấy nhìn ông một lúc lâu, mắt nheo lại.

“Chú không nhận ra cháu - chú không nhận ra cháu.  Cháu bà con với chú.  Chú quên cháu rồi à?  Stein đây! Stein ở Antwerp.  Chồng của Reizel.  Vợ của chú là cô của Riezel.  Cô ấy thường viết thư cho chúng cháu... viết nhiều thư lắm!”

 

Cha tôi không nhận ra người ấy.  Chắc là không biết được người ấy vì cha tôi lúc nào cũng bù đầu với công chuyện của cộng đồng Do thái và không nắm rõ lắm chuyện gia đình.  Trí óc ông không ở chỗ này thì cũng ở chỗ nọ, chìm lỉm trong các ý nghĩ.  (Có lần, một người chị họ đến thăm chúng tôi tại Sighet.  Chị ở với chúng tôi và ăn chung suốt hai tuần, sau đó cha tôi mới bắt đầu để ý tới sự có mặt của chị.)  Không, ông không thể nào nhớ ra Stein.  Về phần tôi, tôi nhận ra anh ấy ngay.  Tôi khá thân với Reizel vợ anh ấy trước khi chị dọn đi Belgium.

Anh ấy nói, “Cháu bị trục xuất năm 1942.  Cháu nghe có chuyến chở người từ xứ chú đến nên tới tìm chú.  Cháu nghĩ có lẽ chú có tin tức Reizel và lũ con trai nhỏ của cháu.  Mẹ con chúng bị rớt lại đằng sau ở Antwerp...”

Tôi không biết chút gì về họ.  Từ năm 1940, mẹ tôi không còn nhận được lá thư nào của họ.  Nhưng tôi nói dối:

“Vâng, mẹ em có nhận được tin của gia đình anh.  Riezel mạnh khoẻ lắm.  Các cháu cũng mạnh...”

Anh khóc vui mừng.  Anh muốn ở lại lâu hơn, nghe thêm chi tiết, hớp say sưa tin vui ấy, nhưng một tên SS đã tới, anh phải đi, và nói lớn với chúng tôi là mai anh trở lại.

Tiếng chuông báo hiệu giải tán.  Chúng tôi đi nhận bữa ăn chiều gồm bánh mì và bơ loảng.  Tôi đói kinh khủng, nuốt hết tại chỗ suất ăn của mình.

 

Cha tôi nói, “Con đừng ăn hết cả suất một lần.  Biết đâu chừng ngày mai đổi khác...”

Thấy lời khuyên mình nói ra đã quá trễ và suất ăn của tôi chẳng còn lại gì, ông không chịu bắt đầu suất ăn của ông.

“Phần cha, cha không thấy đói,” ông nói.

 

Chúng tôi ở Auschwitz đã ba tuần.  Không có việc gì làm.  Buổi chiều và buổi tối chúng tôi tha hồ ngủ.

Chỉ có mỗi một điều lo lắng là tránh đừng để mình bị đưa đi nơi khác, ở lại đây càng lâu càng tốt.  Điều ấy không khó; chỉ có việc đơn giản là đừng bao giờ để bị gán cho là thợ lành nghề.  Người lao động không tay nghề được giữ lại tới cùng.

 

Vào lúc bắt đầu tuần thứ ba thì tù nhân phụ trách dãy của chúng tôi bị cách chức, bị coi là quá nhân đạo.  Trưởng dãy mới của chúng tôi là một tên man rợ và những người phụ tá của hắn là những quái vật thật sự.  Qua rồi những ngày tốt lành.  Chúng tôi tự hỏi biết đâu tốt hơn là để cho mình được chọn lựa trong chuyến chuyên chở sắp tới.

Stein, người bà con chúng tôi ở Antwerp, tiếp tục tới thăm chúng tôi, thỉnh thoảng anh mang tới nửa suất bánh mì.

“Đây, cái này cho em, Eliezer.”

Hễ anh đến là nước mắt anh chảy ràn rụa đầy má, đông lại và đóng băng trên mặt.  Anh thường nói với cha tôi:

“Xin chú hãy chăm sóc con trai của chú.  Em nó quá yếu, khô người.  Chú hãy chăm sóc nó kỹ lưỡng, đừng để nó bị tuyển lựa.  Hãy ăn! Ăn gì và ăn lúc nào không thành vấn đề.  Ăn bất cứ thứ gì ăn được.  Người yếu không thể quanh quẩn ở đây lâu...”

 

Chính người anh cũng quá gầy, quá khô cằn, quá yếu...

“Điều duy nhất giữ cho cháu còn sống,” anh thường nói, “là Riezel và các con của cháu vẫn còn sống.  Nếu không vì mẹ con chúng, cháu không thể kéo dài được...”

Một tối, anh tới phía chúng tôi, mặt rạng rỡ:

“Có chuyến vận chuyển mới tới từ Antwerp.  Cháu sắp gặp họ ngày mai!  Chắc chắn người ta có tin tức.”

Anh đi ra.

Chúng tôi không gặp lại anh nữa.  Anh đã có tin tức.  Tin tức thật.

 

Buổi tối, nằm trên giường, chúng tôi rán hát vài bài ca Do thái giáo; và Akiba Drumer làm tan nát tâm hồn chúng tôi bằng giọng ca sâu lắng và trang trọng của anh.

 

Vài người nói tới Thượng đế, tới những cách thế bí nhiệm của Ngài, về tội lỗi của dân tộc Do thái và về cuộc giải thoát của họ trong tương lai.  Nhưng tôi đã thôi cầu nguyện.  Làm sao tôi thiện cảm được với Gióp!  Tôi không phủ nhận sự hiện hữu của Thượng đế nhưng tôi nghi ngờ công lý tuyệt đối của Ngài.

Akiba Drumer nói:  “Thượng đế thử thách chúng ta.  Ngài muốn xem liệu chúng ta có chế ngự được các bản năng căn bản và giết được quỉ Satan ở bên trong con người chúng ta không.  Chúng ta không được quyền thất vọng.  Và nếu Ngài trừng phạt chúng ta không chút xót thương thì đó cũng là dấu chỉ rằng Ngài rất yêu thương hết thảy chúng ta.”

 

Hersch Genud, thông thạo về huyền nghĩa, nói tới tận thế và sự giáng lâm của Đấng Cứu thế.

Chỉ một lần tình cờ trong các cuộc trò chuyện đó, trong tôi bất chợt xuất hiện ý nghĩ: “Lúc này mẹ mình ở đâu?  Và Tzipora...”

“Mẹ con là một phụ nữ còn trẻ,” cha tôi nói vào dịp đó.  “Chắc chắn bà ấy đang ở một trại lao động nào đó.  Và lúc này Tzipora là thiếu nữ đã lớn bộn, phải không?  Chắc chắn nó cũng đang ở một trại lao động nào đó.”

Chúng tôi muốn tin như thế biết chừng nào.  Chúng tôi giả bộ, vì nếu tin vào cái khác thì để làm gì chớ?

 

Tất cả các thợ lành nghề đều đã bị đưa tới các trại khác.  Chỉ còn lại khoảng một trăm chúng tôi, những người lao động không tay nghề.

“Hôm nay tới lượt các ngươi,” người thư ký dãy nói.  “Các ngươi sẽ đi trong chuyến vận chuyển sắp tới.”

Lúc mười giờ, chúng tôi được phát suất bánh mì hằng ngày.  Chừng mười tên SS vây quanh chúng tôi.  Tấm biển trên cửa: “Lao Động Là Tự Do“.  Đếm người.  Và rồi, chúng tôi bị xua ra ngoài.  Ở đồng quê giữa con đường chan hòa nắng.  Trên bầu trời có vài đám mây bạc nhỏ.

Chúng tôi đi chầm chậm.  Lính gác không vội vàng.  Chúng tôi vui vì việc đó.  Khi chúng tôi đi ngang các làng mạc, người Đức nhìn chúng tôi không chút ngạc nhiên.  Có lẽ họ đã quá quen những cuộc diễu hành như thế này.

 

Trên đường, chúng tôi gặp vài thiếu nữ Đức.  Lính gác trêu ghẹo các cô.  Các cô thích thú, cười khúc khích.  Để cho lính hôn hít, sờ soạng và phá lên cười.  Đôi bên đều cười, đùa giỡn, lớn tiếng tán tỉnh nhau suốt con đường dài.  Trong thời gian này, ít ra là chúng tôi không phải chịu tiếng chưởi rủa và những cú nện bằng báng súng tiểu liên.

Sau bốn giờ đi, chúng tôi tới một trại mới: Buna.  Cổng sắt đóng lại đằng sau chúng tôi.

 

 

 

Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 3922
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)