Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.029
123.166.038
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 4

4.

 

Trại như thể vừa trải qua một nạn dịch: vắng tênh và chết chóc.  Chỉ vài người tù mang áo gió ngang thắt lưng đi quanh quẩn giữa các ba-rắc.

 

Dĩ nhiên, trước hết chúng tôi phải đi tắm.  Ở đó, viên chỉ huy trại đến thăm ngó chúng tôi.  Hắn tráng kiện, vạm vỡ, vai rộng: cổ như cổ bò, môi dày, tóc xoăn.  Hắn có vẻ thân thiện.  Thỉnh thoảng trong mắt xanh xám của hắn loé lên một nụ cười chúm chím.  Trong đoàn mới chuyển tới của chúng tôi có vài trẻ em mười và mười hai tuổi.

Sau khi được phát áo quần mới, chúng tôi bị đưa vào hai chiếc lều.  Chờ lập xong danh sách các đơn vị lao động chúng tôi mới có thể chuyển vào các ba-rắc.

 

Tối đó, các đơn vị lao động từ bãi lao động trở về.  Điểm diện.  Chúng tôi khởi sự tìm mặt người quen, kiếm tin tức, hỏi các tù nhân lão làng đơn vị lao động nào tốt nhất, ba-rắc nào nên cố tìm cách vào ở.  Các tù nhân đều chung ý kiến, nói, “Buna là trại rất tốt.  Các người có thể chịu đựng nổi nó.  Điều quan trọng là chớ để bị đưa vào đơn vị xây cất...”

Làm như thể việc chọn lựa nằm trong bàn tay mình!

 

Trưởng lều của chúng tôi là một người Đức.  Một bộ mặt sát thủ, môi nung núc, bàn tay như chân chó sói.  Hắn mập tới độ gần như không đi đứng nổi.  Giống viên chỉ huy trại, hắn thương trẻ em.  Khi chúng tôi vừa vô tới, hắn mang đến cho trẻ em bánh mì, xúp và bơ loảng.  (Thật ra đó không phải là lòng từ bi vô vị lợi: về sau tôi nghe nói ở đây những tên đồng tính luyến ái đổi chác nhau rất có giá các trẻ em.)

Một trong các phụ tá của hắn - một cậu bé mặt lúc nào cũng cau có, mắt du côn - đến gặp tôi:

“Mày có muốn ở đơn vị tốt không?”

“Muốn chớ.  Nhưng với điều kiện: tôi được ở chung một chỗ với cha tôi.”

“Được,” hắn nói.  “Tao lo liệu được việc đó.  Với một đền đáp nhỏ: đôi giày của mày.  Tao sẽ cho mày mấy đôi khác.”

Tôi không chịu cho nó đôi giày của mình.  Chúng là tất cả những gì tôi còn lại.

“Tao sẽ cho mày suất phụ trội bánh mì và bơ.”

Nó rất mê đôi giày của tôi; nhưng tôi không cho nó đôi giày.  (Về sau họ tước lấy đôi giày của tôi.  Nhưng lần đó tôi không đổi chác được gì cả.)

 

Khám bệnh ngoài trời vào những giờ tảng sáng, trước ba bác sĩ cùng ngồi trên một băng ghế.

Người đầu tiên rõ ràng là chẳng khám chút nào.  Ông chỉ thoải mái hỏi:

“Mày sức khoẻ tốt chứ?”

Ai dám nói ngược lại?

Trái lại, nha sĩ dường như rất có lương tâm: hắn ra lệnh chúng tôi hoác rộng miệng ra.  Thật ra hắn không tìm răng sâu mà tìm răng vàng.  Ai miệng có răng vàng đều được ghi số tù vào một danh sách phụ.  Tôi có một chiếc răng bịt vàng.

Ba ngày đầu qua nhanh.  Vào ngày thứ tư, mới rạng sáng, chúng tôi đang đứng trước lều thì có các tên Kapo xuất hiện.  Rồi mỗi tên bắt đầu lựa người thích hợp với hắn.

“Mày...mày...mày và mày...” chúng chỉ tay, như thể lựa súc vật hoặc hàng hoá.

Chúng tôi đi theo tên Kapo của mình, một thanh niên.  Hắn ra lệnh chúng tôi đứng lại ngay lối vào của ba-rắc đầu tiên gần cổng trại.  Dãy nhà đó của ban nhạc.  “Vào đi,” hắn ra lệnh.  Chúng tôi ngạc nhiên.  Mình có dính líu gì tới âm nhạc đâu.

Ban nhạc đang chơi bản quân hành, lúc nào cũng chỉ một bản đó.  Hàng tá đơn vị đi ra các bãi lao động, đều bước.   Lũ Kapo hô nhịp: “Một, hai, một, hai.”

Vài tên SS tay cầm viết và giấy, đếm người khi tù đi ra.  Ban nhạc tiếp tục chơi, cũng vẫn bản quân hành ấy, cho tới khi đơn vị chót đi qua.  Lúc đó, chiếc gậy nhạc trưởng thả lịm xuống.  Ban nhạc ngưng hẳn và lũ Kapo gào lên:

“Xếp hàng năm!”

Chúng tôi ra khỏi trại không có tiếng nhạc, nhưng đều bước: nhạc quân hành còn dội trong tai mình.

“Một, hai! Một, hai!”

 

Chúng tôi bắt đầu chuyện vản với các nhạc sĩ bên mình.

Chung với các nhạc sĩ, chúng tôi làm thành hàng năm.  Gần như họ đều là người gốc Do thái: Juliek, dân xứ Ba lan đeo kính với nụ cười chán đời trên bộ mặt xanh xao; Louis, một tay vĩ cầm xuất sắc đến từ Hà lan - ông phàn nàn là họ không để cho ông chơi nhạc Beethoven: người Do thái không được phép chơi nhạc Đức; Hans, một thanh niên Berlin linh hoạt.  Viên cai là người Ba lan, Franek, cựu sinh viên đến từ Warsaw.

Juliek giải thích cho tôi:  “Chúng ta lao động trong nhà kho vật liệu điện, cách đây không xa.  Công việc không tới nổi khó khăn nguy hiểm.  Nhưng Idek, tên Kapo, thỉnh thoảng nổi cơn điên, lúc ấy tốt nhất là tránh mặt nó...”

“Mày hên lắm nhỏ ạ,” Hans cười.  “Mày được ở đơn vị tốt...”

 

Mười phút sau, chúng tôi đã ở trước nhà kho.  Một nhân viên người Đức, công chức, ngài Meister, tới gặp chúng tôi.  Hắn chăm bẳm ngó chúng tôi như một khách mua hàng vừa được người ta giao cho một đống giẽ cũ.

Các bạn lao động chung với tôi có lý; công việc không mấy khó khăn.  Ngồi bệt xuống đất, chúng tôi phải đếm các chóa đèn, bóng đèn và các linh kiện điện nhỏ.  Tên Kapo dài dòng cắt nghĩa cho chúng tôi tầm quan trọng vô cùng của công việc chúng tôi, cảnh cáo rằng ai lao động tơ lơ mơ sẽ bị hắn thanh toán.  Các bạn lao động chung trấn an tôi:

“Không việc gì phải sợ.  Hắn phải nói thế là vì ngài Meister thôi.”

Có một số thường dân Ba lan ở đây, và một ít phụ nữ Pháp thường đưa mắt thiện cảm nhìn các nhạc sĩ.

Franek, người cai, cho tôi ngồi trong một góc.  “Đừng tự giết mình; chẳng có gì gấp.  Coi chừng chớ để tụi SS để ý.”

“Em xin anh... Em muốn ở bên cha em.”

“Được.  Cha em làm việc ở đây, sát bên em.”

Chúng tôi hên thật.

 

Có hai cậu trai vào nhóm chúng tôi: Yosi và Tibi, hai anh em ruột.  Cả hai người Do thái Tiệp khắc, cha mẹ bị tàn sát tại Birkenau.  Hai anh em sống cho nhau, cả thân xác lẫn linh hồn.

Chúng và tôi chẳng bao lâu thành bạn.  Từng thuộc về tổ chức thanh niên phục quốc Do thái, chúng biết vô số bài hát tiếng Do thái cổ.  Vì thế chúng tôi thường ậm ừ ngâm nga trong cổ họng những giai điệu khua động mặt nước tĩnh lặng của dòng sông Giordan và chốn thiêng liêng tráng lệ Gierusalem.  Và chúng tôi thường nói về Palestine.  Cha mẹ chúng, cũng giống như cha mẹ tôi, đã thiếu can đảm thanh toán công việc làm ăn và di cư lúc còn kịp thời.  Chúng tôi cùng quyết định rằng, nếu giữ được mạng mình cho tới lúc giải phóng, chúng tôi sẽ không ở châu Âu thêm một ngày nào nữa.  Chúng tôi sẽ lên chuyến tàu đầu tiên đi Haifa về đất Do thái.

Vẫn lạc loài trong các giấc mơ huyền học của mình, Akiba Drumer phát hiện một câu trong Kinh Thánh, diễn giải theo khoa số lượng học, khiến ông tiên đoán ngày giải phóng sẽ xảy đến nội trong vài tuần lễ tới.

 

Chúng tôi đã rời lều vào ở ba-rắc của các nhạc sĩ.  Mỗi người được phát một cái mền, một cái thau và một cục xà phòng.  Trưởng ba-rắc là một người Đức gốc Do thái.

Thật tốt khi ở dưới quyền một người Do thái.  Anh ấy gọi là Alphonse.  Một thanh niên mặt già trước tuổi một cách lạ lùng, anh hoàn toàn hiến thân cho công việc của ba-rắc “của mình”.  Hể lúc nào có thể được là anh lo liệu nồi xúp cho những người trẻ, người yếu, tất cả những ai mơ màng một dĩa xúp đầy hơn là ngày giải phóng.

 

Ngày nọ, khi vừa từ nhà kho về, tôi bị viên thư ký ba-rắc gọi:

“A-7713?”

“Có mặt.”

“Sau khi ăn, mày tới nha sĩ.”

“Nhưng em không đau răng.”

“Sau khi ăn.  Không được quên.”

Tôi tới dãy nhà bệnh viện.  Khoảng hai mươi người tù đang nối đuôi nhau chờ trước cửa.  Chẳng mất nhiều thì giờ mới biết lý do chúng tôi bị triệu tới: để nhổ răng vàng của mình.

Nha sĩ, một người Do thái đến từ Tiệp khắc, có bộ mặt như chiếc mặt nạ chết.  Khi hắn há miệng, người ta có thể thấy các răng sâu, vàng khè, ngó thiệt hãi hùng.  Tôi ngồi vô ghế, khúm núm hỏi hắn:  “Xin vui lòng nói cho cháu biết, ông sắp làm gì vậy?”

“Đơn giản thôi, nhổ cái răng bịt vàng của mày,” hắn trả lời, hững hờ.

Tôi có ý nghĩ là giả bộ bệnh.

“Thưa nha sĩ, ông chờ vài ngày có được không?  Cháu cảm thấy trong người không khoẻ.  Cháu bị sốt...”

Hắn nhíu mày, suy nghĩ một chút, và bắt mạch tôi.

“Được con ạ.  Hễ mày cảm thấy khá hơn thì trở lại gặp ta.  Nhưng đừng chờ tới khi ta gọi.”

Tuần sau tôi đến gặp hắn.  Cũng lời bào chữa đó: Cháu vẫn cảm thấy không khá hơn.  Hắn dường như chẳng ngạc nhiên tí nào, tôi cũng chẳng biết hắn tin hay không.  Có lẽ hắn vui khi thấy tôi tự mình trở lại như đã hứa.  Hắn hoản cho tôi thêm lần nữa.

 

Ít ngày sau chuyến trở lại của tôi, phòng nhổ răng bị đóng cửa và hắn bị ném vô tù.  Hắn sắp bị treo cổ.  Người ta cho là hắn đã thực hiện việc đổi chác răng vàng của tù nhân để kiếm lợi riêng.  Tôi không cảm thấy thương xót hắn.  Tôi cũng không thích thú về việc xảy ra đó.  Tôi giữ được chiếc răng bịt vàng của mình.  Ngày nào đó nó có thể hữu ích cho tôi để mua cái gì đó - bánh mì hay sự sống.  Lúc này, ngoài dĩa xúp hằng ngày và vụn bánh mì cũ, tôi ít quan tâm tới cái gì khác.  Bánh mì, xúp - những thứ đó là toàn bộ cuộc đời tôi.  Tôi là một thân xác.  Có lẽ còn ít hơn thế nữa: một bao tử đói.  Chỉ riêng có bao tử là nhận biết sự trôi qua của thời gian.

 

Tại nhà kho, tôi thường lao động bên cạnh một thiếu nữ Pháp.  Chúng tôi không chuyện vãn với nhau vì chị không biết tiếng Đức và tôi chẳng hiểu tiếng Pháp.

Với tôi, chị hoàn toàn là một phụ nữ Do thái, dù chị được chuyển tới đây như một người Aryan.  Chị là kẻ bị trục xuất và bị cưỡng bách lao động.

 

Ngày nọ, trong khi Idek nổi cơn điên, tôi lại ở ngay trên lối đi của hắn.  Như con thú hoang, hắn nhảy xổ vô người tôi, tay đấm chân đạp vô ngực tôi vô đầu tôi, ném tôi xuống đất, rồi xách tôi lên, các cú đấm của hắn càng lúc càng ác liệt, cho tới khi khắp người tôi đầy máu.  Khi đó, tôi cắn môi ngăn không để mình thét lên đau đớn. Chắc hắn coi sự im lặng của tôi là khinh bỉ nên hắn tiếp tục dộng tôi mạnh hơn.

Thình lình hắn hạ hỏa.  Làm như không có gì xảy ra, hắn trả tôi về lại chỗ lao động.  Như thể chúng tôi vừa cùng chơi một trò chơi ai cũng có phần phải đóng của người đó.

 

Tôi lết người vô góc xó của mình.  Đau nhức khắp mình mẩy.  Tôi cảm thấy có một bàn tay êm mát đang lau chiếc trán bê bết máu của tôi.  Chính người thiếu nữ Pháp ấy.  Chị cười với tôi, nụ cười thê lương, và ấn vào tay tôi một mẩu bánh mì.  Chị nhìn vào mắt tôi.  Tôi cảm thấy chị muốn nói điều gì đó nhưng nghẹn lại vì sợ.  Trong một lúc lâu, chị giữ yên như thế, rồi nét mặt chị sáng dần lên, chị nói với tôi bằng một thứ tiếng Đức gần như hoàn hảo:

“Cắn môi lại, cậu em... Đừng khóc.  Hãy giữ cơn giận và hận thù của cậu cho một ngày kia, cho về sau.  Ngày ấy sẽ tới, nhưng không phải bây giờ... Hãy chờ.  Nghiến răng lại mà chờ...”

Nhiều năm sau, tại Paris, tôi đang ngồi đọc báo trong một chuyến xe điện ngầm.  Trước mặt tôi là một phụ nữ tuyệt đẹp, tóc đen và mắt mơ huyền.  Tôi đã thấy đâu đó trước đây đôi mắt này.  Chính là chị.

“Chị không nhận ra em à?”

“Tôi không quen ông.”

“Năm 1944, chị ở Đức, tại Buna, phải không?”

“Vâng...”

“Chị thường lao động trong nhà kho đồ điện...”

“Vâng,” chị nói, có điều gì bối rối.  Và rồi, sau một khoảnh khắc im lặng: “Chờ chút...Tôi nhớ ra rồi...”

“Idek, tên Kapo... thằng bé Do thái...những lời tử tế của chị...”

Chúng tôi rời xe điện ngầm và cùng ngồi trên sân thượng một tiệm cà phê.  Chúng tôi trải qua hết buổi tối đó hoài niệm.

Trước lúc chia tay, tôi hỏi chị: “Em hỏi chị một câu được không?”

“Tôi biết đó là câu gì rồi - hỏi đi.”

“Cái gì?”

“Rằng, tôi có phải là người Do thái không...?  Đúng, tôi là người Do thái.  Xuất thân từ một gia đình ngoan đạo.  Thời chiếm đóng tôi dùng giấy tờ giả, mạo nhận mình là người Aryan.  Vì thế tôi bị ghi tên vào đoàn lao động cưỡng bách và bị trục xuất về Đức, tôi trốn khỏi trại tập trung.  Tại nhà kho, không ai biết tôi nói được tiếng Đức, biết thì chỉ sinh ra nghi ngờ.  Nói vài lời ấy với cậu là liều mạng: có điều tôi biết cậu sẽ không để lộ tôi ra.”

 

Một lần khác, chúng tôi chất máy Diesel lên xe lửa, có lính Đức giám thị.  Thần kinh Idek đang hồi nổi quạu.  Hắn khó khăn ghê gớm mới có thể tự chế.  Thình lình, cơn điên của hắn vỡ bùng.  Nạn nhân là cha tôi.

“Mày lão già lười biếng đồ khốn nạn!” Idek bắt đầu gào lên.  “Mày gọi thế này là lao động hả?”

Và hắn bắt đầu nện ông bằng cây sắt.  Ban đầu, cha tôi chúi người dưới các cú đập, rồi ông gãy gập thành hai, như cây khô bị sét đánh, gục xuống.

 

Tôi chăm chú nhìn từ đầu tới cuối hoạt cảnh ấy, không chút nhúc nhích.  Tôi giữ bình tĩnh.  Thực tế tôi đang nghĩ cách làm sao kéo cha tôi ra mà mình không bị đánh lây.  Điều tệ hơn nữa là, bất cứ  căm giận nào mà tôi cảm thấy lúc đó đều qui hướng, không phải tới tên Kapo ấy, mà là tới cha tôi.  Tôi giận ông đã không biết cách tránh né cơn bùng nổ của Idek.  Cuộc sống trại tập trung đã biến tôi thành ra như thế đó.

 

Franek, người cai, ngày nọ để ý chiếc răng bịt vàng của tôi.

“Nhỏ, cho tao cái răng bịt vàng của mày.”

Tôi nói với anh là không thể được, không có nó tôi không ăn được.

“Mày có gì nhiều nhặn để ăn đâu mà kể?”

Tôi tìm ra câu trả lời khác; chiếc răng bịt vàng này đã được lên danh sách sau lần kiểm tra sức khoẻ.  Việc này có thể gây rắc rối cho cả anh lẫn tôi.

“Nếu không cho tao cái răng bịt vàng của mày, mày sẽ trả giá nhiều hơn nữa.”

Người thanh niên thông minh, thiện cảm ấy bỗng chốc không còn là con người trước đây.  Mắt anh loé lên tia lập loè thèm khát.  Tôi nói với anh là tôi phải hỏi ý kiến cha tôi.

“Nhỏ, hỏi cha mày đi.  Nhưng tao muốn mày phải trả lời ngay ngày mai.”

Khi tôi kể việc đó với cha tôi, ông tái mặt, im lặng một lúc lâu rồi nói:

“Không, con, con đừng làm chuyện đó.”

“Anh ta sẽ đè mình ra mà lấy.”

“Hắn không dám đâu.”

 

Nhưng hỡi ơi, Franek biết chỗ nào làm tôi xúc động; anh ta biết nhược điểm của tôi.  Cha tôi chưa bao giờ đi lính và ông không bao giờ đi đều bước được.  Tại đây, hể mỗi lần theo đội hình di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác thì chúng tôi phải nghiêm chỉnh bước theo nhịp quân hành.  Đó là cơ hội cho Franek hành hạ cha tôi, và đánh đập dã man ông hằng ngày: Một, hai: đấm. Một hai: tát.

Tôi quyết định hướng dẫn cha tôi tập, dạy ông bước đổi chân, giữ đúng nhịp.  Chúng tôi bắt đầu thực tập trước ba-rắc của mình.  Tôi hô lệnh: “Một, hai!” và cha tôi thực hành.  Vài tù nhân khởi sự cười nhạo chúng tôi:

“Coi kìa, tên sĩ quan nhóc tì dạy lão già bước..., Ê đại tướng, lão già trả công mày mấy suất bánh mì thế?”

Nhưng cha tôi không tiến bộ được bao nhiêu, và các cú đấm tiếp tục rơi xuống người ông như mưa.

“Lão già lười biếng khốn nạn, mày vẫn không bước đúng nhịp được à?”

Suốt hai tuần lặp đi lặp lại hoạt cảnh ấy.  Chúng tôi hết chịu đựng nổi.  Phải cho thôi.  Khi ngày ấy đến, Franek rú lên cười hoang dại:

“Tao biết mà; tao hoàn toàn biết chắc tao sẽ thắng.  Thà trễ còn hơn không.  Nhưng vì mày làm tao chờ nên mày phải chi ra một suất bánh mì.  Một suất bánh mì cho bạn tao, một nha sĩ trứ danh đến từ Warsaw để nó có thể nhổ chiếc răng bịt vàng của mày.”

“Cái gì? Suất bánh mì của tôi để anh lấy răng bịt vàng của tôi ?”

Franek nhe răng cười:

“Thế mày muốn gì? Muốn tao đấm cho văng răng mày ra à?”

Ngay tối đó, trong cầu tiêu, người nha sĩ từ Warsaw nhổ chiếc răng bịt vàng của tôi ra, với đồ nghề là một cái muổng gỉ sét.

Franek dần dà thân thiện hơn.  Thỉnh thoảng anh ta còn cho tôi thêm xúp.  Nhưng việc đó không lâu.  Hai tuần sau, tất cả những người Ba lan bị chuyển qua trại khác.  Tôi mất chiếc răng bịt vàng của mình mà không được gì cả.

 

Vài ngày trước khi người Ba lan rời đi, tôi có một kinh nghiệm mới.

Sáng đó Chúa nhật.  Hàng tuần, vào ngày đó, đơn vị chúng tôi không phải đi lao động.  Nhưng lần này Idek không muốn nghe tới việc chúng tôi ở lại trại.  Chúng tôi phải ra nhà kho.  Nhiệt tình lao động đột xuất này làm chúng tôi choáng váng.

Tại nhà kho, giao chúng tôi cho Franek, Idek nói, “Cứ lao động theo ý mày.  Nhưng phải kiếm việc gì đó mà làm.  Không làm thì biết tay tao...”

Và hắn biến mất.

 

Chúng tôi chẳng biết làm gì.  Mỏi người vì ngồi chồm hổm, chúng tôi thay phiên nhau đi quanh nhà kho, tìm vài mẩu bánh mì mà nhân viên dân sự nào đó có thể vứt lại.

Khi tới phía sau nhà kho, tôi nghe có tiếng động phát ra từ phòng nhỏ ở cửa kế bên.  Tôi đi lên, thấy Idek đang với một cô gái Ba lan ở trần, nằm trên nệm.  Lúc ấy tôi hiểu ra lý do Idek không chịu để chúng tôi lại trong trại.  Đưa cả trăm người ra đây cho hắn có dịp nằm với một cô gái!  Việc đó làm tôi tức cười tới độ bật ra thành tiếng.

Idek nhảy đựng, dòm quanh và thấy tôi, trong khi đó cô gái cố che ngực mình.  Tôi muốn vùng chạy nhưng cả hai bàn chân dính chặt mặt đất như bị keo dán.  Idek túm cổ tôi.

Hắn thấp giọng nói, “Nhóc, mày chờ coi...Mày thấy liền là mày phải trả giá như thế nào việc mày bỏ đi không lao động... Mày trả giá liền việc đó mà... Bây giờ, về chỗ ngay.”

 

Nửa giờ trước giờ thường lệ chấm dứt lao động, tên Kapo ấy tập họp toàn đơn vị.  Điểm diện.  Chẳng ai hiểu việc gì xảy ra.  Điểm diện vào giờ này trong ngày?  Tại đây?  Nhưng tôi hiểu.  Tên Kapo diễn thuyết gọn lỏn:

“Một tù nhân bình thường thì không có quyền xía vô công chuyện của người khác.  Có người trong tụi bây hình như không biết như thế.  Vì vậy, tao buộc lòng phải  làm cho nó hiểu rõ điều đó, một lần để đời.”

Tôi cảm thấy mồ hôi chạy dọc sống lưng.

“A-7713!”

Tôi bước ra.

“Một cái thùng!” hắn ra lệnh.

Người ta mang ra cho hắn một cái thùng.

“Nằm lên trên thùng! Nằm sấp xuống!”

Tôi tuân lệnh.

Rồi tôi không còn biết gì nữa ngoài những cú roi quật xuống.

“Một...hai...,” hắn đếm.

Giữa mỗi cú quất, hắn lấy hơi.  Chỉ những cú đầu làm tôi đau thật sự.  Tôi nghe ra tiếng hắn đếm:

“Mười...mười một...”

 

Giọng hắn tỉnh bơ, chạm người tôi như va vào một bức vách dày.

Hai mươi ba...”

Hai roi nữa, tôi nghĩ, nửa mê nửa tỉnh.  Tên Kapo chờ.

“Hai mươi bốn... hai mươi lăm!”

Xong.  Nhưng tôi chẳng còn biết gì vì đã ngất xỉu.  Tôi cảm thấy mình tỉnh lại khi có gàu nước lạnh dội lên người.  Tôi vẫn còn nằm trên thùng.  Tôi chỉ lờ mờ nhận ra đất ướt chung quanh mình.  Rồi tôi nghe ai đó hét lên.  Chắc là tên Kapo.  Tôi bắt đầu phân biệt được những tiếng hắn đang la.

“Đứng lên.”

 

Hẳn là tôi có nhúc nhích rướn người mình lên vì tôi cảm thấy thân xác mình rớt trở lại mặt thùng.  Tôi thèm đứng lên biết mấy!

“Đứng lên!” hắn gào to hơn.

Giá như ít ra tôi có thể trả lời hắn; giá như tôi có thể bảo hắn là tôi không cục cựa nổi.  Nhưng tôi chẳng thể nào làm cho môi mình mở ra được.

Theo lệnh của Idek, hai người tù xách tôi lên, lôi tới trước mặt hắn,

“Nhìn thẳng vô mắt tao!”

Tôi ngó hắn mà không thấy hắn.  Tôi đang nghĩ tới cha tôi.  Chắc ông còn đau khổ gấp mấy tôi nữa.

“Nghe tao đây, đồ khốn kiếp!” Idek nói, lạnh lùng.  “Đó là vì mày tọc mạch.  Mày sẽ bị gấp năm lần thế này nữa nếu mày dám hé cho ai nghe mày thấy cái gì! Hiểu chưa?”

Tôi gật gật đầu, một lần, mười lần, tôi gật đầu không ngừng, như thể đầu tôi đã quyết định nói vâng không bao giờ ngừng.

 

Vào một ngày Chúa nhật, một nửa chúng tôi - gồm có cha tôi - đi lao động; nửa còn lại - gồm có tôi - ở lại ba-rắc, lợi dụng cơ hội nằm rán trên sạp giường buổi sáng.

Lúc khoảng mười giờ, tiếng còi hụ phòng không rú lên vang rền.  Báo động.  Các trưởng ba-rắc chạy vào gom chúng tôi lại bên trong, cùng lúc đó SS núp trong các hầm trú ẩn.  Vì khi có báo động thì tương đối dễ trốn trại - lính gác rời chòi canh, cúp điện hàng rào kẽm gai - nên SS hạ lệnh giết bất cứ người nào bị bắt gặp bên ngoài ba-rắc.

 

Trong ít phút, trại như thể một con tàu bị bỏ rơi.  Không một linh hồn sống động nào trên các lối đi.  Sát bên nhà bếp, hai nồi xúp nóng đang bốc khói bị bỏ lại, còn lưng chừng nồi.  Hai nồi xúp, nằm ngay giữa lối đi, không ai canh chừng chúng!  Một đại tiệc của bậc vua chúa đang bị bỏ rơi, cám dỗ cực kỳ!  Hàng trăm con mắt nhìn hai cái nồi, long lanh thèm khát.  Hai con cừu, với một trăm con sói đang nằm chờ chúng.  Hai con cừu không người canh giữ - một món quà.  Nhưng ai dám.

 

Sợ hãi mạnh hơn cái đói.  Thình lình, chúng tôi thấy cửa Ba-rắc 37 hé ra.  Một người xuất hiện, bò loằng ngoằng như con giun về hướng hai cái nồi.

 

Hàng trăm con mắt dõi theo cử động của anh ta.  Hàng trăm con người đang bò với anh ta, lê đầu gối mình theo đầu gối của anh ta trên sỏi.  Mọi con tim đều run rẩy, nhưng trên tất cả, là ghét.  Anh ta đã có gan!

Anh ta tới nồi thứ nhất.  Các quả tim chạy đua: anh ta đã thành công.  Cơn ganh tị thiêu chúng tôi cháy rụi, đốt chúng tôi bùng lên như rơm.  Khoảnh khắc ấy, chúng tôi không nghĩ tới việc ngưỡng mộ anh ta.  Vị anh hùng khốn khổ, liều mình tử tiết vì một suất xúp.  Bằng ý nghĩ của mình, chúng tôi đang mưu sát anh ta.

 

Duỗi người bên một cái nồi, anh ta lúc này cố rướn người lên mép nồi.  Không biết vì yếu sức hay sợ hãi, anh ta trụ lại đó, rõ ràng là đang rán gom hết tàn lực sau chót của mình.  Cuối cùng, anh ta thành công, nhấc được người mình lên tới mép nồi.  Phút giây ấy, anh ta có vẻ như thấy chính mình, tìm kiếm bóng mình phản chiếu lờ mờ trong nồi xúp.  Rồi, không biết vì lý do gì, anh ta hét lên một tiếng khủng khiếp, kêu ục ục nghe như thể trước đây tôi chưa từng nghe, và anh ta há miệng ra, đút đầu mình vô nồi chất lỏng đang bốc khói.  Chúng tôi nhảy nhổm nổ bùng cơn thịnh nộ.  Rớt trở lại mặt đất, mặt anh ta lem luốc đầy xúp, anh ta quằn quại trong vài giây ở chân nồi, rồi chẳng nhúc nhích cục cựa gì nữa.

 

Kế đó chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy bay.  Gần như lập tức, các ba-rắc bắt đầu rung rinh.

“Họ đang bỏ bom Buna!” ai đó la lên.

 

Tôi nghĩ đến cha tôi.  Dù sao tôi cũng thấy sung sướng.  Nhìn toàn bộ các công trình nổ tung trong lửa - thật là đã hận!  Chúng tôi đã nghe nhiều lời bàn tán về sự thất thủ của lính Đức trên nhiều mặt trận khác nhau nhưng chẳng biết tin tưởng được bao nhiêu.  Chuyện đó, hôm nay, quả là có thật!

 

Chúng tôi không sợ.  Và tuy vậy, nếu một trái bom rớt trúng các ba-rắc thì chỉ mình nó thôi cũng đủ lấy mạng tại chỗ hàng trăm nạn nhân.  Nhưng chúng tôi không còn sợ chết; bất cứ giá nào cũng không sợ chết kiểu đó.  Từng trái bom nổ làm lòng chúng tôi tràn ngập hân hoan và cho chúng tôi niềm tin vào cuộc sống.

 

Còi hụ kéo suốt hơn một giờ.  Giá như nó có thể kéo dài chục lần mười giờ!... Rồi lại rơi vào im lặng.  Âm thanh sau cùng của chiếc máy bay Mỹ mất tiêu trong gió, và chúng tôi lần nữa lại thấy mình ở trong lò thiêu.  Một luồng khói đen khổng lồ bốc lên đằng chân trời.  Tiếng còi hụ vang rền lần nữa.  Chấm dứt báo động.

Tất cả ra khỏi ba-rắc.  Chúng tôi hít lửa đầy phổi - và không khí ám khói, mắt chúng tôi long lanh hy vọng.  Một trái bom rơi xuống chính giữa trại, gần nơi tập họp, nhưng tịt ngòi,  Chúng tôi phải khiêng nó ra ngoài trại.

Viên chỉ huy trại, đi kèm theo có người phụ tá, đánh một vòng xem xét dọc các lối đi.  Cuộc oanh tạc để lại trên mặt hắn những dấu vết kinh hoàng.

 

Ngay chính giữa trại nằm thân thể kẻ tử tiết với khuôn mặt lấm lem xúp, nạn nhân độc nhất.  Hai cái nồi được đưa vào lại nhà bếp.

Lính SS về lại chòi canh, đằng sau các khẩu súng máy của chúng.  Tiết mục chuyển tiếp đã xong.

Một giờ sau, chúng tôi thấy các đơn vị trở về, đều bước, như thường lệ.  Tôi mừng thấy cha tôi hiện ra trong tầm mắt.

“Có mấy toà nhà bị san bằng,” ông nói, “nhưng nhà kho chẳng hề hấn gì.”

Buổi chiều chúng tôi vui vẻ đi dọn dẹp tro tàn.

 

Một tuần sau, trên đường đi lao động về, chúng tôi để ý thấy chính giữa trại, ngay nơi tập họp, có một giá treo cổ màu đen.

Chúng tôi được bảo cho biết là sẽ không phát xúp cho tới khi điểm diện xong toàn trại.  Lần này lâu hơn thường lệ.  Lệnh truyền ra, giọng sắc lạnh hơn mọi ngày, và ở ngoài trời, tiếng người ta hoá ra nhỏ lạ lùng.

“Lột mũ ra!” viên chỉ huy trại bất thần gào lên.

Mười ngàn cái mũ đồng loạt cất khỏi đầu.

“Đội mũ vào!”

 

Mười ngàn cái mũ quay về trên sọ của chúng, lẹ như chớp.

Cổng trại mở.  Một đơn vị SS xuất hiện, vây chúng tôi: cách mỗi ba bước có một tên SS.  Trên các tháp canh, súng máy chỉa vào nơi tập họp.

 

Hai tên SS đi về phía xà lim.  Rồi chúng ra lại, kẹp giữa chúng người bị kết án.  Anh ta là một thanh niên đến từ Warsaw.  Anh đã trải ba năm sống trại tập trung.  Anh mạnh khoẻ, vạm vỡ, so với tôi, anh là người khổng lồ.

Sau lưng anh là giá treo cổ, mặt anh hướng về kẻ xét xử mình, viên chỉ huy trại; mặt anh tái xanh, nhưng có vẻ xúc động hơn là sợ hãi.  Hai tay bị cùm của anh không run rẩy.  Mắt anh lạnh lùng nhìn hàng trăm lính gác, hàng ngàn tù nhân chung quanh.

 

Viên chỉ huy trại bắt đầu đọc bản án, gằn mạnh từng tiếng:

“Nhân danh Himmler...tù nhân số...trong lúc báo động đã ăn cắp... Theo luật...điều khoản...tù nhân số...bị kết án tử hình.  Mong rằng việc này cảnh cáo và làm gương cho hết thảy các tù nhân.”

Không ai nhúc nhích.

 

Tôi nghe tim mình đập dồn dập.  Hàng trăm người chết mỗi ngày ở Auschwitz và ở Birkenau trong các lò thiêu không còn khiến tôi bị rúng động nữa.  Nhưng người này, kẻ đang dựa lưng vào giá treo cổ chính mình - anh ta làm tôi choáng váng.

“Mày có nghĩ là nghi thức sẽ kết thúc liền không?  Tao đói bụng...” Juliek thầm thì.

Viên chỉ huy trại ra hiệu, tên Lagerkapo bước tới phía người bị kết án.  Hai tù nhân giúp hắn làm công tác hành quyết này - vì hai dĩa xúp.

 

Tên Kapo muốn bịt mắt nạn nhân nhưng anh từ chối.

Sau một lúc lâu chờ đợi, người xử giảo quàng sợi thừng quanh cổ anh ta.  Hắn vừa vẫy tay, phụ tá của hắn liền rút chiếc ghế khỏi chân người tù, lúc ấy, người tù thét lớn, bằng giọng trầm tĩnh, dũng mãnh:

“Tự do muôn năm!  Tai hoạ giáng xuống nước Đức! Tai hoạ...! Tai...”

Những tên hành quyết đã làm tròn công tác.

Lệnh chẻ không khí như một nhát gươm.

“Lột mũ ra!”

Mười ngàn tù nhân ngã mũ kính chào vĩnh biệt.

“Đội mũ vào.”

Rồi toàn trại, dãy này kế tiếp dãy kia, phải theo đội hình đi ngang người bị treo cổ, nhìn vào đôi mắt đục lờ, chiếc lưỡi thè ra.  Lũ Kapo và các trưởng ba-rắc buộc mọi người phải nhìn cho thật kỷ bộ mặt người đó.

Sau cuộc diễu hành, chúng tôi được phép quay về ba-rắc của mình để ăn.

Tôi nhớ lại là tôi cảm thấy xúp tối đó thật tuyệt vời...

 

Tôi còn chứng kiến những cuộc treo cổ khác.  Tôi không bao giờ thấy có nạn nhân nào than khóc.  Trong một thời gian dài, những thể xác khô kiệt ấy đã quên mùi vị cay đắng của nước mắt.

Trừ một lần.  Oberkapo của đơn vị dây cáp năm mươi hai là một người Hà lan, khổng lồ, cao gần hai thước.  Dưới quyền anh có bảy trăm tù nhân lao động, và ai cũng thương anh như anh em.  Tay anh chưa hề đấm người tù nào và miệng anh chưa hề thóa mạ ai.

 

Dưới quyền anh ta có một cậu bé, một tiểu đồng, như người ta thường gọi -  cậu bé ấy có bộ mặt thanh tú và tuyệt đẹp, đẹp chưa từng có trong trại này.

(Tại Buna, lũ tiểu đồng bị khinh miệt, chúng thường tàn nhẫn hơn cả người lớn.  Tôi từng thấy một thằng bé mười ba tuổi đánh cha nó vì người cha không làm giường đúng theo ý nó.  Ông lão khóc thổn thức trong lúc thằng bé la lớn:  “Nếu ông không nín ngay, tôi sẽ không đem bánh mì về cho ông nữa.  Ông hiểu chưa?õ  Nhưng cậu cần vụ nhỏ bé của anh Hà lan này ai cũng thương.  Cậu bé có nét mặt của một thiên thần u sầu.)

Ngày nọ, nhà máy điện ở Buna nổ tung.  Gestapo được triệu đến tại chỗ, nghi ngờ có phá hoại.  Chúng dò theo dấu vết.  Cuối cùng, dấu vết dẫn tới người Oberkapo Hà lan ấy.  Tại đó, sau khi lùng kiếm, chúng tìm thấy một kho vũ khí quan trọng.

 

Người Oberkapo bị bắt ngay.  Liên tiếp mấy tuần lễ, chúng tra tấn anh nhưng vô ích.  Anh không hé ra tên ai.  Anh bị chuyển sang trại Auschwitz.  Chúng tôi không bao giờ nghe tin anh nữa.

Nhưng cậu cần vụ nhỏ bé của anh bị bỏ lại trong tù.  Cũng bị tra tấn và cậu cũng không khai.  Sau đó, SS kết án tử hình cậu cùng hai tù nhân khác bị phát hiện có vũ khí.

 

Vào một ngày khi đi lao động về, chúng tôi thấy ba giá treo cổ lù lù ở nơi tập họp, ba con quạ đen.  Điểm diện.  SS bọc quanh chúng tôi, súng máy chỉa vào: nghi thức truyền thống.  Ba nạn nhân đeo xiềng - và một trong ba người là cậu cần vụ nhỏ bé, thiên thần u sầu.

 

SS dường như lo lắng và bối rối hơn thường lệ.  Treo cổ một cậu bé trước hàng ngàn khán giả không phải là việc nhẹ nhàng.  Viên chỉ huy trại đọc bản án.  Mọi con mắt dồn về cậu bé.  Cậu xanh xao tái nhợt, gần như trầm lặng, cắn môi.  Những chiếc giá treo cổ phủ bóng lên người cậu.

Lần này tên Lagerkapo không chịu làm người hành quyết.  Ba tên SS thế chỗ hắn.

Ba nạn nhân cùng leo lên ghế một lượt.

Ba chiếc cổ cùng một lượt đút vô thòng lọng.

“Tự do muôn năm!” Hai người lớn hô vang.

Nhưng cậu bé thì im lặng.

“Thượng đế đâu rồi? Ngài ở đâu?” ai đó sau lưng tôi thắc mắc.

Viên chỉ huy ra hiệu, ba chiếc ghế bị rút đi.

Khắp trại hoàn toàn yên lặng.  Mặt trời đang lặn cuối chân trời.

“Lột mũ ra!” viên chỉ huy trại gào lên.  Giọng hắn khàn đục.  Chúng tôi đang thổn thức.

“Đội mũ vào!”

 

Rồi chúng tôi bắt đầu theo đội hình đi ngang qua.  Hai người lớn thì đã chết.  Lưỡi thè ra, sưng phồng, xanh lè.  Nhưng sợi dây thứ ba còn động đậy: vì thân mình quá nhẹ, cậu bé vẫn còn sống.

Trong hơn nửa giờ, cậu ở đó, vật lộn giữa cái sống và cái chết, chầm chậm, hấp hối, đau đớn, dưới mắt chúng tôi.  Và chúng tôi phải nhìn cho kỷ nét mặt đó.  Cậu vẫn còn sống khi tôi đi ngang trước mặt cậu.  Lưỡi cậu vẫn đỏ, mắt cậu chưa đờ đẩn.

Đằng sau tôi, tôi nghe cũng vẫn giọng người ấy hỏi:

“Lúc này Thượng đế ở đâu?”

Và tôi nghe bên trong tôi có tiếng trả lời:

“Ở đâu ư?  Ngài ở đây - Ngài đang bị treo cổ ở đây, trên giá treo cổ này...”

Đêm đó xúp có mùi xác chết.

 

Chương : 1    2    3    4   5    6    7    8    9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 3774
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)